Hide Nguyễn

Du mục số
Nhân vụ người đẹp Stanford Elizabeth Homes của công ty khởi nghiệp 9 tỷ đô Theranos vừa bị tòa tuyên 4 tội lừa đảo, xin gửi đến các bạn đồng nghiệp, dù là khởi nghiệp hay đang làm khoa học, bài dịch bài báo đăng trên Guardian tháng 2 năm 2015 của John Rasko và Carl Power, lý giải tại sao các nhà khoa học trẻ đẹp tài năng lại có thể đi vào con đường lừa đảo.

Link gốc: theguardian.com/science/2015/feb/18/haruko-obokata-stap-cells-controversy-scientists-lie

Năm 2014 là năm của những cực đoan của Haruko Obokata. Một năm của những đỉnh cao cao nhất và vực sâu sâu nhất. Chưa đầy 30 tuổi, cô đã là trưởng phòng thí nghiệm tại Trung tâm Sinh học Phát triển (CDB) của Riken tại Kobe, Nhật Bản. Haruko ào vào thế giới tế bào gốc vốn do đàn ông chủ trì như một cơn lốc. Cô được ca tụng như một người hùng của dân tộc và ngôi sao sáng nhất trên bầu trời khoa học. Nhưng hào quang thật ngắn ngủi và cô đã rơi xuống nhục nhã qua mấy giai đoạn.

Nha khoa học .jpg


Obokata nổi lên Tháng Giêng 2014, khi cô công bố 2 bài báo đột phá trên tạp chí Nature, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Cô và các đồng nghiệp của mình đã trình bày một phương án đơn giản bất ngờ để biến một tế bào cơ thể bình thường (ở đây là tế bào máu của chuột) thành một tế bào gốc có những tính chất của tế bào phôi. Ngâm các tế bào trong dung dịch acid citric loãng độ nửa giờ, và oạch, bạn có thể xóa sạch lịch sử phát triển của nó đưa tế bào về thưở nguyên sơ ban đầu. Giờ thì nó trở thành tế bào gốc đa biệt có thể nhân lên và trở thành bất cứ một loại tế bào nào trong cơ thể.

Phương pháp của Obokata vừa nhanh hơn, dễ hơn một cách khác để tái lập trình lại tế bào, cũng của một nhà khoa học Nhật là Shinya Yamanaka phát minh năm 2006. Cách của Obokata còn ít tổn hại đến tế bào, ngăn ngừa nó trở thành ung thư.

Vì Yamanaka được giải Nobel, nên các phóng viên đều cho rằng Obokata cũng sắp sửa sẽ có vinh quang đó. Ngoài ra vì cô còn quá trẻ, nên các phóng viên còn cho biết thêm cô trang trí phòng thí nghiệm của mình bằng màu hồng, vàng và dán các tranh hoạt hình khắp nơi. Họ còn nói cô không mặc áo choàng trong phòng thí nghiệm mà đeo tạp dề kappogi của bà cô tặng, ngoài giờ làm việc cô cho rùa ăn, tắm rửa, đi mua đồ và hẹn hò bạn trai.

Nhưng Obokata không có nhiều thời gian để tận hưởng hào quang. Vài ngày sau khi công bố bài báo, một số cáo buộc đáng lo ngại xuất hiện trên các blog khoa học và Twiter. Có vẻ như một số hình ảnh trong bài báo được chế lại, và một số đoạn văn bản có biểu hiện đạo văn. Riken tiến hành điều tra và vào ngày 1 tháng Tư, họ tuyên bố Okobata đã có những hành vi sai trái về mặt khoa học.

Media trước vừa tâng cô lên, giờ hùa nhau dìm Haruko xuống. Obokata nức nở xuất hiện trong các buổi họp báo, trước ống kính TV, và cả rừng máy ảnh, xin lỗi, cúi đầu, trả lời rồi lại xin lỗi và cúi đầu…

Obokata xin lỗi vì đủ thứ. Nào là “chưa đủ nỗ lực, chuẩn bị yếu kém, và thiếu kỹ năng”, rồi sai lầm trong phương pháp, quản lý dữ liệu luộm thuộm. Tất cả đều là “các lỗi đáng yêu” do tuổi trẻ và thiếu kinh nghiệm. Nhưng cô phủ nhận là “chế” kết quả và cảm thấy sốc khi các nhà điều tra của Riken kết luận là cô “không chỉ thiếu cảm giác về đạo đức nghiên cứu mà còn sự trung thực và khiêm tốn cần thiết của nhà khoa học”. Hơn nữa, cô khẳng định những tế bào Stap (“stimulus-triggered acquisition of pluripotency”) của cô thực tế vẫn đang tồn tại.

