Tạ Minh Tuấn - 8X lãnh đạo 7 tổ chức, công ty lớn

Tuy còn trẻ tuổi nhưng Tuấn đã trở thành lãnh đạo của 7 tổ chức khác nhau, từ lĩnh vực kinh doanh đến hoạt động xã hội.

Tạ Minh Tuấn sinh năm 1988, tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp, ĐH Bách khoa TP.HCM. Tuấn là thành viên đồng sáng lập IDEE Corporation, Chủ tịch sáng lập HELP International - tổ chức đi tiên phong và hàng đầu trong việc xây dựng mô hình “Bác sĩ riêng - Y tế tại nhà” ở Việt Nam; Chủ tịch điều hành - sáng lập quỹ từ thiện “Giấc mơ đôi chân thiên thần”.

Năm 2011, Tạ Minh Tuấn được British Council, CSIP và The One Foundation chứng nhận là một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam với sáng kiến phát triển hệ thống bác sĩ gia đình. Chàng trai này đã có những chia sẻ về niềm đam mê của mình.

- Ngay từ đầu bạn có xác định con đường lâu dài của mình là làm kinh doanh hay không?

- Lúc còn nhỏ, mình từng mơ ước trở thành một nhà khoa học có thể phát minh những sáng chế giúp ích cho nhân loại. Tuy nhiên, sau khi thi đậu vào trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhiều cơ duyên đã dẫn dắt mình đến với lĩnh vực kinh doanh. Điển hình là môi trường Internet nước ta thời điểm đó còn “sơ khai” nên gợi mở nhiều cơ hội hấp dẫn.

tuan1.jpg

Chân dung chàng trai đầy bản lĩnh và tài năng - Tạ Minh Tuấn.
Do vậy, mình đã cùng vài người bạn lập ra một dự án kinh doanh để nắm bắt ngay cơ hội ấy. Bây giờ nhìn lại, mình nghĩ rằng điểm chung của một nhà khoa học hay một doanh nhân chính là họ đều có những “phát minh” (với doanh nhân là những ý tưởng kinh doanh hiệu quả) nhằm thay đổi thế giới này theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

- Dự án kinh doanh đầu tiên mà Tuấn đã thực hiện là gì?

- Năm 19 tuổi, mình và những người bạn đã thành lập một dự án là tiền thân của công ty chuyên cung cấp dịch vụ Digital Marketing về sau. Điểm khởi phát của dự án là tạo tầm nhìn để xây dựng nên một “mạng xã hội sự kiện đầu tiên tại Việt Nam” - nơi tập hợp các nhà tổ chức sự kiện và những người tham gia sự kiện.

Tên gọi nghe đơn giản nhưng kỳ thực cấu trúc mô hình kinh doanh tương đối phức tạp. Chúng mình mình phải thiết lập thành công cộng đồng rồi tập hợp một lượng dữ liệu đủ lớn để “tái định nghĩa lại giá trị của việc tổ chức và đi sự kiện ở Việt Nam”, từ đó tạo ra lợi nhuận từ mô hình này.

tuan2.jpg

Tuấn cũng là người sáng lập tổ chức HELP.
- Bạn đã vướng phải những khó khăn như thế nào?

- Chủ yếu bọn mình gặp trục trặc ở phần công nghệ. Là một dự án được triển khai sớm vào thời điểm đó, đi trước thị trường khá xa nên nó… chưa bao giờ được hoàn thành. Tuy dự án đầu tay thất bại nhưng đầu ra của dự án lại mang đến cho bọn mình những kết quả nghiên cứu và giá trị sâu sắc. Bọn mình điều chỉnh hướng đi và trở thành một agency (nhà trung gian) cung cấp dịch vụ truyền thông kỹ thuật số.

- Tuấn có thể cho biết ý tưởng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia xuất phát từ đâu? Tại sao bạn lại chọn cái tên HELP?

- Lúc mình đang điều hành về công ty kỹ thuật số thì có một biến cố đã xảy ra trong gia đình, khiến mình phải nhận thức lại về công việc kinh doanh của bản thân. Đó là khi mình hay tin ba mình bị bệnh ung thư, mình rất buồn và luôn suy nghĩ: “Liệu mình có thể làm gì để giúp cho những người cũng mắc bệnh giống ba?”.

Nó đã thôi thúc mình tìm hiểu sâu hơn, không chỉ là “căn bệnh” của người bệnh mà còn của chính nền y tế nước nhà. Mình xây dựng mô hình “Bác sĩ riêng - Y tế tại nhà”, nghĩa là mỗi người dân sẽ có một bác sĩ riêng theo dõi sức khỏe, kèm mức chi phí hợp lý nhất, vừa phòng bệnh, vừa giảm chi phí điều trị bệnh về lâu dài.

HELP nghĩa là giúp đỡ. Do đó khi chọn cái tên này, mình mong rằng nó có thể “giúp” người dân một giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động và hiệu quả hơn.

- Đây là loại mô hình còn khá mới mẻ ở Việt Nam, Tuấn đã làm gì để mọi người tin tưởng và sử dụng dịch vụ?

tuan3.jpg

Minh Tuấn đang giảng dạy tại học viện Khởi nghiệp YUP.
- Khi kinh doanh một mô hình hoàn toàn mới, “lực cản” lớn nhất nằm ở tâm trí khách hàng và nhận thức của cả cộng đồng, mà việc thay đổi điều này luôn khó khăn và tốn kém nhiều chi phí nhất. Lúc đó, doanh nghiệp thường phải thực hiện một hành động gọi là “giáo dục” thị trường. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế thì vai trò của marketing truyền khẩu là rất quan trọng.

