• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Những phóng sự về chiến tranh

Một chuyến viếng thăm Tướng Loan: 1971

Chân dung một kẻ chuyên chế hết thời


Tom Buckley
Harper Magazine, tháng 4-1972.

“Ông nhớ mang theo 1 thùng bia” - người sắp xếp cuộc hẹn nói – “Ông ta sẽ đánh giá cao nó đấy”.

Tôi nghĩ mình đang nghe 1 câu nói đùa, nhưng tôi vẫn trèo lên tầng 3 của Bộ Quốc phòng với 1 thùng bia Budweiser – 2,40 USD tại cửa hàng quân tiếp vụ Mỹ - trên vai. Khi tôi đặt nó xuống trong văn phòng của ông ta, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan lúng túng nhỏm dậy trên chiếc chân kẹp nẹp của mình để bắt tay. Ông ta nhìn xoáy vào tôi. Cuối cùng ông ta nói: “Tôi nhớ anh” với vẻ đắc thắng trong giọng nói. Đôi mắt ông ta rời khỏi tôi. Lúc đó mới có 10:30 sáng, nhưng trên bàn ông ta có 1 chai bia 33 rỗng và 1 cái ly không (như vậy ông ta sẽ đánh giá cao thứ bia Budweiser này). Đó là một văn phòng nhỏ nằm cuối hành lang, không trang hoàng và hầu như không có đồ đạc gì nhiều. Thay cho 1 chiếc tủ đựng hồ sơ có khóa số đựng các tài liệu mật thì chỉ có 1 cái tủ lạnh nhỏ. Một anh lính chất những chai bia Budweiser tôi vừa mang tới vào đó để ướp lạnh.


Loan đã được thăng chức vào hàng tướng 2 sao thực thụ chỉ cách nay vài ngày. Ông ta nhún vai chặn lời chúc mừng của tôi:

“Đó chĩ là trò hề”, ông ta nói, “Tôi không có quân lính và không có nhiệm vụ gì cả. Tôi đảm trách việc lập kế hoạch dài hạn, có thể cho cuộc chiến tranh kế tiếp. Tôi đòi về hưu nhưng họ không cho, nên họ cho tôi 2 sao và thêm vài đồng tiền lẻ. Tôi có thể sống bằng lương của mình, vợ tôi không phàn nàn, nhưng tôi có thể kiếm được 1 công việc béo bở trong kinh doanh. Tôi có thể kiếm nhiều gấp 2 lần. Dù gì tôi cũng đã học 1 khóa quản lý tại MIT”


Ông ta hít 1 hơi thuốc lá, và tiếng cười của ông ta – hầu như là khùng khục – bị vỡ vụn bởi tràng ho khan.
Thật khác hẳn lần cuối cùng tôi gặp ông ta, tháng 3-1968. Lúc đó Loan là giám đốc Tổng nha cảnh sát. Từ phía sau các bức tường doanh trại bộ chỉ huy của ông ta, 1 nơi mang đầy điềm gở mà chỉ ít ngườI VN đến gần nếu họ có thể tránh nó. Ông ta chỉ huy 70.000 người – cảnh sát, đặc vụ, những tiểu đoàn bán quân sự của Lực lượng cảnh sát dã chiến và đội quân gián điệp cùng điểm chỉ viên. Quyền lực của ông ta là quyền lực của sự sống và cái chết, và theo lệnh ông ta, 10 ngàn người đã bị giam trong những chuồng cọp ở Côn Đảo và những nơi khác; bị tra tấn trong những trung tâm thẩm vấn kinh khiếp của các tỉnh; bị ám sát, bị xử tử hoặc đơn giản hơn là không còn được nghe nhắc tới nữa.


Nhưng cho dù như thế, 2 trong số 3 sự kiện dẫn đến việc ông ta mất quyền lực đã xảy ra. Bạn ông ta và cũng là phi công đồng đội trong Không quân, Nguyễn Cao Kỳ đã bị thuyết phục từ bỏ chức thủ tướng để ứng củ chức phó tổng thống VNCH, trong khi tướng Nguyễn Văn Thiệu ứng cử chức tổng thống.


Tháng 2-1968, trong trận Tết Mậu Thân, Loan gặp vận xui khi bị chụp hình đang bắn vào đầu 1 tù nhân Việt Cộng bị trói và bất lực bằng khẩu súng lục của ông ta. Loan có lẽ đã thoát khỏi những những hậu quả của 2 sự kiện đó, nhưng tháng 5 năm đó, khi Sài Gòn bị tấn công lần thứ 2, ông ta đã trở thành (trong chừng mực tôi có thể nói) vị tướng Nam VN duy nhất bị thương trong trận đánh dưới đất. Chân phải của ông ta nát nhừ bởi những viên đạn tiêu liên khi ông ta dẫn đầu 1 cuộc tấn công vào 1 đơn vị du kích. Thiệu nhân cơ hội này thế chỗ Loan bằng 1 trong những người của ông ta.


Loan được gửi sang Úc để chữa trị, nhưng bức ảnh và những bộ phim truyền hình về vụ bắn tù binh đó đã khiến ông ta mang tai tiếng. Ông ta có vẻ là mẫu người tiêu biểu của tất cả cái xấu xa và hèn nhát trong cuộc chiến nói chung và của lực lượng Nam VN nói riêng, và sự phản đối của công chúng đã buộc ông ta phải ra đi. Ông ta được đưa đến bệnh viện Walter Reed Army ở Washington. Cái chân được cưa, nhưng nó không hơn 1 cây sậy. Một thời gian lâu sau khi ông hồi phục, trong khi Thiệu đã củng cố xong quyền lực của mình, Loan và gia đình ông ta sống trong cảnh lưu vong thực sự, trong 1 ngôi nhà ở Virgina, bị CIA giám sát chặt chẽ. Khi cuối cùng ông ta được cho phép trở lại Sài Gònm, thì chỉ để nhận 1 nhiệm vụ vô nghĩa và 1 văn phòng trống không.


Tôi gặp Loan lần đầu vào mùa hè năm 1967. Dịp đó là buổi lễ tốt nghiệp của 1 lớp những tân binh cảnh sát tại trung tâm chỉ huy của Loan. Tôi được 1 viên cố vấn an ninh công cộng Mỹ mời tham dự. Ông ta là 1 đại uý cảnh sát bang New York đã về hưu, 1 con người khá tử tế, đặc biệt là khi so sánh với 1 số thuộc cấp của ông ta, trong số đó có những thành viên lâu đời của lực lượng cảnh sát thuộc địa ở Malaya, Burma, và Đông Ấn thuộc Hà Lan, và 1 số lớn những cảnh sát trưởng và phó ở những bang cực nam nước Mỹ, nhưng tài năng của ông ta tốt hơn nên dùng làm chỉ huy những người bảo vệ ngân hàng.


Loan ngồi không xa tôi dưới 1 mái che được làm từ cái dù tiếp tế hàng hóa màu trắng và cam. Ông ta không hề tạo 1 ấn tượng tốt. Trán ông ta trợt và cằm lẹm, đầu hói, mắt lồi, hàm răng xấu xí, ông ta gầy nhom và vai xuôi. Các sỹ quan cấp cao, cả người Việt lẫn người Mỹ luôn luôn mặc quần áo dã chiến hồ bột chỉnh tề và giày trận bóng loáng, cho dù họ đang ở văn phòng làm việc, và tạo cho khuôn mặt họ vẻ nghiêm nghị để che giấu những cái đầu rỗng to tướng bên dưới chiếc mũ của họ. Loan, trái lại, mang xăng đan lỏng lẻo, mặc áo sơ mi trắng ngắn tay, quần tây xám rộng thùng thình của cảnh sát bình thường. Khuôn mặt đơn sơ của ông ta sống động với vẻ láu cá. Suốt buổi lễ dài này ông ta uống cô nhắc với sô đa và nói đừa với những thuộc cấp của ông, thỉnh thoảng cười quá lớn đến độ chân ông ta đánh nhịp xuống đất như 1 phản xạ của cơn co thắt bắp thịt. Loan trông cứ như đang bình luận 1 điều gì đó mà mọi người đều biết, rằng các gia đình VN đã chi tiền rất đậm để con trai họ được nhận vào làm cảnh sát, vì nói chung đó là 1 công việc an toàn hơn nhiều so với lính bộ binh và sớm muộn gì cũng có những cơ hội để gia tăng đồng lương bé nhỏ bằng mọi kiểu hối lộ, nhất là những món đút lót nặng ký của những kẻ trốn quân dịch.


Khi chiếc huy chương cuối cùng dành cho kỹ năng tác xạ và kỹ thuật thẩm vấn đã được trao, người ta phục vụ 1 bữa tiệc đứng. Giới báo chí Mỹ vây quanh Loan. Ông ta có vẻ thích tiết kiệm lời nói và nói tiếng Anh khá giỏi, dù ông ta bỏ sót nhiều âm trong mỗi từ - không chi bởi vì ông ta say, tôi nghĩ, mà bởi vì ông ta không cho lưỡi mình thưởng thức hương vị của những nguyên âm và phụ âm trong tiếng Anh. Phần lớn là ông ta né tránh các câu hỏi, nhưng đến 1 lúc thì ông ta nói 1 điều gì đó khá lịch sự, dù không thịch chính xác. “Chừng nào Kỳ còn nắm quyền lực”, ông ta nói, “và miễn là tôi vẫn còn quyền lực thì Kỳ vẫn còn quyền lực”
__________________
 
Giữa cuộc bầu cử và cuộc đụng độ dữ dội dọc vùng phi quân sự là 1 mùa hè bận rộn. Tôi không gặp lại ông ta cho đến tháng 10. uỷ ban giám sát bầu cử của Quốc hội đã khuyến cáo rằng bởi vì trò gian lận tràn lan, nên cần phải tuyên bố vô hiệu chiến thắng của Thiệu và Kỳ. Trong khi cả Quốc hội đang bỏ phiếu về vấn đề này, Loan ngồi lù xù trên 1 chiếc ghế trong 1 ô riêng nhìn xuống sân khấu của nhà hát opera cũ của Sài Gòn nơi Quốc hội đang họp, chiếc mũ của ông ta đẩy ngược ra sau, uống bia và lơ đãng quay ổ đạn của khẩu súng lục, khẩu Smith & Wesson cỡ 9 ly. Khuyến cáo của uỷ ban bị bác bỏ.


Sau nhiều tuần cố gắng, tôi đã sai

Không lực VN có lẽ không có mặc cảm tự ti quá rõ như những binh chủng khác, chủ yếu bởi vì Việt Cộng không có bất cứ máy bay nào – thực tế là không có gì hơn, cho đến gần đây, là vài súng máy để đương đầu với những máy bay cánh quạt Skyraider do Mỹ cung cấp. Vì Loan lên lon chậm – ông ta chỉ được thăng chức thiếu ta sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ - ông ta ít bay và làm việc ở ban tham mưu nhiều hơn. Ông ta được gửi đến Mỹ để huấn luyện thêm và dần dần nổi lên như 1 chuyên gia an ninh và tình báo.


Một người Việt biết Loan trong những ngày này mô tả ông ta như 1 nhân vật ít phô trương hơn mẩu người của Kỳ, một thanh niên có vẻ hơi rụt rè, khép kín, uống rượu chừng mực, không có tình nhân, và tật xấu duy nhất của người đó là thích chơi xì phé trong 1 căn phòng trên lầu của quán cà phê Brodard.


Vào mùa xuân năm 1965, lần đầu tiên không lực VN 2 lần đột kích thả bom Bắc Việt. Kỳ, tư lệnh không quân đã chỉ huy cuộc tấn công và Loan bay trong vai trò trợ thủ của ông ta. Những cuộc không kích này chủ yếu là tượng trưng. Những chiếc Skyraider này không bay quá xa về phía bắc sông Bến Hải, và bởi vì chúng rõ ràng không đọ nổi những tên lửa Bắc Việt, súng phòng không điều khiển bằng radar, và những máy bay đánh chặn MIG, nên về sau chúng chỉ giới hạn trong những chiến dịch ở Nam VN. Mãi cho đến năm 1968 không quân VN mới nhận được 1 số máy bay phản lực tượng trưng, và những chiếc máy bay này cũng không phù hợp cho những cuộc hành quân đánh ra miền Bắc.


“các anh đã trói tay chúng tôi”, Loan nói vậy khi tôi quay trở lại thăm ông ta. “Các anh muốn tự các anh đánh thắng cuộc chiến này”. Ông ta có thể nói gì khác? Tuy nhiên, cũng không thể chối cãi rằng giới chỉ huy người Mỹ đã quyết định thắng cuộc chiến này bằng binh lính Mỹ và để cho người Việt tái thiết sau cuộc chiến, cho đến khi quá trễ rồi họ mới thay đổi quan điểm.


Tháng 6-1965, chỉ vài tháng sau những cuộc không kích này, Kỳ nổi lên như 1 lãnh tụ nhóm sỹ quan đảo chánh quân sự sau 2 năm các chính phủ cứ thay đổi nhau liên tục. Việc leo lên nắm quyền của ông ta xảy ra ngay khi những binh đoàn chiến đấu của Mỹ đến đây, và sự có mặt của họ tạo 1 cảm giác an toàn chủ yếu là giả tạo. Những vị tướng già bị buộc phải lưu vong hoặc về hưu. Loan được thăng chức đại tá và được chỉ định giữ chức giám đốc cơ quan an ninh và tình báo. Một năm sau, ông ta được giao chỉ huy cảnh sát quốc gia. Ông ta là bạn tâm giao tin cậy nhất của Kỳ, và theo nhiều quan sát viên, là người đứng thứ 2 về quyền lực.


Cuộc tấn công Tết Mậu Thân bắt đầu ở phía bắc và miền trung vào sáng sớm ngày 30-1-1968. Sai Gòn và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị tấn công 24 giờ sau đó. Với sự vắng mặt của Thiệu, lúc đó ông ta đang đi nghỉ ở biệt thự riêng tại Mỹ Tho, thành phố quê hương của vợ ông ta. Kỳ và Loan nắm quyền chỉ huy phòng vệ thủ đô.


Buổi chiều ngày 1-2 có 1 cuộc đụng độ nhỏ ở vùng lân cận chùa Ấn Quang, cơ quan chỉ huy của phe “chiến đấu” trong giáo hội Phật giáo. Trong lúc trận đánh đang tiếp diễn, 1 tù binh được mang đến chỗ Loan, lúc đó đang đứng với những phụ ta có lẽ cách đó nửa dãy phố. Không nói 1 lời, Loan quăng điếu thuốc và móc khẩu súng lục ra. Ông ta lấy tư thế của 1 xạ thủ, cánh tay phải giơ thẳng và, ở khoảng cách có lẽ 1 mét, bắn vào thái dương của người tù này.


Trong cơn thịnh nộ, Loan đã xem thường sự kiện là Eddie Adams, 1 nhà nhiếp ảnh của hãng Associated Prees, và 1 nhóm phóng viên quay phim của hãng NBC đang ghi hình ông ta. Ông ta nhìn họ sau khi bắn và có vẻ chắc chắn rằng ông ta sẽ ra lệnh tịch thu phim của họ, nhưng không biết tại sao ông ta không làm điều đó. Trong vòng vài giờ những bức hình của Adams đã được truyền đi khắp thế giới. Đêm hôm sau cuộn phim được chiếu trên chương trình tin tức truyền hình Huntley – Brinkley.


Hai phút tin tức trôi qua, trận đánh đã tàn lụi, nhưng hình ảnh vẫn còn. Loan, mang giày ống, mặc áo giap chống đạn, là biểu tượng của sự dã man không thể cải biến. Người tù, nhỏ hơn, ốm yêu, không nhìn thấy 2 tay vì bị trói ra sau lưng, chỉ mặc 1 chiếc áo sơ mi rách nát và quần đùi. Khuôn mặt anh ta bị mép mó, bị đẩy sang 1 bên bởi tác động của viên đạn trong đầu, tóc anh ta dựng đứng, miệng hà ra như đang phát ra tiếng kêu cuối cùng.


Theo tôi đó là bước ngoặt, giây phút khi mà công chúng Mỹ xoay qua chống lại chiến tranh. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã phá huỷ niềm tin vào sự đánh giá của những người đang chỉ đạo cuộc chiến; hành động giết người của Loan đã đánh dấu sự phá sản về đạo đức của nó. Cùng lúc đó dậy lên sự ngưỡng mộ miễn cưỡng đối với sự can đảm của 1 kẻ thù đã chiến đấu rất lâu mà không có đến 1 chiếc máy bay, trực thăng, xe tăng, hay đại bác chống lại 1 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, và những đội quân đánh thuê được tuyển từ khắp châu Á.


Có 1 sự trớ trêu tế nhị trong tất cả chuyện này. Người tù đã được xác định, hầu như chính xác, là chỉ huy 1 đơn vị đặc công Việt Cộng. Người ta nói anh ta có 1 khẩu súng lục trong người khi bị bắt giữ và đã dùng nó để bắn chết 1 tay cảnh sát. Không giống như những đơn vị chủ lực lớn ùa vào Sài Gòn, mặc quân phục ka ki, và những đặc công đã xâm nhập đại sứ quán Mỹ, những người đeo băng đỏ, người tù này không có nhận dạng giống vậy. Sự kết liễu cho anh ta có lẽ là nhẹ nhõm hơn, vì anh ta đã thoát được sự tra tấn kinh hoàng mà hầu như chắc chắn sẽ là phần mở đầu cho cái chết trong cảnh lao tù.

Vụ giết nguời này gây sốc cho cả nước Mỹ.
 
… Tôi gặp Loan lần kế tiếp khoảng 1 tháng sau vụ giết người đó, khi tôi thu xếp để tháp tùng 1chuyến tuần tra đêm trong thành phố với ông ta. Việc tấn công của Việt Cộng đã giảm bớt, nhưng những cuộc chạm súng lẻ tẻ vẫn sảy ra ở vùng ngoại ô thành phố. Tuy nhiên người ta đã dự đoán 1 cuộc tấn công “đợt 2” và Sài Gòn vẫn còn bị giới nghiêm chặt chẽ từ 7:00 tối đến sáng hôm sau. Một chiếc xe Jeep cảnh sát đón tôi tại căn hộ của tôi lúc 10:00 tối và đưa tôi đến doanh trại chỉ huy, ở đó ông ta đang chờ tôi. Tôi ngồi bên cạnh ông khi xe lăn bánh qua những đường phố im lặng, vắng tanh rợn người, 1 đoàn gồm 3 xe Jeep.


Ông ta nói rằng ít nhất theo ông ta thì cuộc đột kích vào Sài Gòn chẳng có gì là ngạc nhiên. “Chúng tôi biết trước họ sẽ tấn công”, ông ta nói, “3 ngày trước, tôi có những cuộc họp, họp, họp. Vào đêm nó xảy ra, Kỳ gọi cho tôi. “Anh với bà xã ghé tôi được không?” ông ấy hỏi, tôi nói: “Không, cảm ơn. Tôi đang trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu”. Nhưng ông ấy cứ khăng khăng. Nên tôi ghé chỗ ông ta vài phút. Kỳ nhìn tôi. “Anh mang súng lục vào nhà tôi vào ngày đầu năm mới à?” ông ấy nói. “Anh biết vậy là xui lắm mà”.


"Tôi chỉ ở lại trong vài phút thôi”, Loan kể. “Tôi lại đi tuần trên đường, chạy lòng vòng như chúng ta đang làm hiện nay nè. Cho đến 2:00 sáng. Tôi vừa nằm xuống giường mình tại cơ quan chỉ huy thì nhận được tin. Việt Cộng tấn công khắp nơi. Kỳ gọi cho tôi nói là Tân Sơn Nhất đã bị tấn công. Ông ấy nói người ta khuyên ông ấy nên rời khỏi đó. “Đừng”, tôi nói, “hãy ở lại với không quân”. Tướng Khánh, tư lệnh Quânđoàn 3 gọi điện bảo tôi nắm quyền chỉ huy trong thành phố. Tôi có rất ít quân. Tôi phái 2 đại đội thiết giáp đến cứu viện tân Sơn Nhất. Sau đó tôi tập trung 1 trung đội cảnh sát dã chiến và 2 xe bọc thép. Chúng tôi phóng đến đài phát thanh. Quân CS đã tràn vào đó. Chúng tôi chiếm lại nó và người lính ngồi ngay bên cạnh tôi bị bắn chết ngã đè lên tôi”.


Loan hớp 1 hơi rượu pha sô đa được người lính pha sẵn cho ông ta. Những thứ này được giữ trong 1 quầy rượu di động gắn phía sau xe Jeep. Nghĩ rằng ông ta đang trong tâm trạng dễ chịu, tôi yêu cầu ông ta giải thích lý do bắn người tù ấy. “Tôi không phải là nhà chính trị, tôi không phải là chỉ huy cảnh sát. Tôi chỉ là 1 người lính… Chúng tôi biết người đàn ông này là ai. Tên anh ta là Nguyễn Tất Đạt, bí danh Hàn Sơn. Anh ta chỉ huy 1 đơn vị đặc công. Anh ta đã giết 1 cảnh sát. Anh ta đã nhổ vào mặt người bắt giữ anh ta. Anh muốn chúng tôi làm gì? Nhốt anh ta trong tù 2-3 năm rồi sau đó thả anh ta về với kẻ thù à?”.


… Chúng tôi chạy qua cây cầu vào khu cảng. Đàng sau những kho và bãi chứa hàng là 1 khu nhà ổ chuột chen chúc và những ruộng rau mà ngay cả trong những thời điểm tốt nhất vẫn không hề an toàn. Chúng tôi rời khỏi đường lớn và chầm chậm chạy vào một ngõ hẻm lầy lội khoảng 100 thước và dừng lại. Tài xế của Loan kéo 1 công tắc trên bảng đồng hồ và 1 đèn pha trên xe Jeep soi sáng những ngôi nhà không hình thù 2 bên chúng tôi. Anh ta nhá đèn nhanh 2 lần nữa. 1 chiếc xe Jeep khác cách đó khoảng 100 thước nhá đèn ra tín hiệu trả lời. Chúng tôi chạy tiếp, quẹo cua 2-3 lần gì đó và chạy vào 1 khoảng sân nhỏ trước 1 đồn cảnh sát.


Rất đông cảnh sát xuất hiện từ trong bóng tối. Nhiều nhóm đàn ông và phụ nữ được dẫn tới đứng trước những chiếc bàn dã chiến, nơi đó ngồi sẵn những người của đội đặc nhiệm. Họ kiểm tra cẩn thận căn cước mà tất cả người VN nào trên 16 tuổi đều phải mang theo. Những cuộc bố ráp và tảo thanh đang được tiến hành khắp Sài Gòn suốt những tuần lễ đó. Ở đây, trong khu cảng, 1 khu vực đã được hàng rào cảnh sát cách ly, các ngôi nhà bị lục soát, và dân chúng được đưa đến điểm trung tâm này.


