Hanamizuki
New member
- Xu
- 0
THẾ THỨ TRIỀU LÊ
I – VÀI NÉT VỀ TRIỀU LÊ
1 – Đặc điểm của triều Lê
Sau khi quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, triều Lê được dựng lên. Từ đây, chế độ sở hữu lớn của quý tộc bị hạn chế để rồi bị xoá bỏ, thay vào đó là chế độ sở hữu nhỏ của giai cấp địa chủ mới. Từ đây, chế độ bóc lột nông nô và nô tì bị đẩy lùi, thay vào đó là chế độ bóc lột tá điền. Từ đây, Nho giáo chiếm lĩnh vị trí độc tôn trên vũ đài chính trị và tư tưởng của nước nhà trong một thời gian khá dài. Từ đây, thi cử Nho học là phương thức chủ yếu để tuyển lựa quan lại… Tất cả những yếu tố này đã gây ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến thiết chế chính trị, kinh tế và xã hội của nước nhà.
Xét về danh nghĩa chính thống, triều Lê là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử nước ta. Tuy nhiên, lịch sử triều Lê cũng là lịch sử của một triều đại có nhiều biến cố lớn lao. Buổi đầu, triều Lê rất thịnh đạt, nhưng vừa được 100 năm thì bị họ Mạc cướp ngôi. Sau một thời kì hỗn chiến, triều Lê đã trở về được với kinh thành Thăng Long, nhưng cũng kể từ đó, chúa Trịnh thâu tóm hết mọi quyền hành.
Từ giữa thế kỉ thứ XVI, một cục diện cát cứ mới đã xuất hiện, đó là cục diện Trịnh – Nguyễn. Cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyễn đều mượn danh nghĩa vua Lê để tấn công lẫn nhau. Lúc này, thật khó mà nói đến sự hiện hữu của một triều Lê thực sự. Tuy nhiên, sách này nói về thế thứ trước sau chứ không bàn đến năng lực cụ thể của mỗi triều vua, cho nên mạnh, yếu mặc dầu, chúng tôi đều thống kê ra đây đầy đủ.
2 – Lãnh thổ nước ta thời Lê
Thời Lê, lãnh thổ nước nhà có được mở rộng hơn trước. Sự mở rộng này đã diễn ra liên tục dưới thời Lê, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ giới thiệu những gì trực tiếp phản ánh hoạt động của nhà Lê trên lĩnh vực này mà thôi:
– Tháng 7 năm Mậu Thìn (1448), Bồn Man xin được nội thuộc nước ta. Vua Lê lúc ấy là Lê Nhân Tông đã đồng ý. Đất Bồn Man được triều Lê đổi thành châu Quy Hợp. Đối chiếu với bản đồ hiện đại, châu này nay là vùng phía Tây của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
– Tháng 2 năm Tân Mão (1471), vua Lê lúc ấy là Lê Thánh Tông đã đem quân đánh Chiêm Thành. Với cuộc tấn công này, Lê Thánh Tông đã chiếm của Chiêm Thành một vùng đất rộng lớn, kéo dài từ Quy Nhơn trở ra.
Không thấy sử cũ chép về dân số, tuy nhiên, có thể ước tính dân số nước ta vào cuối đời Lê Thánh Tông vào khoảng trên dưới sáu triệu người.
II – THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA THỜI LÊ
1 – Lê Thái Tổ (1428-1433)
– Họ và tên: Lê Lợi.
– Thân sinh của vua là Lê Khoáng, nguyên là trại chủ Lam Sơn (Thanh Hoá), sau được tôn phong là Tuyên Tổ Phúc Hoàng Đế. Thân mẫu là Trịnh Thị Ngọc Thương, sau được tôn phong là Trịnh Từ Ỷ Văn hoàng thái hậu.
– Vua sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385) tại Chủ Sơn, Lôi Dương (nay thuộc tỉnh Thanh Hoá).
– Ngày mồng 2 Tết năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược. Lúc ấy, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương.
– Sau hơn mười năm chiến đấu ngoan cường, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã giành toàn thắng.
– Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi hoàng đế tại kinh thành Thăng Long.
– Vua ở ngôi gần 6 năm, mất ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), thọ 48 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Lợi chỉ đặt một niên hiệu là Thuận Thiên (1428 – 1433).
2 – Lê Thái Tông (1433 – 1442)
– Họ và tên: Lê Nguyên Long.
– Vua là con thứ của Lê Thái Tổ, thân mẫu là Phạm hoàng hậu (huý là Phạm Ngọc Trần).
– Vua sinh ngày 21 tháng 11 năm Quý Mão (1423) tại Thanh Hoá.
– Được lập làm thái tử ngày 6 tháng 1 năm Kỉ Dậu (1429) và được lên nối ngôi ngày 8 tháng 9 năm Quý Sửu (1433). Vua ở ngôi 9 năm, mất ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), thọ 19 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Thái Tông đã đặt hai niên hiệu. Đó là:
•Thiệu Bình: 1434 – 1439
•Đại Bảo: 1440 – 1442.
3 – Lê Nhân Tông (1442 – 1459)
– Họ và tên: Lê Bang Cơ.
– Vua là con thứ ba của Lê Thái Tông, thân mẫu là Tuyên Từ hoàng thái hậu (huý là Nguyễn Thị Anh, người Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hoá).
– Vua sinh ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu (1441), được lập làm thái tử ngày 16 tháng 11 năm 1441.
– Ngày 8 tháng 12 năm Nhâm Tuất (1442), được lên nối ngôi. Vua ở ngôi gần 17 năm, mất ngày 3 tháng 10 năm Kỉ Mão (1459) vì bị anh là Lê Nghi Dân giết, thọ 18 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Nhân Tông đã đặt hai niên hiệu là:
•Thái Hoà: 1443 – 1453
•Diên Ninh: 1454 – 1459.
4 – Lê Nghi Dân (1459 – 1460)
– Lê Nghi Dân là con trưởng của Lê Thái Tông, thân mẫu là bà Dương Thị Bí.
– Sinh vào tháng 6 năm Kỉ Mùi (1439). Ngày 21 tháng 3 năm Canh Thân (1440) được lập thái tử, nhưng đến tháng 1 năm Tân Dậu (1441) thì bị giáng truất, cho làm Lạng Sơn Vương.
– Ngày 3 tháng 10 năm Kỉ Mão (1459), Lê Nghi Dân cùng đồ đảng nổi dậy giết chết Lê Nhân Tông rồi tự lập làm vua.
– Ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) thì bị triều thần giết, thọ 21 tuổi.
– Trong thời gian 8 tháng ở ngôi, Lê Nghi Dân có đặt một niên hiệu là Thiên Hưng.
5 – Lê Thánh Tông (1460 – 1497)
– Họ và tên: Lê Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông, thân mẫu là Quang Thục thái hậu (huý là Ngô Thị Ngọc Dao).
– Vua sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442).
– Ngày 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460), nghĩa là hai ngày sau khi Lê Nghi Dân bị giết, Lê Tư Thành được triều thần tôn lên ngôi.
– Vua ở ngôi 37 năm, mất ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tị (1497), thọ 55 tuổi.
Trong thời gian 37 năm ở ngôi, Lê Thánh Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Quang Thuận: 1460 – 1469
•Hồng Đức: 1470 – 1497.
6 – Lê Hiến Tông (1497 – 1504)
– Họ và tên: Lê Tranh, lại có tên khác là Lê Huy.
– Vua là con trưởng của Lê Thánh Tông, thân mẫu là Trường Lạc thái hậu (huý là Nguyễn Thị Hằng, người ở Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, Thanh Hoá) là con gái của Trịnh Quốc Công Nguyễn Đức Trung.
– Vua sinh ngày 10 tháng 8 năm Tân Tị (1461), được lập làm thái tử tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1462), lên nối ngôi tháng 2 năm Đinh Tị (1497).
– Vua ở ngôi hơn 7 năm, mất ngày 24 tháng 5 năm Giáp Tí (1504) thọ 43 tuổi.
– Trong thời gian hơn 7 năm ở ngôi, Lê Hiến Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Thống (1498 – 1504).
7 – Lê Túc Tông (1504)
– Họ và tên: Lê Thuần.
– Vua là con thứ ba (trong số 6 người con trai) của Lê Hiến Tông. Thân mẫu là Trang Thuận Minh Ý hoàng thái hậu, huý là Nguyễn Thị Hoàn, quán xã Bình Lăng, huyện Thiên Thi, nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
– Vua sinh ngày 3 tháng 8 năm Mậu Thân (1488), được lập làm thái tử tháng 12 năm Kỉ Mùi (1499), lên nối ngôi từ tháng 6 năm Giáp Tí (1504), ở ngôi được 6 tháng thì mất vào tháng 12 năm Giáp Tí (1504), thọ 16 tuổi.
