Đi tìm một thế giới diệu kỳ đang biến mất

Hide Nguyễn

Du mục số
“Ba ơi, ba có biết chỗ nào có đất để chơi không nhỉ?”. Cậu con trai 3 tuổi của tôi tay cầm chiếc ô tô tải bằng nhựa sau một hồi loanh quanh tìm kiếm khắp sân đã ngơ ngác hỏi tôi.

Câu hỏi ngây thơ vô tình gợi lại trong tôi nỗi nhớ da diết những trò chơi thời thơ ấu. Những buổi trưa, tôi vẫn lén trốn bố mẹ để cùng đám bạn chơi những trò chơi nặn bằng đất sét.

Tôi không thể nhớ tôi đã trốn bố mẹ bao nhiêu lần để chạy theo tiếng gọi của đám bạn cùng xóm. Những buổi trưa thấp thỏm chờ bố mẹ ngủ say, tôi lại rón rén lách người qua khe hở hờ của cánh cửa rồi nhanh chóng lao đi như sợ bị ai đó kéo giựt lại. Quê tôi nghèo, một xóm nhỏ ven đê, những lũy tre xanh luôn rủ bóng, những cái ao nhỏ quanh xóm là nơi đám bạn và tôi thích chơi nhất. Chính những nơi ấy, trong mắt bao người lớn chẳng có ý nghĩa gì, đã trở thành thế giới kỳ diệu của những đứa trẻ. Những nơi ấy đã dựng lên những vẻ đẹp của tâm hồn tuổi thơ.

20875043_images1871763_4.jpg

Một cuộc thi nặn pháo. Ảnh: Baodatviet
Bờ ao, ở nơi ấy, tôi và các bạn có thể lấy được thứ đất vừa dẻo vừa quánh, thứ đất mà chúng tôi vẫn thường gọi là đất sét. Loại đất này để nặn pháo nổ thì tuyệt vời, nó dẻo chứ không bở bục hay nhão nhoét như loại đất bùn hay đất cát. Nếu đất càng dẻo, được nhào nặn càng kỹ thì tiếng pháo nổ càng giòn hơn, tôi đã rút ra được kinh nghiệm sau mấy lần bị thua chúng bạn.

Mỗi đứa một nắm đất to bằng hai vốc tay, tự chọn cho mình một chỗ bắt đầu vê vê nặn nặn chuẩn bị cho cuộc thi thố tài năng. Những nắm đất ban đầu còn nguyên khối không có hình thù, dần dần nó được vê tròn lại như hòn bi ve, rồi lại dài dài như con giun đất khoanh tròn lại với nhau. Sau đó,chúng tôi khéo léo miết phần đáy cho thật mỏng ở giữa nhưng không được thủng, vì nếu thủng thì pháo sẽ không được tính, còn nếu dày quá thì có thể pháo sẽ bị xịt (không nổ được) hoặc nổ bé.

Sau khi nặn xong, tất cả để pháo lên bàn tay, khi nào có đứa hô “pháo nổ, pháo nang cả làng nghe tiếng” thì tất cả cùng giơ tay cao và đập thật mạnh xuống đất. Một tiếng nổ đồng thanh khiến chúng tôi rất thích thú, tất cả xúm đầu lại xem của đứa nào bị thủng phần đáy to hơn thì đứa ấy giành phần thắng, đứa nào thua cuộc thì phải lấy đất ở pháo của mình đền đủ vừa chỗ thủng cho đứa thắng. Sau mấy lần bị thua, tay nghề pháo nổ của tôi đã nâng lên đáng kể, chỉ cần thấy tôi giơ tay chuẩn bị đập pháo xuống đất thì tất cả con mắt của bọn chúng đều đổ dồn về phía tôi.

Tiếng nổ giòn giã cộng với những mảnh vụn bắn ra tung tóe khiến chúng vô cùng kinh ngạc. Mỗi lần như vậy, tôi lại hả hê nhận những lời tán dương của đám bạn, nhưng cũng có đứa tỏ ra ganh tị. Chúng tôi vẫn thường gọi đó là trò "pháo nổ, pháo nang", trò chơi mà dễ đến hơn hai mươi năm qua tôi vẫn cất công tìm kiếm.
Trong xóm tôi đang ở cũng có đến cả chục đứa trẻ lớn nhỏ từ 2 đến 10 tuổi, hàng ngày tôi vẫn được chứng kiến chúng chơi những trò chơi đánh đấm như trong những bộ phim kiếm hiệp. Một nhóm khoảng năm, sáu đứa con trai được chia làm hai phe. Sau tiếng hò hét, chúng bắt đầu lao vào nhau, có đứa giả vờ bị thua thì nằm giãy giãy cái chân trên nền sân gạch, đứa thắng thì khua tay, khua chân cười ha hả.

Đám con gái lớn hơn thì thích chơi trò đóng giả làm công chúa, nhưng là công chúa trong những bộ phim truyện thời hiện đại như “Hoàn Châu cách cách”, hay giả làm những nhân vật trong phim tình cảm Hàn Quốc. Từ đầu đến cuối, tôi không nhìn thấy một hình ảnh nào của những nàng công chúa thảo hiền như trong những câu chuyện cổ tích mà bà nội vẫn kể cho tôi nghe. Tôi cũng không thể tìm thấy hình ảnh của những chàng hoàng tử nhân từ trong những trò chơi đánh đấm của đám trẻ con trai.

Nếu không là những trò chơi đó thì lại là những thứ đồ chơi đắt tiền với đủ hình thù màu sắc, như siêu nhân hay xếp hình; cũng có khi là cả những thanh kiếm, những khẩu súng bằng nhựa to gần bằng súng thật. Cũng chẳng biết là đồ của ta hay Tàu, người ta cứ mua về cho con chơi miễn là chúng thích chứ đâu có cần để ý xem nó có lợi hay có hại gì. Người ta cũng đâu có cần quan tâm đồ chơi đó có ảnh hưởng đến tính cách chúng như thế nào.

Chúng bày ra đủ trò bắt chước như trong phim, nhưng tuyệt nhiên tôi không nhìn thấy chúng chơi những trò chơi dân gian mà ngày xưa chúng tôi vẫn thường chơi, những trò đánh bi, đánh đáo và càng không có một biểu hiện nào chứng minh sự tồn tại của trò chơi "pháo nổ..." của tôi ngày nhỏ.

Tôi tự hỏi có phải chúng không còn thích những trò chơi dân gian nữa hay chúng không còn những sân chơi như tuổi thơ tôi đã có? Một lô đất không quá rộng, với tổng diện tích 5 – 6 trăm m2, nếu ở thành phố có thể nó đã là điểm ngắm của một ngôi biệt thự lý tưởng với số tiền hàng chục tỉ đồng. Thế nhưng, cậu con trai 3 tuổi của tôi lại loanh quanh không thể tìm cho mình chỗ nào có đất để chơi, cái trò ôtô tải trở đất mà nó vẫn yêu thích, tất cả đều là những ý tưởng đã được quy hoạch, đổ bê tông kín mít.

Tôi nhớ ngày trước, từ nhà ra đến cổng đâu đâu cũng được coi là sân chơi của đám trẻ nhỏ trong xóm. Chúng tôi có thể yên tâm chơi bất kể là nơi nào, từ trong các ngõ ngách đến những bãi đất trống cỏ mọc um tùm. Được thoải mái chơi những trò chơi chúng tôi thích mà không phải nơm nớp lo lắng tiếng quát mắng vì những tiếng cười đùa của chúng tôi làm đau đầu bà hàng xóm. Hay những phen hú vía, vì sợ hãi những tiếng còi inh ỏi của xe cộ, tiếng phanh gấp kêu lên ken két của những chiếc xe điên dại muốn chơi trò đua tốc độ.

