• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Trang Dimple

New member
Xu
38
Cuốn sách tập trung làm rõ những nguyên nhân khiến ta không hạnh phúc, bao gồm 6 Ảo tưởng lớn (suy nghĩ, cái tôi, kiến thức, thời gian, sự kiểm soát, nỗi sợ) và 7 Điểm mù (sự chọn lọc một cách có chủ ý, giả định, dự đoán, trí nhớ, quy chụp, cảm xúc..


image(8).png
.SOLVE FOR HAPPINESS
(PHƯƠNG TRÌNH HẠNH PHÚC)
Tác giả: Mo Gawdat
Năm xuất bản: 2017
Thể loại: Non-fiction, self-help, psychology
Độ dài: 14 chương
Người dịch: December Child

Giới thiệu:
Giả sử vào một ngày đẹp trời nọ, bạn thảnh thơi ngồi bên khung cửa sổ nhà mình – bên ngoài kia là khu vườn yên tĩnh và mây trời lững thững bay, có thể lúc này bên tai bạn là một khúc nhạc dịu êm nào đó, và trong dòng suy nghĩ miên man bạn bắt đầu ngẫm về cuộc đời mình. Những tháng ngày qua mang đến cho bạn cảm giác gì nhỉ? Mãn nguyện vì mọi thứ nằm trong đúng tầm kiểm soát và vận hành theo kế hoạch của bạn? Hay có chút bất mãn vì những gì bạn đạt được không tương xứng lắm so với kỳ vọng và công sức mà bạn đã bỏ ra? Hay, tệ hơn nữa, bạn cảm thấy mình đúng là đứa con ghẻ của số phận khi một số chuyện hay một số người cứ như là đang phản bội bạn vậy?

Đã bao giờ trong quá trình sống cuộc đời mình bạn từng cho rằng khi có được thứ này hay cố gắng đạt đến vị trí kia rồi thì mình sẽ hạnh phúc. Nhưng sau một chặng đường mệt nhoài đấu tranh với cả bản thân lẫn giang hồ hiểm ác, rồi khi bạn đã có được thứ mà mình muốn thì bạn vẫn cảm thấy không trọn vẹn, vẫn cảm thấy không hạnh phúc. Nguyên nhân? Bởi vì hạnh phúc không phải là kết quả đợi chờ bạn ở nơi vạch đích, mà nó phải là thứ đồng hành cùng bạn trong suốt cuộc hành trình; và hạnh phúc cũng không phải là thứ đến từ những yếu tố hay tác động bên ngoài, mà nó phải là thứ được hình thành và xây dựng từ chính bản thân bạn, từ trong tâm hồn bạn.

Và đây chính là tinh thần của cuốn sách Solve for Happiness (tạm dịch: Phương trình hạnh phúc) của tác giả Mo Gawdat. Đúng như tên gọi, Solve for Happiness tiếp cận chủ đề hạnh phúc với tư duy logic của một người làm trong ngành IT, Mo Gawdat đã làm việc lâu năm và nắm giữ những vị trí khá quan trọng trong các tập đoàn tin học lớn như IBM, Google, v.v ; ông tự nhận mình là thiên tài tự học với niềm đam mê khám phá về mọi lĩnh vực. Được tạo hoá ưu ái cho trí thông minh, và thưở nhỏ được mẹ truyền dạy câu thần chú: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” nên ông đã miệt mài lao động và phấn đấu lên đến đỉnh cao của sự nghiệp. Nhưng như ông chia sẻ dù có tiền, có quyền, có bộ sưu tập siêu xe mà ông luôn thấy bực bội, căng thẳng, và dĩ nhiên, là không hạnh phúc. Có thể nói, đấy cũng là một dạng khủng hoảng của người thành đạt. Khi nhận thức được tình trạng khủng hoảng của bản thân, ông quyết tâm vận dụng khả năng tự học thiên phú của mình để tìm ra lối thoát cho bản thân, mà như ông nói là giải phương trình hạnh phúc (tiếp cận nó bằng quan điểm toán học, tư duy logic mạch lạc).

Solve for Happiness dưới khả năng viết lách của Mo Gawdat (thật ngạc nhiên khi những người giỏi toán lại thường viết rất hay) trở nên vô cùng lôi cuốn, mạch lạc và dễ hiểu. Cuốn sách tập trung làm rõ những nguyên nhân khiến ta không hạnh phúc, bao gồm 6 Ảo tưởng lớn (suy nghĩ, cái tôi, kiến thức, thời gian, sự kiểm soát, nỗi sợ) và 7 Điểm mù (sự chọn lọc một cách có chủ ý, giả định, dự đoán, trí nhớ, quy chụp, cảm xúc, sự phóng đại); và những yếu tố sẽ mang đến hạnh phúc cho ta mà ở đây tác giả gọi là 5 Sự thật (hiện tại, sự thay đổi, tình yêu, đấng tạo hoá). Nếu chỉ tóm tắt cuốn sách trong một nốt nhạc, thì mình sẽ bê nguyên cái Phương trình Hạnh phúc của Mo Gawdat vào đây:


phuong-trinh-hanh-phuc.png


như thế cũng đủ để thấy rằng, hạnh phúc thực ra rất là đơn giản bởi vì nó là thứ có sẵn ở trong mỗi chúng ta: khi mà ta cho rằng những sự kiện diễn ra trong đời mình tốt đẹp hơn so với kỳ vọng của ta về cuộc sống, THÌ TA HẠNH PHÚC. Có nghĩa là, nếu ta có thể thay đổi được suy nghĩ và quan điểm của bản thân thì ta sẽ đến được gần hơn với hạnh phúc, hay thậm chí còn có thể đạt được hạnh phúc nữa.

Có lẽ, nói thì dễ hơn là làm. Nhưng điểm cộng dành cho Solve for Happiness là Mo Gawdat đối với mỗi chủ đề đều đưa ra được những lập luận và những lời khuyên vô cùng hữu ích và dễ áp dụng – đến mức mà, hẳn bạn sẽ phải thốt lên rằng: “Ôi chao, là như vậy ư?” Đúng vậy, hành trình đi tìm hạnh phúc và đến với hạnh phúc chỉ đơn giản có nhường ấy, chẳng qua là từ trước đến giờ chúng ta chưa thật sự nghiêm túc và thực sự sâu sắc để nhận ra những điều cần nhận ra.

Như chính tác giả đã từng chia sẻ, động lực thúc đẩy ông viết và xuất bản cuốn sách là vì cậu con trai Ali đã mất trong một tai nạn hi hữu. Ông nói, ở Google X – nơi những dự án ‘trong mơ’ như xe hơi tự lái hay khinh khí cầu phát wifi cho toàn cầu, được gọi là “dự án ánh trăng” vì tính viễn tưởng và tầm ảnh hưởng của chúng tới nhân loại. Vì thế mà ông muốn đặc biệt dành tặng cuốn sách Solve for Happiness – như là một dự án ánh trăng của riêng mình cho con trai ông, Ali. Và ông hứa rằng, chừng nào mà ông còn sống, ông sẽ biến niềm hạnh phúc của toàn thể thế giới này là sứ mệnh cá nhân của riêng ông. Và vì thế, mà mình rất muốn được góp phần vào việc thực hiện dự án ánh trăng của Mo Gawdat (dù rằng việc dịch + phổ biến sách trái phép là một hành động không thể tha thứ =)) )
the-joy-of-life.jpg


Gánh nặng của một cuộc chiến đấu không có nghĩa lý gì với những ai có được sự thanh thản trong tâm hồn.


Dành tặng Ali
Cha biết chắc là con hạnh phúc dù cho lúc này con ở bất kỳ đâu


LỜI GIỚI THIỆU

Mười bảy ngày sau cái chết của cậu con trai tuyệt vời Ali của tôi, tôi bắt đầu viết và không dừng lại được. Chủ đề viết của tôi là hạnh phúc – một chủ đề không được bình thường vào thời điểm đó.

Ali thực sự là một thiên thần. Thằng bé khiến cho mọi thứ mà nó chạm tay vào và mọi người mà nó gặp luôn thấy hạnh phúc hơn. Thằng bé luôn luôn bình thản, luôn luôn hạnh phúc. Bạn sẽ chẳng thể bỏ qua được cái năng lượng ấy nơi thằng bé hay cái cách mà nó luôn tận tình quan tâm tới mọi con người mà nó gặp gỡ trên bước đường đời. Khi thằng bé bỏ chúng tôi mà đi, chúng tôi có đủ mọi lý do để thấy đau khổ – và thậm chí là bất hạnh. Vậy thì tại sao sự ra đi của con trai lại thúc đẩy tôi cầm bút viết về điều mà bạn sắp đọc tới đây? Vâng, đó là câu chuyện được bắt đầu kể từ khi thằng bé sinh ra – mà có lẽ là còn sớm hơn thế nữa.

Kể từ khi tôi bắt đầu đi làm, tôi đã giành được nhiều thành công, sự giàu có, và được ghi nhận. Dầu vậy, tôi vẫn luôn cảm thấy không được hạnh phúc. Ngay từ buổi đầu sự nghiệp khi tôi làm việc cho những gã khổng lồ công nghệ như là IBM và Microsoft, tôi đã thu được sự thoả mãn lớn lao về mặt tri thức, rất nhiều phần thưởng dành cho cái tôi, và, vâng, tôi còn kiếm được một ít tiền nữa. Nhưng khi mà tôi cảm thấy may mắn mỉm cười với mình, thì tôi càng ít cảm thấy hạnh phúc hơn.

Đó không chỉ bởi vì cuộc sống trở nên phức tạp hơn – như bạn biết đấy, giống với một bài hát rap của thập niên 90 vậy, “Mo Money mo Problems” (tạm dịch: Càng nhiều tiền thì càng rắc rối). Vấn đề nằm ở chỗ, dù cho tôi có được sự tưởng thưởng về mặt tri thức và tiền bạc, tôi vẫn không thể tìm thấy được bất kỳ niềm vui nào trong đời mình. Ngay cả sự ban ơn lớn nhất của cuộc đời tôi là gia đình thì cũng không thể mang lại cho tôi niềm vui như mong đợi bởi vì tôi không biết làm thế nào để đón nhận nó.

Điều nực cười là, khi mà tôi còn trẻ, dù cho tôi có phải vật lộn để tìm ra được con đường cho cuộc đời mình và thường phải cố gắng lắm mới đủ khả năng trang trải sinh hoạt phí mỗi tháng, tôi vẫn luôn cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng vào năm 1995, khi mà vợ tôi và tôi và hai đứa con đóng gói đồ đạc và chuyển tới Dubai sinh sống, mọi việc đều thay đổi. Tôi không có ý chê bai gì Dubai đâu, bạn hiểu cho tôi nhé. Đó là một thành phố đầy ấn tượng với những công dân vô cùng hào phóng, những người dân thuộc tiểu vương quốc Arab, thực sự khiến tôi cảm thấy như đang ở nhà. Thời điểm chúng tôi chuyển tới đây đồng thời trùng với thời kỳ tăng trưởng vượt bậc của Dubai, và mang tới những cơ hội việc làm đáng kinh ngạc và hàng triệu triệu cách thức để khiến bản thân bạn cảm thấy hạnh phúc, hay ít nhất là thử nghiệm điều đó.

Nhưng Dubai cũng mang tới cảm giác không thực. Đối lập với vùng đất cát nóng bỏng và làn nước trong xanh như ngọc, đường chân trường đầy ắp những toà nhà văn phòng và khu dân cư hiện đại nơi mà những căn hộ triệu đô liên tục được chọn mua bởi những vị khách hàng trên toàn thế giới. Trên đường phố, Porsche và Ferrari tranh giành chỗ đậu xe với những Lamborghini và Bentley. Sự xa hoa tột bậc này làm bạn loá mắt – nhưng đồng thời cũng xui khiến việc đặt ra câu hỏi rằng liệu, so với tất cả những điều này, bạn hầu như chẳng đạt được điều gì.

Vào thời điểm chúng tôi đặt chân tới tiểu vương quốc Arab, tôi hẳn đã rơi vào cái thói quen tự so sánh bản thân mình với những người bạn siêu giàu của tôi và luôn thấy bị thua thiệt. Nhưng những cảm giác tụt hậu ấy không khiến tôi chùn bước hay tự cô lập mình. Thay vì vậy điều ấy khiến cho tôi càng thêm nỗ lực. Tôi chỉ đơn giản là làm những điều mà tôi vẫn luôn làm như là một kẻ lập dị quái gở luôn bị ám ảnh với việc đọc sách kể từ hồi còn nhỏ: tôi mua về hàng đống sách. Tôi học cách phân tích kỹ thuật xu hướng lên xuống của cổ phiếu trên các bảng biểu với những công thức tính toán. Và với kỹ năng này tôi có thể dự đoán sự biến động của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn như một chuyên gia thực thụ. Khi tôi về đến nhà sau một ngày làm việc là thời điểm thị trường chứng khoán New York mở cửa ở Mỹ và khi ấy tôi vận dụng kiến thức toán học của mình vào việc nghiêm túc kiếm tiền như là một nhà đầu tư ban ngày (hay chính xác hơn trong trường hợp của tôi, là nhà đầu tư ban đêm).

Và vâng – tôi mong rằng tôi không phải là người đầu tiên kể cho bạn nghe câu chuyện kiểu này – rằng tôi càng kiếm được nhiều tiền, thì tôi càng cảm thấy ít hạnh phúc hơn. Điều ấy khiến tôi càng lao vào công việc và mua sắm các ‘đồ chơi’ mới với một giả định sai lầm rằng, không sớm thì muộn, tất cả những nỗ lực này sẽ được trả giá và tôi rồi sẽ tìm được chiếc hũ vàng – sự hạnh phúc – tôi cho rằng điều ấy đang chờ đợi tôi ở điểm cuối cùng của chiếc cầu vồng mang tên thành tựu lớn. Tôi giống như một con chuột hamster trong tình trạng mà các nhà tâm lý học gọi là “cối xay hưởng lạc”. Bạn càng có được nhiều thứ, thì bạn càng muốn nhiều hơn nữa. Bạn càng nỗ lực cố gắng, thì bạn càng tìm thấy có thêm nhiều lý do để cố gắng hơn.

Vào một tối nọ tôi lên mạng và với hai cái click chuột tôi đã mua về hai chiếc Rolls-Royce cổ. Tại sao vậy? Bởi vì điều này nằm trong khả năng của tôi. Và bởi vì tôi đang tuyệt vọng trong việc cố gắng lấp đầy sự trống rỗng trong lòng mình. Và có lẽ bạn sẽ chẳng thấy ngạc nhiên chút nào nếu biết rằng khi những cỗ máy cổ điển xinh đẹp của Anh xuất hiện trong ga-ra nhà tôi, chúng chẳng hề khiến tôi vui lên chút nào

Khi nhìn lại quãng thời gian này của cuộc đời mình, tôi nhận ra khi ấy tôi không phải là người được ưa chuộng gì cho lắm. Công việc của tôi tập trung vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh của Microsoft tại thị trường châu Phi và Trung Đông, mà, như bạn có thể hình dung, đã khiến tôi dành nhiều thời gian cho những chuyến bay hơn cả. Trong cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ dành cho nhiều hơn của mình, tôi trở thành một kẻ hay áp đặt và khó chịu ngay cả khi ở nhà, và tôi biết rõ điều đó. Tôi dành ra quá ít thời gian để bày tỏ lòng biết ơn đối với người phụ nữ mà tôi đã kết hôn cùng, quá ít thời gian cho con trai và con gái tôi, và chẳng bao giờ dừng lại để tận hưởng những khoảnh khắc quý giá của một ngày

Thay vì vậy tôi dành gần như toàn bộ thời gian không ngủ của mình vào việc trở nên tham vọng, lo lắng, hay chê bai, và đòi hỏi thành tích và biểu hiện tốt ở ngay cả mấy đứa trẻ nhà mình. Tôi điên cuồng trong việc cố gắng khiến cho cái thế giới này vận hành theo cách mà tôi nghĩ rằng nó phải diễn ra. Vào năm 2001 việc làm việc không ngừng và sự trống rỗng đã đẩy tôi tới cơn khủng hoảng.

Tại thời điểm đó tôi biết rằng tôi không thể tiếp túc phớt lờ vấn đề này thêm nữa. Cái con người đầy độc đoán và không bao giờ thấy hạnh phúc cứ nhìn chằm chằm vào tôi trong gương ấy đâu phải là con người thật của tôi. Tôi thấy nhớ cái chàng trai hạnh phúc và đầy lạc quan mà tôi đã từng là, và tôi thấy quá đỗi chán ngán với việc lê lết trong cái sự mệt mỏi, đau khổ, và hay gay hấn này rồi. Tôi quyết định đưa cái cảm giác chán trường của bản thân mình tới một thử thách: tôi sẽ áp dụng phương pháp tự học của mình, cùng với khả năng tư duy phân tích của một kỹ sư, để tìm ra lối thoát cho mình.
• •

Lớn lên ở Cairo, Ai Cập, nơi mẹ tôi là một giáo sư văn học Anh, tôi đã chìm đắm trong thế giới của sách từ lâu trước cả khi bắt đầu tới trường. Ở tuổi lên tám, mỗi năm tôi lại tập trung vào một chủ đề nào đó và mua nhiều sách nhất có thể trong số tiền mà mình có được. Tôi dành toàn bộ thời gian còn lại trong năm để học lấy mọi từ trong mọi cuốn sách. Sự ám ảnh này khiến tôi trở thành trò cười trong mắt bạn bè, nhưng cái thói quen ấy trở thành cách tiếp cận của tôi đối với mọi thử thách và tham vọng. Bất kỳ khi nào đời sống trở nên khó khăn, tôi lại tìm đến sách vở.

Tôi tự học nghề mộc, vẽ tranh, guitar, và tiếng Đức. Tôi đọc về thuyết tương đối hẹp, tìm hiểu về lý thuyết trò chơi và toán học, và tôi học cách lập trình các chương trình tin học phức tạp. Từ khi là một đứa trẻ học tiểu học, cho tới khi ở tuổi vị thành niên, tôi tiếp cận vô số những cuốn sách với một mối chuyên tâm duy nhất. Khi trưởng thành hơn, tôi cũng áp dụng một niềm đam mê như thế đối với việc học về phục chế xe cổ, nấu ăn, và vẽ chân dung. Tôi đạt tới một mức độ thành thạo nhất định về kinh doanh, quản lý, tài chính, kinh tế, và đầu tư chủ yếu chỉ qua sách vở.

Khi mọi việc trở nên khó khăn chúng ta thường làm nhiều hơn những điều mà ta làm tốt nhất. Vì vậy, trong những năm ở độ tuổi ba mươi và đau khổ của tôi, tôi lao vào đọc về tình thế khó khăn của bản thân. Tôi mua mọi quyển sách về chủ đề hạnh phúc mà tôi có thể tìm thấy. Tôi tham dự mọi khoá học, xem mọi cuốn phim tài liệu, và rồi cần mẫn phân tích mọi điều mà tôi học được. Nhưng tôi không tiếp cận chủ đề này theo quan điểm của những nhà tâm lý học đã viết ra những cuốn sách ấy và thực hiện các thí nghiệm khiến cho việc “nghiên cứu về hạnh phúc” là một chủ đề học thuật nóng hổi. Đương nhiên tôi không đi vào con đường mà mọi triết gia và nhà thần học đã từng phải vất vả vật lộn với cái vấn đề về hạnh phúc nhân loại kể từ thời điểm nền văn minh được hình thành.

Tôi tiếp tục quá trình tự học của mình, tôi chia nhỏ vấn đề hạnh phúc thành những phần nhỏ nhất và áp dụng phương pháp phân tích kỹ thuật. Tôi áp dụng cách tiếp cận hướng tới thực tế mà có thể đi sâu vào và có thể mô phỏng được. Trong suốt quá trình ấy, tôi thách thức mọi qui trình mà tôi đã được chỉ bảo cần tuân thủ một cách mù quáng, thử nghiệm sự phù hợp của mọi động thái, và nhìn sâu vào tính phù hợp của mọi đầu vào khi mà tôi cố gắng tạo ra một thuật toán sẽ mang tới kết quả mong muốn. Là một chuyên gia lập trình, tôi đặt ra mục tiêu là cần phải tìm ra thuật toán có thể áp dụng được nhiều lần trong cuộc đời mình để mang đến niềm hạnh phúc vào mọi lúc.

