Bài đọc thêm :
Nhận diện hệ thống thể loại báo chí ở nước ta
Trên cơ sở đối tượng, chức năng, nhiệm vụ và phương pháp phản ánh của các thể loại báo chí, chúng tôi cho rằng hệ thống các thể loại báo chí ở nước ta hiện nay gồm ba nhóm thể loại cơ bản: Nhóm các thể Thông tấn báo chí; nhóm các thể Chính luận báo chí và nhóm các thể Tài liệu – Nghệ thuật...
1.Vấn đề tác phẩm báo chí và thể loại báo chí
Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, báo chí phản ánh thực tại khách quan thông qua các hình thức thể loại tương đối ổn định và những hình thức chưa ổn định. Những hình thức chưa ổn định thường được gọi chung là “các dạng bài thông tin, phản ánh báo chí”, còn những hình thức tương đối ổn định được gọi là các thể loại (hoặc thể tài) trong một hệ thống. Nói cách khác, nếu trong số các tác phẩm báo chí được đăng tải trên báo chí nói chung, không phải tác phẩm nào cũng đều thể hiện rõ ràng tiêu chí của thể loại.Như vậy, giữa “tác phẩm báo chí “và “thể loại báo chí” vẫn có một ranh giới khá rõ ràng với những khác biệt có thể nhận diện được.
Trong thực tế hiện nay, số tác phẩm báo chí không thể hiện rõ các tiêu chí của thể loại thường chiếm tỷ lệ khoảng 60 -70% trong tổng số tác phẩm báo chí. Các tác phẩm đạt tiêu chí thể loại thường chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 30 - 40%. Hiện tượng này là phổ biến trên hầu hết các loại hình báo chí. Điều này có lý do là ở chỗ: không phải người viết báo nào cũng hiểu rõ và vận dụng được các đặc điểm thể loại báo chí, được hiểu là chỉnh thể tương đối ổn định về hình thức để tương ứng với một loại nội dung nào đó.
Nếu xét riêng các thể loại báo chí, thực tế cho thấy chúng đã tập hợp trong một hệ thống theo một quy luật riêng và chúng ta có thể nhận diện được hệ thống này.Đó là một hệ thống vừa tương đối ổn định, vừa vận động phát triển cùng với sự vận động phát triển của bản thân đời sống báo chí. Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX đến nay, các chương trình giảng dạy báo chí ở nước ta đều dựa trên cơ sở nhận diện về các thể loại báo chí để triển khai thành các môn học độc lập như: Tin, Phóng sự, Điều tra, Bình luận, Ghi nhanh v.v…. Có thể thấy cách tiếp cận những vấn đề lý thuyết về sáng tạo tác phẩm báo chí trên cơ sở hệ thống thể loại hiện đang chi phối toàn bộ chương trình đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (và của các Khoa Báo chí Trường đại học KHXH&NV Hà Nội, Khoa Báo chí Trường đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh). Nói cách khác, ở nước ta hiện nay, việc dạy nghề viết báo thường bắt đầu từ việc nhận diện các đặc điểm về nội dung và hình thức của các thể loại báo chí để trên cơ sở đó giúp cho người học trước hết biết rằng họ sẽ phải sáng tạo ra cái gì trước khi họ được học cách sáng tạo ra cái đó như thế nào.
Có thể lấy ví dụ trong chương trình đào tạo cử nhân báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền về môn Phóng sự (trên báo in). Môn học này có thời lượng 60 tiết (4 đơn vị học trình) với thời gian lý thuyết khoảng 20 tiết và thời gian còn lại dành cho thảo luận và thực hành viết tác phẩm. Yêu cầu của môn học này là: ngoài việc tiếp thu đầy đủ lý thuyết trên lớp, sinh viên còn phải hoàn thành một số bài tập thực hành như: phân tích những tác phẩm phóng sự tiêu biểu trên báo để rút kinh nghiệm; đi thực tế viết từ hai đến ba bài phóng sự để giảng viên nhận xét, góp ý. Kết thúc môn học, sinh viên có thể thi hết môn theo hai cách: nộp tác phẩm thực hành hoặc thi viết 180 phút trên lớp (với hình thức vận dụng các tiêu chí lý thuyết đã được học để phân tích, đánh giá, nhận xét một tác phẩm phóng sự tiêu biểu nào đó). Điều này cũng tương tự như với môn Tin thì sinh viên sẽ tập viết tin và phải viết được tin; với môn Ghi nhanh, Tường thuật thì sinh viên phải vận dụng lý thuyết đã được học để bước đầu sáng tạo được các tác phẩm ghi nhanh, tường thuật…
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là sinh viên phải biết cách sáng tạo ra các tác phẩm báo chí không thể hiện rõ đặc điểm về nội dung và hình thức của thể loại nào (thường được gọi là “các dạng bài phản ánh” trên báo). Như đã nói ở trên, trong thực tế không phải bất cứ tác phẩm báo chí nào cũng có thể quy về một thể loại cụ thể nào đó. Hoặc cũng có trường hợp một tác phẩm có thể đồng thời thể hiện sự giao thoa, kết hợp đặc điểm của các thể loại khác nhau. Một tác phẩm báo chí có thể đáp ứng được tiêu chí của thể loại hoặc không thể hiện rõ đặc điểm của thể loại nào. Điều này là rất bình thường trong thực tiễn của tác phẩm báo chí nói chung.
Cần chú ý rằng: từ trước đến nay, lý thuyết báo chí không nghiên cứu những tác phẩm không thể hiện rõ đặc điểm thể loại (các dạng bài phản ánh), mặc dù chúng vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trong số các tác phẩm báo chí như đã nêu ở trên. Điều này có lý do là: do chưa phải thể loại, chúng không có hình thức ổn định nên rất khó tiếp cận, nghiên cứu. Mặc dù vậy, vẫn phải thấy rằng đây là một điểm trống trong lý luận sáng tạo tác phẩm báo chí. Đến thời điểm này, hầu hết các bài giảng, các giáo trình và sách nghiên cứu về tác phẩm báo chí ở nước ta thường chỉ tập trung khảo sát các thể loại (tin, Phóng sự, Bình luận, Ghi nhanh, Tường thuật, Phóng vấn…) là chủ yếu. Tuy trong hệ thống thuật ngữ cũng có sử dụng cách gọi là “bài báo” nhưng vẫn bị quy về thể loại (“thể loại Bài báo”). Cho đến nay, chỉ có một tài liệu duy nhất là cuốn sách Viết báo như thế nào?[1]có dành một chương để khảo sát về các dạng bài thông tin phản ánh báo chí không phải thể loại. Trong đó, trên cơ sở cho rằng: bất cứ một tác phẩm báo chí nào, dù đã đạt tới tiêu chí của một thể loại báo chí hay chưa thì cũng phải thể hiện những đặc trưng chung của tác phẩm báo chí. Đặc trưng này được thể hiện ở ba điểm: thông tin về hiện thực phải đảm bảo các yêu cầu về tính xác thực, tính thời sự và tính định hướng trực tiếp. Các dạng bài phản ánh trên báo chí tuy không thể hiện đặc điểm thể loại nhưng vẫn phải đáp ứng được những yêu cầu gắn với đặc trưng của loại hình báo chí.
Trên cơ sở của lập luận như vậy, quan niệm này đã dựa trên sự khác biệt ít nhiều về đối tượng phản ánh để phân biệt các dạng bài không phải thể loại báo chí thành năm dạng khác nhau là: dạng bài phản ánh về sự việc sự kiện; dạng bài phản ánh về tình huống, vấn đề; dạng bài phản ánh về quang cảnh, hiện trạng; dạng bài phản ánh về người thật, việc thật; dạng bài phản ánh về suy nghĩ, cảm xúc… Tuy nhiên, do các dạng bài này không thể hiện những đặc điểm ổn định về nội dung và hình thức nên sự phân biệt trên cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ nhất định. Việc nghiên cứu kỹ năng sáng tạo các dạng bài phản ánh như trên cũng chỉ mới được xới lên và hiện đang rất cần có thêm ý kiến của các chuyên gia có kinh nghiệm về vấn đề này.
Riêng về các thể loại báo chí, hầu hết các nghiên cứu ở nước ta đều cho rằng chúng đã tập hợp trong các nhóm thể loại tương đối độc lập (mà lý thuyết báo chí vẫn gọi là những loại thể báo chí). Vấn đề còn lại là phải nhận diện đúng về các nhóm thể loại đó cùng với những thể loại của nó. Tuy nhiên, chính ở chỗ này hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến bất đồng và cũng có thể coi đây là một trong những bất cập của lý luận báo chí nước ta hiện nay.
2. Tình hình phân loại báo chí
2.1.Ngược dòng lịch sử, có thể thấy vấn đề nhận diện các thể loại báo chí đã được đặt ra ở nước ta từ 40 năm trước. Ngày 15-11-1965: trong Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu rõ: Báo chí của ta có “ba thể tài chính là: thể tài nghị luận (bao gồm xã luận, luận văn tuyên truyền, bình luận v.v…); thể tài tin tức (bao gồm tin, thông tấn, tường thuật v.v…); thể tài phản ánh (bao gồm phóng sự, điều tra, ký sự v.v…)”[2]. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng quan niệm đúng đắn này đã đặt nền tảng cơ bản cho cách “chia ba” đối với hệ thống thể loại báo chí nói chung.
Từ 1970 đến 1980, vấn đề phân loại tác phẩm báo chí vẫn tiếp tục được nêu ra với những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, trong tất cả những quan niệm đã từng được nêu ra vẫn có một điểm chung. Đó là tán thành việc phân loại và khẳng định: hệ thống thể loại báo chí ở nước ta bao gồm ba nhóm thể loại. Tuy nhiên, về tên gọi của mỗi nhóm thì vẫn còn tồn tại những cách gọi tên khác biệt. Có người gọi đó là các nhóm Tin tức - Nghị luận - Phản ánh; người khác gọi là Thông tin - Chính luận - Phản ánh;Nhà báo Quang Đạm định danh ba nhóm thể loại báo chí là: “Thông tin - Nghị luận - Diễn tả”.
Ở nước ta, trong những năm gần đây đã xuất hiện khá nhiều những ý kiến xung quanh vấn đề phân loại tác phẩm báo chí. Đó là một hiện tượng bình thường, hợp quy luật, thể hiện sự cố gắng của lý luận báo chí nước ta trong quá trình nhận thức thực tiễn phong phú của đời sống báo chí hiện nay. Tuy nhiên, trong những ý kiến đã được nêu ra còn có nhiều điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Điều này thể hiện trong các bài giảng, các chương trình đào tạo và trong một số cuốn giáo trình, sách nghiên cứu về báo chí được xuất bản ở nước ta những năm vừa qua. Thực trạng trên đã có những ảnh hưởng không tốt tới công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí và kể cả thực tiễn sáng tạo tác phẩm báo chí nói chung.
Nhìn lại từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX đến nay, nếu xét theo trình tự thời gian, có thể nêu ra một số quan niệm phân loại báo chí tương đối tiêu biểu sau đây:
- Năm 1992, trong cuốn sách Ký báo chí, chúng tôi đã nêu ý kiến đề xuất quan niệm chia ba gồm các loại thể: Thông tấn- Chính luận - Ký báo chí (trong những lần tái bản sau của sách này và một số cuốn sách khác, chúng tôi đã điều chỉnh lại các thuật ngữ là: Thông tấn báo chí, Chính luận báo chí, Ký báo chí)[3].
- Năm 1995, các tác giả cuốn Tác phẩm báo chí tập I của Khoa Báo chí, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền đã nêu ra cách chia gồm ba loại thể: “Thông tấn - Chính luận - Thông tấn nghệ thuật” [4].
