Chuyện chưa kể về dân tộc Chứt

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Chuyện chưa kể về dân tộc Chứt

Trước năm 1958, người dân huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chưa biết ở trong địa bàn có cộng đồng người Chứt sinh sống. Một thời gian dài, một số người đã xuống một số khu chợ ở Hương Khê đổi chim thú săn bắn được để lấy gạo, muối, dao, rựa…Từ đó, cuộc “hành quân” đi tìm dân tộc lạ bắt đầu. Người Chứt ở Hương Khê được phát hiện, tuy nhiên phải đến năm 1992, các nhà khoa học mới chính thức xác định dân tộc Chứt chính là dân tộc đang sinh sống ở khu vực miền núi thuộc huyện Hương Khê.

VnMedia xin gửi tới bạn đọc loạt bài về quá trình tìm kiếm, phát hiện và những nỗ lực đưa tộc người Chứt hòa nhập cộng đồng đầy gian khó...

Những “vị khách” đặc biệt

Ông Phan Văn Đệ, nguyên chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, khoảng tháng 4 năm 1958, một số người dân lên UBND huyện trình báo về việc có một số người ăn mặc rách rưới vào địa phận của huyện rồi nhảy lên xe goòng (loại xe chạy bằng đường ray, dùng để chở khách những đoạn ngắn). Nhưng khi hỏi đến tiền xe, tất cả đều lắc đầu nguầy nguậy, đáp lại bằng tiếng Kinh trọ trẹ: “Bọn ta làm gì có tiền. Nếu ta không đi, xe vẫn cứ chạy cơ mà”. Sau đó, có nhiều người khác cũng lên trình báo về những người lạ mặt vào ăn phở, cắt tóc…cũng quỵt tiền.

Những người lạ mặt đó là ai, từ đâu đến, và đến vì việc gì, cả huyện Hương Khê xôn xao bàn tán. Người nói ra, nói vào, trăm ngàn cái ý kiến lớn nhỏ. Có người thì bảo đó là những người dân tộc Rục, dân tộc Cọi từ Quảng Bình di cư sang, người lại đoán đó chính là người Lào…Có mấy bà tiểu thương ở các xã vùng sâu vùng xa lên huyện buôn bán khi nghe chuyện lại cho biết thêm rằng những người mang dáng dấp như được kể thỉnh thoảng năm thì mười họa có ra chợ Un, chợ Đồn (thuộc xã Lộc Yên, Hương Khê) trao đổi con thỏ, con gà săn được để lấy muối, lấy gạo. Nhiều cán bộ đi tuần tra biệt kích trên rừng cũng làm câu chuyện thêm màu sắc khi kể về những người đi săn mà họ phát hiện được. Những người đi săn mà họ nhìn thấy đều ăn mặc rách rưới hoặc trên mình không mảnh vải che thân.

Chính quyền huyện Hương Khê chính thức vào cuộc. Cuối năm 1958, một số cán bộ huyện được phân công đi tìm hiều những vị khách bí ẩn. Người dân Hương Khê cũng được thông báo để lúc nào thấy những người lạ mặt này thì thông báo ngay cho chính quyền. Phải mất có khi cả tháng, những vị khách bí ẩn mới xuất hiện. Nhưng khổ nỗi, vốn tiếng Kinh của họ quá ít, chỉ đủ để chào, đổi thú rừng lấy gạo. Không ai giao tiếp nổi với họ. Những người biết tiếng Lào được mời đến, nhưng cũng chỉ nhìn nhau lắc đầu.

vnm_2011_319742.jpg

Một góc bản Rào Tre, nơi người Chứt định cư và hòa nhập với cộng đồng

May thay, sau nhiều lần tìm cũng gặp được một "vị khách lạ" nói tiếng Kinh khá tốt. Họ tự nhận họ là Maleng (chẳng ai biết maleng là gì nên đọc chếch thành Mã Liềng), có nguồn gốc từ Lào, sống trên núi với khoảng hơn chục hộ. Thỉnh thoảng họ có qua lại với một số dân tộc ở Quảng Bình nên biết nói tiếng Kinh. Biết chắc có đồng bào dân tộc còn chưa được phát hiện sống ở địa bàn huyện, chính quyền huyện Hương Khê bắt đầu cuộc tìm kiếm dân tộc bí ẩn.

