Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào ?

Thư của Elbridge Gerry trình bày lý do không ký vào bản Hiến pháp​


Gerry là một trong ba đại biểu có mặt tại Hội nghị trong ngày cuối cùng và ông cũng là người có đóng góp rất lớn trong quá trình thảo luận. Nhưng ông dứt khoát từ chối đặt tên mình vào văn bản này.

Bức thư sau đây của ông gửi Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện tiểu bang Massachusetts để trình bày những lý do buộc ông không thể ký vào văn kiện này.

Gửi Ngài Samuel Adams, Chủ tịch Thượng viện, và Ngài James Warren, Chủ tịch Hạ viện tiểu bang Massachusetts.

Thưa các Ngài,

Tôi có vinh dự được gửi kèm đây, theo đúng bổn phận của tôi, bản Hiến pháp được soạn thảo và ký kết tại Hội nghị Lập hiến vừa qua. Nhưng tôi buộc phải thể hiện sự bất đồng đối với hệ thống này và sẽ đệ trình cụ thể những lời phản đối của tôi lên Quốc hội tiểu bang.

Ðây thật sự là một nỗi đau đớn của tôi về một vấn đề đặc biệt quan trọng như vậy đối với quốc gia chúng ta, khi quan điểm của tôi khác biệt với những thành viên đáng kính khác, những người đã ký vào bản Hiến pháp này. Nhưng những suy nghĩ mà tôi thật sự cảm thấy là quyền tự do của nước Mỹ không được hệ thống này đảm bảo. Nên bổn phận của tôi là phải chống lại bản Hiến pháp.

Những phản đối cơ bản của tôi là văn bản này không có những điều khoản tương xứng thể hiện quyền lợi của dân chúng; họ không được đảm bảo quyền bỏ phiếu; một số quyền lực của các cơ quan lập pháp là không rõ ràng, và còn có những điều nguy hiểm và mập mờ khác; nhánh hành pháp lại được pha trộn và có ảnh hưởng quá mức đối với cơ quan lập pháp; còn bộ máy tư pháp lại quá yếu thế; các hiệp ước, có thể là quan trọng nhất, lại do chính Tổng thống ban hành cùng với sự chấp thuận của hai phần ba Thượng viện và hệ thống này không được đảm bảo bởi Dự luật về các quyền. Những lời phản đối này không chỉ riêng vì tiểu bang chúng ta mà còn vì tất cả các tiểu bang khác.

Khi Hội nghị này được triệu tập, thì mục đích duy nhất và rất rõ ràng là "chỉnh sửa Các điều khoản Hợp bang, để báo cáo Quốc hội Hợp bang và các cơ quan lập pháp tiểu bang những thay đổi và các điều khoản bổ sung để bản Hiến pháp Liên bang trở nên tương xứng với tình trạng cấp bách của liên minh hiện nay và để duy trì sự tồn tại của Liên minh", tôi không nghĩ rằng các quyền lực này mở rộng tới mức hình thành một mô hình chính quyền như vừa được đề nghị, nhưng Hội nghị lại tiến hành theo cách thức này, mặc dù tôi hoàn toàn tin rằng để duy trì Liên minh, một chính quyền có hiệu quả là rất cần thiết và điều này sẽ gặp khó khăn nếu chỉ tiến hành sửa đổi Các điều khoản Hợp bang.

Bản Hiến pháp vừa được đề nghị có một số đặc điểm của chính quyền liên bang, nhưng gần giống một chính quyền quốc gia hơn. Tuy nhiên, tại nhiều khía cạnh, tôi nghĩ rằng văn bản này thật sự có giá trị lớn lao. Cùng với một vài tu chính án thích hợp, văn kiện này có thể đáp ứng được "tình trạng khẩn cấp của liên minh và bảo đảm tự do cho các công dân".

Những nghi ngờ về kế hoạch này liên quan đến nhiều điểm đặc biệt quan trọng khác: 1. Liệu sự giải tán chính quyền liên bang có xảy ra không? 2. Liệu các chính quyền tiểu bang có phải thay đổi do ảnh hưởng của sự giải tán này không? 3. Liệu mô hình quốc gia như bản Hiến pháp hiện nay đề nghị mà không cần sửa đổi có thể thay thế được chính quyền hợp bang và tiểu bang không?

Có lẽ là chưa bao giờ dân chúng được yêu cầu quyết định một vấn đề quan trọng như vậy. Nếu các công dân nước Mỹ chấp nhận phương án này thì tự do của họ sẽ bị đánh mất. Nhưng nếu bác bỏ thì tình trạng vô chính phủ có thể xảy ra. Do vậy, rõ ràng là họ không thể vội vàng quyết định được. Cần phải hiểu vấn đề này kỹ lưỡng hơn để họ không phải rút lại sự ủng hộ dành cho chính quyền, sau khi vừa vội vàng chấp nhận nó.

Nếu những người ủng hộ bản Hiến pháp, cũng như những người chống đối giữ thái độ ôn hòa, thận trọng và bình tĩnh, thì những cuộc thảo luận và trao đổi có thể mang lại nhiều thông tin hơn, và cuối cùng sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

Có thể một số người thuyết phục rằng dân chúng đặt toàn bộ niềm tin của họ vào Hội nghị này. Nhưng dù những cá nhân rất đáng kính trọng đã ký vào bản Hiến pháp, thì cũng phải chấp nhận rằng những công dân tự do mới chính là những người bảo vệ tốt nhất quyền lợi và sự tự do của họ, vì thậm chí, ngay cả những người vĩ đại nhất cũng có thể sai lầm và đôi khi lỗi lầm của họ lại có hậu quả rất khủng khiếp.

Những người khác đề nghị rằng Hiến pháp nên được chấp thuận nhanh chóng vì sau này còn có các điều khoản sửa đổi và bổ sung khi thấy cần thiết. Nhưng liệu có một bản Hiến pháp nào khác được xây dựng hoàn hảo hơn trước khi thông qua không? Liệu một người tự do có nên chấp thuận một mô hình chính quyền không, khi biết chắc rằng rồi cái mô hình này lại cần phải sửa đổi?

Một số người khác cho rằng nếu như dân chúng không thống nhất về kế hoạch này thì họ cũng không thể thống nhất về một kế hoạch khác. Nhưng chắc chắn là trong khi họ có quyền sửa đổi, thì họ không cần thiết phải bác bỏ kế hoạch này.

Tôi đã ở lại đây lâu hơn dự định, nhưng trong một hai ngày tới, tôi sẽ về Massachusetts. Khi trở về, tôi sẽ đệ trình những lý do (nếu như cơ quan lập pháp của tiểu bang yêu cầu) về những bất đồng của tôi.

Tôi muốn nói thêm rằng sự thịnh vượng của liên minh chúng ta đòi hỏi một bản Hiến pháp tốt hơn Các điều khoản Hợp bang hiện nay. Tôi nghĩ đó là bổn phận của tôi, là công dân của Massachusetts, phải ủng hộ một bản Hiến pháp tốt nhất, với niềm hy vọng rất chân thành rằng bản Hiến pháp đó sẽ đảm bảo quyền tự do và hạnh phúc cho mọi người dân Mỹ.

Với những lòng thành kính nhất đối với cơ quan lập pháp và chính bản thân các Ngài.
 
Thư của Sherman và Ellsworth gửi Thống đốc tiểu bang Connecticut​


New London, ngày 26 tháng Chín năm 1787.​

Trân trọng kính gửi Ngài Thống đốc Huntington.

Thưa Ngài,

Chúng tôi có vinh hạnh được gửi tới Ngài bản in Hiến pháp chính thức mà Hội nghị Liên bang nhóm họp vừa thông qua để Ngài đệ trình lên cơ quan lập pháp của tiểu bang chúng ta.

Những nguyên tắc chung của những cuộc thảo luận cẩn thận và chín chắn tại Hội nghị về vấn đề lớn lao này đã được trình bày trong bức thư gửi Quốc hội. Chúng tôi nghĩ rằng cần những giải thích chi tiết hơn về một vài điểm cụ thể trong bản Hiến pháp.

Quốc hội được tổ chức khác nhau, nhưng về tổng thể, số thành viên và tỷ lệ bỏ phiếu của tiểu bang chúng ta vẫn giữ nguyên như trước đây. Quyền đại diện bình đẳng tại Thượng viện và quyền lực của cơ quan này trong việc bổ nhiệm các viên chức chính phủ sẽ bảo đảm quyền của các bang nhỏ cũng cân bằng với các bang lớn.

Quốc hội cũng được trao thêm một số quyền lực. Đó là mục tiêu chính yếu mà các tiểu bang đều nhận thức được trong việc bổ nhiệm các đại biểu tham dự Hội nghị này. Những quyền lực mở rộng đó chỉ đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của Liên minh và được xác định cụ thể, sao cho tất cả các tiểu bang khác đều duy trì và bảo đảm được quyền của họ trong tất cả các lĩnh vực còn lại.

Những mục đích mà Quốc hội sử dụng tiền cũng giống như những qui định trong mục 8 của Các điều khoản Hợp bang, tức là cho các công việc phòng thủ và sự thịnh vượng chung và trả những món nợ phát sinh từ những mục đích này. Ngân sách chủ yếu sẽ được thu bằng việc đánh thuế các hàng hóa nhập khẩu.

Cũng có thể là thu thuế trực tiếp từ các tiểu bang theo số dân. Mặc dù Quốc hội có quyền xây dựng ngân sách, nếu thấy cần thiết. Nhưng quyền này có thể không cần đến, nếu các tiểu bang đều đảm bảo đóng góp đủ định mức của mình.

Một mặt, Hội nghị này đã cố gắng đảm bảo thiết lập một chính quyền hiệu quả và mạnh mẽ, mặt khác, lập ra những kiểm soát thích hợp nhằm bảo đảm quyền lợi của các bang, đảm bảo sự tự do và thịnh vượng của mọi công dân. Chúng tôi mong ước nhận được sự chấp thuận của tất cả các tiểu bang để bản Hiến pháp này trở thành công cụ bảo đảm các quyền và sự yên bình của họ.
 
Thư của Edmund Randolph gửi Chủ tịch Hạ viện tiểu bang Virginia​


Edmund Randolph là Thống đốc đương nhiệm của Virginia, người trình bày Phương án Virginia và đưa ra những nét đầu tiên về chính quyền liên bang. Nhưng cuối cùng, khi Hội nghị kết thúc, ông lại từ chối ký vào văn bản này.

Bức thư này trình bày chi tiết mọi suy nghĩ của Randolph về bối cảnh của nước Mỹ từ khi giành được độc lập, những khó khăn và trục trặc mà chính quyền Hợp bang đang vấp phải và những lý lẽ buộc ông không thể ký vào văn bản này.

Tuy nhiên, sau đó, Randolph quay sang ủng hộ bản Hiến pháp và trở thành Tổng chưởng lý đầu tiên trong chính quyền của Washington. Đây là một bức thư rất đầy đủ và toàn diện về tình hình nước Mỹ thời gian đó.

Richmond, ngày 10 tháng Mười năm 1787.​


Thưa Ngài,

Bản Hiến pháp, như tôi gửi đến Quốc hội Tiểu bang trong bức thư chính thức, đã không có chữ ký của tôi. Thưa Ngài, sự kiện này dù thật là bình thường, nhưng cũng khá quan trọng, ít nhất là đối với cá nhân tôi, bởi một vài đại biểu Quốc hội có thể hiểu nhầm và một vài người khác có thể bóp méo sự kiện này.

Tôi khinh thường việc giấu giếm các lý do cho việc từ chối đặt chữ ký của tôi, như tôi luôn luôn như vậy, bây giờ vẫn vậy và sẽ mãi mãi như vậy, sẵn lòng nói hết những lý do này cho tất cả mọi người. Vì thế, tôi thiết tha mong muốn được trình bày tất cả những điều này đối với cơ quan lập pháp tiểu bang mà tôi là người đại diện tại Hội nghị Liên bang.

Tôi tin rằng bức thư này sẽ trình bày tổng thể tình trạng liên bang hiện nay. Xin Ngài hãy tha thứ vì tôi buộc phải vượt quá giới hạn của một bức thư.

Trước chuyến đi đến Hội nghị, tôi nghĩ rằng Liên minh của chúng ta không quá khiếm khuyết như vẫn thường được nói. Nhưng sau khi trao đổi với những đại biểu có được các thông tin tốt nhất về điều kiện và lợi ích của từng tiểu bang, sau khi tôi so sánh những kiến thức của họ về vấn đề này để xác định những đặc tính của chính quyền liên minh, thì tôi tin rằng Các điều khoản Hợp bang không đủ quyền lực cần thiết. Đó là điều mà bản Hiến pháp của Hợp chúng quốc cần phải có.

Thực vậy, trong trình trạng khẩn cấp của cuộc chiến tranh, những thành tựu của bản Hiến pháp này lại quá ít ỏi. Sự phê chuẩn [của tiểu bang cuối cùng] bị hoãn lại cho tới tận đầu năm 1781. Nhưng dù ngắn ngủi, giai đoạn này cũng nổi bật vì những sự thật đen tối và ảm đạm do sự bất lực của chính quyền trong việc duy trì sự cân bằng và bình yên trên đất nước này, trong việc chống lại những âm mưu muốn giành lấy quyền lực của Quốc hội Hợp bang, trong việc đòi các tiểu bang đóng góp tài chính cho liên bang và trong việc tuyển mộ binh lính cho Quân đội Hợp bang.

Tôi không liệt kê tất cả những chuyện này ra ở đây mà muốn Ngài nhớ lại tất cả những điều đó, những bản báo cáo của Quốc hội sẽ minh chứng cho những điều này.

Trong thời bình dù chưa phải là quá dài, nhưng cứ mỗi năm lại chứng kiến những thảm họa ngày càng tồi tệ hơn và ngày càng có nhiều bằng chứng về những chuyện này, thậm chí, đôi khi các nghĩa vụ với Hợp bang cũng bị chống đối. Theo yêu cầu của Quốc hội, tôi đã đệ trình một bản báo cáo thật ảm đạm, nhưng không hề phóng đại những mất mát niềm tin, danh dự và cả hạnh phúc của chúng ta, do những tai họa này gây ra.

Một số người nhiệt thành nhưng khờ dại tin rằng những điều tồi tệ này đã qua và sẽ chẳng bao giờ quay lại. Không, thưa Ngài, chúng sẽ trở lại nếu như bản Hiến pháp đương thời của chúng ta vẫn còn tồn tại và sẽ còn mang lại tai họa nặng nề hơn. Thậm chí, không thể dự đoán được phạm vi và mức độ thiệt hại có thể gây ra.
 
Thư của Randolph gửi Chủ tịch Hạ viện tiểu bang Virginia (tiếp theo)​


Liệu chúng ta cần trang bị súng đạn cho những công dân này chống lại các công dân kia và làm họ quen với bạo lực, với đổ máu chết chóc chăng? Liệu chúng ta có nên mạo hiểm gây ra những thương tổn chiến tranh để chuốc lấy sự hận thù chẳng bao giờ mất đi không?

Liệu một đội quân quen dùng chiến tranh để thiết lập trật tự là không đáng lo ngại chăng? Ðừng để những điều này trở thành những mối nguy hiểm thật sự. Chúng ta nên tìm một giải pháp khác thay thế, trong đó, các cá nhân sẽ tự nguyện đóng góp cho tiểu bang. Các cơ quan lập pháp tiểu bang, thay vì cưỡng ép, sẽ đề ra các đạo thuế phù hợp và bảo đảm công bằng...

Tiếp theo, chính quyền liên bang sẽ có trách nhiệm buộc các quốc gia bên ngoài hủy bỏ bất kỳ biện pháp ngăn cấm nào đối với công dân chúng ta, buộc họ phải tôn trọng quyền lợi của quốc gia chúng ta. Có thể sẽ thiết lập những điều khoản cơ bản cho sự phản đối và trả đũa trong những vấn đề dễ gây xung đột thương mại và cách thức thanh toán các hợp đồng.

Tiếp theo, liên bang cũng là người phán xử tối cao, điều chỉnh mọi tranh chấp giữa các tiểu bang. Do vậy, liên bang cần phải nắm dây cương trong mọi quan hệ giữa các tiểu bang, đặc biệt là vấn đề thương mại dễ gây bất đồng nhất.

Ngoài ra, liên bang phải bảo vệ mọi tiểu bang chống lại những rối loạn trong nước cũng như sự xâm lược từ nước ngoài.

Và cuối cùng, chính quyền liên bang sẽ là chỗ dựa vững chắc để chúng ta được đối xử và coi trọng tương xứng với địa vị và các nguồn lực của đất nước chúng ta.

… Thưa Ngài, bây giờ cho phép tôi tuyên bố rằng theo sự phán xét tầm thường của cá nhân tôi, những quyền lực xứng đáng đó chỉ dành riêng cho chính quyền quốc gia, nên không thể sửa đổi Các điều khoản Hợp bang mà không thay đổi bản chất của bộ luật này. Hay nói cách khác, Các điều khoản Hợp bang cần phải để riêng ra một chỗ, bởi vì của những yêu cầu đóng thuế và cung cấp binh lính đều không được đáp ứng và cần có những quyền hạn để thực thi những đòi hỏi này.

Với tư cách là một công dân, tôi tán thành việc bổ sung thêm các quyền lực. Nhưng những quyền lực được chúng ta đồng ý bổ sung này sẽ trao cho cơ quan nào? Cho Quốc hội Hợp bang ư? Như trước đây, tôi thường chỉ trích khiếm khuyết trong quyền hạn của Quốc hội và thường nói rằng cơ quan tối cao của liên bang không nên bị hạn chế quyền đó. Dù tôi luôn luôn bày tỏ lòng kính trọng đối với Quốc hội Hợp bang và những đại biểu khả kính thì tôi vẫn muốn thể hiện sự thiếu thiện cảm và thiếu niềm tin đối với chính quyền đó. Những lời phản đối của tôi không phải là những lý thuyết suông mà là kết quả của những suy xét về nước Mỹ cùng với kinh nghiệm thu được từ các quốc gia khác:

1. Nếu quyền lập pháp và hành pháp đều ở trong tay một vài người, tất yếu sẽ dẫn tới sự chuyên quyền.

2. Sự đại diện của các tiểu bang không dựa trên mức độ quan trọng của họ. Việc đa số phải chấp thuận ý muốn của thiểu số là một điều phi lý.