- Năm 1999, trong cuốn sách Từ lý luận đến thực tiễn báo chí, PGS, TS Tạ Ngọc Tấn nêu quan niệm phân chia tác phẩm báo chí thành ba loại: “loại tác phẩm thông tin; loại tác phẩm chính luận; loại tác phẩm chính luận- nghệ thuật” [5]
Năm 2000, trong cuốn sách Các thể loại chính luận báo chí, tác giả Trần Quang đề xuất cách chia gồm: “Nhóm thông tấn - Nhóm chính luận - Nhóm chính luận - nghệ thuật”[6].
Năm 2004: Trong bài viết “Luận bàn về thể loại báo chí” (Tạp chí Người làm báo tháng 2-2004), TS Đinh Hường cũng nêu quan niệm phân chia thể loại báo chí thành ba nhóm: “Nhóm các thể loại báo chí thông tấn, Nhóm các thể loại báo chí chính luận, Nhóm các thể loại chính luận - nghệ thuật” [7].
Năm 2004: Trong tập đề cương bài giảng “Lịch sử nghiên cứu lý luận báo chí ở Việt Nam”, PGS, TS Trần Thế Phiệt nêu ra cách “chia bốn” gồm: “Thông tấn; Chính luận; Thông tấn- nghệ thuật (Ký báo chí); Các tác phẩm văn nghệ trên báo” [8].
Ngoài ra cũng còn một số ý kiến nêu ra những cách phân loại hoặc những thuật ngữ khác nhau đã được công bố trên các tạp chí và sách tham khảo trong những năm vừa qua.
Nhìn rộng ra, có thể thấy lý luận báo chí ở một số nước khác không chú ý lắm đến việc phân loại mà chỉ quan tâm đến kỹ năng sáng tạo tác phẩm. Trong lý luận báo chí Mỹ, Pháp, úc, Thụy Điển… người ta không không dành thời gian giải thích những đặc điểm của tin, phỏng vấn mà chỉ tập trung chủ yếu vào việc dạy cho phóng viên cách làm tin, làm phỏng vấn như thế nào. Trong số những nền báo chí quan tâm đến việc phân loại cũng có những cách thức tiếp cận rất khác nhau. Chẳng hạn, có nơi lấy tin làm thể loại hạt nhân và cho rằng các thể loại còn lại đều là các dạng khác nhau của tin. Quan niệm này đã dẫn đến các thuật ngữ: “Tin phóng sự”, “Tin đặc tả”, “Tin phỏng vấn”, “Tin tường thuật” v.v…
Có thể thấy rằng: trong cách tiếp cận nghiên cứu về thể loại báo chí, chúng ta có nhiều điểm tương đồng với lý luận báo chí ở nước Nga. Trong thực tế, chúng ta đã vay mượn nhiều thuật ngữ của họ, thậm chí có người còn bê nguyên xi cách phân loại (của Liên Xôp cũ) từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX về áp dụng ở ta. Còn nhớ: từ tháng 7-1981, hai phó giáo sư của Khoa Báo chí trường đại học Lô-mô-nô-xốp ( Liên Xô trước đây) là Pơ-rô-nin E.I và Cơ-ru-gơ E.V. đã sang thăm và nói chuyện với các nhà báo Việt Nam về nghiệp vụ báo chí. Trong bài nói chuyện, Pơ-rô-nin cho biết: báo chí Xô-viết có ba nhóm thể loại “phù hợp với ba chức năng đòi hỏi chủ yếu đối với báo chí là: thông tin, giải thích và đánh giá. Đó là các nhóm “Thông tin”; nhóm “Phân tích, giải thích” và nhóm bao gồm “Các thể loại có tính chất văn học nghệ thuật” [9]. ý kiến này sau đó đã được lược đăng trong tài liệu nghiệp vụ “Công tác báo chí” của Hội Nhà báo Việt Nam và đã có những ảnh hưởng rõ rệt đến cách phân loại báo chí ở nước ta giai đoạn này.
Cũng cần phải thấy rằng: ở Liên Xô trước đây và ở Nga hiện nay có nhiều trung tâm đào tạo báo chí lớn và do đó cũng đã hình thành những trường phái lý luận khác nhau. Có thể lấy ví dụ: gần đây, trong cuốn sách Thể loại báo chí của tác giả A.A. Cherưchơnnưi (được xuất bản ở Nga năm 2002 và được Nhà xuất bản Thông tấn ở nước ta dịch và xuất bản năm 2004), tác giả đã cho rằng: “Các dạng tác phẩm được hình thành từ lâu đời, được gọi là “thể loại”, nó tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý kiến của các lý thuyết gia cũng như những người thực hành” [10]. Từ đó, dựa trên cơ sở của các yếu tố hình thành thể loại như : đối tượng phản ánh; chức năng, mục đích phản ánh; phương pháp phản ánh, tác giả đã nhận diện các thể loại báo chí ở nước Nga hiện nay đang được quy tụ trong ba nhóm thể loại: Các thể loại tin; các thể loại phân tích; các thể loại chính luận - nghệ thuật. Trong khi đó, một cuốn sách khác do tác giả V.V. Xmirnốp viết (cũng được xuất bản ở Nga năm 2002 và được Nhà xuất bản Thông tấn ở nước ta dịch và xuất bản năm 2004), trên cơ sở cho rằng: báo chí giải quyết ba nhiệm vụ thống nhất là: thông tin về các sự việc; đánh giá, phân tích, lý giải về các sự việc, sự kiện, hiện tượng; mô tả các sự việc, sự kiện, hiện tượng, tác giả lại cho rằng “ba nhiệm vụ cơ bản ấy tạo thành ba nhóm thể loại:
Các thể loại thông tin
Các thể loại phân tích.
Các thể loại tài liệu - nghệ thuật” [11].
2.2. Thực trạng với những quan niệm như đã trình bày ở trên đã cho thấy một số kết luận sau đây:
Một: việc nhận diện về hệ thống thể loại báo chí ở nước ta đã có truyền thống và trong thực tế đã cho thấy tính hiệu quả của nó không chỉ trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập của ngành báo chí mà còn có những tác động thực sự đối với những người đang trực tiếp sáng tạo tác phẩm báo chí.
