Hide Nguyễn
Du mục số
- Xu
- 1,943
Nếu bảo rằng thầy Huân là người thầy tài ba xuất chúng, là ông thầy đứng trên cái thế thượng phong về trí tuệ mà rèn đúc, tạo nên được cả một lớp học trò giỏi giang, trong đó nhiều người trở thành những tên tuổi lẫy lừng, những văn nhân chính khách một thời, thì hoàn toàn không phải. Thầy giáo, nghề dạy học, dẫu có được ưu ái đặc biệt, được tâng cao giá trị đến đâu, thì cũng chỉ là loại trí thức xếp loại hai, tức bậc thứ, nắm giữ các thông tin mật mã, những tri thức loài người biết cả rồi; ông thầy không phát minh. Huống hồ thầy Huân của chúng tôi chỉ là ông giáo cấp tiểu học. Trong hành trình dằng dặc của đời người, thầy chỉ là cái ga xép heo hút mà du khách chúng tôi lướt qua trong thoáng chốc. Thêm nữa, lớp môn đệ của thầy cũng chỉ lèo tèo vài chục đứa trẻ quê mùa, quý mến thầy thì hết mực đấy, nhưng sau này thành nhân thì cũng chỉ là những thân kiếp làng nhàng như thầy; anh chị nào nhờ thời vận hoặc phúc ấm tổ tiên, qua tay thầy rèn cặp mấy năm trời, thành đạt lắm cũng chỉ là anh giáo cấp hai hoặc chị ủy viên thư ký ủy ban xã là cùng, ấy là xét theo phẩm trật trên nẻo đường quan lộc.
Trong mấy chục thầy cô ở chốn học đường góp phần tạo nên chúng tôi, thầy Huân, xét về mặt trí năng, chỉ là một cái bóng nhạt nhòa, dễ bị nhãng quên, giữa các đồng nghiệp của thầy. Nhưng, quan hệ thầy trò, cũng như quan hệ bằng hữu giữa người và người có một đặc thù là người ta không chỉ căn cứ vào cái tài, cái lợi thu được cho cá nhân mà trọng nể, mến mộ nhau; thế nên mới có chuyện để nói.
Cùng về làng tôi dạy học đầu năm 1955, hòa bình mới lập lại đó, ngoài thầy Huân còn có một thầy nữa tên Ngọc Kim. Thầy Ngọc Kim cũng tốt nghiệp sư phạm sơ cấp một khóa với thầy Huân, nhưng lại là một hình ảnh tương phản hoàn toàn về mọi phương diện với bạn mình. Và, tôi nghĩ, ông trời xem ra rất thích tạo ra các trò chơi oái oăm, ông xếp thầy Ngọc Kim cạnh thầy Huân là cố ý làm nổi bật sự đối nghịch của họ, là để đưa con người trần thế vào một cuộc chơi thách đố trí tuệ chăng?
Thầy Ngọc Kim, cái tên nghe đã sang trọng, người thành thị cao ráo, trắng trẻo tươi tắn, mắt phượng, mày ngài, đẹp như một kép cải lương, bặt thiệp, kín nhẽ, khẩu khiếu linh hoạt khác thường; đã vậy lại còn lắm tài vặt như đàn giỏi, hát hay; còn kẻ khẩu hiệu, vẽ panô cổ động các phong trào trong làng xã thì đến cán bộ phòng văn hóa huyện cũng phải bái phục.
Trong khi ấy, thầy Huân người thấp lùn, vai rộng, chân đi vòng kiềng, mặt sần sùi trứng cá, trông tẻ ngắt tẻ ngơ. Thầy Ngọc Kim là sản phẩm của nền văn minh hiện đại, còn thầy Huân là nguyên khối tự nhiên, cứ như là người ta nhặt thầy từ đồng ruộng ban sơ lên rồi đặt luôn vào ngôi trường này vậy. Thầy lù đù, chậm chạp, thô tháp vụng về và cổ giả lắm. Đường giao tiếp, nói năng của thầy lại càng kém cỏi. Thầy chẳng biết lựa lòng ai. Gặp điều ngang trái là thầy tức tối, đỏ văng cả mặt, có nói thì câu chữ cứ díu lại đến là khổ sở. “Thầy bà gì mà ăn nói cứ như là bị rụt lưỡi, lại lục cục loạc quạc thô lỗ như búa đập đe thế!” Đã có lần thầy Ngọc Kim quở trách thầy Huân như thế, trước hơn một trăm đứa học trò, giữa buổi chào cờ toàn trường.
