Danh tướng vùng Hà Nội thời Hai Bà Trưng PDF. In Email
Viết bởi Thang Long - Ha Noi
1. Ba chị em trong ngõ Thổ Quan
Ba chị em họ Đào, chị là Phương Dung, hai em là Hiển Hiệu và Quý Minh, đều là những duệ hiệu chứ không phải là tên thực, được thờ làm thành hoàng ở đình Thổ Quan, xưa thuộc tổng Hữu Nghiêm (sau đổi là An Hoà), huyện Thọ Xương, nay thuộc phố Khâm Thiên. Sau đây, ghi theo lời truyền miệng của cố lão kinh thành:
Đáp lời kêu gọi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, ba chị em ruột mộ quân hưởng ứng. Khu ống lệnh trong ngõ Lệnh cư là nơi tập hợp nghĩa quân, nghe tiếng ống lệnh là bắt đầu xuất phát tiến công. Bãi trận ở khu trường học La Thành là nơi tập trận hay là nơi đã diễn ra chiến trận. Hồ Đồn ở ngõ Chiến thắng, đối diện với Công an Khâm Thiên ngày nay, là nơi đóng quân. Dốc Súng ở phía Tây Nam đình Thổ Quan cũng là một đồn quân, gần đó xưa kia có ao nở đầy hoa súng...
Nghĩa quân vượt sông Cái sang miền Kinh Bắc, đuổi Tô Định, góp phần thu phục 65 thành và giúp Trưng vương xây dựng đất nước. Ba năm sau, Mã Viện sang xâm lược, ba chị em phù Trưng vương chiến đấu dũng cảm ở Hát Môn. Trưng vương hy sinh, ba chị em - chiến tướng lui về Thổ Quan, dựng ba đồn chống giặc. Thổ Quan, Hà Nội cổ thành chiến trường giao tranh ác liệt. Và rồi ba chị em cũng hoá ... “Suốt ba đêm ngày, dù đã thác, ba chị em vẫn còn giết nhiều quân tướng Hán”.
Bài văn bia ở đình còn kể lại như thế với đời sau, những lời thơ và mộng. Đất ả Đào ngày sau, dường như từ dạo ấy đã sang sảng tiếng ca ngâm mỗi khi nghĩa quân xuất trận:
Chinh táp hành hành xuất ngọc quan
Tam quân như nhất, một hào đoan
Thiên lý trì khu, thiên lý mộng
Nhất trùng li biệt, nhất trùng quan
Tạm dịch:
Phất cờ ra khỏi ải quan
Ba quân kết đoàn, một khối thép gang
Ruổi rông muôn dặm, giấc mộng bàng hoàng
Biệt li xá kể bước đàng viễn chinh
Có thơ ấy, để có thêm câu đối (còn nguyên vẹn ở đình sau những trận mưa bom B52 những ngày Đông lạnh 1972) ngợi ca tinh thần anh dũng chiến đấu, dù giữa cảnh hầu như tuyệt vọng:
Nhất thi khảng khái anh hùng lệ
Bách chiến quan hà cổ quốc tâm
(Sảng khoái một bài thơ, cảm khái anh hùng giọt lệ
Quan hà trăm trận đánh, vững bền cố quốc lòng trung)
Ba chị em, gốc từ Thanh Hoá, sinh cùng một bọc theo một mô – típ rất dân gian (“1 gái – 2 trai” của thần thoại khởi nguyên), lại được gắn với một mô – típ khác nhuốm màu Đạo giáo: Mẹ nằm mộng thấy tiên cho ăn ba quả đào, sau đó thụ thai. Sự tích ấy còn ảnh xạ trong đôi câu đối:
Nhất nhất trung trinh, thị tỉ, thị huynh, phái xuất Thanh Hoa tam trí dũng
Ức niên miếu mạo, vi thần, vi tướng, lực phù Trưng chúa lưỡng anh thư
(Một cửa trung trinh, này chị, này anh, gốc tự Thanh Hoa – ba trang trí dũng
Muôn năm miếu gạo, là thần, là tướng, sức phò Trưng chúa – hai vị anh thư)
Nội thành Hà Nội, Thổ Quan là nơi duy nhất còn lưu lại những tên đất in bóng hình một chiến trường xưa...
2. Ba anh em chàng Quách và hai nàng Đinh:
Thôn Thượng Cát (xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm) mé trên Chèm Vẽ, thờ ba vị thần. Cũng ba nhưng ở đây là 1 nam, 2 nữ: Quách Dũng, Đinh Bạch nương, Đinh Tích nương. Quê ở Hoa Lư động, 3 anh em con cô con cậu ruột, họ hai bề: Mẹ hai nàng Đinh là em gái bố Quách Dũng, mẹ chàng Quách lại là chị ruột của bố hai nàng Đinh.
Hai gia đình thông gia và kết nghĩa, ba anh em từ nhỏ cùng chung sống, lớn lên cùng luyện võ, trai giỏi trường sang, gái giỏi thuỷ chiến.
Được tin Bà Trưng khởi binh, ba anh em từ Hoa Lư lên Hát Môn tụ nghĩa. Qua làng Kẻ Thượng Cát, ba người dừng chân nghỉ...Rồi hai nàng lên Hát Môn trước. Chàng Quách ở lại đến hôm sau, chưa kịp đi thì đã có em trai bà Trưng đến đón và cùng nhau đi mộ quân ứng nghĩa. Rất nhiều trai làng Kẻ gia nhập đám quân này. Đuổi xong Tô Định, chàng Quách được hưởng ấp ở Từ Liêm, Thượng Cát. Ba năm sau, cự Mã Viện, chàng Quách hy sinh...Nhân dân Thượng Cát lập đàn tế và thờ làm thành hoàng.
Ba anh em đều được thờ làm thần ở ba làng kẻ: Kẻ Thượng Cát, Kẻ Đông Ba và Kẻ hạ Cát (nay là Đại Cát, thuộc xã Liên Mạc, Từ Liêm).
Đôi câu đối biểu dương sự nghiệp ba vị thần, đồng thời cũng thể hiện lòng tự hào địa phương:
Tinh trung nhất khí quán sơn hà, thử dân, thử thổ
Huynh muội tam nhân tòng đại nghĩa, vi tướng, vi thần
(Tinh trung khí mạnh khắp non sông, này dân, này đất
Anh em ba người theo nghĩa lớn, là tướng, là thần).
3. Ba tướng họ Đào ở Ngọc Động:
Thôn Ngọc Động, thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thờ ba vị thần. Cũng lại ba, song ở đây thuần dương, ba anh em trai cả: Ông Đô Thống, ông Chiêu Hiển và ông Tam Lang. Cả ba ông đều theo giúp Hai Bà Trưng đuổi Tô Định, đánh Mã Phục Ba.
Trận cuối cùng, thế trận dàn ra ở Bồ Đề, gần trang Đa Tốn. Khó cự giặc lâu, ba tướng cùng nhảy xuống sông tự vẫn. Thần tích đình Ngọc Động chép khoa trương: Một đàn cá rùa rắn giải, từ dưới nước nổi lên, “rước” ba ông đi mất trước những cặp mắt hoảng loạn của quân thù. lại có một số câu đối tuyên dương trạng:
Tướng quận dương uy nhiêu tướng lược
Bồ tân tuẫn tiết tận thần trung
(Quận Tượng oai hùng nhiều tài tướng lược
Bến Bồ tuẫn tiết, tận nghĩa trung thần).
Tái bắc tức chinh trần, công cao trục Định
Hồ Tây dương mộ lãng, nghĩa trọng phù Trưng
(Ải Bắc yên gió bụi can qua, công đầu đuổi Tô Định
Hồ Tây nổi sóng nước căm giận, nghĩa nặng phù Trương Vương).
4. Khỏa Ba Sơn ở Xuân Đỗ Hạ:
Xuân Đỗ hạ là một trong ba làng Xuân Đỗ, nay thuộc xã Cự Khối, huyện Gia Lâm. Xưa có tên là ấp Hoa Động. Sắc phong thần tướng Hai Bà Trưng ở đình thôn này ghi lại cái tên lạ: khoả ba sơn. Khoả Ba Sơn đã chiêu mộ hơn 200 đinh tráng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Ông được Hoa động (Xuân Đỗ Hạ) dựng một đồn giả để đánh lừa giặc Hán, góp phần đánh đuổi Tô Định. Xong việc, ông về Hoa Động, dựng điện tranh, ăn ở cùng dân, rồi hoá...
5. Nàng Quốc ở Hoàng Xá:
Nàng Quốc, mẹ họ Đào, sinh ra dưới gốc cây đào khu Hoàng Xá, trang Hạ Tốn (nay thuộc xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm).
Nàng Quốc chiêu mộ trên 2000 người gia nhập khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Việc lớn đã thành, Trưng vương phong thưởng, nàng Quốc chỉ xin khu đất ở Hoàng Xá lập đền thờ mẹ.
Ba năm sau, nàng Quốc chia quân chống cự Phục Ba tướng quân Mã Viện. Tình thế bất lợi, nàng cùng vua Trưng phi ngựa lên núi. Và không còn ai thấy bóng dáng nàng đâu nữa. Chỉ còn đôi câu đối ở đình Hoàng Xá ca ngợi chí nàng:
Tô khấu tước bình, trực bả quần thoa đương kiếm khích,
Trưng Vương dực tái, hảo tương cân quắc hộ sơn hà.
(Dẹp giặc Tô cứu dân, quyết lấy quần thao thay kiếm kích
Phò vua Trưng dựng nước, tài đem khăn yếm giữ non sông).
6. Thành Công:
“Thành công Tương liệt đại vương” được thờ ở 5 Thôn thuộc xã Cổ Linh cũ, tức những thôn Tử Đình, Nha Thôn, Sài Đồng, Trạm Thôn và Ô Cách.
Ông là một tướng của Bà Trưng, người xứ Đông được hưởng thực ấp ở Gia Lâm. Vừa coi quân,vừa đi khắp huyện kinh lý công việc, thúc đẩy nhân dân làm ruộng, chăn tằm…
Đến trang Cổ Linh, thấy phong cảnh đẹp, dân chúng cần cù, ông lưu lại ít lâu. Ba năm sau, thành Công lên Lạng Sơn chống quân Mã Viện. Sau khi Bà Trưng tuẫn tiết, ông cùng quân sĩ vừa đánh vừa rút về Thanh Hoá, đến trang Tâm Quy, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung thì mất. Dân Cổ Linh sau đó nghe được tin, dựng đền thờ ông. Trong 5 thôn, đền chính là đền thôn Trạm.
Một câu đối ở đình làng này ghi lại sự tích thần anh dũng:
Kỷ tải dục Trưng Vương, Tô tắc bình dư, long thần ấn
Ngũ thôn chiêm thánh đức, chủ trang hoá hậu, ngật thần từ
(Mấy năm phò vua Trưng, giặc Tô Định dẹp tan, rõ ràng ấn tướng
Năm thôn nhuần đức thánh, đất Tâm quy hiển hoá, cao đẹp đền thiêng)
7. Ông Đống và Ông Hựu Kim Đồ:
Hai ông là anh em sinh đôi, vốn quê ở Cự Ninh Thanh Hoá, được bà dì họ Mặc, người thôn Kim Đường (nay là Kim Hồ, thuộc xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm) đem về đấy nuôi.
Lớn lên, có sức khoẻ và chí lớn, hai anh em chiêu tập binh mã, hưởng ứng khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Ba đồn, ba doanh trại mọc lên ở Kim Đường, làm thế nương dựa lẫn nhau, đã góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.
Trưng vương phong tướng và phong ấp cho hai ông cũng ngay đật đó. Khi Mã Viện sang xâm lược, hai ông được lệnh lên giữ xứ Lạng, cùng quân Hán giao tranh nhiều trận. Vừa đánh, vừa lui, đến Gia Lâm, trong một trận huyết chiến, hai tướng bị thương, chạy về đến cánh đồng K im Đường thì hoá. Nay ở còn đó có khu mộ lớn, gọi là mả Cả. Đôi câu đối trong đình còn thể hiện rõ niềm tự hào của nhân dân về hai ông tướng cùng quê:
Hiệp tấn Trưng Vương khuynh Bắc quốc
Đồng trừ Tô tặc trấn nam bang.
(Hợp giúp vua Trưng, nghiêng nước Bắc
Cùng trừ Tô Định, giữ trời Nam)
8. Vợ chồng Đào Kỳ - Phương Dung
Cả mấy làng thuộc tổng Cói ngày xưa bên bờ Bắc sông Đuống (Lộc Hà, Hội phụ, Lệ Xá, Đông Trù) đề thờ hai vợ chồng Đào Ký và Phương Dung, hai vị tướng kiệt xuất của phong trào Hai Bà Trưng.
