Hanamizuki
New member
- Xu
- 0
THẾ THỨ CÁC TRIỀU ĐẠI Ở BUỔI ĐẦU CỦA KỈ NGUYÊN ĐỘC LẬP VÀ TỰ CHỦ
(Đầu thế kỉ thứ X đến đầu thế kỉ XI)
(Đầu thế kỉ thứ X đến đầu thế kỉ XI)
I – THẾ THỨ HỌ KHÚC
Năm 905, Độc Cô Tổn nguyên là tể tướng của nhà Đường bị giáng chức sang đô hộ nước ta. Vừa sang được hai tháng thì Độc Cô Tổn lại bị đày ra đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi bị giết chết ở đó.
Bấy giờ, bản thân triều đình nhà Đường cũng đang thoi thóp thở những hơi thở cuối cùng. Năm Đinh Mão (907), Chu Ôn đã lật đổ nhà Đường và Trung Quốc lại lâm vào một thời kì hỗn chiến mới, sử gọi là thời Ngũ đại thập quốc hay thời Ngũ quý.
Do loạn lạc, không có ai được cử sang thay Độc Cô Tổn làm quan đô hộ nữa. Nhân cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ đã nổi lên, tự lập một bộ máy chính quyền độc lập và tự chủ. Tuy Khúc Thừa Dụ và con cháu của ông không xưng đế cũng không xưng vương, không đặt quốc hiệu cũng không đặt niên hiệu, nhưng rõ ràng, Khúc Thừa Dụ nói riêng và họ Khúc nói chung, đã có công đặt dấu chấm hết cho thời Bắc thuộc và xây nền tảng đầu tiên cho kỉ nguyên độc lập và tự chủ mới của nước nhà.
Họ Khúc truyền được ba đời, cụ thể như sau:
1 – Khúc Thừa Dụ (905-907)
Sinh năm nào không rõ. Nguyên quán Hồng Châu (nay là vùng Cúc Bồ, Ninh Giang. Hải Dương). Trước năm 905, Khúc Thừa Dụ là hào trưởng của Hồng Châu. Cuối năm 905, Khúc Thừa Dụ tự xưng là tiết độ sứ (tên chức danh của quan đô hộ Trung Quốc ở nước ta lúc bấy giờ).
Ngày 7 tháng 2 năm 906. vua nhà Đường chẳng những thừa nhận chức tước của Khúc Thừa Dụ mà còn gia phong cho Khúc Thừa Dụ tước Đồng Bình Chương Sự.
Khúc Thừa Dụ mất vì bệnh ngày 23 tháng 7 năm 907, không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
2 – Khúc Hạo (907-917)
Con của Khúc Thừa Dụ, không rõ sinh năm nào. Năm 906, Khúc Hạo được cha cho giữ chức Tĩnh hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu. Đấy là chức của người cầm đầu lực lượng vũ trang.
Ngày 1 tháng 9 năm 907, hoàng đế của nhà Hậu Lương (một trong Ngũ Đại của Trung Quốc) là Chu Ôn phong cho Khúc Hạo làm An Nam đô hộ. sung tiết độ sứ.
Ông mất vào năm 917, không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
3 Khúc Thừa Mỹ (917-930)
Con của Khúc Hạo. không rõ sinh năm nào. Thời Khúc Hạo, ông từng được cử đi sứ sang Trung Quốc. Khúc Hạo mất, ông được lên nối chức và nhà Hậu Lương cũng phong ông làm An Nam đô hộ, sung tiết độ sứ.
Tháng 7 năm 930, quân Nam Hán sang xâm lược nước ta. Trong cuộc đọ sức này, Khúc Thừa Mỹ bị thất bại và bị bắt. Sau, không rõ ông mất năm nào, thọ bao nhiêu tuổi.
Họ Khúc cầm quyền tổng cộng 25 năm, từ năm Ất Sửu (905) đến năm Canh Dần (930), gồm ba đời.
