Một chút Hà Nội :Miệng nhai, tai nghe chửi...

Hide Nguyễn

Du mục số
Văn hóa đuợc người ta hểu là những gì thuận chiều, thuận lòng người. Nhưng đối khi văn hóa lại đuợc một số cho là "ngược đời" , là "lạ lẫm"... Bài viết duới đây có nội dung như vậy. Văn hóa là gì ? Làm sao để bảo tồn văn hóa , đặc biệt là chọn lọc văn hóa để lưu tiếng thơm cho đến đời sau ?

Điều ấy đã rõ, các bạn hãy đọc bài viết sau từ VNN để cùng hòa với những suy ngẫm của số đông đang gìn giữ văn hóa trong sáng nhé !


________________


Với ối người, "bún quát, phở đuổi, cháo chửi" hấp dẫn như... màn biểu diễn họ được thưởng thức khi ăn. Tiếng chửi thậm chí còn khiến đồ ăn thêm hương vị, quán thêm "phong cách" khiến thực khách nhớ rồi thành nghiện "ghé".

"Thượng đế"... ăn xin

Khi mà quán cháo chửi nổi tiếng cạnh Nhà thờ Lớn... hết chửi (có thể do thưa khách dần, và cháo gà không đủ hấp dẫn thực khách bằng những món ăn hiện đại mới "nổi"), người sành ăn Hà Nội
lại bổ sung vào danh sách ghé chân, là những quán ăn mới, vừa bán vừa chửi "ác liệt" hơn.




Bà chủ quán bún ngan trên phố Trần Hưng Đạo, tay bán, miệng leo lẻo mắng người làm. Ảnh: Hoàng Dũng


Quán bún canh dọc mùng nổi tiếng thơm ngon với món lưỡi, sườn, giò heo chấm xì dầu, hông chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) ít khi ngớt tiếng léo nhéo chua loét của bà chủ ngoài 50. Mỗi câu hỏi của khách là một cơ hội cho bà... "xả giận".

Trưa 15/02, một khách mới dừng xe trước quán hỏi: "Chị ơi, để xe ở đâu?". Bà đốp ngay vào mặt: "Để lên nóc nhà này này!". Một thực khách gọi rau sống đến lần thứ 3, bị bà chồm qua bàn bán hàng quát với vào nhà: "Đây không có rau, tự trồng mà ăn!".

Nghe bà chửi đã quen, một chị khách sau bữa trưa ngon miệng dũng cảm lại gần bà bảo: "Chị gói cho em 1 cái lưỡi về nhà, nhà em ít người, chị cho cái be bé". Bà chủ quán ngồi cạnh nồi canh nghi ngút khói, mặt đỏ phừng phừng quắc mắt: "Đây không có hàng bé! 60 nghìn đổ đầu". Chị khách bắt đầu hãi, gật đầu ngay. Nhưng bà hàng chưa hết cơn. Bà vừa gói hàng, múc nước chấm, vừa nguýt chị khách: "Đã muốn ăn ngon lại còn đòi rẻ!". Rồi cơn cáu giận dâng cao trào, bà móc cái lưỡi lợn ra khỏi túi nilon định đưa cho khách, ném vào rổ: "Thôi không bán nữa đâu, về đi!". Chị khách tím mặt lủi thủi ra về.

Tại nhiều quán đông và ngon khác ở Hà Nội, cảnh các thượng đế "xin ăn" không khiến nhiều người ngạc nhiên
. Chị Hồng Hạnh (Vĩnh Hồ, Hà Nội) kể, một lần cùng chồng đến quán mỳ vằn thắn trên phố Trần Hưng Đạo, chờ mãi không thấy nhân viên đến hỏi, chồng chị đành ra tận quầy bà chủ quán gọi món. 10 phút sau không thấy ai mang đồ ăn ra, hai vợ chồng ngại quán đông, đứng dậy ra về. Vừa ra khỏi cửa, đã nghe một giọng đàn ông chửi với theo: "Loại giẻ rách, có C. tiền mà ăn!".

"Mình mất tiền, chẳng phải để được cung phụng nhưng ít ra cũng phải được phục vụ cho đáng đồng tiền. Đi ăn để bị chửi, nhục lắm" - chị Hạnh nói.

Nỗi nhục đi ăn bị chửi, với chị Hằng (một phiên dịch) đến giờ vẫn còn đầy. Trước Tết, chị cùng bạn đến hàng quẩy trên phố Tô Hiến Thành. Gọi 2 suất nhưng bà chủ mang ra một đĩa đầy và bảo ăn không hết thì trả lại. Đĩa quẩy còn 5 cái, chị Hằng xin trả lại để tính tiền, bà hàng trừng mắt: "Mang về cho chó nó gặm nhé, chó chê thì vứt sọt rác".

Chị Hương và vợ chồng chị Hạnh không bao giờ quay lại những quán chửi đó nữa, nhưng mỗi lần đi qua, họ thấy người ăn vẫn vòng trong vòng ngoài. Có vẻ như nhiều thực khách không "nặng nhẹ" chuyện bị chửi, và quán vẫn giữ "phong cách".


"Phong cách" vừa bán, vừa chửi



Quẩy chửi Hà Nội. Ảnh: Hoàng Dũng


Bị chửi mà vẫn ăn được, nữa là vừa ăn vừa được... xem chửi. Cũng nóng mặt đấy, nhưng... vui.

Chị Cẩm Tú, một giáo viên từng giật mình khi vừa ngồi xuống ghế đã nghe bà chủ một quán bún ngan trên đường Trần Hưng Đạo xa xả: "Mày đi đâu mà giờ mới vác xác đến, ở nhà chôn bố mày à?".

Thì ra nạn nhân là cô giúp việc mới đang chôn chân chịu trận trước bà chủ và hàng chục thực khách đang tất bật nhai và... nhẫn nại nghe. Bà chủ quán thấy nhiều người ngẩng đầu ngó, như được động viên, tay làm hàm càng... chửi!. Một khách thấy chị Tú mắt tròn mắt dẹt thì bảo: "Bà này phải được chửi bán mới... hăng. Cái cô người làm này mới nên chưa quen, chứ giúp việc cũ biết tính bà, bị bà chửi rách tai vẫn toe toét".

Ở hàng hủ tiếu nổi tiếng trong "ngõ ẩm thực" phố Hàng Chiếu, bà hàng cũng phải chửi người làm liên tục mới bán được. Được cái, bà này chua với người làm bao nhiêu thì ngọt với khách bấy nhiêu. Nên "bài chửi" của bà du dương với cả "nốt thăng" lẫn "nốt giáng": "Mày có rồ không mà cắt rau dài thế này? - Em không ăn rau sống, nhỉ?", "Cái con ngu vạ ngu vật kia, khách chờ vòng trong vòng ngoài mà cứ đứng như con chết rồi thế kia? - Chưa đến lượt em, đợi tí, gái nhé!", "Xéo về quê mà hốc C.! Loại lười thối thây như mày chỉ tổ ngứa mắt tao! - Ngồi xuống đây em, chật chội tí, thông cảm nhá!"...

Qua trò chuyện, nhiều người khẳng định họ đều ít nhất 1 lần vừa ăn hàng vừa... được nghe chủ quán chửi người làm. Bà Lan (bán hàng lưu niệm) kể: Cuối tuần trước, cả nhà bà đến quán hải sản biển B.H trên phố Tô Hiến Thành. Bà chủ ở đấy đang quát tháo một nhân viên, thỉnh thoảng lại xỉa xỉa con dao về phía cậu người làm; cậu này thì mặt lạnh tanh như không nghe thấy gì. Các cháu bà Lan ngồi cạnh sợ rúm ró trước lưỡi dao sắc lẻm thỉnh thoảng vung loang loáng trước mặt.

Trước những chủ quán mồm năm miệng mười, chửi người làm như hát hay, ối khách nghẹn. "Nuốt chưa hết miếng đã muốn đứng lên, ăn một lần là cạch đến già" - bà Lan nói.