Tách riêng 1 bên, đang quý trong bóng tối, là 1 nhóm khoảng 15-20 người được canh gác cẩn thận. Loan lừ đừ bước qua. Viên sỹ quan cảnh sát chỉ huy cuộc bố ráp này nói điều gì đó bằng tiếng Việt, và chỉ vào 1 người đàn ông đẹp trai, cao, mắt sáng, nước da màu đồng nâu mịn màng – người đó mặc bộ đồ ngủ màu trắng sạch sẽ. Loan ra lệnh và người đó được đưa đến trước mặt ông ta. Loan lật tấm thẻ căn cước của người đó trong tay, không nhìn vào nó. Ông ta nêu những câu hỏi, nhẹ nhàng, như thể đang nghĩ 1 điều gì khác. Người đàn ông đó đáp lại với giọng bình tĩnh y như vậy.


Rồi Loan bước lui lại. Ông ta lục tìm trong túi quần. Ông ta lấy ra 1 cái gì đó giống như 1 khẩu súng tự động nhỏ. Ông ta chĩa nó vào đầu người đàn ông. Tôi có cảm giác trong thoáng chốc – tôi biết tả thế nào đây – về thời gian cạn dần, về sức nặng chết chóc. Vẻ mặt người đàn ông không thay đổi. Ngón tay Loan siết vào cò súng. Một tia lửa phụt ra. Với bàn tay kia Loan gẩy nhẹ 1 điếu thuốc khỏi bao, đặt nó lên miệng, và xoay nhẹ cái bật lửa trá hình khẩu súng của ông at sang đầu điếu thuốc. Ông ta rít 1 hơi thuốc, ngửa đầu và cười to. Ông ta sặc ho và khói rồi cười tiếp. 1 tiếng cười buốt óc. Những phụ ta của ông ta cười và đám cảnh sát cũng cười theo. Còn người đàn ông mặc bộ đồ ngủ màu trắng đứng đó bất động và im lặng…
 
Cuộc sống ở Sài Gòn mùa xuân 1972

Chúng tôi luôn sống sót


Robert Shaplen
The New York, 15-4-1972


Bên ngoài một nhà hàng lớn ở Chợ Lớn, khu Hoa kiều của Sài Gòn, nơi nhóm chúng tôi đang ăn tối vài tháng trước, bỗng có tiếng còi hụ. Sau nhiều năm ở thành phố này, tôi đã quen với tiếng còi hụ, thường xuyên nghe thấy tiếng wow-wow-wow dồn dập ấy, và ban đầu chúng tôi chẳng buồn chú ý, cứ tiếp tục thưởng thức món cua. Tuy nhiên, vài phút sau, rõ ràng là có tiếng xe cấp cứu dừng lại ngay trước nhà hàng. Tôi bước ra, thấy cả dãy phố đã bị chặn hai đầu, trong khi quân cảnh Việt và Mỹ tiến hành lục soát từng nhà dưới ánh đèn đỏ và trắng xoay xoay loa loá trên mui những chiếc xe jeep. Móc giấy tờ báo chí của mình ra, tôi tới gần một quân cảnh Mỹ trẻ trung vung vẩy M-16 cứ nưh một cầnn câu cá. Anh ta chỉ độ 19 tuổi và trông cứ như mới tới Việt Nam hôm qua. Khi tôi đang hỏi có chuyện gì, anh ta chỉ nói, “Thưa ông, ông nên trở vô nhà hàng”. Một quân cảnh người Việt-lớn tuổi hơn-lầm bầm câu gì bằng thứ tiếng Anh bồi về “sinh viên” và “bạo loạn nữa”. Khu Đại học xá Minh Mạng chỉ cách đó một dãy phố, và trong tuần qua sinh viên đã biểu tình, như họ vẫn thường làm-lần này là để phản đối mấy điều luật mới được thiết kế để ngăn chặn những hành động như vậy. Trỏ lên nóc một toà nhà bên kia đường, anh cảnh sát Việt Nam lại nói gì đó về “bọn khủng bố”. Tôi lại quay sang anh lính Mỹ trẻ, lúc này đang đi ra đi vào ở các cửa nhà và chĩa súng vào bất kỳ ai có mặt ngoài đường. Anh ta trông bồn chồn đến độ tôi ớn khẩu súng có thể cướp cò bất cứ lúc nào, và hiển nhiên là anh ta không có tinh thần lắng nghe thêm câu hỏi nào của tôi. “Thưa ông”, sau cùng anh hỏi vội, “ông có thông hành tai nạn không?”.


Tôi chưa hề nghe nói tới thứ thông hành này-rồi sau đó tôi đi tìm hiểu thì biết cũng không hề có thứ đó (anh quân cảnh trẻ có lẽ muốn nói tới một thứ thông hành đặc biệt cho phép một số ít viên chức được đi bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào)-nhưng từ ngữ đó tôi cứ nhớ mãi, và từ đó tôi đã nghĩ rằng, nói theo cách nào đó, tôi đã có một thông hành tai nạn ở Sài Gòn này suốt một phần tư thế kỷ qua. Từ ngày tôi lần đầu tiên đến đây, tháng 6-1946, cho đến thời điểm rất bất định hôm nay, tôi đã thấy thành phố này thay đổi rất nhêìu, hầu hết là thay đổi theo hướng ngày càng tệ đi-nhất là trong thập niên vừa qua, trong quãng đó tôi đã sống khoảng nửa thời gian của mình tại Việt Nam. Từ một dân số được ước đoán năm 1946 là khoảng 400.000 dâ, không kể lính Pháp, dân thành phố này đã tăng lên gần tới ba triệu, và dân số của cái gọi là đô thành Sài Gòn, cộng luôn nhiều phần của tỉnh Gia Định bao quanh, thì đã hơn bốn triệu. Những dự đoán chính thức-kể cả dự đoán của C.A.Doxiadis, nhà thiết kế đô thị nổi tiếng người Hy Lạp đã từng cùng nhóm của mình nghiên cứu về Sài Gòn năm 1965-còn đưa ra con số lên tới chín triệu hai trăm ngàn dân cho đô thành Sài Gòn vào năm 2000. Vốn là một thành phố duyên dáng với những con đường yên tĩnh trồng me và sao dầu, với nhiều vườn cây và sân chơi, Sài Gòn đã trở thành một đô thị kinh người, đầy những khu ổ chuột xấu xí, trong đó tràn lan tội phạm. Dĩ nhiên, hầu hết sự suy thoái và xuống cấp của Sài Gòn đều có thể đổ lỗi cho chiến tranh, và phần lớn đã xảy ra từ 1965, khi người Mỹ bắt đầu ồ ạt tới đây. Cuộc chiến Đông Dương của người Pháp, từ cuối 1946 cho đến giữa 1965, đã ảnh hưởng tới Sài Gòn, nhưng không nhiều đến thế, bởi vì tác động chủ yếu là ở Bắc Việt Nam và những phần phía bắc của Nam Việt Nam. Hơn nữa, người Pháp từng cai trị Đông Dương gần trăm năm, đã hoà lẫn vào bối cảnh địa phương, họ và người Việt đã hình thành mối quan hệ đã quen thuộc với nhau. Người Mỹ ở đây, cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, thì lạc lõng và không thoải mái lắm-một điều càng rõ ràng hơn ngày nay, khi họ đang rút đi.


Trong giai đoạn chiến tranh của người Pháp, rất lâu trước khi người ta thường xuyên nghe thấy những tiếng nổ chấn động của hoả tiễn, đạn cối, và trọng pháo và những quầng lửa đỏ rực kín bầu trời đêm, Sài Gòn ít nhất cũng chỉ nguy hiểm như trước đây. Một người ngồi ở một quán cà phê nào đó trên đại lộ chính, đường Catinat (được đặt theo tên con tàu Pháp đầu tiên tới khu vực này và sau được đổi thành Tự Do) (và sau 1975 trở thành Đồng Khởi), độ vài lần trong tuần, thường vào khoảng từ 11 giờ sáng hay năm giờ chiều, có thể thấy những thanh niên của Việt Minh có thể chạy xe đạp qua và ném lựu đạn vào các quán cà phê. Đôi khi họ ném trật hoặc quả lựu đạn không nổ, nhưng thường thì nó giết chết hay làm bị thương những người lính Pháp đủ màu da-gồm người da đen từ châu Phi và lính Lê Dương-hoặc những ai đã dại dột ngồi ngoài vỉa hè. Ít lâu sau, hầu hết các quán cà phê đề lắp lưới sắt bảo vệ. Thời đó, họ chưa có thiết bị nổ plastic hiện đại vốn có khả năng giật sập cả toà nhà, nhưng qua nhiều tháng những trái lựu đạn cũng gây nhiều thương vong. Mặc dù vậy, chiến tranh chưa hề có ảnh hưởng rõ rệt đến lối sống thoải mái tập trung quanh các quán cà phê và hai câu lạc bộ chính, Cercle Sportif và Cercle Hippique. Những đại diện chính thức của Mỹ vào thời đó, với con số tăng từ khoảng 20 khi tôi lần đầu đến đây lên tới vài trăm khi nổ ra trận Điện Biên Phủ và Pháp đầu hàng, cũng tham gia lối sống thoải mái của Sài Gòn, với nét duyên dáng của nó được nâng lên nhờ những phụ nữ Việt Nam mảnh mai đáng yêu trong chiếc áo dài truyền chống của họ, và nhờ cả những phụ nữ Pháp nữa. Tuy nhiên, ở đây thường xuyên có cảm giác hồi hộp, một cảm giác phiêu lưu thực sự. Người ta có thể tổ chức họp mặt với cán bộ Việt Minh trong các quán trà ở ngoại vi thành phố, họ tới đó bằng xích lô-và ở đó họ ngồi nhâm nhi ly trà và bàn bạc về lý thuyết cũng như thực hành cách mạng. Ở Sài Gòn thời đó, mà bây giờ có vẻ như xa xôi vô cùng, không hề có vẻ hào nhoáng rẻ tiền và điên loạn như thường thấy ngày nay.
 
Đại tướng D. từng là một trong những tướng lãnh hàng đầu của Nam Việt Nam. Ông ta phụ trách Quân đoàn IV, ở Đồng bằng sông Cửu Long; ông ta đã tham gia nhiều vụ đảo chánh sau vụ lật đổ Ngô Đình Diệm vào tháng 11-1963; và ông ta đã có lần tự mình tổ chức đảo chánh nhưng nó tan rã trước khi đến được Sài Gòn. Sau cùng, ông ta mất chức và chìm vào bóng tối vốn đã từng nuốt chửng nhiều nhà lãnh đạo Nam Việt Nam trong những năm gần đây. Ngày nay, mặc chiếc quần ố bẩn với áo sơ mi, người ta thường thấy D. trên đường Tự Do, vung tay múa chân và quát tháo những lời chửa rủa. Đôi khi ông ta cũng vào hàng hiên hoặc cả tiền sảnh của khách sạn Continental-một kiến trúc mở rộng, trần cao, hơi ẩm và dễ chịu, di tích của chế độ thuộc địa Pháp, nơi tôi luôn lưu trú mỗi khi tới Sài Gòn. Có lần ông ta vào bên trong quầy phụ trách phòng và khởi sự trao chìa khoá cho bất cứ ai bước vào. Ông giám đốc-một người Pháp lai Việt tốt bụng tên là Philippe Franchini được thừa hưởng khách sạn này từ ông bố người Pháp-cứ để yên mọi chuyện cho đến khi D. mệt với trò chơi này và đi ra, vẫn la hét loạn xạ. Ông ta là nạn nhân của chứng liệt nhẹ.


Người điên xuất hiện khắp Sài Gòn-hầu hết chỉ là nạn nhân của chiến tranh. Một người đàn bà điên thường lang thang ở đường Tự Do quấn khăn của thổ dân da đỏ châu Mỹ và luôn cười khúc khích. Không ai biết bà ta là ai, nhưng bà ta đã thành một chi tiết hàng ngày của khung cảnh này. Có những quả phụ chiến tranh mất trí bực tức la hét um sùm, như tướng D., nhưng họ thường rất cay đắng, và họ cố ý ngồi sụp xuống để giải toả chính mình trước những khách sạn có người Mỹ lưu trú. Rồi có một bà chỉ huy một nhóm gái điếm điếc và câm-phần lớn chỉ mười bốn mười lăm tuổi, có cô còn nhỏ hơn. Họ tụ tập hàng đêm ở góc đường Tự Do gần Continetal nhất, thường thường là trước giờ giới nghiêm, tức 1 giờ sáng. Ở thời điểm này, có những gái điếm-trong, đó có những cô tôi đã thấy già đi và nhăn nheo hơn trong mười năm qua-đứng ở các góc đường khắp trong thành phố, hy vọng có khách chơi về khuya đón đi. Cũng vào giờ này, bọn ma cô chở gái đi long vòng bằng xe gắn máy và gạ gẫm với giá rẻ bèo. Tuy nhiên, cũng khó mà coi giá đó là rẻ vì tỷ lệ bị bệnh xã hội trong giới gái điếm Sài Gòn hiện được đánh giá tơi 65 phần trăm.


Với tôi, bi đát hơn các cô gái điếm là trẻ đường phố ở Sài Gòn-những đứa bé hoang dại, gan góc, và nhiều đứa chỉ mới chín hay mười tuổi, và nhiều đứa là trẻ mồ côi, chẳng có nhà cửa gì ngoài mái hiên mà chúng ngủ ban đêm. Một số đứa có khi làm nghề đánh giày, và nếu sau cùng bị trấn áp, chúng sẽ chửi mắng khách. Một số đứa bán báo, lạc rang, bút chì, hay bưu thiếp, hoặc làm bất cứ công việc gì người ta thuê. Tuy nhiên, phần lớn thời gian chúng chẳng có việc gì để làm, và chúng trộm cắp ngày càng thường xuyên hơn-ở các sạp bán hàng lề đường, ở những cửa tiệm lộ thiên, hay móc túi khách đi đường lơ đãng. Chúng bỏ phần lớn thời gian để hút thuốc lá-hay cần sa nếu chúng kiếm được-và đánh bài ăn tiền trong các ngõ hẻm. Nhiều đứa có vẻ hết phương cứu chữa; một số đứa thực tình muốn bị bắt và sống trong tù, ngay cả trong điều kiện tồi tệ nhất. Một người bạn Mỹ của tôi năm ngoái đã làm một cuộc thử nghiệm. Trong vài tháng, ông ta theo dõi một đứa bé nọ khoảng chín tuổi, và cuộc sống đường phố hoàn toàn xoá hết dáng vẻ gần như thiên thần của nó. Mỗi buổi chiều, thằng bé lại xuất hiện ở khu Tự Do, vẫn mặc cái quần cụt và chiếc áo tả tơi ấy, có khi đi ăn xin chút đỉnh hoặc có khi bán báo. Bạn tôi đưa nó về nhà, cho nó tắm, ăn uống, và mặc cho nó quần áo mới. Thằng bé cám ơn rồi hỏi nó đi được chưa. Một giờ sau, nó đã trở ra vị trí của nó ở đường Tự Do, vẫn mặc bộ đồ cũ bẩn thỉu lúc trước.


Ăn xin có mặt khắp Sài Gòn với độ tuổi từ ba đến bảy mươi. Một số là con cái của dân tị nạn, và lang thang khắp nơi với đứa em nhỏ xíu địu trên lưng, và một số khác là dân Sài Gòn chuyên sống bằng nghề ăn xin suốt những năm chiến tranh. Nhiều người trong bọn họ bị què cụt, hoặc do bẩm sinh hoặc phải cắt vì chiến trận, và họ ngồi ở những góc đường thường có người Mỹ qua lại, chìa nón hay cái ca ra, miệng mỉm cười và đầu gật gù. Họ rối rít cảm ơn khi có ai cho họ 10 hay 20 đồng (bằng ba tới năm xu Mỹ) nhưng nếu ai làm lơ, thì cũng giống bọn trẻ đánh giày, họ sẽ tuôn ra những câu rủa xả-điều mà họ tin khá chắc là người Mỹ không hiểu được. Nạn ăn xin Sài Gòn không chỉ là một biểu hiện của nghèo đói và tuyệt vọng. Ở đây có một sự tự hạ cấp rõ rệt-một sự tự thù ghét mình và thù ghét người ngoại quốc đã đẩy họ vào sự ô nhục và lệ thuộc. Dĩ nhiên, đôi khi cũng có những vụ tự thiêu thực sự, do các tăng hoặc ni Phật giáo tiến hành bằng cách tẩm xăng vào y phục rồi châm lửa. Những người ăn xin có khi cũng làm những hành vi tự huỷ thân thể đến kinh người. Ngày nọ, khi đang thả bộ trên đường Tự Do với một người bạn, tôi thấy một ông trung niên vừa dùng dao ắt vào tay và chân và nằm chảy máu trên lề đường, vẫn chìa cái nón ra. Tôi kêu lên “Ôi Chúa ơi… chỉ có vở Việt Nam!”. Bạn tôi, một người Mỹ cũng đã đi đi về về xứ này nhiều năm như tôi, và đã lấy vợ Việt, đã phê phán tôi. “Anh có bao giờ thấy một thành phố lớn ở Mỹ về khuya không, với tất cả sự tàn ác, xấu xa và bạo lực của nó?” anh ta hỏi. Ngưng lại một chút, anh ta tiếp, “Tuy nhiên, đúng vậy, chúng ta và họ đều cảm thấy mình đã phạm tội-đối với bên kia và với chính chúng ta. Xứ Nam Việt Nam khốn khổ này là con đĩ, còn nước Mỹ là ma cô”.
 
Bây giờ thì người Mỹ đang rút quân, cảm giác về một thay đổi sắp tới có ở mọi nơi. Những bạn bè người Việt của tôi-ngay cả những người gần gũi nhất-cũng hoang mang và lo lắng. Hầu hết bọn họ đang kiếm ra tiền, nhưng họ không để mình biến thành bộ phận của cái mà tôi gọi là tầng lớp người Việt được Mỹ ưu đãi vốn đã tăng lên trong năm sáu năm qua, và cũng khác xa tầng lớp được ưu đãi do người Pháp tạo ra. Những người bạn của tôi không bị thôi thúc chủ yếu vì lợi nhuận, như các nhà thầu đã xây cao ốc và biệt thự rồi cho người Mỹ thuê với giá cắt cổ, hoặc những người Việt kiếm được việc làm lương cao ở các công ty xây dựng Mỹ hay guồng máy hành chánh Mỹ-chưa kể đến hàng ngàn gái điếm, tài xế taxi, chủ quán cà phê, hoặc vô số dân chợ đen chuyên buôn bán hàng lấy cắp từ các bến cảng hay kho quân tiếp vụ của Mỹ. Bạn tôi là những người chỉ khai thác tối đa cơ hội do sự hiện diện rộng khắp của người Mỹ mang lại cho họ để kiếm lợi tức gấp năm, mười hay hai mươi lần số lợi tức họ kiếm được trước đó hay sau này. Một số những người tôi vừa đề cập đây, có nhiều người là nhà báo, từng là những người quốc gia nhiệt thành; một số thì dứt khoát trung lập; và một số chấp nhân, với một ý thức về số phận tiên nghiệm, viễn cảnh về một chiến thắng của Cộng sản-chủ yếu bởi vì họ đã nhìn rõ sự kém cỏi của nhiều chính phủ kế tiếp nhau ở miền Nam. Sự tỉnh ngộ, trong trường hợp chính quyền Thiệu, đã trở thành sự khinh bỉ; họ xem đó là chính quyền kiểu Diệm mà không có những ưu điểm bù đắp của Diệm, những ưu điểm mà ít nhất trong buổi đầu dường như cũng mang tính yêu nước và tinh thần quốc gia. Ngày nay ở đâu cũng thấy sự nghi ngờ đối với quân đội vốn là tầng lớp điều hành đất nước-nghi ngờ nạn tham nhũng mà nó đẩy mạnh và dung túng, và nhất là, về tiền bạc mà các phu nhân tướng lãnh và quan chức cao cấp kiếm được từ những hoạt động như thầu thanh lý đạn phế thải và thùng đựng bom và sử dụng thép và xi măng của quân đội. Dĩ nhiên những việc này luôn tồn tại như phần gắn liền với chiến tranh, nhưng có một vẻ gì rất bê bối trong cách tiến hành chúng ở đây hiện nay, và trong cả cách chấp nhận điều đó một cách ngây thơ, thậm chí thờ ơ, của người Mỹ nữa. Một đánh giá dè dặt cho rằng 15.000 người Mỹ, trong và ngoài quân đội, đã có dính líu đến quy trình tham nhũng này. Những người Mỹ này đã khuyến khích việc buôn bán chợ đen đủ loại hàng hoá, đã khuyến khích ăn cắp vì tư lợi, đã thu những món lợi lớn từ việc buôn lậu ma tuý và các hàng hoá khác, từ việc buôn bán đôla phi pháp, từ hoạt động của các hộp đêm, từ việc đưa gái điếm Mỹ qua đây, và vân vân. Sự lan tràn của tham nhũng cũng có khía cạnh khôi hài cũng như đáng buồn của nó. Vài tháng trước, một nhóm cỡ 50 phụ nữ giận dữ đã tràn vào trụ sở Quốc hội và tiến hành một cuộc biểu tình ngắn ngủi, om sòm để phản đối việc cảnh sát triệt hạ những quầy bán hàng chợ đen vỉa hè của họ. Cảnh sát thỉnh thoảng lại làm việc này-và các sạp hàng luôn luôn xuất hiện lại khi cảnh sát rút lui. Nhiều phụ nữ bán hàng như thế là vợ các sĩ quan, và tuy họ được chồng bảo vệ, những cảnh sát này chỉ tuân theo mệnh lệnh hoặc theo bản năng của họ. Tuy nhiên, sự giận dự của các phụ nữ tiến vào Quốc hội nhắm vào cảnh sát thì ít mà nhắm vào người Mỹ thì nhiều, và cũng gián tiếp nhắm vào bộ phận quân tiếp tục Mỹ. Những người phụ nữ này lý luận, nếu người Mỹ còn cho phép buôn bán, hay ăn cắp, đủ loại hàng hoá, thì tại sao lại kết tội họ vì bán những món hàng đó?


