Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Nói đến cách mạng công nghiệp là nói đến sự thay đổi lớn lao mà nó mang lại trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, và xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới được bắt đầu ở nước Anh vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, mở đầu với sự cơ giới hóa ngành dệt may. Lúc bấy giờ, các nhà máy dệt đều phải đặt gần sông để lợi dụng sức nước chảy, điều đó gây bất tiện ở nhiều mặt.
1. Bước khởi đầu của cách mạng công nghiệp (giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX)
Việc hoàn thiện và sử dụng máy hơi nước của Giêm Oát được coi là sự mở đầu của quá trình cơ giới hóa, mang ý nghĩa một cuộc cách mạng công nghiệp.
Điều quan trọng nhất là máy hơi nước đã tạo ra nguồn động lực mới làm giảm nhẹ sức lao động cơ bắp của con người. Nó tạo điều kiện cho sự chuyển cách thức lao động bằng tay được thực hiện từ khi loài người xuất hiện sang sử dụng máy. Đó là yếu tố cơ bản của công nghiệp hóa, đánh dấu bước nhảy vọt cách mạng trong lịch sử sản xuất của nhân loại, bước chuyển cơ bản từ nền văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp. Trong quá trình tiến hành cách mạng công nghiệp, cơ cấu sản xuất công nghiệp dần dần được hoàn chỉnh. Để giải quyết nguồn nhiên liệu và nguyên liệu, ngành khai mỏ phát triển nhanh chóng. Nhờ vậy, người ta có thể khai thác than và các khoáng sản kim loại. Phát minh về phương pháp luyện than cốc năm 1735 là một đóng góp quan trọng cho việc luyện gang thép. Lò luyện gang đầu tiên được xây dựng năm 1784 làm tăng lên gấp nhiều lần khả năng sản xuất đồ kim loại khiến cho các cầu ở nước Anh dần dần được thay bằng cầu sắt, các nhà máy dần dần được trang bị các loại máy công cụ và máy công tác cụ thể. Nhờ vậy hình thành cơ cấu công nghiệp nặng sản xuất máy cái và công nghiệp nhẹ cung cấp các loại hàng tiêu dùng.
Đến đầu thế kỷ XIX, ở nước Anh, việc sử dụng máy hơi nước trở thành phổ biến trong các nhà máy. Ở Pháp số lượng máy hơi nước tăng lên nhanh chóng: năm 1820 - 65 máy, 1830 - 616 máy, 1848 - 4.853 máy. Sản lượng sắt thép 1832 - 148 ngàn tấn, 1846 - 373 ngàn tấn. Ở Mỹ, trong khoảng 1830 - 1837, lượng gang tăng 51%, than tăng 266%.
Do nguồn động lực mới là sức hơi nước, tổ chức sản xuất công trường thủ công hay công xưởng nhỏ không còn phù hợp nữa. Nó được thay thế bằng các nhà máy, cấu trúc của nó bao gồm nguồn phát lực là máy hơi nước, hệ thống chuyền lực và các máy công tác làm ra sản phẩm. Do vậy, việc sản xuất các vật phẩm đơn chiếc dần dần được thay thế bằng việc sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chung về chất lượng và về mẫu mã. Quy mô sản xuất lớn được hình thành trên cơ sở kỹ thuật mà điều chủ yếu là do khả năng ngày càng lớn của nguồn động lực.
Trên cơ sở sử dụng rộng rãi máy hơi nước, ngành giao thông vận tải có những bước chuyển biến lớn. Phương tiện vận chuyển trước đây chủ yếu dựa vào sức kéo của súc vật (xe ngựa, xe bò) hoặc là thuyền bè nhờ sức gió và sức đẩy của nước. Từ đầu thế kỷ XIX, tàu thủy và xe lửa xuất hiện với đầu máy bằng hơi nước. Hệ thống đường sắt lan nhanh, mở rộng khả năng vận chuyển, nối liền các thành thị, các trung tâm công thương nghiệp. Nhờ đó, kinh tế phát triển rất nhanh, các thành phố trở nên sầm uất, thị trường thế giới nhộn nhịp.
