Chia Sẻ Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938- Sử 6 - Bút Nghiên

vàng

New member
Xu
0
Quân Nam Hán xâm lược nước ta lần thứ hai trong hoàn cảnh nào ? Ngô quyền và nhân dân ta đã chuẩn bị chống giặc rất quyết tâm và chủ động . Đây là trận thủy chiến đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và thắng lợi cuối cùng thuộc về dân tộc ta . Trong trân này , tổ tiên ta đã tận dụng cả ba yếu tố “ thiên thời – địa lợi – nhân hòa ” để tạo nên sức mạnh và chiến thắng .
Chiến thắng Bạch Đằng có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta .


Lịch sử 6 - Bài 27: Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938

Cuối năm 938 vua Nam Hán sai con là Lưu Hoằng Tháo chỉ huy đạo quân thủy kéo vào nước ta , còn vua Nam Hán đóng quân ở Hải Môn tiếp ứng cho Hoằng Tháo.


duong_yien_quan_cua__luu_hoang_thao_500.jpg

Lược đồ đường tiến quân của Lưu Hoằng Tháo

1. Ngô Quyền đã chuẩn bị đánh quân xâm lược Hán như thế nào?
- Năm 937,
Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết chết ,Ngô Quyền kéo quân ra Bắc .
- Kiều Công Tiễn cầu cứu nhà Nam Hán
- Năm 938, Lưu Hoằng Tháo chỉ huy một đạo quân thủy sang xâm lược nước ta theo hướng sông Bạch Đằng .
- Ngô Quyền kéo quân ra Bắc tiến vào thành Đại La , trị tội Kiều Công Tiển và chuẩn bị kháng chiến, bàn bạc với các tướng chủ động đón đánh quân xâm lược .



ngo_quyen_va_bachdang_500.jpg

Lược đồ chiến thắng Bạch Đằng năm 938


chu_giai_bach_dang_938_500.jpg

Ghi chú

2. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938
- Cuối năm 938 vua Nam Hán sai con là Lưu Hoằng Tháo chỉ huy đạo quân thủy kéo vào nước ta, còn vua Nam Hán đóng quân ở Hải Môn tiếp ứng cho Hoằng Tháo.
- Ngô Quyền cho các cọc gỗ nhọn đầu bịt sắt đóng xuống lòng sông Bạch Đằng ở những nơi hiểm yếu, gần cửa biển, thành một trận địa cọc ngầm, có quân mai phục hai bên bờ
-Ngô Quyền cho thuyền nhỏ ra nhử giặc, Lưu Hoằng Tháo thúc quân đuổi theo.
- Nước triều rút, Ngô Quyền dốc toàn bộ lực lượng đánh quật trở lại, Lưu Hoằng Tháo tử trận

- Vua Nam Hán nghe tin bại trận vội thu quân về nước.
- Trận Bạch Đằng kết thúc hòan tòan thắng lợi.


*Ý nghĩa: Chiến thắng Bạch Đằng đã chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc của dân tộc ta, mở ra thời kì độc lập lâu dài cho đất nước.


ynls_-_ngo_quyen.jpg
bach_dang__ngo_quyen_picture1_500.jpg


Bài viết trên đã khái quát kiến thức Lịch sử 6 - Bài 27: Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938 Bút nghiên chúc các em học tập tốt. Hãy chia sẻ để cùng học tốt nhé.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Chiến thắng Bạch Đằng đập tan quân Nam Hán đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bởi vậy, Ngô Quyền được giới sử gia xếp là “vua đứng đầu các vua” của nước Việt.

Theo Phả họ Ngô, Ngô Quyền sinh ngày 12/3 năm Đinh Tỵ (897), mất năm 944, một số tài liệu khác ghi ông sinh năm Mậu Ngọ 898. Ông còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương, người ấp Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội).
Ngô Quyền sinh ra trong dòng họ hào trưởng có thế lực. Cha ông là Ngô Mân, từng làm chức Châu mục Đường Lâm, rất được người dân mến phục.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại kỷ, quyển 5) mô tả: "Ngô Quyền có dung mạo khác thường, lưng có ba nốt ruồi. Các thầy tướng cho là lạ, rằng có thể làm chủ được một phương. Bởi thế, Ngô Mân mới đặt tên con là Quyền. Khi lớn lên, Ngô Quyền có tướng mạo khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, trí dũng hơn người, sức có thể nâng được vạc”.

