Tết
TẾT
1. Việt Nam có nhiều tết, lớn nhất và thiêng liêng nhất là Tết năm mới âm lịch. Vậy nên, nói đến các tết khác trong năm phải gọi đầy đủ họ tên (Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Tết Tây…), thì với Tết năm mới âm lịch, vốn là cái Tết có nhiều tên gọi (Tết Cả, Tết Cổ truyền, Tết Dân tộc, Tết Nguyên đán, Tết Ta…), đối với người Việt chỉ cần nói “Tết” là đủ.
Về mặt từ nguyên, hầu hết các nhà nghiên cứu nước ta đều cho “tết” là âm đọc trệch theo lối dân gian chữ “tiết” Hán - Việt. Theo Trần Quốc Vượng, “Trên dòng thời gian liên tục của một năm theo lịch cổ truyền, người ta phân lập ra nhiều “tiết” - những sinh hoạt lễ lạt – văn hoá đan xen sinh hoạt đời thường thế tục, chẳng hạn “Đoan Ngọ tiết” - được gọi là tết Đoan Ngọ, “Trung thu tiết” được gọi là tết Trung thu v.v…” và “Tết Cả hay Tết Nguyên đán là nương theo cái tiết Lập Xuân.”
Cùng với phương diện từ nguyên, và nhiều biểu hiện khác trong những ngày Tết, việc chọn tháng Dần (tháng Giêng âm lịch) trong hệ lịch Can Chi 12 con giáp làm tháng đầu năm và buổi sáng đầu tiên (Nguyên đán) của tháng này làm buổi khởi đầu một năm mới đầy thiêng liêng cũng dễ khiến người ta cho rằng Tết Việt vốn có cội nguồn từ Trung Hoa.
Ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa trong đời sống văn hoá Việt Nam, trong đó có văn hoá Tết, là một thực tế lịch sử và cũng là điều bình thường, có tính quy luật trong giao lưu, tiếp biến văn hoá. Nhưng cần nhìn sâu hơn về cội nguồn của Tết Việt. Văn hoá Việt Nam vốn định hình trên cơ tầng văn hoá Đông Nam Á, một trong những nơi phát sinh ra nền văn minh nông nghiệp sớm nhất của nhân loại, chắc chắn những lễ nghi, hội tiết gắn với sản xuất nông nghiệp và tâm thức cộng đồng của người Việt (cổ), trong đó có lễ tết đón sự khởi đầu chu kỳ của một năm mới, phải có từ rất sớm, trước khi có tiếp xúc hoặc chịu ảnh hưởng của văn hoá Tết Trung Hoa. Theo Trần Ngọc Thêm, “Thời cổ, năm mới của phương Nam bắt đầu từ tháng Tý, tức tháng Một (=11) bây giờ, về sau ta chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, mới lấy tháng Dần (tháng Giêng) làm tháng đầu năm”. Như vậy, trước khi chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, người Việt đã có nền tảng lễ Tết của mình và sự chọn ăn Tết vào đầu năm Dần là sản phẩm của giao thoa văn hoá, trong đó chiều sâu lễ Tết vẫn là tâm thức Việt. Thực ra, xa xưa người Trung Hoa chọn lễ Tết đầu năm vào đầu tháng Sửu (đời Thương – Ân), rồi đầu tháng Tý (đời Chu), đầu tháng Hợi (đời Tần và đầu đời Hán), đến thời Hán Vũ đế (140 TCN) mới chọn tháng Dần làm tháng đầu năm và kéo dài mãi đến sau này. Theo Trần Quốc Vượng, việc Hán Vũ đế chọn tháng Dần làm tháng đầu năm là “sự tham khảo ‘Kinh Sở tuế thời kỳ’ của miền Kinh Sở ở Hoa Nam trong bối cảnh của nền văn minh lúa nước.” Phải chăng trong quá trình ứng xử với môi trường tự nhiên và giao lưu văn hoá Nam – Bắc, Việt - Hoa, người xưa nhận ra chọn tháng Dần làm tháng đầu năm (gọi là lịch “kiến Dần”) - khoảng trước sau tiết Lập Xuân – là hợp lý hơn cả. Nhà khảo cứu phong tục Toan Ánh cũng nhận định: “Thực ra Tết Nguyên Đán bắt đầu vào tháng Dần là rất phải, vì lúc đó mùa đông vừa qua, tiết lạnh vừa hết, ngày xuân ấm áp tới, hoa cỏ đua mới, khiến cho con người cũng hầu như biến đổi cả tâm hồn sau một năm làm ăn vất vả.”
