Hanamizuki
New member
- Xu
- 0
Về mặt sinh học mà nói thì vươn cổ gáy là chuyện bản năng của con gà trống, giống loài nó đã gáy từ thời tổ tiên để lên tiếng về sự có mặt của mình trong vũ trụ, để chứng minh sự tồn tại của mình giữa muôn vàn sinh vật khác. Không gian càng vắng vẻ, lũ gà càng gáy to. Lại về mặt bản năng mà nói thì tiếng gáy của con gà trống là để…ra oai, để thu hút bạn tình (tất nhiên là lũ gà mái), nên mới có chuyện “con gà ghét nhau tiếng gáy”. Từ lũ gà thanh niên trai tráng tới ông lão gà hom hem cũng đều thể hiện mình bằng tiếng gáy, gáy cho cao giọng, cho oai vệ, cho át được tiếng gáy của những thằng gà khác, chung cuộc cũng là mong lũ gà mái để mắt tới mình, ngưỡng mộ sự oai phong qua tiếng gáy hùng dũng của mình để bu quanh chân mình, mong mình che chở.
(Con gà trống, nguồn: Google)
Và có lẽ, đối với loài người, từ thời nguyên thủy, thời mà nhân loại còn chưa phát minh ra được cái đồng hồ thì giá trị của loài gà có lẽ nằm ở chức năng….báo thức. Trong các huyền thoại khai phá vũ trụ của nhiều nước trên thế giới, gà được coi như một vị thần có quyền năng gọi mặt trời mọc để soi sáng cho con người, cho con người ánh nắng để tồn tại và lao động mưu sinh. Ngay trong câu đố dân gian dưới đây, cũng có thể cho ta thấy chức năng quan trọng nhất của con gà đối với loài người là như thế nào rồi:
Con chi mào đỏ lông mượt như tơ
Sáng sớm tinh mơ, gọi người ta dậy?
Tuy nhiên, nếu chịu khó lục lọi trong kho tàng ca dao của người Việt, tìm kiếm những câu ca dao có nhắc đến gà thì sẽ thấy, chức năng báo thức của loài gà hầu như chẳng được con người coi trọng mà lắm lúc, chính vì tiếng gáy đó mà lũ gà phải rước họa vào thân. Đặc biệt là trong mảng ca dao có chủ đề về tình yêu trai gái thì con gà (chính xác là tiếng gà gáy) lại được xem như là một kẻ thù không đội trời chung với đêm tối – khoảng thời gian mà trai gái yêu nhau thường dùng để…yêu nhau.
Ngay những ngày đầu quen biết, để bộc bạch nỗi lòng mình, để thể hiện tình thương mến thương với người con gái mình yêu, các chàng trai quê đã không ngại... nhét lời mình vào mồm con gà mái mẹ:
Con gái mái nó nhảy ổ kêu rằng
Ruộng cao rào kín anh thương em đã chín tháng rày
Còn ba tháng nữa thì đầy một năm
Không chỉ có vậy, ngay tiếng líp nhíp đòi ăn hồn nhiên của lũ gà nhóc con cũng là cái cớ để trai đơn lựa lời tán tỉnh gái chiếc:
Con gà hắn kêu "chiếc chiếc"
Hắn kêu tha thiết, kêu cả năm canh
Kêu "cô sản lưu thuỷ bất vi thần"
Trời kia khéo để duyên lành ngẩn ngơ
Thậm chí, con gà còn trở thành vật...hy sinh hiến tế cho người ta chứng minh tình yêu son sắt với nhau sau khi họ đã chán thề thốt bằng sông cạn đá mòn hay nhật nguyệt sáng soi:
-Muối kia đổ ruột con gà
Mẹ mình không xót bằng ta xót mình
-Tay cầm cái dao, tay trao cái rổ, cắt cổ con gà
Tiếng oan tôi chịu, thịt thà ai ăn
Nỗi oan của con gà đâu có ai thấu ai hay, chuyện ân ái không thành người ta nhăm nhăm đổ thừa cho con gà phá rối, để kết nghĩa kim bằng, phu phụ người ta cũng đem con gà ra…cắt cổ mà uống huyết thề bồi với nhau, lẽ nào thiên hạ người ta nghĩ rằng khi trong huyết quản của nhau đều hòa chung những giọt máu tươi từ một con gà thì họ sẽ xem nhau như người cùng chung huyết thống, một lòng một dạ, chẳng bao giờ bội phản với nhau? Nhưng suy cho cùng, giống gà đâu phải là loài vật chung thủy như đôi chim cuốc, như cặp uyên ương hay như chim loan chim phụng? Ngay cái câu đố dân gian dưới đây cũng đã cho thấy sự đa tình lang chạ linh tinh của con gà trống rồi:
Đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên
Ngày năm bảy vợ nửa đêm la làng?
Và cũng bởi cái tội “nửa đêm la làng”, báo sang canh hết lần này đến lần khác cho đến tận sớm mai, nên con gà cũng không ít lần bị con người…ghét bỏ và dọa giết:
Chiều nay cắt cổ con gà vàng
Kẻo khuya nó gáy đôi đàng biệt ly
Dự là câu ca dao này được cất lên trong những đêm hội của làng xã ngày xưa, những đêm hát giao duyên huê tình của liền anh liền chị, hát ngày này qua ngày khác, đêm nọ qua đêm kia, càng hát càng say, say câu hát, say giai điệu, say trăng, say đêm và...say nhau. Tại say nên người ta sợ đến thời điểm phải chia tay nhau, liền anh về phía liền anh, liền chị về nơi liền chị. Người ta mong đêm cứ dài ra mãi, trăng cứ treo mãi trên cao, người ta sợ lũ gà cần mẫn không quên nhiệm vụ mà gáy gọi ông trời, gà gáy sang canh thì cuộc vui sẽ tàn, người ta phải quay về với đời sống lam lũ thường nhật của mình, phải chia tay bạn hát chỉ vừa kịp tâm đầu ý hợp. Thế nên trong câu hát dằn dai níu kéo giữa đôi bên, người ta nhăm nhăm đòi...cắt cổ con gà vô tội. Người trai hát lên câu hát đó, dầu một cách kín đáo, người gái cũng dư sức hiểu bên kia đã quyến luyến mình rồi, chỉ muốn được ở bên mình lâu hơn. Nhưng dẫu cho tình đã chịu tình, dẫu cho lòng người níu kéo:
Người về ta chẳng cho về
Ta níu vạt áo, ta đề câu thơ
Thì người ra đi cũng phải ra đi, dẫu trong lòng giông bão:
Em về em những khóc thầm
Hai bên vạt áo ướt dầm như mưa
Nguyên do là vì đâu? là vì đêm đã tàn, là vì ngày đã rạng? nhưng vì sao mà đêm rạng ngày tàn? là vì lũ gà vô tình vô cảm, cứ việc mình mình làm mà không thấu được lòng khát khao gần nhau thêm nữa của lứa đôi, khi người ta chỉ vừa kịp mến nhau qua những lời tâm tình đổi trao tha thiết:
-Trách con gà gáy vô tình
Chưa vui sum họp, đôi mình đành xa
-Đêm khuya gà gáy vang trời
Bầm gan tím ruột vì lời em than
Những lời rủ rỉ tâm tình, nhưng lời yêu thương nỉ non tha thiết của gái trai còn lúc nào thích hợp để bày tỏ hơn là vào những đêm thanh vắng, khi mà loài người đã ngủ say, loài gà đã ngủ say, chỉ còn trăng sao trên cao làm chứng. Vậy mà bao nhiêu lời tự tình âu yếm vẫn còn dang dở, bao thương yêu chưa trọn gởi trao đã bị con gà phá bĩnh:
-Anh với em chưa hết đặng câu,
Bỗng đâu gà gáy trống trên lầu sang canh,
-Đêm khuya gió quạt trăng tàn
Trách con gà trống gáy tan tình cờ
Thế nên mới có chuyện, không ít lần con gà bị mang ra chửi bới khi âm mưu…yêu nhau của ai đó chưa kịp được biến thành hành động:
Chém cha tổ mẹ con gà
Nàng vừa xiêu dạ, nó đà gáy te
Con gà đã gây ra tội tình gì nặng đến mức mà chàng đòi chém cha, chém tổ, chém mẹ nó? Nó chỉ gáy thôi mà, việc của gà là gáy, con gà cứ tới lúc cần gáy thì nó gáy, nó gáy để gọi mặt trời lên, giục giã con người ra đồng hay lên nương rẫy để lao động kiếm miếng ăn. Nó gáy để báo thức cho con người tỉnh giấc, rằng ngủ như vậy là đủ rồi, tới giờ dậy rồi. Nó đâu thể nào biết có ai kia đang cần đêm tối kéo dài thêm vài canh nữa? Mà cái con người kia, đang làm chuyện gì quan trọng tới mức cần đêm thêm sâu, cần gà ngưng gáy, à thì ra là chàng:
