Phân tích "Bàn luận về phép học" của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

Nguyễn Thiếp là người “thiên tư sáng suốt, học rộng hiểu sâu”, từng đỗ đạt làm quan dưới triều Lê, nhưng sau đó từ quan về dạy học, chính vì gắn bó với công việc dạy học cho nên Nguyễn Thiếp hiểu ra mục đích thật sự của việc học. "Bàn luận về phép học" là một phần trong bản tấu của Nguyễn Thiếp gửi cho vua Quang Trung, trong bài này tác giả nêu rõ quan điểm của mình về mục đích thật sự của việc học đó là đạo đức, là tri thức, góp phần hưng thịnh cho đất nước.
Phân tích Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.png

Phân tích "Bàn luận về phép học" của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là danh sĩ nổi tiếng cuối đời Hậu Lê và là một trong những vị khai quốc công thần triều Tây Sơn, người có công rất lớn trong công cuộc đánh đuổi quan Thanh, xây dựng, sửa sang đất nước, chấn hưng nền giáo dục nước nhà lúc bấy giờ. "Bàn luận về phép học" (Luận học pháp) là bài viết tiêu biểu, phản ánh đầy đủ tài trí, tư tưởng và bản lĩnh của Nguyễn Thiếp.

Khi được hỏi về kế sách trị quốc về lâu dài, tháng 8 năm 1791, Nguyễn Thiếp đã dâng vua Quang Trung bản tấu văn với ba phần gồm: quân đức (đức của vua), dân tâm (lòng dân), và học pháp (phép học). Nội dung chính của ba phần thực ra đều thống nhất ở chỗ, là lời khuyên vua nên tu đức để khiến lòng dân quy thuận, tính kế lâu dài. Trong đó, phần cuối – Luận học pháp (được đưa vào trích giảng trong chương trình Ngữ văn 8) chủ yếu bàn về phép học để thông qua đó, định hướng cả xã hội hướng theo đạo lí Thánh hiền. Đây cũng là đoạn chứa đựng những tư tưởng giáo dục có ý nghĩa chiến lược của La Sơn Phu Tử.

Phần đặt vấn đề của đoạn này ngắn gọn nhưng khái quát được ý nghĩa sâu xa của việc học, bằng cách trích dẫn câu châm ngôn mà lí lẽ của nó được coi là đúng một cách hiển nhiên: “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo”. Vai trò và mục đích của việc học là để hiểu đạo lí. Đạo – theo tác giả, “là lẽ đối xử hằng ngày giữa mọi người”. Học để hiểu đạo là học để hiểu lẽ đối xử hằng ngày giữa mọi người. Con người dẫu thông minh, dẫu có “tính bản thiện” nhưng nếu không được học hành cũng như ngọc không được mài.

Tiếp đó, tác giả nêu ra một thực trạng của nền giáo dục đương thời mà bất cứ nhà nho chân chính nào cũng phải đau lòng: “Nước Việt ta từ khi lập quốc đến giờ, nền chính học đã bị thất truyền”. Người học không chú ý học những tri thức mang tính căn cốt mà chỉ “đua nhau lối học hình thức”; không coi trọng mục đích học để hiểu đạo lí mà chỉ để thi cử “hòng cầu danh lợi”. Theo quan niệm của nhà nho xưa, nếu quá coi trọng danh lợi, người ta dễ đánh mất tính thiện của mình, coi trọng danh lợi là phải mưu toan, phải tranh đoạt và tất cả những hiện tượng đó sẽ là nguyên nhân để người ta bất chấp đạo lí. Thế nên, Nguyễn Thiếp cho rằng, vì đua nhau lối học hình thức mà con người “không còn biết đến tam cương, ngũ thường”.

Tam cương là ba mối quan hệ được nhà nho xưa coi là riềng mối, là trụ cột của của gia đình và xã hội; đó là mối quan hệ giữa vua – tôi (quân – thần), cha – con (phụ – tử) và vợ – chồng (phu – thê). Có thể ngày nay ta lí giải khác về nguyên nhân dẫn đến sự ổn định hoặc bất ổn của một xã hội nhưng ở thời Nguyễn Thiếp, các nhà nho chân chính đều tin rằng: nếu trong gia đình, mối quan hệ cha – con, vợ – chồng được duy trì tốt thì gia đình yên ấm; trong xã hội, mối quan hệ vua – tôi được duy trì tốt thì xã hội ổn định kỉ cương. Sự duy trì tốt của Tam cương có liên hệ chặt chẽ với Ngũ thường. Ngũ thường là năm đức tính để con người ta trở nên có đạo, có đức gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tam cương là để duy trì phép nước và nếp nhà (quốc pháp, gia quy); ngũ thường là để tu thân, sửa đức. Xã hội thiếu Tam cương thì riềng mối trụ cột lung lay, dễ trở nên loạn lạc; con người thiếu ngũ thường sẽ không biết ứng xử, hành động theo lễ nghĩa, dễ trở nên vô đạo. Bằng ngòi bút phê phán, Nguyễn Thiếp đã chỉ rõ, lối học hình thức, “hòng cầu danh lợi” là mối nguy hại của đất nước: tạo ra một tâm lí chung không coi trọng đạo lí; không coi trọng đạo lí dẫn tới một thực trạng kéo dài “chúa tầm thường, thần nịnh hót”.

