Khởi nghiệp cùng chú Tony Miền Tây

songngu

Active member
Xu
57
Chào các bạn! Do mình có chú hâm mộ với chú Tony Buổi Sáng nên đăng lại các bài viết của chú ấy tại để vừa nghiền ngẫm, học hỏi và trao đổi với bạn bè thân tình. Chủ ý của mình ở đây là muốn chia sẻ về tư duy, niềm đam mê và khát vọng làm giàu mà chú Tony truyền tới.

Nếu chú Tony có ghé đây cũng đừng rầy la nghe. Cảm ơn chú nhiều nhiều lắm !

------

Chiếc Samand trên bến Ninh Kiều


Người Iran tự hào ghi tên mình vào những dân tộc trên hành tinh này biết chế tạo xe hơi. Hãng xe IKCO là hãng xe lớn với gần cả triệu chiếc/năm, xuất khẩu đến hơn 40 thị trường ít ai để ý như Trung Á, Trung Đông, Trung Mỹ, Nga, Đông Âu...

Xe hơi là biểu tượng thịnh vượng cho xã hội ngày nay, giống 200 năm trước là xe ngựa, 100 năm trước là xe đạp, 50 năm trước là xe máy. Trung Quốc, Indonesia, Pháp, Mỹ, Anh... cho đến Srilanka, Mông Cổ..., xe hơi luôn là đề tài thú vị khi cánh đàn ông tụ tập với nhau. Các cô bé cậu bé trung học khắp thế giới vẫn "đố bạn" trong lúc ra chơi về logo của các hãng xe, thương hiệu Jaguar do nước nào đang sở hữu...Mô hình xe hơi thu nhỏ có điều khiển là mặt hàng đồ chơi trẻ em bán chạy nhất. Khắp nơi, người khá giả vẫn đi xe hơi riêng và đóng thuế xe, phí cầu đường, bãi đỗ... hỗ trợ người thu nhập ít hơn dùng các phương tiện công cộng. Sinh viên đang đi học, công nhân viên mới ra trường thì phải đi xe buýt, tàu điện, xe đạp...để tích luỹ tiền mua xe hơi.

Ở Iran, xe Samand được xem là quốc xa (national car). Xe hơi đi liền với công nghiệp luyện thép, công nghiệp chế tạo phụ tùng, cao su, nhựa, động cơ...nên không dễ thực hiện, phải bền bỉ đến cùng, dựa vào nội lực quốc gia chứ không thể dựa vào ngoại bang. Lịch sử cho thấy chưa có 1 hãng xe nào tới đặt nhà máy rồi bàn giao nền công nghiệp chế tạo ô tô cho nước đó cả, đơn giản họ đến để kiếm tiền từ thị trường đó. Họ ra đi thì chỉ để lại "kỹ năng lắp ráp" như đứa trẻ xếp đồ chơi Lego. Vì vậy, người Iran kêu gọi các kỹ sư về ô tô ngày đêm nghiên cứu để tạo ra dòng xe riêng, với tinh thần "work for our country". Hỏng, làm lại. Xấu, làm lại. Mắc, làm lại... Ngày nay, hãng IKCO có đến 54000 công nhân viên với tài sản 32 tỷ đô, nằm trong bảng những nhà sản xuất xe lớn nhất thế giới. Xe của họ rất nặng, nhưng đi trên đường trường thì khỏi chê, đóng cửa kêu cái rầm nghe rất đã tai vì chất lượng thép tốt. Mặc dù bị cấm vận kinh tế nhưng đời sống của người Iran không mấy chật vật, vì ngoài dầu thô là tài nguyên thiên nhiên ra, họ còn nhiều lĩnh vực khác thu ngoại tệ. Người Iran vô cùng có đầu óc, mỗi cá nhân đều học như điên, làm hết mình, sẵn sàng hy sinh cái tôi cá nhân để lợi ích chung cho cộng đồng. Sự thành công ở các nước châu Á đều là do người dân chỉ ngủ có 5-6h/ngày, còn lại là ở công trường nhà máy công sở. Tinh thần ham thích sản xuất và say mê lao động chính là cốt lõi của sự thịnh vượng. Vì để sản xuất được, anh phải giỏi giang kỷ luật, có đầu óc tổ chức ghê lắm.

