Exenin

XERGÊY ÊXÊNIN - NHÀ THƠ CỦA THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI

X. Ê-xê-nin sinh ngày 21 tháng Chín năm 1895 tại làng Ku-dơ-min-xki, thuộc tỉnh Ria-dan của nước Nga. Năm lên năm tuổi, cái tuổi có thể tự mình cắp sách đến trường, cậu bé Ê-xê-nin cũng đặt bước chân thơ trẻ của mình vào thế kỷ XX. Lên chín tuổi, Ê-xê-nin đã bắt đầu làm thơ, nhưng đến năm 18 tuổi, thơ anh mới được đăng báo. Những bài thơ về thiên nhiên làng quê Nga của anh từ đó làm xôn xao dư luận người đọc, và lập tức, anh trở thành một nhà thơ nổi tiếng, được đặc biệt hâm mộ. Đúng như lời tâm sự của Ê-xê-nin với mẹ từ trước, trong một bài thơ nho nhỏ của mình:

Ngày mai mẹ thức con dậy sớm

Mở cửa ra cho ánh sáng vào nhà

Người ta bảo con sắp thành thi sĩ

Nổi tiếng, và, một thi sĩ người Nga.


Phải chăng, người ta hâm mộ thơ anh vì thơ anh đẫm ướt tâm hồn Nga? Điều đó quá rõ ràng. Cho đến nay, trước những cửa hàng sách, người ta vẫn sắp hàng dài để mua thơ Ê-xê-nin khi thơ của anh vừa được tái bản. Chỉ tính trong những năm sáu mươi (thế kỷ XX), tuyển tập thơ Ê-xê-nin đã được tái bản nhiều lần ở Liên Xô với số lượng 12.000.000 bản, và chỉ đủ bán cho những người đã đặt hàng trước.

Thơ Ê-xê-nin giàu nhạc điệu, được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, và là những bài hát hay. Người ta cũng sáng tác khá nhiều bài hát về Êxênin rất được thanh niên Liên Xô ưa thích.

Êxênin là nhà thơ lớn của Nga và Liên Xô. Khi nhắc đến nền thơ Xô-viết, người ta thường kể đến Ê-xê-nin cùng với Blốc, Maiakôvxki. Êxênin cũng là nhà thơ lớn của thế kỷ XX, tiếc rằng, cuộc đời nhà thơ kết thúc quá sớm – Ê-xê-nin qua đời năm 30 tuổi.

*

Trong “Chân dung văn học”, khi viết về Ê-xê-nin, nhà văn Gorki kể lại rằng, cái chết của Ê-xê-nin đã làm sống lại trong ký ức của ông câu chuyện một cậu thiếu niên nông dân tình cờ đến thành phố Kralốp trên đảo Capri và bị lạc trong thành phố này. “Cậu ta đi loanh quanh mãi trên các phố, không sao thoát ra ngoài để trở về cảnh đồng rộng quen thuộc của cậu. Và cuối cùng, cảm thấy thành phố không chịu buông tha mình, cậu đã quỳ xuống đọc kinh cầu nguyện và đứng trên cầu nhảy xuống sông Vixoa, hy vọng dòng sông sẽ đưa mình trở về đồng ruộng. Người ta đã vớt được cậu bé lên, nhưng cậu đã chết vì những vết thương của mình…”.

Ê-xê-nin cũng có thể chết một cách ngây thơ đến tuyệt đẹp giống như cậu thiếu niên kia, nếu như vì một lý do gì đó buộc anh phải lìa xa tình yêu nông thôn Nga của mình. Tình yêu nông thôn Nga của anh là hàng trăm bài thơ của anh, nông thôn mà ở đó những ngôi nhà gỗ tuyết phủ trắng mùa đông, những cánh đồng vàng ánh trăng mùa gặt, những dòng sông, ngọn núi, hàng cây luôn phát ra một thứ ánh sáng rực rỡ sắc màu, những đàn bò, con chó, bầy gà luôn gần gũi như bạn bầu thân thiết, và đặc biệt là những người nông dân gắn cả cuộc đời với ruộng đồng, với nước Nga tươi đẹp đượm buồn. Cảnh và người của nông thôn trong thơ Ê-xê-nin sống động đến kỳ lạ. Bởi vì, nó luôn sống động trong hồn anh:

Và thơ con có một dòng sữa chảy
Dòng sữa của đàn bò của mẹ, của nhà ta

Đủ biết Ê-xê–nin yêu mẹ và yêu đàn bò đến nhường nào. Tình yêu ngỡ có thể trông thấy được, trắng trong và chầm chậm. ngọt ngào rỏ vào lòng người như dòng sữa chảy miệt mài qua năm tháng. Có được sự sống động ấy chính là nhờ tấm lòng cảm thông hoà nhập sâu sắc với cuộc đời, và đặc biệt là đối với tất cả mọi sinh vật ở chung quanh nhà thơ. Phải nói, Ê-xê-nin là người cảm thông thương yêu mọi sinh vật như đọc được mọi buồn vui của chúng. Đối với anh, buồn vui của mọi sinh vật là buồn vui của chính mình. Những nỗi buồn vui ấy trong thơ anh được thể hiện một cách tài tình tuyệt vời với những hình ảnh có sức lay động lạ lùng như là chỉ có ở một con người được sáng tạo ra với tư cách là một cơ quan của thiên nhiên và chỉ để làm thơ về thiên nhiên mới có thể nhận bắt được. Gorki đã một lần nhận xét như vậy. Ta hãy nghe Ê-xê-nin tả vầng trăng mà con chó mẹ bỗng nhìn thấy sau khi bầy chó con mới đẻ của nó vừa bị người ta bắt mang đi một cách tàn nhẫn:

Trên mái nhà, trăng mọc

Giống như một chó con.

Và Ê-xê-nin nhận thấy chó mẹ khóc:

Đôi mắt nó bỗng lăn

Những sao vàng xuống tuyết:

Ở một bài thơ khác, Ê-xê-nin lại thấy:

Sáo vừa đi vừa chạy

Trên đất cày đồng xa

Tại sao lại có thể thấy được sáo vừa đi vừa chạy chứ không phải là sáo chỉ đi hoặc là chỉ chạy? Tôi có cảm giác như lúc khởi lên câu thơ này, Ê-xê-nin phải hoà tan mình vào trong những luống đất màu mỡ vừa được lưỡi cày lật lên để ngắm nhìn những con sáo đang cuống quýt nhặt mồi vậy.

Không có sự cảm thông ghê gớm với muông thú, làm sao Ê-xê-nin có thể viết được những câu thơ như thế này:

Một tiếng quạ kêu mờ
Trong sâu thẳm sâu hồ nước
Một con gà rừng đen
Gọi đêm về chậm chạp


Hoặc:

Và ngoài sân bao con gà cộc

Đang gáy lên bài hát ban trưa


Qua đôi mắt và tâm hồn Ê-xê-nin giữa những sinh vật cũng có sự cảm thông đặc biệt với nhau:

Với tôi, đàn bò hiền

Luôn gật gù trò chuyện

Khiến cây sồi trẻ lại

Buông cành xuống dòng sông

Nhắc đến Ê-xê-nin cũng có nghĩa là nhắc đến thiên nhiên Nga của anh. Có nhiều nhà văn nhà thơ Nga đã dành cả đời mình cho thiên nhiên Nga, nhưng Ê-xê-nin có tài kỳ lạ trong việc vẽ phong cảnh bằng những câu thơ giản dị. Những bức tranh thiên nhiên của anh là những bức tranh thuốc nước, màu sắc thật là hài hoà, nhưng không phải vì thế mà thiếu đi những ấn tượng độc đáo. Chính sự kết hợp hài hoà màu sắc và bố cục, làm tôn lên một cách bất ngờ cái anh định tập trung mô tả. Và nhờ vậy, xem những bức tranh thiên nhiên Nga của anh, người ta mãi nhớ nó và mãi còn run rẩy lên vì nó. Hình ảnh mà ta dễ nhớ nhất của anh là cây cỏ. Cây cỏ trong thơ Ê-xê-nin lúc nào cũng ánh lên, phát sáng lung linh. Hầu như ánh sáng từ cây cỏ là sự phản chiếu ánh lửa từ đôi mắt thăm thẳm của thi sĩ. Có người nhận xét rằng, Ê-xê-nin có đôi mắt cháy rực một ánh lửa buồn rười rượi. Nhận xét ấy dường như không thật thoả đáng với những bài thơ anh viết ở tuổi thiếu niên. Nhưng dù sao thì đôi mắt của Ê-xê-nin cũng có lửa, và nhờ vậy nó đã khiến cho thiên nhiên phát sáng lung linh chung quanh anh. Sự phát sáng này xảy ra rất nhiều lần trong thơ Ê-xê-nin:

- Muôn chồi non ngậm tuyết

Chĩa bạc lên nền trời

- Và hạt tuyết vẫn cháy

Trong ánh lửa bằng vàng

- Còn bình minh chậm rãi

Đi vòng theo chung quanh

Với muôn vàng bạc mới

Rắc êm lên lá cành

- Trên gò đất cây bạch dương, cây bạch dương

Trong trăng sáng lên như thanh bạc

- Bên cửa sổ một ánh trăng. Bên cửa sổ một ngọn gió

Thổi vào cây bạch dương – cây nến, cây bạc của tôi



Tài quan sát của đôi mắt có lửa Ê-xê-nin quả là không lẫn với ai khác. Sự độc đáo của thơ anh đôi khi làm người đọc sửng sốt, đến phải xuýt xoa:

… Ở xa kia về phía dòng sông

Như một giải nẹp viền lông thú

Câu thơ không dùng đến một tính từ chỉ màu sắc nào, vậy mà cảnh vật hiện lên hết sức rõ nét trong các mảng tối, sáng của nó. Và đây là những đống cỏ trên cánh đồng bên sông lúc hoàng hôn xuống:

Màu hung những đống cỏ

Trông giống bao nhà thờ.

Tài quan sát của Êxênin thật lạ, thật tinh vi:

Rừng ngập hoàng hôn xanh

kín cả từng quãng trống.

Không gian trong thơ Êxênin là một không gian rực rỡ sắc màu. Sắc màu của không gian trước hết là màu sắc của mặt trời. Ê-xê-nin ít tả trực tiếp về mặt trời, không phải vì mặt trời quá chói chả khiến mắt anh không thích nhìn mãi vào nó, mà vì anh biết cái đáng quan tâm nhất của mặt trời là cái gì. Đó là ánh sáng. Và trong muôn vàn ánh sáng do mặt trời toả chiếu, anh đặc biệt quan tâm đến bình minh và hoàng hôn. Nói đến bình minh và hoàng hôn cũng chính là nói đến mặt trời.
Hoàng hôn như một quyển kinh thánh đỏ

Đang cầu nguyện những tin lành.

Thi sĩ Ê-xê-nin 15 tuổi đi trong ánh “bình minh cháy đỏ mặt hồ”, đã thấy:

Bên đường muôn đốm nắng bay
Và tôi ngập giữa mê say sắc màu
Tôi hôn bông nắng đỏ au
Ngất ngây xin giữ mai sau cho mình.

Tại sao lại giữ cho mình? Bởi những tia chớp hạnh phúc không phải lúc nào cũng có được dễ dàng.

Đấy là biểu hiện của một tâm hồn khát khao hạnh phúc. Đối với Ê-xê-nin, bình minh là biểu tượng cho tương lai tươi sáng, cái tương lai đẹp đẽ trong giấc mơ của cậu bé chăn bò:

Quên đi nỗi nhọc nhằn
Tôi ngủ trên khúc gỗ
Trong mơ, bình minh đỏ
Rước lễ bên suối trong.

Và chính ánh sáng của mặt trời ấy góp công cùng thi sĩ tô điểm màu sắc cho không gian tuyệt diệu thêm lên. Những làn mây, ngọn gió luôn ánh lên màu sắc lạ:

- Mây phồng xốp bọt vàng

Cuộn tròn trên rừng vắng

- Gió thổi nhẹ đường cầu vồng vàng rực

Dưới những làn mây xốp đồng quê.

Nhưng trong không gian thiên nhiên này, trăng dường như được Ê-xê-nin miêu tả với xúc cảm thần tình lạ lùng nhất. Thơ cổ kim đông tây đã mang đến cho con người biết bao vầng trăng kỳ diệu rồi, vậy mà vầng trăng tuyệt đẹp này của đồng quê tưởng khó mà gặp được nếu không có thi sĩ Ê-xê-nin trên đời này:

Trăng như quả lắc bằng vàng

Nhịp thời gian đổ mơ màng mưa êm.

Và đây, lại một vầng trăng kỳ lạ nữa:

Ôi, giá được mỉm cười trên đống rạ

Dùng miệng của vầng trăng nhai cọng rơm này.

Ta có thể gặp trăng rất nhiều lần trong thơ Ê-xê-nin, vầng trăng nào cũng lạ, ánh trăng nào cũng lạ. “Và ánh trăng đã buông – Những dây cương vàng chói”… Tôi muốn trích thêm nhiều nữa, nhưng thật không nên làm cái công việc tẩn mẩn ấy. Chỉ biết là, trăng luôn ám ảnh Ê-xê-nin suốt cuộc đời thi sĩ, như là trường hợp Hàn Mặc Tử ở ta vậy. Trong thơ Ê-xê-nin, ánh trăng luôn tràn trề, nhưng đấy là thứ ánh trăng không vương bụi, ánh trăng trong suốt. Nỗi ám ảnh ấy khiến Ê-xê-nin viết được một câu thơ rất lạ:

Chiếc mũ sau vòm cây – vầng trăng lặn muộn.

Cho đến năm cuối cùng cuộc đời, vầng trăng vẫn ám ảnh thi sĩ, mặc dù khi ấy, vầng trăng đối với anh không còn tươi đẹp như xưa nữa, mà day dứt một nỗi buồn ảm đạm. Tuy vậy, cái vầng trăng buồn vẫn hiện lên trong thơ anh như là nó chỉ hiện lên một lần duy nhất trong vũ trụ:

Đồng nội tuyết, một mặt trăng màu trắng.

Mặt trăng buồn đến lạnh người, mặt trăng màu trắng, nhưng đó vẫn là cái nỗi buồn dịu muốt – nỗi buồn Ê-xê-nin.

Nếu tả thiên nhiên mà chỉ để tả thiên nhiên thôi, thì dù có tài hoa đến mấy, cũng mới là tài hạng hai. Thiên nhiên trong thơ Ê-xê-nin là thiên nhiên của lòng người hoà nhập. Nói cách khác, thiên nhiên đã thở bằng hơi thở Êxênin, sống bằng sức sống Ê-xê-nin, cảm và nghĩ bằng trái tim thi sĩ. Sự tả cảnh trong thơ Ê-xê-nin bao giờ cũng như để chuẩn bị cho một cái gì đó sâu xa hơn, nói chính xác là sự tả cảnh tự mang trong nó cái gì sâu xa ấy. Đó là lòng người. Bài thơ “Đã chiều rồi” viết năm 15 tuổi, khi Ê-xê-nin đứng “ngả đầu vào dương liễu bên đường” nhìn ra cánh đồng làng là một bài thơ giàu mẫn cảm, giàu tâm trạng. Ở đây, Ê-xê-nin không có ý định phản ánh hiện thực già nua của nước Nga khi tả cảnh đồng quê, nhưng chính sự mẫn cảm thi sĩ đã làm sống lại hiện thực này:

Ở xa kia về phía dòng sông
Như một giải nẹp viền lông thú
Có cụ già gác đồng buồn ngủ
Gõ triền miên vào chiếc mõ đã già.


Ở một bài khác, một bài gần như hoàn toàn tả cảnh, vậy mà khi kết thúc bài thơ, một hồn người bỗng hiện lên, choáng ngợp cảm xúc của ta:

Anh cầu mong thầm lặng
Cho số phận của em!

Người ta say mê thiên nhiên trong thơ Ê-xê-nin là bởi vậy. Tấm lòng nhà thơ luôn được ký thác vào thơ một cách đắm đuối nhất. Niềm vui đắm đuối đã đành, nỗi buồn cũng đắm đuối. Bạn cứ tưởng tượng xem, có một con người không hề yêu cũng không hề ghét… Thật vô duyên biết chừng nào! Tôi không muốn nói thiên nhiên trong thơ Ê-xê-nin là một thiên nhiên tuyệt vời duyên dáng, nhưng kỳ thực là vậy, bởi nó chứa một tâm hồn cao đẹp được bộc lộ đến tận cùng với vẻ duyên dáng trời cho.

Cây rung lên khe khẽ
Anh đã yêu tiếng động buồn, có lẽ
Trước mùa thu.

Đấy, Ê-xê–nin đã trò chuyện với cây dương – với thiên nhiên như vậy đấy, như là trò chuyện với người tình say đắm của mình!

*

Nếu như con người là đối tượng đáng được hưởng sự cảm thông, lòng yêu thương hơn tất cả mọi vật, thì Ê-xê-nin là nhà thơ đã dành hết thảy sự cảm thông, lòng yêu thương của mình cho con người. Suy cho cùng sự cảm thông, lòng yêu thương của anh đối với mọi vật cũng chính là một biểu hiện vì con người mà thôi. Năm cuối cùng của đời mình, Ê-xê-nin vẫn ca hát cề con người:

Đất nước màu xanh. Và vui làm sao

Tâm hồn tôi bán cả cho bài hát

Như vì Ghe-li-a trong bóng những vòm cây.

Con chim sẻ ôm hoa hồng thơm ngát.


Trước đó 13 năm, trong bài thơ “Nhà thơ”, Ê-xê-nin từng khẳng định:
Ai đã yêu con người như thể những anh em

Và cả quyết dám khổ đau vì họ?

- Nhà thơ

Nhà thơ đã tự do làm tất cả

Mà bao nhiêu người khác chẳng thể làm.

Nhưng chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy, con người trước hết trong thơ Ê-xê-nin là con người nông dân, những con người gần gũi với thi sĩ từ thuở anh mới lọt lòng mẹ. Và thực ra, chính anh cũng là một tế bào trong cộng đồng làng quê nông dân ấy. Cho nên, sự đồng cảm của anh với những con người nông dân dường như là sự đồng cảm tuyệt đối. Anh hiểu người mẹ khi ở “Trong nhà”, “Mẹ không bao giờ nghỉ ngơi – Dáng lưng còm đi lại”, và khi đứa con đi xa, mẹ luôn mong ngóng tin con:
Quãng đường vắng mẹ thường đi

Mình choàng chiếc áo dân quê bông sờn.

Khi xa nhà, anh tự hỏi “ở đâu nhà của bố tôi – Tấm lưng còm sém nắng trời tháng, năm”, và khi trở về nhà sau bao năm xa cách, anh bỗng ngỡ ngàng trước đứa em gái “không một chút ngại ngần – Mở quyển sách to như Kinh thánh – Quyển Tư bản – Và nói về CácMác – Nói về Ăngen…” – Ở đây, sự ngỡ ngàng xảy ra bởi những gì quá quen thuộc trước đó mà thôi. Sự đồng cảm lớn với người nông dân đã giúp Ê-xê-nin phát hiện ra những vẻ đẹp ẩn giấu trong họ từ lâu. Đấy là câu chuyện riêng tư của người chăn bò với cây dương liễu tơ non bên hồ nước vắng vẻ. Ê-xê-nin nghe được người chăn bỏ hỏi cây dương: “Gió đã thì thầm gì với em – Cát đã nói gì với em?...” Người ta có thể hỏi những lời như vậy không đến nỗi khó khăn lắm, nhưng nghe được những câu trả lời như thế này của cây dương thì không phải ai cũng dễ dàng nghe được:

“Ôi, người bạn tò mò ơi

Ở đây dưới đêm sao

Có một người chăn bò vừa khóc.

Khi ánh trăng trang sức

Trên những tán cây xanh

Anh ấy đã ôm tôi thật chặt

Đôi bắp chân cóng rét để trần.

Cứ như vậy anh thở dài não ruột

Nói dưới tiếng động của lá cành:

- Vĩnh biệt bồ câu của anh

Đến những mùa chim sếu!…”

Đấy là sự phát hiện tài tình ra hạnh phúc của những người nông dân trong lao động vất vả cực nhọc của họ, cái niềm hạnh phúc mà nếu là người không có sự đồng cảm sâu sắc với người nông dân, không thể nào thấy được:

Hạnh phúc cho những người khi nhận thấy

Niềm vui trong nỗi buồn chăn bò của mình.

Tôi muốn nhắc lại một lần nữa: Niềm vui trong nỗi buồn chăn bò của mình… Và cũng chính vì vậy mà Ê-xê-nin, anh luôn mang trong mình niềm day dứt về sự lam lũ khổ đau, bị chà đạp tàn nhẫn của người nông dân Nga. Cho mãi về sau, khi nước Nga đã được giải phóng bằng Cách mạng tháng Mười, niềm day dứt ấy vẫn in đậm trong thơ Ê-xê-nin:

Sao rồi em, đồng nội của chúng ta
Ôi đồng nội mặn mà cát trắng
Và ai đó không lỗi lầm bị dẫm
Và đau thương có thật của ai xưa?

Tình yêu người nông dân cũng chính là khởi nguồn tình yêu con người nhân loại lớn trong thơ Ê-xê-nin. Con người, đối với Ê-xê-nin, nếu không có nó thì trái đất sẽ chỉ là một quả cầu chết. Ê-xê-nin là người biết nhận ra sự cô đơn ghê gớm khi chung quanh mình vắng bóng con người, hoặc trống vắng tình yêu của con người. Anh cảm thấy không thể ngủ được khi nằm một mình trong căn phòng giữa đêm mênh mông, và không thể chịu được sự cô đơn, anh thoát khỏi căn nhà để tìm đến với con người:

Đêm không ngủ. Đêm không ngủ

…….
Ra đi hỡi trái tim nhỏ của tôi

Nghe bài hát người chơi đàn guxli, nghe bài hát

Và khi đến được với con người rồi, không còn cô đơn nữa, nhà thơ sung sướng đến reo lên:

Tôi say đắm trong tuyệt vời vẻ đẹp

Của người con gái dưới trăng đêm

Tôi sẽ nhảy theo đàn guxli ấy

Và sẽ xé tan chiếc khăn cưới của em!

Dĩ nhiên là chàng trai Ê-xê-nin không xé tan chiếc khăn cưới của người con gái mà anh say mê ấy, nhưng tình yêu con người ở anh quả là đến mức có thể làm được điều ấy, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa:

Tôi sẽ mang em vào tháp gỗ tối đen
Vào khu rừng xanh vào nơi xa vắng
Những sườn núi – tôi sẽ mang em đến
Bình minh cây anh túc mỉm cười.

Những đoạn thơ trên trong bài thơ Ê-xê-nin viết năm 16 tuổi, cái tuổi vừa qua thời niên thiếu để trở thành người lớn, cái tuổi mà tình yêu cuộc đời toát ra mãnh liệt nhất với sự tươi mới của nó. Nhưng không phải vì thế mà trở thành ngông cuồng, lố bịch. Đấy là sự hồn nhiên không thể cưỡng của tuổi trẻ, cũng là điều đáng cảm thông nhất của con người. Niềm cảm thông và tình yêu thương lớn của thi sĩ đã giúp Ê-xê-nin nhận ra được “trên sóng hào quang của sao – Những khổ đau đang ước vọng”, và càng tin yêu hơn “tiếng rì rào của dòng nước mạnh”. Lòng tin vào sự vươn tới của con người trong thơ anh thật mãnh liệt:

Có nghe không, hoa hồng đang gục xuống
Đang rữa tan. Bài hát vẫn vang lên?


Nói đến tình yêu con người trong thơ Ê-xê-nin, không thể không nhắc đến mảng thơ tình của anh. Đấy là những bài thơ tình vào loại “gối đầu giường”, cho đến bây giờ, nó đã được rất nhiều người thuộc như thuộc ca dao. Cái hay của những bài thơ tình này không chỉ ở nhạc điệu tuyệt vời mà người ta có thể dễ dàng hát lên được, cũng không phải vì nó mô tả những tâm trạng cô đơn tuyệt vọng của tình yêu éo le, rắc rối. Điều chủ yếu, đấy là những bài thơ của tình yêu rực cháy khát vọng hạnh phúc của tuổi trẻ. Và nó được ghi lại một cách chân thực. Cảm giác như là tình yêu của chàng trai Êxênin tràn trề như thế nào, thì những dòng thơ tình yêu của thi sĩ Ê-xê-nin cũng tuôn chảy tràn trề như vậy. Tình yêu như chỉ còn có hai người với nhau.

Nghe không em – xe trượt tuyết đang phi – nghe không em?

Tuyệt diệu làm sao, cùng người yêu biến vào cánh đồng êm

Đấy là niềm vui sướng không thể kìm lại được, phải thốt ra thành thơ. Để rồi cùng reo lên trước thiên nhiên bao la:

Ối, xe trượt tuyết! Xe trượt tuyết!
con ngựa hung nhạt của tôi
Không phải người say rượu đâu – ở xa kia
cây phong đang múa đó thôi

Và cuối cùng là:

Chúng tôi đến và hỏi rằng: Làm sao thế cây phong?
Rồi cùng nhảy với nhau – ba người – trên tuyết trắng
như bông.


Đấy chỉ có thể là tình cảm của người đang bốc men say. Nhưng đây không phải là men rượu, đây là men ái tình. Đối với Ê-xê-nin, tình yêu có thể làm cho người ta chấp nhận cây phong với tư cách một con người đồng điệu, một con người biết yêu say đắm và biết biểu hiện tình yêu ấy bằng sự múa nhảy nồng nàn.

Cao hơn tất cả những tình yêu bình thường phải là tình yêu với sự bộc lộ bản năng cao đẹp của con người. Nếu như bây giờ, người ta coi sự thật là biểu tượng cao cả của đạo đức, thì chính Ê-xê-nin, từ cách đây hơn nửa thế kỷ đã từng đốt lên một ngọn lửa bằng nhiên liệu sự thật trong những bài thơ tình của mình. “Tôi không nói cùng người yêu những lời không có thật”, câu thơ như một câu thề thốt, bởi nó không phải là sự thề thốt, nó là sự giãy bày với chính mình, thi sĩ Ê-xê-nin. Sự thật bao giờ cũng mang trong bản thân nó tính hồn nhiên tuyệt đối. Thơ tình của Ê-xê-nin cũng vậy.
Người yêu hỏi rằng

“Gió tuyết có không anh?

Để trải đệm? Hay đốt lò sưởi vậy?”
Tôi nói với người yêu: “Từ trên cao ấy
Đang có người tung hoa tuyết trắng tinh
Hãy đốt lò, hãy trải đệm đi em
Anh không em, tim anh như bão tuyết!”
Một lần khác, Ê-xê-nin lại quả quyết:
Bởi sinh ra là một thi sĩ
Anh sẽ hôn như thi sĩ mà thôi.


Có khi, ta bỗng ngạc nhiên đến sửng sốt, khi nghe Ê-xê-nin bộc lộ sự thật trong tình yêu của mình một cách chân thành đến quá mức tưởng tượng. Đấy là khi tình yêu đang dâng lên trong lòng anh trước một người con gái nơi xa lạ, và anh đã tỏ tình. Nhưng trong lời tỏ tình ấy, anh không hề dấu người con gái này, có một người con gái khác đang yêu anh:

Sa-ga-nê, em của anh, Saganê

Ở phương bắc cũng có người con gái

Trông rất giống em, chẳng khác gì

Cũng có thể đang nghĩ về anh đó

Saganê, em của anh, Saganê!…

Hẳn là Saganê không nỡ chối tấm lòng chân thật đến nhường kia của người thi sĩ.

Và đây, lại là một sự thật khác, một sự thật vừa cay đắng, vừa cao thượng:

Khi mân mê bàn tay, đừng làm méo đi nụ cười

Tôi yêu người khác mà chẳng yêu em

Ôi, em biết, và chắc em biết lắm

Tôi không phải nhìn em, cũng chẳng đến với em đâu

Tôi chỉ đi qua với trái tim lặng lẽ

Và cũng chỉ ngoái nhìn qua cửa sổ mà thôi.

Người đời thường cho rằng, những ai chỉ sống với bản năng thì rốt cuộc chẳng làm nên được trò trống gì. Nghĩa là anh ta thiếu sự kìm chế của ý thức, và bởi vậy mà tự cắt đứt những sợi dây ràng buộc với xã hội. Nhưng bản năng tâm hồn Ê-xê-nin thì khác, đấy là cái bản năng người nhất, cái bản năng mà tự nó là một sự cao thượng, vừa đáng kính nể lại vừa dễ gần gũi. Đấy là khi đang yêu say đắm, anh nói với người yêu:

Người ta yêu em đến sờn mòn

Người ta chiều em đến nhàu nát.

Hoặc là khi anh nói với người yêu đã bỏ anh mà đi:

Sợ chi một chuyện đau lòng

Tôi cần nhiều, cũng chẳng mong chi nhiều.


và:

Tôi không phải kẻ mê say
Bằng âu yếm lúc cầm tay, sát kề

Vậy mà tình yêu vẫn cứ day dứt anh mãi:
Mà nụ cười – lạ lùng sao

Cứ như bão tuyết xoáy vào tim tôi!

Tại sao nỗi buồn cứ đeo đẳng thi sĩ như bóng với hình khi tưởng như đáng lẽ phải tức giận vì nó? Vì Ê-xê-nin biết trân trọng tất cả tình yêu của mình, đấy là những gì trong sáng, đẹp đẽ và hồn nhiên nhất. Không phải ai cũng dễ dàng có được một tình yêu thực sự để rồi được day dứt mãi về nó khi nó không còn quay lại nữa. Có cảm thông như vậy ta mới có thể thấm thía sâu sắc nỗi buồn của thi sĩ trong câu thơ anh viết:

Và bây giờ, đối với người yêu, tôi chẳng là gì

Tôi khóc tôi cười trong bài hát không hề thân thuộc

*

Nỗi buồn của Ê-xê-nin khi thì tràn ngập và nặng nề như mây chì, bão tuyết, khi thì phảng phất như những làn gió nhẹ trên đồng lúa mênh mông quạnh vắng cuối hoàng hôn. Nỗi buồn ẩn hiện trong cả những bài thơ trữ tình vui tươi lẫn trong những bài thơ cách mạng khoẻ khắn. Nhiều khi, nỗi buồn thi sĩ cũng đượm vẻ bi tráng:

Đêm như đêm nay

xanh nhờ

trên Ba-ku

26 bóng đen

bóng đen của 26 người ấy

26

nỗi đau của chúng ta

bài hát của chúng ta.


Nhưng bao trùm Ê-xê-nin vẫn là nỗi buồn người. Nỗi buồn tưởng như không thể nào thắng nổi. Ê-xê-nin cũng đã nhiều lần nhận thấy tai hoạ của nỗi buồn. Và anh ngang tàng chỉ trích, và ngang tàng tuyên chiến với nó:

Tàn bạo và kiêu hãnh

Dáng điệu mới luôn luôn

Xưa máu đầy trong miệng

Nay máu đầy trong hồn

Tôi không nói với mẹ

Mà với cả mọi người

- Tôi vấp vào hòn đá

Ngày mai sẽ lành thôi


Ngay cả khi đứng trước tượng Puskin, nhà thơ mà anh rất kính trọng nhưng đã kết thúc số phận bằng sự chiến bại trước nỗi buồn, Ê-xê-nin muốn khẳng định ý chí của mình:

Nhưng tôi là một người trong xua đuổi

Tôi phải còn, và phải hát không ngừng

Để những bài hát của tôi về đồng nội

Mãi rung lên như tiếng ngân đồng.


Một lần khác, anh đã thét lên xua đuổi nỗi buồn, như là đã vĩnh biệt nó lần cuối cùng:

Bây giờ đây dù ai có các vàng

Tôi cũng không muốn lại nghe điệu nhạc kia não ruột.

Oái oăm thay, cái điệu nhạc của nỗi buồn não ruột kia vẫn đeo đuổi thi sĩ như một định mệnh. Và Ê-xê-nin đã không sao chiến thắng nổi nó; câu thơ cuối cùng anh để lại là một bằng chứng của sự thất bại này:

Trên đời này, chết phải đâu là mới

Nhưng sống, tất nhiên, cũng chẳng mới hơn gì!

Cái chết đầy bi kịch của tính cách Ê-xê-nin như là không thể khác được. Bạn đọc của anh không ai muốn anh chết như vậy. Anh đã mang đi bao nhiêu bài thơ mà đáng lẽ chúng ta còn có thể được đọc và được buồn vui nhiều thêm lên trong cuộc đời, những tháng ngày mà chúng ta được sống trên trái đất này.

Những bông hoa đến từ biệt cùng tôi

Cúi thấp xuống những mái đầu xinh nhỏ

Mặt người yêu và mảnh đất ông cha

Tôi mãi mãi sẽ không còn thấy nữa



Chẳng còn gì hơn, rồi lại có người

- Nỗi buồn cũ cần chi cho kẻ chết

Một người khác sẽ cất lời hát tiếp

Cho người tôi yêu còn bỏ lại trên đời

Người tôi yêu sẽ yêu lại một người

Và tiếp nhận bài ca kia lặng lẽ

Có thể đôi khi nhớ về tôi nhỉ

Như một cánh hoa không lặp lại bao giờ.

Đúng như vậy, thơ Ê-xê-nin không lặp lại dọc thời gian, nó luôn luôn mới mẻ như vừa được sinh ra. “Con người của tương lai sẽ đọc Ê-xê-nin như nhân dân hiện giờ đã đọc anh. Sức sống mãnh liệt của thơ anh đã nói nhiều với họ” – (nhận định của nhà thơ N.Ti-khô-nốp).

Thơ Ê-xê-nin sống mãi là vì vậy. Rồi người những đời sau có thể quên đi rằng, trước khi đến yên nghỉ tại một nghĩa trang ở Lêningơrat, tháng 11 năm 1925, quan tài Ê-xê-nin đã được đưa quanh tượng đài Puskin… nhưng người ta sẽ không bao giờ quên thơ anh, những bài thơ thuộc về thiên nhiên và con người trên trái đất.

Hà Nội, tháng 11-1981

NGUYỄN TRỌNG TẠO




THƠ

NGÀY MAI MẸ THỨC CON DẬY SỚM

Ngày mai mẹ thức con dậy sớm

Ôi mẹ thân yêu, mẹ tảo tần

Để con sẽ đi ra cồn đất nhỏ

Đón gặp người bạn quí của con

Và hôm nay con thấy ở cánh đồng

Những vệt bánh xe in trên cỏ ướt

Gió thổi nhẹ đường cầu vồng vàng rực

Dưới những làn mây xốp đồng quê

Ngày mai bình minh bạn con sẽ ra đi

Vành mũ sau vòm cây – vầng trăng lặn muộn

Và con bò đứng nhìn theo tha thẩn

Ve vẩy đuôi trên đám cỏ ven đường

Ngày mai mẹ thức con dậy sớm

Mở cửa ra cho ánh sáng vào nhà

Người ta bảo con sắp thành thi si

Nổi tiếng, và, một thi sĩ người Nga

Con sẽ hát về mẹ và về bạn

Người chăn bò, bếp lửa, đàn bò

Và thơ con có một dòng sữa chảy

Dòng sữa của đàn bò của mẹ, của nhà ta.

1917

ĐÃ CHIỀU RỒI


Đã chiều rồi

Sương muối vàng óng ánh

Phủ xuống cây tầm-ma một mình trên đồng vắng

Tôi ngả đầu vào dương liễu ven đường

Trăng lên như khác với lệ thường

Rót ánh sáng về mái nhà tôi ở

Và đâu đây có bài ca chim sẻ

Tôi nghe từ xa xa…

Thật tuyệt vời và ấm cúng dường bao

Như mùa đông bên bếp lửa

Và cây dương một mình đứng đó

Giống làm sao ngọn nến lớn giữa đồng!

Ở xa kia, về phía dòng sông

Như một dải nẹp viền lông thú

Có cụ già gác rừng buồn ngủ

Gõ triền miên vào chiếc mõ đã già…

1910

CÂY BẠCH DƯƠNG


Cây bạch dương đứng đấy

Bên cửa sổ nhà tôi

Muôn chồi non ngậm tuyết

Chĩa bạc lên nền trời

……

Cây bạch dương đứng đấy

Trong im lặng mơ màng

Và hạt tuyết vẫn cháy

Trong ánh lửa bằng vàng

Còn bình minh chậm rãi

Đi vòng theo chung quanh

Với muôn vàng bạc mới

Rắc êm lên lá cành…

1913

CÁNH ĐỒNG ĐÃ GẶT

Cánh đồng đã gặt, rừng nhỏ trụi trơ

Nước dâng hơi ẩm, ướt mờ sương giăng

Mặt trời lặng lẽ một bánh xe lăn

Khuất dần sau dãy núi xanh xa mờ

Nằm lim dim ngủ con đường gồ ghề

Đường hôm nay nói lời gì xa xăm

Chẳng bao lâu nữa, chắc hẳn rất gần

Đợi chờ trắng xoá mùa đông sắp về

Và trong rừng rậm tôi gặp bất ngờ

Hôm qua ở giữa sương mờ hiện lên

Trăng hung hung đỏ thành chú ngựa xinh

Trong xe trượt tuyết của mình đang phi.

1917-1918


CƠN NƯỚC LŨ CUỐN BÙN

Cơn nước lũ cuốn bùn

Tạo thành từng vệt khói

Và ánh trăng đã buông

Những dây cương vàng chói

Tôi ngồi trên xuồng máy

Rẽ sóng cập vào bờ

Màu hung, những đống cỏ

Trông giống bao nhà thờ

Một tiếng quạ kêu mờ

Trong thẳm sâu hồ nước

Một con gà rừng đen

Gọi đêm về chậm chạp

Rừng ngập hoàng hôn xanh

Kín cả từng quãng trống

Anh cầu mong thầm lặng

Cho số phận của em.

1910


TÔI LÀ NGƯỜI CHĂN BÒ


Tôi là người chăn bò

Lều giữa đồng vỗ sóng

Sóng khắc vào núi lớn

Những nếp vân âm thanh

Mây phồng xốp bọt vàng

Cuộn tròn trên rừng vắng

Trong giấc mơ thầm lặng

Tôi nghe thông thì thào

Chiếu xanh vào ánh chiều

Phong và dương cao thấp

Nhà của tôi bát ngát

Đồng xanh, màu xanh mềm

Với tôi, đàn bò hiền

Luôn gật gù trò chuyện

Khiến cây sồi trẻ lại

Buông cành xuống dòng sông

Quên đi nỗi nhọc nhằn

Tôi ngủ trên khúc gỗ

Trong mơ, bình minh đỏ

Rước lễ bên suối trong…

1914

TRONG NHÀ

Thoảng lên mùi men chua

Từ ngạch cửa – nơi để thùng cơvat

Những con gián đang chui vào khe nứt

Nơi bếp lò nhẵn trơn

Trên giàn kia bồ hóng đậu rung rinh

Thả xuống bếp lòng thòng như sợi chỉ

Còn trên ghế sau vò đựng muối

Vỏ trứng gà lăn lóc bao nhiêu

Mẹ như không bao giờ nghỉ ngơi

Dáng lưng còm đi lại

Con mèo già rón rén quanh chỗ để

Bình sữa tươi

Trên càng chiếc xe cày

Những gà mái liên hồi cục tác

Và ngoài sân, bao con gà cộc

Đang gáy lên bài hát ban trưa

Nơi góc nhà

Bên kia cửa sổ

Nhút nhát mấy chó con

Bò vào những chiếc vòng cổ ngựa…

1914

_____

Cơvat: nước giải khát.
Gà cộc: gà trống.


BÀI HÁT VỀ CON CHÓ

Sáng, trong đống mì đen

Trên bao bì rách tã

Con chó mẹ đã đẻ

Bảy con chó màu hung

Nó âu yếm bầy con

Liếm từng làn lông mượt

Dưới bụng, dòng sữa tuyết

Chảy đến tận chiều hôm

Và khi gà lên chuồng

Lão chủ nhà cau có

Bỏ bảy con chó nhỏ

Vào bao tải, mang đi…

Chó mẹ đuổi theo sau

Băng qua từng đống tuyết

Rồi đứng bên vũng nước

Run rẩy với bóng mình

Khi liếm mồ hôi hông

Nó bất ngờ bắt gặp

Trên mái nhà, trăng mọc

Giống như một chó con

Nó nhìn vào khoảnh xanh

Âm thầm và buồn bã

Đến lúc mảnh trăng nhỏ

Lặn sau đồi xa xa…

Chó mẹ vẫn đứng kia

Buồn như vừa biết được:

Thức ăn ai ném cợt

Là một hòn đá con

Đôi mắt nó bỗng lăn

Những sao vàng xuống tuyết.

1915

THƯ GỬI MẸ

Mẹ ơi, mẹ có còn không?

Con xin chào mẹ – lời con cuối trời

Nhà ta mái cũ xa xôi

Ánh chiều lặng lẽ không lời tuôn qua.

Người ta bảo mẹ hằng lo

Thầm buồn khi đứa con xa không về

Quãng đường vắng mẹ thường đi

Vai choàng chiếc áo thôn quê bông sờn

Mẹ nhìn trong buổi hoàng hôn

Thoáng như gặp một tin buồn xa xăm:

Trong quán rượu, một dao găm

Đã xuyên qua trái tim hồng của con?…

Mẹ ơi, xin mẹ đừng tin

Những lời ác độc rủa nguyền gió bay

Con đâu phải kẻ lưu đày

Chết không gặp mẹ dãi bày tâm tư!

Như xưa… con vẫn như xưa

Yếu mềm. Chỉ một ước mơ không nhoà:

Nỗi buồn, đau khổ chóng qua

Để con về lại căn nhà tuổi thơ.

Con về, cành nhú chồi tơ

Khi vườn tuyết trắng ngây thơ xuân về

Mẹ đừng đánh thức con, nghe

Như ngày xưa – tám năm đi qua rồi.

Những gì đã tắt, mẹ ơi

Đừng khơi dậy nữa – những lời gió bay

Đời con sớm chịu đắng cay

Nhọc nhằn thử thách dạn dày từ lâu

Cũng đừng dạy nữa nguyện cầu

Mẹ ơi, có ích gì đâu – qua rồi!

Chỉ còn có mẹ ngời ngời

Cho con ánh sáng không lời thân yêu.

Quên đi lo lắng bao điều

Đừng buồn, đừng trách con nhiều, mẹ nghe

Ngóng con… thôi mẹ đừng đi

Vai choàng chiếc áo thôn quê bông sờn…

1924

NHÀ THƠ

Tặng bạn thân Grisa

Ai đã giết nhà thơ yêu mến ấy?

- Kẻ thù!

Và đau thương có thật của ai kia?

- Người mẹ!

Ai đã yêu người như thể những anh em

Và cả quyết dám khổ đau vì họ?

- Nhà thơ!

Nhà thơ đã tự do làm tất cả

Mà bao nhiêu người khác chẳng thể làm…

Ai đã giết nhà thơ yêu mến ấy?

Và đau thương có thật của ai kia?

1912

TÔI TIN HẠNH PHÚC HÃY CÒN

Ôi, tôi tin, tôi tin hạnh phúc hãy còn

Và kia, mặt trời không tắt

Hoàng hôn như một quyển Kinh thánh đỏ

Đang cầu nguyện những tin lành

Ôi, tôi tin, tôi tin hạnh phúc hãy còn.

Hãy rung lên đi, rung lên đi nước Nga tuyệt diệu

Hãy hồi hộp đi ơi ngọn gió thân quen

Hạnh phúc cho những người khi nhìn thấy

Niềm vui trong nỗi buồn chăn bò của mình.

Hãy rung lên đi, rung lên đi nước Nga tuyệt diệu.

Tôi yêu sao, tôi yêu sao tiếng rì rào của dòng nước mạnh

Và trên sóng hào quang của sao

Những khổ đau đang ước vọng

Những người dân đang ước vọng

Tôi yêu sao, tôi yêu sao tiếng rì rào của dòng nước mạnh.

1917-1918

TÔI ĐI RA BÃI CỎ

Đêm không ngủ đêm không ngủ

Tôi đi ra bãi cỏ ven sông

Tia chớp trời loé lên nhảy múa

Trong lung linh bọt nước cuộn vòng

Trên gò đất cây bạch dương cây bạch dương

Trong trăng sáng lên như thanh bạc

Ra đi hỡi trái tim nhỏ của tôi

Nghe bài hát người chơi đàn guxli, nghe bài hát…

Tôi say đắm trong tuyệt vời vẻ đẹp

Của người con gái dưới trăng đêm

Tôi sẽ nhảy theo đàn guxli ấy

Và sẽ xé tan chiếc khăn cưới của em!

Tôi sẽ đưa em vào tháp gỗ tối đen

Vào khu rừng xanh vào nơi xa vắng

Những sười núi tôi sẽ mang em đến

Bình minh cây anh-túc mỉm cười…

1911


NGHE KHÔNG EM – XE TRƯỢT TUYẾT ĐANG PHI

Nghe không em – xe trượt tuyết đang phi – nghe không em?

Tuyệt diệu làm sao cùng người yêu biến vào cánh đồng êm!

Một ngọn gió vui thẹn thùng e ấp

Lăn trên đồng trần tiếng chuông lục lạc

Ối, xe trượt tuyết, xe trượt tuyết – con ngựa hung nhạt của tôi

Không phải người say rượu đâu – ở xa kia cây phong đang múa đó thôi!

Chúng tôi đến và hỏi rằng: Làm sao thế, cây phong?

Rồi cùng nhảy với nhau – ba người – trên tuyết trắng như bông…

1925


SA-GA-NÊ, EM CỦA ANH


Sa-ga-nê, em của anh, Sa-ga-nê

Đến với em, anh đi từ phương Bắc

Anh sẽ kể em nghe những cánh đồng lúa mạch

Trong ánh trăng sóng lúa gợn tràn trề

Sa-ga-nê, em của anh, Sa-ga-nê

Đến với em anh đi từ phương Bắc

Phải chăng trăng nơi đó sáng gấp trăm lần

Dẫu có đẹp bao nhiêu, thành Si-rát

Cũng kém xanh mênh mông xứ Ria-dan

Đến với em anh đi từ phương Bắc.

Anh sẽ kể em nghe những cánh đồng lúa mạch

Sóng lúa cho anh mái tóc này

Nếu em thích, trong tay em cuốn chặt

Anh không hề cảm thấy chút mờ đau

Anh sẽ kể em nghe những cánh đồng lúa mạch.

Trong ánh trăng sóng lúa gợn tràn trề

Như mái tóc anh xoăn, em hãy đoán

Em thân yêu, hãy cười đùa thật nhộn

Chỉ xin đừng thức trí nhớ anh xưa

Trong ánh trăng sóng lúa gợn tràn trề.

Sa-ga-nê, em của anh, Sa-ga-nê

Ở phương Bắc cũng có người con gái

Trông rất giống em – chẳng khác gì

Cũng có thể đang nghĩ về anh đó

Sa-ga-nê, em của anh, Sa-ga-nê.

1924


EM KỂ RẰNG…


Em kể rằng, chỉ có thần Sa-đi

Mới hôn lên ngực

Hãy gượm em ơi, lạy Chúa

Rồi một lúc nào anh học được vậy thôi.

Em kể rằng, ở Kô-ran người ta thường nói:

Phải rửa hận với giặc thù

Còn anh ở Ria-dan, từ nơi này anh hiểu:

Phải viết nhanh cho em những dòng chữ thật thà.

Em hát rằng: “Sau sông Ê-pơ-rát

Có những đoá hoa hồng đẹp hơn Nữ thần đã chết”

Nếu như anh – người giàu có trên đời

Anh sẽ đặt một điệp khúc khác hơn, tuyệt vời.

Anh sẽ hái những đoá hoa hồng ấy

Bởi một niềm ưu ái của lòng anh

Để trên khắp thế gian

Không gì hơn Sa-ga-nê yêu dấu.

Xin đừng làm khổ anh bằng những lời chỉ giáo

Vì chính anh chẳng chỉ giáo một lời

Bởi sinh ra là một thi sĩ

Anh sẽ hôn như thi sĩ mà thôi.
19.XII.1924

ĐẤT NƯỚC MÀU XANH VÀ VUI LÀM SAO

Đất nước màu xanh. Và vui làm sao

Tâm hồn tôi dành cả cho bài hát

Gió từ biển ơi, hãy thổi và quạt mát

Có nghe không chim sẻ gọi hoa hồng?

Có nghe không hoa hang đang gục xuống

Đang rữa tan. Bài hát vẫn vang lên

Gió từ biển ơi, hãy thổi và quạt mát

Có nghe không chim sẻ gọi hoa hồng?

Tôi – đứa trẻ, đó là điều dễ hiểu

Còn nhà thơ, nào có phải tôi không?

Gió từ biển ơi, hãy thổi và quạt mát

Có nghe không chim sẻ gọi hoa hồng?

Ghe-li-a thân mến, đừng buồn

Nhiều hoa hồng trên con đường đã nở

Nhiều hoa hồng đã gục và đã rữa

Nhưng có một hoa vẫn nở cười…

Cười cùng nhau – anh và tôi

Bởi những vùng quê yêu tha thiết

Gió từ biển ơi, hãy thổi và quạt mát

Có nghe không chim sẻ gọi hoa hồng?

Đất nước màu xanh. Và vui làm sao

Tâm hồn tôi bán cả cho bài hát

Như vì Ghe-li-a trong bóng những cành cây

Con chim sẻ ôm hoa hồng thơm ngát…

1925

BÊN CỬA SỔ MỘT ÁNH TRĂNG

Bên cửa sổ một ánh trăng. Bên cửa sổ một ngọn gió

Thổi vào cây bạch dương – cây nến cây bạc của tôi.

Tiếng khóc cô đơn xe trượt tuyết xa xôi

Sao mà thân thuộc, sao mà xa lạ.

Bài hát âm ỉ: khóc và cười

Ở đâu rồi cây đa của tôi – cây đa thế kỷ

Ở đâu rồi một ngày xưa trong buổi lễ

Tôi cùng người yêu, xe trượt tuyết đổ kềnh?

Và bây giờ đối với người yêu, tôi chẳng là gì

Tôi khóc, tôi cười trong bài hát không hề thân thuộc.

1925

KHÓC RÊN GÌ GIÓ TUYẾT

Khóc rên gì gió tuyết ơi

Mà nghe như tiếng đàn người Xư-gan

Nụ cười em giá băng tràn

Cái nhìn xanh sắc như làn nước trong

Sợ chi một chuyện đau lòng

Tôi cần nhiều, cũng chẳng mong chi nhiều!

Khác nhau như sớm với chiều

Tôi từng trải, với em nhiều ngây thơ

Ấm êm cho những trai tơ

Còn tôi chỉ có những giờ đã qua

Còn tôi, chỉ có ngày xưa

Một đêm gió tuyết xa mờ… đắng cay…

Tôi không phải kẻ mê say

Bằng âu yếm lúc cầm tay sát kề

Với tôi, chẳng có nghĩa gì

Tiếng đàn rên xiết vùng quê tuyết gào

Mà nụ cười – lạ lùng sao

Cứ như bão tuyết xoáy vào tim tôi!…

1925

CON CON CHÓ

Lại hiện về những năm tháng xa xăm

Như bãi cỏ xạc xào hoa cúc dại

Chợt hình dung về một con chó cái

Đã một thời là bạn của tôi.

Tuổi trẻ tôi nay đã tắt rồi

Như cây phong mục tàn vì mưa nắng

Tôi nhớ lại một cô áo trắng

Mà con chó kia là người đưa thư

Chẳng phải ai cũng có một người thân

Nhưng với tôi, cô gái ấy là bài ca tuổi trẻ

Những bức thư tôi buộc nơi cổ chó

Cô ta chưa một lần cầm.

Cô ta chưa hề đọc một lần

Nét chữ tôi cô hoàn toàn xa lạ

Nàng cứ đứng trầm tư lặng lẽ

Bên lùm cây ven mặt nước thu vàng

Tôi khổ đau… Tôi mong đợi hồi âm…

Không chờ được, tôi ra đi… Và thế

Tháng năm qua, tôi trở thành thi sĩ

Lại về đây, bên khung cửa quen thân.

Con chó xưa đã chết từ lâu

Ra đón tôi là một con chó khác

Con nó đây, màu lông quen đã nhạt

Cất tiếng sủa chào sang sảng, non tơ.

Người mẹ nòi! Nó giống mẹ làm sao!

Để lòng tôi chỉ nghe buồn tê tái

Với nỗi đau này tôi dường như trẻ lại

Tôi lại ngồi viết những bức thư

Tôi bồi hồi nghe lại khúc ca xưa

Nhưng đừng sủa, chó ơi, đừng sủa nữa

Mày có muốn tao hôn mày không hả chó

Vì tháng năm vừa thức dậy trong hồn?

Tôi ôm hôn, tôi ghì nó vào lòng

Và dẫn nó vào nhà như người bạn…

Phải, tôi đã tong say một cô áo trắng

Nhưng bây giờ tôi lại yêu một cô áo xanh (1)

1924


(1) ANH NGỌC dịch



TÔI NHỚ

Nhớ luôn, em hỡi, nhớ hoài

Mái đầu em tựa, tóc ngời hào quang

Xa em giờ phải lỡ làng,

Không vui cũng chẳng dễ dàng đâu em

Anh còn nhớ mãi những đêm

Lào xào trong lá êm đềm bạch dương

Dẫu ngày khi ấy ngắn hơn,

Choàng đôi ta, ánh trăng xuân lại dài

Nhớ xưa em nói cùng tôi

“Những năm của tuổi xuân rồi sẽ qua,

Và, anh yêu quý, dần dà

Bên người yêu khác anh đà quên em”.

Cành hoa nay nở hoa thêm

Nhắc cùng anh mối tình duyên khi nào

Cánh hoa em rắc hôm nao

Lên làn sóng tóc em – sao dịu dàng!

Trái tim ngừng đập sẵn sàng

Yêu người yêu khác, sầu mang bên lòng

Ôi thiên tình sử nghẹn ngùng!

Ngồi bên ai vẫn mơ màng nhớ em. (1)

1925

(1) XUÂN DIỆU dịch



MỘT CHIỀU XANH. MỘT CHIỀU TRĂNG


Một chiều xanh. Một chiều xanh

Một thuở xa xưa anh trẻ và anh đẹp

Không giữ được. Không quay lại được

Tất cả đã bay đi… bay xa… bay qua…

Cho đến lúc tim ngừng đập và mắt sầm khép lại

Ôi hạnh phúc xanh! Những đêm trăng!..

1925


LÁ THƯ GỬI NGƯỜI ĐÀN BÀ


Nhớ chăng, người có nhớ chăng

Lặng im tôi đứng tựa lưng bên tường

Lời người gay gắt trong phòng

Ném vào tôi, chẳng xót thương chút nào?

Bảo rằng: đến lúc biệt nhau

Đời người cực nhục âu sầu vì tôi

Bảo rằng? Đã đến lúc rồi

Tự người lo liệu cuộc đời mình thôi

Mặc cho số phận của tôi

Cứ lăn xuống dốc… Hỡi người yêu thương.

Hỡi người, có hiểu hay không

Đã bao giờ thấy tận lòng yêu tôi?

Ở trong hỗn độn lũ người

Tôi như con ngựa đường dài ruổi rong

Hỡi người, có hiểu hay không

Tôi phi ngơ ngác bão giông dòng đời?…

Kề nhau chẳng rõ mặt người

Xa nhau mới thấy rạng ngời chân dung

Là khi sóng dữ biển tung

Con tàu số phận bão bùng, ai hay…

Con tàu trái đất quay quay

Bỗng người cầm lái bỏ tay lái rồi

Vinh quang tìm chốn sao trời

Để con tàu giữa bời bời cuồng phong

Chúng ta còn đứng trên boong

Ai chửi rủa với ai còn oẹ nôn

Và ai khoẻ mạnh kiên cường

Hiên ngang trụ giữa trùng dương sóng gào

Tôi chui tọt xuống hầm tàu

Cúi trên miệng cốc với màu rượu Nga

Để dồi dịu bớt xót xa

Trong men rượu – thứ rượu Nga tuyệt vời

Hỡi người yêu của tôi ơi

Mắt buồn day dứt nhìn tôi tủi hờn

Trước bao gây gổ om xòm

Trước bao câu chuyện kinh hồn về tôi

Nhưng người nào hiểu giữa đời

Tôi buồn ngơ ngác biết rồi về đâu?…



Năm qua mau tháng qua mau

Tôi không còn trẻ – nhuốm màu thời gian

Chẳng như xưa nữa tâm hồn

Nghĩ suy, xúc động chẳng còn như xưa

Tôi nâng chén rượu tung hô

Mừng vui, chợt nhớ âu lo mắt người…

Hỡi người yêu của tôi ơi

Giờ đây tôi muốn tìm người, báo tin:

Tôi không rơi xuống biển đen

Bởi tôi còn một niềm tin trên bờ

Giờ trên đất nước Tự Do

Tôi là người bạn đường xa trọn đời

Bây giờ tôi khác xưa rồi

Chẳng làm người khổ như hồi xa xưa

Dưới cờ sáng tựa bông hoa

Tôi đi, dù đến trời xa vô cùng…

Hãy cho qua những lỗi lầm

Người ơi, tôi biết chắc rằng, giờ đây

Người đang sống với tháng ngày

Bên chồng mực thước, dạn dày, thông minh

Những niềm mơ ước chúng mình

Với người, hẳn đã trở thành lạ xa

Và tôi, tôi của bây giờ

Với người, người chẳng cần gì nữa đâu!…

Sao đời dắt dẫn thế nào

Xin người cứ sống ngọt ngào vậy thôi

Và tôi xin gửi tới người

Lời chào của kẻ suốt đời không quên

Với bao thương nhớ kề bên

Lời chào của một người quen của người

1924 – 1925


ĐỒNG NỘI TUYẾT,
MỘT MẶT TRĂNG MÀU TRẮNG


Đồng nội tuyết, một mặt trăng màu trắng

Như vải liệm phủ lên một phía cuộc đời

Cây khoác áo tang khóc trong rừng trắng lạnh

Ai đã chết ở đây? Ai chết? Hay lại chính là tôi?…

1925


TÔI CHẲNG TIẾC, CHẲNG KÊU VAN, CHẲNG KHÓC

Tôi chẳng tiếc, chẳng kêu van, chẳng khóc

Tất cả sẽ tan đi như làn khói mong manh từ cây táo trắng kia

Tất cả sẽ héo tàn, thời vàng ngọc sẽ qua

Tôi cũng chẳng còn thêm tuổi trẻ…

Như vậy đấy, tim tôi giờ băng giá

Đã dâng đầy. Đâu sôi động như xưa

Và xứ sở của bạch dương trải lụa

Những chân trần trượt ngã, chẳng bị lừa.

Hồn lang thang mỗi ngày một ít đi

Những tiếng xôn xao, những lời lửa cháy

Ôi mất mát của tôi – những gì tươi tắn ấy

Mắt ngang tàng và thác lũ tình yêu.

Giờ ước mong, tôi dè dặt hơn nhiều

Cuộc sống của tôi ư? Tôi có mơ thấy nó

Trên ngựa hồng phi qua miền hoa nở

Đầy âm thanh một mai sớm mùa xuân.

Rồi tất cả chúng ta, tất cả chúng ta nơi trần thế

Như lá phong lặng lẽ trút sắc đồng

Thôi, thế này, với nó hãy cầu mong:

Rằng… nó đến… ánh lên… rồi tan biến…

1922


Ở ĐÂU NHÀ CỦA BỐ TÔI


Ở đâu nhà của bố tôi

Tấm lưng còm sém nằng trời tháng, năm

Cát vàng chưa một dấu chân

Trước sân như thể tấm khăn của người

Ở đâu nhà của bố tôi?…

Người chăn bò hát ngoài sông

Đàn bò gặm cỏ trên đồng bao la

Bỗng dưng mặt nước sáng lòa

Ba ngôi sao nhỏ trời xa bềnh bồng

Người chăn bò hát ngoài sông…

Cối xay gió – cánh của mình

Thời gian quay miết rung rinh sau làng

Trăng như quả lắc bằng vàng

Nhịp thời gian đổ mơ màng mưa êm

Cối xay gió – cánh của mình…

Cơn mưa ngàn vạn mũi tên

Xuyên mây bay xuống trước thềm nhà tôi

Tấm khăn nhàu nát mất rồi

Cát vàng như đã bao người giẫm lên

Cơn mưa ngàn vạn mũi tên…

1917 –1918


VỚI PUSKIN


Sao nhớ quá một tài năng kỳ diệu

Của một người mang số phận nước Nga

Tôi đứng trên đại lộ Tơ-ve-rơ

Và tôi nói với chính mình đang đứng

Trước một người tóc vàng, gần như trắng

Ngỡ mù sương trong thần thoại xa vời

Ôi! Alexandro! Anh là người lêu lổng

Như hôm nay tôi lêu lổng vậy thôi.

Nhưng những trò vui trìu mến ấy

Chẳng làm mờ hình ảnh của anh

Và trong đồng của sự vinh quang tôi luyện

Đầu anh còn kiêu hãnh rung lên

Còn tôi vẫn đứng đây như trong cuộc lễ mừng

Và trả lời anh: Tôi có thể chết

Tôi có thể chết ngay bây giờ, từ hạnh phúc

Giống như số phận của anh kia.

Nhưng tôi là một người trong xua đuổi

Tôi phải còn, và phải hát không ngừng

Để những bài hát của tôi về đồng nội

Mãi rung lên như tiếng ngân đồng!…

(1924)

https://hoingovanchuong.wordpress.com/dịch-thuật
 
Exenin và bài thơ "Thư gửi mẹ"

Tác giả

Êxênin (1895 – 1925) là nhà thơ trữ tình lớn của nền văn học Nga, “nhà thơ tài năng độc đáo và thấm nhuần phong vị Nga một cách trọn vẹn” (Gorki). Tác phẩm: Rađunixa (1916), Trường ca Pugatsôp, Ana Xnêghina, Nước Nga Xô viết… Hồn thơ của Êxênin là hồn thơ đồng quê, gắn liền với thảo nguyên xanh, dòng sông xanh, mái nhà gỗ, nẻo đường thôn chiều tà, với cô gái Nga đa tình và bà mẹ đôn hậu nghèo khổ. Thư gửi mẹ, Thư của mẹ là kiệt tác thơ, là ca khúc muôn đời của tuổi thơ.

Thư gửi mẹ

Êxênin

Mẹ có còn sống chăng thưa mẹ?
Con cũng còn sống đây. Xin chào mẹ của con!
Ánh sáng diệu kì vào lúc chiều hôm
Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ.
Người ta viết cho con rằng mẹ
Phiền muộn lo âu quá đỗi về con
Rằng mẹ thường đi đi lại lại trên đường
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát.
Trong bóng tối chiều hôm xanh ngắt
Mẹ mãi hình dung chỉ một cảnh hãi hùng
Có kẻ nào vừa đâm trúng tim con
Giữa quán rượu ồn ào loại đả.
Mẹ thân yêu! Xin mẹ cứ yên lòng
Đó chỉ là cơn nặng nề mộng mị
Con có đâu be bét rượu chè
Đến nỗi chết mà không nhìn thấy mẹ.
Con vẫn như xưa đằm thắm dịu dàng
Vẫn như xưa chỉ một niềm mong ước
Sớm thoát khỏi nỗi buồn đau trĩu nặng
Để trở về với mái nhà xưa.
Con sẽ về khi nào độ xuân sang
Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc
Chỉ có điều, mẹ nhé, mỗi ban mai
Đừng gọi con như tám năm về trước
Đừng thức dậy những ước mơ đã mất
Đừng gợi chi những mộng đẹp không thành.
Đời con nay đã thấm nỗi nhọc nhằn
Đã sớm chịu bao điều mất mát.
Cũng đừng dạy con nguyện cầu. Vô ích!
Với cái cũ xưa, không quay lại làm chi.
Chỉ mẹ là nguồn vui, ánh sáng diệu kì
Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước.
Hãy quên đi những lo âu, mẹ nhé,
Đừng buồn phiền quá đỗi về con
Mẹ chớ đi đi lại lại trên đường
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát.

1924

Anh Ngọc dịch



Cảm nhận về bài thơ “Thư gửi mẹ” của Êxênin

Là con chim sơn tước trên thảo nguyên mênh mông, là “nhà thơ tài năng độc đáo và thấm nhuần phong vị Nga một cách trọn vẹn”, Êxênin (1895 – 1925) bất tử với quê hương, với khúc dân ca Nga vời vợi:

“Tôi sinh ra cùng với khúc ca trên thảm cỏ”.

Lời thơ của ông vẫn đêm ngày rì rào với lá bạch dương reo:

“Ôi bạch dương, bạch dương mảnh dẻ
Cớ chi người nhìn mãi xuống đầm?
Gió nói gì bên tai người thì thầm?
Và cát nữa, cát nói điều gì vậy?
Hay người muốn vầng trăng làm lược chải
Êm êm trên mái-tóc-cây-cành?”

(Cây dương tơ non)

Bài thơ “Thư gửi mẹ” như khúc tạ từ viết mấy tháng trước lúc nhà thơ qua đời. Nó đã thể hiện những cảm xúc tinh tế nhất, dịu hiền nhất, tâm tình nhất phong cách nghệ thuật thơ trữ tình của Êxênin. Dưới hình thức một bức thư, nhà thơ diễn tả thật xúc động tình yêu kính mẹ hiền của đứa con ly hương.

Ở nơi xa xôi, đứa con bồn chồn khi nhận được tin “Người ta viết cho con rằng mẹ - Phiền muộn lo âu quá đỗi về con…” Càng thương mẹ vô hạn khi người con biết mẹ đã và đang trải qua một tâm trạng nặng nề đau buồn: “Mẹ mãi hình dung chỉ một cảnh hãi hùng – Có kẻ nào vừa đâm trúng tim con - Giữa quán rượu ồn ào loạn đả”. Vì thế mà Êxênin mở đầu bài thơ bằng 2 câu rất “lạ”, gợi lên bao ám ảnh xúc động vô cùng. Con hỏi thăm mẹ, gửi lời chào mẹ như nghẹn ngào khóc thầm:

“Mẹ có còn sống chăng thưa mẹ?
Con cũng còn sống đây. Xin chào mẹ của con!”

Con gửi lời chúc phúc mẹ. Con chỉ cầu chúc mẹ già được sống yên vui trong ngôi nhà ấm êm của mẹ. Màu ánh sáng nhạt nhòa của buổi chiều quê đang lan tỏa trên mái nhà nhỏ bé như một biểu tượng tình yêu mẹ của đứa con xa quê:

“Ánh sáng diệu kì vào lúc chiều hôm,
Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ?”

Thương mẹ nhiều, nhớ mẹ lắm, ở nơi phương xa, đứa con “bé nhỏ” đã và đang sống trong dằn vặt, không một giây phút nào yên tâm. Con như nhìn thấy bóng mẹ, với chiếc áo choàng cũ nát đang đi lại trên nẻo đường quê:

“Rằng mẹ thường đi đi lại lại trên đường,
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát”

Con đã hiểu vì sao mẹ buồn, vì sao mẹ đã “Phiền muộn lo âu qua đỗi về con”. Thương nhớ mẹ, con xin mẹ yên lòng, vì “Con có đâu be bét rượu chè - Đến nỗi chết mà không nhìn thấy mẹ?”. Nỗi u buồn của mẹ - con hy vọng sẽ được giải tỏa, được làm vợi đi ít nhiều qua dòng thư này của con. Phủ định để đi tới khẳng định tấm lòng con. Con không be bét rượu chè. Con sở dĩ vượt qua được mọi cám dỗ, đam mê…, ấy là nhở ở sức mạnh của lòng yêu kính mẹ. Và nay con vẫn “hiền dịu” như xưa:

“Con vẫn như xưa đằm thắm dịu dàng
Vẫn như xưa chỉ một niềm mong ước
Sớm thoát khỏi nỗi buồn đau trĩu nặng…”

Đứa con ly hương mang “nỗi buồn đau trĩu nặng” chỉ có ao ước khát khao sớm được trở lại thăm mái nhà xưa – mái nhà gỗ izba kiểu Nga, thăm mảnh vườn xưa khi mùa xuân đến. Sung sướng biết bao được đắm mình trong màu sắc quê hương khi “Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc”. Quê hương nghĩa nặng tình sâu. Bao mùa xuân đã trôi qua, lòng con biết bao thương nhớ. Mái nhà mẹ cha, mảnh vườn xưa, hàng bạch dương… hiện lên trong tâm tưởng, như ru hồn kẻ tha hương ngược dòng thời gian trở về hoài niệm tuổi thơ. Sắc điệu trữ tình trở nên thắm thiết kì lạ. Tình yêu quê hương của nhà thơ Nga đầu thế kỷ trở nên gần gũi với mỗi chúng ta. Điều đó cho thấy ở mọi phía chân trời, ai ai cũng có một tiếng nói chung về một mối tình đẹp đối với nơi chôn nhau cất rốn của mình:

“Để trở về với mái nhà xưa
Con sẽ về khi vào độ xuân sang
Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc”

Giọng thơ trở nên thầm thì khi con “giãi bày” nỗi lòng với mẹ. “Mẹ đừng đánh thức… Mẹ đừng đánh thức… Mẹ đừng gợi lại” - lời khẩn cầu được diễn tả qua điệp ngữ càng trở nên thiết tha, bồi hồi. Nỗi lòng con đang đêm ngày hướng về mẹ hiền yêu dấu! Anh Ngọc đã dịch thật hay đoạn thơ này:

“Chỉ có điều mẹ nhé, mỗi ban mai
Đừng gọi con như tám năm về trước
Đừng thức dậy những ước mơ đã mất
Đừng gợi chi những mộng đẹp không thành”

“Tám năm về trước” là cách nói ngược lại thời gian, trở về một thời trai trẻ tuyệt đẹp, khi nhân vật trữ tình đang sống êm đềm trong lòng mẹ và quê hương. Đó là một thời nhiều mơ ước với bao mộng đẹp. Đó là một thời cháy bỏng khát khao viết nên những vần thơ “tươi tắn, trinh bạch, thanh thoát” vô ngần, khi mà Êxênin “trong túi… có một rúp, còn trong hồn… là của cải”. Năm tháng đã trôi qua, chiếc áo choàng của mẹ đã “cũ nát”, mẹ đã già, mà đứa con ly hương đang “buồn đau trĩu nặng”, đã trải qua “bao điều mất mát”, đã nếm trải, đã “thấm nỗi nhọc nhằn”… Và chỉ có mẹ mới có thể cứu rỗi linh hồn con, đem lại cho con hạnh phúc:

“Cũng đừng dạy con nguyện cầu. Vô ích!
Với cái cũ xưa, không quay lại làm chi.
Chỉ mẹ là nguồn vui, ánh sáng diệu kì
Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước”.

Đây là khổ thơ hay nhất và cảm động nhất! Cấu trúc đoạn thơ được đặt trong thế tương phản đối lập. Từ phủ định: “Cũng đừng dạy con…”, “Không cần…”, “Không thể quay lại…”, đi đến khẳng định: “Chỉ mình mẹ giúp…”, “Chỉ mẹ là…” nhà thơ đã làm hiện lên hình ảnh người mẹ hiền che chở tâm hồn đứa con xa quê. “Mẹ là nguồn vui” đem đến tình thương và sự dìu dắt, an ủi và động viên, sự che chở và cứu vớt linh hồn con. Mọi sự nguyện cầu đều vô ích đối với con, và “chỉ có mẹ”…, “Chỉ mình mẹ”… mà thôi! Mẹ là cội nguồn hạnh phúc có thể xoa dịu bao nỗi đau và mất mát những mơ ước không thành… của đời con. Lòng bao dung và nhân hậu của người mẹ sinh thành được đặt ngang hàng với Chúa; “Mẹ là… ánh sáng diệu kì”. Hình ảnh mẹ đôn hậu và cao cả, thiêng liêng và thánh thiện được ngợi ca qua 2 hình ảnh so sánh, ẩn dụ tuyệt đẹp: “Chỉ mẹ là nguồn vui, ánh sáng diệu kì”… Mẹ là nguồn vui đem đến cho con sức mạnh vô cùng to lớn: “Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước”. Câu thơ vang lên tự hào biểu lộ lòng yêu kính mẹ. Phải chăng hình ảnh người mẹ trong bài thơ Êxênin mang tầm vóc nữ thần Đất - người mẹ của anh hùng ăng tê trong thần thoại Hy Lạp? Với lòng yêu kính mẹ bao la, Êxênin đã sáng tạo nên hình tượng người Mẹ vô cùng vĩ đại.

Nếu khổ thơ 1 là lời hỏi thăm mẹ, lời chào và cầu chúc mẹ thì khổ thơ thứ 8 khẳng định ngợi ca mẹ là nguồn vui, tình thương của mẹ ban phát cho con. Hình ảnh “ánh sáng diệu kì” lung linh xuất hiện trong cả hai khổ thơ. Nếu khổ thơ thứ 2 nói đến hình ảnh mẹ nghèo và con đường quê thân thuộc thì ở khổ 9, một lần nữa hình ảnh mẹ lại che mát linh hồn con. Kết cấu “vòng tròn” ấy đã tô đậm lòng thương mẹ vô hạn của đứa con tha hương. Lời thơ càng về cuối càng sâu lắng thiết tha, vỗ về an ủi, cầu mong. “Thơ gửi mẹ” như đang được khép lại dần trong bồn chồn, xúc động:

“Hãy quên đi những lo âu, mẹ nhé,
Đừng buồn phiền quá đỗi về con
Mẹ chớ đi đi lại lại trên đường
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát.”

Bài thơ của Êxênin thấm một nỗi buồn nhưng không tuyệt vọng. Hình ảnh người mẹ nghèo đôn hậu và cao cả. Hình ảnh quê nhà với mái nhà xưa, mảnh vườn và nẻo đường làng hiện lên dưới “ánh sáng diệu kì vào lúc chiều hôm” đã cho ta nhiều xúc động và ấn tượng. Lòng yêu kính mẹ thấm đẫm, dào dạt qua những vần thơ. Ta như nghe lời thầm thì, tiếng thở dài và cả những giọt lệ của đứa con ly hương. Màu sắc, ánh sáng và hương vị đồng quê Nga đã góp phần tạo nên sắc điệu trữ tình trong bài thơ “Thư gửi mẹ”. Có màu vàng nhạt của buổi chiều, có màu xanh ngắt của trời đêm, có màu trắng của vườn xuân nảy lộc, có màu áo cũ của mẹ in rõ, trên đường làng. Và còn có “ánh sáng diệu kỳ” toả ra từ lòng mẹ. Màu sắc ấy không chỉ là màu sắc cảnh vật quê hương mà còn là màu sắc của tâm hồn, của lòng thương nhớ, sự kính yêu và niềm hy vọng.

Nhờ kết cấu vòng tròn, 36 dòng thơ ngọt ngào, êm dịu, như một điệp khúc vang ngân trong mọi tâm hồn của một khúc dân ca Tình mẫu tử là một tình cảm đẹp muôn đời. “Thư gửi mẹ” thấm nhuần phong vị Nga một cách trọn vẹn, là một kiệt tác mang tầm nhân loại.
 
Một số tác phẩm của Exenin

Một số tác phẩm của Exenin

Thơ tuyệt mệnh

Thôi chào nhé, bạn ơi, chào nhé!
Bạn thân yêu, tôi mang bạn giữa lòng
Cuộc chia ly tự bao giờ định sẵn
Hẹn một ngày tái ngộ chờ mong.

Thôi chào nhé, không một lời bịn rịn
Bạn thân yêu, xin bạn đừng buồn
Trên đời này, chết là điều chẳng mới
Nhưng sống thật tình cũng chẳng mới gì hơn


Bản gốc bài thơ


До свиданья, друг мой, до свиданья.
Милый мой, ты у меня в груди.
Предназначенное расставанье
Обещает встречу впереди.

До свиданья, друг мой, без руки, без слова,
Не грусти и не печаль бровей, -
В этой жизни умирать не ново,
Но и жить, конечно, не новей.

1925


*****************


CON CHÓ

Một buổi sáng mai bên vựa lúa
Cỏ lên óng ả một màu vàng
Một con chó mẹ vừa sinh đẻ
Lông hung hung bảy chú chó con.

Suốt ngày chó mẹ nằm âu yếm
Lưỡi như cái mũ liếm đầu con
Dưới cái bụng nóng tuyết tan rã
Như một con suối chảy thành dòng.

Chiều về khi những con gà mái
Đi tìm chỗ ngủ nhảy lên sào
Ông chủ mặt mày đầy bóng tối
Bắt cả chó con cho vào bao.

Chó mẹ chạy theo trên tuyết lạnh
Cố gắng theo cho kịp chủ nhà
Và như thế kéo dài như thế
Tuyết dưới bàn chân cứ chảy ra.

Chó mẹ lê tấm thân trở lại
Mồ hôi như vã khắp bên sườn
Mặt trăng đã ló trên mái rạ
Giống như con chó nhỏ yêu thương.

Chó mẹ ngước mặt nhìn lên trời
Tiếng rú kêu gào dội khắp nơi
Mảnh trăng vẫn trôi giữa khoảng trống
Cuối cùng lặn khuất ở sau đồi.

Và như lũ trẻ con tinh nghịch
Ném vào hòn đá để trêu chơi
Hai giọt nước mắt của chó mẹ
Giống như hai hạt sao vàng rơi.

ПЕСНЬ О СОБАКЕ

Утром в ржаном закуте,
Где златятся рогожи в ряд,
Семерых ощенила сука,
Рыжих семерых щенят.

До вечера она их ласкала,
Причесывая языком,
И струился снежок подталый
Под теплым ее животом.

А вечером, когда куры
Обсиживают шесток,
Вышел хозяин хмурый,
Семерых всех поклал в мешок.

По сугробам она бежала,
Поспевая за ним бежать...
И так долго, долго дрожала
Воды незамерзшей гладь.

А когда чуть плелась обратно,
Слизывая пот с боков,
Показался ей месяц над хатой
Одним из ее щенков.

В синюю высь звонко
Глядела она, скуля,
А месяц скользил тонкий
И скрылся за холм в полях.

И глухо, как от подачки,
Когда бросят ей камень в смех,
Покатились глаза собачьи
Золотыми звездами в снег.

1915


********************


Thư gửi Mẹ

Gửi lời chào tìm về Mẹ của con
Từ nơi xa con hằng mong tin Mẹ.
Xin cho ánh dương chiều lặng lẽ
Mãi quẩn quanh mái nhà gỗ Mẹ yêu.

Con như thấy bóng Mẹ liêu xiêu
Khoác chiếc áo choàng bông cũ nát
Che đi những ưu phiền trong ánh mắt
Ra ngóng con, góc đường khuất xa xăm.

Chập choạng chiều buông mang cảnh hãi hùng
Tim Mẹ nhói như hiện ra trước mắt
Trúng giữa tim con ánh dao chói gắt
Con lịm đi trong ẩu đả men say.

Ước gì con được nắm bàn tay
Để Mẹ tin con vẫn là có thực
Để Mẹ tin cho dù hết sức
Con vẫn về với Mẹ trước khi xa.

Con vẫn ngoan và lành hệt như xưa
Vẫn như thế, chỉ một niềm mong ước
Giá như đời cho con giũ được
Mọi buồn đau, quay lại với nhà xưa.

Con quay lại khi vườn ta trắng tuyết
Xòe tung cành chào đón xuân về
Chỉ xin Mẹ cho con ngủ thoả thuê
Binh minh muộn, khác tám năm về trước.

Đừng thức dậy những ước mơ đã mất
Xin quên đi những mộng đẹp đã mang chôn
Trên đời này buồn đau mất mát
Con sớm nếm qua, mệt mỏi một linh hồn.

Xin đừng dậy con nguyện cầu. Vô ích!
Với ngày xưa, lối quay lại còn đâu.
Cứu đời con nay chỉ còn có Mẹ,
Chiếu sáng đường đi, xua tan hết nỗi đau.

Vậy thôi nhé, con xin Mẹ từ sau
Đừng tìm con trong mộng mị bàng hoàng
Đừng ngóng con, vô định lang thang
Giấu nỗi đau trong áo bông cũ nát.

(Dịch 1/12/2002)

ПИСЬМО МАТЕРИ

Ты жива еще, моя старушка?
Жив и я. Привет тебе, привет!
Пусть струится над твоей избушкой
Тот вечерний несказанный свет.

Пишут мне, что ты, тая тревогу,
Загрустила шибко обо мне,
Что ты часто xодишь на дорогу
В старомодном ветxом шушуне.

И тебе в вечернем синем мраке
Часто видится одно и то ж:
Будто кто-то мне в кабацкой драке
Саданул под сердце финский нож.

Ничего, родная! Успокойся.
Это только тягостная бредь.
Не такой уж горький я пропойца,
Чтоб, тебя не видя, умереть.

Я по-прежнему такой же нежный
И мечтаю только лишь о том,
Чтоб скорее от тоски мятежной
Воротиться в низенький наш дом.

Я вернусь, когда раскинет ветви
По-весеннему наш белый сад.
Только ты меня уж на рассвете
Не буди, как восемь лет назад.

Не буди того, что отмечталось,
Не волнуй того, что не сбылось,-
Слишком раннюю утрату и усталость
Испытать мне в жизни привелось.

И молиться не учи меня. Не надо!
К старому возврата больше нет.
Ты одна мне помощь и отрада,
Ты одна мне несказанный свет.

Так забудь же про свою тревогу,
Не грусти так шибко обо мне.
Не xоди так часто на дорогу
В старомодном ветxом шушуне.

1924


***************

Ах, метель такая, просто черт возьми!
Забивает крышу белыми гвоздьми.
Только мне не страшно, и в моей судьбе
Непутевым сердцем я прибит к тебе.

Bản dich rất phóng khoáng của một người bạn (mà vẫn sát nghĩa):

Hey, Bão tuyết! Hãy điên cuồng hơn nữa
Quất đinh băng chát chúa xuống muôn nhà
Ta nghênh mặt, cho tim si nổi loạn
Xiết tan tành một bóng dáng kiêu sa...


**************

Ta còn em, dẫu không nguyên vẹn
Mặc xuân em ai đó cạn rồi
Ta vẫn còn voan thuỷ tinh tóc rối
Mắt em sầu thu đã lên ngôi.

Hơn cả hè rực hồng sắc trẻ
Tuổi sang thu là kho báu của đời
Và em khiến tình ta loạn nhịp
Hồn thơ ta mê đắm gấp đôi.

Với con tim ta không hề nói dối
Không cầu kỳ giả tạo phù hoa
Nên bởi thế xin một lời vĩnh biệt
Dành cho thời càn quấy đã qua.

Giờ điểm rồi ta sẽ lìa xa
Lòng quả cảm điên cuồng nổi loạn.
Bởi ly rượu ta vừa uống cạn
Thức con tim dồn mạch đập chứa chan.

Và tháng Chín gõ cửa khẽ khàng
Cành liễu đỏ sà ngang tầm mắt
Tháng Chín tới bên song bát ngát
Ta đây rồi, xin nói lời chào.

Ta giờ đây biết chấp nhận nhiều điều
Không day dứt và chẳng hề tiếc nuối
Hình nước Nga có nhiều thay đổi
Cả nghĩa trang và những nếp nhà tranh.

Cái nhìn ta thấu suốt xung quanh
Dù ở đây, xa kia hay đâu đó
Chỉ em thôi, quấn quít như làn gió
Đã trở thành tri kỷ của nhà thơ.

Riêng cho em giờ ta sẽ hát
Về bóng chiều buông trên những con đường
Khi thuỷ chung đã thành tiềm thức
Ta ca vang vĩnh biệt tuổi ngông cuồng.

18 Jan 2004
Bản dịch của HT


Пускай ты выпита другим,
Но мне осталось, мне осталось
Твоих волос стеклянный дым
И глаз осенняя усталость.

О возраст осени! Он мне
Дороже юности и лета.
Ты стала нравиться вдвойне
Воображению поэта.

Я сердцем никогда не лгу,
И потому на голос чванства
Бестрепетно сказать могу,
Что я прощаюсь с хулиганством.

Пора расстаться с озорной
И непокорною отвагой.
Уж сердце напилось иной,
Кровь отрезвляющею брагой.

И мне в окошко постучал
Сентябрь багряной веткой ивы,
Чтоб я готов был и встречал
Его приход неприхотливый.

Теперь со многим я мирюсь
Без принужденья, без утраты.
Иною кажется мне Русь,
Иными - кладбища и хаты.

Прозрачно я смотрю вокруг
И вижу, там ли, здесь ли, где-то ль,
Что ты одна, сестра и друг,
Могла быть спутницей поэта.

Что я одной тебе бы мог,
Воспитываясь в постоянстве,
Пропеть о сумерках дорог
И уходящем хулиганстве.

-1923-

********

Gió lanh lảnh vút cao tiếng bạc
Tuyết êm đềm lắng giọng hợp ca
Lần đầu tiên thấy mình bỗng khác
Là ta chăng, nay mới chợt nhận ra.

Khuôn cửa sổ nát nhàu gỗ mục
Chẳng khiến lòng đau đớn tiếc thương
Tình ta dành cho đời háo hức
Như lần đầu mới biết vấn vương.

E ấp nụ cười nàng thiếu nữ
Ta lặng người ngắm mãi bờ vai.
Ta ước chi lao cùng vó ngựa
Phi thật xa, vượt những chặng đường dài.

Hạnh phúc, thành công vẫn quanh đây
Gần gũi ta trên mảnh đất này
Ai đã từng đớn đau oà khóc
Để dằn lòng tạm biệt vận may?

Ta giản đơn, mà đời cũng vậy
Nhẹ nhàng ban quà tặng cõi nhân gian.
Vì thế chăng gió vút cao tiếng bạc
Rừng xôn xao, hoà giọng miên man.

22-10-2003
Bản dịch của HT



Свищет ветер, серебряный ветер,
В шелковом шелесте снежного шума.
В первый раз я в себе заметил -
Так я еще никогда не думал.

Пусть на окошках гнилая сырость,
Я не жалею, и я не печален.
Мне все равно эта жизнь полюбилась,
Так полюбилась, как будто вначале.

Взглянет ли женщина с тихой улыбкой -
Я уж взволнован. Какие плечи!
Тройка ль проскачет дорогой зыбкой -
Я уже в ней и скачу далече.

О, мое счастье и все удачи!
Счастье людское землей любимо.
Тот, кто хоть раз на земле заплачет,-
Значит, удача промчалась мимо.

Жить нужно легче, жить нужно проще,
Все принимая, что есть на свете.
Вот почему, обалдев, над рощей
Свищет ветер, серебряный ветер.

1925






 
NGƯỜI VỢ CUỐI CÙNG CỦA SERGEI ESENIN: Esenin và Sofia Tolstaya

Trong
cuộc đời ngắn ngủi, hào hoa và bi thảm của mình, Sergey Esenin đã từng dấn thân vào vô số những mối quan hệ tình cảm nam nữ nhưng chỉ có 5 lần kết hôn chính thức. Sofia Tolstaya (cháu của văn hào Lev Tonstoi) là người vợ cuối cùng.

Tuy nhiên, trong cách nhìn nhận của những người biết anh gần gụi, Esenin luôn là chàng Thủy Tiên cô độc. Bản thân anh sinh thời cũng không buồn giấu điều này. “Tôi là kẻ lạnh lùng” – anh từng nói không chỉ một lần với Neđezha Volpin, người phụ nữ
từng làm mẹ một người con trai của anh mà cho tới chết, anh vẫn chưa từng một lần thấy mặt.

Trong lá thư gửi nhà văn A. I. Tarasov – Rodionov trước khi xuống Leningrad ngày 25/12/1925, năm ngày trước khi chết, Esenin đã viết: “Trong đời tôi chỉ yêu có hai người phụ nữ. Đó là Zinaida Raikha và Duncan. Còn những người khác thì… Biết làm sao được, cần phải thỏa mãn những nhu cầu và tôi đã thỏa mãn…

Dù tôi đã thề nguyện với ai về tình yêu nồng cháy, dù tôi có tự nhủ với mình biết bao nhiêu, – thì thực chất, đó cũng chỉ là sai lầm to lớn nhất và đầy oan nghiệt. Có một cái gì đó mà tôi yêu hơn tất cả mọi phụ nữ, cao hơn tất cả mọi phụ nữ và tôi không thể đánh đổi lấy bất cứ sự âu yếm dịu dàng và tình yêu nào. Đó là nghệ thuật”.

Cả hai người vợ mà Esenin cho rằng anh thực sự yêu đều kết thúc đời mình một cách bi thảm. Và số phận người vợ thứ ba, Sofia Tolstaya, cũng chẳng vui vẻ gì, ít ra thì cũng bởi anh đã để cho đời gieo tiếng ác cho chị quá nhiều, trong khi chị đã yêu và ngưỡng mộ anh như một thần tượng.

Sofia Tolstaya, sinh năm 1900, tại trang trại Yasnaya Poliana của ông nội, đại văn hào Nga Liev Tolstoi. Ngay cả về ngoại hình, trông chị cũng rất giống như ông mình. Chị đã phải trải qua một tuổi thơ không đơn giản: khi chị lên 4 tuổi, cha mẹ chị li dị và người mẹ mang con gái mình sang Anh quốc.

Có lẽ cảnh đời như thế đã nung nấu trong lòng Sofia một khát khao tổ ấm gia đình cháy bỏng. Tiếc thay, đời thực đã không chiều chị… Sofia là con gái của ông Andrey Tolstoi (1877 – 1916) trong cuộc hôn nhân với bà Olga Diterikhs, chị gái của một “đệ tử tinh thần” của đại văn hào Nga, V.G. Chertkov.

Người chồng đầu tiên của Sofia Tolstaya (từ ngày 19/10/1921) là Sergey Sukhotin, con trai trong cuộc hôn nhân thứ nhất của một “đệ tử tinh thần” khác của đại
văn hào Nga, M.S. Sukhotin. Ông M.S. Sukhotin sau khi li dị người vợ đầu đã lập gia đình với con gái của đại văn hào, Tachiana Tolstaya (1864-1950), bác ruột của Sofia.

Sergey Sukhotin được nhiều người biết tới nhờ việc tháng 12/1916 đã cùng đại công tước Dmitri Pavlovich và công tước Feliks Yusupov và V.V.M. Purishkevich tham gia vào vụ hạ sát tên thầy tu cuồng loạn Rasputin. Sau cách mạng tháng 10 năm 1917, Sergey Sukhotin từng phụ trách khu di tích trang trại của đại văn hào Nga Yasnaya Poliana một thời gian (về sau, con gái của đại văn hào, Aleksandra Tolstaya, 1844-1979, đã thay thế ông này).