Cùng ra trường một năm, nghe nói thầy Ngọc Kim học đã kém lại thuộc diện đỗ vớt, nhưng về trường này, thầy lại được đề bạt làm hiệu trưởng, tức cấp trên trực tiếp của bạn đồng khóa của mình. Ấy là vì, theo người ta nói thì ông trưởng ty giáo dục hồi đó xét người căn cứ vào cái mẽ bề ngoài. Căn cứ vào cái mẽ bề ngoài thì thầy Ngọc Kim ăn đứt thầy Huân rồi. Thầy Huân từ vóc dáng, trang phục đến suy ngẫm cứ như chưa hề được bào giũa, tập rèn bao giờ. Con người này chưa vong thân, con người này thuần nguyên dạng vẻ khởi đầu. Con người này quê kệch lắm. Ngay cả áo quần, quanh năm suốt tháng, thay đi đổi lại, kể cả lúc lên lớp lẫn khi mít tinh, hội họp, thầy cũng chỉ quanh đi quẩn lại hai bộ bà ba nâu dấn bùn, khâu tay. Tài trí uyên bác thâm hậu đến mức nào thì không biết, chứ trông thầy bề ngoài chẳng khác gì người nông phu bình thường. Thói đời, thường đánh giá người bằng cái vẻ bề ngoài, bằng cái cách ăn mặc hay sao mà các ông cán bộ xã coi thường thầy lắm. Với thầy Ngọc Kim họ còn thưa gửi nể trọng. Chứ với thầy Huân nhiều khi họ chỉ gọi này, này, rồi nói trống không, như bạn bè cá mè một lứa, thậm chí còn như người trên với kẻ dưới. Và hễ cứ vắng mặt thầy là họ thả cửa đàm tiếu về thầy.
*
Thôi thì còn thiếu gì chuyện người ta đưa ra để đàm luận, giễu cợt thầy. Có nhiều chuyện họ chế nhạo thầy rất vô lý. Trong một cuộc họp phụ huynh học sinh, thầy nói: “Chúng ta phải cho con em đi học để chúng khỏi trở thành mấy anh thầy bói xem voi!” Câu nói đó có gì đáng cười mà họ đưa ra để chế nhạo thầy? Có chuyện nghe cứ ngờ ngợ như là họ bịa tạc. Chẳng hạn, họ kể, thầy thường hay đến thăm gia đình học sinh. Vào nhà người ta, bao giờ thầy cũng bước tới trước bàn thờ, thẳng đơ người trong tư thế đứng nghiêm chào cờ, rồi lên giọng trịnh trọng: “Thưa ông bà! Hôm nay tôi đến thăm gia đình với ba mục đích sau đây. Thứ nhất: thăm sức khỏe ông bà. Thứ hai: kiểm tra việc học hành của em nhà. Thứ ba: dự một bữa cơm thân mật với gia đình”. Chắc gì cái mục đích thứ ba là do thầy đề ra? Thầy đâu có phải là kẻ buông tuồng, suồng sã, tham ăn tục uống? Nhưng, có chuyện họ vừa kể vừa ôm bụng cười với nhau, là hoàn toàn có thật. Chẳng hạn như chuyện về vợ thầy, xung quanh việc vợ thầy lên ở với thầy.
Tôi còn nhớ buổi sáng thứ hai tuần ấy, lớp thầy Ngọc Kim nghỉ vì thầy về thành phố dự đám cưới cô em họ, chỉ có lớp chúng tôi làm lễ chào cờ. Thông thường, sau lễ chào cờ, thầy Huân nhẩn nha nhận xét tình hình lớp tuần qua, rồi chúng tôi thứ tự vào lớp sửa soạn tiết học đầu tiên ngay. Lần này không vậy. Lần này thầy bỗng hô “nghiêm” một tiếng rõ to, rồi nhanh nhẹn đi về phía sau, dắt tay một người phụ nữ thấp lùn còn hơn thầy, mặc váy thâm áo nâu, đưa lên trước đoàn ngũ học trò, trân trọng và hớn hở cất tiếng: “Thầy xin giới thiệu với các em, đây là vợ thầy, tức thị các em phải gọi là cô Huân. Cô mới ở quê miền Trung ra thăm thầy! Nào, xin các em một tràng pháo tay để hoan hô cô!”
