Sự nguy hiểm vô cùng của chất tạo nạc - salbutamol

Hide Nguyễn

Du mục số
Salbutamol là thuốc dùng cho người với tên biệt dược là albuterol, Ibuterol… thuộc nhóm β-agonist (thụ thể beta) là nhóm chất được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh hen suyễn.

Sabutamol là một thụ thể β2 (thụ thể beta 2) tác dụng nhanh tạo Epinephrine, được sử dụng để làm giảm co thắt phế quản trong các bệnh như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Sabutamol được bán lần đầu tiên trên thị trường vào năm 1968, bởi Allen và Hanburys dưới tên thương phẩm Ventolin.


20160326081649-chat-tao-nac-3.jpg

Salbutamol giúp làm giãn các cơ ở khí quản người bị hen.

Thuốc điều trị bệnh hen suyễn chứa salbutamol hiện có nhiều trên thị trường trong nước cũng như trên thế giới. Ở nước ta thuốc có thành phần chứa salbutamol được Bộ y tế quản lý chặt chẽ.

Khi phổi bị kích thích, các nhóm cơ quanh các cơ quan hô hấp bị co thắt làm cho các đường hô hấp bị hẹp lại,và điều này thường dẫn đến hiện tượng ngưng thở, hen.

Lúc này Salbutamol sẽ dùng để cắt cơn hen ở người, nhất là trong cấp cứu, nó tác dụng trong đường hô hấp làm giãn các cơ ở khí quản, do đó khí quản mở rộng ra và lượng không khí vào phổi sẽ tăng lên.

Trong sản khoa, hoạt động của các thụ thể beta 2 làm giãn cơ trơn tử cung có tác dụng làm trì hoãn việc sinh nở.

Các mối nguy hiểm tiềm ần khi sử dụng salbutamol bừa bãi

Mặc dù có nhiều lợi ích trong y học như nêu trên, tuy nhiên salbutamol cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu bị dùng bừa bãi, không đúng mục đích.

Ủy ban Cảnh giác Dược châu Âu (PRAC) đã khuyến cáo về các thuốc kích thích beta tác dụng ngắn như salbutamol không nên sử dụng trong sản khoa ở dạng đường uống hoặc đường đặt hậu môn trong phòng ngừa cơn cơ thắt chuyển dạ.

Khi sử dụng liều cao các thuốc này, sẽ xuất hiện tác dụng phụ trên tim mạch như nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều), và các tác dụng phụ nghiêm trọng khác như phù phổi.

Vì vậy, các loại thuốc này được sử dụng trong sản khoa không được chỉ định ở những bệnh nhân có tiền sử hoặc có nguy cơ bệnh tim mạch.

Ngoài ra, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai sử dụng lâu dài hay ăn các thực phẩm tạo nạc từ salbutamol cũng có nguy cơ làm tăng các dị tật thai nhi (quái thai).

Tuy chưa có nghiên cứu tầm cỡ trên cơ thể người, nhưng theo Trung tâm Chất độc sinh sản của Mỹ (Reprotox Toxicology Center), một vài nghiên cứu cho thấy salbutamol gây cản trở phát triển phôi thai ở chuột.

Trung tâm này cũng tìm thấy sự gia tăng cụ thể “dị tật bẩm sinh” liên quan đến sử dụng salbutamol trong thời kỳ đầu mang thai.

Năm 2001, tác giả Woodward K.N thuộc viện nghiên cứu về thuốc thú y ở Anh đã nghiên cứu quá trình chuyển hóa và độc tính của salbutamol và clenbuterol trên một số loài động vật (chuột, thỏ, khỉ, trâu, bò, ngựa).

Theo tác giả, trong nghiên cứu sinh quái thai ở chuột ( liều uống 10 và 100mg/kg mỗi ngày) đã xuất hiện những dấu hiệu gây quái thai như não úng thủy, thoát vị rốn, xương sườn và xương sống bị biến thể, vỡ.

