Thảo luận Sự sụp đổ của đất nước Âu Lạc có thuộc về trách nhiệm của Mị Châu

Trang Dimple

New member
Xu
38
Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta không ai là không biết đến "Chuyện tình Mị Châu Trọng Thủy" Và chắc khi nhắc tới những vần thơ của nhà Thơ Tố Hữu chúng ta đều rất quen thuộc:
“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”
Có ý kiến cho rằng " Chuyện Tình Mị Châu Trọng Thủy" Chính là nguyên nhân làm cho nước Âu Lạc rơi vào tay giặc, Mị Châu Phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của đất nước Âu Lạc! chúng ta cùng thảo luận về vấn đề này nhé !




THUCA.jpg

Dưới đây là quan điểm của tác giả TRẦN VĂN TUẤN


Trong lịch sử mấy ngàn năm Phong kiến ở Trung Quốc và cả ở Việt Nam, người Phụ nữ luôn bị các nguyên tắc “Tam tòng, Tứ đức” khống chế và qua đó hạn chế rất nhiều vai trò của họ trong các hoạt động cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế là khi có các biến động về thời cuộc, thì bất cứ giai đoạn nào, các sử gia cũng tìm ra được một người Phụ nữ để gánh (chịu) trách nhiệm cho sự diệt vong hay biến cố của một triều đại. Nhà Thương có Đát Kỷ (hay ăn tim người), Nhà Chu có Bao Tự (nghìn vàng đổi lấy trận cười mà chơi), Nước Ngô mất vì Tây Thi (cá lặn) Nhà Hán có Điêu Thuyền (nguyệt thẹn) rồi Nhà Đường có Dương Quý Phi (cây liền cánh, chim liền cành – hoa nhường). Trừ hai mỹ nhân Đát Kỷ và Bao Tự thuộc thời thượng cổ ra thì 3 mỹ nhân còn lại công thêm Vương Chiêu Quân (cống hồ – chim sa) chính là “Tứ đại mỹ nhân” thời xưa của Trung Quốc (Chim sa, cá lặn và hoa nhường, nguyệt thẹn).

Những người phụ nữ này liệu có phải chịu trách nhiệm cho việc diệt vong hay các biến cố xung đột của các triều đại trước kia và tại sao họ lại bị các sử gia giao cho các trách nhiệm đó? Theo tôi đó là vì hai lý do chính, (i) thứ nhất là Nho giáo thường quan niệm Phụ nữ như là những người gây ra các rắc rối chứ không phải nạn nhân, và (ii) thứ hai đó là đàn ông ngày trước không dám chịu trách nhiệm cho các thất bại mình và hậu quả mình gây ra. Khi đó Phụ nữ chính là đối tượng dễ dàng nhất để họ có thể đổ trách nhiệm cho và vì thường thì Phụ nữ cam chịu mang tiếng xấu mà chẳng thèm giải thích. Thêm một lý do nữa là việc gán (đổ) tội cho một người Phụ nữ đẹp thường dễ được xã hội (Cả nam và nữ) chấp nhận hơn do lòng đố kỵ với sắc đẹp của đại bộ phận dân chúng với những người đẹp (cũng tương tự như việc các cô gái tóc vàng ở Phương Tây thương bị quy kết là “dốt” – do lòng đố kỵ với sắc đẹp trời cho của họ)

Trong lịch sử nước ta,
Mỵ Châu có thể xem là nạn nhân đầu tiên của vấn nạn quy trách nhiệm này. Không hiểu binh hùng tướng mạnh của An Dương Vương cùng tài lãnh đạo của Tướng Cao Lỗ như thế nào mà kết cục đau buồn của nước Âu Lạc lại quy hết trách nhiệm cho nàng và kết cục là tên nàng vẫn luôn được sử dụng để nói về bài học cảnh giác trong đấu tranh với kẻ thù.