3. Hình thức bầu cử và trách nhiệm pháp lý thường làm cho cho các đại biểu Quốc hội Hợp bang dễ mang tư tưởng phe phái và địa phương hơn là người đại diện cho toàn Hợp bang.

4. Sau nhiều năm nữa, các phe phái mạnh mẽ và mưu mô thâm hiểm sẽ xuất hiện.

5. Cơ quan lập pháp, với một viện duy nhất, đôi khi quá hấp tấp, thậm chí còn mang cảm tính.

6. Qui định cần 7 tiểu bang để thông qua một đạo luật đơn giản và cần 9 tiểu bang để thông qua đạo luật quan trọng sẽ làm gián đoạn mọi hoạt động có ích.

7. Cuối cùng, thật khó có thể đạt được sức mạnh, sự nhanh chóng và tính bí mật, điều cần thiết đối với một bộ máy hành pháp, trong một chính quyền quá đông đại biểu đến như vậy [ám chỉ Quốc hội Hợp bang].

Từ những chứng cứ đó, tôi cho rằng phải trao thêm những quyền lực mới cho một chính quyền mới để củng cố liên minh, nhưng một số tiểu bang đang trù tính rút khỏi liên minh, một số khác có thể liên minh với nhau trong phạm vi nhỏ hơn.

Việc rút khỏi liên minh là thật sự tồi tệ và không thể chấp nhận được vì cần phải hiểu rằng nếu không có liên minh, chúng ta sẽ chẳng làm được điều gì cả. Trước khi những âm thanh của cuộc chiến tranh vọng đến thì mọi nhịp đập của các thuộc địa khi đó đều hòa quyện với nhau. Kẻ thù không ngừng chia rẽ chúng ta, nhưng chính sách của tất cả các khóa Quốc hội Lục địa là đoàn kết mọi thuộc địa.
 
Thư của Randolph gửi Chủ tịch Hạ viện tiểu bang Virginia (tiếp theo)​


Không có ví dụ nào minh chứng rõ ràng hơn sự suy tính thận trọng về nền độc lập, bằng việc kiềm chế việc tuyên bố Ðộc lập cho tới khi hầu như mọi người dân Mỹ đều đòi tự do và độc lập.

Sau khi độc lập, chúng ta gặp những khó khăn vô cùng to lớn và trong những thời điểm hiểm nguy nhất, việc hồi tưởng lại sức mạnh của toàn xã hội không chỉ xua tan sự tuyệt vọng mà còn minh chứng cho Quốc hội thấy nền độc lập là mục tiêu vinh quang và cao cả nhất.

…Nhưng tôi kinh sợ về sự tan rã toàn bộ Liên minh bao nhiêu, thì tôi cũng khiếp sợ không kém khi nghĩ về việc những hợp bang nhỏ sẽ được thiết lập. Tôi cũng không cho rằng lúc này có những tiểu bang đang theo đuổi mục đích đó bởi đa số các tiểu bang đều rất quyến luyến với một liên minh toàn thể các tiểu bang.

Nhưng nếu Virginia muốn thành lập một hợp bang nhỏ hơn, hãy để tôi kêu gọi dân chúng tiểu bang xem xét kỹ lưỡng những hậu quả trước khi họ cố gắng xây dựng hợp bang nhỏ này.

Nếu điều đó xảy ra, sức mạnh của liên minh sẽ bị chia đôi, thậm chí chia ba. Nhưng dù sức mạnh của chúng ta tăng lên nhờ cuộc chiến tranh vừa qua thì liệu việc chia rẽ đó có đảm bảo được hạnh phúc của chúng ta không?

Bất kỳ Hợp bang nhỏ nào mà Virginia có thể tham gia đều phải bao gồm ít nhất ba tiểu bang miền Bắc và tiểu bang láng giềng phía Nam gần nhất. Nhưng sức mạnh của họ, cũng như bản thân chúng ta, đều suy giảm bởi sự bất đồng trong dân chúng.

Tôi lại có thể nghi ngờ liệu sau cuộc chiến tranh vừa qua, sự giàu có của Hợp chúng quốc có tăng lên không? Câu trả lời chắc chắc là không, vì gánh nặng nợ nần và tình trạng thương mại sút kém.

Liệu một hợp bang miền Bắc đó có thể duy trì một hạm đội và một đội quân thường trực không? Và dù có hạm đội và đội quân đó, thì liệu một hợp bang chồng chất những nợ nần, thương mại suy giảm và thiếu nhân lực như vậy, có thể đảm bảo được sự phòng vệ chung cho chính chúng ta trong một vài năm không?

Ðừng quên rằng các quốc gia đó có thể chống lại Hợp chúng quốc đòi quyền lợi cho mình và người cho vay có thể đòi khoản nợ từ bất kỳ ai. Vậy ai trong số họ sẽ là nạn nhân? Kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy ra là các tiểu bang miền Bắc, do tức giận vì bị trả đũa, sẽ liên minh với các tiểu bang khác hay thậm chí với châu Âu.

Với các bang khác trên lục địa, rõ ràng cần có một liên minh bao gồm tất cả các tiểu bang, còn nếu liên minh với các quốc gia châu Âu, tôi e sợ là nước Mỹ sẽ rối loạn và rơi vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất. Khi đó, ân hận về sự ngu xuẩn trong việc cầu viện bên ngoài sẽ quá muộn.

Hai hay nhiều hợp bang nhỏ tất yếu sẽ tranh giành quyền lực. Tình hữu hảo giữa các công dân Mỹ có từ xa xưa sẽ bị cắt đứt và thay vào đó là sự thù địch đầy cay đắng. Ðể chống lại những mối nguy hiểm xung quanh, ở nơi này hay nơi kia, chúng ta buộc phải thiết lập chính quyền quân sự.

Cuốn biên niên sử của thế giới đã có quá nhiều ví dụ về những dân tộc bị chia rẽ làm mồi cho các thế lực ngoại xâm. Tôi không thể ngăn cản được suy nghĩ này, nếu Liên minh của chúng ta bị chia cắt. Nếu chúng ta càng chia thành nhiều phần thì nguy cơ này càng lớn.

Thưa Ngài, tôi sẽ không thể liệt kê hết những điều tôi hình dung về những tai họa sẽ giáng xuống đầu nước Mỹ, nếu chúng ta chia rẽ và điều này sẽ không chấm dứt cho tới khi có một kẻ độc tài với những tội ác kinh khủng xuất hiện.

Do vậy, bây giờ tôi xin trình bày vấn đề cuối cùng. Giải pháp duy nhất cho mọi khó khăn của chúng ta là một liên minh vững chắc. Ðể đáp ứng mục tiêu mong muốn này, bản Hiến pháp đã được Hội nghị Liên bang soạn thảo. 11 tiểu bang và tiểu bang thứ 12 chỉ có một đại biểu đã chấp thuận bản này. Ngài Mason, tiểu bang Virginia; Ngài Gerry, tiểu bang Massachusetts và tôi đã từ chối ký. Hai đại biểu Robert Yates và John Lansing của tiểu bang New York cũng vậy.

Tôi hy vọng rằng các Ngài sẽ hài lòng với việc tôi từ chối ký, nếu tôi nói đó là bổn phận buộc tôi phải làm như vậy. Nghĩa vụ buộc tôi phải làm như vậy, thưa Ngài. Xin hãy tin rằng không có một sự kiện nào trong cuộc đời tôi giành được nhiều suy nghĩ của tôi hơn sự kiện này. Việc ký tên cũng không làm tôi hài lòng vì điều này chỉ chứng tỏ với toàn đất nước rằng tôi cũng chỉ là bạn hữu của những chính khách có học và sốt sắng khác của nước Mỹ.

Nhưng tôi hài lòng dù khác biệt với ba trong số những người đồng nghiệp của tôi. Một người rất vinh quang đối với đất nước từng được ông che chở [tức là Tướng Washington-ND]. Ông được vây bọc bởi những tình yêu của dân chúng và không ai thể nhận được lời tán dương ca ngợi nào hơn ông. Hai đại biểu khác cũng là những người khôn ngoan nhất và được dân chúng yêu quý nhất và tình bạn thân thiết không hề lay chuyển mà tôi từng có với tất cả những người này là niềm vinh dự và hạnh phúc lớn lao nhất của tôi.
 
Thư của Randolph gửi Chủ tịch Hạ viện tiểu bang Virginia (tiếp theo)​


Nhưng bây giờ, khi bản Hiến pháp được đệ trình lên Quốc hội, sau khi đã được thông qua tại Hội nghị, tôi cho rằng các hội nghị phê chuẩn của tiểu bang được hoàn toàn tự do đề xuất những điều cần sửa đổi hay bổ sung cho bản Hiến pháp và một Hội nghị Liên bang lần thứ hai sẽ được tổ chức để thảo luận những đề xuất sửa đổi đó.

Đề nghị này hoàn toàn phù hợp với các điều luật đã được Quốc hội Lục địa chấp nhận rằng các điều sửa đổi, bổ sung sẽ đệ trình lên các cơ quan lập pháp tiểu bang phê chuẩn và sau đó sẽ được Quốc hội xem xét và ban hành.

Những đề xuất như vậy sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng gấp đôi, khi các đại biểu được trao nhiều quyền lực hơn. Nhưng ý kiến này của tôi bị bác bỏ. Do vậy, tôi phải thể hiện rằng tôi không sẵn lòng ký vào văn bản đó vì những lý do sau:

1. Một văn bản của Hội nghị tuyên bố rằng bản Hiến pháp này sẽ được đệ trình lên các hội nghị đại biểu của tiểu bang do dân chúng bầu chọn để tán thành và phê chuẩn. Ðiều này có ý nghĩa là các hội nghị tiểu bang đó, hoặc là chấp nhận, hoặc là bác bỏ toàn bộ bản Hiến pháp mà không được sửa đổi hay bổ sung.

Do vậy, nếu ký tên vào bản Hiến pháp, tôi sẽ không thể đề nghị bất cứ điều sửa đổi nào và phải cố gắng bảo vệ bản Hiến pháp mà không được sửa chữa một chữ nào. Với những hậu quả đó và với lòng quyết tâm đấu tranh cho những điều sửa đổi, tôi nhất định không ký vào văn bản này.

2. Tôi luôn cho rằng mọi công dân của nước Mỹ hãy coi cuộc khủng hoảng này là một cơ hội thật sự để thông qua các đại biểu của mình đề nghị bất kỳ những điều sửa đổi nào nếu thấy điều đó mang lại lợi ích. Nếu với chữ ký của mình trên bản Hiến pháp, tôi sẽ đi ngược lại quan điểm này.

3. Bản Hiến pháp phải có trái tim của mọi người dân trong đó. Nhưng nếu một ngày nào đó, sau khi đã được phê chuẩn toàn bộ, bản Hiến pháp lại trở nên phiền toái và khi đó, dân chúng sẽ than phiền rằng đó là vì họ buộc phải chấp nhận văn bản này mà không được quyền sửa đổi bất cứ điều gì. Với suy nghĩ đó, tôi không thể tự phán xét bản thân, nếu ký vào bản Hiến pháp.

4. Tôi hài lòng với những gì tôi nhận thấy hiện nay rằng mục tiêu vĩ đại này sẽ được soi rọi bởi những ánh sáng và quan điểm mới với sự phân tích và chỉ trích của cả nước. Không ai có thể khẳng định được bản hiến pháp này sẽ tồn tại bao nhiêu năm, cho tới khi biết được quan điểm của mọi người dân.

Tôi cũng lo sợ về những sai sót trong văn bản này hơn mọi sai lầm lớn lao trong bất kỳ văn bản nào khác vì văn bản này qui định những lợi ích cơ bản nhất của chúng ta. Quyền lực, nếu được qui định một cách lỏng lẻo, đặc biệt là khi được xác định và giải thích trong một phạm vi rất rộng lớn, có thể dẫn đến nhiều tai họa. Với những suy nghĩ này, nếu ký vào văn bản này, tôi sẽ phản bội lại mọi điều tôi từng mong ước.

5. Tôi e sợ rằng nếu bản Hiến pháp được đệ trình cho công chúng phê chuẩn, hay bác bỏ toàn bộ, thì họ sẽ không chỉ đơn thuần là bác bỏ nó mà còn đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại Liên minh của chúng ta. Tôi mong muốn ngăn chặn điều kinh khủng này bằng cách để tôi tự do đề nghị những sửa đổi và như vậy, nếu có thể, sẽ loại bỏ được mọi trở ngại cho một chính quyền hiệu quả.

Nhưng các Ngài cũng hỏi rằng liệu những tranh luận này có được cân nhắc thận trọng tại Hội nghị không? Thưa Ngài, rất chân thật phải nói là không. Khi tôi buộc phải tôn trọng với những người cùng nhóm họp, hầu như tôi mất hết sự tự tin vào những nguyên tắc này. Trong những trường hợp khác, chắc hẳn tôi phải hân hoan phục tùng đa số, nhưng trường hợp này số phận hàng nghìn người hiện nay và trong tương lai buộc tôi không thể chấp nhận, cho tới khi tôi hoàn toàn tin tưởng.

Ngược lại, có thể tôi bị chất vấn rằng tại sao bản Hiến pháp không có những qui định hiệu quả về những điều sửa đổi mà phải dừng lại quá trình phê chuẩn? Câu trả lời của tôi là:

1. Trong khi chúng ta đang có quyền phán xét bản Hiến pháp, trong khi vẫn chưa giành được sự ủng hộ của những người phản đối và chỉ đa số các tiểu bang mới có quyền sửa đổi Hiến pháp, thì nên tiến hành những thay đổi cần thiết hơn là chờ đợi sự thông qua của 3/4 các tiểu bang mà chưa chắc đã đạt được.

2. Những điểm yếu trong chính quyền sẽ càng được chỉnh sửa chính xác hơn.

3. Việc thay đổi Hiến pháp thường xuyên, dù không phải là điều mong muốn, thì càng tránh được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Và 4. Liệu trong trường hợp hiện nay, có thể nghi ngờ rằng sau khi xác định những thuận lợi trong quá trình điều hành của chính quyền, chưa chắc đã đủ 3/4 các tiểu bang đòi hỏi việc sửa đổi.

Tôi thừa nhận việc xây dựng một mô hình phù hợp với quan điểm của tất cả mọi người không phải là một công việc dễ dàng. Tôi đã suy nghĩ nhiều cách thức tiến hành, nhưng không có cách nào ít bị phản đối hơn cách sau đây.

Nếu chấp nhận sửa đổi, một Hội nghị Liên bang khác sẽ được tổ chức và tại Hội nghị đó, những sửa đổi của Hội nghị này, hay bất kỳ đề nghị của tiểu bang nào đều sẽ được thảo luận; và dù được chấp thuận hay bác bỏ, hay nếu không có đủ số tiểu bang sẵn lòng tán thành một Hội nghị thứ hai thì bản Hiến pháp này cũng sẽ đệ trình lên các hội nghị tiểu bang, được tổ chức theo sự triệu tập của các cơ quan hành pháp tiểu bang, để phê chuẩn hay bác bỏ toàn bộ mà không có quyền được sửa đổi.

Tôi nghĩ là sự trì hoãn này chẳng ảnh hưởng gì nếu so sánh với mục đích vĩ đại của bản Hiến pháp. Đặc biệt là quyền sửa đổi phải chấm dứt ngay sau khi bản Hiến pháp được phê chuẩn.

Bây giờ tôi muốn kết thúc bức thư đã quá dài này. Dù tôi thấy cần thiết sửa đổi, thì việc đề xuất những thay đổi cụ thể không phải là bổn phận của tôi. Nhưng tôi muốn bày tỏ rằng tôi làm những điều này không phải vì những ý muốn nhất thời và việc trình bày mọi lời phản đối một cách chi tiết sẽ là một công việc lớn lao, nên tôi sẽ tự hài lòng với việc liệt kê những điểm chính yếu nhất trong bản Hiến pháp, không thể chấp nhận được đối với mong muốn của tôi:

Hai điểm đầu tiên là quyền bỏ phiếu bình đẳng tại Thượng viện và việc các đạo luật thương mại được thông qua chỉ cần một đa số phiếu thường tại cơ quan lập pháp mà không có sự kiểm soát nào, trừ quyền phát xét cuối cùng của Tổng thống. Tôi phỏng đoán rằng không có điểm nào trong số những điều này là chính xác, đặc biệt là điểm đầu tiên. Nếu không có sự kiểm soát cần thiết đó chúng ta hẳn sẽ hỗn loạn.

Nhưng tôi tràn trề hy vọng Virginia sẽ được đa số các tiểu bang ủng hộ trong các vấn đề quan trọng sau: 1. Giải thích chính xác mọi điều khoản không rõ ràng; 2. Tổng thống không thể được tái cử sau một nhiệm kỳ nhiều năm giữ chức vụ này; 3. Giành lại quyền của Tổng thống trong việc bổ nhiệm các thẩm phán, hay thay thế chức vụ này, nếu xảy ra trong thời gian nghỉ họp của Thượng nghị viện, cho tới khi cơ quan này nhóm họp lại; 4. Giành lại quyền của Tổng thống trong việc ân xá tội phản quốc, ít nhất là trước khi kết án; 5. Xác định ranh giới quyền lực của Quốc hội Liên bang và các tiểu bang, xác định chính xác phạm vi quyền hạn của Quốc hội để tránh những xung đột về quyền phán xét hay những tranh chấp nguy hiểm khác; ngăn chặn sự lạm quyền của hai cơ quan này; 6. Giảm bớt quyền của Thượng viện trong việc coi mọi hiệp ước làm bộ luật tối cao của đất nước; 7. Tước quyền tự xác định lương cho các thành viên của Quốc hội; và 8. Hạn chế và xác định rõ quyền của bộ máy tư pháp liên bang.
 
