Nếp sống của người Thăng Long thời L‎í

Bút Nghiên

ButNghien.com
Nếp sống của người Thăng Long thời L‎ý
Thăng Long thời Lý là một kinh thành phong kiến. Trên hết là vua. Bình thường vua mặc áo vàng, quần tía. Răng đen, tóc búi, cài trâm vàng.
Quan lại, sĩ phu mặc áo dài thâm, cổ vòng trên cài khít 4 vạt (tứ thân), quần thâm, búi tóc, cài trâm sắt, chân đi dép da, tay cầm quạt lông hạc, đầu quấn khăn sa đen, đỉnh tròn nhỏ. Vào đến hoàng cung thì quan lại đều phải cởi dép, đi chân không, trời mưa nắng đều phải đội nón chóp.
Dân thường đi chân đất, đàn ông mặc áo màu thâm, đàn bà dùng màu trắng, áo cánh viền cổ nhỏ, tai đeo khuyên hạc.

Quân sĩ đóng khố, cởi trần. Quân cấm vệ trên trán khắc 3 chữ Hán: "Thiên tử binh", xăm ngực, xăm đùi và xăm bụng. Từ vua đến dân ai cũng xăm mình. Mô típ trang trí trên thân thể hoặc hình rồng hoặc "vẽ như lối văn khắc trên trống đồng" hay văn hình móc câu khuất khúc như trên đỉnh đồng, lư đồng thời cổ. Tóc thường gội dầu thơm, lúc ở nhà để đầu trần, khách tới thăm mới đội khăn.

Vào triều yết, trăm quan mặc áo bào tía, cầm hốt ngà, thắt da đỏ, nặn sừng tê giác, sau thôm hình cá bằng vàng.

Võng cáng giống Chiêm Thành, Chân Lạp. Võng bằng vải, như cái tuí, dùng đòi dài để khiêng trên có mui dài dùng lá cây trang trí như lớp vảy cá. Quan đi võng hai người khiêng, hai người đi theo hộ giá. Về sau, cuối thế kỷ XII mới bắt chước Trung Quốc làm kiệu đều ngắn, mưa tạnh đều dùng được. Vua ngồi xe giát ngọc, giát vàng, quạt lông trĩ, che hai bên, màn cửa võng bằng bạc rủ bốn phía, lọng vàng giương trên cao, cờ các sắc phấp phới...

Cấm quân mới được thích rồng ở đùi, xăm ở ngực. Cấm gia nô và các vương hầu, quan liêu bắt chước cấm quân xăm hình rồng lên người, ai vi phạm bị sung công làm nô lệ. Đứng đầu người trên phải khoanh tay, yết kiến vương hầu quí tộc phải quỳ lạy hay vái ba cái. Từ vua đến thường dân đều nhuộm răng đen, ai cũng thích ăn trầu cau, thích ăn chua và ăn mặn. Vua ở nhà lầu 4 tầng, cột sơn son, vẽ rồng hạc và tiên nữ. Dân ở nhà tranh, vách đất, 3 gian, mái lợp cỏ, lá.

Trời nóng nực, toàn dân kinh thành thích ra sông tắm ai nấy đều giỏi bơi lội, giỏi chèo. Mùa mưa lũ cả kinh thành đi lại bằng thuyền. Thuyền lầu của vua quan, thuyền nan của dân. Thuyền vua là cả một tòa nhà nguy nga, tráng lệ...

(Theo TC Khoa học và Đời sống - số 16/1999)​
 
Chuyên đề:Hà Nội văn hóa, phong tục và Người .

Người Hà Nội qua lăng kính văn hóa Thăng Long - Hà Nội


Con người gắn với văn hóa như hai chị em sinh đôi, thậm chí như hai trang của một tờ giấy vậy. Con người sáng tạo ra văn hóa, là chủ thể của văn hóa, đồng thời con người cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc, và ngược lại, qua văn hóa cũng có thể hiểu rõ về con người.

Thăng Long - Hà Nội là một trong những thủ đô cổ của vùng Đông Nam Á, hơn nữa lại là thành phố duy nhất hầu như liên tục trong một ngàn năm qua, đã giữ vững vị trí là đầu mối chính trị, là trung tâm kinh tế và văn hóa của cả nước.

HA%20NOI%20-%20CHIEU%20THU.jpg


Với vị thế đó, từ lâu Thăng Long - Hà Nội đã thu hút người từ mọi miền đất nước về đây sinh sống và lập nghiệp. Đó là những người làm việc ở các cơ quan Nhà nước TW, những người làm các ngành nghề thủ công, mỹ nghệ, những người hoạt động trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật... và cùng với họ, là gia đình bà con và họ hàng của họ. Sự tập hợp ngày càng đông cư dân từ mọi miền đất nước đã biến Thăng Long - Hà Nội thành nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước. Cần lưu ý điều này vì trong số cư dân nhập về Thăng Long - Hà Nội có một bộ phận đáng kể là những người tiêu biểu cho trí tuệ, tài hoa ở các vùng miền, họ muốn về Thăng Long - Hà Nội để phát triển tài năng trí tuệ của mình. Ngoài các ngành nghề truyền thống của các tỉnh lân cận Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Nam Định… từ lâu đã có mặt tại Thăng Long - Hà Nội, còn có những nhà văn hóa tiêu biểu của vùng Kinh Bắc, Hải Dương, Hà Tây, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh... Như vậy, với vốn văn hóa bản địa của nhóm cư dân sinh ra và lớn lên từ rất lâu đời trước đây gần ngàn năm qua, văn hóa Thăng Long - Hà Nội luôn được bổ sung bởi các giá trị từ các vùng miền khác nhau. Và đến lượt mình, các giá trị văn hóa của các vùng miền khi có mặt ở Thủ đô, được tiếp xúc với trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, đã luôn vận động và phát triển để phù hợp với nhu cầu mới của thực tiễn. Chính trong quá trình vận động đó, nhiều nhân tố lỗi thời, lạc hậu, có tính biệt lập trong văn hóa các vùng miền sẽ được khắc phục dần dần, để giữ lại và phát huy những nhân tố tích cực, có tính phổ biến.

Thăng Long - Hà Nội nằm ở châu thổ sông Hồng, nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Chính nơi đây là địa bàn sinh sống của người Việt cổ, rất đậm đặc các thần thoại, truyền thuyết, đền đài miếu mạo, phản ánh sâu sắc quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các truyền thuyết về vua Hùng, về Thánh Gióng, về Chử Đồng Tử, về các vị thành hoàng đã có công khai phá bờ cõi và các làng nghề truyền thống... hầu như có mặt khắp nơi trên đất Thăng Long - Hà Nội. Chính cái kho tàng văn hóa dân gian đó đã tạo nên một động lực quan trọng, một sức sống lớn để Thăng Long - Hà Nội vượt qua mọi thách thức của lịch sử, trở thành chỗ dựa vững chắc về trí tuệ, ý chí, nghị lực và niềm tự hào của cả dân tộc. Đáng chú ý là trong sự nghiệp xây đựng nước Đại Việt, các triều đại phong kiến trước đây đã có ý thức dựa vào các giá trị di sản do cha ông để lại. Họ biết sử dụng các giá trị đó để cổ vũ niềm tự hào dân tộc Vua Lý Thái Tổ đã đặt tên cho quốc đô là Thăng Long, phong cho thần Long Đỗ làm thần thành hoàng của quốc đô. Cũng Lý Thái Tổ cho lập ở làng Gióng đền thờ Thánh Gióng. Nhà Lý nâng lễ Thánh Gióng lên quốc lễ.

Có thể nói, sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Đại Việt được khởi đầu từ Thăng Long. Các vương triều Việt Nam ở thời cường thịnh rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức (trong nhân dân và luôn chăm lo chỉnh đốn việc học hành thi cử.

Năm 1070, nhà Lý lập Văn miếu, mở khoa thi đầu tiên gọi là Minh Kinh Bắc Học năm 1075, lập Quốc Tử Giám năm 1076, sau đó mở tiếp các khoa thi vào các năm 1086, 1152, 1193, 1195. Có thể coi đó là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của chế độ giáo dục và thi cử trong lịch sử phát triển giáo dục Việt Nam.

Nhà Trần lập Quốc Học Viện, mở các khoa thi đều đặn hơn và còn bổ dụng các quan xuống các phủ để trông coi việc học tập. Đến thời Lê sơ thì chế độ khoa cử càng được hoàn chỉnh, cứ 3 năm có một kỳ thi Hương và một kỳ thi Hội. ở thời Lê Thánh Tông, số sĩ tử rất đông. Quốc Tử Giám có giảng đường học tập, có ký túc xá cho học sinh, có kho lưu trữ sách. Nhà Lê đặt ra lê xướng danh (lễ đọc tên người đỗ), lễ vinh quy (lễ đón rước người đỗ đạt về làng), lễ khắc tên tuổi người đỗ tiến sĩ vào bia đá ở Văn Miếu. Cũng thời Lê Thánh Tông, triều đình đã ban hành 24 điều giáo huấn nhằm đưa Nho giáo vào văn hóa làng xã, đề cập các vấn đề đạo đức về gia đình, tông tộc, thôn xóm theo lễ, nghĩa, hiếu, trung... Chính trên nền tảng giáo dục đó, một nền văn hóa bác học đã ra đời, và trung tâm, đỉnh cao của nó vẫn là Thăng Long - Hà Nội.

