Chia Sẻ Nước Âu Lạc (tiếp theo)

vàng

New member
Xu
0
Ở bài học trước các em đã biết được sự ra đời của nước Âu Lạc. Vậy sau khi thành lập nhà nước, An Dương Vương đã cho xây dựng một công trình kiên cố đó là Loa Thành và để biết được tầm quan trọng của Loa Thành đó như thế nào và vì sao nước Âu Lạc lại sụp đổ các em cùng tìm hiểu qua bài học hôm nay.


Lịch sử 6 - Bài 15: Nước Âu Lạc (tiếp theo)

Năm 207 TCN Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc .Quân dân Âu Lạc với vũ khí tốt , tinh thần chiến đấu dũng cảm, có thành Cổ Loa kiên cố , có quân đội mạnh, có tướng giỏi ,đã đánh bại được quân Triệu Đà , giữ vững được độc lập.


thoi_dai_van_lang_-__au_lac_500.jpg


Sơ đồ khu thành Cổ Loa

1. Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng :
Để tăng cường phòng thủ và bảo vệ kinh đô mới, An Dương Vương đã cho xây dựng thành
Cổ Loa kiên cố , xây dựng quân đội mạnh , trang bị vũ khí nhiều loại .
* Cấu trúc:
+ Thành có 3 vòng khép kín, tổng chiều dài chu vi 16.000m
+ Chiều cao: 5 – 10m
+ Mặt trành rộng trung bình 10m.
+ Chân thành rộng từ 10 – 20m
+ Các thành đều có hào nước (rộng từ 10 – 30m) bao quanh, các hào thông với nhau vừa nối với Đầm Cả, vừa nối với Sông Hoàng, có thể ra Sông Hồng.
+ Bên trong thành nội là nơi ở và làm việc của vua và các Lạc hầu, Lạc tướng.


*Nhận xét :
-Là một công trình kiến trúc to lớn , độc đáo và sáng tạo xây dựng cách đây hơn 2000 năm
-Là một căn cứ quân sự lợi hại , một vị trí phòng thủ kiên cố .
-Thể hiện trình độ phát triển cao của nước Âu Lạc , là biểu tượng của nền văn minh Việt Cổ


trieu_da_500.jpg



2. Sự sụp đổ của nhà nước Âu Lạc :
-Năm 207 TCN Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc .Quân dân Âu Lạc với vũ khí tốt , tinh thần chiến đấu dũng cảm, có thành Cổ Loa kiên cố , có quân đội mạnh, có tướng giỏi ,đã đánh bại được quân Triệu Đà , giữ vững được độc lập.
-Năm 179 TCN sau khi chia rẽ nội bộ (tướng giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu phải bỏ về quê), Triệu Đà dùng mưu tấn công và chiếm được Âu Lạc . Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của
nhà Triệu.

+ Nguyên nhân thất bại:
- Triệu Đà dùng mọi thủ đoạn: chia rẽ nội bộ, ly gián…
- Chủ quan, mất cảnh giác.


+ Bài học kinh nghiệm :
- Phải tuyệt đối cảnh giác.
- Vua phải tin tưởng trung thần.
- Phải dựa vào dân để đánh giắc, bảo vệ đất nước.

coloa_500.jpg

Giếng Ngọc trước cửa đền An Dương Vương ở Cổ Loa

Bài viết trên đã khái quát kiến thức bài Lịch sử 6 - Bài 15: Nước Âu Lạc (tiếp theo)
Bút nghiên chúc các em học tập tốt Hãy chia sẻ để cùng học tốt nhé.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
TRẮC NGHIỆM BÀI 15 : NƯỚC ÂU LẠC ( TIẾP THEO).

Câu 1: Để bảo vệ kinh đô mới, tăng cường phòng thủ chống nguy cơ kẻ thù xâm lược, An Dương Vương đã làm gì?

a> Xây dựng thành Cổ Loa kiên cố.
b> Xây dựng lực lượng quân đội mạnh.
c> Trang bị vũ khí nhiều loại tốt.
d> Tất cả các việc làm trên.

Câu 2: Thành Cổ Loa được xây dựng theo hình gì?

a> Hình vuông.
b> Hình xoắn trôn ốc.
c> Hình chữ nhật.
d> Hình tam giác.

Câu 3: Thành Cổ Loa được xây dựng mấy vòng khép kín?.

a> Một vòng khép kín.
b> Hai vòng khép kín.
c> Ba vòng khép kín.
d> Bốn vòng khép kín.

Câu 4: Thành Cổ Loa có tổng chiều dài là bao nhiêu?

a> Khoảng 14.000m.
b> Khoảng 15.000m.
c> Khoảng 16.000m.
d> Khoảng 17.000m.

Câu 5: Theo truyền thuyết, trong khi xây dựng thành Cổ Loa, nhân dân Âu Lạc gặp phải có khăn gì?

a> Thời tiết, khí hậu không tốt.
b> Công cụ đắp thành thô sơ.
c> Kinh nghiệm xây thành chưa có.
d> Lực lượng xây thành ít.

Câu 6: Thành Cổ Loa được xây dựng bằng nguyên vật liệu gì?

a> Thành được xây dựng bằng đá.
b> Thành được đắp bằng đất, đá.
c> Thành được xây djựng xi măng.
d> Thành được xây bằng gạch.

Câu 7: Những chi tiết nào sau đây chứng tỏ thành Cổ Loa là một công trình phòng ngự kiên cố của Âu Lạc?

a> Thành Cổ Loa được đắp thành ba vòng.
b> Đường đi lối lại trong thành quanh co, khúc khuỷu.
c> Với cách xây dựng độc đáo, một căn cứ quân sự lợi hại.
d> Cả ba câu trên đúng.

Câu 8: Việc xây dựng công trình thành Cổ Loa của An Dương Vương chứng tỏ.

a> Là một công trình kiến trúc to lớn, được xây dựng cách đây hơn 2000 năm, khi trình độ kỹ thuật chung còn thấp.
b> Là một công trình kiến trúc độc đáo và sáng tạo của nhân dân Âu Lạc, có vai trò như một căn cứ quân sự lợi hại, một vị trí phòng thủ kiên cố.
c> Thể hiện trình độ phát triển cao của nước Âu Lạc, được xem là biểu tượng của nền văn minh Việt cổ.
d> Cả ba câu trên đúng.

Câu 9: Vũ khí nào sau đây được xem là đặc biệt lợi hại nhất của quân đội Âu Lạc?

a> Dao găm.
b> Nỏ.
c> Giáo mác.
d> Rìu chiến.

Câu 10 Nguyên nhân dẫn đến sự thất bại lúc đầu của quân Triệu Đà?

a> Quân dân Âu Lạc có vũ khí tốt.
b> Quân dân Âu Lạc đoàn kết, một lòng.
c> Tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân Âu Lạc.
d> Cả ba câu trên đúng.

Câu 11: Biết không thể đánh được quân dân Âu Lạc, Triệu Đà đã có âm mưu gì?

a> Giả vờ xin hòa và dùng mưu kế chia rẽ nội bộ Âu Lạc.
b> Cho con sang ở rể để lấy cắp nỏ thần.
c> Tìm cách ly gián An Dương Vương với các tướng giỏi.
d> Mua chuộc các tướng giỏi của Âu Lạc.

Câu 12: Nguyên nhân nào dẫn đến sự thất bại của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà của An Dương Vương?

a> An Dương Vương không đề phòng, mất hết tướng giỏi.
b> An Dương Vương mất cảnh giác, gả con cho Trọng Thủy.
c> An Dương Vương bị mất chiếc nỏ thần.
d> Mị Châu trao nỏ thần cho giặc.

Câu 13: Âu Lạc rơi vào tay nhà Triệu Đà và bị sáp nhận vào đất đai của Nam Việt vào thời gian nào?

a> Vào năm 179 TCN.
b> Vào năm 111 TCN.
c> Vào năm 207 TCN.
d> Vào năm 109 TCN.

Câu 14: Theo em, bài học lớn nhất cần rút kinh nghiệm cho đời sau trước thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống Triệu Đà xâm lược là gì?

a> Phải có tinh thần đoàn kết, quân dân trên dưới một lòng.
b> Phải có vũ khí tốt, lực lượng mạnh.
c> Phải có lòng yêu nước và quyết tâm chống giặc.
d> Phải đề cao cảnh giác với kẻ thù.

Câu 15: Qua diễn biến của việc Nhà nước Âu Lạc sụp đổ, theo em Triệu Đà đã có âm mưu gì để cướp Âu Lạc?

a> Không đánh được thì dùng kế.
b> Tìm hiểu sức mạnh của Âu Lạc.
c> Chia rẽ nội bộ của Nhà nước An Dương Vương, sau đó đem quân sang đánh.
d> Cả ba âm mưu trên.

Câu 16: Thời Âu Lạc, công trình văn hoá nào là tiêu biểu?

a> Trống đồng, nhiều hoa văn tinh tế.
b> Thành Cổ Loa.
c> Lưỡi cày đồng.
d> Thạp đồng.

Câu 17: Điền vào chỗ trống những từ thích hợp:

Sử cũ chép: “ Thành rộng hơn nghìn trượng như hình trôn ốc nên gọi là….(a)…..Thành có b vòng khép kín với tổng chiều dài chu vi khoảng ….(b)…..chiều cao của thành khoảng 5 – 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, chân thành rộng từ 10 – 20 m.Các thành đều có….(c)……rộng từ 10 – 30m. Các hào thông nhau, vừa nối với một đầm lớn ( Đầm Cả) ở giữa thành Trung và thành Ngoại, vừa nối với sông Hoàng.
Bên trong thành Nội là những….(d)….. của gia đình An Dương Vương và các Lạc hầu, Lạc tướng.

KÍCH VÀO ĐỂ XEM ĐÁP ÁN

Đáp án: câu 1d, câu 2b, câu 3c, câu 4c, câu 5a, câu 6b, câu 7d, câu 8d, câu 9b, câu 10d, câu 11a, câu 12a, câu 13a, câu 14d,câu 15d, câu 16b, câu 17 (a) Loa Thành, (b) 16.000m.(c)hào bao quanh, (d) nhà ở và làm việc
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
ÔN TẬP CHƯƠNG I VÀ II.



Câu 1: Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những dấu tích của Người tối cổ những nơi nào trên đất nước ta?


a> Tìm thấy ở hang Thẩm Khuyến,Thẩm Hai ( Lạng Sơn).
b> Tìm thấy ở núi Đọ, Quan Yên ( Thanh Hóa).
c> Tìm thấy ở Xuân Lộc ( Đồng Nai).
d> Tất cả địa danh trên.

Câu 2: Người tối cổ sống cách đây bao nhiêu năm.

a> Cách đây 10 – 30 vạn năm.
b> Cách đây 20 – 30 vạn năm.
c> Cách đây 15 – 30 vạn năm.
d> Cách đây 30 – 40 vạn năm.

Câu 3: Người tinh khôn ( giai đoạn đầu) xuất hiện cách nay khoảng bao nhiêu năm?

a> Cách nay khoảng 3 – 2 vạn năm.
b> Cách nay khoảng 2 – 3 vạn năm.
c> Cách nay khoảng 3 – 4 vạn năm.
d> Cách nay khoảng 3 – 1 vạn năm.

Câu 4: Cách nay khoảng bao nhiêu năm, người thời Hòa Bình – Bắc Sơn xuất hiện
?

a> Cách nay khoảng 10.000 – 4.000 năm.
b> Cách nay khoảng 11.000 – 4.000 năm.
c> Cách nay khoảng 12.000 – 4.000 năm.
d> Cách nay khoảng 13.000 – 4.000 năm.