– Trong 6 tháng ở ngôi, vua có đặt một niên hiệu là Thái Trịnh (1504).
8 – Lê Uy Mục (1505 – 1509)
– Họ và tên: Lê Tuấn, lại có tên khác là Lê Huyên.
– Vua sinh ngày 5 tháng 5 năm Mậu Thân (1488).
– Vua là con thứ hai của Lê Hiến Tông, thân mẫu là Chiêu Nhân hoàng thái hậu, huý là Nguyễn Thị Cận, quán xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, nay thuộc Bắc Ninh.
– Vua lên ngôi tháng 12 năm Giáp Tí (1504), ở ngôi 5 năm, bị giết mà mất vào ngày 1 tháng 12 năm Kỉ Tị (1509) thọ 21 tuổi.
– Trong thời gian 5 năm ở ngôi, Lê Uy Mục có đặt một niên hiệu là Đoan Khánh (1505 – 1509).
9 – Lê Tương Dực (1510-1516)
– Họ và tên: Lê Oanh (cũng đọc là Lê Oánh), lại có tên khác là Lê Trừ.
– Vua là con của Kiến Vương Tân (Kiến Vương Tân là con thứ năm của Lê Thánh Tông, em của vua Lê Hiến Tông, chú của Lê Túc Tông và Lê Uy Mục). Thân mẫu là Từ Huy Hoàng thái hậu, huý là Trịnh Thị Tuyên, người xã Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tinh Thanh Hoá, con gái của quan Tả tôn chính Trịnh Trọng Phong.
– Vua sinh năm Quý Sửu (1493), thời Lê Hiến Tông, được phong là Giản Tu Công, khi Lê Uy Mục lên ngôi, vì kinh thành có biến nên chạy vào Thanh Hoá.
– Tháng 10 năm Kỉ Tị (1509), được quần thần tôn lên ngôi để lo việc lật đổ Lê Uy Mục. Tháng 12 năm đó (1509), giết Lê Uy Mục mà lên ngôi.
– Vua ở ngôi hơn 6 năm, bị giết vào ngày 7 tháng 4 năm Bính Tí (1516), thọ 23 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi vua có đặt một niên hiệu là Hồng Thuận (1509 – 1516).
10 – Lê Chiêu Tông (1516 – 1522)
– Họ và tên: Lê Y, lại còn có tên khác là Lê Huệ.
– Vua là con của Cẩm Giang Vương Sùng, cháu đích tôn của Kiến Vương Tân. Thân mẫu của vua huý là Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương, Nghệ An, sau được tôn phong là Trịnh thái hậu.
– Vua sinh ngày 4 tháng 10 năm Bính Dần (1506) ở ngôi 6 năm (1516 – I522), bỏ kinh đô chạy vào Thanh Hoá ngày 18 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1522), bị giết vào tháng 12 năm Canh Dần (1530), thọ 24 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Chiêu Tông có đặt một niên hiệu là Quang Thiệu (1516 – 1522).
11 – Lê Cung Hoàng (1522 – 1527)
– Họ và tên: Lê Xuân, lại có tên khác là Lê Khánh.
– Vua là con của Cẩm Giang Vương Sùng. cùng thân mẫu với Lê Chiêu Tông, em ruột của Lê Chiêu Tông, nên sử thường chép về vua trước khi lên ngôi là Hoàng Đệ Xuân (em ruột của vua, tên là Xuân).
– Vua sinh ngày 26 tháng 7 năm Đinh Mão (1507), lên ngôi tháng 12 năm 1522 (khi Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hoá).
– Vua ở ngôi 5 năm. Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi, sau đó vài tháng thì bị giết, thọ 20 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Cung Hoàng chỉ đặt một niên hiệu là Thống Nguyên (1522 – 1527).
12 – Lê Trang Tông (1533 – 1548)
– Họ và tên: Lê Ninh, lại có tên khác là Lê Huyến.
– Vua là con của Lê Chiêu Tông, thân mẫu là Phạm hoàng hậu,huý là Phạm Thị Ngọc Quỳnh, quê ở sách Cao Trí (nay thuộc Thanh Hoá).