Năm 1959, huyện thành lập đoàn khảo sát gốm các đồng chí Hồ Sỹ Định, Chủ tịch UBND huyện, Trần Đình Hậu, Bí thư Huyện uỷ, Nguyễn Tư, phó Chủ tịch UBND huyện, Phan Văn Đệ, uỷ viên UBND cùng hai đồng chí khác đi tìm dân tộc chưa rõ lai lịch.

Hành trình “Theo dòng sông”

Theo chỉ dẫn của những vị khách bí ẩn, họ sống trên núi, chỗ ngã ba Lào, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Còn vị trí chính xác thì họ không định vị được. Mà xin đi theo họ lên bản thì họ nhất quyết không chịu.

Cả đoàn đánh phải tự tìm đường đi. Dự đoán dân tộc kiểu gì cũng phải sống gần nguồn nước, đoàn khảo sát quyết định “hành quân” theo sông Tiêm, ngược dãy Trường Sơn. Hành trình theo dòng sông ròng rã như thế suốt hai ngày trời mà không có kết quả gì. Đến ngày thứ 3, khi bụng đói, chân mỏi, mắt mờ thì bỗng có người nhìn thấy những ánh lửa lập lòe trong hang đá. Quên cả mệt, cả đói, mọi người chạy vội đến thì thấy xung quanh cũng có nhiều hang đá. Ngoài những hang đá ra còn có cả những túp lều rách nát dựng bằng cây rừng.

Thấy người lạ, những người trong hang trên người không một mảnh vải che thân chạy đến, ngó nghiêng rồi phi thẳng vào rừng sâu hoặc trèo lên cây trốn. Một số người can đảm hơn ở lại nhìn đoàn người không biết từ đâu đến với ánh mắt dò xét và nói những câu bằng tiếng dân tộc. Dân tộc bí ẩn đã được tìm thấy.


vnm_2011_319741.jpg

Người Chứt tuy đã đinh cư, nhưng do tập quán văn hóa, trình độ học vấn còn ít nên cuộc sông vẫn còn khá khó khăn

Sau khi phát hiện được dân tộc mới, huyện Hương Khê đã mất hàng tháng trời để làm quen và gọi từng người từ trong hang đá ra, tập trung tất cả lại và “hành quân” về xóm Vĩnh Thắng, xã Hương Vĩnh. Ở đây một thời gian, mọi người lại hành quân lên rừng, chọn chỗ đất tốt dựng bản, đặt tên bản là bản Mèo Thây (bây giờ là bản Giàng) thuộc địa phận xã Hương Liên, Hương Khê để bắt đầu cưa gỗ, làm nhà cho người dân tộc.

Chính quyền huyện Hương Khê cử một số cán bộ đầu tiên lên ở với bà con dân bản để dạy chữ, dạy cách định canh định cư, làm kinh tế. Hàng năm, huyện đều tổ chức phát gạo, muối, quần áo. Khó khăn nhất với những cán bộ đầu tiên lên bản là việc phải làm quen với người Chứt để họ đỡ bỡ ngỡ, lạ lẫm. Cách làm quen chủ yếu là bắt chuyện với những người biết chút ít tiếng Kinh và hoà vào cuộc sống của họ, làm quen với những phong tục, tập quán của người Chứt.

Sau khi làm quen, các cán bộ bám bản mới dạy dân tộc Chứt biết tiếng Kinh. Ban đầu, mọi người đưa ra các đồ vật cụ thể để dạy tiếng. Sau khi đã biết được một số từ tiếng Kinh cơ bản, người Chứt được học các bài hát thiếu nhi. Ngày 19/5/1960 , các cán bộ đã tổ chức cho bà con lễ sinh nhật Bác Hồ. Khi đó mọi người đều đã được kể những câu chuyện về Bác Hồ.

Một cán bộ đề nghị đặt họ cho người Chứt. Khi được hỏi muốn đặt họ gì, mọi người đều lắc đầu: “Ta không biết, ta chỉ biết đếm mùa nương, mùa rẫy”. Đang nghĩ xem không biết dùng họ gì thì hợp lý thì một người phụ nữ trong bản lên tiếng: “Ta là con cháu Bác Hồ, nên ta sẽ lấy họ “Hồ””. Mọi người cùng nhất trí. Thế là họ “Hồ” được đặt cho những người dân tộc Chứt.