Điều cần lưu ý là tại nơi đây đã sớm có sự giao thoa chặt chẽ giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học. Thông thường thì trong các xã hội trước đây, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học có sự mâu thuẫn, thậm chí đối lập nhau, vì văn hóa dân gian là văn hóa của quần chúng nhân dân, của những người lao động bị áp bức trong xã hội có thống trị giai cấp. Còn văn hóa bác học là văn hóa của giai cấp thống trị. Nhưng điều đó đã không xảy ra trong nền văn hóa Đại Việt ở Thăng Long. Điều này cũng dễ hiểu, vì suốt mấy trăm năm cường thịnh, giai cấp phong kiến Việt Nam thời Lý, Trần, Lê đang gánh vác một nhiệm vụ lịch sử to lớn: lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc. Trong bối cảnh đó việc thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, khoan sức cho dân, để huy động sức mạnh của toàn dân tộc, chính sách thân dân, có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với dân tộc, mà còn đối với các vương triều. Tinh thần đó được thể hiện rất rõ trong “Hịch tướng sĩ văn của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyên Trãi.

Văn hóa dân gian đã trở thành mạch ngầm nuôi dưỡng dòng văn học bác học. Nhiều giá trị văn hóa dân gian đã thấm sâu vào văn hóa bác học dưới nhiều hình thức (dù đó là công trình kiến trúc đền chùa, cung đình, hay các tác phẩm văn học...). Ngược lại, thông qua văn hóa bác học, mà đại diện là các tầng lớp trí thức, nho sĩ thời bấy giờ, các giá trị văn hóa dân gian của từng vùng, miền, của các địa phương, đã được nâng lên thành các giá trị có ý nghĩa toàn dân tộc. Rõ ràng, so với tất cả các địa phương ở nước ta trước đây thì ở Thăng Long - Hà Nội đã diễn ra một cách có ý thức và thường xuyên sự giao thoa, sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học nhằm xây dựng và củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Phải chăng đó cũng là nét đặc thù của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Sự xuất hiện dòng văn học bác học ở Thăng Long từ thế kỷ XI, đặc biệt từ thế kỷ XIII, XIV đã làm rạng rỡ thêm nền văn hóa Thăng Long, trung tâm và đỉnh cao của văn hóa Việt Nam. Bản lĩnh, trí tuệ, tài hoa của người Thăng Long - Hà Nội được thể hiện khá rõ nét ở đây. Nếu ta coi văn học là nhân học - văn học là con người, thì chính dòng văn học Thăng Long - Hà Nội một ngàn năm qua là tấm gương soi rõ nhất con người Thăng Long - Hà Nội. Chính trên mảnh đất này đã vang lên khúc ca hùng tráng của Lý Thường Kiệt "Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo… và cả tiếng khóc bi hùng của Hoàng Diệu khi Thăng Long bị thất thủ trong “Biểu trần tình". Hàng loạt thơ văn mang triết lý sâu sắc về cuộc đời đã xuất hiện trên đất Thăng Long. Có lẽ trên đất Việt Nam này, ít ở đâu xuất hiện một dòng văn học sớm quan tâm đến ý nghĩa của cuộc đời, thân phận của con người và mối quan hệ thân thiết gắn bó giữa con người với thiên nhiên và tạo vật như ở Thăng Long - Hà Nội. Dù tác giả là ai, từ đâu tới, thì tác phẩm của họ vẫn toát lên một tình yêu tha thiết với con người và cảnh vật của Thăng Long, dĩ nhiên, qua đó là niềm tự hào và tình yêu mãnh liệt đối với non sông đất nước Việt Nam.

Tu%20binh%20bon%20mua_tranh%20Hang%20Trong.jpg

Đó là bối cảnh văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, là "chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” ("Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn). Trên cái nền tảng tinh thần đó, con người Thăng Long - Hà Nội dần dần được hình thành cái nét dáng riêng của nó. Vậy nét dáng riêng của người Thăng Long - Hà Nội là gì? Sẽ là vô nghĩa, thậm chí bất lợi, nếu chỉ đi tìm những cái riêng có của người Hà Nội trong sự tách rời cái chung của người Việt Nam ở mọi miền đất nước, bởi như trên đã nói, văn hóa Thăng Long - Hà Nội vốn là bản giao hưởng các giá trị văn hóa của mọi miền đất nước. Nhưng mặt khác, "bản chất con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội” (C.Mác), con người là chủ thể và sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, trong cái chung của toàn dân tộc vẫn có cái riêng của từng vùng, từng miền. Thăng Long - Hà Nội vốn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Vị trí đó đã dần dần hun đúc nên những phẩm chất nổi bật của con người Hà Nội.

