• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Thực phẩm chức năng.

Hide Nguyễn

Du mục số
Thế nào là thực phẩm chức năng ?

04110605.jpg
Đó là loại thực phẩm không chỉ cung cấp dinh dưỡng cơ bản mà còn có chức năng phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe nhờ các chất chống oxy hóa (beta-caroten, lycopen, lutein, vitamin C, vitamin E...), chất xơ và một số thành phần khác.

Loại thực phẩm chức năng được kể đến đầu tiên là những thực phẩm mà khi ở dạng tự nhiên đã có những hoạt chất có lợi với lượng lớn. Tiếp đó là nhóm thực phẩm có ít hoạt chất hơn, phải bổ sung hoặc tinh chế cô đặc lại ở dạng dễ sử dụng, hay gây biến đổi gene để tăng hàm lượng một số chất có lợi.

Có thể dễ dàng nhận biết những thực phẩm chức năng ở dạng tự nhiên được sử dụng hằng ngày. Nhưng với những thực phẩm có bổ sung và biến đổi, bạn phải biết cách đọc nhãn bao bì thực phẩm (với điều kiện chúng phải qua kiểm duyệt một cách nghiêm túc và được sản xuất bởi những công ty uy tín.

Ở Mỹ, hiện nay, thực phẩm chức năng thường được đóng gói giống như những thực phẩm thông thường và trên bao bì cung cấp 2 loại thông tin: xác nhận có lợi cho sức khỏe (health claims) và xác nhận về cấu trúc/chức năng” (structure/function claims). Những thực phẩm được xác nhận có lợi cho sức khỏe phải được cơ quan y tế chứng nhận trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Còn những thực phẩm có xác nhận về cấu trúc/chức năng dùng để chuyển tải những lợi ích tiềm tàng (chứ chưa chắc chắn) của loại thực phẩm đó đối với sức khỏe con người. Ví dụ “có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa” là nội dung thuộc dạng thứ hai, không đòi hỏi có xác nhận của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA), nhưng nhà sản xuất phải xuất trình đầy đủ tài liệu để chứng minh khi đăng ký sản phẩm.

Hiện nay, các nước tiên tiến như Nhật, Anh và Mỹ vẫn đang nỗ lực để ngày càng hoàn thiện hệ thống phân loại, quản lý và phân phối thực phẩm chức năng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên đến nay, thế giới vẫn chưa có một định nghĩa chung về nó vì còn một số thực phẩm muốn dán nhãn với định danh này nhưng không trải qua một thử nghiệm hoặc tuân theo tiêu chuẩn nào. Mặt khác, cũng có một số kiểu “luồn lách”, ví dụ như các thực phẩm chức năng gắn tên “thực phẩm chữa bệnh” (medical foods) sẽ tránh được quy định của FDA, hoặc có trường hợp nhà sản xuất bổ sung thêm một số chất có lợi cho sức khỏe vào các sản phẩm giàu chất béo, cholesterol, đường... để bán ở dạng thực phẩm chức năng. Trên thực tế, mỗi năm ở Mỹ vẫn có hàng nghìn người tiêu dùng than phiền về chất lượng và tính an toàn của chủng loại thực phẩm này.​
Do đó, điều quan trọng là phải phân biệt những thực phẩm chức năng có ích đã được khoa học chứng minh khá đầy đủ với những loại cần nghiên cứu thêm. Không nên vội vàng sử dụng khi mới chỉ có kết quả của một vài nghiên cứu ban đầu.

Dựa trên mức độ tin cậy của các bằng chứng khoa học từ nhiều đến ít, Hội đồng Khoa học và Sức khỏe Mỹ đã xếp loại các thực phẩm chức năng như sau:

Nhóm thực phẩm có bằng chứng đáng tin cậy nhất

- Kẹo nhai không đường và kẹo cứng làm từ loại đường có gốc rượu (không gây sâu răng).

