THƯ GỬI CÁC EM HỌC SINH THÂN YÊU
NHÂN NGÀY HỘI KHAI TRƯỜNG NĂM HỌC MỚI
NHÂN NGÀY HỘI KHAI TRƯỜNG NĂM HỌC MỚI
Bừng nở sang nay một vườn hoa rực rỡ sắc màu, nhìn những đoá hoa xinh xắn nở trên môi đàn em thơ hẳn ai cũng thêm rạo rực. Bao tâm hồn trẻ ngập tràn niềm vui hồ hởi đón chào một năm học mới với bao niềm tin yêu và hy vọng. Hẳn ai cũng cầu mong cho mình một năm học mới đạt nhiều điểm tốt, nhiều tình bạn chân thành, đẹp đẽ, có thêm nhiều tình cảm sâu sắc với thầy cô, bạn bè và hơn hết là mang về cho gia đình nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc, với bao niềm ước mơ cho ngày mai.
Các em biết không? Tuổi trẻ chính là mùa xuân của cuộc đời và xã hội, thời học sinh là thời đẹp nhất, trong sáng và hồn nhiên nhất của một đời người. Các em hãy cố gắng học tập và sống có ích, cố gắng từng ngày từng giờ, từng bước để vượt lên chính mình dù chỉ là từng bước nhỏ. Hãy cố gắng tu dưỡng, rèn luyện và trau dồi kiến thức, đạo đức mỗi ngày để làm hành trang cho cuộc đời sau này. Các em có quyền đòi được người lớn và xã hội đối xử với các em bằng quyền của trẻ em. Đừng đòi quyền được làm người lớn khi tuổi và tâm hồn các em vẫn còn là trẻ thơ, nhận thức của các em chưa đầy đủ, trách nhiệm công dân của các em còn ở cha mẹ của chính các em. Đừng ham mê những trò vui vô bổ như : Game, chát… Đừng học đòi và đòi quyền làm người lớn, những trò ấy không những vừa tiêu tốn thời gian của bản thân mà còn tiêu tốn tiền bạc của cha mẹ, chúng sẽ cuốn các em vào con đường sa đoạ, vào vòng tội lỗi. Đó là con đường ngắn nhất dẫn các em tới hư hỏng, phạm tội, huỷ hoại chính mình. Thầy rất đau lòng khi biết được rằng trong xã hội ngày nay đối tượng phạm tội nằm trong lứa tuổi học sinh mà trong đó có cả học sinh THCS gia tăng ngày một nhiều với những tội danh nghiêm trọng như: giết người, trộm cắp cướp tài sản, hiếp dâm, vv…
Đất nước ta đang trên đường đổi mới, đời sống kinh tế xã hội đang từng bước thay da đổi thịt. Điều đó có nghĩa là các em đang được thừa hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn lên từng ngày. Ngày nay các em được học tập dưới ánh sáng đèn điện mà không còn phải học tập dưới ánh sáng đèn dầu lờ mờ và hôi hám như ngày xưa của thế hệ cha anh, các em không còn phải đến trường trong điều kiện không đủ sách vở và quần áo, hay phải học tập trong các phòng học tạm bợ bằng tranh tre nứa lá mà mỗi khi mùa mưa đến thì giột nát, gió lùa và tăm tối. Ngày nay các em quen đến trường bằng xe đạp hay xe máy của bố mẹ, đến trường thậm chí còn có cả máy nghe nhạc, điện thoại có chức năng quay phim, chụp hình mà trong đó còn có cả thẻ nhớ, có thể mang theo cả máy tính cá nhân rất tiện lợi. Các em có đủ các loại sách vở và phương tiện học tập hiện đại như máy tính cá nhận, đàn điện tử, máy tính điện tử, ti vi, máy chiếu màn hình cở lớn với những bài giảng có ứng dụng CNTT, các tiết dạy được các thầy cô tâm huyết đầu tư. Các em được ngồi trong những phòng học khang trang tiện nghi đầy đủ. Những điều kiện đó chỉ mới đây thôi là thế hệ của thầy cũng không bao giờ được biết đến.
Sẽ là khập khiểng khi so sánh với quá khứ, khi đem ra so sánh điều kiện đời sống kinh tế giữa thế hệ các em với thế hệ cha anh, nhưng nếu không có lịch sử thì làm sao có được hiện tại và tương lai. Ngày nay phần đông thế hệ trẻ quên đi lịch sử, quên đi truyền thống “Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ người trồng cây”, chỉ biết hưởng thụ, quen nhìn lên, quen nhìn về phía trước mà không nhìn lại lịch sử để thấy được mình là người được thừa hưởng hạnh phúc như thế nào. Cũng phải thừa nhận rằng: Cả xã hội và gia đình các em dù đã rất quan tâm đến điều kiện học tập, vui chơi và giải trí của các em nhưng dù sao vẫn còn chưa đủ, đặc biệt đối với trẻ em vùng nông thôn, chúng ta có quá ít sân chơi lành mạnh, quá ít các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, các trò chơi dân gian để các em để các em có điều kiện tham gia, để được giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống. Đó là một thiệt thòi lớn cho các em. Nhưng các em ạ! Hãy biết chấp nhận và vươn lên, vì nhiều nơi trên đất nước ta các bạn vẫn còn phải chịu thiệt thòi nhiều lắm. Thầy là người đã từng trực tiếp đi dạy ở các vùng như vậy, vùng sâu vùng xa nơi mà các bạn hàng ngày vẫn lội suối trèo non đi bộ hàng chục ki-lô-mét thậm chí là vài chục ki-lô-mét để đến trường, nhiều bạn phải ở lại trong các lều tạm bợ dựng lên cạnh trường, cứ cuối tuần mới được về nhà một lần để lấy gạo, củi. Các bạn ấy phải học tập trong các phòng tranh tre rất tồi tàn nhưng vẫn rất nổ lực cố gắng từng ngày.