Tuy nhiên, càng ngày càng nhiều nghi ngờ về sự tồn tại của Stap. Không ai trên thế giới có thể lặp lại được thí nghiệm theo phương pháp của Obokata. Ban đầu, các đồng nghiệp đồng lòng ủng hộ cô, nhưng dần dần họ rút lui và đề nghị Nature gỡ bài. Cuối cùng đến tháng Sáu thì Obokota cũng đầu hàng. Cùng với việc gỡ bài, một bằng chứng tai hại nhất đã được tiết lộ: các phân tích di truyền cho thấy những tế bào Stap của Obokata không tương thích với những con chuột được coi là vật chủ của chúng. Qua luật sư của mình, Obokata thừa nhận không hiểu tại sao lại như thế. Nhưng có vẻ giải thích dễ hiểu và cũng đáng buồn nhất: những tế bào Stap của cô thực chất là các tế bào phôi bình thường, chẳng qua là được dán nhãn lại.

Một số người cho rằng Riken đã biến Obokata thành vật tế thần để kiểm soát khủng hoảng. Đúng thế, các bậc cây đa cây đề đồng tác giả với cô được bảo vệ thanh danh. Tuy nhiên họ cũng hứng chịu búa rìu dư luận về việc không kiểm tra công việc của học trò một cách nghiêm túc. Riken cũng thừa nhận toàn bộ hệ thống giám sát đã thất bại, cải tổ lại CDB, sa thải 1 nửa trong số 500 thành viên, đổi tên và thay ban lãnh đạo mới.

Một trong những người bị phê phán nặng nề nhất là Yoshiki Sasai, phó giám đốc của Riken và cấp trên trực tiếp của Obokata, một chuyên gia có uy tín trong ngành tế bào gốc. Ông thừa nhận, “ngập chìm trong xấu hổ”. Đầu tháng 8, sau 1 tháng điều trị trầm cảm trong bệnh viên, nhà khoa học 52 tuổi này đã tự tử trong cầu thang của cơ sở nghiên cứu đối diện với CDB, để lại thư vĩnh biệt, trong đó có dặn dò Obokata: “Hãy tạo lại các tế bào Stap”

Thực tế là Riken cũng đã đề nghị Obo giúp thực hiện di nguyện của Sasai. Họ đã không sa thải mà giữ cô lại với một số điều kiện giám sát để giúp tái tạo lại thí nghiệm của cô. Đến tháng 12, sau 8 tháng nỗ lực, đội xác minh thừa nhận thất bại và Obo, “vô cùng thất vọng” cuối cùng cũng xin thôi việc. Báo cáo cuối cùng của Riken xác nhận Obokata đã xào nấu dữ liệu, và các tế bào Stap của cô hóa ra là các tế bào phôi thật, và việc trộn lẫn kết quả này không phải là ngẫu nhiên, tuy không có bằng chứng chính xác là Obokata là người đã phạm lỗi tày trời trong khoa học này.

Nhưng thế cũng là đủ để đưa Obokata vào hạng các chuyên gia y sinh lừa đảo hàng đầu.

Ví dụ như Hwag Woo Suk. Năm 1984, nhà khoa học mặt chữ điền, hấp dẫn từ Đại học Quốc gia Seul trở thành niềm tự hào của Hàn Quốc khi ông tuyên bố đã nhân bản được tế bào phôi người. Gương mặt tươi cười của ông trên trang nhất báo chí thế giới và bưu điện Hàn Quốc xuất bản hẳn 1 con tem kỷ niệm. Nhân bản cũng là một dạng tái lập trình tế bào, nên công trình của Hwang cũng gây xúc động không kém gì Obokata, hứa hẹn bình minh của ngành sinh học tái tạo, sử dụng tế bào của bệnh nhân để sửa chữa tất cả những cơ quan bị “hỏng hóc” trong cơ thể. Nhưng cuộc điều tra của trường Đại học nơi Hwang làm việc đã phát hiện ra kết quả của ông cũng “giả mạo” như hệt của Obokata. Không một tế bào nào trong số 11 tế bào “nhân bản” của ông tương thích với người cho.

Trong thế kỷ 20, “Wet lab” – nơi các nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm sinh học đã chứng kiến vô khối các scandal. Mà thực ra, chính ngành tế bào học hiện đại được hình thành một vụ lừa đảo khủng khiếp.

Nhân vật trung tâm là Alexis Carrel, một người Pháp thông minh đứng đắn làm việc ở Viện Rockefeller ở New York. Carrel phát hiện ra rằng nếu lấy mấy cái tế bào từ cơ thể sống, nuôi chúng cẩn thận trong một môi trường phù hợp, thì chúng sẽ tiếp tục sống và sinh sôi nảy nở. Sau đó lại tách chúng sang một môi trường khác, tạo được một quần thể mới, lại tách tiếp… Kỹ thuật được gọi là “passaging” này có tầm quan trọng đặc biệt và Carrel đã mở ra một kỷ nguyên nghiên cứu tế bào mới. Đáng tiếc là ông này đã bắt đầu nó với một thí nghiệm đưa ông lên đỉnh cao chói sáng, nhưng sau này được chứng minh hoàn toàn là một đống phế thải.

Ngày 17 tháng Giêng năm 1912, Carrel tách một phôi từ trứng gà, và cắt một mẩu bé tí từ trái tim vẫn còn đang đập của nó, với mục đích là nuôi nó được sống càng lâu càng tốt. Chưa kịp bắt đầu, ông đã tuyên bố với cả thế giới là tế bào tim gà của ông là bất tử. Và không chỉ tim, tất cả các tế bào đều bất tử. Cái chết chỉ xảy ra khi tế bào kết hợp với nhau để tổ chức thành cơ thể. Như vậy, bí kíp bất tử nằm ngay trong mỗi chúng ta, là một tính năng của tế bào – viên gạch sinh học cơ bản xây dựng nên cơ thể. Công chúng và sau đó là giới khoa học hào hứng đón nhận giả thuyết của Carrel.

Carrel và các các cộng sự của mình tuyên bố đã giữ được môi trường của mình sống trong 34 năm, gấp 5 lần tuổi thọ của 1 con gà. Rất nhiều năm sau, cứ đến ngày 17 tháng Giêng, các phóng viên lại viết bài tưởng tượng là trái tim con gà sẽ to bằng từng nào nếu Carrel nuôi giữ tất cả các tế bào của chúng. (Theo 1 số tính toán, nó sẽ phồng ra khỏi Trái đất và choán hết cả hệ Mặt trời).

Vấn đề là không ai có thể lặp lại được thí nghiệm của Carrel. Hết phòng thí nghiệm này đến phòng thí nghiệm khác. Từ năm này sang năm khác. Uy tín của Carrel, người đã đoạt giải Nobel quá cao để không ai dám nghi ngờ ông. Các nhà khoa học chỉ biết tự trách mình khi các tế bào của họ lăn ra chết. Có thể là họ thiếu kỹ năng, có thể là phòng thí nghiệm của họ không đủ tiêu chuẩn. Và bây giờ thì chúng ta mới biết, các nhà khoa học đã thất bại trong việc lặp lại các thí nghiệm của Carrel hóa ra chỉ vì là do họ không đủ kém cỏi và gian lận.

Mãi đến giữa những năm 60, nửa thế kỷ sau khi Carrel bắt đầu chế món “súp” tim gà, giáo điều về sự bất tử của tế bào mới bị sụp đổ. Leonard Hayflick, một nhà nghiên cứu trẻ đầy tham vọng của Viện Wistar ở Philadelphia đã chứng minh được mỗi tế bào trong cơ thể đều có tuổi, và có chính xác số lần nó có thể nhân lên được trong ống nghiệm. Gọi là số Hayflick. Với gà, số đó là 35. Nói một cách khác, một dung dịch tế bào gà có thể nhân lên không quá 35 lần trước khi chúng chết và điều đó sẽ xảy ra trong khoảng vài tháng.

Lúc Hayflick phát hiện được điều đó, Carrel đã chết từ lâu, và món “súp” tim gà bất tử của ông cũng đã bị vứt đi. Điều đó có nghĩa là chúng ta biết thí nghiệm của ông là vớ vẩn, nhưng không biết tại sao ông lại làm thế. Có thể là sự cẩu thả chứ không phải thiếu trung thực. Các nhân viên có thể bất cẩn làm lẫn tế bào gà sống vào trong môi trường nuôi cấy. Điều này cũng có thể xảy ra. Nhưng sai lầm như thế liên tục trong 34 năm đòi hỏi một sự cẩu thả khó tưởng tượng!