Đối với thỏ (liều uống 30mg đến 50mg/kg mỗi ngày) đã thấy xuất hiện dấu hiệu ngộ độc, trong đó có trì hoãn sự thoái hóa xương, hở hàm ếch.

Salbutamol bị lạm dụng trong chăn nuôi như thế nào?

Bên cạnh các tác dụng chính dùng trong Y học ở trên, nhóm β-agonist (thụ thể beta), mà chủ yếu là salbutamol, được chứng minh là chất chuyển đổi khá hiệu quả, làm giảm tỷ lệ mỡ, tăng tỷ lệ nạc ở gia súc, gia cầm.

Đáng lưu ý là chỉ một phần salbutamol bị bài tiết và một phần bị chuyển hóa, phần lớn salbutamol còn lại tồn dư trong cơ và các cơ quan trong cơ thể (gan, thận...) của vật nuôi.

Việc sử dụng salbutamol bổ sung trong thức ăn gia súc để làm tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm mỡ, làm thịt nạc có màu đỏ không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, đặc biệt ở những nước đang phát triển.

Từ lâu salbutamol đã là chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quyết định của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc

Vào tháng 7/1997, châu Âu đã cấm sử dụng ß-agonists (ngoại trừ dùng làm thuốc thú y). Ở Việt Nam, các loại dược liệu thuộc nhóm β-agonist trong đó có clenbuterol và salbutamol được xếp vào danh mục 18 hóa chất bị cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tuy nhiên, các chất này vẫn còn bị một bộ phận người dân lén sử dụng trong chăn nuôi và việc kiểm tra sự hiện diện của chúng trong thức ăn gia súc, gia cầm vào những năm 2005-2008 phần lớn chỉ dừng lại ở mức độ định chính xác chưa cao.

Năm 2015, ngay sau khi có thông tin về việc nguyên liệu salbutamol có khả năng bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã tích cực thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt là với trường hợp của Salbutamol.

Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 21590/QLD-KD ngày 20/11/2015 thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.

Tác dụng của salbutamol lên động vật nuôi và người sử dụng salbutamol tích lũy trong thực phẩm thịt sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thông qua dây chuyền thực phẩm, gây ra các triệu chứng rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, co thắt phế quản, phù nề, run cơ, liệt cơ, choáng váng,…

Vì lợi nhuận trước mắt, người chăn nuôi đã và đang gây nên những mối nguy hại khôn lường đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội.

Ví dụ, với loại lợn siêu nạc giống tốt nhất trong nước hiện nay, người dân phải mất 5 tháng mới đạt trọng lượng 95-100 kg/con nhưng cho thêm 1 thìa cà phê salbutamol vào thức ăn (cho 10 con lợn loại 70-80 kg/con), thời gian xuất chuồng rút ngắn chỉ còn 3 tháng!

Thịt siêu nạc do salbutamol gây hại như thế nào?

Thực chất loại thịt siêu nạc là thịt giả nạc. Khi chất tạo nạc này nhiễm vào cơ thể lợn (heo) sẽ làm máu ở phần thịt nạc dồn lên phía mỡ bên trên, khiến phần mỡ này chuyển dần sang màu đỏ giống như thịt nạc.


20160326081649-chat-tao-nac-2.jpg

Các chất tạo nạc cho lợn tìm thấy ở Việt Nam thường là salbutamol và clenbuterol, thuộc nhóm thụ thể beta.

Người nuôi sử dụng hóa chất tạo nạc này chỉ cho lợn ăn không quá nửa tháng, trước khi xuất chuồng. Nếu nuôi quá nửa tháng lợn sẽ tự khuỵu chân, vì hóa chất này làm cho xương giòn.

Trong quá trình di chuyển lợn sẽ tự gãy chân. Ngoài ra, khắp người con lợn sẽ bắt đầu xuất hiện những vết lở rỉ nước.

Các chất kích thích này là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật ngay cả khi đã chế biến, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng, và vì vậy gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.