II – CHÍNH QUYỀN DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ (931 – 937)
1 – Lý lịch xuất thân: Dương Đình Nghệ (cũng có sách viết là Dương Diên Nghệ, có lẽ vì trong Hán tự, mặt chữ Đình và chữ Diên gần giống nhau nên nhầm lẫn mà ra), quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, nay thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, sinh năm nào không rõ. Dưới thời họ Khúc, Dương Đình Nghệ vừa là hào trưởng của đất Dương Xá. vừa là một trong những bộ tướng của họ Khúc.
2 – Sự nghiệp chính trị: Khi quân Nam Hán xâm lược và đô hộ nước ta, Dương Đình Nghệ quyết chí nổi dậy giành độc lập. Sử cũ cho biết, ông nuôi đến 3000 nghĩa tử (con nuôi) trong nhà, đồng thời, ra sức hiệu triệu hào kiệt bốn phương hợp sức xướng nghĩa. Những nhân vật nổi tiếng đương thời như: Ngô Quyền ở Phong Châu (nay thuộc Sơn Tây, Hà Tây), Đinh Công Trứ ở Trường Châu (Ninh Bình)… đều theo về với Dương Đình Nghệ.
Năm 931, Dương Đình Nghệ đem quân ra quét sạch bọn đô hộ Nam Hán, tái lập nền độc lập và tự chủ. Ông tự xưng là tiết độ sứ, cử Đinh Công Trứ làm thứ sử Hoan Châu, Ngô Quyền làm thứ sử Ái Châu.
Tháng 4 năm 937, Dương Đình Nghệ bị một bộ tướng, cũng là con nuôi của ông giết chết để giành quyền. Kẻ phản bội đó là Kiều Công Tiễn. Đất nước đứng trước một nguy cơ nghiêm trọng mới.
Dương Đình Nghệ cầm quyền được 7 năm, thọ bao nhiêu tuổi không rõ.
III – THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN NGÔ VƯƠNG (938 – 965)
1 – Tiền Ngô Vương (938-944)
– Họ, tên: Ngô Quyền.
– Sinh năm Mậu Thân (898) tại Phong Châu (nay thuộc Hà Tây). Cha là Ngô Mân, nguyên hào trưởng của vùng này.
– Lí lịch chính trị trước khi xưng vương: Năm 931, hưởng ứng lời hiệu triệu của Dương Đình Nghệ, ông vào Thanh Hoá, được Dương Đình Nghệ giữ làm nha tướng và gả con gái cho. Khi Dương Đình Nghệ cầm quyền, ông được phong làm thứ sử Ái Châu. Năm 937, khi Kiều Công Tiễn giết chết Dương Đình Nghệ, ông đem quân ra giết chết Kiều Công Tiễn và sau đó đánh tan quân Nam Hán xâm lăng ở trận Bạch Đằng lịch sử (năm 938). Sau chiến thắng, ông lên ngôi.
– Năm Kỉ Hợi (939), Ngô Quyền xưng vương, (sử gọi là Tiền Ngô Vương) đóng đô ở Cổ Loa. Con gái của Dương Đình Nghệ là Dương Thị Như Ngọc được phong làm hoàng hậu.
– Thời gian ở ngôi: 6 năm (938 – 944).
– Ngô Quyền mất năm Giáp Thìn (944) thọ 46 tuổi.
2 – Dương Bình Vương (945-950)
– Ho, tên: Dương Tam Kha (con của Dương Đình Nghệ và là anh vợ của Ngỏ Quyền). Sinh và mất năm nào không rõ.
– Lên ngôi năm 945. Bấy giờ, Dương Tam Kha nhận di chiếu lo giúp rập con của Ngô Quyền, nhưng đã cướp ngôi và xưng là Dương Bình Vương. Con trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập hoảng sợ chạy trốn về Nam Sách (nay thuộc Hải Dương). Dương Tam Kha nhận con thứ của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn làm con nuôi. còn các con khác của Ngô Quyền như: Ngô Nam Hưng, Ngô Càn Hưng thì còn bé nên giao cho bà Dương Thị Như Ngọc nuôi.