Tony đến Iran một lần chung với đoàn thương nhân Hồng Công, xúc tiến nhập khẩu hạt dẻ cười (một loại hạt) để bán cho thị trường Trung Quốc và xuất khẩu phân bón cho họ. Trên đường phố thủ đô, xe IKCO chiếm áp đảo. Anh bạn Aram, lúc đưa Tony đi ăn ở nhà hàng Hoa có tên là Gold Dragon trên phố Tooraj, có nói ở Tehran, có 3 hãng xe bán chạy nhất là Susuki của người Nhật, Peugeot của người Pháp và IKCO của người Iran. Với anh, và với bất cứ người Iran nào, nếu xe IKCO giá ngang bằng, tiện nghi chỉ 2/3 thì anh vẫn đi xe IKCO, because it's made by Iranian. Anh nói việc dùng hàng nội địa là trách nhiệm bắt buộc của mỗi công dân, "phải dùng" chứ không phải "nên dùng", dù không có quy định nào cả. Chính sự tự trọng với sản phẩm dân tộc mình sản xuất là chìa khoá thành công của các nước biết chế tạo xe hơi (số lượng các nước này chỉ đếm trên đầu ngón tay dù có hơn 200 quốc gia trên trái đất). Anh nói, người Iran chưa giàu bằng người Nhật người Pháp thì mỗi công dân Iran phải có nhiệm vụ làm cho người Iran giàu có lên. Thanh niên Iran vào buổi tối trước khi nhắm mắt ngủ, phải dành 15 phút chiêm nghiệm hôm nay mình đã làm được gì mới mẻ chưa, hay vẫn một ngày trôi qua chán òm như mọi ngày? Rồi buổi sáng thức dậy, vừa uống cà phê vừa suy nghĩ hôm nay phải làm gì để tốt hơn hôm qua. A better day than yesterday.


10460293_994203227299203_6988726589625637928_n.jpg


Khi mua hàng, họ hay hỏi người bán "cái này có hàng made in Iran không"? Vì với họ, mua một sản phẩm Iran sản xuất, một người Iran sẽ có việc làm, 1 đồng ngoại tệ sẽ ở lại, đồng tiền đó sẽ được tái đầu tư, sản phẩm sẽ càng tốt hơn, xuất khẩu lấy được 2 đồng về cho quê hương. Ở Iran, người học ngoại thương phải là học sinh giỏi nhất, học xong chuyên tâm vận dụng hết trí tuệ của mình bán hàng ra quốc tế. Họ thương thảo vô cùng giỏi, nên đến giờ, sau bao năm làm ăn với họ, cả trăm container hạt dẻ cười đã nhập cảng Qingdao, mà chưa có container phân bón nào Tony bán được cho họ. Thấy Tony buồn vì bị nhập siêu nên anh Aram an ủi, nói sẽ tặng Tony một chiếc Samand LX màu mận chín làm kỷ niệm. Nếu bữa nào bạn đến Cần Thơ (Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt đều có đường bay đến), bạn thử ghé quán cà phê Góc Phố dưới bến Ninh Kiều, bạn sẽ thấy một thanh niên cao 1m80, 90kg, ăn mặc áo choàng trắng trùm khăn trắng kín đầu, gương mặt thanh tú bước xuống xe Samand made in Iran để ăn trưa, thì đó chính là anh Aram qua Cần Thơ tặng xe cho Tony. Còn bạn ráng đợi thêm 15 phút nữa, một thanh niên "tầm cao 1m80, cân nặng 70 ký, thân hình hoàn toàn bình thường, rất hân hạnh được phục vụ quý khách" (bị nhiễm nói nhịu từ xe cân sức khoẻ ngoài phố) từ xe buýt bước xuống, thì chính là Tony Buổi Sáng. Gương mặt anh ấy đẹp quá đẹp nhưng thoáng buồn, vì nước Việt của anh có bao nhiêu kỹ sư mà hẻm ai chế tạo ra được chiếc xe hơi hay xe máy nào để anh có thể hất mặt lên trời với bạn bè quốc tế. Nên anh đành đi xe buýt hiệu Samco vậy, ít ra anh cũng có cái để nói đó là sản phẩm made in Vietnam.

P/S: Samco là tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, đơn vị sản xuất ra xe buýt, xe khách lớn với chất lượng khá tốt.