Theo Viện sốt rét và ký sinh trùng Quy Nhơn, trong mục Thuốc và Hóa chất, cho biết 1 kg salbutamol có thể pha vào 1 tấn thức ăn gia súc.

Vì một con heo tăng trọng 2 kg mỗi ngày, nên có thể ăn 6 kg thức ăn (tỷ lệ tăng trọng = 1:3), nghĩa là ăn phải 6g (=6.000mg) salbutamol hay clenbuterol.

Liều điều trị cho một người (khoảng 50-60 kg) không thể vượt quá 200 mcg = 0,2 mg, nên lượng chất trên cho phép trong con heo nặng khoảng 100kg là: 2*0,2 = 0,4 mg.

Vì vậy lượng salbutamol (hay clenbuterol) mà lợn ăn vào một ngày cao hơn lượng cho phép là: 6000mg/0,4 = 15.000 lần.

Nếu heo được vỗ nạc trong 13 ngày (trước 15 ngày phải bán), thì dư lượng salbutamol (hay clenbuterol) cao so với lượng cho phép là: 15.000 * 13 = 195.000 lần. Quá khủng khiếp!

Đối với gia súc như lợn, con vật khi ăn phải chất này chỉ có thể tồn tại được quá nửa tháng là phải giết mổ.

Khi ăn phải thịt nhiễm salbutamol, chất độc này hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa và lượng salbutamol còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì cơ thể sẽ hấp thu bấy nhiêu.

Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường.

Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư hai chất cấm salbutamol lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa nếu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng và có thể là nguy cơ cho những căn bệnh khác.

Ăn loại thịt heo này, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú; đàn ông u nang tinh hoàn, dãn tĩnh mạch dịch hoàn, chất lượng tinh dịch thấp, thay đổi hành vi tình dục…

Cách nhận biết thịt nào có chất tạo nạc và thịt bình thường

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nếu nhìn bằng mắt thường thì rất khó phân biệt thịt lợn được nuôi bằng thức ăn tạo nạc và thịt nạc bình thường.

Để biết thịt lợn nào bị nhiễm chất tạo nạc thì phải lấy mẫu thịt để kiểm tra, phân tích mới có thể đưa ra kết luận chắc chắn.

Tuy nhiên, người dân nên tránh những loại thịt lợn phần nạc có màu đỏ giống thịt bò.

Sau đây là 4 đặc điểm nhận biết thịt siêu nạc có hóa chất theo các chuyên gia Cục Chăn nuôi:

1. Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh. Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi chỉ dày đến 1 cm (thông thường khoảng 0,4 cm), trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2 cm

2. Nhìn màu sắc: Thịt lợn chứa các chất độc Ractophamine và Clenbuterol thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.

3. Thái miếng thịt ra dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn thì rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng.

4. Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc.

Người tiêu dùng hãy luôn sáng suốt và thông minh để lựa chọn thịt tươi ngon, chất lượng để gia đình luôn có những bữa ăn đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng.

(Theo Tri Thức Trẻ)
 
Hiểm họa của chất tạo nạc thịt lợn và cách nhận biết

Các chuyên gia cho rằng, nếu ăn phải loại thịt lợn có tồn dư chất tạo nạc trong thời gian dài, cơ thể sẽ nhiễm độc, ảnh hưởng xấu tới tim mạch, rối loạn tiêu hóa, nặng có thể nguy hiểm tới tính mạng.


Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg Salbutamol về VN. Tuy nhiên, trong 6 tấn đã được bán ra thị trường, chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định. Phần lớn lượng thuốc nhập về được bán ra ngoài cho chăn nuôi làm chất tạo nạc cho lợn.

