Trình bày ý kiến của bản thân về cách kết thúc truyện.
Bàn luận về ý kiến: “Đó là một cái kết mở, tự nhiên và sáng”
–Đó là cách kết truyện tự nhiên phù hợp.
+Kết thúc ấy có cơ sở từ thực tiễn đời sống. Câu chuyện có bối cảnh là nạn đói năm 1945- một thời điểm lịch sử có thật trong đất nước ta vào những năm tháng chuẩn bị cho cuộc cách mạng và đó là những ngày tiền khởi nghĩa với phong trào phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo. Vậy nên trong hoàn cảnh đói khát cùng cực ấy người nông dân nhận ra kẻ thù gây đau khổ cho mình là bọn Pháp và Nhật. Thực dân Pháp thi hành những “luật pháp dã man’, vơ vét của cải còn phát xít Nhật thì bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu rồi cùng với thiên tai, lũ lụt…Tất cả đều là căn nguyên dẫn đến thảm cảnh nạn đói năm 1945. Những người dân sống trong hoàn cảnh đó họ sẽ ý thức được mình phải đứng lên đấu tranh tìm con đường cho mình. Họ sẽ tìm đến với
cách mạng như một điều tất yếu.
+ Sự hợp lí ở đây là họ chỉ mới bắt đầu nhận thức về cách mạng, đó mới chỉ là ánh sáng le lói ở cuối đường hầm.
Nhà văn không kết thúc câu chuyện ở việc Tràng đi làm cách mạng rồi kêu gọi quần chúng nhân dân cùng đứng lên đấu tranh. Nếu như vậy e rằng có phần gượng ép và ảo tưởng. Ở đây mới dừng lại ở việc qua lời người vợ mà Tràng đã nhớ lại có lần anh đã nhìn thấy đoàn người đi phá kho thóc và được nghe nói họ là Việt Minh. Quá trình nhận thức ấy được diễn tiến từ từ. Cách kết truyện như thế là phù hợp.
-Đó còn là cách kết truyện mở và sáng.
+ Truyện kết thúc nhưng đã mở ra cho người đọc nhiều suy ngẫm. Truyện không nói cụ thể rõ ràng là cuộc sống của Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt sẽ đi đến đâu, cuộc sống của họ tiếp theo sẽ như thế nào để gượng ép trói buộc suy nghĩ của bạn đọc thiên về một hướng và nhiều khi chỉ suy nghĩ theo chiều hướng ấy. Và thật khéo léo khi Kim Lân để “lửng”.Kết thúc “lửng” ấy chứa đựng bao suy nghĩ của tác giả. Phải chăng nhà văn Kim Lân đang thầm kín bày tỏ sự trân trọng với cách tiếp cận, nhận thức của độc giả đồng thời cũng hướng họ rằng nên phải suy nghĩ, chiêm nghiệm để viết tiếp câu chuyện ấy với sự phù hợp và đúng đắn nhất theo quan điểm nhận thức của mỗi người. Việc tạo ra kết thúc mở cũng khơi sâu sự tìm tòi khám phá một góc độ của cuộc sống, của xã hội thay vì chỉ là đọc trên giấy và hiểu tác phẩm một cách đơn thuần. Rõ ràng với ánh sáng “le lói ở cuối đường hầm” kia người đọc có quyền hiểu và ngẫm theo nhiều cách. Theo quan điểm của bản thân có thể suy ngẫm Tràng sẽ được theo cách mạng, theo ánh sáng của Đảng cùng với quần chúng khởi nghĩa và rồi cuộc sống của anh và gia đình cùng những người nông dân Việt Nam sẽ ấm no hơn, hạnh phúc hơn khi cách mạng giành thắng lợi.
