• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa

Hanamizuki

New member
Xu
0
Với những mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, có thể nói vào đầu thế kỷ XX, nước Nga đã trở thành nơi hội tụ các mâu thuẫn của thế giới. Đó là các mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản, giữa địa chủ và nông dân, giữa chế độ Nga hoàng và các dân tộc bị áp bức, giữa đế quốc Nga và các đế quốc khác. Các mâu thuẫn này đan xen, chồng chéo với nhau. Những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) đã làm các mâu thuẫn này ngày càng trở nên hết sức gay gắt như miếng đất thuận lợi cho sự bùng nổ của một cuộc cách mạng xã hội.

Tháng 2-1917, cuộc
Cách mạng dân chủ tư sản thắng lợi. Chế độ Nga hoàng chuyên chế bị lật đổ, nước Nga trở thành một nước cộng hòa tư sản. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của nước Nga và nhân dân Nga.

Với Luận cương tháng Tư thiên tài, vượt qua tình trạng đầy phức tạp của hai chính quyền cùng tồn tại - Chính phủ tư sản lâm thời và các Xô viết công nhân và binh lính - kéo dài trong nhiều tháng, Đảng Bôn sê vích và V. I. Lênin đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa vào ngày 25-10-1917 (theo lịch Nga tức là 7-11-1917) ách thống trị của giai cấp tư sản và địa chủ quý tộc đã bị lật đổ. Một chính quyền Nhà nước - Chính quyền Xô viết của những người lao động được thiết lập.

Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 không những đã mở ra một kỷ nguyên mới đối với nước Nga mà còn có ảnh hưởng to lớn, tác động mạnh mẽ tới cục diện thế giới và tiến trình lịch sử của thế kỷ XX.

Ngay trong đêm thắng lợi đầu tiên của cuộc cách mạng, đêm 25-10-1917, hai văn kiện quan trọng là Sắc luật hòa bìnhSắc luật ruộng đất được công bố. Chính phủ Xô viết do Lênin đứng đầu đã ra đời. Tới đầu tháng 3-1918, Chính quyền Xô viết được thiết lập trên phạm vi cả nước.

Một chế độ xã hội mới đã xuất hiện -
Chế độ Cộng hòa Xô viết. Ngay từ những tháng đầu tiên, Chính quyền Xô viết đã ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng nhằm xóa bỏ chế độ cũ và xây dựng những thể chế của chế độ xã hội mới. Đó là sắc luật xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, phân biệt dân tộc và mọi tước vị phong kiến, tất cả mọi người đều chung một danh hiệu là công dân của nước Cộng hòa Xô viết Nga; tuyên bố sự bình đẳng giữa nam nữ, quyền tự do tín ngưỡng, nhà thờ tách khỏi nhà nước và trường học. Nhà nước công bố các văn kiện “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga”, “Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột”... mà sau này trở thành cơ sở cho bản Hiến pháp đầu tiên (1818) của nước Nga Xô viết.

Sau khi đẩy lùi quân đội can thiệp của 14 nước đế quốc và đập tan các thế lực phản động trong nước, ngày 30-12-1922 Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) được thành lập. Đó là một Nhà nước liên bang thống nhất của các dân tộc được xây dựng trên cơ sở tư tưởng và chính sách dân tộc của V.I.Lênin - tự nguyện tham gia, bình đẳng chủ quyền, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác giúp đỡ, cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tô quốc Xô viết.

Khi mới thành lập, Liên bang Xô viết gồm 4 nước Cộng hòa liên bang (Nga, Ucraina, Bêlarut và Dacápcadơ), 13 nước cộng hòa tự trị và 6 tỉnh tự trị. Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, tới những năm 70, Liên bang Xô viết có 15 nước Cộng hòa liên bang và 20 nước Cộng hòa tự trị, 8 tỉnh tự trị và 10 khu dân tộc.

Với mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ to lớn và nặng nề đặt ra trước nhân dân Xô viết là phải tiến hành xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trên cơ sở công nghiệp hóa đất nước. Nhiệm vụ này rất khó khăn vì lúc bấy giờ Liên Xô vẫn là một nước nông nghiệp, lạc hậu về trình độ phát triển sản xuất so với các nước tư bản Âu Mỹ, lại nằm trong vòng vây thù địch của chủ nghĩa đế quốc quốc tế, Liên Xô chỉ có thể dựa vào sức mình trong công cuộc xây dựng đất nước.

Bằng “Chính sách kinh tế mới” của V. I. Lênin thực hiện trong thời gian 1921 - 1925, Liên Xô đã khôi phục nền kinh tế quốc dân bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Về cơ bản sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đạt mức trước chiến tranh.

Từ năm 1926, Liên Xô bắt tay vào công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa với nhiệm vụ là biến Liên Xô từ nước nông nghiệp trở thành nước công nghiệp, có thể tự sản xuất được những thiết bị cần thiết đủ sức cải tạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân, kể cả nông nghiệp. Phương châm là công nghiệp hóa với tốc độ nhanh chóng để trong một thời gian ngắn nhất, Liên Xô thực hiện được những mục tiêu đề ra.

Với những cố gắng phi thường, sau hai kế hoạch 5 năm (1928 - 1932, 1933 - 1937), Liên Xô từ một nước nông nghiệp đã trở thành một cường quốc công nghiệp xã hội chủ nghĩa. Năm 1937, sản xuất công nghiệp chiếm 77,4% tổng sản phẩm của nền kinh tế quốc dân, đứng đầu châu Âu và thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) về tổng sản lượng công nghiệp. Đồng thời, trong nông nghiệp tiến hành tập thể hóa đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi to lớn và sâu sắc.

Về mặt xã hội, các giai cấp bóc lột tư sản, địa chủ đã bị xóa bỏ, tới đây chỉ còn hai giai cấp lao động là công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa.