Chủ nghĩa hoài nghi ngự trị Sài Gòn ngày nay được biểu trưng đặc biệt bằng vai trò của những người đào ngũ và trốn quân dịch Việt lẫn Mỹ ở đây. Hầu hết lính Việt đào ngũ sau cùng lại trở lại đơn vị cũ hay gia nhập đơn vị mới, nhưng một số chạy về các thành phố-thường là Sài Gòn-ở đó họ trông trong các khu ổ chuột hoặc, trong một số trường hợp, tìm được việc làm dưới tên giả và mức lương rất thấp trong các công ty Mỹ hoặc Việt. Thỉnh thoảng cũng có những cuộc ruồng bắt, nhưng từ khi lực lượng cảnh sát cũng đầy những người muốn tìm cách trốn đi lính trận, nên kẻ đào ngũ và trốn quân dịch cũng không bị săn đuổi gắt gao lắm. Bên cạnh hành ngàn lính Việt Nam đào ngũ còn có hàng trăm lính Mỹ đào ngũ ở trong và chung quanh Sài Gòn nữa, dĩ nhiên hiện nay thì con số ấy đang giảm dần. Hầu hết những lính Mỹ đào ngũ trốn tránh trong các khu ổ chuột, kể cả một khu nổi danh là Hundred Piastre Alley (Hẻm trăm bạc) nằm gần sân bay Tân Sơn Nhứt. Nó có tên như vậy là do ở đó bất cứ ai cũng có thể kiểm được cái mình cần với chi phí tương đối nhỏ-từ một cô gái cho đến thuốc phiện, heroin. Cảnh sát Mỹ và Việt thỉnh thoảng lại tảo thanh nơi này, và thu được súng sống, ma tuý đủ loại, giấy tờ giả, những giấy phép lên máy bay khống để rời đất nước này, vân vân các thứ, tất cả đều lấy cắp từ các căn cứ Mỹ. Đó là một thế giới riêng, một trong rất nhiều lãnh địa như vậy vốn cứ tồn tại bất kể cảnh sát có hành động gì.


Cũng có những địa điểm khác ở đó, khi sự có mặt của người Mỹ giảm dần, tính bao dung trọn vẹn đã hình thành. Trong số những nơi chốn đó có các hộp đêm và quán rượu trên phố Plantation, gần Tân Sơn Nhứt. Cuối năm ngoái, một trong những tờ báo ngầm của lính Mỹ tại Việt Nam, Grunt Free Press, đã đăng một vài về sinh hoạt trên phố Palantation với nhan đề “Hạnh phúc là nhạc rock phê” (acid rock; nhạc rock có ca từ tợi tới những kinh nghiệm do ma tuý đem lại). Nó chủ yếu nói về một trong những địa điểm chơi nhạc rock-and-roll nơi những thanh niên Mỹ và Việt tụ tập hàng đêm, và ghi nhận rằng, “Có một sự đồng cảm giữa họ với nhau mà không nơi nào khác ở Việt Nam có được.” Bài báo viết tiếp:

“Nhịp nhồi lắc có ở đó trong ánh đèn loa loá, tiếng nhạc dồn nén, không khí nóng hực và khói thuốc và đám đông. Đó là một khung cảnh ấm áp, ấm như bất cứ chỗ nào ở Haight-Ashbury, Greenwich Village, Santa Monica, Des Moines, London, Paris, Berlin, Tokyo, và bất cứ nơi nào có những người dưới ba mươi tụ lại chơi với nhau… ‘Anh biết đó, nó giống như vầy (một lính Mỹ nói). Một vài lính Mỹ than vãn và rên rỉ về Việt Nam, nhưng, trời đất, chuyện đâu có bi đát đến thế. Cứ cho tôi một chỗ như thế này thì chuyện tôi đang ở Sài Gòn hay Sioux City cũng không thành vấn đề. Ở đây có điều gì đó tốt đẹp cho chúng tôi, ối trời, nhưng anh phải biết nó là ở đâu… Chính là những nhồi lắc sôi động. Tôi mê cái nhịp nhồi lắc ở đây. Có một vẻ gì rất đã đời ở những con người này khi tôi vào đây. Và tôi không cảm được điều đó ở đâu khác.”
 
Gần đó, trong một nhà hàng ở tầng lầu của một toà nhà đang xuống cấp, mấy lính Mỹ khác ngồi và hút thuốc phiện hay cần sa hay bồ đà trong khi máy thu băng vang lên những giai điệu nhạc pop mới nhất. Bồ đà có thể mua hầu như ở bất cứ đâu, trong những gói thuốc lá trá hình. Một nhãn hiệu phổ biến hiện nay là Park Lane; những nhãn hiệu này thường thay đổi khi những vụ bố ráp gia tăng. Một tờ báo ngầm khác của lính Mỹ là Rolling Stone (không liên quan gì tới một tờ trùng tên xuất bản tại Mỹ), hồi mùa thu qua đã dẫn lời phát biểu của một lính Mỹ, "Họ chỉ chi tiền cho tôi rời khỏi nước này khi tôi mãn hạn quân
dịch. Chỗ này là cả một mỏ vàng. Mẹ bà nó, mua bồ đà ở đây còn dễ hơn mua bánh mì."

Những mẩu quảng cáo như dưới đây vẫn xuất hiện hàng ngày trên tờ Post và Vietnam Guardian, hai tờ báo tiếng Anh hàng đầu ở Sài Gòn:

Những giấy tờ chứng nhận sống chung cho phép một phụ nữ Việt Nam sống hợp pháp với một người nam-thường là người Mỹ-tuy họ không kết hôn.

Một trong những nạn nhân đầu tiên của Việt Nam hóa có thể nói là bà Lee. Cho đến đầu năm 1970, công việc làm ăn chủ yếu của bà này là tìm bạn gái thích hợp cho lính Mỹ và người ngoại quốc khác trong thành phố. Bà ta có hồ sơ của khoảng 50 phụ nữ, kể cả những góa phụ trẻ, "bạn chơi," và những phụ nữ trung niên. Những mẩu quảng cáo của bà ta hẹn "những quí bà xinh đẹp thuộc loại tử tế để làm bạn, trò chuyện, hoặc v.v..." Bỏ ra năm trăm đồng-khoảng 2,5 đô la-khách hàng có thể xem qua tập ảnh chụp của bà ta. Thêm năm trăm nữa thì có thể gặp cô gái và nhìn sơ qua tại văn phòng của bà ta. Với một ngàn rưởi thì có một cuộc hẹn. Nếu đi tới hôn nhân, bà Lee sẽ lấy thêm hai ngàn rưởi nữa. Có những mẩu quảng cáo cho thấy bà Lee đã suy thoái thế nào trong nghề cung cấp dịch vụ.


Rõ ràng, việc rút quân của Mỹ cũng có nghĩa là đóng cửa nhiều quán rượu, khách sạn, hộp đêm và nhà hàng tại nhiều khu trung tâm Sài Gòn đã từng phát đạt nhờ khách Mỹ. Một số những nơi đó, muốn thu hút được giới trẻ Việt ăn bám vào người Mỹ, đã đổi bảng hiệu từ những cái tên như Tennessee Bar, Texas hay G.I. Dolly sang những cái tên Việt Nam-tên đường phố hay tên của các nhân vật chính trong phim Việt Nam. Một người Việt nghiêm túc tôi quen biết vốn xem sự hiện diện của lính Mỹ là một chuyện tồi tệ nhưng cho rằng sự suy đồi của giới trẻ Việt là điều tồi tệ không cần thiết, ông ta phát biểu về sự biến đổi này, "Lũ chuột bọ thống trị rồi."


Cũng có một sự thật nghĩa đen trong phát biểu này. Dân số chuột đã tăng mạnh trong hai năm gần đây cho dù hệ thống thu gom rác đã cải tiến. Người ta thấy chuột chạy hàng trăm con, nhất là về đêm, ngay cả bên ngoài những nhà hàng hay nhà riêng sang trọng nhất, chúng tràn ra đường, rượt đuổi và đâm bổ vào nhau. Do thiếu các phương tiện y tế-có khoảng năm trăm bác 1 sĩ đăng ký hành nghề ở Sài Gòn cùng với vài trăm thầy thuốc bắc người Hoa-nên những bệnh tật do chuột và tình trạng mất vệ sinh đã thành một vấn đề nhức nhối. Năm 1968, tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh là một trên hai mươi; hiện nay, trong số 20.000 trường hợp tử vong được ghi nhận mỗi tháng thì có hơn một nửa là của trẻ em dưới năm tuổi. Rất nhiều trường hợp tử vong, nhất là của trẻ nhỏ, đã không được ghi vào sổ bộ (Gần đây tình cờ người ta khám phá ra rằng một số bác sĩ Sài Gòn từng được gửi sang Mỹ đào tạo làm bác sĩ quân y, đã dành phần lớn tài năng và thời gian để giải phẫu thẩm mỹ cho những phụ nữ Việt Nam thích nét đẹp phương Tây).


Mặc cho tất cả nhưng điều ấy, và ẩn dưới sự bất an mà người ta cảm thấy ở Sài Gòn hiện nay-chỉ có một phần của nó hiện ra dưới hình thức những cuộc biểu tình công khai của sinh viên, cựu quân nhân, và những thành phần khác-người ta vẫn cảm được một điều khác. Đã rất nhiều lần, người Việt chứng tỏ khả năng sống sót qua đủ mọi thứ: nghèo đói, bệnh tật, nhà cửa bị bom đạn, người thân trong nhà bị chết. Ở khắp nơi, người Mỹ rên rỉ về những thất bại và kết án cả người Việt lẫn chính họ vì thứ nhất, đã dính líu quá sâu vào cuộc chiến, hoặc sau đó, đã không tiến hành "chiến tranh đúng cách". Những người Mỹ ở Sài Gòn ngày càng ý thức rõ về những chính sách đã dẫn người Mỹ đến thảm họa-và dĩ nhiên, việc xuất bản Hồ sơ Lầu năm góc cũng góp công vào chuyện này. Nhưng người Việt lại nghĩ khác với những người Việt ở Sài Gòn, Hồ sơ Lầu năm góc gây xôn xao gì. Họ thường gạt qua một bên những tiết lộ động trời bằng chủ nghĩa hoài nghi và thuyết định mệnh quen thuộc. Bây giờ dù họ nghĩ gì về chúng tôi, thái độ của họ lúc nào cũng được diễn tả bằng câu, "Chúng tôi sẽ sống sót. Chúng tôi xưa nay vẫn sống sót".


Sài Gòn có lẽ là thành phố bị ô nhiễm nặng nhất trên thế giới, không kể New York hay Los Angeles. Có khoảng một triệu xe cộ được đăng ký ở thủ đô này, và ít nhất có một số xe tương đương như thế vãng lai qua đây. Ngoài xe hơi riêng, những taxi nhỏ hiệu Renault, và xe bus, còn có vài ngàn xe xích lô máy và vài ngàn xe lam. Tất cả những loại xe nhỏ này, và rất nhiều trong số xe lớn hơn, đều chạy bằng dầu hoặc xăng cấp thấp, nên không khí Sài Gòn lúc nào cũng đầy bụi và khói, và một màn sương mờ luôn xuất hiện trên bầu trời. Tình hình còn tệ hơn khi có thêm hàng ngàn xe gắn máy, phần lớn là của Nhật, chạy tràn lan khắp nơi như châu chấu khiến sinh mạng khách bộ hành trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Đám thanh niên đua bằng xe Honda như điên hàng đêm trên đường Tự Do, hay trên xa lộ Biên Hòa ở bên ngoài thành phố, và rồi đám thanh niên ấy lại xếp hàng xe gắn máy của họ trên lề đường khi họ vào quán cà phê hoặc rạp chiếu phim. Thành phố bây giờ có khá nhiều đèn giao thông, nhưng ở nhiều chỗ dòng xe cộ vãn có vẻ như từ mọi phía đổ về, và khả năng biết cách vượt qua một con đường tấp nập xe cộ vào giờ cao điểm buổi sáng, trưa hay chiều là dấu hiệu của những cư dân lâu đời.
 
Từ cửa sổ phòng tôi trong khách sạn Continental, tôi bị thu hút vì âm thanh và đủ loại dòng lưu thông và bước chân bộ hành vội vã. Những đoàn quân xa ầm ỹ, do lính Mỹ hoặc Việt cầm lái thường được nối tiếp bằng những xe cảnh sát hú còi hộ tống một viên chức cao cấp nào đó hay chạy tới một nơi nào mới có biến động. Ở giữa tất cả những cảnh đó, những chiếc taxi nhỏ màu xanh vẫn chạy tới chạy lui như những con bọ, còn xe gắn máy cứ phóng loạn xạ. Phụ nữ Việt Nam có vẻ điều khiển xe gắn máy giỏi hơn nam giới-hay ít nhất là ít nguy hiểm hơn. Họ ngồi thẳng và nghiêm trang trên yên xe, thường đội những chiếc nón nhỏ sặc sỡ, và phong thái tự nhiên của họ còn được nâng cao hơn qua cách họ điều khiển những chiếc xe với tiếng máy nổ trầm đục. Xe gắn máy được dùng làm phương tiện di chuyển cho cả nhà, đưa trẻ con tới trường và đưa người lớn đi làm. Do khói máy chạy dầu-và do một số thùng dầu từng được dùng để chứa thuốc khai quang-nên Sài Gòn đã mất đi nhiều cây cổ thụ dễ thương; nhiều cây khác đã bị đốn để mở rộng đường lộ. Khói cũng ảnh hưởng tới số lượng chim. Một chiều nọ vừa đây một người bạn đã chạy bổ vào phòng tôi và kêu lên, "Biết gì không? Tôi vừa thấy một con bồ câu".


Trong vài năm qua, Sài Gòn đã hình thành một thứ văn hóa và ngôn ngữ hippy. Dân hippy được chia theo độ tuổi. Một tay hippy choi choi là loại rất trẻ, vị thành niên, mê nhạc trẻ và thời trang; một hippy sồn sồn là loại trên hai mươi; và một hippy khứa lão là gần ba mươi. "Bụi đời" là từ mô tả thái độ chung của dân hippy, và cũng là từ để chỉ trẻ đường phố. "Quần voi" là quần ống loe. "Trồng cây si" là đang si mê ai điên cuồng. "Xài tiền như Mỹ" là sống xa hoa, và nó được dùng để diễn tả cả lối sống của người Mỹ ở Sài Gòn cũng như cách người Mỹ tiến hành chiến tranh-sử dụng trọng pháo và máy bay ồ ạt để đạt được những mục đích bất khả. "Bay bướm" là cặp bồ nay cô này mai cô khác. "Cao bồi" là từ rất phổ biến, có gốc tiếng Anh, để chỉ dân du côn hoặc gan góc. Trong hai năm qua, bọn cao bồi ngày càng đông, họ lang thang trên đường phố thành băng nhóm. Họ đã khuyến khích mạnh mẽ thái độ chống Mỹ ngày càng công khai ở đây, đôi khi họ nhảy xổ vào tấn công lính Mỹ hay người Mỹ dân sự trên đường phố mà chẳng vì lý do nào cả, hoặc làm vậy là do được ai đó thuê mướn để giải quyết tư thù. Họ cũng là nguyên nhân của sự gia tăng tội phạm đường phố, như cướp giật chẳng hạn; nhiều tay cao bồi rất giỏi nghề giật đồng hồ ngay trên tay khách bộ hành. Tuy nhiên, phần lớn dân hippy là vô hại. Họ tụ họp trong các quán cà phê, ngồi nói chuyện, uống Coca Cola hoặc bia, than văn về cuộc sống vô vị hay khoe khoang chuyện tiếp tục đi học và né quân dịch thêm hai năm nữa vì cha mẹ họ đã làm lại khai sinh cho họ. Giống như dân hippy khắp nơi trên thế giới, họ thích để tóc dài, và con trai có một nhãn hiệu đặc biệt-giày đắt tiền. Những đôi giày của họ có thể tới mười lăm đô la một đôi-một cái giá cao ở Sài Gòn. Mùa thu rồi, trong một chiến dịch trấn áp tội phạm kéo dài ba tháng, cảnh sát đã bắt giữ hơn hai ngàn hippy, cùng với khoảng bốn trăm thanh niên được mô tả là cao bồi và du đãng, nhưng dân hippy-bị bắt chẳng qua là do họ không chịu cắt tóc-mau chóng được thả ra. Trong chiến dịch này, gần hai trăm năm mươi ngàn người đã phải vào đồn cảnh sát, khoảng một nửa số đó là do vi phạm luật giao thông. Ở Sài Gòn hiện nay, ai lái xe hơi cũng thường bị cảnh sát chặn lại vì không tuân theo một biển báo giao thông nào đó bằng tiếng Việt. Hầu như luôn luôn, một tờ năm trăm đồng-hơn một đô la chút xíu, theo hối suất chính thức hiện nay-sẽ đỡ cho bạn khỏi phải tới đồn cảnh sát. Dĩ nhiên đây là một cách để cảnh sát, vốn lãnh lương thấp, kiếm thêm cho đủ sống. Trong đợt bố ráp năm ngoái, số người bị bắt về đồn cảnh sát lớn không bằng đợt trước, họ bao gồm những người gây ô nhiễm và xả rác nơi công cộng. Sau đó là tới người cư trú bất hợp pháp, người gây rối quân đội" (chủ yếu là các cựu quân nhân tham gia những cuộc biểu tình chống chính phủ), người trốn quân dịch, người xài giấy tờ giả, người đánh bạc, và lính đào ngũ. Chiến dịch xuất phát từ một sắc lệnh ban hành cuối năm 1970, cho phép Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu thủ đô, được làm hầu như mọi việc để duy trì trật tự trong thành phố, nhưng do phần lớn những người bị bắt hoặc thẩm vấn đều được thả ra, nên sắc lệnh cũng chẳng có kết quả gì. Nó cũng giống như các chiến dịch chống tham nhũng rời rạc ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng dư luận lại la ó về tham nhũng, và một vật tế thần-một thương gia người Hoa, một người Việt bị bắt quả tang ăn cắp ở cảng, hoặc ai đó bị bắt ở phi trường vì buôn lậu heroin hay đô la-bị bắt và xét xử. Rồi tiếng la ó qua đi và mọi chuyện lại như cũ.


Cho dù có là hippy hay không thì hầu hết thanh niên Sài Gòn cũng cay đắng vì những điều chiến tranh gây ra cho họ và đất nước, nhưng, ngoại trừ số người 1 hoạt động cách mạng, còn phần đông chỉ giữ nỗi cay đắng trong lòng. Trong số những thanh niên đấu tranh, một số đã công khai liên lạc trực tiếp với Cộng sản, một số khác có liên lạc gián tiếp. Năm ngoái, Cộng sản đã nhấn mạnh tầm quan trọng phải xây dựng phong trào thanh niên trong đô thị. Vì hiện có rất nhiều vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế cần quan tâm, nên những người tranh đấu đã kích động được đông đảo sinh viên học sinh. Điều này đặc biệt đúng vào những thời điểm khi chính quyền hành động mạnh tay, mà cũng thường như vậy, để bắt giữ những thủ lãnh sinh viên, tống họ vào tù và tra tấn. Phần lớn là do khinh bỉ chính quyền Sài Gòn nên nhiều thanh niên vẫn cảm thấy ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, người được họ kính trọng với tư cách nhà cách mạng dân tộc đã lãnh đạo người Việt đánh thắng người Pháp.
 
Gần đây, tôi nói chuyện với một sinh viên của Đại học Vạn Hạnh từng bày tỏ sự ngưỡng mộ như vậy. Thanh niên này, tôi sẽ gọi là Thanh, là sinh viên năm thứ ba, khoa chính trị học. Ban đầu anh ta nói anh ta chỉ ngưỡng mộ cha mẹ mình; cha anh ta là nhà thầu, anh ta nói, còn mẹ anh buôn bán. Rồi anh nhận xét rằng nhân vật duy nhất trên thế giới mà anh ngưỡng mộ là Cụ Hồ. Khi tôi hỏi tại sao, anh đáp, "Hồ Chí Minh đã dành cả đời mình cho Việt Nam. Cụ đã giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của ngoại bang. Lịch sử sẽ đánh giá các việc làm của cụ. Nhưng là một thanh niên, với hai bàn tay trắng, Hồ Chí Minh đã sang Pháp, lao động cực nhọc để đạt được điều mình muốn. Tôi ngưỡng mộ Cụ Hồ ở điểm này. Đó là điều mà thanh niên ngày nay cần noi gương theo". Giống nhiều thanh niên khác, Thanh nói anh cũng thích dân tộc Mỹ như mọi dân tộc khác nhưng thấy rằng người Mỹ đã gây hại hơn là làm lợi cho đất nước này.


Những thanh niên tranh đấu hăng hái nhất, hoặc tò mò nhất, trong giới trẻ Sài Gòn đi về vùng quê trong mùa hè và dịp nghỉ Tết âm lịch và gia nhập Việt Cộng. Dù họ có trở thành cán bộ Cộng sản hay không, hành động của họ, như bất cứ việc gì khác, cũng là biểu hiện cho sự ghê tởm lối sống trục lợi, suy đồi ở Sài Gòn-và, trong nhiều trường hợp, họ ghê tởm luôn việc cha mẹ họ cũng lao theo lối sống ấy. Tương tự, một số thiếu nữ thuộc gia đình trung lưu hoặc trung lưu lớp dưới mà lợi tức của họ không đủ ăn vì lạm phát đã phải đi làm ở các quán rượu hay nhà hàng, và họ đôi khi cũng ngủ với những người Mỹ họ ưa-thích trong khi vẫn giữ mối liên hệ với gia đình và bạn trai người Việt. Thanh niên từ các gia đình tử tế, tuy bất mãn thói trục lợi của cha mẹ, nhưng vẫn hoan hỉ để cha mẹ hối lộ nhằm giúp họ khỏi đi lính, và họ chọn lối sống là tung hứng khéo léo số thời gian họ dành cho vui chơi và ngồi trong những lớp học đông nghẹt để họ có thể tránh nghĩa vụ quân dịch.