Lúc trưởng thành, Ngô Quyền tinh thông võ nghệ, có chí lớn. Ông tham gia xây dựng chính quyền họ Khúc ở Đại La rồi theo Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán xâm lược lần thứ nhất, giải phóng thành Đại La năm 931.
Dương Đình Nghệ lên cầm quyền, tự xưng là Tiết độ sứ, đóng tại thành Đại La. Ông phong cho Đinh Công Trứ (cha Đinh Bộ Lĩnh) chức thứ sử Hoan Châu, gả con gái là Dương Thị Như Ngọc cho Ngô Quyền và giao coi giữ Ái châu.
Năm 937, một nha tướng là Kiều Công Tiễn phản chủ, giết Dương Đình Nghệ để cướp quyền. Do soán ngôi bất minh, Kiều Công Tiễn bị dân chúng và các thế lực phản đối kịch liệt.
Dù căm thù kẻ phản chủ giết hại cha vợ mình, Ngô Quyền vẫn kìm nén lòng, tiếp tục củng cố lực lượng và tạo dựng thời cơ trả thù. Lo sợ trước viễn cảnh đen tối, Kiều Công Tiễn dấn thêm một bước sai lầm tệ hại là cầu cứu nhà Nam Hán. Chỉ chờ có vậy, nhà Nam Hán bèn lấy cớ xua quân xuống xâm lược nước ta.
Sau đó, Kiều Công Tiễn bị Ngô Quyền đem quân từ Ái Châu ra Đại La tiêu diệt.
Kế hoạch tạo địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng
Sau khi nhận lời cầu cứu từ Kiều Công Tiễn, vua Nam Hán là Lưu Cung nhận thấy đây là cơ hội tốt để xâm chiếm nước ta lần nữa và cũng để trả thù cho lần thất bại mấy năm trước. Y bèn sai con trai là Hoằng Tháo (trao tước là Giao Vương) đem quân sang hòng cướp nước ta. Vua Hán đóng quân ở Hải Môn sẵn sàng tiếp ứng cho con trai khi cần.

Về phía Ngô Quyền, sau khi trừ khử Kiều Công Tiễn, nghe tin đại quân của Hoằng Tháo sắp tấn công bằng đường thủy, ông bèn họp bàn các tướng lĩnh để bày mưu phá giặc.

Là người thông minh lại nắm rõ quy luật lên xuống của thủy triều trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền nhận định: “Hoằng Tháo là đứa trẻ từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại nghe Kiều Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng nên mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt tất phá được".

Sông Bạch Đằng là cửa ngõ giao thông quan trọng phía đông bắc từ biển Đông vào đất Việt. Theo cửa Nam Triệu vào Bạch Đằng, địch có thể ngược lên và tiến đến thành Cổ Loa hoặc thành Đại La hoàn toàn bằng đường sông.

Trong khi đó, thủy triều lên từ nửa đêm về sáng, cửa biển rộng mênh mông, nước trải rộng ra hai bên bờ đến hơn 2 km. Đến gần trưa, triều rút mạnh, chảy ra rất nhanh. Như vậy, kế hoạch và việc lựa chọn chiến trường cho trận huyết chiến đã được quyết định là sông Bạch Đằng. Trận đánh chính sẽ diễn ra ở phía trong bãi cọc.

Bấy giờ vào cuối năm 938, trời rét, mưa dầm dề nhiều ngày. Quân và dân ta lặn lội mưa rét ngày đêm vận chuyển gỗ, dựng cọc. Hàng nghìn cây gỗ lim, sến, đầu được vạt nhọn và bịt sắt được đem về đây cắm xuống thành những hàng dài chắc chắn, đầu cọc hướng chếch về phía nguồn. Trong khoảng hơn một tháng thì mọi việc hoàn thành.

Theo dự kiến, Dương Tam Kha (con của Dương Đình Nghệ) chỉ huy đội quân bên tả ngạn, Ngô Xương Ngập (con trai cả của Ngô Quyền) và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đội quân bộ bên hữu ngạn, mai phục sẵn, phối hợp thủy quân đánh tạt sườn đội hình quân địch, sẵn sàng diệt nếu địch chạy lên bờ.

Từ cửa biển ngược lên phía trên không xa, một đạo thủy quân mạnh phục sẵn do chính Ngô Quyền chỉ huy chặn ngay đường tiến lên của địch, chờ khi nước xuống sẽ đánh lại.

Chiến thắng vang danh lịch sử
Trận địa bố trí vừa xong thì binh thuyền Nam Hán kéo đến. Quân ta đợi lúc nước triều cường, đem đội khinh thuyền ra cửa sông khiêu chiến rồi giả thua chạy. Hoằng Tháo quả nhiên mắc mưu, thúc quân chèo thuyền, lũ lượt tiến qua bãi cọc đi sâu vào trong sông.

Cầm cự đến lúc triều xuống, rừng cọc gỗ lim nhô đầu nhọn lên mặt nước. Thuyền Nam Hán bị trúng cọc bọc sắt, đua nhau chìm, lật. Bấy giờ, Ngô Quyền mới dốc tổng lực ra đánh. Quân Nam Hán hỗn loạn, mười phần thì chết chìm hoặc bị quân ta giết đến 6, 7 phần. Tướng giặc là Lưu Hoằng Tháo bị giết tại trận.

Trận đánh chỉ diễn ra trong chưa đầy một ngày, không chỉ phá tan trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo mà còn chôn vùi vĩnh viễn tham vọng xâm chiếm nước ta của nhà Nam Hán. Sách sử chép: “Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân còn sót mà rút lui".

Ca ngợi chiến công của Ngô Quyền, sử gia Lê Văn Hưu viết: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới hợp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể nói, một cơn giận mà yên dân được, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy".

Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền tự xưng Vương, chọn kinh đô là Cổ Loa, mở ra thời kỳ độc lập và chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc. Ông trị vì được 6 năm thì mất.

( sưu tầm )
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
TRẮC NGHIỆM Bài 27: NGÔ QUYỀN VÀ CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG NĂM 938

Câu 1: Đầu năm 937 diễn ra sự biến lịch sử nào trong nội bộ nước ta?

a> Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn phản bội giết chết.
b> Nhà Hán đem quân xâm lược nước ta lần thứ hai.
c> Ngô Quyền đem quân đánh Kiều Công Tiễn.
d> Câu a và b đúng.

u 2: Từ Thanh Hóa, Ngô Quyền kéo quân ra Bắc nhằm mục đích gì?

a> Lấy lại chức Tiết độ sứ.
b> Trị tên phản bội Kiều Công Tiễn.
c> Bảo vệ nền tự chủ đang được xây dựng của đất nước.
d> Câu b + c đúng.