Mặc dầu có sai lầm và thiếu sót, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên xô đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có thể xem như một bước nhảy vọt về kinh tế mà dư luận phương Tây cũng đã thừa nhận.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong những thập niên 50 và 60, nền kinh tế Xô viết phục hồi, hàn gắn vết thương chiến tranh và tiếp tục tăng trưởng, thu nhiều thành tích quan trọng.

Cùng với công cuộc phát triển nền kinh tế - xã hội, V.I.Lênin và Nhà nước Xô viết hết sức coi trọng công cuộc xây dựng một nền văn hóa mới mà V. I.
Lênin là người đầu tiên gọi đó là Cuộc cách mạng văn hóa” như một nhiệm vụ tất yếu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhưng sự tàn phá do chiến tranh đối với văn hóa cũng nặng nề không kém so với lĩnh vực kinh tế. Những cơ sở vật chất của nền văn hóa vốn đã yếu kém của nước Nga trước cách mạng bị chiến tranh phá hủy.

Từng bước khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn, đất nước Xô viết không ngừng nỗ lực xây dựng nền văn hóa mới trên cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và kế thừa những tinh hoa của di sản văn hóa nhân loại. Công cuộc xây dựng ấy được thể hiện trong sự nghiệp phát triển khoa học - kỹ thuật, thanh toán nạn mù chữ, phát triển hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục phổ thông trung học dạy nghề, giáo dục cao đẳng và đại học; coi trọng sự nghiệp thư viện và công tác xuất bản, ấn loát; tiến hành giáo dục tư tưởng - chính trị và đấu tranh chống các tàn dư tư tưởng của chế độ cũ; phát triển văn học - nghệ thuật...

Một trong những việc làm cấp bách đầu tiên của Chính quyền Xô viết là tiến hành thanh toán tình trạng mù chữ và thất học trong nhân dân. Là đất nước rộng lớn với hơn 100 dân tộc, tới cuối những năm 30, Liên Xô đã căn bản thanh toán xong nạn mù chữ. Đây là một kỳ công thực sự của đất nước Xô viết.

Sau khi thanh toán nạn mù chữ, Nhà nước Xô viết đã tiến hành dần từng bước chương trình giáo dục phổ cập 7 năm, rồi 8 năm và tới cuối những năm 1970 về cơ bản đã hoàn thành việc chuyển sang thực hiện chế độ giáo dục phổ cập 10 năm.

Giáo dục đại học đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Trong năm 1914 - 1915 ở nước Nga chỉ có 105 trường cao đẳng và đại học với 127 nghìn sinh viên thuộc các tầng lớp trên. Tới cuối những năm 70 có 860 trường cao đẳng và đại học với khoảng 5 triệu sinh viên, trong đó 50% là nữ.

Một đội ngũ trí thức đông đảo, có trình độ chuyên môn cao đã được đào tạo, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xô viết. Viện hàn lâm khoa học của nước Nga đã được thành lập từ năm 1724. Trong những năm đầu tiên của Chính quyền Xô viết, các nhà khoa học Liên Xô đã tham gia tích cực vào việc vạch ra kế hoạch điện khí hóa nước Nga (GOELRO), điều tra tài nguyên lập kế hoạch cải tổ công nghiệp và hoạch định phương hướng phát triển kinh tế của đất nước. Trong các kế hoạch 5 năm đầu tiên cũng như trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941 - 1945), các nhà khoa học Xô viết đã giữ một vai trò quan trọng không thể thiếu được trong sự nghiệp xây dựng kinh tế - văn hóa cũng như bảo vệ Tô quôc xã hội chủ nghĩa.

Sau chiến tranh, nền khoa học Xô viết đã triển khai trên quy mô lớn các công trình nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng, coi trọng việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Với những cơ sở nghiên cứu khoa học rộng lớn và một đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, nền khoa học - kỹ thuật Xô viết đã đạt được những thành tựu rực rỡ và chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao của khoa học thế giới.

Ngay sau chiến tranh, trong một thời gian ngắn, Liên Xô đã giải quyết thành công vấn đề nguyên tử, nhanh chóng phá thế độc quyền của Mỹ. Năm 1946, Liên Xô đã có lò phản ứng nguyên tử và năm 1949 chế tạo thành công bom nguyên tử. Nhằm mục tiêu vì hòa bình và phát triển, năm 1954 Liên Xô đã khánh thành nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới, mở đầu một phương hướng phát triển quan trọng của ngành năng lượng trên thế giới. Năm 1959, Liên Xô hạ thủy tầu phá băng “Lênin” chạy bằng năng lượng nguyên tử đầu tiên trên thế giới.

Thành tựu nổi bật của nền khoa học Xô viết là những công trình nghiên cứu khoảng không vũ trụ và công cuộc chinh phục vũ trụ. Các vệ tinh và tàu vũ trụ Liên Xô mang tên “Phương Đông”, “Rạng Đông”, “Liên hợp”... và các trạm quỹ đạo được phóng lên nhằm nghiên cứu khoảng không vũ trụ, góp phần vào việc phát triển nền kinh tế đất nước và là những cống hiến to lớn vào nền khoa học thế giới, vì lợi ích của toàn thể nhân loại.

Cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, Đảng và Nhà nước Xô viết coi trọng các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Có thể nói các ngành văn học, thi ca, sân khấu, điện ảnh, tạo hình... đều đạt được những thành tựu to lớn. Tên tuổi các nhà văn và nghệ sĩ như M.Goócki, M.Sôlôkhôp, A.Tônxtôi, S.Prôcôphiép, D.Sôxtacôvích, X.Bônđachúc... đã vượt ra ngoài lãnh thổ Liên Xô. Nền văn hóa - nghệ thuật Xô viết đã có những cống hiến to lớn vào kho tàng văn hóa nhân loại.