Hai: hệ thống thể loại báo chí ở nước ta hiện đang tồn tại trên cơ sở của ba nhóm thể loại với những tính chất, nhiệm vụ không hoàn toàn giống nhau Trong đó, nhóm thứ nhất tập hợp một số thể loại có nhiệm vụ thông tin. Sự kiện, sự việc, con người, vấn đề, tình huống, hoàn cảnh… được thông tin trong các thể loại thuộc nhóm này có nhiều cấp độ khác nhau, nhưng dù ở cấp độ nào thì cũng phải đáp ứng các yêu cầu về tính thời sự và tính xác thực tối đa. Như vậy, thông tin sự kiện là một ưu thế nổi bật của nhóm các thể loại này. Lý luận báo chí nước ta gọi đây là nhóm các thể loại Thông tấn báo chí.
Cũng trên cơ sở của những sự thật thời sự và xác thực, các thể loại báo chí trong nhóm thứ hai lại có nhiệm vụ bàn luận, giải thích, phân tích, đánh giáđể trả lời những câu hỏi cuộc sống đang đặt ra. Như vậy, có thể coi năng lực thông tin lý lẽ là tính trội của các thể loại thuộc nhóm này. Sự thật được nêu ra được coi là những luận cứ và thông qua việc phân tích, đánh giá chúng, tác giả nêu ra những kết luận mang đậm chất lý lẽ, thể hiện rõ ràng chính kiến, thái độ của người viết. Hầu hết các nhà nghiên cứu lý luận báo chí nước ta nhất trí gọi tên nhóm thể loại này là Chính luận báo chí.
Các thể loại trong nhóm thứ ba của hệ thống thể loại báo chí nổi bật ở có khả năng diễn tả một cách sinh động, ấn tượng về những sự thật xác thực và thời sự. Quá trình này còn được hỗ trợ bởi các yếu tố như ngôn từ, bút pháp, giọng điệu giàu chất văn học và sự xuất hiện trực tiếp của nhân vật trần thuật trong tác phẩm. Về tên gọi của nhóm này, hiện đang tồn tại những ý kiến khác nhau. Hiện nay, riêng ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn đang có đến ba thuật ngữ để định danh nhóm thứ ba này là: “Chính luận nghệ thuật”, “Thông tấn nghệ thuật”, “Ký báo chí”.
Xin được lưu ý: thuật ngữ “Chính luận nghệ thuật” đã được các nhà nghiên cứu văn học sử dụng từ năm 1987 trong giáo trình “Lý luận văn học” tập II. Trong đó, GS, TSKH Phương Lựu đã phân loại hệ thống thể loại văn học với các loại thể: Tự sự, Trữ tình, Kịch, Chính luận nghệ thuật, Ký văn học. Vì thế, chúng tôi cho rằng không nên sử dụng lại thuật ngữ này. Ngay cả đối với thuật ngữ của nhóm thứ hai (nhóm các thể Chính luận) cũng nên gọi rõ là “Chính luận báo chí” để tránh nhầm lẫn hoặc lặp lại người khác.
Ba: về các thể loại có mặt trong ba nhóm cũng còn nhiều ý kiến rất khác biệt. Chẳng hạn: có ý kiến cho rằng trong nhóm thứ ba gồm các thể bút ký, ký sự, tiểu phẩm, tạp văn. ý kiến khác lại cho rằng trong nhóm này có các thể phóng sự, ghi nhanh, ký chân dung, ký chính luận và một số hình thức khác như thư phóng viên, sổ tay phóng viên, nhật ký phóng viên… Điều đó cho thấy cần phải hình thành một quan niệm thống nhất, tạo cơ sở cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập của chuyên ngành báo chí.
3.Nhận diện hệ thống thể loại báo chí ở nước ta
Trên cơ sở của đối tượng phản ánh, của chức năng, nhiệm vụ phản ánh và của phương pháp phản ánh của các thể loại báo chí, chúng tôi cho rằng hệ thống các thể loại báo chí ở nước ta hiện nay gồm ba nhóm thể loại sau đây:
Nhóm các thể loại Thông tấn báo chí
Trong nhóm này tập hợp một số thể loại có nhiệm vụ thông tin (dưới sự chi phối của các yêu cầu củatính xác thực, thời sự) mà trong đó thể loại tin giữ vị trí hàng đầu. Bên cạnh tin còn có một số thể loại khác như bài thông tấn, tường thuật, điều tra, ghi nhanh, phỏng vấn sự kiện, phóng sự sự kiện v.v.. Đặc điểm nổi bật nhất của các thể loại trong nhóm này là chúng đều thể hiện rõ năng lực thông tin sự kiện thời sự. Sự kiện được thông tin trong các thể loại thuộc nhóm này được biểu hiện với những cấp độ khác nhau, nhưng dù ở cấp độ nào thì cũng phải đáp ứng các yêu cầu về tính thời sự và tính xác thực tối đa.
- Về thể loại tin, chúng ta đã biết đây là một trong những thể loại cơ bản nhất trong các thể loại báo chí. Đặc điểm nổi bật nhất của tin là ở chỗ: nó có nhiệm vụ thông báo một cách kịp thời nhất về những sự kiện mới nhất, dưới một hình thức ngắn gọn, chặt chẽ nhất. Trong tin không có sự xuất hiện của nhân vật, không có cái tôi tác giả, không sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc và bút pháp, giọng điệu linh hoạt, sinh động như nhiều thể loại báo chí khác.
- Bài thông tấn là một thuật ngữ thể loại không mới nhưng trước đây ít được sử dụng trong lý luận báo chí nước ta. Đối tượng phản ánh của thể loại này là những sự kiện, vấn đề, tình huống, hoàn cảnh, con người… xác thực, tiêu biểu trong đời sống. Thông tin trong bài thông tấn chủ yếu là mô tả, trình bày, phân tích để tái lập một bức tranh trung thực về các vấn đề và sự kiện. Nó giúp cho công chúng nhận biết về các mối liên hệ phong phú bên trong cùng với xu hướng vận động của các vấn đề và sự kiện trong đời sống. Về hình thức, bài thông tấn có thường được trình bày một cách ngắn gọn, chặt chẽ, ngôn ngữ trực tiếp, cụ thể, chính xác, gắn liền với sự thật. Cũng giống như tin, trong bài thông tấn tác giả không xuất hiện trực tiếp ở ngôi thứ nhất, và không đóng vai trò là nhân vật trần thuật (được hiểu là tác giả, là nhân chứng khách quan, là người trực tiếp chứng kiến và thuật lại toàn bộ những sự thật).