Tái thể hiện là hòn đá tảng của khoa học hiện đại. Nếu các nhà khoa học khác chưa lặp lại được nhiều lần thí nghiệm với cùng một kết quả, thì chưa thể nói được điều gì. Ít nhất lý thuyết là như vậy. Thí nghiệm tim gà của Carrel đã cho chúng ta thấy thực tế khác với lý thuyết như thế nào. Đây không chỉ là lỗi của Carrel và phòng thí nghiệm của ông ta. Cả cộng đồng khoa học đã đồng lõa ủng hộ giả thuyết về sự bất tử của tế bào, chỉ dựa trên một thế nghiệm duy nhất, giật gân và không thể lặp lại được.

Ngược lại, Obokata bị “vạch trần” nhanh hơn nhiều. Nó làm chúng ta tin hơn vào khả năng tự chữa lỗi của các nhà khoa học. Internet cũng góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ so sánh kết quả và soi lỗi. Cũng có thể là tiêu chuẩn khoa học giờ đã cao hơn thời Carrel.

Nhưng chúng ta cũng không nên quá vội vui mừng. Hóa ra là đa số các thí nghiệm không bao giờ được thực hiện lại. Rất rất nhiều. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng không khoái lặp lại các thí nghiệm của người khác. Họ có thể là những người đi tìm chân lý, nhưng phải là chân lý mới. Họ muốn trở thành người đầu tiên, hưởng hết mọi vinh quang, xin thêm được tài trợ. Xác nhận hoặc không xác nhận lại những kết quả nghiên cứu khác chẳng mang lại cho họ cái gì. Ngay cả đăng báo cũng khó vì các tạp chí cũng chỉ thích đăng các phát kiến mới.

Hơn nữa, không chỉ đa số các thí nghiệm không được thực hiện lại mà đa số có lẽ cũng không thể lặp lại được. Mệnh đề này có thể gây sốc với những người chưa bao giờ làm việc trong “wet lab”. Còn với những người làm việc ở đó, có lẽ họ cũng đã nghi ngờ từ lâu.

Mấy năm trước, Glenn Begley, một nhà nghiên cứu ung thư tại hãng dược Amgen, quyết định kiểm tra lại mệnh đề trên. Ông cố gắng lặp lại 53 thí nghiệm nổi tiếng trong lĩnh vực của mình, được công bố trên các tạp chí hàng đầu. Và ông hốt hoảng phát hiện ra rằng chỉ có thể xác nhận được 6 thí nghiệm, tương đương với 11%. Các nhà khoa học ở Bayer cũng tiến hành một dự án tương tự cho 67 công trình về tiềm năng trị liệu của thuốc (chủ yếu để chữa ung thư), và chỉ có thể lặp lại được chưa đến 1/4.

Các nghiên cứu của Amgen và Bayer còn quá nhỏ để cho ta thấy bức tranh toàn cảnh, nhưng cũng đủ để minh họa cho một điều mà các nhà nghiên cứu y sinh đã nằm lòng: khả năng lặp lại là bất thường chứ ko phải quy luật. Có quá nhiều lý do cho điều đó. Ngoài việc lừa đảo rõ ràng, còn là các “sai lầm dễ thương” như thiết kế thí nghiệm không cẩn thận, xử lý dữ liệu cẩu thả, thiên kiến trong việc diễn giải các sự kiện, thông tin về kết quả không đầy đủ. Ngoài ra, tất nhiên là sự phức tạp của thế giới thực, ranh mãnh che dấu hơn là bộc lộ cho các con mắt soi mói của khoa học.

Tất cả những điều đó biện hộ cho Obokata. Nhưng ngoài việc “thiếu sự trung thực và khiêm tốn của một nhà khoa học”, cô còn làm điều gi sai? Cứ cho là cô không chỉ bốc phét dữ liệu mà còn tưởng tượng ra sự tồn tại của Stap (khó mà có thể tin khác được), tại sao cô ta không thành công?

Có hai nguyên nhân đập thẳng vào mắt. Đầu tiên, một sự bất cẩn khó tin. Obokata đã sửa các hình ảnh và “đạo” văn trong các bài báo trên Nature của mình một cách khá thô thiển. Che dấu mấy thứ đó cũng không khó lắm mặc dù các tạp chí hàng đầu, được coi là sẽ kiểm tra cẩn thận. Các biên tập viên của Nature giờ chắc đang vò đầu hối hận. Nhưng điều làm chúng ta ngạc nhiên là tại sao Obokata không cố gắng thêm tí nữa để che dấu, đặc biệt là khi liên quan đến vận mệnh khoa học của cô.

