Hanamizuki
New member
- Xu
- 0
THẾ THỨ TRIỀU TRẦN (1225 – 1400)
I – SƠ LƯỢC VỀ TRIỀU TRẦN
Tháng 12 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Triều Trần được dựng lên kể từ đó. Triều Trần (1225-1400) là một trong những triều đại lớn của lịch sử Việt Nam. Nhìn chung, thể chế chính trị, kết cấu giai cấp và xã hội. đặc trưng kinh tế và văn hoá của triều Trần có nhiều điểm tương đồng với triều Lý, khác nhau chăng thì cũng chỉ là ở mức độ mà thôi.
Thời Trần, Đại Việt là một trong những quốc gia hùng cường, có uy danh lừng lẫy, ngoại xâm phải kiêng sợ, lân bang phải kính nể. Thời Trần là thời của hàng loạt những nhân vật lịch sử sáng chói. Về chính trị thì có các vị vua sáng giá như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và các vị vương tước xuất chúng, mà nổi bật hơn cả là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Về quân sự thì có các vị mưu sĩ và các bậc dũng tướng khét tiếng như Trần Thủ Độ, Lê Tần, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng. Trần Quốc Toản, Yết Kiêu. Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Địa Lô… mà kiệt hiệt hơn hết vẫn là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đã khai sinh ra nền khoa học quân sự Việt Nam. Về văn hoá, đây cũng là triều đại đã sản sinh cho lịch sử những nhân vật kì tài như: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Thuyên (tức Hàn Thuyên), Tuệ Tĩnh, Đặng Lộ… và một lần nữa, bao trùm lên tất cả vẫn là tên tuổi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Trải 175 năm cầm quyền, triều Trần đã để lại cho lịch sử những dấu ấn sâu sắc trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau đây là những dấu ấn đáng lưu ý nhất.
1- Về chính trị
– Năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Hoảng để lên làm thượng hoàng. Chế độ nhường ngôi để lên làm thượng hoàng được bắt đầu chính thức kể từ đó.
– Việc cho phép quý tộc thiết lập phủ đệ ở thái ấp riêng đã mở đường cho quý tộc họ Trần vươn tới tột đỉnh của quyền lực chính trị đương thời.
2 – Về quân sự
– Năm 1258, triều Trần đã đẩy lùi cuộc tấn công xâm lược của quân Mông Cổ do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy.
– Năm 1285, triều Trần lại đánh tan hơn nửa triệu quân Nguyên xâm lược.
– Năm 1288, thắng trận Bạch Đằng lịch sử, quân dân triều Trần đã đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên.
3 – Về văn hoá
– Năm 1232, triều Trần đặt ra học vị thái học sinh (học vị này từ năm 1442 đổi gọi là tiến sĩ).
– Năm 1247, triều Trần định lệ tam khôi là danh hiệu cao quý dành riêng cho ba người đỗ cao nhất trông kì thi đình (đó là trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa).
– Cũng trong thời Trần, từ vị trí của chữ viết bổ sung cho chữ Hán, chữ Nôm đã được dùng để sáng tác văn học, tức là đã tiến tới giai đoạn chữ viết văn học.
Không thấy sử chép dân số nước ta thời Trần, nhưng nhiều nhà nghiên cứu ước tính rằng, đầu triều Trần, dân số nước ta ước chừng hơn ba triệu, giữa triều Trần là khoảng gần bốn triệu và cuối thời Trần thì khoảng hơn bốn triệu.
Năm 1306, lãnh thổ nước nhà có được mở rộng, do việc vua Chiêm Thành lúc đó là Chế Mân đã cắt đất châu Ô và châu Rí (cũng viết là châu Lí) dâng cho Đại Việt để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Đối chiếu với bản đồ hiện đại. hai châu này nay tương ứng với phía nam tỉnh Quảng Trị cộng với toàn bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế.
II – THẾ THỨ CÁC VUA THỜI TRẦN
1 – Trần Thái Tông (1225 -1258)
– Họ và tên: Trần Cảnh.
– Nguyên quán: làng Tức Mặc. phủ Thiên Trường, nay là xã Tức Mậc, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định.
