Phân tích những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng trong truyện ngắn “Bến quê"
Tham khảo
I – MB:
“Bến quê” là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu ( trong tập truyện “Bến quê”, xuất bản 1985) , chứa đựng nghững chiêm nghiệm, triết lí về đời người cùng những cảm xúc tinh nhạy, được thể hiện bằng một lời văn tinh tế, có nhiều hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng.
II – TB:
*Trong truyện “Bến quê” hầu như mọi hình ảnh đều mang hai lớp nghĩa: nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Hai lớp nghĩa này gắn bó thống nhất .
1 - Hình ảnh bãi bồi bên kia sông trong truyện mật thiết với nhan đề tác phẩm “ Bến quê”. Cái “Bến quê” trong truyện được dùng một cách chung chung có vẻ mơ hồ bỡi tác giả không nhằm dẫn dắt người đọc đến một bến sông, một bến đò, ...cụ thể nào. Cái bến đò ngang nói trong truyện cũng là một sự tưởng tượng mà thôi. “Bến quê” chỉ là một sự ám chỉ... Bến quê chính là điểm xuất phát đồng thời cũng là chỗ neo đậu cuối cùng của cuộc đời mỗi con người. Cho nên bất cứ ai đang trên cuộc hành trình của đời mình, dẫu thuận buồm xuôi gió, hoặc bao táp phong ba, dẫu còn hưng hái xông pha hay đã sức tàn, lực kiệt cũng phải nhớ về nơi mình đã xuất phát. Bến quê là cái gì đó cụ thể thiêng liêng, thế nhưng không phải lúc nào ta cũng có ý thức được như vậy...Tất cả những cách hiểu, cách nghĩ ấy được gợi ra bởi tính ám chỉ của tên truyện này. Và quả chỉ một cái tên truyện đã cần có một con mắt tinh đời mới phát hiện được cái ẩn ý nói trên.
2 -Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lên trong truyện thực ra cũng mang ý nghĩa khái quát, biểu tượng. Đó là vẻ đẹp của đời sống trong những cái gần gũi, bình dị , thân thuộc, như một bến sông quê, một bãi bồi,...rộng ra là quê hương ,xứ sở.
3 -Cảnh vật thiên nhiên trong một buổi sáng đầu thu, qua cái nhìn của nhân vật Nhĩ hiện ra với vẻ đẹp riêng. Những chùm hoa bằng lăng cuối mùa thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn ; con sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra; vòm trời như cao hơn. Không gian và những cảnh sắc vốn quen thuộc, gần gũi, nhưng lại như rất mới với tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của nó.
4 - Những chùm hoa bằng lăng cuối mùa thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn ;tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này, khi cơn lũ đầu nguồn dồn về, đổ ụp vào trong giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng . Hai chi tiết này gợi ra cho biết sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.
5 - Điều khát khao nhưng vô vọng của Nhĩ lúc này là được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Đây chính là những khát khao muốn tìm kiếm những giá trị gần gũi nhưng đích thực và sâu xa trong cuộc sống nơi quê hương mà con người vì những bồng bột và những ham muốn xa vời lúc còn trẻ đã bỏ qua nó.
6 -Giờ đây anh phải nhờ đứa con trai thay mình sang bờ bên kia sông đặt chân lên bãi phù sa màu mỡ ấy bỡi anh không thể nào thực hiện được niềm khao khát ấy. Người con trai không hiểu ý muốn của cha nên làm việc một cách miễn cưỡng bị hút vào trò chơi hấp dẫn bên đường và có thể lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày, giúp anh nhận ra một qui luật của cuộc đời: “ Khó tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình trong cuộc sống” và những vẻ đẹp, những giá trị bền vững, giản dị, gần gũi của cuộc sống, của quê hương thì chỉ những người từng trải như anh mới hiểu được.
7 -Hành động cuối cùng của Nhĩ ở cuối truyện khi anh thu hết tàn lực “giơ một cánh tay gầy guộc ra ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó” vừa có ý nghĩa là anh đang thúc giục cậu con trai đừng để lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày vừa có ý nghĩa khái quát tượng trưng. Đó là muốn thức tỉnh mọi người hãy thoát ra khỏi cái vòng vèo , chùng chình trong cuộc sống mà chúng ta đang sa vào để hướng tới giá trị đích thực, bền vững mà gần gũi trong cuộc sống đời thường.
III-KL:
“ Bến quê” quả thực là một tác phẩm đã sáng tạo được nhièu hình ảnh vừa có ý nghĩa thực vừa có ý nghĩa biểu tượng. “Mặt sông”, “vòm trời”, “bãi bồi” , là những hình ảnh cụ thể biểu tượng cho quê hương xứ sở. Những bông hoa bằng lăng cuối mùa, tiếng những tảng đất lở bên bờ sông...là biểu tượng cho sự sống của Nhĩ đang ở vào những ngày cuối cùng. Đứa con trai của Nhĩ với sự “chùng chình” của nó gợi cho ta hình ảnh của Nhĩ trước đây cũng luôn chùng chình và vòng vèo...Đặt nhân vật vào những tình huống nghịch lí để khám phá, phát hiện ra những điều có tính qui luật trong cuộc đời, Nguyễn Minh Châu đã thức tỉnh mọi người: những giá trị và vẻ đẹp đích thực của đời sống chính là những cái gần gũi, bình dị quanh ta.
Sưu tầm