• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Hide Nguyễn

Du mục số
Mấy năm gần đây, có một số người đã đặt vấn đề bỏ ăn Tết truyền thống và dùng tết dương lịch thay vào. Lý do của họ thật đơn giản. Họ cho rằng Tết truyền thống hiện nay gây ra một số phiền lụy như lãng phí thời gian và vật chất, sinh ra một số thói xấu trong việc biếu xén quà cáp...và làm cho con người mệt mỏi. Những hiện tượng mà họ đưa ra là đúng. Nhưng họ lại sai lầm trong cách nhìn nhận bản chất của Tết truyền thống của người Việt Nam. Thực chất, những phiền lụy ấy là sinh ra từ thái độ sống của những người lấy Tết như là một lý do để thực thi những công việc khác chứ không phải là một sự kiện của văn hóa.

tet butnghien.jpg

Tết xưa Tết nay. Ảnh st

Những sự kiện văn hóa được sinh ra từ đời sống tinh thần của con người và những sự kiện văn hóa ấy quay lại làm lên đời sống tinh thần của con người. Tết chỉ diễn ra trong mấy ngày nhưng lại chứa đựng những giá trị tinh thần bền vững của văn hóa Việt. Tết không phải đơn giản là sự kết thúc một vòng thời gian tính theo năm mà như là một tiếng lay gọi làm cho con người thức tỉnh bao điều. Và theo cách nhìn cũng như trải nghiệm của mình, tôi thấy Tết chứa đựng trong nó những bí mật làm cho con người sống tốt đẹp hơn.

BÍ MẬT THỨ NHẤT : khơi mở tình yêu quê hương

Mỗi năm, khi đến những ngày giáp Tết, là lúc lòng người dâng lên nỗi nhớ quê hương và những người thân yêu của mình. Người xa nhà mong trở về, người ở nhà mong người đi xa về. Trong thời gian suốt một năm, những ngày giáp Tết là những ngày nỗi nhớ thương ấy nhiều hơn tất cả những ngày khác. Tôi từng gặp những người định cư ở nước ngoài trong những ngày giáp Tết mà họ không trở về cố hương mình được. Thời gian ấy đối với họ là khoảng thời gian mà ký ức họ ngập tràn những kỷ niệm về nơi họ sinh ra và lớn lên. Đó cũng chính là thời gian mà con người nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn nhiều nhất và da diết nhất.

Tet truyen thong Viet - butnghien.jpg

Không khí của ngày cuối cùng năm cũ ấy gieo vào lòng người sống những hạt giống của tình yêu thương và kết nối họ với quá khứ.

Vào những ngày giáp Tết ở quê tôi, những gia đình có người thân đi làm ăn, học hành xa hoặc lấy chồng, lấy vợ ở xa đều mong ngóng họ trở về. Vào đêm giao thừa, những gia đình ấy vẫn mở cửa ngõ và lắng nghe tiếng chân ai đó vào ngõ. Có thể những ngày khác trong năm họ bận công việc, học hành...mà ít nhớ về cố hương. Và cũng có thể có người bỏ quê ra đi vì nhiều lý do không có ý định trở về, nhưng khi Tết đến, lòng họ bỗng đổi thay. Lúc đó, tiếng gọi của cố hương, của những người thân yêu vang lên trong lòng họ hơn lúc nào hết. Và chính vậy mà có những người khi đã già thì tìm cách trở về cố hương. Không ít những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài mấy chục năm cuối cùng đã trở về để được sống và được chết trên mảnh đất cố hương mình. Khoảng thời gian kỳ diệu của những ngày giáp Tết đã chứa đựng trong đó những bí mật có khả năng đánh thức những vẻ đẹp, những thiêng liêng trong sự lãng quê của con người.

BÍ MẬT THỨ HAI: Kết nối với quá khứ

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, hầu hết ở các làng quê, những người sống khăn áo chỉnh tề ra phần mộ của những người thân yêu đã khuất thắp hương và mời người đã khuất trở về ăn Tết cùng gia đình. Có một sự thật là, trong cái thời khắc thiêng liêng đứng trước phần mộ của những người thân yêu trong ngày cuối năm gió lạnh, những người sống cảm thấy được hơi thở, giọng nói và nhìn thấy gương mặt của những người đã khuất. Ngày cuối cùng ấy của năm cũ, một không khí lạ lùng bao phủ con đường từ nghĩa trang trên cánh đồng chạy về làng và bao phủ trong những ngôi nhà. Những mất mát, những thương đau và nhớ nhung những người thân yêu đã khuất như vụt tan biến. Những người sống cảm thấy ngôi nhà của họ ấm áp hơn. Cái ngày cuối cùng của năm cũ ấy như mở ra một cánh cửa vô hình để những người sống và những người đã khuất gặp nhau cho dù chỉ ở trong cảm giác và cảm xúc. Nhưng những điều đó cho dù mơ hồ vẫn là một phần quan trọng trong đời sống của con người. Nó làm cho con người dâng lên tình yêu thương, lòng ơn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ...Và như một sự vô tình, không khí của ngày cuối cùng năm cũ ấy gieo vào lòng người sống những hạt giống của tình yêu thương và kết nối họ với quá khứ.