– Thân sinh là Trần Thừa: sau được tôn là thượng hoàng và khi mất, miếu hiệu là Thái Tổ, nhưng không làm vua một ngày nào, ngay cả tước thượng hoàng cũng chỉ là hư vị. Thân mẫu người họ Lê, không rõ tên.
– Vua sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218) tại làng Tức Mặc.
– Năm 1224, được tuyển vào cung làm chức Chi hậu chánh chi ứng cục (chức việc lo phục dịch cho nữ hoàng của triều Lý là Lý Chiêu Hoàng).
– Tháng 12 năm Ất Dậu (1225), do Trần Thủ Độ bố trí, Trần Cảnh đã kết hôn với Lý Chiêu Hoàng và ngay sau đó được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi.
– Vua lên ngôi tháng 12 năm Ất Dậu (1225), ở ngôi 33 năm (1225~1258).
– Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), vua nhường ngôi cho con là thái tử Trần Hoảng để lên làm thượng hoàng, và ở ngôi thượng hoàng 19 năm (1258-1277).
– Vua mất ngày 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277), thọ 59 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi 33 năm, vua Trần Thái Tông đã đặt ba niên hiệu sau đây:
•Kiến Trung: 1225 – 1232
•Thiên Ứng Chính Bình: 1232 – 1251
•Nguyên Phong: 1251 – 1258.
2 – Trần Thánh Tông (1258 – 1278)
– Họ và tên: Trần Hoảng.
– Vua là con thứ hai của Trần Thái Tông, thân mẫu là Thuận Thiên thái hậu, người họ Lý. Thực ra, vua là con trưởng. Trước, Thuận Thiên thái hậu từng lấy Trần Liễu (anh ruột Trần Thái Tông) và đã có thai với Trần Liễu được 3 tháng. Người con đầu của Thuận Thiên thái hậu. danh là của Trần Thái Tông mà thực là của Trần Liễu. Bởi danh này mà Trần Hoảng bị coi là con thứ chứ không phải con trưởng của vua Trần Thái Tông.
– Vua sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tí (1240) tại kinh thành Thăng Long. Ngay sau khi sinh đã được lập làm thái tử.
– Vua được Trần Thái Tông truyền ngôi ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258), ở ngôi 20 năm (1258 – 1278). Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), vua nhường ngôi cho con là thái tử Khâm để lên làm thái thượng hoàng 12 năm.
– Vua mất ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290), thọ 50 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi 20 năm. vua Trần Thánh Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Thiệu Long: 1258 – 1272
•Bảo Phù: 1273 – 1278.
3 – Trần Nhân Tông (1278 – 1293)
– Họ và tên: Trần Khâm.
– Vua là con trưởng của Trần Thánh Tông, thân mẫu là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu.
– Vua sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258) tại kinh thành Thăng Long.
– Được lập làm thái tử tháng 12 năm Giáp Tuất (1274).
– Được truyền ngôi ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), ở ngôi 15 năm (1278 – 1293), nhường ngôi để làm thượng hoàng 6 năm (1293 – 1299).
– Năm 1299, Trần Nhân Tông xuất gia tu hành Phật giáo và là người sáng lập ra phái Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta.
– Vua mất ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), thọ 50 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi 15 năm, Trần Nhân Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Thiệu Bảo: 1279 – 1285
•Trùng Hưng: 1285 – 1293.
4 – Trần Anh Tông (1293 – 1314)
– Họ và tên: Trần Thuyên.
– Vua là con trưởng của Trần Nhân Tông, thân mẫu là Bảo Thánh hoàng thái hậu.
– Vua sinh ngày 17 tháng 9 năm Bính Tí (1276), tại kinh thành Thăng Long.
– Được phong làm thái tử tháng 2 năm Nhâm Thìn (1292).
– Được truyền ngôi tháng 3 năm Quý Tị (1293), ở ngôi 21 năm, (1293 – 1314).
– Nhường ngôi để làm thượng hoàng 6 năm (1314 – 1320).
– Mất ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320), thọ 44 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi 21 năm vua Trần Anh Tông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất, đó là Hưng Long (1293 – 1314).
5 – Trần Minh Tông (1314 – 1329)
– Họ và tên: Trần Mạnh.