Câu 3: Ngô Quyền, con rể của Dương Đình Nghệ đã đem quân đánh Kiều Công Tiễn trả thù cho chủ tướng vào thời gian nào?

a> Tháng 2 năm 938.
b> Tháng 4 năm 938.
c> Tháng 10 năm 938.
d> Tháng 12 năm 938.

Câu 4: Lợi dụng cơ hội nào mà quân Nam Hán kéo vào xâm lược nước ta lần thứ hai?

a> Kiều Công Tiễn bị Ngô Quyền giết chết.
b> Nội bộ triều đình nhà Ngô bị rối loạn.
c> Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết độ sứ.
d> Kiều Công Tiễn cho người sang cầu cứu Nam Hán.

Câu 5: Vì sao Kiều Công Tiễn cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán?

a> Kiều Công Tiễn sợ Ngô Quyền.
b> Kiều Công Tiễn biết mình không thể đối phó với Ngô Quyền.
c> Kiều Công Tiễn muốn giảng hòa với nhà Nam Hán.
d> Kiều Công Tiễn muốn vua Nam Hán công nhận mình là Tiết độ sứ.

Câu 6: Vua Nam Hán đã có thái độ như thế nào trước hành động cầu cứu của Kiều Công Tiễn?

a> Bắt sứ giả của Kiều Công Tiễn giam vào ngục.
b> Sai con là Lưu Hoằng Tháo chỉ huy một đạo quân tiến vào xâm lược nước ta.
c> Bản thân vua Nam Hán sẵn sàng tiếp ứng cho Lưu Hoằng Tháo.
d> Câu b + c đúng.

Câu 7: Ngô Quyền đã có kế sách gì trước hành động của Kiều Công Tiễn?

a> Chuẩn bị tổ chức kháng chiến.
b> Chủ động đón đánh địch.
c> Trước trừ nội phản, sau diệt ngoại xâm.
d> Huy động nhân lực chặt gỗ, bịt sắt, chôn xuống lòng sông Bạch Đằng.

Câu 8: Chuẩn bị đánh quân xâm lược Nam Hán, Ngô Quyền đã làm gì?

a> Kéo quân ra Bắc trị tội tên Kiều Công Tiễn.
b> Khẩn trương tổ chức kháng chiến.
c> Chủ động đón đánh quân xâm lược, bố trí trận địa bằng cọc ngầm trên sông.
d> Câu b + c đúng.

Câu 9: Trước âm mưu xâm lược nước ta của quân Nam Hán, ai là người đã đưa ra lời bàn. “ Nếu ta sai người đem cọc lớn, đẽo nhọn đầu và bịt sắt đóng ở trước biển, nhân khi nước triều lên, thuyền của họ tiến vào trong hàng cọc, bấy giờ ta dễ bề chế ngự”.

a> Khúc Thường Dụ.
b> Dương Đình Nghệ.
c> Ngô quyền.
d> Ngô Mẫn.

Câu 10: Ngô Quyền đã chủ động đề ra kế hoạch đánh giặc như thế nào?

a> Khẩn trương tổ chức kháng chiến.
b> Họp bàn với tướng lĩnh cách đánh giặc.
c> Chọn khu vực cửa sông, vùng trung du, hạ lưu sông Bạch Đằng làm điểm quyết chiến với giặc.
d> Cả ba câu trên đúng.

Câu 11: Kế hoạch đánh giặc của Ngô Quyền hết sức độc đáo ở điểm nào?

a> Huy động quân dân đẵn hàng ngàn cây gỗ, đẽo nhọn, bịt sắt đóng xuống lòng sông.
b> Tạo thành một trận địa cọc ngầm, có quân mai phục.
c> Lợi dụng mực nước triều lên để đánh giặc.
d> Cả ba câu trên đúng.

Câu 12: Trận đánh trên sông Bạch Đằng đã diễn ra nhanh gọn trong thời gian bao lâu?

a> Trong thời gian một ngày.
b> Trong thời gian hai ngày.
c> Trong thời gian ba ngày.
d> Trong thời gian bốn ngày.

Câu 13: Trận đánh trên sông Bạch Đằng là một trận.

a> Trận khiêu chiến.
b> Trận tiến công.
c> Trận truy kích tiêu diệt tàn quân trên đường tháo chạy.
d> Cả ba câu trên đúng.

Câu 14: Chiến thắng Bạch Đằng vào năm 938, là chiến công của ai?

a> Lý Thường Kiệt đánh bại quân nhà Tống.
b> Lê Hoàn đánh bại 10 vạn quân Tống.
c> Ngô Quyền đánh ta quân Nam Hán.
d> Câu b và c đúng.

Câu 15: Tướng nào của Nam Hán bị giết chết trên sông Bạch Đằng năm 938?

a> Thoát Hoan.
b> Ô Mã Nhi.
c> Hoằng Tháo.
d> Ngột Lương Hợp Thai.

