• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Trang Dimple

New member
Xu
38
Lưỡng Hà (Mésopotamie) nghĩa là miền giữa hai sông, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp mêđốt là ở giữa và pôtamốt là sông. Hai sông đó là sông Tigrơ ở phía Đông và Ơphrát ở phía Tây. Cả hai sông này đều bắt nguồn từ miền rừng núi Acmênia chảy qua lãnh thổ nước Irắc ngày nay rồi đổ ra vịnh Ba Tư (Pécxích). Về mùa xuân, tuyết ở cao nguyên Acmênia tan làm nước ở hai sông Tigrơ và Ơphrát dâng cao gây nên lũ lụt làm ngập cả một vùng rộng lớn. Nhưng chính nhờ nước lụt, đất đai ở đây không ngừng được bồi đắp và trở nên màu mỡ. Lượng phù sa ở đây nhiều đến nỗi, qua mấy nghìn năm, cả một vùng biển rộng lớn ở cửa sông này đã trở thành đồng bằng, bờ biển của vịnh Ba Tư phải lùi xa gần 200km. Cũng vì vậy, hai dòng sông Tigrơ và Ơphrát vốn đổ ra biển bằng hai cửa sông khác nhau đã nhập lại thành một dòng trước khi ra biển. Chính nhờ có đất đai phì nhiêu như vậy nên cũng như Ai Cập cổ đại, khi công cụ sản xuất còn tương đối thô sơ, kinh tế ở đây vẫn có điều kiện phát triển do đã sớm bước vào xã hội văn minh.
350px-Mesopotamia.PNG

Bản đồ tổng quan Lưỡng Hà cổ đại




1. Ðiều kiện thiên nhiên ở lưu vực Lưỡng Hà

Khu vực do hạ lưu hai con sông Tigre và Euphrate tạo thành gọi là Lưỡng Hà hay Mésopotamie có nghĩa làmiền đất đai ở giữa hai con sông Giống như miền thung lũng sông Nin, lưu vực Lưỡng Hà cũng là một khu vực phì nhiêu rất thích hợp cho nghề nông.

Lưu vực Lưỡng Hà cũng như Ai cập là nơi phát tích của một nền văn minh tối cổ của loài người. Chỗ khác nhau là: Ai cập thì bốn bề đều có biên giới thiên nhiên cách trở, đất nước không bị ngoại tộc đến xâm lược một cách thường xuyên. Còn lưu vực Lưỡng Hà thì địa hình bằng phẳng, không có biên giới thiên nhiên hiểm trở. Do đó, những bộ tộc du mục sống ở ven núi hay trên các miền sa mạc ở chung quanh khu vực Lưỡng Hà đều dòm ngó một cách thèm thuồng miếng đất phì nhiêu xanh tươi ấy. Bởi vậy, lịch sử của Lưỡng Hà đầy dẫy những cuộc chiến tranh giữa những bộ tộc định cư và những bộ tộc du mục nhằm tranh giành quyền làm chủ khu vực này.

2. Các quốc gia tối cổ ở Lưỡng Hà: Sumer và Akkcad.

Vào khỏang nữa sau thiên niên kỷ IV trước công nguyên, cùng thời kỳ mà người Ai-cập bắt đầu xây dựng nhà nước, cư dân ở lưu vực Lưỡng-hà cũng đã sớm thoát ly khỏi chế độ công xã nguyên thủy, bắt đầu xây dựng nhà nước của mình trên cơ sở chế độ nô lệ.

Người Sumer là kẻ đã đặt nền móng đầu tiên cho nền văn hóa cổ đại ở lưu vực Lưỡng Hà.

Nhưng người Sumer cũng không phải là người bản xứ đã sống từ trước ở đấy. Vào khoảng đầu thiên niên kỷ IV trước công nguyên, họ mới đến định cư ở Nam bộ Lưỡng Hà.

Sau khi người sumer đã thiên di đến lưu vực Lưỡng Hà, ban đầu họ còn sống tập trung với nhau để chăn nuôi và làm ruộng theo chế độ công xã thị tộc. Họ đã phát minh ra đồ đồng rất sớm, đã bước từ thời đại đồ đá sang thời đại đồ kim loại. Họ đã có thể chế tạo được những đồ gốm tinh xảo, dệt được các thứ vải. Họ đã xây đắp được nhiều công trình thủy lợi khá hoàn bị và đã biết dùng trâu,bò để cày ruộng. Người sumer còn biết dùng xe cộ và dùng bàn quay làm đồ gốm sớm hơn cả người Ai cập.

Nô lệ dĩ nhiên là phải làm việc nặng nhọc suốt năm, nô lệ đều là những tù binh bị bắt trong chiến tranh hay mua ở nước ngoài dem về. Phần lớn nô lệ là thuộc về nhà nước hay đền đài. Một số gia đình quý tộc giàu có cũng có thể có nô lệ. Nô lệ chủ yếu làm việc trong gia đình, xây đắp các công trình thuỷ lợi, canh giữ đồng ruộng, chăn nuôi súc vật,v.v. Nô lệ thường không được lao động cùng với dân tự do. Nông dân công xã đảm nhiệm chủ yếu công việc sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Chế độ nô lệ ở các quốc gia cổ đại Lưỡng-hà mang nặng tính chất gia trưởng. Nô lệ không được sử dụng rộng rãi trong lao động sản xuất và họ có thể có gia đình riêng.