– Năm Canh Tuất (950): Dương Tam Kha bị Ngô Xương Văn lật đổ và bị giáng làm Chương Dương Công, cho được hưởng thực ấp ở Chương Dương (nay thuộc Thường Tín, Hà Tây).
– Dương Bình Vương ở ngôi 5 năm, sau mất năm nào. thọ bao nhiêu tuổi không rõ.
3 – Hậu Ngô Vương (951-965)
– Họ, tên: Ngô Xương Văn (con thứ của Tiền Ngô Vương; mẹ là Dương thái hậu, tức bà Dương Thị Như Ngọc), sinh năm nào không rõ.
– Lên ngôi năm Tân Hợi (951), xưng là Nam Tấn Vương.
– Cũng trong năm 951, Nam Tấn Vương cho người đi đón anh ruột là Ngô Xương Ngập (trước đó đi lánh nạn Dương Tam Kha) về cùng trông coi việc nước. Ngô Xương Ngập về, xưng là Thiên Sách Vương. Vì lẽ đó, thời Hậu Ngô Vương đồng thời có hai vua.
– Năm Ất Sửu (965), Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn bị tử trận khi đem quân đi đánh ở Thái Bình. Trước đó (năm Giáp Dần, 954), Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập cũng đã mất vì bệnh. Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương thọ bao nhiêu tuổi không rõ.
– Từ khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất, đất nước lâm vào một thời kì hỗn chiến loạn lạc, sử gọi là loạn mười hai sứ quân. Con của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập lên nối ngôi, rốt cuộc cũng chỉ thực sự là một trong số 12 sứ quân mà thôi.
Chính quyền họ Ngô tồn tại trước sau 27 năm, gồm 4 đời vua, trong đó có một vua khác họ (Dương Bình Vương) và hai vua cùng đồng thời ở ngôi là Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương.
Thời Ngô Vương, vì muốn có một khu vực địa lí khép kín, thuận lợi cho công cuộc phòng thủ, Ngô Quyền đã cắt Thang Châu, Chi Châu, Vũ An Châu và Vũ Nga Châu trả về cho Trung Quốc, bởi thế, lãnh thổ của nước ta có phần hẹp hơn đất đai của An Nam Đô Hộ Phủ do nhà Đường lập ra.
Không thấy sử chép dân số nước ta thời Ngô Vương.
4 – Danh sách 12 sứ quân
Như trên đã nói, sau khi Nam Tấn Vương mất, đất nước đã lâm vào một thời kì hỗn chiến loạn lạc giữa các thế lực cát cứ. Sử gọi đó là loạn lạc 12 sứ quân. Chúng tôi lược kê danh sách 12 sứ quân đó như sau:
01 – Ngô Xương Xí (con của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập) chiếm giữ đất Bình Kiều, nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
02 – Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công), chiếm giữ đất Bố Hải Khẩu (nay thuộc Tiền Hải, Thái Bình). Đinh Bộ Lĩnh là thuộc tướng của Trần Lãm.
03 – Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh Công), chiếm giữ vùng Tiên Du, Bắc Ninh.
04 – Lý Khuê (xưng là Lý Lãng Công), chiếm giữ vùng Siêu Loại, nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh.
05 – Lã Đường (xưng là Lã Tá Công), chiếm giữ vùng Tế Giang, nay thuộc Hưng Yên.
06 – Phạm Bạch Hổ (xưng là Phạm Phòng Át), chiếm giữ vùng Đằng Châu, nay thuộc Hưng Yên.
07 – Nguyễn Siẻu (xưng là Nguyễn Hữu Công), chiếm giữ vùng Phù Liệt, nay là huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.
08 – Nguyễn Khoan (xưng là Nguyễn Thái Bình), chiếm giữ vùng Tam Đới, nay thuộc Vĩnh Phúc.
09 – Kiều Công Hãn (xưng là Kiều Tam Chế), chiếm giữ vùng Phong Châu, nay là Phú Thọ.