Nguồn: Tony Buổi Sáng
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Chuyện ở Thâm Quyến


Từ một làng chài nghèo khó, nhìn sang bên kia là Hồng Công hoa lệ, người Trung Quốc quyết định hình thành đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Shenzhen). Và ngày nay, Thâm Quyến trở thành trung tâm tài chính và xuất nhập khẩu của cả miền Nam Trung Quốc.

Điều ấn tượng nhất ở Thâm Quyến chính là những văn phòng 24h. Ngoài ca từ 8h-6h ban ngày để buôn bán với các nước đông bán cầu, có ca đêm từ 8h tối đến 6h sáng để xuất nhập khẩu với các nước Tây bán cầu như Mỹ, Canada, các nước Mỹ La tinh…

Theo chân anh bạn. 8h tối lái xe đến 1 tòa nhà cao tầng ở trung tâm, bắt đầu công sở. 12h đêm thì nghỉ, ra phố ăn khuya, 1h30 sáng vô lại. Cả mấy trăm văn phòng trong toà nhà đều nhộn nhịp nên không ai nghĩ đây là ban đêm. Các nhà máy giày dép, quần áo, đồ chơi, điện thoại, điện tử…vẫn làm 3 ca, nên giao dịch, email, điện thoại rôm rả. Mùi cà phê thơm nồng, những bước chân đi vội. Gương mặt ai cũng lanh lợi hoạt bát, điện thoại tiếng Hoa tiếng Anh buôn buôn bán bán. Bên Mỹ email qua 1 cái, bên này trả lời, báo giá liền. Nên họ lấy hết các đơn hàng, còn mấy đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia, Cambodia…thì lúc đó mắc ngủ, ngày hôm sau mới trả lời, rồi tối hôm sau bên Mỹ mới trả lời lại, rồi ngày hôm sau nữa mới nhận được thông tin, nên gút hợp đồng rất khó. Vì để có 1 hợp đồng xuất khẩu, người ta phải trả giá qua lại cả chục cái email và điện thoại. Ở các văn phòng 24h này, nửa đêm vẫn gọi dịch vụ DHL, Fedex tới giao nhận chứng từ, hàng mẫu. Ngân hàng vẫn mở cửa để rút tiền, thanh toán bộ chứng từ. Vẫn bốc dỡ hàng và làm thủ tục hải quan ở cảng. Xe tải và container vẫn chạy rầm rập trên đường. Các kho bãi sáng đèn và nhộn nhịp suốt đêm.

Phần lớn nhân sự ca đêm đều là các bạn trẻ mới ra trường, chưa vướng bận gia đình, đầy nhiệt huyết. Các bạn tự lên mạng tìm kiếm đối tác nhập khẩu, giới thiệu, trao đổi, luôn tay luôn chân chứ không chờ ai giao việc. Tất nhiên lương bổng cũng cao hơn ca ngày. Thành một cộng đồng làm theo giờ Mỹ trên đất Trung Quốc, mọi người vẫn hẹn nhau gặp gỡ, cà phê lúc 3h sáng để bàn công việc, và rủ nhau đi nhậu sau giờ làm, tức 6h sáng. Có vũ trường mở cửa lúc 10h sáng cho đối tượng này, đông nghịt người. Tới 2h chiều thì đóng cửa vì “khuya” quá rồi, phải về nghỉ để tối lại đi làm.