– Sừ chép vua sinh năm Ất Hợi (1515), chúng tôi lấy làm ngờ vì năm đó Lê Chiêu Tông mới 8 tuổi, làm sao có con được.
– Vua lên ngôi năm Quý Tị (1533) tại Thanh Hoá, là vị vua đầu tiên của Nam Triều trong cuộc hỗn chiến Nam – Bắc Triều (hay hỗn chiến Lê – Mạc).
– Vua ở ngôi 15 năm, mất ngày 29 tháng 1 năm Mậu Thân (1548) thọ 33 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, vua chỉ đặt một niên hiệu là Nguyên Hoà (1533 – 1548).
13 – Lê Trung Tông (1548 – 1556)
– Họ và tên: Lê Huyên.
– Vua là con trưởng của Lê Trang Tông, thân mẫu là ai thì chưa rõ.
– Sử chép vua sinh năm Giáp Ngọ (1534) chúng tôi cũng lấy làm ngờ, bởi không dám chắc Lê Trang Tông sinh năm 1515.
– Vua lên ngôi năm Mậu Thân (1548), ở ngôi 8 năm, mất ngày 24 tháng 1 năm Bính Thìn (1556), thọ 22 tuổi (?) Vua không có con nối dõi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Trung Tông có đặt một niên hiệu là Thuận Bình (1548 – 1556).
14 – Lê Anh Tông (1556 – 1573)
– Họ và tên: Lê Duy Bang (cháu 5 đời của Lê Trừ, anh Lê Lợi). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 18, tờ 7) cho biết Lê Trừ là anh Lê Lợi. Lê Trừ sinh ra Lê Khang, Lê Khang sinh ra Lê Thọ, Lê Thọ sinh ra Lê Duy Thiệu, Lê Duy Thiệu sinh ra Lê Duy Quang, Lê Duy Quang sinh ra Lê Duy Bang.
– Thân mẫu của vua người Bố Vệ, huyện Đông Sơn, nay thuộc tỉnh Thanh Hoá, chưa rõ họ tên và tước hiệu.
– Vua sinh năm Nhâm Thìn (1532), lên ngôi năm Bính Thìn (1556), ở ngôi 17 năm, bỏ Thanh Hoá chạy vào Nghệ An để tránh loạn năm 1572, bị giết ngày 22 tháng 1 năm Quý Dậu (1573), thọ 41 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Anh Tông có đặt 3 niên hiệu sau đây:
•Thiên Hựu: 1556 – 1557
•Chính Trị: 1558 – 1571
•Hồng Phúc: 1572 – 1573.
15 – Lê Thế Tông (1573 – 1599)
– Họ và tên: Lê Duy Đàm.
– Vua là con thứ 5 của Lê Anh Tông. thân mẫu chưa rõ.
– Vua sinh tháng 11 năm Đinh Mão (1567), tại Thanh Hoá.
– Lên ngôi ngày 1 tháng 1 năm Quý Dậu (1573), khi mới sáu tuổi. Bấy giờ, Lê Anh Tông còn đang chạy loạn ở Nghệ An.
– Vua ở ngôi 26 năm, mất ngày 24 tháng 8 năm Kỉ Hợi (1599) vì bệnh, thọ 32 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, vua Lê Thế Tông có đặt hai niên hiệu sau đây:
•Gia Thái: 1573 – 1577
•Quang Hưng: 1578 – 1599.
16 – Lê Kính Tông (1599 – 1619)
– Họ và tên: Lê Duy Tân.
– Vua là con thứ của Lê Thế Tông, thân mẫu là ai chưa rõ.
– Vua sinh năm Mậu Tí (1588), lên ngôi ngày 27 tháng 8 năm Kỉ Hợi (1599), ở ngôi 20 năm, bị giết ngày 12 tháng 5 năm Kỉ Mùi (1619), thọ 31 tuổi.
– Trong thời gian 20 năm ở ngôi, Lê Kính Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Thận Đức: 1600 – 1601
•Hoằng Định: 1601 – 1619.
17 – Lê Thần Tông (1619 – 1643 và 1649 – 1662)
– Họ và tên: Lê Duy Kỳ.
– Vua là con trưởng của Lê Kính Tông, thân mẫu là Đoan Từ hoàng thái hậu, huý là Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ của Bình An Vương Trịnh Tùng).
– Vua sinh ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi (1607).
– Vua hai lần lên ngôi.
•Lần thứ nhất lên ngôi vào tháng 6 năm Kỉ Mùi (1619), sau khi vua cha là Lê Kính Tông bị giết. Lần này vua ở ngôi 24 năm (1619 – 1643). Sau đó, nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu để lên làm thượng hoàng 6 năm (1643 – 1649).
•Lần thứ hai lên ngôi vào tháng 10 năm Kỉ Sửu (1649) sau khi con là vua Lê Chân Tông mất. Lần này ở ngôi 13 năm (1649 – 1662).
– Vua mất ngày 22 tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), thọ 55 tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, vua Lê Thần Tông đã đặt 6 niên hiệu sau đây:
Hai niên hiệu cho lần ở ngôi thứ nhất là:
•Vĩnh Tộ: 1619 – 1629
•Đức Long: 1629 – 1643
Bốn niên hiệu cho lần ở ngôi thứ hai là:
•Khánh Đức: 1649 – 1653
•Thịnh Đức: 1653 – 1658
•Vĩnh Thọ: 1658 – 1662
•Vạn Khánh: 1662 (vừa đặt thì mất).
18 – Lê Chân Tông (1643 – 1649)
– Họ và tên: Lê Duy Hựu.
– Vua là con trưởng của Lê Thần Tông, thân mẫu là Trịnh thái hậu (không rõ tên).
– Vua sinh năm Canh Ngọ (1630), được truyền ngôi tháng 10 năm Quý Mùi (1648), ở ngôi 6 năm, mất vào tháng 8 năm Kỉ Sửu (1649), thọ 19 tuổi. Vua không có con nối dõi.
– Trong thời gian 6 năm ở ngôi, vua có đặt một niên hiệu là Phúc Thái (1643 – 1649).
19 – Lê Huyền Tông (1662 – 1671)
– Họ và tên: Lê Duy Vũ.
– Vua là con thứ của vua Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông, thân mẫu là Phạm hoàng hậu, huý là Phạm Thị Ngọc Hậu.
– Vua sinh năm Giáp Ngọ (1654), được lập làm thái tử từ tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), lên ngôi tháng 11 năm 1662.
– Vua ở ngôi 9 năm, mất ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671), thọ 17 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, vua chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Trị (1663 – 1671).
20 – Lê Gia Tông (1671 – 1675)
– Họ và tên: Lê Duy Cối, lại có tên khác là Lê Duy Khoái.
– Vua là con thứ của Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông. Thân mấu của vua là bà Chiêu Nghi Lê Thị Ngọc Hoàn. Thuở nhỏ, vua được bà chính phi của chúa Trịnh Doanh là Trịnh Thị Ngọc Lung nuôi dưỡng, nên khi vua lên ngôi, mẹ nuôi được tôn là Quốc Thái Mẫu, còn mẹ sinh chỉ được tôn là Chiêu Nghi.
– Vua sinh năm Tân Sửu (1661), được lên nối ngôi ngày 19 tháng 11 năm Tân Hợi (1671), ở ngôi 4 năm, mất ngày mồng 3 tháng 4 năm Ất Mão (1675), thọ 14 tuổi, không có con để nối dõi.
– Trong thời gian ở ngôi, vua có đặt hai niên hiệu là:
•Dương Đức: 1672 – 1674
•Đức Nguyên: 1674 – 1675
21 – Lê Hy Tông (1675 – 1705)
– Họ và tên: Lê Duy Hiệp.
– Vua là con của Lê Thần Tông, khi Lê Thần Tông mất, vua vẫn chưa chào đời. Vua là em của Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông Thân mẫu của vua là bà Trịnh Thị Ngọc Trúc (cũng có sách viết là Trịnh Thị Ngọc Tấn), con gái của chúa Trịnh Tráng.
– Vua sinh ngày 15 tháng 3 năm Quý Mão (1663), lên ngôi ngày 12 tháng 6 năm 1675, ở ngôi 30 năm
– Vua nhường ngôi cho con trưởng để lên làm thượng hoàng 11 năm (1705 – 1716), mất tháng 4 năm Bính Thân (1716), thọ 53 tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Lê Hy Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Vĩnh Trị: 1676 – 1679
•Chính Hoà: 1680 – 1705.
22 – Lê Dụ Tông (1705 – 1729)
– Họ và tên: Lê Duy Đường.