- Tường thuật là thể loại báo chí có nhiệm vụ phản ánh các sự kiện mới (giống như các thể loại tin và ghi nhanh). Đặc điểm cơ bản về phương diện nội dung và hình thức của nó là trình bày trung thực sự kiện một cách chính xác, cặn kẽ, tỷ mỷ theo đúng tiến trình diễn biến có thật của sự kiện đó. Trong tường thuật, tác giả đóng vai trò là người chứng kiến sự kiện và thuật lại một cách tường tận, với một thái độ khách quan. Cấu trúc của bài tường thuật chính là cấu trúc của sự kiện. Ngôn ngữ trong tường thuật chủ yếu là kể, tả lại một cách chi tiết, đôi chỗ xen kẽ những lời bình nhằm tạo điều kiện cho công chúng hiểu đúng về sự kiện.
-Điều tra là thể loại báo chí có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi mà cuộc sống đang đặt ra thông qua một hệ thống các bằng chứng, các luận cứ kết hợp ít nhiều với lý lẽ. Chính hệ thống các bằng chứng là yếu quyết định tạo ra sự tin cậy của công chúng đối với tác phẩm điều tra. Bằng chứng trong bài điều tra hết sức đa dạng. Đó có thể là các con số, chi tiết, dữ kiện, văn bản, chứng từ, những quan sát trực tiếp, băng ghi âm, ảnh chụp… Tuy nhiên, điều quan trọng là tác giả bài điều tra phải có nhiệm vụ chỉ ra được bản chất của các bằng chứng đó thông qua một cách trình bày với logic nhất và với một văn phong có phần đơn giản cả về ngôn từ, bút pháp và giọng điệu.
-Về thể loại ghi nhanh, việc xác định vị trí của đã có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng “bản chất của ghi nhanh là thông tin miêu tả một sự kiện thời sự diễn ra trong không gian cụ thể (...). Vì thế xếp ghi nhanh vào loại thông tấn hợp lý hơn, phù hợp với thực hiện hoạt động sáng tạo của nhà báo”[12]. Quả là trong thực tế, ghi nhanh chỉ phản ánh các sự kiện mới (giống như tin, tường thuật) nên xếp nó ở nhóm các thể loại có ưu thế về thông tin sự kiện là hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trong một số trường hợp, trong những tác phẩm thuộc thể loại này lại có sự xuất hiện trực tiếp của nhân vật trần thuật và nhất là ở năng lực miêu tả, diễn tả sự kiện một cách giàu hình ảnh. Trong trường hợp đó, nên coi đây là những tác phẩm có tính chất giao thoa giữa nhóm các thể loại Thông tấn báo chí với nhóm thứ ba là nhóm các thể loại Tài liệu - nghệ thuật.
-Phỏng vấn sự kiện là một dạng của thể loại phỏng vấn. Hình thức của thể loại này là những câu hỏi, đáp do tác giả thực hiện đối với các nhân chứng xoay quanh một chủ đề cụ thể nào đó. Phỏng vấn sự kiện phải gắn liền với việc phản ánh một sự kiện mới (có thể là đã xảy ra, đang xảy ra, sắp xảy ra) nhưng có nhiều ý nghĩa và có liên quan đến nhiều người. Nhiệm vụ của phỏng vấn sự kiện là làm sáng tỏ những khía cạnh xung quanh sự kiện đó, cung cấp cho công chúng thông tin khách quan và trung thực để học có thể điều chỉnh hành vi, nhận thức của mình. Không giống với các dạng phỏng vấn khác, phỏng vấn sự kiện thường cung cấp cho công chúng những tài liệu, chi tiết rất xác thực, cụ thể về sự kiện, tạo cơ sở cho những hành động xã hội của họ.
Bên cạnh các tác phẩm phỏng vấn sự kiện như trên còn có các dạng khác như phỏng vấn vấn đề, phỏng vấn chân dung… Chúng tôi sẽ còn đề cập đến các dạng phỏng vấn này trong các nhóm thể loại khác.
-Phóng sự sự kiện là một một dạng khá phổ biến trong phóng sự hiện đại. Cũng giống như tin, ghi nhanh, tường thuật hay phỏng vấn sự kiện, dạng phóng sự này chỉ có nhiệm vụ phản ánh các sự kiện (mới, tiêu biểu, nổi bật, có ý nghĩa…). Điểm khác biệt của nó so với các dạng phóng sự khác là trong tác phẩm thường không có sự xuất hiện của nhân vật trần thuật, của ngôn ngữ, bút pháp, giọng điệu sinh động. Tuy nhiên, quá phản ánh sự kiện của dạng phóng sự này phải đáp ứng được yêu cầu của tính góc độ và ít nhiều sử dụng lối viết đặc tả nhằm làm cho sự kiện được phản ánh một cách ấn tượng.
Về các dạng phóng sự khác, chúng tôi sẽ còn đề cập đến trong nhóm các thể Tài liệu - nghệ thuật trong phần tiếp sau của bài viết này.
Nhóm các thể loại Chính luận báo chí
Đây là một nhóm bao gồm các thể loại có nhiệm vụ đánh giá, phân tích, giải thích, bàn luận về những sự thật của đời sống. Thế mạnh chủ yếu của các thể loại trong nhóm thể loại này biểu hiện ở năng lực thông tin lý lẽ. Tất nhiên lý lẽ phải gắn liền với những sự kiện thời sự. Nói cách khác, đây là nhóm không chỉ có nhiệm vụ thông tin về sự thật mà còn có nhiệm vụ phân tích, lý giải, bàn luận, đánh giá những sự thật đó trên cơ sở của một thái độ rõ ràng nhằm hướng dẫn, điều chỉnh dư luận. “Nội dung của tác phẩm chính luận báo chí tập trung một cách rõ nhất, nhiều nhất lập trường, quan điểm trong sứ mệnh định hướng tư tưởng và hành động theo mục đích của từng tờ báo” [13].