Trước đây, Thâm Quyến chỉ là một huyện nhỏ của tỉnh Quảng Đông (huyện Bảo An), giờ trở thành đặc khu kinh tế tách ra. Tuy vậy, tỉnh Quảng Đông vẫn là tỉnh giàu, với thành phố thủ phủ là Quảng Châu, tổng tài sản GDP khoảng 850 tỷ đô la = Việt Nam (140 tỷ đô la ), Thái Lan ( 360 tỷ), Philippines ( 250 tỷ) cộng lại. Trong khi dân số của Quảng Đông chỉ khoảng 90 triệu, bằng Việt Nam. Dân Quảng Đông vô cùng giàu có, đi nước ngoài du lịch học tập như đi chợ. Có tiền nên cơ sở hạ tầng được tái đầu tư, đường sá rộng rãi đẹp đẽ, tàu cao tốc chạy vù vù, tàu điện ngầm mát rượi, thành phố xanh tươi, y tế, giáo dục đều được trợ cấp. Lượng hàng hóa thông quan của cảng Thâm Quyến hàng năm là 22 triệuTEU, gấp 10 lần cảng Sài Gòn, gấp 36 lần cảng Hải Phòng, cảng lớn nhất miền bắc nước ta. Thế mới biết các bạn làm ngoại thương chuyên nghiệp như thế nào. Bên cạnh đó là cảng Hồng Công (cũng khoảng 23 triệu TEU, cảng Quảng Châu 10 triệu TEU, nhưng bãi chứa container C/Y lúc nào cũng trong tình trạng không đủ chỗ chứa container (số liệu năm 2008). Làm việc nhiệt tình bất chấp thời gian, nghĩ ra việc và làm luôn tay luôn chân chứ không ngồi chờ người khác sai bảo…là đặc trưng lớn nhất lao động khu vực đồng bằng sông Châu Giang. Như vậy, sự giàu có của một xã hội chính là do lao động cật lực của mỗi cá nhân trong xã hội đó.

Trong khi đó, ở Đông Nam Á (trừ Singapore) thanh niên trong độ tuổi lao động ngồi cà phê nhiều hơn ngồi trong nhà máy. Chiều đến thì người người nhà nhà đi nhậu, lượng bia tiêu thụ của các quốc gia này thuộc tốp đầu thế giới. Và ở rất nhiều công sở, hình ảnh nhân viên uể oải, bước đi chậm chạp, tác phong lừ đừ, tụ năm tụ ba tán gẫu hoặc không thì ngồi ngáp đến chảy nước mắt. Hoặc chăm chú chỉ để chơi game, coi tin tức, chat chit, facebook, nhìn vô màn hình máy tính với cặp mắt vô hồn như mắt giả. Nhưng sếp hay khách khứa đến giao dịch thì lập tức cáu giận, vì đã làm tôi thức giấc. Quen không làm việc nên động tác thừa nhiều, xử lý gì cũng chậm.

Vì ít làm, ít việc nên cũng ít tiền, gương mặt ai nấy buồn hiu buồn hắt. Thử quan sát 1 ngày ở một công ty xuất nhập khẩu gỗ ở Phnom Pênh, màn hình trước mặt mở ra toàn các trang web liên quan tin tức ca sĩ diễn viên. Một số ôm iphone ipad coi facebook tò mò tọc mạch chuyện riêng tư. Cả chục nhân viên ngồi với vẻ mặt buồn xo, cứ mấy phút thì liếc coi đồng hồ một lần, đến 5h chiều thì vội vã tắt màn hình, đi nhậu, giải phóng năng lượng tích tụ cả ngày bằng cách vung tay chém gió phần phật trên bàn nhậu, trách người này người kia làm cho họ nghèo khổ. Và hôm sau thì đi trễ vì dậy không nổi. Lại vào công sở nhà máy, ngồi đếm thời gian cho hết ngày.

Và cứ thế, hết tuần, hết tháng, hết năm, hết đời người.

1484366_986292704756922_5218884755809032506_n.jpg




 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Trỏ đàng đi buôn

( Bạn nào trong CLB con dượng muốn giàu vô đọc hỉ)

57262_Perikanan_8.kepiting_biru-callinectes_sapidus.jpg


Dượng thấy ở chợ Phúc Xá Hà Nội, 1 kg cua đồng bé tẹo giá 200 ngàn. Trong Sài Gòn chỉ có 60 ngàn/kg. Mà hẻm chở ra được vì xa là nó chết. Nên các bạn ngoài đó, có thể nuôi cua. Con cua nó nhạy cảm với nắng nóng và trời rét, nên mình đầu tư quy mô công nghiệp. Trong miền nam, sản xuất nông nghiệp thường là nông trại lớn, nên dượng thấy thịt cá ngoài bắc ngon hơn, do gà đồi cá ao rau vườn. Tuy nhiên, giá lại quá đắt so với thu nhập của người dân bình thường ở đấy. Với tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa các làng quê, khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều…thì nông sản chắc chắn không đủ với cách làm nhỏ lẻ như vậy nữa. Vận chuyển từ miền nam ra những 2000 km so với 300 km từ biên giới. Vì ở sát biên giới, ở Vân Nam và Quảng Tây, các nông trại khổng lồ trong đủ thứ cây nhiệt đới và á nhiệt đới, nuôi đủ thứ từ cá tầm cá hồi cá quả đến gia súc gia cầm, quy mô lớn nên chi phí sản xuất thấp, giá rẻ. Nguyên tắc giao thương, nước chảy về chỗ trũng là bình thường nếu chúng ta không tự nâng nền cao lên, để nước khỏi tràn vô.