Cũng trong đêm đó, ông Hồ Sinh, một người có uy tín trong bản được bầu làm trưởng bản. Dân tộc Chứt được hình thành và sống ổn định cho đến những năm 1966, khi giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc.


Việt Dũng - VnMedia

 
Khám phá dân tộc Chứt

Sau ngày phát hiện và đưa người Chứt tập hợp thành bản, định canh định cư, các cán bộ thuộc UBND huyện Hương Khê đã thường xuyên cắt cử nhau bám bản, cùng sống, tìm hiểu những phong tục của người Chứt và khám phá được nhiều điều thú vị
Những phong tục kỳ lạ của người Chứt

Sau khi tìm được dân tộc lạ vốn sống ở vùng núi Hương Khê, ngoài một số cán bộ bám bản để người Chứt không tiếp tục chạy vào rừng làm rẫy, hàng tháng, ông Phan Văn Đệ - nguyên chủ tịch UBND huyện Hương Khê cũng phải lặn lội đường núi vào bản để chứng kiến cuộc sống của đồng bào và nghiên cứu các phong tục, tập quán của họ. Bên cạnh đó, phải thường xuyên vận động anh em phải thích nghi với những phong tục, tập quán để dễ dàng tiếp xúc hơn với người Chứt. Theo ông Đệ, cái khó khăn nhất để thích nghi chính là những món ăn của dân tộc.

vnm_2011_320304.JPG
Trẻ con người Chứt sinh ra đã phải tự mình đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc sống

Món ăn của người Chứt hàng ngày chủ yếu là củ nâu, củ mài, măng, ếch và nhái. Ếch và nhái thường được phơi khô, sấy bằng khói để ăn dần. Bên cạnh đó, người Chứt còn có món “đặc sản” được gọi là “canh bồi”. Món ăn này được chế biến bằng cách dùng măng nứa ngâm nước, đâm vào một ít bột gạo và thịt nhái rồi hầm lên như nấu cháo. Đó là hai món ăn mà như ông Đệ nhận xét là “không dễ gì mà làm quen được”.


Ngày mới phát hiện ra, đồng bào sống tạm bợ trong các hang đá hoặc các túp lều dột nát. Người Chứt rất mê tín và tin vào việc mọi người đều có linh hồn sau khi qua đời. Chính vì thế, nếu gia đình nào có người chẳng may mất đi, lập tức họ sẽ đặt người chết lên các hốc đá trong rừng, sau đó vào rừng tìm những cây thật to, bóc lấy lớp vỏ và bó vào thi thể của người chết, để như thế đúng một ngày một đêm. Sau đó, trước khi từ biệt, mỗi người trong bản sẽ dùng dao cắt một miếng trên vỏ cây đã được dùng để bó thi thể, mang theo trong người. Sau đó họ để lại thi thể một ít thóc, củi, dao, nồi…Họ tin rằng nếu làm như vậy, linh hồn người chết sẽ luôn bên cạnh, phù hộ giúp đỡ trồng được nhiều lúa, săn được nhiều thú, đi rừng tránh được rắn rết, hổ báo và những con ma rừng.

Người Chứt cũng có một tập tục rất lạc hậu mà phải đến hàng chục năm, các cán bộ bám bản mới xóa bỏ được. Đó là những người phụ nữ khi đến kỳ sinh nở hoặc những ngày "đèn đỏ", họ sẽ phải ở một mình ngoài rừng, sát bên bờ suối. Những người phụ nữ này phải ở trong những căn lều lợp hoàn toàn bằng lá rừng. Đồng bào quan niệm rằng những phụ nữ ở trong thời kỳ đó thường không được sạch sẽ, nếu ở cùng mọi người sẽ mang lại điều không may mắn.