Người phụ nữ quê mùa này là một phân thân của thầy. Dung nhan vóc dạng phải nói là vừa xấu xí vừa thô mãng. Đã lùn, ngực lại căng vống nên trông càng lùn. Mặt nhỏ như mặt chim, nhưng lại bèn bẹt. Cái mũi thì vừa tẹt dí vừa huếch, lại thêm hàm răng đen, nên trông vừa ngây dại vừa kệch cỡm. Nhưng cô cũng như thầy, sau cái vẻ ngoài thô kệch, là một tâm tình nhân hậu và vô cùng chịu thương chịu khó! Vừa được thầy giới thiệu trước cờ xong, đã thấy cô cắp cái chổi lá gồi quẹt quẹt quét sân trường. Bàn ghế, bảng đen, cổng ngõ nhà trường, cửa giả lớp học, từ hôm ấy sạch như lau như ly. Đặc biệt hễ thấy đứa học trò nào mặc áo rách là cô gọi vào, bảo cởi ra, vá cho. Hai vợ chồng thầy vẩy ra một mái nhỏ đầu hồi lớp học làm nơi ăn ở. Hai người sống với nhau tâm đầu ý hợp, chí thú lắm. Trông cô thế mà tiếng cô gọi anh xưng em với thầy ngọt như mía lùi. Còn thầy, bữa cơm nghèo có tí men là thầy ngất ngư ngâm ngợi: “Cơm trắng ăn với chả chim. Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn cũng no”.
Quái lạ cho người đời! Thế thì có gì đáng chê cười mà họ cứ kể cho nhau nghe, rồi cùng cười giốc lên. “Ôi dào, đẹp! Đẹp như cái tép kho tương. Kho đi kho lại nó trương phềnh phềnh”. Họ cười nhạo tất. Cười nhạo cả cái tiếng miền trong nằng nặng, trọ trẹ của cô, của thầy. Tiếng nói của thầy, chưa kể những mô tê răng rứa khác biệt, riêng dấu giọng cũng đã khó nghe thật. Chẳng hạn thầy đọc chính tả: “Con hộ chậm chậm xuống hang” thì có giời mới hiểu là con hổ đi chầm chậm xuống cái hang, hay là: con hổ, hai chấm, xuống dòng. Nhưng, những cái tiểu tiết ấy có cười thì là cười vui, chứ không phải là chuyện đưa ra để nhạo báng được!
Tính hay xúc động của thầy nữa thì có gì là xấu, là đáng chê cười? Cảm nhận được cái hạnh phúc lứa đôi trong đời sống còn đơn sơ, đạm bạc, hẳn là người phải có một tâm hồn cao quý, vượt qua sự mê chấp trước vật chất chứ! Người ta nhân thể bịt miệng cười luôn cả cái tấm tình xúc động đến rưng rưng nước mắt của thầy buổi thầy được kết nạp vào tổ chức công đoàn. Chao ôi, bây giờ thấy được hạt nước mắt xúc động trước một điều thiêng liêng, một giá trị tinh thần là khó lắm! Thế mà thầy Ngọc Kim lại cười nhạo thầy, gọi thầy là ông Ivan Rưng Rưng.
Thầy Ngọc Kim không rưng rưng.
Thầy Ngọc Kim dửng dưng. Không một lời hỏi han vợ người đồng nghiệp, thầy Ngọc Kim còn ác nghiệt nữa. Thầy Kim hạ lệnh không cho phép vợ thầy Huân quét dọn nhà trường và vá quần áo cho học trò.
- Tôi xin hỏi thầy, vì cái lý do gì mà thầy ra cái lệnh trái nước ngược gió vậy?
Nghe thầy Huân vặn, thầy Ngọc Kim mặt lạnh như tiền, nhếch một bên mép:
- Vì cái gì thì thầy nên tự hiểu lấy!