Câu 5: Cách nay khoảng bao nhiêu năm, người thời Phùng Nguyên – Hoa Lộc xuất hiện?


a> Cách nay khoảng 4.000 – 3.500 năm
b> Cách nay khoảng 4.000 – 3.000 năm
c> Cách nay khoảng 4.000 – 2.500 năm
d> Cách nay khoảng 4.000 – 2000 năm.

Câu 6: Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những dấu tích của Người tinh khôn giai đoạn đầu ở đâu?


a> Tìm thấy ở Thẩm Hai, Thẩm Khuyên ( Lạng Sơn).
b> Tìm thấy ở Núi đá Ngườm ( Thái Nguyên), Sơn Vi ( Phú Thọ).
c> Tìm thấy ở Hòa Bình, Bắc Sơn ( Lạng Sơn).
d> Tìm thấy ở Phùng Nguyên ( Phú Thọ), Hoa Lộc ( Thanh Hóa).

Câu 7: Công cụ ghè đẽo thô sơ là công cụ của thời kỳ nào?

a> Người tối cổ.
b> Người tinh khôn.
c> Người thời kỳ Hòa Bình – Bắc Sơn.
d> Người thời kỳ Phùng Nguyên – Hoa Lộc.

Câu 8: Thời kỳ nào, công cụ đá được mài lưỡi cho sắ như: Rìu ngắn, rìu có vai, lưỡi cưa. Công cụ bằng xương, bằng sừng, đồ gốm?

a> Công cụ của thời kỳ Người tối cổ.
b> Công cụ của thời kỳ Người tinh khôn.
c> Công cụ của người thời kỳ Hòa Bình – Bắc Sơn.
d> Công cụ của người thời kỳ Phùng Nguyên – Hoa Lộc.

Câu 9: Thời kỳ nào công cụ đá, rìu đá, bôn đá được mài nhẵn toàn bộ.Đồ gốm có nhiều loại và có hoa văn?

a> Công cụ của thời kỳ Người tối cổ.
b> Công cụ của thời kỳ Người tinh khôn.
c> Công cụ của người thời kỳ Hòa Bình – Bắc Sơn.
d> Công cụ của người thời kỳ Phùng Nguyên – Hoa Lộc.

Câu 10: Thời Văn Lang – Âu Lạc đã để lại những công trình văn hóa tiêu biểu gì?

a> Trống đồng Đông Sơn.
b> Thành Cổ Loa.
c> Nỏ thần, thành Cổ Loa.
d> Trống đồng, thành Cổ Loa.

Câu 11: Thời Âu Lạc có thành tựu văn hoa nào tiêu biểu?

a> Trống đồng, nhiều hoa văn tinh tế.
b> Thành Cổ Loa.
c> Lưỡi cày đồng.
d> Thạp đồng.

Câu 12: Thành tựu văn hóa tiêu biểu của thời Văn Lang là gì?


a> Trống đồng.
b> Thành Cổ Loa
c> Lưỡi cày đồng.
d> Thạp đồng

Câu 13: Nhà nước Văn Lang ra đời vào khoảng thời gian nào?


a> Khoảng kỷ VII TCN.
b> Khoảng năm 218 TCN.
a> Khoảng năm 207 TCN.
b> Khoảng năm 179 TCN.

Câu 14: Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần của cư dân Văn Lang nổ ra vào năm nào?

a> Thế kỷ VIII TCN.
b> Năm 218 TCN.
c> Năm 207 TCN.
d> Năm 179 TCN.

Câu 15: Năm 207, TCN Thục Phán đã làm gì?

a> Thục Phán lập nước Văn Lang.
b> Thục Phán lập nước Âu Lạc.
c> Thục Phán kháng chiến chống Tần xâm lược.
d> Thục Phán kháng chiến chống Triệu Đà xâm lược lần hai.

Câu 16: Cuộc kháng chiến chống Triệu Đà của An Dương Vương thất bại vào thời gian nào?

a> Vào năm 218 TCN.
b> Vào năm 207 TCN.
c> Vào năm 179 TCN.
d> Vào năm 197 TCN.



Đáp án: câu 1d, câu 2d, câu 3a, câu 4c, câu 5a, câu 6b, câu 7a, câu 8b, câu 9d, câu 10d, câu 11b, câu 12a, câu 13a, câu 14c, câu 15b, câu 16c
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Vấn đề nguồn gốc của Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc


Thời đại dựng nước đời Hùng Vương – An Dương Vương với hai thành tựu hết sức cơ bản là sự tạo lập một nền văn minh Sông Hồng rực rỡ và một hình thái Nhà nước sơ khai- nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, không những khẳng định nước ta có lịch sử dựng nước sớm, có một nền văn hiến lâu đời, mà còn đặt cơ sở nền tảng cho toàn bộ sự sinh tồn và phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam. Vì thế vấn đề nguồn gốc của Thục Phán – An Dương Vương và sự thành lập nước Âu Lạc phải được coi là một trong những vấn đề cốt
lõi của lịch sử Việt Nam.

Theo các nguồn tư liệu thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Quốc thì kế tiếp nhà nước Văn Lang đời Hùng Vương là quốc gia Âu Lạc do Thục Phán – An Dương Vương lập ra. Nhưng Thục Phán – An Dương Vương là ai, từ đâu đến, quá trình thành lập nước Âu Lạc diễn ra như thế nào? Vấn đề đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trong nước và quốc tế từ hàng trăm năm nay, nhưng không phải tất cả đều đã có thể đi đến kết luận cuối cùng.