Sống ở trung tâm và đầu não chính trị của cả nước, người Hà Nội đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử. Nhưng âm thanh chủ đạo của ngàn năm qua vẫn là tiếng nói hào hùng, là hào khí Thăng Long. Cái hào khí đó tạo nên cái âm vang chung từ bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, "Hịch tướng sĩ văn" của Trần Hưng Đạo... cho đến “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh. Cái hào khí đó được thể hiện trong tinh thần “Sát thái” của quân sĩ thời Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, trong tinh thần của Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than (thời nhà Trần đánh Nguyên Mông), trong khẩu hiệu "Không gì quý hơn độc lập tự do" và trong tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ở thời đại Hồ Chí Minh, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Sống trong môi trường vốn là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, là nơi mà sự nghiệp giáo dục sớm phát triển, nơi có trướng đại học đầu tiên, nơi chế độ thi cử để tuyển chọn người tài được tổ chức khá thường xuyên, người Thăng Long - Hà Nội có nhu cầu cao về phát triển trí tuệ, phát triển tài năng, và trong thực tế, người Hà Nội từ bao đời nay đã chứng tỏ các khả năng đó. Phải chăng từ rất lâu, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ, tài năng của cả dân tộc. Qua các thời đại, nhiều danh sĩ, nho sĩ, nghệ sĩ đã tìm đến Thăng Long - Hà Nội để lập nghiệp, và cũng chính trên mảnh đất này, sự nghiệp của họ mới được phát triển rực rỡ nhất. Giải thích hiện tượng này không thể tách rời các tố chất riêng có của người Hà Nội. Các tố chất đó là sản phẩm trực tiếp của môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của Thăng Long - Hà Nội. Việc xuất hiện các vương triều cần thịnh suốt mấy trăm năm (Lý, Trần, Lê) với chính sách thân dân, quan tâm thực sự đến cuộc sống của người cùng dân, với chính sách đào tạo và trọng dụng người tài... đã biến Thăng Long - Hà Nội sớm trở thành điểm sáng của phong trào phục hưng dân tộc. Tinh hoa của người Thăng Long - Hà Nội được hình thành từ điểm sáng đó.

Thăng Long - Hà Nội là một đô thị có lịch sử khá lâu đời. Trước khi Lý Công Uẩn thảo Chiếu dời đô (1010) biến Thăng Long thành quốc đô, thì Thăng Long được coi là kẻ chợ - Trung tâm kinh tế lớn. Tuy là một đô thị lâu đời, nhưng cuộc sống ở đây không đoạn tuyệt với cuộc sống ở các vùng nông thôn. Trái lại cư dân ở đây vẫn có mối dây liên hệ mật thiết với làng quê. Nhiều nhà thờ họ, thờ thành hoàng, thờ ông tổ truyền nghề được cư dân các nơi đưa về xây dựng trên đất Hà Nội. Nhiều lễ hội của các làng quê cũng được tổ chức thường xuyên tại đây.

Các cuộc họp đồng hương, đồng tộc của cư dân các vùng miền trên đất Hà Nội diễn ra liên tiếp... Tất cả những sinh hoạt đó càng tô đậm các yếu tố tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của người dân Thăng Long - Hà Nội. Và như vậy, dòng văn hóa dân gian ở các làng quê vấn tiếp tục nuôi dưỡng đời sống tinh thần của thị dân. Sự ảo lưu và phổ biến các giá trị văn hóa dân gian đó sẽ có tác dụng hai mặt:

Không làm cho văn hóa đô thị, con người đô thị tách khỏi cội nguồn dân tộc của mình, thông qua đó, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Mặt thứ hai, nếu không định hướng và quản lý tốt, thì các hoạt động đó dễ dẫn tới việc duy trì những nhân tố tiêu cực vốn đã tồn tại lâu dài trong văn hóa dân gian: tính bảo thủ, khép kín, trì trệ, ngại đổi mới, đầu óc địa phương chủ nghĩa… Sinh ra và lớn lên trong môi trướng văn hóa nghệ thuật anh hùng và tao nhã, luôn gắn chặt với vận mệnh của quốc gia, gắn chặt với thân phận của con người, thường xuyên trăn trở với nỗi đau của con người, đặc biệt của người cùng khổ, các thế hệ người dân Thăng Long - Hà Nội được giáo dục ngay từ tấm bé những cảm nhận sâu sắc, những rung động tinh tế trước cuộc đời, trước con người và thiên nhiên tạo vật.

Phải chăng những nhân tố đó góp phần hình thành nét thanh lịch của người Trường An:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An

Nét thanh lịch duyên dáng đó được nẩy sinh bên cạnh cái hào khí Thăng Long đã làm tăng vẻ đẹp của người Thăng Long - Hà Nội tạo nên ở họ cái chất anh hùng và nghệ sĩ. Chất anh hùng và nghệ sĩ đó được biểu hiện một cách tập trung trong nhân cách và tác phẩm của những danh nhân văn hóa tiêu biểu nhất của Thăng Long - Hà Nội, kể từ Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo... và ở thời đại chúng ta, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã từng khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngay tại Thủ đô Hà Nội, và trong nhiều năm lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến và cách mạng của cả nước, đã gắn bó trực tiếp với nhân dân Hà Nội.