Khoảng năm 3500 trước công nguyên, ước chừng đồng thời với người cổ Ai cập, người Sumer Sumer cũng đã phát minh ra chữ viết của mình. Vì thứ chữ đó hình giống như các góc nhọn hay các đinh nhọn chắp nối lại với nhau, nên người ta gọi là chữtiết hình hay chữ hình góc nhọn .

Lịch pháp đã có người Sumer làm theo nguyên tắc âm lịch: 29 ngày hoặc 30 ngày là một tháng, 12 tháng là một năm; đương nhiên lịch pháp đó không thật khớp với thời gian quả đất vận chuyển một vòng xung quang mặt trời, cho nên họ mới đặt ra tháng nhuận. Âm lịch của người Sumer rất gần với nông lịch của Trung Quốc; nó được các bộ tộc khác ở Tây Á sữ dụng một cách rộng rãi. Ðến ngày nay, người Hồi giáo và người Do Thái ở Tây Á vẫn sữ dụng lịch pháp ấy.

Về toán học hệ đếm của người Sumer lấy 60 làm cơ số, nhưng cũng bổ sung thêm bằng cơ số thập phân. Ngày nay người ta phân vòng tròn làm 360 độ, phân một giờ làm 60 phút, một phút làm 60 giây, d0ó là thừa hưởng phát minh của người Sumer để lại.

Khoảng đầu thiên niên kỷ III trước công nguyên, người Sê-mit đã di cư từ miền ngoại Cap-ca-dơ xuống phương Nam. Họ chia ra làm nhiều bộ lạc, sống cuộc đời du mục ở suốt cả một dải đất từ Xi-ri đến sa mạc Ai cập.

Trong tất cả các giống người thuộc chủng tộc Sê-mit, thì người Akkad là giống người bước vào thời kỳ lịch sử xã hội có giai cấp sớm nhất. Vào khoảng năm 3500 trước công nguyên, họ đã định cư ở vùng trung du Lưỡng Hà, tại miền Akkad. Lúc người Sumer đang dựng lên một quốc gia- thành thị của họ ở miền Nam lưu vực Lưỡng Hà, thì người Akkad cũng đã dời bỏ đời đời sống du mục để làm nghề nông.

Trên lưu vực Lưỡng-hà, người Sumer và người Akkad đã từng đánh nhau suốt mấy trăm năm để tranh giành quyền bá chủ.

Cuối thế kỷ XXIV trước công nguyên, lãnh tụ quân sự của người Akkad là Sargon đánh thắng vương quốc của người Sumer, dùng vũ lực thống nhất cả lưu vực Lưỡng Hà.

Sau khi đã chinh phục được người Sumer, người Akkad lại tiếp thu hoàn toàn nền văn hóa tiên tiến của kẻ bị chinh phục: về kỹ thuật canh tác nông nghiệp, về lịch pháp, sổ học, kiến trúc, công nghệ cũng như về tín ngưỡng tôn giáo và chữ viết. Về sau, lâu ngày người Akkad và người Sumer dần dần đồng hóa với nhau.

Khoảng năm 2228 trước công nguyên, bộ tộc Gu-ti sống tại miền rừng núi Gu-ti-um ở phía đông sông Tigre, xâm nhập lưu Lưỡng Hà. Ðế quốc do người Akkad dựng lên đã bị lật đổ trong cuộc xâm lăng ấy. Người Gu-ti liền đặt nền thống trị của họ trên toàn bộ lưu vực Lưỡng Hà, thay cho người Akkad.

Người Gu-ti thống trị lưu vực Lưỡng-Hà ước trên bảy mươi năm. Trong thời gian đó, người Sumer và người Akkad nhiều lần nổi dậy đấu tranh chống lại sự áp bức của người Gu-ti. Ðến khoảng năm 2150 trước công nguyên, người Sumer đánh đuổi được người Gu-ti ra khỏi khu vực Lưỡng Hà, khôi phục lại nền độc lập của người Sumer. Từ đó về sau, người Sumer lại khống chế người Akkad, trở lại làm chủ ở lưu vực Lưỡng Hà.

Sau khi đã đánh đổ ách thống trị của người ngoại tộc, người Sumer đã tiến lên một trình độ cao hơn về sinh hoạt kinh tế và văn hóa. Thành bang Ua ở vùng Sumer cuối cùng phát triển lên thành một đế quốc, đế quốc Ua, tồn tại trên một trăm năm (2118-2007 trước công nguyên). Khoảng năm 2007 trước công nguyên, người Amorites ở phía tây và người Ê-lam ở phía đông lại xâm nhập Lưỡng Hà, lật đổ nền thống trị của đế quốc Ua.

Dưới sức tấn công của cả hai mặt, các thành bang Sumer mất hết độc lập chính trị của mình. Từ đó về sau, người Sumer không khôi phục lại độp lập của họ được nữa, dần dần đi đến chỗ suy vong. Tuy vậy, nền văn hóa rực rỡ của người Sumer ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa của các bộ tộc khác ở vùng Trung Cạn Ðông; kỷ thuật canh tác của họ, lịch pháp, số học, văn tự hình góc nhọn, kiến trúc và công nghệ của họ đều là những di sản vô cùng quí báu của nền văn hóa cổ đại ở lưu vực Lưỡng-Hà.

3.Vương quốc Babylone và thời đại Hammourabi.