Thầy Huân khí tức dâng đầy mặt, ôm đầu than:
- Cái xã hội này là cái xã hội gì mà người làm việc thiện lại bị cấm đoán, hả thầy? Tôi không hiểu nổi. Thầy không giải thích được thì tôi và vợ tôi cứ độc hành kỳ đạo, độc thiện kỳ thân. Cứ đi con đường riêng, cứ quan niệm thiện theo lối riêng đấy!
Thầy Huân hóa ra một kẻ ương ngạnh, bất chấp, nhất quyết duy trì một lối sống riêng. Trong khi thầy Ngọc Kim hết bludông da, lại áo vét ve to, ve nhỏ thì thầy Huân vẫn chỉ độc bộ áo ta nâu cổ quái, đại hàn chi cực mới thêm cái trấn thủ và cái mũ lá cọ. Thầy Ngọc Kim bĩu mỏ tỏ ý khinh nhờn, thì thầy Huân bỏ đi, lẩm nhẩm một mình: “Kẻ sĩ mà còn thẹn vì cái ăn cái mặc, thì chưa đáng bàn chuyện đạo đâu!”
Thầy Huân chả để ý gì cái ăn cái mặc và sự tiêu dùng vật chất hàng ngày. Thầy tự nấu cơm lấy. Cơm tứ thời độn sắn, khoai. Thức ăn chỉ là rau dưa hẩm hút, thảng hoặc mới có tí cá vụn kho. Khăn mặt của thầy là vuông vải nâu hai lớp khâu lại. Mảnh ni lông lót vào cái rổ to là chiếc chậu giặt của thầy. Thầy tằn tiện vì thói quen, vì lương thầy thấp lắm, phần nữa lại còn phải trích ra một số lớn gửi về quê tít tịt miền Trung để giúp đỡ gia đình. Làng quê thầy vốn dĩ nghèo, dân ở đấy cũng ngu, cũng tham, cũng liều như các nơi khác và chỉ rắp ranh một hai bỏ đi nơi khác để kiếm sống thôi!
Thầy Huân nghèo, nhưng chẳng bao giờ thầy phàn nàn về gia cảnh bần cùng của mình. Thầy đã quen với cái nghèo cái khổ? Có điều ấy. Nhưng xem cách thầy dạy dỗ học trò thì thấy, còn có một lý do ngầm ẩn làm nên tư cách thầy nữa: thầy còn mải mê theo đuổi nghiệp thầy với một ý chí khác biệt, siêu thường, một tinh thần bất tuân phục cái vây hãm, ức chế của ngoại cảnh. Ăn uống, may mặc, tiêu pha phải hạn chế đến tối đa, nhưng tháng nào thầy cũng bỏ ra một khoản tiền riêng để mua phần thưởng cho học trò. Mỗi tháng thầy đề ra một cuộc thi. Thi viết chữ đẹp. Thi làm việc tốt. Học trò nào đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ thứ nhất đến thứ mười, đều được thầy tặng quà là sách vở, giấy bút, hoặc kẹo bánh, khăn mặt.
Trường có hai lớp. Thầy Ngọc Kim dạy một. Thầy dạy một. Thầy dạy không hay. Giọng thầy trầm trầm, đều đều, không véo von trầm bổng, cũng không hay pha trò hoặc hoa mỹ bóng bẩy như thầy Ngọc Kim, nhưng học trò vẫn thích được học thầy. Ấy là vì thầy tận tâm tận lực với học trò. Tình thương, lòng trắc ẩn và danh dự của kẻ có học là những lý do thường trực khiến thầy đã làm cái gì cũng làm đến nơi đến chốn. Giáo án thầy nắn nót chép đi chép lại cho kỳ không một chữ sai, một dấu tẩy xóa mới thôi. Thuở nhỏ phải gánh gồng nhiều nên bên vai phải thầy bị lệch so với vai trái. Vừa như ngượng với chính mình, vừa muốn đứng trước học trò phải là một hình ảnh toàn bị, cả về thể chất, thầy đã đứng trước gương tập co vai phải lên cho ngang bằng với vai trái đến cả năm trời.
Nguồn : nguoidaibieu.com.vn