Kỳ lạ thay, sau tất cả những nỗ lực bền bỉ xứng đáng của ngài Spock, tôi đã tìm ra khám phá đầu tiên thật sự của mình trong một lần nói chuyện với mẹ tôi. Bà luôn bảo với tôi rằng cần phải làm việc chăm chỉ và ưu tiên cho sự thành công về mặt tài chính của mình hơn tất cả những điều khác. Bà thường trích dẫn một câu tục ngữ Ả Rập, mà dịch nôm na ra là, “Hãy ăn uống kham khổ trong một năm và ăn mặc giản dị thêm một năm nữa, và rồi anh sẽ hạnh phúc mãi mãi.” Khi còn trẻ tôi coi câu tục ngữ ấy là một tín điều. Tôi làm việc chăm chỉ và tiết kiệm và trở nên thành công. Tôi đã trả giá đủ cho giao kèo này. Vì thế một ngày nọ tôi hỏi mẹ tôi: Tất cả những niềm hạnh phúc mà tôi xứng đáng được hưởng đâu rồi?

Trong suốt cuộc nói chuyện ấy, tôi bỗng nhiên hiểu ra rằng hạnh phúc không nên là điều mà bạn chờ đợi và cố gắng đạt tới như thể đó là một phần thưởng. Ngoài ra, nó không nên phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, hay là những cảm giác thoáng qua và phù du như thành công sự nghiệp hoặc tích luỹ tài sản. Con đường mà tôi lựa chọn tính tới thời điểm đó đầy những tiến bộ và thành công, nhưng cứ mỗi lần tôi tiến tới gần hạnh phúc hơn, thì nó lại lùi xa hơn nữa.

Điều mà tôi nhận ra được chính là tôi sẽ không bao giờ có được hạnh phúc cho tới khi mà tôi vẫn còn cho rằng tôi cần phải làm điều này hay có được thứ kia hay đạt tới vị trí nào đó thì tôi sẽ trở nên hạnh phúc.

Trong môn đại số, các phương trình có thể được giải theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ như, nếu A=B+C, thì B=A–C. Nếu như mà bạn muốn tìm ra A, thì bạn cần phải tìm ra giá trị của hai thông số —B và C — và nếu như bạn muốn tìm được B, thì bạn phải làm cách khác. Thông số mà bạn lựa chọn để giải toán sẽ triệt để thay đổi cách thức mà bạn tiếp cận lời giải. Điều này cũng đúng nữa khi mà bạn quyết định giải phương trình hạnh phúc.

Tôi bắt đầu nhận ra rằng suốt quá trình nỗ lực của bản thân tôi đã cố gắng giải quyết sai vấn đề. Tôi tự đặt ra cho mình những thách thức theo đuổi sự giàu có về mặt vật chất, niềm vui thú, địa vị và những điều tương tự như thế, và tin rằng, rốt cuộc, kết quả của tất cả những nỗ lực này sẽ là … hạnh phúc. Đáng lý ra tất cả những gì mà tôi cần phải thực hiện là bỏ qua những bước trung gian và chỉ đơn giản tìm đến hạnh phúc mà thôi.

Cuộc hành trình của tôi kéo dài gần mười năm, nhưng vào năm 2010 tôi đã tìm ra được phương trình và một mô hình hạnh phúc có tính kỹ thuật, đơn giản và dễ thực hiện và duy trì.

Tôi đưa cái hệ thống này vào chạy thử và nó tỏ ra hiệu quả. Sự căng thẳng vì để mất một mối làm ăn, hàng dài người xếp hàng chờ làm thủ tục trong sân bay, dịch vụ khách hàng kém cỏi – không một thứ nào trong số đó có thể làm ảnh hưởng tới niềm hạnh phúc của tôi. Cuộc sống thường ngày khi làm một người chồng, một người cha, một người con, một người bạn, và một nhân viên đều mang những bất ngờ không lường trước được, nhưng dù cho một ngày của tôi có ra sao đi nữa, dù cho nó có là một ngày tốt hay xấu – hay là sự pha trộn của cả hai sắc thái này – tôi nhận thấy rằng mình vẫn có thể tận hưởng chuyến tàu lượn siêu tốc của số phận.

Tôi cuối cùng cũng trở về cái con người hạnh phúc mà tôi từng xem là “mình” từ thưở ngày xưa, và tôi vẫn duy trì được tình trạng đó suốt một thời gian. Tôi chia sẻ cái qui trình nghiêm ngặt của mình với hàng trăm người bạn, và Phương trình Hạnh phúc của tôi cũng tỏ ra hiệu quả đối với họ. Phản hồi của họ giúp tôi có thể cải thiện mô hình này thêm nữa. Mà, thành ra, lại là một điều tốt, bởi vì tôi không ngờ rằng mình lại cần tới nó đến nhường nào.


• •
Cha tôi là một kỹ sư xây dựng tài năng và là một người vô cùng tử tế. Dù cho niềm đam mê của tôi là khoa học máy tính, tôi vẫn chọn học ngành kỹ sư xây dựng để làm vui lòng ông. Dù sao thì chuyên ngành học của tôi cũng không phải là thứ mà tôi dành nhiều công sức nhất trong sự nghiệp học tập của mình bởi vì, như cha tôi tin tưởng, việc học chỉ thực sự có hiệu quả trong đời thực. Kể từ khi tôi còn học trung học cơ sở cha đã luôn khuyến khích tôi dành những kỳ nghỉ hè để tới thăm các đất nước khác nhau. Ban đầu ông tiết kiệm từng đồng để mang tới những trải nghiệm ấy cho tôi, và ông sắp xếp để tôi có thể có thể đi cùng gia đình và bạn bè mình. Sau này tôi tự lao động để đỡ đần ông một phần chi phí cho những chuyến đi của bản thân mình. Sự trải nghiệm thế giới thực tế này quý giá tới mức tôi từng thề sẽ tạo cơ hội như thế cho các con mình.

Khá may mắn, lựa chọn về trường đại học của tôi đã mang tới cho tôi những ích lợi và may mắn lớn nhất trong những tháng ngày thời sinh viên. Tôi đã được quen biết với người con gái quyến rũ và thông minh nhất trên đời có tên là Nibal. Một tháng sau khi cô ấy tốt nghiệp đại học chúng tôi đã làm đám cưới, và một năm sau đó cô ấy trở thành Umm Ali, mẹ của Ali , như cách người ta vẫn thường dùng để gọi những người phụ nữ ở Trung Đông khi họ sinh đứa con đầu lòng. Mười tám tháng sau đó, con gái của chúng tôi, Aya, đến với chúng tôi như là ánh mặt trời và là nguồn năng lượng bất tận trong gia đình tôi. Cùng với Nibal, Ali, và Aya xuất hiện trong cuộc đời mình, may mắn đến với tôi không ngừng. Tình yêu dành cho gia đình mình thúc đẩy tôi làm việc chăm chỉ để mang tới cho họ cuộc sống tốt nhất. Tôi thực hiện thách thức này như một con tê giác chạy bằng điện vậy.

Vào năm 2007 tôi đầu quân cho Google. Bất chấp sự thành công của công ty, ở thời điểm đó sự phổ biến toàn cầu của công ty vẫn còn hạn chế, vì vậy vai trò của tôi là mở rộng hoạt động của nó ở Đông Âu, Trung Đông, và châu Phi. Sáu năm sau đó tôi chuyển tới Google X, mà hiện là một thực thể riêng biệt được biết đến với cái tên X, và tôi đảm nhiệm chức vụ giám đốc kinh doanh. Ở X, chúng tôi không cố gắng đạt được cải tiến mang lại lợi ích kinh tế theo cái cách mà cả thế giới này vẫn thường thực hiện; thay vì vậy, chúng tôi cố gắng phát triển các công nghệ mới mà sẽ tái tạo lại cách thức mà mọi thứ diễn ra. Mục tiêu của chúng tôi là thực hiện một sự cải tiến triệt để, gấp mười lần —10X. Điều này dẫn chúng tôi tới việc thực hiện những ý tưởng mang tính khoa học viễn tưởng như là tạo ra những máy bay tự động từ sợi carbon có chức năng như là một chiếc máy bay chạy bằng sức gió, những chiếc máy tính nhỏ xíu thu gọn trong kích cỡ của chiếc kính áp tròng thu thập các dữ liệu về sinh lý và có thể nối mạng với các máy tính khác, và những quả bóng bay truyền các thông tin liên lạc vào tầng bình lưu giúp cung cấp dịch vụ Internet tới tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi trên trái đất. Ở X, chúng tôi gọi đó là những dự án “ánh trăng.”

Khi mà bạn tìm kiếm những cải tiến khiêm tốn nhất trong những điều đang hiện hữu, bạn bắt đầu làm việc với những công cụ và giả thiết, cùng một khung trí tuệ đã kiến tạo nên các công nghệ cũ. Nhưng khi thách thức trở thành việc tiến về phía trước với cấp số 10, bạn bắt đầu từ tờ giấy trắng. Khi bạn tham gia vào một dự án ánh trăng, bạn sẽ thấy mê mẩn với vấn đề cần giải quyết, chứ không phải là sản phẩm cuối cùng. Bạn đặt toàn tâm toàn ý vào cái sứ mệnh trước cả khi bạn biết rằng bạn có khả năng làm được điều đó. Và bạn đặt ra những mục tiêu táo bạo. Ví dụ như là, ngành công nghiệp sản xuất ô tô vẫn luôn tập trung vào yếu tố an toàn trong nhiều năm qua. Họ tạo ra những bước tiến vượt bậc bằng cách đưa vào những cải tiến trong thiết kế truyền thống của một chiếc xe hơi – cái thiết kế mà tất cả chúng ta đều quen thuộc kể từ đầu thế kỷ 20. Còn cách thức tiếp cận của chúng tôi ở X được bắt đầu với câu hỏi, “Tại sao lại để tai nạn xảy ra ngay từ ban đầu?” Và rồi chúng tôi tiến tới với một dự án ánh trăng: một chiếc xe tự lái.

Trong khi ấy, mô hình hạnh phúc của tôi vẫn vận hành tốt, và trong khi tôi tìm được niềm vui thích lớn trong công việc, tham gia đóng góp vào công cuộc kiến tạo tương lai, con trai và con gái tôi đang học tập và lớn lên, và vẫn duy trì truyền thống của cha chúng, thăm thú những miền đất mới vào mỗi mùa hè. Chúng có rất nhiều bạn bè để ghé thăm trên khắp thế giới, và chúng luôn thăm thú khắp nơi.

Vào năm 2014 Ali đã là sinh viên đại học ở Boston, và năm ấy thằng bé dự định thực hiện một chuyến đi dài xuyên Bắc Mỹ, và chúng tôi không mong gì vào việc thằng bé sẽ về Dubai thăm nhà. Tôi đã rất ngạc nhiên, khi vào tháng 5, thằng bé gọi cho tôi và nói rằng nó cảm thấy không cưỡng lại được mong muốn được về nhà và dành vài ngày bên chúng tôi. Chẳng hiểu vì sao mà thằng bé thấy khẩn thiết phải làm vậy, và nó hỏi tôi rằng liệu tôi có thể mua vé máy bay cho con ngay sau khi kết thúc học kỳ hay không. Aya cũng định về thăm chúng tôi, nên Nibal và tôi mừng lắm. Chúng tôi sắp xếp mọi thứ và háo hức chờ đợi cả gia đình sẽ được đoàn tụ vào tháng 7.

Bốn ngày sau khi trở về, Ali bị đau bụng dữ dội và phải đi bệnh viện, nơi mà các bác sĩ chuẩn đoán rằng thằng bé bị viêm ruột thừa cấp tính. Tôi không thấy lo lắm. Thực ra, tôi thấy nhẹ nhõm vì việc này xảy ra khi thằng bé ở nhà vì thế mà chúng tôi có thể chăm sóc cho con. Kỳ nghỉ có thể sẽ không diễn ra như tôi mong đợi, nhưng kế hoạch rất dễ điều chỉnh.

Khi Ali nằm trên bàn mổ, khí carbon dioxide được đưa vào từ một ống tiêm nhằm nới rộng ổ bụng và làm sạch cho toàn bộ quá trình. Nhưng mũi kim đã đâm sâu quá vài mm, làm vỡ động mạch chủ của Ali — một trong những mạch máu quan trọng đưa máu tới tim. Rồi mọi việc chuyển biến từ tệ hơn tới tệ nhất. Những giây phút quý giá trôi qua trước khi có người nhận ra sai lầm, và rồi một loạt các sai phạm khác đã dẫn tới kết quả không thể cứu vãn. Chỉ trong vòng vài giờ, con trai tôi đã ra đi mãi mãi.

Trước khi chúng tôi có thể bắt đầu tiếp nhận sự đau đớn của sự kiện này, Nibal, Aya, và tôi đã được bao vây trong vòng tay bạn bè và mọi người đã giúp đỡ chúng tôi trong khi chúng tôi vật lộn với việc nhận thức bước ngoặt của cuộc đời.

Mất đi một đứa con, như người ta vẫn thường nói, là trải nghiệm đau đớn nhất mà một người phải gánh chịu. Việc ấy khiến mọi bậc làm cha mẹ đau khổ tột cùng. Mất đi Ali ở thời điểm mà tương lai của thằng bé vẫn còn đang rộng mở phía trước là một điều rất khó chấp nhận, và mất đi thằng bé một cách đột ngột như vậy bởi những sai phạm không đáng có của con người là điều khó chấp nhận hơn cả

Nhưng đối với tôi và nói, nỗi mất mát này còn tồi tệ hơn nữa khi mà Ali không chỉ là con trai của tôi mà còn là người bạn thân thiết nhất của tôi nữa. Thằng bé được sinh ra khi tôi còn khá trẻ, và tôi có cảm giác rằng chúng tôi đã trưởng thành cùng nhau. Chúng tôi cùng chơi điện tử với nhau, cùng nhau nghe nhạc, cùng nhau đọc sách, và cùng nhau vui đùa. Ở cái tuổi mười tám Ali quả thực là khôn ngoan hơn nhiều so với những người đàn ông khác mà tôi từng quen biết. Thằng bé còn là người luôn giúp đỡ và là người bạn tâm tình của tôi nữa. Có những lúc tôi thường nghĩ rằng, “Khi mình trưởng thành, mình chỉ muốn được như Ali.”

Cho dù mọi bậc cha mẹ đều xem con mình là đặc biệt, tôi thật sự tin rằng Ali đúng là như vậy. Khi thằng bé bỏ chúng tôi mà đi, chúng tôi nhận được tin nhắn từ khắp mọi nơi trên thế giới, từ hàng trăm con người mà đã mô tả lại việc cậu chàng hai mươi mốt xuân xanh này đã thay đổi cuộc đời họ ra sao. Một số người vẫn còn tuổi teen, trong khi những người khác đã vào độ tuổi thất thập cổ lai hi. Làm sao mà Ali có thể dành ra thời gian và trí tuệ của mình để chạm tới cuộc đời của nhiều người như thế, tôi sẽ không bao giờ được biết. Nhưng thằng bé là hình mẫu lý tưởng cho sự thanh thản, hạnh phúc, và tử tế. Và thằng bé làm lan toả những nét tính cách này trên mọi con đường mà nó đi qua. Có một lần, tôi từng nhìn thấy từ xa Ali ngồi xuống bên một người ăn mày và nói chuyện thật lâu cùng bà ấy. Thằng bé đón nhận bà như một người bạn hữu, và rồi thằng bé dốc toàn bộ đồ đạc trong túi mình và đưa cho bà mọi thứ mà nó có trên người vào lúc ấy. Khi thằng bé rời đi thì bà ấy gọi nó lại, lục lọi trong cái bị của mình, và đưa cho nó thứ tài sản quý giá nhất của bà: một hộp kem dưỡng tay chưa mở. Món quà ấy trở thành thứ báu vật quý giá nhất của Ali. Và giờ đây, là của chúng tôi.

Nhưng giờ đây, bởi vì một lỗi lầm trong y tế, tôi đã mất đi thằng bé chỉ trong một cái nháy mắt. Bất cứ điều gì tôi đã học được về hạnh phúc đều được đem ra thử thách. Tôi từng nghĩ rằng nếu như tôi có thể tự cứu lấy bản thân và gia đình mình khỏi vực sâu nhất của sự tuyệt vọng, thì tôi có thể xem đó là thành công lớn lao.

Nhưng chúng tôi làm được hơn thế rất nhiều.

Khi Ali đột ngột rời khỏi thế giới này, mẹ thằng bé và tôi, cũng như là con gái chúng tôi, cảm thấy vô cùng đau đớn. Nỗi đau mất thằng bé vẫn còn dai dẳng tới tận bây giờ, dĩ nhiên là vậy, và chúng tôi vẫn thường rơi nước mắt vì thằng bé không còn hiện hữu nữa để ôm lấy chúng tôi, trò chuyện, và cùng chơi điện tử. Nỗi đau mà chúng tôi trải qua khiến chúng tôi trân trọng những kỷ niệm về thằng bé và dành cho nó những lời nguyện cầu tốt đẹp nhất. Dầu vậy, thật đáng ngạc nhiên làm sao, chúng tôi vẫn có thể duy trì tinh thần bình thản – và cả hạnh phúc nữa. Chúng tôi vẫn gặp những ngày buồn bã, nhưng chúng tôi không còn thấy dằn vặt nữa. Con tim của chúng tôi cảm thấy toại nguyện, mà thậm chí còn thấy vui nữa.

Tóm lại, mô hình hạnh phúc của chúng tôi đã được thử nghiệm bởi chính chúng tôi. Ngay cả trong những thời khắc mà chúng tôi đau đớn nhất trước sự ra đi của Ali, chúng tôi cũng không bao giờ tức giận hay phẫn nộ với cuộc sống. Chúng tôi không cảm thấy mình bị chơi khăm hay tuyệt vọng. Chúng tôi đã vượt qua điều khó khăn nhất có thể hình dung được theo cách thức giống như của Ali: trong thanh thản.


• •


Trong tang lễ của Ali, hàng trăm người đã ghé qua nhà chúng tôi để bày tỏ lòng thương tiếc trong khi rất đông những người khác thì đợi chờ dưới cái nóng 43oC của mùa hè Dubai. Họ cứ đứng đó mà không rời đi. Đó là một buổi lễ khó quên, mọi thứ được xây dựng quanh niềm hạnh phúc mà Ali đã phân phát trong suốt cuộc đời mình. Mọi người tới với những giọt nước mắt nhưng rồi nhanh chóng bị tác động bởi thứ năng lượng tích cực của buổi lễ. Họ bật khóc trong vòng tay chúng tôi, nhưng khi mà chúng tôi nói chuyện, và khi mà họ hiểu ra quan điểm của chúng tôi về buổi lễ, mà được xây dựng từ mô hình hạnh phúc của chúng tôi, thì họ ngừng khóc. Họ thăm thú quanh nhà và chiêm ngưỡng hàng trăm tấm ảnh của Ali (mà luôn xuất hiện với một nụ cười thật tươi) trên mọi bức tường. Họ thưởng thức món ăn vặt ưa thích của thằng bé được bày trên bàn, hay cầm lấy một đồ vật của thằng bé như là một món quà lưu niệm, và ghi nhớ tất cả những hồi ức hạnh phúc mà thằng bé mang tới cho họ.

Lúc ấy tồn tại vô số tình yêu thương và sự lạc quan, vô số những cái ôm và những nụ cười, và rồi cho tới cuối ngày, nếu như bạn không được biết về buổi lễ ngay từ đầu, bạn có lẽ sẽ cho rằng đó chỉ là một buổi tụ tập bạn bè đầy vui vẻ nào đó – một lễ cưới chẳng hạn, hay là một buổi tiệc mừng tốt nghiệp. Ngay cả trong những hoàn cảnh đầy đau buồn như thế, thì thứ năng lượng tích cực của Ali vẫn ngập tràn trong ngôi nhà của chúng tôi.

Những ngày sau đó, tôi thấy mình bị ám ảnh với cái suy nghĩ Liệu Ali sẽ làm gì trong hoàn cảnh này? Tất cả chúng tôi, những người quen biết Ali, đều tìm tới thằng bé để xin lời khuyên, nhưng giờ đây nó đâu có còn bên chúng tôi nữa. Tôi vô cùng muốn hỏi thằng bé rằng, “Ali này, làm sao ba có thể xoay sở nổi với việc mất đi con?” dù tôi biết rõ câu trả lời của nó. Thằng bé sẽ bảo rằng, “Khalas ya papa”— Chuyện qua rồi, ba ạ — “Con đã chết rồi. Ba đâu có thể thay đổi điều đó, vậy thì ba hãy làm những gì tốt nhất có thể đi.” Vào những khi yên tĩnh, tôi không hề nghe được giọng nói của Ali trong đầu mình nhưng cái câu nói ấy cứ lặp lại không ngừng.