BÍ MẬT THỨ BA : Sự bền vững của gia đình

Ai cũng có một gia đình. Và không ít gia đình hiện nay do xã hội thay đổi và do nhiều lý do của đời sống mà các thành viên trong gia đình sống tản mạn ở nhiều nơi khác nhau. Có không ít gia đình chẳng bao giờ có một ngày xum họp đầy đủ các thành viên của mình. Đôi khi, với lý do này, lý do khác mà ông bà, cha mẹ, anh em, dâu rể, con cháu trong một gia đình không có dịp xum vầy với nhau. Nhưng Tết là dịp duy nhất với lý hợp lý nhất để mọi người bỏ hết công việc xum họp với nhau. Khi mẹ tôi còn sống, mẹ tôi mong Tết. Bà mong Tết không phải là mong như tôi từng mong Tết đến hồi còn nhỏ cho dù Tết đến mẹ tôi phải lo lắng nhiều thứ. Mẹ tôi mong Tết để những đứa con của bà có ít nhất một ngày quây quần bên bà như khi chúng còn nhỏ. Cho dù khi tôi đã có tuổi, nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có một ngày anh chị em cùng con cháu trở về làng và được ngồi ăn một bữa cơm bên cha mẹ trong ngôi nhà chúng tôi đã lớn lên. Khi cha mẹ mất đi, nhiều người mới nhận ra sự mất mát to lớn không gì bù đắp nổi. Một hiện thực mà hầu như ai cũng nhận ra là đời sống hiện đại đã và đang xé một gia đình truyền thống ra từng mảnh. Và như vậy, tính bền vững của một gia đình sẽ bị lung lay.

Hàng năm vào những ngày giáp Tết tôi thích ngắm nhìn những người khăn gói về quê ăn Tết. Không có gì quyến rũ họ ngoài việc họ được trở về nhà mình và xum họp với ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng làng xóm. Hình ảnh ấy luôn làm tôi xúc động. Nhưng càng ngày càng nhiều hơn những người không muốn về quê ăn Tết hay ở nhà ăn Tết với gia đình. Có những người còn trẻ tranh thủ dịp Tết đi du lịch. Họ rời gia đình khi bắt đầu được nghỉ Tết và chỉ trở về để hôm sau bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Họ có cách nhìn và có quyền của họ. Nhưng tôi thấy tiếc cho họ khi họ không cùng ở nhà với cha mẹ mình chuẩn bị đón Tết. Bởi lúc đó, thời tiết và không khí đang lan tỏa những gì ấm áp và thiêng liêng nhất trong chu kỳ thời gian của một năm mà sau đó họ không thể tìm lại được cho tới một năm sau. Sự lan tỏa ấy sẽ bồi đắp tâm hồn con người những những lớp “phù sa” màu mỡ của những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần con người.

BÍ MẬT THỨ TƯ : Sự hàn gắn

Có những rạn vỡ giữa người này người kia mà một hoặc cả hai người không có cơ hội để gặp nhau và nói một lời xin lỗi hay chia sẻ và xóa đi những hiềm khích, mâu thuẫn trước đó. Nhưng khi Tết đến, họ nhận ra đó là cơ hội tốt nhất cho họ.

Thường khi bước sang năm mới, người ta cho phép quên đi, bỏ qua những phiền lụy, những sai lầm trong năm cũ của chính cá nhân mình. Có một bí mật nào đấy của năm mới đã ban cho con người khả năng chia sẻ và tha thứ. Bí mật ấy nằm trong những cơn mưa xuân ấm áp bay về, trong sự thao thức của lòng người chờ đợi, trong sự thiêng liêng của hương nến trên ban thờ mỗi gia đình, trong sự chào hỏi ân tình của mọi người khi gặp nhau, trong giờ phút thiêng liêng của sự chuyển mùa, trong sự tưởng nhớ những người thân yêu đã khuất.....Tất cả những điều đó đã làm lòng người rạo rực và đổi thay. Có những gia đình mà anh em mâu thuẫn với nhau rồi cứ giữ sự im lặng lạnh giá ấy ngày này qua ngày khác. Nhưng khi họ cùng nhau ngồi xuống bên mâm cơm tất niên cùng chạm chén rượu, cùng mời cha mẹ ăn cơm thì mọi chuyện bắt đầu tan đi.