– Vua là con thứ tư của Trần Anh Tông, thân mẫu là Chiêu Hiến hoàng thái hậu (người họ Trần, con gái của Bảo Nghĩa Đại Vương Trần Bình Trọng).
– Vua sinh năm Canh Ti (1300), được lập làm thái tử năm Ất Tị (1305).
– Được truyền ngôi ngày 18 tháng 3 năm Giáp Dần (1314), ở ngôi 15 năm (1314-1329).
– Nhường ngôi để làm thượng hoàng 28 năm (1329-1357), mất ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), thọ 57 tuổi.
– Trong 15 năm ở ngôi, Trần Minh Tông đã đặt hai niên hiệu, đó là:
•Đại Khánh: 1314-1323
•Khai Thái: 1324-1329
6 – Trần Hiến Tông (1329 – 1341)
– Họ và tên: Trần Vượng.
– Vua là con thứ của Trần Minh Tông, thân mẫu là Minh Từ hoàng thái phi.
– Vua sinh ngày 17 tháng 5 năm Kỉ Mùi (1319) tại kinh thành Thăng Long.
– Được lập làm thái tử ngày 7 tháng 2 năm Kỉ Tị (1329).
– Được truyền ngôi ngày 15 tháng 2 năm Kỉ Tị (1329), ở ngôi 12 năm (1329-1341).
– Vua mất ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341), thọ 22 tuổi.
– Trần Hiến Tông là vị vua đầu tiên của triều Trần chưa kịp nhường ngôi cho con để lên làm thượng hoàng thì mất.
– Trong thời gian 12 năm ở ngôi, Trần Hiến Tông chỉ đặt một niên hiệu, đó là Khai Hựu (1329 – 1341).
7 – Trần Dụ Tông (1341 – 1369)
– Họ và tên: Trần Hạo.
– Vua là con thứ 10 của Trần Minh Tông (em của vua Trần Hiến Tông), thân mẫu là Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu.
– Vua sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tí (1336).
– Ngày 21 tháng 8 năm Tân Tị (1341), vua được thượng hoàng Trần Minh Tông đưa lên ngôi.
– Vua ở ngôi 28 năm (1341 – 1369), chưa làm thượng hoàng thì đã mất vào ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), thọ 33 tuổi.
– Trong thời gian 28 năm ở ngôi. vua Trần Dụ Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Thiệu Phong: 1341 – 1357
•Đại Trị: 1358 – 1369.
8 – Dương Nhật Lễ (1369 – 1370)
– Dương Nhật Lễ vốn là con của người kép hát tên là Dương Khương. Vợ Dương Khương đang có thai với Dương Khương thì bỏ Dương Khương mà lấy Cung Túc Vương Dục (là con thứ của thượng hoàng Trần Minh Tông). Khi Dương Nhật Lễ sinh ra, Cung Túc Vương Dục nhận Iàm con, nhưng không được bao lâu thì Cung Túc Vương Dục mất.
– Bấy giờ, thượng hoàng Trần Minh Tông cũng đã mất, vua Trần Dụ Tông thì không còn, cho nên quyền bính nằm hết trong tay bà Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu.
– Ngày 15 tháng 6 năm Kỉ Dậu (1369), Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu đưa Dương Nhật Lễ lên ngôi.
– Nhân cơ hội lớn này, Dương Nhật Lễ bức hại Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu cùng nhiều quý tộc họ Trần, cốt để giành ngôi báu cho họ Dương.
– Ngày 21 tháng 11 năm Canh Tuất (1370), Dương Nhật Lễ bị Trần Phủ cùng triều thần giết chết.
– Không rõ năm ấy Dương Nhật Lễ bao nhiêu tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Dương Nhật Lễ có đặt một niêu hiệu, đó là Đại Định (1369 – 1370).
9 – Trần Nghệ Tông (1370 – 1372)
– Họ và tên: Trần Phủ.
– Vua là con thứ ba của Trần Minh Tông, thân mẫu là Minh Từ hoàng thái phi (em ruột của bà Đôn Từ hoàng thái phi), người họ Lê.
– Vua sinh ngày tháng 12 năm Tân Dậu (1321).