Lúc đế quốc Ua của người Sumer đang trên đà suy yếu, thì một bộ tộc Sê-mit sống ở miền Xi-ri, gọi là người Amorites thừa cơ xâm nhập lưu vực Lưỡng-hà, lật đổ đế quốc Ua.

Khoảng năm 1894 trước công nguyên, người Amorites chọn thành Babylone ở trên bờ sông Euphrate làm thủ đô, thành lập lên ở đấy một vương quốc chiếm hữu nô lệ.

Vương quốc Babylone hưng thịnh nhất và mở mang lãnh thổ rộng lớn nhất là thời vua Hammourabi.Dưới thời ông ta trị vì (1792-1750 trước công nguyên).

Ðể cũng cố nền thống trị của giai cấp quí tộc chủ nô, Hammourabi đật một bộ luật gọi là một luật Hammourabi gồm có 282 điều khoản.

Nhìn chung, xã hội chiếm hữu nô lệ Babylone có những đặc điểm nổi bật dưới đây.Sự phát triển của chế độ tư hữu về ruộng đất và của quan hệ chiếm hữu nô lệ. Tuy nhiên sự phát triển của chế độ tư hữu vẫn còn bị nhiều hạn chế và chế độ nô lệ cũng còn mang nặng tính chất gia trưởng.

Nền kinh tế về cơ bản vẫn là nền kinh tế tự nhiên. Chế độ chính trị chuyên chế trung ương tập quyền. Nhà vua Babylone tập trung trong tay vương quyền lẫn thần quyền. Vua là kẻ chỉ huy tối cao về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, đồng thời cũng là tăng lữ tối cao, thay mặt thần, để trị dân.

4. Ðế quốc Assyrie.

Thành bang Assyrie nằm ở phía bắc Mesopotamie, ở đây đất đai không được tốt lắm, khí hậu khô khan, nhưng Assyrie có mục trường rộng lớn, có đá vôi, có gỗ quý dùng làm vật liệu xây dựng rất tốt và nhất là có một vùng khoáng sản tiếp liền với khu vực mỏ đồng và mỏ sắc ở miền Ðông bắc Tiểu Á. Họ sống chủ yếu về nghề chăn nuôi và săn bắn, nghề nông không phát đạt lắm.

Về mặt văn hóa, người Assyrie chịu ảnh hưởng nhiều nhất của người Sumer, Akkad, sau định cư ở phía bắc lưu vực Lưỡng Hà, họ học liền ở người Sumer lịch pháp, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Người Assyrie là một bộ tộc phát triển sau, nên lúc này sự phân hóa giai cấp trong nội bộ chưa kịch liệt lắm, trong khi đó thì các nước láng giềng đang ngày càng suy yếu vì mâu thuẫn gây gắt trong nội bộ xã hội chiếm hữu nô lệ, đó là những nguyên nhân chính đã giúp cho người Assyrie tự cường lên nhanh chống.

Ðế quốc Assyrie là đế quốc đầu tiên có lãnh thổ rộng lớn nhất, cũng là đế quốc đầu tiên đã thâu tốn nhiều trung tâm văn hóa cổ đại như: Lưỡng Hà, I-ran, xi-ri, Tiểu Á, Pa-le-xtin, Ai cập dưới một chính quyền thống nhất. Ðế quốc Assyrie là một đế quốc rộng lớn, nhưng nó chỉ là một tổ chức liên minh quân sự và hành chính to lớn, nó không có một cơ sở kinh tế thống nhất vững chắc. Chiến tranh xâm lược liên miên đã làm cho nông dân công xã và dân chăn nuôi giảm sút nhanh chống. Mâu thuẫn trong nội bộ xã hội chiếm hữu nô lệ luôn luôn tiêu hao lực lượng kinh tế và lực lượng quân sự của đế quốc Assyrie. Chính lúc này lại có rất nhiều bộ lạc du mục chung quanh xâm nhập vào Lưỡng Hà. Năm 612, liên quân của người Can-đê và người Me-đơ đánh chiếm kinh đô Ni-ni-vơ: đế quốc Assyrie, xây dựng bằng vũ lực, bị diệt vong từ đó.
 
Sửa lần cuối:
Những thành tựu chủ yếu của văn minh Lưỡng Hà cổ đại:

1. Chữ viết:

Chữ viết ở Lưỡng Hà đầu tiên do người Xume sáng lập vào cuối thế kỷ IV TCN. Trong thời kỳ đầu, chữ viết của Lưỡng Hà cũng là chữ tượng hình. Ví dụ, muốn viết các chữ “chim, cá, lúa, nước” thì vẽ hình con chim, con cá, bông lúa, làn sóng. Dần dần, các hình vẽ được đơn giản hóa, tức là không phải vẽ toàn bộ sự vật mà chỉ vẽ một bộ phận tiêu biểu mà thôi. Ví dụ: chữ “trời” chỉ vẽ một ngôi sao, chữ “bò mộng” chỉ vẽ một cái đầu bò với hai cái sừng dài.

Trên cơ sở chữ tượng hình, để biểu thị các khái niệm, động tác… người ta phải dùng phương pháp biểu ý. Ví dụ: muốn viết chữ “khóc” thì vẽ con mắt và nước, “đẻ” thì vẽ chim và trứng, “bò rừng” thì vẽ bò và núi. Lúc đầu, hình cái cày vừa có nghĩa là cái cày, lại có nghĩa là người cày. Để phân biệt, bên cạnh hình cái cầy có thêm hình gỗ thì có nghĩa là cái cày, bên cạnh hình cái cày có thêm hình người thì tức là người cày.