20875043_images1871758_2.jpg

Những sân chơi, những trò chơi dân gian đã đưa những đứa trẻ hòa vào thiên nhiên rộng lớn và chứa đầy bí ẩn. . Ảnh: Bansacvietnam.ogr

Có lẽ vì thế mà tường rào, nóc cổng hay cái cột điện lại chính là những chỗ chơi đắc địa đối với bọn chúng. Nhìn những đứa trẻ leo trèo, trườn bò trên những bờ tường xây con kiến mà tôi thấy thương cho chúng, những đứa trẻ thiếu chỗ chơi. Chúng sẵn sàng biến bất cứ chỗ nào làm sân chơi mà không cần quan tâm xem nó có nguy hiểm hay không. Chỉ cần được chơi, có chỗ để chơi thì đó là sân chơi rồi.

Đứa nào gia đình khá giả có điều kiện một tí, ngày cuối tuần, muốn được bố mẹ cho đi đến các khu vui chơi của trẻ em ở Thủ đô thì cũng phải mất nửa ngày đường mới ra được tới nơi. Ngó qua ngó lại những con vật mà chúng chưa được nhìn thấy bao giờ, rồi những trò chơi mà chúng chỉ mới được nhìn thấy trên ti vi nhưng tất cả cũng chỉ diễn ra chóng vánh rồi lại phải vội vàng ra về. Có khi về tới nhà, chúng cũng chẳng thể nhớ nổi mặt và tên của một vài con thú, hay có nhiều trò chơi mà chúng cũng chẳng biết gọi tên nó là gì.

Những sân chơi ngày càng bị thu hẹp, những trò chơi dân gian đang biến mất dần trong ký ức tuổi thơ của mỗi đứa trẻ.

Thật khó để tìm lại những cái ao, cái hồ nước trong veo mà những cô gái quê tuổi 18, đôi mươi vẫn thường soi gương làm dáng; những bờ ao chúng tôi vẫn hì hụi cậy từng nắm đất. Có chăng chỉ còn một vài cái ao nhỏ xíu sót lại thì đã được bê tông hóa bao bọc, nước chuyển màu xanh đen bốc lên một thứ mùi hăng hắc rất khó chịu, một vài con cá chết nổi dạt vào vệ ao.

Tôi cũng không thể tìm cho mình một chỗ căng mồm thổi phù phù những cái lá tre, lá gáo để khi nổ pháo không lo bị lá dính vào. Rồi cả những chỗ tôi vẫn quỳ gối để vẽ những vòng tròn, hay những ô vuông, hình chữ nhật trong trò bắn bi, ô ăn quan… nay cũng không còn.

Hình ảnh cậu con trai nhỏ cầm ô tô tải đi tìm đất có phải chính là hình ảnh của tôi khi tôi đang cố tìm kiếm những sân chơi với những trò chơi dân gian đã lớn lên cùng tuổi thơ tôi? Không phải cậu con trai tôi đi tìm một trò chơi mà nó đi tìm thế giới tuổi thơ của nó. Những trò chơi dân gian đã đưa những đứa trẻ hòa vào thiên nhiên rộng lớn và chứa đầy bí ẩn. Nơi ấy, những đứa trẻ đã thực hiện những chuyến đi không thể nào quên được trong thế giới rộng lớn và diệu kỳ. Và từ thế giới kỳ diệu ấy, những đôi cánh lộng lẫy của tâm hồn bắt đầu khẽ đập, những ước mơ trong sáng và kỳ vĩ bắt đầu sinh ra... và cuộc sống chầm chậm mở ra những chân trời. Nhưng điều kỳ diệu đó chính là nguồn năng lượng vô tận cho mỗi con người trong cuộc hành trình đi đến bến bờ của một hạnh phúc đích thực.
  • Nguyễn Vũ Lam
20875043_images1871756_1.jpg
Hình ảnh những buổi tối mất điện chúng tôi lại vây quanh nghe bà kể chuyện cổ tích giờ đã trở nên quá xa lạ với đám trẻ. Ảnh: Xomnhiepanh




VNN
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top