Lý do George Mason không ký vào bản Hiến pháp​


George Mason, đại biểu Virginia, là một trong ba người có mặt trong ngày họp cuối cùng tại Hội nghị, nhưng từ chối ký vào bản Hiến pháp. Ông cũng là một trong những người mạnh mẽ nhất đấu tranh cho quyền của con người.

Sau này, nhờ những nỗ lực của mình, Tuyên ngôn nhân quyền, bảo đảm các quyền tự do của con người, đã được hình thành và phê chuẩn. Bản tuyên bố dưới đây trình bày những ý kiến bất đồng của ông đối với các điểm của bản Hiến pháp.

[Trích dẫn]

…Trong văn kiện này hoàn toàn không có Tuyên ngôn nhân quyền. Luật pháp của liên bang là tối thượng đối với mọi điều luật và hiến pháp tiểu bang, nên Tuyên ngôn nhân quyền của từng tiểu bang cũng sẽ không được đảm bảo mà dân chúng cũng không được hưởng, dù chỉ là lợi ích của những đạo luật thông thường, không dựa trên nền tảng nào khác, ngoài những điều được Hiến pháp của các tiểu bang qui định.

Hạ viện không phải là cơ quan đại diện thật sự mà chỉ là cái bóng mờ nhạt, không thể tạo ra những thông tin chính xác trong cơ quan lập pháp này, hay mang lại niềm tin cho dân chúng. Do vậy, luật pháp thường được những người ít liên quan và chẳng hiểu gì về tác dụng cũng như hậu quả của những bộ luật này xây dựng.

Mặc dù không đại diện cho người dân và cũng chẳng chịu trách nhiệm trước dân chúng, nhưng Thượng viện lại có quyền thay đổi tất cả các đạo luật thuế và những đạo luật liên quan đến tiền tệ và lương bổng của các viên chức chính phủ, cũng như những người được họ kết hợp với Tổng thống Hợp chúng quốc bổ nhiệm.

Với những quyền lực to lớn như quyền bổ nhiệm đại sứ và tất cả các viên chức hành chính, quyền ký kết các hiệp ước và tiến hành các vụ luận tội, họ kết hợp với bộ máy hành pháp tối cao hợp thành một viện nữa của cơ quan lập pháp. Điều này sẽ phá hỏng bất kỳ sự cân bằng nào trong chính quyền và cho phép họ chiếm đoạt bất cứ điều gì mà họ muốn đối với quyền lợi và tự do của dân chúng.

Việc bộ máy tư pháp của Hợp chúng quốc cũng được thiết lập và mở rộng sẽ cướp quyền và phá hỏng nền tư pháp của các tiểu bang, bằng việc hình thành những bộ luật rối rắm, vô ích, tốn kém và hầu như không thể mang lại công bằng cho đa số người dân như ở nước Anh và làm cho người giàu lấn át và chèn ép người nghèo.

Tổng thống Hợp chúng quốc không có một hội đồng cố vấn hợp hiến, một cơ quan hiển nhiên là cần thiết trong bất kỳ chính quyền an toàn và bình thường nào. Do vậy, ông ta sẽ không được cung cấp các thông tin và các lời khuyên đúng đắn, nên thường sẽ bị điều khiển bởi những kẻ nhỏ nhen và xu nịnh.

Hoặc ông ta sẽ trở thành một công cụ của Thượng viện, hay của Hội đồng Quốc gia, bao gồm các viên chức chủ chốt trong các bộ lớn. Đó là hội đồng tồi tệ và nguy hiểm nhất trong một đất nước tự do vì họ có thể gây ra bất kỳ tai họa nào, hay ban hành các đạo luật hà khắc để tự bảo vệ mình, hoặc ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm luận tội họ.

Trong khi đó, nếu một Hội đồng Quốc gia được hình thành (như đã được đề nghị), bao gồm 6 thành viên, 2 từ các tiểu bang phía Tây (miền Trung), 2 từ các tiểu bang phía Bắc (New England) và 2 từ các tiểu bang miền Nam do Hạ viện bầu chọn, với cùng nhiệm kỳ và sự luân phiên như Thượng viện, thì nền hành pháp chắc chắn sẽ an toàn và nhận được các thông tin chính xác và các lời khuyên đúng đắn. Chủ tịch Hội đồng này sẽ là Phó Tổng thống Hợp chúng quốc, có thể thay thế bất cứ khi nào Tổng thống không thể đảm đương được nhiệm vụ.

Do sự thiếu vắng rất nguy hiểm của một Hội đồng Quốc gia làm nảy sinh quyền lực không chính đáng của Thượng viện trong việc bổ nhiệm các viên chức chính quyền và sự phụ thuộc cũng như mối quan hệ nguy hiểm giữa Thượng viện và Tổng thống. Do vậy, lại xuất hiện một viên chức không cần thiết là Phó Tổng thống chỉ để làm Chủ tịch Thượng viện. Ðó là sự pha trộn rất nguy hiểm giữa quyền hành pháp và lập pháp.

Tổng thống Hợp chúng quốc có quyền không hạn chế trong việc ân xá tội phản quốc, đôi khi lại là những người bị ông ta đã xúi giục một cách bí mật, nhằm ngăn cản cuộc điều tra tội lỗi của chính ông ta. Bằng việc tuyên bố mọi hiệp ước đều là tối thượng trên mảnh đất này, Tổng thống và Thượng viện, trong nhiều trường hợp, có toàn quyền lập pháp. Điều nguy hiểm này có thể tránh được nếu đòi hỏi cần phải có sự chấp thuận của Hạ viện, nơi các bản hiệp ước này được soạn thảo và ký kết một cách an toàn.

Bằng cách chỉ cần một đa số thường thông qua luật về đất đai và thương mại, nền kinh tế của 5 tiểu bang miền Nam (những bang hoàn toàn khác biệt về điều kiện địa lý với 8 bang miền Bắc và miền Ðông) sẽ bị tàn phá do những bộ luật nóng vội và tàn nhẫn có thể được ký kết, cho phép các nhà buôn miền Bắc không chỉ bán với giá quá cao mà còn được độc quyền trong việc buôn bán hàng hóa với giá tự ấn định, trong nhiều năm sẽ tàn phá nông nghiệp và làm bần cùng hóa dân chúng của miền Nam.

Điều này còn nguy hiểm hơn bởi những gì mà bên này giành được lại chính là những thiệt hại của bên kia. Trong khi đó, nếu việc này đòi hỏi sự phê chuẩn của 2/3 các thành viên của cả hai Viện chắc chắn sẽ tạo ra sự bình đẳng cùng có lợi, thúc đẩy sự thịnh vượng chung và bác bỏ những bộ luật không thể chấp nhận được trước khi gửi cho Tổng thống phê chuẩn.

Trong những quyền lực liệt kê trong bản Hiến pháp, Quốc hội được trao độc quyền trong các vấn đề thương mại. Điều này sẽ gây nên những tội lỗi mới và cho phép Quốc hội có quyền thi hành những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Quốc hội có thể tự tăng thêm quyền lực cho mình, nếu họ cho là cần thiết, nên các cơ quan lập pháp tiểu bang không được đảm bảo các quyền hiện giờ vẫn còn nằm trong tay họ, hay trong tay dân chúng. Không hề có tuyên bố nào bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền xét xử bởi một ban bồi thẩm, hay đề phòng những nguy hiểm phát sinh bởi một đội quân thường trực được thiết lập trong thời bình.

Các cơ quan lập pháp tiểu bang bị hạn chế quyền đặt và thu thuế xuất khẩu trên chính những hàng hóa do họ sản xuất ra, còn cơ quan lập pháp liên bang lại bị ràng buộc trong việc ngăn cấm nhập khẩu nô lệ trong 20 năm, dù những nô lệ này sẽ làm cho nước Mỹ yếu hơn, dễ bị tổn thương hơn và ít có khả năng tự bảo vệ hơn.

Cả hai cơ quan lập pháp tiểu bang và liên bang đều bị cấm ban hành các bộ luật hồi tố, dù điều này chưa bao giờ xảy ra, nhưng có thể cơ quan lập pháp buộc phải ban hành những bộ luật như vậy khi cần thiết, hay khi sự an toàn chung của cả xã hội đòi hỏi, sẽ mãi mãi là mối bất hòa trong mọi bản Hiến pháp của liên minh, và rồi sẽ là tiền lệ cho những sửa đổi khác nữa.

Mô hình chính quyền này sẽ khởi đầu dưới dạng một thể chế quý tộc ôn hòa. Nhưng không thể dự báo trước liệu mô hình này sẽ đi đến đâu trong quá trình vận hành. Nó có thể hình thành một nền quân chủ hay một thể chế quý tộc tham nhũng và áp bức. Dường như rồi đây, chính quyền được lập ra sẽ dao động giữa hai thái cực để rồi tất yếu sẽ rơi vào cái này hay cái kia mà thôi.
 
Thư của Henry Lee, đại biểu Quốc hội tiểu bang Virginia gửi Thống đốc Edmund Randolph​


Richard Henry Lee (1732-1794) là một lãnh tụ của cuộc Cách mạng Mỹ. Chính ông là người khởi xướng nền độc lập cho các thuộc địa với lời tuyên bố bất hủ năm 1776: "…rằng những thuộc địa thống nhất này là và phải có quyền là các quốc gia tự do và độc lập”.

Chính tuyên bố này của ông làm tiền đề cho Thomas Jefferson viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Nhưng cũng giống như G. Mason, Henry Lee là người mạnh mẽ bảo vệ quyền tự do của con người. Vì thế, ông kịch liệt phản đối bản Hiến pháp.

Trong bức thư sau gửi Edmund Randolph, ông trình bày những điều phản đối của mình, như việc thiếu vắng Tuyên ngôn Nhân quyền và không có qui định về việc xét xử bởi một ban bồi thẩm, hy vọng nhận được sự ủng hộ của Randolph, người ông biết là cũng không ký vào văn kiện này.

Với những nỗ lực không mệt mỏi đó, Henry Lee đã có những đóng góp to lớn cho việc xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền sau này, thứ công cụ hiệu quả nhất bảo vệ tự do và nhân quyền của con người.

[Trích dẫn]

New York, ngày 16 tháng Mười năm 1787​


Cho đến nay, một nguyên tắc rất cơ bản trong mọi chính quyền được cân bằng và đối trọng hoàn hảo là những Viện lập pháp khác nhau không được dính líu đến nhau, còn các quyền hành pháp và lập pháp cũng phải được tách biệt. Trong bản Hiến pháp mới, cả Tổng thống và Thượng viện đều có quyền hành pháp, và cũng chỉ cần hai phần ba Quốc hội cũng có quyền này.

Trong một số trường hợp quan trọng, (như việc phê chuẩn các hiệp ước sẽ trở thành các bộ luật trên mảnh đất này), họ có cả quyền lập pháp và hành pháp. Họ kết hợp với nhau bổ nhiệm tất cả các viên chức chính quyền, cả dân sự và quân sự. Rồi Thượng viện lại tiến hành mọi vụ luận tội chính bản thân họ và những viên chức do họ bổ nhiệm.

Liệu đó có phải là sự kết hợp ghê gớm nhất những quyền lực như vậy chỉ trong một vài người không? Và ai có đủ khả năng để tìm ra người chịu trách nhiệm trong sự kết hợp quá mức này? Hay liệu ai có thể nói thứ quyền lực ghê gớm mà không hề phải chịu trách nhiệm đó được trao cho những người cai trị có an toàn cho sự tự do của họ không? Hiển nhiên, nguy cơ luận tội chẳng là gì đối với họ cả mà cũng chẳng là gì với bất kỳ ai trong số họ vì tôi cho là có rất ít sự kiểm soát đối với cơ quan này.

Tổng thống có nhiệm kỳ bốn năm và Virginia có một phiếu trong số 13 phiếu chọn ông ta, nhưng phiếu thứ 13 này lại không thuộc dân chúng mà thuộc về các đại cử tri, hai người được bầu chọn từ dân chúng. Thượng viện có nhiệm kỳ 6 năm, và trong việc chọn Tổng thống, tiểu bang lớn nhất này cũng chỉ có một phiếu bầu, nhưng lá phiếu này cũng không phải thuộc dân chúng mà là của hai đại cử tri tại Thượng viện.

Ðiều này thể hiện trách nhiệm quá ít ỏi đối với người dân đã ủy nhiệm cho họ, dù cho có điều khoản qui định về sự luận tội. Do vậy, thưa Ngài, tôi có thể hoàn toàn nói rằng hoặc là một nền quân chủ hay sự cai trị của tầng lớp quý tộc sẽ hình thành, và đó là thứ chính quyền tồi tệ nhất.

Một sự thật không thể chối cãi là bản Hiến pháp mới này, ngay trong các nguyên tắc cơ bản đầu tiên, đã là hệ thống chính trị vô cùng nguy hiểm của bè lũ đầu sỏ. Hiển nhiên thứ chính quyền mà chỉ của một số ít người là thứ chính quyền tồi tệ nhất trong số tất cả các chính quyền.

Trong văn bản này, sự kiểm soát duy nhất tuân theo các nguyên tắc dân chủ là Hạ viện. Nhưng tôi tin rằng cơ quan này có lẽ chỉ đáng được gọi là cái giẻ rách của quyền đại diện, vì chỉ cần nhìn qua cũng thấy viện này với quá ít quyền lực sẽ có quá ít ảnh hưởng để thúc đẩy một chính quyền tốt và kiềm chế một chính quyền xấu. Nhưng Viện được tổ chức kém cỏi đó được trao những quyền lực nào?

Đó là quyền xét xử cái gọi là sự thịnh vượng chung của đất nước; và những phán xét như vậy, nếu trở thành những đạo luật của Quốc hội, sẽ là những điều luật tối thượng trên mảnh đất này. Nhưng đối với những quyền tất yếu phải có đối với mọi hệ thống pháp luật của con người thì lại không hề được đảm bảo, như dưới hình thức Tuyên ngôn nhân quyền, như Ngài Blackstone đòi hỏi, để đảm bảo những quyền còn lại của con người sẽ không bị trao nộp nốt cho chính quyền.

Thực vậy, những quyền đó chẳng cần phải trao cho chính quyền vì bất kỳ mục đích nào. Những quyền tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, và quyền được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn, đều bị phó mặc. Bản Hiến pháp này tuyên bố rằng những vụ trọng tội sẽ được xét xử bởi một đoàn bồi thẩm. Nhưng bồi thẩm nào? Bản Hiến pháp qui định là những bồi thẩm tại tiểu bang đó. Nhưng ai sẽ trở thành bồi thẩm trong một tiểu bang rộng lớn tới 50 đến 700 dặm như vậy? Tòa án này, dù là đối với những vụ trọng tội, đều không đủ năng lực và trong những vụ án dân sự cũng đầy sai sót hay chểnh mảng.
 
Thư của Henry Lee gửi Thống đốc Edmund Randolph (tiếp theo)​


Ngài Thẩm phán Blackstone, trong những bài luận xuất sắc về việc xét xử với bồi thẩm đoàn, đã viết rằng "Ðặc ân vô cùng lớn lao mà bất cứ vụ xét xử nào cũng đòi hỏi và mong ước, rằng tài sản, sự tự do và chính bản thân anh ta không thể bị phán xét, nếu không có sự chấp thuận của 12 đồng loại”.

Đó là một thể chế mà tôi có thể dám quả quyết rằng dưới ý nguyện của Chúa, sẽ mãi mãi đảm bảo sự tự do và công bằng trên quốc gia này. Sự phán xét đảm bảo công bằng cho con người và tài sản là mục tiêu lớn lao nhất của xã hội loài người.

Nhưng nếu sự phán xử đó lại giao phó toàn bộ cho tòa án, một nhóm người chọn lọc, do một ông vua lựa chọn vào những chức vụ cao nhất đó của đất nước, thì những lời phán quyết, bất chấp bản chất liêm trực của họ, dù không chủ tâm, đều thường thiên vị những người có cùng địa vị và tầng lớp với họ.

Ngài thẩm phán xuất sắc này nói: “Không thể trông đợi từ bản chất của loài người rằng thiểu số luôn luôn lo lắng và chăm sóc điều tốt lành cho đa số. Nên mọi tòa án được lựa chọn để phán quyết sự thật đều là tiền đề cho việc hình thành một chính quyền của tầng lớp quý tộc, loại chính quyền hà khắc nhất trong mọi loại chính quyền".

Người ta trả lời rằng Quốc hội mới của Liên bang sẽ tìm giải pháp cho những vấn đề này! Nhưng họ có thể tìm được mà cũng có thể không tìm được; và dù cho họ có thể tìm được giải pháp, thì một nghị viện tiếp theo lại có thể thay đổi nó. Tội ác được tìm thấy ngay trong bản chất của bản Hiến pháp, vì giải pháp đó dựa trên một nền tảng lập pháp không chắc chắn và có thể bị hủy bỏ tại bất kỳ cuộc họp nào của Quốc hội.

Thật bất hạnh khi sự đảm bảo quan trọng rằng con người có quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn sẽ bị hệ thống này phá hỏng, khi quyền lực được trao một cách không cần thiết như khoản 2 trong điều 3 [điều khoản qui định về hệ thống tư pháp- ND], bắt buộc dân chúng trong mọi vụ tranh cãi về tài sản giữa công dân của các tiểu bang khác nhau, sẽ bị một tòa án biệt lập, do Quốc hội chỉ định, xét xử.

