Chân dung các nguyên thủ Pháp

Hòa bình trên thế giới chỉ có thể được cứu vãn nếu Poincaré rời khỏi điện Élysée​


Có chuyện gì vậy? Từ năm 1905, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là 2 năm. Tình trạng dân số đình trệ ở Pháp khiến số quân mỗi lần gọi đều thấp hơn quân số của quân đội Đức.

Trong bối cảnh có chiến tranh tiềm tàng như ở châu Âu từ năm 1911, tình cảnh như vậy khiến lãnh đạo Bộ Quốc phòng, trong đó có Tướng Joffre, rất lo ngại.

Từ năm 1912, Bộ tham mưu thuyết phục Hội đồng Bộ trưởng chấp nhận kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự đến ba năm, và tháng 7-1913, được sự tán thành của Tổng thống, Barthou đưa ra luật 3 năm và luật này được cả hai Viện thông qua. Tuy nhiên, Đảng Xã hội cùng với nhiều Đảng viên Đảng Cấp tiến do Joseph Caillaux đứng đầu, và nhiều nhà trí thức liên kết lại với nhau để phản đối bộ luật này.

Giữa chính sách do Poincaré đề ra và cánh tả của Quốc hội xuất hiện một hố sâu ngăn cách. Năm 1914 sẽ diễn ra tổng tuyển cử và một trong những chủ đề của đợt vận động bầu cử của cánh tả là phản đối luật 3 năm. Cánh tả đã thắng lớn trong cuộc bầu cử: Đảng Xã hội và Đảng Cấp tiến chiếm đa số ghế và tất cả mọi người đều chờ đợi Caillaux dễ dàng tái đắc cử và lên nắm quyền.

Đầu tiên, Poincaré định đi đường vòng bằng cách đề cử Ribot, người tán thành luật 3 năm. Nhưng Quốc hội không ưa nhân vật ôn hòa này và thể hiện điều đó bằng cách bãi bỏ chính phủ ngay khi mới được giới thiệu. Thất bại này là một điều sỉ nhục đối với Tổng thống, và Nghị viện càng nhấn mạnh sự việc khi thông qua một chương trình nghị sự bắt đầu bằng câu: “Quốc hội tôn trọng kết quả bầu cử phổ thông và kiên quyết chỉ tin vào một nội các có khả năng tập hợp đa số cánh tả...”.

Ngoài ra còn có những lời bình luận thiếu tôn trọng hơn nhưng thực ra rất rõ ràng, ví dụ như lời bình luận của Gustave Hervé, Đảng viên Đảng Xã hội, trong Cuộc chiến xã hội: “Đất nước muốn đi về bên trái, nhưng người thắng cử không xứng đáng của Điện Élysée lại muốn buộc đất nước đi về bên phải”, hay như Caillaux tỏ ra là địch thủ lớn khi bình luận: “Theo tôi, hòa bình trên thế giới chỉ có thể được cứu vãn nếu ông Poincaré rời khỏi Điện Élysée”. Trước phản ứng dữ dội này, đã có lúc Poincaré tự hỏi liệu từ chức có phải là lối thoát duy nhất không.

Trước khi đi đến quyết định cực đoan này, ông vẫn muốn thử một cách dựa vào tính không rõ ràng của những tên gọi bề ngoài và niềm tin chính trị. Quốc hội được bầu năm 1914 là một Quốc hội của cánh tả nên Poincaré biết rằng nhiều Nghị sĩ đã tiến hành chiến dịch chống luật 3 năm, bởi vì họ coi đó là một chủ đề tranh cử tuyệt vời trong khi công luận đang phản đối việc kéo dài thời gian đi nghĩa vụ quân sự; nhưng khi đã trúng cử, họ thấy không cần bãi bỏ luật này ngay vì tình hình thế giới đang căng thẳng.

Chính vì vậy, sau khi Ribot thất bại, ông đã đề cử René Viviani. Đây là một Đảng viên Đảng Xã hội độc lập (“nhất là độc lập với chủ nghĩa xã hội”, như lời một số thành viên Phân nhánh Quốc tế công nhân Pháp SFIO - sau này trở thành Đảng Xã hội) và không ai nghĩ đến việc nghi ngờ tư cách cánh tả của ông; phải chăng những lời tuyên bố ầm ĩ chống giáo quyền của ông vẫn chưa đủ để làm yên lòng những người hay bắt bẻ nhất về vấn đề này?

Quốc hội dễ dàng phong chức cho ông, thậm chí không thù oán ông vì đã phát biểu rằng chưa cần thay đổi luật nghĩa vụ quân sự. Poincaré thở phào: trong thời điểm hiện tại, luật 3 năm đã được cứu nguy. Ông có thể chuyên tâm vào vấn đề chủ chốt của mình: củng cố các liên minh.
 
Một người nhiệt tình ủng hộ liên minh Pháp - Nga​


Ngay từ khi nắm cương vị Tổng thống, Poincaré tận dụng vai trò đại diện để đi công du nhiều nơi nhằm thắt chặt các quan hệ đồng minh của Pháp.

Tháng 6-1913, ông đến London để giải thích với người Anh lý do vì sao phải củng cố Thoả ước liên minh thân hữu. Chuyến công du thành công rực rỡ và ngay sau đó Vua Georges V tới thăm Paris để đáp lại.

Nhưng đồng minh chủ chốt của Pháp vẫn là Nga. Sau khi nhậm chức Tổng thống, Poincaré dành cho Nga mọi sự quan tâm, nhất là tác động vào việc lựa chọn các đại sứ để cử đi Saint-Pétersbourg. Đầu tiên ông bổ nhiệm Delcassé vào vị trí then chốt này, nhưng cái tên Delcassé đồng nghĩa với kháng cự dữ dội chống Đức. Khi Delcassé xin về nước, Poincaré đã can thiệp để Maurice Paléologue, một người mà ông tin cẩn, được chỉ định thay thế.

Ngày 28-6-1914, khi đang tham dự lễ trao giải Grand Prix ở Trường đua ngựa Longchamp, Poincaré nhận được tin François-Ferdinand, Thái tử Áo bị ám sát ở Sarajevo (Bosnia). Tổng thống hiểu ngay đây là tin rất nghiêm trọng. Nước Áo, đồng minh của Đức, có thể lợi dụng cơ hội để trả thù nước Serbia bé nhỏ vì quốc gia này đang muốn đòi lại phần lãnh thổ ở Bosnia mới bị Áo-Hung thôn tính.

Đây là cơ hội mà Áo tìm kiếm từ lâu; nhưng Serbia là đồng minh của Nga còn Nga lại là đồng minh của Pháp, vì vậy Pháp có nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Bancan. Tất nhiên, như đã làm năm 1908, Pháp có thể từ chối tham gia cùng Nga vào một cuộc xung đột trong đó những lợi ích sống còn của Nga không được đặt ra, nhưng cũng như vào năm 1911, Nga có thể tuyên bố không ủng hộ Pháp trong một cuộc chiến có thể bất ngờ xảy ra với Đức... Ngày 16-7, cùng với René Viviani, Poincaré lên thiết giáp hạm France để đến thăm Nga hoàng.

Đây là một trong những giai đoạn bị tranh cãi nhiều nhất trong sự nghiệp của Poincaré. Thực ra, chuyến thăm Nga diễn ra không lâu trước khi chiến tranh nổ ra. Ngày Poincaré rời Nga, Vienne gửi cho Belgrade một bức tối hậu thư không thể chấp nhận được. Trong những ngày tiếp theo, châu Âu sôi sục trong một cơn sốt hoạt động chính trị và quân sự.

Các bộ tham mưu náo động, các nhà ngoại giao cố tìm cách ngăn chặn lại chuỗi sự kiện không thể tránh được: London tác động đến Hoàng đế Guillaume II để ông ta hiểu rằng nếu chiến tranh xảy ra, nước Anh sẽ không đứng ở vị trí trung lập. Quá hoảng sợ, Kaiser nghĩ đến đàm phán và khuyên can Áo, mặc dù trước đây ông ta vẫn khuyến khích Áo.

Nhưng ngày 30-7, Nga bắt đầu huy động lực lượng quân đội. Từ đó, các đồng minh phản ứng dây chuyền. Ngày 1-8, Đức tuyên chiến với Nga; ngày 3-8, Đức tuyên chiến với Pháp. Câu hỏi đặt ra là Raymond Poincaré đóng vai trò gì trong việc phát động chiến sự và liệu thái độ của Nga hoàng có phải là hệ quả của những đảm bảo mà Poincaré hẳn đã đưa ra trong chuyến thăm Nga? Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các đối thủ của Poincaré đã dành cho ông lời kết tội khủng khiếp này và đặt cho ông biệt danh “Poincaré-Chiến tranh”.
 
“Poincaré - Chiến tranh”​


Những cuốn hồi ký do Poincaré xuất bản sau khi về hưu là một lời biện hộ dài nhằm bác bỏ luận cứ này. Ông đưa ra vô số bằng chứng về mong muốn hòa bình của mình, khẳng định rằng ông đã cảnh báo Sa hoàng không nên có hành động khinh suất.

Ông cũng tự hào vì có tham gia ý kiến vào quyết định của Bộ trưởng cho rút quân về cách biên giới 10 km chỉ vài ngày trước khi có xung đột, để Pháp không bị qui kết là khiêu khích.

Vị luật gia muốn có quyền trong cuộc xung đột đang bắt đầu, hơn nữa ông biết rằng Anh chưa được xác định thái độ, rằng điều quan trọng là không nên làm mếch lòng đồng minh tương lai. Nhưng tất cả những điều này không có giá trị nếu người ta cho rằng lời tuyên bố của Poincaré ở Nga đã đẩy Nga đến quyết định nguy hại là huy động lực lượng vì tin chắc rằng Pháp sẽ đi theo sau.

Vậy mục đích chuyến công du của Poincaré đến Nga là gì? Trong khi châu Âu như đang sống trên núi lửa thì Tổng thống Pháp lại muốn tin chắc rằng đất nước ông có thể trông cậy vào Nga. Trong những điều kiện như vậy, liệu có thể tin rằng ông đã hết lời khuyên nhủ Nga nên thận trọng, thực chất là xóa bỏ nghi ngờ rằng Pháp quyết tâm dấn thân vào một cuộc chiến không?

Để đánh giá ý kiến dư luận, chỉ cần liếc qua báo chí thời đó, nhất là tờ Matin (Buổi sáng). Ngày 18-7, ngay trước khi Poincaré lên đường, báo này chạy hàng tít: “Tổng thống Poincaré đến Cronstadt vào đúng lúc nước Nga bừng tỉnh” và giải thích rõ bản chất của sự thức tỉnh này: “Trong thời bình, quân đội Nga tăng quân số từ 1.200.000 lên 2.245.000”. Tờ báo này cũng dẫn tin từ báo chí Nga về chuyến thăm của Poincaré.

Ví dụ, bài báo được rút ra từ tờ L'Invalide Russe (Thương binh Nga): “Nước Nga quân sự vui mừng đón tiếp nước Pháp [...] Nga tin chắc rằng vào thời khắc thử thách, Nga và Pháp sẽ chiến thắng và gặt hái những vinh quang mới. Với các sư đoàn, trung đoàn của Pháp, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng, chúng ta muốn chiến thắng, chúng ta chắc chắn chiến thắng và chúng ta chiến thắng với bất kỳ giá nào và bất kỳ ai”. Rõ ràng là bầu không khí ở Nga sôi sục hơn. Quan chức Nga thích thú với tính kiên quyết của Poincaré đến mức không ngần ngại tuyên bố với Sa hoàng: “Một vị vua chuyên chế phải nói như thế chứ!”

Ngoài ra, Poincaré có thói quen viết báo cáo về những cuộc trò chuyện của ông với các chức sắc nước ngoài để trình Hội đồng Bộ trưởng, nhưng tại sao ông lại không viết báo cáo nào về chuyến công du tới Nga? Rõ ràng là nếu Poincaré không chủ động tham gia chiến tranh thì ông cũng không làm gì để ngăn chặn chiến tranh và thái độ của ông, cho dù cố ý hay vô tình, đã khuyến khích Nga có quan điểm cứng rắn.

Ngày 30-7, khi Poincaré và Viviani xuống tàu ở nhà ga phía Bắc thì một phái đoàn của Hội ái quốc do Chủ tịch hội Maurice Barrès dẫn đầu đã chờ sẵn ở đó. Tờ Matin đã miêu tả cảnh tượng: “Trong nhà ga phía Bắc, sau khi đội kèn chơi xong bài “Aux champs” và sau những lời giới thiệu thường lệ, Poincaré bước lên xe trong im lặng thì bỗng nghe thấy một tiếng hét mạnh mẽ vang lên:

- Nước Pháp muôn năm! Nước Pháp muôn năm!

Dường như ngài Tổng thống không mong chờ một sự đón tiếp như vậy. Sau một lát, ánh mắt ngạc nhiên của ông nhìn bao quát đám đông:

- Nước Pháp muôn năm! Tổ quốc muôn năm! Quân đội muôn năm!

Ngài Tổng thống đã hiểu. Mặt tái đi, ông đứng dậy và chậm rãi chào bằng động tác như người ta chào lá cờ đi qua.

Xe lăn bánh. Dọc theo phố Lafayette, ở Nhà hát lớn, trước Điện Élysée, đâu đâu ông cũng nghe thấy tiếng hô vang khẩu hiệu:

- Nước Pháp muôn năm!

- Nước Nga muôn năm! Nước Anh muôn năm! - những tiếng hô nồng nhiệt vọng lại.