10 – Kiều Thuận (xưng là Kiều Lệnh Công), chiếm giữ vùng Cẩm Khê, nay thuộc vùng giáp giới giữa Hà Tây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
11 – Đỗ Cảnh Thạc, chiếm giữ vùng Đỗ Động Giang, nay thuộc Thanh Oai, Hà Tây.
12 – Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công), chiếm giữ vùng Đường Lâm, nay thuộc Hà Tây.
Như vậy, ngoài 12 sứ quân lớn nói trên, những năm từ giữa thế kỉ thứ X trở đi, có những vùng trên lãnh thổ nước gần như không phụ thuộc vào một chính quyền cụ thể nào cả. Tại những vùng này, vai trò của các cự tộc, của các hào trưởng còn rất mạnh. Họ là những sứ quân không xưng tên.
III – THẾ THỨ TRIỀU ĐINH (968 – 981)
1 – Đinh Tiên Hoàng (968-979)
– Họ và tên: Đinh Bộ Lĩnh.
– Sinh năm Giáp Thân (924), tại Hoan Châu (Nghệ An).
– Vua là con của thứ sứ Hoan Châu Đinh Công Trứ. Nguyên Đinh Công Trứ là bộ tướng của Dương Đình Nghệ. Khi Dương Đình Nghệ chết, Đinh Công Trứ theo về với Ngô Quyền, được Ngô Quyền cho giữ chức thứ sử Hoan Châu như cũ. Đinh Công Trứ mất tại Hoan Châu, thân mẫu của Đinh Bộ Lĩnh người họ Đàm, đem con về quê là đất Trường Châu (nay thuộc Ninh Bình).
– Thời hỗn chiến 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh theo về với Trần Lãm. Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh được quyền thống lĩnh lực lượng, lần lượt đánh tan tất cả các sứ quân.
– Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đó là Đinh Tiên Hoàng. Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình (năm 970) và định đô ở Hoa Lư (nay thuộc Ninh Bình).
– Vua ở ngôi 12 năm (từ đầu năm 968 đến cuối năm 979), mất vì bị kẻ bề tôi phản loạn là Đỗ Thích giết vào tháng 10 năm Kỉ Mão (979), thọ 55 tuổi.
2 – Đinh Phế Đế (980)
Họ, tên: Đinh Toàn, con thứ của Đinh Tiên Hoàng Đế, mẹ người họ Dương.
– Vua sinh năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình thứ 5 (974). Đầu năm Kỉ Mão (979), con trưởng của Đinh Tiên Hoàng Đế là Nam Việt Vương Liễn vì ghen ghét mà giết chết em là thái tử Hạng Lang. Tới tháng 10 năm đó, đến lượt Đinh Tiên Hoàng Đế và Nam Việt Vương Liễn cùng bị Đỗ Thích giết hại. Đinh Toàn nhờ đó được đưa lên ngôi.
– Vua ở ngôi 8 tháng, đặt niên hiệu là Thiên Phúc. Tháng 7 năm Canh Thìn (980), vì vua còn quá nhỏ (6 tuổi) mà tình hình đối nội cũng như đối ngoại lại rất rối ren, triều đình đã tôn quan Thập đạo tướng quân của nhà Đinh là Lê Hoàn lên ngôi. Vua từ đó bị phế làm Vệ Vương.
– Vua mất năm Tân Măo (991) khi đi đánh trận, thọ 17 tuổi.
Như vậy, triều Đinh tồn tại được 12 năm, truyền được hai đời vua. Đinh Tiên Hoàng Đế và các con của ông đều chết bất đắc kì tử.
Không thấy sử chép dân số nước nhà thời Đinh. Về lãnh thổ, đất đai Đại Cồ Việt so với đất đai nước nhà thời Ngô Vương không có gì thay đổi lớn.
V – THẾ THỨ TRIỀU TIỀN LÊ (980 – l009)
Lịch sử nước ta có hai triều Lê chính thống. Một là triều Tiền Lê, mở đầu là Lê Hoàn, và hai là triều Hậu Lê, mở đầu là Lê Lợi. Ngoài ra, triều Hồ cũng thường dân được gọi là triều Lê. Lí do của hiện tượng này, chúng tôi sẽ trình bày ở phần thế thứ triều Hồ.