+ Một điểm nữa trong cách kết truyện của Kim Lân là có kết truyện “sáng” không giống như văn học hiện thực phê phán trước cách mạng.Trước đây, nhà văn Nam Cao đã để cho nhân vật Chí Phèo cảm nhận hương vị của cuộc sống, để cho hắn cảm nhận tình yêu thương…nhưng rồi Chí Phèo lại rơi vào bi kịch bế tắc. Nhà văn Ngô Tất Tố cũng để nhân vật của mình- Chị Dậu vùng lên chống lại ách áp bức của bọn địa chủ nhưng rồi cuối cùng trước mắt chị là “trời tối đen như mực giống như cái tiền đồ của chị”…Họ đều rơi vào luẩn quẩn, bế tắc không lối thoát. Ở “Vợ nhặt”, Kim Lân đã để cho những người nông dân hướng về tương lai. Liệu tác phẩm có thể kết thúc trong cảnh “bữa cơm ngày đói” với khung cảnh trông thật thảm hại “Giữa cái mẹt rách chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo” và “không ai nói câu gì. Họ cắm đầu ăn cho xong lần. Họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mỗi người”. Nếu kết thúc như thế thì cái đói, cái nghèo vẫn bao trùm, cuộc sống của nhân dân vẫn rơi vào bế tắc…Nhưng Kim Lân không dừng lại ở đó. Ông đã hướng họ vào ánh sáng của tương lai, của cách mạng “Trong óc Tràng bỗng hiện lên đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Thật là ông đã để những con người trong hoàn cảnh khốn cùng cận kề cái chết nhưng họ không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng đến sự sống, vẫn hi vọng tin tưởng ở tương lai. Những người đói ấy vẫn khao khát về cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Nhà văn đã để người dân nhận thức đúng về cách mạng khơi lên tinh thần đấu tranh . Thực tiễn lịch sử cách mạng Tháng tám 1945 đã thắng lợi thì con người và đặc biệt là người nông dân càng có thêm động lực niềm tin vào tương lai tươi sáng ấm no. Thật là một cách kết truyện sáng mở ra cuộc sống tươi sáng cho con người.
Bàn luận về ý kiến: “Đó chưa phải là một cái kết thực sự tự nhiên”.
Còn có ý kiến cho rằng “Đó chưa phải là một cái kết thực sự tự nhiên”, còn gượng ép về mặt nghệ thuật.Có thể lí giải điều này bởi có người cho rằng không khí truyện còn ngập tràn trong cảnh đói khát, thiếu sinh khí và hiện thực về cái chết là điều khó tránh khỏi. Những người nông dân ở đây chỉ là những con người nhỏ bé chưa hiểu gì về cách mạng và họ chưa đủ khả năng để làm thay đổi cuộc sống của mình. Vì thế cho rằng âm thanh của tiếng trống thúc thuế và hình ảnh lá cờ có phần gượng ép. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, tất cả sự nhận thức về cách mạng của người nông dân có thể đến bởi họ đang sống trong những ngày sôi sục trong những ngày tiền khởi nghĩa của cuộc cách mạng tháng Tám.
Ý kiến cá nhân.
Dù có thể còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là quyền của mỗi người trong việc cảm nhận văn chương nhưng với bản thân có thể thấy mạch truyện vẫn logic về nội dung tư tưởng. Tác phẩm đã phản ánh rõ hiện thực cuộc sống của người nông dân lúc bấy giờ, nó mang dấu ấn của thi pháp thời đại, lối kết thúc có hậu đã phản ánh đúng những đặc điểm của văn học cách mạng lúc bấy giờ.
Bàn luận mở rộng vấn đề: So sánh với các tác phẩm trước đó và cùng thời
-So sánh với các tác phẩm trước như “Tắt đèn”- Ngô Tất Tố, “Chí Phèo”
Nam Cao…để thấy sự khác nhau trong cách kết thúc của văn học hiện thực phê phán trước năm 1945 và văn học cách mạng sau 1945.
-So sánh với tác phẩm cùng thời như “Vợ chồng A Phủ”-Tô Hoài để thấy điểm tương đồng trong các tác phẩm sau 1945 đồng thời cũng thấy rõ đặc điểm thi pháp của văn học sau 1945.
Kết bài: Đánh giá chung về cách kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt, khẳng định ý kiến cá nhân về các kết truyện,
Sưu tầm