Cọng rơm vàng _ Nghệ thuật hát Xẩm Việt Nam

Hide Nguyễn

Du mục số
XẨM




NGÀY XỬA NGÀY XƯA...


Các cụ kể rằng, tục truyền ngày xưa, xưa lâu lắm rồi, có lẽ vào khoảng cuối đời Trần, vua cha sinh hạ được hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh[1]. Thương yêu hai con như nhau, không biết nhường ngôi cho ai, nhà vua liền truyền lệnh cho hai hoàng tử lên rừng đại ngàn tìm ngọc quý, ai đem về trước sẽ được nối ngôi vua. Vâng lời vua cha, hai anh em tức tốc lên đường. Trải qua nghìn trùng gian lao vất vả, cuối cùng hoàng tử Đĩnh đã tìm được viên ngọc quý. Nhưng rồi với lòng gian tham đố kỵ, Toán bèn lừa lúc Đĩnh ngủ say, rút gươm chọc mù hai mắt Đĩnh rồi cướp lấy ngọc đem về. Trong cơn bĩ cực khốn cùng, với cặp mắt mù lòa, hoàng tử Đĩnh đã lần mò trong rừng sâu, nhặt được hai mảnh tre khô, liền gõ vào nhau giả tiếng chim chóc để chúng tha thức ăn đến cho chàng cầm hơi, rồi hoàng tử lần mò dần ra cửa rừng. Vô tình quờ quạng được sợi dây rừng, tước nhỏ, se lại, Đĩnh buộc vào cây song mây hình cánh cung để làm đàn và cất lên những khúc nhạc lòng ai oán. Những người sơn tràng nghe thấy, liền đưa chàng ra khỏi rừng. Từ đó, hàng ngày, hoàng tử Đĩnh lần mò ra xóm chợ, ngã ba đường, kiếm sống bằng chính lời ca, tiếng đàn của mình. Tiếng đồn về những khúc nhạc của người nghệ sĩ mù dần vang xa, lan mãi đến tận kinh thành và tới tai nhà vua... Nhờ đó mà vua cha đã tìm được Đĩnh và trừng trị Toán. Nghệ thuật hát Xẩm nước Nam ta bắt đầu từ đấy.


Trong truyền thuyết về tổ nghề cũng như trong hiện thực, hát Xẩm vốn là một loại hình nghệ thuật âm nhạc của những nghệ sĩ hát rong- mà chủ yếu là những người khiếm thị. Trong mỗi nhóm Xẩm, ít nhất phải có một người như vậy. XẨM vừa là tên gọi của thể loại, đồng thời cũng là tên gọi của những nghệ sĩ hành nghề, như anh Xẩm, chị Xẩm hay bác Xẩm... Trong những đồ nghề bất ly thân của mỗi nhóm Xẩm truyền thống, bao giờ cũng có một chiếc chậu đồng thau. Bên cạnh chức năng vốn có trong sinh hoạt thường nhật, nó còn là vật rất hữu dụng khi Xẩm hành nghề. Trước khi an vị nơi xóm chợ, đầu làng để cất lời ca tiếng hát, họ luôn đặt nó ra trước mặt để khách vãng lai bỏ tiền thưởng. Bởi thời trước, người ta hay dùng tiền kim loại. Khi người xem ném tiền thưởng vào chậu, người nghệ sĩ khiếm thị nghe thấy sẽ biết mình đạt được “thành quả” lao động như thế nào để còn hứng khởi tiếp xướng. Đó quả là một hiện tượng hết sức thú vị!

Theo thời gian, Xẩm đã dần phát triển và định hình thành một nghệ thuật âm nhạc độc đáo với hệ thống làn điệu riêng. Bởi thế, tên những điệu hát này thường hay kèm theo chữ “Xẩm”, như những làn điệu Xẩm xoan, Xẩm chợ… với tính chất lạc quan, khỏe khoắn, tươi vui, yêu đời. Trong hệ thống làn điệu của Xẩm, có những làn điệu hấp dẫn, đặc sắc đến mức các bộ môn nghệ thuật khác như Chèo, Quan họ và thậm chí Ca trù đều phải “vay mượn”, như các điệu Xẩm Huê tình, Xẩm Chợ, Xẩm Xoan... Bài Xẩm Huê tình khi được các đào nương, kép đàn Ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán thính phòng, thường gọi là điệu Xẩm Cô đầu (hay Xẩm Nhà trò). Nói vậy để thấy các nghệ sĩ giáo phường Ca trù rất tôn trọng nghệ thuật Xẩm, họ vẫn giữ chữ “Xẩm” ở làn điệu này nhằm chỉ rõ gốc gác của làn điệu.

Nhìn chung, dung lượng lời ca các bài Xẩm thường khá dài, đủ để chuyển tải nhiều nội dung khác nhau, mang đậm phong cách hát kể chuyện. Không tìm thấy những bài ca ngắn gọn ở đây. Điều này có thể hiểu được, bởi trong môi trường diễn xướng hỗn tạp đông người nơi đầu chợ, bến đò, góc phố.., sự “dài hơi” của những bài ca là điều tối cần thiết. Người ta sẽ không thể cảm nhận kịp những bài ca ngắn (kiểu cấu trúc ca khúc). Thế nên các nghệ sĩ Xẩm luôn phải sáng tạo thật nhiều lời ca dài khác nhau để câu khách. Ngay đến câu ngâm Sa mạc- một làn điệu mà chỉ cần một cặp lục bát là đủ một đơn vị tối thiểu, Xẩm đã dùng để ngâm cả một chuyện thơ dài, như bài Anh khóa chẳng hạn, đến vài chục câu thơ lục bát. Tính kể chuyện- câu khách dường như là một sự thích ứng hoàn hảo trong bộ môn nghệ thuật này. Làn điệu “trường thiên”, nổi tiếng nhất của Xẩm có lẽ là điệu Xẩm Thập ân. Nội dung của nó kể về công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục, từ lúc phôi thai, mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn cho đến lúc trưởng thành như thế nào... Với tính chất da diết, xoáy sâu vào lòng người, Xẩm Thập ân được xem như làn điệu đặc trưng nhất của nghệ thuật Xẩm. Nó được coi như một trường ca giáo hiếu hoàn hảo. Nếu hát liền mạch đủ từ một ân đến mười ân, dễ phải đến nửa giờ đồng hồ. Trong những làn điệu man mác buồn, day dứt, còn phải kể đến điệu Hà liễu- chuyên dùng cho những bài thơ tự sự, giãi bày nỗi niềm, thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa...


pic%203.jpg



Bên cạnh những làn điệu riêng, trên đường phiêu diêu lang bạt kỳ hồ, Xẩm còn du nhập nhiều làn điệu dân ca khác, bên cạnh những làn điệu vay mượn ở những thể loại bạn như hát Ví, Trống quân, Sa mạc, Hành vân, Lưu thủy... Điều đặc biệt, những làn điệu đó đều được “Xẩm hóa” cho đúng với phong cách dân dã, giang hồ của các nghệ sĩ. Như điệu hát Trống quân chẳng hạn, vốn là một điệu hát đối đáp trai gái trữ tình, Xẩm đã chuyên dùng làn điệu này để chuyển tải những nội dung châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội, như bài Dâu lười hay Rể lười... Cũng có khi là cả một bài thơ cập nhật những sự kiện nóng hổi mang tính thời sự.

Về nhạc cụ, ở đây, điều đáng nói trước nhất là cây đàn bầu. Theo truyền thuyết, nó được coi là nhạc cụ đặc trưng của Xẩm lúc ban đầu (thế nên người ta còn gọi nó là đàn Xẩm). Một nhóm Xẩm thuộc loại “vai vế” trong vùng không thể thiếu được nhạc cụ này. Song, phần vì âm lượng hạn chế, phần vì khó học, khó chơi hơn đàn nhị nên không phải nhóm Xẩm nào cũng sử dụng đàn bầu. Chồng bà Hà Thị Cầu- nghệ nhân Xẩm Nguyễn Văn Mậu là một trùm phường Xẩm chơi đàn bầu nổi tiếng thời trước ở vùng Ninh Bình. Theo thời gian, về cơ bản, một nhóm Xẩm thường phải có đàn nhị, sênh, phách và cặp trống mảnh (trống da một mặt). Tùy vào điều kiện nhân lực, họ cũng có thể chơi đủ cả đàn bầu hay đôi khi thêm vào chiếc trống cơm hoặc sáo. Nhưng với hoàn cảnh lang thang kiếm sống nay đây mai đó, nhiều khi chỉ cần một đàn nhị và cỗ phách đơn hay cặp sênh là đủ tiếng tơ đồng phụ họa. Khi trình diễn, bao giờ cũng có một người hát chính, những người còn lại chơi nhạc cụ đệm hoặc hát đỡ giọng khi cần.

Nói về khả năng trình diễn, Xẩm thuộc loại bộ môn mà nghệ nhân luôn phải vừa hát, vừa diễn tấu nhạc cụ cùng lúc. Ở đây, có lẽ tính chất o ép miếng cơm manh áo đã khiến người nghệ sĩ buộc phải rèn luyện tối đa để thích ứng với sự “tinh giảm biên chế”, nhưng vẫn đảm bảo sự phong phú về nghệ thuật. Vừa đàn vừa hát được xem như một tiêu chuẩn “có hạng” của một bác Xẩm thực thụ. Bên cạnh đó, cũng không hiếm những nghệ sĩ đa năng hơn, như bu tôi- nghệ nhân Hà Thị Cầu là một ví dụ điển hình. Bà thường vừa hát vừa có thể sử dụng trống phách bằng cả tay… lẫn chân. Ngón chân phải kẹp 1 dùi gõ cỗ phách. Tay trái cầm cặp sênh, đồng thời gác lên thành chiếc trống mảnh thứ nhất, giữ chặt chiếc trống này tỳ vào đùi bên trái theo phương thẳng đứng. Chiếc trống mảnh thứ hai được gác vào bắp vế đùi trái (hoặc gác vào cổ chân như trong ảnh). Tay phải bà cầm dùi vừa gõ trống, vừa gõ phụ trợ vào cặp sênh.


pic%204.jpg


Hãy thử hình dung xem, tay trái giữ sênh đi một chùm tiết tấu riêng, phách dưới chân đi nhịp đồng độ, tay phải lên xuống gõ “bập bung” vào 2 mặt trống, đồng thời gõ cả vào sênh, miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu, hát cứ như không, thật thiện nghệ, bu tôi đấy!

Xẩm hoạt động theo từng gia đình đơn lẻ. Trong những dịp hội làng, họ cũng thường hay kết nhóm để tăng cường khả năng phối hợp nghệ thuật giữa chốn đông người. Trong từng vùng, các nhóm Xẩm lại kết thành phường hội với sự xắp đặt trên dưới rất có tổ chức. Trùm phường có nhiệm vụ bảo ban, điều hành các nhóm làm ăn sao cho có nền nếp, trật tự. Bên cạnh đó, họ cũng rất có ý thức trong việc tổ chức truyền nghề cho đám con em. “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” là cái nết ăn, nết ở không thể thiếu để các nghệ sĩ có thể dựa dẫm, đùm bọc lẫn nhau trên mọi nẻo đường sinh nhai. Xuân Thu nhị kỳ, khoảng hạ tuần tháng Hai và tháng Tám âm lịch, cả phường Xẩm lại tụ họp với nhau trong những ngày giỗ Tổ nghề. Chẳng có đền đình, miếu điện hay thậm chí một ngôi nhà khang trang nào, họ chỉ “mượn tạm” bãi đất hoang, góc chợ vắng hay ngôi điếm nhỏ ven đường làm nơi dựng đàn tế tổ. Thành tâm, thành ý cầu khấn đức ngài Trần Thánh Sư về chứng chiếu phẩm vật, nghe tiếng đàn ca sáo nhị tấu thờ mà phù hộ độ trì cho Xẩm, mong sao kiếm đủ miếng cơm manh áo giữa dòng đời xuôi ngược. Tế lễ xong, vợ chồng, cha con lại dắt díu, bồng bế nhau lên đường, tỏa đi khắp nơi để kiếm sống bằng lời ca tiếng hát của mình.

Địa bàn hoạt động của các nhóm Xẩm thông thường chỉ cố định tại một tỉnh thành, nơi đông người qua lại. Phần nhiều, các nhóm sẽ “cát cứ”, khoanh vùng hoạt động riêng biệt và không “lấn sân” nhau. Theo lời kể của học giả Tô Ngọc Thanh, hồi còn nhỏ, ông đã từng chứng kiến bốn nhóm Xẩm “trấn giữ” bốn góc hồ Hoàn Kiếm. Có thể nói đó là thời kỳ cực thịnh của nghệ thuật hát Xẩm. Tuy nhiên, khi gặp phải thời kỳ làm ăn khó khăn, đặc biệt là lúc giáp hạt, mất mùa, các nhóm Xẩm đơn lẻ buộc phải đi tha phương, lưu diễn liên tỉnh. Gặp nơi “đất lành”, họ dừng lại hành nghề. Đến khi vận may không còn, lại khăn gói lên đường như những cánh chim không mỏi.

Lịch sử đau thương nhất của Xẩm là thời kỳ nạn đói năm Ất Dậu, rất nhiều nhóm Xẩm đã bị xóa sổ. Nhóm của bu tôi, khi đó, với sự sáng suốt của người chồng- Trùm phường vùng Yên Mô- Ninh Bình đã nhanh chóng ly hương vượt dặm trường, thoát lên tới tận vùng người Mường xứ Thanh. Nhờ vậy mà vợ chồng bà mới thoát nạn. Nói vậy để thấy Xẩm kiếm sống hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội. Nước nổi, bèo trôi, Xẩm không có tấc đất canh tác cũng như bất cứ một nghề phụ nào. Và điều đó cũng có nghĩa, Xẩm là loại hình có tính chuyên nghiệp vào bậc nhất trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.


pic%206.jpg


Từ một môi trường diễn xướng là hát rong, đã phát sinh ra một loại hình nghệ thuật chuyên biệt quả là một hiện tượng đặc biệt trong văn hóa nghệ thuật Việt

Nam. Ở đây, cần hiểu rõ tư cách của người hát Xẩm. Họ là những nghệ sĩ chân chính, làm đẹp cho đời và kiếm sống bằng chính tài năng nghệ thuật của mình. Xẩm hoàn toàn không phải là những người ăn mày. Họ sống bằng những đồng tiền thù lao tự nguyện của mọi người chứ không bao giờ ngửa tay van xin bố thí. Nhìn trên diện rộng, Xẩm cũng giống như tất cả mọi nghệ sĩ chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo. Thù lao không tính trước kiểu “bán vé” mà “tự do thả nổi”, ai muốn trả bao nhiêu thì… tùy! Nghệ nhân Ca trù Kim Đức cho tôi hay, thủa còn “Đào Hồng Đào Tuyết” ở Khâm Thiên, mỗi lần rỗi rãi, thấy nhóm Xẩm đi qua, đám đào kép Ca trù cũng thường mời Xẩm vào nhà trình diễn. Bà cũng thừa nhận Xẩm không ăn xin bao giờ, và nếu muốn nghe Xẩm hát trong nhà, phải có lời mời đàng hoàng, tử tế, mới hay.

Như vậy, đã có một thời, Xẩm là món ăn tinh thần hàng ngày của quần chúng nhân dân lao động. Với bản chất nghệ thuật ngẫu hứng ứng diễn, hát Xẩm có một nội dung nghệ thuật rất phong phú và đa dạng. Như đã biết, nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời. Không chỉ phục vụ cho đám đông ngoài xã hội, người nghệ sĩ hát Xẩm còn luôn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu, nhiều thì trong dịp cưới xin, ma chay, giỗ kỵ.., ít thì đơn giản chỉ là “nhờ bác Xẩm đánh tiếng dùm” với cô nàng thôn nữ đang đứng bên đàng... Thế thôi!


HIỆN TẠI

Đã có một thời hoàng kim của nghệ thuật hát Xẩm trong quá khứ. Lịch sử đã từng ghi nhận như vậy. Còn trong hiện tại, bộ môn nghệ thuật này ra sao?

Trước hết, xin hãy quan sát những người hát rong trên đường phố, với cây đàn ghi-ta điện và bộ khuyếch đại âm thanh lưu động, họ chỉ hát những thể loại nhạc mới, trong đó chủ yếu là “nhạc vàng” của miền Nam trước giải phóng hay nhạc Việt Nam hải ngoại... Họ tuyệt nhiên không biết hát Xẩm và không thể gọi họ là những nghệ sĩ Xẩm truyền thống.

Thực tế, từ thập niên 60 trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau do điều kiện môi trường và xã hội, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm, các phường Xẩm dần tan rã và không hoạt động nữa. Họ được quy tụ lại trong những hợp tác xã vót tăm tre, hay bện… chổi rơm. Các nghệ nhân Xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ vốn đã từng lưu giữ và thực hành. Đời sống xã hội của nghệ sĩ Xẩm không còn nữa.

Trong các trường đào tạo nghệ thuật âm nhạc của ta, nhạc cổ truyền dân tộc vốn chỉ được giảng dạy với một dung lượng hạn chế, theo kiểu “mỗi thứ một tí”, trong số đó tuyệt nhiên không có nghệ thuật Xẩm.

Đây đó, một số đoàn Chèo, một vài nghệ sĩ có ý thức giữ gìn nghệ thuật Xẩm đã tiếp thu được vài làn điệu để làm vốn trình diễn. Trong số đó, có nghệ sĩ Thanh Hoài, Xuân Hinh, Thanh Ngoan... là những hiện tượng đáng trân trọng và nên phát huy. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng, dung lượng của nghệ thuật Xẩm truyền thống ở đây đã bị “nhòa” đi rất nhiều, vì bản thân họ vốn là nghệ sĩ hát Chèo. Họ thường xử lý kỹ thuật thanh nhạc trong bài bản có nhiều điểm khác hẳn với nghệ nhân Xẩm.

Hiện tại, vâng! Vẫn trong hiện tại, còn một nghệ nhân Xẩm cuối cùng của Việt Nam, đó là bu tôi- nghệ nhân Hà Thị Cầu, đã vào cái tuổi bát thập cổ lai hy, hiện đang sống tại Yên Phong- Yên Mô- Ninh Bình. Bà đã được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú. Tuy vậy, những người nghiên cứu và bảo vệ văn hóa nghệ thuật cổ truyền vẫn gọi bà là NGHỆ NHÂN- cái danh hiệu cao quý mà chỉ có cuộc đời mới phong tặng được cho những bậc tài danh như bà.


pic%208.jpg


TƯƠNG LAI (Thay cho lời kết)


Nếu chúng ta không kịp làm những gì mà “thà muộn còn hơn không có” thì, chắc hẳn trong tương lai xa xôi, người đời sau sẽ kể lại rằng: “Ngày xửa ngày xưa, xưa lâu lắm rồi, vào khoảng cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, ở Việt Nam ta còn mỗi một nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng. Mọi người đều ý thức được điều đó. Ấy thế mà nghệ thuật Xẩm vẫn bị thất truyền..!”


Bùi Trọng Hiền
 
XẨM.

Trình bày : Nghệ nhân Hà Thị Cầu

[FLASH]https://static.mp3.zing.vn/skins/gentle/flash/mp3playlist.swf?xmlURL=https://mp3.zing.vn/play/?pid=IW6AA8ZE||1&songID=0&autoplay=false&wmode=transparent[/FLASH]
 
Xẩm có thể nói là loại hình âm nhạc kể chuyện bám sát văn học dân gian, nội dung đề cập đến những vấn đề của đời sống nhất so với các loại hình âm nhạc dân gian khác như ca trù, chầu văn, chèo…Phần lớn phần lời của các bài xẩm là do các nghệ sĩ xẩm tự chế, là những tự sự về thân phận của mình, nỗi khổ của những người nghèo khó, cảnh đời ngang trái. Hay có những chuyện vui nhẹ nhàng, hóm hỉnh, mang tính chất châm biếm các thói hư tật xấu, lên án những hủ tục, tố cáo tội ác của kẻ áp bức, thống trị. Có thể coi những người hát xẩm là những người kể chuyện rất tài ba.

Hát xẩm thường tụ nhau thành những nhóm nhỏ từ 2 - 3 hoặc 4 người, gồm vợ chồng, con cái, hoặc anh em, bè bạn... Trong số này, trưởng nhóm thường là người cầm đàn bầu - hoặc nhị, hồ - tự chơi, tự đệm và hát chính. Những người khác đều phải biết chơi tối thiểu một nhạc cụ. Điều đáng nói là trên sân khấu của nghệ thuật hát xẩm thường cùng lúc diễn ra ba công việc: biểu diễn, sáng tác và truyền nghề. Khi một người được tuyển chọn tham gia với nhóm hát, ông trưởng nhóm phải huấn luyện cho người đó chơi nhạc cụ hoặc cách hát xướng, cách phổ thơ, soạn thơ... suốt cả quá trình biểu diễn.

Các làn điệu chính của Hát xẩm gồm có: xẩm chợ, chênh bong, riềm huê, ba bậc, phồn huê, hò bốn mùa, hát ai, thập ân. Sau này, khi người hát xẩm ở thôn quê lên các thành thị hát kiếm sống (đặc trưng là Hà Nội) mới sáng tạo thêm các làn điệu mới như xẩm tàu điện, bến xe(thực ra đây cũng không thể liệt vào làn điệu của xẩm được), chỉ là các nghệ sĩ dựa trên các lối hát cũ mà hát nhanh lên, bóng bẩy hơn để phù hợp với không gian sống sôi động, và hát xẩm những bài thơ nổi tiếng thời đó để phục vụ một lớp người có trình độ học vấn ở thành thị, và dùng các chỗ mình hay biểu diễn mà gọi cái lối hát mới đó.


