• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Hướng dẫn Các nhà triết học tiêu biểu của triết học cổ điển Đưc

Ngọc Suka

Cộng tác viên

Triết học cổ điển Đức là giai đoạn phát triển mới về chất trong lịch sử tư tưởng Tây Âu và thế giới cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX. Đây là đỉnh cao của triết học cổ điển phương Tây, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến triết học hiện đại và nhất là đối với triết học Mác.

1. Emmanuen Cantơ (Emmanuel Kant 1724-1804)

Cantơ là một trong những nhà triết học lớn của triết học cổ điển Đức. Nét nổi bật trong triết học của Cantơ là đã trình bày những quan niệm biện chứng của mình về giới tự nhiên. Ăngghen đã đánh giá cao những giả thuyết của Cantơ là sự công phá vào những quan điểm siêu hình, kể cả trong triết học và khoa học.

Triết học của Cantơ không triệt để, ông thừa nhận sự tồn tại của thế giới các vật thể ở bên ngoài con người, giác quan của con người có thể cảm nhận được. Ở điểm này Cantơ là nhà duy vật. Nhưng thế giới đó lại không liên quan gì đến cái gọi là "Thế giới vật tự nó", sự hiểu biết của con người bằng cảm giác về thế giới các sự vật không cung cấp cho ta hiểu biết gì về "Thế giới vật tự nó". Nói cách khác, theo Cantơ nhận thức của con người chỉ nhận thức được hiện tượng bề ngoài mà không xâm nhập được vào bản chất đích thực của sự vật, không phán xét được gì về sự vật như chúng tự thân tồn tại. Như vậy, trong lĩnh vực nhận thức luận, Cantơ là người theo thuyết "bất khả tri luận".

Nhận thức luận duy tâm của Cantơ là sự phản ứng đối với chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII, là sự khôi phục thượng đế và tôn giáo. Ông cho rằng, trong nhận thức cần hạn chế quyền lực của lý tính để dành chỗ cho tín ngưỡng tôn giáo. Cantơ coi Chúa - tự do - linh hồn bất diệt là cái không thể biết, tức là "vật tự nó". Tính chất duy tâm trong triết học của Cantơ còn thể hiện ở chỗ ông coi không gian, thời gian, tính nhân quả cũng như các qui luật của giới tự nhiên không phải là những cái thuộc bản thân giới tự nhiên, mà là sản phẩm của lý tính tiên nghiệm, có trước kinh nghiệm.

Khi nhận xét về tính không nhất quán và mâu thuẫn trong triết học của Cantơ, Lênin cho rằng: Triết học Cantơ có sự dung hòa giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm; thiết lập sự thỏa hiệp giữa hai chủ nghĩa đó, kết hợp lại và đối lập nhau trong một hệ thống triết học của ông.
Như vậy, triết học Cantơ với nội dung hết sức đa dạng phong phú bao trùm nhiều lĩnh vực nhưng còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn mà chính ông cũng không tự giải thích được. Tư tưởng của Cantơ, như ông tự nhận, thật sự là một cuộc đảo lộn Côpecních trong triết học. Hướng triết học từ nghiên cứu tự nhiên - tới con người như một chủ thể, từ tồn tại tới hoạt động. Đây là tiền lý luận của học thuyết Mác sau này về hoạt động thực tiễn của con người như là nền tảng của đời sống xã hội.

Triết học Cantơ đã đặt ra nền móng cho một quan niệm biện chứng về giới tự nhiên và lịch sử, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề sâu sắc cho sự phát triển của triết học phương Tây hiện đại. Nhiều tư tưởng của triết học hiện sinh, chủ nghĩa duy ý chí, triết học thực chứng, hiện tượng học, v.v... đều ít nhiều đều xuất phát từ những tư tưởng của triết học Cantơ.

2. Giócgiơ Vinhem Phridrich Hêghen (Hégel Georg Wilhelm Friedrich 1770-1831)

Hêghen là nhà biện chứng lỗi lạc, bậc tiền bối của triết học Mác. Theo Ăngghen, "Hêghen không chỉ là thiên tài sáng tạo, mà còn là một nhà bác học có tri thức bách khoa, nên trong mỗi lĩnh vực, ông xuất hiện như là một người vạch thời đại".

