Chia sẻ một vài 'bí kíp' ôn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh và cách làm bài thi có hiệu quả

Hide Nguyễn

Du mục số
Nguyễn Văn Nhất
Sở GD&ĐT Bắc Giang


Những năm gần đây, môn tiếng Anh đã trở thành một môn thi bắt buộc đối với học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chính vì vậy, trong các nhà trường môn tiếng Anh luôn được chú trọng và quan tâm. Đối với một số em học sinh thì đây là một môn học đầy thách thức..

20110511-english.jpg

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Kỳ thi tốt nghiệp đang đến gần, nhằm giúp các em tháo gỡ những vướng mắc, lo lắng, trăn trở, giúp các em hào hứng ôn tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp và Đại học sắp tới, xin có một vài chia sẻ nho nhỏ sau giúp các 'sĩ tử' thêm vững tin.

Phương pháp ôn luyện

Học từ vựng:

Nguyên tắc học từ vựng phổ biến là học trong cụm từ trong câu, tránh học từ chết. Ví dụ học từ “corner” phải học trong nhóm từ “on the corner of”, học “interested” phải nhớ cụm “be interested in” thì mới biết cách đặt câu cho đúng.

Các em cũng cần luôn mang theo một cuốn sổ nhỏ ghi chép từ vựng mới bên mình để tranh thủ học khi rảnh rỗi. Cố gắng ôn lại từ vựng đã học ít nhất là 3 lần mới có thể nhớ tốt được chúng.

Học đọc hiểu tiếng Anh:

Chỉ khi các em đọc nhiều thì vốn từ vựng mới được phong phú. Vậy, các em phải tạo thói quen thường xuyên đọc sách, báo chí, truyện ngắn viết bằng tiếng Anh để cải thiện vốn từ. Đọc lại các bài đọc trong sách giáo khoa cũng là một cách học hiệu quả giúp các em đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Việc đọc nhiều sách tiếng Anh cũng giúp việc diễn đạt tiếng Anh của các em tốt hơn.

Học phát âm:

Học phát âm là một phần cực kỳ quan trọng vì có nói đúng thì mới nghe tốt và truyền đạt ý tưởng của mình đến người nghe chính xác nhất.

Lời khuyên: Các em cần nắm vững Hệ thống Phiên âm Quốc tế (International Phonetic Symbols - IPS) có in đằng sau các cuốn từ điển, sách giáo khoa và tập thói quen luôn luôn tra cứu phiên âm mỗi khi bắt gặp một từ mới để có thể phát âm đúng nhất.

Học ngữ pháp:

Các em cần nắm vững các điểm văn phạm căn bản và cách làm bài thi trắc nghiệm. Các điểm văn phạm căn bản gồmsự hòa hợp giữa các thì, câu bị động, câu gián tiếp, mệnh đề tính từ, mệnh đề trạng từ, câu điều kiện, sự hòa hợp giữa chủ từ và động từ…

Các em cần phân biệt rõ cách dùng của thì quá khứ đơn và thì hiện tại hoàn thành, thì tương lai đơn và Be going to +động từ. Ở phần sự hòa hợp giữa chủ từ và động từ, các em nhớ kỹ nhóm các trường hợp dùng với động từ số ít, số nhiều như neither… nor, not only… but aslo, a number of, the number of… Cách dùng động từ nguyên mẫu hoặc danh động từ sau các động từ như remember, forget, try, stop, regret…

Dưới đây là một vài “mẹo” nhỏ các em có thể tham khảo để làm bài thi đạt hiệu quả

Cách chọn câu trả lời

Hoàn chỉnh câu (Sentence completion): Đề thi đưa ra một câu chưa hoàn chỉnh, trong đó, một hay một vài phần được bỏ trống. Theo sau là đáp án, thường liệt kê 4 từ hay cụm từ hoặc mệnh đề. Các em sẽ chọn trong số những đáp án đưa ra, đáp án nào là chính xác để hoàn tất câu hợp với cú pháp và hợp lý nhất.

Để trả lời câu hỏi loại này, các em cần chú ý:

- Nếu các đáp án khá ngắn, các em nên liếc nhanh toàn bộ để có khái niệm về những thiếu sót của câu. Cái "liếc" này thường có thể giúp ta phân nhóm câu hỏi thuộc loại parallel structure, verb forms, word order...

- Nếu các đáp án dài và phức tạp, các em hãy bắt đầu bằng việc đọc cả câu. Không nên phân tích từng từ một nhưng khi đọc hãy cố hình thành diện mạo cấu trúc cả câu: Có bao nhiêu mệnh đề trong câu? Mỗi mệnh đề đã có đủ chủ ngữ và động từ hay chưa? Đã có liên từ kết nối các mệnh đề với nhau? Còn phần nào thiếu sót?...

- Nếu chưa tìm được đáp án ngay, cố gắng giải đáp bằng phương pháp loại trừ, nghĩa là loại dần những đáp án không hợp lý. Giải pháp cuối cùng là hãy thử tìm sự quen thuộc mà lựa chọn.

