• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

“F5” cho sự nghiệp

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi
Đoán biết con người luôn là công việc khó khăn và thử thách với bất kỳ ai và ngay cả những người có trong tay tấm bằng MBA của Đại học danh tiếng - Havard cũng không thể tự tin nói rằng mình có khả năng nhìn người.

1211.jpg

Dưới đây là 7 bước căn bản để nhận biết bản chất con người được lược trích trong cuốn sách "Những điều trường Havard không dạy bạn" của tác giả Mark H. McCormack.

Bước 1: Chăm chú lắng nghe


Hãy lắng nghe cả cách nói lẫn nhưng điều người ta nói với bạn. Mọi người thường có xu hướng nói nhiều hơn họ muốn. Nếu người đối diện với bạn không chịu cất lời, bạn hãy tạm ngừng nói trong một lúc - khoảng yên lặng khó chịu đó sẽ khiến họ phải cất lời và nói nhiều hơn.

Bước 2: Quan sát tích cực:


Bạn đã bao giờ xem một chương trình đối thoại hay phỏng vấn trên truyền hình và thốt lên: “Ồ, người này đang lo lắng quá!” hoặc “À ha, câu hỏi đó khiến anh ta lúng túng”?
Rõ ràng, bạn không cần phải đọc sách về ngôn ngữ cơ thể để có thể hiểu những cử chỉ hay động tác nhất định, hoặc để “nghe” một phát biểu mà người ta có thể nói qua cách ăn mặc.

Bước 3: Nói ít hơn:

Làm như vậy, tự nhiên bạn sẽ biết nhiều hơn, nghe nhiều hơn, thấy nhiều hơn và ít mắc sai lầm hơn. Mọi người đều có thể nói ít hơn và hầu như ai cũng nên nói ít hơn. Thay vào đó, hãy đặt câu hỏi.

Bước 4: Xem xét lại ấn tượng ban đầu:


Tôi thường tin vào ấn tượng ban đầu, song với điều kiện là đã xem xét cẩn thận. Phải có một quá trình suy ngẫm hoặc xem xét từ khi ấn tượng ban đầu xuất hiện cho đến lúc bạn chấp nhận nó như một nguyên tắc của mối quan hệ.

Bước 5: Dành thời gian tận dụng những điều bạn đã biết


Nếu bạn chuẩn bị gặp hoặc gọi điện cho một người nào đó, hãy dành vài phút suy ngẫm về những gì bạn biết và những phản ứng mà bạn muốn có ở họ. Dựa trên những điều đã biết về người đó, bạn sẽ lựa chọn được cách nói hoặc cách hành động để có được phản ứng như mong muốn.

Bước 6: Suy xét khôn ngoan:

Để đoán biết con người tốt hơn, bạn cần phải suy xét khôn ngoan. Để sử dụng hiệu quả những điều đã biết, bạn không nên nói cho họ biết bạn nghĩ rằng họ thật dễ đánh bại, hoặc chỉ ra những điều bạn cảm thấy họ sẽ làm sai. Nếu để họ nắm được những gì bạn biết, bạn sẽ đánh mất cơ hội tận dụng hiệu quả những nhận xét của mình. Bạn không cần đổi nhận xét của mình về người đó để có được nhận xét của họ về mình. Hãy nhớ, bạn chỉ có thể sử dụng những gì bạn biết về người khác nếu họ biết về bạn ít hơn.

Kể cho người khác nghe mọi điều bạn biết chắc chắn sẽ khiến họ có cơ hội xâm phạm đến sự an toàn của chính bạn. Hãy để họ tự tìm hiểu về tính cách và thành tích của bạn từ người khác.

Bước 7: Khách quan:


Trong bất kỳ tình huống kinh doanh nào, nếu bạn có thể giữ thái độ khách quan, nhất là khi sự việc đang trở nên gay gắt, thì tự nhiên khả năng quan sát của bạn sẽ tăng lên. Khi một người bắt đầu nổi nóng, đó là lúc anh ta sơ hở nhất. Nếu bạn cũng đáp trả bằng một câu nóng nảy không kém, thì không những bạn đã làm giảm khả năng quan sát, mà còn khiến mình bị sơ hở nữa.

Tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tính chủ động hơn là sự phản ứng bột phát trong các tình huống kinh doanh. Thay vì phản ứng, chủ động sẽ giúp bạn sử dụng đúng đắn những gì mình biết, biến những nhận thức thành quyền điều khiển. Nếu tiếp tục để bản thân lâm vào thế bị động, bạn đã quẳng đi lợi thế này của mình.

Nếu không phản ứng thì bạn sẽ không bao giờ phản ứng thái quá. Thay vì bị điều khiển, bạn sẽ là người điều khiển.

Nguồn: Vnexpress​
 
Minh An dịch từ Business Know-how


Không quá khi nhìn nhận rằng trong một môi trường kinh doanh sức ép lớn ngày nay, thành công chỉ tới với sự song hành của những nỗ lực thay đổi về tư duy chiến lược. Người chiến thắng sẽ là những ai đứng trước đường cong của sự thay đổi, không ngừng xem xét lại mình để tạo ra những thị trường mới, khai phá những con đường mới và sáng tạo ra các quy tắc phù hợp với thương trường đầy biến động này.
Và để xây dựng một đường hướng kinh doanh thích hợp như thế, bạn sẽ phải là người suy nghĩ chiến lược, kèm theo đó là một tư duy kinh doanh tốt (business mindset).
Tư duy kinh doanh có hàm nghĩa rất rộng, nó bao hàm những nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò của các chiến lược kinh doanh, công việc nghiên cứu thị trường, tìm hiểu khách hàng, các hoạt động tiếp thị, quan hệ công chúng,v.v…. Việc thay đổi lối tư duy kinh doanh ngắn hạn bằng những chiến lược có tầm nhìn xa, hay thay đổi tư duy “ai thắng ai” bằng “các bên cùng thắng” là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, một tư duy kinh doanh tốt sẽ từ bỏ thói quen kinh doanh khép kín, thay vào đó là đối tác liên kết, hợp tác chiến lược cũng như thiết lập hệ thống “người lính gác ở xa”. Trong một số trường hợp bạn còn phải biết chấp nhận mình chỉ là một nhánh trong cả một khối tổng thể.

Tư duy kinh doanh đồng nghĩa với tư duy chiến lược. Nói cách khác, đó là khả năng nhìn xa trông rộng, giúp bạn tránh xa những sai lầm của tầm nhìn ngắn hạn. Tầm nhìn kinh doanh sẽ quyết định nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như nhân sự, khả năng thu hút người giỏi, v.v… và trên cơ sở đó quyết định sự tồn tại và phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Dưới đây là 8 minh chứng của việc có một tư duy kinh doanh:

1) Có tư duy kinh doanh tức là có một kiến thức tốt

Trước hết, có được tư duy kinh doanh tốt đồng nghĩa với việc bạn tự trang bị cho mình những vốn kiến thức cần thiết. Đó có thể là các kiến thức cần thiết mà mình rút ra từ kinh nghiệm kinh doanh bản thân hay kiến thức có được cùng với sự thay đổi của tư duy về đường hướng, luật pháp, kế toán và quản trị,…
Những kiến thức này sẽ khiến bạn trở thành một nhà chiến lược thực thụ khi bạn hội tụ đủ nó và đó là điều kiện cần trên con đường kinh doanh sau này. Hãy đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội được sở hữu nó.

2) Có tư duy kinh doanh tức là biết rằng mục tiêu của hoạt động kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận

Đôi lúc sở thích của bạn chỉ là một sở thích, cho dù bạn sẽ có sở thích rằng kiếm thêm đôi chút thu nhập hay sở thích có một hoạt động kinh doanh với sự phát triển cao để có lợi nhuận lớn.

3) Có tư duy kinh doanh tức là suy nghĩ cho bản thân bạn, không để mọi người khác suy nghĩ cho bạn

Đừng cho phép các chuyên gia kiểm soát các giấc mơ và vận mệnh của bạn, hãy để họ giúp đỡ bạn tới được đó. Hãy dành thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu và nghiên cứu về các ý kiến của riêng bạn trước khi nhờ đến sự giúp đỡ của ai đó. Làm đúng như vậy, bạn sẽ được trang bị đầy đủ tất cả những thứ cần thiết để hỏi chính xác những gì bạn muốn và có được nó.

4) Có tư duy kinh doanh tức là trở nên chiến lược hơn về các hoạt động kinh doanh của bạn

Đừng chỉ tham gia suông vào các sự kiện mạng lưới hay đảm nhận bất cứ công việc nào. Hãy xác định những kết quả bạn muốn có được trước khi đầu tư cho các hoạt động kinh doanh.

Ví dụ, bạn có biết rõ những chi phí thực sự để bạn tham gia một khoá đào tào hay một sự kiện mạng lưới: tiền bạc, gia đình, thời gian, cô trông trẻ, xăng xe,…? Để bù đắp cho khoản đầu tư bỏ ra, các lý do đầu tư của bạn phải mang nhiều ý nghĩa hơn việc gặp gỡ mọi người hay “Tôi chỉ muốn học hỏi đôi chút gì đấy”.

Tại sao? Đó là những căn cứ khi bạn tham gia một sự kiện mạng lưới (gặp gỡ mọi người) hay đào tạo (học hỏi gì đó). Mục đích của bạn cho việc tham gia bất cứ sự kiện nào thứ nhất phải thích hợp với viễn cảnh của bạn và thứ hai phải được tập trung vào yếu tố lợi nhuận. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn có một kết quả cụ thể trong tâm trí trước khi đầu tư cho các hoạt động như xây dựng mạng lưới hay đào tạo.

5) Có tư duy kinh doanh tức là biết được những gì chúng ta cần

Đó là những sự cần thiết để kết nối với hoạt động kinh doanh của chúng ta và mối kết nối đó sẽ tạo ra lợi nhuận. Bạn kết nối với các khoản lợi nhuận của bạn như thế nào? Tất cả sẽ đòi hỏi ở bạn hiểu biết về ranh giới lợi nhuận, dòng tiền, lợi thế cạnh tranh, mục tiêu bán hàng và các nhân tố quyết định lợi nhuận, v.v…

6) Có tư duy kinh doanh tức là hiểu được chiến lược và thực thi nó trong hoạt động kinh doanh của bạn


Những ngày này chúng ta có khuynh hướng tập trung vào những nhiệm vụ thường nhật, giải quyết các vấn đề ngắn hạn và thực thi các chiến thuật tiếp thị không phải là sự tương thích tốt nhất đối với hoạt động kinh doanh của chúng ta.

Chiến lược bản thân nó liên quan tới những gì ở phía trước, nhìn vào nơi nào chúng ta sẽ đi và làm thế nào để tới được đó. Bằng cách ấy, hãy tự đặt ra câu hỏi: “Nhiệm vụ này có thích hợp với các mục tiêu tương lai của công ty cũng như với mục tiêu của chính bản thân mình trong tương lai?”.

6) Có tư duy kinh doanh tức là mở rộng cánh cửa để đa dạng hoá các nguồn thu nhập lẫn các hoạt động kinh doanh

Một nữ doanh nhân thành công đã từng nói rằng: “Tôi có một hoạt động kinh doanh mà tôi thực sự đam mê mặc dù nó không tạo ra nhiều lợi nhuận, và tôi điều hành nó. Tôi có một hoạt động kinh doanh khác tạo ra rất nhiều lợi nhuận và tôi thuê một ai đó điều hành nó”.

Vấn đề ở đây là bạn không phải “bỏ tất cả trứng vào một rổ” – đó là một phần của việc có được tư duy kinh doanh tốt.

7) Có tư duy kinh doanh tức là biết được cảm xúc của bạn sẽ gắn chặt với các hoạt động kinh doanh

Việc biết được cảm xúc có mối liên hệ ra sao với các hoạt động kinh doanh sẽ cho phép bạn vượt qua những rào cản cá nhân đang ngăn trở bạn làm những gì bạn nói rằng bạn sẽ làm cũng như những gì bạn muốn làm.

Lần tới khi bạn có cảm xúc với hoạt động kinh doanh của mình, hãy xác định bạn đang cảm thấy những gì và điều gì khơi dậy chúng. Đây chính là cách thức để bạn bắt đầu nhận ra các cảm xúc của mình đang hạn chế bạn khỏi các hoạt động kinh doanh tốt.

Suy cho cùng, mỗi quyết định kinh doanh của bạn ngày hôm này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bạn trong hiện tại và tương lai. Chính vì thế, hãy là một nhà chiến lược tốt - người mà nhìn vào tất cả các khía cạnh về hoạt động kinh doanh của họ ngày hôm nay đặt trong những bận tâm tới việc ngày mai sẽ như thế nào và mình đang cố gắng đi đến đâu.

Một nhà chiến lược tốt sẽ chào đón các thay đổi và biến nó thành một cơ hội mới; nhanh chóng phản ứng với những gì không mong đợi và đương nhiên là không thể thiếu một tư duy kinh doanh tuyệt vời.

Theo BwPortal
 
Mặc dù thời kỳ bùng nổ của các công ty dotcom đã qua, nhưng cơ hội kiếm tiền trên Web vẫn còn rất lớn. Vấn đề là bạn phải biết tìm cơ hội đó ở đâu. Sau đây là gợi ý về 9 lĩnh vực kinh doanh khả thi mà bạn có thể bắt đầu ngay từ hôm nay, được đúc rút từ kinh nghiệm của các công ty hoạt động trong lĩnh vực TMĐT thành công trên thế giới.

1. Nhận giao hàng

Có lẽ bạn không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tạo dựng cơ nghiệp bằng cách chạy quanh thành phố và giao các món hàng cho mọi người. Thế nhưng nhiều người đã thu được hàng triệu USD từ dịch vụ này.

Ross Stevens, người sáng lập và giám đốc điều hành công ty Urbanfetch Inc., cho biết: "Mọi người thường không thích chờ đợi lâu sau khi đặt mua hàng hoá trên mạng. Chính vì thế, chúng tôi thấy đây là cơ hội lớn để cung cấp một dịch vụ mà khách hàng có thể nhận mọi thứ trong cùng ngày đặt hàng, thậm chí là trong cùng giờ đặt hàng".

Hiện nay, công ty có trụ sở tại New York này đang cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí trong vòng một giờ đối với nhiều loại hàng hoá, từ đồ tiêu dùng lặt vặt cho đến đồ điện tử, phạm vi là trong khắp thành phố New York. Dịch vụ này đã đánh trúng nhu cầu của những cư dân bận rộn của New York. Doanh số ngay trong năm đầu tiên của công ty vào khoảng 30 triệu USD.

Urbanfetch xác định rõ mục tiêu của mình là bán hàng qua mạng. Công ty tích trữ hàng tại các khu vực chi phí thấp trong thành phố, nhờ đó họ tiết kiệm được chi phí thuê cửa hàng tại các khu phố sang trọng.

Theo đánh giá về tốc độ tăng trưởng của dịch vụ giao hàng tại nhà, lĩnh vực này đang có rất nhiều cơ hội cho những người mới khởi nghiệp. Chuyên gia Christopher Kelley của Forrester Research cho rằng những người mới khởi nghiệp nên chú trọng đến việc đóng gói và giao hàng từ một trung tâm thư tín địa phương đến nhà của khách hàng, hoặc thiết lập các mối quan hệ và nhận giao hàng cho các nhà kinh doanh địa phương.

2. Bán đồ thể thao

Nghiên cứu của Jupiter Communications cho rằng lĩnh vực thể thao trên mạng có thể là một trong những phân đoạn mới quan trọng nhất của thị trường tiêu dùng trên Web. Hiện nay, khách hàng trên mạng xếp hạng thể thao là một trong 5 nội dung ưa thích nhất của họ trên mạng và điều này có thể trở thành cơ hội lớn cho TMĐT.