Những thanh niên này không bị lẫn với dân hippy nhà giàu vốn có cha mẹ lo lót để họ được thoát quân dịch, hay lẫn với một thiểu số thanh niên ưu thời mẫn thế thực sự và phản đối chiến tranh. Vào một số dịp trong hai năm qua, tôi đã dùng bữa tối với một nhóm sáu hay bảy thanh niên ưu tư thời cuộc đó. Tất cả đều đã tốt nghiệp đại học ở độ tuổi gần ba mươi, và hầu hết đã học luật, cơ khí, sư phạm hoặc hành chánh. Một người trong số họ làm việc cho một phụ tá của Thiệu tại Dinh tổng thống. "Tôi có cặp chân dài," anh ta nói với nụ cười rầu rĩ, hàm ý rằng anh ta chủ yếu là làm công việc chạy giấy tờ vặt. Một bạn trẻ khác là thiếu úy hải quân, làm một công việc bàn giấy nhàm chán. Không ai trong bọn họ làm được thứ công việc mà họ được đào tạo, và đây là một phần của bi kịch tại Việt Nam ngày nay. Guồng máy hành chánh vẫn theo kiểu Pháp, kém năng động, nên tuy có một số người trẻ đắc cử vào Hạ Viện hay hội đồng tỉnh hoặc huyện, nhưng những công việc bổ nhiệm chủ yếu vẫn nằm trong tay những người có tuổi. Như thế, hầu hết những tài năng trẻ hiện có của đất nước đã bị phí phạm. "Khoảng cách thế hệ thật quá tệ," một trong những bạn trẻ của tôi nói. "Chúng tôi là lứa giao thời chuyển tiếp. Bọn trẻ hơn thì không quan tâm hoặc không sẵn sàng cho bất cứ việc gì cả. Hầu hết bọn chúng đều cảm thấy bị bỏ rơi, và do đó, dù chúng thực sự đã tỉnh ngộ về xã hội này, chúng vẫn giả vờ như ngon lành lắm, giống bọn hippy hay cao bồi. Giới trí thức lớn tuổi thì quy ẩn hoặc đã chào thua. Chúng tôi chẳng biết hướng vào đâu ngoại trừ chính trị, mà nó thì quá suy đồi. Người Pháp đã tạo ra tầng lớp người Việt được ưu đãi của họ những đốc phủ sứ, hay phần tử quan lại-nhưng họ không động gì tới nông dân hay tầng lớp trung lưu. Và họ sử dụng các công chức họ tạo ra theo đúng kiểu-làm công bộc. Khi tôi hăm mốt, tôi đã có ý thức định hướng-cho cách ứng xử và đạo đức. Bây giờ mọi cái hết rồi. Có một sự mất mát niềm tin đối với các truyền thống. Chúng tôi biết điều gì là sai ở đây nhưng chúng làm được gì cả. Không ai cho chúng tôi làm. Ít nhất, người Pháp còn để cho văn hóa Việt được tồn tại, theo cách của nó, nhưng người Mỹ các ông đã biến chúng tôi thành một quốc gia của những thợ vận hành. Chúng tôi rơi vào hư vô. Chúng tôi trống rỗng".


Sau này ngẫm nghĩ lại tôi thấy rằng tuy có rất nhiều chuyện đàn áp tù nhân chính trị và kiểm duyệt báo chí ở Sài Gòn trong vài năm qua, nhưng cũng có một mức độ tự do phát biểu đáng kể-rõ ràng là cao hơn so với thời của Diệm. Đầu thập niên 1960 trước khi Diệm bị lật đổ, cái kiểu thảo luận thoải mái giữa tôi với nhóm bạn trẻ này thỉnh thoảng mới có được nhưng phải thu xếp hết sức cẩn thận để bảo vệ những người tham gia. Ngày nay tuy báo chí thường bị đóng cửa nhưng chúng thường tái xuất hiện sau vài ngày hay một tuần, và tiếp tục phê phán chính quyền Thiệu cho đến khi bị đóng cửa nữa, và quy trình ấy lặp lại. Đó là một tình trạng vô chính phủ bất tận-không tự do cũng chẳng đàn áp hoàn toàn. Phần lớn sự bất mãn trên báo chí chỉ là bất mãn chỉ vì bất mãn-Điều này không có nghĩa là một vấn đề quan trọng nào đó không được nêu lên trên báo chí. Dư luận đã quan tâm đáng kể trong hai năm qua đối với chuyện bắt bớ, xét xử và kết án dân biểu đối lập Trần Ngọc Châu chẳng hạn, và chuyện bắt giữ dân biểu Ngô Công Đức gần đây hơn. Đức là chủ tờ Tin Sáng, tờ báo đối lập phổ biến nhất nổi tiếng là đã bị đóng cửa thường xuyên nhất. (Đức thất cử trong kỳ bầu cử hồi tháng 8, nhưng ông ta tiếp tục làm báo chống Thiệu). "Nham nhở “ cũng được sử dụng rộng rãi để mô tả cái được gọi là nền văn hóa mới, vốn chủ yếu bao gồm những tiểu thuyết rẻ tiền và khối lượng tác phẩm khiêu dâm ngày càng tăng. Điều này, giống như mọi thứ nhảm nhí khác, bị gán cho ảnh hưởng Mỹ-và nó có sự chính đáng tương tự.
 
Tuy nhiên, sau này, đã có một sự thức tỉnh về một điều gì đó mới mẻ, có lẽ ta có thể định nghĩa tết nhất là ý thức phẫn nộ. Điều này trở thành hiển nhiên vào mấy tháng trước trong một cuộc triển lãm hội họa, thơ, liễn và tờ rơi của sinh viên Mỹ thuật và Văn khoa của Đại học Sài Gòn. Hầu hết những bức tranh và ký họa đều tự nhiên liên quan đến chiến tranh, và nhiều bức có tính trần trụi dữ dội theo kiểu Guemica của Picasso. Một bức lớn mô tả người Mỹ như những con chim đại bàng, ưng, và sói đang xâu xé miền quê. Cũng có nhiều bức tranh và ký họa mô tả các nghĩa trang và đầu lâu, những mớ xương khô rên đồng ruộng những con người đang bỏ chạy. Một bức tranh gấy xúc động có tên là "Trở về," vẽ cảnh một nhóm bé trai trở lại một ngôi làng không bóng người trong một chốn hoang vu bị chiến tranh tàn phá. Một bức khác vẽ cảnh những tù binh bị xiềng xích có tên "Chiến thắng của Mỹ trước tù nhân chiến tranh," và một khẩu hiệu bằng tiếng Việt viết "Căm thù trả bằng căm thù, máu trả bằng máu, đầu lâu trả bằng đầu lâu." Một người bạn Việt Nam cùng tôi tới xem triển lãm đã nhận xét rằng đây là buổi trình bày "những vũ khí của kẻ yếu." Không có hướng dẫn, ý thức định hướng, hoặc đủ tài năng, các nghệ sĩ và thi sĩ trẻ đang trút phẫn nộ vào người Mỹ bởi vì, như bạn tôi nói, "họ không có cách nào khác để phát biểu bất cứ điều gì-họ không thể công kích chính quyền, nhưng chính quyền lại cho họ công kích nước Mỹ". Trên báo chí gần đây đã có ngày càng nhiều hí họa chống Mỹ. Tuy nhiên, tôi ngạc nhiên thấy rằng trình tự chống Mỹ đã khởi lên chậm chạp như thế. Tại Sài Gòn, sự chậm chạp này có thể được giải thích phần nào bằng thực tế rằng, với những ngoại lệ hiếm hoi (như xe jeep Mỹ gây tai nạn rồi bỏ chạy luôn, hay lính Mỹ đánh nhau với người Việt trong các quán rượn), còn thông thường lính Mỹ cũng giữ tư cách, và trong hai năm qua ngày càng có ít lính Mỹ được phép vào đô thành. (Lính Mỹ cũng bị cấm vào nhiều thành phố lớn khác). Những chuyện tồi tệ nhất về sự tàn bạo của Mỹ, tiêu biểu là vụ Mỹ Lai, đã xảy ra ở nông thôn; số lượng những sự cố tương tự và nhỏ hơn tuỳ chẳng ai biết đích xác nhưng chắc cũng phải lên tới hàng ngàn... Trong những ngày đầu của cuộc chiến, nhiều tình bạn đã nảy nở giữa người Mỹ và người Việt, nhưng đó hầu như luôn luôn là những quan hệ bề mặt. Không dễ gì hiểu được người Việt, và họ thích nhấn mạnh sự khó hiểu của họ với người Mỹ vốn đến và đi trong cuộc sống của họ quá nhanh. Sau 25 năm tiếp xúc với xứ sở này, tôi có lẽ cũng có vài chục người bạn Việt Nam, tất cả đều ở Sài Gòn.


Một lý do khiến người Việt Nam khó hiểu là ở chỗ, việc tiến hành huấn luyện tiếng Việt một cách có hệ thống cho người Mỹ ở đây đã chậm chạp đến đáng buồn. Tiếng Việt thì rất khó học vì nó có nhiều âm sắc dấu nhấn-nhiều chữ có thể phát âm theo năm sáu cách khác nhau về âm sác, và có năm sáu nghĩa hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề có thể cải thiện mau chóng nếu chúng ta chịu tài trợ việc giảng dạy tiếng Anh rộng rãi cho người Việt thay vì để họ học trong những lớp đêm thường là khá đắt tiền của thày giáo địa phương. Với những người dưới bốn mươi, tiếng Anh thường là sinh ngữ thứ nhì hơn tiếng Pháp, nhưng nó không được sử dụng thường xuyên như tiếng Pháp, cho đến nay vẫn vậy. Như thế, một trong những thất bại lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là nằm trong lãnh vực giáo dục nói chung. Chúng ta đã xây trường học trên khắp xứ này, nhưng lại không có đủ giáo viên, sách vở và trang bị. Tuy rằng người Việt, cũng như người Hoa, rất hiếu học, số học sinh đi học tại bốn trong 11 trường cấp quận ở Sài Gòn lại chưa đầy 50% trẻ em trong độ tuổi. Điều này là do đô thành này hiện có hơn 1.000 phòng học trong các trường tiểu học công cũng như tư cho một số trẻ em ghi danh là 257.000. Một phần ba tới một nửa các phòng học này phải hoạt động ba ca mỗi ngày, điều đó có nghĩa là nhiều trẻ em có khả năng đến trường lại chỉ có mặt được ở đó ba tiếng mỗi ngày. Có tổng cộng 2.500 giáo viên, tức một thày cho hơn một trăm học trò. Nên không ngạc nhiên gì khi chỉ có 58% trẻ em đi học hoàn tất học trình dù chỉ ở cấp tiểu học.


Tình hình tại các đại học ở nhiều mặt còn tồi tệ hơn. Đại học Sài Gòn-một trong tám đại học trên toàn Nam Việt Nam-có khoảng 35.000 sinh viên và 350 giảng viên, tức một giảng viên cho 77 sinh viên. Rất nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, các giáo sư và giảng viên chỉ dành ba giờ một tuần cho các lớp ở Sài Gòn, vì họ còn phải đi khắp đất nước để dạy tại các đại học khác nằm rải rác từ Huế ở phía bắc tới Cần Thơ ở phía nam. Những bài giảng thường được phát dưới dạng quay ronéo, và hầu như không có hình thức thảo luận trong lớp. Hơn nữa, có ít trang bị khoa học đến nỗi có tới 22.000 trong số 35.000 sinh viên của Viện Đại học Sài Gòn ghi danh vào Mỹ thuật hoặc Văn khoa hoặc trường luật-điều này lại xảy ra ở một đất nước mà nếu nó muốn sống còn thì nó cần nhiều kỹ sư và những sinh viên được đào tạo một cách khoa học hơn là những luật sư hay sinh viên văn chương. Một hậu quả của sự bất cập ở đại học là ở chỗ con cái nhà giàu thì đi du học và ở lại luôn bên đó. Bạn tôi Tôn Thất Thiện, là nhà sử học xã hội và là hiệu trưởng Đại học Vạn Hạnh, một trường tư của giáo hội Phật giáo với 3.600 sinh viên, cũng đồng tình với những người có khả năng đi du học, cho dù ông ta cũng than thở về ảnh hưởng của sự thất thoát chất xám này đối với Việt Nam. "Ai mà muốn trở lại một nhà tù khổng lồ và để bị giết chứ?" ông ta đặt câu hỏi như thế.


Một trong những thần tượng của thế hệ trẻ là một thanh niên gầy gò, đeo kính cận, quê ở Huế, tên là Trịnh Công Sơn. Ở tuổi 32, anh là tác giả nhiều bài nhạc phản chiến sâu sắc, và tuy chúng bị cấm trong năm 1968 và 1969, nhưng vẫn được chơi ở một số phòng trà và phổ biến qua băng cassette in lậu. Một cô gái Bắc kỳ di cư 23 tuổi tên là Khánh Ly, với giọng hát trầm đục du dương cũng thu hút như chính những bài nhạc ấy, đã giúp chúng trở nên nổi tiếng...

Một bản nhạc của Sơn có tên "Đại bác ru đêm". Phần đầu có ca từ như sau:

Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dựng chổi lắng nghe
Đại bác qua đôi đánh thúc mẹ dậy
Đại bác qua đây con thơ buồn tủi...
Hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng
Từng đêm chong sáng là mát quê hương...

Trịnh Công Sơn, người đôi khi vẫn ngồi trong các phòng trà nghe Khánh Ly hát nhạc của mình, đã có được tên tuổi nhưng chẳng có mấy tiền bạc từ tác phẩm của mình, vì anh ta không kiểm soát được việc phổ biến băng cassette. Tiền mà anh kiếm được là nhờ cho in những bài tình ca của mình. Chính quyền ít nhiều cũng để anh được yên, vì anh quá nổi tiếng, nhưng anh chẳng có mấy tin tưởng vào các chính khách và cũng không hào hứng gì với chính trị. Độ một năm trước, một số bạn bè trong Không lực Việt Nam đề nghị anh nhập ngũ và nhận một nhiệm sở an toàn nhưng anh từ chối. Những bài nhạc của anh rất phổ biến trong quân đội, những người lính này đến phòng trà trên đường Tự Do nơi Khánh Ly hát những nhạc phẩm này, họ ngồi nghe và hoan hô cô như điên. Đôi khi, một cựu chiến binh đã mất một tay, một chân, và một mắt trong chiến tranh, đứng dậy và hát những bài đó với giọng khàn đặc, với đèn sân khấu chiếu thẳng vào anh ta, tạo thành một màn kịch bóng ngoạn mục.


Tôi có một buổi chiều nói chuyện với Trịnh Công Sơn và nghe vài bài hát mới của anh, chúng ít nhiều có giọng hoài niệm của các ca khúc cách mạng trong thời Nội chiến Tây Ban Nha. Trong đó có mấy bản mang tên "Dân ta quyết sống," "Chỉ còn trông vào chính chúng ta," và "Việt Nam ơi đứng dậy". Nghe những bản này, tôi nghĩ đến một hành khúc của VC mà tôi được đọc gần đây. Nó được tịch thu từ xác một cán binh Bắc Việt và không có vẻ buồn buồn như nhạc Trịnh Công Sơn. Ngược lại, những bài nhạc mới của anh nghe có vẻ cảm tính và phi thời gian hơn.
 
Tuy Hà Nội lúc nào cũng là một thành phố có cá tính đậm nét, cả về chính trị lẫn văn hóa, nhưng Sài Gòn chưa bao giờ có một vai trò hay đặc tính rõ ràng như thế. Một người bạn của tôi nói, "ông nghe người ta nói, “Tôi là dân New York”, hay “Tôi là dân Berlin”, nhưng ông chưa bao giờ nghe ai nói, “Tôi là dân Sài Gòn”. Theo tôi biết, ngay cả lịch sử của thành phố này cũng không rõ ràng. Có nhiều giả thuyết về sự hình thành buổi đầu của nó. Vùng đất này từng là một vùng hoang vu toàn đầm lầy, chỉ có vài khóm cây và lau sậy mọc cao giữa vô số dòng suối nhỏ. Cư dân ở đây chỉ có cọp, beo, khỉ, rắn và cá sấu. Những người đầu tiên được ghi nhận là sinh sống ở đây được gọi là Phù Nam, có nghĩa là dân ở đầm lầy phía nam, và gốc gác của họ cũng mơ hồ, nhưng các nhà khảo cổ trong những thập niên gần đây đã tìm được đồ đất nung và kim hoàn được cho rằng mang phong cách Phù Nam. Theo các sử gia Việt Nam, có lẽ trong thế kỷ 1 sau CN, thuyền bè từ La Mã sang Trung Quốc qua ngả Ấn Độ đã có tiếp xúc với miền đất này, nhưng chuyện có thủy thủ nào vào sâu trong đất liền tới tận vị trí Sài Gòn hay không thì chưa rõ. Người Âu lần đầu nghe nói đến tên gọi Sài Gòn là vào năm 1675, do một nhà du ký Anh và một nhà du ký Pháp thời đó ghi lại. Một tài liệu xưa có nhắc tới Tây Cống, theo chữ Hán thì có nghĩa là “cống vật phương tây”. Chi tiết này gợi ra cách lý giải cho rằng đất Sài Gòn vốn xưa là một biên trấn nhỏ phải cống nạp cho nhiều vua chúa, có lẽ có cả vua Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc và Xiêm La, vì những dân tộc này cứ giành nhau phần cực nam Đông Dương này cho đến khi người Pháp thống trị toàn bán đảo vào thế kỷ 19 (Tây Cống phát âm theo tiếng Quảng là si-gong, có thể là nguồn gốc của tên gọi Sài Gòn khi người Pháp ký âm lại). Dù lịch sử của nó là thế nào, Sài Gòn cũng chưa bao giờ được các vua chúa ở Hà Nội, thủ đô Bắc Kỳ, cũng như ở Huế, thủ đô Trung Kỳ, coi là một thủ đô trong thời gian các vua chúa này xung đột với nhau giành quyền cai trị toàn Việt Nam từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Thay vào đó, Sài Gòn thường trở thành một nơi tị nạn-một chỗ trú ẩn tạm thời cho các vua chúa bị lưu vong hay thua trận-hoặc là một nơi để vị vua cầm quyền giao cho một cận thần cai trị.


Nhưng mãi cho đến khi Pháp cai trị toàn lãnh thổ này, vào khoảng 1880, thì Sài Gòn, với tư cách đô thị chính của phần đất được người Pháp đặt tên là Cochin Chia (Nam Kỳ), mới dần trở thành một trong hai thủ đô của Đông Dương, với thủ đô kia là Hà Nội. Kể từ đó, viên Toàn quyền Pháp phải chia thời gian làm việc ở hai nơi. Tuy nhiên, qua năm tháng, Sài Gòn vẫn là một trung tâm thương mại hơn là một thủ đô. Đó là nơi người ta tới để kiếm tiền. Như Tôn Thất Thiện nói, "Người ta đến Sài Gòn theo mệnh lệnh của cái đầu, chứ không phải con tim, và họ đến đây để lấy, chứ không phải để cho". Điều này có lẽ đúng với các thương nhân Mỹ đầu tiên thực hiện giao dịch ở khu vực này-hai thuyền trưởng John Brown và John Whitechỉ huy hai tàu Marmion và Franklin, vào năm 1819, sau nhiều thương thảo, đã giong buồm về quê với hai tàu chất đầy đường (Tên gọi bằng tiếng Việt cho nước Mỹ, Hoa Kỳ, có thể xuất phái từ lần giao thương này, khi lá cờ Sao và Sọc của Mỹ được dân địa phương gọi là Cờ Hoa). Năm 1823, White xuất bản History of a Voyage to the Chia Sea, một cuốn sách về chuyến hành trình này. Trong một đoạn gợi ta nghĩ tới Sài Gòn ngày nay, ông ta mô tả số tiền hối lộ và chạy chọt mà ông ta và Brown phải chi ra để có được số đường mà họ muốn, thông qua quan lại và thương gia địa phương. Ngược lại, ông ta không hề nhắc chúng ta nhớ đến Sài Gòn hiện đại khi mô tả một số phụ nữ bị canh giữ cẩn mật như thế nào.


Khi người Pháp chiếm miền Nam năm 1862-hai mươi ba năm trước khi họ chiếm được miền Bắc với ý đồ từ lâu muốn dùng nó làm bàn đạp mở rộng buôn bán với Trung Quốc-Sài Gòn và Chợ Lớn chỉ là hai tập hợp rải rác những cụm dân cư nhỏ được xây cất dọc theo các kinh rạch và sông Sài Gòn. Những cụm dân cư nối liền với những con đường đất chạy dọc kênh rạch. Trong những thập niên kế đó, nhất là sau 1900, người Pháp xây những dinh thự bằng gạch quen thuộc của họ với mái ngói đỏ mà đến nay vẫn ngự trị thành phố. Nhà riêng hay công sở cũng theo kiểu đó, với hàng hiên mở và vườn rộng nằm dọc những đại lộ mà người Pháp trồng rất nhiều cây. Điều đáng nói về người Pháp là họ am hiểu việc thiết kế và kiến tạo các đô thị, và Sài Gòn có lẽ là thành quả lớn của họ. Là thủ đô của Nam Kỳ-xứ thuộc địa, trong khi Bắc và Trung Kỳ là xứ bảo hộ-Sài Gòn ngay từ buổi đầu đã là một trung tâm thương mại.


Ngay từ trước Thế chiến 1, người Pháp đã gặp nhiều chống đối chính trị từ người Việt, và họ đã đàn áp dã man, đẩy lùi lực lượng chống đối ra khỏi các đô thị rồi tiến hành những chiến dịch trong đó các làng quê bị càn quét sạch chỉ vì chứa chấp một nhóm những lãnh tụ kháng chiến. Để đẩy mạnh những mục tiêu kinh tế, người Pháp đối phó phần lớn với người Hoa chứ không phải người Việt... Thương nhân người Hoa tạo thành một tầng lớp mại bản, giống như tầng lớp làm ăn với người Âu ở Trung Quốc, và họ cũng được sử dụng trong guồng máy hành chánh, trợ giúp cho các công chức Pháp. Tuy nhiên, người Pháp đã xây dụng một số trường trung và tiểu học để đào tạo người Việt làm thông ngôn và công chức cấp thấp. Với Viện đại học Hà Nội, được thành lập năm 1917 như một chi nhánh của Đại học Paris, Hà Nội đã trở thành trung tâm văn hóa và chính trị của Đông Dương (Viện đại học Sài Gòn được thành lập khoảng 30 năm sau đó, như một chi nhánh của Viện đại học Hà Nội). Về phần Sài Gòn, thống trị ở đây là những nhà máy xay lúa trong Chợ Lớn và một số những công ty thương mại và vận tải biển của Pháp có sử dụng nhân viên người Việt. Hầu hết những thông ngôn cho người Pháp là các học sinh người Việt xuất thân từ những trường dòng của giáo hội Thiên chúa giáo do Pháp xây dựng, họ cũng biết tiếng Latinh và chữ Hán. Giới trí thức Việt Nam ở đó lại tìm chỗ nương thân trong đám địa chủ bản xứ những người này sống một đời bất an vì họ không dám khẳng định tài sản của tổ tiên có được nhờ sự bảo trợ của người Pháp vì e rằng một ngày nào đó lực lượng kháng chiến sẽ lật đổ người Pháp, sau đó chính quyền phong kiến được phục hồi sẽ trừng trị họ vì đã cộng tác với Pháp. Do đó rất nhiều ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long không được đăng bộ chính thức, người Pháp bèn đăng bộ cho mình, một phần ruộng đất như thế đã rơi vào tay giáo hội Thiên chúa giáo do Pháp bảo trợ. Thành phần quan lại cũng được phép sở hữu đất đai.
 