Trên các phố mà đoàn của Tổng thống vừa đi qua, đám đông tràn qua hàng rào cảnh sát, ùa ra đường. Họ nhanh chóng chia thành các nhóm và đi trật tự về phía Nhà hát lớn và các đại lộ, vừa đi vừa hát vang bài “Marseillaise”.
 
Liên minh thần thánh​


Ngay cả khi không muốn có chiến tranh, Poincaré cũng có thể nhận thấy rằng khi chiến tranh đến, nước Pháp tập hợp xung quanh ông như xung quanh biểu tượng của lòng ái quốc.

Đứng trước hiểm nguy, mọi tranh cãi giữa các đảng phái đều chấm dứt, Poincaré có thể đóng vai trò mà ông hằng mong ước.

Ngày 4-8-1914 là đỉnh cao trong sự nghiệp của Poincaré. Hôm đó, ông gửi cho Quốc hội và Thượng Nghị viện một bức thông điệp với lời lẽ được các nghị sĩ nhiệt liệt tán thưởng.

Bức thông điệp đề cập hai chủ để ưa thích của Tổng thống: trách nhiệm và mong muốn rằng trước lợi ích quốc gia, các đảng phái chấm dứt đấu đá: “Trong cuộc chiến tranh mới nổ ra, nước Pháp có quyền đối với bản thân mình [...] Đứng trước kẻ thù, tất cả những người con của nước Pháp sẽ anh dũng bảo vệ Tổ quốc, và không gì có thể phá vỡ Liên minh thần thánh của họ, giờ đây họ đang sát cánh bên nhau trong cùng một sự phẫn nộ chống quân xâm lược và đồng lòng ái quốc”. Liên minh thần thánh mà Poincaré nói tới đã có thực chưa? Có thể là như vậy nếu dựa vào thái độ của Đảng Xã hội cực hữu và phong trào nghiệp đoàn. Quốc tế xã hội lẽ ra phải ngăn chặn việc huy động quân nhưng lại tỏ ra hoàn toàn bất lực, Đảng viên Đảng Xã hội Đức từ chối tỏ thái độ gây hại cho đất nước họ.

Ngày 31-7, nhà tư tưởng lớn của Đảng Xã hội Pháp là Jean Jaurès bị một kẻ kích động ám sát. Cái chết này không gây nhiều rắc rối như Chính phủ vẫn e ngại. Ngày 4-8, trong lễ tang của Jaurès, Tổng thư ký Tổng liên đoàn lao động Léon Jouhaux phát biểu: “Nhân danh các tổ chức nghiệp đoàn, nhân danh tất cả những người lao động đã nhập ngũ và tất cả những người, trong đó có tôi, sẽ lên đường ngày mai, tôi tuyên bố rằng chúng tôi sẽ chiến đấu với quyết tâm đẩy lùi quân xâm lược”.

Và “Trận đánh của nghiệp đoàn”, cơ quan của Tổng liên đoàn lao động giải thích rằng trong cuộc xung đột này, nước Pháp là nạn nhân và công nhân phải tham gia vào cuộc chiến tranh vệ quốc chứ không phải cuộc chiến tranh đế quốc. Ngay cả Gustave Hervé, người theo khuynh hướng vô chính phủ từng nổi tiếng với đề xuất “cắm cờ vào đống phân” và đáp lại lệnh động viên bằng một cuộc tổng khởi nghĩa, cũng hòa theo “dàn hợp xướng”: “Cần phải theo nước Pháp”, ông viết như vậy trên tờ Guerre sociale (Chiến tranh xã hội), tờ báo này ngay sau đó được đổi tên thành La Victoire (Chiến thắng).

Cuối tháng 8-1914, Liên minh thần thánh thành lập chính phủ, nội các Viviani được cải tổ. Những người có danh tiếng về chính trị không chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1914 đã được mời tham gia vào nội các này: Millerand (trở thành Bộ trưởng Chiến tranh), Briand , Delcassé , Ribot . Ngoài ra còn có hai lãnh đạo của Đảng Xã hội là Marcel Sembat, Tổng biên tập tờ L'Humanité (Nhân đạo) và Jules Guesde, người trước đây phản đối kịch liệt sự tham gia của Đảng Xã hội vào chính phủ tư sản.

Cuối cùng là Denys-Cochin, một nhân vật cánh hữu theo Thiên chúa giáo. Tất nhiên, cần phải phân tích sắc thái đồng lòng trong Liên minh thần thánh. Một phần của cánh hữu không tham gia chính quyền, còn bên cánh tả, không có mặt hai nhà lãnh đạo cấp tiến chính: Caillaux, vì Poincaré không ưa ông một phần do thù ghét cá nhân, một phần vì ông phản đối chiến tranh và ủng hộ biện pháp đàm phán, và Clemenceau, vì ông này chỉ chấp nhận tham gia nội các với cương vị lãnh đạo.

Từ đó, Clemenceau không ngừng tố cáo cách tiến hành chiến tranh, đồng thời lên án các nhà quân sự và chính trị. Ông cáo giác cả Poincaré, kết tội Tổng thống chỉ nghĩ đến tham vọng cá nhân, và để thỏa mãn tham vọng đó, chỉ mời những kẻ bất tài vào bộ máy chính quyền. Nhưng trên thực tế, cho đến năm 1917, Poincaré có thể đóng vai trò người chủ trì trong việc điều hành các hoạt động. Như vậy, ông dường như đã thực hiện được mục đích của mình: đem lại cho chức Tổng thống một chút quyền lực đã bị tước mất.

Nhưng đúng là quyền lực này bị hạn chế nhiều do giới quân sự được hưởng nhiều đặc quyền trong thời kỳ chiến tranh. Và cũng đúng là những kết quả ở tiền tuyến làm cho Tổng thống dần đánh mất đi niềm tin mà dân chúng dành cho ông lúc bắt đầu nhiệm kỳ.
 
Thất bại quân sự và chuyến thăm tiền tuyến không đúng lúc​


Ngay từ những ngày đầu tiên của chiến tranh, rõ ràng là vai trò của chính quyền dân sự trở thành thứ yếu bởi Tổng tư lệnh Joffre mới là ông chủ thực sự của nước Pháp.

Poincaré luôn phàn nàn vì không nắm được tình hình. Bộ trưởng Chiến tranh Messimy cũng không thể cho ông biết tình hình chiến sự, và người ta còn nghi ngờ rằng chính tổng Tư lệnh cũng không nắm vững các sự kiện.

Cuối tháng 8, khi các tin tức được sáng tỏ, cũng là lúc lộ ra tình cảnh bi thảm: các đợt tấn công của Pháp đều thất bại; miền Bắc và miền Đông nước Pháp bị xâm chiếm; Paris đang bị đe dọa. Người ta vội vàng thu xếp tạm nội các, bổ nhiệm Galliéni chỉ huy đội quân Paris, và ngày 2-9, một tháng sau khi tuyên chiến, theo lệnh của Joffre, bộ máy công quyền rời Thủ đô đến Bordeaux.

Poincaré không dễ dàng chấp nhận sự ra đi này. Ông e sợ cuộc chạy trốn này sẽ gây ra hậu quả tinh thần là dẫn đến một cuộc cách mạng tại Thủ đô. Tuy nhiên, do tướng Joffre thuyết phục mãi nên ông đã nhượng bộ: “Cuối cùng tôi đã dũng cảm tỏ ra hèn nhát”. Cho tới tận cuối năm, chính phủ, Quốc hội và Tổng thống vẫn ở Bordeaux theo lệnh của Tổng tư lệnh (ông này cảm thấy như vậy được tự do hành động hơn), nhưng họ cố chịu đựng những lời chỉ trích ngày càng mạnh của công luận.

Công luận coi hành động rút lui này là một sự từ chức thực sự của những người có chức quyền. Nhưng ít ra, Poincaré cũng được Joffre cho phép ra thăm mặt trận. Sáng kiến này lẽ ra rất tốt nếu làm cho Tổng thống gần gũi hơn với các chiến sĩ, nhưng do cách ứng xử vụng về của ông nên nó trở thành hồi chuông báo tử cho uy tín của Tổng thống.

Đầu tiên, Poincaré gặp rắc rối trong vấn đề trang phục: nên mặc quần áo gì để đi thăm chiến hào? Ông thấy không nên mặc đồng phục sĩ quan, mặc dù ông là Đại uý dự bị. Trong cảnh bùn lầy nơi chiến hào, ông nghĩ sẽ thật nực cười khi mặc lễ phục, khoác áo có đuôi dài, đội mũ cao thành. Thế là ông giải quyết vấn đề nghiêm trọng này bằng cách cải biến một bộ quần áo dân sự theo dáng quân sự khiến binh sĩ vô cùng ngạc nhiên và biến ông thành trò cười. Trong chiếc áo dạ màu xanh sẫm, cái khuy đến tận cằm, khoác thêm chiếc áo choàng xanh nhạt, đi đôi ghệt đen, đầu đội mũ cát-két, Tổng thống trông giống tài xế của một gia đình giàu có, lại thêm thái độ nghiêm trang và đắn đo, tất cả tạo ra một ấn tượng rất buồn cười.

Cách ứng xử của Tổng thống liệu có bù trừ cho cách ăn mặc kỳ cục không? Cũng không nốt. Ở nơi đáng lẽ phải là một con người, Poincaré lại muốn trở thành một thiết chế! Ông tuyên bố rằng trong khi thực hiện chức trách Tổng thống Pháp, ông không được quyền sướt mướt và đứng trước những người lính, ông phải tỏ thái độ rất nghiêm khắc, tư thế nghiêm trang, thích im lặng hoặc chỉ nói vài từ hơn là để lộ tình cảm.

Dĩ nhiên, mất lòng dân sẽ chỉ là một yếu tố rất nhỏ nếu quân đội luôn thắng trận và có thể hi vọng sắp thắng lớn, nhưng sự thực lại không như thế!

Trên phương diện quân sự, vào tháng 9-1914, chiến thắng trên sông Marne đã cứu Paris, nhưng kể từ cuối năm, sau vài ý định vượt tuyến không thành của quân địch, mặt trận được duy trì ổn định từ biển phía Bắc đến biên giới Thụy Sĩ. Cả hai bên đều cố thủ trong chiến hào kiên cố. Từ cuối năm 1914, Poincaré viết trong nhật ký rằng tình hình có nguy cơ kéo dài vô tận, và thực vậy, mọi ý định chọc thủng tiền tuyến Đức trong năm 1915 đều không thành và gây nhiều thương vong.
 
Chiến thắng của Clemenceau​


Trên phương diện chính trị cũng có tình trạng suy sụp tương tự. Người ta thấy rằng ý tưởng lớn của Poincaré là Liên minh thần thánh, đó thực ra là tập hợp các Đảng viên Đảng Xã hội vào bộ Quốc phòng.

Đa số trong Đảng tán thành quan niệm này, nhưng một vài nhà lãnh đạo lại không chấp nhận điều mà họ cho là phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1915, hai thủ lĩnh của nghiệp đoàn, trong đó có viên Tổng thư ký đầy quyền lực của Liên đoàn Kim loại là Alphonse Merrheim, đã đi dự Hội nghị Quốc tế xã hội ở Zimmerwald (Thụy Sĩ).

Hội nghị này đã thông qua nguyên tắc của phong trào chống chiến tranh đang diễn ra: “Cuộc chiến này không phải là cuộc chiến của chúng ta”, những người tham dự đã tuyên bố như vậy; nhưng ngay trong phong trào xã hội, Merrheim và Bourderon bị coi là những kẻ phản bội.

Năm 1916, tại Kienthal (Thụy Sĩ), diễn ra một Hội nghị mới với sự tham gia của một đại biểu Đảng Xã hội Pháp. Hội nghị mong muốn một nền hòa bình mà không có sáp nhập hay bồi thường, và từ 1915, các tư tưởng đã phát triển đến mức một nhóm thiểu số tán thành hội nghị Kienthal đã được hình thành trong Phân nhánh Quốc tế công nhân Pháp SFIO.

Tại Đại hội Đảng Xã hội năm 1917, nhóm thiểu số này đã đạt được nhiều tiến bộ đến nỗi để tránh sự chia rẽ trong Đảng, phe đa số đã quyết định không tham gia vào chính phủ của Painlevé, nhưng vẫn tiếp tục thông qua các khoản ngân sách chiến tranh. Trong các đảng, Liên minh thần thánh bị tổn hại nghiêm trọng. Nó không còn tồn tại trên đất nước nữa: đình công lại diễn ra tại các nhà máy sản xuất vũ khí, thất bại và thiếu thốn càng làm gia tăng bất bình đối với các vị tướng bất tài, đối với chính phủ vì để mặc họ muốn làm gì thì làm và đối với Tổng thống vì sự lạnh lùng mà ai cũng phê phán.

Rất nhiều người Pháp đã nhắc lại câu nói cay nghiệt của Clemenceau dành cho Poincaré: “Lẽ ra chúng ta không bao giờ được để một người có trái tim nhồi đầy hồ sơ ở vị trí đứng đầu đất nước”.

Mùa thu năm 1917, tình hình gay go đến mức Tổng thống phải lựa chọn giữa hai lối thoát: mời vào chính quyền một người quyết tâm từ bỏ chính sách mà cho đến lúc đó ông vẫn luôn ca ngợi, và thương lượng với quân địch để ký hiệp ước hòa bình, đó chính là Caillaux, vì Briand đã bị mất uy tín; hoặc chỉ định Georges Clemenceau, người từ năm 1914 luôn tỏ ra mạnh mẽ và được lòng dân, vào cương vị Chủ tịch Hội đồng.

