Chân dung các nguyên thủ Pháp

Sadi Carnot, hiện thân của nhà nước Cộng Hòa

“Hãy bỏ phiếu cho người kém nhất”​


Jules Grévy vẫn cố ở lại vị trí Tổng thống trong khi đa số những người theo đảng Cộng hòa muốn gạt bỏ ông. Lí do là ông biết chắc các Nghị sĩ sẽ không đồng ý người sẽ kế nhiệm.

Tình trạng này hoàn toàn khác với trước đây, khi đảng Cộng hòa đã biết trước từ lâu rằng ông sẽ kế nhiệm Mac-Mahon.

Liệu có phải đảng Cộng hòa thiếu những thủ lĩnh đủ khả năng giữ cương vị lãnh đạo tối cao? Chắc chắn là không! Đã có một nhân vật nổi bật nhất mà ai cũng nói đến, người sẽ tiếp tục chính sách của Grévy, nổi tiếng về nghị lực, quyền lực và trí tuệ.

Trong khi chính phủ Cộng hòa bị dư luận kết án là tham nhũng và bất lực thì đây lại là một người hoàn toàn trung thực và có tất cả các phẩm chất cần thiết của một chính khách. Người đó là Jules Ferry ! Nhưng chỉ cần nhắc đến cái tên này thôi là cơn bão phản đối nổi lên; bất kỳ ai cũng đều có một lý do để căm ghét người mà hoàn cảnh áp đặt.

Vậy Ferry đã làm gì để đến nỗi bị phản đối như vậy? Cánh tả nhắc nhở rằng khi làm Tỉnh trưởng Paris thời Công xã, ông đã ra lệnh đàn áp sau cuộc bao vây và từ đó không ngừng chống lại quyền tự chủ của các thành phố. Người ta còn chê trách ông về chính sách thuộc địa, về những cuộc viễn chinh đầy phiêu lưu ở Tunisie và ở Viễn Đông mà từ đó ông được đặt biệt danh là “người Bắc Bộ”.

Ông được coi là người đã hướng nước Pháp khỏi ý nghĩ phục thù, người không đội trời chung với “Tướng Phục thù” ; còn những người theo chủ nghĩa cấp tiến thì không tha thứ cho ông vì đã tuyên bố rằng “mối nguy hiểm ở bên cánh tả”. Nếu Ferry ở vị trí Tổng thống, điều đó có nghĩa là cánh cửa đến với quyền lực của Đảng Cấp tiến sẽ bị đóng lại trong 7 năm và lợi ích cá nhân gắn liền với lý do chính trị sẽ chặn con đường đến với chức Tổng thống của tác giả các luật giáo dục.

Clemenceau dường như có mặt ở khắp nơi, thậm chí có lúc đã nghĩ đến chuyện giúp Grévy thành lập vào phút cuối một nội các để tránh mối nguy hiểm Ferry. Xung quanh cung điện Bourbon liên tiếp diễn ra những cuộc biểu tình của Đảng Xã hội do Auguste Blanqui đứng đầu. Họ đến để la ó Ferry, kẻ thù của Công xã; rồi đến những cuộc biểu tình của Hội ái quốc, một nhóm nhỏ cực hữu, để thể hiện lòng hận thù đối với nhân vật Cộng hòa, đối thủ của Boulanger.

Chính viên tướng này cũng muốn lợi dụng tình trạng lộn xộn lúc đó và trong một lần đi qua Paris, ông đã có những cuộc tiếp xúc có ích trong bối cảnh tình hình tiến triển thuận lợi.

Đêm ngày 2 rạng ngày 3-12, tức là ngay sau khi Jules Grévy từ chức, là một đêm đầy biến động: biểu tình diễn ra khắp nơi; có tin đồn rằng những người theo Blanqui chuẩn bị khởi nghĩa và một chế độ Công xã mới sẽ được thiết lập nếu Ferry thắng cử. Đảng Cộng hòa lo lắng, không dám dồn phiếu cho Ferry.

Ở vòng bầu cử đầu tiên, Quốc hội họp ở Versailles sáng ngày 3/12 đã phân chia số phiếu cho ba người: Ferry, Freycinet, người được coi là ứng cử viên của Đảng Cấp tiến và của phái Boulanger, và ứng cử viên ôn hòa Sadi Carnot. Sau khi vòng bầu cử thứ hai cũng cho kết quả tương tự, Clemenceau cảm nhận được mối nguy hiểm và hoài nghi về một Tổng thống là nhân vật quá nổi bật.

Ông đã tìm ra cách loại bỏ Ferry mà vẫn tránh được nguy cơ bỏ trống chức Tổng thống, một tình huống đáng sợ đối với nước Pháp, bằng cách kêu gọi một cách giễu cợt: “Hãy bỏ phiếu cho Carnot, ông ta không có năng lực lắm, nhưng mang dòng máu Cộng hòa”.

Lời kêu gọi này đã có tác dụng, vì ở khía cạnh nào đó là đúng đắn. Nếu tóm tắt lời nói, hoặc ít nhất là suy nghĩ của Clemenceau, thì câu đó trở thành: “Hãy bỏ phiếu cho người kém nhất!”. Bằng cách đó, Ferry và Freycinet thôi ứng cử, và Sadi Carnot trở thành Tổng thống Cộng hòa Pháp với 616 phiếu so với 184 phiếu của viên tư lệnh quân khu Paris, người không phải là ứng cử viên. Giờ đây người ta muốn biết về ứng cử viên mà mình vừa bầu.
 
“Liệu đây có phải là một nhà thơ Ba Tư không?”​


Theo dư luận thì đó là câu hỏi mà người Pháp tự đặt ra cho mình khi nghe tên của Tổng thống mới. Trên thực tế, mặc dù không nổi tiếng lắm, nhưng Sadi Carnot cũng không đến nỗi mờ nhạt như đối thủ của ông vẫn nghĩ.

Như Clemenceau đã nói, ông mang dòng máu Cộng hòa: ông là cháu nội của Lazare Carnot, “Nhà tổ chức Chiến thắng” thời Cách mạng Pháp. Năm 1848, bố ông, Hippolyte Carnot, đã từng là thành viên Chính phủ lâm thời và được các Nghị sĩ nhiệt tình ủng hộ sau khi thắng cử.

Sadi Carnot tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa, được Chính phủ Vệ quốc chỉ định làm tỉnh trưởng Havre. Sau cuộc đình chiến, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Là một người Cộng hòa hoàn hảo, nhưng theo Clemenceau, ông cũng là một kẻ phản động không kém phần hoàn hảo. Ông đã giữ các vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Công chính và tỏ ra rất có năng lực, trong khi những nhân vật nổi tiếng lúc đó đang chia nhau các chức Bộ trưởng các bộ mang tính chất “chính trị”.

Ông tỏ ra thanh liêm và Quốc hội rất hài lòng ghi nhận rằng ông đã biết chống lại sức ép của Wilson. Tính trung thực này là một yếu tố không thể bỏ qua, nhưng chắc chắn là không đủ che lấp việc ông không nổi tiếng. Thông qua ví dụ của Jules Grévy, lãnh đạo của Đảng Cộng hòa đã chỉ ra mọi bất lợi khi một nhân vật nổi bật lên làm Tổng thống: do muốn điều khiển nền chính trị của đất nước, nhân vật này sẽ loại bỏ những người lãnh đạo được cho là cạnh tranh với mình và lựa chọn những người kém hơn hoặc dễ sai khiến.

Lời đáp lại (và một người như Clemenceau phân biệt điều đó rất nhanh) là nên bầu vào chức Tổng thống một nhân vật ở hàng thứ hai, và như vậy chắc chắn là ám chỉ Sadi Carnot.

“Chỉ cần đi ăn tối ở tiệm mà không ăn trộm bát đĩa mang về là có thể ra ứng cử Tổng thống được hay sao?” Một tờ báo Thiên chúa giáo phản đối nền Cộng hòa đã đưa ra câu hỏi này sau khi Carnot đắc cử.

Câu hỏi này tương đối tiêu biểu cho cách mà dư luận chào đón Tổng thống mới. Trung thực, quyết tâm tôn trọng nội dung và tinh thần của Hiến pháp, nhưng khi nền Cộng hòa bị khủng hoảng, Carnot vẫn phải thực hiện trọng trách của mình một cách nghiêm túc, điều mà nền Cộng hòa rất cần trong những năm đó.
 
Carnot chống lại Boulanger​


Thực ra, Carnot được bầu vào lúc cuộc khủng hoảng Boulanger đã lên đến đỉnh điểm. Khi Tướng Boulanger phải nghỉ hưu vào tháng 3-1888, những người không đồng tình (Đảng Cấp tiến, đảng dân tộc chủ nghĩa, phái Quân chủ, phái Bonaparte) vốn ủng hộ ông ta từ lâu, lấy ông ta làm người dẫn đầu chiến dịch chống Đảng Cộng hòa.

Bằng cách kết tội những người Cộng hòa tham nhũng, họ đưa Boulanger ra ứng cử ở bất cứ nơi nào có chỗ trống trong Quốc hội. Tính chất biểu quyết trực tiếp của cách làm này quá rõ ràng và người ta đã nghĩ đến một mưu toan đảo chính khi Boulanger thắng cử ở Paris ngày 27-1-1889.

Nhưng viên Tướng này vẫn còn do dự, và Đảng Cộng hòa đã trấn tĩnh lại. Khi cuộc khủng hoảng nội các xảy ra rất không đúng lúc vào đầu tháng 2-1889, Carnot nhận thấy mối nguy hiểm nên không chần chừ thâu tóm mọi việc. Ông gọi một người bạn là Tirard vào Chính phủ và cùng ông này chủ trì các cuộc thương lượng để thành lập nội các, trực tiếp can thiệp để thuyết phục những người còn lưỡng lự rằng nền Cộng hòa cần sự giúp đỡ của họ.

Ông đã chọn đúng thời cơ để làm việc cần phải làm: chấp nhận Constans, một người rất khôn khéo, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Constans nổi tiếng xấu về đạo đức, nhưng với năng lực và đầu óc mưu mẹo của mình, ông ta trở thành người duy nhất có khả năng xóa bỏ nền Cộng hòa của Boulanger. Trên thực tế, Constans đã thành công khi làm cho Boulanger tưởng là sắp bị bắt và do sợ phải xa cách người tình nên đã chọn cách bỏ trốn khỏi nước Pháp, vì thế phong trào do ông ta đứng đầu cũng tan rã.

Panama

Năm 1893, khi những tàn dư cuối cùng của cuộc khủng hoảng Boulanger vừa mới được xóa bỏ thì một vụ tai tiếng lại bao trùm bóng đen lên nền Cộng hòa. Tờ báo Tiếng nói tự do (La libre parole) do Drumont theo chủ nghĩa bài Do Thái làm giám đốc, tiết lộ rằng giới tài phiệt đã mua phiếu của một số Nghị sĩ để thông qua bộ luật cho phép vay mượn theo lô, nhằm cứu một công ty thương mại đang gặp khó khăn, đó là Công ty Kênh đào Panama do Ferdinand de Lesseps thành lập.

Việc Công ty này bị phá sản chứng tỏ rằng một số nghị sĩ, Thượng Nghị sĩ, Giám đốc một số tờ báo đã nhận hối lộ từ công ty. Đây là một vụ tai tiếng lớn, liên quan tới 104 Nghị sĩ, trong đó có những thủ lĩnh của phe Cộng hòa chiếm đa số trong Quốc hội. Một làn sóng chống chế độ đại nghị xảy ra dồn dập trong cả nước.

Nhưng nếu như chế độ lại một lần nữa bị lung lay vì một vụ tai tiếng thì lần này ít nhất là người đứng đầu không bị kết tội: Carnot đã giúp nền Cộng hòa tránh được một vụ kiểu Wilson và vào năm 1893, không một ai nghĩ đến chuyện nghi ngờ Tổng thống. Trong những ngày đen tối này, tính cách trung thực của ông là một thế mạnh của nền Cộng hòa.

Nếu như dưới thời Tổng thống Carnot, nước Pháp Cộng hòa phải trải qua những thử thách ghê gớm, thì về mặt ngoại giao, nước Pháp lại giành được thắng lợi to lớn, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của Tổng thống.
 
Liên minh Pháp - Nga​


Từ khi thua trận năm 1870, nước Pháp bị cô lập hoàn toàn về ngoại giao. Sự cảnh giác của Bismarck đã làm cho Pháp không có đồng minh, còn các cuộc viễn chinh thuộc địa do Quan chưởng ấn khởi xướng đã khiến Pháp bị cô lập khỏi những nước mà nó có thể dựa vào.

Việc Pháp chiếm Tunisie đã gây ra làn sóng phản đối Pháp ở Italia, và nước này đã liên kết với Đức và Áo để tạo thành Liên minh ba nước.

Sự cạnh tranh giữa Pháp và Anh ở Ai Cập làm cho Anh có thái độ thù địch với Pháp; cuối cùng, nước Nga cũng liên kết với Đức bằng một loạt hiệp ước với mục đích hướng nước Nga khỏi liên minh với Pháp, một liên minh có thể dẫn đến kết quả bao vây Đế chế Đức.

Bismarck từ chức năm 1890 đồng nghĩa với việc từ bỏ chính sách cô lập nước Pháp, một chính sách khôn khéo nhưng khó thực hiện. Hoàng đế Guillaume II từ chối ký tiếp các hiệp định Đức-Nga. Do lo sợ bị cô lập, nước Nga nghĩ tới những liên minh khác để thay thế. Carnot đã nhìn ra cơ hội trong tình thế đó để đưa nước Pháp thoát ra khỏi thế bị cô lập, vì vậy ông đứng ra làm cho Pháp và Nga xích lại gần nhau.

Việc này trở nên dễ dàng hơn khi Pháp cho phép bán trái phiếu Nga cho người Pháp. Từ đó, Carnot lựa chọn các Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và chỉ định các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện liên minh với Nga. Carnot hẳn rất hài lòng vì liên minh mà ông mong muốn dần dần được hình thành: Hạm đội Pháp được mời đến Cronstadt năm 1891 và Hạm đội Nga được mời đến Pháp năm 1893.

Năm 1892, một Thoả ước quân sự Pháp-Nga, bộ phận chính của liên minh tương lai, đã được ký kết. Chính Carnot cũng đóng góp bằng cách tiếp đón rất long trọng ở Điện Élysée Đô đốc Avellan, Đô đốc hạm đội Nga, vào tháng 10/1893. Tháng 3 năm 1894, hai quốc gia này đã phê chuẩn hiệp ước liên minh. Tổng thống Pháp đã có thể tự chúc mừng mình: chính sách mà Bismarck bền bỉ theo đuổi trong suốt 20 năm đã thất bại và giờ đây nước Pháp đã thoát ra khỏi thế bị cô lập.

Ba tháng sau, Tổng thống mất.

Ngày 24-6-1894, Tổng thống mẫu mực bị sát hại

Trong những năm 1890, ở Pháp diễn ra một làn sóng mưu sát của phái vô chính phủ. Với quyết tâm phá hoại xã hội tư sản, chúng thực hiện “tuyên truyền bằng hành động” và gia tăng các hoạt động gây ấn tượng mạnh. Ravachol đã đặt bom trong các tiệm ăn. Tháng 12/1893, Vaillant ném bom vào phòng bán nguyệt của Hạ nghị viện nhưng không gây thương vong. Toà án phản ứng mạnh mẽ và đã kết án tử hình nhiều tên vô chính phủ.

Carnot cho rằng đây là những kẻ không thể tu tỉnh được nữa nên từ chối ân xá cho chúng, cụ thể là ông đã không ân xá cho Vaillant. Ngày 24/6/1894, Tổng thống đang trên đường tới Lyon để khai mạc một cuộc triển lãm thì bị một người lao nhanh vào ô tô rồi dùng dao đâm. Kẻ ám sát là một tên vô chính phủ người Italia tên là Caserio, hắn muốn trả thù cho Vaillant. Sadi Carnot qua đời đêm hôm đó sau nhiều giờ hấp hối.

Ông để lại hình ảnh một Tổng thống chu đáo, có ảnh hưởng thực sự đến chính sách của nhà nước Pháp, tuy ảnh hưởng đó không phải lúc nào cũng mang tính quyết định, và được yêu mến nhờ những đức tính tốt chứ không phải nhờ vai trò thực tế của ông. Là một nhân vật đại diện hơn là lãnh tụ chính trị, hiện thân của nhà nước hơn là người đứng đầu nhà nước, Carnot là vị Tổng thống mẫu mực trong lòng những người Cộng hòa.
 
Casimir - Périer: Không thể chung sống​


Đa số Nghị sĩ muốn bầu một người giống Sadi Carnot. Có thể do vô tình, họ đã lựa chọn một người mà những động thái chính trị gần đây vừa mới đưa lên hàng đầu của tình hình thời sự: đó là Jean Casimir-Périer.

Ngày 26-6-1894, thông qua một cuộc bỏ phiếu không mấy nhiệt tình, Quốc hội bầu ông làm Tổng thống 6 tháng sau, ông từ chức. Nhiệm kỳ ngắn ngủi này cho thấy những hạn chế của chức Tổng thống khi người giữ cương vị đó không khéo léo, đồng thời cũng chỉ ra khoảng cách giữa những đòi hỏi của các Nghị sĩ và sự mong đợi của dư luận.

Casimir vùng Anzin, “người bốn mươi triệu”

Hiếm khi một Tổng thống lại gặp nhiều sự thù địch ngay từ khi mới đắc cử như trường hợp của Casimir-Périer. Được bầu ngay sau vụ ám sát do phái vô chính phủ thực hiện, sự kiện cho thấy mức độ lộn xộn của nước Pháp, ông được chọn vì nổi tiếng là người của trật tự và quyền lực.

Sự nổi tiếng này không phải là vô căn cứ: Năm 1893, khi còn là Chủ tịch Hội đồng, ông đã cho bỏ phiếu thông qua “đạo luật bỉ ổi” chống lại những kẻ vô chính phủ. Bằng những từ ngữ không rõ ràng, đạo luật này cho phép truy tố cả Đảng Xã hội đối lập, bởi vì thực tế mục đích của Đảng này là lật đổ xã hội đang tồn tại. Ngay cả vẻ bề ngoài của ông (các họa sĩ biếm họa thường vẽ ông dưới hình dạng chó bundoc) cũng thể hiện tính cách của một “người của quyền lực”.

Một yếu tố khác chắc chắn cũng đóng vai trò quan trọng: Casimir-Périer tỏ ra không tham danh vọng. Ông có vẻ trốn tránh trách nhiệm, thích thú với vai trò danh dự là Chủ tịch Hạ nghị viện và chỉ chấp nhận một cách miễn cưỡng chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1893. Đảng Cộng hòa cho rằng với ông, sẽ không sợ quyền lực cá nhân. Nếu như tiếng tăm là người của quyền lực làm cho ông không được lòng dư luận lắm thì gia đình và tài sản lại là thế mạnh của ông.

Ông nội của Casimir làm Bộ trưởng dưới thời vua Louis-Philippe và nổi tiếng tàn nhẫn khi đàn áp các cuộc biểu tình của quần chúng, đồng thời rất khéo quản lý tài sản của riêng mình. Bố của Casimir làm Bộ trưởng dưới thời Tổng thống Thiers. Ông đến với nền Cộng hòa cùng với phái ủng hộ dòng họ Orléans và tán thành trật tự của những người chiến thắng ở Công xã.

Là người con xứng đáng của một gia đình tư sản giàu có và có uy quyền, Jean Casimir-Périer là một trong những mục tiêu được chú ý nhất của Đảng Xã hội đối lập khi tố cáo sự thông đồng giữa giới kinh doanh và giới quan chức lãnh đạo nhà nước. Đối với họ, ông là “Casimir vùng Anzin”, cổ đông chính của các mỏ ở Anzin, “người bốn mươi triệu” đã làm giàu trên mồ hôi của thợ mỏ, bóc lột họ và đàn áp khi họ dám đòi hỏi.

Báo chí chỉ trích dữ dội nhân vật tượng trưng khó chịu này. Nhiều vụ kiện tụng để “lăng nhục Tổng thống” liên tục diễn ra, làm cho uy tín của Casimir-Périer ngày càng giảm sút và tạo cơ hội cho luật sư của các bị cáo kết tội Tổng thống và đảng phái của ông. Khi đứng ra bảo vệ nhà báo Gérault-Richard (người sau đó được cử tri Paris bầu làm Nghị sĩ), Jaurès đã so sánh Điện Élysée dưới thời Casimir-Périer với “một nhà băng cho vay nặng lãi mờ ám, nơi danh dự của nước Cộng hòa Pháp đang hấp hối”.

Ngoài việc bị báo chí công kích mạnh mẽ, Casimir-Périer còn rất bực tức khi các Bộ trưởng cố tình không cho ông biết những biện pháp quan trọng mà họ thực hiện. Nguyên nhân là do ông không thể dựa vào một vị thế chính trị vững chắc như Grévy và cũng không có được uy tín đạo đức như Sadi Carnot. Mặt khác, vì không được lòng dân nên ông không thể phản ứng chống lại tình thế này. Casimir-Périer là Tổng thống đầu tiên bị tách một cách có hệ thống khỏi việc soạn thảo chính sách đối ngoại của Pháp.

Đây là một sự đổi mới nguy hiểm trong quá trình tước bỏ dần dần những quyền mà Hiến pháp đã trao cho Tổng thống để chuyển cho các Bộ trưởng có trách nhiệm. Casimir-Périer nhanh chóng hối tiếc vì đã chấp nhận chức Tổng thống - cương vị này chỉ đem lại cho ông những thất vọng mà thôi. Ông cho là mình sẽ bị ám sát và không đủ sức tiếp tục chịu trách nhiệm tinh thần về một chính sách mà ông không tham gia soạn thảo. Ông quyết tâm từ chức ngay khi có cớ.
 
Casimir - Périer từ chức​


Tháng 1-1895, trong một cuộc khủng hoảng nội các, Casimir-Périer đột ngột tuyên bố từ chức và gửi đến hai Viện một bức thư nói về nỗi oán giận đối với những nhà báo đã chỉ trích ông, đối với Đảng Xã hội đối lập, cũng như tình trạng bất lực của Tổng thống.

“Do bị tước bỏ mọi phương tiện hành động và kiểm soát, Tổng thống chỉ còn biết lấy sức mạnh tinh thần từ lòng tin của dân tộc, nếu không có sức mạnh đó, Tổng thống không là gì cả.

Tôi không nghi ngờ gì về lương tri và sự công bằng của nước Pháp, nhưng người ta đã làm cho dư luận bị lầm lạc… Từ 6 tháng nay diễn ra một chiến dịch vu khống và bôi xấu quân đội, toà án, người đứng đầu nhà nước không quyền hành và quyền tự do gây hận thù trong xã hội đó vẫn tiếp tục được gọi là quyền tự do suy nghĩ.

Lòng tôn trọng và mong muốn của tôi đối với đất nước không cho phép tôi chấp nhận rằng người ta có thể lăng mạ những đầy tớ tốt nhất của Tổ quốc và người đại diện cho đất nước trong con mắt người nước ngoài. Tôi không cam chịu so sánh trọng lượng của trách nhiệm tinh thần đang đè nặng lên tôi với tình thế bất lực mà tôi bị dồn vào”.

Cả nước đón nhận tin Casimir-Périer từ chức với thái độ dửng dưng, còn hai Viện thì đánh giá khắt khe sự việc này. Không phải hoàn toàn vô lý khi người ta nhận xét rằng Casimir-Périer đã biết tất cả những hạn chế của chức Tổng thống từ ngày ông được chỉ định. Người ta cũng sẵn sàng so sánh thái độ của Casimir-Périer với thái độ của Sadi Carnot, người đã thực hiện hoàn hảo nhiệm vụ bằng ảnh hưởng tinh thần của mình.

Khi Casimir-Périer từ chức, người ta kết án tình trạng của chức Tổng thống ít hơn kết án tính cách của Tổng thống. Việc từ chức cho thấy rằng Tổng thống không thể đóng vai trò tinh thần mà phải đóng vai trò chủ chốt, Tổng thống phải là người có tính cách, đủ khả năng bỏ qua những sở thích cá nhân, thậm chí cả lòng tự ái để thực hiện các nhiệm vụ của mình vì lợi ích quốc gia và mặc dù có quyền hành, nhưng vẫn nhận lỗi về mình và dành vinh quang cho người khác.

Như vậy, Casimir-Périer hoàn toàn không đủ năng lực và việc từ chức là phù hợp với tính cách của ông.
 
Félix Faure, "Tổng thống mặt trời"​


6 tháng sau khi bầu Casimir-Périer làm Tổng thống năm 1894, Quốc hội của cánh hữu lại phải tìm người kế nhiệm.

Phe cấp tiến tiếp tục điềm nhiên giới thiệu một ứng cử viên rất ít khả năng trúng cử là Henri Brisson, người đã thua trước Sadi Carnot và Casimir-Périer, vì thế ghế Tổng thống chỉ có thể thuộc về một người ôn hòa có những đảm bảo đối với phe đa số mà lại không gây thù hận như Casimir-Périer.

Sự lựa chọn tương đối hẹp vì chỉ có hai ứng cử viên ôn hòa: Waldeck-Rousseau, luật sư vùng Nante với tính cách lạnh lùng, khô khan, được coi là một chính khách thực sự, và Félix Faure, một doanh nhân ở Havre, dễ mến hơn, nhưng không phải là chính trị gia hàng đầu.

Cuối cùng, Félix Faure có lợi thế hơn khi dư luận cho rằng ông sẽ là một Tổng thống mềm dẻo hơn Waldeck-Rousseau. Trong sự lựa chọn này, có lẽ còn phải nhắc đến vai trò của các đại biểu Thiên chúa giáo ủng hộ nền Cộng hòa, yếu tố quan trọng của phe đa số. Họ không muốn một người theo đạo Tin lành như Waldeck-Rousseau lên làm Tổng thống.

Tổng thống mới không được biết đến nhiều vì chưa bao giờ giữ một chức vụ chủ chốt. Là con trai của một thợ thủ công ở Paris, Félix Faure thành công trong kinh doanh và trở thành chủ của một cửa hiệu rất phát đạt ở Havre. Tuy nhiên, khác với Casimir-Périer, ông không được thừa hưởng tài sản từ gia đình mà tự làm ra và giống như Grévy trước đây, ông được cho là mẫu người tiêu biểu của giới tư sản Pháp thế kỉ XIX, coi sự thành đạt trong xã hội là một tiêu chí giá trị tinh thần.

Mặt khác, Félix Faure rất giỏi mị dân. Trong các bài phát biểu của mình, ông ta không bỏ qua một cơ hội nào để nhắc đến gốc gác tầm thường của mình và tuyên bố rất tự hào về nó. Đối với người nghe, chức Tổng thống như là phần thưởng to lớn nhất cho đức tính cần cù lao động, tiết kiệm, nghiêm túc mà sách đạo đức dành cho trẻ em trong nhà trường thường nói đến.

336952.jpg


Francois Félix Faure (30-1-1841 – 16-2-1899)​

Xa hoa và nghi thức: người kế vị những vị quân vương của Chế độ cũ

Vị trí của Félix Faure trong giới tư sản Havre làm cho ông liên tục có mặt trong các nhiệm kỳ của Quốc hội. Là người đại diện cho phái ôn hòa, ông chưa bao giờ thực sự tỏ rõ quan điểm đối với những vấn đề chính trị lớn nhưng đã thực hiện một cách xuất sắc nhưng hầu như không được ai biết đến các cương vị danh dự không quan trọng: Phó Chủ tịch Hạ viện, Phó Quốc vụ khanh phụ trách Hàng hải, cuối cùng là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa.

Trước khi từ chức, Casimir-Périer đã nói ý định của mình với Félix Faure và được Félix Faure nhiệt tình ủng hộ với lý do là những quan niệm của Casimir-Périer không thích hợp với thực tế cương vị của ông. Người ta cho rằng nhân vật mang tính trang trí và không hề nổi bật về chính trị này có thể được coi là xứng đáng trở thành người đứng đầu nhà nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, quan niệm của Félix Faure có thể thích hợp với cái gọi là chức Tổng thống, bởi vì sau khi khuyên Casimir-Périer từ chức, ông ta vội vã đồng ý kế nhiệm.

Nếu như tất cả các Tổng thống liên tiếp kế nhiệm nhau ở Điện Élysée, kể từ Thiers, đều ít nhiều xem xét khía cạnh chính trị của hành động của mình và cho dù vui vẻ hay không, đều cố gắng sử dụng hành lang mà Hiến pháp đã dành cho họ trong lĩnh vực này, thì ngược lại Félix Faure lại chú trọng đến khía cạnh biểu thị của chức vụ của mình. Trước hết, ông là Tổng thống của những nghi lễ trang trọng quốc gia.

Đúng là các cuộc khủng hoảng nội các buộc ông phải đưa ra những lựa chọn chính trị, nhưng ông thể hiện chúng ở mức thấp nhất. Vốn là người ôn hòa, ông tìm cách để giữ bạn bè của mình ở chính quyền, điều này tương đối dễ dàng do có đa số ở các đại hội đồng. Nếu như ông nhiều lần kêu gọi các Chủ tịch Hội đồng thuộc Đảng Cấp tiến thì mục đích luôn luôn là để chứng tỏ họ không có khả năng điều hành. Nhưng Félix Faure không lựa chọn người đứng đầu chính phủ mà đề nghị lãnh đạo của các nhóm chính trị chủ yếu lựa chọn hộ ông.

Các cuộc khủng hoảng đã được giải quyết sau nhiều cuộc tham vấn rộng rãi mà kết quả là bãi bỏ quyền lựa chọn người đứng đầu chính phủ của Tổng thống. Đây là một giai đoạn mới trong việc giảm quyền của Tổng thống, vấn đề này được một Tổng thống quan tâm tới hình thức nhiều hơn tới quyền hành thực tế chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi đã giải quyết được các cuộc khủng hoảng, Faure để cho Chủ tịch Hội đồng toàn quyền lãnh đạo công việc nhà nước.

Vai trò thực tế của ông trong chính sách đối ngoại cũng bị giảm sút. Mặc dù phản đối liên minh Pháp-Nga ngay từ khi ký kết nhưng ông lại ủng hộ liên minh này khi hiểu rằng nó được lòng dư luận, tuy ông không để lại dấu ấn ở đây như Sadi Carnot. Trong mọi lĩnh vực, Félix Faure giao cho các Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo nước Pháp. Nổi tiếng và tiêu biểu nhất là Méline, người đã vạch ra chính sách theo đúng ý của Félix Faure.

Là người bảo vệ giới kinh doanh, bênh vực chủ nghĩa bảo hộ, Méline tìm cách dựa vào các thế lực bảo thủ của nước Pháp những năm cuối thế kỉ XIX để thực hiện chính sách này. Nhưng muốn chinh phục được hai trong số những lực lượng đó là Giáo hội và Quân đội thì cần phải bãi bỏ chính sách chống lại quyền lực của Giáo hội, yếu tố gắn kết những người theo Đảng Cộng hòa vào thời kỳ đầu của chế độ.

Méline không hề do dự: để hòa giải với các tín đồ Thiên chúa giáo chấp nhận ủng hộ nền Cộng hòa, do Albert de Mun đứng đầu, ông khuyến khích làm dịu những cuộc tranh luận về tôn giáo, với sự đồng ý của Félix Faure. Và thế là Tổng thống rất hài lòng khi thấy trong chính thể Cộng hòa liên minh của tất cả những người theo Đảng Bảo thủ quan tâm đến việc phát triển đất nước.

Nếu những người khác lãnh đạo thì Félix Faure lại là người rất có tư thế và về mặt này ông không cho phép bất kỳ ai che lấp mình. Félix Faure điển trai, rất chăm chút hình thức, trang phục, qui định nghi thức trong các buổi lễ ở Điện Élysée (người phụ trách lễ tân trở thành nhân vật thân cận của Tổng thống), thích thú với các nghi lễ.

Đối với những người đương thời, ông là “Tổng thống - Mặt trời”, bản thân ông cũng nghĩ mình là người kế nhiệm các Nhà vua Pháp. Liệu ông có dựa vào thông lệ của triều đình Pháp hay không khi giải thích với một Công chúa Nga rằng Tổng thống được phục vụ đầu tiên trong các bữa tiệc ở Élysée là bình thường? Nếu những chuyện này làm người ta buồn cười thì Félix Faure lại biện hộ rằng đó không phải là lòng tự kiêu cá nhân mà là mong muốn thể hiện đất nước một cách xứng đáng.

Một vài khía cạnh khác của nhân vật này kém thiện cảm hơn: khi vừa mới đắc cử, ông đã yêu cầu bạn bè không được xưng hô thân mật nữa; nhưng sự thật là đã có một người trong số họ đã nhân dịp này tự cho phép mình ăn nói suồng sã lần cuối cùng để cho Tổng thống biết ý kiến của mình đối với thái độ mới của Tổng thống. Trong suốt 4 năm, người dân Pháp thấy Félix Faure trong các cuộc diễu binh, các buổi lễ, các chuyến đi. Chuyến thăm nước Pháp của Sa hoàng Nicolai II và vợ là dịp để phô trương sự xa hoa đặc biệt.

Năm tiếp theo, Félix Faure đến thăm Sa hoàng trên một chiếc tuần dương hạm treo cờ riêng của ông, được trang bị một tủ quần áo sang trọng và bằng lòng nhân từ giả tạo pha lẫn sự giản dị hạ cố, ông đã gây được ấn tượng mạnh cho phía chủ nhà. Nói tóm lại, người Pháp thường giễu cợt Tổng thống mà không có ác ý, nhưng rõ ràng là Tổng thống rất được lòng dân. Tuy nhiên, vụ Dreyfus và vai trò của Félix Faure trong vụ việc đó đã làm giảm đáng kể uy tín của ông.
 
Tổng thống và vụ Dreyfus​


Vụ Dreyfus, đối với dân chúng Pháp vào cuối thế kỷ XIX sẽ là một sự vụ không hơn không kém, ban đầu chỉ là một sai lầm bình thường trong xét xử.

Năm 1894, một hoạt động gián điệp bị phát hiện và người ta nghi ngờ Đại uý người Do Thái tên là Alfred Dreyfus. Ngay khi biết được mối nghi ngờ này, nhà báo bài Do Thái Edouard Drumont lập tức bắt đầu một chiến dịch báo chí ác liệt nhằm kết tội “tên Do Thái”.

Khía cạnh chính trị của vụ việc đã bị lợi dụng dẫn đến việc Dreyfus bị đưa ra xét xử và bị kết án tù khổ sai. Lúc đó, ngoài một vài người thân và bạn bè, ai cũng nghĩ là Dreyfus có tội. Nhưng hành động của Mathieu Dreyfus, anh của Alfred Dreyfus, dần dần làm cho một số người có trách nhiệm phải suy nghĩ lại về một vài cơ sở của vụ việc.

Năm 1895, Trung tá Picquart, người phụ trách mới của Cơ quan tình báo thuộc Bộ Tham mưu, lật lại hồ sơ và tìm thấy bằng chứng về nguyên nhân hành động của Dreyfus. Ông tin rằng kẻ có tội thực sự không phải là Dreyfus mà là Esterhazy, một sĩ quan gốc Hungary, người thường xuyên liên hệ với Đại sứ quán Đức. Từ đó, giới sĩ quan biết được những khuôn khổ mới của vụ việc, nhưng niềm tin chính trị vững chắc của phần lớn sĩ quan và những nhân vật hành chính và chính trị cao cấp làm cho họ vẫn nghĩ kẻ có tội phải là người Do Thái.

Thế là một sự thông đồng im lặng thực sự được dựng lên quanh vụ Dreyfus. Picquart bị chê trách; Bộ trưởng Méline vin vào cớ vụ việc đã được xét xử để từ chối xem xét lại trường hợp của Dreyfus: uy tín của quân đội, danh dự của toà án trở thành ngôn từ chủ yếu của phái “chống Dreyfus”; Nhân danh lợi ích quốc gia, họ muốn giữ một người vô tội trong nhà tù khổ sai.