cua-gach-ca-mau894.jpg


Các bạn đi xa chút, Thái Nguyên, Lai Châu, Lào Cai…lập dự án đầu tư nông nghiệp đi. Sắp có cao tốc hết rồi, vận chuyển về Hà Nội hay Hải Phòng sẽ dễ dàng. Mùa hè lắp máy phun sương, lưới chắn nóng. Mùa đông dùng bóng halogen sưởi ấm. Chứ dượng thấy trên phố Hà Thành, công ty nào cũng trưng bảng hiệu làm nghề Tư vấn, Tài Chính, Chứng Khoán, Bất Động Sản, quảng cáo truyền thông, bán quần áo Trung Quốc….xen lẫn với các quán miến gà miến ngan bún riêu bún chả? Ngay cả bà gánh hàng hoa quả đi ngang qua, nhìn vô cũng thấy táo, lê, lựu...toàn hàng Tàu, sao lạ vậy.

Các bạn nói nông nghiệp bấp bênh, có lúc đổ đống không ai mua. Quy mô lớn, sẽ có bộ phận marketing, họ sẽ phải liên hệ với các siêu thị, các chợ bán sỉ, các thương nhân xuất khẩu, các nhà máy chế biến…nên không có chuyện nông trại nào phải đổ bỏ cái gì đó cả. Dội chợ là họ đem đi cấp đông, làm mứt hay sấy khô liền. Họ tham gia mọi hội chợ triển lãm, nên khách càng ngày càng đông, họ càng mở rộng quy mô sản xuất. Còn nông dân tự sản xuất thì do thiếu thông tin nên mới có chuyện phải đổ bỏ như vậy. Cho nên làm nông nghiệp, phải có đầu ra. Đi tiếp thị xong rồi mới mở rộng. Đầu tư bộ phận marketing và sales. Còn không, làm quy mô nhỏ thăm dò trước. Ví dụ: nuôi cua quy mô lớn, liên hệ các chợ bán sỉ các tỉnh thành, các nhà hàng lớn, thậm chí nhà máy đông lạnh nơi gần nhất trong trường hợp hàng bị thừa nguồn cung mà cua ngày mỗi lớn, mình có thể đông lạnh gửi nhà máy trữ giùm. Kinh doanh là phải sáng tạo và bươn chải.

Đừng có phù phiếm. Cũng đừng cố bám trụ 5 cửa ô. Tích tiểu thành đại, chín xu đổi lấy 1 hào. Sĩ diện chi. Nếu trí tuệ mình thật sự cao siêu thì hạc lên, còn không, biết đọc biết viết biết tính toán rồi kiếm tiền nuôi cha nuôi mẹ giúp đỡ người thân. Chứ hạc cao làm chi mà thất nghiệp? Cha mẹ nuôi mình tới 18 tuổi là được rồi, sao còn ép nuôi mình đến 5 năm cử nhân, 3 năm thạc sĩ? Rồi thất nghiệp, tiếp tục ép cha mẹ bóp mồm bóp miệng dưới quê gửi lên thành phố nuôi nữa? Sao mình bất tài vô dụng vậy?

(NẾU MÌNH LÀ SINH VIÊN, TRONG SUỐT THỜI GIAN HỌC, NGƯNG XIN TIỀN CHA MẸ ĐI, CỐ GẮNG LÀM THÊM, ĐỪNG CÓ ÉP MẤY THÂN GIÀ Ở QUÊ ĂN MẮM HÚP CHÁO GỬI TIỀN NUÔI MÌNH Ở THÀNH PHỐ UỐNG SỮA TƯƠI, TẬP GYM, HỌC HÁT)