– Lên ngôi ngày 15 tháng 11 năm Canh Tuất (1370), sau khi đã lật đổ Dương Nhật Lễ (Dương Nhật Lễ cũng đồng thời là con rể của Trần Nghệ Tông).
– Vua ở ngôi hai năm (1370 – 1372), nhường ngôi để làm thượng hoàng 22 năm (1372-1394).
– Mất ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất (1394), thọ 73 tuổi.
– Trong thời gian 2 năm ở ngôi, Trần Nghệ Tông chỉ đặt một niên hiệu. đó là Thiệu Khánh (1370 – 1372).
10 – Trần Duệ Tông (1372 – 1377)
– Họ và tên: Trần Kính.
– Vua là con thứ 11 của Trần Minh Tông (em của vua Trần Nghệ Tông), thân mẫu là Đôn Từ hoàng thái phi (chị ruột của Minh Từ hoàng thái phi).
– Vua sinh ngày 2 tháng 6 năm Đinh Sửu (1337), được lập làm thái tử tháng 4 năm Tân Hợi (1371) và được truyền ngôi ngày 9 tháng 11 năm Nhâm Tí (1372).
– Vua ở ngôi 5 năm (1372 – 1377), mất ngày 24 tháng 1 năm Đinh Tị (1377) khi đang đi đánh Chiêm Thành, thọ 40 tuổi.
– Trong thời gian 5 năm ở ngôi, vua Trần Duệ Tông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất, đó là Long Khánh (1372 – 1377).
11 – Trần Phế Đế (1377 – 1388)
– Họ và tên: Trần Hiện.
– Vua là con trưởng của Trần Duệ Tông, thân mẫu là Gia Từ hoàng thái hậu, người họ Lê.
– Vua sinh ngày 6 tháng 3 năm Tân Sửu (1361).
– Lên ngôi ngày 13 tháng 5 năm Đinh Tị (1377), ở ngôi 11 năm (1377 – 1388).
– Mất ngày 6 tháng 12 năm Mậu Thìn (1388) vì bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông bức tử, thọ 27 tuổi.
– Trong thời gian 11 năm ở ngôi, Trần Phế Đế chỉ đặt một niên hiệu là Xương Phù (1377 – 1388).
12 – Trần Thuận Tông (1388 – 1398)
– Họ và tên: Trần Nhung.
– Vua là con út của Trần Nghệ Tông, thân mẫu là Lê thái hậu (không rõ tên và hiệu).
– Vua sinh năm Mậu Ngọ (1378), lên ngôi năm Mậu Thìn (1388), ở ngôi 10 năm (1388-1398), đi tu theo đạo Phật một năm (1398-1399).
– Tháng 4 năm Kỉ Mão (1399), vua bị Hồ Quý Ly sai người bức tử, thọ 21 tuổi (Hồ Quý Ly cung chinh là nhạc phụ của vua).
– Trong thời gian ở ngôi, Trần Thuận Tông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Quang Thái (1388 – 1398).
13 – Trần Thiếu Đế (1398 – 1400)
– Họ và tên: Trần An.
– Vua là con trưởng của Trần Thuận Tông, thân mẫu người họ Hồ (con gái của Hồ Quý Ly), tước hiệu là Khâm Thánh hoàng thái hậu.
– Vua sinh năm Bính Tí (1396), lên ngôi ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (1398), ở ngôi 2 năm (1398 – 1400).
– Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), bị Hồ Quý Ly cướp ngôi rồi bị giáng làm Bảo Ninh Đại Vương. Vua vốn là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết, nhưng sau không rõ mất vào lúc nào.
– Trong thời gian ở ngôi, vua có niên hiệu là Kiến Tân (từ 1398 đến 1400).
Trong số 13 vua nối nhau trị vì 175 năm, ta thấy:
– Có sáu vua là Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Nghệ Tông, chỉ làm vua một thời gian, sau đó nhường ngôi cho con hoặc cho em (như trường hợp Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho Trần Duệ Tông) hoặc cho cháu (như trường hợp Trần Nghệ Tông cho Trần Phế Đế nối ngôi) để làm thượng hoàng.
– Vua thọ nhất là Trần Nghệ Tông (73 tuổi), vua mất sớm nhất là Trần Thuận Tông (21 tuổi).