– Vua là con trưởng của Lê Hy Tông, thân mẫu là thái hậu họ Nguyễn, huý là Nguyễn Thị Ngọc Đệ, quán xã Trùng Quán, huyện Đông Ngàn (nay thuộc Bắc Ninh).
– Vua sinh tháng 10 năm Canh Thân (1680), lên ngôi tháng 4 năm 1705, ở ngôi 24 năm (1705 – 1729), nhường ngôi để làm thượng hoàng 2 năm (1729 – 1731), mất vào tháng 1 năm Tân Hợi (1731), thọ 51 tuổi.
– Trong thời gian 24 năm ở ngôi, Lê Dụ Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
•Vĩnh Thịnh: 1705 – 1720
•Bảo Thái: 1720 – 1729.
23 – Lê Đế Duy Phường (1729 – 1732)
– Họ và tên: Lê Duy Phường.
– Vua là con thứ của Lê Dụ Tông. thân mẫu người họ Trịnh.
– Vua sinh năm Kỉ Sửu (1709), được lập làm thái tử từ ngày 8 tháng 7 năm Đinh Mùi (1727), lên ngôi ngày 21 tháng 4 năm Kỉ Dậu (1729), ở ngôi 3 năm, bị chúa Trịnh là Trịnh Khương (tức Trịnh Giang) phế làm Hôn Đức Công ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Tí (1732), đến tháng 9 năm Ất Mão (1735) thì bị giết, thọ 26 tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Lê Đế Duy Phường có đặt một niên hiệu Vĩnh Khánh (1729 – 1732).
24 – Lê Thuần Tông (1732 – 1735)
– Họ và tên: Lê Duy Tường.
– Vua là con trưởng của Lê Dụ Tông, anh của Lê Đế Duy Phường, thân mẫu người họ Nguyễn.
– Vua sinh vào tháng 2 năm Kỉ Mão (1699), lên ngôi ngày 26 tháng 8 năm Nhâm Tí (1732), ở ngôi 3 năm, mất vào ngày rằm tháng 4 năm Ất Mão (1735), thọ 36 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, Lê Thuần Tông có đặt một niên hiệu là Long Đức (1732 – 1735).
25 – Lê Ý Tông (1735 – 1740)
– Họ và tên: Lê Duy Thận, lại có tên là Duy Chấn.
– Vua là con thứ 11 của Lê Dụ Tông, em ruột của Lê Thuần Tông (Duy Tường), thân mẫu chưa rõ.
– Vua sinh vào tháng 2 năm Kỉ Hợi (1719), lên ngôi ngày 27 tháng 4 năm Ất Mão (1735), ở ngôi 5 năm (1735 – 1740), nhường ngôi để làm thượng hoàng 19 năm (1740 – 1759), mất vào tháng 6 (nhuận) năm Kỉ Mão (1759), thọ 40 tuổi.
– Trong thời gian 5 năm ở ngôi, Lê Ý Tông chỉ đặt một niên hiệu là Vĩnh Hựu (1735 – 1740).
26 – Lê Hiển Tông (1740 – 1786)
– Họ và tên: Lê Duy Diêu.
– Vua là con trưởng của Lê Thuần Tông, gọi Lê Ý Tông là chú ruột, được Lê Ý Tông truyền ngôi cho, thân mẫu là người họ Đào, quán xã Bảo Vực, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).
– Vua sinh vào tháng 4 năm Đinh Dậu (1717), được truyền ngôi ngày 21 tháng 5 năm Canh Thân (1740), ở ngôi 46 năm, mất vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), thọ 69 tuổi.
– Trong thời gian 46 năm ở ngôi, Lê Hiển Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Hưng (1740 – 1786).
27 – Lê Chiêu Thống (1786 – 1788)
– Họ và tên: Lê Duy Kỳ, lại có tên khác là Lê Tư Khiêm.
– Chiêu Thống là con trưởng của thái tử Lê Duy Vĩ, tức là cháu đích tôn của Lê Hiển Tông. Thái tử Lê Duy Vĩ vì trước đó phạm tội, bị phế làm thứ dân nên không được truyền ngôi. Thân mẫu của Lê Chiêu Thống hiện chưa rõ.
– Lê Chiêu Thống sinh năm Ất Dậu (1765), lên ngôi tháng 8 năm Bính Ngọ (1786), ở ngôi 2 năm, sau mất vì bệnh khi đang sống lưu vong tại Trung Quốc vào tháng 10 năm Quý Sửu (1793), thọ 28 tuổi.