Nhưng cũng với ối người, nghe chửi ở quán hàng thường như... vừa ăn vặt vừa xem biểu diễn (cốt sao tiếng chửi không dành cho mình!). Tiếng chửi thậm chí còn khiến đồ ăn (vốn đã ngon hơn nhiều quán) thêm hương vị, quán thêm "phong cách" khiến người ăn nhớ rồi thành nghiện "ghé".

Thế nên, "phong cách bán hàng" kiểu... chửi không chỉ tự phát ở các quán hàng nhỏ, mà còn được lẳng lặng xây dựng ở hệ thống nhà hàng bậc trung như L.V (phố Lý Thường Kiệt), Q.N (phố Phan Bội Châu)... Mặc kệ những khách âm thầm ôm bực về nhà rồi cạch mặt nhà hàng, nhà hàng kiên trì giữ "phong cách", để lượng "fan" sẵn sàng xem chửi khi chống cằm đợi thức ăn đông dần. Cứ thế, "bún quát, phở đuổi, cháo chửi" không còn xa lạ với một bộ phận người Tràng An. Và đôi khi, một số người âm thầm chấp nhận như một "nét riêng" của Hà Nội.

  • [*] Hoàng Dũng
 
"Thiên lôi" ở "chợ chửi"

Chợ Ngã Tư Sở đã trở nên nổi tiếng, đặc biệt với giới sinh viên bởi các loại mặt hàng đa dạng từ quần áo, mũ túi tới dây lưng... với đủ kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc, thậm chí có các kiểu dáng y chang hàng hiệu mà giá rẻ. Tuy nhiên không ít các khách hàng đến đây phát hoảng vì cách làm ăn chộp giật, gây ức chế với thái độ phục vụ, cách hành xử thiếu văn hóa, thậm chí mang dáng dấp "côn đồ" của nhiều chủ hàng.



images1720488_2.jpg


Nếu trả giá mà không mua dễ bị chủ hàng mỉa mai, khích bác. Ảnh: B.D

Đến khảo sát tại khu vực chợ này, không khó để PV bắt gặp cảnh chèo kéo khách mua hàng của các chủ cửa hàng; chuyện dùng đủ chiêu "bạo lực" để ép khách mua hàng bằng được cũng xảy ra như cơm bữa.


Trưa 16/2, đập vào mắt PV là hình ảnh một bà chủ miệng xoen xoét chửi khách hàng, tay khua khua giấy đốt vía qua đũng quần của bà.


Tại một quầy quần áo, một khách bị chủ hàng túm tóc, nắm chặt tay không cho đi vì chưa "mở hàng, mặc cả rồi thì phải lấy!". Hỏi ra, mới biết giá nói thách của chiếc áo là 300.000 đồng, khách chỉ trả 100.000 đồng. Thấy khách đi chợ tò mò đứng lại xem, bà chủ hàng đành buông tay giữ khách, tay kia quăng cái áo vào mặt khách, miệng không ngớt ném theo sau "thượng đế"những câu chửi tục tĩu.


Chứng kiến cảnh này, một khách hàng rùng mình, thì thào: "Dân bán hàng ở đây dữ như quỷ ấy, không cẩn thận là bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ngay".

Chị Phương Thuận (Kim Mã, Hà Nội) thì cho biết: Mua ở chợ này dễ ăn chửi lắm. Vì chủ hàng thường "hét" giá gấp 3 - gấp 5. Khi mình vào quầy, người bán ngọt nhạt, xởi lởi: "Em ưng chưa?", "Có thích không?", "Chị nói giá để bán thôi".... Ai bạo miệng, trả thấp thì mua được vừa giá, trả cao thì bị "hớ", nếu trả giá mà không mua thì dễ bị mỉa mai, khích bác - chuyện này dễ gặp nhất là với cánh sinh viên.


Thuận bức xúc kể về một lần mua áo: "Vào cửa hàng quần áo, chọn mãi mới được một kiểu vừa mắt. Tôi mặc thử, mấy chị bán hàng tấm tắc khen đẹp, hợp dáng. Áo hơi rộng nên tôi không mua, nào ngờ vừa bước chân ra khỏi cửa hàng đã bị chị bán hàng quát thẳng vào mặt: "Đồ con điên", xấu như Thị Nở còn bon chen áo xống!".