Câu 16: Ý nghĩa của chiến thắng Bạch Đằng năm ( 938 ) là gì?

a> Là chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta, đập tan hoàn toàn mưu đồ xâm chiếm nước ta của bọn phong kiến phương Bắc.
b> Mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng và bảo vệ nền độc lập lâu dài của tổ quốc.
c> Khẳng định quyền làm chủ của nhân dân ta trên miền đất của tổ tiên, tạo thêm niềm tin và niềm tự hào dân tộc sâu sắc.
d> Cả ba câu trên đúng.

Câu 17: Vì sao trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc?

a> Chiến thắng Bạch Đằng đã đập tan mưu đồ xâm chiếm nước ta của bọn phong kiến phương Bắc.
b> Mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng và bảo vệ độc lộc lâu dài của tổ quốc.
c> Khẳng định quyền làm chủ của nhân dân, tạo niềm tin và niềm tự hào dân tộc sâu sắc.
d> Cả 3 câu trên đúng.

Câu 18: Ngô Quyền có công lao như thế nào trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược nước ta lần thứ hai?

a> Đánh tan quân xâm lược của Nam Hán, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của đất nước.
b> Đánh tan mưu đồ xâm chiếm nước ta của phong kiến phương Bắc.
c> Làm nhụt ý chí của quân xâm lược phương Bắc.
d> Khẳng định chủ quyền của dân tộc.

Câu 19: Hơn 1000 năm đấu tranh giành độc lập, tổ tiên đã để lại cho chúng ta những gì?

a> Lòng yêu nước.
b> Tinh thần đấu tranh bền bỉ vì độc lập của đất nước.
c> Ý thức vươn lên, bảo vệ nền văn hóa dân tộc.
d> Cả ba câu trên đều đúng.

Câu 20: Sự kiện, chiến thắng lịch sử nào khẳng định nền độc lập hoàn toàn của đất nước?

a> Khúc Thừa Dụ tự xưng Tiết độ sứ ( năm 905).
b> Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ ( năm 931).
c> Kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán lần thứ nhất của Ngô Quyền ( năm 930 – 931).
d> Chiến thắng Bạch Đằng( 938).

Câu 21: Điền vào chỗ trống những từ thích hợp:

Sông Bạch Đằng có tên nôm là…(a)….., vì hai bờ sông, nhất là phía tả ngạn, toàn là rừng rậm, hải lưu thấp, độ dốc không có, do vậy ảnh hưởng của ….(b)……lên xuống rất mạnh. Mực nước sông lúc triều lên, xuống chênh lệch nhau đến….(c)……khi triều lên, lòng sông rộng mênh mông đến……(d)……, sâu hơn chục mét.

KÍCH VÀO ĐÂY ĐỂ XEM ĐÁP ÁN

Đáp án: câu 1a, câu 2d, câu 3c, câu 4d, câu 5b, câu 6d, câu 7c, câu 8d, câu 9c, câu 10d, câu 11d, câu 12a, câu 13d, câu 14c, câu 15c, câu 16d, câu 17d, câu 18a, câu 19d, câu 20d, câu 21 (a) sông Rừng, (b) thủy triều, (c) 3 m, (d) hàng nghìn mét
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Bài tập 1 trang 78 Sách bài tập (SBT) Lịch Sử 6
Hãy khoanh tròn chỉ một chữ in hoa trước ý trả lời đúng.


1. Năm 937, Ngô Quyền từ Thanh Hoá kéo quân ra Bắc để

A. tiến đánh quân xâm lược phương Bắc.

B. trị tội kẻ phản bội đã giết chết chủ tướng là Kiều Công Tiễn.

C. bảo vệ chủ tướng Dương Đình Nghệ trước sự uy hiếp của Kiều Công Tiễn.

D. nhận chức mới.

2. Quân Nam Hán xâm lược nước ta lần thứ hai vào năm

A. 936. B. 937. C. 938. D. 939.

3. Người lãnh đạo cuộc kháne chiến chống quân Nam Hán lần thứ hai là

A. Khúc Thừa Dụ.

B. Khúc Hạo

c. Dương Đình Nghệ.

D. Ngô Quyền.

4. Quân ta đã chọn điểm quyết chiến với kẻ thù tại

A. thành Tống Bình (Hà Nội). B. cửa sông Bạch Đằng.

C. Tiên Yên (Quảng Ninh). D. Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội).

5. Kế sách đánh giặc của quân ta là

A. tập trung lực lượng, đánh đòn phủ đầu.

B. chia nhỏ quân giặc để tiến công tiêu diệt.

C. bao vây quân địch, đánh du kích để tiêu hao dần sinh lực của chúng.

D. dựa vào địa thế tự nhiên, bố trí trận địa mai phục để đánh trận quyết định.

6. Kết quả lớn nhất của chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của quân dân ta là

A. Hoằng Tháo bị tử trận.

B. quân Nam Hán bị đánh tan tành.

C. vua Nam Hán tuyệt vọng phải rút quân về, hoàn toàn từ bỏ mộng xâm Lược nước ta.

2-png.3091


Bài tập 2 trang 79 Sách bài tập (SBT) Lịch Sử 6
Hãy điền chữ Đ (đúng) hoặc chữ S (sai) vào các ô □ trước các câu sau.

□ 1. Ngô Quyển (898 - 944), người Hải Dương, cha là Ngô Mân, làm châu mục Hải Dương, là một tướng giỏi và được Dương Đình Nghệ tin yêu gả con gái cho.