Dù sao, vai trò của Poincaré cũng đã thật sự chấm dứt. Chính sách của ông thất bại, do đó những nỗ lực của ông nhằm khôi phục lại quyền lực cho Tổng thống một cách hợp pháp cũng không đem lại kết quả. Ông cam chịu nép mình và trong hai người mà ông ghét như nhau, ông buộc phải chọn người có quan điểm chính trị gần với quan điểm của ông nhất, đó chính là Clemenceau.

Khi bổ nhiệm Clemenceau tháng 11-1917, Poincaré biết rằng ông đã mất mọi hi vọng được giữ vai trò cá nhân. Người đứng đầu mới của chính phủ không thích chia sẻ quyền lực. Các Bộ trưởng đều là bạn bè của ông ta, còn các chính trị gia nổi tiếng bị loại khỏi nội các. Tệ hơn nữa, Hội đồng Bộ trưởng rất ít khi họp, mà đó lại là cơ hội duy nhất để Tổng thống hi vọng có thể nắm được tình hình. Quốc hội cũng chẳng được đối xử tốt hơn. Clemenceau điều hành công việc rất mau lẹ và chỉ báo cáo Quốc hội khi ông muốn.

Ông biết rằng với sự ủng hộ của dư luận, ông có thể bỏ qua sự bất bình của các Nghị sĩ. Chính vì sự ủng hộ này mà Clemenceau có thể khoe khoang với Poincaré khi Poincaré phàn nàn là bị xa lánh: “Tôi được lòng dân, còn ông thì không”, người đứng đầu chính phủ tuyên bố thẳng với người đứng đầu nhà nước như vậy. Tuy nhiên, thỉnh thoảng khi cần, Clemenceau lại đặt Poincaré lên trước.

Ví dụ như vào tháng 3-1918, khi muốn thuyết phục các đồng minh chấp nhận Nguyên soái Foch là tư lệnh duy nhất, Clemenceau nghĩ rằng uy tín tinh thần của Tổng thống có thể phục vụ cho ý đồ của ông ta. Gần như bị giam trong Điện Élysée, Poincaré có đủ thì giờ để suy ngẫm về những ảo tưởng đã mất: cuộc chiến tranh mà ông chấp nhận liệu có đem lại những kết quả mà ông hi vọng không?

Từ năm 1917, các cường quốc trong Thoả ước liên minh (Pháp, Anh, Nga và Italia) có thêm một đồng minh là Mỹ. Tháng 1-1918, Tổng thống Mỹ Wilson thể hiện các mục đích tham chiến của mình trong tuyên bố “Mười bốn điểm”: hòa bình được thiết lập trên cơ sở pháp luật và công bằng chứ không phải theo ý muốn của các nước thắng trận; áp dụng nguyên tắc dân tộc; không sáp nhập.

Theo nguyên tắc dân tộc; chắc chắn vùng Alsace-Lorraine sẽ trở về với Pháp, nhưng nếu các quan điểm của Wilson chiến thắng, Pháp sẽ phải từ bỏ tham vọng sáp nhập vùng Sarre và Rhénanie ở tả ngạn sông Rhin. Một người theo chủ nghĩa dân tộc như Poincaré không dễ gì cam chịu điều đó, nhưng ít ra ông cũng còn một tia hi vọng: đó là một người Pháp, Nguyên soái Foch , đang chỉ huy quân Đồng minh.

Quân Pháp đông nhất; khi đã tiến được vào Đức và tiêu diệt hoàn toàn quân Đức, Pháp có thể áp đặt luật của kẻ chiến thắng cho Đức. Để tránh quyết định cực đoan này, ngày 3-10-1918, Đức tuyên bố chấp nhận đàm phán trên cơ sở “Mười bốn điểm”. Biết tin này, Poincaré viết ngay cho Clemenceau một bức thư để cảnh báo việc ngừng chiến sự sớm, ông cho rằng tuyên bố đình chiến có thể “chặt chân quân đội của chúng ta”. Clemenceau vô cùng tức giận viết:

“Thưa ngài Tổng thống,

Sau ba năm đích thân điều hành chính phủ rất thành công, tôi không chấp nhận việc Ngài tự cho phép mình khuyên nhủ tôi không được chặt chân những người lính của chúng ta. Nếu Ngài không rút lại bức thư được viết cho Lịch sử mà Ngài muốn làm nên, tôi lấy làm vinh hạnh được gửi tới Ngài đơn xin từ chức của tôi.

Kính thư.

Clemenceau”


Phải vất vả lắm Poincaré mới làm cho vị Chủ tịch Hội đồng hay cáu giận bình tĩnh lại. Ông biết rằng đất nước sẽ không tha thứ cho ông nếu người đã là “người Cha chiến thắng” rời vị trí. Sự việc dịu bớt dần nhưng cả Poincaré lẫn Clemenceau đều sẽ không quên.
 
Chuyến đi thắng lợi đến Alsace - Lorraine​


Giờ đây niềm vui chiến thắng xóa tan mọi sự ganh đua. Ngày 11-11-1918, Đức đầu hàng. Tại Paris, không khí phấn khởi tràn ngập, nhưng Tổng thống lại phải chịu cay đắng. Quốc hội ra sắc lệnh: “Georges Clemenceau và Nguyên soái Foch rất có công với Tổ quốc”.

Clemenceau đã lấy mất của Raymond Poincaré chiếc áo lễ mà ông vẫn mơ ước được mặc. Việc thực thi Hiến pháp, đẩy Tổng thống xuống thành nhân vật thứ yếu và mang tính trang trí, đã chiến thắng mong muốn khôi phục lại Hiến pháp theo đúng nghĩa đen của Poincaré.

Tuy nhiên, Clemenceau không từ chối lời đề nghị của Poincaré: cùng đi tới các tỉnh mới giành lại được. Ngày 7-12-1918, Poincaré và Clemenceau tới Lorraine. Ngày 8-12, tại Metz, Poincaré giao lại chiếc gậy Thống chế của mình cho Pétain, và sau khi ôm hôn Pétain, ông quay sang ôm hôn Clemenceau trong sự hoan hô nhiệt liệt của đám đông.

Tại Strasbourg, những tiếng hoan hô vang dội như vậy đã đền đáp cho nỗi oán giận và thu mình của Poincaré. Hơn nữa, sau buổi lễ chính thức, đám đông còn dành cho riêng cho ông sự đón chào nhiệt liệt. Nhưng khi trở về Paris, những nỗi lo lại xuất hiện. “Vấn đề hiện nay là phải đạt được hòa bình”, Clemenceau nói vào tối ngày 11-11; nhưng về cách đạt được hòa bình, quan điểm của Poincaré và Clemenceau hoàn toàn khác nhau.

Một nền hòa bình thoả hiệp mà Poincaré không mong muốn

Tổng thống nghĩ tới một nền hòa bình sẽ mang lại lợi ích cho nước Pháp, xứng đáng với những hi sinh đã cống hiến. Do chỉ có thể kéo dài chiến tranh đến khi Đức bị đánh bại hoàn toàn, Poincaré đành chấp nhận không sáp nhập vùng tả ngạn sông Rhin, nhưng ít nhất ông cũng gây sức ép với Clemenceau để thương thảo với quân Đồng minh cho Pháp đóng chiếm vùng này. Clemenceau rất phẫn nộ; còn Wilson từ chối, giận dữ vì thấy Pháp muốn tạo ra một vùng “Alsace-Lorraine” mới ở Đức.

Về phần Thủ tướng Anh Lloyd George , các cố vấn khuyên ông nên ngăn cản các tham vọng của Pháp, quân đội Pháp lúc này đang có mặt ở khắp châu Âu. Mặt khác, Clemenceau không muốn làm sứt mẻ mối quan hệ với các đồng minh. Vì vậy, ông chấp nhận một nền hòa bình thoả hiệp, trong đó Pháp phải hi sinh phần lớn các dự định của mình cho Anh. Pháp sẽ chỉ được tạm chiếm vùng tả ngạn sông Rhin (muộn nhất đến năm 1935 sẽ rút khỏi đây từng phần) - dự kiến Pháp có thể kéo dài chiếm đóng nếu Đức không trả tiền bồi thường chiến tranh.

Cuối cùng, trong khi chờ đợi một hội nghị chuẩn bị tổng giải trừ quân bị, Đức phải giải trừ quân bị ngay. Đổi lại những nhượng bộ mà Pháp đã dành cho các nước đồng minh, Clemenceau có được sự đảm bảo mà ông cho là quan trọng: Anh và Mỹ cam đoan sẽ đến cứu viện Pháp nếu Pháp bị Đức tấn công một lần nữa. Khi Clemenceau đến thông báo cho Tổng thống những kết quả đạt được, Poincaré đón tiếp ông bằng một sự im lặng lạnh lùng.

Ít nhất là trên một phương diện, tính đa nghi của Poincaré đã được chứng minh là có lí. Thượng nghị viện Mỹ từ chối phê chuẩn hiệp ước hòa bình, do đó lời đảm bảo của Wilson dành cho Pháp trở thành vô hiệu. Chính vì thế, Anh tuyên bố rằng lời đảm bảo của họ chỉ có giá trị khi phối hợp với lời đảm bảo của Mỹ, do đó họ bãi bỏ thỏa thuận mà Lloyd George đã đưa ra.

Đối với Poincaré, mọi việc đã hoàn toàn chấm dứt. Ông thất bại tại Điện Élysée nhiệm kỳ Tổng thống kết thúc vào năm 1920 và ông kiên quyết không ra ứng cử cho nhiệm kỳ thứ hai. Ông đánh giá quá cao chính sách năng động đến mức chấp nhận vai trò của mình từ khi Clemenceau điều hành công việc.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 1919 đã bầu ra một Quốc hội của cánh hữu, mang đặc tính của cánh hữu nhất kể từ năm 1871, đó là “Viện xanh chân trời” . Quốc hội này nhanh chóng bỏ phiếu tán thành rằng Tổng thống là người có công với Tổ quốc. Trong hoàn cảnh đó, Poincaré rời Điện Élysée ngày 17-2. Quốc hội cho phép ông hài lòng lần cuối cùng khi làm thất vọng Clemenceau, ứng cử viên kế nhiệm ông. Poincaré tâm sự với một người bạn: “Sự nghiệp của tôi đang bắt đầu”.
 
Tiếp tục hoạt động chính trị sau khi rời Điện Élysée​


Mặc dù thất bại tại Điện Élysée và không thực hiện được ý định giành lại quyền lực thực sự cho Tổng thống nhưng Poincaré đã thắng lợi ở một điểm.

Đối với người dân Pháp, ông là hiện thân của vị nguyên thủ quốc gia yêu nước, đối thủ của nền hòa bình do Clemenceau đặt ra, không nhân nhượng khi động chạm tới các quyền của nước Pháp.

Những khó khăn của hòa bình, những thất vọng mà nền hòa bình đó mang đến cho nước Pháp đã làm cho nhân dân yêu mến ông, điều mà ông đánh mất trong thời kỳ chiến tranh. Trong suốt 10 năm, ông giữ vai trò chủ chốt trên chính trường Pháp và sau khi tạo nên nghịch lí là làm nên sự nghiệp vẻ vang mặc dù toàn thất bại trong một thời gian dài, ông rút lui vì lí do sức khoẻ.

Không lâu sau khi rời Điện Élysée, ông được bầu lại làm Thượng nghị sĩ của tỉnh Meuse, Chủ tịch Ủy ban bồi thường chiến tranh, và năm 1922, ông lại trở thành Chủ tịch Hội đồng thay Briand (bị Quốc hội hướng cho là thiên về chấp nhận xem xét lại vấn đề bồi thường chiến tranh). Ngược lại, Poincaré là người “thực hiện toàn bộ Hiệp ước Versailles”. Để buộc Đức phải thanh toán các khoản bồi thường, năm 1923, ông quyết định đánh chiếm vùng Ruhr để lấy đó làm vật thế chấp.

Dư luận hoan nghênh nhưng người Anh phẫn nộ và để tỏ thái độ, họ tác động chống lại đồng franc trên thị trường chứng khoán. Ngay sau đó Poincaré phải chấp nhận những cuộc đàm phán mà ông từng từ chối và cam kết rút quân khỏi Ruhr. Đây là thất bại đầu tiên.

Nhưng ít nhất ông cũng cứu được đồng franc nhờ khoản cho vay của ngân hàng Morgan, nhưng đi kèm với nó là quyết định tăng thuế. Để đáp lại, dư luận làm cho cánh hữu thất bại ở cuộc bầu cử năm 1924 và đưa Liên minh cánh tả lên cầm quyền. Đó là thất bại thứ hai. Tuy nhiên, do các ngân hàng lớn làm thất thoát vốn nên Liên minh cánh tả buộc phải từ bỏ việc nắm quyền khi đồng franc gặp nguy hiểm.

Một lần nữa người ta lại triệu mời Poincaré, tác giả của “trận Verdun tài chính 1924”. Lần này, ông đã thành công, sự thành công chất chứa đầy hậu quả đối với nước Pháp. Trên bảng tỉ giá, đồng franc lại tăng lên nhanh chóng, và năm 1928, Poincaré giữ đồng franc ổn định chính thức ở mức 1/5 giá trị trước chiến tranh. Ông trở thành vị cứu tinh của nền tài chính Pháp và năm 1929 rời khỏi chính quyền trong ánh hào quang rực rỡ.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng thế giới xảy ra lúc đó đã khiến đồng franc bị coi là được định giá quá cao, do đó giá cả ở Pháp cao hơn giá cả của thế giới. Xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh và sự bình ổn đồng franc của Poincaré và giáo lí đồng franc giá trị mạnh mà các nhà lãnh đạo nền kinh tế sau ông vẫn theo đuổi, đã làm cho nước Pháp phải chịu nhiều hậu quả của cuộc khủng hoảng, vào thời điểm cuộc xung đột thế giới lần thứ hai bắt đầu nổ ra.