Trong thập niên 1920 và 1930, Sài Gòn phát triển và đông đúc hơn. Về mặt địa thế cũng như chính trị, nó vẫn khác biệt hẳn với Chợ Lớn, nhưng những tuyến xe điện đã nối liền hai khu vực (những tuyến này tồn tại mãi đến thập niên 1950, rồi bị xe bus thay thế). Hai đô thị không được kết hợp thành một đơn vị hành chánh chung cho mãi đến khi người Pháp ra đi, nhưng đã có sự gắn kết về thương mại qua hệ thống mại bản Pháp và Hoa. Năm 1936, người Pháp xây xong tuyến xe lửa xuyên Đông Dương chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn (hành trình này mất 40 giờ và vé bình dân chỉ tốn vài đô la), và nó đã góp phần đẩy mạnh giao thông trên toàn đất nước. Cuối thập niên 1930, tầng lớp đốc phủ sứ trở thành các quận trưởng hoặc, như ở Sài Gòn, các viên chức cấp dưới trong guồng máy hành chánh của Pháp. Trong thập niên này, một số con cái của giới quan lại và địa chủ đã sang Pháp du học, thậm chí có cả con của công nhân. Phần lớn những du học sinh này trở về để làm thày giáo, luật sư bác sĩ hay dược sĩ, nhưng cũng có một bộ phận gia nhập lực lượng cách mạng.


Cũng trong thập niên 1920 và 1930, người Pháp đã xây dựng những đồn điền trà, cao su và cà phê ở miền Nam và miền Trung, và nhiều ông chủ có những biệt thự nguy nga ở cả Sài Gòn lẫn tại đồn điền của họ. Trong thành phố, một người Pháp, mặc sơ mi và quần sọc trắng, có thể làm việc chỉ vài giờ mỗi ngày rồi về nhà, rồi sau khi nghỉ trưa, họ ra quán cà phê hoặc quán rượu, sau đó là đến bữa tối và giờ chơi ở câu lạc bộ. Sau vụ thu hoạch lúa ở Sài Gòn còn thấy xuất hiện một số địa chủ người Việt mặc đồ lụa lưu lại đây vài tuần để mua sắm hàng xa xỉ của Pháp hoặc món ăn sang của người Hoa. Cũng có một nhóm người mới ở đây, đó là dân đảo Corse. Một số xuất thân là lính, một số làm việc trong ngành cảnh sát hoặc quan thuế, thỉnh thoảng một số người Corse dữ dằn, theo kiểu Mafia, với những đường dây buôn lậu hay bảo kê quốc tế, cũng xuất hiện. Một số dân Corse khác mở nhà hàng hoặc quản lý nhà hàng cho các ông chủ người Pháp, và những nơi này, không như các nhà hàng Pháp trước đó, bán cả món ăn Pháp lẫn Hoa, khiến Sài Gòn nổi tiếng về sự kết hợp hai nghệ thuật nấu ăn xuất sắc nhất thế giới. Nhìn chung, cuộc sống ở Sài Gòn và cả Nam Kỳ thì nhẹ nhàng và thoải mái, ngay cả đối với nông dân-trái ngược với cuộc sống ở miền bắc, nơi khí hậu thì khắc nghiệt hơn mà đất đai lại không màu mỡ bằng. Nông dân ở miền Bắc phải dành nhiều giờ mỗi ngày để cày cấy trên đồng ruộng hay đánh bắt cá nhưng nông dân miền Nam có thể cày lật đất trong vài giờ, xạ hạt giống và để lúa tự mọc; khi anh ta đi câu trên xuồng, lúc bình minh hay hoàng hôn, anh ta có thể mang theo một cây đèn và hai mẩu gỗ để gõ vào nhau nhằm thu hút cá. Trong vòng nửa giờ anh có thể kiếm được số cá cần dùng, và giống như người Pháp, anh ta sẽ về nhà nghỉ ngơi. Thông thường người Hoa là những người lao động chăm chỉ nhất. Chợ Lớn đã là một xã hội gắn kết chặt chẽ gồm các bang và dòng họ. Một trong những thủ lãnh đầu tiên của cộng đồng người Hoa là một thương gia giàu có, ông Tích, người sở hữu một đội ghe bầu thu mua lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long chở về thành phố qua mạng lưới sông rạch. Chính người quản lý của ông ta, Mã Tuyên, vào năm 1963, đã che giấu hai anh em Diệm và Nhu trước khi họ bị sát hại.


Tuy người Pháp cũng có các cô vợ hờ người Hoa hoặc Việt, nhưng nhìn chung ít có hôn nhân dị chủng. Những gia đình Việt Nam gia giáo không tán thành nhưng cuộc hôn nhân như vậy, phần lớn các cô gái lấy chồng Pháp bị khinh thị và bị cộng đồng của họ ruồng bỏ. Hôn nhân giữa người Việt và người Hoa thì nhiều hơn. Một người Hoa từ Hoa Nam tới Chợ Lớn làm ăn thường để lại một bà vợ ở quê nhà và cưới một cô vợ Việt rồi hình thành một gia đình ở đây, rồi 10 hay 20 năm sau có thể ông ta lại trở về Trung Quốc, để lại đây cô vợ Việt. Một số người Hoa ở lại đây, tuy vài ba năm lại về thăm Trung Quốc một lần, và giống như nhiều Hoa kiều tử tế khác, họ thường gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà. Một bài hát Việt Nam thời đó đã mô tả cảm nghĩ của người Việt đối với người Pháp và người Hoa. Bài hát kể về một ông chủ Pháp hồi hương và khuyên cô ba, cô vợ hờ, hãy lấy anh thông ngôn. Tuy nhiên, những người thông ngôn hồi đó lại bị xem là đã xu phụ người Pháp và bị coi thường. Bài hát kể tiếp, "họ chẳng tốt gì cho nhau, cô gái với anh thông ngôn, cho dù cả hai đều có bạc vạn." Bài hát kết thúc với câu, "Cô đi lấy một người Hoa nghèo hèn chỉ có đôi quang gánh để nuôi heo còn tốt hơn".


Giữa hai cuộc thế chiến, người Pháp tự hào là đã bình định được phong trào kháng chiến ở Việt Nam-một niềm tự hào trước khi họ gặp phải một trong những thất bại lớn nhất của lịch sử. Giữa thập niên 1930, các tổ chức kháng chiến vẫn tìm cách tồn tại được ở miền Nam, tuy rằng các nhà tù thì đầy những tù nhân chính trị, và đến cuối thập niên này, lực lượng cách mạng đã hoạt động công khai trở lại tại Sài Gòn. Năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra. Người lãnh đạo cách mạng miền Nam lúc đó là Lê Hồng Phong, xứ ủy Nam Kỳ của đảng Cộng sản Đông Dương mà Hồ Chí Minh đã gầy dựng lại. Ngay sau khi Pháp thua trận ở châu Âu, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp dã man, và ông Phong và vợ (là Nguyễn thị Minh Khai) bị bắt và xử tử. Đến lúc Nhật xâm chiếm Đông Dương ít lâu sau đó, cuộc khởi nghĩa đã kết thúc Lực lượng Pháp, đứng đầu là Đô đốc Jean Decoux, được Nhật cho phép tiếp tục nắm guồng máy hành chánh, nhưng thực ra Nhật đã kiểm soát toàn bộ. Họ vẫn giam phần lớn những người Cộng sản nhưng cho một số người theo chủ nghĩa dân tộc sang Nhật, trong kế hoạch dài hạn nhằm thuyết phục các lãnh đạo bản xứ giúp Nhật xây dựng Khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á.


Dưới sự cai trị của Pháp và Nhật, Sài Gòn trở thành một đô thị khép kín. Tuy người Nhật là chủ nhân ông, nhưng cuộc sống nhìn chung vẫn tiếp diễn với nhịp độ thoải mái của nó trong một thời gian. Tuy nhiên, dần dà, điều này nhường chỗ cho một kỷ luật khắt khe. Với mái tóc húi cua, thanh gươm dài và giày đinh, người Nhật thường bị cả người Việt lẫn Pháp-ngoại trừ một thiểu số hợp tác với Nhật-chế giễu sau lưng, nhưng nhìn chung, dân Sài Gòn cũng chấp nhận người Nhật. Than miền Bắc không chở vào Sài Gòn được vì người Nhật dùng nó cho mục đích chiến tranh, nên lúa được dùng làm nhiên liệu, và đến 1944 một nạn đói lan tràn khắp Việt Nam. Hơn một triệu người miền Bắc bị chết đói. Ở Sài Gòn và cả miền Nam, người Việt không đến nỗi chết đói, nhưng họ cũng khốn khổ, và sự đau khổ tăng dần theo thời gian vì người Nhật giảm sản lượng lúa bằng cách bất dân nuôi heo và trồng đay gai, vì người Nhật cần lương thực và sợi. Người Pháp, tuy bị cắt rời khỏi chính quốc, nhưng vẫn còn tồn tại được, và người Hoa cũng sống được một cách đầy đủ, nhưng dân nghèo Việt Nam chịu khổ ngày càng nặng nề hơn khi chiến tranh cứ tiếp tục. Tại Đông Dương, người Nhật ít tàn bạo hơn ở những nơi khác trong vùng Đông Nam Á nhưng khi chiến tranh tiếp diễn, một mạng lưới bí mật của người Việt đã hình thành để chuyển tin tức quân sự cho Đồng Minh, và những thành viên mạng lưới này khi bị bắt đều bị xử tử ngay. Năm 1944, tin tức về việc Nhật bắt đầu thua trận đã lan khá rộng ở Sài Gòn. Những người Việt làm việc cho hãng thông tấn Domei của Nhật và nhân viên mật vụ Pháp, kể cả những gián điệp hai mang, đã lan truyền tin tức này (cũng có một nhóm nhỏ ủng hộ De Gaulle cũng góp sức vào đây). Vào lúc đó, oanh tạc cơ B-29 của Mỹ, được gọi là "cá thu đen" vì chúng từ biển bay vào, đã bắt đầu dội bom các bến cảng và ga xe lửa Sài Gòn trong thành phố thường xuyên nghe tiếng còi hú báo động không kích. Người Nhật bất đầu nhận ra họ thiếu sự cộng tác của người Pháp và thấy phong trào kháng chiến của người Việt ngày càng mạnh với sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Việt Minh, nên Tokyo quyết định tước bộ máy hành chánh ra khỏi tay người Pháp. Việc này diễn ra vào ngày 9.3. 1945, và năm tháng trước khi chiến tranh kết thúc đã trở thành một thời kỳ tranh tối tranh sáng. Nam ngàn lính Pháp bị Nhật bắt giam tại Sài Gòn, nhưng một số công chức vẫn được tự do để duy trì guồng máy. Phần lớn người Việt và người Hoa vẫn ở trong nhà, chờ đợi kết cục của cuộc chiến.
 
Trong số rất nhiều thay đổi mà Sài Gòn đã trải qua suốt chiều dài lịch sử, có lẽ không thay đổi nào lớn hơn chuyện xảy ra vào tháng 8 và 9 năm 1945. Toán quân Anh đầu tiên-chủ yếu là người Ấn-đã tới đây vào đầu tháng 9, và được chào đón sau khi họ đã mau lẹ nấm quyền kiểm soát thành phố. Phần lớn những người tiếp đón quân Đồng Minh là thành viên-trong ủy ban nhân dân Việt Minh do Đại tướng Nguyễn Bình cầm đầu. Ông Bình đã mau chóng lập nên những khu vực riêng rẽ cho các chiến dịch cách mạng và lập một trung tâm huấn luyện, và ông đã bố trí người không chỉ ở Sài Gòn mà còn ở nhiều thôn xã tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía bắc Sài Gòn. Thiếu tướng Douglas Gracey, chỉ huy lực lượng Anh, đã tuyên bố thiết quân luật, võ trang cho 5.000 lính Pháp từng bị Nhật giam giữ trước đó, và ra lệnh giải giới Việt Minh và cảnh sát Việt Nam. Thậm chí ông ta còn sử dụng một số lính Nhật để đàn áp phong trào quốc gia Việt Nam, và hàng trăm thường dân Việt tình nghi tham gia cách mạng đã bị Pháp tập trung và tống giam. Người Việt trả đũa bằng cách tổng bãi công khiến Sài Gòn tê liệt. Chiến tranh du kích đã thực sự nổ ra ở ngoại ô và vùng nông thôn phụ cận. Mỗi đêm lại có những vụ ám sát, và bầu trời Sài Gòn cứ đỏ rực lên vì lửa từ các kho vũ khí, nhiên liệu hay nhà riêng của những kẻ bị tình nghi là cộng tác với ngoại bang. Đến cuối tháng 9, người Pháp tiến hành một cuộc tấn công vào lực lượng Việt Minh còn lại trong thành phố, đánh thẳng vào những trụ sở cuối cùng của họ, như tòa thị chính, bưu điện, và bộ chỉ huy liêm phóng. Mấy chục người Việt bị bắt và tống giam, những người khác lánh ra ngoại ô và chờ đợi. Chiến dịch khủng bố tiếp tục cho đến 1946, trong khi tướng Bình củng cố lại lực lượng, và vào tháng 12.1946, khi cuộc chiến chống Pháp nổ ra, đã kiểm soát được nhiều tỉnh trong Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, những cuộc tấn công khủng bố ở Sài Gòn tăng theo từng tháng.


Những cuộc tấn công trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 1950, thời điểm mà Mỹ có một quyết định mang tính dính mệnh là giúp Pháp về kinh tế và những nguồn tiếp liệu lớn-một quyết định phần lớn dựa trên sự kiện là, Mỹ đang triển khai kế hoạch Marshall ở châu Âu để phục hồi nước Pháp sau những thiệt hại trong Thế chiến 2. Dĩ nhiên, mất mát của Pháp có thể đã giảm đi nhiều nếu Pháp cho Việt Nam được tự trị ở mức độ nào đó và qua đó làm dịu được xung đột ở thuộc địa này. Hành động duy nhất của họ theo hướng này là dựng Bảo Đại lên làm quốc trưởng. Bảo Đại, người tôi đã gặp vài lần, không hề là một tay chơi như người ta thường nghĩ, nhưng nỗ lực của ông ta nhằm giành lấy những nhượng bộ thực sự từ phía người Pháp đã không thành, và kháng chiến lan rộng. Về phía người Mỹ, trong giai đoạn nghiêm trọng này, các quan chức, ngoại trừ một thiểu số, đều nghĩ rằng cần ủng hộ người Pháp, đồng thời thuyết phục họ trao cho Việt Nam thêm một số quyền hạn tự chủ. Đây là bước đầu thực sự cho sự dính líu bi thảm của Mỹ vào xứ sở này.
Mặc cho không khí căng thắng, Sài Gòn vào cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950 vẫn còn nhiều hình ảnh của một tỉnh lẻ của Pháp. Ngoại trừ những giờ bơi lội ở Cercle Sportif (Câu lạc bộ thể thao, nay là Cung văn hóa lao động TPHCM) vào ban ngày, và la cà ở nhà hàng, sòng bạc hay nhà thổ vào ban đêm, kiếm tiền vẫn là công việc thu hút mọi người Paris là đầu não của cuộc chơi, và người Pháp cũng như những bạn bè người Việt và Hoa của họ đã kiếm lợi rất lớn nhờ tỉ giá hối đoái vô cùng phi lý giữa đồng franc và đồng bạc Đông Dương. Thủ thuật là làm ăn gian lận ở Sài Gòn rồi chuyển những đồng bạc Đông Dương kiếm ăn gian trá ấy về Paris bằng điện chuyển tiền, nhưng họ cần có giấy phép chuyển tiền, và những khoản lối 165 khổng lồ đã được chi ra để có những giấy phép ấy.


Năm 1954, sứ quán Mỹ trở thành tòa đại sứ, từ đó người Mỹ tới đây nhiều hơn. Tuy họ hòa lẫn với người Pháp tại Cercle Sportif, nhưng họ vẫn tách riêng ra, sống cuộc đời khép kín thường thấy ở các viên chức và nhiều doanh nhân Mỹ ở hải ngoại, ban ngày tới nơi làm việc, tối trở về những căn nhà hay biệt thự có bảo vệ bằng rào kẽm gai. Rất lâu trước khi chiến tranh trở nên quyết liệt hơn, hàng dây kẽm gai này đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở Sài Gòn, và tôi còn nhớ rõ những vòng rào đầu tiên mà người Mỹ dùng để bảo vệ họ.


Nhịp sống Sài Gòn tiếp tục trôi chảy dọc theo đường Catinat. Mỗi ngày, người ta có thể thấy toàn bộ giới thượng lưu Việt cũng như thuộc địa trên đại lộ này, với những quán cà phê và cửa hàng sang trọng bày đầy hàng hóa tết nhất của Pháp. Gần đó khoảng 30.000 người Pháp dân sự-giới làm ra tiền chủ yếu sống trong những biệt thự nguy nga. Phố Catinat là nơi gặp gỡ của họ, và những khác biệt xã hội tế vi của Sài Gòn có thể nhận ra được qua cung cách người ta chào nhau-trong bản chất của cái bắt tay, của nụ cười thoáng hiện, hoặc sự thiếu vắng của nó. Phụ nữ Pháp và Việt lướt qua như những đàn cá nhiệt đới sặc sỡ. Rồi lại có dân Tunisia, Morocco, Algeria và Senegal trong Quân đội thuộc địa Pháp. Rồi còn người Ấn, đến Sài Gòn sau thế chiến và trở thành thương gia hoặc người cho vay lãi. Ngày đó, người Ấn là những chỗ đổi tiền chủ yếu- hợ đen đôi khi được gọi là Ngân hàng Ấn Độ-những vụ bố ráp việc mua bán ngoại tệ trái phép gần đây và một tỉ giá được điều chỉnh lại đã ít nhiều xóa được việc buôn bán đồng đô la trong thị trường chợ đen.


Tuy khu vực quanh Catinat vẫn là trung tâm giao tế và thương mại của Sài Gòn, nhưng những chân rết của thành phố đã lan xa nhiều cây số, tạo thành Sài Gòn đích thực. Dân số thành phố này đã tăng gấp bốn trong vòng từ 1940 đến 1950, và phần lớn dân số này sống một cách gian nan, bên bờ vực nghèo đói. Ở ngoại vi thành phố là những khu lụp xụp, nhà làm bằng lá, bùn và những tấm thiếc, là nơi trú ngụ của người nghèo và bị đuổi nhà, phu thợ và những lớp người khác chỉ xoay xở kiếm được vài đồng bạc một ngày. Ở những khu khá giả hơn, gần trung tâm thành phố, có những dãy phố gồm hàng loạt nhà liên kế, đó là những ngôi nhà trệt, hoặc một lầu, làm bằng gỗ và tôn sâu khoảng sáu bảy mét; chúng thường bao gồm một cửa tiệm gì đó đàng trước và phần phía sau để ở. Đây là khu của giới trung lưu lớp dưới. Giữa và đàng sau những căn nhà này, trong những góc ẩm thấp của một mê cung những ngõ hẻm, là những căn buồng dùng cho nhiều việc, bán dâm và phá thai, hoặc hút thuốc phiện. Có những lỗ chó đi từ ngôi nhà này hay con hẻm này sang ngôi nhà hay con hẻm khác, và chúng không chỉ là con đường tẩu thoát cho bọn tội phạm mà còn là chỗ trú ẩn cho các chi bộ Việt Minh. Chính tại đây mà người của tướng Bình cất giấu lựu đạn và trở về ẩn náu sau khi tấn công.


Hoạt động chính của khu vực mê cung này của Sài Gòn-gồm cả nhiều khu của Chợ Lớn-là cờ bạc. Người nghèo đánh bạc cũng hăng như người giàu, và trở thành nạn nhân của bọn chủ sòng, bọn này điều hành những tập đoàn cờ bạc cùng nhiều chuyện làm ăn khác, trong đó có các nhà thổ. Nhà thổ nổi tiếng nhất vào đầu thập niên 1950 là Ngôi nhà Bốn Trăm mà người Pháp xây và bảo vệ chủ yếu để dùng cho quân đội của họ, tuy rằng người Việt về sau cũng được cho vào. Khách hàng có thể mua phiếu rồi chọn bất cứ cô nào vừa mắt trong số khoảng 400 cô gái ở đây (họ được kiểm tra sức khỏe hàng tuần). Theo một người bạn của tôi thì, "Nó giống một lò sát sinh hơn là một nhà thổ, ở đó ồn đến phát điên lên được". Sòng bạc sang trọng nhất là Đại Thế Giới, nằm ở ranh giới Sài Gòn và Chợ Lớn. Ban đầu những sòng bạc lớn là do người Hoa hay dân Ma Cao điều hành, nhưng rồi Bình Xuyên, một tổ chức do một người Việt tên là Bảy Viễn cầm đầu, chen vào và chiếm lấy hầu hết các sòng bạc, kể cả Đại Thế Giới. Với sự chấp thuận của Bảo Đại, ông ta còn nắm quyền chỉ huy cảnh sát, và trong thực lề, được Pháp đồng ý, ông la đã trở thành "ông trùm" của Sài Gòn. Ông ta đi lại trong thành phố với một lô vệ sĩ có võ trang vây quanh và ban đêm ở Đại Thế Giới ông ta phân phát những tấm phỉnh màu tím trị giá năm ngàn đồng bạc cho các bạn bè và la mắng bất kỳ ai ông ta không tin hay không có ích cho mình. Ở bộ chỉ huy của mình, ông ta có một sở thú nhỏ, có nuôi cả cọp và rắn độc và dưới đó là một cái hầm chứa súng và thuốc phiện. Thế lực của Bảy Viễn suy tàn khi người Pháp thua trận năm 1954 và Ngô Đình Diệm được Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng. Sau nhiều trận đánh gay go trên đường phố và những vùng sình lầy ngoại vi, căn cứ địa của Bình Xuyên, tổ chức này mới bị tiêu diệt năm 1955, và Bảy Viễn chạy sang Pháp (nơi Bảo Đại cũng sống đời lưu vong thoải mái sau khi bị Diệm truất phe). Tôi gặp Bảy Viễn tại Paris ba năm sau, ông ta trở thành một ông già vô hại, nhưng phong thái của một tay trùm tội phạm ngày xưa vẫn còn lộ ra qua cái cười khẩy và đôi mắt nhỏ soi mói.
 