Tư liệu thành văn có ghi chép về Thục Phán – An Dương Vương và nước Âu Lạc
không chỉ muộn, nghèo nàn, mà còn có chỗ mâu thuẫn và nhầm lẫn. Nguồn tư liệu khảo
cổ học tuy có được đặc biệt quan tâm, nhưng vẫn còn tản mạn và chưa được khai thác
triệt để, nhất là hệ thống các di tích, di vật trong lòng đất. Nguồn tư liệu dân gian tuy
phong phú nhưng bị bồi phủ bởi quá nhiều các lớp bụi thời gian, khó có thể nhận ra đâu
là cái nhân, cái lõi lịch sử đích thực của nó. Vì vậy, cho đến nay, xung quanh vấn đề
nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự ra đời của nhà nước Âu Lạc vẫn còn tồn
tại những ý kiến không giống nhau cũng là chuyện hết sức bình thường.

Những ghi chép đầu tiên về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương có thể tìm
thấy trong các thư tịch xưa nhất của Trung Quốc. Sử ký Tư Mã Thiên được viết vào
khoảng thế kỷ I TrCN nhiều lần nhắc đến nước Âu Lạc ở phía tây nam của nước Nam
Việt, sau bị Triệu Đà xâm chiếm, nhưng lại không cung cấp thông tin gì về Thục PhánAn
Dương Vương. Các bộ sử được viết trong các giai đoạn sau có ghi chép rõ hơn rằng
người thành lập nước Âu Lạc chính là Thục Phán – An Dương Vương. Sách Hậu Hán
thư, Phần Quận quốc chí của Phạm Việp khi chép về quận Giao Chỉ có chú thích rõ “đấy
là nước cũ của An Dương Vương”. Tác phẩm Bùi thị Quảng Châu ký ra đời thế kỷ thứ V
được dẫn lại trong Sử ký sách ẩn của Tư Mã Trinh đời Đường thế kỷ thứ VIII cũng chép:
“Sau con vua Thục đem quân đánh chiếm, tự xưng là An Dương Vương, sau Nam Việt
Vương Úy Đà lại đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ cai trị hai xứ là Giao Chỉ và Cửu
Chân, tức là nước Âu Lạc vậy”. Theo Nam Việt chí được dẫn lại trong Cựu Đường thư,
phần Địa lý chí biên soạn thế kỷ X thì: “Vua nước Thục cho con là An Dương Vương cai
trị đất Giao Chỉ. Nước ấy nay nằm về phía đông huyện Bình Đạo”.

Các thư tịch cổ Trung Quốc đều chép thống nhất rằng An Dương Vương là con
vua Thục (Thục Vương tử), nhưng không cho biết cụ thể vua Thục là ai và nước Thục là
nước nào, ở đâu.

Các nguồn thư tịch cổ Việt Nam có ghi chép rõ ràng hơn về nguồn gốc của Thục
Phán – An Dương Vương. (Đại) Việt sử lược – bộ sử biên niên thời Trần chép: “Cuối đời
Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay”. Kế tiếp đó, Đại Việt
sử ký toàn thư, đã có một kỷ riêng, kỷ nhà Thục (Quyển I, Ngoại kỷ) để chép về Thục
Phán- An Dương Vương và nước Âu Lạc: “[An Dương Vương] Họ Thục, tên huý là Phán,
người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa)”. Các bộ Đại
Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục… cũng đều ghi chép những thông tin tương tự. Nhìn chung, các sử gia phong kiến Việt Nam đều cho rằng Thục Phán – An Dương Vương, người gốc Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc) lập
nước Âu Lạc vào năm 257 TrCN.

Điều có thể dễ dàng nhận ra ngay được là nước Thục (Ba Thục) đã bị nhà Tần diệt
vào năm 316 TrCN. Vua Thục cuối cùng là Khai Minh đã bị giết ở Vũ Dương và thái tử
con vua Thục cũng đã chết ở Bạch Lộc Sơn. Vậy “con vua Thục” trong thư tịch cổ ghi
chép là ai và làm sao mà vượt hàng ngàn dặm núi rừng, đi qua lãnh thổ của nhiều nước ở vùng Tây Nam Di để từ đất Ba Thục mà tiến đánh Văn Lang năm 257 TrCN được? Mâu
thuẫn về cả không gian và thời gian là cơ sở dẫn đến những nghi ngờ và phủ định giả
thuyết về nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán – An Dương Vương.

Ngay trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, các sử gia triều Nguyễn mặc dù vẫn ghi chép Thục Phán là con vua Thục, nhưng với thái độ hoài nghi và đề xuất khả năng Thục Phán xuất thân từ một họ Thục khác ở “ngoài cõi Tây Bắc giáp nước Văn
Lang… mà sử cũ nhận là Thục Vương”

Đến nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, thái độ hoài nghi càng gia tăng và bộc
lộ thành khuynh hướng cực đoan phủ định hoàn toàn tính chân thực của nhân vật Thục
Phán – An Dương Vương cũng như lai lịch Ba Thục của ông. Sang đầu thế kỷ XX, Trần
Trọng Kim, Ngô Tất Tố cũng cùng chung quan niệm như thế. Trần Trọng Kim quan niệm
các câu chuyện được chép từ thời Hồng Bàng cho đến hết thời nhà Triệu “phần nhiều là
những chuyện hoang đường, huyền hoặc cả”. Còn Ngô Tất Tố thì nói thẳng ra rằng:
“Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục” . Học giả Pháp H.Maspéro cũng
cho An Dương Vương là một nhân vật chưa chắc đã có trong lịch sử, là một ông vua
huyền thoại, vì sử cũ chỉ chép theo truyền thuyết mà thôi.6 Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, công cuộc nghiên cứu về An Dương Vương – Âu Lạc được gắn liền trong bối cảnh chung thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc, nhiều phát hiện mới về tư liệu, đặc biệt là các tư liệu khảo cổ học, tư liệu dân tộc học… cho phép đặt ra những kiến giải mới.