Đêm khuya nghe vạc cầm canh
Nghe chuông dóng sáu, nghe anh…dỗ nàng
Anh khuyên, nàng đã hồ nghe
Trách con gà trống le te gáy dồn
Thì ra là chàng đang dỗ dành người tình, không biết dỗ dành chuyện gì mà có vẻ mất công lắm, mất thời gian lắm, mất đến 6 canh giờ, đến khi chuông đêm dóng đến tiếng thứ 6 thì công cuộc dỗ dành của chàng coi bộ sắp sửa thành công, nàng đã “hồ nghe”, đã xiêu xiêu trong dạ, chàng đã sắp đạt được mục đích của mình thì…tức ơi là tức, sớm không gáy, muộn không gáy, lựa ngay lúc đó “con gà trống le te gáy dồn” gọi ông mặt trời dậy.
Còn chàng trai dưới đây chắc cũng không dám nói ra nhưng trong lòng thì tức tối chửi thầm con gà trống vô duyên tự dưng lại gáy dập gáy dồn khi chàng ta đã sắp sửa đạt thành cái âm mưu mà chàng đã hằng đêm ao ước, khát khao:
Ước gì anh đặng vô phòng
Loan ôm lấy phụng, phụng bồng lấy loan
Ngặt con gà quá đỗi vô doan
Mới vừa nằm xuống, nó đã lon ton gáy dồn
Ừ thì gà đã gáy vang trời vang đất, bình minh rạng rỡ rồi, ai còn có thể làm cái việc chỉ làm vào ban đêm được nữa? Ông mặt trời thức dậy rồi, loài gà cũng thức dậy rồi, loài người cũng nên thức dậy...rửa mặt, tập thể dục và làm việc ngay thôi
Không chỉ là kẻ thù không đội trời chung với trai gái yêu nhau, đang rình rập nhau mong đêm dài ngày ngắn, mà lắm lúc tiếng gà gáy sáng cũng được cha ông xưa ví von như một thứ của nợ chướng tai gai mắt đối với những người đàn bà mong cho đêm dài hơn, cho thời khắc gần gũi giao hoan với người đàn ông của mình được kéo dài lâu hơn chút nữa. Câu ca dao giận dỗi, dằn hắt dưới đây của người đàn bà khao khát gần chồng, khao khát được chồng yêu như đổ hết nỗi hờn giận lên đầu con gà mà thật ra là phải đổ lên người đàn ông của nàng mới phải:
Đêm mong chồng, chồng chẳng xuống cho
Đến khi chồng xuống, gà đã o o gáy dồn!
Và cũng có không ít người đàn bà, khi ở bên cạnh người đàn ông họ khát khao thì đêm chẳng bao giờ là đủ, họ tính toán, ghi sổ thật cẩn thận số lần…ân ái, để đến khi thấy thiếu dù chỉ một lần, họ lại quay ra đòi “chém cha” con gà, bởi tại nó mà đêm ngắn lại, cắt ngang niềm vui sướng của mình. Người đàn bà dưới đây cảm thấy tiếc khi đã không…làm thịt con gà từ chiều cho đêm nay không còn tiếng gáy, cho nàng nhận đủ số lần yêu với người đàn ông mà bao lâu rồi mang mong ngóng:
Tính rằng đêm bảy ngày ba
Mỗi đêm có sáu, gà đà sang canh
Chém cha con gà trống nó đậu trên cành
Giá biết như vậy bà đã làm gỏi, nấu canh ăn rồi
Đó, đã mang thân phận con gà, sinh ra làm chiếc đồng hồ báo thức cho loài người, đêm thức dậy không biết bao nhiêu lần để gáy sang canh vậy mà vẫn bị con người hăm he đòi giết, đòi cắt cổ uống huyết, làm gỏi, nấu canh. Có sung sướng gì đâu sinh ra với kiếp gà mà sao loài người vẫn không ít lần ao ước được hóa thân khi đối diện với đời người trăm nghìn mỏi mệt:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm con gà trống chơi bời thả thuê
Lại oan cho con gà trống nữa rồi, chỉ hơi hơi đa tình chút thôi chứ chơi bời đâu mà chơi bời kia chứ?