Sau khi Pháp thua trận năm 1954, có một cuộc di cư của gần một triệu người từ Bắc vào Nam. Ảnh hưởng của những người Bắc này, chủ yếu theo đạo Công giáo, đối với dân Sài Gòn và các tỉnh khác kéo dài khá lâu. Ban đầu, Diệm chủ trương bố trí phần lớn dân di cư thành một vành đai bao quanh Sài Gòn, với hy vọng rằng họ sẽ thành bức màn ngăn chặn Việt Minh, nhưng phần lớn dân di cư lại muốn vào Sài Gòn. Họ đã vào Nam với rất ít tiền bạc và của cải, nên họ phải cạnh tranh kiếm sống, và nơi cạnh tranh tốt nhất là trong thành phố. Nhiều người trong bọn họ là trí thức hay có nghề chuyên môn cảm thấy lạc lõng trong một thành phố miền Nam nặng về thương mại, và cảm giác cô lập của họ còn sâu đậm hơn vì bất ổn và bạo động trong giai đoạn Diệm đấu tranh giành quyền kiểm soát Sài Gòn, rồi sau đó là do chính Diệm, vốn xuất thân từ miền Trung, có xu hướng trông cậy vào một nhóm người thân tín và người miền Nam mà ông ta thấy có thể tin cậy. Trong bối cảnh âm mưu chính trị ở miền Nam, những người Bắc Kỳ có vẻ hợp lý và cứng cỏi tinh thần hơn, trong khi người miền Nam ít tự tin, ít thủ đoạn và kém tinh tế hơn. Tuy nhiên, sau cùng, hai cộng đồng này bắt đầu hòa nhập, và tiến trình này vừa nhẹ nhàng vừa hữu ích. Ở nhiều mặt, chính người miền Nam đã chịu ảnh hưởng của người Bắc, hay nói cách khác, lối sống của người miền Nam được hấp thụ vào bộ khung của người Bắc. Nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, tờ báo ở Sài Gòn là do người Bắc thực hiện, họ khiến những tờ báo ấy mạnh mẽ về chính trị và cũng bao quát hơn. Người Bắc thường có lý luận hơn và có ảnh hưởng mạnh trong văn học và thơ ca mà với điều này, có khi người miền Nam phản ứng lại bằng cách thích nghi với thay đổi văn hóa này hoặc tung ra hàng loạt những tác phẩm đời thường hơn. Tiểu thuyết phiêu lưu và diễm tình bắt đầu xuất hiện dài kỳ trên báo chí, trong tiệm sách hay quầy bán báo lề đường, và ở đây cũng vậy, chuyện kiếm tiền thì quan trọng hơn chất lượng.


Về hoạt động kinh doanh nói chung, với ảnh hưởng của người Pháp suy thoái dần (tuy không hề mất hẳn, vì người Pháp vẫn giữ được quyền lợi trong các đồn điền cao su, ngành vận tải biển và thương mại) người Nam và người Bắc cạnh tranh giành lấy những hoạt động từng do người Pháp và Hoa thống trị. Vì người Bắc cạnh tranh giỏi hơn nên họ thường thắng, nhưng cuộc cạnh tranh thì lành mạnh và góp phần nâng cao tinh thần và sinh khí của thành phố. Người Bắc cũng giúp người Nam làm quen với trang phục lịch lãm và những phong cách cẩn thận và chu đáo hơn, qua đó làm tăng sự đa dạng và sôi nổi trong đời sống thành phố. Qua thời gian, chế độ Diệm, nhất là khi nó bị vợ chồng Ngô Đình Nhu khống chế, đã trở nên ngày càng độc tài hơn. Cuộc sống ở Sài Gòn ngày càng căng thẳng. Người Nam dần trở nên khép kín, trong khi người Bắc dè chừng hơn. Lúc tôi trở lại đây năm 1962, sau khi vắng mặt vài năm, sự chống đối chế độ Diệm có thể cảm thấy được trong bầu không khí, và rõ ràng chuyện nó bùng nổ công khai chỉ còn là vấn đề thời gian. Những người chống đối Diệm không gặp khó khăn gì trong việc tổ chức những cuộc họp mật, trong những phòng kín của nhà riêng hay những tiệm ăn nhỏ. Sau cùng, khi cuộc chống đối bùng ra, vào tháng 11.1963, Diệm và Nhu bị lật đổ với sự giúp sức của người Mỹ, Sài Gòn có vẻ như thở ra được một hơi nhẹ nhõm.


Sài Gòn bây giờ chính thức là một trong 11 thành phố tự trị của Nam Việt Nam-tức là thành phố độc lập đối với chính quyền cấp tỉnh-nhưng đô trưởng Sài Gòn Đỗ Kiến Nhiễu lại chịu trách nhiệm về mặt quân sự với tướng Trần Văn Minh, vì ông này không những là tư lệnh biệt khu thủ đô mà còn là tư lệnh Vùng 3 chiến thuật vốn bao gồm Sài Gòn và nhiều tỉnh lận cận ở phía bắc, đông bắc và tây bắc nữa. Tuy nhiên, sau cùng Nguyễn Văn Thiệu mới là người cai trị Sài Gòn thông qua một nhóm thân cận được tổ chức chặt chẽ họ nắm lực lượng an ninh khắp thành phố và quyết định mọi vấn đề chính sách, ví dụ như khối Phật tử và sinh viên trong thời điểm nào đó sẽ được tự do hội họp và ngôn luận tới mức nào. Bất cứ khi nào có một vụ đàn áp biểu tinh, hoặc bố ráp sinh viên hay các phần tử bất mãn, hoặc có bắt giữ một thủ lãnh phe đối lập thì người ta có thể biết chắc mệnh lệnh cho những chuyện đó xuất phát trực tiếp từ dinh tổng thống.


Mọi vấn đề phức tạp và xung đột bạo động ảnh hưởng đến thành phố đầu khó giải quyết hơn vì tình trạng dân số tăng. Đến 1963, dân số đô thành Sài Gòn đã lên tới 2,2 triệu và từ đó mỗi năm mỗi tăng vọt do dòng người từ nông thôn chạy về tị nạn. Từ 1965, có khoảng 3,5 triệu người đã trở thành đần tị nạn, và hai triệu trong số đó đã chạy về các thành phố. Trong dân số Nam Việt Nam, khoảng 19 triệu, thì có đến một nửa đã trở thành thị dân, trong khi trước chiến tranh có đến 80% dân sống ở nông thôn. Các đánh giá cho rằng khoảng một phần ba dân số thành thị sẽ trở về sống ở nông thôn sau chiến tranh; số còn lại sẽ có xu hướng ở lại, cho dù đời sống ở đó khó khăn hơn, vì ở đó có nhiều cơ hội việc làm và nhịp sống sôi nổi hơn so với nông thôn. Mật độ dân số Sài Gòn là khoảng 50.000 trên một cây số vuông, nhưng có những khu phố có đến 2.000 dân trên 20.000 mét vuông. Một viên chức Mỹ từng làm cố vấn về các vấn đề đô thị trong vài năm đã đánh giá rằng 10% dân số thành phố sống sung túc, 40% thuộc giai cấp trung lưu lớp dưới sống vừa đủ ăn và 50% sống nghèo khổ. So với Calcutta và một số thành phố khác của Ấn, Sài Gòn có lẽ không nghèo lắm, nhưng rõ ràng chiến tranh đã tạo nên một tình hình nghiêm trọng mà người ta không làm được bao nhiêu chuyện để cải thiện. Trong một số dịp, tôi được ngôi trực thăng bay chỉ cao hơn nóc nhà lượn khấp thành phố và quan sát những khu nhà ổ chuột ngày càng tăng ở hầu hết các quận. Từ trên cao người ta cũng nhìn thấy dấu vết tàn phá của chiến tranh... Vài ngàn khu nhà tái định cư đã được xây cất, phần lớn nằm ở ngoại vi thành phố, nhưng cũng chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu nhà ở của cựu quân nhân, chứ đừng nói tới nhà giá rẻ cho công chức và dân thường bị mất nhà. Khi thành phố mở rộng, số quận đã tăng từ năm lên 16 trong vòng 20 năm qua, lấn ra nhiều khu vực lớn của tỉnh Gia Định. Sài Gòn, trong chương trình gia cư đô thị của nó, chưa thấy được những cách sử dụng nhà cao tầng, như Singapore chẳng hạn, đã làm được-"cao" ở đây chỉ có nghĩa là bốn hoặc năm tầng. Dĩ nhiên, cũng có một ít khách sạn Sài Gòn cao tới 10 hay 11 tầng, và một số cao ốc văn phòng cũng lên tới tám tầng. Nhưng nhìn chung thành phố này bằng phẳng và lốm đốm-nhà một hay hai tầng chiếm trọn mọi khoảng trống. Hai phần ba dân số vẫn sống trong những nơi thiếu cả tiện nghi tối thiểu, kể cả nước sạch, thứ mà họ phải lấy từ những cái giếng gần đó. Những ngôi nhà ổ chuột đó, thường làm bằng lá, đất, tôn, và những tấm thiếc do Mỹ viện trợ, và được chính quyền xếp vào loại nhà bất hợp pháp, và trong những cuộc biểu tình của sinh viên và cựu quân nhân trong hai năm qua, cảnh sát đã giật sập một số nhà loại đó. Tuy nhiên, nhìn chung, do thiếu một chương trình xây dựng chặt chẽ và một trình tự ổn định để trợ giúp khối dân chúng bị bần cùng hóa, nên cảnh sát cũng như các viên chức khác đã bỏ qua vấn đề nhà ổ chuột khi họ chẳng bóp nặn được tiền bạc gì ở những người dân đó.


Thành phố có tổng cộng 11 bệnh viện công, với chưa tới 5.000 giường, và 39 trạm xá, và đã có những trận dịch tả vào năm 1964 và 1966; chính nhờ một chương trình chủng ngừa rộng rãi, chủ yếu là ngừa dịch tả, mà điều kiện y tế không trở nên tồi tệ hơn, nhưng dịch tả và dịch hạch vẫn còn là những mối đe dọa. Để thu gom khoảng 85.000 tấn rác mỗi tháng, thành phố chỉ có 130 xe rác loại mới. Tuy những phương tiện này đã cải thiện tình hình vệ sinh, nhất là ở những khu trung lưu, nhưng mọi chuyện vẫn còn rất tệ ở những khu nghèo hơn, nơi chẳng có đường xá cho xe hoạt động.
 
Nhìn một dãy phố lụp xụp tiêu biểu, hay liên tiếp nhiều dãy phố, của Sài Gòn, ta thấy nó có vẻ là kiểu nhà liên kế làm cửa hàng kiêm chỗ ở loại trệt hoặc một lầu, trông cũng sạch sê và ngăn nắp. Tại hầu hết những khu như thế, một đường hẻm nhỏ có thể dẫn từ ngoài đường nhựa vào khu nhà, nhưng rồi nó sẽ thu hẹp thành những con hẻm nhỏ hơn-hẹp đến độ đi một người cũng khó khăn. Nghẹt hai bên những con hẻm chật chội đó là những ngôi nhà tạm bợ vá víu, phần lớn chỉ có một phòng, trong đó sống cả gia đình trung bình gồm sáu hay bảy người. Nước được lấy từ giếng chung, có thể cách nhà tới vài con hẻm, tuy đôi chỗ cũng có ống nước dẫn đến những vòi nước công cộng. Thông thường những nơi đó chẳng có điện và người ta nấu bằng lò than. Về nhà vệ sinh, hầu như luôn có những mương hay rạch sau những dãy nhà như thế. Ban ngày cho đến sẩm tối, những người bán rong, mì, thức ăn nóng, cá tươi, trái cây, cứ đi rảo khắp mê cung đó. Mọi thứ cứ chen chúc với nhau đến nỗi, ngoại trừ đây đó có vài mét vuông sân chung, ánh mặt trời không chiếu xuống tới đất, và cả khu có vẻ như một đường hầm. Trẻ con lãn người lớn đi tới đi lui như những con chuột chũi.


Một người bạn Việt của tôi, Nguyễn Hùng Vượng, làm phụ tá cho tôi tại Việt Nam cả thập niên qua, trong thời gian này đã sống ở một khu hẻm trung lưu hơn, và anh ta đã giúp tôi hiểu cuộc sống ở đó ra sao và nó đã thay đổi thế nào. Nhà của anh ta, cũng nhỏ bé, nằm trong một con hẻm đông đúc dài cỡ 50 mét ở Quận 3, trung tâm Sài Gòn. Khu của anh được gọi là "Bàn Cờ” vì những đường hẻm thường vuông góc với nhau. Khi Vượng thuê được ngôi nhà này-năm 1961 với giá 1.000 đồng một tháng, cộng với 300 tiền đặt cọc và 1.000 khác cho người môi giới-thì con hẻm rộng khoảng sáu mét. Bây giờ nó rộng còn một nửa, vì từ đó tới nay có nhiều nhà được xây lại và lấn ra trái phép. Trái với những khu nghèo hơn của thành phố, khu Bàn Cờ có điện và nước, và một số hẻm, trong đó có hẻm nhà Vượng, đã được tráng nhựa, nên chúng ít khi bị ngập sau những cơn mưa lớn một điều xảy ra thường xuyên ở những khu khác-nhưng để về tới nhà bằng xe hơi anh ta phải chạy lòng vòng qua một hệ thống phức tạp gồm đủ các con hẻm lớn nhỏ. Người Việt có câu "Gần nhà xa ngõ" với hàm ý rằng "nhà tôi ở gần nhà bạn, nhưng ngõ nhà tôi xa ngõ nhà anh".


Mọi cư dân Sài Gòn, trừ người ngoại quốc, phải đi qua một thủ tục trình báo phức tạp khi họ dọn đến nơi ở mới, và họ thường xuyên bị cảnh sát kiểm tra. Mỗi gia đình phải có sổ gia đình, được liên gia trưởng chứng nhận. Sổ này sau đó phải được khóm trưởng, người đứng đầu nhiều dãy phố hay con hẻm, chứng nhận. Rồi phường trưởng phải ký chấp thuật vào sổ. Hệ thống liên gia ở Sài Gòn được chính quyền thành lập từ giữa thập niên 1950 (trước đó Việt Minh cũng dùng hệ thống này, nhưng nguồn gốc của nó có từ hai ngàn năm trước ở Trung Quốc; tài liệu ghi là do một tể tướng đời Đông Chu. Khi vị tể tướng bị thất sủng và cố đi trốn, ông ta đã bị chính hệ thống của mình phát hiện và sau đó bị xử tử). (Nhân vật này là Vệ Uống, tức Thương Uống, tể tướng nước Tần). Có 16 gia đình trong hẻm nhà Vượng và họ làm thành một liên gia-nó hơi lớn vì một liên gia trung bình chỉ có năm hay sáu gia đình. Tuy liên gia trưởng không có lương, nhưng địa vị đó có thể giúp ông ta kiếm được tiền nhờ những ân huệ ông ta có thể cho người khác. Trong khu của Vượng, một tiểu thương mù chữ đã nhận làm liên gia trưởng trong nhiều năm; từ từ ông ta giàu lên, và chuyển từ một ngôi nhà không có giường sang một trong những ngôi nhà đẹp nhất khu Bàn Cờ, nơi ông ta mở quán ăn. Vượng đoán rằng ông ta, giống như nhiều viên chức nhỏ khác, cũng dính vào những hoạt động như buôn lậu chứa gái, mua bán đồ trộm cắp, hoặc ghi số đề.


Trong 10 năm mà Vượng sống ở Bàn Cờ, nó đã gia tăng không chỉ về dân số và kích cỡ. Hiện trong khu đã có vài tòa nhà bốn-hay năm tầng, và một căn nhà gần chỗ Vượng có giá 80.000 đồng hồi 1961 nay đã trị giá hai triệu, trong khi những ngôi nhà cao tầng được bán tới 15 hay 20 triệu. Các tiệm thuốc, vốn đã rất nhiều tại Sài Gòn, nay còn tăng vọt ở Bàn Cờ cũng như những nơi khác, theo tốc độ các dược sĩ cho thuê hoặc bán quyền sử dụng văn bằng của họ cho những chủ nhà thuốc, những người này chỉ bán thuốc đóng gói sẵn-hoặc đôi khi bán cả ma túy. Những nhà hàng, quán rượu hay những quán nhậu bình thường cũng sinh sôi, mặc dù số người Mỹ ở đây đang giảm. Với sự du nhập thời trang Tây phương, nhất là váy mini, các tiệm may quần áo đã làm ăn phát đạt ở các con hẻm cũng như đường phố Bàn Cờ. Tiệm hót tóc cũng phát triển vì đó là những trung tâm tán gẫu và tin đồn, và cảnh sát cũng như băng nhóm tội phạm còn dùng một số tiệm như vậy để thu nhặt hay chuyển giao thông tin, hoặc dùng như điểm hẹn cho Việt Cộng. Những tiệm hớt tóc cũng có sẵn nhiều báo chí; hầu hết người trong hẻm của Vượng và các hẻm khác không mua báo hay tạp chí mà thuê đọc vài giờ ở tiệm hớt tóc hay sạp báo. Hẻm của Vượng được may mắn là có một trường học, một bệnh viện và một đồn cảnh sát gần bên-tuy rằng đồn cảnh sát thì vừa là phúc vừa là họa, vì nó cũng là mục tiêu tấn công của VC. Khi Ngoại trưởng Mỹ William Roger sang đây mùa xuân 1969, một toán VC đã bị phát hiện trong một trường học chuẩn bị bắn súng cối 60 ly vào các vị trí ở trung tâm Sài Gòn rồi tấn công đồn cảnh sát bằng lựu đạn. Năm trước, trong đợt Tết Mậu Thân, có đánh nhau cách ngõ hẻm nhà Vượng vài trăm mét, và một số hàng xóm của anh phải di tản. Một trong những biểu hiện đáng chú ý khác của Sài Gòn là tình hàng xóm của những người sống chung ngõ. Khi có tang ma chẳng hạn, ngay cả những người hàng xóm không thân thiết gì cũng góp tiền cho tang gia và tụ họp lại chia buồn và nói chuyện về sinh hoạt trong ngõ cũng như của cả thành phố, điều này đã là một phần thường nhật trong cuộc sống của họ và ở nhiều mặt nó đã bị mất dần.


Một con ngõ trung lưu như của Vượng cũng may mắn ở chỗ ít có lính đào ngũ, ma cô, cao bồi, du đãng con, và những phần tử gây rối khác thường gặp ở các khu hẻm nghèo hơn. Về bản chất, người Việt có xu hướng gắn bó với nhóm thu hẹp của mình, và đôi khi cũng ưa làm cao nữa; thói này tiêm nhiễm vào họ, và ở miền Nam, người Pháp còn đặc biệt khuyến khích nó nữa. Người Việt cũng có tư tưởng bài ngoại. Ví dụ, Vượng, một người có học và là trí thức, từng nhận xét với tôi, "Cũng may là dù chỗ tôi sống chật chội đông dân, nhưng lại không có người ngoại quốc-tôi muốn nói người Mỹ, Đại Hàn, Philippine, Thái, vân vân. Người Hoa thì được. Họ đã hòa nhập vào lối sống Việt Nam. Nhưng với người Việt chúng tôi những người ngoại quốc thật là phiền-nhất là Đại Hàn, Philippine và Thái Lan, bởi vì họ chỉ lo cho an ninh của họ và lo kiếm tiền. Chính người Mỹ đã mang họ tới đây. Lính châu Phi mà người Pháp mang qua đây còn gây rối cho chúng tôi ít hơn".


Tuy Vượng không muốn bị người ngoại quốc quấy rầy, nhưng Sài Gòn có lẽ chẳng bao giờ trở lại là một thành phố có bản sắc quốc gia riêng biệt như thời còn người Pháp. Với sự xuất hiện của người Mỹ, ít có chỗ nào không bị ảnh hưởng về xã hội, dân số cũng như tâm lý ảnh hưởng của những biến đổi do chiến tranh chắc sẽ lâu dài, bất kể có gì xảy ra về chính trị, và ngay cả trường hợp Cộng sản chiến thắng. Một giáo sư Pháp lai Việt về các vấn đề đô thị tại Đại học Sài Gòn gần đây có nhận xét với tôi, "Tất yếu sẽ có sự san bằng giai cấp, và ảnh hưởng Tây phương sẽ còn lại. Sẽ có sự hòa nhập kéo dài của các thành phần khác nhau-một sự tiếp xúc mà, dù tốt hay xấu cũng sẽ còn mãi. Vấn đề không chỉ là chuyện các ảnh hưởng nước ngoài mà còn là chuyện những gì đã xảy ra cho chính người Việt. Những hình ảnh truyền thống đã thay đồi. Công chức bây giờ sống gần với những tài xế tai hay xích lô vốn kiếm được tiền gấp ba bốn lần họ. Bây giờ có thể không có tiếp xúc thực sự giữa hai bên, nhưng với thời gian thì điều đó không tránh được. Một nhà đòn giàu có-giới nhà đòn đã giàu lên trong cuộc chiến kinh khủng này-có thể xây một căn nhà năm tầng từ căn nhà trệt mà ông ta từng sống. Hiện nay, ông ta có thể chẳng có liên kết gì với những người nghèo sống cạnh ông ta trong hẻm, nhưng sớm muộn gỉ rồi ông ta cũng sẽ có. Nhưng người giàu vẫn là giàu, người nghèo vẫn nghèo, tuy họ sống cạnh nhau, và những ngôi nhà cao sẽ phủ bóng lên những căn nhà lụp sụp. Chúng ta không biết bao nhiêu người giữ được giàu mãi, hay ảnh hưởng sẽ là gì, ví dụ, những doanh nhân Nhật mới sang đây, dù họ cũng là người Đông phương, nhưng lại có lối sống Tây phương ở nhiều mặt. Có thể sẽ xuất hiện lớp trung lưu hoàn toàn mới, hoặc có thể chẳng có lớp trung lưu nào cả-chỉ có những người giàu và người nghèo".
__________________
 
Những nhận xét này có vẻ đặc biệt phù hợp nếu áp dụng cho tỉnh Gia Định vốn có nhiều phần chen vào Sài Gòn. Nó có dân số khoảng 1,3 triệu, chủ yếu gồm những người đã rời Sài Gòn vì lý do kinh tế hay lý do khác, và những người tị nạn từ các tỉnh xa tới và đã định cư ở đây thay vì trong nội ô, tuy họ có thể làm việc trong Sài Gòn. Một người bạn Việt gần đây đã nói với tôi "Những khu ngoại vi nằm trong tỉnh Gia Định giống như những mụn nhọt trên lớp da Sài Gòn. Tại những khu vực giáp thành phố của tỉnh này, bạn có cả một xã hội không giai cấp Nó gồm những người bán hàng và một bộ phận trôi nổi đông đảo dân chúng. Cộng sản cố xâm nhập vào những nhóm trôi nổi này, bởi vì chính quyền khó mà kiểm soát được. Xa trung tâm thành phố, trong những khu còn được ít nhiều an toàn, người khá giả đã xây nhà gạch với tường rào bao quanh. Họ mướn người gác hoặc chi tiền cho cảnh sát. Không có kiểm tra dân số không cách nào biết được ai đi đâu hoặc bom đạn ở nông thôn đã ảnh hưởng gì trong việc đẩy người ta về các khu ngoại ô hoặc thành phố. Chẳng bao giờ có được tính lưu động xã hội theo nghĩa truyền thống nữa".