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 
Một chế độ xã hội mới đã xuất hiện - Chế độ Cộng hòa Xô viết.
Thể chế chính trị (TCCT) là hệ thống các định chế, các giá trị, chuẩn mực hợp thành những nguyên tắc tổ chức và phương thức vận hành của một chế độ chính trị, là hình thức thể hiện các thành tố của hệ thống chính trị thuộc thượng tầng kiến trúc, là cơ sở chính trị- xã hội quy định tính chất, nội dung của chế độ xã hội nhằm bảo vệ lợi ích và quyền lực của giai cấp cầm quyền. Các TCCT chủ yếu là thể chế đảng chính trị, thể chế nhà nước, thể chế các tổ chức chính trị- xã hội. Hiện nay, TCCT Liên Xô không còn nữa, nhưng các nước XHCN, trong đó có Việt Nam, vẫn đang tiếp tục xây dựng, đổi mới, hoàn thiện mô hình này, cho nên việc nghiên cứu, đánh giá những giá trị, hạn chế của TCCT Liên Xô là rất cần thiết.

1. Đặc điểm thể chế chính trị Liên Xô

Liên Xô (cũ) từng là quốc gia rộng nhất hành tinh, diện tích 22,4 triệu km2 chiếm 1/6 thế giới, trong đó 25% thuộc Châu Âu và 75% thuộc Châu Á. Dân số Liên Xô năm 1987 có 282 triệu người, đứng thứ ba thế giới với hơn 120 dân tộc. Liên Xô có 15 nước cộng hoà liên bang, 20 nước cộng hoà tự trị, 8 tỉnh tự trị, 10 khu dân tộc, 129 vùng và tỉnh.

1.1. Đặc điểm thể chế Đảng Cộng sản Liên Xô

Điều 6, Hiến pháp Liên Xô năm 1977 ghi rõ: ĐCS Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và chỉ đường dẫn lối của xã hội Xô viết, là hạt nhân của hệ thống chính trị, của xã hội, của tất cả các tổ chức nhà nước và đoàn thể xã hội. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua cương lĩnh, đường lối của Đảng; thông qua công tác cán bộ (giới thiệu, cử người của Đảng vào giữ những chức vụ trọng trách trong bộ máy nhà nước). Đảng kiểm tra mọi hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp của bộ máy đó. Là lực lượng lãnh đạo nhà nước, nhưng Đảng phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.

Cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng là Đại hội Đảng. Đại hội Đảng bầu ra Ban chấp hành, Ban chấp hành bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Chính trị bầu Tổng Bí thư. Các Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng 15 nước cộng hòa đều là Ủy viên Bộ Chính trị. Hệ thống tổ chức đảng được tổ chức ở tất cả các cấp hành chính (nước cộng hòa, tỉnh, huyện, xã và tương đương), trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, lực lượng vũ trang… để đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối Nhà nước và xã hội. Tất cả các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị- xã hội đều do Đảng giới thiệu người tham gia bầu cử và nắm giữ. Bộ máy đảng vì vậy ngày càng phình to.

1.2. Đặc điểm thể chế nhà nước

Cơ quan lập pháp cao nhất ở Liên Xô là Xô viết tối cao do nhân dân trực tiếp bầu ra, nhiệm kỳ 5 năm. Dưới Xô viết tối cao là Xô viết nước cộng hoà và các cấp địa phương. Theo quy định, trong các Xô viết phải có đại diện của tất cả các dân tộc và các tầng lớp nhân dân[1]. Tất cả các cơ quan nhà nước khác phải chịu sự kiểm soát và báo cáo trước các Xô viết. Quyền hạn của Xô viết tối cao rất rộng lớn (về hình thức): Thông qua và sửa đổi Hiến pháp; quyết định các cuộc bầu cử vào Xô viết tối cao; triệu tập các kỳ họp Xô viết tối cao; bầu các cơ quan nhà nước; phê chuẩn và huỷ bỏ các hiệp ước quốc tế; tuyên bố tình trạng chiến tranh; thông qua ngân sách, phê chuẩn vấn đề biên giới; quyết định kết nạp các nước cộng hoà mới...

Xô viết tối cao Liên Xô gồm hai viện (hội đồng): Viện Liên bang và Viện Dân tộc. Viện Liên bang đại diện cho lợi ích chung của toàn dân Liên Xô. Viện Dân tộc đại diện quyền lợi của các dân tộc. Viện Liên bang được bầu theo các khu vực bầu cử có số dân bằng nhau. Mỗi viện bầu Chủ tịch và 4 Phó chủ tịch. Chủ tịch điều hành các phiên họp của viện mình và luân phiên điều khiển phiên họp chung của Xô viết tối cao. Xôviết tối cao thành lập những uỷ ban chung và mỗi viện đều có các uỷ ban riêng.

Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô là cơ quan thường trực của Xô viết tối cao, được bầu trong số các đại biểu, thành phần gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch thứ nhất, 15 Phó chủ tịch (là Chủ tịch Xô viết tối cao của 15 nước cộng hoà liên bang), 1 thư ký, 21 uỷ viên. Xô viết tối cao các nước cộng hoà liên bang và cộng hoà tự trị có cơ cấu tổ chức và hoạt động tương tự như Xô viết tối cao Liên bang, chỉ khác là có một viện.

Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô là cơ quan hành pháp và hành chính cao nhất của Nhà nước, do Xô viết tối cao bầu ra, thành phần gồm có: Chủ tịch, các Phó chủ tịch thứ nhất, các Phó chủ tịch, các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước. Cơ quan thường vụ của Hội đồng Bộ trưởng là Đoàn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch thứ nhất và các Phó chủ tịch chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề quan trọng của Liên bang. Hội đồng Bộ trưởng các nước cộng hoà liên bang có cơ cấu tổ chức tương tự như cấp liên bang. Nhiệm kỳ của Hội đồng Bộ trưởng theo nhiệm kỳ Xôviết tối cao.

Cơ quan tư pháp ở Liên Xô gồm Toà án tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tòa án trọng tài và hệ thống dọc đến cấp quận huyện.

1.3. Đặc điểm thể chế các tổ chức chính trị- xã hội

Ở Liên Xô có nhiều tổ chức chính trị- xã hội hoạt động dưới sự lãnh đạo của ĐCS Liên Xô, có mục đích tập hợp, đoàn kết các tầng lớp, giai cấp nhằm xây dựng và bảo vệ đất nước. Đông đảo nhất là tổ chức Công đoàn, quy tụ đoàn viên là đông đảo giai cấp công nhân, cán bộ, viên chức, công chức nhà nước. Đoàn Thanh niên cộng sản Lênin có hàng chục triệu đoàn viên, tổ chức Đoàn hoạt động rộng khắp ở tất cả các cấp hành chính, cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước và có những đóng góp thiết thực trong công cuộc xây dựng CNXH. Hội Phụ nữ, Hội Nông trang viên tập thể, Hội Cựu chiến binh… cũng là những tổ chức đoàn thể thu hút sự tham gia của hàng triệu hội viên và đã tích cực tham gia công việc nhà nước và xã hội. Về cơ cấu tổ chức, các tổ chức này đều có hệ thống bộ máy từ trung ương đến địa phương, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2. Những giá trị, hạn chế thể chế chính trị Liên Xô

2.1. Những giá trị

- Thứ nhất, TCCT Liên Xô là công cụ thể hiện lợi ích của nhân dân lao động

TCCT Liên Xô là kiểu nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới, là công cụ thể hiện lợi ích và nguyện vọng của nhân dân Liên Xô. Đó là thể chế được tổ chức theo hình thức cộng hoà dân chủ nhân dân, trong đó có sự tham gia của quảng đại quần chúng nhân dân vào các công việc của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của ĐCS. Về tổng thể, TCCT Liên Xô có cơ cấu, tổ chức hợp lý bảo đảm thực hiện được các chức năng cơ bản trong tổ chức xây dựng và bảo vệ đất nước. Khác với các nước tư bản, TCCT được xây dựng theo nguyên tắc tam quyền phân lập, TCCT Xô viết thiết lập theo nguyên tắc tập quyền, quyền lực nhà nước tập trung, thống nhất, không phân chia, thuộc về nhân dân lao động. Việc phân chia ra các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp là để thống nhất thực hiện các chức năng của bộ máy nhà nước, không đối trọng, kiềm chế nhau.

- Thứ hai, TCCT Liên Xô quy định sự lãnh đạo duy nhất của ĐCS, bảo đảm định hướng XHCN

ĐCS Liên Xô được Hiến pháp quy định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đảng có cơ cấu tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, thực hiện chức năng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đối với hệ thống chính trị, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Bộ máy nhà nước gồm cơ quan lập pháp do nhân dân trực tiếp bầu ra, đại diện cho lợi ích của nhân dân - các Xô viết đại biểu nhân dân; cơ quan hành pháp - Hội đồng bộ trưởng; cơ quan tư pháp - toà án và trọng tài, viện kiểm sát. Các tổ chức chính trị- xã hội đại diện cho quyền lợi của các tầng lớp nhân dân được tổ chức thành hệ thống mạng lưới từ trung ương đến cơ sở, có điều kiện tham gia vào công việc nhà nước và xã hội. Tất cả các cơ quan đó đều hoạt động dưới sự lãnh đạo của ĐCS Liên Xô. Đây là đặc điểm nổi bật của TCCT Xô viết.

- Thứ ba, TCCT Liên Xô là cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân

TCCT Xô viết đã tạo ra những giá trị xã hội ưu việt làm cho cả nhân loại ngưỡng mộ, phấn đấu noi theo. Đó là việc hình thành các cơ chế để đảm bảo toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quần chúng công nông thực sự được làm chủ mọi mặt đời sống xã hội. Về cơ bản, TCCT Liên Xô vẫn là một thể chế kiểu mới đại biểu lợi ích của nhân dân lao động, trong nhiều thời kỳ đã phát huy cao độ sức sáng tạo của quần chúng trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội XHCN, đáp ứng lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, điều chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Liên Xô- nhà nước liên bang rộng lớn của những người lao động đã tồn tại, phát triển và dám thách thức, chống lại cả một hệ thống TBCN với những âm mưu nham hiểm, thâm độc nhằm nhanh chóng bóp chết hệ thống XHCN.

Hình thức tổ chức, cơ cấu lãnh thổ của nhà nước Liên Xô theo mô hình liên bang là hợp lý, phù hợp với điều kiện địa lý, lịch sử văn hóa của các nước cộng hòa và tình hình thế giới thời kỳ đó. Hình thức này đã nhân sức mạnh lên gấp nhiều lần so với sức mạnh riêng rẽ của mỗi nước cộng hòa, đồng thời nó cũng giữ được quyền độc lập tương đối của các nước cộng hòa.

Dưới thể chế Xô viết, nhân dân lao động được giải phóng khỏi chế độ người bóc lột người, phát huy tinh thần sáng tạo xây dựng xã hội mới với những thành tựu to lớn mang tầm vóc lịch sử trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Từ những nước nông nghiệp lạc hậu, Liên Xô và các nước XHCN khác có nền công nghiệp hiện đại, khoa học- kỹ thuật tiên tiến, có nền giáo dục toàn dân ưu việt nhất thế giới.

- Thứ tư, TCCT Liên Xô là mô hình hướng tới của nhiều dân tộc trên thế giới

Mặc dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng TCCT Xô viết đã trở thành hình mẫu, mục tiêu hướng tới của các lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước Á- Phi- Mỹ Latinh, nó góp phần hình thành một trào lưu cách mạng to lớn, làm biến đổi cục diện chính trị thế giới thế kỷ XX. Đồng thời hệ thống XHCN đã đóng vai trò nòng cốt và tiên phong trong phong trào đấu tranh cho hòa bình, ngăn chặn chiến tranh thế giới; nhờ đó hòa bình thế giới được duy trì suốt nửa thế kỷ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

TCCT Liên Xô được vận dụng xây dựng ở các nước XHCN khác nhau. Mỗi nước căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, có những nét khác biệt nhất định.

2.2. Những hạn chế

- Thứ nhất, TCCT Liên Xô sau một thời gian phát huy vai trò tích cực, sau đó đã bộc lộ nhiều hạn chế, bị xơ cứng, thiếu năng động

Bên cạnh những thành tựu to lớn, mô hình TCCT Liên Xô cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Ngay từ sau khi Lênin qua đời (năm 1924), nền chính trị tập trung, quan liêu chi phối toàn bộ đời sống xã hội. Chính sách kinh tế mới với nền kinh tế nhiều thành phần đã bị thu hẹp và sau đó là thiết lập một mô hình CNXH nhà nước tập trung, hành chính và bao cấp. ĐCS chủ trương xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, chỉ tồn tại thành phần kinh tế XHCN với hai hình thức sở hữu nhà nước và tập thể. Mô hình này có tác dụng thời kỳ đầu, nhưng do kéo dài dẫn đến tình trạng xã hội thụ động, trì trệ, làm mất đi một cơ chế năng động và dân chủ. Tình trạng thiếu dân chủ, thiên về cưỡng chế, mệnh lệnh, sự vi phạm pháp chế XHCN diễn ra phổ biến, nhất là việc truy nã đàn áp những người bất đồng ý kiến những năm 1930… Mô hình thể chế này làm cho xã hội ngày càng xơ cứng, thiếu năng động và ngày càng xa rời bản chất và ý nghĩa đích thực của CNXH. Các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước, từng thành tố và cả bộ máy dần dần có sự biến dạng, biến chất; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, trở thành một tổ chức tập trung quan liêu. Một bộ phận đảng viên, công chức kể cả những người giữ các cương vị chủ chốt mắc vào bệnh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi... Nhà nước Xô viết tự cho mình đứng trên xã hội, không bị xã hội kiểm soát, nhưng lại không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, bất lực trước các hiện tượng trì trệ của đời sống kinh tế - xã hội.

- Thứ hai, hạn chế về nhận thức, tư tưởng lý luận

Ngay từ những năm đầu chính quyền Xô viết, việc thực hiện chính sách cộng sản thời chiến phần nào biểu hiện tính vội vàng, chủ nghĩa tối đa, sự nóng vội, nhận thức cứng nhắc muốn ngay lập tức chuyển sang xã hội cộng sản hoàn toàn không có buôn bán. Đó còn là sự thiếu tính độc lập, sáng tạo, thiếu những quyết định mới táo bạo phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Lênin đã sớm nhận thức rõ điều này và nhanh chóng chuyển sang Chính sách kinh tế mới (NEP).

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tư duy chính trị và chính sách của ĐCS tiếp tục mắc sai lầm. Trước hết là quan niệm về “CNXH toàn dân” của Khơrusôp, “CNXH phát triển” của L.Bregiơnép, chương trình cải tổ của M.Goocbachốp. Trong lĩnh vực kinh tế, đó là sự tuyệt đối hóa sở hữu nhà nước, phủ nhận quan hệ hàng hóa tiền tệ, phủ nhận kinh tế thị trường. Chức Tổng thống vội vàng của M.Goocbachốp cũng mang tính cơ hội rõ rệt. Sau này chính B.Enxin cũng thừa nhận tư tưởng nóng vội khi áp dụng mô hình TCCT phương Tây, muốn nhanh chóng thay đổi nước Nga, nhưng bị phá sản.

Cũng do coi nhẹ công tác tư tưởng lý luận, (Lênin đã cảnh báo: Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng) không vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin một cách đúng đắn, sáng tạo, đường lối lãnh đạo của ĐCS Liên Xô chịu tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa xét lại. Tình trạng hỗn độn về lý luận trong thời kỳ dài tất yếu dẫn tới hệ quả hỗn độn trong hành động thực tiễn. Ngay từ thời Xtalin đã xuất hiện tệ sùng bái cá nhân, giáo điều về lý luận. Thời kỳ Khơrútxốp, chủ nghĩa xét lại biểu hiện ở tư tưởng đề cao nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, coi nhẹ nguyên tắc chủ nghĩa quốc tế vô sản dẫn đến những nhượng bộ vô nguyên tắc đối với chủ nghĩa đế quốc. Thời đại Bregiơnép đã dựa hoàn toàn vào chủ nghĩa xét lại trong kinh tế và trong chính trị. Bộ máy quan liêu phình to hết cỡ, tác động của những quy luật giá trị được phát huy nhiều lần, ĐCS ngày càng xa rời nhân dân, độc quyền, tham nhũng ngày càng gia tăng. Việc khởi xướng công cuộc cải tổ năm 1985 là sự phát triển đến tột cùng của những mâu thuẫn của đường lối xét lại, là bằng chứng về sự yếu kém của mô hình khoác áo CNXH, còn nội dung thực chất là CNTB. Cải tổ là thể hiện đường lối chống Lênin của những thành phần tiểu tư sản hóa ngày càng gia tăng bên trong ĐCS Liên Xô[2].

- Thứ ba, hạn chế trong áp dụng phương pháp lãnh đạo quản lý mệnh lệnh hành chính trong lãnh đạo, quản lý đất nước.

Phương pháp mệnh lệnh hành chính chủ yếu dựa vào sức mạnh nhà nước, cấp dưới phục tùng mệnh lệnh từ cấp trên. Vào cuối đời, Lênin đã nhận thấy mặt trái của nó và kiên trì đấu tranh chống phương pháp này. Tuy nhiên đến thập kỷ 30 - 40 thế kỷ XX, phương pháp mệnh lệnh hành chính lại được khôi phục. Lý luận về dân chủ XHCN chưa được vận dụng sáng tạo trong thực tiễn; tư tưởng Lênin về CNTB nhà nước, về quan hệ kinh tế quốc tế chưa được thực hiện đúng đắn, nhất là giải quyết mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp (dẫn đến nông nghiệp phát triển mạnh, nhưng công nghiệp lại chậm phát triển).