– Trong thời gian ở ngôi, vua có đặt một niên hiệu là Chiêu Thống (1786 – 1788). Thực ra, sử vẫn gọi Lê Chiêu Thống là Lê Mẫn Đế, nhưng trong trường hợp đặc biệt này, thể theo kí ức mang dấu ấn tình cảm không được tốt đẹp của dân gian, chúng tôi viết là Lê Chiêu Thống, sau mới chú thích rằng đó chính là Lê Mẫn Đế.
Trở lên là các vua họ Lê. Tuy không liên tục và quyền bính thăng trầm không dứt, nhưng trước sau, xét về danh nghĩa, họ Lê cũng đã truyền ngôi được 360 năm, gồm 27 đời vua. Trong số 27 đời vua nói trên, chúng ta thấy:
– 11 vua đầu, nối nhau trị vì 100 năm, tuy mạnh yếu không đều nhau, nhưng nhìn chung, đó là những vị vua của thời cường thịnh. Sử gọi đó là thời Lê Sơ.
– Các vua từ đời thứ 12 trở đi, quyền lực càng ngày càng bị thu nhỏ, để rồi cuối cùng chỉ còn là danh nghĩa tượng trưng mà thôi. Khái niệm thời Lê trung hưng mà sử cũ vẫn thường nói đến có lẽ là không ổn.
– Cũng từ 27 vị vua nói trên, chúng ta thấy:
•Có ba vua chỉ làm vua một thời gian rồi nhường ngôi để làm thượng hoàng. Đó là: Lê Thần Tông, Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông.
•Vua thọ nhất là Lê Hiển Tông (69 tuổi), vua mất sớm nhất là Lê Gia Tông (14 tuổi).
•Có 7 vua chỉ sống không quá 20 tuổi. Đó là: Lê Thái Tông (19 tuổi), Lê Nhân Tông (18 tuổi), Lê Túc Tông (16 tuổi), Lê Cung Hoàng (20 tuổi), Lê Chân Tông (19 tuổi), Lê Huyền Tông (17 tuổi) và Lê Gia Tông (14 tuổi).
•Có 7 vua chỉ thọ từ trên 20 đến 30 tuổi. Đó là: Lê Nghi Dân (21 tuổi), Lê Uy Mục (21 tuổi), Lê Tương Dực (28 tuổi), Lê Chiêu Tông (24 tuổi), Lê Trung Tông (22 tuổi), Lê Đế Duy Phường (27 tuổi) và Lê Chiêu Thống (28 tuổi).
•Vua lên ngôi muộn nhất là Lê Thái Tổ (năm 43 tuổi), vua lên ngôi sớm nhất là Lê Nhân Tông (lúc 1 tuổi).
•Có 5 vua lên ngôi từ lúc 10 tuổi trở xuống. Đó là: Lê Thái Tông (10 tuổi), Lê Nhân Tông (1 tuổi), Lê Chiêu Tông (10 tuổi), Lê Thế Tông (6 tuổi) và Lê Gia Tông (10 tuổi).
•Vua ở ngôi lâu nhất là Lê Hiển Tông (46 năm), vua ở ngôi ngắn nhất là Lê Nghi Dân (8 tháng), Lê Túc Tông (6 tháng).
•Có một người làm vua hai lần, đó là Lê Thần Tông.
•Có 7 vua thọ từ 40 tuổi trở lên. Đó là: Lê Thái Tổ (48 tuổi), Lê Thánh Tông (55 tuổi), Lê Hiến Tông (43 tuổi), Lê Anh Tông (41 tuổi), Lê Thần Tông (55 tuổi), Lê Ý Tông (40 tuổi) và Lê Hiển Tông (69 tuổi).
•Vua đặt nhiều niên hiệu nhất: Lê Thần Tông (tổng cộng hai lần làm vua, đặt 6 niên hiệu).
•Có 8 vua chết vì bị giết. Đó là: Lê Nghi Dân, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng, Lê Anh Tông, Lê Kính Tông và Lê Đế Duy Phường.
•Vua được lịch sử tôn làm anh hùng là Lê Thái Tổ, vua có tên tuổi rực rỡ nhất trong thời kì trị nước là Lê Thánh Tông, vua bị đời đời lên án vì tội phản quốc là Lê Chiêu Thống.
Theo nghiên cứu lịch sử