Đây không phải là một Tổng thống kiểu mẫu?

Liệu ta có thể tổng kết sự nghiệp của Poincaré vào thời điểm ông rời cương vị Tổng thống được không? Ông hi vọng dùng chức Tổng thống để giữ vai trò thực sự, nhưng đã hoàn toàn thất bại. Chính Clemenceau đã chứng minh cho ông thấy rằng trong quá trình hoạt động thông thường của chế độ dân chủ nghị viện, nếu Tổng thống không có quyền hạn đừng mong giữ một vai trò có quyền lực.

Trong thời kì ông còn đương chức, Liên minh thần thánh mà ông từng muốn dựa vào để gây ảnh hưởng đã nhanh chóng sụp đổ. Hình ảnh của ông trong con mắt người đương thời như thế nào?

Nhà văn Jean Giraudoux đã cho chúng ta câu trả lời. Trong cuốn tiểu thuyết Bella, ông phác họa một bức chân dung khủng khiếp về Poincaré, được miêu tả qua nhân vật chính khách Rubendart, người mỗi chủ nhật lại khánh thành công trình tưởng niệm lính tử trận và dường như tin rằng binh sĩ tử trận trong Đại chiến sẽ lui ra xa để tranh cãi về khoản tiền bồi thường chiến tranh! Bất công ư?

Có thể, nhưng xung quanh Poincaré còn quá nhiều bí mật, quá nhiều bí ẩn để có thể đánh giá lương tâm và những ý định tốt đẹp của vị Chủ tịch Liên minh thần thánh: ông không phải là vị Tổng thống - kiểu mẫu như ông hằng ao ước.
 
Paul Deschanel, giấc mơ không thành​


Nhiệm kỳ Tổng thống của Raymond Poincaré kết thúc vào tháng 1-1920 và ông kiên quyết không tiếp tục thêm một nhiệm kì nữa. Một cái tên kế nhiệm nổi lên: Clemenceau.

7 năm trước, đây chính là ý kiến của dư luận mặc dù các Nghị sĩ đã bầu Poincaré; người ta có thể nghĩ rằng lần này dư luận sẽ lựa chọn nhân vật được coi là người chiến thắng trong chiến tranh.

Nhưng liệu Clemenceau có chấp nhận chiếc lồng vàng dường như dành cho ông không? Người từng đánh đổ nhiều nội các, kẻ mưu sĩ đã tạo ra biết bao Tổng thống và cũng làm thất bại nhiều hi vọng của Tổng thống, liệu có muốn hành động vì lợi ích của mình không? Ta có thể nghi ngờ điều đó. Chính Clemenceau cũng hoài nghi khả năng ra ứng cử nhưng cuối cùng bạn bè đã thuyết phục được ông.

Dù sao, Clemenceau cũng đặt một điều kiện: không tiến hành các cuộc vận động mà ông coi là mất thể diện, không gặp gỡ các Nghị sĩ có thế lực, không chấp nhận mọi sự nhượng bộ mà ít nhiều một ứng cử viên phải làm. Chính vì vậy, việc ông ứng cử phải đi theo đường vòng bằng một thông cáo báo chí: “Ngài Clemenceau đã đồng ý để bạn bè đề cử ngài vào cương vị Tổng thống, khi tuyên bố với họ rằng ngài đã sẵn sàng chấp nhận nhiệm kì mà Quốc hội giao phó. Như vậy, thay mặt Ngài Clemenceau, những người bạn của Chủ tịch Hội đồng đã quyết định cho in các phiếu bầu và trao chúng cho các Nghị sĩ sẽ tham gia phiên họp toàn thể”.

Quyết định này của Clemenceau đã làm một người bối rối: đó là ngài Chủ tịch Quốc hội Paul Deschanel. Từ đầu thế kỉ, ông luôn chờ đợi thời vận của mình.

Mục tiêu chính trị duy nhất: trở thành Tổng thống.

Không ai có thể nghi ngờ tư cách đảng viên Đảng Cộng hòa của Paul Deschanel: ông đương nhiên thừa hưởng nó từ gia đình. Là con của một người bị đi đày biệt xứ sau vụ đảo chính ngày 2-12-1851, ông ra đời khi bố mẹ ông sống lưu vong ở Bruxelles. Về mặt chính trị, ông tỏ ra là một người Cộng hòa rất ôn hòa, nếu không muốn nói là phản động, nhưng điều đó không có gì quan trọng!

Sự ra đời của ông chẳng đã chứng minh một niềm tin Cộng hòa mãnh liệt đó sao? Ở tuổi 23, ông là một thanh niên hấp dẫn, ăn mặc đẹp, khéo ăn nói. Ông tự cho là có tài viết lách và khá thành công với vài tác phẩm về lịch sử; sự nghiệp chính trị của ông cũng tiến triển đồng thời. Sau khi giữ chức Phó tỉnh trưởng, ông được bầu vào Quốc hội với tư cách là đại biểu của tỉnh Eure-et-Loir và của khu vực bầu cử Nogent-le-Rotrou.

Mục đích của con đường công danh này là chức Tổng thống. Chàng trai Deschanel sớm hiểu rằng một chính khách tỏ rõ thái độ trong các cuộc đấu tranh và có tiếng tăm sẽ không thể vươn tới vị trí nguyên thủ quốc gia. Vì vậy, ông thể hiện vừa đủ để mọi người nghĩ rằng ông là một ứng cử viên lí tưởng, chứ không làm mình nổi bật để mọi người e sợ.

Vì vậy, con đường công danh của Deschanel diễn ra trong danh dự và từ chối trách nhiệm. Là Nghị sĩ, ông kiên quyết từ chối mọi lời đề nghị giữ chức Thủ tướng vì sợ bị ảnh hưởng. Mặc dù các Tổng thống, trong đó có Loubet và Poincaré, tha thiết khẩn nài song ông vẫn một mực từ chối thành lập chính phủ. Nhưng ông chăm sóc bản thân rất kĩ lưỡng và sự thanh lịch của ông còn nổi tiếng hơn tài ăn nói.

Chính ông cho rằng mình rất vụng về khi thực hiện và chỉ đạo công việc, nhưng lại cảm thấy rất thoải mái trên cương vị trọng tài và đại diện. Thực vậy, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nhiều lần, và tính công minh, tài hùng biện của ông đã làm hài lòng tất cả các phe phái trong Quốc hội. Tuy nhiên, thái độ khéo léo này được đền đáp hơi muộn.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1906, không ai nghĩ đến việc đưa Paul Deschanel lên để thay thế Loubet, và Fallières đã dễ dàng đắc cử. Năm 1913, vì đã có kinh nghiệm nên ông tỏ rõ thái độ sẵn sàng ra ứng cử. Nhưng do dư luận áp đặt và hoàn cảnh lúc đó đòi hỏi phải bầu Raymond Poincaré. Chắc chắn Deschanel sẽ khó bỏ qua việc này cho Poincaré.

Năm 1920, ông lại ra ứng cử khi Clemenceau có thể sẽ hất cẳng ông. Ông lo sợ lại tái diễn tình trạng như năm 1913 và Quốc hội sẽ chọn người được lòng dư luận. Vậy mà Clemenceau nổi tiếng khắp cả nước, còn Deschanel thì lại ít được biết đến. Nhưng một lần nữa, tình huống này lại có lợi cho người ít thể hiện quan điểm hơn và ít nổi tiếng hơn.
 
Thất bại của Georges Clemenceau​


Nếu như Clemenceau được dư luận ủng hộ thì các Nghị sĩ, những người ủng hộ ông trong các cuộc bỏ phiếu công khai, lại không hề yêu quí ông và thể hiện điều đó trong một cuộc bỏ phiếu kín.

Tại sao ư? Hãy để chính Clemenceau giải thích: “Bởi vì khi tôi nói với Quốc hội, tức là tôi nói với đất nước. Các bài phát biểu của tôi luôn vượt lên trên các Nghị sĩ và Thượng nghị sĩ và tôi luôn khiến họ hiểu rằng dù tôi thất bại hay không, cuối cùng chính đất nước sẽ phán xét tôi và phán xét họ”.

Tất cả các chính đảng trong quốc hội đều trách cứ Clemenceau. Đảng Xã hội cánh tả nhớ lại rằng ngày xưa ông ta tự xưng là “viên cảnh sát số 1 của Pháp” và người ta không tha thứ cho hành động tàn nhẫn của ông khi đàn áp phong trào hòa bình trong thời kỳ chiến tranh.

Những người cấp tiến thì phàn nàn về tính độc đoán của ông và nhớ lại nội các mà ông đã thành lập trong chiến tranh. Họ e sợ rằng khi trở thành Tổng thống, ông sẽ chỉ thực thi quyền lực cá nhân và mời vào nội các những nhân vật thứ yếu. Về phía cánh hữu, chính sách kinh tế chỉ huy do Clemenceau thực hiện khiến họ rất lo lắng và những người Thiên chúa giáo vốn rất đông đảo ở “Quốc hội của quân đội” nhắc đi nhắc lại câu trả lời của ông khi Nghị sĩ Groussau hỏi ông có đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Roma không: “Không đời nào!”

Ngoài những lí do chính trị này, còn có những vấn đề cá nhân: Clemenceau chưa bao giờ nể nang ai, do đó không thể trông chờ người khác kính nể. Aristide Briand tiến hành chiến dịch phản đối Clemenceau. Ông đi khắp các hành lang Nghị viện, đi từ nhóm này sang nhóm khác để bắn những mũi tên tẩm độc vào Clemenceau.

Ví dụ, khi gặp Groussau, một trong những người đứng đầu nhóm Thiên chúa giáo, Groussau nói: “Hình như ngài sẽ bỏ phiếu cho Clemenceau. Vậy thì ngài có thể chuẩn bị chờ đợi một đám tang dân sự tồi tệ nhất ở Điện Élysée nhờ phiếu bầu của Ngài và bạn bè Ngài đấy”.

Mặc dù từng nghĩ rằng nên từ bỏ còn hơn lại phải chịu thất bại trước một đối thủ quá nổi tiếng, nhưng trong những điều kiện đó Paul Deschanel đã lấy lại được nghị lực. Sau một vài lưỡng lự, phái Thiên chúa giáo quyết định ủng hộ Deschanel và Hồng y giáo chủ đã phát biểu ý kiến cá nhân (nhưng những lời nói của ông rất có tiếng vang): “Các tín đồ Thiên chúa giáo chúc ông Deschanel thắng cử”. Như vậy, rõ ràng là Clemenceau sẽ thua vì quá coi thường những Nghị sĩ sẽ bầu ra Tổng thống.

Ngày 16-1, tại Thượng nghị viện, các nhóm Cộng hòa của Nghị viện tiến hành phiên họp trù bị truyền thống. Lần đầu tiên, khoảng 30 Nghị sĩ Đảng Xã hội tham gia phiên họp này không phải để chỉ định ứng cử viên theo lựa chọn của họ, mà để làm cho Clemenceau thất bại.

Buổi chiều, kết quả được công bố: Deschanel hơn Clemenceau 19 phiếu. Clemenceau không hề nghĩ đến việc tiếp tục đi xa hơn nữa như Poincaré đã làm 7 năm trước đây. “Con hổ” bại trận gửi cho Chủ tịch Quốc hội Léon Bourgeois một bức thư xin rút lui:

“Thưa Ngài Chủ tịch Quốc hội,

Tôi xin mạo muội thông báo với Ngài rằng tôi không cho phép bạn bè đưa tôi ra ứng cử vào chức Tổng thống nữa. Cho dù họ vẫn tiếp tục và giành được đa số phiếu cho tôi, tôi cũng xin từ chối nhiệm kì được giao”.

Vậy là con đường rộng mở cho Deschanel. Ngày 17-1, ông đắc cử Tổng thống tại vòng bầu cử đầu tiên với 734 trong tổng số 888 phiếu bầu. Bài học của cuộc bầu cử này không phải là bài học về chiến thắng của con người ít nổi tiếng này, mà là bài học về thất bại của Georges Clemenceau. Lại một lần nữa, nhân vật mang tính đại diện ở hàng thứ yếu được ưa thích hơn vị chính khách mà người ta sợ rằng không thích “trị vì” mà muốn “điều hành”.

Clemenceau chấp nhận thất bại này một cách khó khăn. Sau cuộc bầu cử, khi Deschanel đến thăm ông lần đầu tiên với tư cách là Tổng thống, Clemenceau nói với những người thân cận: “Hãy nói với ông ấy là tôi không có ở đây”. Sau đó ông rút lui trong cay đắng, từ chối mọi cương vị chính trị.
 
Những điều kì cục của Tổng thống​


Ta có thể nghĩ rằng, sau khi chuẩn bị quá lâu cho nhiệm kì Tổng thống mà ông đạt được vào ngày 17-1, Deschanel sẽ không có những đòi hỏi bất ngờ.

Trên thực tế, ông có luận thuyết Tổng thống riêng: ông nghĩ rằng với những quyền lực mà Hiến pháp trao cho, Tổng thống phải thật sự “điều hành” và cho rằng mình phải có ý kiến về hiệp ước hòa bình được ký ở Versailles, bởi theo ông nền hòa bình này không thỏa mãn lợi ích quốc gia. Clemenceau từ chức làm cho chính trường không còn một chính khách độc đoán.

