Ngày giỗ ông bà

ffl41186

New member
Xu
0
cho mình hỏi sự khác nhau giữa ngày giỗ ông bà của 3 miền Bắc Trung Nam ?
ví dụ như về các món cúng, cách cúng vái trước bàn thờ v.v...:confused:
xin cảm ơn
 
Giúp bạn có một số thông tin giản lược.

Lễ cúng giỗ vào ngày nào?


Lễ cúng giỗ vào đúng ngày mất hay trước ngày mất một ngày? Có người cho rằng phải cúng vào ngày đang còn sống (tức là trước ngày mất), có người lại cho rằng "trẻ dôi ra, già rút lại", vậy nên chết trẻ thì cúng giỗ đúng ngày chết, còn người già thì cúng trước một ngày. Vậy có câu hỏi: "Người trung niên chết thì cúng vào ngày nào"?

Ngày giỗ theo âm Hán là huý nhật hay kỵ nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng có nghĩa là ngày kiêng kỵ.

Nguyên ngày trước, "Lễ Giỗ" gọi là "Lễ chính kỵ": chiều hôm trước lễ chính kỵ có "Lễ tiên thường" (Nghĩa là nếm trước), con cháu sắm sanh một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Ngày xưa, những nhà phú hữu mời thông gia, bà con làng xóm đến mời ăn giỗ cả hai lễ tiên thường và chính kỵ. Dần dần vì khách đông phải chia ra hai lượt; lại có những nhà hàng xóm mời cả hai vợ chồng nên luân phiên nhau, người đi lễ tiên thường, người đi lễ chính kỵ, ở nông thôn tuỳ theo thời vụ, muốn "Vừa được buổi cày vừa hay bữa giỗ", buổi chiều đi làm đồng về, sang hàng xóm ăn giỗ tiện hơn nên có nơi lễ tiên thường đông hơn là lễ chính kỵ. Dần dần hoặc vì bận việc hoặc vì kinh tế eo hẹp hoặc vì thiếu người phục dịch, người ta giản lược đi, chỉ mời khách một lần nhưng hương hoa, trầu rượu vẫn cúng cả hai lễ. Một vài nhà làm, những người khác thấy thuận tiện bắt chước, dần dần trở thành tục của địa phương. Việc cúng ngày sống (tức lễ tiên thường vào chiều hôm trước, nguyên xưa chỉ cúng vào buổi chiều vì buổi sáng còn phải mua sắm nấu nướng và ra khấn ở mộ yết cáo với thổ thần, long mạch xin phép cho gia tiên về nhà dự lễ giỗ). Cúng ngày sống hay cúng ngày chết, hay nói cách khác lễ tiên thường hay lễ chính kỵ, lễ nào là lễ quan trọng hơn, chẳng qua đó là cách biện hộ cho phong tục từng nơi.

Kết luận: Nếu vận dụng đúng phong tục cổ truyền phổ biến trong cả nước thì trước ngày chết (lễ tiên thường) phải cúng chiều, cúng đúng ngày chết (lễ chính kỵ) phải cúng buổi sáng kể cả chiều hôm đó mới chết.

Và theo tập quán lâu đời, dân ta lấy ngày giỗ (ngày mất) làm trọng, cho nên ngày đó, ngoài việc thăm phần mộ, tuỳ gia cảnh và tuỳ vị trí người đã khuất mà cúng giỗ. Đây cũng là dịp thăm người thân trong gia đình, trong chi họ, dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong. Vào dịp đó người ta thường tổ chức ăn uống, nên mới gọi là ăn giỗ, thì cũng gọi là "trước cúng sau ăn", có mất đi đâu, cũng là để cho cuộc họp mặt thêm đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sinh hoạt, kể chuyện tâm tình, chuyện làm ăn. Mà việc chi phí cũng không dồn lên đầu một ai vì ngoài phần do hương hoả mà có, mỗi người đều đóng góp bằng tiền mặt hoặc hiện vật, nên mới có từ "góp giỗ", với ý nghĩa trên- "Uống nước nhớ nguồn"- việc đó có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục, nếu như người ta loại bỏ được những hủ tục có tính chất mê tín dị đoan, nếu như không bị lợi dụng một cơ hội cho bọn hãnh tiến khoe của bằng mâm cao cỗ đầy, sơn hào hải vị, cho những ông tham nhũng dựa vào chức quyền nhận lễ giỗ hậu hĩ, một thứ đút lót trá hình.