Người ta còn dùng hình vẽ để mượn âm thanh. Ví dụ: muốn viết âm “xum” thì vẽ bó hành, vì bó hành có âm là “xum”. Các hình vẽ chỉ âm tiết còn kết hợp với một số hình khác để phân biệt các khái niệm. Ví dụ: hình bàn chân kết hợp với âm tiết NA là “đi”, hình bàn chân kết hợp BA là “đứng”. Chữ hài thanh còn dùng để biểu đạt nhiều loại từ khác như giới từ, phó từ… Nhờ có chữ hài thanh, số chữ tượng hình càng ngày càng ít đi. Lúc đầu có khoảng 2000 chữ, nhưng đến thời Lagat (thế kỷ XXIX TCN) chỉ còn lại khoảng 600 chữ.

Chất liệu dùng để viết là các tấm đất sét còn ướt và những cái que vót nhọn. Viết trên đất sét chỉ thích hợp với những nét thẳng và ngắn; vì vậy, những nét dài được thay thế bằng những nét ngắn và nét cong thì thay bằng nét thẳng. Ví dụ: Cái đầu bò được thay bằng một hình tam giác đỉnh chúc xuống dưới, phía trên có hai đoạn thẳng biểu thị hai cái sừng. Đồng thời, do dùng que viết trên đất sét nên chỗ mới ấn vào thì nét to, chỗ rút bút ra thì nét nhỏ, do đó các nét đều giống hình cái nêm. Do sự bố trí khác nhau của các nét ấy mà tạo thành các chữ khác nhau. Loại chữ này được gọi là chữ tiết hình tức là chữ hình nêm.

Tổng số chữ tiết hình không đến 600 chữ, trong đó dùng chỉ có 300 chữ, nhưng mỗi chữ thường có vài nghĩa.

Chữ tiết hình cũng do người Xume phát minh, về sau, người Accat, người Babilon, người Atxiri và các tộc khác ở Tây Á cũng dùng chữ tiết hình để viết ngôn ngữ của mình. Đến khoảng năm 1500 TCN, chữ tiết hình thành văn tự ngoại giao quốc tế, ngay Ai Cập khi ký điều ước hoặc các văn kiện ngoại giao cũng dùng loại chữ này. Về sau người Phêxini và người Ba Tư đã cải tiến chữ tiết hình thành vần chữ cái. Tuy nhiên, ở Lưỡng Hà, các tăng lữ, quan tòa và nhà chiêm tinh vẫn dùng chữ tiết hình đến trước, sau công nguyên mới bị chữ phiên âm hoàn toàn thay thế.

Lúc đầu, chữ tiết hình được viết từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Về sau, vì viết như thế có một điều bất tiện là khi viết đến dòng thứ hai thì tay xóa mất dòng thứ nhất vừa viết, vì vậy người ta đổi thành cách viết từ trái sang phải và theo hàng ngang, đồng thời mỗi chữ cũng quay 90 độ. Sau khi viết xong quay tấm đất sét lại thì vẫn thành viết từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Nếu sách gồm nhiều trang thì mỗi tấm phải có tên sách và số trang, đồng thời đầu trang sau phải nhắc lại dòng cuối cùng của trang trước. Sau khi viết xong, muốn bảo tồn lâu dài thì cho vào lửa nung. Loại “giấy” này có ưu điểm là không bị mục nát, mối mọt, không bị cháy, nhưng lại có khuyết điểm là dễ vỡ và quá nặng. Một quyển sách 50 trang thì phải nặng đến 50 kg. Ngày nay, ở Ninnivơ – kinh đô của Atxiri ngày xưa đã phát hiện được trên 20.000 tấm đất sét như vậy, kể cả ở các nơi khác đã phát hiện được mấy trăm ngàn tấm.

Từ cuối thế kỷ XVIII, một học giả Đan Mạch tên là Cacxten Nibua bắt đầu nghiên cứu cách đọc chữ tiết hình trên một minh văn do thương nhân Ý đưa từ Ba Tư về châu Âu nhưng chưa thành công. Năm 1802, một giáo viên trung học người Đức tên là Grotefend đã đọc được hai đoạn minh văn. Grotefend đã đọc được 12 chữ trong bảng vần chữ cái của Ba Tư, về sau được chứng minh là 9 chữ cái trong số đó hoàn toàn chính xác. Như vậy, Grotefend đã đặt cơ sở cho việc đọc chữ tiết hình.

Năm 1835, nhà du lịch người Anh Rawlinson phát hiện được một bản minh văn khắc trên vách đá, cao 4m, dài 20m, gồm 400 hàng. Ông đã bỏ ra mấy năm để chép bản minh văn ấy. Việc đọc chữ tiết hình được tiến triển thêm một bước.

Năm 1857, bốn độc giả đã độc lập nghiên cứu nhưng đã cùng đọc được một đoạn minh văn chữ tiết hình Atxiri. Vì vậy, năm này được coi là năm khai sinh môn Atxiri học. Từ đó, cả kho tàng tư liệu của khu vực Lưỡng Hà thuộc các lĩnh vực văn học, lịch sử, pháp luật, kinh tế, khoa học… được dịch ra ngôn ngữ hiện đại.

2.Văn học

Văn học Lưỡng Hà gồm hai bộ phận chủ yếu là văn học dân gian và sử thi.

– Văn học dân gian gồm có cách ngôn, ca dao, truyện ngụ ngôn… Loại văn học này thường phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân và cách cư xử ở đời. Loại văn học này thường là văn học truyền miệng, vì thế ngày nay người ta biết được không nhiều.
– Sử thi ra đời từ thời Xume, đến thời Babilon chiếm một vị trí rất quan trọng. Nó chịu ảnh hưởng của tôn giáo rất mạnh. Chủ đề là thường ca ngợi các vị thần. Thuộc về loại này, có các truyện như “Khai thiên lập địa”, “Nạn hồng thủy”…

Tóm lại, văn học Lưỡng Hà cổ đại đã đạt được những thành tựu đáng kể, có ảnh hưởng lớn với khu vực Tây Á. Những truyện Khai thiên lập địa sáng tạo ra loài người, hay “Nạn hồng thủy”… trong kinh thánh đều bắt nguồn từ nền văn học Lưỡng Hà.

3. Tôn giáo

Cư dân Lưỡng Hà thờ rất nhiều loại thần như thần tự nhiên, thần động vật, thần thực vật, linh hồn người chết… Hơn nữa, trước khi trở thành quốc gia thống nhất, Lưỡng Hà bao gồm nhiều thành bang, mỗi thành bang có những thần riêng nên đối tượng sùng bái của cư dân rất phức tạp, vị trí của các thần trước sau thường khác nhau.

Các thần lực lượng tự nhiên gồm có:

– Thần Anu là thần trời. Dần dần Anu được quan niệm là cha và là vua các vị thần.
– Thần Enlin là thần đất, cũng được quan niệm là chúa tể của trời đất.
– Thần Ea là thần nước, con trưởng của thần Anu, đồng thời là cha của thần Mácduc.
– Mặt Trăng, Mặt Trời và tinh tú cũng được coi là các vị thần, vì vậy thần Mácduc còn được coi là thần sao Mộc, thần Ixta thì được coi là thần sao Kim.
– Thần Mặt Trời Samat được quan niệm là con của thần Mặt Trăng Xin vì người Xume cho rằng ngày do đêm sinh ra. Về sau, thần Samat được coi là thần tư pháp và là thần bảo hộ các vua. Thời Babilon thiaafn Mácduc, cháu của thần Anu, con trưởng của thần Ea trở thành chúa tể các vị thần, vì vậy câu đầu tiên của bộ luật Hammurabi viết rằng:

“Thần Anu vĩ đại…. cùng với thần Enlin, chúa tể của trời đất quyết định vận mệnh của đất nước ban cho Mácduc, con trưởng của thần Ea quyền thống trị cả nhân loại…”

Ngoài những thần nói trên còn có nhiều thần thuộc các lĩnh vực khác nhau như thần sấm sét mưa lụt Ađát, nữ thần sinh đẻ và số mệnh Nintu, thần nông nghiệm Urat, thần trí tuệ Tutu, thần chiến tranh Dababa, thần ôn dịch Ira…

Việc thờ người chết cũng rất được coi trọng. Vì thế, người Lưỡng Hà rất chú ý đến lễ mai táng. Họ quan niệm rằng con người sau khi chết cũng có cuộc sống giống như ở trần thế, do đó, những người giàu có khi mai táng thường chôn theo nô lệ và những thứ quý báu và được xây dựng những lăng mộ lớn. Những người bình thường cũng được liệm trong những quan tài bằng đất sét..

Do sự phát triển của tôn giáo, tầng lớp thầy cúng hình thành: Ở Babilon, tầng lớp này chia thành 30 loại, trong đó thầy cúng đọc bùa chú và thầy cúng đoán tương lai được trọng nhất. Thu nhập của thầy cúng rất lớn, vì nhân dân thường đến các đền miếu dâng nhiều lễ vật. Ví dụ đền thần Anu ở Uruc trong một ngày dâng 2 con bò cái, 1 con bê, 4 con lợn, 50 con cừu lớn, 8 con cừu non, rất nhiều gia cầm và lương thực. Ngoài ra còn dâng từ 10-14 li rượu bằng vàng.

4. Luật pháp

Lưỡng Hà là khu vực có những bộ luật sớm nhất. Từ thời vương triều III của thành bang Ua (thế kỷ XXII-XXI TCN), ở Lưỡng Hà đã ban hành bộ luật cổ nhất thế giới nhưng ngày nay chỉ còn lại một số đoạn. Những đoạn ấy nói đến các vấn đề thừa kế tài sản, nuôi con nuôi, địa tô, bảo vệ vườn quả. Trách nhiệm của người chăn nuôi đối với súc vật, sự trừng phạt đối với nô lệ bướng bỉnh và nô lệ chạy trốn.

Vào khoảng thế XX TCN, nước Etnuna ở Đông Bắc Babilon cũng ban hành một bộ luật. Bộ luật này viết trên hai tấm đất sét, được phát hiện ở Iraq, nay nguyên bản trưng bày ở viện bảo tàng Batda. Nội dung bộ luật đề cập đến các vấn đề như hệ thống đo lường giá cả, quan hệ nô lệ, việc vay nợ lãi…

Bộ luật quan trọng nhất ở Lưỡng Hà cổ đại là luật Hammurabi. Bộ luật này khắc trên một bia đá, đội khảo cổ học Pháp phát hiện ở Xuda (phía đông Lưỡng Hà), nay trưng bày ở viện bảo tàng Luvre (Pháp). Đây là bộ luật cổ sớm nhất hầu như còn nguyên vẹn mà ngày nay đã phát hiện được.