GS. Đào Duy Anh trong các chuyên khảo về lịch sử Việt Nam cổ đại đã cho rằngAn Dương Vương là người gốc nước Thục song đã rời xuống khu vực phía Bắc Việt Nam cư trú từ lâu đời: “Sau khi thái tử nhà Thục (Ba Thục – thời Chiến Quốc) chết ở Bạch Lộc Sơn thì dư chúng theo sông Mân Giang mà xuống miền Nam để tránh quân Tần. Trong đám dư chúng ấy, tất còn sót một số con hoặc cháu của vua Thục… Có lẽ con cháu vua Thục đã đánh thắng một bộ lạc mà chiếm một khoảng đất trên sông Hồng Hà giữa địa bàn người Thái và địa bàn người Việt, rồi nhóm họp đảng chúng lại thành một bộ lạc như các bộ lạc xung quanh nhưng cũng tự xưng là Thục Vương để nhớ lại nghiệp cũ của ông cha… Được một vài đời đến Thục Phán”. Tuy nhiên chính GS. Đào Duy Anh cũng tự nhận thấy sự thiếu cơ sở thuyết phục trong nhận định của mình và coi nhận định này chỉ là ức thuyết mà thôi. Các GS. Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn thì phỏng đoán: Thục Vương trong thư tịch cổ không phải là vua nước Thục ở Ba Thục mà là tù trưởng bộ lạc Khương di cư từ đất Thục xuống phía Nam và tự xưng là Thục Vương. Bộ lạc Thục đó di cư xuống vùng Quảng Tây và Bắc Bộ, cộng cư và đồng hoá với người Tây Âu ở vùng này. Nước Âu Lạc bao gồm hai thành phần cư dân: Tây Âu và Lạc Việt.

Năm 1963, với việc Tạp chí Nghiên cứu lịch sử công bố truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng, nhiều vấn đề về nguồn gốc
Thục Phán – An Dương Vương đã dần dần được sáng tỏ.

Theo truyền thuyết này thì Thục Phán là con Thục Chế, vua nước Nam Cương gồm 10 xứ mường, trong đó, một xứ mường trung tâm là nơi vua ở, còn 9 xứ mường xung quanh do chín chúa mường cai trị. Lãnh thổ của nước Nam Cương thuộc vào khoảng Cao Bằng và vùng nam Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Thục Chế mất, Thục Phán lên làm vua, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã dùng mưu trí quy phục được cả chín chúa mường, xây dựng nước Nam Cương hùng mạnh. Sau đó, Thục Phán đã lãnh đạo bộ tộc đánh thắng Văn Lang, hợp nhất lãnh thổ, lập ra nước Âu Lạc. Truyền thuyết về Chín chúa tranh vua còn được minh chứng bằng các di tích, di vật và địa danh cụ thể như Tổng Lằn (xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình), Tổng Chúp, Khau Lừa, cây đa cổ thụ ở Cao Bình, đôi guốc đá khổng lồ ở bản Thành… (các xã Hưng Đạo và Bế Triều, huyện Hoà An, Cao Bằng).

Sau khi truyền thuyết trên được công bố, nhiều nhà nghiên cứu đã hướng về Cao
Bằng để tìm quê hương Thục Phán và hầu như cho đến nay đều tin rằng Thục Phán là thủ lĩnh một liên minh bộ lạc người Tây Âu (hay người Tày cổ) ở vùng núi phía bắc Bắc Bộ (Việt Nam) và nam Quảng Tây (Trung Quốc), mà trung tâm là Cao Bằng10. Một số
chuyên gia hàng đầu trước đây cũng bắt đầu điều chỉnh lại chủ thuyết của mình. GS. Đào
Duy Anh cho biết: “Sự phát hiện truyền thuyết của người Tày trên kia đã khiến chúng tôi
thay đổi ít nhiều ý kiến trong cái ức thuyết về sự thành lập nước Âu Lạc mà chúng tôi đã
trình bày trong sách Lịch sử cổ đại Việt Nam. Sự điều chỉnh của GS. Đào Duy Anh chính
là giải thích rõ hơn phạm vi của nước Nam Cương và vai trò của Thục Phán. Ông viết:
“Chúng ta có thể nói một cách đại khái rằng miền Nam sông Tả Giang và lưu vực sông
Hữu Giang cùng với miền thượng lưu các sông Lô, sông Gầm, sông Cầu là địa bàn sinh
tụ của những bộ lạc Tây Âu họp thành bộ lạc liên hiệp Nam Cương mà Thục Phán là tù
trưởng tối cao”.

Năm 1969, Nguyễn Linh với bài Bàn về nước Thục của Thục Phán đăng trên Tạp
chí Nghiên cứu lịch sử lại đưa ra một thuyết mới về nguồn gốc của Thục Phán. Tác giả giải thích nước Thục trong ghi chép của thư tịch cổ là nước Tây Thục, tức Ai Lao ở phía
Tây Bắc nước ta ngày nay

Nguyễn Duy Hinh trong bài Bàn về nước Âu Lạc và An Dương Vương cho rằng
Thục Phán là người đứng đầu một nhóm Lạc Việt, Tây Âu là một nước của người Lạc
Việt, do đó cuộc chiến tranh Hùng – Thục thực chất là cuộc đấu tranh trong nội bộ người
Âu Lạc13.

Như vậy có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc của Thục Phán, tuy nhiên các
nhà nghiên cứu hiện nay trên căn bản đều thống nhất phủ định thuyết về nguồn gốc Ba
Thục của Thục Phán và phần nhiều đều tin rằng ông là người Tày cổ, thủ lĩnh của liên
minh bộ lạc Tây Âu mà trung tâm là Cao Bằng.

Mặc dù truyền thuyết Chín chúa tranh vua đã được sửa sang, thêm thắt theo quan
niệm dân gian, nhưng nó vốn là một truyền thuyết cổ và chứa đựng nhiều nhân tố hợp lý
cần phải được khai thác triệt để và nghiên cứu kỹ lưỡng. Hơn thế nữa, những tập tục,
truyền thuyết dân gian sưu tập được tại Cổ Loa và vùng phụ cận cũng phù hợp với cách
lý giải nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương là người Tày cổ giống như truyền
thuyết Chín chúa tranh vua.