Chính vì thể theo phong tục đó mà nhà ta đã giữ gìn việc tổ chức trang nghiêm ngày giỗ của các vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước như ngày giỗ tổ Hùng Vương, hội đền Kiếp Bạc... Cho nên, theo tôi, giữ gìn tục lệ đó theo ý nghĩa trong sáng của nó không có gì phải bàn.
 
Phong tục cúng giỗ cổ truyền của người Việt

Theo tập quán lâu đời, dân ta lấy ngày giỗ (ngày mất) làm trọng, cho nên ngày đó, ngoài việc thăm phần mộ, tuỳ gia cảnh và tuỳ vị trí người đã khuất mà cúng giỗ. Ðây cũng là dịp gặp mặt người thân trong gia đình trong dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong.

Vào dịp đó người ta thường tổ chức ăn uống, nên mới gọi là ăn giỗ, thì cũng là trước cúng sau ăn, cũng là để cho cuộc gặp mặt đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sum họp, kể chuyện tâm tình, chuyện làm ăn. Với ý nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" việc đó có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục.

* Ngày cúng giỗ

Ngày giỗ theo âm Hán là huý nhật hay kỵ nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng có nghĩa là ngày kiêng kỵ.

Nguyên ngày trước, "Lễ giỗ" gọi là "Lễ chính kỵ"; chiều hôm trước lễ chính kỵ có "lễ tiên thường" (nghĩa là nếm trước), con cháu sắm sanh một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Ngày xưa, những nhà phú hữu mời bà con làng xóm ăn giỗ cả hai lễ tiên thường và chính kỵ. Dần dần hoặc vì bận việc hoặc vì kinh tế hoặc vì thiếu người phục dịch, người ta giản lược đi, chỉ mời khách một lần nhưng hương hoa, trầu rượu vẫn cúng cả hai lễ. Tóm lại, nếu vận dụng đúng phong tục cổ truyền phổ biến trong cả nước thì trước ngày chết (lễ tiên thường) phải cúng chiều, cúng đúng ngày chết (lễ chính kỵ) phải cúng buổi sáng.

* Mấy đời tống giỗ

Theo gia lễ: "Ngũ đại mai thần chủ", hễ đến năm đời thì lại đem chôn thần chủ của cao tổ đi mà nhấc lần tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất mà thế vào thần chủ ông khảo.

Theo nghĩa cửu tộc (9 đời): Cao, tằng, tổ, phụ (4 đời trên); thân mình và tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn (4 đời dưới mình). Như vậy là chỉ có 4 đời làm giỗ (cao, tằng, tổ, phụ) tức là kỵ (hay can), cụ (hay cố), ông bà, cha mẹ. Từ "Cao" trở lên gọi chung là tiên tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của thuỷ tổ.

* Cúng giỗ người chết yểu

Những người đã đến tuổi thành thân, thành nhân nhưng khi chết chưa có vợ hoặc mới có con gái, chưa có con trai hoặc có con trai nhưng con trai cũng chết, trở thành phạp tự (không có con trai nối giòng). Những người đó có cúng giỗ. Người lo việc giỗ chạp là người cháu (con trai anh hoặc anh ruột) được lập làm thừa tự. Người cháu thừa tự được hưởng một phần hay toàn bộ gia tài của người đã khuất. Sau khi người thừa tự mất thì con cháu người thừa tự đó tiếp tự.

Những người chưa đến tuổi thành thân (dưới 16 hoặc dưới 18 tuổi, tuỳ theo tục lệ địa phương) sau khi hết lễ tang yết cáo với tổ tiên xin phụ thờ với tiên tổ. Những người đó không có lễ giỗ riêng, ai cúng giỗ chỉ là ngoại lệ. Có những gia đình bữa nào cũng xới thêm một bát cơm, một đôi đũa đặt bên cạnh mâm, coi như người thân còn sống trong gia đình. Ðiều này không có trong gia lễ nhưng thuộc về tâm linh, niềm tưởng vọng đối với thân nhân đã khuất.



Nguồn: website Viet Nam Đất Nước - Con Người
 
Thờ cúng gia tiên

Người Việt Nam coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Đó là biểu hiện của lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn. Tổ tiên bao gồm từ vị thủy tổ lập ra họ đến ông bà cha mẹ. Ở đây có vấn đề họ, mỗi họ có một ông tổ, có họ ghi nhớ được ông tổ từ trên chục đời, thậm chí vào chục đời, có họ lại chỉ biết ông tổ từ bốn năm đời trước. Đó là do vấn đề lịch sử của từng họ.