Trong dịp kỷ niệm trọng thể 995 năm và tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mỗi người chúng ta đều có quyền tự hào về mảnh đất rực rỡ của ngàn năm văn hiến. Mảnh đất đó đã hình thành nuôi dưỡng những phẩm chất đẹp đẽ, vừa rất tiêu biểu lại vừa rất độc đáo của tâm hồn Việt Nam. Trên cái gam chủ đạo là tâm hồn Lạc Việt, vẫn vút lên những âm thanh riêng có của người Hà Nội. Sức gợi cảm của Thăng Long - Hà Nội là ở đó, khiến những ai đã một lần đến Hà Nội, hoặc được nghe nói về Hà Nội, đều phải dành tình cảm cho Hà Nội. Đúng như một nhà thơ, một vị tướng quân Nam Bộ đã viết:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

(Huỳnh Văn Nghệ)

Trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, nhân dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước, đang đứng trước những biến động mới. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xu thế hội nhập quốc tế và cơ chế kinh tế thị trướng đang đặt ra những yêu cầu mới, những thách thức mới. Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng đòi hỏi mỗi người Hà Nội tự nhìn nhận bản thân mình, tự khẳng định những giá trị trường tồn, và cả những yếu kém do lịch sử để lại. Chỉ trên cơ sở đó mới có khả năng xây dựng những con người mới của Thủ đô văn minh và hiện đại.

Điều đáng mừng là, cho đến nay, dù trải qua nhiều biến động về kinh tế - xã hội, đặc biệt do xu thế hội nhập quốc tế, xu thế đô thị hóa và nền kinh tế thị trường gây ra, đại đa số người Hà Nội vẫn bảo thủ được các giá trị truyền thống của ngàn năm văn hiến. Tinh thần tự hào và ý thức bảo vệ các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội vẫn là nguồn nhựa sống trong tâm hồn các thế hệ công dân Thủ đô. Tinh thần hiếu học, ý thức vươn lên làm chủ khoa học công nghệ đang hình thành khá phổ biến trong thế hệ trẻ. Sự gắn bó của người dân Thủ đô vội nơi chôn rau cắt rốn của mình, và nói rộng ra, với nông thôn vẫn được thế hệ cha anh lưu giữ và giao truyền lại cho thế hệ trẻ.
Tuy vậy, cuộc sống cũng đang phơi bày không ít các hiện tượng tiêu cực. Có những hiện tượng đó tác động của mặt trái của toàn cầu hóa, của kinh tế thị trướng, cùng những bất cập trong điều hành và quản. lý đô thị. Nhưng cũng có những hiện tượng có gốc rễ sâu xa từ những yếu kém trong văn hóa truyền thống (những yếu kém này là sản phẩm của tình trạng kém phát triển về kinh tế xã hội trong quá khứ). Vì vậy, vấn đề xây dựng con người Hà Nội trong tình hình hiện nay không thể tách rời sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, không tách rời việc khai thác phát huy các giá trị văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, không tách rời việc nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý đô thị ở Thủ đô.


GS.TS. Trần Văn Bính
Tạp chí thông tin công tác tư tưởng, lý luận
 
Có một Hà Nội phố, Hà Nội quê


Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu. Một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Tình yêu Thăng Long - Hà Nội hôm qua và hôm nay luôn vẹn nguyên trong triệu trái tim người dân đất Việt.

CAU%20LONG%20BIEN.jpg


Ba mươi mấy năm rồi, Hà Nội với tôi chỉ còn là những chuyến đi, về. Bởi chừng ấy tháng năm, giã từ tuổi thơ bắt ve trèo sấu, giã từ tuổi niên thiếu bắt đầu chớm biết xao lòng buổi cắp cặp đi học ở ngõ Quỳnh, tôi về phố biển miền Trung.


Nhưng, dẫu là Hà Nội phố phong rêu hay Hà Nội quê mênh mang bừa bộn, với tôi, vẫn chỉ một Hà Nội như ngăn kéo chật đầy ký ức.

Tôi nhớ cây cầu Long Biên với những vai cầu khum khum mang dáng người đàn bà đang gò lưng đạp xe sang sông Hồng. Cái lưng gù, cái đầu chúi. Lam lũ, lạ lùng ... Bom Mỹ thả tơi bời, ba tôi sốt ruột từ công trường bên Đức Giang đạp xe về Hà Nội chở tôi sơ tán.