Tại một cửa hàng quần áo cạnh đó, bà chủ hàng đồng ý cho một khách mặc thử một chiếc quần bò. Sau khi thử, khách tỏ ý hài lòng nhưng khi nghe bà chủ "hét" giá 320.000 đồng, cô bỏ ngay ý định mua. Mè nheo ép khách mặc cả không thành, bà chủ liếc xéo, gằn giọng: "Khố rách áo ôm, một xu không dính túi thì đừng có sờ vào hàng người ta, hãm tài cả ngày!".

Cảnh chèo kéo, chửi bới khách xem hàng rồi không mua, không chỉ đầy rẫy ở chợ Ngã Tư Sở mà còn "thường như cơm bữa" ở nhiều cửa hàng, chợ Hà Nội.



images1720508_3.jpg


Nhiều chủ hàng "xem mặt bắt hình dong" nên khách hàng phải tỏ ra sành sỏi - Ảnh: B.D


Ứng biến chống chửi

Theo ý kiến một số khách hàng, các chủ cửa hàng thường "xem mặt bắt hình dong", nhìn người để "báo giá". Nên trước khi đi chợ, chị em thường truyền tai nhau kinh nghiệm mua bán. Theo họ, nếu biết ứng biến, khéo mua, khéo chọn thì không lo bị ép, bị nói thách quá đáng, hay bị đối xử "tàn nhẫn".


Chị Thanh (Tây Sơn, Hà Nội) chia sẻ: "Ban đầu tôi chỉ dám vào hàng của người nào nhìn hiền hiền, hoặc hàng quen, nhưng giờ thì không ngại vào những quầy hàng lạ. Cứ tỏ ra sành điệu, biết giá thì không bị ép, không bị khinh. Nhưng để tránh chuốc bực mình vào thân, tốt nhất nếu quyết tâm mua thì hẵng thử hàng và mặc cả".


Nhiều khách hàng khuyến cáo: Cách chống bị chửi tốt nhất là lánh xa những bà hàng liên tục thông báo vừa mở hàng khi trời đã về chiều. Đây là cớ để người bán vin vào, ép khách "mở hàng" với giá cắt cổ và "chịu trận" bão miệng nếu từ chối mua.
Và một cách nữa là liên tục dặn lòng: Ra chợ, hãy quên mình là "thượng đế"!

Vì sao có thói bán hàng kiểu xã hội đen?
Theo TS.Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học Việt Nam), bán hàng kèm chửi bắt nguồn từ thời kỳ bao cấp, khách hàng không được tôn vinh là thượng đế. Khi ấy, sản xuất hàng hóa không đủ mạnh để cung ứng đủ nhu cầu xã hội, các "thượng đế tội nghiệp" phải chạy theo người bán, chứ không được quyền đòi hỏi. Chuyển sang thời kỳ cơ chế thị trường, lượng hàng hóa nhiều hơn, khách hàng có nhiều sự lựa chọn, cùng đó văn minh bán hàng cũng thích nghi với mô hình phát triển của xã hội mới. Tuy nhiên thói bán hàng cửa quyền, ban ơn vẫn rơi rớt lại, và còn bị biến thái thành một loại hình mới là kiểu bán hàng "xã hội đen".
Điều này xuất phát từ tâm lý tiêu dùng kiểu đông, manh mún, phụ thuộc, may rủi của khách hàng. Người có quyền lựa chọn không được thể hiện sự "thông thái", dần dần trở thành một thói quen. Tâm lý Á Đông "chín bỏ làm mười" ,"một điều nhịn chín điều lành" thể hiện rất rõ ở miền Bắc càng khuyến khích tinh thần chộp giật, đe nạt khách hàng của người bán.
Một bộ phận lớn khách hàng, nhất là nhóm khách hàng yếu thế chịu nhẫn nhịn vì các cửa hàng làm ăn chộp giật, xã hội đen đánh vào thị hiếu ham rẻ, mong chờ sự may rủi của khách hàng. Tuy nhiên nhiều khách hàng ở phẩm cấp cao sẽ không chấp nhận lối làm ăn lôi kéo, xô đẩy như vậy!



Nguồn :VNN


 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top