Nhạc sĩ Dương Thụ ước mơ với Cà phê thứ bảy

Hide Nguyễn

Du mục số
Mong ước một nơi gặp gỡ thường xuyên và hưởng thụ văn hóa đã quy tụ nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo, doanh nhân, trí thức ở Cà phê thứ bảy.

Vì sao là nhạc sĩ, tôi lại đẻ ra ý nghĩ làm một chuỗi quán cà phê và đặt tên là Cà phê thứ bảy? Mời bạn đọc theo dõi lý giải của nhạc sĩ Dương Thụ.

Dự án chuỗi quán cà phê

- Lý do nào nhạc sĩ Dương Thụ đến với Cà phê thứ bảy?

DThu1.jpg

Nhạc sĩ Dương Thụ (Ảnh: Bùi Dũng)
- Nhạc sĩ Dương Thụ: Câu hỏi này rất thú vị, xin trả lời hơi dài một chút. Nói như thế nào nhỉ, vì đây là dự án của tôi. Vậy vì sao là nhạc sĩ, tôi lại đẻ ra ý nghĩ làm một chuỗi quán cà phê và đặt tên là Cà phê thứ bảy? Tôi không đi bán cà phê vì tôi không có khả năng kinh doanh.

Cuối năm 2007 đầu 2008, tôi viết cho báo Sinh Viên số tết một bài tên là Ước gì. Tôi viết rằng mỗi khi mùa xuân đến tôi thường ước ao “Ước bốn mùa đều đầm ấm xuân về. Ước con người chỉ biết có yêu thương” (Ước ao - 1968), nhưng càng sống tôi càng nhận ra rằng câu hát ấy giống như một lời cầu nguyện buồn bởi tôi hiểu những điều ước ấy chỉ là ảo tưởng.

Giờ lớn tuổi rồi “tôi không hát lên những ảo tưởng của mình nữa”. Khi ấy tôi viết: “Trong lúc năm hết tết đến tại sao ta không vẩn vơ một chút để ước những điều gì đấy cho những ngày sẽ đến. Dĩ nhiên điều gì đấy phải thiết thực, phải có thể chứ không thể là ảo tưởng, là không thể”.

Vậy thì tôi ước gì? Tôi viết rằng tôi có năm điều ước. Điều ước thứ nhất thuộc về văn hóa đọc (ước có nhà xuất bản tinh hoa, thư viện tinh hoa, tạp chí tinh hoa).

Điều ước thứ hai thuộc về văn hóa nghe nhìn (ước có kênh truyền hình tinh hoa, có nhà hát tinh hoa và cung hòa nhạc tinh hoa).

Điều ước thứ ba thuộc về sinh hoạt văn hóa (ước có hội quán tinh hoa “để làm nơi gặp gỡ trao đổi trò chuyện giữa những người có nhu cầu tinh hoa với những nhân vật tinh hoa hàng đầu trong mọi lĩnh vực của đời sống”).

Điều ước thứ tư thuộc về chuyện tiền bạc (“Ước gì trong một ngày đẹp trời, năm sáu tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước cùng các tập đoàn, tổng công ty tư nhân như ACB, FPT, Trung Nguyên, VINCOM v.v... bỗng dưng trở thành các nhà hảo tâm bỏ ra nhiều triệu USD không phải để quảng bá thương hiệu mà là để tài trợ vô tư cho những điều mà tôi “ước gì”).

Những điều ước trên là mong muốn con người được sống trong một thế giới đầy ắp văn hóa để họ có thể trở thành những con người tinh hoa.

“Vì thế, tôi có một điều ước cuối cùng: Ước gì trong một thời gian ngắn, thay vì chỉ có một số người tinh hoa lẻ tẻ như hiện nay sẽ hình thành hẳn một giới, một tầng lớp tinh hoa đông đảo đủ sức làm một cái phin lọc tốt cho toàn thể xã hội và cho cộng đồng để đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển bền vững của dân tộc để chúng ta và các thế hệ kế tiếp mãi mãi kiêu hãnh vì được làm người Việt Nam”.

Để không thể trở thành mơ mộng hão thì bản thân mình phải tham gia vào việc hiện thực hóa những ước ao đó. Một điều rất hay là nhiều người cũng nghĩ như mình nhưng họ giỏi hơn tôi, nhiệt huyết hơn tôi, có thực lực hơn tôi. Vấn đề chính là làm sao kết nối được với nhau lại.

p14b1.jpg

Triển lãm tranh của họa sĩ Dương Bích Liên ngày khai trương Cà phê thứ bảy (Ảnh: Thanh Niên)


Tôi đã gặp Đặng Lê Nguyên Vũ khi anh mời tôi lên “thiên đường cà phê” của anh ấy để sáng tác. Thay vì viết cho anh ấy một tác phẩm âm nhạc về cà phê, tôi viết dự án “chuỗi quán Cà phê thứ bảy” và thuyết phục anh ấy hợp tác.