Và rồi, mười bảy ngày kể từ sau cái chết của thằng bé, tôi bắt đầu viết. Tôi quyết định sẽ nghe theo lời khuyên của Ali và làm một điều gì đó tích cực, để cố gắng chia sẻ mô hình hạnh phúc của chúng tôi với tất cả những ai đang phải chịu khổ sở trên trái đất này. Bốn tháng rưỡi sau đó tôi đã có thể ngẩng cao đầu. Tôi đã hoàn thành bản thảo đầu tiên.

Tôi không phải là một nhà hiền triết hay một thầy tu ẩn mình nơi tu viện. Tôi vẫn đi làm, chiến đấu trong các cuộc họp, phạm sai lầm – những sai lầm lớn gây tổn thương cho những người tôi yêu quý, và vì thế mà tôi thấy đau khổ. Thực ra, tôi không phải lúc nào cũng thấy hạnh phúc. Nhưng tôi tìm ra được một mô hình hiệu quả – một mô hình giúp chúng ta vượt qua nỗi đau buồn, cái mô hình mà cuộc đời của Ali đã giúp chứng minh thông qua ví dụ của thằng bé. Và đó là điều mà tôi muốn mang đến cho bạn qua cuốn sách này.

Tôi hi vọng rằng bằng việc chia sẻ thông điệp của Ali — cái phương thức mà thằng bé sống một đời thanh thản ấy – tôi có thể ngợi ca những ký ức về thằng bé và tiếp tục những gì mà thằng bé để lại. Tôi đã cố hình dung về tác động tích cực được lan toả từ cái thông điệp này, và tôi không biết liệu điều đó có liên quan gì tới việc tôi có một lý lịch tương đối đẹp hay không. Vì vậy tôi chấp nhận một sứ mệnh tham vọng rằng: giúp đỡ mười triệu người trở nên hạnh phúc hơn, một động lực (#10triệu hạnh phúc) mà tôi đề nghị bạn cũng bắt tay vào để cùng với nhau chúng ta có thể tạo nên một sự lan truyền quy mô nhỏ trên toàn thế giới về phong cách vui sống của Ali.

Cái chết của Ali là một cú sốc mà tôi không hề mong đợi, nhưng khi nhìn lại, tôi cảm thấy rằng có lẽ thằng bé đã có linh cảm nào đó. Hai ngày trước khi thằng bé đột ngột qua đời, thằng bé mời chúng tôi ngồi xuống như là một người ông thông thái sẽ làm với các cháu mình và bảo rằng ông có vài lời quan trọng muốn nói. Thằng bé nói rằng có vẻ hơi kỳ khi lại đi cho bố mẹ mình lời khuyên nhưng thằng bé cảm thấy cần phải làm như vậy. Thường thì Ali rất ít nói, nhưng lúc này thằng bé lại dành thời gian mà nói với Nibal, Aya, và tôi về việc thằng bé yêu chúng tôi nhất ở điểm nào. Thằng bé nói lời cảm ơn chúng tôi vì những điều đã mang tới cho cuộc đời thằng bé. Lời nói của thằng bé sưởi ấm trái tim chúng tôi, và rồi thằng bé hỏi mỗi người trong chúng tôi một vài câu hỏi

Yêu cầu của thằng bé dành cho tôi là “Ba này, ba đừng bao giờ dừng lại. Hãy cố gắng tạo nên sự khác biệt và tin vào con tim của ba nhiều hơn nữa. Trách nhiệm của ba chưa xong đâu.” Và rồi thằng bé ngừng một lúc, dựa lưng vào ghế – như thể muốn nói rằng Nhưng giờ thì việc của con ở đây đã xong rồi—và nói, “Vậy đấy. Con không còn gì cần bổ sung nữa cả.”

Cuốn sách này là nỗ lực của tôi trong việc hoàn thành nhiệm vụ mà thần tượng về hạnh phúc của tôi đã giao cho mình. Cho tới khi nào mà tôi còn sống, tôi sẽ biến niềm hạnh phúc của toàn thể thế giới này là sứ mệnh cá nhân của riêng tôi, và là dự án ánh trăng của tôi dành cho Ali.
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Phương trình hạnh phúc (Chương 1)

PHẦN I

Hạnh phúc trong thế giới hiện đại được bao bọc bởi những điều tưởng tượng. Hầu hết sự hiểu biết của chúng ta về việc hạnh phúc là gì và làm thế nào để tìm thấy nó đều đã bị bóp méo.

Khi mà bạn hiểu rõ mình đang tìm kiếm điều gì, cuộc tìm kiếm sẽ thật dễ dàng. Có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để học cách quên đi những thói quen cũ, nhưng chỉ cần bạn kiên trì với con đường mình lựa chọn, bạn sẽ đến đích.

part-1-e1509881235582.png


CHƯƠNG 1: THIẾT LẬP PHƯƠNG TRÌNH

Việc bạn giàu hay nghèo, cao hay thấp, là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ không hề quan trọng. Dù bạn đến từ đâu, đang làm công việc gì, sử dụng ngôn ngữ gì, hay phải đương đầu với nỗi bất hạnh nào đều không quan trọng. Dù bạn đang ở nơi nào trên trái đất này, dù cho bạn là ai đi chăng nữa, bạn đều mong muốn được hạnh phúc. Đấy là nỗi khát vọng của con người và nó cũng cơ bản như là việc bạn hít thở vậy.

Hạnh phúc là cái thứ cảm giác khoan khoái trong lòng khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, khi mà tất cả những thăng trầm và mọi gập ghềnh của cuộc sống dường như ăn khớp với nhau một cách hoàn hảo. Trong những khoảng khắc chóng vánh đầy lung linh của hạnh phúc ấy, mỗi một ý nghĩ trong đầu chúng ta đều thật dễ thương, và bạn sẽ chẳng bận tâm nếu thời gian ngừng trôi và thời khắc hiện tại kéo dài mãi mãi.

Bất kỳ điều gì mà chúng ta lựa chọn thực hiện trong đời cuối cùng cũng chỉ nhằm cố gắng tìm kiếm cái cảm giác này và khiến cho nó kéo dài mãi. Một số người tìm thấy nó trong tình yêu đôi lứa, trong khi những người khác lại tìm kiếm điều đó trong tiền bạc và danh vọng, và còn có cả những người tìm kiếm qua những thành tựu nào đó. Và, chúng ta đều biết có những người được yêu say đắm, đạt được những điều vĩ đại, du lịch vòng quanh thế giới, sở hữu mọi thứ đồ chơi mà tiền có thể mua được, tận hưởng mọi thú xa xỉ ở đời, và vẫn khao khát cái mục tiêu khó lòng đạt được về sự mãn nguyện, thoả mãn, và thanh thản — mà cũng còn được biết đến với tên gọi hạnh phúc.

Tại sao mà một điều quá đỗi đơn giản như thế lại khó tìm kiếm đến vậy?

Sự thật là, không phải thế. Chẳng qua là chúng ta cứ luôn tìm sai chỗ mà thôi.

Chúng ta nghĩ về nó như là một đích đến cần đạt tới, trong khi thực ra đó là nơi mà tất cả chúng ta bắt đầu.

Đã bao giờ bạn mất thời gian tìm kiếm một chùm chìa khoá để rồi nhận ra nó ở ngay trong túi của bạn hay chưa? Bạn có nhớ việc bạn lục tung mọi thứ trên bàn làm việc, tìm kiếm dưới gầm ghế, và cứ càng thêm thất vọng khi bạn không tìm ra được chùm chìa khoá không? Chúng ta cũng làm điều tương tự như vậy khi ta vật lộn với việc đi tìm hạnh phúc “ở đâu đó ngoài kia,” khi mà, thực ra, hạnh phúc ở ngay nơi mà nó vẫn ở: trong mỗi chúng ta, là một sự kiến thiết cơ bản của giống loài chúng ta.

2449158720_39c6709969.jpg


Trạng thái mặc định của chúng ta
Bạn hãy nhìn vào máy vi tính, điện thoại di động, hay những thiết bị điện tử khác của mình xem. Chúng đều được đặt ở chế độ cài đặt ưa thích bởi các nhà thiết kế và nhà lập trình. Màn hình sáng ở một mức độ nhất định, ví dụ như vậy, hay là ngôn ngữ được cài đặt theo địa phương nơi mà chiếc máy được bán ra. Một chiếc máy vừa mới được xuất xưởng, sẽ được cài đặt ở chế độ mà người tạo ra nó cho là tốt nhất, nó được gọi là “chế độ mặc định.”

Đối với con người, nói một cách ngắn gọn, thì chế độ mặc định chính là hạnh phúc.

Nếu bạn không tin tôi, hãy dành một chút thời gian cho một nhân loại vừa mới được xuất xưởng, một em bé sơ sinh hay mới chỉ biết đi. Hiển nhiên, bé sẽ khóc luôn và rất ồn ào ở giai đoạn ‘khởi động’ làm một con người bé nhỏ, nhưng sự thật là, khi mà những nhu cầu cơ bản của bé được thoả mãn – không bị đói, không thấy sợ, không bị bỏ lại một mình, không bị đau hay được ngủ đủ – thì bé luôn sống ở thì hiện tại, hoàn toàn hạnh phúc. Ngay cả ở những khu vực tồi tệ trên trái đất này, bạn vẫn có thể thấy lũ trẻ con với gương mặt lấm lem sử dụng những hòn sỏi làm đồ chơi hay cầm những chiếc đĩa nhựa vỡ như đang lái chiếc xe hơi thể thao tưởng tượng của chúng. Chúng có thể sống trong một khu ổ chuột, nhưng chỉ cần chúng được ăn uống và có được sự an toàn tối thiểu, bạn sẽ thấy chúng chạy nhảy tung tăng và cười đùa vui vẻ. Ngay cả ở trong những bản tin về khu lều trại của dân tị nạn, nơi mà hàng ngàn người buộc phải rời bỏ quê hương do chiến tranh hoặc thiên tai, những người lớn trước ống kính nom buồn rầu, nhung ở phía sau họ, bạn sẽ vẫn nghe thấy tiếng cười của lũ trẻ khi chúng chơi đá bóng với quả banh được búi lại từ những miếng vải rách.

Nhưng không chỉ có lũ trẻ thôi đâu. Trạng thái mặc định này cũng có thể được áp dụng cho cả bạn nữa.

Hãy nhìn lại những trải nghiệm của chính mình. Hãy nghĩ về quãng thời gian mà không có việc gì làm phiền lòng bạn, không có điều gì khiến bạn phải lo lắng, không có điều gì làm bạn bực bội. Khi ấy bạn thấy hạnh phúc, thanh thản, và dễ chịu. Vấn đề ở đây là, bạn không phải cần tới một lý do để được hạnh phúc. Bạn không cần tới việc đội bóng yêu thích của mình phải vô địch World Cup. Bạn không cần tới việc thăng quan tiến chức hay một buổi hẹn hò nồng nàn lãng mạn hay một chiếc du thuyền và một chiếc phi cơ riêng. Tất cả những gì mà bạn cần là không có lý do để thấy không hạnh phúc. Hay nói cách khác là:

Hạnh phúc là sự vắng mặt của việc không hạnh phúc.

Đó chính là trạng thái nghỉ ngơi của chúng ta khi không có điều gì làm ta vướng bận.

Hạnh phúc là trạng thái mặc định của bạn.

Khi bạn sử dụng một thiết bị điện tử đã được lập trình sẵn, đôi khi bạn thay đổi chế độ cài đặt mặc định của nó mà không hề hay biết, đôi khi sự thay đổi diễn ra quá xa đến nỗi một số chức năng nhất định trở nên khó sử dụng hơn hẳn. Bạn cài đặt một ứng dụng luôn kết nối với Internet, và làm hết pin nhanh chóng. Bạn tải về phần mềm dộc hại, và khiến mọi thứ hoạt động chập chờn. Điều tương tự cũng xảy ra đối với chế độ mặc định của con người về hạnh phúc. Sức ép của gia đình và xã hội, hệ thống niềm tin, và những kỳ vọng tuỳ tiện xuất hiện và viết đè lên trên một số chương trình ban đầu. Cái phiên bản “bạn” thuở ban đầu xuất hiện đầy hạnh phúc trong nôi, tự chơi với mấy ngón chân xinh của mình, giờ đây trở nên hoang mang trước những nhận thức sai lầm và ảo tưởng hão huyền. Hạnh phúc trở thành một mục tiêu bí ẩn mà bạn tìm kiếm nhưng chẳng thể nắm bắt được, thay vì chỉ là một điều gì đó hiện hữu bên bạn vào mỗi sớm mai thức dậy.

Nếu ta vẽ ra bức tranh này, thì thời gian ta không hạnh phúc giống như là việc bị chôn lấp bên dưới những hòn đá ảo tưởng, sức ép xã hội và niềm tin sai lệch. Để có được hạnh phúc, bạn cần dỡ bỏ từng hòn đá một kia đi, bắt đầu với một vài niềm tin cơ bản nhất của bạn.

Bất kỳ ai từng gọi điện thoại đến bộ phận Hỗ trợ kỹ thuật đều biết rằng, đôi khi bước đầu tiên để khôi phục lại hoạt động của một thiết bị điện tử là đưa nó trở về chế độ cài đặt khi xuất xưởng. Nhưng không giống như những thiết bị điện tử của chúng ta, trên cơ thể con người chúng ta không có cái nút cài đặt lại ấy. Thay vì vậy, chúng ta lại có khả năng gạt bỏ và đảo ngược tác động của những sai lầm trên con đường đời mà chúng ta đi.

Làm thế nào mà chúng ta lại có cái ý tưởng rằng cần phải tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài kia, rằng ta phải phấn đấu vì nó, giành lấy nó, đạt được nó, hoặc ngay cả việc van xin để có được nó? Làm sao mà chúng ta lại có quan điểm vô cùng sai lầm rằng hạnh phúc chỉ xuất hiện chóng vánh trong cuộc đời chúng ta? Làm sao mà chúng ta lại để cho quyền được hưởng ngay từ khi mới chào đời của chúng ta trôi tuột đi mất?

Câu trả lời có thể sẽ làm bạn bất ngờ: Có lẽ đó là điều mà chúng ta vẫn luôn được dạy.

fb_img_1502949848964.jpg


Tìm Lời Giải Về Hạnh Phúc

Có thể bạn cũng từng nhận được những lời khuyên hay ho giống như của mẹ dành cho tôi, rằng tôi nên cố gắng học hành và làm việc chăm chỉ, tiết kiệm và sẵn lòng trì hoãn một số sự thoả mãn nhất định để đạt được những mục tiêu nhất định. Lời khuyên của bà đã đóng góp rất lớn tới sự thành công của tôi. Nhưng tôi đã hiểu sai lời bà. Tôi từng nghĩ rằng ý của bà là tôi cần phải trì hoãn niềm hạnh phúc. Hoặc là hạnh phúc sẽ xuất hiện một khi tôi đạt tới thành công.

Một số cộng đồng hạnh phúc nhất thế giới này thực ra lại là những nước nghèo như ở châu Mỹ Latin, nơi mà mọi người không nghĩ nhiều về sự an toàn tài chính hay những điều mà chúng ta xem là sự thành công. Họ làm việc mỗi ngày chỉ để kiếm những gì họ cần đến. Nhưng sau đó, họ ưu tiên cho hạnh phúc của mình và dành thời gian cho gia đình và bạn bè.

Tôi không hề có ý lãng mạn hoá một cuộc sống có vẻ tươi đẹp và đầy màu sắc nhưng vẫn nằm dưới mức nghèo khổ. Nhưng chúng ta có thể học hỏi quan niệm về việc dệt nên hạnh phúc mỗi ngày, bất kể điều kiện kinh tế ra sao.

Tôi không hề chống lại sự thành công về mặt vật chất. Sự tiến bộ của con người luôn luôn được thúc đẩy bởi tính tò mò bẩm sinh, nhưng đồng thời cũng còn bởi những mong muốn hoàn toàn hợp lý trong việc tích luỹ đủ nguồn lực để có thể sống sót qua mùa đông hay một năm mất mùa do hạn hán. Vào hàng ngàn năm trước, đất đai của gia đình hoặc bộ tộc của bạn càng rộng lớn và kỹ năng săn bắn và hái lượm của bạn càng cao siêu, thì bạn càng có cơ may sống sót cao hơn. Do đó cái ý tưởng ngồi thiền dưới gốc cây xoài chắc chắn là bị mất điểm trước quan niệm cần đổi mới và hối hả hơn một chút, mở rộng lãnh thổ, và tích luỹ, phòng khi trái gió trở trời.

Khi nền văn minh phát triển, nhiều đất đai và tài sản hơn thường đồng nghĩa với điều kiện sống tốt hơn và viễn cảnh sống một cuộc đời dài hơn. Cuối cùng là, chủ nghĩa tư bản ra đời, được củng cố bởi đạo đức Đạo tin lành, đã khiến cho sự thịnh vượng đồng nghĩa với một sự hiển linh của Chúa. Nỗ lực và trách nhiệm cá nhân cho phép sự gia tăng của những gì mà giờ đây chúng ta gọi là bất bình đẳng về thu nhập, và điều này làm tăng động lực để làm việc chăm chỉ hơn, đôi khi chỉ để tránh khỏi bị người khác vượt qua và bị đám đông xa lánh. Và một khi bạn vươn lên được, thì bạn không muốn quay về vạch xuất phát nữa. Bởi vì khi sự cạnh tranh gia tăng, sự ủng hộ truyền thống mang tới sự an toàn thông qua gia đình hoặc làng xã sẽ bị xói mòn.

Thời đại ngay trước thế hệ của chúng ta đã chứng kiến cuộc Đại khủng hoảng và hai cuộc chiến tranh thế giới liên tiếp, trong suốt thời kỳ đó ngay cả những người đứng ở vị trí trên cùng của nấc thang thu nhập vẫn phải lo lắng về những vấn đề cơ bản. Do đó, khó khăn đã định hình nên sự ưu tiên của cả một thế hệ, nhấn mạnh ý tưởng rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là không bao giờ phải chịu đựng gian khổ như vậy nữa. “Chính sách bảo hiểm” được chấp nhận và được áp dụng rộng rãi nhất có tên là “thành công.”

Dần dà, khi thế kỷ hai mươi nhường chỗ cho thế kỷ hai mươi mốt, tầng lấp trung lưu dạy con cái họ tin rằng chương trình giáo dục hợp lý duy nhất là dành nhiều năm cho các tổ chức giáo dục để có được các kỹ năng có thể sử dụng trong một đời làm việc chăm chỉ với hy vọng giành được sự bảo đảm. Chúng ta học được rằng cần phải lựa chọn con đường ấy làm mối ưu tiên, ngay cả khi nó khiến ta cảm thấy không hạnh phúc; và trông chờ vào lời hứa rằng khi mà cuối cùng ta cũng đạt tới vị trí mà xã hội xem là thành công, thì cuối cùng chúng ta cũng được hạnh phúc.

Bây giờ, bạn hãy tự hỏi mình câu này nhé: Đã bao lần bạn thấy điều này thực sự xảy ra? Và thực ra, đã bao lần bạn thấy một vị lãnh đạo ngân hàng hay giám đốc doanh nghiệp thành công đang bơi trong tiền nhưng lại có vẻ đau khổ? Bạn có thường nghe về những vụ tự tử của những người dường như là “có tất cả” không? Theo bạn thì tại sao những điều này lại diễn ra? Đó là bởi vì cái tiền đề cơ bản đã là một sai lầm: thành công, của cải, quyền lực, và danh vọng không hề dẫn tới hạnh phúc. Thực ra:

Thành công không phải là điều kiện tiên quyết để được hạnh phúc.

Công trình nghiên cứu của Ed Diener và Richard Easterlin về sự tương quan giữa hạnh phúc chủ quan và thu nhập cho thấy rằng, tại Mỹ, hạnh phúc chủ quan tỷ lệ thuận với thu nhập – nhưng chỉ đến một mốc nào đó mà thôi. Vâng, cảm giác thật là tệ khi phải làm hai công việc một lúc mới đủ trang trải tiền thuê một căn hộ bé xíu và nuôi một chiếc xe Honda cà tàng trong khi vẫn phải trả nợ học phí đại học. Nhưng một khi thu nhập của bạn đạt được mức thu nhập bình quân hàng năm trên đầu người, mà ở nước Mỹ hiện nay là vào khoảng $70,000, hạnh phúc chủ quan không còn biến động nữa. Đúng là kiếm được ít hơn thì có thể làm giảm cảm giác của bạn về hạnh phúc, nhưng kiếm được nhiều hơn không nhất thiết sẽ khiến cho bạn hạnh phúc hơn[1]. Điều này gợi ý rằng tất cả những thứ xa xỉ được các nhà quảng cáo cho là chìa khoá dẫn tới hạnh phúc – một chiếc điện thoại xịn hơn, một chiếc xe hơi hào nhoáng, một ngôi nhà to, một tủ quần áo đẳng cấp – thật ra không đến mức quan trọng như thế.