Mặc dù các tòa án cấp thấp hơn có thể được thiết lập tại các tiểu bang, nhưng chỉ khi được Quốc hội chấp thuận. Nếu họ không chấp nhận, hay nếu họ không qui định quyền kháng án hợp lý, dân chúng sẽ mãi mãi phải chịu cảnh áp bức. Và để bào chữa trong nhiều vụ kiện, thì việc bồi thường những đòi hỏi phi lý còn rẻ hơn việc theo đuổi vụ kiện với một chi phí rất lớn, tại một tòa án ở quá xa xôi, phán xét mà không có bồi thẩm đoàn.

Trong bộ máy lập pháp, chỉ cần một đa số phiếu thường là có thể thông qua các dự luật thương mại. Như vậy, bằng qui định này, 7 bang miền Bắc luôn luôn chiếm đa số sẽ ban hành những bộ luật độc quyền khắc nghiệt nhất đối với 5 tiểu bang miền Nam, nơi có những điều kiện địa lý và hàng hóa sản xuất hoàn toàn khác, mặc dù không có bất kỳ một đại biểu nào bỏ phiếu chấp thuận là người đại diện hay chịu trách nhiệm đối với dân chúng các bang miền Nam.

Liệu một cơ quan chẳng có ý nghĩa gì như vậy lại là đại diện cho dân chúng, những người phải gánh chịu những bộ luật do họ xây dựng chăng? Dù có những điều khoản được đề nghị để ngăn chặn sự lạm dụng này của các tiểu bang miền Bắc, nhưng thưa Ngài, các điều khoản đó quá yếu ớt khi có các lợi ích trái ngược giữa những nhà buôn! Vậy điều gì sẽ kiểm soát những nguy cơ phát sinh từ điều khoản này?

Vì sự lạm dụng này, chúng ta có thể bị bắt buộc phải trở thành những hãng đóng tàu! Nhưng liệu bao nhiêu lâu nữa, những nông dân của chúng ta mới đóng được những chiếc tàu đủ để xuất khẩu các sản phẩm của chúng ta? Và dù có những chiếc tàu đó thì chúng ta lấy đâu ra những thủy thủ? 4.000 thủy thủ, đó là con số ít nhất mà Virginia cần. Ðối với những vấn đề dễ bị lạm dụng này, tại sao không đòi phải có sự chấp nhận của 2/3 thành viên của cơ quan lập pháp?

Bản Hiến pháp được xây dựng bởi Hội nghị Lập hiến với sự có mặt của rất nhiều đại biểu Quốc hội Lục địa, họ là những người ủng hộ cuồng tín nhất cho hệ thống do họ xây dựng, nhưng trong đó, 3 tiểu bang phản đối, hai tiểu bang chia rẽ và nhiều tiểu bang khác cũng không hoàn toàn nhất trí, thì dễ dàng thấy rằng Quốc hội có quá ít người đồng ý về mô hình này .

Một số người bác bỏ quyền sửa đổi Hiến pháp của chúng ta. Trong khi những người khác ôn hòa hơn, đồng ý với quyền này, nhưng phủ nhận lợi ích của việc sửa đổi, còn đa số sẵn sàng tán thành bản Hiến pháp. Lương tâm và sự phán xét của tôi không chấp nhận điều đó, nên tôi có vinh dự gửi Ngài kèm theo đây những điều sửa đổi và yêu cầu dù Ngài ủng hộ hay từ chối, những điều khoản sửa đổi đó phải được đệ trình lên Quốc hội Tiểu bang.

…Thưa Ngài, về tổng thể, tôi cho là bản Hiến pháp này có nhiều điều khoản cần thiết và hữu ích, nhưng đồng thời tôi cũng phản đối mạnh mẽ nhiều điểm cơ bản. Kế hoạch chúng ta theo đuổi là đề xuất những sửa đổi cần thiết. Chúng ta sẵn lòng chấp nhận bản Hiến pháp với những sửa đổi, và kiến nghị triệu tập một Hội nghị mới nhằm xem xét các sửa đổi bổ sung này.

Tôi nghĩ những ý định đó sẽ không bị ai chống đối mà nó sẽ mang lại sự an toàn và nhiều điều tốt lành khác. Tôi hoàn toàn hài lòng nếu Ngài sử dụng bức thư này để mang lại điều tốt lành cho công chúng. Bây giờ, sau khi xin Ngài tha thứ cho việc đã làm phiền Ngài nhiều như vậy, tôi xin gửi những lời chào trân trọng nhất đến vợ Ngài.

Người đầy tớ trung thành của Ngài,
 
Thư của Gouverneur Morris gửi Washington​


Cũng giống như Hamilton, Morris rất tán thành một chính quyền quốc gia mạnh. Là một chính trị gia xuất sắc, Morris tham gia chính quyền Hợp bang từ rất sớm và luôn là một trong những đại biểu xuất sắc nhất.

Gouverneur Morris là một đại biểu phát biểu nhiều nhất tại Hội nghị Lập hiến. Ông nổi tiếng với tài hùng biện và văn phong sáng sủa, nên được giao nhiệm vụ chắp bút viết bản Hiến pháp Liên bang.

Sau khi Hội nghị Lập hiến kết thúc, Morris tích cực tham gia quá trình vận động cho việc phê chuẩn Hiến pháp và thường trao đổi với những chính trị gia khác về quan điểm của mình. Dưới đây là bức thư của ông gửi Washington thể hiện niềm tin của ông vào sự tốt đẹp của một chính quyền mới và trình bày những đánh giá chung của ông về bối cảnh chính trị đương thời.

Philadelphia, ngày 30 tháng Mười năm 1787​


Thưa Ngài,

Các tiểu bang phía đông New York cho thấy là họ hoàn toàn tán thành bản Hiến pháp mới (tôi không tính đến sự bất đồng của tiểu bang Rhode Island). Những người thuyết giáo đều cầu nguyện cho bản Hiến pháp được thông qua. Sự ủng hộ vững chắc của những người giàu và những cá nhân xuất chúng cũng góp phần làm cho quan điểm này trở nên mạnh mẽ, nên tôi tin sự phê chuẩn Hiến pháp là điều tất yếu.

Tiểu bang New Jersey cũng gần như nhất trí đến mức chúng ta có thể coi như đã có chiến thắng trong tay, bất chấp sẽ có những tranh cãi gay gắt. Tuy nhiên, tiểu bang New York, nơi chúng ta có những người bạn nhiệt tình ủng hộ bản Hiến pháp, lại chẳng dễ dàng chút nào trừ khi được các bang lớn khác ủng hộ. Ðó thật sự là một cuộc đấu tranh rất gian truân và dù dân chúng tiểu bang này ủng hộ thì cũng không có ý nghĩa gì nhiều vì các phe phái ở đây hầu như cân bằng.

Dù chống đối hay chấp thuận, cơ quan lập pháp New York cũng sẽ quyết định số phận của cả nước Mỹ. Chúng ta vẫn còn có cơ hội, dù tôi tin phe chính quyền tiểu bang vẫn chiếm ưu thế nhờ sức mạnh và ảnh hưởng của họ và vẫn quyết định bác bỏ Hiến pháp. Nhưng cơ quan lập pháp ở đây không thể giải thích cho dân chúng bất kỳ lý do đúng đắn nào để từ chối cho dân chúng quyền quyết định một vấn đề vô cùng quan trọng liên quan đến số phận của họ, do vậy sẽ phải đồng ý triệu tập một Hội nghị phê chuẩn. Nếu Hội nghị này được tổ chức, có lẽ phe Liên bang sẽ là phe mạnh nhất vì có những cá nhân xuất sắc và những nhóm người có lợi ích khác nhau cũng sẽ đoàn kết lại vì mục đích chung này.

Tôi vẫn chưa khẳng định được liệu tiểu bang New York có chấp thuận hay không. Sự thực là thành phố và các vùng lân cận rất nhiệt tình. Nhưng tôi lo sợ không khí thờ ơ và lạnh nhạt ở các quận nông thôn, nơi đầy những kẻ xấu xa, quen với cuộc sống hưởng thụ, sẽ không thể chịu được suy nghĩ sẽ bị mất quyền lực và lợi lộc từ chính quyền tiểu bang, chỗ dựa nuôi sống họ, gia đình họ, và những người hầu của họ. Nhưng tôi không thể dự đoán được quan điểm nào đang chiếm ưu thế ở các vùng xa hơn về phía Nam. Ngài có điều kiện tốt hơn bất kỳ người nào khác để đánh giá vùng đất quan trọng và rất lớn lao đó của đất nước.

Tôi thấy rằng tên của Ngài gắn với bản Hiến pháp mới có một ý nghĩa vô bờ bến. Thật vậy, tôi tin tưởng chắc chắn là nếu Ngài không tham dự Hội nghị đó, và cùng văn bản đấy được gửi cho toàn thể dân chúng Mỹ, thì chắc hẳn là nó sẽ được đón nhận với một thái độ lạnh nhạt hơn, với sự ủng hộ ít hơn và yếu hơn. Thêm nữa, sẽ có nhiều kẻ chống đối hơn, và chống quyết liệt hơn.

Cũng như vậy, cái ý tưởng rằng Ngài sẽ không chấp nhận chiếc ghế Tổng thống cũng dẫn đến sự thất bại [của bản Hiến pháp] ở nhiều vùng trong cả nước. Sự thật là địa vị cao quý và vĩ đại của Ngài làm cho mọi người sẵn lòng đưa Ngài vào chức vụ đó, một chức vụ chẳng làm tăng thêm sự vinh dự và cao quý cho Ngài mà cũng chẳng nâng Ngài lên một địa vị vinh quang hơn vị trí Ngài đang đứng hiện nay. Nhưng chính họ lại không sẵn lòng đưa bất kỳ một người nào khác vào địa vị ấy vì họ cảm thấy sự thăng tiến của những người khác cũng chính là sự thụt lùi của chính họ.

Nhưng dù đó thật là một ý tưởng ngu ngốc, thì Ngài cũng sẽ đồng ý với tôi rằng con người cần phải được đối xử vì họ là con người, chứ không phải là cái máy, không phải là những triết gia. Thực vậy, họ không phán xét chính sự kiện mà họ phán xét tư cách đạo đức. Quan điểm của dân chúng về những điều này đều như vậy. Đó là điều không thể coi thường trong một đất nước, nơi mà ý kiến công chúng là tất cả.
 
Phát biểu của James Wilson tại Hội nghị phê chuẩn của Pennsylvania​


James Wilson là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu tại Hội nghị Lập hiến. Với kiến thức luật pháp uyên thâm và khả năng tranh luận xuất sắc, Wilson đã có đóng góp rất lớn vào sự hình thành văn bản này.

Sau khi trở về tiểu bang quê nhà, được tham dự Hội nghị phê chuẩn của Tiểu bang Pennsylvania, Wilson đã có hàng loạt bài phát biểu mạnh mẽ bênh vực bản Hiến pháp này và có công rất lớn trong việc Hiến pháp được phê chuẩn.

Đây là bài phát biểu rất sâu sắc và hấp dẫn, trình bày những khó khăn của Hội nghị Lập hiến và những lý lẽ cơ bản biện hộ cho mô hình chính quyền mới.

Ngày 24 tháng Mười một năm 1787.​


Ðể hình thành chính quyền cho một thành phố, hay một tiểu bang riêng rẽ, đã là một công trình lớn lao, cả về tầm quan trọng và phạm vi của nó. Nhưng nhiệm vụ trao cho Hội nghị Liên bang còn lớn lao và vĩ đại hơn nhiều, khi phải xây dựng một chính quyền không chỉ có 13 tiểu bang chủ quyền và độc lập, (mà một số tiểu bang này, nếu xét về lãnh thổ, dân số và tài nguyên hoàn toàn tương xứng với các quốc gia đáng kính trọng nhất ở châu Âu) mà sẽ còn bao gồm cả những tiểu bang chưa được thành lập và cho hàng triệu công dân ở các thế hệ mai sau, sinh sống trên vùng đất vô cùng rộng lớn của lục địa vẫn chưa được khai phá hết này.

Do đó, trách nhiệm của Hội nghị này không chỉ nhằm đáp ứng những lợi ích địa phương, hay những toan tính riêng lẻ nào mà phải là hình thành một mô hình chính quyền tương xứng với một vùng đất lớn lao và giàu có trên trái đất này.

Thưa các Ngài, tôi thừa nhận rằng tầm quan trọng của công việc này đã làm chúng tôi rất lo âu... Công việc này có tầm vóc lớn lao bao nhiêu, thì những khó khăn để thực hiện nó cũng lớn lao bấy nhiêu.

Đặc biệt là những vấn đề tinh tế và phải hòa giải những lợi ích xung đột xuất hiện tự nhiên trong một quốc gia có bờ biển Ðại Tây Dương dài tới 1.500 dặm, bao gồm 13 tiểu bang độc lập và riêng biệt, rất khác nhau về bản chất, về vị trí địa lý, về qui mô diện tích, về dân số cũng như phong tục, tập quán và cả những lợi ích địa phương.

Về nhiều khía cạnh, những khác biệt này là rất lớn. Nhưng dù những khác biệt đó là rất rõ ràng, thì ở trong tâm tư của hết thảy mọi người, bản Hiến pháp đó là niềm khao khát, được tất cả dân chúng mơ ước tìm tòi và thiết lập.

Chúng tôi nhận thấy đó là một công việc vô cùng khó khăn và gian khổ, thậm chí có khoảnh khắc tưởng chừng phải đầu hàng bởi sự nản lòng. Nhưng cuối cùng, nhờ tư tưởng thỏa hiệp, chúng tôi đã cùng nhau nhượng bộ để các bên đều có lợi vì đó là biện pháp duy nhất để đạt được mục tiêu vĩ đại mà vì nó, chúng tôi được nhóm họp. Hoàn toàn không ngạc nhiên khi những bất đồng quá nhiều và quá sâu sắc nên cần phải có sức mạnh nào đó để buộc những người tham dự cuộc họp phải chấp nhận một con đường khác với dự định ban đầu.

Cũng còn một lý do khác làm tăng khó khăn của Hội nghị Lập hiến. Đó là sự khác biệt về tính cách và xu hướng của dân chúng được những đại biểu thể hiện. Nhưng dù có khác biệt về những vấn đề nào đó, thì họ cũng chân thành đồng ý và thiết tha theo đuổi sự tự do và độc lập, những mục tiêu cao cả, từng làm họ thống nhất và thành công trong việc chống lại một vương quốc mạnh nhất trên thế giới.

Nhưng các Ngài cũng hiểu rằng dân chúng căm ghét sự ép buộc. Đó là nguyên nhân của những chống đối, nhưng theo ý kiến của tôi, sự phản đối của họ cũng hình thành trên niềm mong muốn điều tốt đẹp. Họ cho là muốn có được chính quyền tốt nhất, cần phải nghiên cứu và suy tính kỹ càng nhất, để cuối cùng, thiết lập được một chính quyền đảm bảo tốt nhất những điều hạnh phúc và thịnh vượng trên đất nước của họ...
 
Phát biểu của James Wilson tại Hội nghị phê chuẩn của Pennsylvania​


Phạm vi rộng lớn của một quốc gia cũng gây ra một khó khăn khác cho Hội nghị Liên bang. Một số học giả nổi tiếng cho rằng đối với một vùng đất nhỏ, nền dân chủ là thích hợp, đối với một lãnh thổ trung bình (như Montesquieu đã xác định) là nền Cộng hòa, và đối với một vùng đất rộng lớn là chính quyền quân chủ.

Vì thế, đối với phạm vi lãnh thổ vô cùng rộng lớn, hầu như không bị hạn chế của Hợp chúng quốc, thoạt tiên một chế độ chuyên quyền là cần phải thiết lập và chính vì lý do đó làm phát sinh những bất đồng.

Tất cả chúng ta đều biết rằng mặc dù mọi cử tri đều cần một cơ quan lập pháp để kiềm chế một chính quyền tự do, nhưng họ cũng sẽ bác bỏ mọi nỗ lực muốn thiết lập một chính quyền chuyên chế.

Trong tình thế khó xử này, tất yếu, một thể chế Cộng hòa Liên bang xuất hiện. Đối với chúng tôi là một mô hình chính quyền đảm bảo mọi ưu thế nội tại của nhà nước cộng hòa, đồng thời duy trì được sức mạnh và quyền lực của một thể chế quân chủ, và được nước ngoài kính trọng...

Nhưng trong khi thể chế Cộng hòa Liên bang khắc phục những khó khăn đó, thì nó lại vấp phải một khó khăn khác. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người lại tồn tại một nhà nước Liên bang như vậy, để giúp chúng ta có được những cuộc khảo sát kỹ càng. Dù từng tồn tại nhiều chính quyền hợp bang riêng lẻ, cả cổ xưa và hiện đại, dù lịch sử và nguyên tắc của những nhà nước này đều được hiểu biết cặn kẽ thì một thể chế Liên bang hoàn hảo của các nhà nước độc lập là một hệ thống chưa hề được biết đến...

Một điều khác, có thể là trở ngại lớn nhất đối với tiến trình của Hội nghị Liên bang, nảy sinh trong việc xác định ranh giới giữa chủ quyền quốc gia và chủ quyền của các tiểu bang độc lập. Về điểm này, một nguyên tắc chung đã được xác lập. Bất cứ điều gì thuộc về bản chất và sự vận hành đối với một tiểu bang, nhất định đều phải thuộc về chính quyền tiểu bang này điều hành.

Nhưng bất cứ điều gì vượt quá bản chất và sự vận hành tự nhiên của một tiểu bang riêng biệt thì phải thuộc quyền phán xét của nhà nước Liên bang. Do vậy, khó khăn lớn nhất là việc áp dụng những nguyên tắc này là khó có thể liệt kê và phân biệt từng chính quyền sẽ kiểm soát những lĩnh vực nào, bởi toán học thuần tuý không thể giải quyết được vấn đề này. Nên không thể ngạc nhiên khi thấy Hội nghị này không thể giải quyết triệt để một vấn đề quá phức tạp như vậy...