Nguồn: Bản tin Đại học quốc gia, xuân 2017
(Con gà trống, nguồn: Google)
Và có lẽ, đối với loài người, từ thời nguyên thủy, thời mà nhân loại còn chưa phát minh ra được cái đồng hồ thì giá trị của loài gà có lẽ nằm ở chức năng….báo thức. Trong các huyền thoại khai phá vũ trụ của nhiều nước trên thế giới, gà được coi như một vị thần có quyền năng gọi mặt trời mọc để soi sáng cho con người, cho con người ánh nắng để tồn tại và lao động mưu sinh. Ngay trong câu đố dân gian dưới đây, cũng có thể cho ta thấy chức năng quan trọng nhất của con gà đối với loài người là như thế nào rồi:
Con chi mào đỏ lông mượt như tơ
Sáng sớm tinh mơ, gọi người ta dậy?
Tuy nhiên, nếu chịu khó lục lọi trong kho tàng ca dao của người Việt, tìm kiếm những câu ca dao có nhắc đến gà thì sẽ thấy, chức năng báo thức của loài gà hầu như chẳng được con người coi trọng mà lắm lúc, chính vì tiếng gáy đó mà lũ gà phải rước họa vào thân. Đặc biệt là trong mảng ca dao có chủ đề về tình yêu trai gái thì con gà (chính xác là tiếng gà gáy) lại được xem như là một kẻ thù không đội trời chung với đêm tối – khoảng thời gian mà trai gái yêu nhau thường dùng để…yêu nhau.
Ngay những ngày đầu quen biết, để bộc bạch nỗi lòng mình, để thể hiện tình thương mến thương với người con gái mình yêu, các chàng trai quê đã không ngại... nhét lời mình vào mồm con gà mái mẹ:
Con gái mái nó nhảy ổ kêu rằng
Ruộng cao rào kín anh thương em đã chín tháng rày
Còn ba tháng nữa thì đầy một năm
Không chỉ có vậy, ngay tiếng líp nhíp đòi ăn hồn nhiên của lũ gà nhóc con cũng là cái cớ để trai đơn lựa lời tán tỉnh gái chiếc:
Con gà hắn kêu "chiếc chiếc"
Hắn kêu tha thiết, kêu cả năm canh
Kêu "cô sản lưu thuỷ bất vi thần"
Trời kia khéo để duyên lành ngẩn ngơ
Thậm chí, con gà còn trở thành vật...hy sinh hiến tế cho người ta chứng minh tình yêu son sắt với nhau sau khi họ đã chán thề thốt bằng sông cạn đá mòn hay nhật nguyệt sáng soi:
-Muối kia đổ ruột con gà
Mẹ mình không xót bằng ta xót mình
-Tay cầm cái dao, tay trao cái rổ, cắt cổ con gà
Tiếng oan tôi chịu, thịt thà ai ăn
Nỗi oan của con gà đâu có ai thấu ai hay, chuyện ân ái không thành người ta nhăm nhăm đổ thừa cho con gà phá rối, để kết nghĩa kim bằng, phu phụ người ta cũng đem con gà ra…cắt cổ mà uống huyết thề bồi với nhau, lẽ nào thiên hạ người ta nghĩ rằng khi trong huyết quản của nhau đều hòa chung những giọt máu tươi từ một con gà thì họ sẽ xem nhau như người cùng chung huyết thống, một lòng một dạ, chẳng bao giờ bội phản với nhau? Nhưng suy cho cùng, giống gà đâu phải là loài vật chung thủy như đôi chim cuốc, như cặp uyên ương hay như chim loan chim phụng? Ngay cái câu đố dân gian dưới đây cũng đã cho thấy sự đa tình lang chạ linh tinh của con gà trống rồi:
Đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên
Ngày năm bảy vợ nửa đêm la làng?
Và cũng bởi cái tội “nửa đêm la làng”, báo sang canh hết lần này đến lần khác cho đến tận sớm mai, nên con gà cũng không ít lần bị con người…ghét bỏ và dọa giết:
Chiều nay cắt cổ con gà vàng
Kẻo khuya nó gáy đôi đàng biệt ly
Dự là câu ca dao này được cất lên trong những đêm hội của làng xã ngày xưa, những đêm hát giao duyên huê tình của liền anh liền chị, hát ngày này qua ngày khác, đêm nọ qua đêm kia, càng hát càng say, say câu hát, say giai điệu, say trăng, say đêm và...say nhau. Tại say nên người ta sợ đến thời điểm phải chia tay nhau, liền anh về phía liền anh, liền chị về nơi liền chị. Người ta mong đêm cứ dài ra mãi, trăng cứ treo mãi trên cao, người ta sợ lũ gà cần mẫn không quên nhiệm vụ mà gáy gọi ông trời, gà gáy sang canh thì cuộc vui sẽ tàn, người ta phải quay về với đời sống lam lũ thường nhật của mình, phải chia tay bạn hát chỉ vừa kịp tâm đầu ý hợp. Thế nên trong câu hát dằn dai níu kéo giữa đôi bên, người ta nhăm nhăm đòi...cắt cổ con gà vô tội. Người trai hát lên câu hát đó, dầu một cách kín đáo, người gái cũng dư sức hiểu bên kia đã quyến luyến mình rồi, chỉ muốn được ở bên mình lâu hơn. Nhưng dẫu cho tình đã chịu tình, dẫu cho lòng người níu kéo:
Người về ta chẳng cho về
Ta níu vạt áo, ta đề câu thơ
Thì người ra đi cũng phải ra đi, dẫu trong lòng giông bão:
Em về em những khóc thầm
Hai bên vạt áo ướt dầm như mưa
Nguyên do là vì đâu? là vì đêm đã tàn, là vì ngày đã rạng? nhưng vì sao mà đêm rạng ngày tàn? là vì lũ gà vô tình vô cảm, cứ việc mình mình làm mà không thấu được lòng khát khao gần nhau thêm nữa của lứa đôi, khi người ta chỉ vừa kịp mến nhau qua những lời tâm tình đổi trao tha thiết:
-Trách con gà gáy vô tình
Chưa vui sum họp, đôi mình đành xa
-Đêm khuya gà gáy vang trời
Bầm gan tím ruột vì lời em than
Những lời rủ rỉ tâm tình, nhưng lời yêu thương nỉ non tha thiết của gái trai còn lúc nào thích hợp để bày tỏ hơn là vào những đêm thanh vắng, khi mà loài người đã ngủ say, loài gà đã ngủ say, chỉ còn trăng sao trên cao làm chứng. Vậy mà bao nhiêu lời tự tình âu yếm vẫn còn dang dở, bao thương yêu chưa trọn gởi trao đã bị con gà phá bĩnh:
-Anh với em chưa hết đặng câu,
Bỗng đâu gà gáy trống trên lầu sang canh,
-Đêm khuya gió quạt trăng tàn
Trách con gà trống gáy tan tình cờ
Thế nên mới có chuyện, không ít lần con gà bị mang ra chửi bới khi âm mưu…yêu nhau của ai đó chưa kịp được biến thành hành động:
Chém cha tổ mẹ con gà
Nàng vừa xiêu dạ, nó đà gáy te
Con gà đã gây ra tội tình gì nặng đến mức mà chàng đòi chém cha, chém tổ, chém mẹ nó? Nó chỉ gáy thôi mà, việc của gà là gáy, con gà cứ tới lúc cần gáy thì nó gáy, nó gáy để gọi mặt trời lên, giục giã con người ra đồng hay lên nương rẫy để lao động kiếm miếng ăn. Nó gáy để báo thức cho con người tỉnh giấc, rằng ngủ như vậy là đủ rồi, tới giờ dậy rồi. Nó đâu thể nào biết có ai kia đang cần đêm tối kéo dài thêm vài canh nữa? Mà cái con người kia, đang làm chuyện gì quan trọng tới mức cần đêm thêm sâu, cần gà ngưng gáy, à thì ra là chàng:
Đêm khuya nghe vạc cầm canh
Nghe chuông dóng sáu, nghe anh…dỗ nàng
Anh khuyên, nàng đã hồ nghe
Trách con gà trống le te gáy dồn
Thì ra là chàng đang dỗ dành người tình, không biết dỗ dành chuyện gì mà có vẻ mất công lắm, mất thời gian lắm, mất đến 6 canh giờ, đến khi chuông đêm dóng đến tiếng thứ 6 thì công cuộc dỗ dành của chàng coi bộ sắp sửa thành công, nàng đã “hồ nghe”, đã xiêu xiêu trong dạ, chàng đã sắp đạt được mục đích của mình thì…tức ơi là tức, sớm không gáy, muộn không gáy, lựa ngay lúc đó “con gà trống le te gáy dồn” gọi ông mặt trời dậy.