Phái chống Dreyfus sau đó hầu như đồng tình với phái Bảo thủ đang nắm quyền ở Pháp: các tín đồ Thiên chúa giáo ủng hộ hoặc không ủng hộ nền Cộng hòa đứng ở hàng đầu giữa họ và tờ La Croix (Thập tự), báo của Giáo đoàn Đức Mẹ đồng trinh qui thiên, tổ chức một chiến dịch chống lại Dreyfus và những người bảo vệ anh ta; Bên cạnh đó, Đảng Dân tộc chủ nghĩa thuộc Hội ái quốc, những người không bao giờ hài lòng như Rochefort, phái Bảo hoàng đối địch với nền Cộng hòa, sát cánh với đảng Cộng hòa ôn hòa như Méline, người coi việc bảo vệ trật tự xã hội là trên hết.

Người ta nhanh chóng nhận ra rằng Félix Faure có thiện cảm với phái chống Dreyfus. Khi Thượng nghị sĩ vùng Alsace Scheurer-Kestner đến để thuyết phục Tổng thống xem xét lại vụ án, Tổng thống đã trả lời tránh né: “Tính trung lập của tôi là tính trung lập của luật pháp”.

Trung lập giữa công bằng và phủ nhận công bằng! Nhưng liệu có phải Tổng thống không được tự do lựa chọn? Ít nhất thì phe bảo vệ Dreyfus cũng nói bóng gió như vậy. Trên thực tế, xung quanh Félix Faure bao phủ một bóng đen của một vụ bê bối. Năm 1895, Drumont phát hiện ra rằng bố vợ của Tổng thống, vốn là một công chứng viên, đã bị kết tội biển thủ và phải trốn chạy để tránh bị tù khổ sai.

Sau đó, Drumont nói có những bí mật khác bị phát hiện nhưng lại không bao giờ tiết lộ chúng; Từ đó, người ta có thể nghĩ rằng Drumont đã đe dọa Tổng thống và đổi lại sự im lặng của ông ta, Tổng thống sẽ phản đối việc xem xét lại vụ án Dreyfus. Chỉ có Jean Jaurès vượt qua được một bước trong bài đăng trên báo Petite République (Nền Cộng hòa nhỏ): “Tổng thống hãy cẩn thận! Nếu nước Pháp vì tôn trọng bản thân mà quên đi một vài cuộc phiêu lưu của những người thân cận của Tổng thống thì nước Pháp cũng có quyền yêu cầu chính Tổng thống quên chúng đi.

Nước Pháp đã sẵn sàng, nếu để chống lại Tổng thống, những kẻ đe dọa muốn đào một số tử thi lên để cùng chôn vào một hố cùng những chuyện buồn này và những người khuấy động chúng. Nhưng nước Pháp muốn Tổng thống không vì sợ mà dính líu vào những việc đã qua, những việc mà chính nước Pháp đã giải thoát cho Tổng thống bằng lựa chọn của mình”.

Dù sao thì có một việc đã quá rõ ràng: vụ Dreyfus có động chạm đến Félix Faure. Ngày 14-1-1898, trên tờ Aurore (Rạng đông) của Clemenceau, Émile Zola đã gửi một bức thư ngỏ tới Tổng thống dưới nhan đề: “Tôi buộc tội…!” trong đó ông lên án tất cả những người, bằng mưu mô hoặc im lặng, đã cho phép kết án một người vô tội và giữ người đó lại trong tù vì lo lắng đến lợi ích quốc gia. Các Bộ trưởng, các sĩ quan, các thẩm phán quân sự đều bị Émile Zola kết án, và bản thân Tổng thống, người đã không làm gì để ngăn chặn mưu đồ đó, cũng bị liên lụy vì vụ bê bối đó một cách gián tiếp (nhưng bằng lời lẽ rất kính trọng).

Zola bị truy tố, nhưng tiếng đồn về sai lầm trong xét xử được chấp nhận một cách có cân nhắc và bắt đầu len lỏi từ giới sĩ quan ra dư luận rộng rãi và uy tín của Félix Faure bắt đầu giảm sút trong công chúng. Một cái chết đột ngột nhưng không tế nhị lắm đã giúp ông tránh mất thanh danh hơn nữa khi ở phe chống Dreyfus, nhưng cũng bộc lộ tính phóng đãng của người luôn muốn tỏ ra là một Tổng thống có uy tín và được tôn trọng.
 
Cuộc hẹn cuối cùng với bà Stenheil​


Là một người điển trai, Félix Faure không ngần ngại tán dương những cuộc chinh phục của mình, còn những người thân cận thì độ lượng chấp nhận những cách cư xử khác biệt của Tổng thống.

“Phòng bạc” của Điện Élysée là nơi thường diễn ra những cuộc hẹn hò tình cảm của Tổng thống. Ngày 16-2-1899, tại đây Félix Faure hẹn gặp bà Stenheil, vợ một họa sĩ hạng xoàng.

Lúc đó, Tổng thống đang bị kích động, ông vừa mới tiếp Hoàng thân Monaco. Vừa từ Đức trở về, Hoàng thân đến để khẳng định rằng đích thân Hoàng đế đã nói cho ông biết bằng chứng Dreyfus vô tội và Esterhazy mới là kẻ có tội. Quá bực tức, Tổng thống đã tiếp đón Hoàng thân rất tồi và ông vẫn còn bị sốc vì cái tin không mấy dễ chịu này.

Vào khoảng 6 giờ chiều, Chánh văn phòng Tổng thống và các sĩ quan phục vụ nghe thấy tiếng phụ nữ kêu thất thanh. Họ vội chạy vào Phòng bạc và thấy Tổng thống đang bất động do bị xuất huyết não. Sau 3 giờ hấp hối và không hề tỉnh lại, Félix Faure qua đời. Cái chết của ông làm cho người ta kinh ngạc nhiều hơn thương tiếc. Hoàn cảnh chết của Tổng thống không được công bố nên sự kiện này bị khai thác về mặt chính trị.

Drumont, người phát ngôn của phái chống Dreyfus, buộc tội người Do Thái đã gây ra cái chết của Tổng thống, vì Tổng thống phản đối việc xem xét lại vụ án: “Dalila đã làm tay sai cho người Do Thái”. Nhanh chân hơn, thay mặt những người bảo vệ Dreyfus, Clemenceau thở phào lật sang trang mới: “Sự việc này chỉ làm bớt đi một người ở nước Pháp… Tôi bỏ phiếu cho Loubet”.

Bốn năm ở cương vị Tổng thống của Félix Faure đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của chức Tổng thống ở nền Cộng hòa đệ Tam. Ông là Tổng thống đầu tiên đã tự nguyện từ bỏ vai trò chính trị để chỉ tập trung vào khía cạnh danh dự của chức vụ.

Đây là một tiền lệ nguy hiểm bởi vì ông tham gia vào quá trình làm suy giảm tầm quan trọng của chức Tổng thống và đánh mất vai trò đối trọng của Tổng thống trước quyền tuyệt đối ngày càng tăng của Quốc hội: tính phô trương kiểu trẻ con của Félix Faure đã thúc đẩy quá trình suy yếu của quyền hành pháp trước quyền lập pháp.
 
Émile Loubet, Đỉnh cao của "Thời kì vàng son"​


Một người thuộc phái bảo vệ Dreyfus đắc cử

Émile Loubet sinh năm 1838 ở Marsanne, tỉnh Drôme, trong một gia đình nông dân. Vì học luật nên ông đến với chính trị một cách tự nhiên. Dưới thời Đế chế thứ Hai, tất nhiên là ông ở phe đối lập. Chiến thắng của Đảng Cộng hòa đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp chính trị của ông.

Ông thuộc giới trí thức tiểu tư sản, nơi cung cấp cho nền Cộng hòa những cán bộ khung cần thiết. Loubet đã trải qua con đường công danh cổ điển nhất; ông lần lượt là thị trưởng, Ủy viên đại hội đồng, Nghị sĩ rồi Thượng nghị sĩ. Thắng lợi chính trị đã đưa ông đến Paris, nhưng ông vẫn rất gần gũi với các nhân vật quan trọng của tỉnh thuộc giới tiểu tư sản, nơi ông bắt đầu sự nghiệp của mình.

Khác với Félix Faure chỉ nhắc đến nguồn gốc xuất thân tầm thường để tự hào về sự thăng tiến xã hội của mình, Émile Loubet tự cảm thấy là người của nhân dân và thái độ khiêm tốn của ông không bao giờ thay đổi. Đó chính là một tiêu chuẩn tuyệt vời để tiến tới cương vị tối cao: Émile Loubet nằm trong số những người mà tính cách bảo đảm cho sự cẩn trọng trong lãnh đạo chính trị sau này. Sau khi Félix Faure chết, Đảng Cộng hòa quay sang phía ông.

Năm 1896, ông được bầu làm Chủ tịch Thượng viện và trở thành nhân vật thứ hai của Nhà nước. Mặc dù ông không bao giờ tỏ rõ thái độ trong vụ Dreyfus, nhưng dư luận biết rằng ông không đồng tình với Bộ tham mưu và các thẩm phán quân sự, và khác với Félix Faure, ông sẽ không cản trở việc xem xét lại bản án. Lẽ ra Loubet có thể được bầu không gặp trở ngại gì nếu như không bị bài báo bất cẩn của Clemenceau làm tổn hại trong con mắt những người chống sự xét lại.

Trên thực tế, lời giới thiệu của Clemenceau hoàn toàn không có liên quan gì: sau khi bị Paul Déroulède, người đứng đầu Hội ái quốc, buộc tội có nhúng tay vào vụ bê bối Panama mặc dù không có chứng cứ gì, Clemenceau thấy sự nghiệp chính trị của mình đã hết. Vì thế, ông hăng hái lao vào vụ Dreyfus nhằm lấy lại uy tín.

Đối với rất nhiều người, Clemenceau tỏ ra là thủ lĩnh thực sự của phái bảo vệ Dreyfus và ông ta tin chắc rằng đã đưa Émile Loubet ra làm ứng cử viên của phái này, nhưng việc đó lại vô tình làm tổn hại đến một chính khách mà cho đến lúc đó chưa tỏ rõ thái độ trong vụ việc gai góc này.

Lập tức Đảng Dân tộc chủ nghĩa nổi giận chống lại Chủ tịch Thượng nghị viện. Người ta lại bới móc những chuyện cũ: là Chủ tịch Hội đồng khi xảy ra vụ bê bối Panama, Loubet đã làm mọi việc để dập tắt vụ này, thậm chí người ta còn nói rằng ông không còn liêm chính sau vụ này. Để đối lại với Loubet, phái chống xét lại muốn đưa Méline ra làm ứng cử viên vì ông này tham gia nhiều hơn vào các cuộc đấu tranh chính trị, là thủ lĩnh thực sự của phái ôn hòa và kịch liệt phản đối xét lại vụ án Dreyfus. Nhưng những lời buộc tội và âm mưu này không gây được tác động đến các Nghị sĩ.

336956.jpg


Émile Francois Loubet (30-12-1838 - 20-12-1929)​

Cuộc đảo chính của Déroulède, những cú gậy của Christiani: sự khởi đầu không may mắn của một nhiệm kì Tổng thống

Ngay sau khi đắc cử, Émile Loubet rời Versailles đi Paris bằng xe lửa. Khi vừa tới ga Saint-Lazare, ông bị đón tiếp bằng một cuộc biểu tình của phái bảo hoàng và những lời la ó: “Panama! Từ chức”, và Tổng thống bước vào Điện Élysée với đám người biểu tình vây quanh. Ông chủ tịch Hội đồng Charles Dupuy vốn phản đối xét lại đã không hề làm gì để ngăn chặn những cuộc biểu tình mà chắc chắn là ông ta dễ dàng đoán trước được.

