Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào ?

Người Liên bang Số 51 (tiếp theo)​


Có hai xem xét đặc biệt áp dụng đối với hệ thống Liên bang của Mỹ làm cho hệ thống phân quyền và đối trọng này trở nên rất đáng quan tâm.

Thứ nhất, trong một nước cộng hòa đơn lẻ, mọi quyền lực của dân chúng đều được trao nộp cho cơ quan điều hành của một chính phủ độc nhất. Sự lạm quyền được kiểm soát và đề phòng bởi việc chia chính quyền này thành những bộ phận và ban ngành tách biệt nhau.

Trong nhà nước Cộng hòa Liên bang Mỹ, mọi quyền lực của dân chúng, trước tiên, được phân chia giữa hai chính phủ riêng biệt. (Tức là giữa chính quyền tiểu bang và liên bang - ND).

Sau đó, các quyền được trao này lại được phân chia nhỏ ra giữa các nhánh chính quyền khác nhau. Do đó, sự an toàn đảm bảo quyền lợi của dân chúng sẽ được nhân đôi. Những chính quyền khác nhau đó sẽ kiểm soát lẫn nhau và đồng thời bản thân mỗi chính quyền cũng tự kiểm soát chính mình.

Thứ hai, điều vô cùng quan trọng trong một nhà nước cộng hòa, đó là không phải chỉ bảo vệ xã hội chống lại sự đàn áp của những người cầm quyền mà còn phải bảo vệ bộ phận dân chúng này chống lại sự bất công, đàn áp của bộ phận dân chúng khác. Trong những tầng lớp dân chúng khác nhau, tất yếu phải tồn tại những lợi ích khác nhau. Nếu đa số thống nhất một lợi ích chung thì quyền của thiểu số sẽ không được an toàn.

Lại có hai giải pháp để đối phó với nguy cơ này. Thứ nhất là tạo ra một ý muốn của cộng đồng, độc lập với ý muốn của đa số, tức là tạo ra một lợi ích chung cho toàn xã hội. Thứ hai, bởi việc phân chia toàn xã hội thành nhiều nhóm riêng biệt, làm cho việc thống nhất ý định không đúng đắn của đa số trở nên vô cùng khó khăn và không thể thực hiện được.

Giải pháp đầu tiên thường được dùng trong các chính quyền cha truyền con nối, hoặc tự phong chức cho bản thân (tức là một nhà độc tài, không cần sự chấp thuận của dân chúng -ND). Ðây là cách tốt nhất, nhưng chỉ là một giải pháp an toàn tạm thời, vì ý chí độc lập với toàn xã hội cũng có thể chấp thuận theo ý muốn của đa số, hoặc theo ý muốn của thiểu số, hoặc có thể chống lại ý muốn của cả hai phe phái này.

Giải pháp thứ hai là ví dụ minh họa điển hình cho nhà nước Cộng hòa Liên bang của Hợp chúng quốc. Trong khi tất cả uy quyền của nhà nước đều bắt nguồn và phụ thuộc vào bản thân xã hội và bản thân xã hội cũng tự chia thành các phe phái khác nhau về lợi ích và tầng lớp của dân chúng nên quyền lợi của những cá nhân hoặc của thiểu số ít bị nguy hiểm hơn từ sự kết hợp lợi ích của đa số.

Trong một chính thể tự do, quyền tự do về chính trị của công dân cũng phải được đảm bảo như các quyền tự do tôn giáo. Xã hội sẽ chia thành nhiều phe phái với các lợi ích khác nhau, cũng như chia thành nhiều tôn giáo khác nhau. Mức độ an toàn trong cả hai trường hợp đều phụ thuộc vào số nhóm lợi ích và số giáo phái. Điều này phụ thuộc vào phạm vi của quốc gia, cũng như qui mô dân số trong chính quyền đó.

Quan điểm này đặc biệt đề xuất mô hình chính quyền liên bang cho những công dân ngay thẳng và cẩn thận tán thành nền cộng hòa, vì nếu lãnh thổ rộng lớn như Liên minh của chúng ta phân chia thành nhiều Hợp bang riêng rẽ của các tiểu bang, việc thống nhất ý muốn của đa số trở nên dễ dàng hơn.

Như vậy, sự đảm bảo an toàn tốt nhất cho quyền lợi của mọi tầng lớp dân chúng theo thể chế nhà nước cộng hòa sẽ bị yếu đi và tiếp theo sự vững vàng và độc lập của các thành viên trong chính phủ, sự đảm bảo an toàn duy nhất còn lại, sẽ tăng lên tương ứng.

Công lý là mục đích của mọi chính phủ. Đó cũng là mục tiêu của mọi xã hội văn minh. Đó là điều mà loài người đang và sẽ còn theo đuổi cho đến khi đạt được hoặc cho đến khi không còn được tự do để theo đuổi nữa. Trong một xã hội, khi những phe phái mạnh hơn có thể dễ dàng hợp nhất và chèn ép các phe yếu, tính trạng vô chính phủ tất yếu sẽ xuất hiện như trong nhà nước nguyên thuỷ, nơi những kẻ yếu không được bảo vệ chống lại những kẻ mạnh.

Trong nhà nước nguyên thuỷ, ngay cả kẻ mạnh cũng bị tình trạng bất ổn hối thúc đòi phải thiết lập một chính thể, sao cho có thể bảo vệ cho cả kẻ yếu cũng như bảo vệ chính bản thân mình. Trong nhà nước cộng hòa, những phe phái mạnh sẽ dần dần được hình thành nhờ cùng chung một động cơ, cũng mong ước thiết lập được một chính phủ để bảo vệ tất cả các phe phái, yếu cũng như mạnh.

Chẳng nghi ngờ gì khi nói rằng nếu Tiểu bang Rhode Island tách khỏi Liên minh để tự tồn tại riêng rẽ thì những quyền lợi trong một nhà nước quá chật hẹp như vậy, sẽ không thể được an toàn bởi sự chèn ép của những bè phái đa số xấu xa, nên những phe phái bị chèn ép sẽ đòi thiết lập một chính quyền độc lập, không thể cho phép đa số thực hiện được mong muốn của mình. Đây là minh chứng cho sự cần thiết của một nhà nước liên bang rộng lớn.

Trong nhà nước cộng hòa rộng lớn như Hợp chúng quốc, những lợi ích, những phe phái và những tôn giáo trở nên rất đa dạng. Một đa số trong xã hội hiếm khi thống nhất vì bất kỳ một mục tiêu nào khác, ngoài những mục tiêu công bằng và thịnh vượng chung cho toàn xã hội. Nhờ đó, thiểu số sẽ ít bị nguy hiểm hơn do ý muốn của đa số.

Để đảm bảo sự an toàn cho thiểu số, chính quyền phải hình thành một ý muốn không phụ thuộc vào đa số hay nói cách khác, một ý muốn độc lập với chính bản thân xã hội. Điều này thực sự quan trọng, bất chấp những quan điểm trái ngược có hình thành đi chăng nữa, miễn là ý muốn này nằm trong sự kiểm soát và trong một xã hội càng rộng lớn, càng có khả năng hình thành một xã hội tự trị.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top