– Có một vua vốn người khác họ là Dương Nhật Lễ (1369 – 1370).
– Vua ở ngôi lâu nhất là Trần Thái Tông (33 năm), vua ở ngôi ngắn nhất là Trần Nghệ Tông và Trần Thiếu Đế (đều 2 năm).
– Vua lên ngôi sớm nhất là Trần Thiếu Đế (lúc mới 2 tuổi) và vua lên ngôi muộn nhất là Trần Nghệ Tông (lúc 49 tuổi).
– Người ở ngôi thượng hoàng lâu nhất là Trần Minh Tông (28 năm) và ngắn nhất là Trần Nhân Tông vâ Trần Anh Tông (đều 6 năm).
– Có hai vua xuất gia tu hành là Trần Nhân Tông (9 năm) và Trần Thuận Tông (1 năm).
III – THẾ THỨ THỜI HẬU TRẦN (1407 – 1413)
Cuối năm 1406, núp dưới danh nghĩa phù Trần diệt Hồ, quân Minh đã tràn sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống xâm lăng do nhà Hồ lãnh đạo đã nhanh chóng bị thất bại, đất nước phải chịu hai mươi năm tủi nhục dưới ách đô hộ của kẻ thù. Nhưng cũng chính trong thời gian bị đô hộ ấy, một loạt những cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã bùng nổ, trong số đó, có cuộc khởi nghĩa do Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng lãnh đạo. Do chỗ Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng đều là quý tộc họ Trần và đều xưng đế, cho nên, sử vẫn gọi thời Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng là thời hậu Trần.
Xét về trật tự thời gian, thời hậu Trần xuất hiện sau triều Hồ, nhưng thể theo thói quen xưa nay, chúng tôi đưa thời hậu Trần vào ngay sau phần giới thiệu thế thứ các vua thời Trần.
Thời hậu Trần có hai vua cụ thể sau đây:
1 – Giản Định Đế (1407 – 1409)
– Họ và tên: Trần Ngỗi (cũng có sách viết là Trần Quỹ).
– Vua là con thứ của Trần Nghệ Tông, chưa rõ thân mẫu là ai và cũng chưa rõ vua sinh vào năm nào.
– Đầu năm 1407, khi quân Minh xâm lược nước ta, vua chạy vào phủ Trường Yên (nay thuộc Ninh Bình).
– Tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), vua lên ngôi tại Mô Độ, phủ Trường Yên, nay là Yên Mô, Ninh Bình. Vì trước đó vua có hiệu là Giản Định, nên khi lên ngôi, xưng là Giản Định Đế.
– Tháng 12 năm Mậu Tí (1408), do mâu thuẫn nội bộ, vua chạy về thành Ngự Thiên (nay thuộc Hưng Hà, Thái Bình), nhưng vẫn dốc chí đánh giặc.
– Ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409), vua bị tướng của Trần Quý Khoáng là Nguyễn Suý bắt được, dẫn về Nghệ An với nghĩa quân Trần Quý Khoáng.
– Ngày 7 tháng 4 năm ấy, được tôn là thượng hoàng (lúc này Trần Quý Khoáng xưng là Trùng Quang Đế).
– Tháng 7 năm Kỉ Sửu, bị quân Minh bắt và bị hại.
– Trong gần hai năm ở ngôi, Giản Định Đế đặt niên hiệu là Hưng Khánh.
2 – Trùng Quang Đế (1409 – 1413)
– Họ và tên: Trần Quý Khoáng (cũng viết là Trần Quý Khoách).
– Vua là con thứ của Mẫn Vương Trần Ngạc, cháu gọi Trần Nghệ Tông là ông nội, gọi Giản Định Đế là chú ruột, chưa rõ vua sinh năm nào.
– Vua lên ngôi ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409) tại Chi La (nay là Hà Tĩnh).
– Vua bị quân Minh bắt vào tháng 11 Quý Tị (1413) và giải về Trung Quốc. Tháng 4 năm Canh Ngọ (1414), trên đường bị giải về Trung Quốc, vua nhảy xuống nước tự vẫn.
– Trong thời gian gần 5 năm ở ngôi. vua đặt một niên hiệu là Trùng Quang.
Theo nghiên cứu Lịch sử