Nhiệm kì Tổng thống của Émile Loubet bắt đầu trong hoàn cảnh đáng buồn. Trong khi Tổng thống ở trong Điện Élysée còn đang trấn tĩnh lại sau cuộc bầu cử và những sự kiện tiếp theo nó, thì những người biểu tình lợi dụng tình thế có lợi cho họ. Họ tụ tập quanh bức tượng Jeanne d’Arc để cổ vũ cho thủ lĩnh của mình là Déroulède. Khí thế tăng lên rất nhanh. Say sưa với chiến thắng, Déroulède mặc sức diễn thuyết. Ngay sau đó, đám người hò hét thúc giục ông ta: “Vào Élysée! Xông vào Élysée!”

Trước mối nguy hiểm bị rơi vào tình trạng quá sức do cuộc nổi dậy vốn không được chuẩn bị từ trước, Déroulède tìm cách kéo dài thời gian. Viện cớ tôn trọng thi hài của Félix Faure nên không thể tiến vào Điện Élysée ngay được, Déroulède hứa sẽ hành động vào ngày diễn ra lễ tang của Tổng thống vừa mất: “Vâng, thưa các bạn, chúng ta có thể vào đó ngay tối nay, nhưng trong đó có một người mới chết! Tôi tôn trọng ông ấy, chính ông ấy chứ không phải kẻ vừa được Quốc hội bầu ra, đối với tôi, hắn không phải là lãnh tụ thực sự của dân tộc. Chúng ta sẽ tổ chức bầu cử phổ thông. Hẹn thứ Năm! Một nền Cộng hòa khác muôn năm! Đả đảo nền Cộng hòa này!”

Trong những ngày tiếp theo, Charles Dupuy, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, vẫn không hành động và ngang nhiên chuẩn bị âm mưu của Déroulède âm mưu này trở nên phức tạp với hành động gay gắt của phái Bảo hoàng. Không được Déroulède coi trọng, những người ủng hộ Công tước Orléans quyết tâm không để ông ta được hưởng lợi từ chiến thắng dự kiến sẽ xảy ra. Déroulède dường như được Tướng Pellieux, cựu Bộ trưởng Chiến tranh, thuộc phái chống Dreyfus, giúp đỡ. Viên Tướng này được giao dẫn đầu đoàn quân trong lễ tang Félix Faure.

Ngày 23-2, ngày diễn ra lễ tang, Déroulède và người của ông ta tập trung ở Quảng trường Dân tộc để đợi đội quân của Pellieux đi ngang qua sau khi rời nghĩa trang Père Lachaise. Nhưng vào phút cuối, Pellieux đã do dự; ông ta để Tướng Roget thay mình. Khi vừa nhìn thấy đoàn quân, Déroulède vội vã chạy về phía ngựa của Roget nhưng Roget đẩy Déroulède ra và cho quân nhanh chóng trở về doanh trại Reuilly.

Déroulède hiểu rằng mình đã thất bại. Để không bị biến thành trò cười, ông ta cũng vào doanh trại cùng đoàn quân và yêu cầu quân đội bắt giữ mình. Sau đó, ông ta bị buộc tội âm mưu chống lại nền Cộng hòa. Déroulède được một thẩm phán dễ dãi tha bổng vào tháng 5/1899, nhưng tháng 1-1900, ông ta lại bị Toà án tối cao xét xử và kết án 10 năm biệt xứ. Mặc dù cuộc đảo chính của Déroulède đã thất bại, nhưng phái Bảo hoàng và dân tộc chủ nghĩa vẫn không nguôi giận và cái tên Émile Loubet vẫn tiếp tục gây thù hận. Phe đối lập này cũng có một kết cục không kém buồn cười so với đội quân của Déroulède, cho dù đã gây lo lắng cho phái Cộng hòa.

Ngày 4-6-1899, Tổng thống đến Trường đua Auteuil để xem cuộc đua ngựa lớn được tổ chức hàng năm. Ông được đón tiếp bằng tiếng hò hét của khoảng 100 người theo phái Bảo hoàng và Dân tộc chủ nghĩa, họ mang hoa cẩm chướng trắng ở khuyết áo, tập trung quanh khán đài nơi Tổng thống ngồi. Lực lượng cảnh sát ít ỏi làm cho những kẻ biểu tình thêm liều lĩnh; cuối cùng, một người trong số họ là Nam tước Christiani đã nhảy lên khán đài, xô ngã bà Loubet và dùng gậy đập nhiều lần vào chiếc mũ cao thành của Tổng thống. Christiani bị bắt và bị kết án 4 năm tù, nhưng sau đó nhanh chóng được Loubet ân xá.
 
Nội các bảo vệ nền Cộng hòa của Waldeck - Rousseau​


Không quá lo lắng về âm mưu đảo chính không thành của Déroulède, nhưng nước Pháp nổi giận vì Tổng thống bị lăng nhục qua cái mũ của ông.

Một tuần sau, vào ngày diễn ra giải Grand Prix ở Trường đua ngựa Longchamp, những người thuộc phe bảo vệ Dreyfus, Đảng Xã hội và các nghiệp đoàn tổ chức một cuộc biểu tình chống đối.

Với hoa tầm xuân đỏ cài ở khuyết áo, hàng nghìn công nhân diễu hành từ Quảng trường Concorde đến Trường đua Longchamp. Lần này thì Chủ tịch Hội đồng đã dùng lực lượng cảnh sát đông đảo để cấm đoàn biểu tình có hành động quá đáng.

Cuối cùng thì Quốc hội cũng thấy rằng Dupuy không phải là người thích hợp với tình hình lúc đó nên đã bãi nhiệm ông. Sau đó, Loubet tuyên bố ý định thành lập một chính phủ mạnh, đủ khả năng bảo vệ nền Cộng hòa đang bị đe dọa, và sau một loạt tránh né của các thủ lĩnh ôn hòa như Poincaré, người không mấy lo lắng về việc một tương lai đầy hứa hẹn bị tổn hại khi coi trọng những đam mê chính trị, Loubet chỉ định Pierre Waldeck-Rousseau làm Chủ tịch Hội đồng.

Waldeck-Rousseau tuyên bố là “một người Cộng hòa ôn hòa, nhưng không phải là người Cộng hòa theo cách ôn hòa”. Ông thành lập một nội các bao gồm những người thuộc tất cả các đảng phái nhưng cùng lo lắng bảo vệ nền Cộng hòa. Bên cạnh Tướng Galliffet nổi tiếng trong vụ đàn áp Công xã, lần đầu tiên có một Bộ trưởng thuộc Đảng Xã hội, đó là Alexandre Millerand.

Waldeck-Rousseau đưa ra chính sách mà một người như Loubet có thể tán thành: bảo vệ nền Cộng hòa bằng cách thẳng tay đàn áp Đảng Dân tộc chủ nghĩa; đấu tranh chống sự lấn lướt của giới tăng lữ trong lĩnh vực chính trị, nhưng không xử sự theo kiểu bè phái mà đối xử khéo léo với tín ngưỡng của các tín đồ Thiên chúa giáo.

Rút cục thì Loubet, một người Cộng hòa xác tín, cũng không thoát ra khỏi vai trò mà Hiến pháp đã qui định cho Tổng thống. Không hơn gì Félix Faure, ông không có ý định lãnh đạo hoạt động chính trị của đất nước và phó thác công việc cho các Chủ tịch Hội đồng được Quốc hội tin tưởng bầu ra. Cũng không khác gì Félix Faure, ông từ bỏ quyền đối với chính sách đối ngoại, quyền mà các Tổng thống đầu tiên ra sức giữ lấy.
 
Cắt đứt quan hệ với Vatican, xích lại gần nước Anh​


Những bất ngờ trong chính sách đối ngoại

Loubet tự đề cao tính trung lập chính trị của mình đến mức rất ít can thiệp vào công việc nhà nước, ngay cả khi ông không đồng ý với chính sách đang được theo đuổi.

Cuộc bầu cử năm 1902 là một chiến thắng của Đảng Cấp tiến. Do là đại diện của phái Ôn hòa nên Waldeck-Rousseau phải rời khỏi chính quyền.

Theo lời khuyên của những người đứng đầu phe đa số, Loubet giao chức Bộ trưởng cho Émile Combes, một Thượng nghị sĩ cấp tiến mà ông không biết rõ lắm. Với “đức cha nhỏ Combes”, người từng là học sinh trường dòng, trở thành bác sĩ rồi sau đó là chính trị gia, chính sách bảo vệ nền Cộng hòa của Waldeck-Rousseau biến thành chính sách chống Giáo hội rõ nét và có kèm theo chủ nghĩa bè phái.

Émile Loubet không tán thành chính sách này vì nó muốn loại bỏ các tín đồ Thiên chúa giáo khỏi cộng đồng dân tộc, sau đó phần lớn Đảng Cộng hòa cũng chung ý kiến với ông. Clemenceau, vốn theo Đảng Cấp tiến nhưng chống lại Giáo hội, gọi chính sách của Combes là “dòng Tên lật ngược”, còn Alexandre Millerand phẫn nộ vì chính sách khuyến khích tố giác của Combes nhằm phát hiện những người Thiên chúa giáo trong bộ máy chính quyền và đặc biệt là trong quân đội, đã coi đó là “hành động ghê tởm”.

Nhưng cũng như phần lớn thành viên của Đảng Cộng hòa, mặc dù trong thâm tâm không đồng ý với chính sách của Combes, nhưng Loubet biết rằng nếu lên án nó trước công luận thì Chính phủ sẽ trở thành mục tiêu của những kẻ phản đối nền Cộng hòa. Vả lại, Tổng thống không nên sử dụng quyền tự do ngôn luận như các Nghị sĩ Clemenceau và Millerand.

Nhưng ít nhất thì trong khả năng của mình Tổng thống cũng cố gắng ngăn chặn chính sách của Combes. Và thế là ông cố tìm cách hoãn chuyến thăm của Vua Italia Victor-Emmanuel đến Paris. Loubet biết rằng nếu chuyến thăm này diễn ra thì chính ông sẽ phải tới Roma để đáp lại. Tuy nhiên, các Giáo chủ đều không công nhận Roma thuộc Italia và một hành động kiểu như vậy sẽ bị triều chính Tòa thánh coi là sự xúc phạm đối với Giáo hoàng; quan hệ giữa Pháp và Vatican căng thẳng tới mức có thể bị đổ vỡ vì một vụ rắc rối như vậy.

Tuy nhiên, từ năm 1900, chính phủ đã có nhiều nỗ lực đáng kể để tách Italia ra khỏi liên minh Áo-Đức nên ủng hộ chuyến thăm này và Loubet, một Tổng thống không có thực quyền, chỉ còn biết làm theo. Victor-Emmanuel đến Paris và được đón tiếp nồng hậu, Hoàng hậu ôm hôn bà Loubet, và tất nhiên là Tổng thống sẽ phải đến thăm chính thức Roma.

Tháng 4-1904, Loubet đến thăm Roma. Ông được chào đón ở đây, nhưng những kẻ chống lại Giáo hội ở Italia lợi dụng chuyến viếng thăm này của Tổng thống Pháp. Trên các bức tường của Thành phố Vĩnh hằng (Roma - ND), Hội Tam điểm dán những tấm áp-phích ca ngợi Tổng thống và chỉ trích Giáo hoàng.

Vụ rắc rối mà Tổng thống lo sợ đã xảy ra. Cả Giáo hoàng Pie X và tổng trưởng ngoại giao, Hồng y giáo chủ Merry del Val đều cố chấp: Văn phòng Tổng trưởng ngoại giao thảo một công hàm phản đối Loubet một cách xúc phạm gửi đến tất cả các cường quốc có đại sứ tại Vatican. Combes phải vào cuộc, triệu hồi Đại sứ Pháp tại Vatican và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vatican.

Émile Loubet vốn là người ủng hộ hòa giải nhưng đã trở thành công cụ ngoài ý muốn trong việc cắt đứt quan hệ giữa Pháp và Giáo hoàng. Vai trò của ông tốt đẹp hơn khi làm giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ Pháp-Anh. Vào những năm cuối của thế kỉ XIX, sự đối đầu Pháp-Anh về vấn đề thuộc địa rất gay gắt và đã suýt nữa trở thành xung đột vũ trang khi Pháp và Anh đối mặt nhau ở Soudan. Nhưng từ đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Delcassé đã làm tất cả để hai nước xích lại gần nhau.