Thứ hai, đó là sự kiêu ngạo. Nếu Obokata không muốn trở thành người chính phục thế giới, thì khả năng lớn là sẽ không ai để ý đến lỗi lầm của cô và cô vẫn có một tiền đồ khoa học tươi sáng. Chẳng ai đi lặp lại các thí nghiệm nếu nó không thực sự quan trọng, gây tranh cãi và có khả năng thương mại. Vì Obokata tuyên bố là tế bào Stap có cả 3 yếu tố đó, mọi người mới chạy đua để kiểm tra xem họ có làm được không.

Nhưng có thể “kiêu ngạo” là từ không hoàn toàn đúng. Từ trải nghiệm thực tế của chúng tôi, rất hiếm các nhà khoa học về tế bào gốc có tính cách kiêu hùng, dám chơi tất tay như các nhân vật của Shakespeare. Đa phần đó là các thói quen xấu mà họ nhiễm phải trong quá trình tuột dốc từ từ mà họ không tự nhận ra.

Tất cả bắt đầu từ cám dỗ mà các nhà khoa học thường bắt gặp!
 
Cứ tưởng tượng, bạn mất rất nhiều thời gian, cặm cụi nuôi cấy, thao tác và thử thách các tế bào bằng mọi cách, với một số giả thiết – linh cảm - trong đầu. Bạn tha thiết muốn chứng minh trực giác của mình là đúng, và tiền đầu tư cho bạn là xứng đáng, và bạn không muốn vứt cuộc đời bạn trong áo choàng trắng, dưới ánh đèn neon trắng trong phòng lab trắng một cách vô ích. Và đương nhiên bạn muốn dẫn đầu cuộc đua đầy áp lực. Thế rồi bạn nhận được những kết quả thí nghiệm đáng thất vọng. Và bạn nhìn ra nếu bạn có thể sửa một tí ti, bạn sẽ có dữ liệu mơ ước. Đếm sáng tạo hơn một chút, chỉnh đồ thị đi một chút, bôi màu ảnh đi một chút. Sẽ không có ai nhìn thấy dữ liệu ban đầu nữa. Và giả thuyết - linh cảm của bạn trở thành thực tế! Tin chúng tôi đi, sẽ không nhiều người tránh được cám dỗ đó. (trong một cuộc phỏng vấn ẩn danh, 2% các nhà khoa học thừa nhận họ đã xào nấu dữ liệu, 14% thừa nhận họ chứng kiến đồng nghiệp xào nấu mà không làm gì).

Nhưng, một khi bạn đã bắt đầu đùa giỡn với facts, sẽ rất khó để dừng lại. Vì bạn chợt nhận ra, hóa ra qua mặt các đồng nghiệp không khó lắm. Chưa kể bạn được sự ngưỡng mộ của họ, tăng khả năng được công bố, thăng tiến và thêm tiền đầu tư. Có khi bạn còn cảm giác kích động vì rủi ro. Nhưng việc càng ngày càng phức tạp. Mọi người chờ đợi bạn xây tiếp trên thành tích cũ, và cần phải tưởng tượng thêm các dữ liệu mới để chúng phù hợp với dữ liệu cũ. Khi dự án phình ra, sẽ nhiều người tham gia vào, và bạn phải kiểm soát sự đóng góp của họ. Sẽ có nhiều người soi qua vai bạn. Đổi lại bạn có thêm sự tin cậy nhờ uy tín của họ.

Có vẻ như Obokata cũng khá lão luyện trong trò này. Cô đã tuyển dụng một số lão làng trong ngành nhân bản và nghiên cứu tế bào gốc và điều khiển họ tốt đến mức, khi có sự nghi ngờ, họ lập tức nhảy ra bảo vệ và tuyên bố họ đã độc lập kiểm tra lại các thí nghiệm của cô. Ít nhất là họ tin như vậy. Các điều tra sau này cho thấy chính Obokata đã giúp họ kiểm tra thí nghiệm của cô.