Nếu có một cuộc tấn công đại quy mô của Cộng sản vào Sài Gòn như năm 1968, chắc chắn nó sẽ có mầm mống từ Gia Định, nơi Cộng sản đã lập được các chi bộ rộng khắp. Phần lớn việc buôn bán ma túy và rất nhiều hoạt động phi pháp khác đã chuyên từ thành phố ra ngoại ô khi áp lực của cảnh sát gia tăng trong Sài Gòn, và hành động này sẽ trợ giúp cho Cộng sản. Một phần vì những lý do này, các viên chức cấp quốc gia cũng như cấp Sài Gòn muốn đưa nhiều địa phương của Gia Định vào tầm kiểm soát trực tiếp của các giới chức thủ đô. Nếu kế hoạch này được thực hiện, điều đó có nghĩa rằng khoảng 3.400 xã của Gia Định sê được nhập vào Sài Gòn, trong khi phần còn lại của tỉnh sẽ tồn tại riêng biệt hoặc sáp nhập vào những tỉnh lân cận.


Một khu vực của Sài Gòn vẫn còn giữ được bản sắc riêng là Chợ Lớn, vì ngay cả cuộc chiến dai dẳng, tồi tệ cũng không ảnh hưởng nhiều đến chỗ này. Cộng đồng ở đây lại một lần nữa chứng tỏ khả năng luôn vẫn là chính mình của người Hoa cho dù họ sống ở đâu và ai đang nắm quyền ở Trung Quốc, và việc người Hoa ở Việt Nam đã tồn tại nguyên vẹn dưới thời Pháp cai trị, dưới chính quyền Việt Nam và suốt thời kỳ Mỹ đem quân tới đây cũng chỉ tô đậm thêm đặc điểm này. Trong trường hợp của khoảng 1,3 triệu người Hoa tại Việt Nam-phần lớn sống ở Chợ Lớn-tính chất Hoa tộc này có ý nghĩa gấp đôi vì lúc Diệm mới nắm quyền, ông ta đã buộc họ phải nhập Việt tịch. Hơn nữa, lớp trẻ của họ còn đi lính để chiến đấu cho một mục tiêu mà phần lớn người Hoa không tin, tuy điều này không có nghĩa là họ thân cộng. Năm 1967, họ lại bị o ép hơn khi chính quyền yêu cầu rằng mọi cơ sở của người Hoa-cửa hàng, khách sạn, các thứ-phải có tên bằng tiếng Việt nằm bên trên tên bằng chữ Hán trong bảng hiệu.


Việc thả bộ qua Chợ Lớn, dù là ban ngày hay ban đêm, thì rất khác với một chuyến đi dạo qua Sài Gòn của người Việt. Thứ nhất, ta gặp ít người Mỹ và những người da trắng hơn. Vết tích thời thuộc địa, dưới dạng những ngôi nhà gạch mà người Pháp xây khắp các nơi khác, cũng ít hơn. Thay vào đó là hàng dãy hàng dãy những cửa hàng ngăn nắp, gọn ghẽ, chất đầy hàng hóa Tàu và Tây phương, có cả nhiều món mà ta không thể tìm thấy ở chỗ nào khác của Sài Gòn. Những tiệm ăn trong nhà hay ngoài trời có khắp nơi, phục vụ vô vàn các món ăn Tàu. Mùi chủ yếu ở đây là mùi nước tương, trong khi mùi thường gặp trong các tiệm ăn lộ thiên của người Việt là mùi nước mắm. Ở đây có nhiều chùa hơn nội Ô Sài Gòn, và luôn có một sân chơi cạnh chùa (Trong đô thị Việt Nam, hiếm còn có chỗ nào cho trẻ em chơi). Nhạc Hoa vang khắp nơi-những khúc nhạc cao vút với mấy điệp khúc tương tự nhau-trong khi ở những nơi khác của Sài Gòn người ta hiếm khi nghe được nhạc Việt Nam, vốn du dương và giàu cảm xúc hơn nhạc Hoa; thay vào đó, chỉ có tiếng ầm vang của nhạc rock and roll. Một thay đổi lớn ở đây qua nhiều năm là chuyện giới trẻ đã chấp nhận Âu phục-con gái mặc váy và áo cánh thay vì xường xám, còn con trai, quần bó và áo sơ mi. Một số những người lớn tuổi-nhất là người già-vẫn mặc áo thụng kiểu xưa.


Người ta nói rằng, người Hoa kiểm soát ba phần tư nền kinh tế của Sài Gòn, và điều đó có lẽ đúng. Ngay cả người Việt giàu có cũng có liên hệ với cộng đồng tài chánh người Hoa theo cách này hay cách khác. Người Hoa thống trị ngành mua bán gạo, họ thao túng các thị trường tiền tệ, và họ định giá cho các sản phẩm thiết yếu như cá, rau, thịt heo, xi măng và vải. Việc buôn bán vàng và thuốc phiện phi pháp cũng do họ kiểm soát, tuỵ rằng người Việt cũng có tham gia. Hầu hết người Hoa đều coi thường người Việt, và đã chống đối hoặc khinh bỉ hàng loạt các chính phủ sau Diệm-ông này, tuy áp chế người Hoa, nhưng họ vẫn tôn trọng vì tầng lớp xuất thân và học vấn đã giúp ông có được phẩm cấp triều đình.


Một khía cạnh đáng chú ý trong sinh hoạt ở Chợ Lớn là khoảng cách thế hệ, mà trong nhiều trường hợp thì sâu sắc về mặt văn hóa hơn những biểu hiện thường thấy ở người Việt. Thế hệ người Hoa trẻ, được học hành tốt hơn giới trẻ Việt Nam, vì các trường học của người Hoa thì nhiều hơn và được điều hành tốt hơn, bị chia thành ba nhóm: nhóm ủng hộ Mao; nhóm trung lập, những bạn này hơi thân Quốc dân đảng; và nhóm Âu hóa, những bạn này ngày càng ưa phim ảnh âu Mỹ hơn, ví dụ, thứ phim Trung Quốc trong đó một kiếm sĩ chỉ một nhát là hạ được cả chục đối thủ. Nhóm ủng hộ Mao thì nhỏ-có lẽ không quá 5.000-nhưng họ tin tưởng vững chắc vào nước Trung Quốc mới và đã tự tổ chức thành những đơn vị Vệ binh Đỏ. Trong trận Tết Mậu Thân 1968, những nhóm này đã chứa chấp VC và những đội đặc công, và các thành viên còn tham gia biểu tình trong Chợ Lớn khi Cộng sản kiểm soát được những khu phố và kéo được cờ Việt Cộng lên trong nhiều giờ, và có chỗ nhiều ngày.


Vì Hoa kiều thường ưa thỏa hiệp, và vì họ ít có tin tưởng vào tương lai của chính phủ Sài Gòn hơn người Việt, nên có lẽ nếu có thăm dò dư luận thì nhiều người trong Chợ Lớn sẽ ủng hộ Hà Nội, chủ yếu là do họ cảm thấy rằng với chính quyền Hà Nội họ sẽ dễ liên lạc với quê nhà hơn. Tâm tình thân Hà Nội nây cũng phần nào là sản phẩm của cái gọi là "chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc" tuy cách gọi đó có thể không công bằng và thiếu chính xác, và điều đó cũng có vẻ thiếu thực tế.


Về những thái độ đối với Trung Quốc của người Việt, tất cả, người Bắc cũng như Nam, đều e ngại người Hoa và thích được độc lập đối với họ hơn. Sau cùng, phần lớn nước Việt Nam đã bị người Hoa chiếm đóng trong hơn 1.000 năm, và dân Việt tự hào rằng tổ tiên của họ đã đuổi được kẻ xâm lược phương bắc và dựng được nền độc lập. Hơn nữa, vụ chiếm đóng Việt Nam gần đây hơn của người Hoa-vào năm 1945-46 khi quân của Tưởng Giới Thạch được Đồng Minh phái tới miền bắc trong khi người Anh vào miền Nam-người ta vẫn chưa quên; quân chiếm đóng đã cướp phá và làm giàu nhờ thuốc phiện và những hoạt động buôn bán phi pháp khác (Thực tế, tàn dư của đoàn quân này vẫn còn tham gia những hoạt động này trong vùng biên giới Lào và Miến Điện). Tuy Hà Nội coi Trung Quốc là bạn, nhưng hầu như ai cũng nghĩ Bắc Việt muốn duy trì thế cân bằng mong manh giữa Moscow và Bắc Kinh mà Hồ Chí Minh đã giữ được lâu nay. Có lẽ người Hoa cũng hy vọng tiếp lục ủng hộ một bên để giữ thân mình.
 
Về chuyện phim ảnh, giới trẻ người Việt chia tay với truyền thống dút khoát hơn Chợ Lớn. Cuối năm rồi, một phim Việt Nam tên là Chân Trời Tím lần đầu tiên chiếu cảnh nhân vật nam và nữ chính hôn môi nhau. Tuy rất hiền lành so với nhiều xuất phẩm cùng thời của phương Tây, bộ phim vẫn hàm chứa cái mà người Việt gọi là dấu vết của chủ nghĩa tân hiện thực, kể cả một cảnh chiếu một bộ ngực trần. Cũng có những cảnh các cô gái bán bar, lính đào ngũ, và những phó sản khác của chiến tranh, và cảnh phi công Mỹ lái máy bay dội bom hay thả bom napalm. Bộ phim được thế hệ trẻ khen ngợi nhưng người lớn tuổi hơn thì phê phán gay gắt. Nhưng nó thắng lớn về tiền bán vé. Người Việt rất thích thú với TV; một số gia đình nghèo cũng có TV trong nhà. Có hai kênh, một của Quân đội Mỹ và một của chính phủ Sài Gòn, và kênh của Mỹ cũng rất phổ biến với người Việt, cho dù họ không nghe được lời thoại họ vẫn thường thức được hành động trong những chương trình như “Impossible", "Wild, Wild West," và "Batman." Tiết mục TV Việt Nam được ưa chuộng nhất là cải lương, có thể là một chương trình nhiều kỳ được kể theo hình thức tuồng cổ nhưng câu chuyện có thể là hiện đại; một vở tuồng nọ kể chuyện một thiếu nữ bị buộc phải bỏ nhà và đi bán bar chẳng hạn. Người Mỹ cũng chiếu rất nhiều phim tuyên truyền nhưng, dù trong hay ngoài TV, chẳng làm được gì nhiều để cải thiện đời sống văn hóa ở Sài Gòn. Một ngoại lệ là cuộc trình diễn hồi năm ngoái, với sự tài trợ của khoảng 30 thành viên của Phòng thương mại Mỹ, cho vở nhạc kịch Hansel and Gretel của Đức, cho các thứ. Nó tốn hết 7.000 đô la để tổ chức năm buổi diễn, và bị cộng đồng người Mỹ chỉ trích về số tiền bỏ ra cho một chuyện có vẻ chẳng liên quan gì trong khi số tiền đó có thể dùng để giúp người tị nạn hay trẻ mồ côi thì tốt hơn nhiều.


Ngoài một số ngoại lệ, còn mối liên hệ thường xuyên giữa người Việt và người Mỹ là chỉ ở cấp binh lính, với động cơ chủ yếu là tình dục, hy vọng dẫn tới tình dục, hoặc tốt lắm thì chỉ ở bề mặt. Tuy nhiên, đã có vài ngàn cuộc hôn nhân giữa lính Mỹ và phụ nữ Việt tuy rằng những cuộc hôn nhân như vậy thì cũng khó dàn xếp-khi mà cả hai bán đều có ý đồ của mình. Nhiều cuộc hôn nhân đã tan vỡ ngay khi cặp đó về tới Mỹ, người vợ Việt ở đó thường thấy mình hóa ra là người phương Đông duy nhất trong một cộng đồng Mỹ nhỏ bé. Một số người Mỹ cũng nhận trẻ mồ côi chiến tranh làm con nuôi, với sự giúp đỡ của một số tổ chức công cũng như tư được người Mỹ và Âu tài trợ, nhưng số vụ nhận con nuôi này quá nhỏ so với hàng ngàn trẻ mồ côi vốn sẽ phải nương nhờ vào các cơ quan của chính phủ hoặc tiếp tục vô gia cư và bơ vơ.


Một điều khác đã không thay đổi qua bao năm dài chiến tranh là tầm quan trọng của nghề bói toán ở Sài Gòn. Gần như mọi người Việt, cho dù học hành cỡ nào, cũng tin tưởng vào các thày bói toán kiểu này hoặc kiểu khác, và nhờ họ hướng dẫn cho mọi loại quyết định. Tổng thống Thiệu, cựu Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, và tất cả những người tôi quen biết trong giới quyền lực đã chỉ có những quyết định sau khi đã tham khảo một thày bói tin cẩn-và đây có lẽ là một lý do khiến ý kiến của cố vấn Mỹ không được thường xuyên tiếp nhận như nhiều người ở nước Mỹ vẫn tưởng. Ngay cả những người Việt có đầu óc Tây phương nhất, những người thường cười cợt khi thấy bạn bè trông cậy vào bói toán, vẫn bí mật đến gặp thầy bói và bám vào những niềm tin cổ xưa, chẳng hạn như vai trò của người xông đất năm mới. Tôi biết một số người Mỹ đã đến thăm nhà bạn Việt vào ngày cuối năm và đã được lịch sự mời về vào phút cuối cùng của năm cũ bởi vì "một người bạn Việt rất tốt của tôi chốc nữa sẽ đến thăm và nếu anh ở đây thì thật xui xẻo". Những hình thức bói toán phổ biến nhất là tử vi, xem tướng, coi chỉ tay, bói bài, và xem quả cầu pha lê. Trong những năm qua khi một loạt biến cố chẳng lành cứ kế tiếp nhau, việc định thời điểm cho những vụ đảo chánh và âm mưu đảo chánh luôn được quyết định bởi những gì thày bói nói với các tướng lãnh có dính líu. Các bạn tôi-nhà báo, doanh nhân và nhiều nghề khác-vẫn thường nói với tôi vận hạn của họ trong thời điểm nào đó là hên hay xui, và kỳ lạ thay, họ lại thường đúng hơn là sai.


Thuật nghiên cứu số có vai trò quan trọng trong những dự đoán này, và họ đặc biệt chú ý những con số căn bản như ba và năm. Ba là hên, và năm là xui; mồng năm, mười bốn, hăm ba âm lịch luôn bị coi là xui (vì các ngày đó đều các số cộng lại thành năm). Sau cùng, và quan trọng nhất, là chu kỳ 12 năm của âm lịch, và mỗi năm trong chu kỳ 12 năm đó được biểu trưng bằng một con vật, và mỗi con vật lại được coi là hên hay xui đối với mỗi người trong những năm nào đó. Năm 1971 là năm con heo và đến tháng 2.1972, một chu kỳ mới lại bắt đầu với năm con chuột. Mỗi năm, vào ngày Tết, ngôi nhà gia tộc lại được thắp sáng rực để chào đón không chỉ người xông đất mà còn đón cả linh khí mới. Bàn bày đầy thức ăn, hoa được chưng khắp nơi, và lúc bình minh, gia đình đón ông bà bằng bữa ăn đầu tiên của ngày Tết, đợt Tết có thể kéo dài từ bảy đến 10 ngày. Khi xong bữa ăn, mọi người trong nhà mặc đồ đẹp nhất để chào đón bà con, nhất là ông bà. Mỗi đứa bé nhận được một khoản tiền nhỏ trong một phong bì đỏ, và mọi người chủ Việt cũng như ngoại quốc đều được trông đợi sẽ tặng quà Tết cho những người Việt làm công cho họ, ngay cả các quản lý và nhân viên khách sạn-nếu không được cả một tháng lương, thì cũng vài trăm hay vài ngàn đồng tùy theo tầm quan trọng của mối quan hệ.


Vài năm trước, một người bạn Mỹ của tôi đã làm một nghiên cứu về ý nghĩa của bói toán và những hình thức đoán vận mệnh khác và thu được những kết quả thú vị. Địa điểm của mọi ngôi nhà, kể cả dinh Tổng thống (hiện được coi là ở một địa điểm xấu) được coi là hên hay xui tùy theo cách chúng tiếp cận ánh sáng, nước và không gian. Vận mệnh của Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn có vẻ đã chuyển từ tốt sang xấu khi họ dọn từ trụ sở trên đường Hàm Nghi, quay lưng ra sông Sài Gòn và đường Võ Di Nguy, sang trụ sở mới hiện nay trên đường Thống Nhất. Một thày địa lý nổi tiếng đã chỉ ra rằng Tổng thống Thiệu sinh năm Tí, và điều đó có nghĩa là năm 1972 không tốt cho ông ta. Chẳng ai biết người Cộng sản ở Bắc Việt tin những điều này tới mức nào, nhưng chắc chắn những người bạn Bắc Kỳ của tôi ở Sài Gòn đều tin vào tất cả hệ thống này.
 
Mặc cho những biến đổi thời chiến của Sài Gòn, người Việt vẫn là dân tộc gắn chặt với thông lệ, và một trong những thông lệ căn bản của họ là việc chuyển giao, sau khi đã đánh giá cẩn thận, các tin đồn. Từ 1960, khi vụ đảo chánh Diệm lần đầu xảy ra (ngày 11 và 12.1960, do một số sĩ quan tiến hành, và đã thất bại), trung tâm tin đồn đã được gọi là Đài phát thanh Catinat, và chỗ này chết với cái tên đó luôn. Khoảng năm 1972, trụ sở của nó là ở nhà hàng La Pagode, nằm ở phía trên đường Catinat. Sau khi Diệm đổ, hành lang khách sạn Continental trở thành một phần của mạng lưới, nhưng trung tâm chính của nó từ khi Diệm đổ là một tiệm cà phê bánh ngọt nhỏ tên là Givral, nằm đối diện Continental (La Pagode, cách đó một ngã tư, bây giờ là nơi lui tới của "lính kiểng"-những sĩ quan hay hạ sĩ quan có gia đình giàu có đủ để chạy chọt cho họ ở lại Sài Gòn.) Hầu hết những gì người ta nghe được ở Givral đều có giá trị đáng ngờ, vì những người đến đây thường cài thông tin sang cho người khác với mục đích riêng của mình. Trong số các khách hàng có nhưng vị dân biểu hay nghị sĩ (tòa nhà Quốc hội chỉ cách đó 50 mét), công chức, cảnh sát chìm, nhà báo, và doanh nhân. Cũng không hiếm khi gặp một dân biểu đối lập và một nhân viên mật vụ ngồi với nhau và đấu võ mồm. Người ta đến Givral không chỉ để trao đổi thông tin mà còn để chơi trò đối thoại tinh tế mà người Việt chơi giỏi hơn người Mỹ nhiều- thử thách lẫn nhau, nói xỏ nhau, cố chế giễu ai đó và chê bai ai đó. Thỉnh thoảng, những thành viên nội các cũng ghé vào, hoặc những viên chức cao cấp dân sự cũng như quân sự; Tổng thống Thiệu khi còn là sĩ quan quân đội cũng từng ghé đây. Các doanh nhân không chỉ lắng nghe các nhà báo và những người khác mà còn dùng nơi này để thử thách đại lý của mình để biết được sự thật hay khả năng tung tin đồn của họ. Có ba buổi "phát tin" hàng ngày ở Givral-một vào khoảng 10 giờ sáng, một vào giữa giấc chiều, và một vào khoảng từ 5 đến 7 giờ, sau buổi họp báo thường nhật ở Trung tâm báo chí quốc gia, nằm ngay bên kia đường. Giờ phát buổi sáng chủ yếu liên quan đến tin đồn và tường thuật về kinh doanh; hai giờ phát buổi chiều thường là các vấn đề chính trị và quân sự.


Nếu Đài phát thanh Catinat là nơi công khai và tập trung nhất cho việc lan truyền thông tin, cả thực lẫn giả, thì còn có những chỗ khác, không xa đó lắm, cũng quan trọng theo kiểu riêng của chúng. Trong nhiều buổi sáng, tôi đã cùng ông bạn Phạm Xuân ẩn, vốn làm việc cho một tạp chí tin tức Mỹ và có lẽ là nhà báo làm việc chăm chỉ và được kính trọng nhất ở đây, đi rảo quanh các điểm đó (ông Ẩn làm cho hãng tin Reuters rồi trở thành phóng viên cho tờ Time. Năm 1975, ông ta ở lại Việt Nam, và sau đó nguồn ta mới biệt ông đã là sĩ quan tình báo của VC từ 1960). Ẩn yêu thú và chim, ông ta nuôi tám con chim, bốn con chó và một con cá, nên đầu tiên ông ta dẫn tôi tới chợ thú kiểng đường Hàm Nghi, gần tòa đại sứ Mỹ cũ. Chợ này trải dài khoảng nửa dãy phố, bán khỉ, cầy hương, thỏ, chuột bạch, mèo rừng, và đủ loại chó, mèo, chim và cá, trong đó có cả chim tu hú Phi châu, bồ câu Pháp và Mozambique, cú mèo, sáo sậu, két, sơn ca, công, và kim tước. Với những người cần vị thuốc cổ truyền thì họ có bán dơi, được coi là có thể chữa bệnh lao bằng cách cắt cổ dơi lấy máu pha rượu để uống. Giáp đường Hàm Nghi là đường Nguyễn Công Trứ, nơi mà mỗi sáng, khoảng 10 giờ, các thương gia người Hoa và các đại lý người Việt gặp nhau ở hai hay ba quán cà phê để cùng quyết định hối suất đồng bạc trên thị trường chợ đen sẽ là bao nhiêu và cũng có thể định giá của gạo, thịt heo và các nhu yếu phẩm khác. Trong vòng nửa giờ sau khi họ quyết định, lệnh sẽ được truyền đến hai chợ hàng hóa chính ở Sài Gòn và Chợ Lớn, và thị trường đô la chợ đen. Đường dây do người Hoa thống trị này có từ thời Pháp thuộc, hồi đó người Pháp cũng hoạt động như vậy thông qua các tay mại bản người Hoa.


Cũng ở dãy phố này, dài theo đường Hàm Nghi, là trung tâm chợ trời chuyên bán đồ Mỹ. Ở đây, tuy thỉnh thoảng lại bị cảnh sát bố ráp, người ta có thể mua bất cứ thứ gì có trong quân tiếp vụ Mỹ và đủ thứ hàng ngoại quốc khác, trong đó có cả máy chụp hình và dàn nghe nhạc của Nhật. Vì cảnh sát năm ngoái bố ráp thường xuyên hơn, nên người ta không bày những món đắt tiền nữa, nhưng bạn có thể mua chúng theo cách nhận hàng mới trả tiền; nghĩa là một phụ nữ Việt ở quầy hàng sẽ hỏi khách muốn mua cái máy ảnh như thế phải không, nếu thực tình muốn mua thì cho địa chỉ và bà ta sẽ tới đó vào sáng hôm sau, mang theo máy ảnh, và ngã giá. Hầu hết hàng hóa là đồ thật-ngoại trừ ượu whisky, vì nó thường bị pha với rượu đế. Mức lãi cho hàng chợ đen thay đổi từ 40% đến 50%, nhưng một số thứ vẫn: rẻ hơn giá bán rong quân tiếp vụ Mỹ nếu tính theo hối suất đô la chợ đen (lúc này khoảng 450 đồng ăn một đô la). Tất cả tùy thuộc vào quy trình cung và cầu và khả năng mặc cả của mỗi người. Một số hàng bán ở đây đã được lấy trộm trên đường chuyển từ cảng về kho quân tiếp vụ, và giá bán thường khá thấp, nhưng cũng có thứ như một thùng bia chẳng hạn, bán giá ba đô la ở quân tiếp vụ nhưng ở chợ đen thì sáu đến tám đô la. Một thùng thuốc lá Mỹ, giá 1,75 đô ở quân tiếp vụ, được bán với giá bốn đô ở chợ trời.