2. Thời điểm khởi đầu của một năm bao giờ cũng gợi nên những những bâng khuâng, những nôn nao khó tả trong lòng người, nhất là thời điểm gắn với truyền thống của cả một dân tộc, của chiều sâu tâm thức cộng đồng, cụ thể hoá trong bao nghi thức, lễ tiết, phong tục. Có lẽ ý nghĩa văn hoá đầu tiên của bước giao thừa năm cũ đi năm mới đến là sự giao hoà giữa thiên nhiên và con người, là cảm thức của con người trước nhịp đi của thời gian, trước chuyển vận của đất trời. Mùa xuân đến, đất trời nhuận thấm, hồi sinh và mở ra bao sức sinh sôi mới (xuân sinh); năm mới đến mở ra trong lòng người bao hy vọng, nhìn lại để đi tới. Có thể nói mùa xuân và sự mở đầu một chu kỳ mới đã làm thanh lọc hoá tâm hồn con người, con người cảm thấy thanh nhẹ hơn, có sức sống hơn. Nếu khoảng cuối năm lo toan dày lên gấp bội thì đó cũng là sự dồn nén để có sự giải phóng thần kỳ trong lòng người trong thời điểm khởi đầu năm mới. Trong những ngày lễ Tết, con người vị tha hơn, hướng về nhau hơn. Nói một cách khác, mỗi đầu chu kỳ mới của đất trời, con người như tự gội rửa tâm hồn mình để lớn lên, để nhân văn hơn. Chính vì vậy, chờ đợi Tết, cảm nhận Tết đến bao giờ cũng mang màu sắc đặc biệt. Người Việt có cách nói dân dã rất hay về cảm nhận bước đi của Tết: Tết đã đến bến sông; Tết đã đến đầu thôn; Tết đã thập thò trước cửa… và kéo theo đó là bao tâm trạng, khác nhau tuỳ lứa tuổi, tuỳ hoàn cảnh, nhưng bao giờ cũng thiêng liêng, cũng quan trọng. Có thể nói chẳng lúc nào người dân của một nước nông nghiệp vốn tĩnh tại lại cảm nhận sâu sắc và rõ ràng về nhịp bước của thời gian, về sự gấp gáp của thời gian như những ngày sắp kết thúc chu kỳ của một năm.
3. Chính vì ý nghĩa quan trọng của Tết và nao nao của lòng người mà tháng Chạp cũng mang một màu sắc tâm trạng đặc biệt. Người Việt chuẩn bị cho Tết từ trước đó ít nhất một tuần, đánh dấu bằng lễ đưa ông Táo về trời. Thực ra đấy không thuần tuý là sự chuẩn bị. Lễ đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp) chính là nằm trong một “tổ hợp” của Tết Cả, Tết lớn. Không phải ngẫu nhiên người Việt gọi lễ thức đưa ông Táo về trời cũng là Tết - Tết Ông Công Ông Táo về trời. Đây gần như là thời điểm đánh dấu sự ngưng hoạt động đời thường của một năm, con người chính thức bước vào không gian thiêng, không gian lễ tiết, lễ hội (Hội Xuân), con người hướng đến đến giá trị thiêng liêng, hướng đến tổ tiên và cảm thấy gần hơn bao giờ hết với hồn dân tộc. Cùng với lễ cúng Ông Công Ông Táo bao giờ cũng là lễ cúng tổ tiên, ông bà. Trước đó các nhà đều đi “chạp mả”, thắp hương trên các mộ phần, khấn khứa mời tổ tiên về cùng sum họp với cháu con. Trong những ngày cuối tháng Chạp, trong và sau Tết Ông Táo Ông Công, cũng là dịp người Việt thể hiện đạo lý truyền thống của mình qua việc “gửi Tết” - con cháu gần xa “gửi Tết” về nhà chính thờ cúng tổ tiên -, và “biếu Tết” - thể hiện lòng trân trọng, biết ơn đối với những người có ân nghĩa với mình. Cùng với những sinh hoạt có tính lễ nghi là hội. Những ngày này, đâu đâu người Việt cũng tổ chức những bữa tiệc tất niên, là lễ mà cũng là hội, người thân, bạn bè gặp gỡ vui chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm tới chứ không đợi đến những ngày đầu năm mới chúc nhau. Tổ chức tất niên thể hiện tính linh hoạt của người Việt, thường thì những người thân, bạn thân “lên kế hoạch” để tổ chức tất niên không trùng ngày, để thay nhau đến với nhau, để “hội hè” có thể kéo dài triền miên đến tận phút trước giao thừa. Ở một không gian rộng hơn, đó là chợ Tết, là hội Hoa Xuân. Khắp thành thị nông thôn đều có những hội xuân, những sinh hoạt ngày xuân và đón tết. Đâu đâu trên đất nước cũng tươi tắn sắc xuân, cũng thể hiện tính hoà nhập cộng đồng, nối kết với truyền thống thiêng liêng của dân tộc…