Còn các đồng nghiệp Mỹ của Obokata thì sao? Cụ thể là Charles Vacanti, đồng tác giả chính của các bài báo về tế bào Stap. Người đàn ông đẹp giai tóc bạc miền Trung Tây nước Mỹ, trưởng Khoa gây mê của Bệnh viện Phụ nữ Brighham, Boston, cũng góp phần làm rối tung sự việc không kém gì Okobota. Ngay từ đầu, ông ta đã tuyên bố có thể lặp lại các thí nghiệm của Obo, ngay cả với tế bào người, mặc dù không đưa ra bằng chứng gì cả. Thay vào đó, ông công bố trên mạng một công thức dung dịch khác vào giữa tháng Ba (thời điểm Riken bắt đầu điều tra) và thuyết phục cộng đồng là nếu ông tạo được Stap thì ai cũng có thể tạo được.

Rất đáng tiếc là ý tưởng đáng yêu đó lại phản tác dụng. Không ai có thể làm theo công thức của ông. Mọi người đang chờ đợi Vacanti làm việc ngày đêm để giúp họ, thì đúng một cái, ông xin nghỉ phép 1 năm. Phải chăng là ông mất niềm tin vào Stap. Chắc không phải thế, vì sau đó ông lại đưa ra một công thức khác, tuyên bố là “sẽ tăng cơ hội thành công”. Và vẫn chẳng ai thành công cả.

Cần nhấn mạnh vai trò của Vacanti trong vụ bê bối này vì khái niệm Stap xuất phát đầu tiên từ trí tưởng tượng của ông. Hơn một chục năm ông linh cảm là các tế bào gốc đa biệt nằm ngay trong các mô của động vật, chỉ cần chờ lệnh là hành động. Nhưng ông không thể thuyết phục được ai tin vào ý tưởng vĩ đại đó. Vì ông không đủ uy tín. Ông là 1 chuyên gia gây mê và công trình mô nổi tiếng nhất của ông là ghép một cái tai lên lưng con chuột (thuật ngữ tai tiếng “chuột tai của Vacanti”)

Thế rồi năm 2008, Obokata đến phòng thí nghiệm với tư cách thực tập sinh mang theo các kỹ năng và các chứng chỉ mà ông đang cần. Họ tiếp tục hợp tác với nhau sau khi Obokata trở về Nhật Bản. Nhờ cô giúp đỡ, Vacanti lặp lại các thí nghiệm và khởi động lại giả thiết của mình: động vật không cần dự trữ nhiều tế bào gốc đa biệt, khi nào có tác động bên ngoài, chúng sẽ tự sản xuất ra. Các tế bào Stap sẽ là minh chứng cho giải thiết này, tương đương với các tế bào gốc do cơ thể sản sinh khi cần thiết.

Có phải Obokata bắt đầu xào nấu dữ liệu để làm hài lòng thầy hướng dẫn mình? Liệu Vacanti có lúc nào nghĩ là kết quả của cô học trò là quá đẹp để có thể tin? Dù gì chăng nữa, tế bào Stap là quái thai chung của họ.

Bạn có thể ngạc nhiên là tại sao Vacanti không phải hứng chịu búa rìu như Obokata? Và tại sao Bệnh viện Brigham không theo gương Riken công khai tự kiểm điểm và chịu các hình phạt.

Câu trả lời khá đơn giản: ở Mỹ, các điều tra về sai trái trong nghiên cứu khoa học thường được tiến hành bí mật. Rất nhiều khả năng là Brigham đã tiến hành điều tra nội bộ, nhưng khác với Riken, có lẽ không bao giờ chúng ta biết được diễn tiến của nó, trừ khi kết luận được công bố.

Câu chuyện tế bào Stap có lẽ vẫn chưa khép lại.
 
Ở Việt Nam chắc hẳn rất nhiều người biết tới Nguyễn Tường Lan Thy với danh xưng " em bé ống nghiệm" xinh đẹp và tài năng nhưng nghi án Lan Thy hớt tay trên công trình nghiên cứu của bạn mình đã trở thành vết nhơ không thể xóa nhòa... riêng với cá nhân tôi, tôi cực lực phản đối việc ăn cắp dù vì bất cứ lý do gì
 
Ở Việt Nam chắc hẳn rất nhiều người biết tới Nguyễn Tường Lan Thy với danh xưng " em bé ống nghiệm" xinh đẹp và tài năng nhưng nghi án Lan Thy hớt tay trên công trình nghiên cứu của bạn mình đã trở thành vết nhơ không thể xóa nhòa... riêng với cá nhân tôi, tôi cực lực phản đối việc ăn cắp dù vì bất cứ lý do gì
Chắc là chưa có điều kiện để "ăn cắp" thôi kk
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top