• Chào mừng bạn truy cập diễn đàn [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Sử dụng MIỄN PHÍ CHAT GPT
    -
    VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Giá trị con người dựa trên yếu tố nào?

ButBi

New member
Xu
0
Giá trị con người dựa trên yếu tố nào?

Người xưa vẫn có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Quả thực ý nghĩa của nó có thể áp dụng qua mọi thời đại. Để học được chữ “Lễ” cần phải hiểu thế nào là giá trị của một con người, bởi thông qua đó, chúng ta có thể hiểu được kỹ hơn những kiến thức đạo luật làm người mà các bậc tiền bối đã để lại. Đó quả là một kho kiến thức khổng lồ và vô giá, mà hàng thế kỷ, từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác luôn tìm tòi và học hỏi, để nâng cao vốn sống của mình.

Học lễ nghĩa cũng là kiến thức cần phải trau dồi để trở thành một con người có giá trị cao hơn. Thật vậy, giá trị con người được đánh giá qua chuẩn mực của lễ giáo xưa. Do ảnh hưởng của nền văn hóa Khổng giáo nên khi đánh giá về một con người, Việt Nam thường lấy tiêu chí của Nho giáo để làm chuẩn. Đối với nam giới thì là tam cương (quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu thê (vợ chồng).), ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Chí, Tín). Đối với nữ giới là Tam Tòng (Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử), Tứ Đức (Công, Dung, Ngôn, Hạnh). Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này cũng đã bị mai một qua các thời đại. Do vậy, ngày nay các chuẩn mực Nho giáo trên được xem nhẹ hơn so với trước đây.

Quan điểm nho giáo về Nhân, Nghĩa, Lễ, Chí, Tín.

Khi nói đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Chí, Tín, người xưa hiểu rằng ngụ ý nói đến đánh giá giá trị con người và chuẩn mực này thường áp dụng đối với nam giới. "Nhân" luôn được đặt lên vị trí hàng đầu, là lòng yêu thương đối với mọi người và muôn loài vật. Được coi là quy định bản tính con người thông qua "Lễ".

“Lễ” chính là sự tôn trọng, hòa nhã với mọi người trong cách cư xử hàng ngày. Lễ còn phụ thuộc vào tập quán và phong tục của từng vùng, miền. Các quan hệ xã hội và gia đình cũng đòi hỏi phép tắc, lễ nghĩa theo từng lúc, từng chỗ, từng nơi và từng hoàn cảnh.

"Nghĩa" được xét qua cách cư xử với mọi người theo công bình lẽ phải cách sống. Một người được sống có tình nghĩa là khi mà họ biết cách đối nhân, xử thế. Biết cám ơn và biết ơn người đã giúp đỡ, biết tôn trọng tình nghĩa gia đình, tình bạn, tình đồng nghiệp và mọi người xung quanh. Thời nay, người sống có tình nghĩa rất nhiều song chữ “Nghĩa” nhiều khi bị mai một bởi hư danh và vật chất.

Ngoài ra, các chuẩn mực để đánh giá một con người còn xét cả về “Trí” và “Tín”. Chữ “Trí’’ được thể hiện qua sự hiểu biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai và kiến thức nói chung. Một người khôn ngoan, thông minh, nhanh nhẹn được xem là đạt chữ “Trí”, song bên cạnh đó cũng phải hội tụ được cả Lễ, Nghĩa và Tín nữa, thì lúc đó “Trí” mới mang giá trị cao.

“Tín” được xác định qua cách thể hiện là một người giữ đúng lời nói hay không, có phải là một người đáng tin cậy hay không. Nếu một người giữ được chữ “Tín” thường chiếm được sự tin tưởng của người khác. Đó thường là những người sống có trách nhiệm với xã hội, gia đình và bản thân. Do vậy, họ rất được người thân, bạn bè và đồng nghiệp tôn trọng.

Chữ “Công” xưa và nay.

Chuẩn mực Nho giáo khi đánh giá một người phụ nữ thường xét đến Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Bốn tiêu chuẩn này vẫn được coi là điểm chuẩn qua mọi thời đại. Chẳng hạn đối với chữ “Công”, đòi hỏi người phụ nữ phải khéo léo, đảm đang trong công việc gia đình. Từ việc khéo léo trong nội chợ, nữ công gia chánh, dọn dẹp nhà cửa đến việc nuôi dạy con cái. Nhưng ngày nay, những tiêu chuẩn trên cởi mở hơn do tiếp thu nền văn hóa phương Tây. Người phụ nữ không bị bắt buộc ở nhà để làm tròn bổn phận “Công”, mà họ đã được hoạt động xã hội, được học lên cao hơn, được làm những công việc mà trước kia chỉ dành cho nam giới. Nhưng, vẫn còn có nhiều người quan niệm rằng phụ nữ vẫn phải duy trì chữ “Công” trong gia đình. Quan điểm này hoàn toàn đúng, song vẫn thiếu một vế. Đó là cũng phải yêu cầu nam giới trợ giúp chữ “Công” với phụ nữ trong gia đình. Bởi phụ nữ hiện đại, mặc dù họ tham gia hoạt động xã hội, nhưng họ vẫn làm tròn bổn phận chữ “Công” trong gia đình. Như vậy, họ sẽ phải gánh vác công việc gấp đôi. Một người nam giới vẫn có thể chia sẻ chữ “Công” trong gia đình với phụ nữ, hãy coi đó như một việc làm giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng. Tư tưởng và quan niệm thoải mái, sẽ là nền tảng để nam giới chia sẻ chữ “Công” mà không cảm thấy nặng nề và tổn thương ‘lòng tự trọng đàn ông’. Cùng nhau chia sẻ trong cuộc sống là kim chỉ nam để đạt được hạnh phúc. Lúc đó chữ “Công” mới có giá trị không chỉ cho phụ nữ mà cả nam giới cũng vậy.