Thế là một phần điều ước thứ ba (hội quán) và thứ tư (chuyện tiền bạc) của tôi đã trở thành hiện thực. Quán Cà phê thứ bảy tại 37 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TPHCM chính là quán đầu tiên của chuỗi quán cà phê mang ý nghĩa hội quán văn hóa này.

Do anh Vũ đầu tư về tài chính và nhân sự và khai thác các hoạt động kinh doanh nên Cà phê thứ bảy sẽ trở thành một thương hiệu đặc biệt của tập đoàn Trung Nguyên.

Còn tôi, vì để quán không đi chệch định hướng, với tư cách là giám đốc dự án chuỗi quán Cà phê thứ bảy, tôi bắt buộc phải trực tiếp điều hành, nghĩa là trở thành một chủ quán bất đắc dĩ.

- Ông phải làm gì trong vị trí giám đốc điều hành?

- Điều khiển tất cả các hoạt động của quán để nó thực hiện một cách có hiệu quả những gì đề ra trong thỏa thuận hợp tác.

- Công việc liệu có quá xa lạ và khó với một nhạc sĩ sáng tác không, thưa ông?

- Việc kinh doanh đã có người quản lý chuyên nghiệp, các hoạt động văn hóa thì được sự ủng hộ có tính chất bè bạn của những trí thức văn nghệ sĩ hàng đầu giàu kinh nghiệm thực tiễn, các anh ấy chủ trì các hoạt động văn hóa của quán.

Còn tôi, ngoài việc sáng tác cũng có đôi chút kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa và tôi có một trợ lý văn hóa biết việc và rất có trách nhiệm.

Mục tiêu: làm văn hóa

359537.jpg

Nhạc sĩ Dương Thụ và các khách mời (Ảnh: TTO)

- Trong nhịp sống sôi động và rất nhiều dịch vụ như hiện nay, Cà phê thứ bảy đặt ra những mục tiêu nào?

- Tôi thống nhất với anh Vũ là không đặt mục tiêu kinh doanh mà đặt mục tiêu làm văn hóa. Lãi văn hóa là “lãi ròng” không thể tính bằng tiền được. Vả lại, Trung Nguyên cũng cần xây dựng thương hiệu bằng một cách làm mới, cũng muốn tạo dựng một hình ảnh đẹp trong công chúng. Tuy việc “thu vào” có thể thâm hụt, nhưng đồng tiền bỏ ra như thế là đồng tiền “khôn”.

- Nhạc sĩ có phải là người nghiện cà phê và không khí bè bạn không, ở mức nào?

- Ngày xưa thôi, bây giờ tôi thường cà phê một mình. Tôi có nhu cầu tìm bạn, không phải để tán gẫu, hoặc cho mình đỡ cô đơn mà là để trò chuyện, trao đổi theo kiểu “tri kỷ vụn” về nghề, về mọi thứ mà tôi sống và yêu nên tôi vẫn “mơ về một quán cà phê”. Bây giờ có Cà phê thứ bảy rồi.

- Với đối tượng khách như vậy, những cuộc trao đổi và nói chuyện chuyên đề sẽ tiến hành thế nào? Riêng ông muốn đem đến những gì (về âm nhạc) ở Cà phê thứ bảy?

- Theo kiểu cà phê, gần gũi thân mật, tránh những vấn đề “đao to búa lớn” , cố gắng “đời” hơn, cố gắng chia sẻ với nhau những cảm hứng, những suy nghĩ tích cực, đối thoại mà không đấu khẩu. Những người đến quán đều là “khách hàng thân hữu”, nếu tỏ ra thiếu thân hữu chắc là không có chỗ ngồi ở đây. Khẩu hiệu của quán là “Cà phê để kết nối và sáng tạo”.

Về âm nhạc, quán chơi nhạc cổ điển và những phong cách âm nhạc nghiêm túc khác. Tối thứ bảy và chủ nhật có tổ chức "Salon âm nhạc thính phòng” vào 20 giờ 30. Mọi người có thể đến quán để thưởng thức các nhạc phẩm của Mozart, Beethoven, Chopin, Tchaikovsky, De Bussy, Schumann, Dvozak v.v... qua tiếng đàn của các nghệ sĩ độc tấu piano, violon và qua tiếng hát của các nghệ sĩ soprano solo.

- Nhạc sĩ đã từng nói: Ai biết im lặng thì yêu được người khác chứ không phải ồn ào. Nay làm việc với khách đám đông, có gì khó với ông không?

- Quán có 83 chỗ ngồi trên một diện tích hơn 300 m2, mà không phải lúc nào cũng kín chỗ, một nơi như thế chắc không phải là của đám đông. Vả lại, tôi đâu có ngồi ở đấy để bán cà phê. Tôi chỉ có mặt vào những lúc cần thiết nên chắc cũng không có vấn đề gì.


  • Theo Nguyễn Thị Ngọc Hải(Người Đô Thị)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top