Sao không đi xa xa chút mà mần, về quê tổ chức sản xuất kinh doanh. Sợ gì mà không đi? Hay làm biếng? Chả có gì nhàn hạ mà kiếm nhiều tiền cả. Như dượng nè, cũng có hạc hòm hạc vị, nhưng vẫn bỏ đi trồng nấm trồng hoa. Nếu giờ dượng đi bán rau ngoài chợ vẫn làm, chả sợ ai. Gương mặt thanh tú và đôi tay búp măng ấy sẽ gói rau thoăn thoát, nụ cười sáng bừng cả góc chợ. Ai khinh kệ mẹ nó. Việc mình mình làm, hơi đâu để ý. Mình có ăn cắp tiền hay ăn bám của ai đâu. Đứa nào nó khinh kiểu sĩ phu Bắc Hà, mình ra tay liền cho dượng. Trai thì bóp vái, gái thì bóp dú. Chỉ thẳng vào mặt nó. Nói tao làm gì kệ tao, miễn là lương thiện. Không làm gì mà suốt ngày chỉ nói này nói nọ mới là đứa nhảm nhí.

Dượng đọc báo cáo tài chính các công ty, thấy bắt mệt. Có tiền mà, có trăm triệu đô la thì hãy đầu tư trung tâm R&D để phát triển công nghệ như Apple, Samsung.. chớ. Cứ chực đánh quả không. Vẽ vời chi mấy cái viển vông dự án, cổ phiếu cổ đông gì đó rồi người ta lao vô thì úp sọt hết. Nền kinh tế gì cứ ở chung cư, biệt thự nghỉ dưỡng và mua qua bán lại cổ phiếu vậy?

Phải sản xuất và sản xuất, chưa đủ trình làm smartphone như Hàn Quốc thì phải đủ gà vịt để ăn. Chứ 70% dân số nghề nông mà gà cũng nhập, bò cũng nhập, heo cũng nhập, tăm xỉa răng cũng nhập? Mình hay nói “phi thương bất phú” nhưng không đúng đâu. Hiểu sai nên nhà mặt tiền nào cũng “ thương” để mà “ phú”. Hạc sinh giỏi chọn vào kinh tế ngoại thương ngân hàng chứ hẻm chịu vô cơ khí điện tử hóa chất. Đứa nào ra trường chỉ chực xin việc chứ hẻm chịu mở cái lò rèn, giả dụ, hạc cơ khí ra, làm cuốc xẻng để lên mạng quảng cáo xuất khẩu. Mấy nước ôn đới họ vẫn nhập cuốc xẻng để làm vườn và xúc tuyết từ Thái Lan đấy thôi. Lê Quý Đôn nói “ phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phí trí bất hưng, phi nông bất ổn”, tức nếu muốn giàu có, phải làm công nghiệp. Nếu muốn ổn định, phải đầu tư nông nghiệp. Muốn hưng thịnh đất nước, phải đầu tư giáo dục. Và muốn xã hội nó nhộn nhịp, người dân lanh lợi..thì phải có giao thương.

“Phi công” nghĩa là “không công nghiệp”, chứ hẻm phải nghề lái máy bay. Nghe phi công bất phú, tưởng nghĩa đen thì mệt nha. Các bạn gái trong CLB con dượng thấy thằng nào làm nghề phi công, nó mê mình1 cái thì gật đầu chịu liền. Lấy liền liền cho dượng. Nó giàu lắm, khỏe mạnh ít tốn tiền thuốc thang bệnh tật.

Vui lòng đọc lại bài này 1 lần nữa rồi vươn vai đứng dậy lao ra đường mần ăn. Ông bà mình nói “Cho bạc cho vàng, không ai trỏ đàng đi buôn”, đi buôn ở đây có nghĩa là làm ăn, sản xuất. Người ta không trỏ vì người ta sợ trỏ xong, đứa kia giàu có hơn mình. Trừ Dượng.
Vì Dượng giàu quá.

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Thiết kế cuộc đời

Có những con người, 60 tuổi vẫn loay hoay tìm lẽ sống

Có những con người, nhắm mắt xuôi tay khi ước mơ vẫn cứ còn dở dang

Có những con người, một ngày sống là một ngày vui. Buổi tối trước khi ngủ, nhìn lại một ngày, họ mỉm cười và giấc ngủ đến với họ thật bình yên. Sáng dậy, khi tung chăn và mở cửa sổ hít gió trời, họ lại tràn đầy năng lượng cho một ngày mới...

Vậy, cái gì khiến họ có được niềm vui đó?