Trước kia, cứ vào những ngày cuối năm, những người làng tôi có chuyện xích mích hay sai trái với ai đó thường mang một quả bưởi, một nải chuối, một cặp bánh trưng hay dăm cặp bánh mật đến nhà người mà mình có xích mích hoặc có lỗi, xin được thắp nén hương thơm trên ban thờ tổ tiên người đó và nói lời thanh minh hoặc xin lỗi. Và như có phép lạ, sự xích mích, sai trái bám theo họ đằng đẵng cả một năm trời bỗng rời bỏ họ. Người được xin lỗi cũng nhận ra rằng: chính thời khắc thiêng liêng ấy của đất trời và của lòng người đã làm cho người có lỗi thành thật. Và khi lòng thành thật của người có lỗi được mở ra thì sự tha thứ cũng mở ra theo.

BÍ MẬT THỨ NĂM : Niềm hy vọng

Cuộc sống có biết bao thăng trầm. Trong chúng ta ai cũng có những năm nhiều nỗi buồn, ít may mắn. Nhưng ai cũng có một niềm tin rằng, ngày mai mọi điều sẽ tốt đẹp hơn, năm mới mọi điều sẽ may mắn hơn. Không ít người gặp những năm vận hạn thường tự động viên chính mình bằng một ý nghĩ : “ Năm cũ sẽ qua đi, năm mới sẽ đến. Mọi điều sẽ tốt đẹp hơn”. Đấy là một nguyện ước, đấy là một niềm tin. Nếu không có niềm tin ấy và nguyện ước ấy, không ít người sẽ bị những nỗi buồn, đau đớn và kém may mắn dìm xuống vực sâu của sự thất vọng. Trong suốt một năm, có người có thể sống triền miên trong buồn bã, bỏ mặc nhà cửa. Nhưng rồi đến một ngày giáp Tết, họ đã đứng dậy, dọn dẹp nhà cửa với một niềm tin những điều tốt đẹp đang về với họ. Cũng trong dịp năm mới, mỗi người đều nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp nhiều nhất trong một năm. Cho dù thế nào thì những lời chúc ấy cũng làm cho lòng người ấm lại và hy vọng vào một điều tốt đẹp phía trước.

Dai hoc Vinh - butnghien.jpg

Người đứng trên bục giảng có vai trò quan trọng gìn giữ và lưu truyền những giá trị thiêng liêng của Tết truyền thống. Ảnh sưu tầm​

Những gì mà tổ tiên đã làm ra và để lại cho chúng ta như những lễ hội, những ngôi chùa....là để lại một lời nhắc, một tiếng gọi thức tỉnh chúng ta trong cuộc sống. Không thể nói lễ hội hay chùa chiền là phiền lụy, là tốn kém...mà bởi con người đã lợi dụng những vẻ đẹp văn hóa ấy cho lợi ích cá nhân mình. Lúc này, tôi như thấy những ngọn gió thay mùa ấm áp, những cơn mưa xuân nồng nàn đang trở về và những cành đào ủ kín những chùm hoa chuẩn bị mở ra đều chứa trong đó những bí mật giản dị nhưng kỳ diệu cho đời sống con người.

Theo NXB HNV
 

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Ngày Tết trong tâm thức của người Việt


Là người Việt Nam, dù ở đâu, trong nước hay nước ngoài đều mong sao cho đến ngày Tết để được sum họp gia đình, được vui chơi, ăn uống ba ngày Tết với những biểu tượng:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Tất cả, từ người già đến trẻ em, từ người nông dân “tay lấm chân bùn” đến những đôi trai gái đang tuổi dậy thì… đều háo hức đón chờ ngày Tết. Người ta đi chợ sắm Tết, mua quần áo mới, gói bánh chưng, mổ lợn, giã giò, quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ thờ, trang hoàng câu đối Tết… Các cụ già trong ngày Tết được con cháu mừng thọ, tùy theo tuổi thọ được mặc áo đỏ, áo vàng; các cháu nôn nóng được người lớn “lì xì”, được mặc áo đẹp. Tất cả không khí vui tươi của ngày Tết được lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, đời này sang đời khác, khắc họa trong tâm trí từ tuổi thơ cho đến khi về già. Do đó, trong tâm thức của người Việt Nam in đậm dấu ấn ngày Tết với những khát vọng sum họp gia đình, cùng với cộng đồng cầu mong cho cuộc sống ngày càng an khang thịnh vượng. Vì vậy ở đâu có cộng đồng người Việt, dù phải sống nơi đất khách quê người, bà con Việt kiều vẫn cố gắng để tổ chức đón Tết, đón xuân… có thể chỉ với một cành đào bằng giấy, một bữa cơm Việt Nam pha trộn.

