• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.
Sen Biển mời các em cùng giải Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 9 - có đáp án. Chúc các em làm bài tốt.

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non
Mấy trăm đời lấn luôn ra biển;
Phù sa vạn dặm tới đây tuôn,
Đứng lại; và chân người bước đến.

Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau.

Những dòng sông rộng hơn ngàn thước.
Trùng điệp một màu xanh lá đước.
Đước thân cao vút, rễ ngang mình
Trổ xuống nghìn tay, ôm đất nước!
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau.
(Mũi Cà Mau- Xuân Diệu, 10-1960)
Câu 1: Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2: Các từ: trăm, vạn, ngàn, nghìn là từ loại gì? Chúng góp phần tăng hiệu quả diễn đạt nội dung của văn bản trên như thế nào?

Câu 3: Hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản?

Câu 4: Nêu cảm nhận của em về hình ảnh mũi Cà Mau qua văn bản trên (5-7 dòng).
Đề thi thử môn ngữ văn số 9 - có đáp án - vnk.jpeg

( Ảnh sưu tầm internet)

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với nội dung lòng tự hào về quê hương, đất nước của mỗi con người.

Câu 2: Sự khám phá và cách thể hiện hình ảnh ánh trăng trong các bài thơ “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh, “ Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.
--------------- Hết--------------

Mời các em xem phần gợi ý đáp án dưới phần bình luận và đừng quên ghé thăm Vnkienthuc.com mỗi ngày.

Sen Biển( biên soạn)
 
GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU


Câu 1
- Thể thơ thất ngôn trường thiên hoặc thể thơ tự do

- Phương thức biểu đạt chính: Miêu tả

Câu 2

- Các từ: trăm, vạn, ngàn, nghìn : là số từ
- Góp phần tăng hiệu quả diễn đạt nội dung: ca ngợi, tự hào về vùng đất Cà Mau tươi đẹp, trù phú, tràn trề nhựa sống với một quá trình phát triển lâu bền, với hình ảnh rừng đước quen thuộc, vững vàng ôm lấy đất nước trong tư thế kiên cường.

Câu 3

- HS chỉ ra được biện pháp tu từ so sánh (Tổ quốc tôi như một con tàu) và điệp ngữ (Mũi Cà Mau), điệp cấu trúc (Tổ quốc tôi.....mũi Cà Mau)

- Hiệu quả nghệ thuật:

+ Nhấn mạnh hình ảnh Tổ quốc đẹp như con thuyền luôn tiến về phía trước, vượt mọi sóng gió thác ghềnh.

+ Tạo sự cân xứng, nhịp nhàng, điệp đi điệp lại nhằm nhấn mạnh vị trí của Cà Mau trên dáng hình Việt Nam: nếu đất nước là con tàu thì Cà Mau chính là mũi của con tàu ấy. Mũi tàu luôn đi trước, luôn hứng chịu gian lao thử thách trước và rẽ sóng mở đường cho thân tàu...Đồng thời thể hiện tình yêu của tác giả đối với quê hương, tổ quốc của mình.

Câu 4

- HS tự nêu cảm nhận của mình về đất mũi Cà Mau thông qua các hình ảnh có trong văn bản: phù sa vạn dặm, dòng sông rộng ngàn thước, trùng điệp một màu xanh của đước...

- Đồng thời bộc lộ được cảm xúc yêu quý, tự hào về mảnh đất cuối cùng cực Nam của Tổ quốc.
PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn khoảng 200 chữ (khoảng 20-25 dòng), có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn; lập luận thuyết phục, có lí lẽ và dẫn chứng cụ thể, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Lòng tự hào về quê hương, đất nước ở mỗi con người.

c. Triển khai vấn đề:

* Giải thích: Tự hào quê hương, đất nước là trạng thái hài lòng, ngưỡng mộ, trân trọng và hãnh diện về những điều tốt đẹp, truyền thống quý báu, đặc trưng văn hóa… mà quê hương, đất nước mình có được.

* Bàn luận:

- Tự hào về quê hương, đất nước mình là một trạng thái tình cảm rất đáng quý ở mỗi con người. Tình cảm đó đã được hình thành và nuôi dưỡng tự bao đời nay và đến nay vẫn là một tình cảm cần được củng cố và phát huy đa dạng hơn nữa.

- Biểu hiện của lòng tự hào về quê hương, đất nước rất đa dạng, phong phú và thể hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau (HS lấy dẫn chứng: yêu mái đình, con sông, cây đa, giếng nước, gìn giữ di tích lịch sử, giữ gìn tiếng nói địa phương…)

* Bài học nhận thức và hành động: Phải luôn biết tự hào về quê hương, đất nước mình, tìm hiểu những vẻ đẹp còn tiềm ẩn của quê hương, đất nước và nhân rộng, phát huy tình cảm đó vì đó là tình cảm rất đáng quý, đáng trân trọng, một biểu hiện rõ nét nhất về tình yêu nước. Phê phán những biểu hiện làm ảnh hưởng, hoen ố vẻ đẹp truyền thống quê hương, đất nước.

Câu 2

HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, dẫn được vấn đề cần bàn luận.

- Điểm chung:

+ Đều là hình ảnh thiên nhiên đẹp, thơ mộng, trữ tình

+ Đều là sự vật gần gũi, người bạn gắn bó thân thiết với con người.

+ Là cảm hứng sáng tác cho các nhà thơ, nhà văn.

- Điểm riêng trong sự khám phá và cách thể hiện hình ảnh ánh trăng ở từng bài thơ:

a) Trăng trong bài thơ “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh

+ Bài thơ viết về một cảnh ngắm trăng, một tư thế ngắm trăng rất đặc biệt: trong tù (dẫn chứng
+ Biểu hiện một tâm hồn thanh cao, một phong thái ung dung tự tại của nhà thơ - chiến sĩ. (...) (dẫn chứng)

b) Trăng trong bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận

+ Trăng xuất hiện trong khung cảnh lao động đánh bắt cá ngoài khơi của những người ngư dân. (dẫn chứng)

+ Trăng như cánh buồm chắp cánh cho niềm vui trong lao động, nâng bổng tinh thần hào hứng hăng say của con người. (dẫn chứng)

+ Trăng là nét vẽ tài tình tạo nên bức tranh sơn mài của biển đêm tráng lệ, rực rỡ sắc màu. (dẫn chứng)

c) Trăng trong “ Ánh trăng” của Nguyễn Duy: Trăng gắn liền với kỉ niệm của cuộc đời một người lính:

+ Trong quá khứ: Gắn với tuổi thơ hồn nhiên của nhân vật trữ tình; là tri kỉ của tác giả trong những năm chiến tranh. (dẫn chứng)

+ Trong hiện tại: Là “người dưng” đột ngột gặp lại trong một đêm thành phố mất điện, khiến nhà thơ giật mình, day dứt và suy ngẫm về cách sống hiện tại của mình. Ánh trăng thức tỉnh lương tâm, nhắc nhở con người không được lãng quên quá khứ, phải sống ân nghĩa, thủy chung. (dẫn chứng)

- Đánh giá chung:

+ Ba nhà thơ ở ba thời điểm khác nhau nhưng đều có chung nguồn cảm hứng sáng tác: Hình ảnh ánh trăng

+ Bằng sự sáng tạo và rung cảm với thiên nhiên của ba nhà thơ, hình ảnh trăng trong ba tác phẩm thực sự là những hình ảnh đẹp và độc đáo, để lại trong lòng độc giả những cảm xúc dạt dào, sâu lắng.

Sen Biển( biên soạn )
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top