1. Nói nôm na như vầy, đời người, mình phải có sứ mạng, mission of life. Mình sinh ra trên trái đất này, rồi khi mình chết đi, điều gì khiến mình hạnh phúc nhất khi đạt được? Đó chính là mission của cuộc đời.

Có bạn chọn misssion đời mình là 1 nhà giáo dục. Thì con đường mình đi phải là con đường giáo dục, dù có lúc muốn buông xuôi. Đừng nghe lời rủ rê của người khác mà đi buôn, hay làm nghề khác. Ngay cả đi buôn thành công, thì mình cũng thấy số tiền mình kiếm được chẳng ý nghĩa gì. Bạn chỉ hạnh phúc khi thấy học trò mình thành đạt, biển rộng trời cao vẫy vùng....

Có bạn chọn mission cuộc đời mình là thầy thuốc. Thì cứ tập trung sự nghiệp ấy. Học xong bác sĩ, lên chuyên khoa cấp 1 cấp 2, rồi đi tu nghiệp nước ngoài, rồi về nước tham gia các chương trình giúp đỡ bệnh nhân vùng sâu vùng xa, có thể mở phòng mạch tư, bệnh viện tư...nhưng không được xem lợi nhuận là mục đích duy nhất. Nó trái với mission của đời mình, sẽ khổ tâm.

Có bạn chọn mission đời mình là một thầy tu. Thì hãy thật bình yên trong trái tim, tốt đời, đẹp đạo. Nếu chọn là một nhà khoa học, hãy khoác chiếc áo blouse vào và gắn bó với phòng thí nghiệm nhiều hơn ở quán cà phê hay vũ trường. Bạn chọn cuộc đời là một kiến trúc sư, luật sư, nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn, điện ảnh, môi trường, xã hội,...thì kiên quyết theo đuổi mission đó.

Có bạn chọn mission đời mình là một nhà doanh nghiệp, thì thông thoáng, hào sảng bao dung để làm một doanh nhân lớn. Tony có một người bạn, mặc dù xác định mission đời mình là làm chủ doanh nghiệp, nhưng học thạc sĩ cũng đi, học tiến sĩ cũng tham gia. Rồi lúc thì giảng dạy, lúc thì làm thuê tập đoàn nước ngoài này, rồi lại đi du học, rồi dự định ở lại nước ngoài, rồi thấy không ổn, lại trở về. 60 tuổi mà mọi thứ đều dang dở, dù người ngoài nhìn vào, ai cũng khen anh thành đạt, nhưng anh thì chẳng hài lòng. Vì anh đã thiết kế sai cuộc đời của mình, không đủ bản lĩnh để từ chối cơ hội, không dám rẽ ngang để đi đúng mission của cuộc đời mình. Lúc anh định mở chuỗi cửa hàng Phở, thì một tập đoàn nước ngoài mời anh làm với mức lương quá cao, anh lại tiếc, lại đi làm cho nước ngoài. Xong 2-3 năm, thấy không thú vị với việc làm nữa, nhưng khởi nghiệp thì anh sợ. Vì không dám đánh đổi một tháng mất cả chục ngàn đô tiền lương, trước một việc kinh doanh chưa biết có thành công hay không. Cứ thế, anh khổ tâm mãi, dằn vặt mãi....

Có bạn mission của cuộc đời là có một gia đình bình yên, đặc biệt là các bạn nữ. Mình có mission vậy thì hãy vui thú trong việc học nấu ăn, thêu thùa, cắm hoa, làm vườn...chứ bon chen đấu trí chi để vô ĐH Harvard. Chỉ tốn thời gian của các bạn, và lãng phí công đào tạo của xã hội nữa, ví dụ, học kỹ sư cơ khí đã đời, ra trường bạn chỉ thích cắm hoa, thì thôi, xác định lúc đầu, đỡ phải gồng người 5 năm trong trường suốt ngày gò đẽo phôi thép...

Nên các bạn trẻ phải xác định mission của cuộc đời mình, càng sớm càng tốt, không vội vã để xác định nhầm, không có chuyện tháng này mission của em thế này, tháng sau thành cái mission khác. Bạn nào suy nghĩ như vậy là chưa trưởng thành, cần xác định lại.

2. Khi xác định mission rồi, thì lên kế hoạch thực hiện. Chia thành 10 năm, gọi là objectives. Nguyễn thị X của năm 2025, X của năm 2035, X của năm 2045...Lúc đó, X sẽ là, sẽ là....