1 – Lê Hoàn (980-1005)
– Họ và tên: Lê Hoàn. Sử cũ vừa chép miếu hiệu của Lê Hoàn là Lê Đại Hành, lại vừa chép lời của sử thần Lê Văn Hưu (Bản kỉ, quyển 1, tờ 25-a) cho rằng hai chữ Đại Hành là một sự nhầm lẫn đáng trách. Đây theo tác giả của Đại Việt sử kí là Lê Văn Hưu mà chép là Lê Hoàn.
– Thân sinh của vua không rõ tên, chỉ biết được tôn phong làm Trường Hưng Vương vào cuối năm 980, mẹ người họ Đặng, cũng được tôn phong làm Hoàng thái hậu vào cuối năm 980.
– Vua sinh năm Tân Sửu (941) ở Ái Châu (nay thuộc Thanh Hoá), thời Đinh Tiên Hoàng Đế, được trao chức Thập đạo tướng quân là chức đứng đầu lực lượng vũ trang đương thời.
– Tháng 7 năm Canh Thìn (980), vua được triều thần tôn lên ngôi thay cho vua nhà Đinh lúc bấy giờ là Đinh Toàn còn quá nhỏ tuổi.
– Vua ở ngôi 25 năm (980 – 1005).
– Niên hiệu: Thiên Phúc (láấ lại niên hiệu của Đinh Toàn) từ năm 980 đến năm 988, Hưng Thống từ năm 989 đến năm 993 và Ứng Thiên từ năm 994 đến năm 1005.
– Vua mất tháng 3 năm Ất Tị (1005), thọ 64 tuổi.
2 – Lê Trung Tông (1005)
– Họ và tên: Lê Long Việt, con thứ ba của Lê Hoàn, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ (con gái của quan giữ chức Chi hậu, tên là Diệu, không rõ họ là gì).
– Vua sinh năm Quý Mùi (983), được lập làm thái tử năm Giáp Thìn (1004).
– Tháng 3 năm Ất Tị (1005), Lê Hoàn mất, các con chém giết nhau để giành ngôi vua. Sau 8 tháng đánh nhau quyết liệt, Lê Long Việt được đưa lên ngôi, nhưng ở ngôi chỉ mới ba ngày đã bị người em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh giết chết.
Vua không kịp đặt niên hiệu. Khi mất mới 22 tuổi, miếu hiệu là Lê Trung Tông.
3 – Lê Ngoạ Triều (1005-1009)
– Họ và tên: Lê Long Đĩnh, lại có tên khác là Lê Chí Trung, con thứ 5 của Lê Hoàn, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ. Vua càn rỡ, dâm đãng và tàn bạo, bị bệnh nên lâm triều thường phải nằm, vì vậy có luôn miếu hiệu là Lê Ngoạ Triều.
– Vua sinh năm Bính Tuất, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (986) được phong làm Khai Minh Vương năm Giáp Thìn (1004). Lê Long Đĩnh giết chết người anh cùng mẹ là Lê Long Việt (tức vua Lê Trung Tông) để giành ngôi báu vào cuối năm 1005.
– Vua ở ngôi 4 năm (1005 – 1009), mất vào tháng 10 năm Kỉ Dậu (1009), thọ 23 tuổi.
– Lê Ngoạ Triều dùng niên hiệu Ứng Thiên của vua cha từ năm 1005 đến năm 1007. Từ năm 1008 đến năm 1009, lấy niên hiệu là Cảnh Thuỵ.
Như vậy, triều Tiền Lê tồn tại 29 năm, gồm ba đời vua. Không thấy sử chép dân số nước nhà thời Tiền Lê. Lãnh thổ thời Tiền Lê tương tự như thời Đinh. Kinh đô nước nhà vẫn là Hoa Lư.
Theo Nguyễn Khắc Thuần nghiên cứu lịch sử