tetviet1.jpg

Bánh chưng bánh tét ngày Tết - Ảnh: internet

Có thể nói lễ tết cổ truyền ở Việt Nam và Đông Nam Á là biểu tượng tập trung khá rõ nét về đời sống tâm linh và hội tụ những tinh hoa, những giá trị văn hóa của các dân tộc. Đối với cư dân trồng lúa nước, thời gian được tính theo chu kỳ và cái phút giao thừa giữa năm cũ sang năm mới là hết sức linh thiêng. Người ta lễ tạ trời đất, thần linh, tổ tiên đã phù hộ độ trì cho con cháu suốt cả năm qua và cầu mong cho mùa màng được mưa gió thuận hòa, con người được mạnh khỏe an sinh. Lễ tết do đó vừa là cầu mùa, vừa là cầu phúc diễn ra tưng bừng khắp mọi miền đất nước.

Mỗi dân tộc chọn cho mình một loài hoa biểu tượng cho mùa xuân. Người Việt chọn hoa đào (ở miền Bắc) và hoa mai vàng (ở miền Nam). Các bạn đã có dịp nào đi chợ hoa Hà Nội chưa? Hầu như tất cả các ngả đường từ nội thành đến ngoại thành tràn đầy hoa: nào đào, nào quất bạt ngàn như phủ lên đường phố một tấm áo choàng kỳ diệu. Những người Hà Nội sành điệu còn chọn mua một giò thủy tiên để hãm cho hoa nở đúng đêm giao thừa! Người ta sắm những mâm ngũ quả đầy màu sắc với mong muốn có được cuộc sống no đủ, sung túc. Có thể nói đây là nét đẹp của lối sống con người hòa đồng với thiên nhiên. Ngày Tết, thiên nhiên như ùa vào từng căn nhà đem lại cho con người một tình cảm gắn bó (nhân sinh tiểu vũ trụ).

Người ta đi mua tranh, mua câu đối Tết để trang trí trong nhà. Đó là những bức tranh Đông hồ với hình ảnh những chú lợn bụ bẫm, những chú trâu khỏe mạnh, những con gà mái với đàn con ríu rít... rồi hình ảnh ông đồ ngồi viết thuê câu đối:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
(Vũ Đình Liên)

Để thông quan với thần linh, người Việt đã dựng ở ngoài sân cây nêu ngày Tết mà các nhà dân tộc học gọi là cây vũ trụ, biểu tượng cho vũ trụ luận ba tầng của người xưa. Trên cây nêu người ta treo một ngọn đèn sáng với lối giải thích của dân gian là soi đường cho tổ tiên về ăn Tết, nhưng ý nghĩa thực sự của nó là biểu trưng cho nghi lễ thờ mặt trời, thờ lửa. Để xua đuổi tà ma về quấy nhiễu trong ngày Tết, người ta còn buộc những chiếc chuông và khánh nhỏ bằng đất nung phát ra âm thanh khi gió thổi làm cho ma quỷ khiếp sợ vì tưởng đang đứng trước vị thần hay đức Phật. Người ta còn dùng vôi trắng rắc trên sân hình cây cung và mũi tên để trừ tà ma.

ngay-tet-trong-tam-thuc-nguoi-viet-002.jpg

Hình ảnh thầy đồ viết câu đối ngày Tết - Ảnh: Dzũng Nguyễn

Với nhiều dân tộc trên thế giới, nước là biểu tượng cho sự sống, là nguồn lực khởi thủy của sự sinh sôi nảy nở và đồng thời là phương tiện tẩy uế. Với cư dân trồng lúa nước thì “nhất nước, nhì phân”, vào mùa phải cầu mưa. Theo đó, người Việt đã rước nước đem về tế lễ và ban phát cho mọi người, mọi nhà. Ở làng Yên một khi đại diện làng lên thuyền ra giữa dòng sông Tồng lấy nước, đám rước thả tiền vàng xuống sông và vẩy nước lên người. Sau đó, người ta tổ chức lễ đua thuyền sôi động tượng trưng cho những con rồng mang nước đến cho mùa màng. Cuối cùng nước “thanh khiết” được người ta dùng để tẩy trần sạch sẽ đón năm mới. Trưa 30 Tết ở tất cả các gia đình người Việt đều có nồi nước thơm đun sôi để nguội (với hoa mùi già, lá hương nhu, lá chanh, lá bưởi…) để gội đầu (tẩy trần). Người ta còn gánh nước để vào bể ném theo mấy đồng tiền thể hiện lòng mong ước “tiền vào như nước”.