Tháng Chạp, mưa phùn, tôi áo bông sù sụ ngồi sau ngủ quên tự khi nào. Ba tôi kể, khi quài tay không thấy tôi đâu, ông mới hốt hoảng quay lại, đã thấy tôi ngủ khì như củ khoai trên mặt cầu! Ba tôi giờ đã đi xa. Lỗi tại mấy cái “ổ voi” bom Mỹ nó thả xuống Long Biên nhiều quá, không phải lỗi của ba đâu, ba ơi!

Tôi nhớ cái ao tôi lặn ngụp suốt những tháng năm sơ tán. Mảnh ao nhà ngoại tôi cách hồ Hoàn Kiếm 38 cột cây số, thuộc Phú Xuyên - Hà Tây, giờ vẫn còn nguyên đó. Chỉ khác, ao làng nay đã trở thành một phần của Hà Nội.

Những buổi chiều dong trâu về, nổi rơm nấu cơm. Cái sân gạch thênh thang rôm rả mâm cơm với canh cua đồng, tép rang, quả cà pháo ròn tan. Bác dâu, bắt chước các anh, tôi cũng gọi bằng “U”.

Mùa gặt về, vàng ngồn ngộn sân. Tôi khi ấy cao chưa tầy bó lúa, cũng tìm cho được một cái néo tre cuộn mấy gié lúa lại để đập. Ùynh uỵch nện xuống cái cối đá vẹt mòn, lúa bay tung toé. Rồi bám lưng các anh đứng bập bõm trên cái cần giã gạo.

Những buổi chiều nằm bên cầu ao, ngó trời chiều chạng vạng, chờ tầu hoả chạy qua những rặng tre phía xa xa. Thời ấy tầu chạy bằng than, cột khói đen ngòm dài ngun ngút. Thê thiết tiếng còi tàu rúc chốn đồng quê tịch vắng. Bao năm đi về, khi mái đầu đã pha sương, vẫn tìm nơi ngả lưng bên cầu ao ấy. Đó là nơi thật hiếm hoi cho ta những phút giây chẳng nghĩ ngợi gì...

Hà Nội giờ rộng lắm rồi, có cả quê lẫn phố. Đây đó nghe không ít tiếng than phiền về Hà Nội quê không còn là quê, Hà Nội phố mất dần chất phố.

Thời hiện đại, người ta bắt đầu giật mình nhận ra những “thành phố không ký ức”. Thực ra vùng đất, thành phố nào cũng chất chứa kho tàng văn hóa vật thể lẫn không vật thể. Nhưng nó đã bị những nhà quy hoạch gạt bỏ xóa mờ dần bằng cơn lốc giải tỏa, xây dựng.

Ký ức về Hà Nội luôn mãnh liệt cả với những người đang sống trong nó và những người đi xa.

Những góc phố mái hiên hàng mang hồn vóc Hà Nội, xin đừng chạm đến.

Một mảnh ao làng dẫu mang địa danh Hà Nội, thì xin hãy cứ là một mảnh ao quê.

Bởi giá ai đó cũng đều biết rằng, người ta có thể giàu có biết bao nhiêu nhờ ký ức...



Trần Tuấn - Tiền Phong
 
Từ rất lâu rồi, cái thú được nhâm nhi một ly cà phê nóng, nhìn ngắm dòng người qua lại trên các con phố đã trở nên quen thuộc. Lâu dần, nó trở thành một nét văn hóa, một phong cách sống mà nhiều người vẫn hay gọi là “văn hóa cà phê vỉa hè”. Đất Hà thành nổi tiếng với nhiều nét văn hoá khác nhau, mà có lẽ trong đó thì thưởng thức cà phê cũng được coi là một điều đặc biệt của nơi đây. Khởi đầu ngày mới của nhiều người Hà Nội thường bắt đầu bằng một ly cà phê nóng.


a3dFe230310-2.jpg

Cà phê vỉa hè không đèn, không nến, không hoa…

Thay vì ngồi trong những quán cà phê sang trọng được trang trí và thiết kế cầu kỳ, giờ đây người dân Hà thành muốn bước ra khỏi không gian đó để đến với những quán cà phê khác bình dị hơn, đó là cà phê vỉa hè. Không đèn, không nến, không hoa, không cả những cô phục vụ xinh đẹp, ở nơi đây người ta chỉ thấy có tiếng bụi, tiếng còi xe, tiếng người rao bán hàng….nhưng sao ngồi nhiều thành nghiện và lâu dần, nó trở thành thói quen lúc nào không biết.