- Những loại làm giảm cholesterol và giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Trong đó có sản phẩm chế biến thô của yến mạch giàu chất xơ không tan và stanol ester; thực phẩm có chất xơ psyllium hòa tan; những thực phẩm chế biến thô từ đậu nành và từ đạm đậu nành có hoạt chất stanol ester, saponins, isoflavones, daidzein và genistein; bơ thực vật có bổ sung stanol thực vật hoặc sterol esters.

Nhóm có bằng chứng đủ độ tin cậy

- Cá nhiều mỡ chứa acid béo omega-3 giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Nhóm có bằng chứng ở mức vừa phải

- Tỏi có các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ như diallyl sulfide làm giảm cholesterol máu...

- Nước ép trái cranberry chứa proanthocyanidins làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

Nhóm có bằng chứng chưa đủ tin cậy, cần nghiên cứu thêm

- Trà xanh chứa catechins làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa.

- Lycopene trong cà chua và các sản phẩm từ cà chua giúp giảm nguy cơ một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến.

Nhóm còn tranh cãi nhiều


- Rau có lá màu xanh đậm chứa lutein làm giảm nguy cơ bệnh thoái hóa võng mạc.

- Thịt và các sản phẩm chế biến từ sữa chứa acid béo CLA (conjugated linoleic acid) rất có ích cho sức khỏe và làm giảm nguy cơ ung thư.​

- Các loại rau họ cải (bông cải xanh, cải bẹ...) chứa hoạt chất sulphoraphane có tác dụng trung hòa các gốc tự do, làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

- Probiotics (ví dụ vi khuẩn lactobacillus) có lợi cho đường tiêu hóa và chức năng miễn dịch.

Như vậy, theo trình tự từ trên xuống thì các nhóm xếp đầu tiên được xác định là có lợi ích rõ ràng. Còn những nhóm sau đòi hỏi chúng ta thận trọng, cân nhắc giữa mục đích phòng chống bệnh tật hoặc tăng cường sức khỏe với tình hình tài chính. Có thể tranh thủ “cơ hội khác” để phòng chống bệnh tốt hơn.

Có phải dùng càng nhiều thực phẩm chức năng thì càng tốt? Thực ra, một chế độ ăn cân đối sẽ có lợi hơn một chế độ ăn có nhiều thực phẩm chức năng nhưng không cân đối. Chính việc quan trọng hóa vai trò phòng chống bệnh của loại thực phẩm này đã gây bối rối và nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Như vậy, bạn nên chọn mua những thương hiệu sản phẩm có uy tín và đọc kỹ các thông tin xác nhận về lợi ích cho sức khỏe. Tốt hơn hết là tự xây dựng cho mình một chế độ ăn cân đối và tạo một nếp sống năng động, lành mạnh.​
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)​
 

Hide Nguyễn

Du mục số
Thực phẩm chức năng: Phân loại và quản lý

Thực phẩm chức năng đang được các chuyên gia đánh giá là một xu thế dinh dưỡng của thế kỷ 21, đáp ứng một phần quan trọng về nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe con người trong cuộc sống hiện đại. Hiện nay, người ta phân loại thực phẩm chức năng tùy theo bản chất, tác dụng hoặc nguồn gốc...



PHÂN LOẠI THỰC PHẨM CHỨC NĂNG:


“Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”; và thường được phân loại theo bản chất cấu tạo và tác dụng của chúng, như sau:


1. Nhóm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất:

Loại này rất phát triển ở Mỹ, Canada, các nước châu Âu, Nhật Bản… như việc bổ sung iode vào muối ăn, sắt vào gia vị, vitamin A vào đường hạt, vitamin vào nước giải khát, sữa… việc bổ sung này ở nhiều nước trở thành bắt buộc, được pháp luật hóa để giải quyết tình trạng “nạn đói tiềm ẩn” vì thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu iode, thiếu vitamin A, thiếu sắt).