Năm 1901, Nhà vua mới của nước Anh là Edouard VII quyết tâm đưa đất nước ra khỏi thế bị cô lập về ngoại giao. Vốn là Thái tử xứ Wales, ông rất quen thuộc với giới thượng lưu Paris và một số chính khách Pháp, trong đó có Loubet. Năm 1903, Nhà vua Anh liên lạc với Loubet và được Loubet mời tới thăm chính thức Paris. Lúc đầu, người dân Pháp đón tiếp ông lạnh nhạt, nhưng bằng sự khéo léo, cởi mở, ông đã lấy được lòng dân chúng và thậm chí còn được hoan hô nhiệt liệt khi kết thúc chuyến thăm.

Nếu như Delcassé là người khởi xướng làm thay đổi thái độ của công chúng thì chính Loubet, vốn tán thành mọi điểm trong chính sách của Delcassé, đã làm tất cả để chính sách này đi tới thành công: ông đã triệu tập Chủ tịch Hội đồng thành phố Paris, một trong những thủ lĩnh của Đảng Dân tộc chủ nghĩa, để yêu cầu từ bỏ những cuộc biểu tình mà bạn bè của Déroulède định tổ chức.

Thế là tháng 7-1903, khi đến thăm London, Loubet được đông đảo dân chúng đón tiếp nồng hậu và được coi là một người có công làm Pháp và Anh xích lại gần nhau. Tuy nhiên, một vụ rắc rối đã suýt nữa làm chuyến đi bị hủy bỏ: mặc dù Nhà vua Edouard VII yêu cầu nhưng Loubet cương quyết từ chối mặc quần ngắn để dự buổi khiêu vũ của Triều đình ở Điện Buckingham…
 
Kết thúc nhiệm kì 7 năm, bắt đầu thời kỳ nghỉ hưu bình lặng​


Mặc dù nhiệm kỳ của ông bắt đầu trong những hoàn cảnh đáng buồn, nhưng Émile Loubet vẫn là một Tổng thống được lòng dân. Tính tình hiền lành của ông đã làm nên điều huyền diệu, sự giản dị không giả dối của ông được đánh giá cao.

Những chuyến đi thăm các tỉnh của ông là những thắng lợi vì dân chúng, nhất là người nghèo, tự nguyện đến để chào đón ông. Loubet cũng được các nhân vật quan trọng ở địa phương, các Ủy viên hội đồng thành phố, các Chủ tịch xã ở nông thôn, các ủy viên đại hội đồng xuất thân từ giới tiểu tư sản và tạo nên dư luận ở Pháp trong những năm đầu thế kỉ XX, kính trọng.

Ông là người của họ, nhờ họ mà ông được bầu vào Thượng nghị viện, đại diện cho các tập thể địa phương, rồi được giữ chức Chủ tịch Thượng nghị viện, bước đệm để đến với cương vị tối cao. Loubet được lòng dân chủ yếu là do ông biết giữ vai trò Tổng thống bên trên các cuộc đấu tranh chính trị, bởi vì ông chấp nhận để những người khác lãnh đạo đất nước.

Ông đã ủng hộ Combes mặc dù không tán thành chính sách của Combes; ông ủng hộ Delcassé vì chính sách đối ngoại của Delcassé hợp với ông, nhưng ông bằng lòng giữ vai trò phụ chứ không tham gia lập chính sách đó, và khi chính phủ Pháp phải hi sinh Delcassé dưới sức ép của Đức, Loubet, vốn bị giới hạn về quyền lực, đã không nói lời nào để bảo vệ Delcassé.

Là người kế nhiệm Félix Faure, Loubet thực ra cũng có cùng quan niệm với ông ta về vai trò Tổng thống, ngay cả khi ông biết đưa thêm lòng tốt vào phong cách của mình: Tổng thống của những nghi lễ trang trọng quốc gia. Émile Loubet bắt đầu một tiền lệ khác: ông là Tổng thống đầu tiên rời khỏi Điện Élysée sau đúng 7 năm của nhiệm kì để về nghỉ ngơi yên bình ở làng quê, xa các cuộc đấu tranh chính trị.
 
Armand Fallières, nhà hiền triết của điện Élysée​


Một Loubet khác

Émile Loubet sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2-1906 và không có ý định tái cử, vì vậy hai viện họp ở Versailles ngày 17-1 để bầu ra người kế nhiệm ông. Có hai ứng cử viên cạnh tranh nhau: Paul Doumer, Chủ tịch Quốc hội và Armand Fallières, Chủ tịch Thượng nghị viện.

Theo logic thì mọi cơ may đều nghiêng về phía Paul Doumer, Đảng viên Đảng Cấp tiến, vì từ năm 1902 thời thế chính trị đã biến Đảng Cấp tiến thành nhóm quan trọng nhất của Quốc hội.

Tuy nhiên, điểm yếu của Doumer là tham gia tích cực vào chính trường và chuốc lấy nhiều hiềm khích. Năm 1895, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông đã đề nghị thông qua thuế thu nhập, một yêu sách cũ của Đảng Cấp tiến. Khi nội các mà ông tham gia bị giải tán, ông đồng ý không giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong nội các mới của Méline.

Bù lại, ông được cử giữ chức Toàn quyền Đông Dương, do đó dự định của ông cũng không thành. Cánh tả phàn nàn nhiều về Doumer: là người phản đối chính sách của Combes, cũng như nhiều Đảng viên Đảng Cộng hòa khác, ông không ngần ngại công kích Combes và thậm chí bỏ phiếu chống lại ông ta. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi cánh tả thích nhân vật ôn hòa Arman Fallières hơn kẻ phản bộ cấp tiến này.

Tổng thống có nhiều nét giống với người tiền nhiệm Loubet. Cũng như Loubet, ông là người miền Nam, sinh năm 1842 ở gần Nérac, vùng Lot-et-Garonne. Cũng như Loubet, ông xuất thân từ một gia đình nông thôn nổi lên chậm chạp: ông nội là thợ rèn, bố là lục sự của toà án. Armand Fallières học ở Trường trung học Angoulême, sau đó trở thành luật sư rồi chính trị gia, theo con đường công danh cổ điển của các nhân vật quan trọng trong nền Cộng hòa đệ Tam.

Sau ngày 4-9, ông trở thành Thị trưởng của Nérac, sau đó bị Chính phủ của Trật tự Đạo đức bãi chức. Từ đó, sự nghiệp của ông đi lên theo sự lớn mạnh của nền Cộng hòa. Sau cuộc bầu cử ngày 16-5, ông trở thành Đại biểu quốc hội của Nérac và giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dưỡng công, Bộ Lễ, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng trong giai đoạn bản lề ngắn từ tháng 1 đến tháng 2-1883. Từ năm 1890, Fallières là Thượng nghị sĩ; năm 1899, khi Loubet được bầu làm Tổng thống, Fallières kế nhiệm ông vào cương vị Chủ tịch Thượng nghị viện.

Năm 1906, ông lại kế nhiệm Loubet ở Điện Élysée với 449 phiếu của cánh tả, còn Doumer được 371 phiếu của cánh trung dung và cánh hữu.

337174.jpg


Clément Armand Fallières
(6/11/1841 - 22/6/1931)​

Truyền thuyết và hiện thực về Armand Fallières

Cũng như một số Tổng thống tiền nhiệm, ông chưa được nhiều người biết tới khi được bầu làm Tổng thống, song “Cha Fallières”, như người Pháp vẫn gọi ông một cách thân mật, nhanh chóng trở thành một nhân vật huyền thoại thật sự. Trên thực tế, chẳng có gì trong nhân cách của vị Tổng thống mới khiến người ta phải tôn kính và ngưỡng mộ. Người dân Pháp dành cho ông những tình cảm khác: chúng được hình thành từ tình cảm trìu mến bền chặt dành cho một người mà họ thấy giống với mình.

Ông cư xử như một người Pháp trung lưu và đồng bào của ông cũng nhận ra điều đó; vị tân Tổng thống không hề kiêu căng, không một chút kiểu cách. Trong cuộc bầu cử, ông đã đặt điều kiện rằng ông sẽ không thay đổi những thói quen của mình, và trên thực tế, ông thay đổi chúng ở mức ít nhất có thể. Ở Paris, cũng như ở nhà riêng tại Loupillon, miền Nam nước Pháp, ông rất thích tản bộ mà không có bất cứ nghi thức nào. Con người hiền hậu, thẳng thắn, bộ râu quai nón, chiếc cà vạt có chấm tròn, giọng nói truyền cảm nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

Không kém phần nổi tiếng là những lời nói, có thật hoặc giả định, mà người ta gán cho ông và trong một thời gian dài, người ta cứ tưởng những lời đó chứng tỏ nguồn gốc nông dân của ông, nhưng sau này mới nhận ra rằng thực ra chúng thể hiện sự tinh tế sâu sắc của Tổng thống. Tuy nhiên, vốn là người trầm tính, có trí tuệ và thậm chí một chút mưu mẹo, Fallières cứ để mặc cho mọi người nói, bởi ông ý thức được rằng nhân vật mà người ta gán cho ông sẽ giúp ông quan sát những người mất cảnh giác.

Trên thực tế, Fallières tỏ ra là một người có óc quan sát và ông thực hiện một cách hoàn hảo vai trò của Tổng thống như những người cùng thời vẫn nghĩ.

Ngay từ bài diễn văn nhậm chức, ông đã định nghĩa về chức vụ này. Đó là một trọng tài, làm tròn một chính sách đã được xác định rõ, đó là chính sách của Đảng Cộng hòa, nhưng vì lợi ích của cả đất nước: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ, tôi kêu gọi tất cả những người Cộng hòa, xin đừng quên rằng nếu tôi lãnh đạo cùng với những người thuộc Đảng của tôi, thì chính là vì lợi ích tối cao của quốc gia, và rằng nhờ có tất cả mọi người, không phân biệt nguồn gốc và niềm tin chính trị, chúng ta mới bảo vệ được tất cả các quyền.”
 
Fallières thể hiện một trí tuệ hiếm có và một sự tinh tế tuyệt vời. Dưới thời Fallières, kể cả dưới thời Faure hay Loubet, không có chính sách của Điện Élysée.

Nhưng Fallières luôn quan tâm sát sao đến đời sống chính trị; các nghị sĩ, viên chức, nhà ngoại giao đều đến trao đổi công việc và xin ý kiến tư vấn của Tổng thống, Tổng thống thường cho họ những lời khuyên sáng suốt hiếm có.

Ông cảm nhận được những nguy hiểm ngày càng tăng và đoán trước việc phải đối mặt với cuộc chiến sắp xảy ra bằng việc Poincaré thành lập một hội thống nhất quốc gia sau. Nếu xung đột xảy ra, người ta đề nghị ông gọi vào chính quyền những người cương quyết nhất trong số thủ lĩnh các đảng đối lập, đó là Déroulède của Đảng Dân tộc và Clemenceau của đảng Cộng hòa.

Trong khi chờ đợi, không phải những nhân vật mờ nhạt nối tiếp nhau đứng đầu Chính phủ, mà là những nhà lãnh đạo thực sự của chính trường Pháp, những con người có tư tưởng dứt khoát và có khả năng xúc tiến một chính sách nhất quán để thực hiện những tư tưởng đó: Briand, Joseph Caillaux, Georges Clemenceau, mà tất cả các Tổng thống, kể từ Grévy, đều kiên quyết không cho đưa vào bộ máy chính quyền, cuối cùng là Raymond Poincaré, người dùng cương vị này để tiến vào Điện Élysée.

Năm 1913, Fallières từ chối tham gia nhiệm kì thứ hai. Sau khi đã thực hiện vai trò Tổng thống khéo léo hơn bất kì vị chính khách tiền nhiệm nào, ông muốn nghỉ hưu. Ông lui về Loupillon và hưởng cuộc sống an nhàn nơi thôn dã tới tận 90 tuổi (ông mất năm 1932). Ông để lại cho đời sau câu nói lịch sử cuối cùng, một câu nói hóm hỉnh theo đúng phong cách của ông: “Vị trí không tồi nhưng không tiến lên được nữa”.
 