Tuy nhiên, phe đa số của Khối Dân tộc chi phối Quốc hội có một thủ lĩnh mà Deschanel phải mời tham gia chính quyền, đó là Alexandre Millerand. Thế nhưng vị tân Chủ tịch Hội đồng không hề thua kém Clemenceau về vấn đề quyền lực và không muốn trao lại cho Tổng thống dù chỉ một phần quyền lực nhỏ nhất của mình. Vì Millerand được phe đa số trong Quốc hội ủng hộ nên Deschanel chỉ còn biết tuân theo và chấp nhận thất vọng đầu tiên này.

Nhưng ngay sau đó, bản thân ông cũng không còn khả năng theo đuổi một chính sách nào. Từ trước khi ông đắc cử, những người thân của ông đã biết ông là người dễ bị kích thích và dễ xúc động. Nhưng khi đã đắc cử, mục đích cả đời được toại nguyện, người ta lại có cảm tưởng Tổng thống đang suy sụp và mất hết nghị lực. Mặc dù những người thân cận cố gắng che giấu tình trạng của ông, song rõ ràng Tổng thống đang bị những cơn suy nhược thần kinh giày vò.

Người ta bắt đầu nói xa xôi về “những điều kì cục của Tổng thống “vốn rất khó che giấu khi chúng xảy ra vào lúc ông thực hiện các cuộc giao tế. Đó là những lời phát biểu rời rạc không ăn nhập gì với nhau với một đại biểu địa phương nào đó; hay trong một bữa tiệc, Tổng thống đột nhiên đứng dậy và rời khỏi phòng không một lời giải thích, để mặc khách mời sững sờ. Những người thân cận của Tổng thống luôn luôn phải cảnh giác và họ cũng đã giải thích về các hành động này, tuy nhiên những lời giải thích đó không làm người ta thỏa mãn. Không lâu sau đó, thái độ của Tổng thống làm nước Pháp phải lo sợ.

Tháng 5-1920, Deschanel lên tàu hoả rời Paris đến Montbrison để khánh thành công trình tưởng niệm một Thượng nghị sĩ hi sinh ngoài chiến trường. Nhưng khi đến ga Roanne, người ta thấy Tổng thống không còn ở trong toa của ông nữa! Lúc nửa đêm, khi đang nửa tỉnh nửa mê, ông đã nhảy xuống tàu. Thấy ông trong bộ đồ ngủ trên đường ray, một nhân viên đường sắt đã đưa ông về trạm gác chắn tàu gần nhất.

Deschanel tự giới thiệu nhưng người ta không tin, may sao một bác sĩ đã nhận ra ông và báo ngay cho Phó tỉnh trưởng tỉnh Montargis. Cả nước Pháp náo động: văn phòng Tổng thống và chủ tịch Hội đồng phải cho đăng các thông cáo trong đó đưa ra một cách giải thích hợp lí đối với công chúng cho sự kiện đã xảy ra. Nhưng sự thật nhanh chóng bị lộ tẩy và ngài Tổng thống đáng thương trở thành trò cười.

Millerand khuyên ông nên đi nghỉ một thời gian ở Rambouillet, ở đó ông sẽ đủ minh mẫn để chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng và ký các văn bản chính thức. Mọi người đã bắt đầu hi vọng rằng sau khi được nghỉ ngơi, Tổng thống sẽ bình phục. Nhưng không lâu sau, hi vọng này mất hẳn.

Từ tháng 9, các cơn khủng hoảng thần kinh lại bắt đầu. Ngày 10-9, người ta thấy Tổng thống gần như trần truồng, lội bì bõm trong bể cảnh của lâu đài Rambouillet. Các bác sĩ đề nghị ông nghỉ ngơi hoàn toàn, nhưng cho dù không có thực quyền thì Tổng thống vẫn rất cần thiết để các thể chế chính trị hoạt động bình thường. Ông có thể chỉ định người đứng đầu chính phủ trong trường hợp khủng hoảng và chỉ mình ông có thể làm việc đó không một luật nào có giá trị nếu không được ông ban hành. Vậy là chỉ còn một giải pháp: từ chức. Ngày 21-9, Deschanel buồn rầu thông báo:

“Tình trạng sức khoẻ của tôi không cho phép tôi tiếp tục đảm nhiệm trọng trách mà các vị đã tin tưởng giao cho tôi trong cuộc họp của Quốc hội ngày 17-1 vừa qua.

Vì buộc phải nghỉ ngơi dài ngày nên tôi phải không chậm trễ thông báo với các vị quyết định của tôi. Đây là một quyết định vô cùng đau đớn đối với tôi, và tôi đau buồn sâu sắc khi phải từ bỏ nhiệm vụ cao cả mà các vị đã cho là tôi xứng đáng thực hiện nó (…)

Với mong muốn hoàn thành một trong những nhiệm vụ đau đớn nhất cũng như cấp thiết nhất, tôi gửi đến văn phòng Thượng nghị viện và văn phòng Quốc hội lá đơn xin từ chức Tổng thống”.

Thế là mặc dù đã chuẩn bị cả đời cho một cuộc bầu cử và thực hiện được khát vọng lớn nhất của mình, nhưng Paul Deschanel chỉ ở cương vị tối cao trong 7 tháng và để lại cho lịch sử không phải hình ảnh của một Tổng thống vĩ đại như ông từng mong muốn mà là hình ảnh của một con người đáng thương đã chiến thắng Clemenceau ngoài sức tưởng tượng, và sau đó lại bị căn bệnh là hậu quả của chiến thắng này hành hạ.
 
Alexandre Millerand, hoặc sự ham muốn quyền lực​


Khi tình trạng sức khoẻ của Deschanel báo hiệu khả năng ông phải từ chức, thì Alexandre Millerand, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và cũng là lãnh tụ phe đa số, đã sốt sắng tìm một người kế nhiệm Tổng thống trong số những đại diện chính trị lão thành của phe đa số.

Tuy nhiên, chắc chắn là phe đa số muốn chính sách cánh hữu của mình được tiếp tục thực hiện, do đó họ thúc giục chính vị Chủ tịch Hội đồng ra ứng cử.

Millerand tỏ rõ thái độ không đồng tình đối với giải pháp này. Ông cảm thấy mình là một người năng động và không mấy thích thú với vai trò thứ yếu tại Điện Élysée. Mặt khác, ông thể hiện rõ ràng quan điểm của mình về chức Tổng thống. Trước đây, trong một diễn văn tranh cử, ông đã khẳng định rằng cần phải trả lại cho Tổng thống quyền giải tán Quốc hội mà Nghị viện đã tước bỏ và khôi phục lại vai trò lãnh tụ thực sự của Tổng thống trong quyền hành pháp.

Nhưng để đạt được điều này, theo Millerand, Tổng thống phải không được là con tin của những Thượng nghị sĩ đã bầu mình. Vì vậy, ông chủ trương thành lập một đoàn cử tri mở rộng dành cho các Ủy viên đại hội đồng và các “thành viên của những tập đoàn lớn”, thay cho cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu mà những kí ức từ nền Cộng hòa đệ Nhị không cho phép thực hiện.

Người ta nghĩ rằng vào ngày 20-9-1920, Millerand nhượng bộ trước yêu cầu của bè bạn cùng chí hướng và quyết định tham gia ứng cử vào vị trí Tổng thống, một số Nghị sĩ Cộng hòa, đặc biệt là Đảng viên Đảng Cấp tiến, rất lo lắng muốn biết ý đồ của ứng cử viên này đối với vấn đề thể chế. Millerand cho họ thấy rằng ông vẫn tán thành việc xem xét lại Hiến pháp, nhưng việc này chỉ được tiến hành sau một số công việc khẩn cấp hơn, đó là xây dựng lại đất nước bị tàn phá trong chiến tranh.

Thế là sau khi mang điều này ra thảo luận tại phiên họp trù bị các nhóm Cộng hòa của hai Viện, ông đã được bầu làm Tổng thống ngày 23-9-1920 với 695 phiếu, trong khi Delory, ứng cử viên của Đảng Xã hội, chỉ nhận được 69 phiếu.

Cuộc bầu cử thắng lợi nhưng đã xảy ra một nghịch lí: tuyệt đại đa số cánh hữu lại bỏ phiếu cho một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Đảng Xã hội Pháp vào đầu thế kỉ XX.
 
Một Đảng viên đặc biệt của Đảng Xã hội​


Trên thực tế, trong những năm cuối cùng của thế kỉ XIX, Millerand được coi như một trong những niềm hi vọng của Đảng Xã hội, cùng với Jean Jaurès.

Tuy nhiên, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình chính trong hàng ngũ của Đảng Cấp tiến. Khi còn là một luật sư trẻ, là bạn của Poincaré, ông thường lui tới gặp gỡ giới chính trị gia Paris. Ông nhanh chóng trở thành luật sư chuyên bào chữa trong các vụ án chính trị và cuối cùng đã đi theo hệ tư tưởng của những người được ông bào chữa.

Ông phẫn nộ trước việc các Đảng viên Đảng Xã hội bị đàn áp dã man trong những năm 1890-1893. Năm 1891, khi Chính phủ ra lệnh bắn vào nhóm biểu tình hòa bình tại Fourmies nhân dịp ngày 1-5, ông là luật sư bào chữa cho một trong những lãnh tụ của Đảng Xã hội và ông quyết định chuyển hẳn sang lí tưởng xã hội chủ nghĩa.

Khi trở thành đại biểu Quốc hội, ông là một trong những người được lắng nghe nhiều nhất trong số các nhà lãnh đạo của xu hướng này. Nhưng ông không gia nhập bất cứ một đảng nào trong số bốn Đảng Xã hội hướng tới giai cấp công nhân. Là “người theo phái Xã hội độc lập”, gốc tư sản, có sở thích lãnh đạo, ông không có cùng niềm tin học thuyết và cách mạng với các lãnh tụ lớn của Đảng Xã hội như Guesde, Vaillant hay Allemane. Vì vậy, người ta có thể xếp ông, cũng như Jaurès vào thời kì đó, vào hàng ngũ những người bảo hộ cho chủ nghĩa xã hội nhân đạo và lý tưởng chủ nghĩa.

Năm 1896, sau thắng lợi của Đảng Xã hội tại cuộc bầu cử cấp thành phố, Millerand đưa ra cho các nhóm một chương trình chung, gọi là “chương trình Saint-Mandé”, từ đó họ có thể đi đến thống nhất với nhau. Ở đây, ông có ý định dung hòa chủ nghĩa xã hội và truyền thống của Pháp từ năm 1789, loại bỏ bạo lực như một điều không thích hợp với nền dân chủ, trông chờ thắng lợi của những tư tưởng xã hội trong cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu.

Mặc dù được phần lớn các nhà lãnh đạo đón nhận, nhưng chương trình này không thể trở thành một hiến chương thống nhất, bởi vì tác giả của nó ngay sau đó bị mất uy tín do thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Năm 1899, khi Waldeck-Rousseau thành lập nội các bảo vệ nền Cộng hòa, Millerand được đề nghị giữ một chức Bộ trưởng.

Ông hỏi ý kiến một vài người bạn, trong đó có Jean Jaurès, và được khuyên nên chấp nhận, với suy nghĩ rằng các Đảng viên Đảng Xã hội có nghĩa vụ bảo vệ nền Cộng hòa và sự có mặt của một đảng viên Đảng Xã hội trong nội các có thể giúp làm cho chính sách của chính phủ nghiêng theo hướng có lợi cho giai cấp công nhân.

Vào lúc đó, rất nhiều nhóm thuộc phe xã hội không phản đối gay gắt việc Millerand tham gia nội các, nhưng ngay sau đó họ được biết rằng trong nội các còn có Hầu tước Galliffet , viên Tướng đã đàn áp Công xã một cách tàn bạo. Ngay lập tức, trong hàng ngũ Đảng Xã hội rộ lên tiếng la ó phản đối và yêu cầu xác định rõ ràng nguyên tắc tham gia vào các chính phủ tư sản. Millerand được Jaurès khéo léo bênh vực, do đó cuối cùng, Đảng Xã hội quyết định coi như Millerand tham gia vào chính phủ với tư cách cá nhân.

Khi Waldeck-Rousseau thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng, Millerand trở lại hàng ngũ Đảng Xã hội nhưng ông có vẻ vẫn thích có mặt trong nội các. Ý kiến của ông ở Quốc hội ngày càng tách rời ý kiến các Đảng viên Xã hội khác; liên đoàn đã khai trừ ông năm 1903. Millerand bắt đầu thăng tiến với tư cách một đại biểu không thuộc phái nào, nhưng luôn ở thế có thể vào nội các, điều này làm ông ngày càng tiến gần cánh hữu.

Khoảng thời gian ông ở Đảng Xã hội chỉ còn lại một từ “millerandisme” (chủ nghĩa Millerand), cách nói lái của Đảng Xã hội từ “arrivisme” (người tìm mọi cách để thành đạt) và từ đó, Đảng Xã hội coi ông như một căn bệnh đáng xấu hổ. Millerand nhiều lần giữ chức Bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh trong nội các thứ hai của Viviani.

Ông luôn trung thành ủng hộ tướng Joffre, do đó bị ảnh hưởng của mặt trái của ông ta. Khi hòa bình lập lại ông giữ chức Ủy viên Chính phủ phụ trách các vùng đã được thu hồi. Ttrong cuộc bầu cử năm 1919, ông có sáng kiến tập hợp tất cả các đảng đã tham gia vào Liên minh thần thánhvào những danh sách duy nhất.