Là một nhà biện chứng duy tâm khách quan nên triết học của Hêghen đầy mâu thuẫn. Nếu phương pháp biện chứng của ông là hạt nhân hợp lý, chứa đựng tư tưởng thiên tài về sự phát triển thì hệ thống triết học duy tâm của ông lại phủ nhận tính chất khách quan của những nguyên nhân bên trong, vốn có của sự phát triển tự nhiên và xã hội. Ông cho rằng khởi nguyên của thế giới là vũ trụ không phải là vật chất mà là "Ý niệm tuyệt đối". Tính phong phú, đa dạng của thế giới hiện thực là kết quả của sự vận động và sáng tạo của ý niệm tuyệt đối. Ý niệm tuyệt đối tồn tại "khách quan" và vĩnh viễn bên ngoài tự nhiên và con người (ý niệm tuyệt đối = Thượng đế). Hêghen có công trong việc phê phán tư duy siêu hình, ông là người đầu tiên trình bày toàn bộ giới tự nhiên, xã hội và tư duy dưới dạng một quá trình, trong sự vận động và phát triển không ngừng. Trong hệ thống (logic học) Hêghen trình bày có hệ thống các qui luật về lượng chất; phủ định của phủ định v.v...

Trong hệ thống triết học của Hêghen, không phải ý thức tư tưởng phát triển trong sự phụ thuộc vào sự phát triển của tự nhiên và xã hội; mà ngược lại tự nhiên, xã hội vận động phát triển phụ thuộc vào sự phát triển của ý niệm tuyệt đối. Ý niệm tuyệt đối, tinh thần thế giới là tính thứ nhất, giới tự nhiên là tính thứ hai, do ý niệm tuyệt đối và tinh thần thế giới sinh ra và quyết định, là một "sự tồn tại khác" của tinh thần. Sau khi trải qua giai đoạn "tồn tại khác", ý niệm tuyệt đối hay tinh thần thế giới mới trở lại "bản thân mình" và đó là giai đoạn cao nhất, giai đoạn tột cùng, được Hêghen gọi là "tinh thần tuyệt đối".

Trong các quan điểm xã hội, Hêghen đứng trên lập trường chủ nghĩa sô vanh đề cao dân tộc Đức, miệt thị các dân tộc khác, coi nước Đức là "hiện thân của tinh thần vũ trụ mới" muốn duy trì nhà nước Phổ phản động, xem nó như là đỉnh cao của sự phát triển nhà nước và pháp luật. Tuy nhiên, phép biện chứng của Hêghen là mâu thuẫn với triết học duy tâm của ông và là nhân hợp lý đã trở thành một trong những nguồn gốc của triết học Mác.

Phép biện chứng của Hêghen coi toàn bộ thế giới, lịch sử và tinh thần là một quá trình duy nhất đang vận động, biến hóa, phát triển và thay đổi không ngừng. Những mâu thuẫn nội tại đều là nguồn gốc của tự thân vận động. Hêghen đã áp dụng phép biện chứng vào lôgíc và vào việc nghiên cứu những khái niệm và những sự phán đoán. Nhưng ông là người duy tâm, và hệ thống giáo điều phản động của ông và tính hẹp hòi về giai cấp cho nên theo Hêghen bản chất của sự tồn tại nằm trong sự tự thân phát triển của một "ý niệm tuyệt đối" có tính chất thần bí.

Phép biện chứng của Hêghen chưa có những hình thức khoa học. Những hình thức kinh viện và thần bí của phép biện chứng đó đã làm lộn ngược tất cả mọi vật (theo cách ví von của Mác thì phép biện chứng của Hêghen như một cái cây gốc ở trên trời ngọn ở dưới đất, nên cần phải dựng ngược nó lại). Phép biện chứng của Hêghen quay về quá khứ, chứ không hướng vào hiện tại hay tương lai, trong hệ thống triết học Hêghen thì sự phát triển sau khi đạt đến một trình độ nhất định nào đó thì ngưng lại, v.v...