Sau khi Xtalin qua đời năm 1953, tình trạng tập trung, quan liêu, bao cấp tiếp tục duy trì và phát triển, chuyên chính vô sản biến thành chuyên chế đảng, “nhà nước hóa’ mọi sinh hoạt đời sống xã hội, dân chủ trở nên hình thức. Cuộc Nội chiến và Chiến tranh thế giới thứ hai, sự đối đầu căng thẳng với chủ nghĩa đế quốc thời kỳ Chiến tranh lạnh đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của phương pháp quản lý mệnh lệnh hành chính ở Liên Xô. Kết quả là hệ thống hành chính mệnh lệnh đã tạo ra kiểu phân phối theo quan hệ thứ bậc và trở thành môi trường thuận lợi cho nạn tham nhũng hoành hành. Sự tha hóa các mối quan hệ xã hội đã làm méo mó bản chất nhà nước XHCN, tạo các yếu tố làm cho công dân “vô cảm về chính trị” và xa lánh dần chính quyền, biệt lập khỏi một lớp người khép kín quản lý bằng cách ký trên các giấy tờ. Đồng thời nó làm suy giảm tính tích cực công dân. Người dân bị biến thành một bộ phận thụ động của bộ máy. Họ không có quyền gì trên thực tế ngoài quyền chấp hành vô điều kiện mệnh lệnh từ trên ban xuống. Chủ nghĩa quan liêu đã làm triệt tiêu tính chủ động sáng tạo vốn có của đại đa số quần chúng nhân dân; cản trở hoạt động của các thể chế dân chủ; trong nhiều trường hợp đã vi phạm thô bạo quyền con người, quyền công dân và do đó lại biện hộ cho tính độc đoán chuyên quyền.

- Thứ tư, hạn chế trong thực hiện mô hình CNXH nhà nước

Hạn chế lớn nhất của CNXH nhà nước về phương diện chính trị là biến sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng thành sự chuyên chế Đảng, là cơ cấu quản lý hình chóp trong đó Đảng là nấc thang quyền lực cao nhất, là sự phình to của bộ máy hành chính. Hệ quả là hình thành hệ thống quản lý quan liêu thực hiện mệnh lệnh từ cấp trên. Các cơ quan nhà nước bị giới hạn ở việc thi hành các chỉ thị từ trên dội xuống, còn các tổ chức chính trị- xã hội trở thành khâu trung gian của quá trình đó.

Về văn hóa chính trị, quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo với những mức độ khác nhau vẫn chỉ là những biểu hiện của sự phục tùng theo kiểu thần dân, của những thái độ vô danh chính trị hoặc không có bản sắc chính trị. CNXH nhà nước đã tách nhà nước khỏi xã hội dân sự, đã ngăn cản và làm biến dạng quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Xô viết. Đó là sự thiếu hụt văn hóa chính trị pháp quyền, sự tuyệt đối hóa sức mạnh và quyền lực cá nhân người đứng đầu. Kết quả là, CNXH nhà nước Liên Xô đã làm cho mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước bị biến dạng. Nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” chỉ là hình thức. Trên thực tế, quyền lực tối cao thuộc về cá nhân Tổng Bí thư. Hệ thống chính trị với hạt nhân là nhà nước pháp quyền trở thành hệ thống chuyên chế đảng ở mọi cấp. Bộ máy nhà nước phình to, số lượng các bộ liên bang tăng nhanh: năm 1924 có 11; năm 1936 có 18; năm 1940 có 40; năm 1974 có hơn 60; năm 1977 có 80; năm 1987 có hơn 100 bộ và tổng cục. Ngoài ra còn có hơn 800 bộ và tổng cục của các nước cộng hòa. Cuối thập kỷ 80, có gần 18 triệu người trong bộ máy quản lý đất nước.

- Thứ năm, hạn chế trong áp dụng nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị

Theo Hiến pháp, tất cả các cơ quan nhà nước Liên Xô, từ trung ương đến địa phương, đều hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự tham gia ngày càng đông đảo của quần chúng nhân dân lao động; tuân theo pháp chế XHCN; bình đẳng giữa các dân tộc; mang tính công khai và tính kế hoạch. Nhưng trên thực tế, nguyên tắc này dần dần bị vi phạm, làm cho tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước và mối quan hệ giữa các cơ quan biến dạng, biến chất, xa dần bản chất XHCN tốt đẹp đó. Nó triệt tiêu sức sáng tạo vĩ đại của nhân dân, trong xã hội xuất hiện tệ nạn, tiêu cực không được khắc phục, sức sống của chế độ xã hội bị giảm sút.

Nền kinh tế dựa trên nền tảng chế độ công hữu tất yếu phải mang tính kế hoạch hóa. TCCT càng thích ứng với cơ chế kinh tế tập trung, càng trở nên xơ cứng. Việc lẫn lộn chức năng quản lý nhà nước với quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh khiến bộ máy nhà nước ngày càng cồng kềnh. Trong quan hệ trung ương với địa phương cũng bộc lộ nhiều bất hợp lý, bất bình đẳng. Nhiều vấn đề nảy sinh giữa liên bang với các nước cộng hòa không được giải quyết tốt đã tích tụ dần thành mâu thuẫn, xung đột.

- Thứ sáu, ĐCS bị “nhà nước hóa”, không giải quyết tốt mối quan hệ với Nhà nước, xa rời quần chúng nhân dân, trở thành tầng lớp đặc quyền, đặc lợi

ĐCS Liên Xô là thành tố quan trọng nhất của HTCT. Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội nên mọi hoạt động của Đảng đều ghi đậm vào đời sống đất nước. Đảng là trụ cột chính của ²tòa nhಠLiên Xô, chất ²keo dính² gắn chặt các nước cộng hòa và các dân tộc thành một khối thống nhất. Thế nhưng, trong một thời gian dài, Đảng mắc phải nhiều sai lầm, cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cơ chế điều hành hoạt động. Các tổ chức đảng thực hiện không đúng chức năng, công tác xây dựng đảng không được chú trọng đúng mức. Thực tế cho thấy cả chức năng, vị trí, phương thức lãnh đạo của Đảng có nhiều lệch lạc và mắc không ít sai lầm. Đó là việc Đảng bị nhà nước hóa, Đảng bao biện làm thay Nhà nước và bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó Đảng trở thành bộ máy điều hành quản lý, Nhà nước mất vai trò chủ động, nhân dân thành người đứng ngoài cuộc. Đảng bị quan liêu hóa do tập trung quyền lực cao độ, trở thành xa lạ, không gắn với nhân dân, xa nhân dân, tự xa rời nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Càng về sau, quyền lực chính trị của toàn Đảng hầu như được quy vào Ban chấp hành Trung ương, Ban chấp hành Trung ương lại quy vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư. Tổng Bí thư có lúc gần như toàn quyền quyết định mọi công việc, kể cả những việc trọng đại liên quan đến vận mệnh quốc gia. Việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tệ sùng bái cá nhân đã xuất hiện sớm và có lúc trầm trọng, làm biến dạng, biến chất bộ máy nhà nước. Công tác cán bộ cũng có những thiếu sót. Hiện tượng ê kíp thể hiện khá rõ. Thông thường, mỗi khi thay đổi người đứng đầu Đảng, Nhà nước là có sự xáo trộn lớn đội ngũ cán bộ. Nguyên tắc bất thành văn là nguyên thủ quốc gia và Ủy viên Bộ Chính trị được giữ chức vụ suốt đời, mặc dù có trải qua các cuộc bầu cử.

- Thứ bảy, hạn chế trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước liên bang

Về nguyên tắc, Xô viết tối cao Liên Xô là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tuy nhiên, cơ cấu đại biểu của các Xô viết tuy phản ánh tương đối đầy đủ thành phần các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, nhưng trong các cơ quan thường trực (Đoàn chủ tịch) lại thiếu cơ cấu đại biểu các dân tộc, không phản ánh đầy đủ lợi ích của các dân tộc thiểu số. Đại biểu Xô viết phần lớn là không chuyên nên ít có thời gian để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu cho dân, coi hoạt động của Xô viết chỉ là công tác xã hội. Từ quan niệm đó, vai trò của các Xô viết bị hạ thấp, hoạt động mang tính hình thức lệ thuộc vào tổ chức đảng và các cơ quan quản lý. Trên thực tế, có lúc các Xô viết chỉ được phép tán thành và ủng hộ nghị quyết của Đảng, các dự thảo của cơ quan hành pháp. Điều này ngược hẳn bản chất của nhà nước Xô viết, quyền lực của nhân dân không được thực hiện ngay từ cơ quan đại biểu cao nhất của nó.

Trong bộ máy nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và các nước cộng hòa tổ chức cồng kềnh, nhiều khâu trung gian, sử dụng phương pháp quản lý tập trung cao độ, dẫn đến vi phạm quyền làm chủ, làm hạn chế tính chủ động, sáng tạo của các địa phương[3]. Tuy tổ chức bộ máy đồ sộ, nhưng hiệu quả, hiệu lực thấp, do cách quản lý tập trung cao độ, Chính phủ không còn là cơ quan quản lý, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nữa mà ngược lại trở thành lực cản sự phát triển đó.

- Thứ tám, hạn chế trong xác định mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương

Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Liên Xô quá đề cao tính tập trung thống nhất, tính kế hoạch mà không chú ý đúng mức đến quyền tự quản, đến lợi ích của các nước cộng hòa. Mô hình nhà nước liên bang trên thực tế đã trở thành nhà nước đơn nhất; nền kinh tế được kế hoạch hóa đến từng chi tiết. Hầu hết những vấn đề kinh tế - xã hội ở các nước cộng hòa đều phải lên Mátxcơva để “xin” Trung ương giải quyết. Cơ chế “xin cho” làm cho các các địa phương ỷ lại vào trung ương và gây rất nhiều tệ nạn tiêu cực như tham nhũng, hối lộ. Bộ máy hành chính Trung ương can thiệp tùy tiện vào mọi lĩnh vực, toàn quyền quản lý và kiểm soát mọi hoạt động của các địa phương. Nó đóng cả hai vai trò: người chủ và người điều hành. Quyền lực của cơ quan hành chính quá lớn và tập trung cao độ, lấn át cả quyền lực của cơ quan dân cử (Hội đồng Xô viết các cấp).

- Thứ chín, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan tư pháp

Hệ thống Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân về nguyên tắc là cơ quan tư pháp hoạt động độc lập, nhưng trên thực tế nhiều lúc phải làm việc dưới sự chỉ huy của người đứng đầu bộ máy Đảng và Nhà nước, làm cho chuyên chính vô sản bị hiểu sai trong nhận thức của nhân dân, nền pháp chế XHCN bị biến dạng, có lúc nghiêm trọng. Nó biến ĐCS trở thành đảng trị. Nó thao túng các hành động độc quyền, lạm quyền của một số người lãnh đạo. Tất cả những sai lệch trên không được phát hiện và xử lý kịp thời để kéo dài, gây trì trệ và dẫn tới khủng hoảng.

Với những hạn chế, khuyết tật đó, bộ máy nhà nước Liên Xô đã không giải quyết tốt một số vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra, thậm chí có lúc bất lực trước các hiện tượng trì trệ, kìm hãm sự phát triển của xã hội.