4. Cùng với sự hoà nhập giữa con người và tự nhiên, nói đến Tết Cả/ Tết Nguyên Đán... trong sự so sánh với các lễ tết, lễ hội khác trước hết là nói đến tính chất đoàn viên của Tết. Tết gần như là dịp duy nhất trong năm gợi nên tâm thức về sự đoàn viên, sự sum họp gia đình, không những thế, còn là dịp “sum họp” giữa con cháu và tổ tiên, giữa người sống và người đã khuất. Một học giả nước ngoài, từ đầu thế kỷ XX, đã có nhận xét thú vị và rất đúng về một trong những đặc điểm của gia đình Việt Nam. Đó là sự hiện diện của người đã chết trong thế giới người sống, nhất là trong phạm vi gia đình: “Sự trường tồn của Tổ Tiên, sự hiện diện của các ngài ở giữa gia đình, không phải là một sáo ngữ, một lối nói, một cách bóng gió thi vị, mà là một thực tại sâu xa, ai ai cũng thừa nhận.” Ai đi xa cũng cố gắng về sum họp gia đình, đúng hơn là về quê cha đất tổ, để lễ bái tổ tiên, để có được cảm giác gắn bó với cội nguồn, và hơn nữa, để thực thi trách nhiệm đạo lý - tâm linh của mình. Quả thật, không gian gia đình ngày Tết là không gian rất thiêng. Ông bà đã được “rước” về từ 23 tháng Chạp, sáng đầu năm và trong suốt những ngày Tết ông bà tổ tiên “cùng ăn Tết” với cháu con, bàn thờ bao giờ cũng có hương đèn, hoa quả, thức ăn. Những ai không về được cũng không tránh được cảm giác có lỗi, cảm giác “tha hương”. Dali, một người Scotland, bày tỏ cảm nhận của mình về tầm quan trọng của cái Tết đoàn viên của người Việt: “Tết năm ngoái, tôi phải ra khỏi thành phố và không thể ăn tết với gia đình bạn gái người Việt. Tôi đã nhận ra được một điều rằng, Tết là thời gian sum họp, ấm cúng nhất đối với tất cả người Việt Nam, và tôi đã làm họ thất vọng khi đã không bên cạnh bạn gái và gia đình cô ấy trong ngày này… Khi quay trở lại Hà Nội, tôi đã nhận thấy sự lạnh nhạt của cô ấy. Cô ấy chưa bao giờ giận tôi đến vậy.” Tết Việt, do vậy, là sự nối kết gia đình, tộc họ, nối kết xưa và nay, là sự chan hoà cộng đồng, cộng cảm. Chính vì vậy, Tết còn có ý nghĩa giáo dục sâu xa và từ bao đời Tết thể hiện rõ truyền thống ứng xử đạo lý của người Việt:
Mồng Một thì ở nhà Cha
Mồng Hai Nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thầy
5. Không chỉ là chuyện đạo lý, lễ nghi. Tết còn là ngày hội có tính biểu trưng cho sự khởi đầu của một chu kỳ sống mới và của cả sự tái sinh. Ý nghĩa quan trọng này của ngày Tết dẫn đến những thủ tục, những kiêng kỵ và những biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển. Biểu tượng của Tết trước hết là sắc màu của hoa, sắc màu của cái đẹp, của tinh hoa, của hạnh phúc. Gam màu chủ đạo trong trang trí Tết là màu đỏ, theo quan niệm của phương Đông là màu của sự sống, của hạnh phúc, của sự tươi sáng. Phong bì mừng tuổi người già, phong bì lì xì cho trẻ em đều tươi sắc đỏ. Gần đây, không chỉ ở ngoài Bắc mà còn ở trong Nam, người Việt thường chọn tranh Đông Hồ treo Tết, lịch tranh Đông Hồ cũng xuất hiện ngày càng nhiều, bởi sắc màu tươi trong và ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong đó. Tranh Đông Hồ thường hướng đến ý niệm về sự sinh sôi nảy nở, về hạnh phúc đoàn viên. Trong bộ tranh Đông Hồ có bức “Nghi Xuân” (hoà hợp với mùa xuân) với sắc đỏ tươi tắn hướng con người về ánh sáng, về tương lai. Bức tranh hiện được lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, rất tiếc là không thấy lưu hành trên thị trường.