□ 2. Năm 938, vua Nam Hán chỉ huy một đạo quân thuỷ sang xâm lược nước ta.

□ 3. Nước triều bắt đầu rút. Ngô Quyền hạ lệnh dốc toàn lực lượng đánh quật trở lại. Quân Nam Hán chống cự không nổi phải rút chạy ra biển.

□ 4. Trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 là một chiến thắng vĩ đại, mở ra thời kì độc lập lâu dài của dân tộc.

Trả lời

Đ: 3, 4; S: 1, 2

Bài tập 4 trang 79 Sách bài tập (SBT) Lịch Sử 6
Kế hoạch đánh giặc của Ngô Quyền chủ động và độc đáo ở điểm

Trả lời

  • Kế hoạch chủ động ở chỗ: Dự đoán quân Nam Hán sẽ vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã chủ động chọn khúc sông này và chuẩn bị một trận quyết chiến...
  • Độc đáo ở chỗ: Ông đã huy động quân, dân lên rừng chặt hàng ngàn cây gỗ dài, đầu đẽo nhọn và bịt sắt rồi đem đóng xuống lòng sông Bạch Đằng, xây dựng thành một trận địa cọc ngầm, có quân mai phục hai bên bờ; thuyền chiến của ta là loại nhỏ nhẹ có thể dễ dàng luồn lách ở trận địa bãi cọc ngầm. Mặt khác, ta thấy Ngô Quyền đã tận dụng được sự lợi hại của nước thuỷ triều để đề ra kế hoạch đánh giặc...
Bài tập 5 trang 79 Sách bài tập (SBT) Lịch Sử 6
1. Vì sao nói: Trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 là một chiến thắng vĩ đai của dân tôc ta?

2. Ngô Quyền có công như thế nào trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược lần thứ hai?

Trả lời

1. Là chiến thắng vĩ đại: đã đập tan ý chí xâm lược nước ta của nhà Nam Hán nói riêng của phong kiến phương Bắc nói chung, kết thúc thời kì nước ta bị phong kiến phương Bắc thống trị, mở ra thời kì độc lập lâu dài cho dân tộc.

2. Công lao của Ngô Quyền: huy động được sức mạnh toàn dân, tận dụng được vị trí, địa thế của sông Bạch Đằng, tận dụng được nước thuỷ triều, chủ động đưa ra kế hoạch đánh giặc độc đáo.. làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.



TRẮC NGHIỆM BÀI 28 : ÔN TẬP

Câu 1 : Từ xa xưa cho đến thế kỷ X. lịch sử nước ta trải qua những thời kỳ nào?

a> Thời nguyên thủy, thời dựng nước và bảo vệ đất nước.
b> Thời nguyên thủy, thời dựng nước, thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.
c> Thời nguyên thủy, thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.
d> Thời nguyên thủy, thời giữ nước và thời Bắc thuộc.

Câu 2: Thời nguyên thủy chia làm mấy giai đoạn?

a> Ba giai đoạn: Tối cổ ( đá cũ), đá mới và sơ kì kim khí.
b> Ba giai đoạn: Đồ đá, đồ đồng, đồ sắt.
c> Ba giai đoạn: Tối cổ, đồ đá, đồ kim loại.
d> Ba giai đoạn: Đá cũ, đá mới, đồ kim loại.

Câu 3: Thời kỳ dựng nước đầu tiên vào thế kỷ nào?

a> Thế kỷ IV TCN.
b> Thế kỷ V TCN.
c> Thế kỷ VI TCN.
d> Thế kỷ VII TCN.

Câu 4: Nước ta đầu tiên có tên gọi là gì?

a> Văn Lang.
b> Âu Lạc.
c> Vạn Xuân.
d> Đại Việt.

Câu 5: Vị vua đầu tiên của nước ta có tên là gì?

a> An Dương Vương.
b> Hùng Vương.
c> Trưng Vương.
d> Triệu Việt Vương.

Câu 6: Nước Văn Lang được thành lập vào thời gian nào?

a> Thế kỷ V TCN.
b> Thế kỷ VI TCN.
c> Thế kỷ VII TCN.
d> Thế kỷ VIII TCN.

Câu 7: Nước Âu Lạc của An Dương Vương thành lập vào năm nào?

a> Thành lập vào năm 206 TCN.
b> Thành lập vào năm 207 TCN.
c> Thành lập vào năm 208 TCN.
d> Thành lập vào năm 209 TCN.

Câu 8: Nước Âu Lạc bị quân Triệu Đà xâm chiếm vào năm nào?

a> Bị quân Triệu Đà xâm chiếm vào năm 176 TCN.
b> Bị quân Triệu Đà xâm chiếm vào năm 177 TCN.
c> Bị quân Triệu Đà xâm chiếm vào năm 178 TCN.
d> Bị quân Triệu Đà xâm chiếm vào năm 179 TCN.


Câu 9: Nước Lâm Ấp thành lập vào khoảng thời gian nào?

a> Thành lập vào khoảng năm 191 – 192.
b> Thành lập vào khoảng năm 192 – 193.
c> Thành lập vào khoảng năm 193 – 194.
d> Thành lập vào khoảng năm 194 – 195.

Câu 10: Nước Vạn Xuân thành lập vào khoảng thời gian nào?

a> Thành lập vào năm 544.
b> Thành lập vào năm 545.
c> Thành lập vào năm 546.
d> Thành lập vào năm 547.