Tâm thức dân gian vùng Cổ Loa luôn ghi nhớ về nguồn gốc “người thượng du”, “một tù trưởng miền núi” của vua Thục. Thậm chí truyền thuyết còn nói rõ quê gốc của Thục Phán – An Dương Vương là Cao Bằng. Dân gian còn nhắc nhiều đến Cao Lỗ – vị tướng tài năng và thân tín vào bậc nhất, anh em kết nghĩa của An Dương Vương – cũng quê gốc ở Cao Bằng. Nhiều vị tướng khác của Hùng Vương – An Dương Vương hoạt động ở Cổ Loa và khu vực xung quanh Cổ Loa được dân gian giải thích là người miền núi phía Bắc như Nồi Hầu – một bộ tướng tài giỏi của An Dương Vương, người Hương Canh (Vĩnh Phúc), nhưng tổ ba đời lại ở miền Tuyên Quang; Niệm Hưng, Niệm Hải, hai tướng của Hùng Vương được thờ ở làng Lỗ Khê (Liên Hà, Đông Anh) cũng mới từ Cao Bằng xuống sống ở đây được một đời.

Các truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Mỵ Châu – Trọng Thuỷ phổ biến trong tâm thức dân gian ẩn chứa nhiều chi tiết gợi ra mối dây liên hệ giữa vùng đất Cổ Loa với các bộ tộc Tày – Thái xưa.

Rùa Vàng – Thần Rùa giúp An Dương Vương diệt yêu quái là tinh Gà Trắng và xây thành không bị đổ. Rùa Vàng và Gà Trắng chính là những linh vật mang đầy ý nghĩa biểu tượng trong quan niệm truyền thống của các tộc người Tày-Thái. Trong kho tàng truyện kể dân gian Tày còn nhiều mẫu kể liên quan đến Rùa như thần Rùa làm nhà, tướng Rùa giết giặc, rể Rùa ra quân… Trong phong tục người Tày vẫn còn hàng loạt lễ thức có liên quan đến Rùa Vàng. Người Tày và người Thái đều có tập tục nuôi rùa trong nhà, thờ mai rùa vàng, treo bùa mai rùa và đeo móng rùa vào cổ trẻ nhỏ để đuổi ma trừ tà ám hại…. Rùa, đặc biệt là Rùa Vàng trong tâm thức người Tày – Thái chính là hiện thân của thần linh phò trợ cho con người sản xuất và chống lại kẻ thù, diệt trừ các thế lực yêu ma.

Rùa là con vật thuộc tính dương mang đến điều tốt đẹp, tượng trưng cho ân nghĩa. Ngược
lại với Rùa Vàng là biểu tượng Gà Trắng – thuộc tính âm, thường được coi là “vật ký thác
linh hồn”. “Trong tín ngưỡng Tày cổ, Gà Trắng gắn liền với bóng đêm và sự chết chóc”.

Gà Trắng nhìn chung bị coi là con vật đem đến tai hoạ, xui xẻo, được gọi là Cáy háo (Gà tang)16. Người Tày vì thế có tục kiêng nuôi gà trắng, kiêng ăn thịt gà trắng trong các dịp lễ vui vẻ, mừng việc hỷ… Từ ý niệm đến phong tục tập quán của người Tày về Rùa Vàng và Gà Trắng cho thấy sự tương đồng với những chi tiết trong truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Những nét tương đồng ấy phải chăng có cội nguồn từ nguồn gốc Tày cổ của Thục Phán – An Dương Vương? Vì nhà vua là người Tày cổ nên những quan niệm, phong tục cổ của người Tày đã được đưa đến vùng đất Cổ Loa, trở thành một bộ phận không thể thiếu của truyền thuyết đắp thành Cổ Loa, dựng nước Âu Lạc.

Về chi tiết Mỵ Châu rắc áo lông ngỗng chỉ đường cho Trọng Thuỷ cũng gần gũi với hình ảnh “một người con gái Tày đánh dấu chỉ đường bằng cách rắc áo lông ngỗng bứt ra từ chiếc áo trên mình trong sinh hoạt nương rẫy”. Hay ngay cả cái tên Mỵ Châu cũng có thể được giải thích là xuất phát từ chữ Mẻ Châu trong tiếng Tày, có nghĩa là Bà Chúa Lớn.

Một chi tiết khá đặc biệt khác là ở Cao Bằng hiện nay vẫn còn lưu truyền huyền thoại về thành Nà Lự của Bế Khắc Thiệu chống lại triều đình nhà Lê năm 1430(18). Câu chuyện Bế Khắc Thiệu xây thành và làm nỏ thần gần như được mô phỏng theo truyền thuyết Rùa Vàng. Điều đáng được quan tâm nữa là người Tày ở Nà Lự hiện nay khi nhắc tới huyền thoại này lại giao tiếp bằng một thứ ngôn ngữ Tày đậm đặc từ Việt cổ19. Huyền thoại về thành Nà Lự phổ biến trong tâm thức dân gian Tày và truyền thuyết An Dương Vương trong tâm thức người Việt, nhất là ở vùng Cổ Loa phải chăng là có cùng một nguồn cội sâu xa?