Quanh khu đó có mấy nhà hàng, mỗi nhà có loại khách riêng, và trên đường thu thập thông tin Phạm Xuân Ẩn đã dẫn tôi vào những chỗ đó. Nhà hàng Victory, một nơi rộng rãi trên đường Hàm Nghi, chuyên bán thức ăn Tàu, buổi sáng có không khi rất giống Givral buổi chiều, nhưng không đông khách bằng. Các chính khách, nhà báo và doanh nhân cỡ lớn trao đổi thông tin ở đây mỗi sáng bên ly trà hay chén súp Tàu. Nhà hàng Đô Thành gần đó có vẻ trung lưu hơn, dành cho các viên chức dưới cấp bộ trưởng, các sĩ quan cấp tá và dân ngoại giao dưới cấp đại sứ. Phạm Xuân Ẩn, vốn là nhà báo làm cho Mỹ, nên được người Việt tin cậy, luôn lên lịch ghé năm chỗ như vậy mỗi sáng trước khi đến Givral; và sau bữa trưa, ông đi dự các buổi họp báo của các giới chức Mỹ và Việt rồi trở lại Givral. "Phải lâu lắm mới hình thành được các nguồn tin riêng", ông ta nói. "Ông phải tỏ ra thẳng thắn và thành thật, và ông phải bảo vệ người đưa tin cho mình. Ông cũng phải có ân huệ với họ nữa-kể cho họ nghe những điều họ muốn biết, đãi họ ăn trưa hoặc tối, tặng quà Tết cho họ. Sài Gòn sinh hoạt theo kiểu các giai tầng xã hội như thế. Nếu ông không đủ tư cách gia nhập một giai tầng nào đó, ông sẽ không được đón tiếp ở nhà hàng của họ. Những người ở đây sẽ thản nhiên lơ ông đi. Các nhà báo-nhưng tay giỏi-là những người đưa tin tốt nhất vì họ ở vị trí có thể nghe được nhiều chuyện từ nhiều nguồn. Tất cả giống như một trường học. Ông có thể học hết lớp này để lên lớp khác, tức đi từ giai tầng này sang giai tầng khác, sau khi đã qua được kỳ thi".
 
Nếu những tin đồn là một phần quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày của Sài Gòn, thì cảnh sát chỉ giải quyết những sự kiện cụ thể. Dù nỗ lực của họ có được quần chúng đánh giá cao hay không, nhưng cảnh sát rõ ràng đã hữu hiệu hơn trong hai năm qua. Điều này phần lớn là nhờ những nỗ lực của Trang Sĩ Tấn, người được bổ làm giám đốc cảnh sát vào tháng 11.1971. Tấn, vốn là công tố viên, và chánh án Tòa Sài Gòn, được giao phụ trách khoảng 20.000 nhân viên, trong đó có cảnh sát mặc sắc phục, lo điều khiển giao thông, làm việc hành chánh và các chức năng khác; cảnh sát đường thủy; cảnh sát dã chiến chủ yếu do giữ gìn trật tự và ngăn hỗn loạn; và sau cùng là cảnh sát đặc biệt lo về an ninh. Có một sự ganh đua và kình chống nhau giữa cảnh sát, Cục an ninh quân đội, Phủ đặc ủy trung ương tình báo, và Cục quân báo, giống tình trạng xảy ra giữa các cơ quan tượng tự của Mỹ, tuy nhiên Tấn-người chịu trách nhiệm trước Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Trần Thiện Khiêm, thông qua Đại tá Nguyễn Khắc Bình, Giám đốc công an cảnh sát quốc gia, vẫn được mọi đồng sự kính nể. Một người lặng lẽ, ăn nói nhỏ nhẹ cộng với phong thái của một quan tòa, ông ta là nhà hành chánh cứng rắn, và ông ta điều hành lực lượng của mình với mức kỷ luật và trật tự cao chưa từng có trước đây. Ít lâu trước, tôi đã cùng ông ta đi tuần hai chuyến quanh Sài Gòn và được nhìn thấy ông ta làm việc ra sao.


Cảnh sát đặc biệt của Tấn phụ trách công việc được gọi là "kiểm soát và phân loại dân chúng". Dân chúng được chia làm bốn loại-A, B, C, và D-và mỗi căn nhà được cho một mức đánh giá được coi là phản ảnh sự trung thành với chính phủ. Tấn và tôi đến một trong năm đồn cảnh sát, ví dụ, trong Quận 6, vốn bao trùm khu Chợ Lớn và được coi như một trong những quận kém an ninh nhất Sài Gòn, và tôi biết được rằng gần 25.000 căn nhà trong khu vực của đồn được phân loại như sau: 16.007 nhà loại A tức thân chính phủ; 7.944 loại B tức không có quan điểm; không có nhà loại C tức công khai chống chính phủ nhưng không theo Cộng sản; và 277 nhà loại D tức thân cộng (hoặc tình nghi thân cộng). Mỗi thành viên của từng nhà lại có một hồ sơ và mỗi người' phải có thẻ căn cước. Những nhà loại A ở Quận 6 chủ yếu là nhà công chức, quân nhân, hoặc nhân dân tự vệ. Những nhà không có quan điểm, vốn là đa số ở nhiều nơi, là khó cho cảnh sát nhận diện nhất. Những nhà này gồm những con người mà quan tâm duy nhất của họ là kiếm sống, không theo cũng không chống chính phủ-đơn giản vì họ không quan tâm tới chính trị. Tuy Cảnh sát đặc biệt và các nhân viên xâm nhập-tức là những nhân viên thường phục chuyên xâm nhập vào những nhóm hay xóm thân cộng hoặc tình nghi thân cộng-thường xuyên theo dõi những nhà loại này, nhưng không ai khẳng định được Cộng sản có cài được người vào những nhà đó hay không. Một điều nữa là, cảnh sát rất muốn biết thành viên của những nhà đó, nếu có cơ hội, thì họ có bầu cho một ứng viên trung lập hay Cộng sản trong một cuộc bầu cử công khai hay không. Lý do không có nhà loại C trong khu vực chúng tôi ghé vào-và ở đâu cũng rất hiếm loại này-dĩ nhiên là do chẳng ai muốn bị xếp vào loại chống chính phủ.


Khi tôi hỏi Tấn liệu tất cả những chuyện này có đem tới sự kiểm soát hoàn toàn không, ông ta đáp nó không khác lắm so với những chuyện Cộng sản vẫn làm, và từ trận Tết Mậu Thân, nó đã trở nên cách duy nhất để xác định xem Cộng sản mạnh đến cỡ nào. Tấn và các cố vấn Mỹ của ông ta sẵn sàng thừa nhận rằng tại hầu hết các khu vực nhậy cảm-nhất là Chợ Lớn và một số quận mới thành lập-hệ thống này chẳng hữu hiệu chút nào. Cho dù vậy, những vụ tấn công của Cộng sản có giảm từ khi hệ thống này được áp dụng. Khắp thành phố trong nărn 1969, theo thống kê của cảnh sát, có tổng cộng 307 vụ biến động các loại nổ bom, bán súng cối, giết cảnh sát, vân vân. Năm 1971 số vụ như vậy chỉ có 65. Tấn nói ông ta tin rằng hiện có khoảng từ 200 đến 500 đảng viên Cộng sản trong thành phố, và có lẽ có khoảng 15.000 cảm tình viên. Rõ ràng họ rất khó hoạt động hơn trước; tuy nhiên họ vẫn duy trì được đường dây giao liên, và cảnh sát tin rằng họ có năm đài phát thanh bí mật tại Sài Gòn. Do hệ thống chốt kiểm soát chặt chẽ hơn mà cảnh sát của Tấn thiết lập được ở ngoại vi Sài Gòn, Cộng sản cũng gặp khó hơn khi đưa người vào nội thành, ông ta nói.


Chúng tôi tới thăm một trong những chốt kiểm soát ấy, nơi mọi xe cộ phải dừng lại và bị cảnh sát sắc phục lẫn thường phục lục soát. Có khi có hồi chánh làm người chỉ điểm. Tại chốt này, Tấn bảo tôi, có 25.000 người qua lại mỗi ngày, và cứ khoảng 500 người thì có chục người bị giữ lại để thẩm vấn. Tuy Tấn nói ông ta không tin rằng Cộng sản có thể tấn công quy mô lớn vào thành phố, nhưng ông ta thừa nhận rằng họ có thể tiến hành những chiến dịch tuyên truyền và hoạt động chính trị hầu như ở bất cứ đâu, và họ đang tái tổ chức lại toàn bộ để cải tiến guồng máy của họ, chuẩn bị cho một trận tấn công lớn khác. "Như mọi khi, họ sẽ lợi dụng tiến trình tự do," Tấn nói, "và khi tiến trình này bị suy yếu vì không có quyền hạn, không có một mức sống thỏa đáng, không có kế hoạch dài hạn khả thi nào để làm thành phố này an toàn dáng sống hơn, thì mối nguy hiểm vẫn còn, bất kể chúng tôi có lập ra bao nhiêu chết kiểm soát hoặc kiểm soát được bao nhiêu dân số".


Tuy đã có mười kế hoạch đô thị đã được vạch ra cho Sài Gòn trong mười năm qua, nhưng hầu như chẳng có nỗ lực nào nhằm tiến hành chúng. Sau trận Tết Mậu Thân 1968, có một thời gian ngắn người Mỹ và người Việt hợp tác với nhau trong những dự án cứu vãn thiệt hại-chủ yếu là do máy bay Mỹ dội bom vào những điểm cố thủ của VC-nhưng hiếm khi có được hành động phối hợp hay dài hạn kể từ sau đó nhằm giảm bót dân số hay cải thiện điều kiện sống tồi tệ ở các khu ổ chuột, và những cơ quan hành chánh được thành lập vào thời điểm dó nay đã bị giải tán, chủ yếu là do thiếu tiền (Frank R.Pavich, một người trong nhóm các chuyên viên Mỹ về đô thị ở đây, thì cho rằng hiếm có người Việt nào có kiến thức thật sự về kế hoạch hóa đô thị). Một cuộc khảo sát đã được tiến hành tại từng dãy phố Sài Gòn để tìm hiểu xem đất đai được sử dụng thế nào-để ở, buôn bán, hay cho mục đích khác-nhưng chẳng ai làm gì để điều tra những khu ổ chuột tồi tệ nhất, để tiến hành những chương trình trợ giúp kinh tế, hoặc xây dựng nhà cao tầng như một giải pháp tạm thời. Những gì đã xảy ra là một khối lượng lớn những khu gia cư mới được xây dựng bừa bãi, ngẫu hứng tại nhiều nơi trong thành phố. Tuy nhiên, hiếm có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền cấp thành phố cũng như trung ương có được một tầm nhìn dài hạn. Pavich và những người khác tin rằng các kế hoạch trước đây do những chuyên gia như nhóm Doxiadis vạch ra, nhằm mở rộng thành phổ về phía Biên Hòa, nơi người Mỹ có căn cứ không quân lớn nhất, vẫn còn có giá trị, nhưng việc thực thi kế hoạch ấy đòi hỏi sự hoạch định chi tiết và tích cực hơn, và cần rất nhiều tiền. James P.Bogle, một chuyên gia Mỹ khác đã nghiên cứu các vấn đề phát triển của Sài Gòn vài năm trước đã kết luận rằng về đô thị hóa, chính phủ gặp những vấn đề tương tự những nước kém phát triển khác, và việc họ có khả năng giải quyết chúng hay không thì "rất đáng nghi ngại". Không như Bắc Việt vốn đã tiếp tục tái thiết ngay khi chiến tranh còn tiếp diễn, miền Nam, ngoại trừ một giai đoạn ngắn sau trận Mậu Thân, đã chẳng làm gì mấy để cải thiện bất kỳ đô thị nào.


Tuy quá trình tái thiết là quan trọng, nhưng xây dựng lại xã hội và chấn hưng đạo đức còn quan trọng hơn. "Chúng ta đã sản sinh ra cả một thế hệ trốn lính, những thanh niên mất hết các giá trì Khổng giáo. Chúng chỉ nghĩ tới trốn quân dịch, vui chơi, phóng xe Honda". Hiển nhiên là người Mỹ đã biến đổi toàn bộ lối sống Sài Gòn, và người ta cảm thấy rằng một sự suy sụp nứa là không tránh khỏi trừ khi có được thay đổi triệt để điều chúng ta đã làm là tạo ra một cấu trúc xã hội với những người giàu mới nổi ở một bên và lớp người nghèo mới, chủ yếu là dân tị nạn, ở một bên, còn ở giữa là một đa số phi giai cấp sống dựa vào sự có mặt của người Mỹ.


Một người bạn Việt khác nói với tôi, "Người Mỹ các ông nghĩ mình đã cho người Việt một đời sống vật chất tốt hơn, nhưng điều đó không đúng. Hầu hết thiết bị các ông đổ vào đây rút cục chỉ là rác. Có lẽ sẽ phải phá tan tình thế này hơn nữa trước khi xây dựng một cái gì mới mẻ. Hy vọng duy nhất là một lớp trẻ khác, với ý tưởng của riêng chúng, sẽ xuất hiện, và những người trẻ ấy sẽ hiểu rằng cả xã hội cũ trước chiến tranh và xã hội do Mỹ áp đặt đều phải kết thúc. Nếu chúng ta không thành Cộng Sản, thì phải hai mươi năm hoặc lâu hơn, để đem lại một hợp đề mới, nhưng điều đó sẽ xảy ra. Tuy nhiên, đầu tiên chúng ta phải cứu vãn những thiệt hại mà các ông đã gây ra. Người Việt thích nuôi khỉ. Ông đã thấy chúng ở chợ bán thú, ở nhà riêng, ở công viên. Điều mà các ông đã làm ở Sài Gòn là tạo ra một môi trường khỉ. Người Việt mà các ông biết thực sự-những người mà các ông đã cùng làm việc-chỉ là những con khỉ. Tại sao ít nhất các ông không giúp chúng tôi giải tán lũ khỉ ấy trước khi các ông ra đi?"
 
Về các tác giả


Tom Buckley (2.1.1930-) Tên thật là Thomas F.S.Buckley, ra đời ở Charham, New York. Tốt nghiệp Đại học Columbia năm 1950, sau đó phục vụ hai năm trong quân đội. Về làm cho The New York Times năm 1953 trong vai trò biên tập tin, viết lại tin, và phóng viên (tại Việt Nam 1966-68). Về làm ban biên tập tờ The New York Times Magazine từ 1968 đến 1973, sau đó phụ trách trang mục và viết chuyên luận. Từ 1980 ông trở thành phóng viên tự do và in cuốn Violent Neighbor: El Sai-vador, Central America, and the United States năm 1984.


Bernard B.Fall (11.11.1926-21.2.1967) Sinh tại Vienna, Áo. Phục vụ trong phong trào Kháng chiến Pháp và Sư đoàn 4 miền núi Morocco trong Thế chiến 2; sau chiến tranh làm điều tra viên tội ác chiến tranh và làm trong Tòa án Tội ác chiến tranh Nuremberg (l946-50) rồi về làm quản lý cho tờ Stars and Stripes ở Nuremberg (1950-51). Học tại Đại học Paris và Munich (1948-50), rồi học chương trình hải ngoại của Đại học Maryland, và Đại học Syracuse và nhận bằng tiến sĩ tại đây năm 1955. Dạy tại các đại học Mỹ từ 1954, giảng về Châu Á học ở Đại học Cornell, trợ giảng ở Đại học American, và giáo sư về bang giao quốc tế ở Howard (1956-67). Nhận giải thưởng George Polk năm 1966. Tác giả của The Viet-minh Regime (1954), Street Without Joy: Indochina at War, 1946-54 (1961), Two Viet-nams: A Political and Military History (1963), Viet-nam Witness, 1953-66 (1966), Hell in a Very Small Place (1967), và biên tập cuốn Ho Chi Minh on Revolution: Select Writtings 1920-1966 (1967). Bị chết vì mìn. Những bài viết chưa xuất bản của ông được in sau khi ông mất trong Last Reflections on a War (1967).


Seymour M.Hersh (8.4.1937-) Ra đời tại Chicago, Illinois, học ở Đại học Chicago. Bắt đầu sự nghiệp báo chí với nghề phóng viên tội phạm cho Phòng tin tức thành phố Chicago, 1959-60. Sau đó làm thông tín viên cho hãng UPI ở Piene, Nam Dakota, 1962-63; thông tín viên cho hãng AP tại Chicago và Washington, 1963-67, và tại Lầu Năm Góc từ 1966. Rút khỏi hãng AP năm 1967 sau khi một mẩu tin về chiến tranh vi trùng bị biên tập tan nát; rồi làm thư ký báo chí một thời gian ngắn trong chiến dịch tranh cử sơ khởi của Eugene Mccarthy tại New Hampshire. Đoạt giải Pulitzer 1970 với phóng sự về vụ thảm sát Mỹ Lai. Tác giả của Chemical and Biological Warfare: America's Hidden Arsenal (1969), Mỹ Lai 4: A Report on the Massacre and Its Aftermath (1970), The Price of power: Kissinger in the Nixon White House (1983), The Target Is Destroyed. What Really Happened to Flight 007 (1986), The Sam son Option: Ismel Nuclear Arsenal and America's Foreign Policy (1991), và The Dark Si de of Camelot (1998).


Stanley Karnow (4.2.1925-) Sinh tại New York City. Phục vụ trong Không quân Mỹ ba năm từ 1943; sau đó học tại Harvard, Sorbone, và Học viện Chính trị học của Pháp. Bắt đầu sự nghiệp ở Paris trong vai trò thông tín viên cho tờ Time (1950-57); sau đó làm trưởng văn phòng tập đoàn Time-life ở Bắc Phi (1958-59) và Hồng Công (1959-62), thông tín viên đặc biệt cho tờ London Observer (1961-65) và Time (1962-63), và phóng viên nước ngoài cho tờ The Saturday Evemng Post (1963-65). Vào ban biên tập của tờ The Washington Post năm 1965 với vai trò thông tín viên ở Trung Đông, tường thuật về Việt Nam, Đông Nam Á, và Trung Quốc; là thông tín viên ngoại giao cho tờ Post năm 1971 và 1972. Làm thông tín viên cho hãng NBC News từ 1973 đến 1975; đồng thời làm phụ tá biên tập cho The New Republic (1973-75), giữ mục Kinh Features (1975-88), và phụ trách chuyên mục cho Newsweek (1977-81). Là thông tín viên trưởng cho các loạt phim của hãng PBS Vietnam: A Television History (1983; Việt Nam: Thiên sử truyền hình) và The US and the Philippines: In Our Image (1989). Những sách của ông có Southeast Asia (1963), Mao and Chia: From Revolustion to Revolution (1972), Vietnam: A History (1983), In Our Image: Amenca's Empore in the Philippines (1989, đoạt giải Pulitzer về sách lịch sử), và Paris in the Fifties (1997).


Robert Shaplen (22.3.1917-15.5.1988) Tên đầy đủ là Robert Modell Shaplen, sinh tại Philadelphia; học tại Đại học Wisconsin (lấy bằng BA năm 1937). Sau khi nhận bằng thạc sĩ báo chí ở Đại học Columbia (1938), ông làm phóng viên cho tờ Herald Tribune ở New York (1937-43). Tường thuật về chiến tranh Thái Bình Dương cho tờ Newsweek, 1943-45; sau đó về làm trưởng văn phòng Viễn đông cho tờ này (1946-47). Rời tờ Newsweek để làm thành viên quỹ Nieman ở Harvard (1947-48), viết cho tờ Fortune (1948-50) và thông tín viên châu Á cho tờ Collier's (1950-52). Gia nhập ban biên tập tờ The New Yorker năm 1952, và làm ở đây cho đến khi mất, từ 1962 đến 1978 ông làm thông tín viên cho tờ này ở Viễn Đông. Các sách của ông có A Corner of the World (1949), Free Loe and Heavenly Sinners: The Story of the Great Henry Wrard Beecher Scandal (1954), A Forest of Tigers (tiểu thuyết, 1956), Kreuger: Gemus and Swindler (1960), The Lost Revolution (1965), Time out of Hanh. Revolution and Reaction in Southeast Asia (1969), The Road from War: Vietnam 1965-1970 (1970), A Tuming Wheel (1979), và Bitter Victory (1986).


Neil Sheehan (27.10.1936-) Tên thật là Comelius Mahoney Sheehan, sinh tại Holyoke, Massachusetts, tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1958. Làm trưởng văn phòng Saigon cho hãng tin AP từ 1962 đến 1964. Về tờ The New York Times năm 1964, làm phóng viên tại New York, thông tín viên hải ngoại ở Indonesia 1965) và Việt Nam (1965-69) và phóng viên điều tra đặc biệt tại Washington (1969-72). Có vai trò quan trọng trong việc công bố Hồ sơ Lầu Năm Góc. Mấy cuốn sách của ông là The Amheiter Affairs (1972), A Bright Shinmng Lie: John Paul Vann and America in Vietnam (1988, đoạt giải Pulitzer và National Book), và After the War Was Over: Hanoi and Saigon (1992).


Peter Braestrup (8.6.1929-10.8.1997) Sinh tại New York City. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1951, ông gia nhập TQLC Mỹ đóng tại Triều Tiên; giải ngũ năm 1953 sau khi bị thương tại trận địa. Bắt đầu sự nghiệp báo chí khi gia nhập ban biên tập Time (1953-57). Sau đó làm phóng viên cho tờ Hemld Tnbune ở New York, thông tín viên cho The New York Times ở Angiers, Bangkok và Paris, phóng viên và trưởng văn phòng Saigon cho tờ The Washington Post (1968-73). Sáng lập tờ Wilson Quanterly năm 1975 và làm biên tập chính và giám đốc liên lạc cho Thư viện Quốc Hội Mỹ (1989-97). Tác giả của Big Story: How the American Press and Television Reported and Interpreted the Crisis of Tet in Vietnam and Washington (1977) và Battle Lines: Report of the Twentieth Century Fund Task Force on the Militay and the Media (1985). Ông qua đời tại Rockport, Maine.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top