Câu 11: Nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ vào năm nào?

a> Vào năm 678.
b> Vào năm 679.
c> Vào năm 680.
d> Vào năm 682.

Câu 12: Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa giành quyền tự chủ vào năm nào?

a> Vào năm 904.
b> Vào năm 905.
c> Vào năm 906.
d> Vào năm 907.

Câu 13: Khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra năm nào?

a> Nổ ra năm 40.
b> Nổ ra năm 41.
c> Nổ ra năm 42.
d> Nổ ra năm 43.

Câu 14: Khởi nghĩa Bà Triệu nổ ra năm nào?

a> Nổ ra năm 246.
b> Nổ ra năm 247.
c> Nổ ra năm 248.
d> Nổ ra năm 249.

Câu 15: Khởi nghĩa Lý Bí nổ ra năm nào?


a> Nổ ra năm 542.
b> Nổ ra năm 543.
c> Nổ ra năm 544.
d> Nổ ra năm 545.

Câu 16: Khởi nghĩa Mai Thúc Loan nổ ra năm nào?

a>Nổ ra năm 720.
b>Nổ ra năm 721.
a> Nổ ra năm 722.
d>Nổ ra năm 723.

Câu 17: Khởi nghĩa Phùng Hưng nổ ra năm nào?

a> Nổ ra năm 776 – 780.
b> Nổ ra năm 766 – 781.
c> Nổ ra năm 766 – 790.
d> Nổ ra năm 766 – 791.

Câu 18: Kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ hai và chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, khẳng định nền độc lập hoàn toàn của đất nước vào năm nào?

a> Vào năm 936.
b> Vào năm 937.
c> Vào năm 938.
d> Vào năm 939.

Câu 19: Thời dựng nước đầu tiên đã để lại cho chúng ta những gì?

a> Tổ quốc.
b> Thuật luyện kim, nghề trồng lúa, nghề chăn nuôi, các phong tục tập quán.
c> Bài học chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập – bài học đầu tiên về công cuộc giữ nước.
d> Cả ba câu trên đúng.

Câu 20: Điều kiện để hình thành Nhà nước Văn Lang là gì?

a> Xã hội có sự phân chia kẻ giàu, người nghèo.
b> Sản xuất phát triển, cuộc sống định cư, làng xã được mở rộng.
c> Bảo vệ sản xuất, mở rộng giao lưu và tự vệ.
d> Cả ba điều kiện trên.

Câu 21: Nhà nước Văn Lang được tổ chức như thế nào?

a> Nhà nước Văn Lang được tổ chức đơn giản.
b> Nhà nước Văn Lang được tổ chức phức tạp.
c> Nhà nước Văn Lang được tổ chức khá quy củ.
d> Nhà nước Văn Lang được tổ chức khá chặt chẽ.


Câu 22: Thời Văn Lang, Nhà nước đã có luật pháp và quân đội chưa?

a> Nhà nước đã có pháp luật và quân đội.
b> Nhà nước chưa có pháp luật và quân đội.
c> Nhà nước đã có pháp luật, chưa có quân đội.
d> Nhà nước chưa có pháp luật, đã có quân đội.


Câu 23: ……… “ hô một tiếng mà các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng Việt ta đủ dựng nghiệp bá vương”. Đoạn trích trên đây, nhà sử học Lê Văn Hưu ( thế kỷ XVIII) nói về nhân vật lịch sử nào?

a> Trưng Trắc, Trưng Nhị.
b> Bà Triệu.
c> Lý Bí.
d> Triệu Quang Phục.

Câu 24: Chọn từ thích hợp để điền vào chỗ trống đoạn trích dưới đây. “ Bốn phương……lưng uy đức. Trăm trận Lý Đường phục võ công. Cống vải từ nay Đường phải dứt. Dân nước ta đời đời hưởng phúc chung”.

a> Dạ Trạch Vương.
b> Mai Đế.
c> Lý Nam Đế.
d> Tiến Ngô Vương.

Câu 25: Chọn từ thích hợp để điền vào ô trống đoạn trích dưới đây:

“….Có thể lấy quân mới nhóm họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương làm cho người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể bảo là một cơn giận mà được yên dân, mưu cũng giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiện nhưng mà chính thống của nước Việt ngõ hầu đã nối lại được”.

a> Trưng Vương.
b> An Dương Vương.
c> Trạch Dạ Vương.
d> Tiền Ngô Vương.

Câu 26: Hơn 1000 năm đấu tranh giành độc lập, tổ tiên đã để lại cho chúng ta những gì?

a> Lòng yêu nước.
b> Tinh thần đấu tranh bền bỉ vì độc lập của đất nước.
c> Ý thức vươn lên, bảo vệ nền văn hóa dân tộc.
d> Cả ba câu trên đúng.

Câu 27: Sự kiện nào khẳng định thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta trong sự nghiệp giành lại độc lập cho Tổ quốc?

a> Trưng Trắc xưng vương.
b> Lý Bí xưng đế.
c> Khúc Thừa Dụ dựng quyền tự chủ.
d> Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền.