Đọc qua sử sách, chúng ta có thể thấy nước Nam Việt của Triệu Đà và nước Âu Lạc của An Dương Vương không giống như Trung Quốc với Việt Nam bây giờ. Hơn nữa, thời đó nước Nam Việt là của người Việt (Các bộ lạc Bách Việt) trong khi đó nước Âu Lạc nhỏ bé thực chất chỉ là một bộ tộc trong vùng vốn muốn có xu thế “hùng cứ một phương”. Việc các sử gia thời hiện đại đem chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy ra làm tấm gương hay bài học cảnh giác với người Láng giềng phương bắc chưa hẳn đã chính xác hay có phần khiên cưỡng. Vào cuối thời nhà Tần và đầu nhà Hán, trong Quận thuộc Bách Việt ở Phương Nam thì chỉ có vùng Lĩnh Nam của Triệu Đà là hùng mạnh nhất. Với chức phận khởi đầu là một huyện Lệnh dưới thời Tần Thủy Hoàng, Triệu Đà đã tận dụng cơ hội việc dân Hán bận bịu với các cuộc chiến (Hán Sở tranh hùng) để dựng nên một nước Nam Việt tương đối độc lập ở phía Nam Trung Quốc và tồn tại được 5 đời. Trong thực tế, các Sử gia của Việt Nam ngày xưa và kể cả Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô Đại cáo” vẫn xem Triệu Đà là vua đầu tiên của nước Việt (tức nước ta) và cụ thể là khi vua Gia Long lấy lại được chính quyền từ nhà Tây Sơn, ngài đã cử một sứ đoàn trong đó có Nguyễn Du sang Trung Quốc để xin lấy tên nước làm “Nam việt”. Do vua Càn Long lo ngại rằng cụm từ này có thể làm khơi dậy tinh thần người Việt ở phương nam nên đã đổi tên thành Việt Nam.


Qua việc này có thể thấy việc
Trọng Thủy làm rể ở nhà An Dương Vương không giống như Trai Trung Quốc sang ở rể Việt Nam mà chỉ đơn giản như các bộ lạc gả con cái cho nhau để tỏ tình đoàn kết, hòa hiếu thôi và trong trường hợp này, tôi nghi ngờ mục tiêu ban đầu của cuộc hôn nhân sắp đặt này có phải là bí kíp về “nỏ thần’ hay không?

Rõ ràng rằng, khi cưới nhau và sống với nhau lâu ngày, Mị Châu và Trọng Thủy tất nhiên nảy sinh tình cảm vợ chồng, mà khi đã là vợ chồng thì chắc hẳn sẽ chẳng ai cảnh giác (nhất lại là một cô gái trẻ) xem chồng mình có ý định lợi dụng mình hay không. Có lẽ nàng cũng giống như bao cô gái con nhà thường dân, hay quý tộc, say sưa tận hưởng men tình ái và hình như chồng nàng cũng yêu vợ nhiều lắm (bằng chứng là sau này Trọng Thủy đã nhảy xuống giếng tự tử) và họ đã có thể cùng nhau đi hết những ngày tươi đẹp ấy nếu không có chiến tranh. Một khi chiến tranh xảy ra, thì trách nhiệm của người đàn ông được đề cao và dĩ nhiên khi đó Trọng Thủy đang là con cháu trong nhà của An Dương Vương, bỗng trở thành kẻ thù để rồi phụ nữ, trong đó có Mỵ Châu trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Khi đó ngươi ta nhìn nàng với con mắt căm hờn và khinh bỉ vì cho rằng nàng có chồng là “kẻ thù”, rằng nàng “tiếp tay cho giặc” hay “tiết lộ bí mật Quốc gia” và v.v..

Bây giờ nhìn lại câu chuyện này liệu chúng ta có thể tin được là vào thời đó, cái thời mà người phụ nữ có rất ít bình quyền thì liệu rằng
“Bí kíp nỏ thần” của nước Âu Lạc có được nhà vua và các tướng (cụ thể là tướng Cao Lỗ) chia sẻ với Mỵ Châu hay không, và nếu như bí kíp này cốt lõi nằm ở cái “lẫy” thì liệu rằng có dễ dàng như thế cho Mỵ Châu có thể tìm thấy và đem cho Trọng Thủy xem để rồi bị đánh tráo hay không? Tôi dám chắc là không và thực tế nàng công chúa Mỵ Châu chỉ là một nạn nhân của lịch sử vốn dĩ có cái nhìn thiên lệch về Nam, Nữ trong con mắt các sử gia đời sau – những người chịu ảnh hượng nặng nề của Nho Giáo.