Raymond Poincaré, tổng thống của liên minh thần thánh​


Trong số tất cả các Tổng thống của nền Cộng hòa đệ Tam, không ai giữ một vai trò quan trọng cũng như có hành động gây ra nhiều bàn cãi như Raymond Poincaré. Đó là vì con người này không hề đơn giản.

Ông muốn giới thiệu với lịch sử một hình ảnh nào đó về con người và hành động của mình. Không có gì xuất hiện ngẫu nhiên trong con đường công danh của ông: giữ chức vụ tối cao vào một trong những thời điểm tồi tệ nhất của lịch sử nước Pháp, vai trò trong chiến tranh, hay thái độ của ông trong suốt thời kỳ chiến tranh.

Và đặc biệt là con đường công danh của Poincaré không dừng lại khi ông rời Điện Élysée. Thậm chí, chúng tôi còn muốn nói rằng chính từ lúc đó sự nghiệp của ông mới bắt đầu, bởi ông đứng 10 năm ở hàng đầu của chính trường để làm biểu tượng cho một chính sách nào đó. Những lời chỉ trích hay đánh giá về chính sách này không thể không ảnh hưởng đến dư luận về hành động của ông trên cương vị người đứng đầu nhà nước.

Vấn đề còn trở nên phức tạp nữa vì rất khó nói đến sự chân thành, thái độ đối với Lịch sử ở con người luôn có ý thức trở thành một nhân vật lịch sử, ở viên luật sư khôn khéo mà sự chính trực điển hình của ông luôn khiến ta tự hỏi: với sự khéo léo tuyệt đỉnh như vậy, liệu ông có quá biện hộ cho chính mình trước lời phán xét của các nhà sử học?

Một tham vọng từ rất xa xưa

Poincaré sinh năm 1860 ở Bar-le-Duc, 10 năm trước khi Đế chế sụp đổ. Ông sẽ không bao giờ quên cảnh quê hương bị quân Phổ chiếm đóng trong suốt 4 năm. Khi học ở Trường trung học Bar, ông tỏ ra là một học sinh xuất sắc, và trong tất cả các giai đoạn của con đường công danh cũng vậy. Là một sinh viên luật giỏi, một luật sư có lương tâm, một chính khách “trung dung” và có phong thái ôn hòa, dường như ông chuẩn bị tiến tới cương vị Tổng thống từ những năm còn trẻ.

Con đường chính trị của ông diễn ra thuận buồm xuôi gió tại tỉnh Meuse, nơi những mối quan hệ gia đình giúp công việc của ông luôn suôn sẻ. Ông lần lượt được bầu làm Ủy viên đại hội đồng, Nghị sĩ, rồi Thượng nghị sĩ. Ở Quốc hội, ông chuyên tâm vào các vấn đề kĩ thuật, nhất là vào việc nghiên cứu ngân sách, một chuyên ngành khô khan, vào thời kỳ mà chỉ có tài hùng biện về những chủ đề chính trị lớn mới có thể làm cho một chính khách trở nên nổi tiếng.

Nhưng bằng tài năng và sự nghiêm túc, chàng trai Poincaré nhanh chóng tự khẳng định mình. Nếu như Poincaré thận trọng tránh thể hiện thái độ đối với những vấn đề gây chia rẽ nước Pháp (đặc biệt là vụ án Dreyfus) thì ông lại không ngần ngại phát biểu ý kiến để kêu gọi tinh thần đoàn kết của người Pháp và hòa hợp dân tộc. Trong thời kì Combes đứng đầu nội các, Poincaré thu mình lại. “Ông ta trốn phát biểu ý kiến”, các đồng nghiệp tại Quốc hội thường mỉa mai khi thấy ông vội vàng cởi chiếc áo luật sư để tham dự một phiên họp của Quốc hội.

Sự kiên nhẫn bền bỉ, sự chuẩn bị chu đáo đến như vậy không thể không được đền bù. Những nguy hiểm ngày càng tăng sẽ giúp Raymond Poincaré đóng vai trò mà ông chờ đợi từ hơn hai mươi năm.
 
Nguy hiểm ngày càng tăng​


Năm 1911, tình hình quốc tế vốn căng thẳng từ vài năm trước đột nhiên trầm trọng thêm. Lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra của các mối quan hệ đồng minh của Pháp, từ vài năm nay, Guillaume II (Hoàng đế Đức - ND) liên tục tăng cường các cuộc khiêu khích song đều vô hiệu.

Năm 1905, Guillaume II thẳng thắn phản đối ý đồ của Pháp đối với Maroc bằng cách đe dọa gây chiến tranh. Mặc dù dân chúng rất phẫn nộ, song Chính phủ Pháp đã lùi bước để bảo toàn hòa bình bằng cách “hi sinh” vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hiếu chiến Théodore Delcassé; hơn nữa, một năm sau, Hội nghị quốc tế Algésiras giao cho Pháp thiết lập chế độ bảo hộ trên một phần lãnh thổ Maroc kèm theo một số điều kiện.

Trên thực tế, người Pháp muốn mở rộng ảnh hưởng của họ ra toàn bộ Maroc. Năm 1911, đáp lại lời kêu gọi của Quốc vương Moulay Hafid đang bị quân nổi dậy vây hãm tại thủ đô Fès, chính phủ Pháp cử đến đó một đội quân viễn chinh nhằm bảo vệ những người châu Âu tại Fès.

Tất nhiên, hành động này hoàn toàn trái ngược với Định ước Algésiras, theo đó ảnh hưởng của Pháp bị giới hạn ở các cảng phía Tây và vùng biên giới phía Đông. Đức cũng không bỏ qua cơ hội can thiệp này: ngày 1-7-1911, chiến hạm “Panther” của Đức tiến vào cảng Agadir.

Nước Đức muốn gì vậy? Đức không nghĩ đến việc xem xét lại kết quả của Hội nghị Algésiras mà chỉ muốn nắm lấy cơ hội để đòi Chính phủ Pháp đền bù một thuộc địa nào đó, nhằm điều chỉnh lại những bất bình đẳng trong “phân chia thế giới” mà Đức cho là bị thua thiệt. Đức cho Pháp biết rằng Đức đồng ý để Pháp mở rộng ảnh hưởng ở Maroc, nhưng để đổi lại Pháp phải nhượng Congo cho Đức.

Ở Pháp, dư luận phản đối mọi sự thương lượng mang tính lùi bước. Ý kiến này cũng được nội các và chính bản thân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao De Selves ủng hộ. Ngược lại, Chủ tịch Hội đồng, Joseph Caillaux, lại tán thành thương lượng. Đại sứ Pháp tại Berlin, Jules Cambon, cũng đồng ý với quan điểm này.

Tháng 11-1911, Caillaux kí hiệp ước rất có lợi cho Pháp, vì Pháp chỉ phải nhượng một phần nhỏ Congo thuộc Pháp, nhưng lại được tự do hành động ở Maroc. Báo Figaro mở đầu phong trào kịch liệt phản đối vị Chủ tịch Hội đồng: “Chúng ta không thể giao phó vận mệnh của nước Pháp vào tay những kẻ vô lại những vậy lâu hơn hơn nữa!”. Tuy nhiên, Quốc hội vẫn phê chuẩn bản Hiệp ước.
 
Một người yêu nước vùng Lorraine ở cương vị Chủ tịch Hội đồng​


Ở Thượng nghị viện, công việc không thuận lợi. Trong thành phần của ủy ban chịu trách nhiệm xem xét Hiệp ước có nhân vật đáng gờm Clemenceau; ủy ban chỉ định Poincaré là báo cáo viên.

Lại một lần nữa, Poincaré đóng vai trò hòa giải. Ông tán thành Hiệp ước nhưng lấy làm tiếc rằng Caillaux đã chấp nhận đàm phán do bị sức ép. Tuy nhiên, mặc dù biết rõ những đàm phán bí mật của Caillaux nhưng Poincaré đã tránh đề cập chúng.

Thế nhưng Clemenceau đã chỉ ra thái độ của Caillaux và gây ra một vụ tai tiếng. Bị biến thành trò cười, De Selves từ chức, nội các cũng sụp đổ theo.

Nội các của Caillaux sụp đổ khiến chính trường Pháp rơi vào tình trạng rối ren. Vào thời điểm cuộc chiến với Đức có thể nổ ra do không phê chuẩn Hiệp ước, Pháp không hề có một chính sách đối ngoại nào. Người Pháp không đồng lòng nhất trí. Đảng Cấp tiến đã bị suy yếu trong bộ máy chính quyền và trong các cuộc đấu tranh chính trị nên không có đủ uy tín cần thiết để lãnh đạo đất nước trong một cuộc chiến có thể sắp xảy ra.

Nước Pháp cần có một “người cha” vừa có uy tín, vừa có năng lực: cái tên Poincaré được tin tưởng và chính Clemenceau, Đảng viên Đảng Cộng hòa lão thành và chống giáo quyền, đã khẳng định điều đó. Khi chỉ định Poincaré, Fallières có lẽ muốn thể hiện ước nguyện của dân tộc đang mong chờ một vị cứu tinh. Trong những điều kiện như vậy, việc bổ nhiệm Poincaré vào chức chủ tịch Hội đồng có ý nghĩa rất quan trọng.

Đây không chỉ là một nhân vật ôn hòa thừa kế một loạt cương vị Chủ tịch của phe cấp tiến, mà chính vào thời điểm bị chiến tranh đe dọa, con người có chính sách cứng rắn với Đức đã lên nắm quyền.

Khi để Poincaré đứng đầu Chính phủ, vậy là nước Pháp đã tự lập ra cho mình một thủ lĩnh chiến tranh. Thật vậy dư luận quốc tế nhận thấy rõ nét tính cách này của ông, Poincaré cũng có tiếng là người ghét các cuộc phiêu lưu; nhưng đó không phải là điều người Pháp quan tâm vào năm 1912, và vị tân Tổng thống không quên điều này.

“Tất cả lòng tự tôn của một dân tộc không muốn chiến tranh nhưng không sợ chiến tranh”

Poincaré tiếp tục chú ý đến hình ảnh cá nhân của mình. Đối với cánh tả, ông tỏ ra là một Đảng viên Cộng hòa không nhân nhượng và một người phi tôn giáo chắc chắn. Năm 1912, ông nói với Charles Benoist, một tín đồ Thiên chúa giáo: “Giữa ông và tôi là cả một vấn đề tôn giáo”. Nhưng ông lại xoa dịu ngay: “Tôi không nghĩ đến việc loại trừ người bạn Charles Benoist và những người Thiên chúa giáo ra khỏi chính thể Cộng hòa”. Đối với cánh hữu, ông đảm bảo xóa bỏ những dự án đáng lo ngại về thuế thu nhập do Caillaux đề xuất.

Cuối cùng, khi cánh hữu cho rằng vị Tổng thống mới sẽ là “con tin” của Đảng Cấp tiến, ông cho bỏ phiếu thông qua một dự án cải cách bầu cử, chấm dứt bỏ phiếu theo quận, thay vào đó là giới thiệu theo tỉ lệ, mặc dù Đảng Cấp tiến kịch liệt phản đối dự án này. Bằng cách tấn công “những ao tù của phổ thông đầu phiếu” đã bị Aristide Briand lên án trước đây, ông đã giáng một đòn mạnh vào pháo đài bầu cử của những nhân vật quan trọng trong Đảng Cấp tiến, họ không tha thứ cho ông việc này mặc dù cuộc cải cách không thành công.

Tuy nhiên, Poincaré muốn tập trung vào chính sách đối ngoại hơn là vào các vấn đề đối nội. Ông trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và hiểu rõ công luận đang mong chờ ông ở lĩnh vực này, nên ông sẽ làm tất cả để họ hài lòng. Ông đề nghị Thượng nghị viện thông qua hiệp ước mà Caillaux đã ký, nhưng làm cho mọi người hiểu rằng đó không phải là tác phẩm của ông.