Bên cạnh những tập quán lạc hậu, người Chứt cũng có những nét văn hóa khá đặc sắc. Họ có tập tục cúng lúa mới bằng cách gặt lúa rẫy về, rang gạo để cúng. Ngày cúng lúa mới cũng là ngày hội. Đồng bào cùng quây quần và hát những bài hát bằng tiếng dân tộc trong tiếng đàn Chơ-ra-bon khuấy động núi rừng. Ông Đệ cho biết, cây đàn Chơ–ra–bon có lẽ là nhạc cụ duy nhất mà người Chứt còn lưu giữ được. Chiếc đàn chỉ gồm một ống nứa và một sợi dây cước, dùng một thanh nứa mỏng, dẹt kéo qua kéo lại như đàn violon. Chiếc đàn tuy đơn sơ nhưng phát ra những âm thanh rất du dương.


vnm_2011_320303.JPG
Tộc người Chứt nay đã được các bác sĩ đến tận bản chăm sóc nhằm xoá đi những hủ tục chữa bệnh lạc hậu như: cúng bái, đuổi tà ma...

Cũng theo lời ông Phan Văn Đệ, ngoài ngôn ngữ, những cán bộ lên đây còn tìm ở trong các hang đá và phát hiện người Chứt cũng có chữ viết riêng, hao hao giống chữ Lào, được viết trên da thú, lá cây. Nhưng những người Chứt thời bấy giờ không ai đọc được, viết được những từ cổ đó. Về sau, do chiến tranh và việc bảo quản không được cẩn thận nên những tấm da, lá cây đó đã bị thất lạc hoặc bị thú rừng mang đi. Từ đó, chữ viết của người Chứt chính thức bị thất truyền.


Những người Chứt yêu nước

Trước khi người Chứt được tìm thấy, họ vẫn chưa biết thế nào là bom đạn, là giặc Mỹ, mặc dù đã nhiều người phải bỏ mạng trong làn bom của kẻ thù. Mãi cho đến sau này, những cán bộ vào bám bản đã kể cho đồng bào về chiến tranh, giặc Mỹ, về Bác Hồ.

Ông Phan Văn Đệ cũng không hiểu tại sao để xóa bỏ tập tục, giúp người Chứt tiếp cận với cuộc sống văn minh khó khăn như thế. Nhưng kể cho họ về tội ác của giặc Mỹ, về những tấm gương chiến sỹ đã hi sinh, về Bác Hồ thì họ lại tiếp thu nhanh đến thế. Khi bộ đội biên phòng dạy cho người dân cách cầm súng, mọi người đều học hết sức hăng hái, nhiệt tình, sẵn sàng cầm súng đánh giặc nếu như được yêu cầu. Trong suy nghĩ của họ, Bác Hồ như là vị thánh, vị thần và được gọi bằng cái tên trìu mến: “Cụ Hồ”.



vnm_2011_320302.JPG
Ông Phan Văn Đệ - Nguyên chủ tịch UBND huyện Hương Khê bồi hồi kể lại những năm tháng đưa người chứt xuống núi

Tháng 4/1964, một nhóm trí thức phản động là các sinh viên học đại học ở Hà Nội lấy giấy giới thiệu là đoàn thăm dò địa chất định vượt biên giới qua khu vực xã Hương Liên. Vào bản, chúng tiếp xúc với dân bản để nhờ dẫn đường qua biên giới. Ban đầu, thấy đoàn cán bộ vào thăm, dân bản đã tiếp đón và chỉ dẫn nhiệt tình. Nhưng ở bản vài ngày, nhóm phản động đã có những biểu hiện đáng ngờ. ông Hồ Sinh, trưởng bản lúc đó đã cử người bí mật theo dõi nhóm “cán bộ” trên.

Chẳng mất nhiều thời gian, kế hoạch đào tẩu sang Lào chạy trốn của nhóm trí thức dỏm bị phát hiện. Trước tình hình đó, bà con trong bản đã bí mật truyền tai nhau: “Bọn này là người xấu. Bọn này chắc chắn không phải là người Cụ Hồ rồi. Ta phải giúp chính phủ, giúp Cụ Hồ bắt bọn này”. Rồi trưởng bản Hồ Sinh đã chỉ đạo một số người dẫn chúng vào rừng sâu, lừa chúng lên một ngọn núi cao, hiểm trở và để chúng lại ở đó. Sau đó, họ lừa lấy tất cảt các dụng cụ đi rừng của chúng, gom lại thành một đống rồi đem đốt và tìm cách báo cho chính quyền huyện.