Những nghệ nhân, nhà nghiên cứu

Gần đây, khi công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn dân ca được chú trọng, các nghệ nhân hát xẩm hiếm hoi còn lại như bà Hà Thị Cầu đã được tổ chức truyền lại cho thế hệ sau loại hình dân ca này. Sau mấy chục năm gián đoạn, ngày 29 tháng 3 năm 2008 (22 tháng 2 âm lịch), lễ giổ tổ nghề hát xẩm cũng đã được phục hồi và tổ chức một cách trọng thể tại Quốc tử giám, Hà Nội.


2920477989_fcfa17c6c8.jpg



Một số nghệ nhân và nhà nghiên cứu:

* Nghệ nhân hát xẩm:

- Vũ Đức Sắc (Hà Nội)
- Thân Đức Chinh (Bắc Giang),
- NSUT Hà Thị Cầu (Ninh Bình),
- Nguyễn Văn Khôi (Hà Tây), Minh Sen,
- Tô Quốc Phương (Thanh Hoá)...

* Nhà nghiên cứu:

- Vũ Ngọc Phan,
- Trần Văn Khê,
- Trần Việt Ngữ,
- Hoàng Kiều,
- Thao Giang...

* MỘT SỐ BÀI

Xẩm chợ
Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Hoài




Xẩm Xoan
NGhệ sỹ Ưu tú : Thanh Ngoan




thanhngoan.jpg




Tài liệu sưu tầm.
 
Tối thứ Bẩy, cái lạnh buốt của trời đêm Hà Nội những ngày cuối năm Đinh Hợi như được hâm nóng bởi dòng người xuôi về chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân.

Chị cũng giống như bao người, đến chợ đêm, chỉ có điều, chị tới không phải để mua sắm hay thưởng thức các món ăn dân tộc mà để hát xẩm. Chị cất tiếng hát, lúc là những giai điệu buồn man mác hoà cùng tiếng đàn bầu, tiếng nhị réo rắt, lúc lại vui với nhịp trống phách rộn ràng.

Khách bộ hành qua đây đã nghe quen giọng hát của chị, nhưng ít ai biết rằng chị, nghệ sĩ Thanh Ngoan, là một trong những người đầu tiên sáng kiến đưa hát xẩm trở lại góc chợ Đồng Xuân với hy vọng gìn giữ loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này.


xam.jpg
Vào thời kỳ cực thịnh của xẩm, chợ Đồng Xuân là một trong những điểm dừng chân của các nhóm xẩm từ khắp nơi đổ về trong đó có cả bốn gánh xẩm thường chia nhau hát ở bốn góc hồ Hoàn Kiếm. Đó là trước năm 1945, sau giai đoạn này, nạn đói đã xóa sổ gần hết các nhóm xẩm. Nghệ nhân xẩm cuối cùng của Việt Nam còn sống đến nay là nghệ nhân Hà Thị Cầu, tuổi ngoài 80, sống tại tỉnh Ninh Bình.

Qua giọng hát của bà, người ta có thể mường tượng ra một kiếp người phiêu bạt, đầy sóng gió. Người ta có thể thấy nỗi buồn da diết, lòng thương nhớ cha mẹ vô hạn khi nghe bà hát Xẩm Thập Ân và cảm nhận lòng yêu nước sâu sắc khi thưởng thức “Con ơi theo Đảng trọn đời”. Mỗi một nhạc cụ sử dụng trong hát xẩm có chùm tiết tấu riêng, ấy vậy mà bà vừa hát, vừa kéo đàn, gõ sênh và đánh trống.

Dưới hình thức kể chuyện có nhạc điệu, nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng như những người hát xẩm nói chung tự sự về thân phận của mình, đôi lúc, bằng sự sáng tạo tài tình qua lời ca và nhịp điệu mà trên cùng một làn điệu, họ mang đến những chuyện vui hay bài châm biếm thói hư tật xấu ở đời, lên án ngoại bang xâm lược hoặc nêu cao tấm gương anh hùng liệt sỹ. “Sức hấp dẫn của xẩm chính là khả năng sáng tạo của những người nghệ nhân”, nghệ sĩ Thanh Ngoan nói.

Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, nhiều người thường nói có xẩm tàu điện, xẩm bến đò, xẩm chợ, nhưng đó không phải là những tiêu chí phân loại. Ông Ngữ cho rằng, xẩm có 7 bài đặc trưng gồm Xẩm Chợ, Chênh Bong, Riềm Huê, Ba Bực Nhịp Bằng, Phồn Huê, Hát Ai và Xẩm Thập Ân.

Hát xẩm là một trong những thể loại hát rong của người Việt thuở xưa và là thể loại đặc trưng của những người khiếm thị. Họ thường đi từng tốp từ hai đến năm người, có khi là thành viên trong một gia đình.

“Người hát xẩm là những nghệ sĩ chân chính, kiếm sống bằng tài năng nghệ thuật của mình. Họ không phải là những người ăn mày,” nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.

Theo ông Hiền, không một cuốn sách nào ghi thời gian xẩm ra đời mà chỉ có Truyền thuyết kể lại rằng, cuối đời Trần, nhà vua truyền lệnh cho hai hoàng tử Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh đi tìm ngọc, ai mang về trước sẽ được nối ngôi. Đĩnh tìm thấy ngọc nhưng Toán lừa lúc Đĩnh ngủ say, trọc mù hai mắt em, cướp ngọc mang về. Trong cơn bĩ cực, Đĩnh lần ra cửa rừng, nhặt được hai mảnh tre khô, gõ vào nhau giả tiếng chim để chúng tha thức ăn về, rồi quờ được sợi dây rừng, Đĩnh buộc vào cây song mây làm đàn. Ra khỏi rừng, chàng kiếm sống bằng lời ca tiếng đàn. Tiếng đồn về người nghệ sĩ mù lan đến kinh thành, nhờ đó, nhà vua tìm được Đĩnh và trừng trị Toán. Nghệ thuật hát xẩm nước Nam bắt đầu từ đây.

Truyền thuyết về hoàng tử Đĩnh đã trở thành bài học đầu tiên cho bất kỳ sinh viên khoa âm nhạc dân gian nào muốn nghiên cứu về hát xẩm, nghệ sĩ Thanh Ngoan nói và cho biết thêm chị cùng với thầy Minh Khang, nghệ sĩ Thao Giang, NSND Xuân Hoạch, Nhạc sĩ trẻ Quang Long đang phối hợp với Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương mở một khoa dân tộc học.

Nhóm nghệ sĩ này còn thành lập Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc nhằm nghiên cứu, gìn giữ môn nghệ thuật này. Họ đều có chung một nỗi niềm là sợ tới một ngày hát xẩm bị thất truyền. Ý tưởng mở ra một chiếu xẩm ở chợ Đồng Xuân cũng xuất phát từ nỗi lo ấy.

Bà Lê Thị Minh Lý, Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa đang dự tính sẽ thiết kế một mô hình giống như câu lạc bộ để gìn giữ xẩm. “Tôi muốn áp dụng với hát xẩm một mô hình như thế, tôi tin rằng điều này khả thi và bền vững,” bà Lý nói.

Hiện tại, Cục đã tiến hành tư liệu hóa các bài hát xẩm và đưa về các ngân hàng dữ liệu. Tuy nhiên, theo bà Lý “đây không phải là biện pháp cuối cùng của bảo tồn, mà quan trọng là làm sao phải có người kế thừa. Do vậy, chương trình quốc gia đến 2010 là hướng đến phục hồi, trao truyền, kết nối và phổ biến”.

Trời càng về khuya càng lạnh, những người nghệ sĩ vẫn miệt mài với từng câu hát. Góc chợ Đồng Xuân kín ghế ngối xem hát xẩm. Thanh Ngoan đu đưa theo nhịp hát: “Hà Nội như động tiên sa. Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần. Vui nhất có chợ Đồng Xuân. Mùa nào thức nấy xa gần đến mua …”.

Người ta thấy chị vui khi hát nhưng tôi biết trong lòng chị luôn day dứt một điều làm sao để xẩm sống mãi trong lòng người nghe./.




nhacvietplus.vietnamnet.vn
 
Hát xẩm vốn vẫn bị coi là thứ nghệ thuật “mạt hạng” chủ yếu thuộc về những người khiếm thị lang thang kiếm ăn. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, ông tổ nghề xẩm lại xuất thân là một Hoàng tử.



1237595374.img.jpg


ảnh minh họa

Sau nhiều năm bị quên lãng, giỗ tổ nghề xẩm là một trong những hoạt động đặc sắc mà ít người biết tới đã bắt đầu được khôi phục lại từ năm 2008.Giỗ tổ xẩm được tổ chức vào ngày 22/2 âm lịch (tức ngày 18/3/2009) tại đình Hào Nam (Hà Nội) như một sự khẳng định về những nét đặc sắc và giá trị của nghệ thuật này. Đây là năm thứ hai được khôi phục lại và giỗ tổ xẩm vẫn thu hút đựơc sự tham gia của nhiều nghệ sỹ danh tiếng.



xam3.jpg




xam4.jpg




Theo truyền khẩu, ông tổ nghề hát xẩm là Trần Quốc Đĩnh (con trai vua Trần Thánh Tông). Tương truyền, vua Trần Thánh Tông có hai người con trai là Trần Quốc Đĩnh và Trần Quốc Toán. Nhà vua truyền cho hai người con trai này phải vào rừng tìm ngọc quý, ai tìm thấy sẽ truyền ngôi báu.

Người anh Trần Quốc Đĩnh vốn là người chăm chỉ nên luôn lo lắng, chú tâm đi tìm ngọc. Còn người em thì mải chơi săn bắt mà không để ý gì đến việc vua cha sai bảo. Cuối cùng Trần Quốc Đĩnh tìm được ngọc quý trước. Người em rắp tâm chiếm đoạt nên đã chọc mù mắt anh cướp ngọc về dâng vua cha chiếm đoạt ngôi báu.

Người anh Trần Quốc Đĩnh với đôi mắt mù loà lang thang trong rừng sâu. Ông mò mẫm và tìm được những sợi dây rừng. Bụt hiện lên và truyền cách kết các sợi dây lại làm đàn. Không ngờ, âm thanh từ sợi dây ấy khiến chim muông trong rừng quây quần lại quanh ông. Hàng ngày, chúng mang thức ăn đến cho người mù bạc phận sinh sống qua ngày. Rồi những người tiều phu nghe được những âm thanh vừa ai oán, vừa sâu lắng của người mù nọ liền đưa ông về làng sinh sống.

Trần Quốc Đĩnh dùng tiếng đàn và lời ca của mình truyền dạy cho những người mù lòa biết đàn hát. Câu chuyện tiếng đàn đặc biệt và những lời ca của một người mù cuối cùng cũng đến tai nhà vua. Ngài mời người mù nọ đến và nhận ra đó chính là con trai của mình nhưng vị hoàng tử này vẫn một mực xin được ở lại chốn dân gian để truyền dạy tiếp nghệ thuật đàn, hát cho những người khiếm thị kém may mắn kiếm kế sinh nhai.

Ghi nhớ công ơn của vị hoàng tử Trần Quốc Đĩnh, những người hành nghề hát xẩm chọn ra một ngày để tưởng nhớ đến ông. Tuy nhiên, do xẩm vốn bị coi rẻ và cho là nghệ thuật của tầng lớp đáy cùng xã hội nên việc thờ tự vị Tổ nghề cũng không được long trọng và cố định. Giỗ tổ nghề xưa kia cũng chỉ được tổ chức tại các bãi đất hoang chứ không được phép tiến hành tại những nơi trang trọng.

Tất nhiên, không ai khẳng định chi tiết của câu chuyện trên là sự thật. Các cứ liệu lịch sử cũng không hề đề cập đến nhân vật “hoàng tử” Trần Quốc Đĩnh và nhân vật này có phải là ông tổ nghề xẩm hay không. Hoàn toàn có khả năng, những người hát xẩm đã tự dựng nên câu chuyện này để thể hiện nghệ thuật hát xẩm vốn được xuất phát từ một nhân vật quyền quý trong triều đình. Điều này sẽ góp phần an ủi cho thân phận hẩm hiu của những người buộc mình phải đi theo nghiệp hát xẩm - một nghệ thuật mà không ai muốn gắn bó suốt đời.

Ngày nay, giỗ tổ nghề xẩm bắt đầu được Trung tâm phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam đứng ra tổ chức thường niên. Các nghệ sỹ như Xuân Hoạch, Hạnh Nhân, Thanh Ngoan, Văn Ty... là những thành viên tích cực đứng ra tổ chức các hoạt động khôi phục lại nghề xẩm. Hoạt động này thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả và những người làm nghệ thuật.

Nghệ thuật đường phố này đã không còn phải mang những nỗi tủi hờn, bi lụy mà đã được xem như một trong những nghệ thuật văn hoá dân gian cổ truyền đặc sắc cần lưu giữ của Việt Nam.



Nguồn:Sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top