Khi nghiên cứu địa danh khu vực Cổ Loa, các nhà dân tộc học cũng tìm thấy nhiều
điểm tương đồng với văn hoá truyền thống cũng như ngôn ngữ của tộc người Tày Thái.
GS. Trần Quốc Vượng nhận thấy sự xuất hiện một số từ thuộc ngôn ngữ Tày cổ còn lưu
lại trong địa danh khu vực Cổ Loa, trong đó quan trọng nhất là địa danh “Viềng”. Viềng
trong tiếng Tày cổ có nghĩa là thành, xuất phát từ việc An Dương Vương xây thành trên
đất Cổ Loa. Có thể chữ “Viềng” sau được dân gian dùng để gọi tên một số làng trong
phạm vi khu vực thành Cổ Loa xưa. Đặc biệt hơn là khi nghiên cứu cấu trúc thành Cổ
Loa, các nhà dân tộc học nhận thấy rất rõ nét tương đồng của nó so với kết cấu thành
Xam Mứn của người Thái xây dựng khoảng thế kỷ XIII-XIV ở Mường Thanh (Điện Biên
Phủ). Hai toà thành này về cơ bản đều có ba lớp luỹ thành. Thành Xam Mứn được xây
dựng ven sông Nậm Rốm có ba vòng là: Vòng thành trong gọi là Viềng công, vòng thành
giữa gọi là Viềng tó, vòng thành ngoài gọi là Viềng nọ. Đồn canh của thành gọi là Che;
phía ngoài Che có những luỹ bảo vệ gọi là Dom Che. Không chỉ giống về cấu trúc mà tên
gọi các bộ phận thành của thành Cổ Loa cũng tương tự thành Xam Mứn. Những địa danh
còn ở Cổ Loa như: Tó, Dục Nội, Uy Nỗ, Cường Nỗ, Kính Nỗ… chính là mang âm nguyên gốc hoặc biến âm từ những Đồn- Tó-Nọ… trong tiếng Tày – Thái20.

Có thể hình dung người Tày cổ – bộ tộc Tây Âu biết cách đắp thành từ rất sớm, đã đem kinh nghiệm đắp thành xuống vùng đồng bằng, tích hợp với kỹ thuật đắp đê truyền thống của người Lạc Việt tại đây. Cuối cùng, một toà thành Cổ Loa đồ sộ và kiên cố đã được xây dựng nhờ sự chung sức của cả hai cộng đồng Tây Âu và Lạc Việt. Điều này cũng góp phần cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa vùng Cổ Loa và miền núi phía Bắc, giữa An DươngVương và người Tày cổ.

Nhà Thái học Cầm Trọng khi nghiên cứu sử thi Táy Pú Xớc đã đưa ra một gợi ý khá thú vị là Thục Phán chỉ là tên phiên âm Hán – Việt của Túc Phắn, mà Túc Phắn là nhân vật Pú Túc Phắn (Ông Đánh Chém – Thủ lĩnh chinh chiến) trong Táy Pú Xớc của người Thái. Giả thuyết này đã được GS Trần Quốc Vượng và nhiều người nghiên cứu lịch sử – văn hoá Việt Nam đồng tình21

Nguồn tư liệu dân gian còn cho thấy lòng tôn kính của người dân Cổ Loa đối với Thục Phán – An Dương Vương. Người dân Cổ Loa hết sức tự hào vì quê hương họ được chọn làm đất đóng đô của An Dương Vương, vì những vòng luỹ thành bao quanh làng mình xưa là thành trì của vua Thục. Họ luôn luôn coi toà thành là thánh địa, là một khu vực bất khả xâm phạm. Hương ước Cổ Loa lập đầu thế kỷ XX, điều 47 quy định rất cụ thể việc giữ gìn và bảo vệ nguyên trạng toà thành Cổ Loa cổ kính.

Việc thờ cúng An Dương Vương đã trở thành truyền thống văn hoá – tín ngưỡng lớn ở Cổ Loa. Lễ tế An Dương Vương hàng năm và cả trong cúng Tết của người Cổ Loa không thể thiếu món bánh chưng tròn dài, gọi là Bánh chưng Tày. Lễ hội ở đền Thượng (ngày 6 tháng Giêng) luôn được tổ chức một cách chu đáo và trở thành một lẽ sống thiêng liêng của mỗi một người dân trong vùng:

“Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống thì không bỏ mồng sáu tháng Giêng”.

Những tư liệu dân gian như thế chắc chắn còn phải được tiếp tục lọc nhiễu và phân
tích, nhưng đặt trong mối quan hệ tổng thể với các nguồn tư liệu thư tịch và nhất là tư
liệu khảo cổ học được phát hiện trong mấy thập kỷ gần đây, đã xác nhận một cách rõ
ràng nguồn gốc người Tày cổ của Thục Phán – An Dương Vương. Thục Phán – An
Dương Vương là thủ lĩnh của liên minh bộ lạc Tây Âu sống liền kề bộ lạc Văn Lang chứ
không phải là con vua nước Thục ở mãi tận Tứ Xuyên, Trung Quốc. Chỉ có vậy mới có
thể giải thích được những truyền thuyết, những địa danh, những nét tương đồng văn hoá
đã trình bày ở trên cũng như thái độ cảm mến và kính ngưỡng của dân gian đối với người anh hùng dựng nước Thục Phán – An Dương Vương.

Năm 221 Tr CN, Tần Doanh Chính kết thúc cuộc nội chiến thời Chiến Quốc, thống nhất lãnh thổ toàn Trung Hoa, dựng nên một đế quốc tập quyền lớn mạnh, tự xưng là Tần Thủy Hoàng đế và tiến hành chiến tranh mở rộng lãnh thổ ra hai phía Bắc, Nam. Ở
phía Nam, kế tục mưu đồ “bình Bách Việt” của nước Sở trước đây, năm 218 TrCN, nhà
Tần đã phát 50 vạn quân do Đồ Thư cầm đầu chia làm 5 đạo đi chinh phục Bách Việt.
Sau khi chiếm được đất Đông Việt, Mân Việt lập ra các quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng
Quận, năm 214 TrCN, quân Tần đã áp sát địa bàn Tây Âu và Lạc Việt. Cao Bằng- trung
tâm của nước Nam Cương của Thục Phán đã trở thành tuyến đầu của cuộc kháng chiến
chống Tần của cả hai bộ tộc Tây Âu, Lạc Việt. Theo sách Hoài Nam tử thì: “Trong ba
năm [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy
binh lính đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân
trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống”.