Thời An Dương Vương, việc sản xuất được nỏ thần (hay nỏ liên châu?) có thể là có thực. Nhờ công nghệ vũ khí tiên tiến này kết hợp với thành Cổ loa hình ốc mà quân Âu lạc đã nhiều lần ngăn chặn được quân của Nam Việt trong nỗ lực bình định miền nam của Triệu Đà. Qua thời gian và bằng nhiều cách tiếp cận, có thể công nghệ này đã bị Triệu Đà lấy được, ứng dụng và giành thắng lợi trước quân Âu lạc khiến nước này bị thôn tính. Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng liên quan đến sự diệt vọng của Âu lạc, đó là An Dương Vương và các quần thần của mình đã
ngủ quên trong chiến thắng một thời gian khá dài, không lo củng cố đất nước và đánh giá đúng thực lực của kẻ thù cho nên khi quân giặc kéo đến thì tất cả bị động và nhanh chóng bị đánh bại.

Một chi tiết trong câu chuyện này là khi vua cha cùng Mỵ Châu chạy đến sát bờ biển (thuộc Nghệ An ngày nay) thì “Rùa Thần” còn phải nhắc nhà vua là “giặc ngồi sau lưng mà nhà vua không biết”. Câu này chắc chắn là của các sử gia sau này, chứ xét trên bối cảnh thời đó thì vua An Dương Vương không biết hoặc không có ý định đổ tội cho con gái mình trong việc mất nước. Việc chém Mỵ Châu chắc chỉ là một bước đi cùng quẫn của một ông vua mất nước mà thôi. Đành rằng nước mất, nhà tan thì cá nhân có thể phải hy sinh, nhưng việc gán cho Mỵ Châu cái trách nhiệm làm mất nước Âu Lạc thực sự quá sức đối với nàng. Sự hèn yếu của các Quân vương, say sưa chiến thắng, không chịu thay đổi của một vài triều đại và đánh giá sai đối thủ của những nhà cầm quân – Tất cả đều là nam giới đã từng gây là hậu quả rất to lớn và thậm chí mất nước ở nhiều nơi và nhiều thời điểm khác nhau trong quá khứ. Vấn đề là khi các biến cố này xảy ra, lại có một người phụ nữ bị đưa ra như là nguyên nhân chính gây ra cũng như chịu trách nhiệm thay cho nam giới, trong đó công chúa Mỵ châu là một ví dụ điển hình. Thế mới biết đàn ông xưa mà đặc biệt là các sử gia hèn đớn thật – họ đã không giám nhìn nhận và chịu trách nhiệm cho những thất bại do chính mình gây ra, mà chỉ chăm chăm đổ lên đôi vài “gầy bé nhỏ” của người phị nữ, để rồi hàng ngàn năm qua những Phụ nữ này vẫn liên tục oằn mình ra gánh đỡ thêm trách nhiệm vốn không phải của mình.

Đối với Mỵ Châu, trái tim nàng không hề lệch chỗ, nó vẫn đập đúng nhịp đập của tình yêu tuổi trẻ cùng mong ước hòa bình giữa các dân tộc. Dù nàng có thực sự trao nỏ thần cho giặc đi nữa thì việc này có thể cũng chỉ là “sự cố” do tình yêu và sự tin tưởng của nàng đối với người mình yêu. Và dù rằng, kết cục tình yêu của nàng mang đầy máu và nước mắt, thì những viên ngọc trai kia vốn là hóa thân từ tâm hồn trong sáng của nàng vẫn luôn ánh lên niềm hạnh phúc (sáng hơn) khi được rửa bằng nước giếng nơi chồng nàng chết. Việc chịu trách nhiệm cho sự diệt vong của nước Âu Lạc chắc hẳn quá bất công đối với nàng. Có chăng đó là hệ quả của sự hèn đớn mà đàn ông nước Nam ta luôn mắc phải qua mấy nghìn năm lịch sử.


Hãy bấm Thích và Chia sẻ để mình đăng bài nữa nhé!
 