3. Lútvích Phoiơbắc (Ludwig Feuerbach 1804-1872)

Phoiơbách là nhà duy vật nổi tiếng của triết học cổ điển Đức, bậc tiền bối của triết học Mác. Ông sinh năm 1804 trong một gia đình luật sư nổi tiếng ở Đức. Ông theo học ở trường đại học tổng hợp Berlin, tham gia phái Hêghen trẻ (Jeunes - Hégeliens: là những nhà theo chủ nghĩa tự do Đức trong những năm 30 và 40 của thể kỷ XIX, đại biểu của cánh tả gồm những người tư sản cấp tiến trong học phái Hêghen. Mác và Ăngghen những năm 30 cũng hoạt động trong phái này sau cũng như Phoiơbách các ông đã tách khỏi phái này). Các tác phẩm triết học lớn của ông là: "Những nguyên lý của triết học hoặc tương lai" (1843), "Về bản chất đạo cơ đốc" v.v...

Ban đầu Phoiơbách chịu ảnh hưởng lớn của triết học Hêghen, ông tham gia phái Hêghen trẻ, ông tin rằng tôn giáo, các khái niệm của tinh thần thế giới thống trị thế giới hiện thực... về sau do ảnh hưởng của các nhà triết học duy vật Pháp thế kỷ XVIII và sự phát triển của thực tiễn xã hội và khoa học đầu thế kỷ XIX. Ông chuyển sang chủ nghĩa duy vật và nhận thấy những hạn chế của triết học Hêghen, phê phán lại triết học Hêghen. Phoiơbách có công lớn trong việc phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêghen cũng như chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo nói chung, khôi phục vị trí xứng đáng của triết học duy vật. Ông thừa nhận sự tồn tại của thế giới khách quan không phụ thuộc vào ý thức con người, không do ai sáng tạo ra và tồn tại thông qua vận động nhờ mâu thuẫn nội tại bên trong của nó.

Triết học Phoiơbách mang tính nhân bản. Nó chống lại chủ nghĩa nhị nguyên luận về sự tách rời giữa tinh thần và thể xác, ông coi ý thức, tinh thần cũng là một thuộc tính đặc biệt của vật chất có tổ chức cao là bộ óc người. Phoiơbách không chỉ chống lại chủ nghĩa duy tâm, mà tính nhân bản trong triết học của ông còn đấu tranh chống lại những quan điểm duy vật tầm thường, qui các hiện tượng tâm lý, tinh thần về các quá trình lý hóa không thấy sự khác nhau về chất giữa chúng, chẳng hạn coi óc tiết ra tư tưởng như gan tiết ra mật.

Mặt tích cực trong triết học nhân bản của Phoiơbách là sự đấu tranh chống lại những quan điểm tôn giáo chính thống của đạo thiên chúa, đặc biệt quan niệm về thượng đế. Ông cho rằng bản chất tự nhiên của con người là hướng tới cái chân, cái thiện, ông phủ nhận mọi thứ tôn giáo và thần học về một thượng đế siêu nhiên đứng ngoài sáng tạo ra con người, chi phối cuộc sống con người. Triết học của Phoiơbách bộc lộ những hạn chế khi ông đòi hỏi triết học mới - triết học nhân bản, phải gắn liền với tự nhiên thì đồng thời phải đứng trên lập trường của chủ nghĩa tự nhiên để xem xét mọi hiện tượng thuộc về con người và xã hội. Con người trong quan niệm của ông là con người trừu tượng, phi xã hội mang những thuộc tính sinh học bẩm sinh. Triết học nhân bản của ông chứa đựng những yếu tố duy tâm. Ví dụ như quan điểm thay thế thứ tôn giáo tôn sùng một vị thượng đế siêu nhiên, cần xây dựng một thứ tôn giáo mới phù hợp với tình yêu của con người.

Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm của Hêghen, Phoiơbách đã vứt bỏ luôn phép biện chứng của Hêghen. Mặc dù có những hạn chế triết học ông vẫn có ý nghĩa to lớn trong lịch sử triết học và trở thành một trong những nguồn gốc lý luận của triết học Mác.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top