hiem-hoa-cua-chat-tao-nac-thit-lon-va-cach-nhan-biet-org.jpg


Ăn thịt lợn còn tồn dư chất tạo nạc Salbutamol lâu ngày có thể gây ra ảnh hưởng khôn lường cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Salbutamol vốn là chất được sử dụng để chế thuốc làm giãn phế quản trị hen suyễn và hiện vẫn được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, từ lâu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) đã khuyến cáo không sử dụng chất này trong chăn nuôi. Tại Việt Nam, từ năm 2002, chất này cũng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Chính vì lý do này, nhiều đơn vị trong nước đã "lách luật" để nhập khẩu Salbutamol về với mục đích làm thuốc chữa bệnh nhưng thực chất lại bán ra ngoài để làm chất tạo nạc cho cho lợn. Và điều này, theo các chuyên gia sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1-2 tháng, thậm chí là 15 ngày. Sau khi sử dụng khoảng nửa tháng, người chăn nuôi phải cho lợn xuất chuồng vì nếu không chúng sẽ thoái hóa, có thể chết.

"Do đó, nếu ăn phải thịt lợn vỗ béo bằng chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư của các chất đó", PGS Thịnh cho hay.

“Salbutamol và Clenbutarol đều được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vì vậy, chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu", PGS Thịnh cho biết thêm.

Về tác hại, PGS Thịnh cho biết, nếu Salbutamol được tích lũy trong cơ thể một thời gan dài, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Riêng về khả năng gây ung thư, chuyên gia này cho biết hiện nay chưa có công bố chính thức về điều này. Tuy nhiên, chất tạo nạc vẫn là hóa chất có khả năng gây hại cho sức khỏe con người.

Sử dụng chất tạo nạc có thể bị phạt tù tới 5 năm

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên đề, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, việc nhiều người sử dụng chất cấm Salbutamol làm chất tạo nạc cho lợn là mối họa đối với sức khỏe của cả cộng đồng và toàn xã hội. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chế tài chỉ mới dừng lại ở mức xử vi phạm hành chính.

"Theo quy định hiện tại, các cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ bị phạt từ 70-100 triệu, không đủ sức răn đe", ông Dũng nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, sau khi dư luận xã hội lên tiếng, các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, chế tài đối với việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như Salbutamol đã được thay đổi để tăng tính răn đe.

Ông Dũng cho biết, kể từ 1/7, sau khi Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực, hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng chất cấm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng sẽ bị phạt từ 100 triệu tới một tỉ. Các trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt từ 1-5 năm.

"Tôi cho rằng mức phạt mới sẽ có tính răn đe đối với những hành vi vi phạm này", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, bên cạnh việc tăng chế tài, một vấn đề quan trọng hơn là cần thắt chặt khâu quản lý đầu vào của những chất cấm như Salbutamol. "Một khâu rất lớn là quản lý đầu vào trong thời gian qua đã bị buông lỏng", ông Dũng nói.

Nhiều công ty được cấp hóa đơn nhập khẩu Salbutamol sau đó đã cho nhân viên bán ra cho công ty khác để bán ra ngoài làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện tại, Cục quản lý dược của Bộ Y tế đã tiến hành siết chặt quản lý đối với chất tạo nạc Salbutamol. Theo đó, Bộ Y tế đã ngừng cấp hạn ngạch nhập khẩu đối với Salbutamol. Sắp tới sẽ sửa lại Luật Dược, đưa Salbutamol vào danh sách thuốc phải quản lý đặc biệt để quản lý chặt chẽ khâu nhập khẩu và phân phối.

Cách nhận biết thịt lợn có chứa chất tạo nạc


Theo PGS Thịnh, để chọn được các loại thịt an toàn, người tiêu dùng cần lưu ý:

- Chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô.

- Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.

- Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn không để lại vết lõm, dính.

- Không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

Ngoài ra, chúng ta có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau để nhận biết thịt có sử dụng chất tạo nạc:

- Thịt lợn sử dụng chất tạo nạc có lớp mỡ mỏng (dưới 1 cm), da căng, mỏng bất thường, màu đỏ đậm như màu thịt bò. Lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5-2 cm.

- Khi thái nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được.

- Phần liên kết giữa phần nạc và phần mỡ tách rời rõ rệt, thường có dịch vàng rỉ ra.

- Khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.

Theo Zing.vn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top