Bi kịch của Mị Châu



Nếu đã từng đọc qua truyền thuyết An Dương Vương chắc hẳn không quên bi kịch về cái chết của công chúa Mị Châu. Cảm xúc trước nỗi đau của nàng Tố Hữu viết:
"Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Đến nỗi cơ đồ đắm bể sâu".
Truyện kể về bi kịch nước mất nhà tan của người dân Âu Lạc. Người chịu nỗi đau lớn nhất trong bi kịch đó chính là Mị Châu. Truyền thuyết An Dương Vương được tóm tắt một cách ngắn gọn như sau:
An Dương Vương là vị vua tài ba của đất nước Âu Lạc. Được Rùa Vàng giúp đỡ An Dương Vương xây được thành Cổ Loa và có vũ khí bảo vệ đất nước. Triệu Đà là vị vua sống ở phương Bắc. Triệu Đà luôn có tham vọng thâu tóm phương Nam. Sau nhiều lần tiến đánh Âu Lạc nhưng không thắng nên Triệu Đà đã chuyển sang cầu hoà. Trọng Thuỷ là con của Triệu Đà. Trọng Thủy được An Dương Vương cho làm rể ở đất Âu Lạc. Chuyện tình buồn bắt đầu khi Mị Châu vì ngây thơ nhẹ dạ chìm đắm hạnh phúc ảo tình yêu giả dối Mị Châu đã vô tình lãng quên trách nhiệm của một người con đối với đất nước. Nàng vô tình trở thành kẻ tiếp tay cho giặc. Nàng đã cho Trọng Thủy xem nỏ thần. Nhờ vậy Trọng Thủy đã đánh cắp lẫy thần. Sai lầm của nàng khiến cơ đồ của vua cha "Đắm bể sâu" bao nhiêu công lao của vua cha của nhân dân Âu Lạc đổ sông đổ biển. Bản thân nàng gánh chịu bi kịch đau đớn. Sai lầm của Mị Châu đã khiến cho ước mất nhà tan. Người đời sau đánh giá như thế nào về Mị Châu?
Trong cuộc sống con người có nhiều mối quan hệ. Con người chịu chi phối bởi các mối quan hệ đó. Nếu như chúng ta xử lí đúng các mối quan hệ trong cuộc sống thì chúng ta có hạnh phúc được mọi người tôn trọng. Trong sử thi Ra- ma- ya- na của Ấn Độ Ra- ma là một người anh hùng. Chàng buộc tội Xi- ta. Việc làm đó thể hiện chàng luôn có ý thức đề cao lợi ích cộng đồng xem nhẹ tình cảm riêng tư. Ra- ma là một người anh hùng chàng được mọi người tôn trọng và ngợi ca. Trọng Thủy trong truyền thuyết An Dương Vương là người chiến thắng nhưng y không phải là anh hùng. Ban đầu Trọng Thuỷ đóng vai trò của một tên gián điệp theo lệnh vua cha sang làm rể Âu Lạc để điều tra bí mật về nỏ thần. Trong thời gian sống với Mị Châu Trọng Thủy đã có tình cảm với Mị Châu (Câu nói của Trọng Thuỷ với Mị Châu trước lúc chia tay để về đất nước thể hiện sự chân thành của Trọng Thuỷ đối với Mị Châu). Để hoàn thành nhiệm vụ cha giao phó Trọng Thuỷ đã phải đánh đổi cả hạnh phúc của mình. Trọng Thuỷ là con người chứa nhiều mâu thuẫn. Xét về nghĩa vụ đối với vua cha Trong Thủy đã hoàn thành trách nhiệm. Xét về đạo nghĩa vợ chồng Trọng Thủy là một kẻ bạc tình. Cái chết của Trọng Thuỷ cho thấy sự bế tắc của y. Bi kịch của Trọng Thuỷ là bi kịch của một nạn nhân trong một âm mưu chính trị thâm độc. Trọng Thủy là nạn nhân của chính cha mình.
Mị Châu là một người phụ nữ. Cuộc sống của nàng cũng có nhiều mối quan hệ. Sự việc nàng gây ra xét về tình riêng Mị Châu là người sống tròn đạo nghĩa là vợ nàng phải phục tùng chồng. Xét trong mối quan hệ trách nhiệm với đất nước Mị Châu là người có tội. Nàng bị kết tội là giặc là đúng và bị trừng phạt là đích đáng. Nàng phải trả giá cho hành động ngây thơ sự cả tin của mình.
Mị Châu thật đáng thương. Những sai lầm của nàng do vô tình không phải do cố ý. Số phận của nàng bi đát hơn khi nàng phải chịu tội thay cho người khác. Trong truyện người có tội chính là An Dương Vương. Sau chiến thắng An Dương Vương tỏ ra chủ quan là tội thứ nhất. Kết giao với giặc phương Bắc mất cảnh giác là tội thứ hai. Làm vua mà không dựa vào tài năng của bản thân mà dựa vào nỏ thần là tội thứ ba. Một nhà thơ đã chỉ rõ cho mọi người biết những sai lầm của An Dương Vương:
"Nên khóc An Dương Vương hay khóc Mị Châu
Con lầm lẫn hay là cha lầm lẫn?
Biết kẻ thù đến cầu hôn sao cha còn chấp nhận
Để lỗi lầm trút cả xuống Mị Châu
Nếu trong tình yêu còn cảnh giác dối lừa nhau
Thì nhân loại này tìm đâu ra trung thực
Người làm vua không hết tài mưu lược
Nước mất rồi kết tội: Giặc là con!
Giữ giang sơn chỉ cậy một nỏ thần
Ngai vàng mất có chi là điều lạ
Vua thất trận chạy vào lòng biển cả
Che chở Người sao không phải lòng dân?
Lông ngỗng kia nếu qủa thật tâm gian
Sao người đời vẫn tìm về soi mình vào giếng ngọc?
Câu thơ này nếu thần Kim Qui đọc
Xin một lời
Sau mấy ngàn năm"
Người đáng trách đó là An Dương Vương. Nhưng do yêu quý An Dương Vương nên nhân dân ta mới đổ hết tội lỗi của An Dương Vương cho Mị Châu. Mị Châu chịu tội thay cha. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du người đọc rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh Kiều bán mình chuộc cha. Trong truyện An Dương Vương Mị Châu phải chịu tội thay cha. Số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ thật bi đát.
Sai lầm dẫn đến mất nước Mị Châu thật đáng trách. Nhưng xét cho cùng nàng thật đáng thương. Cuộc đời gánh chịu bi kịch do nàng đặt tình thương không đúng chỗ. Nhân dân dù rất nghiêm khắc trước hành động của Mị Châu nhưng cung rất khoan dung độ lượng. Tác giả dân gian đã để cho lời nguyền của Mị Châu ứng nghiệm: "Thiếp là phận gái nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù". Máu Mị Châu đổ xuống biển loài trai ăn được biến thành ngọc. Ngọc đó đem rửa ở giếng nơi Trọng Thủy tự tử thì sẽ sáng hơn. Hình ảnh giếng nước- Ngọc trai là hình ảnh có nhiều ý nghĩa. Dù cho trái tim Mị Châu- Trọng Thủy mang hai nhịp đập khác nhau nhưng cả hai đã là vợ chồng. Cả hai đều có sai lầm. Nhận ra sai lầm Trọng Thủy cũng đã hối hận thương tiếc Mị Châu và rồi nhảy xuống giếng tự vẫn. Đó chính là sự trừng phạt đích đáng cho kẻ bội bạc xảo trá. Hình ảnh giếng nước- Ngọc trai là một hình ảnh đẹp. Dù Trọng Thủy xảo trá Mị Châu vẫn chung tình cả hai đều chịu đựng nỗi đau lớn. Mị Châu- Trọng Thủy đều là nạn nhân của chiến tranh cả hai đều đáng thương. Ngọc trai của Mị Châu nếu đem rửa ở giếng nước nơi Trọng Thủy chết thì ngọc sáng hơn. Chi tiết đó có ý nghĩa ca ngợi tình yêu của con người. Hi vọng nếu được trở lại với cuộc sống họ sẽ được sống bên nhau không liên quan đến những âm mưa chính trị thâm độc không bị lừa gạt. Truyền thuyết An Dương Vương để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Sự hoá thân của Mị Châu: Máu nàng chảy xuống biển trai ăn được hoá thành ngọc trai xác hoá thành ngọc thạch. Chi tiết đó có ý nghĩa diễn tả nỗi oan của nàng đã được hoá giải. Nhân dân đã tha thứ cho lỗi lầm của nàng.
Truyền thuyết lí giải về nguyên do mất nước của Âu Lạc và đưa ra những bài học giữ nước sâu sắc. Truyền thuyết Mị Châu- Trọng Thủy là một trong những câu chuyện có sức hấp dẫn được lưu truyền trong dân gian về buổi đầu của lịch sử dân tộc một câu chuyện vừa mang nét hiện thực vừa mang nét huyền thoại thời Âu Lạc. Truyền thuyết Mị Châu- Trọng Thủy muôn đời vẫn còn giá trị từ ý nghĩa nhân văn từ bài học cảnh giác cũng như lời nhắc nhở về cách giải quyết các mối quan hệ riêng- chung cá nhân- cộng đồng. Câu chuyện bi kịch thấm thía ấy cũng là cách thể hiện lập trường và tình cảm rõ ràng của nhân dân ta trước các vấn đề lịch sử và quan hệ con người.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top