Mà không chỉ có của cải thôi đâu, cả quyền lực, và rất nhiều thứ đồ chơi đều không phải là điều kiện tiên quyết dẫn đến hạnh phúc; nếu điều đó có thực sự tồn tại, thì cỗ máy nhân quả thực sự sẽ vận hành theo cách khác. Andrew Oswald, Eugenio Proto, và Daniel Sgroi đến từ trường Đại học Warwick phát hiện ra rằng việc trở nên hạnh phúc khiến cho con người ta đạt hiệu quả công viêc cao hơn gần 12%, và do đó, có nhiều khả năng tiến về phía trước[2].

Dù thành công không dẫn tới hạnh phúc, nhưng hạnh phúc lại có tác động tới thành công.

Và rồi chúng ta tiếp tục theo đuổi thành công như là mục tiêu hàng đầu của mình. Một trong những nhà tâm lý học tiên phong quan tâm tới đề tài hạnh phúc của các cá nhân và chiều hướng tâm lý của họ là Abraham Maslow. Vào năm 1933, ông đã tổng kết sự theo đuổi của chúng ta đối với thành công trong một câu nói đầy thâm thuý: “Câu chuyện về loài người là câu chuyện của những người đàn ông và những người đàn bà chỉ biết bán rẻ bản thân.”

Mặc dù một mức độ thành công hợp lý là rất phổ biến trong xã hội của chúng ta, nhưng những ai mà đạt được mức độ thành công cao nhất thường có một điểm chung, một điều mà làm họ khác biệt so với những người khác. Họ, hầu hết đều có xu hướng ép buộc, đều yêu thích công việc của mình. Rất nhiều vận động viên, nhạc sỹ, và doanh nhân đã đạt được thành công bởi vì họ yêu thích công việc mình làm và họ làm những điều đó nhiều đến mức trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình bởi vì chỉ nguyên việc làm những điều đó thôi cũng đã khiến cho họ cảm thấy hạnh phúc. Như là Malcolm Gladwell đã viết trong cuốn Outliers (Những kẻ xuất chúng), nếu như mà bạn dành ra mười nghìn giờ để làm một việc gì đấy, thì bạn sẽ trở thành một trong những người xuất sắc nhất thế giới. Và cách dễ dàng nhất để có thể dành nhiều thời giờ cho một công việc là gì? Đó là làm điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc! Chẳng phải như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc dành cả đời để cố mà đạt đến thành công với hy vọng rằng cuối cùng nó sẽ dẫn bạn tới hạnh phúc hay sao? Trong công việc, trong cuộc sống cá nhân của chúng ta, trong các mối quan hệ và trong tình yêu, dù chúng ta có làm gì đi nữa, thì chúng ta nên hướng thẳng đến việc:

Giải quyết vấn đề Hạnh phúc.



2719524652_a782eeebe1_z.jpg


Hạnh Phúc Là Gì?

2001, tôi nhận ra rằng tôi không bao giờ có thể khôi phục được niềm hạnh phúc vốn dĩ thuộc về mình nếu như tôi không biết ít nhất mình đang tìm kiếm điều gì.

Vì thế, với tư cách là một kỹ sư, tôi thiết lập một quy trình đơn giản để thu thập những dữ liệu cần thiết nhằm xác định xem điều gì sẽ khiến cho tôi được hạnh phúc. Dù vậy, ban đầu tôi có hơi do dự bởi vì cái kỹ thuật ấy đơn giản như trò trẻ con vậy. Nhưng rồi tôi ngộ ra: nếu như điều kiện mặc định đối với hạnh phúc của con người là em bé sơ sinh, thì có lẽ “trẻ con,” hay chí ít là “như trẻ con,” cũng không phải là một điều xấu.

Tôi đã bắt đầu bằng việc đơn giản ghi chép lại mọi khoảnh khắc mà tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi gọi đó là Danh Sách Hạnh Phúc. Có lẽ bạn cũng muốn làm như vậy đấy. Thực ra, tại sao ngay lúc này bạn lại không dành ra vài phút, cầm lấy một cây bút và một tờ giấy, rồi viết ra một số điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhỉ. Đây không phải là một bài tập khó đâu. Cái danh sách này không có gì ngoài những câu tường thuật ngắn đi thẳng vào vấn đề và được bắt đầu bằng:


“Tôi thấy hạnh phúc khi ______________.”

Đừng ngại. Chẳng có lý do gì để phải thấy ngượng ngùng cả bởi vì chẳng có ai đọc được danh sách của bạn đâu. Bạn có thể thêm vào những điều hiển nhiên, như là nựng cún cưng hay ngắm hoàng hôn, và những điều đơn giản như là tán gẫu với bạn bè hoặc là ăn trứng chưng chẳng hạn. Không có câu trả lời nào là sai cả. Hãy viết ra bất kỳ điều gì mà bạn có thể nghĩ tới.

Khi bạn hoàn thành, ít nhất là trong lần đầu tiên, hãy nhìn lại danh sách và đánh dấu một số mục mà, nếu như bạn buộc phải dành sự ưu tiên, thì nó sẽ đứng đầu danh sách những điều làm bạn thấy hạnh phúc nhất. Những điều này sẽ làm nên một danh sách ngắn có giá trị mà sẽ chứng minh tính hữu ích của nó khi ta bàn đến ở phần sau.

Và đây là một vài tin tốt: Danh Sách Hạnh Phúc của bạn được lập nên dựa trên những trải nghiệm thật hạnh phúc, khi hoàn thành những hoạt động này, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng và sảng khoái. Tôi xem lại danh sách của mình mỗi tuần một lần, cập nhật thêm những gạch đầu dòng mới. Việc này không chỉ khiến tôi muốn mỉm cười, mà nó còn giúp tôi nuôi dưỡng một điều gì đó mà các chuyên gia tâm lý học vẫn thường gọi là xây dựng hạnh phúc dài lâu: một thái độ biết ơn, mà vẫn thường xảy ra khi bạn nhận biết sự thật về cuộc sống hiện đại của chúng ta và thực tế rằng rốt cuộc có quá nhiều điều trên cõi đời này để chúng ta cảm thấy hạnh phúc.

Vậy thì hãy bắt đầu và tận huởng thôi nào. Tôi sẽ tự pha cho mình một tách cà phê và đợi bạn đây. (Nhân tiện, tôi cũng luôn cảm thấy hạnh phúc khi có thời gian yên tĩnh nhâm nhi cà phê nữa!)


Dịch: December child
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
CHƯƠNG 2: 6 – 5 – 7

Một suy nghĩ có thể khiến cho người chủ của nó đau khổ trong nhiều năm. Những hạt mầm suy nghĩ cứ phát triển và lớn lên cho tới khi chúng trở thành những con quái vật giận dữ. Và rồi chúng ta vẫn tin vào những suy nghĩ của mình và để cho chúng nắm quyền kiểm soát. Hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào việc ta kiểm soát mỗi suy nghĩ ra sao.

Nhưng trái với với quan niệm thông thường, chúng ta không chỉ trải qua hai trạng thái cảm xúc, là hạnh phúc và buồn phiền thôi đâu. Dựa vào từng loại suy nghĩ diễn ra trong trí óc ta, mà chúng ta có thể rơi vào một phạm vi rộng hơn hẳn:

chuong-2-e1511140063305.png


Cho phép suy nghĩ của bạn chịu tác động bởi những ảo tưởng và bạn sẽ mắc kẹt trong trạng thái hoang mang.

  • Suy nghĩ tiêu cực và bạn sẽ rơi vào trạng thái đau khổ (không hạnh phúc).
  • Trì hoãn các suy nghĩ của bản thân bằng những thú vui và bạn sẽ thấy mình rơi vào trạng thái trốn tránh.
  • Suy nghĩ tích cực và chấp nhận những sự việc diễn ra trong cuộc sống và bạn sẽ ở trong trạng thái hạnh phúc.
  • Vượt ra khỏi những suy nghĩ hỗn loạn, thấu hiểu cuộc sống như chính nó vốn có, và bạn sẽ vĩnh viễn sống trong hoan hỉ.

Hiểu rõ điểm khác biệt giữa những trạng thái này và lý do dẫn bạn đến mỗi tình trạng ấy sẽ giúp bạn xây dựng một mô hình hạnh phúc vững chắc – một mô hình mà sẽ dẫn bạn tới hạnh phúc mỗi khi bạn áp dụng nó. Hãy cùng tìm hiểu về từng trạng thái này, bắt đầu từ phía dưới trước, cho tới trạng thái hoan hỉ.

Trạng Thái Hoang Mang
Đã bao giờ bạn cảm thấy bị nhận chìm bởi nỗi buồn như thể bạn đang đứng trên cát lún hay chưa? Có bao giờ bạn cảm thấy như thể không tài nào xua tan được đám sương mù đang bủa vây lấy bạn, làm cản trở tầm nhìn của bạn và phá hỏng khả năng phán đoán của bạn? Khi mà bạn cảm thấy rằng cuộc đời đang chống lại bạn và bạn xứng đáng nhận lấy đau khổ, thì bạn đã rơi vào trạng thái hỗn loạn rồi đấy.

Sự hoang mang của chúng ta gây ra bởi những ảo tưởng mà chúng ta học cách tiếp nhận từ hồi còn thơ bé. Chúng ta học cách định hướng thế giới quanh mình bằng việc tin rằng những ảo tưởng là có thật. Khi mà bạn cho phép những sự ảo tưởng như vậy hình thành nên sự lý giải của bản thân về thế giới xung quanh, thì phán đoán của bạn sẽ mất đi tính khách quan, nỗ lực của bạn trong việc giải Phương trình Hạnh phúc sẽ luôn mang đến những kết quả sai lệch, và sự nhầm lẫn như là kết quả đó sẽ dẫn đến đau khổ sâu hơn nữa. Vậy thì tại sao chúng ta lại học cách sống chung với những ảo tưởng ấy ngay từ thưở ban đầu?

Hãy tưởng tượng rằng bạn được yêu cầu lái xe chầm chậm quanh một cung đường đua trống trải. Bạn, và hầu hết các tay lái khác, có thể dễ dàng đối phó mà không cần thiết phải hiểu rõ về động cơ ô tô cơ bản hay trọng lực mới có thể bẻ cua. Tuy nhiên, đó là lúc mọi việc trở nên sai lầm, hoặc trở nên khó khăn, khi mà những hành vi không am hiểu thành ra không còn hiệu quả nữa. Nếu như đường đua trở nên quá mức đông đúc với những tay lái lụa và cách duy nhất để thoát ra khỏi đó là chạy đua đến đích, bạn sẽ thật sự cần phải hiểu rõ một chiếc xe vận hành ra sao ở một mức độ căn bản nếu như bạn muốn sống sót cán đích.

Một ví dụ giúp cho việc giải thích tại sao mọi việc lại trở nên sai lầm chính là Ảo tưởng về thời gian. Hầu hết chúng ta đều thường xuyên bị căng thẳng bởi tính hư ảo tự nhiên của thời gian. Chúng ta thiếu thốn thời gian, lãng phí nó, và cảm thấy như thể nó trôi qua một nhanh hơn mỗi ngày, ăn mòn cuộc sống đầy căng thẳng của chúng ta trong khi ta chẳng thể nào mà làm cho nó chậm lại hay làm cho nó dừng lại. Tốc độ không ngưng nghỉ ấy chôn vùi chúng ta. Ta cảm thấy như thể mình đang ở trên một cung đường đua với toàn những tay lái điên rồ.

Khi mà ta rơi vào một trạng thái ảo tưởng như vậy, nỗ lực giải Phương trình Hạnh phúc sẽ trở nên vô ích. Cuộc sống trở nên vô cùng rối ren và ta cũng chẳng buồn bận tâm nữa. Ta bắt đầu chấp nhận rằng chúng ta sinh ra là để nhận lấy bất hạnh. Và rồi sự đau khổ của chúng ta ngày càng trở nên dai dẳng và dữ dội hơn.

Trạng Thái Đau Khổ
Khi một suy nghĩ buồn phiền xuất hiện, chúng ta cảm thấy đau khổ. Và rồi ta để cho nó kéo dài mãi. Tại sao ta lại để cho những suy nghĩ kéo dài nỗi đau đớn của mình trong khi tất cả những gì mà chúng ta mong muốn là hạnh phúc? Tại sao chúng ta lại cho phép bản thân mình lo lắng về kết quả của một bài kiểm tra khi mà việc lo lắng chẳng thể làm thay đổi điểm số? Tại sao chúng ta lại cứ bị ám ảnh với những sự kiện từng diễn ra trong quá khứ, tự dằn vặt mình bằng sự hối hận, trong khi sự đau khổ của ta không thể thay đổi được những gì đã diễn ra? Tại sao chúng ta lại cho phép những suy nghĩ của mình lấy đi khỏi chúng ta trạng thái trẻ thơ mặc định – trở nên hạnh phúc?

Việc duy trì những suy nghĩ tiêu cực, có vẻ như, chỉ là một tính chất tự nhiên trong bộ não của con người. Những vòng lặp bất tận của việc suy nghĩ không ngừng nghỉ nhằm phục vụ bản năng cơ bản nhất của chúng ta: tồn tại.

Trong những môi trường không thuận lợi mà tổ tiên của chúng ta từng sinh sống, con người cần phải chiến đấu hoặc chạy trốn mới hòng tồn tại. Và nguyên tắc cơ bản ở đây là: Việc cho rằng một điều gì đó là nguy hiểm sẽ đảm bảo được sự an toàn cao hơn khi mà thực tế không phải vậy thay vì cho rằng một sự việc là an toàn trong khi thực ra nó lại nguy hiểm. Và tốt hơn cả là nên đưa ra quyết định này thật nhanh. Và kết quả là, bộ não của họ xử lý thông tin mà thế giới thực mang tới cho họ theo cách hiệu quả cho việc sống sót, dù cho nó không thực sự phản ánh sự thật một cách chính xác.

Sự lập trình về khả năng sinh tồn nguyên thuỷ của con người vẫn còn dư âm cho tới tận ngày nay. Khi mà chúng ta xử lý một sự việc, bộ não của ta có khuynh hướng thiên về sự cẩn trọng. Chúng ta thường hình dung tới viễn cảnh tồi tệ nhất để có thể chuẩn bị trước cho nó, và chúng ta có khuynh hướng bóp méo sự thật để cho năng lực trí tuệ có hạn của mình có thể xử lý nó một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này thì cũng ổn thôi cho tới khi bạn nhận ra rằng nó thường đưa bạn tới cảm giác không hạnh phúc thường xuyên ra sao.

Dù cho một số sự việc không diễn ra như chúng ta mong đợi, chúng ta thường dành sự quan tâm quá mức tới những điều không xứng đáng. Trong hầu hết các sự kiện, khi được nhìn nhận đúng đắn, thường hoàn toàn nhất quán với việc chúng ta nên mong đợi cuộc đời diễn ra như thế nào. Đối với những điều như thế, không có gì, không có bất kỳ điều gì, là thực sự sai lầm cả, ngoại trừ việc có lẽ chúng khác với cách mà ta nghĩ về chúng.

Chúng ta cứ giữ mãi những điều đó trong lòng và để chúng gây đau đớn, và ta bế tắc, đau khổ, và tin rằng suy nghĩ tưởng tượng của chúng ta không được như chúng ta mong đợi.

Thiết kế ban đầu của bộ não con người bao gồm những tính năng đảm bảo sự sống còn của nòi giống chúng ta. Chính những tính năng này đã trở thành những điểm mù đánh lừa cách thức bộ não của chúng ta vận hành ngày nay. Bị phân tâm, bộ não của chúng ta hiếm khi cho ta biết sự thật, và điều này thường phá hỏng Phương trình Hạnh phúc của ta.

Và việc tôi chỉ ra cho các bạn thấy những điểm mù và cách xử lý chúng sẽ rất thú vị.

Trạng Thái Trốn Tránh

Nhân việc nói về thú vui, vốn là trò tiêu khiển yêu thích của thế giới hiện đại, ở đây có một nhận thức sai lầm làm chúng ta chệch hướng khỏi hạnh phúc mà mình tìm kiếm: Thường thì những gì có vẻ như là hạnh phúc lại hoàn toàn không phải vậy!

Chúng ta có thể bỏ qua sự khác biệt giữa hạnh phúc và niềm vui. Chúng ta đánh đổi hạnh phúc thật sự của bản thân với những vũ khí xao lãng hàng loạt: tiệc tùng, nhậu nhẹt, ăn uống, mua sắm quá đà, hay thú vui tình dục.

Xét về mặt sinh học, việc cảm thấy tốt đẹp đóng một vai trò quan trọng như là một phần trong cơ chế sinh tồn của chúng ta. Bộ não của chúng ta sử dụng nó để điều khiển các hành vi sinh tồn mà không có liên quan trực tiếp tới những mối đe doạ trước mắt. Để làm được điều đó, não bộ truyền vào trong cơ thể của chúng ta chất serotonin, oxytocin, và cả các hoá chất mang lại cảm xúc làm dễ chịu khác trong suốt quá trình thực hiện các hoạt động mà nó muốn chúng ta thực hiện thường xuyên. Việc sinh sản, như là một ví dụ, đóng một vai trò trọng yếu đối với giống loài chúng ta, nhưng việc không có con cũng không mang tới mối nguy cơ trước mắt đối với các bậc cha mẹ tương lai. Nếu không có những niềm vui liên quan đến tình dục, một chức năng sinh tồn quan trọng như vậy sẽ bị bỏ qua. Việc kết đôi mang tới cho chúng ta niềm vui thú – và nó thúc đẩy nòi giống chúng ta sinh sản và nhân giống.

Và niềm vui thú đó là một điều hữu ích, nhưng một số người lại tìm kiếm nó trong tuyệt vọng, nhằm trốn tránh, bởi vì họ sợ hãi trước những suy nghĩ cực đoan của mình. Theo nghĩa đó, niềm vui thú mà họ theo đuổi giống như là một thứ thuốc giảm đau, nhằm làm dịu lại nỗi đau khổ. Niềm vui thú là loại thuốc giảm đau hiệu quả bởi vì nó mô phỏng hạnh phúc bằng cách phong bế những suy nghĩ nhiễu loạn triền miên trong đầu ta – trong một khoảng thời gian.

Hãy nhớ: Khi không suy nghĩ, chúng ta trở về trạng thái mặc định, như một đứa trẻ: hạnh phúc!

Tuy nhiên, ngay khi niềm vui thú tức thời mờ nhạt đi, những suy nghĩ tiêu cực lại xuất hiện và gây ra đau khổ. Vì thế chúng ta lại mê mải tìm kiếm niềm vui thú khác để được xao lãng.

Cũng như là thuốc giảm đau, khi tác dụng của thuốc chấm dứt, bạn sẽ uống thêm một viên thuốc khác cho tới khi, rốt cuộc, việc uống thuốc giảm đau thông thường không còn khả năng làm tê liệt cơn đau nữa. Đó là khi mà chúng ta cố gắng tạo ra nhiều niềm vui thú cực đoan hơn trong cuộc sống của mình: những môn thể thao mạo hiểm, những buổi tiệc tùng điên cuồng hơn, và tất cả các dạng thức của tình trạng đam mê thái quá. Sự hưng phấn càng cao, thì tác động mà nó gây ra càng chóng tiêu tan và chúng ta càng dễ chìm sâu hơn vào cảm giác thống khổ. Khi mà cái chu kỳ này trở nên quá sức chịu đựng, một số người vận đến các biện pháp liều lĩnh và hoá chất làm tê liệt hệ thần kinh của họ bằng việc sử dụng các loại chất cấm và rượu trong nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm sự im lặng trong đầu mình.

Bằng việc tìm đến niềm vui thú như một cách thức trốn tránh, chúng ta bỏ lại Phương trình Hạnh phúc không được giải quyết và bỏ qua những vấn đề cốt lõi khiến cho mình không được hạnh phúc. Do đó, niềm vui thú mặc dù là sự kết tinh của sự hoan lạc, lại thực sự trở thành vật cản đối với hạnh phúc đích thực.

Nhưng thực ra niềm vui thú không hoàn toàn tệ hại đến thế. Thực tế thì, niềm vui thú bản thân nó không hề tồi tệ một chút nào hết cả.

Một phương thức tận dụng niềm vui khôn ngoan là vận dụng nó như là một công cụ chuyển đổi khẩn cấp để mang lại khoảng thời gian thư thái ngắn hạn do đó bạn có thể làm yên lặng tiếng nói ở trong đầu mình, trong khi thêm vào một chút lý trí trong những dòng suy nghĩ viển vông bất tận ấy. Bất kỳ khi nào bạn cảm thấy các suy nghĩ trong đầu mình bắt đầu trở nên tiêu cực, hãy tận hưởng thụ một thú vui lành mạnh – như là tập thể dục, nghe nhạc, hay một buổi mát xa – và nó sẽ luôn là một công tắc hiệu quả.