Bộ luật Hammurabi chia thành ba phần: mở đầu, các điều luật và kết luận. Phần mở đầu nói về sứ mạng thiêng liêng, uy quyền của Hammurabi và mục đích ban hành bộ luật: “Vì hạnh phúc của loài người, thần Anu và thần Enlin đã ra lệnh cho trẫm – Hammurabi, một vị quốc vương quang vinh và ngoan đạo, phát huy chính nghĩa ở đời, diệt trừ những kẻ gian ác không tuân theo pháp luật, làm cho kẻ mạnh không hà hiếp kẻ yếu, làm cho trẫm giống như thần Samat sau xuống dân đen, tỏa ánh sáng khắp mặt đất”

Phần nội dung chính gồm 282 điều luật, đề cập đến các vấn đề như thủ tục kiện tụng các tội hình sự như trộm cắp, gây thương tích hoặc làm chết người, các vấn đề dân sự như hôn nhân, quyền sở hữu tài sản, thuê người làm, quyền lợi và nghĩa vụ của binh lính, chế độ ruộng đất, tô thuế, nô lệ…

Phần kết luận nhắc lại uy quyền, công đức của vua và tính hiệu lực của bộ luật.
 
Kiến trúc và điêu khắc
Nghệ thuật tạo hình của Lưỡng Hà cổ đại bao gồm hai mặt chính là kiến trúc và điêu khắc, trong đó đặc biệt là kiến trúc. Các công trình kiến trúc chủ yếu là tháp, đền miếu, cung điện, thành, vườn hoa. Vì thiếu đá, gỗ, các công trình kiến trúc của Lưỡng Hà đều xây dựng bằng gạch nhưng cũng rất to lớn hùng vĩ.

Công trình tiêu biểu vào loại sớm là tháp đền của thành bang Ua xây dựng vào khoảng thế kỷ XXII TCN.

Nền tháp là một hình chữ nhật dài 62,5m rộng 43m. Tháp gồm bốn tầng, phía trong là lõi đất, phía ngoài xây gạch, mỗi tầng một màu:

+ Tầng 1: màu đen, đại biểu cho thế giới dưới đất.

+ Tầng 2: màu đỏ, đại biểu cho thế giới của con người.

+ Tầng 3: màu xanh, đại biểu cho thiên đường.

+ Tầng 4: màu trắng, đại biểu cho mặt trời. Tầng này đồng thời là một cái đền nhỏ.

Cả tháp có bậc cấp ở bên ngoài để đi lên đến đỉnh. Ngọn tháp này là nơi cúng thần, đồng thời là nơi quan sát thiên văn.

Thành tựu kiến trúc nổi bật nhất của Lưỡng Hà là hệ thống công trình gồm: thành quách, cung điện, tháp, vườn hoa của Tân Babilon.

Kipkis.com-Lich-su-van-minh-the-gioi-7.jpeg

Thành của Tân Babilon ở phía Nam thủ đô Bátđa của Irắc ngày nay. Toàn bộ tòa thành này màu vàng, dài 13,2km, cứ 44m có một tháp canh, tổng cộng có hơn 300 tháp canh. Thành có ba lớp, chỗ dày nhất là 7,8m, chỗ mỏng nhất là 3,3m. Giữa các lớp thành có hào sâu và tường đất. Thành còn có một công trình phòng ngự bằng nước rất phức tạp. Nếu có địch tấn công thì có thể tháo nước để làm ngập vùng xung quanh để quân địch không đến gần thành được.

Cửa phía Bắc của thành là nơi thờ thần Ixta nên gọi là cửa Ixta. Cửa có hai lớp cao 12m. Trên cửa ốp gạch men xanh, trên gạch có nhiều phù điêu hình bò rừng, rồng với màu sắc rực rỡ. Từ cửa Ixta có một con đường rất thẳng đi đến phía Nam của thành. Đây là con đường để đám rước đi qua trong các dịp tế lễ vì vậy gọi là “đường thánh”. Con đường này được lát bằng những tấm đá vôi vuông mỗi cạnh 1,05m, ở giữa lát đá màu trắng và màu hồng, hai bên lát màu đỏ. Trên đá có khắc chữ tiết hình. Hai bên đường thành có hai bức tường có tượng sư tử màu trắng và màu vàng. Cuối con đường thành là đền thờ thần Mácđúc. Trước đền có một cái hồ xây bằng đá cẩm thạch tượng trưng cho cái vực thẳm đã sinh ra thế giới. Bên cạnh đền có một tháp cao. Phía Bắc đền và tháp là cung điện và vườn hoa trên không.

Ngọn tháp gần đền Mácđúc cao 90m, đáy hình vuông mỗi cạnh 91m. Tháp gồm bảy tầng, mỗi tầng có một màu riêng tượng trưng cho bảy ngôi sao. Tầng trên cùng của tháp là một ngôi đền nhỏ xây bằng gạch men xanh nhạt, bốn góc có mạ vàng. Trong đền có tượng thần Mácđúc và các đồ dùng như giường, bàn, ghế bằng vàng. Có một bà cốt thường xuyên ở trong đền, vì mọi người tin rằng thần Mácđúc cứ đến đêm lại về ở trong đền. Bà cốt ấy cũng được coi như một vị thần.