6. Tết, lễ Tết như đúng tên gọi của nó, trước hết là sự thiêng liêng, nhưng nói như Trần Ngọc Thêm, “Tết gồm hai phần: cúng ông bà tổ tiên (lễ) và ăn uống bù cho những ngày làm lụng đầu tắt mặt tối (tết). Tết là phải ăn, ta vẫn nói “ăn tết”. Quả vậy, Tết là sự trình diễn các món ăn dân tộc. Có thể nói, văn hoá ẩm thực, triết lý ẩm thực của người Việt thể hiện rõ hơn đâu hết trong những ngày Tết. Người nghèo khổ mấy đi nữa cũng cố gắng chuẩn bị đủ cái ăn “rất Tết” trong những ngày Tết, vẫn có đủ thức tối thiểu của ba ngày Tết để dâng ông bà, để con cháu “ăn Tết” bù vào những thiếu đói thường nhật. Món ăn dân tộc thể hiện trong ba ngày Tết có thể khác nhau theo đặc trưng vùng miền, nhưng khắp Việt Nam hầu như không nhà nào thiếu bánh tét, bánh chưng, thịt muối, dưa hành trong ba ngày Tết. Đây cũng là những món ăn đi kèm nhau, vừa ngon, vừa tiện lợi. Bánh tét, bánh chưng giản dị là vậy nhưng không kém công phu và mỹ thuật. Người ta phải chuẩn bị từ trước gạo nếp, đậu xanh vào hàng tốt nhất, và nhất là lá, lá dong (thường dành cho bánh chưng) hoặc là chuối (cho bánh tét) phải được xử lý làm sao cho vừa dễ gói, vừa để cho da bánh có được màu xanh dịu dàng khi bóc lá. Nấu bánh phải canh lửa thật mạnh, thật đều để bánh chín tới, mềm mại, không bị “sống lại” ít nhất trong khoảng một tuần đến mươi ngày… Bánh chưng, bánh tét không thể thiếu trong “ba ngày Tết” vì còn ở ý nghĩa sâu xa của nó, vì cái triết lý nhận thức “Trời tròn, Đất vuông”, vì cái ý nghĩa Lang Liêu đã gói ghém vào đó bao nghìn năm trước về đạo lý, nghĩa tình (truyện Bánh chưng, bánh dày). Theo Trần Quốc Vượng, “ngày trước bánh chưng làm theo kiểu “bánh tét” với ý nghĩa tượng trưng cặp đôi – linga (chưng)/iôni (dày).” Nếu quả vậy, bánh chưng, bánh tét còn là biểu tượng của tư duy cặp đôi, của ý niệm phồn thực có từ ngàn xưa của cư dân nông nghiệp lúa nước Việt. Ngày nay, món ăn đã phong phú lên rất nhiều, Tây Tàu đủ cả, kỹ thuật nấu ăn phần nào đã có phần “tuyệt kỹ”, nhưng đa số gia đình người Việt trong những ngày Tết vẫn hướng về món ăn dân tộc. Ngay trong lòng những thành phố lớn, không ít gia đình vẫn muốn tự mình làm thịt muối, dưa hành, vẫn muốn có một nồi bánh tét/bánh chưng nổi lửa đêm cuối năm gợi nên cả hồn dân tộc và cảm nhận hương vị Tết lãng đãng như đến từ xa xưa quyện hoà trong hiện tại.
7. Sẽ thật không đầy đủ và thiếu sót nếu nói đến “ăn Tết” mà không nói đến “mặc Tết”, đến nhu cầu “làm đẹp” trong ngày Tết. Thực ra, đây mới phần dễ nhận thấy nhất trong sắc màu và trong ý vị Tết. Chiếc áo mới, bộ quần áo mới, quần áo Tết, nói chung là trang phục mới, là phần không thể thiếu trong tâm thức đón Tết, trong ứng xử với chính mình và ứng xử cộng đồng những ngày đầu năm. Một trong những tâm trạng nao nao nhất của các em tuổi học trò là chờ bố mẹ sắm quần áo mới. Ngay cả những người lớn tuổi cũng đầy tâm trạng khi sắm sanh quần áo Tết. Có một nhà thơ tiền chiến, Chế Lan Viên, viết về Xuân đã từng ngậm ngùi: “Có một người nghèo không biết tết/ Mang lì chiếc áo độ thu tàn!”. Văn hoá trang phục Tết quả trở thành một trong những bộ phận không thể thiếu của Tết và bộc lộ nhiều đặc điểm văn hoá dân tộc, văn hoá Tết.