Mặt trái của sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội và đặc biệt là sự phát triển bùng nổ trên lĩnh vực CNTT đã tác động sâu sắc, là nguyên nhân lôi kéo các em nhất là những em thiếu hiểu biết vào các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều như: chơi game, đọc và xem các ấn phẩm văn hóa độc hại, đồi trụy, bạo lực… Gia đình thì không đủ điều kiện về thời gian để chăm sóc, theo dõi các em. Rất nhiều mặt trái từ đời sống ngày nay đã dễ dàng tác động trực tiếp vào chúng ta những ai thiếu nhận thức, non nớt, thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh. Bên cạnh đó một số cha mẹ chỉ mãi mê kiếm tiền, không quan tâm giáo dục con cái khiến các em bị bỏ rơi, các em không hiểu, không xác định được mục đích nhiệm vụ của mình là học tập mà chỉ ham chơi, ham vật chất, chỉ đòi hưởng thụ, lười học tập rèn luyện.
Việt Nam chúng ta là một đất nước phải trải qua chiến tranh triền miên, hòa bình lập lại chưa được bao lâu, ảnh hưởng của chiến tranh vẫn còn nặng nề, phải vươn lên từ một đất nước có nên kinh tế hết sức nghèo nàn và lạc hậu. Để có được một cuộc sống như ngày nay đã phải đánh đổi quá nhiều thương đau, máu xương và trí tuệ của lớp lớp người đi trước. Vẫn còn đó những chứng tích sống của chiến tranh, những hậu quả nặng nề từ chiến tranh để lại. Còn biết bao anh hùng liệt sỹ vô danh, biết bao thương binh, những bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người mang trong mình chất độc da cam tàn ác… Nhưng họ vẫn khát khao sống và làm việc có ích cho xã hội. Thế mà phần đông lớp trẻ ngày nay không biết tới điều đó, họ không quen làm mà chỉ quen hưởng thụ, sống không ý chí, nghị lực, không hoài bão và không ước mơ.
Tại sao các em không ước mơ? Chúng ta có quyền ước mơ những điều lớn lao lắm chứ! Dải đất nhỏ bé cong cong hình chữ S có diện tích khiêm tốn trên bản đồ thế giới nhưng rất tươi đẹp này đã có một lịch sử lâu đời, đã từng lập nên bao trang sử vẻ vang chấn động địa cầu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị… Ngày xưa đã có biết bao danh nhân ghi tên mình trong sử sách, làm rạng rỡ non sông, được nhân dân thế giới tôn thờ như người anh hùng Ngô Quyền, vua Quang Trung, nhà bác học Lê Quý Đôn, ông Trạng Nguyễn Hiền, đại thi hòa Nguyễn Du, chủ tịch Hồ Chí Minh, vv… Thì ngày nay vẫn tiếp tục có biết bao tấm gương vượt khó vươn lên khẳng định mình bằng con đường học tập, họ góp phần tô thêm trang sử vẻ vang ấy bằng những kết quả thật đáng trân trọng. Việt Nam là quốc gia luôn đứng trong tốp những quốc gia dẫn đầu trong các kỳ Olympic quốc tế các môn văn hóa mà năm vừa qua chúng ta danh dự được quyền tổ chức một trong những cuộc thi này, cuộc thi Olympic Vật lý năm học 2008-2009. Thầy đã thấy được nhiều em học sinh có động lực đúng đắn, có cố gắng vượt bậc trong học tập và rèn luyện. Điều đó rất đáng mừng, nhưng thầy mong muốn tất cả các em đều cố gắng học tập rèn luyện để trở thành những đứa con ngoan, những con người tốt, sẵn sàng bước vào cuộc sống mới, cuộc sống của thời đại mới. Thực sự là những con người năng động của thế kỷ XXI.
Hoài bão, ước mơ chính là động lực, là đôi cánh nâng các em đến với những chân trời tươi sáng, giúp các em hiểu và phấn đấu để đạt được mục đích của việc học tập và chính cuộc sống của các em. Hãy xác định rõ mục tiêu của mình, hiểu đúng nhiệm vụ của người con trong gia đình, người học sinh trong nhà trường để học và chơi đúng cách. Các em hoàn toàn có thể là người viết nên nhưng trang sử vẻ vang tiếp theo của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn:
"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu."
Hãy góp phần nhỏ bé của mình làm nên một vườn hoa đẹp luôn nở thắm trong ngôi trường thân yêu của mình các em nhé!
Thân chào các em!
Nguồn: violet
Nguồn: violet