Năm 1825, đoạn đường sắt đầu tiên được khánh thành ở Anh nối liền Mantretxtơ với Livecpun, đến năm 1850 trong cả nước đã có 10 ngàn km. Ở Pháp, chiều dài đường sắt năm 1831 mới có 38 km, đến 1847 lên đến năm 1832 km. Ở Mỹ, cũng khoảng thời gian trên, đường sắt dài từ 38 km lên 13.500 km.
Cuộc cách mạng công nghiệp, không chỉ làm thay đổi sức sản xuất mà còn tạo nên sự chuyển biến quan trọng về quan hệ sản xuất. Giai cấp tư sản công thương nghiệp giàu lên nhanh chóng, đông đảo về số lượng và có tiềm lực mạnh về kinh tế. Họ đòi hỏi được tự do kinh doanh, không chấp nhận những quy chế khắc khe của nhà nước phong kiến. Do vậy, họ sẽ là lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến để xác lập quyền thống trị của giai cấp tư sản. Đồng thời, quá trình cơ giới hóa cũng tạo ra sự chuyển biến trong lực lượng lao động. Những người công nhân công nghiệp xuất hiện, hình thành giai cấp công nhân hiện đại, khác với những người thợ của công trường thủ công về tay nghề, về phương thức lao động và ý thức giai cấp. Họ bị giai cấp tư sản bóc lột nặng nề nên mối mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản trở thành mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa.
Điều kiện lao động và sinh hoạt của công nhân vô cùng khổ cực. Họ phải làm việc mỗi ngày 14 - 16 giờ, trẻ em 5-6 tuổi cũng phải làm tới 12 giờ. Tiền công rất thấp, lương phụ nữ chỉ bằng một nửa lương nam giới trong cùng một công việc, tiền công của trẻ em càng rẻ mạt. Lại thêm các khoản cúp phạt nên số tiền kiếm được không đủ nuôi sống gia đình. Nhà máy thì bụi bặm, chật chội, người thợ luôn phải làm một động tác hết sức khẩn trương cho kịp với độ quay của máy nên cường độ lao động rất cao, rất mệt mỏi. Nơi ở thì ẩm thấp, chật chội, dột nát. Sốt rét, bệnh tật, thất nghiệp luôn luôn là mối đe dọa đời sống thợ thuyền. Đó chính là mặt trái của văn minh công nghiệp ngay từ khi mới ra đời khiến cho giai cấp công nhân phải tiến hành đấu tranh bền bỉ để cải thiện đời sống cho mình.
(Còn Tiếp)
Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
1. Bước khởi đầu của cách mạng công nghiệp (giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX)
Việc hoàn thiện và sử dụng máy hơi nước của Giêm Oát được coi là sự mở đầu của quá trình cơ giới hóa, mang ý nghĩa một cuộc cách mạng công nghiệp.
Điều quan trọng nhất là máy hơi nước đã tạo ra nguồn động lực mới làm giảm nhẹ sức lao động cơ bắp của con người. Nó tạo điều kiện cho sự chuyển cách thức lao động bằng tay được thực hiện từ khi loài người xuất hiện sang sử dụng máy. Đó là yếu tố cơ bản của công nghiệp hóa, đánh dấu bước nhảy vọt cách mạng trong lịch sử sản xuất của nhân loại, bước chuyển cơ bản từ nền văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp. Trong quá trình tiến hành cách mạng công nghiệp, cơ cấu sản xuất công nghiệp dần dần được hoàn chỉnh. Để giải quyết nguồn nhiên liệu và nguyên liệu, ngành khai mỏ phát triển nhanh chóng. Nhờ vậy, người ta có thể khai thác than và các khoáng sản kim loại. Phát minh về phương pháp luyện than cốc năm 1735 là một đóng góp quan trọng cho việc luyện gang thép. Lò luyện gang đầu tiên được xây dựng năm 1784 làm tăng lên gấp nhiều lần khả năng sản xuất đồ kim loại khiến cho các cầu ở nước Anh dần dần được thay bằng cầu sắt, các nhà máy dần dần được trang bị các loại máy công cụ và máy công tác cụ thể. Nhờ vậy hình thành cơ cấu công nghiệp nặng sản xuất máy cái và công nghiệp nhẹ cung cấp các loại hàng tiêu dùng.
Đến đầu thế kỷ XIX, ở nước Anh, việc sử dụng máy hơi nước trở thành phổ biến trong các nhà máy. Ở Pháp số lượng máy hơi nước tăng lên nhanh chóng: năm 1820 - 65 máy, 1830 - 616 máy, 1848 - 4.853 máy. Sản lượng sắt thép 1832 - 148 ngàn tấn, 1846 - 373 ngàn tấn. Ở Mỹ, trong khoảng 1830 - 1837, lượng gang tăng 51%, than tăng 266%.
Do nguồn động lực mới là sức hơi nước, tổ chức sản xuất công trường thủ công hay công xưởng nhỏ không còn phù hợp nữa. Nó được thay thế bằng các nhà máy, cấu trúc của nó bao gồm nguồn phát lực là máy hơi nước, hệ thống chuyền lực và các máy công tác làm ra sản phẩm. Do vậy, việc sản xuất các vật phẩm đơn chiếc dần dần được thay thế bằng việc sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chung về chất lượng và về mẫu mã. Quy mô sản xuất lớn được hình thành trên cơ sở kỹ thuật mà điều chủ yếu là do khả năng ngày càng lớn của nguồn động lực.
Trên cơ sở sử dụng rộng rãi máy hơi nước, ngành giao thông vận tải có những bước chuyển biến lớn. Phương tiện vận chuyển trước đây chủ yếu dựa vào sức kéo của súc vật (xe ngựa, xe bò) hoặc là thuyền bè nhờ sức gió và sức đẩy của nước. Từ đầu thế kỷ XIX, tàu thủy và xe lửa xuất hiện với đầu máy bằng hơi nước. Hệ thống đường sắt lan nhanh, mở rộng khả năng vận chuyển, nối liền các thành thị, các trung tâm công thương nghiệp. Nhờ đó, kinh tế phát triển rất nhanh, các thành phố trở nên sầm uất, thị trường thế giới nhộn nhịp.
Năm 1825, đoạn đường sắt đầu tiên được khánh thành ở Anh nối liền Mantretxtơ với Livecpun, đến năm 1850 trong cả nước đã có 10 ngàn km. Ở Pháp, chiều dài đường sắt năm 1831 mới có 38 km, đến 1847 lên đến năm 1832 km. Ở Mỹ, cũng khoảng thời gian trên, đường sắt dài từ 38 km lên 13.500 km.
Cuộc cách mạng công nghiệp, không chỉ làm thay đổi sức sản xuất mà còn tạo nên sự chuyển biến quan trọng về quan hệ sản xuất. Giai cấp tư sản công thương nghiệp giàu lên nhanh chóng, đông đảo về số lượng và có tiềm lực mạnh về kinh tế. Họ đòi hỏi được tự do kinh doanh, không chấp nhận những quy chế khắc khe của nhà nước phong kiến. Do vậy, họ sẽ là lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến để xác lập quyền thống trị của giai cấp tư sản. Đồng thời, quá trình cơ giới hóa cũng tạo ra sự chuyển biến trong lực lượng lao động. Những người công nhân công nghiệp xuất hiện, hình thành giai cấp công nhân hiện đại, khác với những người thợ của công trường thủ công về tay nghề, về phương thức lao động và ý thức giai cấp. Họ bị giai cấp tư sản bóc lột nặng nề nên mối mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản trở thành mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa.
Điều kiện lao động và sinh hoạt của công nhân vô cùng khổ cực. Họ phải làm việc mỗi ngày 14 - 16 giờ, trẻ em 5-6 tuổi cũng phải làm tới 12 giờ. Tiền công rất thấp, lương phụ nữ chỉ bằng một nửa lương nam giới trong cùng một công việc, tiền công của trẻ em càng rẻ mạt. Lại thêm các khoản cúp phạt nên số tiền kiếm được không đủ nuôi sống gia đình. Nhà máy thì bụi bặm, chật chội, người thợ luôn phải làm một động tác hết sức khẩn trương cho kịp với độ quay của máy nên cường độ lao động rất cao, rất mệt mỏi. Nơi ở thì ẩm thấp, chật chội, dột nát. Sốt rét, bệnh tật, thất nghiệp luôn luôn là mối đe dọa đời sống thợ thuyền. Đó chính là mặt trái của văn minh công nghiệp ngay từ khi mới ra đời khiến cho giai cấp công nhân phải tiến hành đấu tranh bền bỉ để cải thiện đời sống cho mình.
(Còn Tiếp)
Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục