GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1 Phương thức biểu đạt: Nghị luận
2 Biện pháp nghệ thuật tu từ:
+ Liệt kê: gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực, sống, học tập, làm việc….
+ Nói quá: “dù ngày mai trời có sập”
(HS có thể tìm thêm phép tu từ Ẩn dụ: “cháy hết mình”, Điệp ngữ: “hết mình”(2 lần)
- Tác dụng: Bộc lộ sâu sắc, đầy đủ những biểu hiện trong thái độ, hành động của người có tinh thần lạc quan, sống tích cực.
- Khẳng định khát vọng cống hiến, sẵn sàng đón nhận và đối mặt với những gian khó, nguy nan.
3 - Từ “cháy” được hiểu theo nghĩa chuyển.
- Viết đoạn văn toát lên ý chủ đạo: “Cháy” là không do dự, không sợ hãi trước khó khăn, thử thách.
- Một thái độ sống tích cực, có đam mê, khát vọng hòa vào cuộc đời chung, quan niệm “sống lâu không bằng sống sâu”.
4 Có thể trả lời theo các ý sau:
- Cần có thái độ sống lạc quan, tích cực trong bất kỳ tình huống nào.
- Sau những biến cố, con người biết tìm nguyên nhân và cách khắc phục, thấy cơ hội trong khó khăn.
- Biết tha thứ, bao dung, cao thượng để tâm hồn được thoải mái, nhẹ nhàng, cuộc sống thanh thản.
- Luôn tạo ra cho cuộc sống của mình nhiều niềm vui và lan tỏa niềm vui cho những người xung quanh.
- Sống có khát vọng, hoài bão cống hiến cho đời hết mình.
( HS có thể phát hiện các thông điệp khác hợp lí, giám khảo linh hoạt cho điểm)
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1 * Yêu cầu:
a. Đảm bảo là một đoạn văn nghị luận hoàn chỉnh, diễn đạt trôi chỷ, không sai lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
b. Triển khai hợp lý theo các định hướng sau:
- Dẫn dắt trích dẫn câu nói:
* Giải thích:
+ “Cháy hết mình”: con người dám dấn thân, dám đem hết nhiệt huyết để sống trọn vẹn cuộc đời và tỏa sáng.
+ Dù ngày mai trời có sập: Dù phía trưới có phải đối diện trước những nghịch cảnh, những điều tồi tệ nhất.
=> Thông điệp khẳng định thái độ sống tích cực, lạc quan tạo cho con người tâm thế, thần thái tươi vui, hạnh phúc. Điều đó được thể hiện không chỉ ở nội lực bên trong mà còn lan tỏa ra bên ngoài qua gương mặt bừng sáng và nụ cười thường trực trên môi.
* Bàn luận:
- Sống Tích cực, lạc quan giúp ta nhìn cuộc đời bằng cặp mắt yêu thương, tin tưởng vào chính mình, có sức mạnh vượt qua sợ hãi, khó khăn.
- Người lạc quan sẽ có thêm nhiều phẩm chất tốt đẹp khác nữa như: dũng cảm, kiên trì…
* Mở rộng:
- Tấm gương sống tích cực, lạc quan.
- + Phê phán một bộ phận giới trẻ hiện nay sống thiếu ước mơ, hoài bão, sợ va vấp, sợ thất bại hoặc sống vội vàng dẫn đến áp lực học tập, công việc gây trầm cảm…..
* Bài học hành động:
+ Tuổi trẻ cần phải sống và “cháy” hết mình. Chúng ta hãy cứ tự do làm những gì mình muốn, mong đợi... Vì tuổi trẻ không bao giờ quay lại. Nhưng không mù quáng, không sống vội, sống gấp và cống hiến hết
- Liên hệ bản thân.
(HS có thể tìm thêm các bài học khác nếu hợp lí giám khảo cho điểm)
2 Yêu cầu:
a. Về mặt hình thức: Đảm bảo là một bài nghị luận văn học hoàn chỉnh, có bố cục 3 phần, diễn đạt trôi chảy, sáng tạo, không mắc sai phạm vào các lỗi chính tả, dùng từ, câu….
b. Về nội dung cụ thể:
1. Mở bài: - Dẫn dắt trích dẫn nhận định
2. Thân bài:
a. Giải thích nhận định:
- Thơ: thể loại văn học bộc lộ cảm xúc, tình cảm.
- Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp: Con người và thời đại là đối tượng khám phá và cũng là cái đích cuối cùng của thơ ca nghệ thuật.
=> Ý kiến trên bàn về mối quan hệ gắn bó giữa thơ với con người và cuộc sống thời đại đã sản sinh ra nó. Nhưng thơ ca không sao chép máy móc con người và thời đại mà thể hiện một cách cao đẹp, nghĩa là ca ngợi, tự hào, yêu mến… bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo, được cảm nhận thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ của thi nhân để thành thơ.
b. Khái quát về điểm giống nhau của hai bài thơ:
- Hai tác giả là nhà thơ chiến sĩ (giới thiệu đôi nét )
- Hai tác phẩm chung đề tài người lính.
-> Yêu cầu: H/s viết thành đoạn văn có sức hấp đẫn.
2. Chứng minh vấn đề: (HS có thể làm nhiều cách, chẳng hạn chỉ cần làm rõ vấn đề “vẻ đẹp con người mang đậm chất thời đại” trong bài thơ, hoặc có thể tách hai phần “con người” – “thời đại”như định hướng dưới đây, nhưng phải có có sự liên hệ khăng khít).
a. “Đồng chí” của Chính Hữu.
* Con người cao đẹp trong “Đồng chí”:
+ Đó là những người nông dân mặc áo lính có tâm hồn cao đẹp: Giàu lí tưởng, yêu nứớc, sẵn sàng lên đường kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc: Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau, súng bên súng đầu sát bên đầu, đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới….
+ Người lính sáng ngời tình đồng chí cao đẹp: gắn bó keo sơn (đôi tri kỉ - Đồng chí…); Thấu hiểu nỗi niềm riêng thầm kín (gửi bạn thân cày, mặc kệ gió lung lay, nhớ người ra lính…); cùng giúp nhau vượt qua gian lao, thiếu thốn (sốt run người, áo anh rách vai - quần tôi có vài mảnh vá…) - Con người lạc quan, yêu đời (Miệng cười buốt giá)., đoàn kết (Thương nhau tay nắm lấy bàn tay), đó là tình cảm xúc động, thiêng liêng của con người Việt Nam trong chiến đấu.
+ Nổi bật trong bài thơ thể hiện một cách cao đẹp tình đồng chí chính là hình ảnh Đầu súng trăng treo. đó là một biểu tượng đẹp về người lính cũng là kết tinh phẩm chất tâm hồn Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
* Thời đại cao đẹp:
- H/s tái hiện được hoàn cảnh lịch sử, không khí thời đại khi bài thơ ra đời: Là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, con người Việt Nam đã sẵn sàng giã từ tất cả để ra đi bảo vệ Tổ Quốc.
+ Vẻ đẹp của tình đoàn kết giai cấp, hình ảnh làng quê, ruộng đồng, cái nghèo… là chi tiết cuộc sống rất chân thực những năm 1948 khi tác giả viết bài thơ này (nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá, ruộng nương, cày, gian nhà, giếng nước, gốc đa…)thể hiện vẻ đẹp lí tưởng anh hùng của thời đại cách mạng Hồ Chí Minh.
* Nghệ thuật thể hiện con người và thời đại:
+ Ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng, giàu sức biểu cảm.
+ Sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và màu sắc lãng mạn, bay bổng…..
b. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.
* “Ánh trăng” là bài thơ thể hiện tâm tư người lính vừa bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với cuộc sống thời bình, “thể hiện con người một cách cao đẹp”.
- Hoài niệm về sự gắn bó nghĩa tình với vầng trăng trong những năm tháng tuổi thơ và khi ở chiến trường.
(Phân tích – chứng minh).
- Nghĩ về sự lãng quên, thờ ơ, vô tình của mình với vầng trăng trong hiện tại (Phân tích – chứng minh).
- Xúc động nhớ thương và giật mình thức tỉnh khi bắt gặp vầng trăng xưa vẫn tròn đầy vẹn nguyên.
(Phân tích – chứng minh)
=> Hình ảnh người lính thời bình với những trăn trở, suy nghĩ về tư tưởng, lẽ sống và nhắc nhở về đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.
* Thời đại cao đẹp:
H/s tái hiện được không khí lịch sử, hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Đó là khi đất nước hòa bình được 3 năm. Bài thơ Ánh trăng được viết năm 1978 và in trong tập thơ cùng tên, con người vừa bước ra khỏi cuộc chiến. Ba năm sống trong độc lập, tự do không phải ai cũng còn nhớ những tháng ngày gian khổ vừa qua đi: “Đồng đội cũ về đây gần đủ mặt. Không tránh khỏi những người rẽ ngoặt. Lòng đang phai màu máu đỏ chiến hào” (Bùi Minh Quốc). Một bộ phận người lính thời bình đã vô tình lãng quên đồng đội, đồng chí lãng quên những năm tháng gian lao. Bài thơ như một lời nhắc nhở, đánh thức người lính sống lại với quá khứ nghĩa tình.
* Nghệ thuật thể hiện con người và thời đại trong bài thơ Ánh Trăng
- Bài thơ Ánh trăng với hình tượng thơ nhiều ý nghĩa, ngôn từ biểu cảm mà sâu sắc giàu tính triết lí….
3. Kết bài:
- Đánh giá nhận định: Khẳng định con người và thời đại luôn được thể hiện một cách cao đẹp trong thơ ca đặc biệt qua hai tác phẩm.
- Rút ra bài học cho bản thân: cảm hóa ý thức sâu sắc tuổi trẻ hôm nay về những ân nghĩa thủy chung, uống nước nhớ nguồn, về lòng yêu nước và tự hào dân tộc
Sen Biển( biên soạn)