Ví dụ:

Nước trái cây với các mùi khác nhau cung cấp nhu cầu vitamin C, vitamin E, b-caroten rất phát triển ở Anh


Sữa bột bổ sung acid Folic, vitamin, khoáng chất rất phát triển ở Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Pháp, Ý, Braxin…


Bổ sung iode vào muối ăn và một số sản phẩm bánh kẹo được phát triển ở trên 100 nước.


Bổ sung vitamin và khoáng chất vào các loại nước tăng lực được phát triển mạnh mẽ ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.


Bổ sung DHA, EPA, w-3… vào sữa, thức ăn cho trẻ…


2. Nhóm thực phẩm chức năng dạng viên:

Đây là nhóm phong phú và đa dạng nhất. Tùy theo nhà sản xuất, có các dạng viên nang, viên nén, viên sủi, chứa các hoạt chất sinh học, vitamin và khoáng chất.


Ví dụ:

Viên C sủi.

Viên tăng lực.
Viên đề phòng loãng xương (có nhiều canxi).
Viên đề phòng thoái hóa khớp.
Các loại thực phẩm chức năng chống ôxy hóa do các viên có chứa hoạt chất sinh học từ thảo dược…
Thực phẩm chức năng chống ung thư.
Thực phẩm chức năng phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn thần kinh và các chứng, bệnh mạn tính khác.

3. Nhóm thực phẩm chức năng “không béo”, “không đường”, “giảm năng lượng”:

Hay gặp là: Nhóm trà thảo dược: Được sản xuất, chế biến để hỗ trợ giảm cân, giảm béo, phòng chống rối loạn một số chức năng sinh lý thần kinh, tiêu hóa, để tăng cường sức lực và sức đề kháng (ví dụ: trà giảm béo, trà sâm…) các loại thực phẩm này dành cho người muốn giảm cân, bệnh tiểu đường…


4. Nhóm các loại nước giải khát, tăng lực:
Được sản xuất, chế biến để bổ sung năng lượng, vitamin, khoáng chất cho cơ thể
khi vận động thể lực, thể dục thể thao…


5. Nhóm thực phẩm giàu chất xơ tiêu hóa:
Chất xơ là các polysaccharide không phải là tinh bột, là bộ khung, giá đỡ của các mô, tế bào thực vật và có sức chống đỡ với các men tiêu hóa của người. Chất xơ có tác dụng làm nhuận tràng, tăng khối lượng phân do đó chống được táo bón, ngừa được ung thư đại tràng. Người ta theo dõi thấy, khối lượng phân nhỏ hơn 100g mỗi ngày dễ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Do đó cần có khối lượng phân lớn hơn 132g mỗi ngày. Điều đó cần lượng chất xơ cần thiết là 17,9g/ngày. Ngoài ra chất xơ còn có vai trò đối với chuyển hóa cholesterol, phòng ngừa nguy cơ suy vành, sỏi mật, tăng cảm giác no, giảm bớt cảm giác đói do đó hỗ trợ việc giảm cân, giảm béo phì, hỗ trợ giảm đái đường.


Nhiều loại thực phẩm giầu chất xơ được sản xuất, chế biến như các loại nước xơ, viên xơ, kẹo xơ…


6. Nhóm các chất tăng cường chức năng đường ruột
bao gồm xơ tiêu hóa sinh học (Probiotics) và tiền sinh học (Prebiotics) đối với hệ vi khuẩn cộng sinh ruột già:


+ Các vi khuẩn cộng sinh (Probiotics) là các vi khuẩn sống trong cơ thể, ảnh hưởng có lợi cho vật chủ nhờ cải thiện hệ vi khuẩn nội sinh. Các vi khuẩn này kích thích chức phận miễn dịch bảo vệ của cơ thể. Các thực phẩm chức năng loại này thường được chế biến từ các sản phẩm của sữa, tạo sự cân bằng vi sinh trong đường ruột. Ví dụ: Lactobacillus casein là 1 loại vi khuẩn gram

(+), không gây bệnh, sử dụng rộng rãi trong chế biến sữa và đã thấy cải thiện miễn dịch tế bào của cơ thể. Người ta thấy vi khuẩn này có ích để đề phòng các dị ứng do IgE trung gian. Người ta cũng nhận thấy Bifidobacteria có hoạt tính tăng cường miễn dịch và khả năng tạo phân bào cao.