Ý nghĩa thiêng liêng của lễ giao thừa là cầu phúc. Người ta tin và hy vọng năm mới bắt đầu một chu kỳ mới sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Vì vậy phải “tống cựu nghênh tân”, phải tạ lễ thần linh. Gạo là sản vật quý giá nhất nên được chế biến để hiến tế thần linh - đó là bánh chưng, bánh dầy, rồi các loại xôi: xôi gấc, xôi đậu, xôi trắng, chè kho, chè hoa cau. Vật nuôi được hiến tế bằng máu - được xem là phương tiện truyền dẫn sự sống, vật dẫn linh hồn. Ở người Việt người ta còn dùng tam sinh để hiến tế: cá chép, chân giò, gà ri, và còn có tục phóng sinh (thả cá, thả chim…). Đúng vào lúc giao thừa, tiếng pháo rộn ràng chào đón năm mới trong khói hương nghi ngút linh thiêng, đèn nến sáng khắp mọi nhà. Người ta “xuất hành”, đi “hái lộc”, “xông đất” để mong được điều tốt lành. Ngày nay, ở các thành phố lớn, người ta còn bắn pháo hoa để đón giao thừa. Những chùm pháo hoa đầy màu sắc chiếu sáng bầu trời đêm 30 Tết!

Ngoài ra, vào dịp Tết, người Việt còn mua trầu cau để cầu may; trong mấy ngày Tết trong nhà luôn luôn có lửa, có đèn sáng, hương khói liên tục - người Việt xem chân gà để cầu mong được những thông tin tốt lành của năm mới. Người ta mừng tuổi, mừng thọ, chúc tụng, thăm viếng nhau, khai bút, khai tâm,… và tham gia vào nhiều trò chơi được diễn ra nơi sân đình, nơi công cộng như đánh cờ người, kéo co, đánh ri, đánh vật, bịt mắt bắt dê, trèo cột mỡ, chọi gà, chọi chim. “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, cảnh Tết, tiết xuân kéo dài, biết bao lễ hội diễn ra trên cả nước, tiêu biểu nhất là lễ hội đốt pháo ở làng Bình Đà - Hà Nội. Người làng bí mật tạo nên những cỗ pháo lớn để thi nhau trong ngày lễ. Cả một cuộc biểu diễn hoành tráng về đốt pháo: pháo hoa, pháo dàn... và cuối cùng là đốt những cỗ pháo lớn với ý nghĩa mô phỏng tiếng sấm đuổi nắng cầu mưa.

ngay-tet-trong-tam-thuc-nguoi-viet-003.jpg

Du xuân - Ảnh: internet

Ngày nay cuộc sống đã hiện đại hơn, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm cho nếp sống của chúng ta có nhiều thay đổi, nhiều hình thức vui chơi giải trí, nhiều sản phẩm văn hóa được kết hợp một cách tinh vi giữa nghệ thuật - kỹ thuật - kinh doanh có sức hấp dẫn mạnh mẽ, nhất là đối với lớp trẻ. Do đó phần nào người Việt đã không còn nhớ những nghi thức, những phong tục tập quán của ngày Tết xưa, nhưng trong tâm thức của người Việt Nam vẫn háo hức mong chờ ngày Tết để được sum họp với gia đình, được thăm lại quê hương buôn quán, thăm hôn lẫn nhau trong không khí linh thiêng của ngày Tết. Chớ thế mà hàng năm ngành giao thông đã phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện để cho bà con về quê ăn Tết.

Nhất là đối với những anh chị em bà con Việt kiều ở xa Tổ quốc lại càng nhớ mong da diết cuộc sống ở quê nhà. Vì thế hễ ở đâu có cộng đồng người Việt là ở đấy người ta vẫn tổ chức đón Tết, mừng xuân…Và đó cũng là một cách giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp cho lớp trẻ vì chúng chưa một lần được về nước để chứng kiến và cảm nhận không khí ngày Tết ở Việt Nam. Phải chăng đó là một truyền thống tốt đẹp đã gắn những con người Việt Nam mãi mãi bên nhau dù họ ở bất kì nơi nào trên hành tinh này.


Bởi GSTS. Phạm Đức Dương
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top