Những ai là trưởng của một dòng họ, giữ nhà thờ họ, thì thờ cúng từ ông thủy tổ. Còn các chi thứ chỉ thờ cúng ngược lên đến ông tổ bốn đời là cùng (cao tổ = kị, tằng = cụ, tổ = ông, khảo = cha). Nay, trừ nhà trưởng họ các họ lớn phải cúng lễ nhiều tổ tông, còn thì mỗi gia đình chỉ cúng giỗ đến cấp ông nội.
Việc cúng giỗ là cụ thể hoá lòng tưởng nhớ ông bà cha mẹ nên có ý nghĩa tâm linh, trở thành một lễ thức riêng.

Ngày giỗ được tổ chức hằng năm vào đúng ngày tháng người thân qua đời (gọi là kị nhật).

Theo lệ, trong một gia đình thường có những ngày giỗ gần (giỗ cha, mẹ) và ngày giỗ xa (giỗ ông, bà). Mỗi nhà đều có một ban thờ. Ban thờ đặt ở nơi trang trọng nhất nhà. Ở ngoại thành, nhà theo kiểu cổ ba gian, năm gian thì ban thờ bao giờ cũng đặt ở giữa. Ở thành phố, nhà như hình ống, có nhiều nếp theo chiều dọc thì bao giờ ban thờ cũng đặt ở nếp thứ hai (tính từ mặt phố vào, nếp thứ nhất là cửa hàng).

Ban thờ thường có hai lớp: lớp trong là một cái sập thờ, ở sát vách đặt khám thờ (trong khám đặt thần chủ) ghi họ tên, chức tước tổ tiên, rồi ngai thờ (để tổ tiên ngự toạ), người thường là một tam sơn (hai bên thấp, giữa cao lên) để đặt đĩa trầu cau, chén rượu, đĩa hoa.

Lớp trong này được ngăn với lớp ngoài bằng một y môn tức màn thờ bằng lụa hoặc vải thường là màu đỏ, xẻ dọc đôi thành hai vạt, lúc có cúng lễ thì buộc hai vạt này lên. Bên ngoài là hương án cao hơn sập thờ sơn then hoặc sơn son thếp vàng, trên đặt bát hương và một bộ tam sự (1 đỉnh, 2 cây nến) hoặc ngũ sự (thêm 2 cây đèn) và ống đựng hương.

Đó là bàn bàn thờ nhà trung lưu trở lên. Nhà bình dân thì chỉ có một bàn thờ, trên có bài vị, bát hương, vài chén con để đựng rượu, trà.

Hiện nay, ở Hà Nội, thích nghi với điều kiện ăn ở không mấy rộng rãi, bàn thờ thường đặt trên một cái giá cao đóng vào tường hoặc đặt trên hai con sơn, thậm chí đặt trên nóc tủ, song nhất thiết phải có bát hương, chén trà, lọ hoa, và thay cho khán thờ, ngai thờ, thần chủ, bài vị… là tấm ảnh của ông bà hoặc cha mẹ đã quá có. Chỉ khoảng chục năm gần đây một số người giàu vọt lên, xây nhà cao cửa rộng, họ thường để tầng trên cùng sát mái làm gian buồng thờ và ở đó bày biện tương đối theo tục lệ cũ.

Ngày trước chỉ có con trai trưởng mới được làm giỗ, các em thuộc hàng con thứ thì phải đến nhà trưởng để góp giỗ. Nay đã thay đổi quan niệm, nếu tiện thì làm giỗ chung ở nhà trưởng, nếu không thì nhà nào cúng giỗ ở nhà ấy, vì ông bà cha mẹ là chung. Lễ vật dâng cúng là tuỳ tâm, tuỳ hoàn cảnh. Sang thì cỗ bàn thịnh soạn, bình thường thì đĩa xôi, con gà; nghèo khó thì cơm canh… nhưng, dù hoàn cảnh thế nào thì mâm cúng cũng phải có bát cơm quả trứng.

Ở thôn quê, nếu nhà khá giả thì có mời khách trong họ ngoài làng đến ăn giỗ. Ở Hà Nội, nói chung không có lệ mời khách ngoài gia tộc ăn cỗ (tất nhiên có ngoại lệ).
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top