Về phần mình, Poincaré thể hiện rõ quan điểm phản đối mọi chính sách thân Đức và chỉ gắn bó với các đồng minh truyền thống là Nga và Anh. Khi xảy ra một vụ rắc rối nhỏ với Italia (hai tàu thủy của Pháp bị bắt giữ), ông phản ứng bằng một bài phát biểu rất gay gắt. Ông hạn chế quyền tự do hành động của các đại sứ, mặc dù họ không ủng hộ thái độ này.

Người bạn thân của ông, Maurice Paléologue, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tự nguyện trở thành công cụ chính cho chính sách này. Poincaré đặc biệt củng cố quan hệ đồng minh với Nga. Tháng 8-1912, ông đến Nga. Khi trở về, nước Pháp chào đón ông như một người chiến thắng. Người Pháp đã tìm được vị chủ tịch Hội đồng mà họ mong đợi. Ông đã nói rất hợp ý họ: “Chúng ta nên giữ kiên nhẫn, sức mạnh và tất cả lòng tự tôn của một dân tộc không muốn chiến tranh nhưng không sợ chiến tranh”. Như vậy, với sự ủng hộ của đại bộ phận công luận, Poincaré chuẩn bị cho cuộc chiến tranh.

Cuối năm 1912, ông tuyên bố ra ứng cử chức Tổng thống để kế nhiệm Fallières. Quyết định khá bất ngờ: người đàn ông 52 tuổi này, cho tới lúc đó vẫn luôn tỏ ra giữ ý để chờ cơ hội đảm đương một vai trò xứng đáng, đã quyết định giam mình vào nhà tù mạ vàng Élysée, nhận vai trò trang trọng - không quyền hành chính trị kèm theo trách nhiệm tinh thần cao nhất chăng?
 
Làm thế nào để trở thành nguyên thủ quốc gia thực sự?​


Poincaré lấy làm tiếc về tình hình bất ổn trong nội các và tin chắc rằng vai trò Chủ tịch Hội đồng của ông sẽ kết thúc với phản ứng bực bội đầu tiên của Quốc hội. Liệu còn có sự đảm bảo ổn định nào tốt hơn việc được bầu cho nhiệm kỳ 7 năm ở vị trí đứng đầu Nhà nước? Do đó, không quyền hành chính trị không phải là không có lợi.

Phải biết sử dụng tính ổn định này và làm thế nào trong khi từ ngày 16-5, Nghị viện dần dần tước hết quyền hạn của Tổng thống ? Trong một loạt các bài phát biểu, bài báo, bài nói chuyện từ năm 1896 đến 1898, Poincaré đã tố cáo sự bóp méo Hiến pháp này.

Thay vì để cho Chính phủ và người đứng đầu hợp pháp của nó là Tổng thống được thực thi quyền lực một cách bình thường, Hiến pháp đã dung túng cho một nền chuyên chính thất thường và ngông cuồng của vài trăm nghị sĩ và để họ cử ra một nhân vật thiếu tính độc đoán đứng đầu Nhà nước.

Poincaré muốn gì đây? Thực thi toàn bộ Hiến pháp, điều này rất khó xác định: liệu ông có nghĩ đến việc đòi lại cho chức Tổng thống toàn bộ quyền lực mà Hiến pháp năm 1875 đã trao cho không? Người ta có thể nghi ngờ điều đó. Vị luật gia này biết rõ sức mạnh của các tiền lệ đã có tác động như thế nào đến luật pháp.

Nhưng ta có thể nghĩ rằng ông muốn tận dụng tối đa các điều khoản của Hiến pháp: với tư cách là người bảo lãnh cho các hiệp ước quốc tế, ông đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo hoạt động đối ngoại của Pháp vào thời điểm mà đối ngoại đang là yếu tố cơ bản của đời sống chính trị. Tuy nhiên, cần có một điều kiện: chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao không được có chính sách riêng. Và Hiến pháp đã cho Tổng thống sự bảo đảm cơ bản, đó là quyền được lựa chọn chủ tịch Hội đồng.

Thông qua việc ứng cử, Poincaré hi vọng đóng vai trò chính trong điều hành công việc bằng cách điều chỉnh việc thực thi Hiến pháp theo hướng có lợi cho sự khôi phục quyền lực của Tổng thống. Ông chỉ còn chờ được bầu.

Thủ đoạn và tai tiếng: những biến cố của cuộc bầu cử

Poincaré nhanh chóng hối tiếc vì đã để lộ ý định của mình quá sớm. Khối đoàn kết xung quanh ông năm 1911 không chống lại các cuộc luận chiến phản bác ông. Việc ông ứng cử đã vấp phải thái độ thù địch của những người phải từ bỏ tham vọng của mình (như Chủ tịch Quốc hội Paul Deschanel hay Nghị sĩ kì cựu Ribot), của những người có trách cứ cá nhân đối với Poincaré (ví dụ như Joseph Caillaux chỉ trích thái độ của Poincaré trong cuộc khủng hoảng năm 1911 và chính sách hiện nay của Poincaré vì sẽ dẫn tới chiến tranh), của những người phê phán hành động của ông ở cương vị Thủ tướng (mặc dù được Léon Bourgeois, người đứng đầu có uy quyền của Đảng Cấp tiến, đề cử, nhưng đa số Đảng viên Cấp tiến không tha thứ cho ông vì luật bầu cử theo tỉ lệ).

Vì vậy, chiến dịch phản đối diễn ra khá mạnh: người ta kết tội Poincaré đang chuẩn bị thiết lập một chế độ độc tài kiểu Boulanger mới và muốn gây chiến. Nhưng nếu như những lí lẽ này tác động mạnh đến các Nghị sĩ cánh tả, thì ngược lại, chúng khiến Poincaré trở thành vị Tổng thống lí tưởng đối với cánh hữu.

Ý thức được mối nguy, Caillaux mở một chiến dịch vận động hành lang thâm hiểm đánh vào đời tư của Poincaré, lĩnh vực mà Poincaré đang muốn lẩn tránh. Năm 1904, Poincaré kết hôn không theo nghi lễ tôn giáo với Henriette Benucci. Trước đó, bà đã li hôn với một người Mĩ không tiếng tăm gì, nhưng người ta đồn đó là một người không đáng tin cậy, sau đó lại trở thành vợ góa của một doanh nhân Pháp.

Đám cưới không theo nghi lễ tôn giáo với một phụ nữ đã li dị, đây quả là một lí do đáng để cánh hữu Thiên chúa giáo làm to chuyện! Báo chí liên tục nói bóng nói gió. Hình ảnh của Poincaré bị tổn hại. Cuối cùng, một vụ bê bối chính trị do các đối thủ của ông khéo léo khai thác và một thủ đoạn vào phút chót đã khiến việc ứng cử của ông trở nên vô cùng bi đát.
 
Vụ bê bối xảy ra là do Millerand, Bộ trưởng Chiến tranh, quyết định gọi Trung tá Paty de Clam, người bị tiếng xấu trong vụ Dreyfus, trở lại quân ngũ. Ngay lập tức, cánh tả nhảy vào vụ này.

Đối với Poincaré, mối nguy trở nên rất rõ ràng. Nếu ông bênh vực Millerand, cánh tả sẽ phê phán ông quá dễ dãi đối với những người chống Cộng hòa; nếu ông không tán thành với quyết định của Millerand, cánh hữu sẽ oán trách ông vì không làm dịu tình hình.

Tuy nhiên, Poincaré đã làm thất bại ý đồ này, ông không đứng hẳn về bên nào mà “chia tay” Millerand vì một lý do đương nhiên: vị Bộ trưởng đã quyết định mà không báo cho Tổng thống biết. Nhưng Poincaré còn phải vượt qua chướng ngại cuối cùng: được “phái đoàn cánh tả” đưa ra ứng cử, đó là một việc làm của nghị viện nhằm công nhận ứng cử viên là người theo chủ nghĩa Cộng hòa và thế tục, nếu không việc ông được bầu hay không sẽ rất bấp bênh.

Thế nhưng, để đối đầu với Poincaré, Clemenceau - “người tạo nên các Tổng thống “ - lại đề cử nhân vật cấp tiến trung thực Jules Pams, người sẽ nhận được phiếu bầu của các Nghị sĩ do không bị chú ý lắm và là người từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trong nội các của Poincaré. Mặc dù Poincaré được Aristide Briand (người dự định sẽ kế nhiệm ông ở vị trí đứng đầu chính phủ) và Léon Bourgeois ủng hộ, song việc bỏ phiếu của phái đoàn diễn ra khá bất lợi.

Ở vòng 3, Poincaré chỉ có được 301 phiếu, trong khi Pams được 223 phiếu. Nhưng ông không thể đạt đa số tuyệt đối, vì ngoài ra, còn hơn 100 Nghị sĩ không tham gia bỏ phiếu. Một phái đoàn đề nghị ông nhường bước trước Pams, nhưng Poincaré từ chối bởi ngoài số phiếu của cánh tả, ông biết rằng mình còn có thể có được những lá phiếu của cánh hữu vì họ không giới thiệu ứng cử viên nào.

Ngày 17-1-1913, Poincaré được bầu làm Tổng thống với 483 phiếu, so với 296 phiếu của Pams và 69 phiếu của Đảng viên Đảng Xã hội Vaillant. Vào buổi tối ngày chiến thắng, Raymond Poincaré thấy vô cùng đau khổ. Để trở thành nguyên thủ quốc gia, ông đã phải hi sinh quá nhiều! Đời tư bị phơi bày trên báo chí; những lời kết tội thiếu căn cứ về niềm tin của người theo chế độ Cộng hòa do Đảng Cấp tiến, những người luôn cùng ông bảo vệ nền Cộng hòa từ vụ Dreyfus, tung ra; mất những người bạn thân lâu năm như Millerand và Barthou; từ chối quyết định của Phái đoàn cánh tả; và cuối cùng, thắng cử nhờ lá phiếu của cánh hữu hay của những kẻ cơ hội như Briand...

Những tờ báo lớn chào đón chiến thắng của ông như chiến thắng của trào lưu chủ nghĩa dân tộc và quân phiệt ra đời ở Pháp từ sau vụ Agadir. Còn những người Thiên chúa giáo lấy làm sung sướng với thắng lợi của ông.

Vài tháng sau, Baudrillart, Hiệu trưởng Học viện Thiên chúa giáo Paris, đã đứng ra tổ chức đám cưới theo nghi lễ tôn giáo cho Tổng thống Cộng hòa Pháp. Sau buổi lễ, Poincaré tuyên bố: “Người đứng đầu một Nhà nước Thiên chúa giáo phải làm gương cho cả đất nước”.

Phải chăng tất cả những nhượng bộ này ít ra cũng giúp Poincaré nắm được vị trí mà ông mong muốn? Trong 4 năm, dường như ông đã giành lại được quyền lực đã mất từ lâu cho chức Tổng thống. Chính cuộc chiến tranh sắp xảy ra luôn đặt ông vào vị trí con người của tình thế. Sau ngày bầu cử, ông tâm sự với Paléologue: “Đêm qua tôi không tài nào nhắm mắt được.

Trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ, từ nay tôi phải gánh vác trách nhiệm to lớn trong khi nguyên tắc không quyền hạn theo Hiến pháp lại tước đi quyền tự do hành động của tôi, kết án tôi 7 năm câm lặng và ăn không ngồi rồi”. Nỗi lo sợ này hoàn toàn không phải là giả dối, tuy nhiên Poincaré sẽ không để cái thể chế mà ông là hiện thân làm cho ông bất lực. Được phe đa số quan tâm đến quốc phòng bầu ra, ông quyết định xây dựng chính sách của mình: chuẩn bị cho nước Pháp tham gia vào cuộc chiến tranh mà ông cho rằng không thể tránh được.

Theo quan điểm này, khi lựa chọn các Chủ tịch Hội đồng, ông không dùng Briand với tính cách mềm dẻo để đền đáp lại vai trò của ông ta trong cuộc bầu cử Tổng thống, mà chọn chính những người kế nhiệm ông: Barthou, người tán thành chính sách dân tộc chủ nghĩa, rồi Doumergue và Ribot, cuối cùng là Viviani. Tất cả những lựa chọn này được giải thích bằng một yêu cầu bức thiết: cần phải xây dựng và duy trì “luật 3 năm”.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top