Thưa Ngài Chủ tịch, những khó khăn này làm cho Hội nghị Liên bang rất bối rối. Điều này cũng chứng tỏ rằng không thể trông đợi thiết lập được một mô hình chính quyền đáp ứng mọi mong ước của tất cả các tiểu bang, của mọi công dân của bất kỳ một tiểu bang nào hay của tất cả các công dân trên lục địa này. Thưa các Ngài, tôi nhớ lại những khó khăn phát sinh tại Hội nghị Lập hiến.

Ðã có lúc, công trình vĩ đại và hấp dẫn này dường như đi vào thế bế tắc, nhưng có lúc Hội nghị lại diễn ra rất sôi nổi và thuận lợi. Cuối cùng nó đã được hoàn thành và nhiều đại biểu đáng kính đã nhìn nhận bản Hiến pháp này với lòng khâm phục và kinh ngạc. Nhưng sau khi đã chỉ ra những khó khăn mà Hội nghị đã vượt qua, bây giờ, tôi muốn các Ngài chú ý đánh giá những điểm mà Hội nghị Lập hiến đề xuất...

Tại thời điểm này, nước Mỹ có quyền chấp thuận một trong những mô hình chính quyền sau: (1) Giải tán các tiểu bang có chủ quyền riêng rẽ và độc lập để hợp nhất thành một đế chế hùng mạnh; (2) Phân chia thành 13 tiểu bang riêng rẽ, độc lập và không ràng buộc với nhau; (3) Thiết lập hai hay ba Hợp bang nhỏ nào đó và cuối cùng (4) Có thể thành lập một nhà nước Cộng hòa Liên bang rộng lớn.

Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng ba mô hình đầu tiên không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào tại Hội nghị Lập hiến. Tôi cũng không thấy chúng được tiểu bang chúng ta hay bất kỳ ở tiểu bang anh em nào chấp thuận. Tâm trạng chung tại Hội nghị Lập hiến và tôi cũng tin đó là tâm trạng chung của dân chúng khắp nước Mỹ, được thể hiện trong câu khẩu hiệu mà họ đã chọn: THỐNG NHẤT HAY LÀ CHẾT.

Và trong khi chúng ta xem xét qui mô rộng lớn của đất nước, bị chia cắt và vây bọc bởi những con sông chưa từng được thám hiểm, hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của thế giới, thì chúng tôi thấy tất yếu, các vùng đất này được lập ra để chúng ta trở thành những người dân thống nhất, dưới một khế ước chính trị duy nhất.

Nếu đó là một kết luận công bằng và hợp lý, được những người dân khôn ngoan ủng hộ thì Hội nghị Lập hiến đã đúng khi đề xuất một mô hình nhà nước Cộng hòa Liên bang duy nhất.

Họ thấy không chỉ cần thiết xem xét vị trí địa lý, hoàn cảnh và lợi ích của một, hai hay ba tiểu bang riêng lẻ nào mà phải cân nhắc đến lợi ích chung, vì lợi ích của toàn thể dân chúng cần được ưu tiên hơn những lợi ích địa phương cục bộ. Các đại biểu tại Hội nghị đã tuân thủ đúng những nguyên tắc này để thúc đẩy những lợi thế chung của Liên minh, chứ không vì bất cứ lợi thế riêng biệt của tiểu bang nào. Nguyên tắc cũng như bổn phận bình đẳng đã dẫn tới việc hình thành bản Hiến pháp này.

Như trước đây tôi đã nói đến, không một chính quyền hay hợp bang riêng rẽ nào có thể tồn tại nếu những lợi ích và quyền của các cá nhân không đặt dưới hạnh phúc và thịnh vượng chung của cả cộng đồng. Tiểu bang Pennsylvania, dù là một bang quan trọng, nhưng cũng như các tiểu bang khác, không thể tác động đến quá trình thảo luận kỹ càng của Hội nghị, nơi có mặt các đại biểu từ tất cả các tiểu bang khác, để tìm ra một mô hình chính quyền phù hợp với tình trạng khẩn cấp chung và đảm bảo sự công bằng.

Với tư tưởng về một liên minh là điều mà các đại biểu khắc sâu trong quá trình thảo luận, họ đã hình thành bản Hiến pháp như hiện nay. Và với cùng quan điểm đó, họ thẳng thắn đệ trình bản Hiến pháp cho tất cả mọi người xem xét...

Thưa Ngài Chủ tịch, những nhận xét vừa rồi là sự thể hiện tình trạng của liên minh đã được Hội nghị Lập hiến xem xét. Tất cả chúng ta đều biết và đều hiểu rằng thể chế hiện nay của Hợp bang là không đáp ứng được việc điều hành và nhu cầu cấp thiết của Hợp chúng quốc.
 
Phát biểu của Ellsworth tại Hội nghị phê chuẩn của tiểu bang Connecticut​


Phát biểu của Ellsworth tại Hội nghị phê chuẩn của tiểu bang Connecticut​


Ðây là một điều khoản quan trọng nhất trong bản Hiến pháp. Các đại biểu tham dự Hội nghị phê chuẩn này đã trình bày rất rõ ràng những lý do chống đối bản Hiến pháp.

Thông qua toàn bộ cuộc tranh luận này, tôi đã hiểu được lý lẽ phản đối điều khoản này và nghĩ rằng tất cả những lập luận đó đều là vô căn cứ.

Ðây là điều khoản chung trao cho cơ quan lập pháp Liên bang "quyền lập và thu thuế để thanh toán các khoản nợ và để đảm bảo sự phòng thủ chung và sự thịnh vượng toàn diện của Hợp chúng quốc". Có ba lý do phản đối điều khoản này. Thứ nhất, điều khoản này quá bao quát vì nó bao hàm mọi đối tượng đều có thể bị đánh thuế. Thứ hai, điều này không công bằng; và thứ ba, Quốc hội không thể có quyền thu thuế.

Ðiều phản đối thứ hai, việc đánh thuế hàng nhập khẩu là không công bằng và điều này sẽ thiên vị các bang miền Nam. Tôi xin thừa nhận rằng tôi cảm thấy xấu hổ khi thấy các quý ngài ở đây đã cho rằng các đại biểu của Connecticut tại Hội nghị Lập hiến đã sao nhãng bổn phận đối với tiểu bang mình và hy sinh lợi ích của những người đã bầu chọn họ.

Bản Hiến pháp xác định phạm vi quyền lực của chính quyền liên bang. Nếu chính quyền liên bang vượt quá giới hạn của họ, nhánh tư pháp sẽ là nơi thích hợp để kiểm tra tính lập hiến. Nếu Hợp chúng quốc vượt quá quyền lực của họ, nếu họ làm ra các bộ luật mà Hiến pháp không cho phép thì bộ luật đó không có giá trị.

Với quyền lực tư pháp, những thẩm phán là những người đảm bảo tính công bằng cho dân chúng, sẽ tuyên bố rằng những đạo luật này là vô nghĩa. Mặt khác, nếu các tiểu bang vượt quá quyền hạn của mình, ban hành những bộ luật chiếm đoạt quyền của liên bang thì những bộ luật này cũng không có giá trị và với tư cách chính trực, các thẩm phán độc lập sẽ tuyên bố điều đó. Tuy nhiên, nếu liên bang và các tiểu bang tranh cãi, bất đồng và nếu họ muốn gây chiến tranh thì họ có thể làm điều đó mà không gì ngăn cản được.

Bản Hiến pháp này cũng đảm bảo rằng những bất đồng có thể là cần thiết, song cũng tạo ra một biện pháp kiểm soát lại chính nó. Lúc này hay lúc khác, khi xuất hiện xung đột, các tiểu bang có thể nổi dậy chống lại liên bang. Nếu điều này xảy ra và nếu các tiểu bang kết hợp lại với nhau, nếu tất cả các tiểu bang đồng lòng, liên bang không thể đánh bại được các thành viên và các đạo luật đi ngược lại lợi ích của dân chúng sẽ bị bãi bỏ.

Trong nhà nước cộng hòa, nguyên tắc cơ bản là đa số sẽ cầm quyền và thiểu số phải phục tùng đa số. Tình trạng chúng ta hiện nay là đáng xấu hổ vì chúng ta đang đi ngược lại các nguyên tắc cộng hòa. Chỉ một tiểu bang cũng có quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng nhất đối với công chúng. Chúng ta đã chứng kiến điều này xảy ra: chỉ một tiểu bang lại có thể kiểm soát tiếng nói chung của liên minh.

Một thiểu số, thậm chí là một thiểu số rất bé, lại có quyền điều khiển và sai khiến chúng ta. Ðiều này bao giờ cũng đi ngược lại các nguyên tắc cộng hòa và nếu nó thật sự xảy ra thì đó là dạng tồi tệ nhất của những nền quân chủ.

Do vậy, chúng ta phải thấy nguyên tắc cưỡng ép là cần thiết đối với liên minh. Không ai có thể tảng lờ điều này, tất cả chúng ta đều thấy và nhận thức được sự cần thiết này. Chỉ có một câu hỏi duy nhất, đó là sự cưỡng ép này sẽ được tiến hành bằng luật pháp, hay bằng vũ khí. Chẳng có lựa chọn nào khác ở đây. Những người chống lại sự cưỡng ép bởi luật pháp sẽ làm gì đây? Họ sẽ đi về đâu?

Hậu quả tất yếu nếu chống lại luật pháp là cuộc chiến tranh của tiểu bang này chống lại tiểu bang kia. Tôi ủng hộ sự cưỡng ép bởi luật pháp và sự cưỡng ép đó chỉ hoạt động đối với những cá nhân phạm tội. Bản Hiến pháp này không nhằm cưỡng ép các tiểu bang có chủ quyền về các năng lực chính trị của họ.

Không sự cưỡng ép nào có thể thích hợp với các chính quyền đó, trừ sự cưỡng ép bằng vũ lực. Nếu chúng ta cố gắng thi hành pháp luật của liên minh bằng cách cử những đội quân đàn áp các bang phạm tội, thì dù đó là chính nghĩa hay phi nghĩa, dù có tội hay vô tội, thì đều là tai họa.

Nhưng sự cưỡng ép bằng luật pháp chọn ra những người có tội và trừng phạt anh ta vì vi phạm luật pháp của liên minh. Mọi người sẽ thấy tính hợp lý của điều này.

Họ sẽ tuân theo và nói rằng hãy để người có tội phải bị trừng phạt. Đạo đức của con người bị suy đồi vì sự thiếu vắng một chính quyền hiệu quả để thiết lập sự công bằng và sự chính trực. Chính vì sự thiếu vắng này, một dòng thác lũ những sai trái và tội lỗi đã xảy ra với chúng ta.

Nếu chúng ta mong ước ngăn chặn những tai họa kinh khủng này, nếu chúng ta muốn bảo vệ sự chính trực của những công dân tốt, chúng ta phải đảm bảo công bằng; phải thiết lập được một chính quyền quốc gia, được điều hành bởi những phán quyết công bằng và sự che chở hòa bình của người lãnh đạo.
 
Phát biểu của James Wilson tại Hội nghị phê chuẩn của Pennsylvania​


Liệu nước Mỹ có thể đánh mất sự cao thượng và lòng bền gan của mình không? Không! Liệu nước Mỹ có bị đè bẹp và cướp mất tự do bởi cuộc xâm lược bạo tàn không? Tôi vẫn trả lời là không!

Vì những nguy cơ này ngay lập tức sẽ bị đánh tan trước khi trở thành mối nguy hiểm thật sự.

Nhưng tội lỗi và những điều xấu xa lại xuất hiện tại những nơi ít nghi ngờ nhất. Niềm khao khát tự do, động lực vững chắc để chống lại kẻ thù, lại bị xói mòn và làm hoen ố bởi sự bừa bãi, vô tổ chức của các công dân chúng ta.

Những tai họa cá nhân và sự hỗn loạn vô chính phủ của cả cộng đồng sẽ lan tràn khắp nơi. Thậm chí, dân chúng cũng khó có thể hưởng thụ và cảm nhận được niềm hạnh phúc độc lập mà họ khao khát đạt đến.

Thời điểm bắt đầu nền hòa bình cũng là thời điểm bắt đầu những nỗi buồn phiền và sự nhục nhã của chúng ta. Thiếu quyền lực, chúng ta không thể ngăn chặn được sự nhập khẩu quá mức, tràn ngập khắp đất nước mà cũng chẳng thể thu thuế để mang lại ngân sách cho xã hội.

Thiếu sức mạnh, chúng ta cũng không thể bán hàng tại các thị trường nước ngoài. Thiếu niềm tin, mọi cổ phiếu của xã hội đang tan chảy trong tay của những ông chủ dối trá, như thể tuyết tan ra dưới ánh nắng mặt trời. Thiếu lòng tự trọng, chúng ta không thực hiện bổn phận của mình trong những hiệp ước và cũng chẳng bắt được các nước khác phải thực thi bổn phận của họ.

Thưa Ngài, tóm lại, câu chuyện dài dòng và buồn tẻ này làm tôi căm ghét và tôi hy vọng không cần phải tiếp tục nói thêm. Trong những năm yếu kém, bạc nhược vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự ô danh và tình trạng bị tàn phá. Nhưng cuối cùng, chúng ta đã tìm được nguyên nhân và giờ đây, ước ao tìm được cách chữa trị.

Tôi không cần trình bày thực trạng xấu xa bằng việc liệt kê chi tiết các sự kiện, vì mọi đạo luật của Quốc hội và thực trạng của tất cả các tiểu bang có đầy bằng chứng về điều này và về những yếu kém và sự ngu dốt của thể chế Hợp bang hiện nay.

Những tiếng nói mạnh mẽ và đồng lòng của dân chúng tuyên bố rằng một chính quyền quốc gia có hiệu quả là cách chữa trị duy nhất. Vì thế, Hội nghị Lập hiến được triệu tập, đã nhóm họp, và cuối cùng, đã hoàn thành công việc bằng cách đề xuất mô hình chính quyền quốc gia hiệu quả, mang đến những điều tốt lành, điều chỉnh những lợi ích xung đột của mọi vùng đất, để sự thịnh vượng sẽ lan tỏa khắp đất nước.

Nhờ đó, hòa bình, tự do và hạnh phúc của nước Mỹ sẽ mãi mãi được bảo đảm. Những nguyên tắc và biện pháp được Hội nghị Liên bang chấp thuận đó, bây giờ, đang ở ngay trước mặt chúng ta và sẽ là chủ đề lớn để chúng ta thảo luận.

... Theo phán xét của tôi, quyền lực tối cao thuộc về dân chúng sẽ là giải pháp chữa trị mọi trục trặc trong nền chính trị của loài người. Ðó là quyền tối thượng của mọi thể chế, không thể sang nhượng, bởi bản chất tự nhiên và ý nghĩa lớn lao.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu như có bất kỳ sai sót nào trong chính quyền, thì dân chúng không chỉ có quyền sửa đổi mà còn có quyền thay đổi hoàn toàn và xóa bỏ nó. Với việc thực thi quyền này, các công dân Hợp chúng quốc sẽ không bao giờ phải chịu bất hạnh quá mức, trừ khi chính họ muốn thế.

... Giành được mọi lợi thế và loại bỏ mọi bất lợi của những hình thức chính quyền mà tôi đã đề cập trước đây là mục tiêu chủ yếu nhất của Hội nghị Lập hiến. Sau khi xem xét quá trình hình thành và nguyên tắc hoạt động của các hệ thống chính quyền khác, bản Hiến pháp mà chúng ta đòi hỏi đáp ứng nhu cầu đất nước, phải như thế nào?

Thưa Ngài, nguyên tắc chủ yếu nhất là nền dân chủ thuần khiết, nhưng có điều chỉnh, để mang lại mọi ưu điểm và xóa bỏ mọi nhược điểm thường xảy ra trong các mô hình khác.

Nhưng khi nghiên cứu kỹ lưỡng và chi tiết các quyền lực của hệ thống lớn lao và rộng khắp này, khi suy tính những điều có thể xảy ra, khi thấy chúng kết hợp với nhau, ràng buộc lẫn nhau, bao trùm mọi lợi ích và tài sản trên lục địa này, chúng ta sẽ có thể lần ra một nguồn gốc cao quý duy nhất của mọi hạnh phúc và thịnh vượng trên mảnh đất này và nguồn gốc đó chính là DÂN CHÚNG.
 
Bài phát biểu của C. C. Pinckney tại Hạ viện Nam Caroline​


Bài phát biểu của C. C. Pinckney tại Hạ viện tiểu bang Nam Caroline đã giải thích quan điểm của Hội nghị Lập hiến về việc không thể có một Tuyên ngôn nhân quyền và quyền tái cử của Tổng thống.

Thứ Sáu, ngày 18 tháng Giêng năm 1788,​


Nhiệm kỳ Tổng thống giữ quyền và liệu ông ta có được tái cử hay không đã được thảo luận rất thấu đáo tại Hội nghị Lập hiến. Ða số các tiểu bang đã từng đồng ý rằng ông ta chỉ nên giữ một nhiệm kỳ bảy năm và không thể được bầu lại lần hai.

Nhưng khi xem xét lại vấn đề đó, mọi người lại cho rằng qui định này sẽ cắt đứt mọi hy vọng được tiếp tục đảm nhiệm cương vị, có thể làm cho ông ta trở nên nguy hiểm, thậm chí đi ngược lại niềm tin, bổn phận đúng đắn của cương vị này.

Nhiệm kỳ của ông ta có thể sẽ hết hạn tại thời điểm xảy ra một cuộc chiến tranh dữ dội, khi ông ta là người có tài năng nhất của Hợp chúng quốc để chỉ đạo cuộc chiến tranh này, việc tuyên bố rằng một người như vậy không thể chỉ đạo các hành động quân sự, dù sự thành công của chúng ta phụ thuộc vào năng lực của ông ta, liệu có khôn ngoan và thận trọng không? Sẽ không khôn ngoan nếu chúng ta loại bỏ khả năng tái cử của một người có tài năng, có khả năng lãnh đạo và có tư cách đạo đức lớn lao trên toàn quốc.

Việc tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng không bị các đại biểu quên lãng. Ðiều này đã được Hội nghị thảo luận thấu đáo. Chính phủ liên bang không có quyền nào khác ngoài những quyền đã được tuyên bố, do vậy sẽ không có quyền tước đoạt tự do báo chí…

Cũng vì lý do này, chúng ta không cần có Tuyên ngôn nhân quyền trong bản Hiến pháp. Vì nếu đưa vào thì chúng ta có thể sẽ bỏ sót một số quyền nào đó và vì vậy, sau này có thể có ai đó nói rằng chúng ta đã cho phép chính quyền liên bang lấy mất những quyền mà không được liệt kê đó.

Một lý do khác cũng quan trọng chống lại việc đưa một Tuyên ngôn nhân quyền vào bản Hiến pháp vì những tuyên ngôn như vậy thường được bắt đầu với việc tuyên bố rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và tự do. Nhưng bây giờ, chúng ta không thể đưa ra tuyên bố đó khi chúng ta vẫn còn rất nhiều nô lệ.

Điều khoản đảm bảo mọi tiểu bang đều có chính quyền cộng hòa được đưa vào gần cuối bản Hiến pháp. Nhưng việc đưa vào cuối cũng chẳng khác gì việc đưa vào điều đầu tiên vì mọi điều khoản đều có giá trị như nhau. Bản Hiến pháp sẽ có hiệu lực sau khi nó được thông qua và tất cả các điều khoản đều phải được phê chuẩn cùng một lúc.

Không thể có trường hợp điều này được phê chuẩn trước còn điều kia được phê chuẩn sau. Cần phải hình thành chính quyền trước khi chính quyền đó có thể đảm bảo bất cứ điều gì.
 
Các bài báo Người Liên bang​


Trong hệ thống tư tưởng chính trị Mỹ, tác phẩm Người Liên bang giữ một vị trí cực kỳ quan trọng, không chỉ để bảo vệ và đấu tranh cho bản Hiến pháp được thông qua mà sau này còn được sử dụng để giải thích Hiến pháp.

Kể từ khi xuất hiện trên các tờ báo ở New York, tuyển tập các bài luận văn này đã được xuất bản rất nhiều lần ở Mỹ, cũng như được dịch ra nhiều thứ tiếng khác trên thế giới. Bản tiếng Pháp xuất hiện ngay trong cuộc Cách mạng Pháp vào năm 1792.

Người Liên bang cũng được dịch ra tiếng Bồ Đào Nha (tại Rio Janero năm 1840), tiếng Tây Ban Nha (tại Bueros Aires năm 1868) và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tư tưởng cho các chính khách muốn thiết lập chính quyền liên bang tại các quốc gia Nam Mỹ. Ngoài ra, bản lược dịch tiếng Đức được xuất bản tại Bremen năm 1864 và tác phẩm này cũng được sử dụng trong quá trình thảo luận xây dựng Hiến pháp tại Australia và Nam Phi.

Tác phẩm này có thể được chia thành hai phần cơ bản: (i) phân tích những khiếm khuyết của thế chế chính quyền đương thời và (ii) trình bày những ưu việt của thể chế mới. Các bài báo này phân tích rất chi tiết vai trò và quyền hạn của các cơ quan chính quyền, bao gồm bộ máy hành pháp, lập pháp và tư pháp, đồng thời cũng phân định ranh giới giữa quyền hạn của liên bang và tiểu bang.

Vì đây là tác phẩm giữ vị trí then chốt trong việc thiết lập nhà nước Cộng hòa Hợp chúng quốc, tôi chọn dịch ba bài viết tiêu biểu nhất cho tác phẩm này là bài số 1, số 10 và số 51 . Đồng thời, tôi cũng trích dịch một bài báo chống lại tư tưởng Liên bang cùng thời gian này, phân tích những thiếu sót trong bản Hiến pháp liên bang, để bạn đọc có điều kiện đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Người Liên bang Số 1

Bài đăng trên Tạp chí Độc lập Tác giả: Alexander Hamilton

Bài đầu tiên trong loạt bài Người Liên bang do Hamilton viết nêu mục đích và định hướng của loạt bài luận Người Liên bang.

Ngày 27 tháng Mười năm 1787.

Gửi dân chúng tiểu bang New York

Sau thực tế hiển nhiên về sự tồn tại thiếu hiệu quả của chính quyền Hợp bang hiện nay, bản Hiến pháp mới cho nhà nước Hợp chúng quốc được gửi cho các bạn, những công dân của Hợp chúng quốc, xem xét và thảo luận. Chỉ riêng tiêu đề đó cũng đã nói lên tầm quan trọng lớn lao của sự kiện này.

Cần phải nói rằng kết quả của sự phê chuẩn này sẽ vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của Liên minh chúng ta, đối với sự an toàn và thịnh vượng của tất cả mọi thành phần lập nên nhà nước này, quyết định số phận của một đế chế, trong nhiều khía cạnh, được coi là quốc gia kỳ diệu nhất trên thế giới.

Người ta thường nhận xét rằng nhờ đức hạnh và hình mẫu của mình, dường như Đấng Tạo hóa đã ban cho dân tộc sống trên quốc gia này quyền quyết định quan trọng rằng liệu xã hội của những người có năng lực thật sự có thể thiết lập được một chính quyền tốt đẹp nhờ trí suy đoán và quyền tự do lựa chọn của mình không, hay phải mãi mãi phụ thuộc vào sự may rủi và bạo lực, để cam chịu chấp nhận những thể chế chính trị mà dường như đã đặt sẵn cho họ.

Nếu như có bất kỳ sự thật nào trong nhận xét đó, thì cuộc khủng hoảng mà chúng ta vừa trải qua có thể được coi như một kỷ nguyên, trong đó, chính dân tộc này có quyền quyết định sự chọn lựa cho mình. Vì thế, nếu sự chọn lựa của chúng ta là sai lầm thì quả thật, đó là một điều vô cùng bất hạnh cho loài người.

Ý tưởng này sẽ bổ sung cho lòng nhân ái của những người yêu nước, nâng cao lòng khao khát mà mọi công dân chân chính đều cảm nhận về sự kiện này. Thật hạnh phúc biết bao nếu sự lựa chọn của chúng ta dựa trên những đánh giá khôn ngoan về những lợi ích thực sự của chúng ta, không thành kiến và không xáo động bởi những lời đàm tiếu và bình phẩm mà chẳng liên quan gì đến lợi ích chung của toàn xã hội.

Đó là điều chúng ta khao khát mãnh liệt để đạt đến, nhưng thực tế, để thành công chẳng dễ dàng gì. Mô hình chính quyền được trình bày cho toàn dân chúng ta cân nhắc kỹ càng, có ảnh hưởng rất lớn đối với những lợi ích khác nhau và những tầng lớp dân chúng khác nhau, sẽ cải cách rất nhiều những thể chế chính quyền địa phương. Các cuộc thảo luận về mô hình này không nhằm đến những mục tiêu xa lạ về giá trị của bản Hiến pháp, không nhắc đến những quan điểm, những tình cảm và những thành kiến chẳng ưu ái gì việc kiếm tìm sự thật.

Trong số những trở ngại to lớn nhất mà bản Hiến pháp mới gặp phải, đó là sự khác biệt rất lớn về lợi ích của một tầng lớp người nhất định tại mọi tiểu bang, chống lại mọi sự thay đổi mà có thể dẫn đến việc suy giảm quyền lực, lương bổng của các chức vụ họ đang nắm giữ trong các chính quyền tiểu bang; phá hỏng tham vọng của một số người đang hy vọng nâng cao địa vị và uy quyền của mình nhờ sự hỗn độn của đất nước chúng ta, hoặc sẽ nuôi dưỡng ảo tưởng cho bản thân họ về những viễn cảnh tốt đẹp, nhờ sự chia rẽ của đế chế này thành những liên hiệp nhỏ bé, hơn là thiết lập một liên minh thống nhất với một chính phủ chung.

Tuy nhiên, dự định của tôi không phải tập trung vào việc quan sát bản chất của mô hình này. Tôi hoàn toàn hiểu rằng thật sai trái nếu tùy tiện phán xét sự chống đối của bất kỳ nhóm người nào (đơn thuần chỉ vì hoàn cảnh của họ có thể làm cho họ bị nghi ngờ). Sự ngay thẳng buộc chúng ta phải chấp nhận rằng thậm chí những người đó có thể được thúc đẩy bởi những mong ước chân thành và đúng đắn.

Cũng không thể nghi ngờ rằng phần nhiều sự chống đối đã xuất hiện, hoặc sẽ xuất hiện, đều xuất phát từ những nguyên do, chí ít là không thể trách móc được, nếu không nói là cần được kính trọng, là những lầm lỗi chân thật của lý trí, gây ra bởi lòng ghen tị sai trái và cả những nỗi lo sợ. Những nguyên do này quá nhiều và quá mạnh mẽ, nên đã làm cho phán xét của chúng ta có phần bị thiên lệch.

Chúng ta, trong nhiều trường hợp, sẽ nhận thấy ngay cả những người khôn ngoan và chân chính cũng có lúc sai lầm trong việc phán quyết các vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu đối với toàn xã hội. Sự phân tích đó, nếu là chính xác, sẽ dạy chúng ta một bài học, để thuyết phục những người luôn luôn cho rằng lẽ phải thuộc về họ trong bất kỳ cuộc tranh cãi nào. Và một lý do tiếp theo cho sự cẩn trọng về phương diện này, có thể rút ra từ sự suy xét rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể khẳng định những người biện hộ cho sự thật đều sử dụng những nguyên tắc đúng đắn hơn những người đối lập với họ.

Tham vọng, lòng hám lợi, sự thù địch cá nhân, sự đối lập phe phái và nhiều động cơ khác, không thể được ca tụng, nếu được cả những người ủng hộ cũng như những người phản đối sử dụng trong việc thảo luận một vấn đề. Liệu đó không phải là những lý do để thuyết phục rằng không gì sai lầm hơn sự khờ dại của tư tưởng cố chấp, điều mà luôn luôn là đặc tính của mọi phe phái.

Trong chính trị cũng như trong tôn giáo, thật vô lý khi đối xử và đàn áp những người thay đổi lập trường và tín ngưỡng bởi bạo lực và gươm đao. Những tà giáo cũng hiếm khi bị lăng mạ và đàn áp.

Nhưng những tâm trạng và tình cảm này, như chúng ta đã chứng kiến, đều luôn luôn xuất hiện, trong mọi cuộc thảo luận trước đây về những vấn đề có tầm quan trọng quốc gia. Cần phải hòa giải dòng thác lũ những cảm xúc hiểm độc và giận dữ. Để xét đoán tư cách của những phe phái đối lập, chúng ta cần hiểu rằng họ đều hy vọng chứng tỏ sự công bằng trong những quan điểm của họ và tăng thêm số người ủng hộ bằng việc thổi phồng trong những lời tuyên bố cường điệu và dùng giọng điệu chua cay trong những lời chỉ trích của họ.

Lòng hăng hái nhiệt thành ủng hộ một chính quyền mạnh và hiệu quả, sẽ bị bêu xấu như thể những đứa con của nền quân chủ chuyên chế căm thù những nguyên tắc tự do. Một lòng ngờ vực thái quá về mối hiểm nguy đối với quyền của con người, thường là sự lẫm lẫn của lý trí hơn là của trái tim, chỉ là sự vờ vĩnh và dối trá, là cái miếng mồi nhạt nhẽo lừa dối dân chúng với cái giá phải trả chính là điều tốt lành cho cả công cộng. Một mặt, người ta sẽ quên rằng lòng hiềm khích và ngờ vực đó là điều thường xảy ra cùng với lòng yêu thương, và rằng sự nhiệt thành cao quý đó, đối với tự do, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng đố kị hẹp hòi và thiển cận.

Mặt khác, người ta cũng quên rằng sức mạnh của chính quyền chính là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự an toàn cho tự do; rằng nhờ sự trù tính khôn ngoan và phán xử chính xác, lợi ích của họ sẽ không bao giờ bị mất đi; và rằng tham vọng nguy hiểm thường ẩn trốn đằng sau mặt nạ giả tạo của lòng hăng hái đấu tranh cho quyền của con người, chứ không phải là lòng hăng hái ủng hộ một chính phủ vững chắc và hiệu quả. Lịch sử dạy chúng ta rằng những kẻ đấu tranh đòi quyền tự do cá nhân lại thường là những kẻ mang lại nền độc tài hơn là những người đối lập, và rằng những kẻ phá bỏ tự do của những nhà nước cộng hòa, hầu hết đều bắt đầu sự nghiệp bằng cách khúm núm và quị lụy dân chúng, thi hành những chính sách mị dân, để cuối cùng lại trở thành những kẻ độc tài.

Hỡi những đồng bào của tôi, trong toàn bộ những nhận xét trước đây, tôi đã cảnh báo các bạn cần chống lại mọi nỗ lực, từ bất cứ phe phái và nguồn gốc không đúng đắn nào, tác động đến quyết định của các bạn trong thời điểm cực kỳ hệ trọng, liên quan đến sự thịnh vượng và hạnh phúc của các bạn. Không nghi ngờ gì nữa, các bạn cũng đồng thời nhận được những lý lẽ đó từ khắp mọi nơi, xuất phát từ những người chẳng thân thiện và thích thú gì bản Hiến pháp mới.

Đúng thế hỡi những đồng bào của tôi! Sau khi trình bày những xem xét thấu đáo để đưa ra một sự chọn lựa, ý định rõ ràng của tôi là: vì lợi ích của chính mình, các bạn nên chấp nhận bản Hiến pháp này. Tôi hoàn toàn tin rằng đây là hướng an toàn nhất cho sự tự do, sự thịnh vương và hạnh phúc của bạn. Tôi không do dự và chần chừ hay băn khoăn gì về phương án này bởi tôi không hề cảm thấy như vậy. Tôi sẽ không vờ đắn đó cân nhắc bởi tôi đã quyết định điều đó rồi.

Tôi sẽ thẳng thắn trình bày với các bạn sự tin tưởng của mình và cũng chân thành trình bày cho các bạn những lý do tại sao tôi lại có quyết định đó. Ý thức được những dự định tốt đẹp thì không thể nhập nhằng và mơ hồ. Tuy nhiên, tôi sẽ không nhắc đi nhắc lại những lời thề nguyện trong cái đầu này dù những điều thôi thúc đó vẫn còn mãi trong lồng ngực của tôi. Những lý lẽ của tôi là công khai với mọi người và để tất cả dân chúng phán xử. Chí ít, những lý lẽ đó được trình bày với lòng chân thật, không phản bội và làm ô nhục sự cao cả của lẽ phải.

Vì thế, tôi đề nghị một loạt những bài viết sẽ bàn luận về những chủ đề đặc biệt hấp dẫn:

Lợi ích của Liên minh đối với sự thịnh vượng của bạn - Sự thiếu hiệu quả của Hợp bang hiện nay trong việc duy trì Liên minh - Sự cần thiết của một chính phủ có uy quyền và sức mạnh, ít nhất như mô hình chính quyền đã được đề xướng, để đảm bảo những mục tiêu này - Sự phù hợp của bản Hiến pháp mới đối với những nguyên lý chính đáng của một chính phủ Cộng hòa - Sự tương đồng giữa bản Hiến pháp mới với các bản Hiến pháp tiểu bang của các bạn - và cuối cùng, việc phê chuẩn bản Hiến pháp này sẽ là một đảm bảo bổ sung để duy trì tự do và sự thịnh vượng trong mô hình chính quyền này.

Trong quá trình thảo luận này, tôi sẽ cố gắng đưa ra câu trả lời, làm hài lòng những đòi hỏi được đưa ra, những điều làm cho các bạn quan tâm và chú ý.

Có thể có người cho là vô ích khi tranh luận nhằm chứng minh lợi ích của một Liên minh. Bởi vì thứ nhất, sâu xa trong trái tim, người dân của mọi tiểu bang đều gắn bó và tin vào sự đúng đắn của một chính quyền vĩ đại. Một điều nữa là có thể tin rằng không có ai thù địch và căm ghét chính quyền này.

Nhưng sự thực, như chúng ta đã nghe thấy, tin đồn và lời ca thán đang lan rộng trong những phe nhóm nhỏ của những người phản đối bản Hiến pháp rằng mười ba tiểu bang là một lãnh thổ quá lớn cho bất cứ hệ thống chung nào và chúng ta phải tìm giải pháp bằng việc lập ra nhiều hợp bang nhỏ riêng biệt của một số vùng đất trong toàn bộ lãnh thổ này.

Học thuyết này, bằng mọi cách có thể, sẽ dần dần được lan truyền, cho đến có được những người ủng hộ đủ để chống lại những lời công kích công khai đó. Rõ ràng là chúng ta chỉ có hai còn đường để lựa chọn, hoặc là chấp nhận bản Hiến pháp mới, hoặc là Liên minh sẽ tan rã. Do đó, tôi bắt đầu với việc khảo sát những lợi thế của Liên minh, những sai trái và trục trặc đã xảy ra, rồi tới những mối nguy hiểm có thể xảy ra cho mọi tiểu bang, nếu Liên minh bị tan rã. Điều này là những chủ đề tương ứng trong những bài viết tiếp theo của tôi.
 
Người Liên bang Số 10

Bài đăng trên tờ New York Packet, Tác giả: James Madison.​


Trong bài luận số 10, bài báo được coi là xuất sắc nhất trong tập Người Liên bang, Madison thảo luận về các chủ đề sau: Mối nguy hiểm của nạn bè phái ở Mỹ cũng như các nơi khác - Bản chất của một phe phái - Các giải pháp tránh nguy cơ này - Tính ưu việt của chính quyền đại diện trong việc ngăn chặn các phe phái - Lợi thế của một nước Cộng hòa rộng lớn trong vấn đề này.

Lập luận chính của Madison là Liên minh 13 tiểu bang sẽ là công cụ hữu hiệu chống lại nạn phe phái và những rối loạn trong nước.

Madison tuyên bố rằng một trong những lập luận mạnh mẽ nhất ủng hộ bản Hiến pháp mới đó là việc thiết lập một chính quyền cộng hòa, có khả năng kiểm soát những xung đột và rối loạn do nạn bè phái gây nên. Madison cho rằng trong bản chất của con người, phe phái là điều không thể tránh được.

Những tác hại do nạn bè phái gây không thể được các chính quyền tiểu bang nào kiểm soát mà điều này ch

Ngày 23 tháng Mười một năm 1787.​


Gửi dân chúng tiểu bang New York,

Trong số những thuận lợi mà một Liên minh được thiết lập vững chắc hứa hẹn sẽ mang lại, không gì đáng được khuyếch trương và phát triển hơn là xu hướng phá vỡ và kiểm soát những vi phạm và xung đột của nạn bè phái. Những người chủ trương thành lập một chính quyền cho dân chúng thường rất lo ngại cho số phận của mình khi chính quyền lâm vào tình trạng nguy hiểm của nạn bè phái.

Vì vậy, phải tìm được một mô hình không vi phạm các nguyên lý cần thiết đó, nhưng phải giải quyết được tình trạng bè phái. Tình trạng bất ổn, sự bất công và sự lộn xộn tiêm nhiễm vào các hội đồng nhà nước, thực sự là những căn bệnh vô cùng nguy hiểm xuất hiện ở khắp mọi nơi và làm các chính quyền của dân chúng bị diệt vong, tiếp tục được những kẻ thù của sự tự do lợi dụng các lý lẽ hữu hiệu cho sự tuyên truyền giả tạo nhất của họ.

Những cải cách quý giá trong những bản Hiến pháp tiểu bang của chúng ta được tiến hành trên những mô hình chính quyền cả cổ xưa và hiện đại, không thể được quá ca tụng bởi nhiều bất công không thể chấp nhận được và không thể ngăn chặn một cách có hiệu quả mối nguy hiểm gây ra do sự hoành hành của nạn bè phái như mọi người mơ ước và trông đợi.

Những lời than phiền có ở khắp nơi, từ những công dân có đạo đức và có uy tín nhất của chúng ta, cũng như từ những người tôn trọng tự do của cá nhân và của công cộng, là chính quyền của chúng ta quá bất ổn, là lợi ích và điều tốt đẹp cho xã hội bị phớt lờ bởi các cuộc xung đột giữa những phe phái thù địch là các đạo luật thường được quyết định không phải theo nguyên tắc của công lý và quyền lợi của thiểu số mà bởi sức mạnh mang tính ép buộc vì lợi ích và sự vượt trội của đa số.

Dù sự lo âu làm chúng ta ước muốn rằng những lời than phiền này là không có căn cứ, song những bằng chứng thực tế buộc chúng ta phải chấp nhận rằng những lời than phiền đó, phần nào là đúng sự thật.

Nếu chúng ta thật thà xem lại tình trạng của chúng ta, một số trục trặc mà chúng ta buộc tội sai lầm là do sự điều hành của chính quyền, thì đồng thời sẽ thấy rằng những thất bại nặng nề nhất, những nỗi khổ cực cay đắng nhất và đặc biệt là sự nghi ngờ và mất niềm tin ngày càng tăng của dân chúng và mối lo ngại về những quyền cá nhân đang lan rộng trên khắp lục địa này là vì nhiều nguyên nhân khác.

Phải công nhận rằng đó là những nguyên nhân chủ yếu, nếu không nói là toàn bộ, dẫn tới sự thiếu ổn định, thiếu vững chắc và thiếu công bằng mà tư tưởng bè phái đã làm hoen ố sự điều hành cộng đồng của chúng ta.

Tôi cho rằng phe phái là một nhóm công dân, dù tập hợp thành đa số thay thiểu số của một tổ chức, được thống nhất và thúc đẩy bởi tâm trạng hay lợi ích chung, trái ngược với quyền lợi của những công dân khác, hoặc với lợi ích lâu dài của cả cộng đồng.

Có hai phương pháp để xử lý những tác hại của phe phái: Thứ nhất là loại bỏ những động cơ của phe phái; và thứ hai là kiềm chế ảnh hưởng của chúng.

Lại có hai cách để loại bỏ những động cơ phe phái. Thứ nhất là tiêu diệt quyền tự do, yếu tố sống còn cho sự tồn tại của các phe phái. Thứ hai là làm cho mọi công dân có cùng chung một quan điểm, cùng chung một cảm xúc và cùng chung một lợi ích.

Phải nói ngay rằng chẳng có gì chính xác hơn khi nói cách chữa thứ nhất còn tội tệ hơn cả căn bệnh cần điều trị. Tự do đối với một phe phái chẳng khác gì không khí đối với ngọn lửa, không có nó, ngay lập tức ngọn lửa sẽ tắt rụi. Nhưng chẳng có gì ngu xuẩn hơn việc bãi bỏ sự tự do vì sự tự do nuôi dưỡng phe phái, nhưng đó cũng điều kiện sống còn cho cuộc sống chính trị. Cũng như muốn giết chết không khí vì không khí chỉ càng làm tăng sự tàn phá của ngọn lửa, nhưng không khí lại vô cùng cần thiết cho muôn loài.

Nếu cách thứ nhất là không khôn ngoan thì cách thứ hai cũng không thực tế chút nào. Trong khi lý trí của con người vẫn tiếp tục mắc phải những sai lầm, và khi con người có quyền tự do thể hiện nó, thì tất yếu sẽ hình thành những quan điểm khác nhau. Trong khi còn tồn tại mối quan hệ giữa lý trí và tình cảm của con người, thì những quan điểm và tình cảm đó vẫn có ảnh hưởng tương hỗ và tác động lẫn nhau vì tình cảm thường gắn bó với quan điểm.

Vì năng lực con người rất khác nhau và tài sản phụ thuộc vào năng lực, nên việc thống nhất hết thảy các lợi ích sẽ gặp phải một trở ngại không thể vượt qua được. Mục tiêu hàng đầu của mọi chính quyền là phải bảo vệ mọi tầng lớp dân chúng. Nhưng vì năng lực của con người là khác nhau và không bình đẳng, nên tài sản và các đặc tính khác của mỗi người cũng không giống nhau.

Việc bảo vệ những quyền tư hữu khác nhau sẽ làm cho con người sở hữu những tài sản khác nhau và ở mức độ khác nhau, từ đó hình thành những tâm trạng và quan điểm khác nhau. Vì thế, tất yếu, xã hội phải phân chia thành những lợi ích và những phe phái khác nhau.

Những động cơ phe phái tiềm tàng đó có sẵn trong bản chất của con người. Chúng ta cũng thấy chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi với các mức độ khác nhau, tùy theo các hoàn cảnh của xã hội dân sự: lòng hăng hái vì những quan điểm khác nhau liên quan đến tôn giáo, chính quyền và nhiều lĩnh vực khác, ngấm ngầm cũng như công khai; sự gắn bó với những người lãnh đạo khác nhau tranh đấu vì tham vọng giành quyền lực và địa vị, hay đối với những người mà tài sản và số phận của họ đều được cộng đồng quan tâm.

Chính điều này đã phân chia dân chúng thành những phe phái khác nhau, kích động họ có những mối thù địch, khiến cho họ có lòng hận thù và chèn ép nhau, hơn là hợp tác vì một lợi ích chung cho tất cả mọi người.

Xu hướng mạnh mẽ này làm cho loài người rơi vào sự thù nghịch đến nỗi khó có thể tìm được biện pháp nào ngăn chặn được. Ngay cả những khác biệt lặt vặt và đồng bóng nhất cũng đủ để thổi bùng ngọn lửa của những cảm xúc thù nghịch và gây ra những xung đột bạo lực ghê gớm nhất.

Nhưng nguyên nhân thông thường và lâu dài nhất gây ra những phe phái đó chính là sự phân phối của cải không đều. Những người có của và những người không có của hình thành những phe phái có quyền lợi khác biệt nhau hoàn toàn. Tương tự như những chủ nợ và những con nợ. Những mối quan tâm về nông nghiệp, sản xuất, thương mại, tiền bạc cùng với nhiều mối quan tâm nhỏ hơn tất yếu sẽ nảy nở trong những xã hội văn minh.

Dân chúng sẽ chia thành những tầng lớp khác nhau, được thúc đẩy bởi những tình cảm và những quan điểm khác nhau. Việc điều chỉnh những lợi ích xung đột và khác nhau này là nhiệm vụ chủ chốt của cơ quan lập pháp hiện đại vì mọi hoạt động bình thường và cần thiết của chính quyền đều liên quan đến tư tưởng phe phái.

Không ai được phép làm người phán xét động cơ của chính mình, bởi quyền lợi của anh ta sẽ làm cho lời phán xét thiên lệch, làm lý trí xét đoán của anh ta mất phần sáng suốt và làm cho lòng chính trực của anh ta mất phần toàn vẹn.

Vì lý do tương tự, thậm chí còn rõ ràng hơn, nên tuy lý trí của một nhóm người, ít nhất cũng bằng, nếu không nói là sáng suốt hơn một người, nhưng họ cũng không thể cùng lúc vừa làm người phán xử, vừa làm người đại diện cho một nhóm.
 
Người Liên bang Số 10 (tiếp theo)

Bài đăng trên tờ New York Packet, Tác giả: James Madison.​


Phải chăng những đạo luật quan trọng nhất của các cơ quan luật pháp, không chỉ liên quan đến quyền lợi của một vài cá nhân riêng rẽ mà liên quan đến quyền lợi của rất nhiều người lại chỉ do họ quyết định?

Vậy thì những tầng lớp khác nhau của những nhà lập pháp sẽ phán quyết điều gì, ngoài việc biện hộ và bảo vệ những lợi ích của phe phái mình? Một dự luật được đề xướng về việc cho tư nhân vay nợ sẽ dẫn tới điều gì? Những chủ nợ sẽ thống nhất thành một phe, còn những người vay nợ sẽ lập thành một phe khác. Công lý cần phải giữ cân bằng giữa hai phe đó.

Nhưng bản thân những phe phái đó là, và nhất định là, những người phán xử nên phe có đông người nhất hay nói cách khác, là phe phái mạnh nhất chắc hẳn sẽ thắng thế. Liệu có nên khuyến khích những nhà sản xuất nội địa bằng cách hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài hay không? Và cần hạn chế ở mức độ nào? Đó là những vấn đề mà các chủ đất sẽ phán xét khác với các nhà sản xuất.

Có lẽ không một lời phán quyết của nhóm người nào hoàn toàn công bằng và dựa trên điều tốt đẹp của cả cộng đồng. Ngay việc xác định mức thuế cần đánh trên những mặt hàng hóa khác nhau là một đạo luật đòi hỏi tính công bằng và chính xác nhất, nhưng có lẽ, không một đạo luật nào lại không bị phe phái có uy quyền nhất lợi dụng và giẫm đạp lên những nguyên tắc công lý. Mỗi một xu mà các nhà lập pháp bắt tầng lớp hạ lưu đóng góp cũng chính là một xu mà giới quý tộc tiết kiệm được cho túi của riêng mình.

Thật vô ích để nói rằng những chính khách khôn ngoan có đủ khả năng điều chỉnh những xung đột lợi ích giữa những tầng lớp khác nhau và buộc họ phải làm theo điều có ích chung cho cả công cộng. Những chính khách khôn ngoan đó không phải lúc nào cũng giữ quyền lãnh đạo.

Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, sự dung hòa các lợi ích đó còn phải tính đến những tác động gián tiếp và xa xôi khác mà rất hiếm khi vượt qua được mối lợi ích trước mắt của một phe phái nào đó muốn xóa bỏ quyền lợi của nhóm khác, hay đi ngược lại lợi ích chung của cả cộng đồng.

Những phân tích của chúng ta dẫn đến kết luận rằng động cơ và nguyên nhân của các phe phái là không thể xóa bỏ được nên giải pháp cho vấn đề đó chỉ được tìm thấy trong việc kiểm soát những ảnh hưởng tai hại của nạn bè phái.

Nếu một phe phái không phải là đa số, thì giải pháp đó chính là nguyên lý cộng hòa, với việc cho phép đa số đánh bại ý đồ nham hiểm của thiểu số, thông qua các cuộc bỏ phiếu thông thường. Phe thiểu số có thể cản trở chính quyền, có thể làm náo động xã hội, nhưng không thể thực thi được mưu đồ hay che giấu sự bạo động và nham hiểm của mình dưới vỏ bọc của Hiến pháp.

Nhưng khi phe phái đó lại chính là đa số, là hình mẫu của chính quyền đại chúng, chính quyền của dân, thì phe phái này có cơ hội hy sinh lợi ích của toàn xã hội, hay của các nhóm công dân khác, để mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Ðể giữ an toàn cho quyền lợi chung xã hội và của các cá nhân chống lại mối nguy hiểm của phe đa số, đồng thời duy trì được tinh thần và hình thức của chính quyền dân chủ, là một mục tiêu vĩ đại mà việc nghiên cứu và thảo luận của chúng ta đang hướng tới.

Hãy để tôi nói thêm rằng mong ước cao cả nhất mà vì thế mô hình chính quyền này, nhằm thoát khỏi những điều xấu xa, tủi nhục mà chúng ta đã chứng kiến lâu nay, được đệ trình cho tất cả mọi dân chúng xem xét và chấp thuận.

Vậy làm thế nào để đạt được mục tiêu đó? Rõ ràng chỉ có thể có một trong hai giải pháp. Hoặc là phải ngăn chặn đa số đạt được một tâm trạng và lợi ích chung, hoặc đa số, nếu có chung một tâm trạng, cảm xúc và lợi ích chung như vậy, phải dùng các điều kiện địa lý và số lượng để ngăn chặn họ không có khả năng phối hợp và thi hành được ý định đàn áp của mình.

Nếu tâm trạng và cơ hội đó xảy ra, chúng ta đều biết rằng không thể tìm được giải pháp đáng tin cậy nào nhờ động cơ đạo đức hay tôn giáo. Cũng không thể tìm giải pháp dựa vào sự thiên kiến và bạo động của những cá nhân, dù sự kết hợp của họ là cần thiết vì sự kết hợp này cũng chỉ là thiểu số so với phe đa số kia.

Về vấn đề này, chúng ta có thể kết luận rằng trong một chế độ dân chủ thuần khiết, ý tôi là một xã hội gồm một số nhỏ những công dân hội họp và điều hành chính quyền theo tính chất cá nhân, sẽ chẳng có phương sách nào cứu chữa được những mưu toan của nạn bè phái. Hầu như trong mọi trường hợp, đa số dân chúng của xã hội này đều tìm được một tâm trạng chung hay mối quan tâm chung.

Cũng chính vì điều đó, thông qua trao đổi và hợp tác giữa mọi người mà chính quyền được hình thành. Khi đó, không gì kiểm soát được những sự xúi giục nhằm hy sinh lợi ích của phe phái yếu hơn hoặc một cá nhân bất bình nào đó. Những chế độ dân chủ thuần khiết như vậy đầy những cảnh tượng của sự bạo động, tranh giành và bất bình, nên an toàn cá nhân và quyền tư hữu không được đảm bảo. Nói chung, những chính thể như vậy thường không tồn tại lâu dài vì bị lật đổ bởi những cuộc nổi loạn trong nước.

Những lý thuyết gia chính trị ủng hộ những mô hình chính quyền này nghĩ rằng bằng cách giảm bớt quyền chính trị của cá nhân để dân chúng trở nên bình đẳng thì tất cả mọi người cũng hoàn toàn bình đẳng, sẽ giống nhau về ý kiến, về tâm trạng và những quyền sở hữu, là hoàn toàn sai lầm.

Một nhà nước cộng hòa, tôi cho rằng là một chính quyền, trong đó dân chúng được đại diện nhờ sự bầu cử, lại mở ra một triển vọng khác và hứa hẹn đem lại giải pháp cho nạn bè phái mà chúng ta đang tìm kiếm. Chúng ta sẽ xem xét những điểm khác biệt giữa chế độ cộng hòa và các nền dân chủ thuần tuý để rồi chúng ta sẽ hiểu được cả về bản chất và hiệu quả của giải pháp đó sẽ đạt được nhờ mô hình Liên bang.
 
Người Liên bang Số 10 (tiếp theo)

Bài đăng trên tờ New York Packet, Tác giả: James Madison.​


Có hai điểm chủ yếu khác biệt nhất giữa một chế độ dân chủ và một nhà nước cộng hòa.

Thứ nhất, trong chính thể cộng hòa, đoàn đại biểu của chính quyền, bao gồm một số người do toàn thể dân chúng bầu chọn. Thứ hai, qui mô của nhà nước cộng hòa, bao gồm một số lượng công dân rất đông đảo trên một phạm vi lãnh thổ rất rộng lớn.

Hiệu quả của sự khác biệt, thứ nhất là, một mặt, tinh lọc và mở rộng những quan điểm của công chúng, thông qua một cơ quan trung gian, do dân chúng bầu chọn. Sự khôn ngoan của họ có lẽ là cần thiết và hữu ích nhất đối với lợi ích thực sự của toàn thể đất nước. Lòng yêu nước và tình yêu công lý của họ sẽ khó lòng bị hy sinh vì những quyền lợi riêng rẽ hoặc nhất thời.

Dưới sự điều hành đó, quyền lợi của cả cộng đồng có thể được những người đại diện cho dân chúng phát biểu chính xác hơn là nếu để cho bản thân dân chúng tự phát biểu, thông qua những cuộc họp của họ. Nhưng mặt khác, hiệu quả của điều này có thể bị đảo ngược.

Những đại biểu này sẽ có tư tưởng phe phái, mang những thành kiến địa phương, hay nhờ những mưu mô lén lút nham hiểm, hay nhờ sự nịnh bợ, mua chuộc, hoặc bởi những mưu chước khác để giành phiếu bầu, nhưng sau đó phản bội lại lợi ích của toàn thể dân chúng, những người đã bầu chọn mình.

Điều chúng ta cần xem xét là phạm vi của nhà nước cộng hòa rộng lớn hay nhỏ bé sẽ thuận lợi hơn cho việc chọn ra những người bảo vệ chân chính nhất sự thịnh vượng của toàn xã hội. Hiển nhiên là các nhà nước cộng hòa rộng lớn sẽ ưu việt hơn, bởi hai lý do rất rõ ràng:

Lý do đầu tiên là trong một nước cộng hòa, dù là nhỏ bé, thì những người đại diện cần phải khá đông đảo để đề phòng những âm mưu xấu xa của một số ít đại biểu âm mưu thông đồng với nhau giành quyền điều hành. Còn trong một nước cộng hòa, dù rộng lớn đến đâu, thì số lượng các đại biểu cũng phải có giới hạn nhất định, để đề phòng sự lộn xộn của đám đông.

Nhưng trong cả hai dạng nhà nước, số lượng những người đại diện đều không thể tỉ lệ với qui mô dân số của mình nên tỷ lệ dân chúng cho một người đại diện trong các nước cộng hòa nhỏ sẽ lớn hơn. Nếu mật độ những cá nhân có tư cách và năng lực tại cả hai nhà nước cộng hòa lớn và nhỏ là như nhau thì trong nhà nước cộng hòa rộng lớn sẽ có sự lựa chọn rộng rãi hơn là trong các nhà nước cộng hòa nhỏ bé.

Tiếp theo, do mỗi người đại diện sẽ được một số lượng dân chúng đông đảo hơn tại những nước cộng hòa lớn so với những nước nhỏ chọn lựa, nên càng khó khăn hơn cho những ứng cử viên xoàng xĩnh, mưu cầu giành được các phiếu bầu nhờ những mưu mô và thủ đoạn xấu xa mà cuộc bầu cử nào cũng xuất hiện. Việc bỏ phiếu của dân chúng sẽ được tiến hành tự do hơn, nên sẽ chọn ra được những người đại biểu có uy tín, tài năng và phẩm chất cao quý nhất.

Nhưng cũng phải thú nhận rằng trong mô hình này, cũng như trong đa số các trường hợp khác, đều nhận thấy sự bất lợi của cả hai dạng nhà nước. Bởi việc tăng thêm quá nhiều cử tri, những người được bầu chọn sẽ ít gắn bó và thấu hiểu những hoàn cảnh và lợi ích địa phương của dân chúng.

Trong khi việc giảm bớt quá nhiều số cử tri sẽ làm cho người đại biểu ràng buộc quá mức vào quyền lợi của một nhóm cử tri đó mà quên đi việc theo đuổi những mục tiêu cao cả của quốc gia và những lợi ích khác của toàn xã hội. Bản Hiến pháp liên bang mới đã mang lại sự kết hợp tốt đẹp về phương diện này. Những lợi ích chung và tổng thể của toàn quốc, thì trao cho chính quyền liên bang, còn những lợi ích cục bộ, địa phương thì dành cho các cơ quan lập pháp tiểu bang.

Điểm khác nhau thứ hai giữa nhà nước cộng hòa và dân chủ thuần tuý là chính thể cộng hòa sẽ bao trùm một lãnh thổ và dân số đông đảo hơn một chính quyền dân chủ. Chính nhờ hoàn cảnh này mà đa số khó lòng và trở nên ít nguy hiểm hơn như trong nhà nước dân chủ. Xã hội càng nhỏ, thì những phe phái và những nhóm lợi ích khác biệt càng ít.

Khi những phe phái và những nhóm lợi ích khác biệt càng ít, thì một phe phái đa số dễ được hình thành hơn. Khi phe đa số càng dễ được hình thành và số thành viên của phe phái đó càng ít, họ càng dễ thảo thuận với nhau để thi hành những biện pháp đàn áp thiểu số.

Khi phạm vi và môi trường được mở rộng, các phe phái và các nhóm lợi ích trở nên đa dạng hơn, đa số khó có thể có chung động cơ và mục đích để xâm chiếm và cướp đi quyền của những công dân khác. Hoặc dù một động cơ chung như vậy có tồn tại, thì đa số cũng khó có thể thống nhất và tập hợp lại với nhau để trở thành một sức mạnh chung.

Ngoài những sự trở ngại khác, có thể nhận thấy rằng dù có những mục đích xấu xa và ý định bất công nào thì do số lượng đông đảo người tham gia nên việc trao đổi và thảo luận trong nhóm luôn luôn bị nghi ngờ dẫn đến khó có thể đạt được một sự đồng tâm cần thiết.

Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng là một nước cộng hòa có nhiều lợi thế hơn so với nền dân chủ trong việc kiểm soát những ảnh hưởng của nạn phe phái và một nước cộng hòa lớn có nhiều thuận lợi hơn một nước cộng hòa nhỏ bé, một Liên minh những tiểu bang thuận lợi hơn những tiểu bang riêng rẽ cấu thành nên nó. Liệu những lợi thế này có bao gồm việc thông qua những người đại diện khôn ngoan và có đức hạnh cao cả, làm cho cho họ vượt qua được những thành kiến địa phương và mưu đồ bất công đó không?

Không thể từ chối rằng những người đại diện của Liên minh sẽ sở hữu những tài năng và đức tính thiên phú. Nhưng liệu sự đa dạng của các phe phái có đảm bảo tốt hơn cho xã hội chống lại bất kỳ một phe phái nào, dù là đông đảo, định chèn ép và đàn áp những phe còn lại không? Rõ ràng rằng khi những phe phái của Liên minh trở nên đông đảo và đa dạng hơn, thì sự an toàn cần thiết đó cũng tăng lên.

Liệu sau cùng, liên minh hình thành có cản trở được sự thống nhất và các âm mưu xấu xa của đa số có cùng lợi ích không? Lại một lần nữa, chính tại đây, qui mô của Liên minh mang lại lợi thế rất rõ ràng.

Ảnh hưởng của những lãnh tụ bè phái có thể thổi lên ngọn lửa tại những tiểu bang nhất định của họ, nhưng sẽ không đủ để làm cho đám cháy bùng lên, lan rộng ra khắp các tiểu bang khác. Một giáo phái có thể suy đồi để hình thành một phe phái chính trị tại một địa phương trong Liên minh.

Nhưng sự đa dạng của những giáo phái khác trên toàn bộ đất nước, sẽ giữ an toàn cho chính quyền quốc gia chống lại mối nguy hiểm xuất hiện từ bất kỳ bè phái nào. Một trào lưu đòi ban hành tiền giấy, hay đòi bãi bỏ mọi món nợ, hay đòi bình đẳng về tài sản, hoặc bất kỳ một mục đích sai trái hay xấu xa nào sẽ khó có thể lan tràn trên toàn bộ lãnh thổ của Liên minh, ngoại trừ một vài tiểu bang nào đó.

Cũng như một căn bệnh hay tệ nạn nào đó chỉ có thể làm hoen ố, làm hư hỏng hay tàn phá một tỉnh, một huyện chứ không thể tàn phá toàn bộ một đất nước.

Bởi vậy, trong phạm vi và cấu trúc thích hợp của Liên minh chúng ta, chúng ta sẽ tìm được một giải pháp cộng hòa cho chính những căn bệnh thường phá hoại chính thể cộng hòa. Chúng ta càng sung sướng và tự hào khi được là những người cộng hòa bao nhiêu, thì càng phải hăng hái và nhiệt thành ủng hộ những nguyên lý và tư tưởng Liên bang bấy nhiêu.

Những tác hại do nạn bè phái gây không thể được các chính quyền tiểu bang nào kiểm soát mà điều này chỉ được giải quyết thành công trong mô hình chính quyền liên bang Cộng hòa rộng lớn.
 
Người Liên bang Số 51​


Bài đăng trên tạp chí New York Packet. Tác giả: James Madison

Trong bài luận này, Madison tập trung thảo luận về cơ chế kiềm chế và đối trọng trong chính quyền.

Ông khẳng định cấu trúc của chính quyền mới phải thiết lập được những kiểm tra và đối trọng thích hợp giữa những nhánh chính quyền khác nhau, và những lợi thế của một chính quyền liên bang trong việc bảo đảm quyền và những lợi ích khác nhau của dân chúng.

Cách duy nhất để giải quyết được vấn đề này là cơ chế kiềm chế và đối trọng, đó là hạt nhân của lý thuyết phân chia quyền lực do Montesquieu đề xướng. Đấy là một trong những bài hay nhất trong tập Người Liên bang.

Thứ Sáu, ngày 8 tháng Hai năm 1788​


Gửi dân chúng tiểu bang New York,

Giải pháp nào là giải pháp cuối cùng mà chúng ta sẽ sử dụng trong thực tế để duy trì sự phân quyền cần thiết giữa các nhánh chính quyền khác nhau, như được qui định trong Hiến pháp?

Câu trả lời duy nhất có thể thấy được là trong khi tất cả những điều kiện xung quanh đều không đáp ứng yêu cầu đặt ra, thì các khiếm khuyết đó phải được xử lý bằng những qui định đúng đắn trong bản Hiến pháp để thiết lập một hệ thống chính quyền, trong đó, các nhánh chính quyền quan hệ và ràng buộc với nhau theo cách thích hợp và đặt những cơ quan này vào những vị trí, sao cho chúng sẽ kiểm soát được hoạt động của nhau.

Tôi không định phân tích đầy đủ về hướng phát triển của ý tưởng quan trọng này, nhưng tôi cũng mạnh bạo đưa ra một vài nhận xét chung, hy vọng đưa chúng trở nên sáng sủa hơn, cho phép chúng ta hình thành sự phán xử chính xác hơn những nguyên lý và cấu trúc của chính phủ được Hội nghị Lập hiến xây dựng.

Ðể đặt một nền tảng vững chắc cho sự phân chia các quyền lực khác nhau của chính quyền, điều mà tất thảy mọi người đều chấp nhận là cần thiết để duy trì tự do, hiển nhiên là mỗi nhánh chính quyền cần phải có ý chí độc lập của riêng mình.

Vì vậy, cần phải qui định làm sao để những thành viên của mỗi nhánh càng phải ít liên quan đến sự bổ nhiệm những thành viên của những nhánh chính quyền khác. Nguyên lý này cần phải được tuân thủ chặt chẽ. Nó sẽ đòi hỏi rằng mọi sự bổ nhiệm của nhánh hành pháp, cơ quan lập pháp tối cao và những quan chức của Tòa Tư pháp hoàn toàn phải được bầu chọn trên một nền tảng chung của uy quyền, đó là dân chúng, nhưng phải thông qua những kênh riêng biệt, không liên quan đến nhau.

Có lẽ một kế hoạch thiết lập các nhánh chính quyền như vậy, trong thực tế, ít khó khăn hơn so với những điều đã hình dung. Tuy nhiên, điều đó cũng gặp phải một vài khó khăn và các chi phí bổ sung cần cho việc thi hành kế hoạch đó. Do vậy, một vài sự lệch hướng khỏi nguyên lý này cũng phải được chấp nhận. Đặc biệt là qui định về việc thiết lập nhánh tư pháp. Sẽ không thích đáng nếu quá ràng buộc chặt chẽ vào nguyên lý đó.

Trước hết, những phẩm chất đặc biệt quan trọng đối với những thẩm phán tòa án là hết sức cần thiết, nên cần có sự xem xét sơ bộ để đảm bảo chọn được các ứng cử viên đáp ứng tốt nhất những yêu cầu này. Thứ hai là vì họ có nhiệm kỳ lâu dài, nên những người được chọn vào nhánh tư pháp sẽ nhanh chóng mất hết mọi sự ràng buộc vào những cơ quan, hay cá nhân bầu chọn họ.

Một điều hiển nhiên khác là những thành viên của mỗi nhánh chính quyền càng ít phụ thuộc vào những thành viên của các nhánh khác càng tốt, như các khoản lương bổng được cấp cho họ không thể để nhánh khác quyết định. Nếu Tổng thống hay các thẩm phán không được độc lập khỏi cơ quan lập pháp về khoản lương bổng thì sự độc lập của họ đối với những cơ quan khác chỉ còn là cái vẻ bề ngoài.

Nhưng sự đảm bảo an toàn tốt nhất, ngăn chặn việc tập trung dần dần các quyền lực vào tay một cơ quan, là việc trao cho những người điều hành mỗi nhánh chính quyền những biện pháp hợp hiến cần thiết và những động cơ cá nhân để chống lại sự lạm quyền của những người khác.

Điều khoản cho sự bảo đảm này trong mọi trường hợp phải được qui định tương xứng với mối nguy hiểm của sự xâm phạm đó. Tham vọng phải được sử dụng để chống lại tham vọng. Quyền lợi của cá nhân phải được ràng buộc với các quyền hợp hiến của chức vụ đó. Điều này phản ảnh bản chất của con người vì những công cụ như vậy là cần thiết để kiểm soát sự lạm quyền của chính phủ.

Căn cứ vào bản chất của loài người, thì những biện pháp như vậy là hoàn toàn cần thiết để kiểm soát sự lạm quyền của chính phủ. Nhưng bản thân chính quyền là gì, nếu không phải là sự thể hiện lớn lao nhất bản chất của loài người? Nếu loài người là những thiên thần thì chẳng cần một chính phủ nào. Nếu những thiên thần cầm quyền thì những kiểm soát bên trong, hay từ bên ngoài, cũng chẳng cần thiết.

Nhưng để hình thành một chính phủ được điều hành giữa người với người, khó khăn lớn nhất là chính quyền phải kiểm soát được những gì cơ quan này điều hành và bước tiếp theo phải tự kiểm soát chính mình. Một sự phụ thuộc vào dân chúng rõ ràng là sự kiểm soát cơ bản nhất đối với mọi chính quyền. Nhưng kinh nghiệm từng dạy loài người rằng cần phải có những sự cẩn trọng bổ sung cần thiết khác.

Chính sách này sẽ hình thành những lợi ích đối trọng và trái ngược, nhằm tạo ra những động cơ tốt hơn, có thể nhận thấy trong toàn bộ hoạt động của loài người, của từng cá nhân cũng như của cả động đồng.

Đặc biệt, chúng ta thấy điều này thể hiện rõ nhất trong việc phân bổ những quyền lực với mục tiêu phân chia và sắp xếp các cơ quan chính quyền theo cách thức sao cho cơ quan này sẽ kiểm soát được cơ quan kia, nơi mà lợi ích của mọi cá nhân sẽ chính là biện pháp bảo vệ quyền lợi của cả cộng đồng. Phát minh khôn ngoan này là vô cùng quan trọng trong việc phân chia quyền lực tối cao của mỗi nhà nước.

Nhưng không thể trao cho mỗi nhánh chính quyền một quyền lực bằng nhau để tự bảo vệ mình. Trong chính phủ cộng hòa, uy quyền lập pháp tất yếu phải vượt trội nhất. Giải pháp cho sự bất lợi này là chia cơ quan lập pháp thành những viện khác nhau, với những phương pháp bầu chọn khác nhau, trên những nguyên lý hoạt động khác nhau, để mối liên hệ giữa các viện này sẽ là rất nhỏ bé, tới mức bản chất, chức năng hoạt động và sự kiểm soát của xã hội đối với các viện này chấp nhận được.

Song, thậm chí có thể thiết lập thêm những đề phòng khác để chống lại sự lạm quyền nguy hiểm đó. Nhưng sức mạnh và uy quyền quá lớn của nhánh lập pháp khiến cơ quan này buộc phải được phân chia, thì mặt khác, sự yếu kém của nhánh hành pháp đòi phải củng cố nhánh quyền lực này. Quyền phủ quyết tuyệt đối trên mọi văn bản của cơ quan lập pháp phải được trao cho nhánh hành pháp. Nhưng có lẽ điều này vẫn chưa an toàn và có thể cũng chưa đủ hiệu quả.

Trong những trường hợp bình thường, quyền lực này có thể không được sử dụng với sức mạnh cần thiết, song trong một số trường hợp đặc biệt, quyền lực này có thể bị lạm dụng. Có thể giải pháp về quyền phủ quyết tuyệt đối không cần thiết, nếu có mối quan hệ tốt đẹp giữa nhánh yếu hơn này của chính quyền và viện yếu hơn của nhánh chính quyền mạnh hơn.

Theo đó, viện yếu hơn của nhánh chính quyền mạnh hơn sẽ bị ràng buộc bởi những quyền hợp hiến phải hỗ trợ cho nhánh yếu hơn kia của chính quyền, nếu viện đó không gắn quá chặt với quyền lợi của chính cơ quan mình?

Nếu nguyên tắc cho những nhận xét đó là đúng đắn, tôi tin rằng nguyên tắc phân quyền quyền lực cần phải được áp dụng như một tiêu chuẩn cho mọi bản Hiến pháp tiểu bang và cho bản Hiến pháp liên bang. Nhưng sẽ thấy rằng nếu bản Hiến pháp liên bang không hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc này, thì các bản Hiến pháp tiểu bang lại càng khó khăn để chấp nhận qui định đó.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top