Nếu muốn thành công trong lĩnh vực thể thao, có một mảng mà bạn nên chú ý đến là trang phục, dụng cụ thể thao dành cho phụ nữ. Bạn có thể tham khảo Lucy.com, một Website rất thành công nhờ cung cấp đồ thể thao cho giới nữ và và hiện đang dẫn đầu thị trường này.

3. Tư vấn qua mạng

Nếu bạn có một nền tảng vững về tư vấn bạn có thể sử dụng các kỹ năng tư vấn của mình để kiếm tiền qua Web. Tư vấn qua mạng là cung cấp lời khuyên cho khách hàng thông qua Internet, thay vì các nhân viên tư vấn trực diện.

Theo nhận xét của IDC, tư vấn qua mạng là một thách thức lớn đối với các hãng tư vấn truyền thống, do mô hình này rất thích hợp với thị trường biến đổi liên tục trên Internet. Hiện nay, một số ít công ty lớn đã bắt đầu bước vào lĩnh vực này. Tuy nhiên những công ty này, như Ernst & Young và IBM, nhằm vào các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp và những tổ chức kinh doanh lớn khác, bỏ qua thị phần các doanh nghiệp nhỏ cho những nhà tư vấn mới khởi nghiệp.

"Một nhà tư vấn đã làm việc nhiều năm cho một công ty lớn có thể tiến hành mở dịch vụ tư vấn qua mạng, đặc biệt là nhằm vào đối tượng kinh doanh vừa và nhỏ", Sophie Mayo, Giám đốc chương trình của IDC nói. Tuy nhiên, những công ty mới nên thiết lập thêm phần giao tiếp trực diện để xây dựng mối quan hệ liên tục với khách hàng.

4. Đấu giá trên mạng

Tại sao bạn không tham gia vào thị trường đấu giá đang sôi động trên mạng? Có 3 từ quan trọng nhất là: quan sát, quan sát và quan sát.

Sue Rothberg, nhà phân tích đấu giá cấp cao của Gomez.com cho biết: "Mô hình kinh doanh chi phí thấp nhất cho những người mới khởi nghiệp là kết nối với những đại gia như eBay, Yahoo! hay Amazon. Nên tìm cách gắn hoạt động của mình trên những website đông người truy cập này, điều đó sẽ cho phép bạn xây dựng một thương hiệu và một cơ sở khách hàng mà không cần thực hiện marketing nhiều".

Doanh nhân Richard Birnbaum, 43 tuổi, chủ sở hữu một công ty bán buôn trang phục, có khá nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. Ông đã tăng gấp đôi doanh số bán hàng kể từ khi đưa danh mục hàng trong website chuyên kinh doanh trang phục của mình Wearamerica.com lên trang eBay. Ông tiết lộ: "Không ở đâu quảng cáo rẻ như eBay".

Ông Birnbaum khuyên, các doanh nghiệp đang dự định tham gia vào lĩnh vực đấu giá nên yêu cầu cam kết đặt tiền trong vài giờ, đồng thời nên dự trữ một danh mục hàng cố định liên tục trong 3 đến 4 tháng để thu hút khoản doanh số ổn định. Đây cũng là một nguyên tắc khi làm việc với dịch vụ quản lý đấu giá.

5. Thanh toán điện tử

Khi giao hàng tại nhà là một ưu điểm lớn của TMĐT, nhưng để thực hiện được điều này cần phải các dịch vụ trên Web cho phép khách hàng nhận và thanh toán phí qua mạng. Dịch vụ thanh toán điện tử cung cấp khả năng lập hóa đơn, giao hàng và thanh toán hoàn toàn thông qua Net.

CyberBills, một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng, đã phát triển một mô hình kinh doanh kết hợp giữa website bán hàng tiêu dùng của mình StatusFactory.com và một dịch vụ B2B được cung cấp cho các cổng, các ngân hàng, trung tâm giao dịch chứng khoán và các công ty muốn có dịch vụ thanh toán điện tử mang thương hiệu riêng. Giám đốc Điều hành John Simpson đã quyết định thực hiện các dịch vụ gia tăng này để nâng cao doanh số thay vì chỉ bán hàng tiêu dùng, bởi vì phần lớn người tiêu dùng cảm thấy tiện lợi hơn khi xử lý các vấn đề tài chính thông qua các tổ chức đã được tín nhiệm. Các công ty mà CyberBill đang bán lại dịch vụ gồm có Intuit và AOL.

Simpson cho rằng dịch vụ thanh toán qua mạng có thể khó thâm nhập và thành công trong giai đoạn này của Internet, bởi vì nhiều công ty đi trước đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với các tổ chức lớn hơn. Ông gợi ý rằng người mới khởi nghiệp nên đóng vai trò là người bán lại dịch vụ thanh toán sẵn có trên website của mình, trước hết là để giữ khách hàng trở lại với website.

6. Trung tâm chăm sóc sức khoẻ

Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ qua mạng đang phát triển rất nhanh và có thể sẽ bùng nổ trong vài năm tới. Jupiter Communications dự tính doanh số của ngành chăm sóc sức khoẻ qua mạng năm 2004 đạt 11 tỷ USD.

Một nghiên cứu khác của Jupiter cho thấy 49% người được phỏng vấn không mua thuốc qua mạng vì họ có thể dễ dàng mua thuốc tại các cửa hàng gần nhà khi đi mua sắm lặt vặt. Điều này giải thích tại sao các website cung cấp các sản phẩm truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Có một giải pháp dành người khởi nghiệp: cung cấp các món hàng chăm sóc sức khoẻ thật đặc biệt, khó tìm thấy trong các cửa hàng thuốc thông thường. Trang Selfcare.com là một ví dụ tiêu biểu trong việc thu hút các khách hàng có nhu cầu đặc biệt về chăm sóc sức khoẻ. Trang web này cung cấp cả các sản phẩm truyền thống, sản phẩm thay thế và sản phẩm đặc biệt cho người bị dị ứng thuốc, điều chỉnh cân nặng hay các chứng đau kinh niên. Bất cứ ai cũng có thể đến hiệu thuốc và mua aspirin nhưng đâu phải dễ tìm mua các loại thảo dược đặc biệt hay mặt nạ làm đẹp từ tính chẳng hạn.

7. Web Hosting

Không cần phân tích nhiều, ai cũng có thể thấy triển vọng của dịch vụ Web hosting. Nhưng liệu đây có phải là cơ hội tốt với những người mới bắt đầu?

Theo ông Jeanne Schaaf, nhà phân tích cao cấp của Forrester, "Lĩnh vực này không dành cho những người không biết gì về Web hosting, cấu trúc Web, mạng và máy chủ Web. Đây là một loại kinh doanh kỹ thuật cao và đòi hỏi trình độ chuyên môn cao". Nói cách khác, trái với quan điểm thông thường, lĩnh vực này không đơn giản chỉ là đặt hàng loạt máy chủ vào một căn phòng để làm chỗ "trú ngụ" cho các trang web.

Don Fredrickson, Giám đốc Điều hành "got.net" (một công ty cung cấp dịch vụ Internet), cho biết ông dự định tăng cường dịch vụ Web hosting từ mức 15% hoạt động kinh doanh của công ty lên 70% trong 4 năm tới. Fredrickson cho biết, trong khi nhiều khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức lớn đang tập trung vào các trung tâm dữ liệu với mức chi phí từ 5.000 đến 10.000 USD/tháng cho dịch vụ hosting, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn đang rất cần các nhà cung cấp giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo tin cậy. Chẳng hạn, giá dịch vụ hosting cơ bản của got.net là 20 USD/tháng và giá duy trì, quản trị một máy chủ đặt tại trung tâm của got.net là 300 USD/tháng.

Ông Fredrickson cho biết thêm, các doanh nghiệp sẽ đặc biệt thành công nếu họ có một lĩnh vực chuyên môn riêng. Với danh tiếng trong lĩnh vực chuyên môn đó, các khách hàng Web hosting sẽ tìm đến với họ.