Trong nhóm này có các thể loại như bình luận, xã luận, điều tra, bài phê bình, phỏng vấn vấn đề… Trong đó, thể loại bình luận giữ vai trò là hạt nhân vì nó đã thể hiện sinh động nhất những đặc điểm cơ bản của cả nhóm. Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua những nét tiêu biểu nhất của các thể loại đó.
-Bình luận là một thể loại có chức năng giải thích, đánh giá, phân tích về những sự thật tiêu biểu của đời sống. Đối tượng phản ánh của bình luận có thể là các sự kiện, hoàn cảnh, tình hình, hiện trạng tiêu biểu của đời sống, đang cần được làm sáng tỏ và được định hướng. Với nghệ thuật lập luận mềm dẻo, linh hoạt bằng cách kết hợp giữa các bằng chứng, luận cứ, luận điểm, tác phẩm bình luận có thể thuyết phục công chúng hiểu và hành động theo hướng mà người viết bình luận hướng tới. “Bình luận là một kiểu bài nghị luận mang tính chất tổng hợp trong đó bao gồm các yếu tố giải thích, phân tích, có khi có cả chứng minh. Dĩ nhiên không nên quan niệm đơn giản nó là sự cộng lại đơn thuần của các yếu tố đó”[14].
-Xã luận là thể loại đã từng được coi “là ngọn cờ chỉ đạo, là pháp lệnh hàng ngày (hoặc trong thời gian trước mắt)” của một tờ báo. Nó có nhiệm vụ “quán triệt tư tưởng trung tâm của một số báo, nêu ra những nhiệm vụ cần kíp phải làm ngay”[15]. Mặc dù có ý kiến cho rằng “xã luận là một bài bình luận quan trọng nhất trình bày quan điểm, đường lối của tờ báo đối với những vấn đề thời sự, chính trị trước mắt”[16] nhưng có thể thấy rằng thể loại này có phạm vi phản ánh và đối tượng phản ánh rộng hơn bình luận. Nó thường xuất hiện trước một biến cố hay một chủ trương hành động lớn có tác động đến toàn xã hội. Chức năng của xã luận là định hướng trên một phạm vi rộng lớn, do đó nó thể hiện tiếng nói chính thức của tờ báo (và sau nó là của Đảng, của Nhà nước hoặc của cơ quan, ngành chủ quản của tờ báo). ở các loại báo chính trị, xã luận có vai trò rất quan trọng. Cùng với bình luận, nó thể hiện rõ nhất ý chí, thái độ chính trị của tờ báo.
Cần nhấn mạnh rằng: mặc dù có nhiều điểm gần gũi - nhất là ở năng lực thông tin lý lẽ, nhưng giữa bình luận và xã luận vẫn có khác biệt. Tác phẩm xã luận thường đề ra các nhiệm vụ chính trị, còn một bài bình luận không nhất thiết phải là chỉ thị để hành động. Các bài xã luận thường có cấu trúc theo phương pháp diễn dịch - từ một vài luận điểm, triển khai thành những nội dung lớn có tính chất định hướng rộng, còn bình luận chủ yếu đi theo phương pháp quy nạp. Nó rút ra kết luận thông qua việc bàn luận về những cái cụ thể.
- Bài phê bình là một thể loại thuộc nhóm các thể loại Chính luận báo chí. Nhiệm vụ của nó là bày tỏ thái độ (khen, chê) của tác giả về những vấn đề - chủ yếu là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đang đặt ra trong cuộc sống. Theo tác giả A.A.Chertưchơnnưi thì “bài phê bình khác với các thể loại báo chí khác trước hết là ở điểm: đối tượng của nó không phải là những sự kiện trực tiếp của hiện thực - những cơ sở của phóng sự, ký sự… mà là những hiện tượng thông tin như sách, kịch, phim, chương trình truyền hình, tập thơ”.[17] Người viết phê bình phải nhìn thấy những điều mà người khác không (hoặc chưa) nhìn thấy. Nền tảng của một bài phê bình là sự phân tích, lập luận trên cơ sở của một thái độ công tâm, khách quan. Kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống và cá tính sáng tạo của người viết bài phê bình được thể hiện rất rõ qua phương pháp triển khai các luận cứ, luận chứng và qua các yếu tố khác như ngôn từ, giọng điệu của tác phẩm.
Trong một số tài liệu nghiên cứu báo chí nước ta, thuật ngữ “bài phê bình” gần đây đã được đề cập tới trong các cuốn sách Các thể loại chính luận báo chí của tác giả Trần Quang [18] và trong công trình nghiên cứu Phê bình tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí của TS Nguyễn Thị Minh Thái [19].
- Trong thực tiễn của đời sống báo chí nước ta có một dạng bài thông tin lý lẽ đặc biệt, có vị trí rất quan trọng nhưng lại không được tính đến trong hệ thống các thể loại báo chí. Đó là “bút chiến” - một thể loại đặc biệt, thể hiện mạnh mẽ tính chiến đấu của tác phẩm báo chí trước những vấn đề nóng bỏng của đời sống chính trị, xã hội. Trong bối cảnh vẫn đang có hàng chục đài phát thanh và báo chí tiếng Việt từ bên ngoài chĩa mũi nhọn xuyên tạc, công kích đất nước ta, thể loại bút chiến có thể tham gia trực diện vào cuộc đấu tranh tư tưởng quan trọng này. Trong bối cảnh hội nhập với nền kinh tế thế giới, bút chiến càng có vai trò quan trọng, trở thành một trong những thể loại xung kích trong cuộc đấu tranh để bảo vệ những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đang hướng tới.
Hoàn toàn có thể coi bút chiến là một trong những thể loại quan trọng trong nhóm các thể Chính luận báo chí.
