ÔN VĂN TỐT NGHIỆP
HỌC KỲ 1
HỌC KỲ 1
KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 ĐẾN HẾT THẾ KỶ XX
Câu hỏi:
Câu 1: Quá trình phát triển và những thành tựu chủ yếu của văn học giai đoạn 1945 – 1975.
Câu 2: Những đặc điểm cơ bản của văn học giai đoạn 1945 – 1975.
Câu 3: Những chuyển biến và thành tựu ban đầu của văn học giai đoạn 1975.
ĐÁP ÁN
Câu 1: Quá trình phát triển và những thành tựu chủ yếu của văn học giai đoạn 1945 – 1975:
a) Chặng đường 1945 – 1954:
- Văn học gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến: hướng tới đại chúng, phản ánh sức mạnh của quần chúng; thể hiện niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào tương lai tất thắng.
- Truyện ngắn và kí: Một lần tới thủ đô (Trần Đăng), Đôi mắt (Nam Cao), Làng (Kim Lân),…; Vùng mỏ (Vũ Huy Tâm), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Truyện Tây Bắc (Tô Hoài),…
- Thơ: Việt Bắc (Tố Hữu), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Tây Tiến (Quang Dũng),…
b) Chặng đường 1955 – 1964: Tập trung thể hiện hình ảnh người lao động, ngợi ca những đổi thay của đất nước và con người trong bước đầu xây dựng CNXH với cảm hứng lãng mạn.
- Văn xuôi mở rộng đề tài: sự đổi đời trong môi trường xã hội mới (Mùa lạc – Nguyễn Khải); ngợi ca chủ nghĩa anh hùng (Sống mãi với thủ đô – Nguyễn Huy Tưởng, Cao điểm cuối cùng – Hữu Mai); hiện thực đời sống trước CMT8 (Vỡ bờ - Nguyễn Đình Thi, Cửa biển – Nguyên Hồng); công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc (Sông Đà – Nguyễn Tuân).
- Thơ phát triển mạnh mẽ: cảm hứng về sự hồi sinh của đất nước sau chiến tranh, về những thành tựu bước đầu xây dựng CNXH, về sự hoà hợp riêng – chung, về nỗi đau chia cắt đất nước (Gió lộng – Tố Hữu, Ánh sáng và Phù sa – Chế Lan Viên, Riêng chung – Xuân Diệu).
c) Chặng đường 1965 – 1975: Tập trung viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ, ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
- Văn xuôi: Phản ánh cuộc sống chiến đấu và lao động, con người Việt Nam anh dũng, kiên cường, bất khuất (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi, Dấu chân người lính – Nguyễn Minh Châu).
- Thơ đạt nhiều thành tựu xuất sắc: tập trung thể hiện cuộc ra quân vĩ đại của toàn dân tộc, khám phá sức mạnh con người Việt Nam, nhận thức và đề cao sứ mệnh lịch sử, tầm vóc và ý nghĩa nhân loại của cuộc kháng chiến chống Mĩ; thể hiện khuynh hướng khái quát hiện thực, giàu chất suy tưởng, chính luận (Ra trận – Tố Hữu, Vầng trăng và quầng lửa – Phạm Tiến Duật, Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm).
Chặng đường này ghi nhận sự xuất hiện một thế hệ nhà thơ trẻ vừa đánh giặc vừa làm thơ: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh.
Câu 2: Những đặc điểm cơ bản của văn học giai đoạn 1945 – 1975.
a) Nền văn học phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu: Văn học trước hết phải là một thứ vũ khí chiến đấu. Ý thức, trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ được đề cao. Quá trình vận động, phát triển của nền văn học mới ăn nhịp với từng chặng đường lịch sử của dân tộc, theo sát từng nhiệm vụ chính trị của đất nước. Tập trung vào đề tài Tổ quốc và CNXH, xây dựng nhân vật trung tâm là người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang và hình ảnh con người mới.
b) Nền văn học hướng về đại chúng: Đại chúng vừa là đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ, vừa là nguồn cung cấp, bổ sung lực lượng sáng tác cho văn học. Văn học quan tâm tới đời sống nhân dân lao động, nói lên nỗi bất hạnh của họ trong xã hội cũ, niềm vui, niềm tự hào về cuộc đời mới, thể hiện con đường tất yếu đến với cách mạng, phát hiện ở họ khả năng cách mạng và phẩm chất anh hùng. Đó là nền văn học có tính nhân dân sâu sắc và nội dung nhân đạo mới.
Về hình thức, phần lớn các tác phẩm đều ngắn gọn, nội dung dễ hiểu, chủ đề rõ ràng, hình thức nghệ thuật quen thuộc.
c) Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn:
- Khuynh hướng sử thi: tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất có ý nghĩa sống còn của đất nước. Nhân vật chính thường tiêu biểu cho lí tưởng chung của dân tộc, gắn bó số phận mình với số phận đất nước, thể hiện và kết tinh những phẩm chất cao đẹp của cả cộng đồng. Lời văn sử thi mang giọng điệu ngợi ca, trang trọng và đẹp một cách tráng lệ, hào hùng.
- Cảm hứng lãng mạn: chủ yếu được thể hiện trong việc khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Về nghệ thuật, đặc điểm trên thể hiện ở hướng vận động của cốt truyện, xung đột nghệ thuật, số phận, tính cách nhân vật từ hiện đại vươn tới tương lai, từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ hy sinh tới niềm vui chiến thắng.
Câu 3: Những chuyển biến và thành tựu ban đầu của văn học giai đoạn 1975.
- Thơ: nổi bật với trường ca có khuynh hướng tổng kết chiến tranh thông qua sự trải nghiệm riêng của mỗi nhà thơ trong những năm trực tiếp cầm súng. Đồng thời, một thế hệ nhà thơ mới sau 1975 xuất hiện ngày càng nhiều, đã và đang từng bước tự khẳng định.
- Văn xuôi: một số nhà văn đã bộc lộ ý thức muốn đổi mới cách viết về chiến tranh, cách tiếp cận hiện thực đời sống. Sau Đại hội Đảng lần VI, văn học chính thức đổi mới, phóng sự điều tra có điều kiện phát triển mạnh mẽ, một số tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp, Bến không chồng – Dương Hướng).
Nhìn chung, văn học giai đoạn này vận động theo khuynh hướng dân chủ hoá, mang tính nhân bản, nhân văn sâu sắc. Phát triển đa dạng, phong phú, đề cao cá tính sáng tạo của nhà văn, đổi mới cách nhìn nhận, cách tiếp cận con người và hiện thực đời sống.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: