Cách tính năm nhuận âm lịch

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
CÁCH TÍNH NĂM NHUẬN ÂM LỊCH

Quy luật của lịch Việt Nam

Âm lịch Việt Nam là một loại lịch thiên văn. Nó được tính toán dựa trên sự chuyển động của mặt trời, trái đất và mặt trăng. Để tính ngày tháng âm lịch cho một năm bất kỳ chúng ta cần tính các thời điểm sau cho năm đó:

o Các thời điểm Sóc (New moon)
o Các thời điểm Trung khí (Major solar term)

Sóc là thời điểm hội diện, đó là khi trái đất, mặt trăng và mặt trời nằm trên một đường thẳng và mặt trăng nằm giữa trái đất và mặt trời. Gọi là „hội diện“ vì mặt trăng và mặt trời ở cùng một hướng đối với trái đất. Chu kỳ của nó khoảng 29,5 ngày.

Mỗi năm có 12 Trung khí, các điểm Trung khí chia đường hoàng đạo thành các phần bằng nhau. Trong đó, bốn Trung khí giữa bốn mùa là đặc biệt nhất: Xuân phân (khoảng 20/3), Hạ chí (khoảng 22/6), Thu phân (khoảng 23/9) và Đông chí (khoảng 22/12).

Điểm sóc được dùng để xác định ngày bắt đầu và kết thúc tháng âm lịch, còn Trung khí để xác định tháng và tên các tháng nhuận. Bởi vì dựa trên cả mặt trời và mặt trăng nên lịchViệt nam không phải là thuần âm lịch mà là âm-dương-lịch.

Khi đã có điểm sóc và trung khí thì chúng ta có thể áp dụng các quy luật sau để xác định tháng và ngày âm lịch:

o Ngày đầu tiên của tháng âm lịch là ngày mà Điểm sóc xuất hiện
o Một năm bình thường có 12 tháng âm lịch, một năm nhuận có 13 tháng âm lịch
o Đông chí luôn rơi vào tháng 11 âm
o Trong 1 năm nhuận, có 1 tháng không có Trung khí thì tháng đó là tháng nhuận. Nếu 2 tháng trong năm nhuận đều không có Trung khí thì chỉ tháng đầu tiên sau Đông chí là tháng nhuận
o Việc tính toán dựa trên kinh tuyến 105° đông.

Áp dụng vào quy luật như thế nào?

Đã có nhiều chương trình hoàn chỉnh phục vụ cho việc tính toán Sóc và Trung khí với tính chính xác cao. Một khi bạn đã tính được điểm Sóc, bạn đã biết được ngày bắt đầu và kết thúc của một tháng âm lịch: ngày mùng một của tháng âm lịch là ngày chứa điểm sóc.

Khi tính Sóc bạn cần lưu ý xem xét chính xác múi giờ. Đây là lý do tại sao có một vài điểm khác nhau xảy ra giữa lịch Việt nam và lịch Trung Quốc.Ví dụ, nếu bạn biết điểm sóc vào lúc yyyy-02-18 16:24:45 GMT thì ngày đầu tiên của lịch Việt nam là yyyy-02-18, bởi vì 16:24:45 GMT là 23:24:45 cùng ngày, giờ Hà nội (GMT+7, kinh tuyến 105° đông). Tuy nhiên theo giờ Bắc Kinh (GMT+8, kinh tuyến 120° đông) thì Sóc là lúc 00:24:45 ngày yyyy-02-19, do đó tháng âm lịch của Trung Quốc lại bắt đầu ngày yyyy-02-19, chậm hơn lịch Việt Nam 1 ngày.

Sau khi đã biết ngày bắt đầu/kết thúc các tháng âm lịch, bạn có thể xác định tên các tháng và tìm tháng nhuận theo cách sau. Đông chí luôn rơi vào tháng 11 của năm âm lịch. Bởi vậy chúng ta cần tính 2 điểm sóc: Sóc A ngay trước ngày Đông chí thứ nhất và Sóc B ngay trước ngày Đông chí thứ hai.

o Nếu khoảng cách giữa A và B là dưới 365 ngày thì năm âm lịch có 12 tháng, và những tháng đó có tên là: tháng 11, tháng 12, tháng 1, tháng 2, …, tháng 10.

o Nếu khoảng cách giữa hai sóc A và B là trên 365 ngày thì năm âm lịch này là năm nhuận, và chúng ta cần tìm xem đâu là tháng nhuận. Để làm việc này ta xem xét tất cả các tháng giữa A và B, tháng đầu tiên không chứa Trung khí sau ngày Đông chí thứ nhất là tháng nhuận. Tháng đó sẽ được mang tên của tháng trước nó kèm chữ „nhuận“
Ví dụ: Âm lịch năm 1984

Chúng ta áp dụng quy luật trên để tính âm lịch Việt nam năm 1984.

Sóc A (ngay trước Đông chí năm 1983) rơi vào ngày 4/12/1983, Sóc B (ngay trước Đông chí năm 1984) vào ngày 23/11/1984.

Giữa A và B là khoảng 355 ngày, như thế năm âm lịch 1984 là năm thường. Tháng 11 âm lịch của năm trước kéo dài từ 4/12/1983 đến 2/01/1984, tháng 12 âm từ 3/1/1984 đến 1/2/1984, tháng Giêng từ 2/2/1984 đến 1/3/1984 v.v.
Ví dụ 2: Âm lịch năm 2004

Sóc A – điểm sóc cuối cùng trước Đông chí 2003 – rơi vào ngày 23/11/2003. Sóc B (ngay trước Đông chí năm 2004) rơi vào ngày 12/12/2004. Giữa 2 ngày này là khoảng 385 ngày, như vậy năm âm lịch 2004 là năm nhuận. Tháng 11 âm của năm 2003 bắt đầu vào ngày chứa Sóc A, tức ngày 23/11/2003. Tháng âm lịch đầu tiên sau đó mà không chứa Trung khí là tháng từ 21/3/2004 đến 18/4/2004 (Xuân phân rơi vào 20/3/2004, còn Cốc vũ là 19/4/2004). Như thế tháng ấy là tháng nhuận. Từ 23/11/2003 đến 21/3/2004 là khoảng 120 ngày, tức 4 tháng âm lịch: tháng 11, 12, 1 và 2. Như vậy năm 2004 có tháng 2 nhuận.

Sưu tầm từ Internet
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top