***

Cần khẳng định rằng, những thành tựu mà nhân dân Liên Xô đã đạt được dưới TCCT Liên Xô là to lớn, vĩ đại. TTCT ấy đã phát huy tính tích cực trong một giai đoạn dài, góp phần xây dựng CNXH ở Liên Xô. Tuy nhiên, đây là một thể chế mới mẻ, chưa có tiền lệ, lại tồn tại trong điều kiện rất phức tạp và khó khăn nên khó có thể tránh khỏi những hạn chế, sai lầm. Nhưng khuyết tật đó hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có đường lối, giải pháp, bước đi phù hợp. Sự sụp đổ Liên Xô đã gây ra hậu quả rất nặng nề. Đây là tổn thất chưa từng có trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Từ những đổ vỡ ấy, nhiều bài học kinh nghiệm đau xót được rút ra cho các nước XHCN ngày nay đang tiến hành cải cách, đổi mới TCCT nhằm xây dựng chế độ XHCN đúng với bản chất nhân văn vì giải phóng và hạnh phúc con người, phù hợp với hoàn cảnh và truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc.


Nguồn PGS,TS Lưu Văn An
 
Tiến bộ của khoa học - kỹ thuật
nửa đầu thể kỷ XX

Trên đà tiến của
cuộc cách mạng công nghiệp, trong thế kỷ XIX các phát minh kỹ thuật nối tiếp nhau ra đời như tàu hỏa, tàu thủy, xe hơi, tàu ngầm v.v... Các ngành khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học, y học, toán học... phát triển mạnh mẽ. Vật lý học ở thế kỷ này đã phát triển với đầy đủ các bộ môn như quang học, âm học, điện học, nhiệt động học, lý thuyết phân tử và nguyên tử... Những thành tựu rực rỡ chỉ trong một thế kỷ dồn dập gấp nhiều lần các thế kỷ trước đã dẫn con người thế kỷ XIX đến tâm lý tự mãn và người ta cứ tưởng mọi chuyện trên đời đã được giải đáp hết. Nhưng tình trạng tự mãn ấy không kéo dài được lâu.

Bước sang thế kỷ XX loài người vẫn tiếp tục vươn lên mạnh mẽ. Trong khoảng thời gian “giao thừa” của hai thế kỷ, một cuộc cách mạng thật sự đã diễn ra trong lĩnh vực vật lý học với ba phát minh vĩ đại: điện tử (1896), tính phóng xạ (1898) và lý thuyết tương đối. Những phát minh trên đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong khoa học. Nếu như nguyên tử nhỏ nhất giống như một hòn bi đặc mà các nhà khoa học ở cuối thế kỷ XIX khẳng định thì tia X (do nhà bác học người Đức Rơnghen phát hiện) và tia phóng xạ (do nhà bác học người Pháp Hăngri Béccơven phát hiện) ở đâu mà ra?

Cuộc khủng hoảng đã được khắc phục bằng sự ra đời của lý thuyết nguyên tử hiện đại mà trung tâm chú ý của các nhà khoa học là nguyên tử và cấu tạo bên trong (hạt nhân) của nó. Những thí nghiệm bắn phá nguyên tử của nhà bác học người Anh D. Rơdơphơ tiến hành năm 1911 chứng tỏ nguyên tử không phải đặc mà rất rỗng. Dựa trên thí nghiệm đó, người học trò của ông là Ninxơ Bo đề xướng lý thuyết mẫu hành tinh về cấu tạo nguyên tử. Nguyên tử ở giữa có một hạt nhân, chung quanh có các điện tử chạy trên những quỹ đạo nhất định giống như các hành tinh chạy chung quanh mặt trời.

Tiếp đó, năm 1932 phát hiện hạt nhân nguyên tử bao gồm hai loại hạt: Prôtôn và Nơtrôn. Năm 1934, Phêđêríc và Iren Quyri, con rể và con gái của Pie và Mari Quyri phát hiện ra hiện tượng phóng xạ nhân tạo, chế tạo ra chất đồng vị phóng xạ. Năm 1938 - 1939 các nhà bác học Ốt Tô Han, Lida Métne (Đức), Enricô Phécmi (Italia) và Giôliô Quyri (Pháp) phát minh hiện tượng phản ứng dây chuyền phá vỡ hạt nhân urani. Năm 1942, Enricô Phecmi đã xây dựng lò phản ứng nguyên tử đầu tiên trên thế giới dưới khán đài sân vận động trường đại học Sicagô, lần đầu tiên giải phóng năng lượng trong lòng hạt nhân nguyên tử.

Cùng với lý thuyết nguyên tử hiện đại là sự ra đờ
i lý thuyết tương đối hiện đại của nhà bác học Đức Anbe Anhxtanh. Lúc đầu, lý thuyết của Anhxtanh bị phản đối khá nhiều, nhưng dần dần qua nhiều sự kiện thực nghiệm đã chứng minh lý thuyết tương đối của Anhxtanh không những là hoàn toàn đúng đắn mà còn là một công cụ không thể thiếu được trong nhiều lĩnh vực khoa học và kỹ thuật (như kỹ thuật máy gia tốc, vật lý hạt nhân năng lượng cao, vật lý thiên văn và thiên văn học hiện đại). Có thể nói rằng hầu hết các phát minh lớn về vật lý học của thế kỷ XX đều có liên quan đến tên tuổi của Anhxtanh, từ năng lượng nguyên tử cho đến lade, bán dẫn.

Trong các lĩnh vực khác như hóa học, sinh học, các khoa học về trái đất, hải dương học, khí tượng học... đều đạt được những thành tựu lớn.

Trong sản xuất, việc áp dụng các phương pháp tiêu chuẩn hóa và hợp lý hóa tổ chức lao động đã mở ra những khả năng áp dụng rộng rãi việc sản xuất theo dây chuyền và hàng loạt nhằm nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm thời gian và vật liệu...

Nhiều phát minh khoa học cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã được đưa vào sử dụng trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới như điện tín, điện thoại, rađa, hàng không dân dụng, điện ảnh với phim có tiếng nói và phim màu được phát triển rộng rãi...

Bước ngoặt có tính cách mạng trong khoa học tự nhiên đã có ảnh hưởng to lớn đối với triết học và các ngành khoa học xã hội, nhất là trong nhận thức luận và các vấn đề phương pháp luận của các ngành khoa học này.

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top