Cà phê vỉa hè đơn giản, chỉ vài chiếc ghế nhựa vừa để làm ghế và cũng là làm bàn. Đối tượng thì phong phú và đa dạng, nhưng nhiều nhất có lẽ là các bạn trẻ và dân văn phòng. Sau những bộn bề của công việc, những giờ làm việc căng thẳng, mọi người lại rủ nhau tới đây, cởi bỏ những phiền muộn và hòa mình với trời xanh, với gió lộng. Nhiều người cho rằng đó cũng được coi là một cách cảm nhận cuộc sống.

Dân ghiền cà phê chắc đã không còn xa lạ gì với những cái tên như cà phê Nguyễn Du, cà phê Thọ, cà phê Thái Phiên…Những cái tên quen thuộc này vẫn thường được nhắc tới mỗi khi có ai đó nói đến cà phê vỉa hè. Ngồi trên những con phố này, bạn có thể nhìn ngắm Hà Nội cả bốn mùa. Bâng khuâng thả hồn đi tản bộ và đắm chìm trong không gian rất Hà Nội, gọi cho mình một ly cà phê để thưởng thức vị “chậm” của thời gian cũng là cái thú của nhiều người.


Fe230310-1.jpg

Nhâm nhi ly cà phê để thưởng thức vị “chậm” của thời gian cũng là cái thú của nhiều người

Uống cà phê ở các quản vỉa hẻ, bạn không thể uống nhanh, bởi nếu uống như vậy, bạn sẽ không thể cảm nhận được cái hay, cái thi vị của ly cà phê nơi đây. Trái lại, uống cà phê vỉa hè là phải uống chậm, khoảng thời gian còn lại là để nhìn ngắm, để lắng nghe những dòng tâm sự, những câu chuyện phiếm và hình dung ra những cuộc đời khác nhau.

Nếu ai đó đã từng yêu và gắn bó với cà phê vỉa hè thì chắn hẳn sẽ nhận ra một điều, những câu chuyện ở đây thường diẽn ra không đầu không cuối, nó là những chuỗi dài nối tiếp. Có lẽ tại cái không gian trời xanh gió lộng này đã khiến mọi người cởi mở hơn, dễ hòa nhập hơn để nở một nụ cười đôi khi với cả người xa lạ không quen.

Ta không thể đoán, cũng không thể biết rằng cuộc sống của những con người mỗi sớm đến đây thưởng thức cà phê như thế nào. Nhưng ta chỉ biết rằng, cà phê vỉa hè là điểm mà mỗi người khởi đầu ngày mới, hay đôi khi lại là điểm dừng chân của một vài người sau một chặng đường dài mệt mỏi…


Nguồn : Dantri.
 
Chè chén Hà Nội

Chè chén có lẽ là thức uống bình dân và phổ biến nhất ở thủ đô Hà Nội, hơn bất kỳ tỉnh thành nào khác trong cả nước. Khách phương xa thăm thú Hà Nội mà chưa từng ngồi vỉa hè uống chè chén thì quả là một thiếu sót vậy.


3f2che-020410.jpg


Từ "chè chén" không mang nghĩa đánh chén, ăn uống, cỗ bàn. Chè chén có nghĩa là nước chè bán từng chén. Mãi đến năm 1974, khi lên Hà Nội học đại học tôi mới biết "chè chén" cụ thể ra sao. Khi đó, khắp Hà Nội chỗ nào cũng nhan nhản những hàng chè chén: cửa ga, sân ga, bến ôtô, trên các vỉa hè, đầu phố, ngách nhỏ, giữa chợ, cổng các xí nghiệp, trường học... Ngay cổng ký túc xá Mễ Trì nơi tôi ở cũng có đến bốn năm hàng chè chén.

Quán nước mà các bạn tôi và tôi hay ngồi là quán bà Kiền. Hàng của bà dựng bằng mấy cái cọc tre, có tấm liếp che ở trên, mùa đông có quây thêm một mảng nylon cũ, một cái bàn ghép lại bằng máy tấm gỗ đẽo gọt sơ sài, thời gian và bụi bặm làm cho nó đen kít lại, mấy chiếc ghế băng quây ở ba phía cũng thế, "ghế" ở đây là một thanh gỗ được đục lỗ ở hai đầu, mỗi đầu hai lỗ, để tra vào đấy bốn cái chân bằng gỗ hay bằng tre, thấp lè tè, ngang tầm với cái bàn. Trên bàn có để máy cái lọ vẫn dùng để nuôi cá vàng, đựng chè lam, một lọ bé hơn cũng hình dáng như thế nhưng thuỷ tinh trong hơn, không xanh và lắm bọt như cái lọ to, đựng kẹo dồi, một cái nữa hình trụ đựng kẹo lạc với kẹo vừng, mấy bó thuốc lá cuộn, gọi là thuốc Con Gà, một bao thuốc Điện Biên, một bao thuốc Tam Đảo và một bao thuốc Sa Pa, mấy cái chén vại.