Nhưng nói đến văn hoá trang phục Tết, trước hết phải nói đến văn hoá trang phục của phái đẹp, nhất là đối với các cô gái mới lớn. Với đối tượng này, nhất là ở thành thị, nhu cầu đẹp, làm đẹp là nhu cầu hàng ngày, nhưng những ngày xuân mới chính là dịp để các cô chưng diện, điểm trang để tự ngắm mình và để được người ngắm. Những mốt mới nhất của các cô “trình diện” trong ngày xuân thường được trầm trồ, khen ngợi nhiều hơn là bị phê bình “chơi trội”, “chơi nổi” như khi được mặc hay điểm trang trong ngày thường. Tất nhiên, những mốt y phục, cách trang điểm đó không vượt quá lố cái gọi là “văn hoá trang phục”. Các cô gái ở nông thôn, tuy không có điều kiện bằng, quanh năm lao động vất vả nhưng bao giờ cũng có kế hoạch để “tậu” cho mình những “bộ cánh” mới nhất, đẹp nhất, cũng tìm cách trang điểm đẹp nhất, kiểu tóc mới nhất, đặc biệt nhất trong ba ngày Tết. Thực ra không chỉ với các cô gái đang tuổi lớn. Phụ nữ Việt Nam, dù là những người vất vả nhất, cực nhọc nhất, “đầu tắt mặt tối” nhất vì thường phải chịu trách nhiệm chính và gánh vác bao nhọc nhằn chuẩn bị Tết, vẫn không thiếu nhu cầu làm đẹp. Trang phục lễ Tết ngày xưa của phụ nữ Việt Nam chủ yếu là áo dài. Ngày nay áo dài vẫn được chuộng vì vừa là y phục truyền thống, vừa vì áo dài đã được hiện đại hoá với bao sắc màu, kiểu dáng, không quá thiên về âm tính như ngày xưa. Ngoài ra, còn bao nhiêu y phục khác vừa phù hợp với con người Việt Nam, vừa vẫn rất hiện đại.
Đi kèm với trang phục, phái đẹp Việt Nam hiện nay còn được hỗ trợ của rất nhiều kỹ thuật và dịch vụ làm đẹp khác, nhiều đến mức nhiều khi chỉ nhìn/nghe quảng cáo trên phương tiện truyền thông đã khiến các bà các cô bối rối. Ngày nay đi khắp nước, có thể thấy từ thành thị đến nông thôn không đâu là không có những cửa hàng, quày hàng mỹ phẩm, những dịch vụ làm đẹp từ bình dân đến quý tộc. Mới thấy nhu cầu làm đẹp của phái đẹp (tất nhiên) là rất lớn. Và chính họ mới là những nhân vật chính để làm cho mùa xuân thêm tươi sắc. Không chỉ muốn hiện diện đẹp nhất trong những ngày xuân, phái đẹp Việt Nam đặc biệt ưa thích lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất và có ý nghĩa nhất của trang phục trong năm. Nicole, sinh viên người Salvador, kể lại một kỷ niệm “buồn cười” với một gia đình người Việt: “Họ đã chuẩn bị một bữa cơm tối đặc biệt, thuê một người thợ ảnh đến chụp và sắp xếp mọi thứ hết sức trang trọng… Bữa cơm thịnh soạn và ngon tuyệt vời. Tôi đã hơi bối rối khi đang ngồi ở bàn ăn, chủ nhà tới 3 lần xin lỗi và vào nhà trong thay những chiếc áo dài khác nhau”. Hoá ra “Người chủ nhà muốn trưng diện những chiếc áo đẹp để chụp ảnh.”
* *
*
Không phải đây đó không có những đề xuất nên bỏ Tết Ta, chỉ ăn Tết Tây Dương lịch. Nghe ra không phải không có lý, vì vừa đỡ tốn kém, đỡ mang tiếng ảnh hưởng Trung Hoa, vừa thể hiện sự hoà nhập với thế giới… Nhưng dường như khi nảy ra những ý nghĩ tương tự, người Việt lại càng thấy gắn bó hơn với cái Tết cổ truyền, với cái Tết Cả của dân tộc. Khó thể nói hết về văn hoá Tết và Tết văn hoá của dân tộc. Đôi phác thảo sơ sài trên hy vọng góp phần cho thấy Tết Việt là phần hồn của dân tộc tính, là ngày hội thật sự sống động, thẳm sâu trong tâm thức của mỗi người Việt chúng ta.
TS. Nguyễn Văn Hiệu(BM. Văn hóa học ĐH KHXH-NV Tp.HCM )