Tuy vậy, cũng có một số ít không làm tròn bổn phận chữ “Công” trong gia đình. Do mức sống thời nay khác khá xa so với thời xa xưa, nên người phụ nữ thời nay không phải tự tay nấu cơm mà có thể đi ăn nhà hàng; không phải giặt là quần áo mà có thể mang ra tiệm giặt là… Đó cũng là một sự phát triển mới của xã hội, tạo nhiều công ăn việc làm cho những người khác. Điều này cũng là quy luật tự nhiên, trong việc bố trí sắp đặt hệ thống công việc của một xã hội đang tìm tòi sự phát triển. Phụ nữ thời nay, xét về mặt nào đó thì đảm đang hơn cả xưa kia. Bởi họ vừa tham gia hoạt động xã hội, vừa đảm việc nhà. Trong khi đó vẫn bị coi rằng chưa đạt tiêu chuẩn chữ “Công” như thời xưa. Vậy điều này có phải là quá sức và hơi bất công đối với phụ nữ thời nay hay không?

Quan niệm chữ “Dung”

“Dung” thời nay được xét trên nhiều phương diện, kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn chứ không chỉ giới hạn vẻ đẹp thuần túy cổ xưa. Nếu có vẻ đẹp tuyệt vời mà tâm hồn nhạt nhẽo, thì coi như là chưa đạt được chữ “Dung”. Với một người phụ nữ dung mạo bình thường, giản dị, những tâm hồn thanh thoát, tao nhã thì vẫn được coi là đạt tiêu chuẩn chữ “Dung”. Xưa kia, phụ nữ được xem là đẹp với tiêu chuẩn mặt trái xoan, lông mày lá liễu, mắt lá dăm và mũi dọc dừa. Nhưng ngày nay, quan niệm vẻ đẹp phong phú hơn rất nhiều. Đẹp được đánh giá qua vẻ mặt tươi sáng, giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười duyên dáng. Đẹp từ dáng đi nhẹ nhàng, phong cách lịch thiệp, hòa nhã. Hay đẹp từ cách ăn mặc gọn gàng, tươi tắn, khiêm nhường và cởi mở…

“Dung” sẽ chỉ toàn vẹn khi bạn biết kết hợp được giữa vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn. Để làm được điều đó thì người phụ nữ không chỉ trau truốt về cách ăn, mặc, đi, đứng, nói, ngồi… mà còn phải trau dồi cả văn hóa. Đó chính là vốn sống để bạn trau dồi về tâm hồn. Từ đó bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp, điều hay, xấu, dở, biết yêu thương và biết sống vì mọi người.

“Ngôn” của phụ nữ.

Lời ăn tiếng nói của phụ nữ luôn được xem là một trong bốn tiêu chuẩn quan trọng của các cụ xưa kia để lại. Và đến ngày nay, “Ngôn” vẫn được đánh giá là tiêu chuẩn không thể thiếu của một người phụ nữ Việt nam. Một người phụ nữ nói năng nhẹ nhàng, có duyên, gây thiện cảm với người nghe. Từ việc dạy con, nói chuyện với chồng hay với bạn bè xung quanh, đến việc ngoại giao trong công việc và thương lượng kinh doanh. Tất cả những điều đó đều thể hiện nên tính cách một người phụ nữ, được xét là có “Ngôn” hay không.

Để đạt được chữ “Ngôn” cũng đòi hỏi bạn phải học hỏi rất nhiều từ những người lớn tuổi, bạn bè. Từ trường lớp, sách vở và các phương tiện truyền thông… Kiến thức phong phú sẽ cho bạn lời nói khôn ngoan và sự tự tin.

“Hạnh”, tiêu chuẩn khó cho phụ nữ thời nay.

Theo các bậc tiền bối xa xưa, chữ “Hạnh” thể hiện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ, điều này hàm ý thương chồng, con, chung thủy, biết hy sinh và chịu khó. Nếu như xưa kia người phụ nữ chỉ ở nhà lo tề gia nội trợ, nâng khăn sửa túi cho chồng thì mối quan hệ xã hội của họ bị hạn chế rất nhiều. Cơ hội tiếp xúc với người khác giới là rất hiếm. Cho nên, chung thủy chung son sắt là hoàn toàn có thể làm được.

Nhưng ngày nay, phụ nữ hiện đại vừa lo toan việc nhà, vừa lo công việc xã hội. Áp lực công việc sẽ làm họ cảm thấy mệt mỏi. Nếu như người chồng không hiểu ý và thông cảm giúp đỡ, thì sẽ nảy sinh xích mích và khoảng cách sẽ lớn dần nếu cả đôi bên không biết bày tỏ quan điểm cùng chia sẻ công việc. Người phụ nữ thời nay do quan hệ xã hội vì công việc sẽ gặp gỡ nhiều người khác giới. Do vậy, hoàn cảnh cuộc sống sẽ dễ dàng đẩy họ đến việc phạm vào chữ “Chung thủy”. Điều này là một thực trạng của xã hội hiện nay. Người phụ nữ thời nay khó mà đạt được tiêu chuẩn chữ “Hạnh” như phụ nữ xưa kia đã đạt được.

Tuy nhiên, thời nay vẫn có rất nhiều phụ nữ giữ được phẩm hạnh chung thủy với chồng, chỉ có điều không chắc người chồng lại giữ được chữ “chung thủy” với vợ. Tình trạng này xảy ra nhiều hơn so với dự đoán hay các cuộc thăm dò ý kiến. Chữ “Hạnh” sẽ được đánh giá thế nào đây, khi có quá nhiều mâu thuẫn và nghịch lý đi bên cạnh?
Nguồn abc online​
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top