Mắm Việt

Hide Nguyễn

Du mục số
Nói nước mắm được liệt vào hàng những món cổ truyền nhất của người Việt cũng không phải là quá. Thế hệ này sang thế hệ khác, nước mắm đã trở thành một hương liệu không thể thiếu được trong nghệ thuật bếp núc Việt Nam.

Nước ta được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài trên 3000km nên nước mắm Việt Nam làm từ cá biển đã lừng danh với vị mặn và mùi thơm rất đặc trưng không nước nào sánh được.

Ngoài nước mắm làm bằng cá biển, nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên với nguồn sản vật dồi dào, người dân địa phương còn chế biến nước mắm tôm, nước mắm mực, nước mắm cua đồng, nước mắm cua gạch son…Nhưng dù làm từ từ loài nào đi nữa thì khẩu vị chung của người Việt là mặn nên vị mắm Việt rất đậm đà.

images1792736_3.jpg

Món ăn dù ngon đến mấy mà không có bát nước mắm thì nhạt nhẽo vô cùng. Ngon hay dở cũng phụ thuộc vào chất lượng bát nước mắm. Cái hồn của món ăn Việt chính là nước mắm. Nấu phải nêm bằng nước mắm, cá kho, thịt kho ướp bằng nước mắm. Chiên, xào, nướng, luộc…bất cứ món ăn nào cũng phải có nước mắm thì mới dậy mùi được. Không ít những gia đình nghèo còn dùng nó như một món ăn trực tiếp. Trưa hè nóng nực, nếu mâm cơm có chén nước mắm dầm sấu, đĩa rau muống luộc, hay bát cà dầm, chan nước rau, bỏ vào đó chút mắm pha chua, thế là bữa cơm đã thật ngon miệng rồi. Dân đánh cá trước khi ra đại dương, thường húp vài ngụm nước mắm cho nóng người…Thế mới biết, nước mắm đã đi sâu vào cuộc sống mỗi người Việt, hình thành và ảnh hưởng sâu sắc đến khẩu vị của từng người. Cho dù đi bất cứ đâu họ không thể nào quên được hương vị đậm đà tinh tế trong chén nước mắm quê nhà. Đó chính là một phần của đất nước, con người, là hương vị quê nhà trong ký ức không thể phai mờ của từng người dân Việt.

Chỉ là bát nước mắm thôi mà có nhiều khúc biến tấu tuỳ theo mỗi vùng miền khác nhau mà hương vị mắm khác nhau, độ mặn nhạt vì thế cũng khác nhau. Miền Bắc thích nước mắm pha loãng với nước thêm giấm, chanh và ít đường. Mắm Nam bộ thì dùng nước dừa xiêm pha mắm với chanh, đường. Miền Trung thích giữ sự đậm đà của nước mắm nên chỉ cho ít chanh, đường mà không thêm nước để pha loãng…

Các bà nội trợ khéo léo cũng đã hoá thân nó thành hàng chục món chấm độc đáo để ăn kèm với những món khác nhau như nước mắm ớt, mắm tỏi, mắm giấm, mắm chanh, mắm gừng, mắm me, mắm sả... cho đến nuớc mắm sả - đậu phộng - cốt dừa, mắm nêm, mắm tôm... đều được chế biến một cách công phu. Đặc biệt nhất là hương vị thơm ngon quyến rũ của món mắm cà cuống, thứ mắm đã giúp cho món bánh cuốn Thanh Trì được nổi tiếng khắp nơi xa gần. Nước mắm pha chua chua, cay cay, xé một chú cà cuống bỏ vào, ăn với bánh cuốn tráng thật mỏng, không cần có nhân gì hết, cũng thật ngon và khó quên.

Hương vị của mắm mặn mà, thơm ngon, bình dị mà cũng rất cầu kì, kiểu cách, dân dã mà tinh tế vô cùng…Dư vị ấy như thấm sâu vào trong trí nhớ và tình cảm của bất kì người Việt nào. Nhỏ bé là thế nhưng giọt mắm đó lại là một phần linh hồn của đất nước, con người, là hương vị quê nhà trong ký ức không thể phai mờ của từng người Việt xa quê hương.


(Theo www.monngonhanoi.vn)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top