Năm xu một chén nước chè, một hào một cái kẹo lạc, kẹo đồi hoặc hai miếng chè lam hoặc hai điếu thuốc cuộn. Chè pha sẵn trong ấm, ủ trong dành tích, một thứ nước màu nâu chan chát dìu dịu. Cơm nhà bếp chẳng có gì, lúc nào cũng vơi nửa một, nước uống để ở cửa nhà bếp là nước gạo rang pha loãng toẹt lúc nào cũng có mùi nước rửa bát, thành ra ăn cơm xong mà được một chén nước chè như thế quả là điều đáng mơ ước. Học bổng sinh viên mỗi tháng mười lăm đồng đã đổ hết vào tiền ăn, gia đình cho thêm mươi, mười lăm đồng là nhiều, cũng phải lo đi lại, mua sắm, đóng góp thứ nọ thứ kia. Một anh vừa hé ra ý định đi uống nước chè lập tức có ba bốn anh xung phong đi theo luôn, có khi chỉ có năm sáu hào trong túi đến bảy tám anh bá vai bá cổ nhau đi dọc ký túc xá, mặt mày hớn hở, người chủ chi thót hết cả tim, mỗi người một chén nước chè lại thêm một cái chè lam nữa thì biết đào đâu ra tiền mà trả cho bà chủ quán?

che-020410-1.jpg


Uống nước chè ăn chè lam xem ra có lý hơn cả. Những miếng chè lam ép mỏng cắt ra từng miếng vuông vuông bằng hai đầu ngón tay đen xì xì, lốm đốm trắng, khô như miếng da giày, nhai mãi mới hết, vừa có cái ngọt của đường, cái quậy của lạc, bột ngô, vừa có vị thơm cay của gừng. Lại một anh chàng tỏ ra sành điệu cầm miếng chè lam gõ gõ vào chiếc lọ thủy tinh hoặc lên cái mặt bàn gỗ đen xì, để cho bột ngô bám quanh chiếc kẹo rơi ra, trước khi từ tốn cắn một miếng, vừa nhai vừa chiêu một ngụm nước chè.

Anh sinh viên quê ở tỉnh xa sau khi về nghỉ hay nghỉ tết lên trường, rời bến xe điện Thanh Xuân đi thêm một đoạn đường chạy giữa những cánh đồng nước mênh mông, tay xách túi quần áo và dăm ba thứ quà từ quê nhà, sẵn có tí tiền còm anh ta dừng nghỉ chân ở ngay cái quán trước cổng ký túc. Có mấy người bạn quen đang đứng phất phớt gần đấy, thế là một bữa tiệc được mở ra. Cái quán chè chén thời ấy vừa như một cái căng tin vừa như một câu lạc bộ. Ngồi ở đấy người ta nghe được đủ thứ chuyện trên đời, từ những câu kháo vặt, những chuyện bông phèng đến những lời tâm tình, cả những vấn đề về văn chương, học thuật. Bạn ở trường khác đến chơi, ngồi tiếp nhau ở quán. Chia tay nhau, tiễn biệt cũng lôi nhau ra quán. Chẳng hiểu sao có những anh, không biết kiếm đâu ra tiền, suốt ngày ngồi quán. Các thầy giáo thỉnh thoảng cũng ngồi uống nước với học trò.

Những quán nước chè như vậy có ở khắp mọi nơi trong thành phố Hà Nội, cái thì phơi ra giữa vỉa hè, cái thì thu vào trong một căn nhà nhỏ. Về sau ở các tỉnh thành miền Bắc, ở ngay cả giữa sân ga Sài Gòn cũng có, nhưng không đâu có mật độ dày đặc, có vẻ xuyềnh xoàng và kỳ bí như những quán nước chè ở Hà Nội.

Bây giờ đời sống cao hơn gấp bao nhiều lần trước đây, có nhiều thứ giải khát khác nhau nhưng sự đông đúc của các quán nước chè vẫn không hề giảm. Hình như Hà Nội mở ra đến đâu là quán nước chè mọc ra đến đó, bắt đầu là cùng với các công trình xây dựng sau sinh sôi nẩy nở thêm khi các nhà cao tầng biến thành khu dân cư. Những cái quán cũng như ở thế kỷ trước: một cái ấm ủ trong dành tích, vài cái chén, mấy bao thuốc lá, mấy cái lọ kẹo và thêm nữa thứ không thể thiếu được là một cái điếu cày. Có khác đi một chút là thuốc là bây giờ là thuốc là có đầu lọc, thêm mấy thanh kẹo cao su, mấy chai La Vie...

Với riêng tôi, thích nhất là các quán nước chè ở Hà Nội quán nào cũng có điếu để hút thuốc, uống một chén nước, ngồi đến mọt ghế cũng không hề sao!

Theo Thế giới ẩm thực/Mónngonhanoi
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top