Có thể hình dung cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt và về phía lực lượng kháng chiến cũng không tránh khỏi tổn thất nặng nề. Tuy vậy sự hy sinh của người dân và tù trưởng Tây Âu Dịch Hu Tống trên tuyến đầu không làm cho Tây Âu, Lạc Việt nao núng. Trái lại, vẫn theo sách Hoài Nam tử , lúc đó trước thế mạnh của quân Tần “người Việt vào rừng ở với cầm thú, không chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh nhau với quân Tần”. Người kiệt tuấn đó không phải ai khác mà chính là Thục Phán. Việc cả Nam Cương và Văn Lang, cả Âu Việt và Lạc Việt đều thống nhất cử Thục Phán làm người chỉ huy chung cao nhất toàn bộ cuộc kháng chiến đã phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của tinh thần yêu nước, của ý chí đoàn kết quyết tâm bảo vệ trọn vẹn non sông, lãnh thổ.

Thần tích đền Chèm (Từ Liêm) và sách Lĩnh Nam chích quái cho biết trước cuộc tấn
công của quân Tần, An Dương Vương đã cống Lý Ông Trọng cho quân Tần để cầu hoà.
Lý Ông Trọng (Lý Thân) vốn không phải là tướng của An Dương Vương mà là tướng
của Hùng Vương thuộc nước Văn Lang. Chi tiết này xác nhận An Dương Vương thực sự
là người đứng đầu lãnh đạo kháng chiến và đại diện chung cho toàn bộ cộng đồng Nam
Cương, Văn Lang.

Hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt vốn gần gũi về dòng máu, về địa vực cư trú, về kinh tế và văn hoá lại có điều kiện liên kết chặt chẽ với nhau hơn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là quân Tần dưới sự lãnh đạo chung của Thục Phán. Lực lượng kháng chiến của người Việt do biết đoàn kết thành một mối, có tổ chức và chỉ đạo thống nhất đã phát triển nhanh chóng, trong khi quân Tần càng ngày càng bị dồn vào tình thế nguy khốn và tuyệt vọng. Trên đà chiến thắng, người Việt (Âu Việt và Lạc Việt) tổ chức các trận đánh lớn liên tiếp tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Tần là Đồ Thư,
buộc nhà Tần phải bãi binh.

Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta chống lại hoạ xâm lược và nô dịch của kẻ thù phương Bắc. Trong cuộc chiến đấu này, vai trò và uy tín của Thục Phán, người thủ lĩnh kiệt xuất của liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng được nâng cao, không chỉ ở trong bộ lạc Tây Âu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong cả bộ lạc Lạc Việt. Sau khi kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt – Tây Âu đã hình thành và uy tín của Thục Phán ngày càng cao, Thục Phán đã quyết định thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc.

Tên nước Âu Lạc bao gồm hai thành tố là Âu (Tây Âu/ Âu Việt) và Lạc (Lạc Việt), phản ánh sự liên kết của hai nhóm người Lạc Việt và Tây Âu. Trong triều vua Thục vẫn có Lạc hầu và các địa phương vẫn do Lạc tướng cai quản – nghĩa là trên căn bản nhà nước Âu Lạc vẫn được tổ chức theo mô hình nhà nước Văn Lang của Hùng Vương. Lãnh thổ nước Âu Lạc cũng được mở rộng trên cơ sở sáp nhập hai vùng lãnh thổ Văn Lang và Nam Cương. Trong quá trình thành lập nước Âu Lạc chắc chắn không tránh khỏi những mâu thuẫn, thậm chí là cả những xung đột, chống đối như sách (Đại) Việt sử lược và một số thần tích, truyền thuyết dân gian phản ánh.

Tuy nhiên phải thấy rõ một thực tế là nước Âu Lạc ra đời trong hào quang chiến thắng, sự thành lập nước Âu Lạc gắn liền với thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Tần do Thục Phán lãnh đạo chứ hoàn toàn không phải là một cuộc chiến tranh thôn tính. Đây về căn bản chỉ là kết quả của một quá trình hợp nhất cư dân và đất đai của Lạc Việt và Âu Việt, của vua Hùng và vua Thục. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang. Nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong khoảng thời gian không đầy 30 năm (từ năm 208 đến năm 179 tr CN), nhưng cũng đã có những đóng góp đặc biệt to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước.

Thành quả nghiên cứu về nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và sự hình thành nước Âu Lạc mấy chục năm qua đã góp phần làm sáng rõ thời đại dựng và giữ nước
đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, thời đại đắp móng xây nền và quyết định đường hướng
phát triển của lịch sử đất nước. Việc hiểu rõ nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương và
sự thành lập nước Âu Lạc còn là cơ sở để nhìn nhận một cách chính xác khuynh hướng vận động chủ đạo của của lịch sử Việt Nam là đoàn kết, tập hợp mọi thành phần cư dân, mọi lực lượng của đất nước trong sứ mệnh lịch sử chung.


Quá trình hình thành và phát triển của lịch sử Việt Nam là quá trình vừa mở rộng, vừa quy tụ; quy tụ là cơ sở để mở rộng và mở rộng lại làm tăng thêm sức quy tụ. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một cộng đồng cư dân nhiều tộc người, có tộc người đa số, có những tộc người thiểu số, có những tộc người gia nhập cộng đồng ngay từ thời kỳ đầu dựng nước, có những tộc người gia nhập cộng đồng muộn hơn, nhưng một khi đã tự nguyện hoà chung vào cộng đồng dân tộc Việt Nam thì đều chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ đất nước. Họ đều là những chủ nhân chân chính và vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam.

NGUỒN
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
CN. Trần Minh An
(Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top