Nghề sơn - nét đẹp văn hóa đất Thăng Long

Hide Nguyễn

Du mục số
HNP - Mảnh đất Thăng Long vốn có nhiều lợi thế để quy tụ các nghề thủ công truyền thống từ khắp nơi trong cả nước. Thế mạnh là “nơi hội thủy” không chỉ giúp Thăng Long có nhiều thuận lợi trong việc chuyên chở nguyên vật liệu, mua bán các sản phẩm mà còn là điều kiện cần thiết để các ngành nghề cổ truyền vốn cần nhiều nước trong quá trình sản xuất như nghề sơn, nghề làm giấy, nghề gốm, nghề nhuộm… có thể duy trì.



mail%5B1%5D.jpg
Ảnh: Một góc phố hàng Hòm.

Thăng Long là nơi đông dân, người Thăng Long lại vốn có tiếng là biết cách ăn chơi nên việc vùng đất này trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm lý tưởng của dân các vùng lân cận như Bắc Ninh, Nam Định và đặc biệt là Hà Tây (trước đây) - mảnh đất nổi danh là đất trăm nghề cũng là điều dễ hiểu. Khởi đầu từ việc mang các sản phẩm thủ công ra bán ở kinh đô, dân ở nhiều làng nghề đã di cư ra Thăng Long, để rồi từ đây lập nên những phố nghề, phường nghề gắn với sản phẩm đặc trưng được sản xuất và buôn bán ở đó.

Khoảng giữa thế kỉ XIX, dân làng Hà Vỹ, Thường Tín, Hà Đông (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã mang theo nghề sơn cổ truyền ra Thăng Long lập nghiệp. Với chất liệu sơn đen truyền thống cùng với những bí quyết nhà nghề họ đã làm ra các mặt hàng sơn mỹ nghệ mà chủ yếu là đồ gia dụng như các loại hòm, rương, tráp gỗ… và đồ thờ như hoành phi, câu đối, ngai bệ, khám thờ… đáp ứng nhu cầu của cư dân Thăng Long và các vùng khác trong cả nước, thậm chí, các mặt hàng sơn Thăng Long đã có mặt cả ở nước ngoài qua con đường giao thương lúc bấy giờ. Tên phố Hàng Hòm được định danh từ đó. Người dân Hà Vỹ dù đã đến an cư lạc nghiệp trên phố Hàng Hòm vẫn không lúc nào quên công lao của tổ nghề là cụ Trần Lư, người làng Bình Vọng, Thường Tín (nay thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội). Theo cuốn “Bình Vọng Trần thị gia phả” lưu giữ tại Thư viện Hán - Nôm thì cụ Trần Lư sinh năm 1470, đỗ tiến sĩ năm 1502 và mất năm 1527, khi đi sứ sang Trung Quốc cụ đã học được nghề sơn son thếp vàng và về truyền dạy cho dân làng. Những người thợ sơn làng Bình Vọng sau này mới truyền nghề sang các làng Hà Vỹ, Hạ Thái. Để tưởng nhớ tới tổ nghề, dân làm nghề Hà Vỹ đã lập ra ngôi đền tại nơi lập nghiệp để thờ cúng, việc làm này lại góp phần làm cho tín ngưỡng thờ tổ nghề ở Thăng Long - Hà Nội thêm đậm nét.

Có thể nói nghề sơn của người dân Hà Vỹ trên phố Hàng Hòm và sau phát triển ra cả phường Nam ngư đã góp phần đem lại danh tiếng cho đồ sơn đất Thăng Long. Dưới con mắt của các lái buôn nước ngoài thời điểm lúc bấy giờ, những sản phẩm sơn của Thăng Long chẳng thua kém bất kỳ nơi nào khác, ngoại trừ đồ sơn của người Nhật vốn nổi tiếng là tốt nhất thế giới. Những sản phẩm sơn mỹ nghệ tinh xảo, bền đẹp là kết quả của quá trình chế tác bao gồm nhiều công đoạn phức tạp và tỉ mỉ ngay từ khâu lựa chọn và chế biến sơn sống để cho ra được nước sơn chín láng mượt dùng để phủ lên cốt gỗ. Ở nước ta, cây sơn được trồng ở nhiều nơi nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là sơn sống của vùng Phú Thọ, Yên Bái. Thứ sơn sống hảo hạng này xưa có thể tìm mua ở phố Hàng Sơn (phố Chả Cá bây giờ) với độ dăm bảy nhà chuyên nghề buôn bán. Nhựa sơn lấy về phải trải qua khâu lọc cho hết bụi bẩn và tạp chất để đảm bảo cho sản phẩm sau này được bóng mượt - làm tăng giá trị thẩm mỹ và có độ bền cao - làm tăng giá trị sử dụng. Sơn sau khi đã được lọc sẽ đến công đoạn tiếp theo là đánh (ngả) sơn chín với nhiều cách như phơi nắng, đun cách thủy hay trộn sơn sống trực tiếp trong thúng - một phương pháp hay được những người làm nghề sử dụng. Từ chất liệu sơn chín này người ta có thể pha chế thành nhiều loại sơn khác nhau bao gồm sơn then (sơn đen), sơn cánh gián, sơn cầm, sơn phủ. Bên cạnh kỹ thuật chế biến sơn thì quy trình làm vóc cũng phải trải qua gần chục công đoạn tốn khá nhiều công sức để tạo thành một nền gỗ nhẵn nhụi, trơn tru chỉ chờ được quét lên những nước sơn láng bóng… Một sản phẩm sơn được chế tác theo đúng quy trình như thế có độ bền đến cả ngàn năm tuổi.