Nếu mình mang lại giá trị cho người khác mà giá trị này phù hợp thì nó sẽ sinh sôi nảy nở hơn. Kết quả là HELP có tốc độ tăng trưởng rất mạnh, khoảng 300% mỗi năm. Năm 2011, HELP chính thức được thừa nhận là một “doanh nghiệp xã hội” và mình trở thành một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam do Council, CSIP và The One Foundation công nhận.

- Là người khá trẻ về tuổi đời, Tuấn có cảm thấy bị áp lực khi giữ vai trò “đầu tàu” trong các tổ chức do chính mình lập ra, như JCI và BNI?

- Mình muốn sử dụng những công cụ và hệ thống của các hiệp hội và tổ chức doanh nhân tầm cỡ thế giới để phát triển bản thân, và sau đó, có thể thay đổi văn hóa kinh doanh Việt Nam thành một nền văn hóa trợ lực lẫn nhau. Một khi hiểu rõ mục đích thì cương vị chủ chốt luôn có áp lực nhưng có ý nghĩa, giúp mình trưởng thành hơn.

tuan4.jpg

Tuấn nhận giải thưởng Nhà lãnh đạo xuất sắc (Outstanding Leader) của BNI.
- Để tạo lòng tin cho các đối tác và đồng sự, bạn đã chứng mình bằng cách nào?

- Đối với mình, để tạo sự tin tưởng nơi mọi người, ngoài một ý định tốt thì còn cần sự rèn luyện không ngừng nghỉ bằng những trải nghiệm của bản thân và việc học hỏi tối đa từ người khác, nhằm nâng cao phẩm chất và kỹ năng.

- Được biết Tuấn còn lập học viện Khởi nghiệp YUP và trực tiếp giảng dạy. Với vai trò là một giảng viên, bạn có thấy khác gì so với khi là một nhà kinh doanh, lãnh đạo?

- Nhiệm vụ của doanh nhân là khiến doanh nghiệp sinh lời nhiều hơn, muốn như vậy nhân viên phải làm việc năng suất hơn, người lãnh đạo phải giúp người khác làm việc tốt lên. Nên theo mình, giữa doanh nhân, lãnh đạo và giảng viên có sự liên hệ mật thiết với nhau. Tuy “cách xưng hô” có khác nhưng về nguyên lý then chốt thì như nhau.

- Quá trình dạy và học là sự tương tác hai chiều, vậy bạn có học hỏi được gì từ những bạn trẻ đã và đang theo học? Ngược lại, bài học cốt lõi Tuấn thường thuyết giảng cho các bạn lúc bắt đầu khởi nghiệp là gì?

tuan5.jpg

Chụp ảnh cùng với các doanh nhân xã hội trong lĩnh vực công nghệ trên thế giới.
- Mình học được khá nhiều điều hay từ chính các bạn học viên của mình vì kinh doanh là một thế giới vô cùng tận và không hề có giới hạn cho sức sáng tạo của con người. Mỗi học viên đều là một “người thầy nhỏ” của mình, bởi họ giúp mình tốt hơn bản thân mình ngày hôm qua, ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, mà ai giúp ta tốt hơn hẳn nhiên là thầy ta rồi.

Bài học cốt lõi mình hay chia sẻ chưa phải là những kỹ năng sáng lập, điều hành doanh nghiệp, không là những mẹo vặt, kỹ thuật làm giàu nhanh. Mà đó là xác định được mục tiêu của bản thân là gì khi khởi nghiệp. Vì khởi nghiệp là một con đường giúp mình tiến đến cái đích cần thiết, nên mình sẽ chọn con đường đó khi nó giúp mình đạt được cái mình muốn.

- “Sở hữu” cùng lúc nhiều đầu việc như vậy, Tuấn đã cân bằng cuộc sống của mình ra sao?

- Những lúc mệt mỏi, mình sẽ nghe một bản nhạc yêu thích, xem những bộ phim hoạt hình dễ thương, tụ tập bạn bè nói chuyện, ở bên cạnh những người mình yêu quý… Thêm nữa, có một giải pháp khá hiệu quả với mình nếu muốn giải tỏa stress là ngủ một giấc thật say. Hiện tại, mình không phải điều hành công ty mỗi ngày nên có thể sắp xếp thời gian thong thả hơn. Mình có điều kiện theo đuổi một số dự án thú vị, gặp gỡ các doanh nhân khởi nghiệp hay ngồi cà phê bàn chuyện “thay đổi thế giới” mà không cần bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền như ngày xưa. Mình cảm thấy rất hạnh phúc với những việc mình đang làm.

- Nguyên tắc sống mà bạn luôn áp dụng?

- Đó là hãy cố phá vỡ những nguyên tắc, không đi theo lối mòn và sáng tạo ra giải pháp mới.

- Tính đến thời điểm hiện tại, bạn thấy mình đã thành công chưa? Sắp tới, Tuấn có dự định dấn thân vào một lĩnh vực mới khác và tiếp tục chinh phục nó không?

- Dĩ nhiên rồi, chúng ta còn rất nhiều điều trong ngành y cũng như các lĩnh vực khác đã đạt đến trạng thái “cân bằng” nhưng vẫn không hề mang lại giá trị, lợi ích thật sự cho cộng đồng. Đó là “những thất bại của thị trường”, “những thất bại của xã hội” đang chờ đợi chúng ta xắn tay áo lên giải quyết.

Mình nghĩ rằng thành công là làm những điều mình thích vì những người yêu quý và nhận được sự sẻ chia, cảm thông từ họ. Đồng thời thành công là khi mình làm cái gì đó khiến mình tự hào, điều này mang lại tác động tích cực cho một ai đó và mình có thể góp phần thay đổi (cá nhân, xã hội) theo hướng tốt đẹp hơn.

Theo Đất Việt
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top