Kipkis.com-Lich-su-van-minh-the-gioi-8.jpeg

Cung điện Tân Babilon rất tráng lệ nhưng ngày nay chỉ biết được rằng riêng phòng đặt ngai vàng đã rộng đến 1.200m2 (60m x 20m), qua đó có thể thấy được quy mô của tòa cung điện này.

Vườn hoa trên không (còn gọi là vườn treo) là một công trình rất độc đáo. Toàn bộ vườn treo thực chất là một vườn hoa được tạo dựng trên một cái đài lớn cao 25m.

Kipkis.com-Lich-su-van-minh-the-gioi-9.jpeg

Cái đài này có 4 lớp, lớp dưới cùng là đá, lớp thứ hai là gạch, lớp thứ ba là những tấm chì và lớp trên cùng là đất. Chính trên lớp đất với độ cao 25m này, người ta trồng hoa thơm cỏ lạ tạo thành một vườn thượng uyển.

Tương truyền rằng vườn hoa này là do vua Nabusôđônôxo ra lệnh kiến tạo để chiều lòng vương hậu của ông vốn là một công chúa nước Mêdi chỉ quen với phong cảnh của đất nước nhiều rừng núi, chứ không thích cảnh đồng bằng ở Babilon. Vì vậy nhà vua phải tạo ra khu rừng nhân tạo cách biệt với khu vực xung quanh để cho vương hậu dạo chơi giải buồn.

Vườn hoa trên không và thành Babilon về sau được người Hy Lạp coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới.

Kipkis.com-Lich-su-van-minh-the-gioi-10.jpeg

Toàn bộ các công trình này đã đổ nát, nay chỉ còn lại những di tích mà giới khảo cổ học đã phát quật được.

Nghệ thuật điêu khắc gồm tượng và phù điêu. Những tác phẩm tương đối tiêu biểu là “bia diều hâu”, “Cột đá Naramxin”, “Bia luật Hammurabi”, các tượng thần Atxiri...

Bia diều hâu là tấm bia ghi sự tích vua Lagát đánh thắng quân Uma vào giữa thiên kỷ III TCN. Trên mặt sau của bia chạm cảnh thần Ninghiếcxu cầm lưới tung vào quân địch, bãi chiến trường đầy tử thi, bầy diều hâu bay lượn trên các xác chết; Cảnh vua Lagát đi trên xe ngựa dẫn đầu đội quân được trang bị bằng vũ khí nặng; cảnh chôn cất người chết; cảnh hiến tế tù binh...

Bia luật Hammurabi phần trên có chạm hình của Hammurabi đang đứng trang nghiêm trước thần Mặt Trời và Samát (thần Tư pháp).

Các tượng thần Atxiri thường cao lớn, quái dị. Tượng cao 3-4m, hoặc là đầu người mình sư tử hoặc là mình bò có cánh. Tác phẩm sinh động nhất là sư tử bị bắn.

Mặc dầu cũng có một số tác phẩm điêu khắc như trên nhưng nhìn chung về mặt này ở Lưỡng Hà không nổi bật lắm.
 
Toán học, thiên văn, y học
a) Toán học: thành tựu toán học đầu tiên của cư dân Lưỡng Hà cần nói đến là phép đếm độc đáo của họ. Từ thời Xume, cư dân Lưỡng Hà lấy số 5 làm cơ sở của phép đếm. Việc đó bắt nguồn từ cách đếm số ngón tay của một bàn tay. Muốn đếm số lớn hơn 5 thì gọi là 5+1, 5+2. Về sau người ta lại lấy 60 làm cơ sở, có lẽ vì 60 = 5 x 12, có thể 5 là 5 ngón tay còn 12 là 12 tháng. Đồng thời phép đếm thập tiến vị (lấy 10 làm cơ sở) cũng đã được sử dụng. Cách đếm của cư dân Lưỡng Hà cổ đại còn giữ lại đến ngày nay trong cách tính độ (một vòng tròn có 360°, 1° có 60 phút, 1 phút có 60 giây) và cách tính phút giây thời gian.

Về số học, người Lưỡng Hà cổ đại đã biết cách làm 4 phép tính, họ còn biết lập các bảng cộng trừ nhân chia để giúp các nhân viên hành chính tính toán được nhanh. Họ còn biết phân số, lũy thừa, căn số bậc 2 và căn số bậc 3; đồng thời còn biết lập bảng căn số. Họ cũng đã biết giải phương trình có 3 ẩn số.

Về hình học, xuất phát từ yêu cầu đo đạc ruộng đất, người Lưỡng Hà cổ đại đã biết tính diện tích các hình chữ nhật, hình tam giác, hình thang, hình tròn, nhưng khi tính diện tích và chu vi hình tròn họ chỉ mới biết số π = 3. Họ cũng đã biết tính thể tích hình chóp cụt. Ngoài ra, trước Pitago rất lâu, họ đã biết quan hệ giữa ba cạnh của tam giác vuông.