Đáp án: câu 1b, câu 2a, câu 3d, câu 4a, câu 5b, câu 6c, câu 7b câu 8d, câu 9b, câu 10a, câu 11b, câu 12b, câu 13a, câu 14c, câu 15a, câu 16c, câu 17d, câu 18c, câu 19d, câu 20d, câu 21a, câu 22b, câu 23a, câu 24b, câu 25d, câu 26d, câu 27d.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Cuộc kháng chiến của Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938


Năm 937, Kiều Công Tiễn vốn là nha tướng của Dương Đình Nghệ đã giết chủ để cướp lấy quyền binh. Nhân dân hết sức bất bình. Một số tướng cũ của Dương Đình Nghệ mà tiêu biểu là Ngô Quyền quyết tâm tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Ngô Quyền quê ở Đường Lâm, Ba Vì (Hà Tây) con của Ngô Mân và là con rể của Dương Đình Nghệ. Ngô Quyền cai quản Ái Châu, được nhân dân tin phục. Khi được tin Dương Đình Nghệ bị giết, Ngô Quyền lập tức tập hợp tướng sĩ tiến ra Giao Châu trị tội tên phản bội Kiều Công Tiễn.
Trước khí thế rầm rộ của quân Ngô Quyền, Kiều Công Tiễn vô cùng khiếp sợ đã cho người sang Nam Hán cầu viện. Chớp lấy cơ hội, vua Nam Hán phong cho con trai là thái tử Hoằng Tháo làm tĩnh hải tiết độ sứ chỉ huy một đạo binh thuyền lớn sang xâm lược nước ta. Vua Nam Hán trực tiếp chỉ huy quân số còn lại trong nước, kéo xuống đón ở Hải Môn để yểm trợ cho Hoằng Tháo. Hoằng Tháo chỉ huy quân Nam Hán theo cửa sông Bạch Đằng tràn vào nước ta.


Bấy giờ, được nhân dân ủng hộ, Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn. Ông cùng với tướng sĩ và nhân dân gấp rút chuẩn bị kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Khi nghe tin Hoằng Tháo chỉ huy quân xâm lược, Ngô Quyền với lòng tự tin, nói với các tướng của mình: ''Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại được tin Kiều Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt tất phá được. Song họ có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được, nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vót nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của họ nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hơn kế ấy cả". Thực hiện kế hoạch của Ngô Quyền, binh sĩ và nhân dân hăng hái ngày đêm đẽo gõ, dựng cọc. Chẳng bao lâu, cọc gỗ bịt sắt nhọn được cắm thành những bãi lớn ở các nhánh sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cử Dương Tam Kha (con Dương Đình Nghệ) chỉ huy một đạo quân bộ đóng bên tả ngạn sông Bạch Đằng, cử Ngô Xương Ngập (con trai cả Ngô Quyền) và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy một đạo bộ binh đóng ở hữu ngạn sông. Hai đạo quân bộ ém sẵn làm nhiệm vụ mai phục để kết phối hợp với thủy quân đánh vào hai bên sườn quân giặc và tiêu diệt chúng khi tháo chạy lên bờ. Từ cửa sông ngược lên phía trên có đạo thủy quân mạnh phục sẵn do Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy chờ khi nước thủy triều rút xuống mới phản công tiêu diệt quân giặc. Công việc chuẩn bị cho trận đánh vừa hoàn tất thì cũng là lúc đoàn chiến thuyền Nam Hán kéo đến, nước triều từ từ dâng, quân giặc ồ ạt kéo vào sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cho một đội thuyền binh nhẹ do Nguyễn Tất Tố chỉ huy làm nhiệm vụ nhử địch vào trận địa phục kích có bãi cọc. Giặc thấy quân ta khiêu chiến, lập tức tấn công, đội thuyền của Nguyễn Tất Tố vờ thua rút chạy.
Giặc được thể, ồ ạt đuổi theo, vượt qua bãi cọc mà không hề hay biết. Khi nước sông bắt đầu rút, Ngô Quyền chỉ huy đại quân từ ba phía (thủy bộ phối hợp) đổ ra đánh. Quân Nam Hán bị rối loạn phải tháo chạy ra biển. Đạo thủy quân của Ngô Quyền gồm những chiến thuyền nhẹ lao ra tấn công vào đội hình giặc ở giữa sông, đánh dạt chúng sang hai bên, thuyền của giặc phải chèn nhau xít lại theo các luồng nước chảy xiết để tháo chạy theo đường biển. Song các hàng cọc như các mũi chông khổng lồ ngăn cản chúng, nhiều chiếc lao vào cọc vỡ tan. Đúng lúc đó, tất cả quân thủy bộ của Ngô Quyền xông ra tiêu diệt dịch. Quân Nam Hán không còn lối thoát, phía trước bị chặn đứng bởi các hàng cọc, phía sau bị quân ta tấn công mạnh. Cả đoàn chiến thuyền giặc trong một thời gian giao chiến ngắn bị tan tành. Hàng vạn quân giặc, trong đó chủ tướng Hoằng Tháo bị tiêu diệt.
Thất bại nặng nề và bất ngờ đã khiến vua Nam Hán kinh hoàng, chỉ biết ra lệnh rút tàn quân về nước.


Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 được ghi vào lịch sử dân tộc như một chiến công hiển hách, ''Một vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu'' (Ngô Thời Sĩ). Chiến thắng vang dội đó là thành quả biểu hiện tài năng quân sự và ý chí quyết thắng của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, đồng thời cũng là thành quả của cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta sau 30 năm trở lại làm chủ đất nước. Nó góp phần to lớn vào việc khẳng định niềm tin của nhân dân vào khả năng bảo vệ vững chắc nền độc lập và tự chủ của đất nước.
 