8. Cổng mua sắm

Các cổng mua sắm trên mạng không chỉ có lợi nhuận từ việc bán hàng hoá mà còn có khả năng thu hút được rất nhiều quảng cáo và các doanh thu phụ trợ. Một trung tâm mua sắm trên mạng là một website cung cấp danh mục các đường dẫn đến rất nhiều dịch vụ và cửa hàng trên mạng. Các cổng lớn như Yahoo, AOL... chiếm khoảng 40% thị phần, phần còn lại về cơ bản là thị phần dành cho các nhà kinh doanh có cách nghĩ táo bạo và khác biệt, tập trung vào những thị trường khe.

Với những người mới bắt đầu, thông điệp quan trọng nhất là "cách nghĩ táo bạo". Một lĩnh vực đầy hứa hẹn trên mạng là cung cấp văn phòng cho các doanh nghiệp nhỏ. Những trang như Works.com và BizBuyer.com tập hợp những người mới khởi nghiệp cùng nhau để xây dựng giải pháp cho những hoạt động mua sắm quy mô nhỏ. Điều này tạo điều kiện cho họ có thể sử dụng các dịch vụ chi phí thấp của nhau, thay vì phải sử dụng dịch vụ của các công ty lớn hơn. Những công ty này cũng thực hiện việc tự động hoạt động mua sắm của các doanh nghiệp nhỏ.

Đối với các doanh nghiệp, loại hình kinh doanh này thích hợp vì hai lý do: đây là thị trường rất tiềm năng và vì là doanh nghiệp nhỏ nên bạn luôn biết rõ khách hàng của mình.

9. Tìm đúng "thị trường khe"

Với những thị trường phổ biến đã có nhiều tên tuổi lớn chiếm lĩnh, người mới khởi nghiệp thường khó có thể thâm nhập và tồn tại, vì vậy bạn nên tìm riêng cho mình một thị trường đặc biệt và cung cấp cho khách hàng điều gì đó khác biệt. Textbookhound.com là một ví dụ tiêu biểu trong việc tìm đúng thị trường khe. Công ty này cung cấp dịch vụ so sánh giá cả các loại sách giáo khoa dành cho giới học sinh, sinh viên. Không như dịch vụ tìm kiếm mua sắm khác, công cụ tìm kiếm của Textbookhound.com cho phép sinh viên gõ và tìm nhiều loại sách khác nhau cùng lúc. Người sáng lập công ty Philip Kaskawits và đồng sự của mình đã lập kế hoạch phối hợp với các nhà trường để cho phép các giáo sư liệt kê lịch trình các môn học, bài giảng của họ trên website, để giúp sinh viên tìm kiếm sách dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, phần lớn doanh số của Textbookhound.com là từ các hoạt động liên kết: Amazon hay Barnes & Noble sẽ trả cho công ty một khoản phần trăm doanh số bán sách trên trang của họ. Không như các website tư vấn mua sắm khác, Textbookhound.com không liệt kê các cửa hàng theo thứ tự phụ thuộc số tiền mà họ trả cho công ty mà là theo giá thấp nhất mà họ bán cho khách hàng. Kaskawits nói: "Chúng tôi muốn tạo ưu thế hơn hẳn cho khách hàng. Họ sẽ không phải tìm kiếm lâu. Bí quyết thành công của chúng tôi là biết tìm đúng thị trường khe, tạo sự khác biệt, và làm tốt hơn bất cứ đối thủ nào".

Nói tóm lại, cơ hội kinh doanh trên mạng vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Các doanh nghiệp cần biết phân tích nhu cầu thị trường và tìm ra những lợi thế so sánh của mình để đáp ứng tốt nhất đối với một phân khúc thị trường nhất định. Kinh doanh qua mạng, như người ta vẫn nói, là kinh doanh dựa vào sự vào sự thông minh, hiểu biết và nhiều ý tưởng. Điều này càng đúng với các doanh nghiệp nhỏ, những công ty mới khởi nghiệp kinh doanh qua mạng.



Hoàng Yến
Tạp chí BCVT & CNTT
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top