Như vậy, Khối Cộng hòa quốc gia được hình thành, nhưng Millerand đẩy các liên minh về gần cánh hữu đến nỗi Đảng Cấp tiến sợ hãi và phải rút khỏi Khối Dân tộc. Chỉ còn lại phe trung lập và cánh hữu, Khối Dân tộc đã chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp: từ nay, người đại biểu cũ của Đảng Xã hội đã trở thành lãnh tụ của phe đa số cánh hữu, và với danh nghĩa này, Millerand bước vào Điện Élysée.
 
Trường hợp Briand: Tổng thống buộc Chủ tịch Hội đồng phải từ chức​


Trong một thông báo gửi hai Viện ngày 25-9, Millerand khẳng định lại quan điểm của mình đối với việc xem xét lại Hiến pháp:

“Bầu cử phổ thông đầu phiếu là giải pháp tốt nhất. Ý chí thể hiện qua lá phiếu của những người đại diện được bầu, cần có quyền hành pháp tự do dưới sự kiểm soát của Quốc hội và quyền tư pháp độc lập để được thực hiện và được tôn trọng.

Việc lẫn lộn các quyền là mầm mống của mọi chuyên chế. Các vị sẽ chọn điều mà các vị sẽ phán xét, cùng với chính phủ, vào thời điểm hợp lí nhất, để thận trọng đưa ra những sửa đổi được mong muốn nhất cho hiến pháp … “

Nhưng nếu Millerand chấp nhận không thúc đẩy nhanh tiến trình, điều đó không có nghĩa là ông từ bỏ các dự định của mình. Vả lại, ông đã đặt điều kiện trước khi chấp nhận ra ứng cử và đã tuyên bố chỉ ứng cử nếu Nghị viện công nhận quan điểm của ông, theo đó: “Tổng thống không nhất thiết phải là thành viên của một đảng nào đó, nhưng có thể và phải là người của một chính sách đã được phê chuẩn và thực hiện với sự cộng tác chặt chẽ của các Bộ trưởng”.

Đây là một sự coi nhẹ nguyên tắc không quyền lực của chức vụ Tổng thống. Nhưng việc các Nghị sĩ hầu như nhất trí bỏ phiếu tán thành đã làm cho Millerand nghĩ rằng khi lựa chọn ông, Đại hội đồng cũng đã ngầm chấp nhận các ý tưởng của ông. Đúng là trong sự nhất trí này thiếu phiếu bầu của Đảng Xã hội nhưng từ lâu, vị tân Tổng thống đã quen bỏ qua sự chống đối của họ.

Quyết tâm làm cho quan điểm của mình thắng thế trên thực tế đối với các sự việc trước khi việc xét lại Hiến pháp đem lại cho ông quyền làm điều đó, Millerand mời vào chính quyền một trong những người bạn của mình là Georges Leygues , một con người tẻ nhạt, để giữ vững nội các. Như vậy, ông vẫn đứng đầu cơ quan hành pháp thông qua người khác; vả lại, ở điện Élysée ông vẫn tiếp tục chính sách mà ông đã bắt đầu từ khi là còn là chủ tịch Hội đồng.

Vì vậy, ông chỉ đạo các cuộc thương lượng để khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Toà thánh. Tuy nhiên, vào đầu năm 1921, khi Georges Leygues mất chức do bị Quốc hội chỉ trích là quá phụ thuộc vào Tổng thống, Millerand buộc phải mời Aristide Briand, một người mà ông không thích nhưng đã góp phần làm cho ông thắng cử.

Các vấn đề về chính sách đối ngoại đã nhanh chóng làm cho người đứng đầu nhà nước đối đầu với người đứng đầu chính phủ. Cũng như phần lớn các Đại biểu Quốc hội, Millerand ủng hộ một chính sách cực kỳ khắc nghiệt đối với Đức, nước bại trận trong cuộc Đại chiến. Đặc biệt, ông muốn Đức phải trả đều đặn những khoản tiền nợ Pháp với danh nghĩa bồi thường chiến tranh.

Về phần mình, Briand tỏ ra nhạy cảm hơn với những ý kiến phản đối của các đồng minh cũ Pháp là Anh và Mỹ. Ý thức được rằng nước Pháp đã bị chiến tranh tàn phá, rằng dân số ít không cho phép Pháp tiến hành một chính sách hiếu chiến (ông đã có lần nói: “Tôi lập chính sách về tỉ lệ sinh đẻ”) và là người ủng hộ chân thành hòa bình, Briand mong muốn bảo đảm an ninh cho nước Pháp bằng cách giảm bớt căng thẳng trong quan hệ thù địch với Đức, cùng với sự bảo đảm của Anh và Mỹ.

Briand ý thức được rằng hai mục đích này chỉ có thể đạt được nếu nước Pháp chấp nhận xóa bỏ, hoặc ít nhất là điều chỉnh khoản bồi thường này, mầm mống của mối bất hòa giữa Pháp và các cường quốc khác. Tháng 1-1922, Briand gặp Thủ tướng Anh Loyd George tại Cannes. Mục đích của cuộc gặp là bàn bạc về thái độ đối với nước Nga Xô viết, điều chỉnh khoản bồi thường và sự bảo đảm của Anh trong trường hợp Pháp bị tấn công.

Dựa vào các điều khoản của Hiến pháp qui định Tổng thống là người đứng đầu về ngoại giao của nước Pháp, Millerand cảnh báo và đưa ra một vài lời khuyên cho Briand: kiên quyết không nhượng bộ về các khoản bồi thường chiến tranh, chỉ chấp nhận công ước bảo đảm song phương, v.v...

Thậm chí Millerand còn đi xa hơn. Trong lúc Briand vắng mặt, ông họp Hội đồng Bộ trưởng và yêu cầu họ ủng hộ những áp lực của ông lên Chủ tịch Hội đồng. Poincaré, lúc đó là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng nghị viện, cũng liên tiếp gửi điện cho Briand. Cuối cùng, do quá mệt mỏi, Briand rời khỏi Hội nghị ngày 11/1. Khi về đến Paris, ông được biết tờ Le Martin (Buổi sáng) vừa mới tiết lộ bức thư mới nhất mà Millerand gửi cho ông.

Mâu thuẫn với người đứng đầu nhà nước không quyền lực, Briand có thể mưu toan chống lại bằng vũ lực. Nhưng đó không phải là tính cách của Briand. Sau khi đã báo cáo kết quả đàm phán với Quốc hội, ông đã đưa ra lời kết luận này như lời xin từ chức: “Đây là việc mà tôi đã làm. Chúng ta đã đạt được điều này khi tôi rời Cannes. Những người khác sẽ làm tốt hơn tôi”.

Sau khi dồn Chủ tịch Hội đồng đến chỗ phải từ chức (sự kiện không được ghi lại trong biên niên sử Tổng thống ), Millerand mời vào vị trí đó Poincaré, người tỏ ra phù hợp nhất để dẫn dắt chính sách thực hiện đầy đủ Hiệp ước Versailles. Tháng 1-1923, Poincaré đưa ra một biện pháp táo bạo để buộc Đức phải trả tiền bồi thường chiến tranh. Mặc dù biết có nguy cơ xảy ra bất hòa giữa Pháp với các đồng minh cũ, nhưng Poincaré vẫn quyết định chiếm vùng Ruhr của Đức. Nhưng từ lúc đó, Millerand và Poincaré lại mâu thuẫn với nhau.

Được Bộ Tham mưu ủng hộ, Tổng thống coi sự chiếm đóng này như một biện pháp chính trị nhằm bảo đảm an ninh cho nước Pháp và một vật thế chấp mà người ta chỉ có thể trao trả lại khi nhận được những bảo đảm cụ thể. Poincaré, vốn là luật gia, lại chỉ nhìn nhận việc chiếm đóng vùng Ruhr như một phương tiện để buộc Đức phải tôn trọng Hiệp ước Versailles.

Vả lại, là người phụ trách chính trị của nước Pháp, Poincaré không muốn có bất kỳ mâu thuẫn nào với Anh và Mỹ, những nước mà ông cần cả trên bình diện ngoại giao lẫn tài chính để cứu đồng franc khỏi bị trượt giá trên thị trường hối đoái. Do vậy, mặc dù Tổng thống rất thất vọng, nhưng ông vẫn từ chối “khai thác thắng lợi của mình” và chấp nhận nối lại đàm phán với Đức. Không hi vọng sử dụng lại các thủ đoạn đã dùng với Briand để đối xử với Poincaré, Millerand đành phải chấp nhận.
 
Trường hợp Briand: Tổng thống buộc Chủ tịch Hội đồng phải từ chức (tiếp theo)​


Một lần nữa, ý chí của Tổng thống tỏ ra không đủ mạnh để tác động đến các chính sách khi đối diện với quyền lực của một Chủ tịch Hội đồng được Quốc hội tin tưởng.

Từ năm 1924, chính sách khôi phục lại quyền lực cho Tổng thống bằng sức mạnh mà Millerand cố gắng thực hiện đã thất bại, giống chính sách khôi phục bằng sự mềm dẻo mà Poincaré đã làm vài năm trước đó.

Tuy nhiên, Poincaré không hề làm gì để tạo điều kiện cho người kế nhiệm mình thực hiện nhiệm vụ dễ dàng. Là một luật gia rất tôn trọng các văn bản và truyền thống, ông rất e ngại thái độ tự do quá trớn mà Millerand thể hiện đối với một số người, đặc biệt, ông không hề tán thành quan niệm về cương vị Tổng thống của Millerand.

Đối với Poincaré, Tổng thống phải là trọng tài đại diện cho quyền lợi quốc gia trong hoạt động của các đảng, là nhân tố thường trực, ổn định, đối lập với phe đa số hay thay đổi thất thường. Ngược lại, Millerand tiếp tục coi mình là lãnh tụ của phe đa số. Đây là một thái độ nguy hiểm vì nó có nguy cơ làm tổn hại thanh danh của Tổng thống không quyền lực và làm cho ông ta không giữ được vị trí Tổng thống trong trường hợp một phe đa số đối lập chiến thắng.

Vì vậy, Poincaré nhiều lần phản đối Millerand tham gia chính trường để Millerand thể hiện thái độ ủng hộ và tán thành chính sách của Chủ tịch Hội đồng. Cuộc bầu cử năm 1924 sẽ cho thấy quan điểm này đúng đắn như thế nào.

“Trái với tinh thần của Hiến pháp, Tổng thống Alexandre Millerand đã ủng hộ một chính sách cá nhân…”

Với cuộc bầu cử năm 1924, cánh tả sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý kiến cử tri trước đó đã rút ra bài học nên Đảng Cấp tiến và Đảng Xã hội quyết định thống nhất với nhau trong cuộc bỏ phiếu. Và thế là Liên minh cánh tả được hình thành.

Ngược lại, Khối Dân tộc bị yếu đi sau 4 năm nắm quyền và không còn gắn kết như năm 1919 nữa. Người có uy tín nhất trong các vị lãnh đạo của Khối là Poincaré, do đang rất bận với các vấn đề của chính phủ, đã không thể hoặc không muốn đứng đầu chiến dịch tranh cử. Để giải quyết tạm thời khiếm khuyết này, Millerand, vẫn luôn luôn muốn hành động, lại một lần nữa ra khỏi vai trò trọng tài của mình.

Từ tháng 10-1923, trong một bài diễn văn gây tiếng vang tại Evreux, ông đã tự khẳng định mình như lãnh tụ của phe đa số. Sau khi bảo vệ trên danh nghĩa cá nhân chính sách được chính phủ Khối Dân tộc tiến hành từ năm 1919, ông đã đưa ra cho Khối một chương trình tranh cử. Nội dung chủ đạo của chương trình này là cải tổ hiến pháp. Ông tuyên bố: “Quyền lập pháp chỉ bao gồm ấn định qui tắc và kiểm soát”, và nói tiếp về “nhu cầu chung muốn giúp chính phủ ổn định hơn”.

Là lãnh tụ phe đa số cánh hữu, Tổng thống chỉ bị mất chức khi Liên minh cánh tả chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5-1924. Vả lại, Liên minh không muốn bỏ qua thái độ đảng phái của Millerand trong chiến dịch tranh cử. Ngay sau cuộc bầu cử, báo Le Quotidien (hàng ngày), cơ quan ngôn luận của Liên minh cánh tả đã tung ra khẩu hiệu “Các vị trí, tất cả các vị trí và ngay lập tức!”.

Và để thể hiện rõ là họ đang nhằm đến Tổng thống, nhóm Cấp tiến-xã hội của Quốc hội đã biểu quyết một bản kiến nghị: “Căn cứ vào việc Tổng thống Alexandre Millerand đã đi ngược lại tinh thần của Hiến pháp khi ủng hộ một chính sách cá nhân; căn cứ vào việc Tổng thống công khai đứng về phía Khối Dân tộc; căn cứ vào việc chính sách của Khối Dân tộc bị cả nước lên án, cho rằng việc ông Millerand còn ở lại Điện Élysée sẽ làm tổn thương ý thức về nền Cộng hòa, sẽ là nguồn gốc của mối xung đột không ngừng giữa chính phủ và nguyên thủ quốc gia và sẽ trở thành mối nguy hiểm thường xuyên đối với chính chế độ”.

Nhưng làm thế nào để buộc Tổng thống từ chức? Cách thức trước kia đã được sử dụng để loại bỏ Grévy giờ đây lại một lần nữa tỏ ra có tác dụng đối với Millerand. Đầu tiên, Millerand triệu tập các vị lãnh đạo của phe đa số mới để yêu cầu họ thành lập nội các. Herriot và Painlevé lần lượt lẩn tránh.