Nhận được tin, UBND huyện Hương Khê đã cử người lên phối hợp với bộ đội biên phòng đi vào khu vực núi mà bọn phản động bị giam lỏng, bắt gọn cả nhóm. Sau đó, nhóm trí thức phản động này đã bị đem ra xét xử. Ít lâu sau chiến tích bắt nhóm trí thức phản động, trưởng bản Hồ Sinh cùng những người dân tộc Chứt ở bản Mèo Thây đã được nhiều người biết đến. Sau đó, ông Hồ Sinh được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.

Việt Dũng - VnMedia
 
Chuyện chưa kể về dân tộc Chứt: Tổ công tác đặc biệt

Năm 1966, khi giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, bản của người Chứt nằm dưới đường bay của máy bay Mỹ. Sợ máy bay, cả bản trốn vào rừng sâu, trở lại với cuộc sống nguyên thủy. Một đội có tên gọi: “Tổ công tác Miền Tây” được thành lập để đưa người Chứt trở lại với cuộc sống văn minh.

Tổ công tác Miền Tây

Được chính quyền huyện Hương Khê giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà Cụ Trần Văn Hiến, 95 tuổi, hiện đang sống tại xã Hương Đô. Cụ Hiến nguyên là tổ trưởng Tổ công tác Miền Tây. Gặp cụ vào những ngày đông lạnh cắt da cắt thịt, nhưng khi tiếp chuyện chúng tôi, cụ cũng chỉ bận lên người tấm áo len mỏng. Lúc đọc báo cụ cũng không cần phải đeo kính. Cụ nói vui: “Có khi vì sống với người Chứt nhiều năm, ăn ở cùng họ nên đến tuổi này vẫn còn khoẻ mạnh.”.

Hỏi về những năm tháng sống cùng với dân tộc Chứt, cụ Hiến bảo, ở cái tuổi của cụ, cụ có thể quên nhiều chuyện, nhưng 25 năm cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với người Chứt thì cụ còn nhớ mồn một, như vừa mới hôm qua. Đó là những năm 1966 - 1967, khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ leo thang ra Miền Bắc, bản của người Chứt nằm dưới đường bay máy bay Mỹ từ Thái Lan. Thấy máy bay, người Chứt rất sợ, rủ nhau trốn vào rừng, trốn “con ma”, trở lại với đời sống mông muội như trước đây.

vnm_2011_320596.JPG
Cụ Trần Văn Hiến, nguyên tổ trưởng tổ công tác Miền tây
Trước tình hình đó, tháng 7/1967, Huyện ủy Hương Khê cử một tổ công tác đặc biệt gọi là tổ Công tác Miền Tây. Tổ công tác này ngoài cụ Hiến khi đó đang là cán bộ phòng Nông nghiệp huyện, còn có ông Cao Thường, Xã đội trưởng Hương Trạch; ông Đinh Văn Xân, Chủ tịch UBHC xã Hương Liên và ông Đậu Văn Huấn, Hiệu phó cấp 1 Hương Vĩnh.

Tổ công tác đi gần 2 ngày trời để tìm những nhóm người Chứt đang sống rải rác ở trong rừng và mất thêm hàng tháng trời vận động người Chứt định cư thành bản. Rồi bản Mèo Thây dần hồi sinh. Những tuần đầu tiên, người Chứt thường đi qua căn lều mà Tổ công tác ở, nhìn vào dò xét. Đoàn cán bộ phải đưa gạo, muối vào phân phát cho dân bản, họ mới chịu đến bắt chuyện cùng, mời ăn cùng, ở cùng.

Cũng từ đó, cán bộ ở lại sống với dân tộc Chứt, người ít nhất cũng hai năm, người nhiều nhất là Cụ Hiến với 25 năm bám bản. Để có thể sống được ở chốn “rừng thiêng nước độc” là một quá trình vô cùng vất vả. Trong rừng sâu, trời nhanh tối, khắp không gian lúc nào cũng vang tiếng gầm rú của thú rừng. Muỗi rừng, vắt rừng nhiều nhan nhản kéo theo bao nhiêu thứ bệnh. Không ai là chưa trải qua một vài cơn sốt rét tưởng như chết đi sống lại. Mọi người còn phải học tiếng dân tộc Chứt, cùng hòa vào những tập tục, những nét văn hóa truyền thống của họ như ăn thịt nhái, cơm bồi… “Mình phải cùng sống, cùng ăn, cùng làm, không được “chỉ tay năm ngón” thì đồng bào mới chịu nghe mình” - Cụ Hiến kể.

Những “cuộc chiến” cam go

Ông Đậu Văn Huấn, nguyên là giáo viên trong Tổ công tác Miền Tây kể lại: “Hồi đó, được phân công thì mỗi người một nhiệm vụ nhưng chúng tôi còn cùng nhau tham gia tổ chức dân quân tuần tra biên giới, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục như kết hôn trực hệ, chữa bệnh bằng cầu cúng, xung đột do nguồn nước… Anh em cứ như chiến sĩ vũ trang, lại vừa là chiến sĩ văn hoá, chiến đấu cả trên hai mặt trận đều nguy hiểm và gian khổ”.

Mặt trận văn hóa có lẽ là khó khăn nhất bởi chưa bao giờ người Chứt có khái niệm “học chữ”. Nhân dân chỉ một số ít nói bập bẹ tiếng Kinh, vì thế tiếng Việt trở thành ngoại ngữ. Phải mất hàng tháng, hàng năm trời vất vả, Tổ công tác mới vận động được các em nhỏ đến trường. Ông Huấn còn nhớ như in lớp học đầu tiên của người Chứt có cả thảy 12 em nhỏ và một thanh niên, dựng tạm trong một cái lán rách nát. Bàn ghế, phấn bảng, người ở tổ công tác lại phải xuống huyện đem lên. Học sinh được cấp sách vở, bút mực, áo quần; được học tiếng kinh, học chữ, học hát, cắt tóc…Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người Chứt được đi học. Không khí lớp học đã thu hút con em đồng bào, thêm nhiều em muốn đến trường.

vnm_2011_320598.JPG
Ông Đậu Văn Huấn, nguyên là giáo viên trong Tổ công tác Miền Tây

Cuộc chiến văn hóa coi như đã tạm ổn, Tổ công tác lại phải đối mặt với việc giải quyết những vấn đề về hủ tục lạc hậu. Năm 1970, do xung đột về nguồn nước, một nhóm người Chứt tách khỏi bản Mèo Thây. Trước mắt, để định canh định cự, Tổ công tác Miền Tây đã dời nhóm người này về phía rừng Đằng Đằng, chọn chỗ bằng phẳng để lập bản mới, đặt tên là bản Rào Tre, sau đó làm đập thủy lợi để tưới tiêu đồng áng. Con sông Tiêm chảy qua được chặn dòng, làm đập. Cụ Hiến chỉ huy dân ở bản cùng vào rừng chặt gỗ, huy động hàng chục con trâu kéo xây đập thủy lợi. Ngày ấy, người Chứt không biết làm đập nước để làm gì, chỉ làm theo vì: “Nghe cán bộ bảo làm thì ta cũng làm”. Ròng rã mấy tháng trời, công trình “kỳ vĩ” đầu tiên của người Chứt được hoàn thành.

Khi đời sống của người Chứt đã tạm ổn, tổ công tác về huyện dần, chỉ còn cụ Hiến ở lại bám bản. Ở một mạch đến tròn 25 năm, cụ mới về và nghỉ hưu luôn. Cụ cho biết: “Những năm sống với dân tộc Chứt, tôi gần như tách biệt hoàn toàn với mọi thông tin từ bên ngoài. Bố tôi mất, cũng phải 3 tháng sau tôi mới biết. Lặn lội về nhà thắp vội cho đấng sinh thành nén hương rồi phải trở lại. Hồi đó cắm bản chỉ còn lại mình tôi. Tôi mà không lên nhanh, người Chứt lại vào rừng và trở lại với cuộc sống như trước, bao nhiêu tâm huyết lại đổ sông đổ bể.

Sau này, khi đã gần 70 tuổi, tôi về nghỉ hưu, huyện cử người khác lên thay. Hằng đêm, tiếng gió rừng, mưa rừng, giọng nói bập bẹ tiếng Kinh của trẻ con lại vọng lên bên tai, khiến tôi nhớ vô cùng. Người Chứt cũng nhớ tôi, người nào có việc xuống dưới huyện đều ghé thăm tôi. Có những lúc, gần như cả bản kéo xuống thăm”.


Việt Dũng - VnMedia
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top