Đào Kỳ sinh ở Cối Giang miệt Đông Ngàn, nay là vùng Hội Phụ. Chăm làm, học giỏi, có chí lớn, 15 tuổi Đào Kỳ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hồi đó có một nhà họ Nguyễn, quê ở trang Vĩnh Tế, huyện Lang Tài, lấy vợ ở Cối Giang, sinh hạ được ba con trai, thảy đều giỏi kiếm cung và một gái là Phương Dung, đoan trang ngoan nết, giỏi võ giỏi văn…
Tô Định nghe danh Nguyễn Trát, đem lễ tới định ban cho tướng lộc để chiêu phục tùng nhưng Nguyễn đã từ chối. Và Nguyễn cùng ba con trai đều bị giặc vây giết ở trang Vĩnh tế.
Khi ấy mẹ và Phương Dung ở Cối giang, được tin dữ vội lẩn trốn và tìm cách phục thù. Gặp Đào Kỳ, mến nhau vì đức, trọng nhau vì tài, Phương Dung đã cùng chàng kết dải đồng tâm, cùng chung sức mưu toan trả thù, đền nợ nước.
Nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hai vợ chồng đêm hơn 100 người nhà đến yết kiến và gia nhập nghĩa quân. Hai vợ chồng cùng xông pha giết giặc, đánh đuổi Tô Định và được cử trông nom dải đất Đông Ngàn - Bắc Đuống.
Ba năm sau, Mã Viện phát xâm lược, vợ chồng Đào Kỳ cung nhiều tướng tá khác đã lên Lạng Sơn chống giặc, sau về Cấm Khê ứng cứu vua Trưng.
Hai vợ chồng bị hãm giữa chiến trường và lạc nhau. Đào Kỳ bị nhát dao chém ngang cổ, hăng máu phi ngựa chạy về Đông ngàn, đến Cổ Loa thì hoá. Mối đùn thây thành ngôi mộ lớn. Phương Dung sau cũng tìm cách thoát vây về được Đông Ngàn, qua Cổ Loa thấy ngôi mộ lớn, hỏi thăm bà lão bán nước cạnh đường, biết đích xác là chồng mình đã tử tiết liền rút gươm tự vẫn. Mối cũng đùn lên thành mộ, sánh đôi cùng mộ tướng Đào Kỳ.
Để ngày sau, người đời làm thơ ca ngợi:
Sinh vi lương tướng, tử vi thần
Vạn cổ cương thường hệ thử thân
Loa địa song đôi thu nguyệt ảnh
Anh hùng liệt nữ tướng quân phần.
(Sống làm tướng giỏi, chết làm thần
Muôn thuở cương thường nặng tấm thân
Đôi nấm thành Loa thu trăng chiếu
Hào kiệt anh thư mộ tướng quân).
Và các đình đều còn biết bao câu đối rờ rỡ khí thế khởi nghĩa Bà Trưng, trong đó vợ chồng Đào Kỳ, Phương Dung góp phần quan trọng:
Vị lý Phục Ba thi, loạn giá lâm lưu không ẩm hận
Bất ly Tiên trấn giáp, Loa thành quy mã thượng tri thanh
(chưa bọc xác Phục Ba, sông cạnh xe loan còn vang uất hận
Chẳng rời giáp Tiên trấn, ngựa về thành ốc vẫn vọng âm thanh).
9. Đông Bảng ở Gia Lộc:
Thôn Gia Lộc cạnh Loa thành thờ ông Đông Bảng, là vị tướng giúp vua trưng đuổi Tô Định, thu phục 65 thành. Trưng Trắc lên ngôi, vẫn sai Đông Bảng giữ nơi này và dựng đồn trú quân. Đồn này xây dưụng trên khu đất nghe nói xưa là khu đồn quân ở đó. Sự nghiệp của ông còn được lược kể trong bài thơ và câu đối sau đây, còn giữ được ở đình Gia Lộc:
Tại tích phù Trưng, nghiệp triệu thành
Công thuỳ vũ trụ đãng nan danh
Huy lai tướng lệnh tiêu Tô tặc
Phi xuất thành lâu khước Hán binh
Trung nghĩa nhất lâm năng bất tử
Anh linh vạn cổ lẫm như sinh
Lưu đồn thử địa di từ miếu
Lịch đại ba chương lũ biểu tinh.
(Từng giúp vua Trưng, nghiệp lớn thành
Công ngang trời đất, sáng ngời danh
Vung cờ tướng lệnh xua Tô Định
Vọt cửa thành lâu đuổi Hán binh
Trung nghĩa một lòng không thể chết
Anh linh muôn thuở tựa bình sinh
Đồn quân nền cũ nay đền miếu
Phong tặng bao đời dấu hiển linh).
Thánh đại duy dương, trục Định, phù Trưng thuỳ sửa bút
Thần công vĩnh bá, tí dân hộ quốc trạc linh thanh.
(Triều đại tặng phong, đuổi Định, phù Trưng, bút ghi sử sách
Công ơn truyền mãi, giúp dân giữ nước, tiếng dậy anh linh).
10. Thủy Hải – Đăng Giang - Khổng Chúng:
Ba vị tướng của Bà Trưng hiện được thờ ở Đại Vĩ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Thuỷ Hải và Đăng Giang là hai anh em sinh đôi, 18 tuổi bố mẹ mất. Tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai ông được giao việc phòng ngự hai bờ sông phía Đông Bắc và lập trại ở Hà Vĩ luyện quân.
Ba năm sau, hai ông lên biên thuỳ đánh quân Mã Viện. Một người ở trang Hà Vĩ tên là Khổng Chúng có tài thao lược được hai ông đề cử vua Trưng phong làm tiền lộ tướng quân.
Vua Trưng cùng hai tướng đánh nhau với Mã Viện. Vua hi sinh ở trận tiền. Hai tướng chạy đến cửa biển thì hoá (10 - Bảy Âm lịch). Khổng Chúng thu tàn binh chừng 50 người quay về Hà Vĩ, bị quân Mã Viện đuổi theo và bao vây. Khổng Chúng anh dũng chống cự và gục ngã trên mảnh đất Mẹ ngày 12 tháng Chín...
11. Đức Bà làng dâu hay công chúa Vĩnh Huy:
Đức bà được thờ làm thành hoàng làng Dâu, tức làng Cổ Châu, nay thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Tên trong thần tích là công chúa Vĩnh Huy, vốn người vùng Yên Tử. Đông Triều; đi khắp nơi làm ăn sinh sống, hay cứu giúp người nghèo khó. Cuối cùng bà đến tại Tế áng thuộc trang Thiết úng, sau này đổi tên là Cổ Châu. Ở đây, bà hết sức đỡ đần, người khốn khổ, hướng dẫn cho họ cách làm ăn, được trại suy tôn như trùm trưởng.
Đức bà đã mộ hơn 1000 tráng đinh, cùng nhau luyện tập võ nghệ rồi kéo quân lên Hát Môn hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Vĩnh Huy cùng Trưng Nhị đã đánh thẳng vào sào huyệt Tô Định.
Ba năm sau, Vĩnh Huy lại cùng Hai Bà Trưng ra sức chông trả quân Mã Viện. Trong một trận giao tranh, Trưng vương tử tiết. Vĩnh Huy bị bắt. Giặc định ép bà làm vợ. Vĩnh Huy giả dạng thuận lòng rồi thừa cơ chạy về trang Tế áng, cho họp khẩn cấp dân làng, nói rõ tình hình nguy ngập nước nhà. Theo thần tích, bà vừa nói xong bỗng chốc trời đất tối sầm, bóng đen bao phủ dày đặc. Chốc lát sau, trời lại sáng. Vĩnh Huy đã mất, chỉ còn một đống đất lớn do mối vừa đùn. Đến làng Dâu vẫn còn thấy “bãi mộ Đức Bà” ở giữa có một gò cao, “gò yên ngựa”. Và đền xưa có câu đối nhắc nhở lòng trung trinh bất khuất của vị nữ anh hùng:
Cử mục sơn hà vô Hán tướng
Thệ tâm thiên địa hữu Trưng Vương
(Mắt ngắm non sông, kể gì tướng Hán
Lòng thề trời đất, chỉ có Trưng Vương).
Theo Hà Nội như tôi hiểu – GS. Trần Quốc Vượng, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr297-311