Vì vậy, Tổng thống định kêu gọi những thành viên của phe đa số cũ có uy tín khá lớn; nhưng Théodore Steeg, Đảng viên Đảng Cấp tiến và là toàn quyền Algérie, rồi đến Poincaré đều từ chối đi ngược lại các quyết định của cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu. Ở vào tình thế tuyệt vọng, Tổng thống đã nhờ đến François-Marsal, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nội các của Poincaré và là bạn thân của ông. Không ảo tưởng, nhưng ông này chấp nhận mạo hiểm.

Tuy nhiên, ông được tiếp đón tại Quốc hội bằng một bản kiến nghị được đa số phiếu tán thành, thể hiện rằng Liên minh từ chối “quan hệ với một nội các mà thành phần của nó chính là sự phủ định các quyền của Nghị viện”.

Millerand chỉ còn cách rút lui. Ngay hôm sau, ông rất đau buồn phải đưa ra một bản tuyên bố trong đó ông tố cáo các lãnh tụ của Liên minh đã vi phạm tinh thần của Hiến pháp: “Họ đã yêu cầu tôi từ chức. Đây là một tiền lệ đáng sợ biến chức Tổng thống thành mục tiêu của các cuộc chiến tranh cử, đưa biểu quyết trực tiếp vào thông lệ chính trị của chúng ta bằng mưu mẹo quanh co, và lấy đi của Hiến pháp yếu tố ổn định và liên tục duy nhất của nó”.

Thất bại của Millerand, vẫn trong nền Cộng hòa đệ Tam, đánh dấu thất bại hoàn toàn của những nỗ lực nhằm khôi phục lại vai trò mà Hiến pháp năm 1875 đã trao cho Tổng thống. Nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông cũng thể hiện một cách rất ấn tượng sự không tương hợp cơ bản giữa hoạt động của Nghị viện (từ ngày 16-5 năm 1877, Nghị viện trở thành trung tâm quyền lực thông qua chủ tịch Hội đồng, người do Nghị viện bầu ra và có thể bị Nghị viện bãi nhiệm) và mọi ý đồ nhằm khôi phục lại cho nguyên thủ quốc gia những đặc quyền được Hiến pháp năm 1875 công nhận và bị mất sau cuộc khủng hoảng ngày 16-5-1877.

Trước Millerand (và sau ông), không một Tổng thống nào dám không tuân thủ “Hiến pháp Grévy”. Ông là người đầu tiên và là nguyên thủ quốc gia duy nhất, cho tới nền Cộng hòa đệ Ngũ, dám bất chấp mô hình đã được nền Cộng hòa nghị viện thiết lập, khi tự khẳng định mình là lãnh tụ đảng tại Điện Élysée, đòi được lãnh đạo phe đa số, tự cho mình là người đứng đầu thực sự của chính phủ, và khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp.

Nếu như ngày nay, người ta nhìn nhận ông như một người báo hiệu cơ chế hoạt động của nền Cộng hòa đệ Ngũ thì thái độ của ông vào năm 1924 lại bị qui là chống lại nền Cộng hòa và sự táo bạo của ông lại làm cho ông gần như phải rút lui khỏi chính trường.
 
Gaston Doumergue, tài năng hùng biện cánh tả ủng hộ đường lối của cánh hữu​


Khi dồn Millerand đến chỗ phải từ chức, Liên minh cánh tả chắc chắn đã dự tính thay thế ông trong Điện Élysée bằng một thành viên của phe đa số mới.

Họ chỉ định cho chức vụ này Paul Painlevé, người được bầu làm Chủ tịch Quốc hội ngay khi Quốc hội họp, và đã đưa ra ý nghĩa chính trị của việc bầu này như sau: “Các vị đã đưa lên chức vụ cao quí này người được một đảng bầu ra”. Đương nhiên là việc ông bước vào Điện Élysée cũng mang cùng ý nghĩa như vậy: người được Liên minh cánh tả bầu sẽ ngồi vào ghế Tổng thống thay thế người của Khối Dân tộc.

Một tình huống như thế lẽ ra sẽ không có gì nguy hiểm đối với Painlevé nếu như Liên minh thực sự chiếm được đa số tại Quốc hội. Thế nhưng thực tế lại không phải như vậy. Ngay trong Quốc hội, Liên minh chỉ có được đa số phiếu khi có thêm phiếu của nhóm “cánh tả cấp tiến” mà tên gọi không thể gây ảo tưởng: thực tế họ là những người ôn hòa và tuyên bố theo chủ nghĩa cấp tiến chỉ vì quan điểm tôn giáo của mình.

Tại Thượng nghị viện, nhóm trung lập chiếm đa số áp đảo, họ kịch liệt chống đối mọi chủ trương liên minh, và như vậy, Painlevé sẽ rất khó được bầu. Chủ tịch Thượng nghị viện Gaston Doumergue không chậm trễ tận dụng tình hình này.

Người miền Nam vui tính

Doumergue sinh ra tại Aigues-Vives, trong một gia đình trồng nho ở vùng Languedoc, miền Nam nước Pháp. Từng làm Thẩm phán tại Đông Dương và sau đó là ở Algérie, năm 1893, ông trở thành Nghị sĩ cấp tiến của vùng Gard. Là một người theo đạo Tin lành, ông nghiêng về cánh tả một cách hoàn toàn tự nhiên.

Khuynh hướng cánh tả của người đàn ông miền Nam vui tính mà về tính khí khác xa với mọi quan điểm học thuyết này hiển nhiên không thể ngăn cản ông trở thành bảo thủ về mặt xã hội, tự cảm thấy mình là một người yêu nước và thậm chí là quân phiệt. Ông được Poincaré mời giữ chức Chủ tịch Hội đồng lần đầu tiên vào năm 1913, để duy trì đạo luật ba năm mà Barthou vừa cho thông qua. Tài năng hùng biện thiên về cánh tả cộng với quan điểm chính trị ôn hòa đã mau chóng giúp ông được đề cử và trúng cử vào chức Chủ tịch Thượng nghị viện.

Ngay từ năm 1924, việc Millerand từ chức đã cho Doumergue cơ hội hi vọng. François-Marsal đã không mấy khó khăn để thuyết phục Doumergue rằng sự phân chia số phiếu trong Nghị viện có thể tạo điều kiện để ông giành chiến thắng trước Painlevé. Là Chủ tịch Thượng nghị viện nên đương nhiên là chủ tịch Quốc hội, do đó Doumergue quyết định lùi cuộc họp Quốc hội lại 24 giờ để có thời gian thông báo cho mọi người biết việc mình ra ứng cử.

Để tránh tình thế khó xử, ông đã không nói đến việc này trong cuộc họp trù bị của các nhóm Cộng hòa mà ông e ngại không phải vô cớ rằng thành viên của Liên minh chiếm đa số. Thực vậy, trong cuộc bỏ phiếu ở phiên họp trù bị, Painlevé nhận được 306 trên tổng số 475 phiếu và Doumergue, khi đó vẫn chưa tuyên bố ra ứng cử, nhận được 149 phiếu. Chủ tịch Thượng nghị viện cảm thấy yên lòng: Nghị viện gồm hơn 800 đại biểu và ông chắc chắn sẽ thu hút được lá phiếu của cánh hữu và phe trung lập vốn thù địch với Liên minh cánh tả đó là chưa tính đến lá phiếu của nhiều nghị sĩ từng phản đối thái độ đảng phái của Millerand, những người này lo ngại Painlevé sẽ theo đuổi một chính sách mang tính đảng phái công khai không kém, có lợi cho Liên minh cánh tả.

Những tính toán trên là đúng. Doumergue không phải là ứng cử viên ở cuộc họp trù bị nên không tự cho là phải trung thành với những quyết định của cuộc họp. Ngày 13-6-1924, ông ra ứng cử trước Quốc hội và trở thành Tổng thống với 515 phiếu, trong khi Painlevé chỉ nhận được 309 phiếu.
 
Paul Doumer, vị tổng thống xấu số​


Tháng 6-1931, mọi người đều tin chắc rằng người kế nhiệm Gaston Doumergue trong Điện Élysée sẽ là Chủ tịch Thượng nghị viện Paul Doumer.

Thật vậy, dường như đã trở thành thông lệ: chủ tịch Thượng nghị viện sẽ được bầu làm Tổng thống, và đến năm 1931, Paul Doumer, người từng thất bại trước Fallières, đã có đủ tất cả các yếu tố cần thiết để chiến thắng trong cuộc bầu cử này.

Paul Doumer là ai? Đó thực sự là một người con của nhân dân. Bố ông là một công nhân lắp đặt đường ray tàu hoả. Bản thân ông cũng từng học việc trong một xưởng làm huân huy chương ở Montmartre và ông đã kiên trì chăm chỉ theo các lớp học buổi tối để có thể thi tốt nghiệp trung học.

Sau đó, ông dạy thử trong một trường phổ thông rồi trở thành giáo viên toán. Từ nghề giáo viên, ông chuyển qua làm nhà báo rồi làm chính trị, được bầu làm Nghị sĩ Đảng Cấp tiến của tỉnh Aisne và sau đó là của tỉnh Yonne, ông chuyên về các vấn đề tài chính. Khi làm Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nội các Cấp tiến của Léon Bourgeois thời kỳ 1895-1896, ông từng đề xuất đánh thuế thu nhập, nhưng sau đó lại không bảo vệ dự án của mình khi Méline lên nắm quyền.

Sau một thời gian làm toàn quyền Đông Dương, ông trở lại Quốc hội nhưng tách ra khỏi Đảng Cấp tiến bởi ông không tán thành chính sách của Combes . Chúng ta cũng đã biết vì thái độ này mà ông mất lá phiếu của cánh tả vào tay Fallières trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1906.

Năm 1931, mối bất đồng về chính sách của Combes đã lắng xuống, Doumer tiến tới cuộc bầu cử mà không có đối thủ nặng kí nào, nhưng hai ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, xuất hiện một ứng cử viên mới: Aristide Briand, chính trị gia nổi tiếng nhất thời đó, “người tìm kiếm hòa bình”. Trước đó, chắc chắn người ta đã nói tới việc vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nổi tiếng này, “người của Genève”, ra ứng cử, nhưng đó chỉ là lời đồn của những người thân cận với Briand.

Không muốn đối đầu với vị Bộ trưởng đại diện cho chính sách hòa bình, Doumer đã thử thăm dò ý định của Briand và ông này bác bỏ mọi tham vọng trở thành Tổng thống. Chắc chắn là Briand thực sự mong muốn vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để tiếp tục chính sách hòa bình đã gắn liền với tên tuổi của ông. Trong khi việc Doumer thắng cử hầu như chỉ còn là vấn đề thời gian thì những người thân cận với Briand cuối cùng đã thuyết phục được ông thay đổi ý định, vì thế mọi người đều sửng sốt khi biết tin Briand ra ứng cử hai ngày trước cuộc bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử ngày 13-5-1931 đã diễn ra trong điều kiện đặc biệt lộn xộn. Vốn trông đợi vào chiến thắng, Briand chỉ nhận được 401 phiếu tại vòng bầu cử đầu tiên, trong khi Doumer giành được 442 phiếu. Ngay sau đó, vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xin rút lui và Doumergue, khi đó vẫn còn là Tổng thống, đã phải cố thuyết phục để Briand không vì thất bại này mà xin từ chức ngay lập tức. Tại vòng thứ hai, Doumer đắc cử với 504 phiếu bầu.

Thời gian trên cương vị Tổng thống của ông quá ngắn ngủi để có thể mang lại hiệu quả. Con người kham khổ này luôn tự cho là không ốm đau gì và chứng tỏ một cường độ làm việc mà không một người phụ tá nào có thể theo kịp. Ông điều hành tới năm 1932 cùng các Chủ tịch Hội đồng đại diện cho phe đa số ở Quốc hội, tức là cánh hữu: Tardieu và Laval thay nhau đứng đầu chính phủ.

Doumer không được lòng dân như Tổng thống tiền nhiệm, nhưng lại được công chúng nhìn nhận như một người yêu nước (4 con trai của ông đã hi sinh trong Thế chiến thứ nhất), con người của ý thức và trách nhiệm, tiết kiệm công quỹ nhà nước, hăng say trong công việc. Cuộc bầu cử lập pháp tháng 5/1932 đã làm ông lo lắng. Thật vậy, ngay từ vòng một đã xuất hiện chiều hướng có lợi cho các đảng cánh tả tập hợp trong một liên minh mới. Nhưng Paul Doumer không có đủ thời gian để chứng kiến những điều ông tiên đoán trở thành hiện thực ở vòng hai.

Ngày 6-5-1932, trong khi tham dự buổi bán sách của các nhà văn cựu chiến binh, ông đã bị bắn 5 phát đạn. Một hành động chính trị ư? Không phải! Đó chỉ là hành động của một kẻ bệnh hoạn người Nga tên là Gorguloff. Hắn muốn gây một tội ác để có cảm giác mạnh và đã tận dụng cơ hội khi Tổng thống từ chối cho phép đoàn cảnh sát đông đúc bảo vệ mình. Paul Doumer đã chết trước khi kịp để lại dấu ấn ở cương vị Tổng thống và lịch sử chỉ ghi rằng ông phải ra đi sớm.
 
Một trọng tài thiếu công minh​


Ngay sau khi được bầu, vị tổng thống mới đọc một bài tuyên bố trong đó người ta trích ra một câu cáo buộc chính sách trước đây của Millerand, tuy không gay gắt nhưng cơ bản là chỉ trích quan điểm mới đây của Painlevé khi ông ta được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

“Không có ai ngoài tôi sẽ đứng bên trên các đảng phái để làm một trọng tài công minh”. Doumergue đúng là một trọng tài, nhưng chưa công minh.