Nhận diện lỗi sai (Error identification): Câu hỏi thường đưa ra 4 từ hay cụm từ được gạch dưới (underline). Các em sẽ nhận diện trong số những đáp án đưa ra, đáp án nào là sai, cần phải viết lại để câu được hoàn chỉnh. Để trả lời câu hỏi loại này, ta cần lưu ý:

- Đừng bao giờ chỉ tập trung đọc những từ hay cụm từ được gạch dưới, bởi vì những từ hay cụm từ đó thường chỉ sai hoặc không hợp lý khi đặt vào ngữ cảnh của toàn câu.

- Không trả lời câu hỏi cho đến khi đã đọc toàn bộ cả câu.

Với câu hỏi tương đối dễ, các em có thể trả lời ngay để tiếp tục qua câu khác. Nếu chưa tìm được điểm sai sót ngay, hãy đọc lại toàn câu và lần này, hãy chú ý đến những từ, cụm từ được gạch dưới.

Những điểm cần lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm

1. Theo đúng hướng dẫn: đọc kỹ các hướng dẫn về làm bài thi.

2. Đọc hết toàn bộ từng câu hỏitất cả các chọn lựa của đáp án trước khi chọn câu trả lời.

3. Trả lời tất cả các câu. Mỗi câu đều có điểm, cho nên bỏ câu nào là mất điểm câu đó. Với những câu hỏi mà ta không biết câu trả lời chính xác thì các em cũng phải nên đoán.

4. Chọn câu trả lời tốt nhất trong các đáp án được câu hỏi đưa ra. Có thể các em nghĩ rằng câu trả lời đúng không nằm trong số những đáp án đưa ra, nhưng các em bị giới hạn là chỉ được chọn lựa đáp án tốt nhất trong số đáp án đã cho mà thôi.

5. Không nên phí thời gian cho một câu hỏi nào đó, hoặc chưa hiểu rõ, hoặc quá khó. Nếu chưa trả lời được ngay thì nên bỏ qua để làm những câu kế tiếp. Sau đó, nếu còn thời gian sẽ làm trở lại những câu đã bỏ qua nói trên.

6. Đọc câu nào thì trả lời ngay câu ấy. Tránh cách làm bằng việc trả lời trước trên giấy nháp toàn bộ bài thi rồi sau đó mới tô vào bản trả lời, vì đôi lúc sẽ rất cập rập vào giờ chót nên sẽ tô lộn xộn trên phiếu trả lời.

7. Phải đánh dấu câu trả lời theo đúng hướng dẫn và đúng với số thứ tự của câu trên bản trả lời: Dùng bút chì đen tô kín ô tròn tương ứng với chữ cái đã chọn trên phiếu trả lời. Trong trường hợp tô nhầm ô hay muốn đổi phương án trả lời, thì phải tẩy thật sạch ô cũ và tô kín ô mới được chọn.

8. Để tiết kiệm thời gian, các em nên tập tô thử các ô trước ở nhà. Thông thường, các em hay gọt sẵn những cây viết chì loại 2B (theo quy định) nhọn hoắt, nên khi tô vào ô mất nhiều thời gian. Nếu các em tô trước cho đầu nhọn bút chì hơi tà đi thì khi tô trọn ô rất nhanh. Nên nhớ khi đi thi, thời gian là tối quan trọng.

Việc dùng tẩy cũng cần lưu ý. Các em nên dùng cục tẩy rời mà không sử dụng cục tẩy của cây bút chì vì động tác quay cây bút để tẩy cũng làm mất thì giờ.

Một trong những châm ngôn khi học tiếng Anh mà chúng ta cần ghi nhớ là phải "Thực hành, thực hành và thực hành" (Practice, practice, and practice). Ở phần luyện thi trắc nghiệm thì các em nên tìm cách làm thêm thật nhiều bài thi trắc nghiệm càng tốt.

Trong thời gian từ nay đến ngày thi, các em nên thường xuyên “thi thử” bằng cách làm đề thi tốt nghiệp của các năm trước, tập tô ô số trên giấy làm bài và canh giờ (đề thi gồm 50 câu trong 60 phút. Do vậy các em có 1 phút cho mỗi câu, 10 phút cho việc suy nghĩ các câu khó và xem lại toàn bộ bài làm).

Trên đây là một vài 'bí kíp' về việc ôn luyện thi tốt nghiệp môn tiếng Anh và vài mẹo nhỏ về cách làm bài thi có hiệu quả. Có rất nhiều phương pháp học tiếng Anh, tùy theo cách học và điều kiện của mỗi người mà nên chọn những phương pháp riêng phù hợp và hiệu quả. Nhưng không gì hiệu quả hơn, thành công hơn là sự chăm chỉ học tập của các em “Practice makes perfect” - Có công mài sắt có ngày nên kim.




 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top