- Trong nhóm này còn có dạng bài “Phỏng vấn vấn đề”. Dạng phỏng vấn này thường được thực hiện khi một sự kiện, sự việc đã xảy ra, và công chúng đã được thông tin về sự việc sự kiện đó. Nhiệm vụ của bài phỏng vấn thuộc dạng này là làm sáng tỏ những khía cạnh, những vấn đề chưa được làm rõ xung quanh một sự kiện, sự việc nổi bật nào đó (chẳng hạn: một lễ hội lớ;, một cuộc gặp quan trọng; một cuộc họp cấp cao; một vụ tai nạn; một cây cầu bị sập; một trận lũ quét hay bão lốc gây hậu quả nghiêm trọng; một vụ tham ô tài sản lớn mới bị phát hiện v.v... Trong trường hợp này, người ta cũng có thể viết một bài bình luận và tác giả sẽ là người đưa ra các nhận xét. Nhưng nếu có một nhân chứng nào đó có khả năng làm được điều này, đó sẽ là cơ hội cho một bài phỏng vấn vấn đề ra đời. Như vậy, dạng bài phỏng vấn này không có nhiệm vụ thông tin sự kiện mà khả năngthông tin lý lẽ. Do đó, có thể coi nó như một dạng giao thoa giữa nhóm Thông tấn báo chí với nhóm Chính luận báo chí.
Nhóm các thể loại Tài liệu - nghệ thuật
Không hoàn toàn giống với hai nhóm nêu trên, các thể loại trong nhóm này có nhiệm vụ mô tả, diễn tả một cách có hình ảnh, có cảm xúc và giọng điệu về những sự thật đời sống. Nói cách khác, vẫn trên cơ sở của những sự thật (xác thực, thời sự), các thể loại trong nhóm này có phương pháp phản ánh linh hoạt, sinh động do đã kết hợp được những đặc điểm của cả bên trong và bên ngoài hệ thống thể loại báo chí. Về hình thức thể hiện, trong các tác phẩm thuộc nhóm này thường có vai trò quan trọng của nhân vật trần thuật và sử dụng ngôn từ, bút pháp, giọng điệu giàu chất văn học.
Thể loại được coi là hạt nhân của nhóm này là phóng sự. Ngoài ra trong nhóm này còn có các thể loại có hình thức thể hiện sinh động, giàu tính chất văn học như phỏng vấn chân dung, ký chân dung, ký chính luận, thư phóng viên, sổ tay phóng viên, nhật ký phóng viên cùng với một vài biến thể khác nữa. Điều đáng lưu ý là một dạng của thể loại tiểu phẩm cũng có thể được xếp vào nhóm này. Tiểu phẩm, về bản chất là một thể loại văn học với nhiều dạng khác nhau (văn xuôi, đối thoại, văn vần hoặc là sự kết hợp giữa ba dạng đó). Tuy nhiên nếu tác phẩm tiểu phẩm lấy đối tượng phản ánh là người thật, việc thật và đáp ứng được yêu cầu thông tin xác thực, thời sự và tính định hướng trực tiếp (vốn là những đặc trưng cơ bản của tác phẩm báo chí) thì có thể coi nó như một dạng giao thoa giữa tiểu phẩm văn học với nhóm các thể Tài liệu - Nghệ thuật này.
-Về thể loại phóng sự đã có nhiều tài liệu đề cập tới. ở đây chỉ xin được nêu lên những đặc trưng cơ bản nhất. So với các thể loại báo chí khác, phóng sự là thể loại có thể kết hợp những tính chất văn học một cách hiệu quả trong quá trình phản ánh một hiện thực thời sự và xác thực, thông qua vai trò quan trọng của nhân vật trần thuật, của các nhân chứng và bút pháp, ngôn ngữ, giọng điệu sinh động, giàu hình ảnh và cảm xúc. Về nội dung, phóng sự phản ánh hiện thực dưới dạng một bức tranh sống động, vừa có tính khái quát, vừa rất cụ thể, chi tiết, sống động. Đây là thể loại rất thích hợp với những đề tài có tính nhân văn sâu sắc.
-Phỏng vấn chân dung là một dạng của phỏng vấn, có nhiệm vụ tái tạo chân dung những con người tiêu biểu, nổi tiếng. Trong đó, tác giả (người hỏi) cũng nổi lên với vai trò như một người đối thoại, trò chuyện, tâm tình, gợi mở để nhân vật bộc lộ những suy nghĩ, chính kiến, nỗi niềm… sâu kín nhất. So với các dạng phỏng vấn ở hai nhóm thể loại ở trên, dạng phỏng vấn chân dung này có thế mạnh trong việc đi sâu vào những khía cạnh riêng tư, thầm kín của đối tượng trả lời phỏng vấn. Do đó, cũng giống như phóng sự chân dung hay ký chân dung, dạng bài này có thế mạnh trong việc tái tạo chân dung con người và giàu tính nhân văn. Trong phỏng vấn chân dung, đối tượng được phỏng vấn tự nói về mình nên tác phẩm thường có độ tin cậy và có chiều sâu.
-Ký chân dung là một thuật ngữ thể loại báo chí được sử dụng lần đầu tiên ở nước ta trong cuốn Ký báo chí (do Nhà xuất bản Thông tin ấn hành năm 1992) và đến nay đã trở nên rất thông dụng trong nghiên cứu lý luận và giảng dạy, học tập báo chí ở nước ta. Thuật ngữ này có mối liên quan với thuật ngữ “Chân dung văn học” của lý luận văn học. Ký chân dung là một thể loại báo chí có nhiệm vụ chủ yếu là phản ánh về những con người tiêu biểu, điển hình trong đời sống. Con người (cá nhân hoặc tập thể) là đối tượng phản ánh chủ yếu trong tác phẩm ký chân dung và chính điều đó đã cho thấy đây cũng là một trong những thể loại rất giàu tính nhân văn (giống như tác phẩm phóng sự chân dung). Tất nhiên, con người ở đây thường phải gắn với những hành động, việc làm tiêu biểu và được đặt trong một bối cảnh điển hình có ý nghĩa thời sự. Trong ký chân dung, đặc tả được sử dụng như một trong những bút pháp quan trọng để khắc hoạ tính cách, phẩm chất của nhân vật.