Thật vậy, ông không có khả năng đối đầu với cuộc bầu cử phổ thông bầu phiếu, và nếu như ông có muốn thì trường hợp vừa qua của Millerand cũng sẽ làm cho người ta không còn thích nữa. Nhưng tính cách và tình huống trở thành Tổng thống của ông làm cho ông không được lòng Liên minh cánh tả.

Sau khi đắc cử, ông lại kêu gọi thủ lĩnh của Liên minh cánh tả Edouard Herriot thành lập chính phủ, và trong vòng hai năm, ông dành phần lớn thời gian giữ ghế Chủ tịch Hội đồng cho các lãnh tụ của Liên minh này. Tuy nhiên, trong thời gian chuyển giao giữa nội các của Herriot và của Painlevé, ông đã chỉ định một nhân vật đầy kinh nghiệm của chính trường Pháp mà giờ đây người ta không muốn biết thuộc cánh tả hay cánh hữu nữa, nhưng được Tổng thống hoàn toàn tin tưởng: đó là Aristide Briand.

Nhưng cho dù Chủ tịch Hội đồng là Briand, Herriot hay Painlevé, thì chính phủ vẫn phải đương đầu với những khó khăn do cùng một nguyên nhân: tỉ giá đồng franc trên thị trường chứng khoán nước ngoài liên tục giảm. Tuy nhiên, nước Pháp đã tự vươn lên từ những đống đổ nát của chiến tranh, sản xuất tăng và tất cả các yếu tố của một nền tài chính lành mạnh dường như đang được qui tụ. Nhưng cánh tả đang nắm quyền! Đảng Cấp tiến trong chính phủ kiên quyết từ chối dùng các biện pháp thắt chặt tài chính để ngăn chặn nạn chảy máu tư bản, nhưng lợi ích từ quan điểm tự do tài chính này đã bị phủ nhận vì chính phủ cộng tác với Đảng Xã hội, do đó chủ trương dùng những biện pháp cứng rắn.

Chính vì thế, do nhận được sự ủng hộ ngầm của Thống đốc Ngân hàng Pháp, các ngân hàng đã gây sức ép lên chính phủ. Họ hướng khách hàng khỏi những khoản vay của nhà nước và chỉ dành cho chính phủ những khoản vay hạn hẹp. Chính phủ không còn biện pháp nào khác ngoài tăng phát hành tài chính: hậu quả là lạm phát.

Năm 1926, Joseph Caillaux, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nội các của Briand, đã quyết định thực hiện các biện pháp mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính. Ông đề nghị Quốc hội trao cho mình toàn quyền về tài chính. Đến lúc đó, Chủ tịch Quốc hội Herriot đã phải rời khỏi cương vị của mình để đấu tranh giữ quyền đó cho Nghị viện, kết quả là nội các Briand bị lật đổ. Doumergue nắm lấy cơ hội, đồng thời vận động hành lang khéo léo nhằm vào các Nghị sĩ, để thoát khỏi Liên minh cánh tả.

Sau khi Herriot lật đổ chính phủ, Doumergue yêu cầu ông ta thành lập một nội các khác. Biết không thể làm được việc này, vị Chủ tịch Quốc hội định lẩn tránh, nhưng Doumergue muốn chứng tỏ rằng Liên minh cánh tả không có khả năng điều hành chính phủ, nên ông tiếp tục thúc ép, thậm chí còn tới mức nói đến tội phản nghịch. Mặc dù không muốn, Herriot vẫn đành thành lập một nội các Liên minh cánh tả mới, trong lúc đó, đồng franc tiếp tục sụt giá trên các thị trường chứng khoán nước ngoài.

Tình hình trở nên rất thê thảm. Herriot định từ chức nhưng Tổng thống muốn trước tiên ông ta phải bị Quốc hội phế truất. Chính phủ chỉ còn mỗi một việc là đề xuất với các Nghị sĩ một biện pháp không thể chấp nhận được đối với họ: bán đi các cánh rừng công. Ngày 21-7-1926, ngay sau ngày thành lập, nội các của Herriot đã bị lật đổ. Doumergue rất hoan hỉ: đây là kết cục của Liên minh cánh tả! Giờ đây, Tổng thống có thể đưa cánh hữu lên nắm quyền, cụ thể là Raymond Poincaré.

Ngay lập tức, tình hình tài chính được hồi phục và Poincaré có thể tự hào với danh hiệu người khôi phục nền tài chính. Ông giữ chức vụ này cho đến cuộc bầu cử năm 1928, cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự có lợi cho ông. Ngay sau cuộc bầu cử này, Doumergue một lần nữa lại bổ nhiệm Poincaré giữ chức Chủ tịch Hội đồng. Poincaré ở cương vị đó đến năm 1929 thì phải nghỉ hưu vì bệnh tật.

Sau khoảng thời gian ngắn với nội các Briand, Doumergue lại bổ nhiệm các lãnh tụ mới của cánh hữu mà ông rất tâm đắc là André Tardieu và Pierre Laval. Như vậy, rõ ràng là Tổng thống đóng vai trò không nhỏ trong thất bại của cánh tả ở giai đoạn 1924-1926, và trong xu hướng nghiêng về cánh hữu của chính trường Pháp năm 1926. Tuy nhiên, do có tài hùng biện và thái độ khéo léo, không ai nghĩ rằng Tổng thống Doumergue thuộc cánh hữu.

Công chúng yêu mến và tôn trọng con người vùng Languedoc tốt tính này, người khiến người ta nhớ đến Tổng thống Fallières và nước Pháp dưới thời của các Ủy ban cấp tiến. Đối với nhân dân, Doumergue là “Gastounet”, một người Pháp trung lưu, thích rượu vang và ăn ngon, gắn bó với nền Cộng hòa nhưng không cuồng tín và nhanh chóng kết thúc nhiệm kì, giống như Fallières trước đây, để trở về trang trại Tournefeuille của mình ở miền Nam. Năm 1931, sau khi mãn nhiệm, ông từ chối tái tranh cử.
 
Những bước đi sai lầm​


Ba năm sau, tiếc thay cho danh tiếng của ông, cựu Tổng thống buộc phải từ bỏ cuộc sống nghỉ ngơi an nhàn. Nền Cộng hòa bị lâm nguy. Một loạt các vụ bê bối chính trị, tài chính gây tổn hại đến các nhà lãnh đạo: vụ Stavisky dính líu đến nhiều Nghị sĩ, Quan toà, Bộ trưởng và cả những người thân cận của Chủ tịch Hội đồng Camille Chautemps thuộc Đảng Cấp tiến.

Các đối thủ của nền Cộng hòa tập hợp nhau lại trong các nhóm cực hữu mà phần lớn đã chấp nhận nếu không phải là hệ tư tưởng thì ít nhất cũng là các biện pháp phát-xít. Họ định ngăn cản Edouard Daladier, Chủ tịch mới của Hội đồng thuộc Đảng Cấp tiến, lên nắm quyền.

Ngày 06-2-1934, những người biểu tình, với sự ủng hộ của cảnh sát trưởng Paris mới bị cách chức Jean Chiappe, bao vây Cung điện Bourbon, trụ sở của Quốc hội Pháp; lực lượng trật tự đã nổ súng làm một số người chết và bị thương. Daladier vừa giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội lại phải từ chức.

Khi cố gắng tìm kiếm một người đứng đầu chính phủ đủ uy tín để ổn định tình hình, Tổng thống Albert Lebrun đã nghĩ đến Doumergue. Lebrun kiên trì thuyết phục và cuối cùng Doumergue đã chấp nhận. Cựu Tổng thống được công chúng nồng nhiệt chào đón khi ông đến Paris. Ngay sau đó, ông đề xuất một giải pháp lập lại tình hình cho nước Pháp: một cuộc cải tổ nhà nước nhằm tăng thêm quyền lực cho các cơ quan hành pháp.

Nhưng ông mất quá nhiều thời gian để thông qua ngân sách, giải quyết các công việc hiện tại và mệt mỏi với hoạt động thường ngày của chính phủ. Cuối cùng, khi ông đưa ra các dự án của mình (những dự án này không mấy độc đáo vì ông lại sử dụng các biện pháp của Millerand về tái áp dụng quyền giải tán) thì đã quá muộn. Doumergue đã khiến cho Nghị viện nổi giận khi công bố rộng rãi các dự án của mình trước khi trình bày với các Nghị sĩ và ông đã để phái Cấp tiến, vừa bị lung lay sau ngày 6-2, có thời gian hồi phục.

Phải chăng ông có ý định qua mặt Nghị viện? Người ta có thể nghĩ như vậy vì ông sẵn sàng yêu cầu thông qua trước một phần ngân sách và vì ông không hề che giấu ý định sẽ giải tán Quốc hội. Nhưng các Bộ trưởng thuộc Đảng Cấp tiến từ chức và ông đã phải từ bỏ các dự án của mình.

Hình ảnh cuối cùng của ông để lại trong lịch sử: ông đội một chiếc mũ nồi, trang phục chính của các liên minh, đứng trên ban công khách sạn và đáp lại sự hoan nghênh của những người ủng hộ đường lối cực hữu… Ông trở về trang trại Tournefeuille sau khi bị mất lòng công chúng và phải chịu tiếng tăm không mấy tốt đẹp về lần trở lại chính trường.
 
Albert Lebrun - kết thúc những ảo tưởng​


Vụ ám sát Paul Doumer xảy ra vào đúng thời điểm đời sống chính trị nước Pháp đang phải hứng chịu những biến đổi sâu sắc. Cuộc bầu cử đang diễn ra dường như cho thấy rằng Quốc hội của cánh hữu, được bầu năm 1928 dưới thời Poincaré, sẽ bị thay thế bằng một Quốc hội của Liên minh mới trong đó Đảng Cấp tiến và Xã hội chiếm đa số.

Theo kế hoạch, vòng hai của cuộc bầu cử lập pháp diễn ra ngay sau ngày Doumer bị ám sát và các nghị sĩ còn đang phân tán trong các khu vực bầu cử. Do đó, Albert Lebrun, với tư cách Chủ tịch Thượng viện phải chủ trì Quốc hội, đã ấn định cuộc bầu cử Tổng thống vào thứ Ba ngày 10-5 để các Nghị sĩ có đủ thời gian trở về Versailles.

Hơn nữa, Quốc hội mới được bầu chỉ đi vào hoạt động từ ngày 1-6-1932 nên quyền bầu Tổng thống mới thuộc về Nghị viện cũ. Tình huống rất tế nhị vì những kết quả đầu tiên cho thấy rằng nhiều Nghị sĩ sẽ bị mất ghế. Tình thế này thuận lợi cho người nào ít liên quan đến chính trị nhất, không liên quan đến các cuộc đấu đá vừa qua, không dính líu đến các vấn đề lớn đang diễn ra và không có nguy cơ bị Nghị viện mới bãi bỏ.

Và mọi người đều hướng về Thượng nghị viện, nơi tập trung các nhân vật chấp chính, và hướng về Chủ tịch Thượng nghị viện Albert Lebrun. Không cần bàn luận gì nữa, ông chính là người mà người ta đang cần tìm. Vì cùng quê Lorraine với Poincaré nên Lebrun được người đồng hương này giúp đỡ nhiều trong thời kì khởi nghiệp. Sau khi trở thành Nghị sĩ năm 1900 ở tuổi 29, ông giữ nhiều chức vụ thứ yếu khác nhau trong nội các.

Những cương vị không quan trọng ấy đã giúp ông tránh khỏi các cuộc tranh đấu chính trị nhưng lại không làm cho ông nổi tiếng. Ông kế nhiệm chức Chủ tịch Thượng nghị viện của Doumer và từ đó trở thành người nhắm tới chức Tổng thống. Cho tới khi Doumer bị ám sát, ông vẫn hoàn toàn không được công chúng biết đến, còn các Nghị sĩ coi ông như một người cẩn thận, ôn hòa, hơi tẻ nhạt một chút nhưng hoàn toàn trung thực.

Chính vì không có khuyết điểm chứ không phải là nhờ những phẩm chất nổi bật mà Doumer từ vị trí thứ yếu sau nhiều năm đã trở thành Tổng thống. Chắc chắn là để tôn trọng truyền thống và cũng vì nhận thấy thái độ ôn hòa thái quá của vị Chủ tịch Thượng nghị viện nên cánh tả đã đưa ra một ứng cử viên tất yếu là Paul Painlevé; nhưng đó chỉ là một hành động vô ích.

Ngày 10-5-1932, Albert Lebrun trở thành Tổng thống thứ 14 và cũng là Tổng thống cuối cùng của nền Cộng hòa đệ Tam. Từ đó, ông được biết đến mà không hề nổi tiếng. Người Pháp không biết gì về con người hoàn toàn đáng kính nhưng lại lu mờ trong công việc này. Ông được lòng dân? Không phải. Ông đóng một vai trò chính trị nào đó? Cũng không phải.

Trong số các Tổng thống của nền Cộng hòa đệ Tam, Lebrun là người có ảnh hưởng cá nhân hạn chế nhất; ông không lãnh đạo chính trị, không làm trọng tài, mà hoàn toàn bị động, phụ thuộc vào các lực lượng đa số tiếp nối nhau. Vậy mà nhiệm kì của ông lại trùng hợp với giai đoạn nước Pháp phải chịu cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất dưới nền Cộng hòa đệ Tam và không có một chính khách thật sự để đưa đất nước vượt qua khó khăn.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top