+ Các Prebiotics: Là các chất như Oligosaccharide ảnh hưởng tốt đến vi khuẩn ở ruột làm cân bằng môi trường vi sinh và cải thiện sức khoẻ. Các thực phẩm chức năng loại này cung cấp các thành phần thực phẩm không tiêu hoá, nó tác động có lợi cho cơ thể bằng cách kích thích sự tăng trưởng hay hoạt động của một số vi khuẩn đường ruột, nghĩa là tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển, giúp cải thiện sức khoẻ.


+ Synbiotics: Là do sự kết hợp Probiotics và Prebiotics tạo thành. Synbiotics kết hợp tác dụng của vi khuẩn mới và kích thích vi khuẩn của chính cơ thể.


7. Nhóm thực phẩm chức năng đặc biệt:

Thức ăn cho phụ nữ có thai.

Thức ăn cho người cao tuổi.
Thức ăn cho trẻ ăn dặm.
Thức ăn cho vận động viên, phi hành gia.
Thức ăn qua ống thông dạ dày.
Thức ăn cho người có rối loạn chuyển hóa bẩm sinh: người bị Phenylketonuri, Galactosemie…
Thức ăn cho người đái đường.
Thức ăn cho người cao huyết áp.
Thức ăn thiên nhiên: tỏi, trà xanh, các chất sinh học thực vật…

Ngoài cách phân loại như trên, ở một số nước còn có các cách phân loại khác nhau. Ví dụ ở Nhật Bản, bảng phân loại hệ thống FOSHU (Food for Specific Health Use) như sau:


Hệ thống phân loại FOSHU
Tuyên bố về sức khoẻ
Yếu tố chức năng
Số sản phẩm
Loại thực phẩm trên thị trường
Thực phẩm cải thiện đường tiêu hoá
Prebiotics: oligosaccharides, rafftinose, lactulose, arabinose.
Probiotics: lactocillus, bifidobacterium.
336
Nước giải khát, yaourt, bánh biscuit, đường viên, đậu nành đông, dấm, chocolate, soup bột, sữa lên men, miso soup, ngũ cốc
Thực phẩm cho người có cholesterol máu cao
Đạm đậu nành, alginate, chitosan, sitosterol ester
28
Nước giải khát, thịt viên, xúc xích, sữa đậu nành, bánh biscuit, magarin.
Thực phẩm cho người có huyết áp cao
Chuỗi acid amin
42
Nước giải khát, soup, acid lactic, nước uống lên men, đậu nành.
Thực phẩm cho người có triacyglycerol huyết thanh cao
Diaglycerol và sitosterol
9
Dầu ăn
Thực phẩm liên quan hấp thụ và chuyên chở khoáng chất
Casein, calcium citrate isoflavone
17
Nước giải khát, đậu nành lên men (natto), mứt.
Thực phẩm Non-caloriogenic
Manitol, polyphenols, paltinose, xylytol
6
Chocolate, chewing gum.
Thực phẩm cho những người quan tâm đến đường huyết
Bột mì albumin, tiêu hoá globin, polyphenol
4
Kẹo, soup, nước giải khát.

QUẢN LÝ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG:

1. Quan điểm chung:

Có một số nhà kinh doanh cơ hội đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng nên đã quảng cáo quá đáng chức năng của thực phẩm chức năng. Bởi vậy, Hội nghị quốc tế về thực phẩm chức năng đã khuyến cáo: Cần có một hệ thống luật pháp để kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Những quan điểm thống nhất chung là:

Thực phẩm chức năng phải là thực phẩm
, nghĩa là cần phân biệt rõ giữa thuốc và thực phẩm chức năng, nhất là các thực phẩm chức năng nhóm bổ sung vitamin, khoáng chất và hoạt chất sinh học.

Phải an toàn,
các thực phẩm chức năng sử dụng lâu dài, có tính truyền thống được đúc kết là hoàn toàn không độc hại. Đối với thực phẩm chức năng mới, có thành phần mới, độ an toàn phải được chứng minh trên cơ sở khoa học.

Không chấp nhận việc công bố khả năng chữa trị bệnh của thực phẩm chức năng, mặc dù một số nước công nhận khả năng đó.
Mọi công bố về thực phẩm chức năng phải trung thực, rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Các công bố về tác dụng của các chức năng của thực phẩm chức năng và các thành phần của nó đã được xác nhận và công nhận rộng rãi, phải được cơ quan quản lý thừa nhận và được xác nhận trên nhãn.

2. Quản lý thực phẩm chức năng ở Việt Nam:

Do vấn đề “Thực phẩm chức năng” ở Việt Nam còn rất mới, mới cả về tên gọi, hình thức, phương thức, mới cả về quản lý. Vì vậy, mới từ năm 2000 đến 2004 đã có 3 văn bản thay thế nhau của Bộ Y tế để quản lý thực phẩm chức năng:

Thông tư số 17/2000/TT-BYT ngày 27/9/2000 về việc “Hướng dẫn đăng ký các sản phẩm dưới dạng thuốc – thực phẩm”.

Thông tư số 20/2001/TT-BYT ngày 11/9/2001 “Hướng dẫn quản lý các sản phẩm thuốc – thực phẩm”

Thông tư số 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/2004 “Hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng”.

Nội dung chủ yếu của Thông tư số 08 như sau:

2.1. Điều kiện để xác định là thực phẩm chức năng:

Những sản phẩm thực phẩm có bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin, muối khoáng và các chất có hoạt tính sinh học nếu được Nhà sản xuất công bố sản phẩm đó là thực phẩm chức năng; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành chứng nhận phù hợp với pháp luật về thực phẩm và có đủ các điều kiện sau thì được coi là thực phẩm chức năng:

1) Đối với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng: Nếu lượng vi chất đưa vào cơ thể hằng ngày theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn của sản phẩm có ít nhất 1 vitamin hoặc muối khoáng cao hơn 3 lần giá trị của Bảng khuyến nghị nhu cầu dinh dưỡng RNI 2002 (Recommended Nutrient Intakes), ban hành kèm theo Thông tư này, thì phải có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành xác nhận tính an toàn của sản phẩm và phải ghi rõ trên nhãn hoặc nhãn phụ sản phẩm (đối với sản phẩm nhập khẩu) mức đáp ứng RNI của các vi chất dinh dưỡng được bổ sung;

2) Đối với thực phẩm chức năng có chứa hoạt chất sinh học: Nếu công bố sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng trong cơ thể người, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật thì phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của sản phẩm hoặc tài liệu chứng minh về tác dụng của thành phần của sản phẩm có chức năng đó hoặc giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành có nội dung xác nhận công dụng của sản phẩm ghi trên nhãn.

3) Nội dung ghi nhãn của thực phẩm chức năng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về nhãn và các điều kiện sau:

a/ Nội dung hướng dẫn sử dụng cho những sản phẩm có mục đích sử dụng đặc biệt cần phải ghi: Tên của nhóm sản phẩm (thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, thực phẩm ăn kiêng, thực phẩm dinh dưỡng y học), đối tượng sử dụng, công dụng sản phẩm, liều lượng, chống chỉ định, các lưu ý đặc biệt hoặc tác dụng phụ của sản phẩm (nếu có);

b/ Đối với thực phẩm chứa hoạt chất sinh học, trên nhãn hoặc nhãn phụ bắt buộc phải ghi dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”;

c/ Trên nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào hoặc sản phẩm có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

4) Đối với những sản phẩm có chứa vitamin và muối khoáng chưa được đề cập trong Bảng khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng quy định tại Khoản 1 của Mục này, sản phẩm được sản xuất trong nước nhưng chưa rõ là thực phẩm hay thuốc, sản phẩm có chứa các chất có hoạt tính sinh học chưa đủ tài liệu chứng minh tính an toàn và tác dụng của hoạt chất đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Cục quản lý Dược Việt Nam và Vụ Y học cổ truyền - Bộ Y tế xem xét để phân loại và thống nhất quản lý.

2.2. Quản lý đối với thực phẩm chức năng

1) Thực phẩm chức năng có đủ các điều kiện quy định tại Mục II của Thông tư này sẽ được quản lý và thực hiện theo các quy định của pháp luật về thực phẩm. Các sản phẩm này phải được công bố tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế theo đúng qui định của pháp luật về thực phẩm trước khi lưu hành trên thị trường.

2) Việc thông tin, quảng cáo, ghi nhãn sản phẩm được coi là thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo qui định của pháp luật về thông tin, quảng cáo, ghi nhãn và phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

2.3. Tổ chức thực hiện

1) Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức triển khai, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và giám sát việc thực hiện Thông tư này.

2) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành có trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra và giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trong quá trình thực hiện các qui định của Thông tư này.

3) Các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng có trách nhiệm thực hiện các qui định của Thông tư này.


PGS.TS TRẦN ĐÁNG​
 

Hide Nguyễn

Du mục số
Phân biệt thực phẩm chức năng với thực phẩm truyền thống

Có rất nhiều các định nghĩa về thực phẩm chức năng; song tất cả đều thống nhất cho rằng: Thực phẩm chức năng là loại thực phẩm nằm giới hạn giữa thực phẩm (truyền thống – Food) và thuốc (Drug). Thực phẩm chức năng thuộc khoảng giao thoa (còn gọi là vùng xám) giữa thực phẩm và thuốc. Vì thế người ta còn gọi thực phẩm chức năng là thực phẩm - thuốc (Food-Drug). Các nhà chuyên môn đưa ra một số tiêu chí để phân biệt hai loại thực phẩm này như sau:

Thực phẩm chức năng (Functional Food) khác với thực phẩm truyền thống (Food) ở chỗ:

* Được sản xuất, chế biến theo công thức: bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bớt một số thành phần bất lợi (để kiêng). Việc bổ sung hay loại bớt phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (thường là phải theo tiêu chuẩn).


* Có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn (tác dụng với một hay một số chức năng sinh lý của cơ thể) hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. Nghĩa là, thực phẩm chức năng ít tạo ra năng lượng (calorie) cho cơ thể như các loại thực phẩm truyền thống (cơ bản) như các loại thực phẩm gạo, thịt, cá…


TPCN.jpg


Thực phẩm chức năng, thực phẩm và thuốc​

* Liều sử dụng thường nhỏ, thậm chí tính bằng miligram, gram như là thuốc.

* Đối tượng sử dụng có chỉ định rõ rệt như người già, trẻ em, phụ nữ tuổi mãn kinh, người có hội chứng thiếu vi chất, rối loạn chức năng sinh lý nào đó…


Thực phẩm chức năng khác với thuốc ở chỗ:

* Nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định về thực phẩm. Đối với thuốc, nhà sản xuất công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định. Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể.


Ví dụ:
Trà bạc hà


Nếu ghi trên nhãn: Nước uống giải nhiệt, thì là Thực phẩm

Nếu ghi trên nhãn: Chỉ định điều trị rối loạn dạ dày, thì là Thuốc.

* Có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài nhằm nuôi dưỡng (thức ăn qua sonde), bổ dưỡng hoặc phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh… mà vẫn an toàn, không có độc hại, không có phản ứng phụ.


* Người tiêu dùng có thể tự sử dụng theo “hướng dẫn cách sử dụng” của nhà sản xuất mà không cần khám bệnh, hoặc thầy thuốc phải kê đơn…


Việt Anh​
(theo Cục ATVSTP)​
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top