Như vậy, khi nêu ra thực trạng này, Nguyễn Thiếp đã chỉ ra, đạo học có liên quan chặt chẽ tới vận nước và theo cách lí giải ấy, ông cho rằng các tập đoàn phong kiến đương thời nhanh chóng sụp đổ khi Tây Sơn nổi lên có nguyên nhân sâu xa từ sự học mà ra. Đánh giá số phận của triều đại trước, ông cho rằng “nước mất nhà tan đều do những điều tệ hại ấy”. Đây cũng là lí do giải thích vì sao La Sơn Phu Tử dù có đỗ cao ở thời Lê mà vẫn lui về dạy học chứ quyết không ra làm quan. Và điều quan trọng hơn cả trong khi nêu thực trạng, Nguyễn Thiếp đã chỉ rõ nguy cơ mất nước nếu việc chạy đua theo lối học chỉ để cầu danh lợi vẫn tồn tại. Đó là lời tấu trình kín đáo với ngụ ý: mong hoàng thượng hãy nhìn vết xe đổ của tiền triều, lấy “việc xưa xem xét, chứng cớ còn ghi” để rút ra bài học trị quốc cho mình. Từ việc xác định rõ thực trạng giáo dục đương thời, chỉ ra nguy cơ mất nước nếu không xác định trúng mục đích của sự học, Nguyễn Thiếp đã đưa ra những giải pháp có tính toàn diện để mong làm thay đổi căn bản nền giáo dục nước nhà.

Trước tiên – theo tác giả, phải mở rộng quy mô của việc học và đối tượng học. Nguyễn Thiếp đã khẩn thiết “cúi xin từ nay ban chiếu thư cho thầy trò trường học của phủ, huyện, các trường tư, con cháu các nhà văn võ, thuộc lại ở các trấn cựu triều, đều tùy đâu tiện đấy mà đi học”. Ở thời phong kiến, việc học chỉ được tập trung ở kinh kỳ và những địa điểm trung tâm, đối tượng đi học chủ yếu là con em quan lại, quý tộc. Vì thế, giải pháp này nhằm khắc phục sự hạn chế về quy mô và đối tượng học trước đó, tạo điều kiện thuận lợi có ý nghĩa “phổ cập” cho nhiều người được đi học và có thể đi học ở nơi gần nhất.

Sau nữa, tác giả đề xuất giải pháp thay đổi cả nội dung lẫn phương pháp dạy và học. Ông cho rằng: “Phép dạy, nhất định phải theo Chu Tử”. Chu Tử là nhà giáo dục nổi tiếng thời Nam Tống, ông là người đề xướng và kiên trì phương pháp dạy học phải đi tuần tự từ thấp đến cao. Và theo phép dạy ấy Nguyễn Thiếp khuyên rằng, người học “lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học đến Tứ thư, Ngũ kinh, Chư sử. Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm”. Nội dung giáo dục mà La Sơn Phu Tử đề xuất tuy không còn phù hợp với ngày nay nhưng tư tưởng và phương pháp giáo dục này luôn đúng ở mọi thời đại. Ở thời nào, người học muốn có thành tựu đều phải học tuần tự từ thấp đến cao, ở thời nào người học cũng phải cần một khả năng khái quát (học rộng rồi tóm lược cho gọn) và ở bất kỳ thời nào người học cũng phải chú ý nguyên tắc “học đi đôi với hành” (theo điều học mà làm).

Giải pháp thay đổi cách dạy và cách học mà Nguyễn Thiếp đề xuất nhằm hướng đến khắc phục lối học hình thức, khôi phục “nền chính học thất truyền”, chống bệnh học chỉ để cầu danh lợi. Đây cũng là con đường để hướng tới mục đích cao hơn, xa hơn: để cho “kẻ nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên”.

Bản tấu văn tuy chỉ bàn về phép học nhưng ở đó có cả những tư tưởng mang tính chiến lược về trị quốc lâu dài: tư tưởng trọng người tài, phù hợp với nội dung Chiếu cầu hiền của vua Quang Trung (Do Ngô Thì Nhậm soạn). “Đó mới thực là cái đạo ngày nay có quan hệ tới lòng người. Xin chớ bỏ qua”. Câu văn này tuy ngắn nhưng chứa đựng biết bao những trăn trở của một trí thức tâm huyết muốn đem tài học giúp đời, là giọng điệu của bề tôi trung muốn đem tâm nguyện để giúp minh quân thu phục được lòng người, là cách ổn định phép nước từ trong gốc rễ bởi chỉ có dùng đạo học trị quốc, lấy chữ nghĩa Thánh hiền để giáo hóa con người, thu phục được nhân tâm, quy nhân tâm về một mối thì thiên hạ mới thái bình. Phải đặt trong hoàn cảnh thời đại Nguyễn Thiếp sống, khi chế độ phong kiến khủng hoảng, chiến tranh liên miên, dân sinh điêu đứng mới thấy cái khát khao một nhà nước “vững yên” tha thiết đến nhường nào. Khát khao ấy được tác giả gửi cả vào bản tấu, gửi cả vào vị vua mà ông tin rằng đó là minh quân, thánh đế – vua Quang Trung.

Ở phần kết tác, giả tóm lược vấn đề bằng một câu văn ngắn gọn và vẫn nói về vai trò của việc học: “Đạo học thành thì người tốt nhiều; người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị”. Nếu ở phần nêu thực trạng, tác giả lập luận theo lối nêu phản đề thì ở phần kết là lối nêu chính đề. Phản đề cho rằng, đạo học suy khiến triều đình chỉ có “chúa tầm thường, thần nịnh hót”; chính đề cho rằng khi đạo học thành thì “triều đình ngay ngắn, thiên hạ thịnh trị”. Đó là tư tưởng, là mục đích cốt lõi của việc học.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top