Còn có cả một cách thức khôn ngoan hơn nữa để tận dụng niềm vui là khi bạn lên lịch thường xuyên cho những thú vui lành mạnh, mà ở đây điều tôi định nghĩa như là thú vui sẽ không dẫn tới việc làm tổn thương bản thân hay người khác. Niềm vui thú, khi đó, sẽ không còn là một loại thuốc giảm đau nhằm làm tê liệt thương tổn mà sẽ gần giống với thứ thuốc bổ trợ hạnh phúc mà bạn sử dụng thường xuyên để sống khoẻ. Với vai trò là một người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh tôi đã học được rằng chúng ta chỉ có thể tiến bộ từ những giới hạn của bản thân. Vì thế hãy đặt ra hạn ngạch vui vẻ cho bạn. Tôi đã làm như vậy đấy! Tôi đặt ra chỉ tiêu cho bản thân mình về quãng thời gian nghe nhạc trong ngày và xem phim hài mỗi tuần, rèn luyện thân thể, và cả những hoạt động mang lại sự sảng khoái khác nữa. Với đủ niềm vui trong cuộc sống của bạn, những khoảnh khắc yên bình kéo dài làm cho não của bạn ngày một gặp khó khăn hơn trong việc phá hỏng một ngày của bạn với những ý nghĩ vẩn vơ trong đầu.

Nhưng hãy luôn nhớ rằng: Niềm vui thú và sự thoả mãn dù ở bất kỳ hình thức nào cũng chỉ là trạng thái tạm bợ của việc trốn tránh – một trạng thái của sự thiếu nhận biết. Vì thế đừng bao giờ để bản thân mình ở trong trạng thái này quá lâu. Bạn hãy vượt qua nó nhanh nhất có thể trên chặng đường tìm đến hạnh phúc chân chính, lâu dài.

Trạng Thái Hạnh Phúc
Hạnh phúc là tất cả những gì gói gọn trong một ý nghĩ – suy nghĩ đúng đắn – thứ đồng điệu với thực tế và có thể giải Phương trình Hạnh phúc một cách hiệu quả. Có vẻ như hơi buồn cười, nhưng chúng ta sẽ không trực tiếp nói về hạnh phúc trong cuốn sách này. Ta sẽ cùng bàn với nhau cách làm thế nào để ngăn chặn đau khổ, mà sẽ đưa bạn trở về với trạng thái hạnh phúc mặc định. Khi bạn nhìn thấy sự thật về cuộc sống của mình được mở ra và so sánh nó với những kỳ vọng thực tế về việc cuộc sống thực sự được mở ra như thế nào, bạn sẽ loại bỏ hết những lý do để thấy không hạnh phúc và nhận ra, thường xuyên hơn, rằng mọi chuyện đều ổn cả, và vì thế bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Đối với mỗi một việc đã trải qua trong cuộc đời bạn, chúng ta sẽ giải Phương trình Hạnh phúc một cách đúng đắn khi mà ta loại bỏ hết những ảo tưởng và điều chỉnh lại những điểm mù. Nhưng để có thể hạnh phúc trước mọi biến cố cuộc đời, chúng ta nên hướng tới trạng thái còn cao hơn nữa.


Trạng Thái Hoan Hỉ
Những người đạt đến trạng thái hoan hỉ không chỉ biết chấp nhận cuộc sống như nó vốn có mà còn hoàn toàn đắm mình trong đó. Họ giống như là những hoạ sĩ và nhà văn – và cả những kỹ sư nữa – mà chuyên gia tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi[1] đã nhận xét, là những người rất đỗi hoà hợp với giây phút hiện tại nên họ bước vào một địa giới hạnh phúc vô tận mà ông gọi là “dòng chảy” – họ hoà vào từng điều nhỏ bé mà cuộc đời mang đến cho họ, dù đó có là gì đi nữa. Họ đạt đến trạng thái hạnh phúc không bị gián đoạn mà tôi sẽ gọi là hoan hỉ[2].

Tôi điềm nhiên sử dụng cụm từ hoan hỉ ở đây bởi vì thật không may là trong ngôn ngữ của chúng ta không có từ nào có thể miêu tả chính xác được trạng thái này. Sự thanh thản trong tâm hồn, sự tĩnh tại, sự điềm tĩnh – tất cả những từ này cũng có nghĩa gần giống như vậy. Có thể sự kết hợp của tất cả những từ này sẽ là gần đúng nhất, nhưng không một từ nào trong số đó miêu tả được chính xác điều mà tôi muốn nói tới.

Một người bạn của tôi bị mất khứu giác ngay từ khi mới sinh ra. Một ngày nọ cô ấy yêu cầu tôi mô tả cho cô ấy nghe về cảm giác khi ngửi thấy mùi hương hoa hồng là gì. Tôi vật vã mãi với việc tìm cho ra từ ngữ thích hợp. Bạn có thể nói gì nào? Một bông hồng có hương thơm, ơ, của một bông hồng! Cách duy nhất để tận hưởng mùi hương của hoa hồng là trải nghiệm nó. Điều này cũng đúng với niềm hoan hỉ. Tất cả những gì mà tôi có thể làm là giúp bạn trải nghiệm nó một lần, và rồi bạn sẽ biết được nó thực sự là gì.

Khi mà bạn tìm đường đi ở một nơi xa lạ, bạn thường đối chiếu vị trí hiện tại của bạn trên bản đồ để định vị. Bạn đối chiếu từng toà nhà một trên đường với tấm bản đồ khi nó hiện ra trước mắt. Điều này cũng đúng với việc bạn giải Phương trình Hạnh phúc, suy ngẫm về từng sự kiện mà cuộc đời mở ra trước mắt bạn.

Nhưng khi con đường trở nên quen thuộc, và bạn đồng điệu với nó, thì bạn không cần tới tấm bản đồ kia nữa. Tất cả những gì bạn cần là định hướng bản thân mình tới một vài công trình kiến trúc chính và đi theo trực giác của bạn mà không gặp trở ngại gì để tới đích.

Và điều này cũng đúng với niềm hoan hỉ. Nó xuất hiện, trước hết, từ một sự hiểu biết sâu sắc về cấu trúc chính xác của cuộc sống. Nó xuất hiện như là kết quả của việc phân tích Phương trình Hạnh phúc từ độ cao 6.000 mét và nắm bắt trọn vẹn cuộc sống, cùng với bánh xe chuyển động vĩ đại của nó, luôn luôn hoạt động như thể nó luôn như thế và sẽ luôn như vậy. Và kết quả là, bạn đặt ra những kỳ vọng cụ thể; rồi, ngay cả khi cuộc sống trở nên khắc nghiệt, nó không còn khiến bạn cảm thấy bất ngờ nữa bởi vì bạn đã tính đến cả những khó khăn có thể diễn ra trên bước đường đời một cách thực tế.

Những cú xóc nảy đầy khó chịu trên đường cũng xuất hiện ngay cả khi bạn bước đi trên con đường quen thuộc – chúng chẳng hề dễ chịu chút nào, nhưng chúng có thể đoán định được, vì thế mà bạn có thể bình tĩnh vượt qua chúng mà không cảm thấy quá gian nan. Khi phải đứng xếp hàng lâu ở quầy tính tiền siêu thị, bạn nhận ra rằng, đó là điều mà bạn nên lường trước, hay là đối với những đòi hỏi trong công việc, hoặc sếp của bạn đôi khi làm bạn khó chịu, và việc bạn sẽ hết tiền vào cuối tháng. Những chuyện như vậy chỉ là cách mà mọi việc vẫn thường diễn ra – những cú xóc nảy trên bước đường đời. Chẳng có gì mà phải ngạc nhiên hết.

Nếu như niềm vui thú phong toả suy nghĩ của bạn, và hạnh phúc dâng lên khi tâm trí bạn chấp nhận những sự việc diễn ra trong đời sống, thì niềm hoan hỉ chính là khi mà những suy nghĩ không còn cần thiết nữa bởi vì sự phân tích này đã kết thúc, và phương trình đã hoàn toàn được giải.

Cậu con trai tuyệt vời của tôi, Ali, có một hình xăm trên lưng thằng bé với cái thông điệp mà nó lấy làm phương châm sống: Gánh nặng của một cuộc chiến đấu không có nghĩa lý gì với những ai có được sự thanh thản trong tâm hồn. Cái hình xăm ấy đã miêu tả chính xác về con người thằng bé. Với niềm tin ấy thằng bé bước đi trong đời như một nhà hiền triết thông thái. Chẳng điều gì có thể phá vỡ sự điềm tĩnh nơi thằng bé. Thằng bé đã vượt lên trên những suy nghĩ, và ở đó nó tìm thấy niềm hoan hỉ.

Bí ẩn lớn nhất về sự hoan hỉ là nó dành cho các nhà sư không màng đến sự đời. Nhưng điều này là không đúng. Hoan hỉ có thể hiện diện trong bất kỳ điều gì bạn làm – ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của mọi cuộc đời.

Hồi tôi còn tham gia vào thị trường chứng khoán, cuộc thua lỗ đầu tiên của tôi khiến tôi ngạc nhiên khủng khiếp. Tôi mất nhiều ngày trời đau khổ, hối tiếc về quyết định của mình và oán trách bản thân. Nhưng rồi khi mà tôi đã có kinh nghiệm mua bán sau nhiều năm và đã chịu thua lỗ nhiều hơn nhiều so với lần mất mát đầu tiên ấy, tôi vẫn giữ được bình tĩnh và tự chủ. Một khi bạn đã nắm bắt được bản chất của thị trường và việc thỉnh thoảng thua lỗ – “những gợn sóng,” như tôi vẫn thường gọi thế – chỉ là một phần trong trò chơi của bạn, bạn ngừng lại cảm giác đau khổ cục bộ và tập trung vào bức tranh lớn hơn. Trong khi cuộc sống của một nhà kinh doanh hiếm khi nào lại vui vẻ, thì cái khả năng tạo ra kỳ vọng thực tế về rủi ro vốn có của thị trường và nhảy sóng là kỹ năng mà bạn cần phải có để hướng đến niềm vui.

Hãy nhớ: Niềm hoan hỉ thật sự là sự hoà hợp với đời sống như nó vốn dĩ vậy.

Nhưng mà bạn làm thế nào để đạt được hoan hỉ?

Bạn thực hiện điều này bằng cách định hướng cuộc đời như cái cách mà bạn định vị những cung đường quen thuộc vậy. Bạn tìm kiếm các điểm mốc giúp định hướng – bạn tìm kiếm Sự thật.


-----------

[1] Mihaly Csikszentmihalyi, sinh ngày 29/9/1934, là nhà tâm lý học người Hungaria. Ông được biết đến với Học thuyết dòng chảy (concept of flow), đây là một khái niệm trong nhánh tâm lý học thực chứng (hoặc “tâm lý học tích cực-positive psy) đã được tham chiếu rộng rãi trong các lĩnh vực khác. Dòng Chảy là trạng thái tâm trí hoạt động mà trong đó cá nhân thực hiện một hành động được “nhúng” ngập trong dòng cảm xúc và sự tập trung nguồn năng lượng, tham dự một cách toàn vẹn và tận hưởng trong quá trình hoạt động diễn ra.

[2] Mihaly Csikszentmihalyi, Flow: The Psychology of Optimal Experience (Harper Perennial Modern Classic, 2008).



Một Mô Hình Hạnh Phúc

Mỗi ngày trong cuộc đời bạn, những sự kiện mới lại diễn ra. Những kỳ vọng mới được thiết lập, và những Phương trình Hạnh phúc mới đòi hỏi việc giải quyết. Hầu như chúng ta đều ngẫu nhiên di chuyển đến một trạng thái khác nhau với mỗi sự kiện trải qua. Tất cả chúng ta đều thực hiện một vài bước tiến tới hạnh phúc … trước khi rơi vào trạng thái hoang mang. Tất cả chúng ta đều tìm thấy đường tắt bằng việc vui vẻ trong giây lát … trước khi nếm trải chút ít đau khổ.

Bạn đã nếm đủ những thứ đó rồi, đúng không? Một trạng thái hoan hỉ không bị gián đoạn là hoàn toàn có thể đạt được khi mà bạn giải quyết vấn đề một cách trực tiếp. Và như vậy …

Hãy nhớ: Bạn đừng bao giờ thoả hiệp với bất cứ điều gì khác ngoại trừ sự hoan hỉ.

Nhưng để đạt tới niềm hạnh phúc không bị gián đoạn hoàn toàn không đơn giản như việc ra ngoài đi chơi với bạn bè, ghi danh học lớp yoga, hay mua một chiếc xe mới. Sẽ có những ảo tưởng cần vượt qua, những điểm mù cần điều chỉnh, những thứ thuốc giảm đau cần chối bỏ, và, cuối cùng, có những sự thật cần được chiêm nghiệm và chấp nhận.

Đã đến lúc để bắt đầu chương trình rèn luyện về hạnh phúc của bạn. Với tư cách là một kỹ sư, tôi sẽ mang nó đến với bạn bằng một sự rút gọn – chẳng có gì giống với một giai điệu đầy màu sắc như là các bậc thầy về hạnh phúc ngày nay vẫn thường nói tới. Tất cả những gì bạn cần phải làm là nhớ đến ba con số này: 6-7-5.

Và đây là cách thức mà nó vận hành. Có sáu ảo tưởng lớn sẽ khiến bạn cảm thấy hoang mang. Khi mà bạn sử dụng những ảo tưởng này để cắt nghĩa cuộc đời, chẳng điều gì có vẻ đúng đắn. Nỗi đau khổ càng thêm sâu sắc và dai dẳng.

Tiếp đó, bảy điểm mù sẽ đánh lừa sự nhận định của bạn về thực tế cuộc sống. Kết quả là hình ảnh méo mó mà nó mang đến luôn khiến bạn không vui.

Xoá bỏ sáu ảo tưởng, điều chỉnh bảy điểm mù – và dừng lại việc cố gắng trốn tránh – và bạn sẽ đạt được hạnh phúc thường xuyên hơn.

Nhưng nếu như bạn muốn hạnh phúc dài lâu, bạn cần phải tiến tới năm sự thật tuyệt đối.

Đưa các biến số này lại với nhau và bạn sẽ có được Phương trình Hạnh phúc:


chuong-2-2.png


Chương trình rèn luyện của bạn sẽ bắt đầu vào ngày mai.

Hẹn gặp bạn ở

chuong-2-3.png



Người dịch: December Child
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
NHỮNG ẢO TƯỞNG LỚN
PHẦN II

6 ảo tưởng lớn làm chúng ta bối rối và cản trở khả năng của chúng ta trong việc hiểu rõ về thế giới này. Cuộc sống trở thành một cuộc vật lộn. Hầu hết các nỗ lực nhằm giải Phương trình Hạnh phúc đều thất bại bởi vì chúng ta sử dụng ảo tưởng như là một đầu vào, không thể thấy được thế giới như nó vốn có, và chúng ta cứ băn khoăn rằng tại sao cuộc sống lại tàn nhẫn đến thế. Khi mà chúng ta nhìn thấu được các ảo tưởng thì gánh nặng ấy biến mất, tầm nhìn của chúng ta thông suốt, và hạnh phúc trở thành một vị khách thường xuyên.

chuong-3-1.png


CHƯƠNG 3

Tiếng Nói Nhỏ Trong Đầu Bạn
Hãy lắng nghe này.

Bạn có nghe thấy tiếng nói đó không?

Cái tiếng vang vọng ở ngay trong đầu bạn ấy?

Bạn hãy dừng lại việc đọc sách trong một phút và cố gắng tận hưởng một giây phút tĩnh lặng xem sao. Để xem cái giây phút ấy kéo dài bao lâu trước khi có tiếng nói vang lên trong đầu bạn về những việc mà bạn cần làm trong ngày, nhắc nhớ bạn về cái kẻ bất lịch sự mà bạn chạm trán nơi góc phố, và lo lắng rằng bạn sẽ không được đề bạt lên vị trí mà bạn hằng mong đợi.

Các yếu tố cụ thể có thể sẽ khác nhau, nhưng những tiếng nói vô tận là điều mà tất cả chúng ta đều nhận thấy. Chúng nhắc nhở chúng ta về những điều có thể sẽ xảy ra; chúng làm ta tự ti; chúng giày vò chúng ta; chúng tranh luận, chiến đấu, tranh cãi, phê phán, so sánh, và hiếm khi dừng lại trong giây lát. Ngày qua ngày chúng ta lắng nghe những tiếng nói thì thầm cứ liên tục vang lên trong đầu mình.

Dù việc xuất hiện tiếng nói trong đầu bạn là điều rất đỗi bình thường, thì điều đó cũng không có nghĩa là một việc tốt. Bạn không nên bỏ qua những nỗi buồn, đau đớn, và khổ sở mà chúng gây ra cho mình. Đúng không nào?

Dành thời gian để cố gắng tìm hiểu thêm về tiếng nói ấy là điều cần thiết. Hãy bắt đầu từ những điều cơ bản: Tiếng nói ấy là của ai? Liệu có phải là bạn đang nói chuyện với chính bạn hay không? Tại sao bạn lại cần nói chuyện với chính bản thân mình nếu như bạn là người duy nhất lên tiếng?

Tiếng Nói Ấy Không Phải Là Bạn

Nếu như có một điều gì đó có thể làm thay đổi cuộc đời của bạn mãi mãi, thì đó chính là việc nhận thức được rằng tiếng nói đang trò chuyện cùng bạn kia không phải là bạn!

Hãy dành ra một phút để suy nghĩ về điều này. Điều này đơn giản đến nỗi không cần thiết phải chứng minh. Một vị trí quan sát là điều kiện tiên quyết để nhận thức; để có thể quan sát một điều gì đó thì bạn cần phải nhìn nó từ bên ngoài. Chúng ta không thể nào nhìn thấy được Trái đất nếu như ta không rời khỏi nó. Chỉ khi các nhà du hành vũ trụ đưa ra những bức ảnh chụp trái đất từ vệ tinh thì ta mới biết được hình dạng của Trái đất ra sao. Bạn cũng không thể nhìn thấy được đôi mắt mình bởi vì chúng là một phần của cơ thể bạn và đảm nhận vai trò quan sát. Hình ảnh mà bạn nhìn thấy ở trong gương chỉ là một sự phản chiếu mà thôi. Đó không phải là đôi mắt thực của bạn.

Nếu như bạn có thể nghe thấy tiếng ai đó trên đài phát thanh, thì ai đó không phải là bạn. Cũng như vậy, khi bạn nghe thấy tiếng nói vang lên trong đầu mình, bạn và tiếng nói ấy phải là hai thực thể hoàn toàn tách biệt.

Không tin ư? Vậy thì bạn hãy thử xét điều này xem nhé: Điều gì sẽ xảy ra, khi mà, trong một vài giây, bạn không suy nghĩ nữa? Đôi khi tất cả chúng ta đều làm việc này. Liệu điều đó có nghĩa là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi bạn ngưng tồn tại? Rằng bạn không còn là bạn nữa? Vậy thì, ai là người đang tận hưởng sự tĩnh tại ấy đây? Câu trả lời là bạn. Con người thật của bạn. Khi mà bạn mở mắt ra vào buổi sáng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi các dòng suy nghĩ ùa về và bạn nhìn vào chiếc đồng hồ báo thức – ai đang nhìn đây? Ai là người nhận ra các tia nắng bên ngoài ô cửa sổ trước khi những suy nghĩ chiếm lấy quyền kiểm soát và bắt đầu làm chủ một ngày của bạn? Cũng cùng một người nghe thấy những tiếng trò chuyện không dứt của cái tiếng nói bé nhỏ vang lên trong đầu bạn suốt cả ngày đấy thôi. Điều này sẽ sớm được làm sáng tỏ, khi mà chúng ta cùng thảo luận về nguồn gốc của tiếng nói ấy. Nhưng vào lúc này thì sự thật lại vô cùng đơn giản:

Hãy nhớ: Cái tiếng nói nho nhỏ bên trong đầu bạn không phải là bạn đâu!

Ngay cả khi điều này có vẻ thật đơn giản, nó có lẽ sẽ làm thay đổi cách bạn tiếp cận suy nghĩ của mình. Nền văn hoá đương đại đã triệt để đánh giá quá cao logic và suy nghĩ. Chúng ta thậm chí còn đi xa đến mức đánh giá sự tồn tại của bản thân bằng những suy nghĩ. Câu nói nổi tiếng của René Descartes “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại” dường như đã tìm thấy sự chấp nhận rộng rãi trong nền văn hoá duy lý phương Tây – nhưng liệu điều này có thực sự đúng hay không?

Khi mà bạn tin rằng bạn chính là những suy nghĩ của mình, thì bạn cũng sẽ tự xác định bản thân mình từ đó. Hay nói theo cách khác, nếu như bạn có một suy nghĩ hơi bậy bạ nào đó, thì bạn có thể sẽ nghĩ rằng mình là kẻ bậy bạ. Bạn đã hiểu chưa? Nhưng những suy nghĩ bậy bạ lại không hề đồng nghĩa với một con người bậy bạ. Những suy nghĩ bậy bạ chỉ đơn giản hiện ra để đưa tới cho bạn một sự cân nhắc nhất định; đó là cách thức mà bộ não của chúng ta vận hành. Và việc bạn làm gì với những suy nghĩ này là quyền của bạn. Bạn không cần phải tuân theo chúng.

Khi mà bạn cuối cùng cũng nhận ra rằng bạn không phải là những suy nghĩ của mình, bạn sẽ nhìn thấy được thứ ảo tưởng lớn nhất trên đời này: Ảo tưởng của tư duy. Bạn không phải là những suy nghĩ của mình. Những suy nghĩ ấy tồn tại là nhằm mục đích phục vụ cho bạn.

Đáng lý ra Descartes phải nói thế này mới đúng:

Hãy nhớ: Tôi tồn tại, vì thế mà tôi suy nghĩ.

Nhưng nếu như tiếng nói kia không phải là bạn, vậy thì nó là ai? Trong những tác phẩm hoạt hoạ, nó sẽ được minh hoạ bằng cuộc tranh luận giữa tên quỷ nhỏ trên vai trái bạn và thiên thần dễ thương ở trên vai phải của bạn, và mỗi người sẽ cất tiếng thì thầm bên tai bạn. Trong tác phẩm A New Earth (Thức tỉnh mục đích sống – NXB Trẻ), Eckhart Tolle gọi tiếng nói đó là “Nhà tư tưởng”; một số tôn giáo cho rằng đó là lũ ma quỷ đang chuẩn bị cho kế hoạch quỷ quyệt của mình. Những người khác thì gọi đó là “Tiếng thì thầm” hay “Người bạn đồng hành.” Điểm chung duy nhất của những tên gọi này là tiếng nói đó được coi như một thực thể độc lập, một đối tượng cố gắng thuyết phục bạn thực hiện một điều gì đó mà bạn thường sẽ không tình nguyện làm nếu như không bị thuyết phục[1].

Một người bạn của tôi gọi tiếng nói trong đầu mình là “Becky.” Khi tôi hỏi cô ấy vì sao, cô ấy trả lời rằng đó là tên của cô nàng mà cô ấy không ưa nhất hồi còn đi học, là kẻ thường ép cô ấy làm những điều mà cô không hề muốn.

Bạn cứ việc gọi cái tiếng nói trong đầu bạn bằng bất kỳ cái tên nào bạn muốn. Bản chất chính xác của nó không liên quan gì tới phần còn lại của câu chuyện của chúng ta. Vấn đề ở đây là bạn nhận biết được sự tồn tại của nó, biết rõ rằng đó không phải là bạn, và hiểu được cách thức vận hành của nó ra sao. Tôi chỉ đơn giản gọi nó là bộ não – bởi vì nó chính là như vậy.

[1] Eckhart Tolle, A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose (Penguin, 2008)



fb_img_1511392870193.jpg


Bộ não
Được thiết lập bởi 200 tỷ neuron với hàng trăm tỷ kết nối giữa chúng, bộ não cho đến nay là bộ máy phức tạp nhất trên trái đất này. Nếu như bạn xem mỗi một neuron như một chiếc máy vi tính nhỏ, thì bộ não của bạn sẽ có số neuron nhiều gấp ba mươi lần so với tổng số các máy vi tính và thiết bị điển tử tạo nên toàn bộ hệ thống Internet của chúng ta[1]. Nó kết nối các giác quan của bạn và kiểm soát các chức năng cơ, chuyển động, hoạt động, và phản ứng. Nó có khả năng phân tích phức tạp, tính toán toán học, và logic, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra sự tiêu cực như là tiếng nói liên miên không dứt mà ngăn trở bạn khỏi niềm hạnh phúc. Bộ não chính là thứ công cụ quý giá nhất được ban tặng cho chúng ta. Thật không may, chúng ta không có trong tay mình cuốn cẩm nang hướng dẫn sử dụng, và hiếm có ai lại có thể thực sự học được cách vận dụng nó một cách hiệu quả.

Cứ thử tưởng tượng mà xem sẽ lãng phí ra sao nếu như bạn được đưa cho một chiếc xe hơi thể thao có tốc độ nhanh nhất trên thế giới này và thứ duy nhất mà bạn sử dụng trong chiếc xe hơi đó là hệ thống âm thanh. Hay là một ngày nọ bạn lái nó trên một con đường làng, và nó bị sụp ổ voi vì con đường đó không được thiết kế để dành cho loại xe này. Hoặc, tệ hơn nữa, nếu như bạn chưa từng được huấn luyện làm một tay đua chuyên nghiệp và bạn lái nó như một kẻ điên, vậy thì rất có thể bạn sẽ tự làm bản thân và mọi người xung quanh bị thương cũng nên.

Chúng ta đều phạm phải cả ba lỗi trên khi sử dụng bộ não của mình. Chúng ta sử dụng nó vì những lý do sai lầm; chúng ta không tận dụng được những khả năng tốt nhất của nó; và chúng ta cho phép nó vượt khỏi tầm kiểm soát bằng những suy nghĩ của mình – cho phép nó huỷ hoại cuộc đời của chúng ta và của những người khác. Chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế này nhiều, nhưng trước hết ta cần hiểu rõ việc tại sao chúng ta lại vận dụng bộ não của mình theo cái cách mà chúng ta vẫn làm.

Để nắm bắt được lý do tại sao cỗ máy phức tạp này lại nhiều lời thế, chúng ta hãy quay ngược thời gian về cái thời điểm mà nó không hề lên tiếng và thử quan sát một đứa trẻ mới chào đời xem sao. Trước khi học ngữ nghĩa của các từ, bộ não của chúng ta hoàn toàn im lặng. Chúng ta chỉ việc nằm đó và quan sát và tương tác với thế giới này. Khi ta lớn hơn, chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng cha mẹ mình luôn bận rộn với việc sử dụng các từ ngữ để truyền tải thông điệp của họ: cái bình, thức ăn, tã bỉm, đi tắm. Chúng ta được ngợi khen khi ta nhắc lại những từ đó, vì vậy mà ta phát triển kỹ năng gọi mọi vật bằng cái tên của nó, ngay cả khi không có ai ở đó mà nghe ta nói. Từ ngữ trở thành phương thức duy nhất để hiểu và truyền tải kiến thức của chúng ta. Chúng ta bắt đầu thuật lại những gì mà ta quan sát được nhằm giúp ta hiểu được mọi thứ. Hồi còn ẵm ngửa, chúng ta làm điều đó một cách ồn ã; và rồi, khi mà điều này trở nên khó xử về mặt xã hội, chúng ta bắt đầu chuyển tiếng nói ấy vào bên trong. Kể từ đó, tiếng nói này không hề ngừng lại.

Vào những năm 1930, nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotsky[2] đã quan sát cuộc đối thoại nội tâm đi kèm với các chuyển động nhỏ trong thanh quản. Dựa vào đó, ông cho rằng đối thoại nội tâm được phát triển dựa trên việc tiếp thu tiếng nói từ bên ngoài. Vào những năm 1990, các nhà thần kinh học đã xác nhận sự chính xác của quan sát này; họ sử dụng ảnh học thần kinh để chứng minh rằng những khu vực của não bộ như là cuộn não trán dưới bên trái, sẽ hoạt động khi chúng ta nói ra tiếng, và cũng đồng thời hoạt động khi ta tự thoại. Tiếng nói đó trong đầu bạn thực sự là bộ não bạn đang lên tiếng, ngay cả khi bạn là người duy nhất nghe thấy nó.


[1] Gartner, “Gartner Says 6.4 Billion Connected ‘Things’ Will Be in Use in 2016, Up 30 Percent from 2015,” press release, November 10, 2015, https://www.gartner.com/newsroom/id/3165317.
[2] Lev Semyonovich Vygotsky (tiếng Nga: Лев Семёнович Вы́готский hoặc Выго́тский, tên khai sinh Лев Симхович Выгодский Lev Simkhovich Vygodsky, 17/11/1896 – 11/6/1934) là một nhà tâm lý học Liên Xô, người sáng lập một lý thuyết về phát triển văn hóa và sinh học-xã hội của con người. Lý thuyết này thường được gọi là tâm lý học văn hóa-lịch sử.


Các tác phẩm chính của Vygotsky liên quan đến tâm lý học phát triển, ông đã đề xuất một lý thuyết về sự phát triển của các chức năng nhận thức cao hơn ở trẻ em, tại đó lý luận nổi bật thông qua các hoạt động thiết thực trong một môi trường xã hội. Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp của mình, ông lập luận rằng sự phát triển của lý luận đã được cân đối bởi các dấu hiệu và biểu tượng, và do đó phụ thuộc vào tập quán văn hóa và ngôn ngữ cũng như về quá trình nhận thức phổ quát.

fb_img_1507074786865.jpg


Bản Mô Tả Công Việc
Vậy là chúng ta đã biết được tiếng nói ấy đến từ đâu, nhưng tại sao lại như vậy? Cũng giống như các cơ quan khác, bộ não của bạn tồn tại để thực hiện một chức năng cụ thể. Ở mức độ cơ bản nhất, nhiệm vụ cốt lõi của bộ não là đảm bảo tính mệnh và an toàn cho cơ thể bạn.

Một số phần việc trong đó được thực hiện mà không có sự nhận biết của bạn. Nếu trong phạm vị tầm nhìn, bạn phát hiện thấy một chiếc xe đang phóng về phía mình, bộ não của bạn sẽ ra lệnh cho đôi chân bạn nhảy tránh ra. Thỉnh thoảng, khi mà mối đe doạ không chỉ là một phản xạ, bộ não sẽ kích thích sự sản sinh ra chất adrenaline để bạn có thể sẵn sàng cho phản ứng chiến đấu-hoặc-chạy trốn. Tất cả những phản xạ sinh tồn này đều có tính cơ học về mặt bản chất; chúng được thực hiện mà không cần bạn đưa ra quyết định một cách có ý thức. Thực vô cùng ấn tượng!

Suy nghĩ tham dự vào quá trình này để thêm vào một lớp bảo vệ nữa khi mà bộ não tiến hành sự trù liệu trước nhằm giúp bạn tránh xa nguy hiểm tiềm tàng. Nó đánh giá mọi hang động, thân cây, hòn đá, hay bất kỳ chỗ nào mà một con hổ có thể đang rình rập. Khi mà bạn nhìn ra ngoài một khung cảnh ngoạn mục, nhiệm vụ đầu tiên của bộ não bạn không phải là thư giãn và chiêm ngưỡng cảnh đẹp đó, mà là cân nhắc mọi khía cạnh nom có vẻ không ổn và có thể là một yếu tố nguy hiểm tiềm tàng. Nó cũng được lập trình để cân nhắc tới những nguy hiểm dài hạn vì thế mà chúng ta lên kế hoạch chuẩn bị trước cho mùa đông, cung cấp một nơi nương tựa để bảo vệ lũ trẻ, và thường xuyên phân tích mỗi một thứ trong vô số điều có thể trở nên sai lầm.

Khi những mối đe doạ bên ngoài bao vây chúng ta trong những năm đầu của lịch sử nhân loại, cả hai hình thức chức năng của não đều tuyệt đối quan trọng đối với sự sống còn của chúng ta như là những cá nhân riêng biệt và như là một giống loài. Nỗi sợ hãi giúp bạn có thể sống sót, và bộ não của bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm trước vấn đề này. Đối với sự phản xạ, nó còn không thèm hội ý với bạn, và cho tới ngày nay vẫn vậy. Nó chỉ làm những gì mà nó có nghĩa vụ phải làm. Tuy nhiên, đến khi đưa ra những quyết định mà không xác định nguy hiểm tức thì, bộ não của bạn đánh giá thách thức một cách kỹ lưỡng hơn hẳn bằng cách sử dụng hai phương thức tiếp cận khác biệt, một phương thức thì mang tính trực giác và chóng vánh còn phương thức kia thì chậm và thận trọng[1], và dẫn đến kết quả như một cuộc đối thoại.

Ê, bồ tèo, cậu có còn nhớ cái thằng cha ngầu ngầu tên Tommy không, cái gã bị con hổ xé xác ấy? Chúng ta đâu muốn chuyện này xảy ra với mình, đúng không?
Không đâu.

Tốt. Có nhìn thấy cái cây kia không? Có vẻ như đằng sau đấy có con hổ từng xé xác thằng Tommy đấy. Mình hãy đi xuống bờ sông thì hơn. Cậu có thấy thế không?

Không, đi xuyên rừng vẫn nhanh hơn chứ, vả lại chẳng săn được gì ở bờ sông đâu.

Nghe này, bồ tèo, Jessica sẽ quay về hang tối nay, và tớ thì muốn làm bất kỳ điều gì ở đó hơn là cứ đứng đây để mà bị ăn thịt, nên ta vẫn cứ đi xống bờ sông là hơn.

Ôi . . . Jessica à . . . Cũng được.

Kiểu đối thoại như vậy là nỗ lực của bộ não trong việc đưa ra quyết định tốt nhất có thể. Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel Kinh tế, giải thích quá trình này vô cùng xuất sắc trong cuốn sách được bán chạy nhất của ông Thinking, Fast and Slow (Tư duy nhanh và chậm). Ông nói về sự phân loại hai hình thức tư duy: “Hệ thống 1” là hình thức tư duy nhanh, theo bản năng, và cảm tính; “Hệ thống 2” là hình thức tư duy chậm hơn, có sự quan sát cẩn thận hơn, và mang tính logic hơn. Trong cuốn sách của mình ông thường đưa ra các ví dụ về những sai lầm hay những phán đoán nhanh thiếu chính xác được thực hiện bởi Hệ thống 1 đã được sửa lại bởi Hệ thống 2. Sự tồn tại của hai hệ thống này chính là nguyên nhân khiến hai tiếng nói đôi khi cùng xuất hiện trong đầu bạn. Chúng đơn giản là hai hình thức của tư duy cùng nhìn nhận về một vấn đề từ những quan điểm khác nhau và với những nhóm kỹ năng khác nhau, thảo luận về vấn đề đó nơi trung tâm của bộ não bạn

Hãy cười đi nào, bạn của tôi, bạn không bị điên đâu.

[1] Daniel Kahneman, Thinking, Fast and Slow (Farrar, Straus & Giroux, 2013).

fb_img_1511459218508.jpg


Ai Mới Là Chủ Nhân?
Kể từ thưở hồng hoang, bộ não của con người đã đảm nhiệm đầy đủ trách nhiệm về sự sinh tồn của chúng ta, và bởi vì khả năng sống sót của chúng ta kém hơn nhiều ở thời ấy, chúng ta coi bộ não của mình như nhà chỉ huy không thể tranh cãi. Nhưng liệu điều này có còn hợp lý?

Không thể phủ nhận rằng bộ não của bạn đã hoàn thành một số việc vô cùng xuất sắc, nhưng nó không nên được trao cho quyền tự do để cân nhắc mọi thứ. Khi bộ não điều khiển các phản xạ và các chức năng cơ học, nó thực hiện công việc này mà không cần suy nghĩ. Điều này hoàn toàn đúng với tất cả những chức năng quan trọng – việc suy nghĩ hoàn toàn bị bỏ qua. Các hoạt động của lá phổi, các tuyến trong cơ thể, tim, gan, và các cơ quan khác đều được vận hành một cách cơ học bởi bộ não nhưng đó không phải là kết quả của việc tư duy có ý thức – bạn không hề bỏ ra hàng giờ để chú ý đến chúng hoặc thậm chí có khả năng điều khiển chức năng của chúng. Nếu như bộ não được cho phép kiểm soát chúng, thì nó sẽ gây ra những sai lầm nghiêm trọng. Ví dụ như, trong thời điểm chịu tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần, bộ não hoàn toàn có thể đưa ra một quyết định có vẻ như hoàn toàn logic để ngừng lại sự hoạt động của con tim. Thật may mắn, tính năng này được loại trừ khỏi cấu tạo cơ thể của chúng ta bởi vì tư duy không phải lúc nào cũng đưa ra được kết quả tốt nhất.

Hãy nhớ: Một điều càng có vẻ quan trọng, thì càng có nhiều suy nghĩ về nó bị loại bỏ.

Bạn đã bao giờ nhận ra điều này chưa?

Vâng, hãy đoán xem: Hạnh phúc thực sự quan trọng. Vậy thì, tại sao đôi khi chúng ta lại để cho những suy nghĩ của mình đè nặng chúng ta và tước đoạt nó khỏi chúng ta? Hãy chấp nhận rằng bộ não của bạn là một người chỉ huy không thể tranh cãi khi nó thực hiện các chức năng cơ học, nhưng đối với vấn đề tư duy, thì bạn nên hoàn toàn làm chủ. Nhiệm vụ của bộ não bạn là tạo ra logic để bạn có thể cân nhắc tới. Khi các suy nghĩ xuất hiện, bạn không nên bỏ qua câu hỏi Ai làm việc cho ai?

Hãy nhớ: Bạn chính là chủ nhân. Bạn cần phải lựa chọn

Điều này có nghĩa là bạn nói với bộ não của mình cần phải làm gì, chứ không phải là ngược lại. Cũng giống như là vào lúc này bạn đang ra lệnh cho bộ não của mình tập trung vào các câu chữ trong trang sách này, bạn luôn có thể yêu cầu nó cần tập trung vào điều gì. Bạn chỉ cần chịu trách nhiệm và hành động như là một ông chủ. Và chúng ta hãy sửa lại câu nói của Descartes như sau:

Hãy nhớ: Tôi tồn tại, vì thế mà đầu óc của tôi biết tư duy.



Người dịch: December Child
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Lối Suy Nghĩ Hữu Ích

Để xoay sở tốt trong thế giới hiện đại bạn cần phân biệt rõ điều gì đang phục vụ bạn và điều gì chống lại bạn. Trong khi đôi lúc ta có cảm giác như thể tất cả các suy nghĩ đều là một chuỗi những lời lảm nhảm vô dụng, thực tế là những suy nghĩ hữu ích nhất của chúng ta lại thường yên lặng. Bộ não của chúng ta thường thực hiện ba loại tư duy: sâu sắc (được sử dụng để giải quyết vấn đề), kinh nghiệm (tập trung vào nhiệm vụ hiện tại), và tường thuật (nói huyên thuyên). Những loại tư duy này hoàn toàn khác biệt với nhau nên chúng diễn ra ở những khu vực khác nhau trong bộ não của chúng ta. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở MIT vào năm 2009 đã chỉ ra các suy nghĩ sâu sắc được thực hiện như thế nào.[1] Sóng não của những người tham gia thí nghiệm được ghi lại trong lúc họ giải các câu đố bằng miệng. Từng người một được yêu cầu nói ra câu trả lời ngay khi họ có được đáp án. Kết quả cho thấy rằng hai khu vực của não, cả hai đều thuộc não phải, tham gia vào việc giải câu đố. Một vùng não hoạt động âm thầm; nhưng chúng ta nhận ra được câu trả lời, dưới dạng một suy nghĩ, ở một phần khác của não – trong vòng tám giây sau đó

Thú vị hơn nữa là cả hai phần não nơi mà loại tư duy hữu ích này được thực hiện đều rất khác biệt so với khu vực diễn ra những suy nghĩ liên miên. Điều này đã được chỉ ra trong nghiên cứu thực hiện năm 2007 của trường ĐH University of Toronto, tại đó các nhà nghiên cứu đã quan sát các chức năng não của hai nhóm người tham gia: một nhóm người mới với những suy nghĩ không ngừng và một nhóm người khác đã tham gia khoá học tám tuần về cách tập trung sự chú ý vào hiện tại[2]. Nghiên cứu cho thấy những suy nghĩ liên miên của nhóm thứ nhất thắp sáng vùng trung tâm của não, trong khi nhóm thứ hai (những người đã quen với việc tập trung sự chú ý vào thời điểm hiện tại) lại có sự kích thích ở phần bên phải của bộ não, và cả các phần khác nữa đối với những người thực hiện suy nghĩ sâu sắc.

Và đây mới là tin tức tốt: những suy nghĩ liên miên, chỉ là một chức năng não đơn giản, cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng tư duy của chúng ta hoàn toàn không phải là chúng ta – chúng không thể định nghĩa được chúng ta. Một lần nữa, bạn không phải là những suy nghĩ của bạn. Bộ não của bạn tạo ra những suy nghĩ, như là một chức năng sinh học, để phục vụ bạn. Và việc nhận thức rằng mỗi một hình thức tư duy được thực hiện ở một khu vực riêng biệt của não bộ có nghĩa là chúng ta có thể luyện tập cách sử dụng một hình thức tư duy nào đó nhiều hơn hình thức khác.

Chúng ta cần tập trung rất lớn vào hiện tại khi thực hiện các nhiệm vụ, và chúng ta cần giải quyết các vấn đề. Đó đều là những chức năng vô cùng hữu dụng. Những gì mà chúng ta không thực sự cần là thành phần tường thuật của tư duy, những tiếng nói vô ích, không hề chấm dứt – phần khiến cho chúng ta cảm thấy hơi điên rồ và khiến ta bị mắc kẹt trong đau khổ.


[1] Bhavin R. Sheth, Simone Sandkühler, and Joydeep Bhattacharya, “Posterior Beta and Anterior Gamma Oscillations Predict Cognitive Insight,” Journal of Cognitive Neuroscience 21.7 (2009), https://www.mitpressjournals.org/doi/abs/10.1162/jocn.2009.21069#.Van3LhOqpTI.

[2] Norman A. S. Farb et al., “Attending to the Present: Mindfulness Meditation Reveals Distinct Neural Modes of Self-Reference,” Social Cognitive and Affective Neuroscience 2.4 (2007), https://scan.oxfordjournals.org/content/2/4/313.full.



Chu Trình Đau Khổ

Khi mà các vị tổ tiên của chúng ta nhận thấy một mối đe doạ trong môi trường bất lợi mà họ sinh sống, nó sẽ kích thích phản xạ chiến đấu-hoặc-chạy trốn. Trong thế giới hiện đại, hầu hết các sự kiện mà chúng ta gặp phải đều chỉ chứa đựng một mối đe doạ đối với sức khoẻ tâm thần hoặc cái tôi của chúng ta. Thường thì không có một cơ chế tồn tại thích hợp nào có thể bảo vệ được chúng ta khỏi những mối đe doạ như vậy. Trong trường hợp thiếu mất phản ứng thoả đáng, bộ não của chúng ta có khuynh hướng đưa sự đe doạ chưa được giải quyết trở đi trở lại liên tục dưới dạng những dòng suy nghĩ bất tận.

Theo như Phương trình Hạnh phúc, sự lặp đi lặp lại của suy nghĩ về một sự kiện, so sánh sự không thuận lợi của nó với những kỳ vọng của chúng ta, sẽ dẫn đến đau khổ. Sự bất lực của chúng ta trong việc thực hiện hành động đã gây ra sự lập đi lập lại của những suy nghĩ trong một Chu trình Đau khổ bất tận.



cycle-of-suffering.png


Chúng ta có thể phá vỡ Chu trình đau khổ này bằng cách vô hiệu hoá sự tiêu cực ở mỗi giao điểm của nó.

Thực hiện hành động tốt nhất có thể, bất kể kết quả ra sao, là một cách rõ ràng để phá vỡ chu trình này. Một khi hành động được thực thi, tâm trí của chúng ta sẽ tập trung vào những yếu tố thực thi của những việc cần thực hiện, một phần khác của bộ não sẽ tham gia vào quá trình này, và suy nghĩ của chúng ta sẽ chuyển hướng sang việc kiểm soát kết quả của hành động thay vì việc không ngừng tập trung vào ý nghĩ đó.

Một cách khác là chấm dứt việc biến suy nghĩ thành sự đau khổ. Điều này có thể được thực hiện bằng cách điều chỉnh các điểm mù của chúng ta nhằm đảm bảo rằng những sự kiện được nhìn nhận theo đúng bản chất của nó, chứ không phải theo như cách mà bộ não của chúng ta nhận định. Điều này sẽ được bàn đến trong chương 9.

Nhưng tại sao ta lại để cho chu trình này vận hành ngay từ đầu? Liệu mọi chuyện có trở nên tốt đẹp hơn không nếu cái tiếng nói kia im lặng hơn?

Kiểm Soát Tiếng Nói
Nếu bạn nghĩ về mức độ kiểm soát của bản thân đối với trái tim và các khối cơ trong cơ thể mình, bạn sẽ nhận thấy rằng ở chúng có sự khác biệt. Trái tim của bạn vẫn luôn đập; và việc làm nó ngừng lại không nằm trong khả năng kiểm soát của bạn. Đó là một cỗ máy tự động. Mặt khác, hệ cơ của bạn có một phần nằm dưới quyền kiểm soát của bạn. Mặc dù phản xạ buộc cơ bắp bạn hoạt động theo những cách mà bạn không định trước, thì bạn vẫn có thể ra lệnh cho tay mình mang vác vật nặng khi mà bạn muốn. Cho dù trọng lượng của vật đó có nặng đi chăng nữa, thì bạn hoàn toàn có thể thúc ép các cơ của mình hoạt động hiệu quả hơn. Trong cơ thể bạn có rất nhiều cơ chế tương tự như vậy. Và tôi gọi đó là những cỗ máy có thể điều khiển được.

Đây chính là một điểm khác biệt quan trọng.

Bộ não của bạn thuộc về loại cỗ máy có thể điều khiển được bởi vì bạn nắm được một phần kiểm soát nó. Bạn có thể ra lệnh cho nó cần phải nghĩ gì, phải suy nghĩ ra sao, hay là ngay cả việc dừng suy nghĩ lại. Bạn chỉ cần luyện tập cách điều khiển nó cho tới khi thành thạo. Điều này hoàn toàn có thể làm được. Vậy đây có phải là một tin tuyệt vời không nào?

Kiểm soát bộ não nghe có vẻ na ná như chủ đề của một bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng bạn lại làm điều này mỗi ngày trong đời mình. Việc tập trung vào công việc nhà và lên kế hoạch dự trù tài chính cá nhân hoặc thảo luận một chủ đề cụ thể nào đó với một người bạn đều là những ví dụ của việc nắm quyền kiểm soát bộ não và ra lệnh cho nó cần phải làm gì. Bạn cũng có thể điều khiển cả tiếng nói ở trong đầu mình nữa.

Dưới đây là bốn kỹ thuật giúp bạn đạt được điều đó. Mỗi một kỹ thuật này đều được xây dựng nên từ kỹ thuật trước nó, vì vậy bạn hãy cố gắng làm chủ chúng theo thứ tự được liệt kê. Đó đều là những kỹ thuật đơn giản nhưng đòi hỏi tính kỷ luật. Việc luyện tập sẽ khiến cho chúng trở nên dễ dàng hơn cho tới khi chúng trở thành bản năng thứ hai của bạn. Khi bạn dừng lại việc tập luyện một thời gian, bộ não của bạn sẽ cố gắng quay trở về với những thói quen cũ và đôi khi nó sẽ thành công. Đừng lo lắng. Bạn chỉ việc tử tế và nhẹ nhàng nói với bộ não của mình rằng, “Tôi biết cậu đang làm gì ở đây. Tôi biết điều này rất khó cho cậu. Nếu như bây giờ mà cậu cứ đi dạo chơi đâu đó, thì mọi chuyện sẽ tốt hơn hẳn cho cả hai ta.”

Quan Sát Cuộc Đối Thoại
Đầu tiên, bạn hãy dành ra thời gian để làm quen với con quái vật mà bạn đang chinh phục. Cách tốt nhất để làm điều này là ngồi yên lặng và quan sát những gì đang diễn ra bên trong đầu bạn một cách thường xuyên nhất có thể. Kỹ thuật này được gọi là “quan sát cuộc đối thoại.”

Đừng kháng cự những suy nghĩ sẽ xuất hiện. Thay vì vậy, cứ tiếp tục quan sát chúng khi chúng lướt qua đầu óc bạn. Hãy quan sát một ý nghĩ – rồi để nó trôi đi và nhắc nhở bản thân rằng cái suy nghĩ này không phải là bạn. Suy nghĩ đến và đi. Chúng không có quyền kiểm soát bạn trừ khi bạn cho phép chúng.

Khi bạn nắm vững kỹ thuật quan sát cuộc đối thoại diễn ra trong đầu mình bạn sẽ cảm thấy như thể mình đang xem một tập phim Seinfeld (là bộ sitcom nổi tiếng của Mỹ trong những năm 1990 mà tôi vô cùng yêu thích), một chương trình chẳng nói về điều gì gì hết cả. Bạn theo dõi một cách chăm chú, cười liên hồi, và vẫn không nhất thiết phải tham gia vào câu chuyện. Hãy để bộ não của bạn lên tiếng như là những nhân vật trong bộ phim sitcom vậy.

Bây giờ bạn đã biết rằng những suy nghĩ kia không phải là bạn, thì bạn sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều trong việc không bị làm phiền hay quấy rầy bởi chúng. Hãy quan sát từng suy nghĩ một mỗi khi nó xuất hiện – rồi để cho nó trôi đi. Bạn hãy làm điều này khi đang trên đường đi làm, khi bạn phải đợi ai đó trong một cuộc hẹn, hay bất kỳ khi nào bạn có thời gian rảnh dù chỉ một phút. Hãy biến nó trở thành một sở thích lúc rảnh rỗi của bạn, trở thành bộ phim sitcom chỉ của riêng bạn, “chương trình về không gì cả” của chính bạn.

Và đây là phần hay ho nhất: bạn càng sớm làm chủ nghệ thuật quan sát một ý nghĩ và để nó trôi đi, thì tâm trí bạn sẽ nhanh chóng cạn kiệt chủ đề để đưa ra. Nó chỉ có thể tiếp tục khi mà bạn bám vào một ý tưởng nào đó. Bạn sẽ phải ngạc nhiên trước việc làm thế nào mà bộ não của bạn lại chóng bị thuần hoá đến thế. Nó sẽ làm dịu lại dòng suy nghĩ điên cuồng, hung hăng, và liên miên. Một khi bạn cảm thấy được điều đó, hãy chuyển sang kỹ thuật tiếp theo.

Quan Sát Vở Kịch

Chẳng một ai lại có khả năng buông bỏ mọi suy nghĩ cả. Đôi khi một ý tưởng nào đó sẽ bám riết lấy ta. Bạn sẽ thấy những dấu hiệu sau: bạn sẽ hoàn toàn chìm đắm vào trong luồng suy nghĩ và ít nhận thức được phần còn lại của thế giới xung quanh mình. Khi mà bạn nhận thấy điều này xảy ra, thì đó chính là cơ hội để bạn học cách quan sát màn kịch.

Hãy bắt đầu bằng việc thừa nhận các cảm giác của bạn, thứ cảm xúc được kích hoạt bởi một ý nghĩ nào đó. Bạn không nên kháng cự lại nó. Cứ để cho nó diễn ra. Bạn có thể sẽ muốn đào sâu vào suy nghĩ ấy hơn, không phải để giải quyết vấn đề mà là để cố gắng hiểu rõ nó hơn. Hãy tự hỏi bản thân mình rằng tại sao bạn lại cảm thấy tức giận hay kích động như vậy. Có suy nghĩ nào đã dẫn bạn tới điều này?

Trong suốt một thời gian dài tôi từng cảm thấy rất khó chịu trước tiếng trẻ con khóc lóc và đùa giỡn quanh mình cứ mỗi khi tôi vào một quán café và tận hưởng quãng thời gian yên tĩnh tại đó. Chúng có vẻ như luôn xuất hiện mỗi khi tôi tới đó. Bạn có tin không, ngay cả khi viết đoạn này tôi cũng đang ngồi trong một quán café gần như vắng tanh – ngoại trừ việc có mấy đứa nhóc đang hò hét ở chiếc bàn ngay phía sau tôi đây. Trước đây tôi sẽ sục sôi với những suy nghĩ đầy giận dữ. Tại sao mấy ông bố bà mẹ kia không làm gì đi? Chẳng lẽ bọn họ không cảm thấy phải có trách nhiệm hay biết tôn trọng người khác à?

Càng suy nghĩ, tôi lại càng thấy giận hơn, cho tới một ngày nọ tôi học được cách quan sát vở kịch. Thay vì tập trung vào những đứa trẻ ồn ào kia, tôi học được cách quan sát cái suy nghĩ đã làm nảy sinh sự giận dữ trong tôi. Và rồi tôi tự hỏi bản thân mình, Tại sao tôi lại có những cảm xúc nóng nảy đến thế? Tại sao tôi lại cảm thấy tức giận thế này? Tại sao tiếng la hét của bọn trẻ lại làm tôi bực mình trong khi tiếng nhạc cũng rất to? (Thực ra tôi là một fan cuồng nhiệt của dòng nhạc heavy metal. Và rõ ràng là lũ trẻ không thể ồn ào hơn thứ nhạc ấy được.)

Và rồi mọi thứ trở nên rõ ràng.

Khi mà tôi còn là một ông bố trẻ, mặt trời của tôi, Aya, luôn tràn đầy năng lượng. (Con bé đến giờ vẫn vậy.) Bất kỳ khi nào chúng tôi ra ngoài, con bé luôn là thành phần gây tiếng ồn. Tôi vẫn còn nhớ khi ấy mình cảm thấy xấu hổ và lúng túng ra sao. Nó làm tổn thương cái tôi của tôi khi là một ông bố không thể “quản lý” nổi con cái mình. Và điều này làm tôi thấy tội lỗi bởi vì tôi thật sự không muốn phá hỏng quãng thời gian yên tĩnh của những người khác. Giờ thì tôi lại trở thành một nhân vật khác trong nỗi xấu hổ của mình, nhân vật đã bị tôi phá hỏng sự bình yên. Nhiều năm sau đó bộ não của tôi vẫn còn liên kết tiếng la hét của một đứa trẻ với những cảm giác xấu hổ và tội lỗi đó. Chính thế!

Một khi tôi nhìn ra được nguyên do dẫn đến cảm xúc của mình, chúng thành ra dễ dàng điều chỉnh hơn. Bọn trẻ không còn làm phiền tôi được nữa. Chúng cứ việc la hét – và tôi thì cứ bình tĩnh thôi. Gần đây, những tiếng ồn ấy gợi lại trong tôi hồi ức về việc hồi nhỏ Aya mới dễ thương làm sao, và tôi lại muốn mỉm cười. Tôi nhớ đến việc con bé sử dụng toàn bộ thứ năng lượng ấy để trở thành một người nghệ sĩ ra sao và làm thế nào mà con bé lại thành ra chu du khắp thế giới này còn nhiều hơn cả tôi nữa. Cùng một sự việc từng khiến tôi tức giận thì giờ đây lại làm tôi hạnh phúc. Điều chỉnh lại suy nghĩ cũng sẽ làm thay đổi cảm xúc của bạn.

Lúc này đây lại có một gia đình khác kéo xe đẩy tới chiếc bàn kế bên tôi. Tôi thề là tôi không nói điêu một chút nào. Tiếng ồn vang lên, và tôi thì ngồi đây mỉm cười. Ba nhớ con quá đi thôi, bé con Aya của ba ơi.

Hãy bắt đầu quan sát vở kịch. Hành động đơn giản của việc cố gắng theo đuổi cảm xúc dẫn tới ý nghĩ đã tạo ra nó sẽ mang tới cho bạn bài tập thở cần thiết để bình tĩnh lại. Hãy tập trung vào những liên kết ở phần não chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề của bạn, và điều này sẽ giúp bạn chấm dứt những tiếng nói liên miên không dứt vì nó giúp bạn định vị được suy nghĩ ban đầu ấy. Khi bạn quan sát nó một cách rõ ràng, bạn sẽ nhận ra rằng nó thường không đúng, và chắc chắn là không xứng đáng với cái giá mà bạn đã bỏ ra để duy trì nó.

Khi bạn đã quen với việc luyện tập này, bạn sẽ nhận thấy các khuôn mẫu lặp đi lặp lại của bộ não. Bạn có thể đọc được các mánh khoé của bộ não như đọc một cuốn sách vậy, và khi nó làm như vậy bạn sẽ chỉ đơn giản mỉm cười và nói rằng: “Haha, mi ngốc quá, não ạ! Tại sao mi lại không đưa ra được một ý nghĩ tốt hơn thế này nhỉ?”

Hãy Mang Tới Cho Tôi Ý Nghĩ Tốt Hơn
Khi một ý nghĩ tiêu cực nảy ra, có thể sẽ rất khó để dập tắt nó. Một bộ não chưa được thuần hoá cần tới một ý nghĩ để bấu víu vào. Và nhìn chung, việc loại bỏ một ý nghĩ thường sẽ tạo ra một khoảng trống mà nhanh chóng được lấp đầy bởi một ý nghĩ khác tới từ cùng một cung bậc cảm xúc như thế – một suy nghĩ tiêu cực khác. Đó là lý do tại sao mà khi bạn ở trong một nơi tối tăm thì cả thế giới này có vẻ như sẽ sụp đổ đến nơi. Bạn có khuynh hướng bị nuốt gọn bởi ý nghĩ tiêu cực này đến ý nghĩ tiêu cực khác. Chỉ có bạn mới đủ khả năng để phá vỡ cái vòng lặp này! Hãy lấp đầy chỗ trống ấy với một ý nghĩ hạnh phúc nhằm đảm bảo rằng không còn chỗ cho một ý nghĩ tiêu cực nào khác có thể chen vào.

Và đó là khi mà niềm vui bắt đầu.

Điều này rất đơn giản. Hãy nhìn vào từ in đậm ở dưới đây. Bạn hãy dành ra vài giây để tập trung hoàn toàn vào đó.

CON VOI

chuong-3-elephants.png


Liệu tôi có thể hỏi bây giờ bạn đang nghĩ đến điều gì hay không? Có phải đó là một con voi hay không? Bất kể bạn đang suy nghĩ đến điều gì trước đó, tôi cá là suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi khi mà bạn đọc từ con voi.

Hãy nhớ: Bộ não của bạn có thể bị đánh lừa!

Dường như có vẻ đơn giản như vậy đấy, đây là một lỗ hổng lớn trong vòng tròn tư duy của não bạn. Khả năng tác động của cánh cửa bí mật này là hoàn toàn có thể dự đoán được. Mỗi lần bộ não của bạn bị hấp dẫn bởi một ý nghĩ thì nó sẽ mắc bẫy. Nó không thể tự cứu lấy mình! Chúng ta có thể lợi dụng điều này. Bạn có thể lừa bộ não của bạn tập trung vào bất cứ điều gì bạn muốn chỉ bằng cách đưa điều đó vào trong ý thức.

Với vô số sự lựa chọn, bạn nên yêu cầu bộ não của mình nghĩ đến điều gì? Vâng, bạn hiểu ý tôi rồi đấy:

Hãy nhớ: Những ý nghĩ hạnh phúc.

Nếu như bạn có thể đánh lừa bộ não của mình bằng bất kỳ ý nghĩ nào mà bạn muốn, vậy thì tại sao bạn lại không đánh lừa nó với bất cứ điều nào khác?

Một lần nọ, khi Aya mới có năm tuổi, con bé cứ khóc thút thít trong khi tôi cố gắng giải thích cho con bé hiểu rằng vì sao nó lại không nên khóc vì những điều làm nó khó chịu. Vô cùng dễ thương, con bé nhìn tôi với khuôn mặt tèm lem nước mắt và bảo rằng, “Ba ơi, khi con khóc con đâu có nói với con về thứ làm con khóc ạ. Nếu ba muốn con thấy vui, thì ba cù con đi.” Dĩ nhiên là vậy! Sự thông thái đơn giản này đã ám ảnh tôi. Chúng ta tin rằng mình cần phải có một giải pháp để cho nỗi bất hạnh của chúng ta biến mất, nhưng thường thì lý do khiến chúng ta không hạnh phúc lại rất phi lý, và vì thế ta không tài nào tìm được giải pháp thực thụ, cũng như là vậy đối với những lập luận sai lầm. Vì thế cách đơn giản nhất để trở nên hạnh phúc là hãy cứ hạnh phúc. Hãy bỏ đi những suy nghĩ không vui vẻ, thay thế nó bằng một suy nghĩ vui vẻ, và để mọi chuyện thuận theo tự nhiên.

Kể từ giờ trở đi, bất cứ khi nào một suy nghĩ ưu phiền xuất hiện, hãy đơn giản đánh lừa bộ não bạn bằng cách nghĩ về một điều gì đó khác. Đôi khi cuộc đời không cần gì hơn thế!

