Phân tích bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên.
BÀI LÀM
Từ ngày xưa chúng ta đã lớn lên trong vành nôi, trong lời ru ấm êm, ngọt ngào của mẹ, trong hơi ấm của những vần ca dao. Nhà thơ Chế Lan Viên đã lại đem đến cho ta một khúc ru hiện đại. Bài thơ “Con cò” là lời nói với con về một lời ru, cánh cò trắng vất vả trong ca dao xưa. Cánh cò chia sẻ nỗi vui buồn với con và toả hồn dân tộc vào cuộc đời dài của con. Bài thơ này tác giả viết nửa thực nửa hư, mang ý vị dân gian man mác.
Nhà thơ đã vận dụng tối đa những chất liệu dân gian, chất liệu của ca dao. Ông đã đồng hiện cánh cò trong ca dao xưa với sự trưởng thành của con người. Đó là những chất liệu thuộc về hồn dân tộc, đã in bóng vào tâm hồn nhà thơ, nay một lần nữa lại xuất hiện trong lời thơ của ông - lời ru ngọt ngào. Hình ảnh cánh cò trắng muốt lại một lần nữa bay vào trang thơ như muốn gợi lên trong sâu thẳm trái tim con người về ngọn nguồn của dân tộc, gọi con người trở về với những dấu yêu của một thời thơ ấu.
Mở trang thơ này ra, ấn tượng đầu tiên xuất hiện trong lòng người đọc là hình ảnh cánh cò miệt mài bay, “bay lả, bay la”, bay không mệt mỏi. Cánh cò ấy đã mải miết bay trên cánh đồng mênh mông, xanh mướt một màu xanh của lúa. Bức tranh đồng quê hiện lên sao yên bình và thơ mộng. Cánh cò ấy đã từng ấm trong vần ca dao và bay vào hồn mỗi chúng ta từ lúc còn nằm trong vành nôi. Nhà thơ Chế Lan Viên đã tiếp tục dùng hình ảnh cánh cò thân thương để làm chất liệu cho lời thơ của mình. Đó không chỉ là cánh cò trắng muốt dập dìu bay mà đó còn là thân phận con cò truân chuyên, vất vả : “Cò một mình cò phải kiếm ăn”. Từ đó nhà thơ liên tưởng tới cuộc sống của con thơ : “Con có mẹ con ăn với lại ngủ”. Một quãng đời rất mực êm ả, bình yên. Thân cò lùi lụi nơi đầu sông cuối bể biết bao nhiêu nguy hiểm đang từng giây, từng phút đe doạ ập xuống. Cuộc sống của cò là những ngày lo lắng, sợ hãi, không lúc nào được yên vui. Trong ca dao xưa con cò là hiện thân của người nông dân quê ta, chất phác, siêng năng cần mẫn, trải qua bao gieo neo vất vả :
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Với Chế Lan Viên, một lần nữa nỗi vất vả của đời cò hiện lên “cò ăn đêm”, “cò xa tổ”, “cò đậu cành mềm”, “cò sợ xáo măng”. Cò luôn phải sống cùng với nỗi sợ hãi thường trực. Tiếp đó nhà thơ đan xen liên tưởng đến giấc ngủ ngon lành của con trong vòng tay mẹ. Một mình cò phải lặn lội, chịu đựng bao nỗi hiểm nguy còn con thì đã có mẹ, con có bàn tay của mẹ che chắn, ẵm bồng “cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng”. Chúng ta đã biết rằng vạc mới đi kiếm ăn ban đêm còn cò kiếm ăn ban ngày. Cò phải đi ăn đêm đó là một nghịch lí trong cuộc đời : Cò lặn lội bờ sông kiếm ăn tưởng sẽ có hạnh phúc, ngờ đâu thân cò vẫn mãi bơ vơ, trơ trọi, một mình đối mặt với hiểm nguy. Cánh cò lúc lúc lại bay trong gió chiều như còn phân vân lo lắng một điều gì. Còn đứa con thơ thì ngây thơ trong trắng lớn lên từng ngày trong màu trắng của cánh cò trong tình yêu thương của mẹ, tất cả đó sẽ là hành trang đưa con vào đời.
Cánh cò đã tự nhiên bay vào tâm hồn thơ trẻ của con qua lời ca dao mượt mà, đi cùng con để chia sẻ những vui buồn của tuổi thơ. Từ trong vành nôi cò đã là người bạn đồng hành thân thiết của con. Ở đoạn thơ này ta bắt gặp một lớp ngôn từ, giản dị mô tả liên tiếp những hành động của cò : “cò đến làm quen, cò vào trong tổ, cò đứng quanh nôi, cò ngủ, cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”. Chính lời thơ này đã gợi cho ta sự gần gũi giữa cò và em bé. Đây chính là điểm hấp dẫn của trang thơ, mỗi câu thơ lần lượt là những hình ảnh thân thương, đáng yêu mà mỗi lần đọc lên nghe lòng xao động.
Nhà thơ đã đặt ra cho con một câu hỏi để hướng con vào tương lai mai sau : “con làm gì” và ước nguyện là được “làm thi sĩ”, được tiếp tục chắp cánh cho cò bay hoài không nghỉ, cánh cò ấy lại làm bạn của những đứa trẻ thơ. Đây là một ước mơ tinh khôi nhưng đó là những gì trong trẻo nhất mong dến với đứa con này.
Trong lời ru của mẹ có cánh cò, có điệu hồn dân tộc là những vần ca dao êm ả ngọt ngào. Đó chính là dòng suối mát trong ngọt lành nhất thấm dần vào tâm hồn con và sẽ chảy mãi theo cuộc đời dài của con. Lời thơ vừa rất cụ thể, vừa có sức khái quát lớn, mang sắc thái tinh vi của cảm xúc, của ý nghĩ, và mở ra cho người đọc những chân trời liên tưởng bát ngát. Nhờ hình ảnh, Chế Lan Viên đã làm “lạ hoá” những điều ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng nhận ra : “Con dù lớn vẫn là con của mẹ / đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Và trong hành trình cuộc đời của con, mẹ mãi là điểm tựa tinh thần vững chắc. “Chỉ mình mẹ là niềm tin ánh sáng diệu kì / Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước” (E-xê-nin). Chính mẹ đã truyền cho con hơi ấm của tình yêu thương và mạch nguồn dân tộc để trên mỗi hành trình con đều có sức mạnh bước đi.
Đây là một bài hát ru con được viết trong thời hiện đại. Nhà thơ đã sử dụng chất liệu cũ là cánh cò và đồng thời đưa vào đó những hình thức nghệ thuật mới mẻ. Ở đây, lời ru không còn là một lời ca dao mà là khúc hát ru được tự do hoá theo dòng cảm xúc. Nhà thơ đã đan dệt những hình ảnh vừa thực vừa ảo, màu thực, màu tượng trưng chen lẫn bên nhau thành một bức tranh nội tâm tha thiết.
Qua bài thơ này ta đã thấy trái tim Chế Lan Viên đập nhịp yêu thương mênh mông, vỗ về đứa con yêu. Những tình cảm ấy được truyền qua lớp ngôn từ giản dị hồn nhiên nhưng chứa đựng một quan niệm đẹp. Một cách hướng con người vào cội nguồn cái thiện, tựa cơn gió mát thổi vào hồn mỗi chúng ta.
Sưu tầm