Hãy phân tích và bình luận bài ca dao Tát nước đầu đình
Hãy phân tích và bình luận bài ca dao Tát nước đầu đình.
BÀI LÀM
Độ lên năm, sáu, tôi vẫn thường ru em bằng bài ca dao “Tát nước đầu đình”. Có thể vì tâm lý tuổi thơ của tôi thích kể về “những món” kiểu : một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm…Và tôi cứ tự hỏi sao ai đó lại hào phóng đến thế chỉ để trả công cho người khâu giùm một đường tà sứt chỉ? Đôi khi tôi lại cao hứng đọc to “ bài ca xin áo” để rồi suy ngẫm về điều này…
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…
Cách nói của chàng trai – nhân vật trữ tình – khiến ta tin tưởng và chắc cô gái “mới nghe’ cũng tin là thật. Này nhé không gian xác định (đầu đình), thời gian xác định (hôm qua), đến vị trí cái áo bỏ quên cũng xác định (trên cành hoa sen). Và tất cả đều gắn với công việc “tát nước” của chàng trai một cách tự nhiên. Không tin sao được? Nhưng, trong toàn bộ cái bối cảnh mà ta những tưởng là không thể ngụy tạo kia, bỗng thấy đong đưa một “cành hoa sen” khiến ta phải nghi ngờ (ở câu “đưa đẩy bắt vần” cảu bài dân ca Thanh Hoá nổi tiếng cũng có “lên chùa bẻ một cành sen”… như cách nói ở đây). Phải rồi, hoa sen làm gì có cành? Mà hoa sen mảnh dẻ, mềm yếu ai lại nghĩ đến chuyện vắt áo lên nó bao giờ? Thì ra, cái áo bỏ quên chẳng qua chỉ là cái cớ để chàng trai “vào đề” với cô gái là “tín hiệu giao duyên” được phát ra một cách tình tứ. Cái áo, ấy là một cái cớ hay, tiềm tàng nhiều khả năng làm rung động người con gái, để bày tỏ hoàn cảnh, ước muốn… Hẳn vì thế mà trong ca dao, cái áo mới trở thành mô típ quen thuộc:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
Hay
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Vâng, quả không hề có chuyện bỏ quên áo để đến xin cũng như sẽ không có chuyện “cởi áo cho nhau” … Trong tình yêu, thường có những cách nói vòng, đi vòng đáng yêu như vậy (“cái ngày em chưa lấy chồng, đường gần anh cứ đi vòng cho xa…” Nguyễn Bính). Phải có một cái cớ nào đấy để bày tỏ lòng yêu, để thốt ra được điều khó nói ấy… cái cớ của Kim Trọng là thuê nhà trọ học, là trả lại kim thoa bắt được… (truyện kiều). Cớ thì là giả nhưng tình lại rất chân thành. Vì thế, người đọc không mấy ai đi căn vặn “hoa sen làm gì có cành?”, mà lại tiếp nhận một cách thích thú trước cách nói hoa mỹ, làm đẹp lòng người nghe. Van sự khởi đầu nan, lời mở đầu lấp lửng và vì thế mà đã trót lọt. Chàng trai vẫn tỉnh khô, tiếp tục thăm dò ướm thử:
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Câu trên ý tứ, nhã nhặn bao nhiêu thì câu dưới thắt buộc bất ngờ, táo bạo bấy nhiêu. Táo bạo quá đi còn gì! Đã không có chuyện quên áo thì làm gì có chuyện “được”, “xin”, “để làm tin trong nhà”? Hơn nữa, mấy ai “dại dột” “để làm tin” một chiếc áo “sứt chỉ đường tà” “đã lâu”? Thế mà chàng trai vẫn cứ tảng lờ như không, quyết lôi cô gái vào cuộc, tạo nên một sự ràng buộc thật khó chối từ. Cái nam tính, cái thông minh là ở chỗ này, cái duyên, cái tế nhị cũng chính chỗ này. Bằng “giác quan thứ sáu” của tuổi yêu đương, người con gái nào mà chả nhận thầy sự thay đổi “thời tiết” trong không khí buổi “trò chuyện chỉ hai người”, và chớm hiểu… Còn đang bị chấn động trong cái không khí nửa vời, người con gái chột nghe đụng vào trái tim mình:
Áo anh sứt chỉ đừơng tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô gái về khâu cho cùng