Ngày nay đã phát hiện được một số tác phẩm toán học chép trên 44 tấm đất sét. Có thể coi đây là một bảng tổng hợp các kiến thức toán học của cư dân Lưỡng Hà cổ đại.

b) Về thiên văn học: Người Lưỡng Hà cổ đại cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Các tăng lữ thường ngồi trên các tháp cao để quan sát thiên văn. Trong một năm, bầu trời Lưỡng Hà thường trong sáng được 8 tháng đã giúp cho các nhà thiên văn với mắt thường cũng có thể quan sát các tinh tú.

Qua một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, người Lưỡng Hà cho rằng trong vũ trụ có 7 hành tinh là mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh khác. Họ cũng đã xác định được đường hoàng đạo và chia hoàng đạo làm 12 cung, mỗi cung có một chòm sao tương ứng. Họ còn biết được chu kỳ của một số hành tinh, ví dụ: Mặt trăng cứ hơn 18 năm lại quay về vị trí đối diện với mặt trời; sao kim cứ 8 năm lại quay về vị trí cũ; sao Thủy: 46 năm, sao Thổ: 59 năm, sao Hỏa: 79 năm; sao Mộc: 83 năm. Do vậy, họ đã tính được khoảng thời gian giữa hai lần nhật thực, nguyệt thực. Ngoài ra, trong tài liệu để lại còn ghi chép về sao chổi, sao băng, thời gian và địa điểm của động đất và bão.

Dựa vào sự quan sát thiên văn, từ thời Xume, người Lưỡng Hà đã đặt ra Âm lịch. Âm lịch của người Xume chia một năm làm 12 tháng, trong đó có 6 tháng đủ và 6 tháng thiếu. Tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày, như vậy một năm có 354 ngày, so với năm mặt trời còn thiếu hơn 11 ngày. Để khắc phục nhược điểm đó, họ đã biết thêm tháng nhuận. Thời Hammurabi, tháng nhuận do vua quy định, về sau mới có chu kỳ cố định. Đến thời Tân Babilon, cứ 8 năm thì nhuận 3 lần, sau đổi thành 27 năm nhuận 10 lần.

Cũng vào thời Tân Babilon, mỗi tháng được chia thành 4 tuần, mỗi tuần có 7 ngày, tương ứng với 7 hành tinh và mỗi ngày có 1 vị thần làm chủ: Thần Mặt Trời quản ngày chủ nhật, thần Mặt Trăng quản ngày thứ hai, thần Sao hỏa quản ngày thứ ba, thần Sao Thủy quản ngày thứ tư, thần Sao Mộc quản ngày thứ năm, thần Sao Kim quản ngày thứ sáu, thần Sao Thổ quản ngày thứ bảy. Cách dùng tên mặt trời mặt trăng và các hành tinh để gọi các ngày trong tuần vẫn được dùng ở phương Tây cho đến ngày nay.

Ngày của người Lưỡng Hà bắt đầu từ lúc mặt trời lặn. Mỗi ngày chia làm 12 giờ, mỗi giờ có 30 phút. Như vậy, mỗi phút của người Lưỡng Hà cổ đại bằng bốn phút ngày nay.

Lịch của người Babilon cổ đại tuy là âm lịch nhưng rõ ràng là đã tương đối chính xác.

Kipkis.com-Lich-su-van-minh-the-gioi-Lich-Babilon-co-dai.jpeg

c) Về y học: Người Lưỡng Hà cổ đại cũng đã có những hiểu biết đáng kể. Trong các tài liệu y học để lại đến ngày nay đã thấy nói đến các bệnh ở đầu, khí quản hô hấp, mạch máu, tim, thận, dạ dày, tai, mắt, phong thấp, ngoài da, bệnh phụ nữ... Hiện tượng của bệnh trúng gió được ghi lại như sau: “... mồm bệnh nhân méo xệch, mắt nhắm nghiền, môi mím chặt, không nói được”.

Còn bệnh ở huyệt thái dương thì ghi rằng: “Khi một người, huyệt thái dương nhiễm bệnh thì tai ù, mắt nảy đom đóm, vỏ não phía sau rất đau,... tim thổn thức, chân bủn rủn”.

Trong quá trình chữa bệnh, các thầy thuốc đã được chuyên môn hóa. Họ được chia thành các khoa như khoa Nội, khoa Ngoại, khoa Mắt... Phương pháp chữa bệnh gồm có cho uống thuốc, xoa bóp, băng bó, tẩy rửa, kể cả giải phẫu.

Dược liệu gồm có nước, dầu, các loại thuốc được chế biến từ thực vật, động vật, khoáng vật.

Tuy vậy, nền y học của Lưỡng Hà cổ đại chưa thoát khỏi những quan niệm về mê tín. Ví dụ họ cho rằng nguyên nhân của bệnh tật ngoài việc không điều hòa trong cơ thể còn do ma quỷ. Vì vậy, để chữa bệnh người ta phải cầu thần linh, dùng bùa chú, và dùng những thứ như lưỡi chuột, mắt gà, đuôi chó... Hơn nữa, các thầy thuốc không được chữa bệnh vào các ngày 7, 14, 21, 28, 29, vì những ngày ấy theo quan niệm của người Lưỡng Hà cổ đại là những ngày xấu.

Tóm lại, khu vực Lưỡng Hà đã bước vào xã hội văn minh rất sớm và đã đạt được những thành tựu rực rỡ về văn hóa. Những thành tựu văn hóa ấy, nhất là về các mặt như chữ viết, văn học, toán học, thiên văn đã có ảnh hưởng quan trọng đối với văn minh khu vực và thế giới.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top