Cuộc hôn nhân giữa Sergey Sukhotin với Sofia Tolstaya rất ngắn ngủi: tháng 1-1922, Sergey Sukhotin bị đột quị và bị liệt. Ông đã li dị vợ. Sau khi li dị, Sofia đã sinh một cô con gái. Năm 1925, ông Sergey Sukhotin đi ra nước ngoài và đã chết ở nơi đất khách quê người…

Trước khi kết thân với Esenin, Sofia Tolstaya đã có một cuộc tình rất nồng cháy với nhà văn Boris Pilniak. Esenin đã đoạt lấy Sofia từ vòng tay của bạn nghề và vì thế, quan hệ giữa hai người trong năm cuối cùng của cuộc đời thi nhân đã rất căng thẳng.

Esenin và Sofia Tolstaya làm quen với nhau vào tháng 3/1925, vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 25 của chị. Hai tuần sau, Esenin chuyển tới sống cùng ở nhà chị trên ngõ Troysky. Đám cưới giữa Esenin với Sofia Tolstaya diễn ra vào tháng 7/1925, và sau đó, hai người đã có chuyến du lịch trăng mật tới Cápcadơ.

Tuy nhiên, phải tới tháng 9/1925, cặp vợ chồng lừng danh này mới chính thức đăng ký kết hôn, mặc dầu ngay cả khi đó Esenin vẫn không có chứng chỉ li dị chính thức với vũ nữ Duncan.

Nhiều người thân của Esenin đã chê trách cuộc hôn nhân ngắn ngủi này của nhà thơ với Sofia nhiều hơn khi chê trách cuộc hôn nhân của anh với vũ nữ Duncan và chuyến “du diễn” khắp châu Âu và Bắc Mỹ của hai người trước đó.

Xuất thân từ một dòng họ danh gia vọng tộc, Sofia Tolstoya yêu cầu phải thực hiện nghiêm chỉnh nhất các nghi lễ truyền thống. Thế nhưng, phong cách này của chị hoàn toàn không thích hợp với tính cách phóng túng, vui vẻ tinh nghịch giản đơn của thi sĩ.

Lấy được Sofia Tolstaya làm vợ, Esenin đã rất hãnh diện với xung quanh. Người đàn bà với gương mặt hơi vuông chữ điền và một trí tuệ sắc sảo cùng một trái tim rộng mở đã góp vào cho cuộc đời lang bạt náo động của thi sĩ ánh sáng và bình yên.

Tuy nhiên, mọi sự khi đó đã là muộn màng – trải qua quá nhiều sóng gió tình cảm và không ít những đổ vỡ tín điều, Esenin khi ấy đã không còn đủ năng lực để mang lại hạnh phúc cho những người đàn bà thực sự yêu anh…

Nói một cách công bằng,
Esenin không phải là một người chồng tốt. Anh uống rượu như nước lã, mê mải làm việc và ít quan tâm tới người vợ trẻ. Bạn bè thân thiết đã không chỉ một lần khuyên Sofia rời bỏ Esenin. Đặc biệt là mẹ của Sofia thì lúc nào cũng muốn con gái mình li dị.

Thế nhưng, Sofia không cho phép bất cứ ai, kể cả mẹ chị, được nói điều gì không hay về Esenin. Trong thư gửi cho mẹ, Sofia Tolstaya kể: “Rồi con gặp Sergey. Và con chợt hiểu ra rằng, điều đó cực kỳ to lớn và định mệnh. Con không cần anh ấy với tư cách một tình nhân. Đơn giản là con yêu anh ấy hơn tất cả. Mọi thứ khác thì sau mới đến.

Con biết rằng con đang đi tới cây thánh giá của đời mình và con đi rất có ý thức, vì thế không phải hối tiếc bất cứ thứ gì trong cõi thế này nữa. Con chỉ muốn sống để cho anh ấy. Con dâng hiến tất cả con cho anh ấy. Con hoàn toàn mù lòa câm điếc rồi và con chỉ có anh ấy thôi.

Nếu mọi người còn yêu quý con thì con xin các vị cả trong ý nghĩ lẫn trong lời nói đừng bao giờ phê phán anh Sergey cả và đừng buộc tội anh ấy trong bất cứ việc gì. Nếu anh ấy say và hành hạ con trong cơn say thì đã làm sao! Anh ấy đã yêu con và tình yêu của anh ấy xoa dịu tất cả. Và con cảm thấy hạnh phúc, vô cùng hạnh phúc…

Con cảm ơn anh ấy về mọi chuyện và tha thứ cho anh ấy mọi chuyện. Anh ấy đã cho con niềm hạnh phúc – được yêu anh ấy!”.–PageBreak–

Cuối tháng 12/1925, Esenin lẳng lặng lẩn trốn khỏi Moskva, không nói với cả vợ lẫn bè bạn bất cứ một lời nào. Nỗi đau đớn của Sofia vì Esenin trong giai đoạn đó đã được mẹ của Sofia miêu tả trong một lá thư gửi bạn: “Không thể có đủ lời để miêu tả lại những gì mà tôi đã cảm thấy cho Sonya (tên gọi tắt của Sofia - TG) bất hạnh…

Toàn bộ mùa thu này, từ khi hai vợ chồng con gái tôi trở về từ Bacu, đó toàn là cơn ác mộng. Không hiểu làm sao mà Sonya lại có thể tiếp tục yêu cậu ấy – thực sự là không thể nào hiểu được và có lẽ chỉ có thể giải thích bằng những bí ẩn của tình yêu. Và có lẽ là Sonya đã yêu cậu ấy vô cùng tận.

Những hành động của cậu ấy, sự ghen tuông cuồng loạn và thô lỗ của cậu ấy - đều được Sonya lý giải bởi bệnh tình và âm thầm, nhẫn nại chịu đựng, không hề than thở với ai….

Tới cuối tháng 11 đầu tháng 12, cậu ấy quyết định phải đi chữa bệnh và vào nằm viện nhưng chỉ được ít lâu lại cảm thấy buồn tẻ. Cậu ấy trở về nhà ngày 21/12 trong trạng thái say bét nhè với chai rượu cầm trên tay… Tối ngày 23, Sonya gọi cho tôi: “Anh ấy đi rồi”…”.

Khi Sofia (ngày 25/12/1925) nhận được tin Esenin đã tự vẫn, chị gào lên điên loạn, không muốn tin rằng vĩnh viễn từ đó chị đã bị mất người chồng thân quý nhất…Esenin đã không yêu Sofia và cũng không buồn giấu giếm điều này. Không ai hiểu, vì sao anh lại cưới chị.

Trong một lá thư gửi bạn gái ngày 11/1/1926, mẹ của Sofia Tolstaya đã viết về Esenin như sau: “Tôi hoàn toàn không hiểu cuộc sống của Esenin, thậm chí còn rất chán nhiều chuyện trong cuộc sống đó…

Bây giờ nhiều người đang trách móc Sofia, cho rằng nó đã không tạo cho anh ấy tổ ấm, thậm chí có người nói là nó đã đuổi anh ấy đi. Trời ơi, làm sao tạo dựng được tổ ấm một khi anh ấy gần như lúc nào cũng say bí tỉ, ngày hóa ra đêm, đêm hóa ra ngày; luôn luôn trọ trong nhà là những kẻ nào đó không thể chịu nổi, thậm chí toàn những kẻ du đãng, nát rượu, bẩn thỉu.
Cô hầu của nhà phải vất vả lắm mới kịp cho đám người đó ăn uống. Tất cả đám người đó ăn ngủ trên giường, trên bàn của chúng tôi, tiêu bằng tiền của Esenin; anh ấy không tiếc họ bất cứ một thứ gì cả. Trong khi đó thì Sonya lại không có giày, không có tất, không có thứ đồ gì mới, toàn là những đồ đã dùng cũ hết cả rồi.

Anh ấy đã định đặt mua cho nó nhẫn cưới và tặng cho nó đồng hồ nhưng mãi mà vẫn không làm việc đó. Mỗi tháng anh ấy nhận hơn 1.000 rúp nhưng lại tiêu hết sạch vào các trận nhậu và nợ tiền nhà hơn ba tháng, nợ tôi gần 500 rúp từ mùa hè…
Tất nhiên rồi, không thể buộc tội anh ấy vì anh ấy đau ốm. Nhưng tôi xót cho Sonya lắm. Nó hoàn toàn trung thành với anh ấy và yêu anh ấy như yêu một người chồng và một thi nhân tới mức không thể tìm thấy một sự chung thuỷ nào lớn hơn thế nữa. Yêu như thần tượng anh ấy và tài năng của anh ấy…”

Quả thực là Sofia Tolstaya đã thực sự yêu Esenin, bất chấp tất cả mọi đàm tiếu và đồn đại. Cuộc sống chung ngắn ngủi của họ diễn ra trong gần một năm (kể cả một tháng Esenin phải vào bệnh viện tâm thần và từ đó, trở lại nhà của gia đình vợ chỉ để lấy đồ để dấn thân vào chuyến đi cuối cùng tới Leningrad và tìm thấy cái chết ở đó) đã bị ám ảnh bởi những cuộc cãi cọ liên miên.

Sau khi
Esenin chết, Sofia Tolstaya vẫn gìn giữ lòng chung thuỷ với anh và cố gắng gìn giữ mọi thứ liên quan tới cuộc đời của anh. Chị từng là người trông coi Viện bảo tàng Esenin thuộc Hội Nhà văn Liên Xô. Chị cũng từng là người phụ trách Viện bảo tàng Liev Tolstoi ở Moskva.

Chính chị đã là người thu dọn lại những bản thảo mà Esenin để lại và biên soạn trước tác của anh để cho in thành sách. Trong những thời điểm khó khăn đối với việc phổ biến rộng rãi thơ của Esenin, Sofia từng đích thân biên tập hai tuyển thơ của anh (“Thơ và trường ca” năm 1931 và “Tuyển tập” năm 1946). Khi về già, Sofiathường xuyên đau ốm và chết trong cô độc năm 1957. Chị được mai táng tại Yasnaya Poliana.

Sinh thời,
Esenin đã có một bài thơ thấm thía viết tặng Sofia Tolstaya. Bài thơ như sau (bản dịch của nhà thơ Hồng Thanh Quang):

“Ta là ai? Ta là chi? Chỉ là người huyễn tưởng
Quầng mắt xanh lạc mất giữa sương mù.
Ta đã sống kiếp này như tiện thể,
Cùng bao người trong cõi thế phù du.
Và hôn em cũng chỉ vì ta đã
Hôn bao người vầy vậy thành quen.
Và ta nói những lời ân ái quá
Cũng tựa hồ quệt những que diêm.
“Quý giá ạ!”, “Yêu thương ơi”, “Mãi mãi!”
Nhưng trong lòng luôn ngán ngẩm làm sao.
Khi cảm xúc ở trong mình héo úa,
Sự thật kia ai tìm được thế nào.
Chính bởi thế hồn ta hờ hững lắm,
Không khát khao, không muốn lửa trào tuôn,
Em chỉ là cây bạch dương di động
Cho bao người và cho nốt ta luôn.
Nhưng mãi khát kiếm tìm thân thương nhất
Và đớn đau trong kìm hãm u lì,
Ta chẳng chút hờn ghen em chi cả,
Chẳng khi nao ta quở trách em gì.
Ta là ai? Ta là chi? Chỉ là người huyễn tưởng
Quầng mắt xanh lạc mất giữa sương mù.
Và ta đã yêu em như tiện thể
Cùng bao người trong cõi thế phù du…“


Theo HUYỀN ANH
 
Cuộc tình nhiều bi kịch nhất và cũng là sâu đậm nhất của Esenin



Là một nhà thơ “tài sắc vẹn toàn”, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình (1895 – 1925), Sergey Esenin đã gây bao điều ngạc nhiên cho thiên hạ. Trong đó, việc nhà thơ vốn dĩ được xem là đẹp trai nhất trong các thi sĩ của nước Nga kết hôn với nữ nghệ sĩ múa thiên tài Mỹ Isadora Duncan (người đàn bà có tuổi đời xấp xỉ tuổi mẹ ông) có lẽ là một sự kiện đáng ngạc nhiên nhất.



nhatho1.jpg


Sergei Esenin cùng nàng vũ công Hoa Kỳ nổi tiếng Duncan Isadora

Và bởi thế, trong những câu chuyện về tình duyên của Esenin, hiển nhiên nó trở thành câu chuyện thường xuyên được người đời đề cập tới, mặc dù thực tế, vây quanh Esenin còn rất nhiều bóng hồng khác…

Isadora Duncan sinh năm 1877. Sinh thời (và cho đến tận bây giờ), bà vẫn được các nhà nghiên cứu nghệ thuật ghi nhận là một nghệ sĩ múa thiên tài, người đã có ảnh hưởng sâu rộng tới việc cách tân loại hình nghệ thuật này, đặc biệt là với múa ballet Nga và Tây Âu những năm đầu thế kỷ XX.

“Thân hình cô ta có tỉ lệ phức tạp. Ngoại hình cô không có gì thật nổi trội, song cô có một gương mặt thật hấp dẫn và tĩnh lặng. Hơn nữa, cô có cái nhìn rất ngỡ ngàng để lại ấn tượng khác thường” – một tờ tạp chí Nga đã có những dòng về Duncan như vậy nhân buổi biểu diễn đầu tiên của bà tại Nga vào ngày 29-12-1904. Cũng trong năm này, Duncan cho thiết lập một loạt trường dạy múa tại Berlin (Đức).

Các nhà phê bình xem Duncan như thể một “kỳ quan”. Báo chí đua nhau ca tụng bà bằng những lời có cánh. Quả tình, với thân hình nửa kín nửa hở, quay cuồng như cơn lốc trên sân khấu rực sáng ánh đèn màu, người phụ nữ 27 tuổi này đã thiêu đốt bao trái tim trai trẻ, làm bừng cháy nỗi đam mê nghệ thuật trong đáy mắt người hâm mộ. “Tấm thân thiên tài của nàng thiêu đốt chúng ta bằng ngọn lửa của danh vọng” – một nhà báo Nga đã phải thốt lên như vậy.

Năm 1921, một lần nữa Duncan tới nước Nga với ý đồ xây dựng bằng được một trường phái múa riêng. Tại đây, với uy danh lừng lẫy của mình, bà được giới lãnh đạo văn hóa và các nghệ sĩ Nga đặc biệt quan tâm săn sóc.

Mùa thu năm đó, tại trường quay của đạo diễn kiêm họa sĩ của Nhà hát Yakovlev, lần đầu tiên Duncan tiếp xúc với nhà thi sĩ trẻ người Ryazan Sergey Esenin. Bấy giờ, mặc dù mới 26 tuổi song Esenin đã là một trong những tên tuổi rực sáng nhất trên thi đàn nước Nga. Ngay lập tức, hai người gắn kết với nhau. Ngày 2/5/1922, Esenin và Duncan làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tới ngày 10/5, họ đáp máy bay rời Moskva sang Berlin, từ đó hai vợ chồng lần lượt ngao du nhiều nước trên thế giới.
Thoạt xem, có lẽ hiếm cặp vợ chồng nào lại “cọc cạch” như đôi này: Vợ quá già, chồng quá trẻ (hơn kém nhau tới 17 tuổi). Nguồn gốc thì khác biệt (người thành danh ở nước Mỹ tư bản, kẻ trưởng thành từ nước Nga cộng sản). Không những thế, mối quan hệ giữa họ còn gặp trắc trở bởi họ không có ngôn ngữ chung để giao tiếp: Esenin không hề biết một ngoại ngữ nào, trong khi trình độ tiếng Nga của Duncan quá ư bập bõm (trong hồi ký của mình, Maxim Gorky từng kể lại rằng “Esenin nói chuyện với Duncan bằng cử chỉ, bằng cách huých đầu gối và khuỷu tay vào nhau”).

Khi đến với Esenin, Duncan đã ở vào tuổi 45. Nói theo nhận xét của Gorky thì đó là một người đàn bà “đứng tuổi, nặng nề, với một khuôn mặt đỏ lự và chẳng có gì là đẹp”. Ngay cả khi Duncan biểu diễn một điệu múa, con mắt sắc sảo của nhà văn hào Nga cũng vẫn nhìn ra sự “xuống sức” của bà ta: “Điệu nhảy như thể miêu tả cuộc vật lộn giữa sức nặng của tuổi tác Duncan và tham vọng của thân thể bà ta, một cái thân thể đã được danh vọng và ái ân chiều chuộng quá đáng”.
Trên đà suy nghĩ đó, Gorky đã buông nhận xét: “Người đàn bà trứ danh này đã được hàng ngàn nhà văn ở Mỹ và ở châu Âu ca ngợi, hàng ngàn nhà phê bình am hiểu tinh vi nghệ thuật tạo hình khen nức nở, bên cạnh người thi sĩ kỳ diệu của vùng Ryazan, bé nhỏ như một cậu thiếu niên mới lớn, quả là sự hiện thân hoàn hảo nhất của tất cả những cái gì mà nhà thơ ấy không hề cần đến”.
Vậy thì, vì lý do gì mà Esenin chấp nhận cuộc hôn nhân với Duncan? Nhiều kẻ ác mồm đã quả quyết rằng Esenin thích gắn sự nổi tiếng của mình với sự nổi tiếng tầm cỡ thế giới của người đàn bà đó. Hư thực thế nào, điều này chưa dễ lý giải. Chỉ biết rằng, trong thời gian chung sống với Duncan, nhà thơ trữ tình vĩ đại của nước Nga đã có những ý thơ hết sức dằn vặt:

Họ đã yêu em đến sờn mòn
Họ đã chiều em đến nhàu nát…

Dường như, quá khứ vinh hiển của Duncan cùng với những cuộc tình bốc lửa của bà ta đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm hồn nhà thi sĩ trẻ.

Về phần Duncan, bà đến với Esenin không chỉ bởi tình yêu. Trước đó, bà từng trải qua mấy đời chồng và có hai con với hai người đàn ông khác nhau. Các con bà đã gặp bất hạnh khủng khiếp. Năm 1913, họ tử nạn khi chiếc xe hơi chở họ đã lao xuống sông Seine (Paris). Sau này, Duncan thổ lộ rằng, bởi trên khuôn mặt của Esenin có nhiều nét giống con trai bà, thành thử, trong tình cảm với ông, ngoài cái gọi là tình yêu, nó còn có cái gì đó gần như “tình mẹ”.

Cách quan tâm săn sóc của bà với Esenin cũng là như vậy. Chẳng đã có chuyện, một dạo, Esenin vắng nhà…hơi lâu. Duncan cất công đi tìm. Và bà đã để lại cho ông mấy dòng qua một người quen: “Đừng nghĩ rằng tôi là một con nhóc đắm đuối yêu đương. Không, đây là sự quan tâm đầy tình mẫu tử”.

Cuộc hôn nhân của họ chỉ tồn tại được có một năm. Năm 1923, từ nước ngoài trở về, hai người chính thức chia tay nhau. Mặc dù đau đớn bởi sự phân ly này, song Duncan cảm thấy như vậy là tâm thế bà được tập trung hơn cho công việc.
Sinh thời, chàng thi sĩ điển trai nhất của nước Nga Sergey Esenin trải qua cả thảy 5 lần kết hôn. Lần đầu là vào năm 1913, ông kết hôn với một nữ công nhân làm nghề sửa bản in tên gọi Anna Izryadnova. Họ có với nhau một mặt con nhưng chỉ hơn năm sau kể từ khi cậu bé cất tiếng khóc chào đời, cặp vợ chồng trẻ đã “đường chia hai ngả”.

Ba tháng trước khi nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười trời long đất lở, Esenin kết hôn lần thứ hai với nữ diễn viên Zinaida Raikh, lớn hơn ông một tuổi. Người đàn bà đa tình này lần lượt sinh hạ cho ông một cô con gái và một cậu con trai, rồi thì chuyển sang làm… người tình bí mật của nhà viết kịch Meyerhold khi mà Esenin suốt ngày tụ bạ, lang thang nơi quán rượu.
Năm 1922, Esenin và Raikh chia tay nhau. Ngay sau đó, Raikh kết hôn với Meyerhold. Esenin đến với Duncan là cuộc hôn thú lần thứ ba. Sau khi hai người “anh đi đường anh, tôi đường tôi”, Esenin đã cưới nữ diễn viên Augusta Miklashevskaya. Cuộc sống bên người vợ mới vẫn không khiến Esenin chế ngự được “con ngựa bất kham” trong con người mình. Ông vẫn tiếp tục có những hành xử bất thường và duy trì một cuộc sống hoàn toàn tự do phóng túng.

Tháng 9/1925, sau một thời gian chia tay Miklashevskaya, Esenin đến với cuộc hôn nhân cuối cùng của đời mình. Người nâng khăn sửa túi cho ông lúc này chính là cháu gái của đại văn hào Lev Tolstoy tên gọi Sophia Andreyevna Tolstaya. Chính Sophia là người đã trân trọng sắp xếp bản thảo, bí mật ghi lại một số phát biểu cuối đời của Esenin, mặc dù Esenin từng có lúc ghét cay ghét đắng sự “quy củ” trong cuộc sống của người phụ nữ mang trong mình “truyền thống quý phái” của “gia đình bá tước Tolstoy”.

Ngoài những người đàn bà có hôn thú chính thức nói trên, xung quanh Esenin cũng không thiếu gì các cô gái trẻ có thể thay thế Duncan giúp ông “lấp chỗ trống”, song phải khẳng định rằng, vẫn có lúc ông muốn quay trở về với người vợ cũ luống tuổi đó. Hãy nghe ông tâm sự: “Tôi sung sướng được hôn nhiều cô gái, nhưng dường như có một sợi chỉ vô hình nào đó đã ràng buộc chúng tôi lại với nhau mãi mãi”.

Sinh thời, Esenin từng đặt bút viết, đại ý rằng nếu Thiên đường có lên tiếng gọi hãy bỏ Tổ quốc lên đó sống, thì ông xin được đáp, hãy để mặc Thiên đường đấy. Hãy cho ông được ở cùng Tổ quốc yêu thương. Vậy mà, vào đêm 27/12/ 1925, tại khách sạn Anglettere ở Sankt – Peterburg, Sergey Esenin đã kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình bằng cách treo cổ tự vẫn. Trước đó, ông lấy máu viết hai câu thơ nổi tiếng: “Trên đời này, chết chẳng có gì là mới/Song sống trên đời cũng chẳng có gì mới hơn”. Trước sự kiện bi thương này, văn hào Gorky đã phải thốt lên: “Đời các nhà văn Nga rất dồi dào các tấn kịch, trong đó trường hợp của Esenin là một trong những tấn kịch bi đát nhất”.

Tương tự Esenin, Duncan cũng có một “cái kết” bi thảm. Hai năm sau, vào ngày 14/9/1927, bà đã qua đời trong một tai nạn xe hơi tại Nice (Pháp). Chiếc khăn choàng của bà đã bị cuốn vào bánh xe khiến bà bị kéo văng ra ngoài xe. Sứ quán Liên Xô tại Paris đã đến viếng người một thời từng là con dâu của nước Nga với dòng chữ trên dải băng tang: “Trái tim Nga đau buồn về Isadora”.


Nguồn: VNCA

 
BÍ ẨN CÁI CHẾT CỦA THI SĨ THIÊN TÀI SERGEI ESENIN

TRẦN HẬU

Vào đêm 27 rạng ngày 28/12/1925, nhà thơ Nga nổi tiếng Sergei Esenin đã thắt cổ tự tử tại khách sạn Angleter ở Leningrad. Sự ra đi đột ngột và bí ẩn của nhà thơ ở tuổi 30, khi tài năng sáng tạo của ông đang ở độ sung mãn nhất, cho đến nay, sau 86 năm vẫn là đề tài của những cuộc tranh luận không dứt về nguyên nhân gây nên cái chết đầy bi kịch của một trong những thiên tài thi ca chói lọi nhất của nước Nga. Những ý kiến khác nhau chung quy đều tập trung vào hai loại giả thuyết: Esenin tự tử hay bị sát hại?

Cai-chet-bi-an-cua-nha-tho-Sergei-Esenin.JPG

Đám tang của nhà thơ Sergei Esenin.
Tính cách phức tạp và đầy mâu thuẫn của thi nhân

Có thể nói từ những bài thơ đầu tiên, Esenin đã thể hiện tình yêu say đắm thiên nhiên và đời sống nông thôn Nga. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ E. Evtushenko đã coi Esenin là nhà thơ “thấm đẫm chất Nga nhất”. Tuy nhiên, trong thơ Esenin vẫn thấp thoáng nỗi buồn nhớ về quá khứ, nỗi lo lắng cho lối sống nông thôn thuần khiết đang mất dần sau nhiều biến động xã hội. Khi thất vọng, ông lại rơi vào sai lầm ở cực khác khi quan niệm rằng xã hội tương lai sẽ là một vương quốc của kỹ thuật máy móc, của công cụ sản xuất, sẽ lấn át đi những gì tinh tế trong tâm hồn con người, từ đó dẫn đến tâm trạng buồn chán, thất vọng. Đấy là thời kỳ khủng hoảng lớn nhất của Esenin. Nhà thơ buông thả theo lối sống phiêu lãng, phóng túng, rượu chè be bét, luôn cảm thấy cô đơn và sa vào trạng thái trầm cảm nặng nề. Ông có những lúc không làm chủ được mình, đã đập phá cốc chén, đồ đạc, từng định nhảy ra ngoài cửa sổ, từng lấy mảnh thủy tinh cắt động mạch, từng lấy dao mổ bụng, từng nằm ngay trên đường sắt…

Từ những hành động thiếu kiềm chế và liều lĩnh ấy, đến chỗ treo cổ tự sát – khoảng cách chỉ là gang tấc.


Bi kịch trong tình yêu khiến nhà thơ tìm đến với cái chết

Được trời phú cho một thi tài bột phát và một nét đẹp thuần Nga, sinh thời, Esenin được hưởng sự ưu ái đặc biệt của nữ giới. Trong số những mối tình mà phái đẹp dâng hiến cho chàng thi sĩ tỉnh lẻ đào hoa lên thủ đô Moskva lập nghiệp, trước hết phải kể đến cuộc tình bão táp giữa Esenin và nàng vũ công Hoa Kỳ nổi tiếng Duncan Isadora.

Mùa hè năm 1921, Duncan Isadora sang Nga theo lời mời của Chính phủ Liên Xô để mở một trường dạy múa cho trẻ em. Trong một cuộc tiếp tân được tổ chức để chào mừng nàng, Duncan Isadora đã gặp Esenin và cuộc tình sét đánh giữa họ lập tức nảy nở. Hai người đã đăng ký kết hôn ngày 2/5/1922 và ngay sau đó họ thực hiện một chuyến viễn du dài ngày qua một số nước Âu – Mỹ. Nhưng do sự quá chênh lệch về tuổi tác (vào thời điểm hai người quen biết nhau thì Esenin 26 tuổi, còn Duncan Isadora đã 43), do sự bất đồng về ngôn ngữ – Esenin chỉ nói được tiếng Nga, còn Duncan thì nói được tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức – và cũng do sự khác biệt về tính cách, nên sau khi trở về Nga vào tháng 8/1923, hai người đã chia tay nhau và Duncan đã rời khỏi nước Nga.
nhatho1.jpg

Còn Esenin thì quay trở lại với người tình cũ là Galina Benislavskaja vốn rất mực yêu thương chàng. Với Esenin, nàng không là gì mà cũng là tất cả: là bạn, là người giúp việc, là người tình, là nhũ mẫu. Nàng nhiều lần phải cất công đi tìm người tình lãng tử của mình khắp các quán rượu và quán nhậu để tha chàng về nhà mình trong trạng thái say xỉn. Chàng sống ở chỗ nàng và đến tận khi chết vẫn không có một nơi cư trú, một chốn riêng tư của mình. Nhưng hai người chung sống chẳng được bao lâu, rồi chàng một lần nữa lại kết hôn, lần này với cô cháu gái của đại văn hào Lev Tolstoi là Sofia Andreevna Tolstaja, một người phụ nữ tuy không có nhan sắc mặn mà nhưng đã dành trọn trái tim của mình cho Esenin. Nhưng rồi vẫn do sự trục trặc trong tính cách, nhà thơ – một con ngựa bất kham trên tình trường cũng chia tay với Sofia trước chuyến đi định mệnh đến Leenin-gad vào tháng 12/1925.

Tự tử hay bị sát hại?

Bên cạnh những giả thuyết về sự tự vẫn của Esenin, trong gần một thế kỷ qua vẫn tồn tại, lúc ngấm ngầm, lúc công khai, một loại giả thuyết khác cho rằng ,nhà thơ trữ tình lỗi lạc của nước Nga không phải quyên sinh mà là bị sát hại. Giả thuyết này đã hình thành ngay sau cái chết của Esenin, bất chấp lời cáo phó của các nhà chức trách Nga thông báo rằng “nhà thơ Esenin do tinh thần sầu muộn, trạng thái tâm lý mất cân bằng nên trong cơn tuyệt vọng đã treo cổ tự tử”.

Tờ báo
Slovo (Ngôn luận) hồi đó, lập tức đã loan tin về việc Esenin bị giết. Nhà văn Boris Lavrenev trong bài điếu tang đã kêu gọi “vạch mặt chỉ tên bọn đao phủ và những tên sát nhân”. Thậm chí, một cuốn sách mang tên Vụ mưu sát Esenin đã được xuất bản.

Lại nữa, theo giáo luật của đạo chính thống thì việc làm lễ cầu hồn cho người tự tử là bị cấm. Thế nhưng, hồi đó người ta đã làm lễ cầu hồn cho Esenin tại nhà thờ ở làng quê ông. Còn vào ngày 3/10/1991, nhân ngày sinh của Esenin, một lễ cầu siêu long trọng được chính thức tổ chức ở Moskva, Leningrad và Konstantinov. Đó là thêm một bằng chứng nữa về việc nhà thơ bị ám hại.

Ngoài ra, trên những tấm ảnh chụp Esenin sau khi chết, người ta thấy rõ
vết bầm dập trên khuôn mặt phần nào bị biến dạng và vết thương trên cánh tay chứng tỏ có một ngoại lực tác động vào. Hơn nữa, trên bức ảnh còn có thể nhìn thấy một vết lằn nằm ngang ở nơi cổ. Theo ý kiến của bác sĩ pháp y thì vết lằn phải nằm dọc mới phù hợp với tư thế treo cổ. Điều này chứng tỏ nhà thơ bị siết cổ đến chết bằng dây thừng từ phía sau.

Nhưng ai là hung thủ đang tay hạ sát nhà thơ vô tội? Và nhằm mục đích gì? Đây vẫn đang là một câu hỏi bỏ ngỏ, một điều bí ẩn khiến giới khoa học hình sự còn phải tốn nhiều công sức để có thể đưa ra lời giải đáp thỏa đáng.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top