Trải qua thời gian, do chiến tranh và sau này là quá trình phát triển của thủ đô, nghề sơn trên đất Thăng Long có nhiều biến đổi thăng trầm. Ở nghề sơn mỹ nghệ, bắt đầu từ giữa thế kỷ XX các sản phẩm của phố Hàng Hòm đã có sự thay đổi cả về chất liệu cũng như mẫu mã với việc sử dụng các loại gỗ rẻ tiền, sẵn có như gỗ thông, gỗ tạp được phủ lên những màu sắc bắt mắt, phù hợp với thị hiếu của khách hàng đương thời. Cho đến hôm nay, nghề sơn ở phố Hàng Hòm xưa gần như đã tàn lụi, thay vì sản xuất và buôn bán nguyên vật liệu phục vụ cho nghề sơn ta như nhựa sơn, các loại giấy giáp… và các loại hình sản phẩm của ngành nghề này như trước đây, giờ hầu hết người ta chuyển sang kinh doanh các loại sơn công nghiệp. Những thùng, hộp sơn đủ màu sắc của các hãng sản xuất trong và ngoài nước, các loại véc-ni, dầu bóng, keo dính, chổi quét sơn, bút vẽ… trở thành những mặt hàng đặc trưng của con phố nhỏ này. Bên cạnh đó là các cửa hàng bán đồ lưu niệm, những gallery và khách sạn cao tầng chủ yếu phục vụ khách du lịch ngoại quốc. Dấu vết về nghề sơn cổ truyền có chăng chỉ còn là ngôi đền Hà Vỹ nằm ẩn mình trong một con hẻm nhỏ ở số 11 Hàng Hòm. Phố Hàng Sơn ngày nào giờ cũng chỉ còn trong ký ức của nhiều người, bởi từ sau năm 1945, người ta không còn buôn bán sơn sống ở đây nữa, thay vào đó là một mặt hàng mới - món Chả Cá hấp dẫn nhiều người. Từ đây, tên gọi phố Hàng Sơn được đổi tên thành Chả Cá cho đến ngày nay.

Vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, nghề sơn truyền thống đất Thăng Long có bước tiến mới khi chất liệu sơn ta độc đáo thu hút các họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương say mê nghiên cứu tìm tòi, thể nghiệm để áp dụng vào trong nghệ thuật tạo hình. Có thể nói, bước ngoặt quan trọng này đã đưa ngành nghề sơn cổ truyền chuyển sang một kỷ nguyên mới, bởi từ chất liệu sơn ta, các họa sĩ đã phát hiện ra một nguồn lực màu sắc phong phú: đỏ, đen, vàng, trắng, xanh lục, xanh lam, cánh sen… và kỹ thuật độc đáo - kỹ thuật mài, để từ đây, sơn mài trở thành tiếng nói độc đáo, riêng biệt của Việt Nam so với nhiều nước cũng có nghề sơn mài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mianma... Có công đầu trong việc mở đường và đặt nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của nghệ thuật sơn mài Việt Nam phải kể tới nghệ nhân Đinh Văn Thành, các họa sĩ Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân…

Hiện nay, nghề sơn mỹ nghệ Thăng Long đang được phục hồi trở lại với các sản phẩm như hoành phi, câu đối, đồ thờ, đồ nội thất, đồ lưu niệm… phục vụ cho nhu cầu của đời sống xã hội và ngày càng có giá trị về mặt kinh tế. Về nghệ thuật hội họa sơn mài, tiếp bước các thế hệ cha ông đi trước, lớp họa sĩ trẻ Thăng Long - Hà Nội với cách nhìn hiện đại họ đã khám phá ra những phương pháp diễn đạt mới trên cơ sở chất liệu sơn ta truyền thống, bảng màu tiếp tục được bổ sung thêm nhiều sắc độ qua đó hoàn thiện hơn ngôn ngữ biểu đạt của sơn mài. Nghề sơn truyền thống quá khứ và hiện tại đã, đang và sẽ mãi là nét đẹp văn hóa đất Thăng Long.


Nguồn :Hanoi Portal
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top