-Thể loại ký chính luận tuy được xếp vào nhóm các thể loại Tài liệu - nghệ thuật nhưng thực ra, nó là một thể loại nằm trong khu vực giao thoa giữa hai nhóm Tài liệu nghệ thuật vàChính luận báo chí. Điều này có nguyên nhân chính từ những đặc điểm cơ bản của thể loại. So với các thể loại khác, ký chính luận có nhiệm vụ vừa thông tin sự thật, vừa thông tin thái độ, lý lẽ, cách đánh giá trực diện của tác giả về sự thật đó. Về bố cục, thể loại này thường có hai phần rõ rệt, phần đầu thường được bố trí những những luận cứ và trên cơ sở phân tích, đánh giá luận cứ đó, tác giả đi đến những kết luận thể hiện rõ cách nhìn nhận mang tính công dân của mình. Cũng xin được lưu ý rằng: thuật ngữ “ký chính luận” được sử dụng lần đầu tiên trong cuốn Ký báo chí và đến nay cũng đã trở nên thông dụng trong nghiên cứu lý luận và giảng dạy, học tập báo chí giống như thuật ngữ “ký chân dung” đã nêu trên.
-Một số thể loại khác như thư phóng viên, sổ tay phóng viên và nhật ký phóng viên cũng thể hiện những đặc điểm riêng trên cơ sở tuân thủ đặc điểm chung của nhóm các thể loại Tài liệu - nghệ thuật. Điểm chung của các thể loại này là: chúng đều phản ánh trực tiếp về những sự việc, tình huống, vấn đề… có liên quan đến nghề nghiệp, công việc của người phóng viên. Thư phóng viên là những tác phẩm báo chí có nhiệm vụ trình bày, phản ánh những sự thật thời sự dưới hình thức thư từ (đôi khi chỉ có tính chất giả định). Sổ tay phóng viên và nhật ký phóng viên là những ghi chép riêng tư của phóng viên trong quá trình hoạt động thực tiễn. Những ghi chép có thể chỉ là riêng tư nhưng khi được đăng tải trên mặt báo (tức là khi đã được xã hội hoá) thì phải đáp ứng được những yêu cầu chung của tác phẩm báo chí về tính xác thực, tính thời sự, tính định hướng. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, tác giả vẫn có thể sử dụng cách viết khá sinh động với ngôn từ, bút pháp, giọng điệu giàu chất văn học. Sự khác biệt giữa hai thể loại này thể hiện ở chỗ: nhật ký phóng viên ghi theo trật tự thời gian với một mật độ chi tiết dày đặc, còn sổ tay phóng viên lại chú ý hơn vào những khoảnh khắc, những ấn tượng, cảm nghĩ hoặc những thời điểm quan trọng nào đó mà người phóng viên thu thập được trong quá trình hoạt động thực tiễn.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trong hệ thống hệ thống thể loại báo chí với ba nhóm như đã nêu ở trên, các thể loại có thể tồn tại độc lập nhưng cũng có thể giao thoa với các thể loại (và các loại thể) ở trong và ở bên ngoài hệ thống. Trong số đó, trừ một số thể loại tương đối ổn định, các thể loại khác ít nhiều đều có sự giao thoa, chuyển hoá lẫn nhau. Đó là một hiện tượng bình thường trong đời sống các thể loại báo chí.
Có thể lấy ví dụ bằng thể loại phỏng vấn. Như đã trình bày ở trên, thể loại này là một ngoại lệ vì nó không hoàn toàn thuộc vào một nhóm thể loại nào. Tuỳ vào từng tác phẩm cụ thể, tác phẩm phỏng vấn sẽ thuộc vào một nhóm thể loại nào đó. Tương tự như vậy, thể loại phóng sự tuy được coi là hạt nhân của nhóm các thể Tài liệu - nghệ thuật nhưng một dạng của nó là phóng sự sự kiện vẫn có thể được xếp vào nhóm các thể Thông tấn báo chí. Điều này được thể hiện rất rõ trên các loại hình báo phát thanh, truyền hình (ở phương Tây), trong đó tác phẩm phóng sự sự kiện (còn được gọi là phóng sự thời sự) thường chỉ có thời lượng từ 50 giây đến một phút rưỡi. Về vấn đề này, xin tham khảo thêm trong chương “Phóng sự phát thanh” của sách Phóng sự báo chí[20]
Những thể loại thể hiện sự giao thoa như trên rất phổ biến trong thực tế. Một tác phẩm báo chí có thể là kết quả từ sự giao thoa của nhiều thể loại khác nhau. Trong đó, có thể có một thể loại nào đó nổi lên giữ vai trò chủ yếu và ta có thể gọi tên thể loại của tác phẩm đó. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể xác định rõ rệt tính chất thể loại của một bài báo vì nó được viết ra trong sự giao thoa hoà trộn của nhiều thể loại. Đối với những trường hợp như vậy, tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá tác phẩm báo chí đó là độ xác thực và khả năng đáp ứng những yêu cầu về tính thời sự và tính định hướng trực tiếp...
Như vậy, chúng tôi đã trình bày một quan niệm mới trên cơ sở kết hợp vận dụng những ý kiến của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm nhận diện hệ thống thể loại báo chí ở nước ta. Quan niệm phân loại này trước hết là để nhận diện hệ thống thể loại báo chí trên loại hình báo in. Tất nhiên đây cũng chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận. Hơn nữa, đối với những loại hình báo chí khác như báo nói, báo hình hoặc báo mạng điện tử, do có sự biến đổi sâu sắc về đặc trưng loại hình nên hệ thống thể loại của nó cũng sẽ có sự biến đổi rất mạnh mẽ. Do đó, cần phải có những công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn.
PGS,TS Đức Dũng
Khoa Phát thanh - Truyền hình - HV BC & TT