Sau khi có objective rồi, mình làm kế hoạch, plan. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, lần thứ 2. Ví dụ X có mission là một nhà giáo dục, thì kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là sẽ đi học cao lên. Rồi kế hoạch 5 năm lần thứ 2 là sẽ trở thành hiệu phó chuyên môn của một trường nào đó. Rồi X của năm 2055 là trở thành nhà giáo nhân dân, mặc áo dài đỏ ngồi trên cao để học trò tới mừng thượng thọ...

Kế hoạch 5 năm sau khi mình lập xong, mình chia thành các target từng năm một, tức các cột mốc năm với chỉ tiêu cụ thể mình phải hoàn thành. Đến hết năm 2015, mình phải học để có bằng Toefl 100, phải đi được 2 nước, phải giúp được bao nhiêu người, phải có trong account là x đồng...

Tony có anh bạn, mission của anh ấy là cua gái, cha mẹ để lại tài sản nhiều quá nên anh chỉ sung sướng khi có nhiều người yêu. Anh nói, Tony, mission of my life là một gã Don Juan phiêu bạt, đến lúc 80 tuổi, mục tiêu là có 100 nhân tình tôi mới nhắm mắt xuôi tay được. Giờ tôi 40 tuổi và đã có 20 nhân tình rồi, vậy thì trong năm 2015 này, tôi phải kiếm cho được bao nhiêu người đẹp để hoàn thành target?"

(nguồn : Tony Buổi Sáng)
 
Ăn trưa cùng Tony


Lúc còn học ở Harvard, một bữa tiệc tối nọ, Tony ngồi cùng bàn với 9 người đủ mọi quốc tịch. Lúc đợi thức ăn dọn ra, mọi người nói về tác phẩm The Alchemist. Tony ngồi mà không biết nói gì vì mình chưa đọc tác phẩm đó, và cũng chưa nghe ai nói. Nhưng thấy các bạn trong bàn, từ anh người Ý đến chị người Nga, anh bạn Trung Quốc đến chị Ấn Độ, thậm chí cô bé người Chile nói cô là người thiểu số, cũng vì tác phẩm ấy mà cô đã thay đổi số phận và đến ngôi trường này, bây giờ có mặt ở sân trường Harvard.



Mọi người ngạc nhiên khi nghe Tony nói tao chưa nghe tác phẩm này bao giờ. Vì từ lúc ra đời năm 1988 đến nay, 65 triệu bản chính thức đã được bán ra, được dịch ra hầu như mọi ngôn ngữ trên thế giới. Tác phẩm chấp cánh cho hàng triệu triệu thanh niên đi tìm hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình, tìm đúng mission của mình, và rất nhiều người thành đạt, thành công, thành nhân...đều nói tao đã biết ơn cuốn sách. Cuốn sách này được xem như là cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, một số nước còn đưa vô giảng dạy phổ thông, phỏng vấn xin việc cũng hỏi ứng viên quan niệm thế nào về tác phẩm này...

Tony thấy hơi quê quê nên mới đi tìm mua đọc. Sau đó đi đây đi đó, ở các sân bay quốc tế, mới thấy thanh niên đẳng cấp ai ai cũng cầm đọc sách lúc đợi máy bay, không ngồi nghịch điện thoại. Trong đó, tác phẩm The alchemist luôn được họ đọc một cách say mê.

Ở Việt Nam, tác phẩm này được dịch với tên gọi Nhà giả kim. Các bạn hãy đến nhà sách, hoặc mua online để đọc nhé, cố gắng đọc trong 2 tuần phải xong. Đọc xong gửi email cảm nhận về tonybuoisang@gmail.com. Nên đọc sách giấy hơn là ebook. từng bước tạo tủ sách cho mình, tủ sách cũng quan trọng như tủ thuốc gia đình vậy.

Mọi bài viết cảm nhận về cuốn "quốc gia khởi nghiệp" và "nhà giả kim" đều sẽ được Tony đọc qua và phản hồi. Riêng bạn nào viết hay và có action, sẽ được Tony mời đi ăn trưa miễn phí.

..........

Bạn nào muốn được cùng ăn trưa với Chú Tony thì mau mau lên nhé. Riêng mình thì ở xa quá đi cơ..
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top