Đành rằng xin áo thì phải mô tả đặc điểm cái áo để xin, nhưng sao lại kể mẹ già vợ con làm gì? Lại nữa, cái áo sứt chỉ hay “sứt chỉ đã lâu” thì cũng thế thôi, có liên quan gì đến việc xin áo đâu? Đúng là thừa, song chỉ thừa trong việc xin áo, còn vô cùng cần thiết trong việc gợi tình thương (“áo anh sứt chỉ”) và mở lối cho tình thương đến tình yêu trong lòng cô gái (“vợ thì chưa có…”). Áo anh sứt chỉ thôi chứ đâu có rách, nghĩa là chỉ đủ gợi tình thương chứ không gợi lòng thương hại (vì lòng thương hại thì làm sao dẫn đến tình yêu đích thực được?). Đã “sứt chỉ đường tà” lại còn “đã lâu” nên rất cần một bàn tay đảm đang giúp đỡ, một tấm lòng ấm áp bù đắp. Câu thơ đã làm rung động trái tim người con gái, đánh thức dậy trong cô thiên chức phụ nữ với đường kim, mũi chỉ. Và chỉ khi tạo ra cái phút rung động ấy, anh con trai mới nói trôi được cái lời khó nói nhất trong buổi mới lạ lung này “vợ anh chưa có…”. Thế là cái áo do anh “sáng tạo” ra, đã giúp anh làm rung lên những sợi dây tình cảm trong tim cô gái, anh còn biết nhấn thêm cho nó ngân nga…Anh cũng biết dừng lại đúng mực để chuyển cách “xưng hô”:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Còn cô nào nữa ngoài người đang đối diện với anh? Nhưng nói “cô ấy” thì vẫn cho phép thoáng mơ màng nghĩ đến một cô Mơ, cô Mận, cô Đào nào đó… Cái cách xưng hô vừa xác định, vừa phiếm chỉ đã làm cho cô gái dù có cả thẹn đến đâu cũng vẫn có thể nán lại nghe tiếp. Giá thử thay từ “cô ấy” bằng từ “em”, hẳn cô gái sẽ phải “đỏ mặt lên” ngúng nguẩy bỏ đi và coi như việc tỏ tình đứt gánh giữa đường. Con đường dẫn đến tình yêu, đâu phải bao giờ cũng thẳng băng, đôi khi vẫn có thể lắt léo một chút, ngoằn ngoèo một chút, miễn tả cái tình phải chân thật, cái lòng phải sang trọng.
Khúc nhạc tình ca chuyển giai điệu: cô gái được xin áo đã trở thành cô gái khâu giúp áo. Trả lại áo chỉ là ơn thôi, khâu áo mới là tình. Dòng chảy được khai thông thì cứ thế tuôn ào ạt:
Khâu rồi anh sẽ trả công
……………………
Quan năm tiền cứơi lại đeo buồng cau
Những lời thật hào phóng, đẹp đẽ, câu thơ liền mạch, nhạc điệu nhanh, mạnh tạo ấn tượng về một sự viên mãn hân hoan… Một, một, một rồi đôi, đôi, đôi, một thì một thúng, một con, một vò, đôi thì đôi chăn, đôi chiếu… gợi đến sự nồng nàn của men say tình yêu đôi lứa. Rồi nhảy vọt lên “quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới”, “lại đèo buồng cau” thu tất, hậu hĩnh quá chừng! Xuân Diệu thì nói: “lòng anh thôi đã cưới lòng em”, còn anh con trai nông dân thì thay lời đó bằng món đồ sính lễ tưởng tượng. Tuy nhiên, cho đến tận “phút chót”, chàng trai vẫn dùng lời nói lấp lửng mà có duyên. Cái nút đã được mở rồi, không còn là chuyện xin áo nữa, mà là chuyện trả công… cả một lễ cưới cho người khậu giúp áo. Chỉ phải khâu một đường tà sứt chỉ mà “giúp cho” nhiều thế? Sao lại tốt bụng và chu đáo nhường ấy? Bằng linh cảm nhạy bén của người con gái, cô đã thực sự nhận ra một điều kỳ diệu, chàng trai muốn cùng cô kết duyên, kết ngãi… Nếu tưởng tượng trong khung cảnh giao duyên, hẳn lúc này ta sẽ thấy hiện lên cái long lanh tình tứ của con mắt liếc đong đưa và nụ cười đầy ngụ ý của cô gái: biết cả rồi, ai mà chả biết cái kiểu “muốn ăn gắp bỏ tay người” của anh, nhưng em sẽ không … phản đối đâu!
Sính lễ thật hoàn hảo, song bạn chớ nên nghĩ rằng chàng trai giàu có. Có thể, đó chỉ là sức mạnh của tình yêu, là ước mơ táo bạo của tuổi trẻ về một đám cưới tương lai với đầy đủ lễ vật cổ truyền và là tấm lòng yêu chân thành của chàng trai đối với cô gái, nó cũng giống như ước mơ “xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”. Tình yêu thường làm cho người ta đẹp thêm lên, biết hướng về phía trước, cách nhìn, cách nghĩ của họ được viền màu sắc lãng mạn…
Bài ca dao mở đầu bằng một tín hiệu giao duyên (cái áo) và kết thúc bằng một tín hiệu hôn nhân (buồng cau). Có thể ví bài ca dao như một cánh diều no gió, bay cao quá đỗi tận mây xanh, song vẫn có một sợi dây cột chặt với mặt đất – thực tế. Ở khía cạnh này, bài ca dao đã thể hiện trọn vẹn quan niệm tiến bộ trong tình yêu của người nông dân Việt Nam. Với họ, tình yêu là thứ tình cảm trong sáng, chân thành, lành mạnh, là nền tảng trong hôn nhân và hạnh phúc gia đình.
Tát nước đầu đình là một trong những bài ca dao hay nhất, tình tứ nhất thể hiện nét đẹp văn minh, văn hoá trong tình yêu của người VN.
LÊ THỊ LINH NHÂM
Lớp 10B, Trường THPT Thăng Long, Lâm Hà, Lâm Đồng*