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI:

1. Giới thiệu vài nét về Ngô Quyền?
Trả lời:


- Ngô Quyền (898-944), người Đường Lâm (Hà Tây), cha là Ngô Mân, làm châu mục Đường Lâm.

- Ngô Quyền là người có sức khỏe, chí lớn mưu cao, mẹo giỏi. Trong cuộc kháng chiến của Dương Đình Nghệ chống quân Nam Hán, Ngô Quyền đã từng chiến đấu anh dũng. Là một tướng giỏi lại có nhiều công lao, ông được Dương Đình Nghệ tin yêu và gả con gái cho. Sau khi đánh đuổi được quân Nam Hán, Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ phong cho làm Thứ sử, trấn giữ Ái Châu (Thanh Hóa)

- Năm 937, Dương Đình Nghệ bị một viên tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức. Được tin đó, Ngô Quyền kéo quân ra Bắc.

2. Ngô Quyền kéo quân ra Bắc nhằm mục đích gì?
Trả lời:


Ngô Quyền kéo quân ra bắc nhằm trị tội tên phản bội Kiều Công Tiễn, bảo vệ nền tự chủ đang được xây dựng của đất nước.

3. Vì sao Kiều Công Tiễn cho người cầu cứu nhà Nam Hán để chống lại Ngô Quyền, đoạt chức Tiết độ sứ?
Trả lời
:

- Kiều Công Tiễn muốn dùng thế lực và sức mạnh của quân Nam Hán, chống lại Ngô Quyền, đoạt chức Tiết độ sứ.

- Đây là hành động phản quốc, "Cõng rắn cắn gà nhà", chỉ biết đến quyền lợi cá nhân. Đây là một hành động đáng lên án

4. Ngô Quyền chuẩn bị đánh quân xâm lược Nam Hán như thế nào?
Trả lời:


- Dự đoán quân Nam Hán sẽ vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã quyết định chọn khu vực cửa sông và vùng trung lưu hạ lưu sông Bạch Đằng làm nơi quyết chiến với giặc.

- Ông cho quân và dân ta lập trận địa cọc ngầm, dựa vào nước triều lên xuống để tiêu diệt giặc.

5. Em có nhận xét gì về kế hoạch đánh địch của Ngô Quyền?
Trả lời:


Kế hoạch đánh địch của Ngô Quyền chủ động và độc đáo:

- Chủ động sắp đặt trước bãi cọc ngầm để đó đánh quân xâm lược.

- Độc đáo: Bố trí trận địa bãi cọc ngầm trên sông Bạch Đằng nơi có thủy triều để đánh địch.

6. Trình bày diễn biến của trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng?
Trả lời:


- Cuối năm 938, đoàn thuyền chiến của quân Nam Há do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy kéo vào vùng biển của nước ta.

- Ngô Quyền cho một số thuyền nhẹ ra đánh nhử quân Nam Hán vào trận cọc ngầm lúc nước triều đang lên. Quân giặc hăm hở đuổi theo, vượt qua bãi cọc ngầm mà không biết

- Khi nước triều bắt đầu rủ nhanh, theo lệnh của Ngô Quyền, quân ta dốc toàn lực đánh quật trở lại, đồng thời, quân mai phục hai bên bờ đánh tạt ngang đội hình của giặc. Nhiều thuyền lớn của địch va vào bãi cọc đang nhô lên, bị vỡ tan tàn gần hết. Quân ta lao vào đánh giáp lá cà, làm cho quân địch bị chết nhiều, Hoằng Tháo tử trận.

- Vua Nam Hán hốt hoảng hạ lệnh rút quân về nước. Trận Bạch Đằng kết thúc thắng lợi hoàn toàn.

7. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa lịch sử như thế nào?
Trả lời
:

Chiến thắng Bạch Đằng đã chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ hơn 1000 năm của các triều đại phong kiến phương Bắc, mở ra một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc.

8. Ngô Quyền đã có công như thế nào trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược của nước ta lần thứ hai?
Trả lời:


Công lao của Ngô Quyền trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược nước ta lần thứ hai là:

- Đã huy động được sức mạnh của toàn dân đứng lên chống quân xâm lược.

- Tận dụng được vị trí, địa thế tự nhiên của sông Bạch Đằng, chủ động đưa ra kế hoạch đánh giặc độc đáo, làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta.

- Ông xứng đáng được nhân dân tôn vinh là "Ông tổ phục hưng của nền độc lập dân tộc"

9. Trình bày nguyên nhân thắng lợi?
Trả lời:


- Quân Nam Hán: Mạnh nhưng chủ quan, kiêu ngạo, mang quân đến xâm lược nhưng không quen địa hình, không được nhân dân ủng hộ.

- Sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân và sự chỉ huy sáng tạo tài giỏi của Ngô Quyền

10. Nhà sử học Lê Văn Hưu đánh giá công lao của Ngô Quyền như thế nào?
Trả lời:


Nhà sử học Lê Văn Hưu đã đánh giá công lao của Ngô Quyền:

"Tiền Ngô Vương có thể lay quân mới nhóm hợp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể bảo là một cơn giận mà yên được dân, mưu cũng giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi hoàng đế mà đổi niên hiệu nhưng mà chính thống của nước Việt ngõ hầu đã nối lại được."
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top