Còn chàng trai dưới đây chắc cũng không dám nói ra nhưng trong lòng thì tức tối chửi thầm con gà trống vô duyên tự dưng lại gáy dập gáy dồn khi chàng ta đã sắp sửa đạt thành cái âm mưu mà chàng đã hằng đêm ao ước, khát khao:
Ước gì anh đặng vô phòng
Loan ôm lấy phụng, phụng bồng lấy loan
Ngặt con gà quá đỗi vô doan
Mới vừa nằm xuống, nó đã lon ton gáy dồn
Ừ thì gà đã gáy vang trời vang đất, bình minh rạng rỡ rồi, ai còn có thể làm cái việc chỉ làm vào ban đêm được nữa? Ông mặt trời thức dậy rồi, loài gà cũng thức dậy rồi, loài người cũng nên thức dậy...rửa mặt, tập thể dục và làm việc ngay thôi
Không chỉ là kẻ thù không đội trời chung với trai gái yêu nhau, đang rình rập nhau mong đêm dài ngày ngắn, mà lắm lúc tiếng gà gáy sáng cũng được cha ông xưa ví von như một thứ của nợ chướng tai gai mắt đối với những người đàn bà mong cho đêm dài hơn, cho thời khắc gần gũi giao hoan với người đàn ông của mình được kéo dài lâu hơn chút nữa. Câu ca dao giận dỗi, dằn hắt dưới đây của người đàn bà khao khát gần chồng, khao khát được chồng yêu như đổ hết nỗi hờn giận lên đầu con gà mà thật ra là phải đổ lên người đàn ông của nàng mới phải:
Đêm mong chồng, chồng chẳng xuống cho
Đến khi chồng xuống, gà đã o o gáy dồn!
Và cũng có không ít người đàn bà, khi ở bên cạnh người đàn ông họ khát khao thì đêm chẳng bao giờ là đủ, họ tính toán, ghi sổ thật cẩn thận số lần…ân ái, để đến khi thấy thiếu dù chỉ một lần, họ lại quay ra đòi “chém cha” con gà, bởi tại nó mà đêm ngắn lại, cắt ngang niềm vui sướng của mình. Người đàn bà dưới đây cảm thấy tiếc khi đã không…làm thịt con gà từ chiều cho đêm nay không còn tiếng gáy, cho nàng nhận đủ số lần yêu với người đàn ông mà bao lâu rồi mang mong ngóng:
Tính rằng đêm bảy ngày ba
Mỗi đêm có sáu, gà đà sang canh
Chém cha con gà trống nó đậu trên cành
Giá biết như vậy bà đã làm gỏi, nấu canh ăn rồi
Đó, đã mang thân phận con gà, sinh ra làm chiếc đồng hồ báo thức cho loài người, đêm thức dậy không biết bao nhiêu lần để gáy sang canh vậy mà vẫn bị con người hăm he đòi giết, đòi cắt cổ uống huyết, làm gỏi, nấu canh. Có sung sướng gì đâu sinh ra với kiếp gà mà sao loài người vẫn không ít lần ao ước được hóa thân khi đối diện với đời người trăm nghìn mỏi mệt:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm con gà trống chơi bời thả thuê
Lại oan cho con gà trống nữa rồi, chỉ hơi hơi đa tình chút thôi chứ chơi bời đâu mà chơi bời kia chứ?
Nguồn: Bản tin Đại học quốc gia, xuân 2017