Dù vậy, có một điều quan trọng cần ghi nhớ: các suy nghĩ sâu sắc hơn diễn ra ở phần vô thức của não bạn. Không giống như suy nghĩ có ý thức của bạn, mà được truyền tải bằng ngôn ngữ, tâm vô thức của bạn đã phát triển từ rất lâu trước khi bạn có thể sử dụng được ngôn ngữ, vì vậy hình ảnh thị giác và cảm giác chính là nhiên liệu đầu vào của nó. Điều này xảy ra bởi vì không có hình ảnh nào tương ứng với từ không. Tâm vô thức của bạn không thể xử lý một vấn đề tiêu cực. Trong tiềm thức của mình bạn có thể đơn giản phủ nhận một ý tưởng, như là “không đau khổ.” Nhưng tâm vô thức của bạn sẽ ghi nhận ý tưởng đó và chỉ nghĩ về từ mà nó hiểu được – cái từ mà bạn muốn phủ định: đau khổ. Thay vì phủ nhận một khái niệm bạn cần phải thay thế nó bằng một khái niệm hoàn toàn trái ngược. Chừng nào tâm vô thức của bạn còn hoạt động; bạn không thể nghĩ về việc không đau khổ; mà bạn chỉ có thể nghĩ về hạnh phúc. Thay vì cố gắng nghĩ về việc không phải chịu đựng một công việc mà bạn không hề thích, hãy nghĩ đến một công việc khác. Thay vì nghĩ tới sự kết thúc của một mối quan hệ, hãy nghĩ về một mối quan hệ mới mà bạn muốn được bắt đầu. Đó chính là cách để hướng tư duy của bạn tới những suy nghĩ hạnh phúc.

Hãy nhớ: Hạnh phúc luôn được tìm thấy ở mặt tích cực của mọi quan niệm.

Cách dễ dàng nhất nhất để có được cả một kho ý nghĩ hạnh phúc là sử dụng Danh sách Hạnh phúc của bạn (trong chương 1). Một ý nghĩ về hạnh phúc không nhất thiết phải liên kết tới chủ đề tối tăm nào làm bạn chệch hướng. Bất kỳ một ý nghĩ về hạnh phúc nào trong danh sách này đều có thể cắt bỏ dòng suy nghĩ tiêu cực trong đầu bạn bằng cách lấp đầy khoảng trống. Một khi dòng suy nghĩ tiêu cực đã bị phá vỡ, bạn sẽ nhận ra rằng việc tiếp tục suy nghĩ với một quan điểm tích cực sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Nếu như ban đầu bạn thấy kỹ thuật này thật khó, hãy viết ra Danh sách Hạnh phúc của bạn trên một mảnh giấy và luôn mang nó theo bên mình. Hay bạn có biết một cách còn hay hơn nữa không? Hãy lưu giữ hình ảnh của những suy nghĩ về hạnh phúc của bạn trong điện thoại để lúc nào bạn cũng có thể dùng đến.

Trong nhiều năm tôi đã đi khắp mọi nơi với một tập tin bao gồm mười chín ý nghĩ về hạnh phúc trong đó. Giờ thì tôi chẳng cần phải xem lại nó nữa; những hình ảnh chính xác cứ thế tự động hiện ra trong đầu tôi để đẩy suy nghĩ tiêu cực kia đi. Khi trạng thái của tôi được khôi phục trở lại với tâm trí tích cực, tôi bắt đầu tập trung vào thách thức trước mắt, đặc biệt là những phần đã chắc chắn nằm trong tầm kiểm soát của tôi, và tôi sử dụng năng lượng tích cực và những suy nghĩ hữu ích để khiến sự việc trở nên tốt đẹp hơn.

Một cách hay hơn để tận dụng Danh sách Hạnh phúc là sử dụng nó một cách chủ động thay vì bị động. Hãy lấy ra danh sách của bạn nhiều lần trong ngày và tập trung vào đó. Bạn có thể sẽ thấy được những tác động tốt đẹp từ nó nên bạn sẽ không còn cần phải đợi tới tận khi có một ý nghĩ tiêu cực xuất hiện nữa. Bạn càng giữ cho đầu óc mình ở trong trạng thái tích cực càng lâu, thì nó càng khó chuyển sang trạng thái tiêu cực hơn, và do đó phần vô ích đó của não bạn sẽ càng thu nhỏ lại (nếu như mà bạn không sử dụng tới nó, thì bạn sẽ may mắn mất đi nó.)

Với việc luyện tập, bạn có thể tiến thêm một bước nữa. Bạn có thể học cách đánh lừa bộ não mình với những ý nghĩ hạnh phúc gắn liền với những chủ đề mà bộ não nghĩ về chúng một cách tiêu cực. Tất cả những gì bạn cần phải làm là chuẩn bị trước một số câu hỏi mà có thể tìm kiếm mặt tích cực của bất kỳ vấn đề nào.

Chúng ta hãy lấy ví dụ, với ỹ nghĩ “Tôi ghét công việc của mình.” Nếu như bạn cứ bỏ mặc cái suy nghĩ ấy trong đầu mình, nó sẽ tiếp nhận cái suy nghĩ đó và đẩy nó đi xa hơn nữa tới tất cả những điều khiến cho bạn cảm thấy khổ sở trong công việc. Thay vì vậy, bạn hãy đánh lừa bộ não với một câu hỏi như “Hẳn phải có điều gì đó mà mình yêu thích về công việc này chứ. Đấy là gì nhỉ?”

Lúc đầu, bộ não thiếu hợp tác của bạn sẽ tiếp tục đi theo con đường ban đầu của nó và đưa ra một ý nghĩ tiêu cực: “Tôi ghét cái kiểu sai bảo của lão sếp.” Để đáp lại điều đó, hãy bình tĩnh thuyết phục (giống như là bạn đang nói chuyện với một đứa trẻ sáu tuổi ấy), “Vậy thì mình thích điều gì ở nơi này nhỉ?” Chỉ có như vậy bạn mới có thể đạt tới một điều gì đó ít nhất cũng có một phần tích cực, như là, “Cô bé lễ tân rất dễ thương, nhưng mấy gã đàn ông trong công ty thì thật tệ.” Hãy cứ tiếp tục với điều đó và sự tích cực sẽ xuất hiện. “Mình thích cái quán café dưới lầu. Đường đi làm vô cùng thuận tiện. Tiền lương cũng không tệ.” Cứ duy trì những suy nghĩ đó. Điều này cuối cùng cũng phát huy tác dụng. Bạn lúc này đã có thể nhìn thấy chiếc cốc đầy nửa ly.

Thường thì sự việc không phải đều xấu hẳn. Hãy rèn luyện cho bộ não của bạn tìm kiếm những điều tốt đẹp và khiến nó tập trung vào suy nghĩ của bạn. Cũng giống như cách bạn lập Danh sách Hạnh phúc, hãy lập ra một danh sách những câu hỏi mà bạn có thể đánh lừa bộ não của mình hướng tới sự tích cực, chẳng hạn như “Mặt tốt của việc này là gì? Tôi thích gì ở điều này?” Hoặc là bạn có thể rút gọn lại với một câu hỏi: “Chiếc cốc đầy nửa ly ở đây là gì?”

Một khi bạn xây dựng được thói quen này, bạn sẽ trở thành bậc thầy trong việc tìm ra mặt tốt của sự việc. Chúng vẫn luôn có đó; chỉ là bạn chưa đi tìm chúng mà thôi. Bộ não của bạn sẽ học được rằng những suy nghĩ tiêu cực không mang lại điều gì hết cả và rằng cách duy nhất để thu được sự chú ý của bạn là nghĩ về những điều tích cực. Và nó sẽ bị chinh phục.

Khi bạn nhận thấy thật dễ dàng để định hướng lại cuộc đối thoại, bạn sẽ sẵn sàng thúc đẩy quy trình xa hơn nữa. Lần tới nếu nhận ra một ý nghĩ tiêu cực xuất hiện trong đầu mình, hãy đơn giản đáp lại nó với Hãy mang tới cho ta một ý nghĩ hạnh phúc hơn. Đó là tất cả những gì mà bạn cần nói. Như mọi khi, ban đầu bộ não của bạn sẽ cố gắng thoái thác nhiệm vụ này, nhưng nếu như bạn kiên trì, thì nó sẽ tuân theo, và kể từ đó tất cả những gì bạn cần phải làm là nhắc lại câu nói Hãy mang tới cho ta một ý nghĩ hạnh phúc hơn cho tới khi bạn có được nó. Những người làm được điều này đã đến rất gần với trạng thái “làm chủ đầu óc” mà chúng ta chưa ai đạt tới được.

Xin chúc mừng, Bạn, chứ không phải bộ não của bạn, giờ đây mới là CHỦ NHÂN!

Kẹp Mỏ Vịt
Nếu như bạn đã quan sát cuộc đối thoại một thời gian thì giờ đây bạn sẽ thấy được điều tôi định nói. Có phải đôi khi bạn cảm thấy như có một con vịt đang ở trong đầu mình không? Và nó cứ kêu quàng quạc mãi? Nó hiếm khi nào cho bạn được nghỉ ngơi thư giãn. Con vịt ấy cứ kêu suốt thôi. Sau khi học được cách làm thế nào để cho đầu óc của tôi suy nghĩ tích cực hơn, một lần nọ tôi từng nghe Pete Cohen, tác giả của cuốn Life DIY (tạm dịch: Tự lực trong cuộc sống), bàn về việc tiếng quàng quạc không ngừng kia có thể tác động tới phong độ của các vận động viên đỉnh cao mà ông từng huấn luyện như thế nào, và tôi nhận thấy mình có suy nghĩ như thế này, Giờ thì tôi đã biết cách tạo nên con vịt kêu những tiếng quàng quạc tích cực, nhưng mà Peter nói đúng. Đôi khi tôi ước gì tôi có thể kẹp mỏ con vịt này lại!

Có rất nhiều phương pháp thiền định phổ biến có thể giúp bạn luyện tập để đạt đến trạng thái yên lặng đó. Chúng thường gắn liền với việc tập trung tâm trí của bạn vào một điều gì đó nằm bên ngoài phạm vi của suy nghĩ: vẻ đẹp của một đoá hoa hồng, ánh sáng lung linh của một ngọn nến, hoặc là hơi thở của bạn

Mặc dù vậy, thiền tập không phải là một lối sống. Đó là một sự rèn luyện để chuẩn bị cho bạn một lối sống. Sự tập luyện có thể mang đến ý nghĩa tốt đẹp nào không nếu như bạn lại quay trở về với lối sống bình thường “căng đầu vì suy nghĩ” khi mà sự luyện tập này chấm dứt? Mục tiêu sau cùng là sống trong trạng thái của sự nhận biết lớn hơn nằm bên ngoài phạm vi phòng tập thiền, để nó có thể trở thành lối sống của bạn suốt cả ngày.

Một thói quen khác trong hoạt động của trí óc cũng có thể giúp bạn đạt được điều này. Bộ não còn được biết đến như là bộ xử lý tuần tự trong ngành khoa học máy tính, điều này có nghĩa là nó chỉ có thể tập trung vào một ý nghĩ duy nhất trong một thời điểm. Mặc dù đôi khi có vẻ như là bạn có tới cả triệu ý nghĩ ở trong đầu mình, điều mà bộ não của bạn thực sự làm là lướt qua chúng một cách chóng vánh.

Bây giờ bạn hãy dành ra một phút để chơi thử trò sau. Hãy thử nghĩ về hai việc trong cùng một lúc. Hãy cố nghĩ về một việc vui mà bạn vừa trải qua vào cuối tuần trước trong khi đồng thời nhớ lại một cuộc tranh cãi vừa xảy ra với bạn vào ngày hôm qua. Bạn hãy cố gắng nào. Hãy tiếp tục cố gắng. Khó quá, đúng không? Bây giờ thì bạn hãy thử đọc thật to trong lúc cố gắng đếm nhẩm từ số 643 tới số 1 xem sao. Bạn sẽ nhận thấy rằng trong lúc bạn đọc, thì việc đếm sẽ dừng lại. Điều này cũng đúng với cuộc đối thoại nội tâm của bạn. Một việc mỗi lúc là tất cả những gì mà cỗ máy vĩ đại này có thể thực hiện.

Hãy nhớ: Đối với bộ não, làm nhiều việc trong một lúc là chuyện không tưởng!

Chúng ta có thể tận dụng đặc điểm này của bộ não để mang lại lợi ích cho mình. Kỹ thuật dùng để làm con vịt im lặng mà tôi xin kiến nghị ở đây là làm cho bộ não tràn ngập với những việc mà nó không thể nghĩ tới, đánh giá, phán xét – những việc mà nó chỉ có thể quan sát mà thôi. Và cách làm như sau: Hãy hướng sự chú ý của bạn tới bên ngoài bản thân bạn. Quan sát ánh sáng trong căn phòng, tập trung vào bất kỳ đồ vật nào trên bàn làm việc của bạn, ngửi mùi hương cà phê toả ra từ căn bếp, quan sát vân gỗ của chiếc bàn, hay lắng nghe âm thanh của xe cộ trên đường phố dội lại từ xa. Đừng bỏ qua bất cứ điều gì mà không quan sát. Hãy chú ý tới từng chi tiết nhỏ xung quanh mình. Đó là điều mà bạn đã từng làm khi còn là một đứa trẻ. Chỉ quan sát mà thôi.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các kỹ thuật thiền và hướng sự chú ý vào bên trong bản thể mình. Tập trung sự chú ý vào cơ thể bạn. Chú ý tới bất kỳ khối cơ nào mà bạn bị đau sau buổi tập thể dục ngày hôm qua hay cơn đau lưng do ngồi tại bàn làm việc quá lâu. Hãy quan sát hơi thở của bạn hay cảm nhận dòng máu đang lưu thông trong cơ thể bạn.

Hay đón nhận tất cả: sự kích thích vô hạn mà não bạn đã chọn lọc ra để nó có thể giải phóng những chu kỳ não cần thiết để trở nên ám ảnh với những suy nghĩ của chính nó. Hãy chọn ra một việc mà nó có thể xử lý trong một thời điểm để trở thành điều gì đó khác hơn là suy nghĩ. Chất đầy nó với những tín hiệu từ thế giới vật chất để nó ngừng sống trong những bong bóng đối thoại nhỏ của chính mình. Mỗi một bộ lọc mà bạn loại bỏ sẽ cung cấp cho bộ não của bạn một điều gì đó để xử lý và giảm thiểu khả năng của nó trong việc tham gia vào những suy nghĩ vô ích.

Lúc này bạn không hề đánh lừa bộ não của mình với những suy nghĩ tốt đẹp – mà bạn đánh lừa nó với không một ý nghĩ nào hết. Đó là khi sự tĩnh lặng xuất hiện. Và một nụ cười thanh thản nở trên môi!

Tuy vậy, hãy đề cao cảnh giác. Đây có thể là một phần rất khó chịu đối với bộ não của bạn. Rốt cục, nó từng làm chủ, và khả năng của bạn trong việc điều khiển nó sẽ có cảm giác như là một mối đe doạ đối với sự tồn tại của nó. Nó sẽ chống lại bằng cách sinh ra nhiều ý nghĩ hơn nữa. Phản ứng tốt nhất là không làm gì cả và bình tĩnh quan sát thế giới bên trong và bên ngoài. Hãy tiếp tục loại bỏ các bộ lọc cho tới khi sự yên tĩnh quay trở lại.

Bằng việc sử dụng kỹ thuật này tôi đã học được cách đơn giản để điều khiển bộ não, ngay cả sau nhiều năm làm một chuyên viên kỹ thuật sử dụng não trái. Đôi khi tôi ngồi nhiều giờ trong một chuyến bay dài với một khuôn mặt ngô nghê và chỉ với những hình ảnh mờ nhạt của ý nghĩ – hoặc không có gì cả – trong đầu mình. Đó chính là thứ hạnh phúc thần tiên. Một nút điều khiển theo yêu cầu đối với tất cả ý nghĩ. Tôi chỉ việc quả quyết nói với bộ não của mình rằng, “Ta muốn mi im lặng, ngay bây giờ!,” loại bỏ bộ lọc cảm giác của mình, và tận hưởng thế giới này mà không có những lời bàn luận của bộ não.

Bạn hãy thử mà xem. Đó là một niềm vui không giống với bất kỳ niềm vui nào khác.

Hãy nhớ: Hãy học cách làm con vịt im lặng.

the-matrix.jpg

"Số Một”

Vào năm 1999, trong bộ phim khoa học viễn tưởng The Matrix (tạm dịch: Ma trận), một chương trình giả lập đã được tạo ra bởi các siêu máy tính nhằm mục đích cai trị loài người. Keanu Reeves vào vai Neo, với bí danh “Số 1,” và được lựa chọn để giải phóng cho toàn thể nhân loại. Khi mà anh cuối cùng cũng nhìn ra những hình ảnh và suy nghĩ ảo từng được cấy trong não mình bởi Ma trận, mọi thứ đều trở thành số một và số không ngay trước mắt anh. Quan điểm của người lập trình như tôi cho rằng đây là sự rõ ràng tuyệt đối về tầm nhìn của anh, mà đã dẫn tới khả năng của anh trong việc kiểm soát được toàn bộ hoàn cảnh của mình. Không có gì còn làm hại Neo được nữa. Sự di chuyển nhanh như chớp của các “mật vụ” Ma trận trở nên chậm chạp, và anh có thể dễ dàng ngăn được nắm đấm của chúng và tránh những đường đạn mà không gặp khó khăn gì.

Đây chính là mức kỹ năng mà bạn hướng tới khi bạn bắt đầu nhìn thấy rõ Ảo tưởng về Tư duy. Rất nhiều sự hạnh phúc của bạn không hề phụ thuộc vào hoàn cảnh của thế giới xung quanh bạn mà là ở những suy nghĩ bạn tạo ra về chúng. Khi mà bạn học được cách bình tĩnh quan sát cuộc hội thoại và vở kịch, bạn sẽ bắt đầu thấy những số một và số không. Bạn có thể quan sát được các suy nghĩ của mình, biết rằng thứ quyền năng duy nhất mà chúng có thể lấy đi được từ bạn là sức mạnh mà bạn cho phép chúng.

Giống như Neo, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy rằng suy nghĩ của mình trôi chậm hơn. Bạn sẽ quan sát từng suy nghĩ một và tránh khỏi sự tấn công của nó. Quan trọng hơn, một khi bạn học được cách ra lệnh cho bộ não mình rút lui và mang tới cho bạn những suy nghĩ tốt đẹp và tích cực hơn, bạn sẽ đạt tới ngưỡng mà bạn nắm toàn bộ quyền kiểm soát. Bạn có thể nói với trí não của mình về điều gì làm nên thế giới xung quanh nó.

Có một điều luôn làm tôi ấn tượng với bộ phim The Matrix chính là gương mặt lãnh đạm của Neo khi mà anh cuối cùng cũng nhìn ra được thế giới thực sự là gì. Trong khi các mật vụ thể hiện đầy đủ cả cảm xúc mỗi khi chúng tấn công, Neo lại không hề thấy xúc động và thản nhiên trước những thứ mà Ma trận tấn công mình. Anh thực hiện những điều cần phải làm, biết rõ rằng trận chiến này đã có được kết quả thắng lợi. Anh đã hoàn toàn thanh thản.

Cả bạn nữa cũng có thể trở thành Số 1. Bạn có thể làm dừng lại đường bay nhanh vun vút của những viên đạn trong đầu và bình thản quan sát chúng ở hình dạng chân thực của chúng khi chúng vụt qua.

Bạn có thể sẽ mất một khoảng thời gian mới đạt tới điều này. Cho tới khi ấy, bạn không nên đặt ra một mục tiêu nào khác nữa cả. Đây chính là chiếc đai đen của sự kiểm soát tâm trí. Đây chính là sự thanh thản hoàn toàn.

Xin đừng để ảo tưởng đánh lừa bạn.

Hãy nhớ: Bạn không phải là tiếng nói ở trong đầu mình.

Bạn Là Ai?

Khi tôi nói về ý nghĩa của việc không đánh đồng làm một với những suy nghĩ của chúng ta, hầu hết mọi người đều mỉm cười nhẹ nhõm. Họ nhận ra rằng họ không cần phải lắng nghe cái con vịt ấy thêm nữa. Nhưng ngay sau đó, một nỗi hoang mang mới lại xuất hiện. Bộ não lại quay trở về trạng thái tấn công đầy kích động, đưa ra một câu hỏi quan trọng: Nếu như tôi không phải là tiếng nói ở trong đầu mình, vậy thì tôi là ai?

Một câu hỏi thật hay. Bạn hãy thử suy nghĩ về nó một chút trước khi bước sang chương sau.


Người dịch: December Child
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top